Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Tác Giả Authors
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Giáo Sư, Thi Sĩ Phạm Công Thiện Pháp Danh Nguyên Tánh từ trần

10 Tháng Ba 201100:00(Xem: 21889)
Giáo Sư, Thi Sĩ Phạm Công Thiện Pháp Danh Nguyên Tánh từ trần

KHẤP BÁO

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

 

Giáo Sư, Thi Sĩ Phạm Công Thiện Pháp Danh Nguyên Tánh

Sinh ngày 01 tháng 6 năm 1941

Vừa an nhiên từ trần lúc 6:30 chiều Thứ Ba ngày 08/3/2011 tại Tư Gia

Hưởng thọ 71 tuổi

Tang Lễ sẽ được thực hiện tại nhà quàn Thiện Tâm

Garden Oaks Funeral Home

13430 Bellaire Blvd,

Houston, Texas 77083 (713) 679 – 0111

- Lễ Nhập Liệm lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy ngày 12/3/2011

- Lễ Hoả táng lúc 1:30 chiều Chủ Nhật ngày 13/3/2011

 phamconthienmed

Thay mặt Tang quyến thành kính khấp báo

Phạm Phong Sương

Điện thoại liên lạc: (281) 292 - 7489 hay (714) 757 - 6434

caobachtangle

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI tại ÚC ĐẠI LỢI - TÂN TÂY LAN
The Unified Vietnamese Buddhist Congregation Of Australia - New Zealand
HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
* Văn Phòng Hội Chủ, Chùa Pháp Hoa, 20 Butler Ave, Pennington, SA 5013, Australia
Tel 08-84478477 ; Fax 08-82401758 ; Email phaphoanamuc@yahoo.com
* Văn Phòng Tổng Thư Ký, Chùa Pháp Quang, 12 Freeman Rd, Durack, QLD 4077, Australia
Tel 07-33721113 Mobile 0402-442431 Fax 07-33729988 
Email thnhattan@yahoo.com.au ; www.phatgiaoucchau.com

SỐ 47-03/HĐĐH/TTCĐT PHẬT LỊCH 2554, ngày 11 tháng 3 năm 2011

 

TRI TÁN CÔNG ĐỨC THƯ

Giáo Hội Phật Giáo VNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi—Tân Tây Lan vừa nhận được Cáo Bạch của Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Khấp Báo của Đạo hữu Phạm Phong Sương – Gia đình Tang Quyến, được biết Đạo hữu Giáo sư Phạm Công Thiện, Pháp danh Nguyên Tánh, sanh năm Tân Tỵ 1941 tại Mỹ Tho, Việt Nam, đã xả thân tứ đại ngày 08 tháng 3 năm 2011, nhằm Mồng 4 tháng 02 Tân Mão, tại Thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 71 tuổi.

Lễ Nhập Liệm ngày Thứ Bảy 12 tháng 3 ; Lễ Hỏa Táng ngày Chủ Nhật 13 tháng 3 năm 2011, tại Nhà quàn Thiện Tâm, Thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Đạo hữu Giáo sư Phạm Công Thiện là một học giả Phật Giáo và là một học giả Việt Nam. Học vị Tiến sĩ Triết học tại Đại học Sorbourne, Pháp. Nguyên - Giáo sư Triết học Đại học Toulouse, Pháp ; Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học & Khoa Học Nhân Văn Đại Học Vạn Hạnh (1966-1970) ; Chủ biên Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh – Sài Gòn ; Giáo sư Phật Học các Học Viện, Cao Đẳng Phật Học – Hoa Kỳ ; và Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ - Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo.

Vẫn biết sinh tử như quán trọ, người con Đức Phật mặc áo sắc không vào dòng chuyển hóa, hành giả Đạo Phật như nhạn quá tầng không. Nhưng sự ra đi của Đạo hữu là một mất mát và luyến tiếc to lớn cho Phật Giáo Việt Nam trong nước ngoài nước nói chung, đối với Gia đình Tang quyến nói riêng. Đạo hữu Giáo sư Phạm Công Thiện thật xứng đáng để đi vào lịch sử Phật Giáo như quý Đạo hữu Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Học giả Đoàn Trung Còn, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, vân vân…

Để tưởng nhớ, tán dương công đức, ghi nhận công hạnh, Phật Giáo Úc Châu chúng tôi nhất tâm cầu nguyện Chơn linh Đạo hữu trực vãng Tây Phương, chia sẻ những ai đã đi vào biển tuệ văn chương triết học của Giáo sư, gởi lời phân ưu cùng Gia đình Đạo hữu phạm Phong Sương và Tang quyến. 

NAM MÔ LẠC BANG GIÁO CHỦ ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT

Đồng Tri tán Công đức:
- Chư Tôn Giáo Phẩm Tăng Ni Phật Giáo Úc Châu

 

 

GS Phạm Công Thiện:
Ra đi An Lạc Trong Thiền Định

(03/11/2011) (Xem: 2143)

 

GS Phạm Công Thiện: Ra đi An Lạc Trong Thiền Định; Lễ Cầu Siêu Tại Chùa Viên Thông, Bellflower, Vào Chủ Nhật, 13-3

Nhà Thơ, Giáo Sư Phạm Công Thiện tại Tòa Soạn Việt Báo. (Hình Việt Báo, chụp vào tháng 11 năm 2009.)

WESTMINSTER (VB) -- Theo Cáo Bạch của GHPGVNTNHK ngày 9 tháng 3 và Khấp Báo của gia đình ngày 10 tháng 3, Thi Sĩ, Giáo Sư Phạm Công Thiện, Pháp Danh Nguyên Tánh, đã mãn phần vào lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại tư gia, Thành Phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.
Theo Wikipedia bản tiếng Việt, và một số tài liệu từ các bài viết về ông trên sách báo và trang mạng, Giáo Sư Phạm Công Thiện sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho. Ông là một thiên tài về ngôn ngữ học. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, Đức, Phạn, Latinh, Tây Tạng, v.v... Năm 16 tuổi ông đã xuất bản cuốn Tự Điển Anh Ngữ Tinh Âm, và dạy Anh ngữ tại nhiều trường ở Sài Gòn.
Ông sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa Giáo rất thuần thành. Nhưng, sau khi theo đạo Phật ông đã chuyển hóa nhiều thân nhân trong gia đình quy y theo Phật. Ông có người em trai cũng quy y với Hòa Thượng Thích Trí Thủ với Pháp Danh là Thích Nguyên Văn, hiện sống tại Úc. Các người con của ông đều quy kính và tin Tam Bảo.
Năm 1963, sau “một cuộc khủng hoảng tinh thần,” theo ông kể, ông đã ra Phật Học Viện Hải Đức tại Nha Trang xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Giám Viện PHV Hải Đức lúc bấy giờ. Ông được Hòa Thượng Thích Trí Thủ ban cho Pháp Danh là Nguyên Tánh. Cũng trong thời gian này ông chuyên tâm nghiên cứu về Phật Học và viết cuốn sách về Phật đầu tiên là “Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma,” năm 22 tuổi.
Năm 1966, Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, mời ông về dạy và giúp phát triển hệ thống giáo dục cao cấp đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam. Về Vạn Hạnh, ông đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các Phân Khoa của Vạn Hạnh, từ năm 1966 tới năm 1970. Và cũng thời gian này ông đảm nhận chức vụ Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Vạn Hạnh. Ông cũng là một trong những vị sáng lập và chủ trương Tạp Chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh, tờ báo đã trở thành biểu tượng tri thức sáng chói một thời của Miền Nam trước năm 1975.
Năm 1970, ông rời Việt Nam và sống tại các nước Israel, Đức rồi Pháp. Thời gian này ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne ở Pháp. Sau đó làm giảng sư thực thụ về Triết Học Tây Phượng tại Đại Học Toulouse ở Pháp. Và cũng trong thời gian này ông lập gia đình.
Năm 1983, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Trú Trì Chùa Việt Nam, Los Angeles, bảo lãnh ông sang Mỹ. Tại đây ông giảng dạy Phật Học tại Trường Đại Học Đông Phương và nhiều Học Viện Phật Giáo khác tại California, Hoa Kỳ.
Năm 1996, ông được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, thỉnh cử vào chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa.
Từ năm 2005 đến nay, ông dời về sống tại Thành Phố Houston, Texas. Thỉnh thoảng ông sang Nam California để nhập thất tại Chùa Viên Thông, Thành Phố Bellflower.
Những năm sau này ông chuyên viết về Phật Học.
Ông tham gia vào sinh hoạt văn học rất sớm. Trước khi rời Việt Nam sang Tây, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, v.v...
Tại hải ngoại ông đã cộng tác và có bài đăng trên nhiều báo chí như Người Việt, Việt Báo, Thế Kỷ 21, v.v...
Theo lời kể của nhà thơ Lê Giang Trần, người ở kề cận khi ông qua đời, rằng ông đã biết trước giờ ra đi, nên đã dặn dò mọi việc, rồi sau đó vào thiền định, trì chú và xả bỏ báo thân vào lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 8 tháng 3 năm 2011.
Những tác phẩm của ông gồm có:
* Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964),
* Ý thức mới trong văn nghệtriết học (1965),
* Ngày sinh của rắn (1967),
* Trời tháng Tư (1966),
* Im lặng hố thẳm (1967),
* Hố thẳm của tư tưởng (1967),
* Mặt Trời không bao giờ có thực (1967),
* Bay đi những cơn Mưa Phùn (1970),
* Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988),
* Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật Giáo (1994),
* Triết lý Việt Nam về sự vượt biên (1995),
* Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ Tát,
* Sáng rực khắp bốn phương Trời (1998),
* Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật Giáo (1998),
* Trên tất cả đỉnh cao là Im Lặng,
* Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử,
* Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết học là gì?,
* Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzche.
Ông cũng đã dịch một số tác phẩm như:
* Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968),
* Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968),
* Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969),
* Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969),
* Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991), v.v...
Theo Khấp Báo của gia đình, Tang Lễ của Giáo Sư Phạm Công Thiện diễn ra như sau:
Tang Lễ sẽ được thực hiện tại nhà quàn Thiện Tâm
Garden Oaks Funeral Home
13430 Bellaire Blvd,
Houston, Texas 77083 (713) 679 – 0111
- Lễ Nhập Liệm lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy ngày 12/3/2011
- Lễ Hoả táng lúc 1:30 chiều Chủ Nhật ngày 13/3/2011.
Thay mặt Tang quyến thành kính khấp báo
Phạm Phong Sương
Điện thoại liên lạc: (281) 292 - 7489 hay (714) 757 - 6434.
Tại Nam Cali, một buổi lễ cầu siêu cho Giáo Sư Phạm Công Thiện sẽ được tổ chức vào lúc 11 sáng Chủ Nhật, ngày 13 tháng 3 năm 2011, tại Chùa Viên Thông, 15933 Clark Avenue, Bellflower, CA 90706. Tel. (562) 867-8929.

