LỜI GIỚI THIỆU SÁCH
Cầm quyển Chùa Việt Nam hải ngoại tập một, do anh Võ Văn Tường và Từ Hiếu Côn kính biếu, giở từng trang, nhìn từng hình ảnh của những ngôi chùa, đọc từng tên của ngôi Tam Bảo, do quý Chư Tăng Ni thành lập, hay Phật tử phát tâm hộ pháp, mà thấy lòng kính trọng, quí mến việc làm của anh Võ Văn Tường và Từ Hiếu Côn. Việc làm mang tính văn hóa ngàn năm cho Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Việc làm này chỉ có người Việt Nam Phật tử có tấm lòng thương Phật thương chùa, và ý thức một cách sâu sắc về giá trị thực dụng của nền văn hóa giác ngộ làm lợi lạc cho con người mà phát tâm cống hiến hết cả công sức, thời gian... để bảo trì và phát huy nền văn hóa cao đẹp này.
Giá trị của quyển sách không phải chỉ ở hình thức, màu sắc, bốn ngôn ngữ: Việt, Anh, Hán, Nhật, mà còn mang tính tâm linh có chiều sâu của các ngôi Tự viện. Để từ đó, chúng ta cảm nghĩ: Bao nhiêu thời gian, công sức, tịnh tài của Phật tử đã phát tâm để hoàn thành những ngôi chánh điện, quả thật công đức vô lượng. Sở dĩ nói như thế không thái quá, mà những ngôi Tự viện sẽ lưu lại nhiều thập kỷ cho mai sau, để cho bao nhiêu thế hệ con em và người dân bản xứ biết đến Phật pháp; rồi tu trì giữ gìn giềng mối Đạo, hay chỉ có một chút phát tâm tín thành đối với ngôi Tam Bảo là phước đức rồi. Từ những suy nghĩ nói trên, cho chúng ta vài cảm nghĩ:
Thứ nhất: Phật giáo Việt Nam thực sự có mặt nơi hải ngoại vỏn vẹn trên dưới ba mươi năm. Trong ba mươi năm này, chư Tăng Ni thể hiện đạo phong để bảo lưu nền Phật Việt, mở Đạo tràng, thiết lập Pháp hội, tu trì theo hành trạng của Chư vị Lịch đại Tổ sư. Và cũng chính nhờ tâm niệm ấy mà hôm nay, hàng ngàn ngôi chùa đã được thành tựu viên mãn khắp các quốc gia trên thế giới, từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây đều có mặt trong quyển Chùa Việt Nam hải ngoại này.
Riêng về sự hộ pháp đắc lực của người Phật tử, phải nói rằng một công đức quá to lớn. Dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, quốc gia nào, trú xứ nào, người Phật tử Việt Nam luôn thể hiện tấm lòng phụng sự Phật pháp được hưng thịnh. Đây chính là điểm son mà những trang lịch sử Phật giáo Việt không thể không viết. Viết để cảm ơn tất cả những tấm lòng cao quí vì Phật pháp của người Phật tử Việt Nam.
Thứ hai: Việc làm của anh Võ Văn Tường và Từ Hiếu Côn đã ghi lại và đánh dấu cho một chặng đường lịch sử Phật giáo Việt Nam hoằng truyền nơi hải ngoại. Tiểu sử của những ngôi chùa được ghi rõ: xây dựng năm nào, tọa lạc ở đâu, viện chủ là ai. Từ đó đã bảo lưu được chứng tích lịch sử của ngôi chùa và nói lên được con đường hoằng pháp thực hữu, thực dụng nơi Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại này. Mỗi ngôi chùa tại địa phương đã là nơi xây dựng một đời sống tâm linh cho cộng đồng Phật tử nơi đó. Do vậy, hình ảnh của những ngôi chùa trong quyển Chùa Việt Nam hải ngoại là tiềm năng làm xốc dậy tấm lòng hộ pháp mà cũng là động cơ thúc đẩy hơn nữa niềm tự tin của người Phật tử đối với con đường hoằng pháp nơi đây.
Thứ ba: có được một niềm vui chân thật, khi đi tới đâu thấy được chư Tăng Ni, hay Phật tử cầm đọc quyển Chùa Việt Nam hải ngoại, biểu tỏ trên khuôn mặt một niềm bình an hoan hỷ. Bình an ở chỗ là nơi nơi đều có chùa làm đạo tràng tu học cho Phật tử mà giữ được con đường đạo đức, lễ nghi, ngỏ hầu thăng tiến trên đạo lộ giác ngộ, giải thoát. Hoan hỷ ở chỗ là có được một tác phẩm quí giá, bảo tồn được nền văn hóa Phật Việt trong một phần nào để cho tất cả Phật tử được đọc, được thấy, dù người Phật tử ấy không có phương tiện đi xa mà vẫn thấy các ngôi chùa của các quốc gia, châu lục khác. Đây là sự hoan hỷ chân thật đã biểu tỏ trên từng nét mặt khi chúng tôi có dịp tiếp xúc.
