Với việc tổ chức Đại hội kết tập kinh điển lần thứ II tại Vaisali, Tăng đoàn đã chia thành mười hai bộ phái khác nhau. Kim Cương thừa và Đại thừa là được phát triển từ hai trong số những bộ phái đó.
Ở Ladakh, Kim Cương thừa tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi các phái đoàn truyền bá Phật giáo của Hoàng đế Asoka đến truyền đạo.
Đường tới Ladakh
Ladakh là một vùng đất không giống như các vùng khác, ở đây có nét thần bí, hoang sơ và hẻo lánh. Vùng đất này được bao quanh bởi các đỉnh núi phủ tuyết trắng, những đỉnh núi gồ ghề mang dấu ấn của gió, thời gian và băng tuyết.
Ngày nay Ladakh vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên và có thể được xem là vùng Shangri-La cuối cùng của Ấn Độ.
Trong nhiều thế kỷ, Ladakh nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại lớn, mặc dù địa hình trắc trở. Các đoàn thương nhân đi băng qua những khe núi. Họ mang trà, thuốc lá và các khoáng chất đến bán và đổi lại lụa, gia vị, nghệ tây, thổ cẩm và khăn choàng.
Trên đường xa lộ chính dẫn đến Kargil ở Shey, thủ phủ của Ladakh, hành khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh của Sindhu (sông Indus) và thung lũng Indus, nơi nền văn minh bắt đầu từ hơn 5.000 năm trước Tây lịch, trong thời đại tiền Aryan.
Ở Ladakh có khoảng 30 tu viện thuộc truyền thống thực hành Kim Cương thừa. Hemis là tu viện lớn nhất ở đây.
Mỗi mùa hè, tu viện Hemis có tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ngài Liên Hoa Sanh, đại hành giả đã truyền Phật giáo Kim Cương thừa đến Ladakh.
Mỗi gia đình ở Ladakh đều cho một người con trai của mình xuất gia làm Lạt-ma và thọ giới. Người con trai năm, sáu tuổi được gửi tới các tu viện và được giáo dục, đào tạo như các vị sư. Cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác.
Phật giáo hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của người dân chứ không phải chỉ diễn ra vào những ngày lễ. Điều này được thể hiện rõ qua việc tất cả mọi người dân đều tham gia vào các lễ hội và lễ nghi tôn giáo.
Một góc Ladakh
Một ngày quan trọng trong lịch của Ladakh là ngày Tết - Lễ hội Losar. Lễ hội này được tổ chức cùng với người thân trong gia đình và bạn bè thông qua việc ăn Tampa (bột lúa mạch rang) và uống Chang (một loại thức uống được làm từ lúa mạch lên men).
Một ngày quan trọng khác của lễ hội là khi rước kinh điển từ tu viện. Người dân thể hiện sự kính cẩn và đoàn diễu hành lần lượt dừng lại tại các hộ gia đình nơi mà người dân cung cấp nước giải khát cho những người tham gia đoàn rước.
Vào những dịp lễ hội ấy không gian đầy màu sắc và luôn có âm nhạc cùng các vũ điệu truyền thống. Dân chúng và các em học sinh xếp hàng trật tự và lần lượt nhận sự chúc phúc, ban phước của các vị Lạt-ma. Ladakh là một xã hội không có giai cấp.
Ladakh là một vùng sa mạc lạnh và cao, có lượng mưa rất ít và thảm thực vật mỏng xung quanh Sindhu.
Mùa đông ở Ladakh thường kéo dài và rất lạnh. Cho nên nhà dân được xây dựng theo cách có thể giữ nhiệt tốt. Suốt 6 tháng mùa đông, người và súc vật sống chủ yếu ở trong nhà. Trong sáu tháng mùa đông khắc nghiệt ấy, người phụ nữ Ladakh ở nhà quay sợi, cung cấp sợi cho hàng may mặc và các loại thảm dày, thảm mỏng.
Mặc dù đất đai là sa mạc cằn cỗi và những ngọn núi cao, nhưng với sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật pháp vào trong đời sống thường nhật của mọi người dân, từ sự thực hành pháp họ đã có được năng lượng dồi dào để sống hạnh phúc, an lạc giữa những khắc nghiệt của tự nhiên. Năng lượng hạnh phúc đó được thể hiện qua giao tiếp thân thiện, những nụ cười bình an xuất phát từ sự an định của đời sống nội tâm.
Minh Nguyên
(Theo Lanka Daily News)