Vietbao

 

 

 GIÁO SƯ PHẠM CÔNG THIỆN
MỘT NHÂN CÁCH LỚN VĂN HÓA & GIÁO DỤC
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM (1)

 

Nhận được tin giáo sư Phạm Công Thiện (Từ đây xin được đọc là Đạo Hữu –ĐH) vừa tạ thế tại Mỹ ,tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng và kính tiếc .Có thể nói, Đ.H là một nhà hoạt động văn hóagiáo dục lớn, đóng góp rất nhiều cho Phật giáo Việt Nam thời hiện tại

Thời thanh niên trai trẻ của tôi khi còn sinh hoạt trong màu áo GĐPT và HSPT, cái tên Phạm Công Thiện luôn khiến tôi chú ý trên các văn đàn Phật giáo, tuy lúc ban đầu tiếp cận luồng tư tưởng của Đ.H tôi hoàn chưa hiểu nhiều. Sau này khi có nhiều điều kiện tiếp xúc hơn tôi mới chợt nhận ra và luôn tự hào về Đ.H và cho Phật giáo VN có được một nhân tài như thế . 

Đ.H sinh ngày 1.6.1941 tại Mỹ Tho, Nam Bộ. Là một thiên tài về ngôn ngữ học, thông thạo rất nhiều thứ tiếng nước ngoài. Năm 16 tuổi Đ.H đã có công trình được xuất bản đầu tiên là “Từ Điển Anh Ngữ Tinh Âm”, và là vị giáo sư trẻ tuổi nhất thời bấy giờ được mời dạy Anh ngữ trong rất nhiều trường ở Saigon . 

Đọc phần lý lịch của Đ.H, có một điều rất lý thú là Đ.H sinh ra trong một gia đình đạo dòng Thiên Chúa giáo. Nhờ vào vốn liếng ngoại ngữ phong phú, cộng vào nền tảng tri thức thiên tư, Đ.H dễ dàng tiếp cận và hiểu ra được những tinh hoa Phật giáo, quy hướng về Phật, thậm chí còn khuyến hóa cả gia đình đều trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, trở thành một gia đình Phật tử thuần thành, tiêu biểu nhất . 

Năm 1963 –Theo lời Đ.H kể, đã từng đến PHV Hải Đức Nha Trang cầu pháp với Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám Viện khi ấy, và được Hòa Thượng ban pháp danh là Nguyên Tánh. 

Người em trai của Đ.H cũng thọ giới xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Thủ là Thích Nguyên Văn, hiện đang định cư tại Úc . 

Cuốn sách đầu tiên về Phật học được xuất bản của Đ.H sau những tháng ngày nghiên cứu là “Tiểu Luận về Bồ Đề Đạt Ma. Năm đó Đ.H mới 22 tuổi. 

Năm 1966, Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh mời Đ.H về giảng dạy cũng như giúp phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo cao cấp đầu tiên của Phật giáo này. Và không uổng lòng hoài vọng của Hòa Thượng Viện Trưởng, Đ.H đã đảm đương trọng trách Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho các phân khoa của Viện. Đ.H cũng là một trong những sáng lập viên và chủ trương Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh này. Giai đọan này, tờ tạp chí Tư Tưởngbiểu tượng trí thức sáng chói nhất của giới trẻ học Phật . 

Năm 1970, do hoàn cảnh chiến tranh cũng như các phong trào đấu tranh của sinh viên Phật giáo ít nhiều tác độngảnh hưởng đến hệ tư tưởng vốn rất phóng khoáng của Đ.H, thêm vào đó là nhu cầu mong muốn mở mang thêm kiến thức, nên đã phải rời Việt Nam sang sinh sống ở các nước Israel, Đức, Pháp. Đây cũng chính là thời điểm Đ.H tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ Triết tại Đại Học Sorbonne ở Pháp.Từ đây chính thức trở thành giảng sư chuyên ngành Triết học Tây phương tại Đại Học Toulouse-Pháp . 

Năm 1983, Đ.H được Hòa thượng Thích Mãn Giác (trụ trì chùa Việt Nam ở Los Angeles bảo lãnh sang Mỹ. Thời gian này dòng máu sư phạm lại được khơi nguồn nên Đ.H tiếp tục được mời thỉnh giảng Phật học tại trường Đại Học Đông Phương cũng như nhiều Phật Học Viện khác ở khắp California . 

Năm 1996, Đ.H được đề cử giử chức Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Văn Hóa

Năm 2005 Đ.H về sống tại thành phố Houston, bang Texas.Tuy nhiên Đ.H cũng thường xuyên về lại vùng Califonia để nhập thất ở chùa Viên Thông, thành phố Bellflower.

Cũng từ đây về sau Đ.H chỉ chuyên lo nghiên cứu Phật học

Nhà thơ Lê Giang Trần, người bạn tâm giao, luôn kề cận Đ.H kể lại chi tiết rất cảm động rằng dường như Đ.H đã biết trước giờ ra đi nên dặn dò nhiều việc, sau đó ngồi thiền định, trì chú và xả bỏ báo thân. Lúc đó là 6 giờ 30 phút chiều ngày 8 tháng 5.2011 . 

Đ.H ra đi để lại cho đời, cho gia tài văn hóa-giáo dục Phật giáo nhiều công trình giá trị. Những tác phẩm ấy ra đời theo tuần tự thời gian cống hiến của mình dành cho Phật đạo. Thơ – Văn – Báo Chí hay các công trình nghiên cứu v.v…của Đ.H đều là những bài học, những gương soi giá trị cho hàng hậu học chúng tôi nương theo đó mà vững lái tay chèo, phụng sự cho đạo pháp hôm nay và mai sau

Xin dâng nén tâm hương, ngưỡng mong mười phương chư Phật gia hộ hương linh Đ.H sớm quy ngưỡng sen vàng nơi cảnh giới Tây Phương

Con đường Đ.H bỏ dở sau lưng, có chúng tôi tiếp bước. Mong Đ.H an lòng thanh thản .

NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT.

Giác Đạo DƯƠNG KINH THÀNH

 

(1) Theo các tài liệu được sưu tầm vội vã, chấp và trên các trang mạng .

 


Thành Kính Tưởng Niệm
Giáo Sư Phạm Công Thiện

 

Xin kính trân trọng đốt nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân Gs Phạm Công Thiện đã để lại cho đời một di sản văn học rất đáng kể đến mọi thế hệ Việt Nam. Xin nguyện chúc Linh Giác của Gs sớm mãi siêu thăng nơi cảnh giới an lành

Người viết mấy dòng này, không bao giờ quên được hình bóng của Gs. Cũng như phần đông những sinh viên VN trước năm 1975 đều biết đến những tác phẩm như "Phê Bình Luận Án Tiến Sĩ của Nguyễn Văn Trung", "Hố Thẳm Tư Tưởng", "Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thật" v.v... Khi các sinh viên của Viện Đại Học Kinh Thương Minh Đức qua đánh bóng chuyền với sinh viên Vạn Hạnh, họ trò chuyện nhau với lòng nể nang về một tác phẩm "Phê Bình Luận Án ..." thật nhiều.

Rồi, một dạo của những năm cách nay trên 10 tấm lịch, Ls Lưu Tường Quang ở Úc đã điều hợp chương trình tại Bankstown Townhall, lúc đó có một số thuộc thế hệ học trò cũ của Gs trong đời tỵ nạn có dịp nhìn lại hình bóng và nghe Gs nói về đề tài "Bát Nhã". Ồ, kéo ra mấy quyển sách như "Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên", "Sự Chuyển Động Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo" mà Gs đã đề tặng trực tiếp thì mới biết là năm 1994 (ngày "27.7.1994"). Sau đó, lái xe đưa Gs đi Thủ đô Canberra, Gs cũng nhằm nói về đề tài "Bát Nhã". Đoạn đường tuy chỉ có 3 tiếng đồng hồ lái xe, cộng với nửa tiếng dừng chân uống cà phê, nhưng tôi đã học hỏi và hiểu ra được nhiều vấn đề giá trị (...) mà Gs đã vẫn tiếp tục cống hiến đời mình cho các thế hệ VN chứ không riêng gì Phật Giáo

Nếu hôm nay, với những giây phút sau cùng trong kiếp nhân sinh khi Gs Thiện lìa xa nhân thế, nếu chị Phạm Phong Sương có ở bên cạnh Gs thì xin thành tâm phân ưu cùng chị và tất cả tang quyến. 

Một lần nữa, xin cúi đầu cảm tạ cuộc đời của Gs.

Trọng kính,

Phan Minh Tài

Phạm Công Thiện - "Đã đi mất hẳn đi rồi" (Phù Sa tổng hợp)





Tiễn Biệt Phạm Công Thiện


Khi tư tưởng mở ra ngàn hố thẳm

Mặt trời kia chẳng có thực bao giờ
Bước chân hoài hoang vu trên mặt đất
Bỗng vỡ bùng ý thức: rạng ngời thơ!

Bao văn tự vờn bay trên giấy trắng

Những cơn mưa phùn thấm đẫm nụ mầm xanh
Đâu nệ hà lay đời huyễn mộng
Một tiếng cười khà: ngát ánh trăng thanh!

Con sông Tiền bình an hằng chuyển

Những dấu ấn ngày xưa nào có xa vời
Có chút gì đáng còn quyến luyến?
Một đại nguyện tâm rực sáng nơi đời

Nay phố thị Mỹ Tho im lặng

Giữa trời hồng cơn sấm chẻ đôi
Phân hai ngã âm dương tĩnh mịch
Tiễn biệt nguồn thơ hòa nhập khắp đất trời


Khánh Hoàng
March 11, 2011 




Đốt Hương Kính Tiễn
Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện


Ấn tượng khó quên mà lần đầu tiên tôi gặp Thầy Phạm Công Thiện là Thầy đã khuyên tôi nên tinh tấn tu tập, thực hành lời Phật dạyniệm Phật.

Lần đó là vào giữa năm 1991, nửa năm sau khi tôi từ New York dời về Cali để sống, thành phố Monterey Park, Los Angeles. Trong đầu tôi, trước khi gặp Thầy, mường tượng ra một Phạm Công Thiện hiên ngang và nói thao thao bất tuyệt về triết học Tây Phương, về Trung Quán, về Bát Nhã, v.v... Nhưng không, tất cả những suy nghĩ viễn vông và mộng tưởng đó đều bị sụp đổ tan tành khi tôi ngồi đối diện với Thầy Phạm Công Thiện trong một căn phòng nhỏ ở Chùa Diệu Pháp. Thầy Phạm Công Thiện, với dáng điệu từ tốn, khiêm cung, trầm lặng, chỉ nói những điều hết sức bình thường, chỉ khuyên những điều hết sức phổ thông mà người Phật tử nào cũng thường nghe quý Thầy khuyên bảo như thế.

