|
Rau muống - Ảnh: Minh Khôi |
Rau muống là loại rau dân dã rất quen thuộc trong các bữa ăn, chế biến nhanh, đơn giản nhưng dùng ngon miệng, được nhiều người ưa thích. Theo lương y Vũ Quốc Trung, trong rau muống chiếm phần lớn là nước, còn có vitamin C, B, chất sắt, và chứa nhiều chất xơ... Rau muống dùng thích hợp và có lợi cho đường ruột (trực tràng), và người có bệnh tiểu đường.
Theo y học cổ truyền, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn (lạnh), nhưng khi nấu chín thì tí́nh lạnh sẽ giảm bớt đi. Khi dùng, các vị và tính của rau muống đi vào các kinh, tâm, can, tiểu trường, đại trường. Rau muốn có công dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị nhiễm các chất độc từ nấm độc, cá, thịt độc, khuẩn độc, hoặc độc tố của côn trùng...
Một số cách chế biến
Theo lương y Trần Kiết thì với mùa hè, rau muống là thuốc giải nhiệt, và rau muống thường đi cặp với chanh để giải nhiệt. Khi làm lụng trong thời tiết nắng nóng, đổ mồ hôi nhiều, lấy rau muống và sấu nấu cùng nhau, cho vào ít chanh sẽ bổ sung lại chất khoáng và vitamin C cho cơ thể. Hoặc có thể giải nhiệt bằng nước luộc rau muống vắt vào một tí chanh, muối để dùng.
Còn lương y Vũ Quốc Trung hướng dẫn: Rau muống luộc cho thêm chút muối còn là vị thuốc thanh nhiệt giải độc trong ngày hè nắng nóng, và có công dụng chống táo bón, thích hợp cho người huyết áp cao, nhịp tim nhanh. Để thanh nhiệt, ù tai, chóng mặt hoặc chữa chảy máu mũi lấy 150-200g rau muống, và 12g cúc hoa đem nấu với một ít nước, gạn lọc lấy nước dùng trong ngày, có thể cho thêm ít đường tùy thích.
Để chữa kiết lỵ thì dùng một ít cọng rau muống tươi, và một ít vỏ quýt (loại để khô lâu năm càng tốt) đem nấu (nấu lửa nhỏ), để lấy nước uống trong ngày. Với những người có bệnh trĩ, có thể dùng khoảng một lạng rau muống rửa sạch đem nấu cho thật nhừ để lấy nước, rồi cho vào một ít đường nấu tiếp cho đến khi sánh lại gần giống mạch nha thì dùng (mỗi ngày dùng hai lần, mỗi lần khoảng 100g).
Hạ Mai