Vài cái nhìn đơn sơ, khái quát, chúng tôi chân thành kính giới thiệu quyển Chùa Việt Nam hải ngoại tập một đến chư vị thiện hữu tri thức, cùng quí Phật tử. Sự giới thiệu này chỉ là tấm lòng biết ơn đến với anh Võ Văn Tường và Từ Hiếu Côn mà thôi. Còn sự giới thiệu thực dụng đó là quí Phật tử cầm trên tay quyển Chùa Việt Nam hải ngoại, giở từng trang, đọc từng dòng, nhìn từng hình ảnh mái chùa thương yêu thì chừng ấy mới thẩm thấu được những cái gì cao quí đang tồn đọng trong quyển Chùa Việt Nam hải ngoại tập một này.
Chân thành tri ân hàng vạn tấm lòng hộ pháp của người Phật tử. Kính chúc chư vị thiện hữu tri thức cùng quí Phật tử vô lượng an khang, cát tường như ý, để tiếp tục xiển dương Phật pháp ngày một hưng long.
San Diego, Chùa Phật Đà
Ngày 01 tháng 10 năm 2014
Thích Nguyên Siêu
============================
LỜI GIỚI THIỆU SÁCH
Vừa nhận được quyển Chùa Việt Nam hải ngoại tập I do Đạo hữu Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường và Đạo hữu Từ Hiếu Côn, Giám đốc nhà xuất bản Hương Quê tại San Jose, California, Hoa Kỳ gửi đến tặng cho chúng tôi ngày hôm qua (09.9.2014). Cảm tưởng đầu tiên khi nhận được quyển sách nầy là vui mừng khi được thấy một tác phẩm lớn đã được hình thành nơi hải ngoại ngày nay để giới thiệu với Phật tử cũng như chư Tôn đức khắp năm châu về những hình ảnh chùa chiền trong một chiều dài lịch sử của nhiều năm tháng, khi người Phật tử Việt Nam của chúng ta có mặt tại xứ người.
Sách dày 728 trang cộng với 4 trang bìa. Bên trong sách tập I nầy, các tác giả đã giới thiệu 72 ngôi chùa hiện có trên 4 châu lục ngày nay. Ví dụ như Á Châu 5 chùa, Âu Châu 4 chùa, Úc Châu 4 chùa, và 59 chùa thuộc Mỹ Châu gồm Canada và Hoa Kỳ. Có cả 2.800 tấm hình màu thật sinh động giới thiệu tổng quát về mỗi tự viện cũng như cách thờ tự và sinh hoạt của mỗi chùa tại mỗi địa phương khác nhau. Chùa nào cũng có ghi lại đầy đủ về địa chỉ, số điện thoại liên lạc và một bài giới thiệu về lịch sử của ngôi chùa ấy bằng 4 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Nhật. Đây có thể nói là một tác phẩm đầu tiên được xuất bản tại ngoại quốc bằng nhiều ngôn ngữ như thế, nhằm giới thiệu với người Việt và bạn bè khắp năm châu về hình ảnh chùa chiền cũng như sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại ngày nay.
Kết quả có được nầy là do công lao của Đạo hữu Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đã miệt mài liên lạc bằng E-mail với những nơi mà Đạo hữu ấy chưa đến được, nhằm thu thập hình ảnh và sử liệu của ngôi chùa. Ngoài ra, những ngôi chùa ở Hoa Kỳ và Á Châu, hầu hết đều do Đạo hữu thân chinh đến nơi để ghi lại những hình ảnh sống động, nhằm giới thiệu với bạn bè đó đây. Phải có cái TÂM mới thực hiện được việc nầy. Nhà xuất bản Hương Quê của Đạo hữu Từ Hiếu Côn cũng đã chi ra một số tiền không nhỏ để in ấn tác phẩm giá trị nầy. Do vậy chúng tôi nghĩ rằng: mỗi chùa có hình ảnh trong tập sách nầy, chư Tôn đức Trụ trì hay những vị trong Ban Trị sự của chùa nên thỉnh nhiều cuốn để làm tư liệu cho chùa mình và biếu tặng cho những Phật tử có công với chùa lâu nay, cũng là một điều đáng nên làm.
Được biết, nếu các chùa thỉnh với số lượng nhiều thì mỗi quyển giá 30 USD chưa kể cước gửi. Nếu thỉnh riêng lẻ, giá thành mỗi cuốn là 40 USD cũng chưa kể cước gửi. Mọi việc liên quan về vấn đề thỉnh quyển sách nầy, xin quý vị liên lạc về Nhà xuất bản Hương Quê Inc. 2290 Ringwood Ave., Ste. E, San Jose, CA 95131, USA. Tel. +(408) 433-0078, 433-0098. Fax: +(408) 433-0008. Website: www.huongque.net; Email: huongque@sbcglobal.net, vvtuong04@yahoo.com.
Mong rằng quý vị sẽ được như ý khi chính mình tự lật ra từng trang sách để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại ngày nay.
Xin trân trọng giới thiệu.
Thích Như Điển
Phương trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.