Tuy nhiên, đối với tôi thì điều này lại là một sự kiện không bình thường, một ấn tượng sâu sắc khiến tôi khó quên. Duyên do là vì sự phản nghịch giữa hiện thực trước mắtý tưởng trong đầu mà từ lâu tôi đã cưu mang. Trong đầu óc tôi, Thầy Phạm Công Thiện là một triết gia, tư tưởng gia, đã từng một thời khuấy động không khí văn họctriết học tại Miền Nam trước năm 1975. Tôi đã từng đọc những cuốn như "Ý Thức Mới Trong Văn NghệTriết Học," "Hố Thẳm Tư Tưởng," "Im Lặng Hố Thẳm," "Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng," "Ngày Sinh Của Rắn," v.v… của Thầy từ hồi mới 15, 16 tuổi. Bây giờ trước mặt tôi là một Thầy Phạm Công Thiện đơn sơ, bình dị và trầm mặc chỉ khuyên tôi thường niệm Phật. Đối với tôi, lúc đó, là một chuyện lạ. Có vẻ như Thầy đã dùng cách đó để khai thị cho tôi điều gì. Phải chăng Thầy muốn nói rằng tất cả những triết thuyếtlý luận cuối cùng rồi cũng chỉ là hý luận, mà điều thực tiễn, lợi lạc nhất chính là điều phục tâm mình để thoát ra khỏi những vướng mắc của danh ngôn!

Những năm tháng sau đó, càng gần gũi với Thầy tôi càng hiểu rằng Phật Pháp mới chính là chất liệu sống chính yếu nhất của Thầy. Có lần, khi Thầy còn ở tại Chùa Diệu Pháp, tôi vào phòng thăm Thầy, tôi thấy Thầy nằm trên giường có vẻ mệt mỏi. Tôi hỏi Thầy có sao không. Thầy bảo Thầy mệt từ đêm hôm qua tới giờ. Rồi Thầy lại trấn an tôi rằng không sao đâu, đừng lo cho Thầy, Thầy đã và đang dùng thiền địnhthần chú để tự điều trị. Thầy thường xuyên trì chú. Nhiều lần Thầy đã dạy cho tôi mấy câu chú của Mật Tông. Thầy còn khuyên tôi hãy dạy cho đứa con gái của tôi câu chú "Án Ma Ni Bát Mê Hồng," để làm món quà quý giá nhất cho cả cuộc đời nó. Bây giờ cháu lớn lên, đi học xa, tôi mới thấy lời dạy của Thầy thật đúng.

Thầy Phạm Công Thiện là người có lòng với Phật Pháp nói chung và với những anh em lớp trẻ như chúng tôi nói riêng. Trong nhóm Chân Nguyên hồi đó, Thầy thường xuyên khuyến khích quý Thầy như Thầy Viên Lý, Minh Dung, Thông Niệm, Đồng Trí, và mấy anh em cư sĩ như Vân Nguyên, Vĩnh Hảo, Như Hùng, và tôi sáng tác, dịch thuật về Phật Pháp để góp phần vào việc truyền bá Chánh Pháp. Thầy chính là người mua sách tặng và khuyến khích tôi dịch cuốn "Đức Đạo Kinh," và "Những Mộng Đàm Về Phật Giáo Thiền Tông." Thầy còn mua tặng cho tôi cuốn "The Buddhist I Ching," bản dịch từ tác phẩm Kinh Dịch Phật Giáo của Tổ Ngẫu Ích Trí Húc, và khuyên tôi dịch, nhưng mãi đến hôm nay tôi cũng chưa dịch xong. Cuối năm 2009, khi đến Việt Báo thăm, Thầy còn nhắc tôi dịch cho xong cuốn sách đó.

phamcongthien-11-2008
Giáo Sư Phạm Công Thiện và Cư Sĩ Tâm Huy trước tòa soạn Việt Báo

(ảnh chụp tháng 11/2009)

Thời gian tôi còn ở trên Monterey Park trước năm 2000, và Thầy ở Chùa Diệu Pháp, Thầy thường đi bộ sang nhà tôi. Hai Thầy trò xách ghế ra trước hiên nhà, ngồi uống trà, hút thuốc và trò chuyện. Thầy biết tôi nghèo rớt mồng tơi, nên mỗi khi rủ tôi đi ăn Thầy đều bảo tôi đừng lo, Thầy bao cho. Lần nọ, Thầy kêu tôi lái xe đưa Thầy lên tiệm sách Bodhi Tree ở Los Angeles để Thầy mua sách. Trên đường đi, Thầy kể tôi nghe rất nhiều chuyện vui và dạy rất nhiều điều về Phật Pháp. Cao hứng, Thầy nói rằng nếu trên đời này mà không có đàn bà thì Thầy thành Phật ngay tức khắc. Trong thâm tâm, tôi tin lời Thầy nói đó là thật. Bởi vì với một người có trí tuệ sâu thẳm như Thầy thì chuyện kiến đạo là điều có thể thực hiện dễ dàng, chỉ còn lại phần tu đạo, mà cái chướng duyên lớn nhất là ái dục. Tôi nhớ đâu đó, đức Phật đã nói đại ý rằng cũng may trên đời này chỉ có một thứ là ái dục, chứ nếu có 2 cái giống như thế thì Ngài cũng khó thành Phật. Lần đó, Thầy nói với tôi rằng nhờ Phật Pháp cứu mà Thầy còn sống tới hôm nay, nếu không thì Thầy đã tự tử chết từ lâu vì những khủng hoảng trong cuộc sống.

Mỗi lần nhắc đến vị Bổn Sư của Thầy là Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Thầy đều bày tỏ sự kính ngưỡng sâu xa về Ngài. Thầy nhắc lại rằng mỗi khi có dịp về đảnh lễ Hòa Thượng Bổn Sư thì Thầy chỉ thấy nụ cười hiền từ trên khuôn mặt phúc hậu của Ngài, mà không hề nghe một lời khiển trách nào, dù Ngài biết Thầy "lêu lỏng bên ngoài.”

Có sống gần mới cảm nhận được sự thông thái phi thường của Thầy. Ngoài kiến thức uyên bác về triết lý và văn chương Tây Phương, mà đôi khi Thầy cho là không thể sánh kịp đối với Phật Pháp, Thầy không những là người có trí tuệ quán thông về Phật Học mà còn là một hành giả chuyên cầntâm đắc. Thầy thông thạo tiếng Phạn, Tây Tạng cho nên, Thầy giảng nghĩa thật tinh tường nhiều thuật ngữ Phật Học khó tìm được nơi tài liệu nào khác. Đặc biệt, Thầy rất tâm đắc giáo nghĩa Bát NhãTrung Quán. Chính Thầy là người khuyến khích nhà văn Vân Nguyên dịch lược mấy phẩm trong Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát Long Thọ, và cuốn Bách Luận của Ngài Đề Bà, rất tiếc chưa kịp xuất bản thì anh Vân Nguyên đã đi theo Phật hồi năm 2004.

Sáng Thứ Tư, ngày 9 tháng 3 năm 2011, 7 giờ rưỡi, điện thoại nhà reo. Trên đầu giây bên kia, giọng của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu:

- Tâm Huy ơi, nghe gì chưa, Thầy Phạm Công Thiện mất rồi!

- Sao linh quá vậy, tôi thảng thốt kêu lên.

Hòa Thượng Nguyên Siêu không hiểu nên hỏi lại:

- Cái gì mà linh quá vậy?

- Thì mới tối hôm qua, tôi nằm mộng gặp Thầy Thiện cùng nhau dạo chơi và trò chuyện ở một cảnh chùa nào đó, mơ hồ không nhớ rõ. Thức giấc giữa đêm, lòng bồi hồi, cảm thấy như có điều gì bất thường đối với Thầy Thiện. Thì ra là Thầy đã ra đi…

Tôi nghĩ rằng Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, ngoài những vị cao tăng thị hiện, còn có được cái may mắn hiếm hoi là cùng một lúc có 3 vị Bồ Tát xuâát hiện, đó là Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện, Thầy Nguyên Chứng Thích Tuệ Sĩ, và Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Cả 3 vị đều có trí tuệthân chứng Phật Pháp rất cao siêu, cũng như đã đóng góp lớn lao cho công cuộc phát triển văn hóa, giáo dục, và hoằng pháp trong nhiều thập niên qua, đặc biệtxây dựng một Viện Đại Học Vạn Hạnh với hùng phong cao ngất như một thứ thành trì kiên cố bảo vệ nền văn hiến Việt giữa bối cảnh của đất nước đang ngửa nghiêng vì chiến tranh loạn lạcphá sản toàn diện.

Nói như nhà văn Phan Tấn Hải trong bài viết "Nghĩ Về Nhà Thơ Phạm Công Thiện," đăng trên Việt Báo online gần đây, rằng: "Nếu Tây Tạng có các hoá thân Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Karmapa, Rinpoche, vân vân... thì Việt Nam mình ngay trong thời này cũng có các hoá thân Bồ tát như các nhà thơ Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện..."

Bây giờ, Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện đã ra đi, còn lại 2 vị Tuệ Sỹ và Trí Siêu ở trong nước mà tuổi đời đã sắp bước qua cái ngưỡng "thất thập cổ lai hy."

Mong rằng Thầy Phạm Công Thiện sẽ hóa sinh trở lại thế giới này và trong lòng Phật Giáo Việt Nam để tiếp tục con đường hoằng Pháp mà Thầy đã một đời hy hiến.

Trưa Chủ Nhật, 13 tháng 3 là ngày hỏa thiêu nhục thân Thầy Phạm Công Thiện tại Houston, Texas, con xin đốt nén tâm hương xông khắp mười phương pháp giới, cúi đầu kính tiễn biệt Thầy nhập Pháp Thân tịnh lạc.


Tâm Huy Huỳnh Kim Quang



Đọc lại Phạm Công Thiện

Nguyễn Hưng quốc

Phạm Công Thiện là một trong vài tác giả cũ trước 1975 thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại. Và vẫn thấy thích. Có điều hiếm khi nào tôi đọc lại trọn vẹn một tác phẩm nào đó từ đầu đến cuối. Thường, tôi chỉ đọc lóc cóc từng đoạn. Như đọc thơ. Mỗi lần cầm sách ông lên, cứ mở đại một trang nào đó, đọc; xong, gấp sách lại mà không cần làm dấu. Lần sau, lại mở sách một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, không chọn lọc. Tôi để ý: hình như, trong văn xuôi, ngoài Võ Phiến, chỉ với Phạm Công Thiện, tôi mới đọc như thế. Điều đó chứng tỏ cách đọc ấy không đến từ thói quen đọc sách của tôi mà chủ yếu đến từ phong cách viết văn của ông. Nói cách khác, theo tôi, cách viết của Phạm Công Thiện không đòi hỏi, thậm chí, không khuyến khích người ta đọc trọn. Có cảm tưởng ông không quan tâm nhiều đến tính hệ thống và cấu trúc chung của cuốn sách. Rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, cuốn nào của ông có môt bố cục thật chặt chẽ. Phần lớn, nếu có, chỉ chặt chẽ được phần đầu. Sau đó, là những ý rời, những đoạn rời. Là phóng bút. Là viết theo sự đưa đẩy của cảm hứng.

cảm hứng của Phạm Công Thiện thì hình như bao giờ cũng dào dạt. Nó cuồn cuộn. Nó tràn bờ; nó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ quen thuộc. Nó tạo nên đặc điểm đầu tiên và rất dễ nhận thấy trong văn phong Phạm Công Thiện: nồng nhiệt. Trong văn như có lửa. Lúc nào ông cũng ném hết tâm hồn và nhiệt huyết vào câu chữ. Không cần dè dặt. Đã tin, tin hết lòng. Đã thích, thích hết mực. Khen ai, ông khen không tiếc lời. Những từ ngữ như “đại thi hào”, “đại văn hào” “hay nhất”, “lớn nhất”… được dùng một cách thật hào sảng. Năm 1967, trong cuốn Im lặng hố thẳm, ông xem Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương Đông; năm 1996, trong cuốn Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, ông đi xa hơn một chút nữa, cho Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại, bên cạnh Hoelderlin và Walt Whitman. Ngoài ba nhà thơ ấy, có còn ai đáng kể nữa không? Hình như là không. Đó là “ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất.” Với Nguyễn Du, viết thế, dù sao, cũng được: Ở Việt Nam, Nguyễn Du là một biểu tượng; mà đối với một biểu tượng, người ta không cần đặt ra những giới hạn. Nhưng với nhiều nhà thơ khác, Phạm Công Thiện cũng hào sảng như thế. Trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng, xuất bản năm 1967, Phạm Công Thiện viết về Quách Tấn: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ Đọng bóng chiều và Mộng ngân sơn”. Hơn nữa, “Quách Tấn là một thi sĩ duy nhất của Việt Nam, đã thành tựu tất cả những gì mà Nguyễn Du còn để dở dang; còn tất cả những thi sĩ khác, kể cả Hàn Mặc Tử, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, v.v. đều là những thi sĩ thiên tài, nhưng không có đủ tất cả tính kiện hay kiện tính trong thơ họ để tính dưỡng và thành tựu thi cuộc mà Nguyễn Du đã mở đầu cho thi ca Việt Nam”. Cũng trong cuốn ấy, Phạm Công Thiện viết về Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay sà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biêncon người không còn làm thơ nữa.” Những kiểu phát ngôn như thế này rất phổ biến trong văn chương Phạm Công Thiện: “Chỉ một câu thơ của Nguyễn Du cũng đủ phá huỷ trọn tư tưởng Nam hoa kinh của Trang Tử. Một bài thơ của Trần Cao Vân (bài Vịnh tam tài) đủ thu gọn tất cả Tống Nho. Một vài câu thơ Hàn Mặc Tử đủ nói hết trọn sự nghiệp tư tưởng thánh Thomas d’Aquin và thánh Augustin. Một câu thơ của Rimbaud hay một dòng văn của Henry Miller đủ nói hết Kierkegaard, Paul Tillich hay Heid gger.” Với những tên tuổi lớn, Phạm Công Thiện vung bút như thế, kể cũng dễ hiểu. Với một số nhà thơ có tầm vóc nhỏ hơn, chỉ hơn mức trung bình một tí, Phạm Công Thiện cũng rất hào phóng lời khen ngợi. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, giải Nobel văn chương 1995, nhắc đến hai câu thơ của Hoài Khanh “Con sông nào đã xa nguồn / Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi”, ông hạ bút: “Câu thơ bất hủ”; nhắc đến bốn câu “Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng / Thương về con nước ngại ngùng xuôi / Những người con gái bên kia ấy / Ai biết chiều nay có nhớ tôi” của Hoàng Trúc Ly, ông bình: “bốn câu thơ bát ngát như đất trời quê hương” (tr. 29).

Phạm Công Thiện là như thế. Lúc nào cũng nồng nhiệt. Lúc nào cũng rộng rãi. Lúc nào cũng cực đoan.

Có người cực đoan vì đần. Phạm Công Thiện cực đoan nhưng vẫn toát lên vẻ thông minh và rất thông thái. Sự cực đoan ở nhiều người khác gợi lên ấn tượng hẹp hòi và hung bạo. Phạm Công Thiên cực đoan một cách hồn nhiênvô hại. Bao trùm lên tất cả, ông cực đoan một cách chân thànhduyên dáng. Đọc, thấy ngay ông cực đoan, nhưng không ai nỡ bắt bẻ. Bắt bẻ, tự nhiêncảm giác là mình tỉnh táo một cách nhỏ nhen.

Một trong những đặc điểm nổi bật khác của Phạm Công Thiện là ám ảnh về hình ảnhám ảnh về chữ. Văn Phạm Công Thiện có nhiều hình ảnhẩn dụ. Đoạn văn viết về Hàn Mặc Tử ở trên là một ví dụ. Phượng hoàng và hoả diệm sơn. Ở những nơi khác, hết núi lửa thì đến hố thẳm, hết ngày sinh của rắn thì đến những con chim biết nói tiếng Phạn, hết đòi giết các con kiến trong ý thức thì đến giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng, v.v... Đâu đó, Phạm Công Thiện tự nhận “ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.” Là ngôn ngữ của thi sĩ, giọng văn của Phạm Công Thiện lúc nào cũng thơ mộng. Thơ mộng ngay cả khi ông bàn chuyện triết lý hay Phật pháp. Thơ mộng ngay cả khi ông hục hặc gây hấn phản kháng, thậm chí, chửi bới ầm ĩ. Sự thơ mộng ấy đến, một phần, từ hình ảnh, nhưng phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, từ nhạc điệu. Văn của Phạm Công Thiện rất giàu nhạc tính. Câu văn của ông biến hoá đa dạng, thường thì dài hơn mức cần thiết. Để cho chữ có âm vang. Ông không ngại lặp lại, dưới hình thức này hay hình thức khác, dường như để những âm vang ấy không bị tắt quá sớm. Thấy rõ nhất là qua các câu văn dịch của Phạm Công Thiện. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, ông dịch chữ “recollections” của Yeats thành “hồi tưởng, truy tưởng, hoài tưởng, mặc tưởng, nhớ tưởng”; (tr. 14); câu “The end of art is peace” thành “Cứu cánh của nghệ thuật là sự hoà bình, sự an bình, thanh bình” (tr. 46). Dịch, như thế. Ông viết cũng thế. Thiếu một chút cô đúc. Bù lại, câu văn trở thành nhẹ nhàng và vang hưởng.

Tôi có cảm tưởng một trong những ám ảnh lớn nhất của Phạm Công Thiện là chữ. Rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, chẳng hạn, trong cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988), ông nói về sự say mê học tiếng và học chữ của ông. Quả thật, khả năng học tiếng và học chữ của Phạm Công Thiện là một kỳ tíchViệt Nam. Cho đến nay có lẽ cũng chưa có ai vượt qua ông được. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi văn chương: ở Phạm Công Thiện, ám ảnh về chữ có thể thấy rõ trong cách viết văn. Có thể nói văn Phạm Công Thiện có khi chỉ là một dòng liên tưởng bất tận gợi lên từ những con chữ. Chữ này gọi chữ nọ. Ngỡ như chữ chứ không phải là ý đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc của đoạn văn. Nhưng chữ, dưới ngòi bút của Phạm Công Thiện, thật ra, cũng tức là ý. Chữ đẩy đưa, luyến láy nhưng không thừa thãi. Cũng trong cuốn Khơi mạch… ông viết: “Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc; hình ảnh của Thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh: hiện hình và hiện ảnh của Thơ chính là hiện cảnh linh độnghiện thực hơn tất cả cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền” (tr. 7). Xin lưu ý: những chữ “hiện” trong đoạn này cũng như các đoạn sau là do tôi in nghiêng. Để độc giả dễ thấy. Ám ảnh về từ tố “hiện” ấy kéo dài sang mấy trang sau: “Một bài thơ hốt nhiên xuất hiện, đột hiện; một tia chớp ngang trời, một sự xuất hiện thình lình như tiếng sét bất ngờ. Thơ là xuất nhập, tất cả rạng ngời của một sự Xuất Hiện, tất cả oai lực lặng lẽ của sự Linh Hiện. Sự Xuất Hiện, Linh Hiện là suối nguồn của tất cả mọi ý nghĩa, ban bố ý nghĩa và khai mở vạch đứt giữa mọi ý nghĩa và mọi vô nghĩa. Từ đó có vô hạn nghĩa” (tr. 9). Chưa hết, sau đó, nhắc đến mấy câu thơ của Archibald MacLeish: “… wordless / as the flight of birds… / A poem should not mean / but be.” Ông viết: “Cái chữ ‘be’ đơn sơ ở trên xuất đầu lộ diện như một tiếng sét, cái ‘là’ hiện hữu, nói lên sự xuất hiện của Tính thể và Thể tính: sự hiện thể, hiện tính, hiện tính thể của chính tính thể, sự hiện thân nguyên vẹn, sự hiện diện sung mãn của cái ‘là’, cái ‘có’; sự hiện diện ở đây chính là sự thị hiện bất ngờ từ cái không đến cái có, từ cái không là đến cái là, thoáng hiện, thoáng mất như tia chớp. […] Bài thơ là sự hiện diện, hiện tính, thị hiện; sự hiện diện chẳng những là hiện diện của chính sự hiện diện mà lại còn hiện diện ngay cả sự khiếm diện, ngay cả sự mất tích và xa vắng.” (tr. 10-11). Cách viết như thế đã xuất hiện ngay từ Ý thức mới trong văn nghệtriết học (1965), một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Sau khi nêu lên năm chữ: chay, cháy, chày, chảy và chạy trong tiếng Việt, Phạm Công Thiện viết:

“Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần tuý, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả, vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đầu đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY), vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY).


Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng TửLão Tử, không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (tr.xi-xii)

Thì cũng yêu chữ, nhưng ở nhiều cây bút khác, chúng ta chỉ được dẫn đến những điệu ầu ơ cũ rích. Ở Phạm Công Thiện, chúng ta bắt gặp những ý tưởng thật thâm trầm và thú vị. Rõ ràng bên cạnh tình yêu đối vối chữ, ông còn có một tình yêu gì khác nữa. Đó là tình yêu gì? Giới hạn trong phạm vi văn học, không chừng đó là tình yêu đối với cái khó, cái phức tạp và cái trừu tượng. Trong tập Mặt trời không bao giờ có thực (1967) của ông, tôi thích hai đoạn này:

“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” (Số XXXVI)

và:

“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.” (Số XXXVIII).

Nói đến chuyện khó hiểu, không thể không nghĩ ngay đến chính các cuốn sách của Phạm Công Thiện. Không ít người vẫn cho văn của Phạm Công Thiện là tối tăm. Tôi nghĩ ngược lại. Vấn đề không chừng là ở cách đọc. Có thể vận dụng kinh nghiệm đọc Kafka của Phạm Công Thiện vào việc đọc chính Phạm Công Thiện: “Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.” Lâu nay, tôi vẫn đọc Kafka từ góc độ của một nhà nghiên cứu và nhà phê bình. Và tôi không chắc các nhà thơ trung bình có thể biết và hiểu Kafka nhiều hơn tôi. Nhưng riêng với Phạm Công Thiện thì tôi tin cách đọc từ góc độ một nhà thơ sẽ có hiệu quả lớn.

Tôi đã đọc (lại) các tác phẩm của Phạm Công Thiện như đọc những bài thơ. Với một tâm cảm thơ. Và tôi thấy mọi thứ đều dễ dàng. Trong vắt.

Melbourne 5 tháng 1.2009


________

Trích dẫn:

Phạm Công Thiện (1965), Ý thức mới trong văn nghệtriết học, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ ba (1966). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện]. 

Phạm Công Thiện (1967), Mặt trời không bao giờ có thực, Sài Gòn: An Tiêm. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện]. 

Phạm Công Thiện (1967), Hố thẳm của tư tưởng, Sài Gòn: Phạm Hoàng xuất bản. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện]. 

Phạm Công Thiện (1967), Im lặng hố thẳm, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ hai (1969). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện]. 

Phạm Công Thiện (1988), Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, California, USA: Trần Thi. 

Phạm Công Thiện (1996), Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, California, USA: Viện Triết Lý Việt NamTriết Học Thế Giới

Phạm Công Thiện (1996), Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, Giải Nobel Văn Chương 1995, California, USA: Viện Triết Lý Việt NamTriết Học Thế Giới.

----------------

Những tác phẩm của Phạm Công Thiện đã đăng trên Tiền Vệ:

I-VIII (truyện / tuỳ bút) 

Đường trước là đường sau, đường trên là đường dưới, đường cao là đường tháp và đường thấp, đường thẳng là đường tròn. Trước đường hay đường trước? Đường hay đàng? Đàng trong và đường ngoài. Lên đường hay trên đường? Lạc đường không hẳn là lộn đường. Liệng ra ngoài đường, liệng ra trong đường, tự quăng lên đường, thảy ra một cái, phải liệng rồi, có con én nào nó liệng? Những con đường liệng ngang qua trí nhớ. Ném lên một mối liên tố giữa con đường và con chim... (...)

Ngày Sanh Của Rắn (thơ) 

“... Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?”...

Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong (truyện / tuỳ bút) 

Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: “Trên tất cả đỉnh cao...” (...)

5 bài thơ 5 chữ (thơ) 

Bôn ba ngoài vạn dặm / Cũng chỉ một trăng rằm / Bao nhiêu là hố thẳm / Xoáy về nốt ruồi đậm...

Trường giang Mỹ Tho (thơ) 

Thôi nôi con trường giang mọi rợ / tôi mọi mãi mỗi trường an / con diều hâu chạy bắt con chim / con chim lòn qua kẽ núi / lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn / nước trường giang mẹ ru chim ngủ / con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa...

Anh sẽ hiện (thơ) 

Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện / Cả rừng cây không ai lên tiếng / Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang / Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến...

Thơ cho khoảng trống (thơ) 

Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ. Vùng núi cao thổ phồn sinh sôi nẩy nở phôi châu của ngút ngàn bông đậu tía. Cơn giông tố rã rượi trên thiên đảnh tuyết sơn, hốt nhiên vùng dậy tung hoành, làm sụp ngã những cây tùng lạc diệp, và bao dong con chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài...


 


Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.

Nhà thơ Phạm Công Thiện

 

Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề.

Nhà thơ Phạm Công Thiện

 


(nghe âm thanh)

 

Giã từ nhà thơ triết học Phạm Công Thiện

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2011-03-12

Chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm xin chuyển một tin buồn đến với quý vị đó là nhà thơ, nhà nghiên cứu triết học và là một giảng sư về Thiền tông Phạm Công Thiện vừa qua đời hôm 8/3/2011 tại Thành Phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.

Nói đến Phạm Công Thiện độc giả trẻ trong nước có lẽ nhiều người không biết về ông, nhưng thế hệ lớn lên vào thập niên 60 nhất là các sinh viên đại học hình như không ai là không biết tên ông qua những tài năng mà ông thể hiện trong các tác phẩm được xem là khai mở một vùng đất hoang sơ chưa ai khai phá trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Mời quý vị theo dõi sau đây.

Thần đồng ngôn ngữ, triết học

Nhà thơ Phạm Công Thiện. Photo courtesy of wikivietlit.

Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Học vấn của ông là cả một bí ẩn. Tuy chưa bao giờ có một mảnh bằng tú tài trong tay nhưng ông đã được nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới mời giảng dạy trong đó có trường đại học Yale của Mỹ và Sorbonne của Pháp.

Ở lứa tuổi chưa tới 16, ông đã trở thành cộng tác viên trẻ nhất của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Phạn và tiếng La Tinh. Tất cả những điều này đều được chứng nhận qua các vị học giả và các chuyên gia ngôn ngữ học của nhiều trường đại học.

Ngoại ngữ là một chìa khóa giúp ông mở nhiều cánh cửa triết học Tây phương để ông thai nghén và cho ra đời tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” được ông viết khi chưa tới 19 tuổi. Tác phẩm này đã đưa tên tuổi ông trở thành một hiện tượngthời gian ấy người ta gọi là thần đồng triết học của Việt Nam.

Nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Khởi Hành, người theo sát với Phạm Công Thiện từ những năm đầu tiên khi ông xuất hiện cho biết những năm đầu khi ông nổi tiếng tại Việt Nam:

“Thật ra Phạm Công Thiện nổi tiếng trước khi đi ngoại quốc. Theo như tôi nhớ Phạm Công Thiện được Hòa thượng Thích Minh Châu cử đi du học vào năm 1969 vì Phạm Công Thiện đã nổi tiếng từ năm 1965! Phạm Công Thiện nổi tiếng từ cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, cuốn này in năm 1965 tức là 4 năm trước khi ông ra nước ngoài.

Tôi còn nhớ khi ra cuốn sách thì tôi đã có dịp làm việc với Phạm Công Thiện vài tháng vào năm 1964 khi nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản nhật báo Dân Ta. Trước đó nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản tạp chí Phổ Thông thì Thiện đã viết trên Phổ Thông rồi. Khi tờ Dân Ta ra đời thì Nguyễn Vỹ nhờ Phạm Công Thiện về cộng tác lúc đó thì chúng tôi gặp nhau.”

Một kỳ tích thứ hai của ông là năm 18 tuổi, Phạm Công Thiện được mời giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau đó không lâu ông phụ trách soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1968 - 1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Khai phá Thiền Tông Phật giáo

Thật ra tác phẩm quan trọng nhất của ông là tập tiểu luận mang tên “Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông”. Tác phẩm này thật sự mở một cánh cửa cho Phật giáo Việt Nam khai phá mảnh đất Thiền Tông lúc bấy giờ còn quá mới mẻ đối với người Việt, với hơn 80% theo Phật Giáo. Nhà văn Viên Linh nói về tác động của tác phẩm này đối với Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ:

“Một trong những tác phẩm song song với “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” là cuốn “Bồ Đề Lạt Ma, tổ sư của Thiền Tông” in năm 1964. Phật giáo sau khi thay đổi chế độ thì phong trào Thiền Tông lan tràn khắp nơi từ người lớn cho tới người trẻ. Phạm Công Thiện tôi gọi là nhóm Vạn Hạnh, hay là những trí thức trẻ xuất gia, mà lớp đi tu trẻ lúc ấy thì gồm có Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Chơn Phát, Nguyễn Hữu Hiệu, Chơn Hạnh, Trần Vân Tiên, Ni cô Trí Hải và Bùi Giáng. Bùi Giáng thì nhiều tuổi hơn cả.

Nhóm này xông vào các tờ báo như tạp chí Tư Tưởng, hay là Giữ Thơm Quê Mẹ của ông Nhất Hạnh, cũng như những nhà xuất bản, dịch thuật nhiều tác phẩm Phật giáo như Hessman Hess hay Suzuki. Trong lớp đó thì Phạm Công Thiện và Tuệ Sĩ là hai người có thể nói là dẫn đầu. tất cả những người này đều rất trẻ lúc ấy chỉ khoảng 24 -25 tuổi đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Phật Giáo Việt Nam thời kỳ đó.

Sau khi cuốn sách đó ra thì nổi lên một phong trào sinh viên đi tìm hiểu những khai phá mới sau một thời gian dài 9 năm dưới chế độ cũ. Khi thay đổi một chế độ thì chế độ kế tiếp người ta đi tìm cái gì phản nghịch lại quá khứ hay mở mang những chân trời mới.

Thiện chỉ là một thành phần trẻ xung kích lúc ấy chứ đầu não của sự thay đổi văn hóa lúc ấy là những bậc thầy ở Đại học Vạn Hạnh. Lúc đầu thì có Thượng tọa Nhất Hạnh, giáo sư Nguyễn Đăng Thục là những người ảnh hưởng nhiều nhất vì trước khi có đại học Vạn Hạnh thì những tờ báo Phật Giáo lúc ấy từ trường Cao đẳng Phật học ra gồm ông Nhất Hạnh, Hòa thượng Thanh Từ, Thanh Kiểm là những bậc thầy của Phật giáo lúc ấy.”

 

Nhà thơ

Nhà thơ Phạm Công Thiện. Photo courtesy of blog.hophap.com.

Bên cạnh những tác phẩm nặng về tư tưởng Phạm Công Thiện còn làm thơ và tác phẩm nổi tiếng khác của ông là “Ngày Sanh Của Rắn” đã được nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần đầu năm 1966 tại Sài Gòn, tác giả đã từ chối không cho tái bản trong suốt hơn 20 năm sau đó mà không cho biết lý do.

Tập thơ chia làm 12 khúc và khúc thứ 8 có lẽ hay và dễ cảm thụ nhất. Bài này đã được phổ thành ca khúc“Tôi đứng trên đồi mây trổ bông”

Khúc thứ 8

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông


Nhà thơ Viên Linh thì lại tâm đắc với một bài thơ mới sáng tác sau này của Phạm Công Thiện, tựa bài thơ mang một từ vỏn vẹn là “ Đi”mà ông đọc sau đây:

Đã đi rồi đã đi chưa?
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hà phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuẩn hình thiên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại huyền biến ngưỡng phiêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Áng nga nga nặng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.

Đây là bài thơ nói về sự ra đi của chính mình của Phạm Công Thiện. Bài thơ này mới in vào năm 2009 trong tập thơ mới nhất của anh tên “Trên đỉnh cao tất cả là im lặng.”

Nhận xét về cá tính của Phạm Công Thiện nhà thơ Viên Linh nói:

“Phạm Công Thiện là người Mỹ Tho trong nhóm bạn trẻ đó đều là người Bắc và Trung nhưng anh có tài và là người đa năng nên được rất nhiều người yêu mến. Phạm Công Thiện là người mang lại sự phát triển cho Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn sau năm 1963.”

Chúng tôi xin mượn lời của nhà thơ nói về mình như một lời từ giã ông, một nhân tài ngôn ngữ, tư tưởngthi ca Việt Nam:

“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” :

“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.”

 

 

 

TRIẾT GIA PHẠM CÔNG THIỆN

Ra đi giữa cuộc Vô Thường

 

~~o0o~~

 

Thầy Phạm Công Thiện - một Triết gia; một nhà giáo dục; một nhà văn hóa; một thi sĩ Phật tử thuần thành quy y Tam Bảo với ôn Già Lam, pháp danh Nguyên Tánh tại Phật Học Viện Hải Ðức Nha Trang, đầu thập niên 60.

Giờ đây Thầy đã xả bỏ báo thân, nhưng chưa từng một lần xả bỏ, như lời Thầy nói. Thầy đến trong cuộc đời này như “Hố Thẳm Tư Tưởng” và hôm nay Thầy ra đi như “Im Lặng Hố Thẳm”. Tất cả đều là “Hố Thẳm” của vô ngôn, không đi và không đến. Ðến và đi với Thầy chỉ là một ngôn ngữ của “Hố Thẳm”, một thứ ngôn ngữ của “Im Lặng”, của “hoang vu trên mặt đất”. Hiện thân của Thầy trong cuộc đời này như sự hiện thân của đất trời man nhiên, sương mù, khói đá, biển xanh và đỉnh cao.

Bảy mươi mốt năm ở với đời, Thầy đi bằng đôi chân của một Triết gia, “thần đồng của thời đại”; một thi sĩ “Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”; một nhà giáo dục đã dẫn tuổi trẻ đi vào tư tưởng mông lung huyền nhiệm và một nhà văn học có sức thu hút đến từng trái tim của thế hệ đôi mươi của nhiều thập niên về trước. Trong cuộc đời nhiều cảnh trạng vô thường, Thầy đã lên thác xuống ghềnh bằng bút tích dị thường để ghi lại những mảnh đời tan rồi hợp, thành rồi vỡ đầy ắp trong những tác phẩm phi thường lưu lại cho hậu thế.

Trong tầm cỡ lỗi lạc của một Triết gia được chuyên chở qua hai nền Triết học Ðông Tây, Thầy đã đột nhập và phá tung cánh cửa ngôn ngữ của loài người trên mặt đất.

Nếu chịu khó đi lần vào những tác phẩm của Thầy thì sẽ thấy ngay một Triết gia, một thi sĩ, một nhà văn hóa lớn đang tĩnh tọa trên đỉnh núi cao của thế kỷ, và ở nơi đó con người mãi đắm mình trong núi rừng của ngôn ngữ Triết học, thi ca mà Thầy đã phô diễn tài tình, lịch nghiệm.

Sau đôi mươi năm làm thân kẻ sĩ giữa cuộc vô thường, Thầy đã quẳng gánh bụi hồng để bước chân vào thế giới Diệu thường của Phật pháp và từ đó, Thầy đã hóa thân theo hạnh Bồ Tát. Ngôn ngữ Bồ Tát của Thầy đã dệt thành lời để ca tụng con đường Bồ Tát Ðạo, Bồ Tát HạnhBồ Tát Nguyện. Thầy mang cả trái tim của người Tăng sĩ để phụng hiến cho đời. Thầy đã sống và sống một cách thành thiết an nhiên, tự tại trong nền văn hóa giác ngộ của Phật giáo Việt Nam. Thầy được un đúc, trưởng thành trong nền văn hóa giác ngộ đó để rồi hiện thân như một Lạt Ma Tây Tạng, trì chú, bắt ấn với đời sống tâm linh cao vời vượt thoát. Nơi đây, Thầy đã để lòng thương yêu đến cả loài vật, cỏ cây, sỏi đá, Thầy đã nói những lời hy hiến cả đời mình để phụng sự cho chúng sinh, và chỉ có lý tưởng phụng sự cho chúng sinh mới là lý tưởng siêu tuyệt. Lý tưởng của Bố Tát. Thầy đang làm hạnh Bồ Tát.

 

 

 phamcongthien_doanquocsy_nguyensieu

Từ trái sang phải: Triết gia Phạm Công Thiện, nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Thầy Nguyên Siêu
(hình chụp trong buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật của Tuệ Sỹ tại Houston, Texas ngày 04.11.07)

Một buổi sớm mai, tách café vừa cạn, điếu thuốc cũng vừa tàn, Thầy lại hóa thân vào cuộc vô thường, huyễn ảo, nhiều mộng mị. Thầy đi, đi từ thế giới phương Ðông qua thế giới phương Tây và đi khắp mọi nơi trên mặt đất. Từ những dấu chân đi ấy, Thầy đã lưu lại nhiều vô kể những tư tưởng cao siêu cả đời lẫn đạo, cả Tăng lẫn tục, cả hữu ngôn lẫn vô ngôn. Thầy đã gõ cửa từng vị triết gia, tư tưởng thời ấy. Triết gia của phương Ðông, tư tưởng của phương Tây như là những người bạn chí thân, tri kỷ. Thầy đọc, Thầy viết những tư tưởng của loài người như đọc và viết những tư tưởng của chính Thầy, vì đó mà Thầy được tôn xưng là Triết gia, thần đồng hay nhà văn hóa lớn của thế kỷ. Nhưng, có lẽ vì Triết gia thần đồng hay nhà thơ nhiều mộng mơ mà Thầy đã dẫm nát cả thế giới tục đế, như “những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng” và thực sự Thầy đã im lặng ra đi như chưa một lần ra đi nào cả. Thầy chỉ đau nhẹ, tự mình điều hòa hơi thở, bắt ấn tam muội đi vào thiền định.

Nơi đây, những gì đã có với Thầy một thời sinh tiền như là một kỷ niệm chỉ có thể cảm nhận mà không thể nói ra như một thứ ngôn ngữ phiêu bồng.

Giữa cuộc đời vô thường hay diệu thường, giữa cảnh giới tục đế hay chân đế, giữa bậc Thánh giả hay phàm phu, Thầy là tất cả như bông hoa cỏ nội mây ngàn, núi cao biển rộng hàm tàng đại thể như nhiên.

 

Nguyên Siêu

Xuân Tân Mão

 

 

Từ Biệt Một Nhà Thơ

Trần Khải

 


Thế gian hằng như mộng... Đời người chỉ trong vòng một thế kỷ rồi biến dạng hẳn, như tia chớp tới rồi đi, như bọt nước hiện ra rồi tan vỡ, như hơi thở không biết từ đâu tới và cũng không biết sẽ tan biến về đâu.
Trong cõi mỏng manh như thế, thi sĩ là người thâm cảm được những cơn lạnh hư vô từ xương tủy, và rồi chữ viết ghi lại sẽ làm buốt giá những trang giấy cho đời sau. Nhà thơ Phạm Công Thiện là một người như thế -- sau những thời tuổi trẻ sôi nổi trong Ý Thức Mới Trong Văn NghệTriết Học, rồi một thời trung niên đi giữa những quán xá và các sân chùa hải ngoại, và rồi tới một thời lặng lẽ của những tháng, những năm nhập thất tại Chùa Viên Thông ở Long Beach, qua đó để lại những trang giấy thi ca lặng lẽ trước khi từ biệt vào cõi vô cùng.
Nhà thơ Phạm Công Thiện đã từ trần ngày 8-3-2011 tại Houston, Texas, thọ 71 tuổi. Theo lời kể qua điện thoại của nhà thơ Lê Giang Trần, GS Phạm Công Thiện đã dặn dò một số việc trước, rồi trì một khóa thần chú, nhập định và ra đi nhẹ nhàng.
Mọi chuyện có lẽ không chỉ là dặn dò mới vài ngày trước, như Lê Giang Trần kể lại. Nhà thơ Phạm Công Thiện như dường đã dặn dò từ nhiều năm trước, qua tập thơ nhan đề “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im.” Nơi đó, những dòng thơ hiu hắt như những làn gió chiều của hư vô.
Trong bản in năm 2000, do nhà xuất bản Viên Thông ở California, trong Lời Mở Đầu, nhà thơ Phạm Công Thiện v iết, “Tôi đã bỏ quên đâu mất rất nhiều bài thơ của mình trên 35 năm lang thang lưu lạc khắp thế giới; tập thơ này chỉ còn lại những gì vẫn còn lại với sự Lặng Im hiu hắt nào đó trên cao...” (trang 6).
Đó cũng là số phận chung của đời người, của nhân loại: lang thang, lưu lạc, chỉ còn lại sự Lặng Im hiu hắt...
Như bài thơ “Cuốc”:
Cuốc kêu đầu xương rồng
Dương xỉ rụng trăng rằm
Vỗ mạnh vào thạch động
Rồi lui mất biệt tăm. (trang 8)
Đó là định mệnh người thi sĩ, mở miệng kêu, trăng rằm rụng, và rồi chàng lui mất biệt tăm...
Nhưng đâu có phải là biệt tăm hẳn. Lời đã kêu lên, chữ đã viết xuống... Khi “ông già cô độc ngồi đọc Kim Cương” sẽ tất nhiên có lúc thấy được “Nhật nguyệt lang thang thiên di ngàỳ tháng.” (trang 70)
Do vậy, như dường nhà thơ Phạm Công Thiện đã tiên tri tới những ngày khi cõi đất tàn phai, như bài “Ứng hiện”:
Thất bại giữa đời này
Chết sáng ngời trên cao
Bông tàn phai cõi đất
Mọc lại giữa trăng sao.(trang 71)
Thi sĩ cũng như Thiền sư, đều phảỉ qua những cơn chết lớn, như bông tàn phai cõi đất mới thực sự thấy mình ứng hiện trên cao.
Sau này, nghe nói trong lần tái bản tập thơ “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im” tại Sài Gòn, có thêm phần Lời Dẫn của nhà sư thi sĩ Tuệ Sỹ.
Theo trang nhà Phật Giáo Hoavouu.com, Thầy Tuệ Sỹ viết Lời Dẫn trích như sau:
“Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại. Khi người đời khinh miệt, khi những người thân yêu thù ghét, căm hận, anh đốt lửa soi đường độc hành bằng ánh sao Mai lẻ loi...
...Có gì trong những bước đi, và còn gì trong những bước đi? Chỉ một khoảng ngắn cần vượt qua, khoảng ngắn được đo bằng chính tự ngã của ta. Anh nhảy qua hố thẳm. Hố thẳm như là, vì chính là, ý hướng tính của ta phóng xuất ra đó; bóng tối của thời gian tích tụ ảo ảnh ngông cuồng của tuổi trẻ. Anh nhảy qua hố thẳm, nhảy qua cái bóng của chính mình. Những bước nhảy vẽ thành chuỗi thất bại liên tục trong đời, trong dòng tương tục vô hạn của thời gian, lan tràn qua biên độ vô biên của thế giới:
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Cái đã đi, một cái gì đó vô nhân, vô ngã, đã đi qua trong tôi, trong người, trong đâu đó, hữu biênvô biên, hữu hạn và vô hạn; cái đã đi ấy chưa hề được thực hiện, chưa hề được đi. Khoảnh khắc đột nhiên ngừng lại. Quá khứ biến mất. Cái đã đi, cái tôi nào đó đã đi, con đường nào đó đã được đi, ngày tháng nào đó đã trải đi; thời gianthế gian ngưng tụ, ngưng đọng. Không quá khứ; phóng ảnh vị lai chợt dừng lại, như bị đẩy lùi lại sau, đẩy lui vào quá khứ, rồi biến mất...
...Hết thảy hiện tượng thảy đều thanh tịnh, tự tánh xuất hiện trong hư không pháp tánh...
...Như huyễn tượng, như chiêm bao, như thành phố giữa hư không, cũng vậy, những gì xuất hiện, tồn tại, rồi hủy hoại.
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời.”(hết trích)
Như thế, có phải nhà thơ Phạm Công Thiện đã hóa thân trở thành giải lụa trắng đong đưa giữa trời? Nhưng, có phải giảỉ lụa trắng cũng vẫn như huyễn tượng, như chiêm bao?
Không, đây không phải là hư vô. Tuy là huyễn tượng, tuy là chiêm bao, tuy là một bước nhảy vọt để rồi biến mất... vẫn không phải là hư vô.
Chính nơi đây, Kinh Lăng Già mới viết rằng khi thâý thế gian này như huyễn, bấy giờ dấy lên lòng thương xót cho mọi người, bấy giờ tâm đạị bi mới sinh khởi, Tâm Bồ Đề mới khởi dậy.
Nhà thơ Phạm Công Thiện trong một bài rất dài, nhan đề “Lên Đường” nơi trang 104-108, đã viết, trích:
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy cúng dường
Lôi bồ đề tâm dậy
Chấn động khắp mười phương...
*
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy đaị dương
Lôi bồ đề tâm dậy
Sấm sét nổ mười phương...
Trong một bài viết năm 1988, nhan đề “Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ,” nhà thơ Phạm Công Thiện đã viết về thiền sư Tuệ Sỹ, nhưng cũng như dường viết cho chính bản thân mình:
“...thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương.”
Và để trân trọng gửi lời từ biệt nhà thơ Phạm Công Thiện, bài viết này xin khép lại bằng cách chép lại bốn dòng (đọc nghe như lờì dặn dò của nhà thơ họ Phạm từ những thập niên trước) nơi trang 152 của tập “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im”:
Nhảy thẳng vào sự việc
Chẳng có gì đáng tiếc
Sự việc lớn lao nhất
hiện tiền tịch diệt.

 (xem tác phẩm của Giáo Sư Phạm Công Thiện) 

Source: quangduc

-----------------------------------------------------------------

Thắp cây hương cho Phạm công Thiện

phamcongthien"....Bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi
đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất
Thiện đã về Thiện đã tới.( Đ.C.)

BỞI ĐÓ LÀ PHẠM CÔNG THIỆN-Vũ Trọng Quang 
 
Tự nhận thiên tài độc nhất của Việt Nam
không ai cạnh tranh
dám giao cấu mặt trời thủ dâm thượng đế
đám đông mở cửa trộm nhìn
Anh Ngữ Tinh Âm mười sáu bỏ trường
giật mình khai mở
bởi đó Phạm Công Thiện
 
Trần ai bước chân thiền
bàn tay dấu ấn triết gia
cúi xuống trầm tư văn
ngẩng đầu lạ lùng thi sĩ
bảy mươi mốt
phấn khích dị kỳ
bản chất cơn lốc
 
Ngày Sanh Của Rắn gió thổi đồi thu qua đồi thông
gió thổi qua cõi khác
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
gió thổi đi cho hết một đêm hoang vu
gió thổi ý thức mới
gió thổi hố thẳm im lặng
gió thổi mưa chiều thứ bảy đã về sớm
cây khế đồi cao không kịp trổ
gió thổi gió thổi gió thổi
hiện tượng cơn bão
 
Thiện nói Henry Miller chết tôi không buồn
con ong chết tôi buồn lắm
tôi nói trời đất chết tôi không bất ngờ
Phạm Công Thiện chết tôi ngờ ngợ lắm

CHƯA BAO GIỜ THƯƠNG NHỮNG CON CHIM NHƯ CHIỀU NAY-Đoàn Minh Châu
Khi chiều tới
gió reo trên lá rừng phong
Bay đi
những cơn mưa phùn mùa xuân còn sót lại
Ẩn ngữ
nằm lặng im trong hố thẳm
còn hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ
 
Người
đã đi một đêm hoang vu trên mặt đất
Người chẳng về đâu
và đòi quên như một con chó lạc
như một nắm bùn
 
không còn than thở
không còn đau khổ
không còn tiếc thương
 
đòi chết âm thầm
không cần ai hay biết...
 
Trời tháng Tư
Mặt trời không bao giờ có thực
 
Chưa bao giờ thương những con chim như chiều nay / tràn đầy mặt đất / những con chim thêu niềm tuyệt vọng / lao về phía tàn tro / cháy bừng / Mộng mị

ĐOẠN GHI TỪ BIỆT GAGA(1)- Đinh Cường
En ce monde bouleversé je ne vis plus que dans le souvenir (Paul Klee)
Khi Nguyễn xuân Hoàng từ San José
điện thoại báo tin Phạm công Thiện đã chết
tôi đang ăn múi cam mà nghẹn
buổi chiều mưa mù trởi, lại tiếng còi tàu ứa nước mắt
loanh quanh tìm lại kỷ niệm
những năm xưa mịt mùng xa tắp

Thiện đi xe hơi con nhà giàu ở Mỹ Tho
(sau này phá sản lên xây nhà ở Finom bên đường đi Đà Lạt)
lên Sài Gòn thường ghé thăm tôi ở Tân Định
đêm tối xuống ra nhà may Can của Ninh Chữ (2)
đường Tự Do, có căn gác nhỏ lên đó ngồi chơi
rồi qua phòng trà Tự Do cách một ngã tư
có cả Tuấn Huy mà Thiện đã viết
lá thư mở đầu Ý thức mới trong văn nghệtriết học (3)
Huy, suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được
đôi mắt ướt lệ của một nàng ca sĩchúng mình
đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một
phòng trà mờ tối ở Saigon …
Những giọt nước mắt của Thanh Thuý giọng hát mù sương (4)
Huy nhớ không, Tuấn Huy tác giả Ngày vui qua mau
bây giờ đang ở Costa Mesa, California
người bạn luôn thủ những viên thuốc ngủ và thích ngồi nhìn lung
xuống dòng sông Thiện nhắc trong lá thư
như nhắc đến Trịnh khắc Hồng, người bạn luật sư trẻ tuổi
đã mất năm nào, lá thư ghi NhaTrang, tháng 6 năm 1963
và tôi đã vẽ bìa cho nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ
một con ngựa xám đang tung vó giữa trời
khi bị con rắn năm sinh của Phạm công Thiện cắn, Thiện khoái chí

Cuốn sách tôi mua lại được nơi hàng sách cũ
trước nhà thương Từ Dủ
trong phần cuối, thư gửi cho Nietzsche
Sau khi đã phá hoại đến cùng cực… Đi vào im lặng
Chào Dionynos Philosophos

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im (5)
Thư quán Hương Tích in ở Sài Gòn
Thầy Tuệ Sỹ nhờ tôi đem về mấy quyển
giao cho Thiện, chỉ có một người liên lạc được
với Thiện ở Houston …còn thì lặng im

Bây giờ thì
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều (6)

Ngọn lửa tịch mịch đã tắt
nhớ xưa trên căn gác nhà Thanh tuệ ở Lý thái Tổ
Bùi Giáng gặp Nguyễn đức Sơn và Phạm công Thiện
cả ba mặt trời như muốn nổ tung
làm Bửu Ý phải can, tôi thì nhìn xuống con hẽm
chờ kêu mua mấy chén chè xôi nước
các ngài ăn cho ngọt giọng rồi cười

Ôi làm sao nhớ hết thời xa xưa ấy
thời Thiện ở dưới căn phòng nhỏ tầng hầm
đường Yagut, mê mãi viết Saroyan
Đà Lạt nay tên đường vẫn vậy tôi ghé qua
muốn chụp tấm ảnh đưa về Thiện xem mà không kịp nữa
Ơi Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ
nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện
Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca
bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi
đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (7)

Thiện đã về Thiện đã tới.

1-“ông tự đặt tên là GaGa
gọi cô gái nhỏ là BinBin
chiều ba mươi Tết làm thơ lạ
gà tre nhỏ cùng bông mồng gà“
(4 câu trong bài thơ Thư Cho Cô Nhỏ Mùng Một Tết, Việt Báo Xuân – California 2011 )

2- Nhà thơ Ninh Chữ tên thật Tạ văn Ân, sinh năm 1938 taị Hà Nội, mất sau 1975 taị Sài Gòn. 4 tập thơ đã xuất bản: Tuổi đời 1962, Miền lưu đày 1963, Tầm gửi 1964, Ngôn ngữ 1968.
3- An Tiêm xuất bản Sài Gòn 1965.
4- …Xin chiều mưa biên giới hỡi Thanh Thuý xin chiều mưa biên giới. Phù hộ tôi đêm nay. Xin chiều mưa biên giới… ( Phạm công Thiện – Bay đi những cơn mưa phùn, Phạm Hoàng Xuất bản, Sài Gòn1970, trang195)
5- Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn, Thư quán Hương Tích, 2009
6- Trên tất cả đỉnh cao là lặng im( bài Đi đọan 2 trang22)
7- Trần Thi xuất bản California 1988

CƠN RÙNG MÌNH CHIỀU NAY-Âu thị Phục An

Tràn qua tôi lời báo về một cơn rùng mình nhè nhẹ
ánh sáng cuối cùng của một hoàng hôn thao thức đã tắt
anh ra đi hay anh về cũng vậy thôi
một đêm hoang vu hay một đêm lặng im hố thẳm
không có sự chọn lựa nào cho một lần nhắm mắt
nhưng tôi tin rằng anh đã làm xong sứ mệnh
cuộc trần đong đưa cũng chừng đó, thế thôi
 
tôi nhớ lại xa lắm những ngày áo sinh viên văn khoa
tuổi đôi mươi tôi tóc dài huyền hoặc
con mắt trần gian đen tròn mê hoặc
sách vở trên tay vụng về chạy theo Sartre
thao thức bức rức nức nở tìm trong Thiện
giọt nắng sân văn khoa thấu qua tôi đau điếng
giọt mưa đường cường để thấm lạnh da con gái
cơn miên man dậy men tự bao giờ
 
dẫu sao một thời cũng chín đỏ cả một đời
tôi xin cúi đầu tiễn một cơn gió mát
đã lướt qua một thế hệ nhiệm mầu
đã thấm đẫm tôi, đã thiên thu tôi
xin chào anh!

CHỮ, NGHĨA Ở ĐÂY CHỮ NGHĨA CỦA RỪNG- Vương Ngọc Minh 
 
Thơ ông thiện ập xuống trở tay không kịp, thủ
sương trong trời ném từng mảng mảng khắp mặt thú
bưng má riết rống cho đến khi lũ chữ mưng mủ
mới hay nghĩa tình em bấy lâu cuộn trong tôi chả khác lũ
 
mỗi ngày quờ quạng, rồi thiếp đi khi rạng bình minh
(bình minh, hừm! ước vọng chết tức tưởi theo ngày)
mặt trời nổ, trên đỉnh đầu mọc những toan tính
thời gian được đặt dọc theo mô- típ giả định
 
vần điệu ông thiện ập tới không kịp trở mặt
(liền mấy ngày ròng tâm trạng rối bời bời!)
hình tượng “bóng chim gầy long đong*” thực se thắt
cứ đuổi đeo tróc nả một cách hết sức gay gắt
 
liền tưởng tượng “cây khế đồi cao trổ hết bông”
ngôn ngữ thơ dậy buổi mai trĩu lả ngọn đòng đòng
dòng sông ấu thời, con đò ngang, tiếng gọi khản
ký ức tôi giang tay chịu trận bão vu khống
 
tưởng tưởng tiếp “mưa chiều thứ bảy tôi về muộn”
thì hàng cột đèn trên cầu lập tức bỏ đi lông bông
tĩnh vật tôi vẽ, tổng thể biểu hiện độc cơn lốc cuốn
toàn cảnh màu đỏ của nhục cảm, nỗi thèm muốn
 
Chữ nghĩa ông thiện đổ lên đầu không kịp rụt cổ
hễ chợp mắt nghe tiếng kinh, tiếng mõ bộn bề
tôi mãi hoài niệm “bầy quạ đen- khung cửa sổ
mở- một cây cam sai trái” như một sự cố.

* thơ Phạm Công Thiện.

VĨNH BIỆT PHẠM CÔNG THIỆN-Trần Vấn Lệ 
Mày hơn tao một tuổi mà mày đã “xong” rồi!..Chết mà được, hỡi ơi, đời không buồn thêm nữa!
 Hôm qua không mưa gió. Mày đi. Đi thản nhiên. Mày chắc nhớ chưa quên cái thời trên Đà Lạt…
 7, Trần Bình Trọng, cỏ rạp mày đi qua, đi qua. Ở đó, Hoàng Vĩnh Lộc, ở đó, Bùi Giáng, sống chưa hết tuổi già…
 
Con Mộng Ngân hít hà: “Ôi mấy cha nội đó, nhiều khi như mưa gió, ồn muốn nát nhà tôi”.
 Tao cũng đó một thời, khi mày về Yagut, số 12 dưới hụp, một phòng đầy văn chương…
 
Mày bỏ xuống Nha Trang, mày đi tu đạo Phật, mày là người giỏi nhất: thuộc bảy hai vạn Kinh!
 Nhiều năm tao hỏi mình: Phạm Công Thiện đâu nhỉ? Ông Giáo Sư Lê Phỉ, nói: “Nó đã về Trời”.
 
Hồi đó, mày, mày ơi, mày sống mà, chưa chết, Con Rắn còn bò miết trên Đồi Cù đấy thôi!
 Tao giận mày một thời, tu chi hai đường Đạo – con đường nào Sáng Tạo Con Rắn Cho Trần Gian?
 
Mày không ở Tiền Giang, tỉnh mày viết Ý Thức. Mày làm ong hút mật trường Vạn Hạnh lêu nghêu…
 Thiện ơi có một chiều, mình gặp nhau ở Mỹ. Mày nhìn tao hỏi khẽ: “Đà Lạt giờ vui kh6ng?”.
 
Hăm mốt năm trôi sông, bây giờ thì mày chết. Bảy mươi mốt tuổi, mệt, Thôi, mày đi bình an!
 Đà Lạt mình vội vàng sống một thời tạm bợ. Nước Mỹ không muôn thuở…mà mày đành Thiên Thu!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 19228)
Phật Ngọc Hòa Bình Đã Về Tới Chùa Bát Nhã, Santa Ana; Phật Ngọc Được Rước Diễn Hành Qua Nhiều Đường Phố Ở Quận Cam
(Xem: 16307)
Đại lễ thỉnh Phật sẽ được cử hành long trọng bằng đoàn xe Cung nghinh và xe Hoa rước Phật vào lúc 10 giờ sáng thứ ba, ngày 19 tháng 10 năm 2010
(Xem: 19909)
Khoảng 15.000 người đã đổ về tỉnh British Columbia của Canada để chứng kiến một trong những hiện tượng bí ẩn của tự nhiên: cuộc di cư khổng lồ của cá hồi đỏ, được cho là lớn nhất trong 1 thế kỷ trở lại đây
(Xem: 16508)
Được thành lập từ năm 1996, Project Vietnam hằng năm đều đặn tổ chức những chuyến đi nhân đạo về Việt Nam để khám chữa bệnh, phẫu thuật, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo...
(Xem: 16557)
Cuộc giải cứu thợ mỏ Chile sẽ bất thành nếu thiếu sự đồng lòng của chính phủ và người dân, cũng như sự đấu tranh không khoan nhượng của gia đình nạn nhân.
(Xem: 17721)
Nhất Hạnh Thiền Sư đã hướng dẫn 500 tu sĩ và cư sĩ Phật Giáo từ 15 quốc gia trong trong một khóa tu thiền quán tại Ngôi đền nổi tiếng Borobudur ở Megelang, Trung Java, vào thứ Năm.
(Xem: 18003)
Hai người Mỹ Peter Diamond và Dale Mortensen, và người Anh gốc Hy Lạp từ đảo Síp Christopher Pissarides, đã giành giải thưởng Nobel kinh tế 2010.
(Xem: 17344)
Các đội cứu cấp Chile đã kết thúc công tác giải cứu 33 thợ mỏ, chấm dứt một cơn ác mộng mà cả nước và toàn thế giới vừa trải qua trong 2 tháng.
(Xem: 18519)
Giải Nobel Văn Chương năm 2010 thật bất ngờ được trao cho tiểu thuyết gia, ký giả kiêm chính trị gia Mario Vargas Llosa, một người cũng nổi tiếng không kém trong sự nghiệp chính trị.
(Xem: 20737)
Hai khoa học gia Nhật Bản, Ei-ichi Negishi và Akira Suzuki, cùng với nhà khoa học Mỹ, Richard Heck, đã phát triển phương pháp gọi là liên kết nhờ xúc tác palladium.
(Xem: 19838)
Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng cũng bày tỏ hy vọng nỗ lực của các trí thức Trung Quốc sẽ mang lại kết quả trong tương lai.
(Xem: 19829)
Một nhà khoa học người Anh đã đoạt giải Nobel y học năm 2010 vì công trình phát triển quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
(Xem: 19922)
Hai khoa học gia Nga đã đoạt giải Nobel Vật lý 2010 nhờ những cuộc thí nghiệm “có tính chất đột phá” với một dạng carbon cứng và dẫn điện rất tốt.
(Xem: 20638)
Hôm nay ngày 25-9, tại Khách sạn Istana, thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Hội nghị Phật giáo Thế giới (WBC) chính thức khai mạc với sự tham dự của Thiền sư Thích Nhất Hạnh...
(Xem: 19598)
Trong lều có những vật nhỏ quý giá: một chiếc nồi nấu, vài tấm nệm, và hai hoặc ba bộ quần áo cho bọn trẻ.
(Xem: 22019)
Có họa sĩ đã ví Borobudur như đóa sen rực rỡ nổi giữa lòng hồ. Điều ấy quả không ngoa khi Borobudur có kiến trúc, hình dáng và cảnh quan khác xa những đền thờ truyền thống của Indonesia.
(Xem: 24243)
Đức Dalai Lama đã chi hàng chục ngàn bảng Anh để làm từ thiện sau khi bất ngờ có được một khoản tiền công đức tương đối khá từ chuyến du hành đến Nottingham gần đây của Ngài
(Xem: 23645)
Ngài vị pháp thiêu thân tại giao lộ Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt cũ (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám), UBND TP.HCM, Sở VH - TT & DL phối hợp cùng THPG TP tổ chức lễ an vị tôn tượng Bồ tát Thích Quảng Đức tại Công viên Tượng đài Thích Quảng Đức, số 70-72 Cách Mạng Tháng 8, P.6, Q.3, TP.HCM.
(Xem: 23875)
Please enjoy this interview with His Holiness by Barkha Dutt from NDTV, on his 75th Birthday.
(Xem: 23360)
Ấn Độ: Trên một vạn người Ấn cải đạo sang Phật giáo tại Ahmedabad
(Xem: 24835)
Đúng vào lúc 9 giờ 20 phút thứ tư ngày 1 tháng 9 năm 2010 (nhằm ngày 23/07/Canh Dần) bước chân đầu tiên của Đại Đức Thích Tâm Mẫn bước vào địa phận Thành phố Quảng Ngãi.
(Xem: 21666)
Anh Sanjay Kumar, 42 tuổi được dân làng ngưỡng mộ kể từ khi bắt đầu hành trình "Kanwar" - gánh cha và mẹ trên vai, băng qua quãng đường 216 km.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant