Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

06. Phẩm Tỳ-Lô-Giá-Na

11 Tháng Ba 201100:00(Xem: 20473)
06. Phẩm Tỳ-Lô-Giá-Na

KINH HOA NGHIÊM 
Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà - Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 - 1983

PHẨM TỲ LÔ GIÁ NA
THỨ SÁU


Phổ-Hiền Bồ-Tát lại bảo đại-chúng rằng: 'Chư Phật-tử! Quá thế-giới vô-trần-số kiếp về thuở quá-khứ, lại quá xấp bội thời-gian đó, có thế-giới-hải tên Phổ-Môn-Tịnh-Quang-Minh.

Trong thế-giới-hải này có thế-giới tên Thắng-Âm, y biển ma-ni-võng mà trụ, có tu-điều-phục-sơn vi-trần-số thế-giới bao quanh, hình tròn và bằng phẳng. Cõi này đủ vô-lượng sự trang-nghiêm. Ba trăm lớp bửu-thọ Luân-vi-sơn bao bọc. Những bửu-vân giăng che. Thanh-tịnh không nhơ uế, ánh sáng rực rỡ. Thành ấp cung-điện như Tu-Di-Sơn. Y phục cùng thức ăn uống tùy niệm hiện đến. Kiếp đó tên Chủng-chủng-trang-nghiêm.

Chư Phật-tử ! Trong cõi Thắng-Âm đó có biển Thanh-Tịnh-Quang-Minh-Hương-Thủy. Trong biển này có đại-liên-hoa-tu-di-sơn xuất hiện, tên Hoa-Diệm-Phổ-Trang-Nghiêm-Tràng, lan-can bằng mười chất báu bao vòng. Trên núi đó có một khu rừng lớn, tên Ma-Ni-Hoa-Chi-Luân. Nơi đây có vô-lượng lâu-các đẹp, vô-lượng nhà viện báu, vô-lượng tràng diệu-hương, vô-lượng tràng bửu-sơn, rất mực trang-nghiêm. Vô-lượng bạch-liên-hoa báu đua nở khắp nơi, vô-lượng lưới hương ma-ni-liên-hoa bủa giăng. Tiếng nhạc hòa vui, hương vân chói sáng, số đều vô-lượng không kể hết.

Có tất cả trăm muôn ức na-do-tha thành bao quanh, nhân dân ở trong đó.

Phía đông của khu rừng có đại thành Diệm-Quang-Minh, chỗ đóng đô của Nhơn-Vương, vòng quanh có trăm muôn ức na-do-tha thành, ngang rộng đều bảy ngàn do tuần, xây dựng bằng những diệu-bửu thanh-tịnh, quách bằng bảy báu, những lầu tháp ngừa giặc đều tráng-lệ, bảy lớp hào báu đầy những hương thủy, nơi đây hoa sen bốn màu xanh, vàng, đỏ, trắng đua nở khoe xinh. Cây đa-la báu bao bọc bảy lớp. Lâu-các cung-điện đều bằng châu-báu, trên đó, lưới báu che giăng. Hoa hương thơm sáng rải khắp nơi. Có trăm muôn ức na-do-tha cửa lớn, đều bằng châu báu. Trước mỗi cửa đều có bốn mươi chín tràng thi-la, bày hàng thứ tự. Lại có trăm muôn ức khu vườn bao vòng. Trong đây đều có nhiều loại cây tạp-hương, cây ma-ni-hương, mùi thơm lan khắp nơi. Bày chim đẹp hòa hót, ai nghe cũng đẹp ý cả.

Trong đại-thành này, cư dân không ai là chẳng có sanh-đắc-thần-thông bay đi tự-tại, nết hạnh như chư Thiên, những vật nhu-cầu, theo ý muốn hiện đến.

Kế cận đại-thành này về hướng nam, có một Thiên-thành hiệu Thọ-Hoa-Trang-Nghiêm.

Xoay theo phía hữu của Thiên-thành, có Ðại-Long thành tên Cứu-Cánh.

Kế đó là Dạ-Xoa thành tên Kim-Cang-Thắng-Diệu-Tràng.

Kế đó là Càn-Thát-Bà thành tên Diệu-Cung.

Kế đó là A-Tu-La thành tên Bửu-Luân.

Kế đó là Ca-Lâu-La thành tên Diệu-Bửu-Trang-Nghiêm.

Kế đó là Khẩn-Na-La thành tên Du-Hí-Khoái-Lạc.

Kế đó là Ma-Hầu-La thành tên Kim-Cang-Tràng.

Kế đó làm Phạm-Thiên-Vương thành tên Chủng-Chủng-Diệu-Trang-Nghiêm.

Có trăm vạn ức na-do-tha thành như vậy. Mỗi thành này đều có trăm vạn ức na-do-tha lâu-các trang-nghiêm vô-lượng.

Chư Phật-tử ! Trong khu rừng lớn Ma-Ni-Hoa-Chi-Luân này có một đạo-tràng tên Bửu-Hoa-Biến-Chiếu, dùng những châu báu trang-nghiêm khắp nơi. Hoa báu Ma-Ni đua nở một chỗ. Thắp hương đăng đủ những màu báu đẹp. Mây sáng giăng che, lưới sáng rực rỡ. Những vật trang-nghiêm luôn sản xuất diệu-bửu. Tất cả nhạc khí thường tấu tiếng hòa nhã. Châu Ma-Ni-Vương hiện thân Bồ-Tát. Các loại hoa đẹp cùng khắp mười phương.

Trước đạo-tràng đó có một biển to tên Hương-Ma-Ni-Kim-Cang, có đại-liên-hoa tên Hoa-Nhụy-Diệm-Luân. Hoa đó rộng lớn trăm ức do-tuần. Cọng, cánh, tua, gươn đều bằng diệu-bửu. Mười bất-khả-thuyết trăm ngàn ức na-do-tha liên-hoa bao quanh. Thường phóng quang-minh, luôn vang tiếng diệu, khắp đến mười phương.

Chư Phật-tử ! Thế-giới Thắng-Âm, trong kiếp tối sơ, có mười tu-di-sơn vi-trần-số Như-Lai ra đời. Ðệ nhứt là đức Nhất-Thiết-Công-Ðức-Sơn-Tu-Di-Thắng-Vân.

Chư Phật-tử ! Trước lúc đức Phật đó xuất thế một trăm năm, trong rừng Ma-Ni-Hoa-Chi-Luân, tất cả đều trang-nghiêm thanh-tịnh. Những là xuất-hiện mây bửu-diệm, vang tiếng ca ngợi công-đức của Phật, diễn nói âm thinh của vô số Phật. Phóng ánh sáng như lưới giăng che mười phương. Cung điện lâu các chiếu sáng lẫn nhau. Hoa báu sáng bay nhóm thành mây. Lại vang ra tiếng vi-diệu trình bày căn lành quảng đại của chúng-sanh tu-hành từ thuở trước, kể danh-hiệu của tam-thế chư Phật, thuật đạo cứu-cánh và hạnh-nguyện của Bồ-Tát tu hành, nói những lời của Như-Lai chuyển-pháp-luân.

Hiện ra những tướng trang-nghiêm như vậy, để ứng điềm đức Như-Lai xuất thế.

Tất cả vua chúa trong thế-giới Thắng-Âm, vì thấy nghe những tướng trang-nghiêm đó nên căn lành được thành thục, đều muốn gặp Phật mà đến đạo-tràng.

Lúc đó trong đại liên-hoa nơi đạo-tràng, đức Nhứt-Thiết-Công-Ðức-Sơn-Tu-Di-Thắng-Vân Phật thoạt xuất hiện, đủ tướng báu tốt, vô-biên diệu-sắc thanh-tịnh.

Tất cả cung-điện đều hiện bóng Phật. Tất cả chúng-sanh đều được thấy Phật.

Từ nơi thân Phật xuất hiện vô-biên Hóa-Phật, nhiều loại màu sắc sáng rỡ khắp pháp-giới.

Trong thế-giới Thắng-Âm có sáu mươi tám ngàn ức Tu-Di-Sơn, Phật đều hiện thân ngồi trên đảnh núi, như hiện đang ngự trên bửu-tọa tại rừng Ma-Ni-Hoa-Chi-Luân.

Ðức Phật phóng bạch hào tướng quang, quang-minh này tên phát-khởi-nhứt-thiết-thiện-căn-âm, kèm theo mười phật-sát vi-trần-số quang-minh, chiếu khắp cả quốc-độ ở mười phương.

Nếu có chúng-sanh đáng được điều-phục, thời ánh sáng đó chiếu đến họ, liền được tự khai ngộ, dứt phiền não, phá lưới mê, xô ngã núi chướng, sạch cấu trược, phát tín giải lớn, sanh thiện-căn thù thắng, lìa hẳn tất cả nạn khủng bố, diệt trừ tất cả khổ-não nơi thân-tâm, khởi tâm thấy Phật, hướng đến nhứt-thiết-trí.

Bấy giờ tất cả vua chúa cùng vô-lượng trăm ngàn quyến thuộc, nhờ quang-minh của Phật khai giác nên đều đến chỗ Phật ngự, đầu mặt lạy chơn Phật.

Chư Phật-tử ! Trong đại thành Diệm-Quang-Minh, Quốc-Vương-Hỷ-Kiến-Thiện-Huệ thống lãnh cả trăm vạn ức na-do-tha thành. Phu-Nhơn Phước-Kiết-Tường làm thượng-thủ bất-khả-thuyết vạn bảy ngàn Phu-Nhơn thể nữ. Thái-Tử Ðại-Oai-Quang làm thượng-thủ trong năm trăm Vương-tử. Thái-Tử có một vạn Phu-Nhơn và Diệu-Kiến phu-nhơn là thượng-thủ.

Khi đã được thấy quang-minh của Phật, nhờ sức tu căn lành từ trước, Thái-Tử Ðại-Oai-Quang liền chứng được mười pháp-môn :

Một là môn Chư-Phật-công-đức-luân-tam-muội. Hai là môn Chư-Phật-pháp-phổ-môn-đà-la-ni. Ba là môn Quảng-đại-phương-tiện-tạng-bát-nhã-ba-la-mật. Bốn là môn Ðiều-phục-chúng-sanh-đại-trang-nghiêm đại từ. Năm là môn Phổ-vân-âm-đại-bình-đẳng. Sáu là môn Sanh-vô-biên-công-đức-tối-thắng-tâm-đại-hỉ. Bảy là môn Như-thật-giác-ngộ-nhứt-thiết-pháp-đại-xả. Tám là môn Quảng-đại-phương-tiện-bình-đẳng-tạng-đại-thần-thông. Chín là môn Tăng-trưởng-tín-giải-lực-đại-nguyện. Mười là môn Phổ-nhập-nhứt-thiết-trí-quang-minh-biện-tài.

Lúc đó, Ðại-Oai-Quang Thái-Tử thừa oai-lực của Phật, quan-sát khắp đại-chúng, rồi nói kệ rằng :

Thế-Tôn ngồi đạo-tràng

Ðại quang-minh thanh-tịnh

Như ngàn mặt nhựt mọc

Chiếu khắp cõi hư-không.

Vô-lượng ức ngàn kiếp

Phật mới hiện một lần

Nay Phật hiện ra đời

Mọi người đều mến kính.

Xem trong quang-minh Phật

Hóa Phật bất-tư-nghì

Trong tất cả cung điện

Tịch-tịch mà chánh-thọ.

Hãy xem thần-thông Phật

Chưn lông tuôn mây sáng

Chói rực cả thế-gian

Quang-minh vô-cùng-tận.

Hãy nhìn xem thân Phật

Lưới sáng rất thanh-tịnh

Hiện hình đồng tất cả

Cùng khắp đến mười phương.

Diệu âm khắp thế-gian

Ai nghe cũng vui đẹp

Tùy theo tiếng chúng-sanh

Ca ngợi công-đức Phật.

Phật-quang chiếu đến đâu

Chúng-sanh đều an lạc

Khổ não đều dứt trừ

Trong lòng rất mừng rỡ.

Hãy xem chúng Bồ-Tát

Mười phương đến đạo-tràng

Ðều phóng mây báu đẹp

Hiện-tiền ca ngợi Phật.

Ðạo-tràng vang diệu-âm

Tiếng đó rất sâu-xa

Hay dứt khổ chúng-sanh

Ðây là thần-lực Phật.

Chúng-hội đều cung-kính

Lòng họ rất mừng vui

Ðồng ở trước Thế-Tôn

Chiêm ngưỡng đấng Vô-Thượng.

Chư Phật-tử ! Lúc Thái-Tử-Ðại-Oai-Quang nói kệ, do thần-lực của Phật, tiếng của Thái-Tử vang khắp thế-giới Thắng-Âm.

Quốc-Vương-Hỉ-Kiến-Thiện-Huệ, sau khi nghe lời kệ, rất vui mừng. Nhà vua quan-sát các quyến thuộc rồi nói kệ rằng :

Hỡi tất cả chư Vương

Vương-tử và Ðại-thần

Các Tể-quan thành ấp

Phải mau họp lại đây !

Phổ cáo trong các thành

Mau đánh trống truyền rao

Họp tất cả mọi người

Ðồng đến ra mắt Phật !

Tất cả các nẻo đường

Ðều phải rung lạc báu

Dắt vợ con quyến thuộc

Ðồng đến lễ Như-Lai.

Tất cả các thành quách

Phải sửa sang sạch sẽ

Khắp nơi dựng tràng phan

Nghiêm-sức bằng châu ngọc !

Mành lưới báu che giăng

Kỹ nhạc bủa như mây

Trang-nghiêm giữa hư-không

Mọi nơi phải đầy đủ !

Ðường xá phải dọn sạch

Y phục phải đẹp xinh

Ngồi trên xe báu tốt

Cùng ta đồng đến Phật !

Mỗi người tùy tự-lực

Rải những vật trang-nghiêm

Rợp trời như mây che

Cùng khắp cả không gian !

Lửa thơm, lọng liên-hoa

Chuỗi ngọc hình bán nguyệt

Và nhiều y phục đẹp

Mọi người nên đồng rải !

Ðem nhiều thứ nước thơm

Luân ma-ni thượng diệu

chiên đàn thanh-tịnh

Ðều rải đầy hư-không !

Những hoa báu chuỗi ngọc

Trang-nghiêm sạch không nhơ

Cùng với đèn ma-ni

Ðều treo ở trên không !

Mọi người hướng phía Phật

Lòng đều rất vui mừng

Cùng vợ con quyến thuộc

Ðến ra mắt Thế-Tôn.

Lúc đó, Quốc-Vương Hỉ-Kiến-Thiện-Huệ cùng Phu-Nhơn, Vương-Tử, Ðại-thần và quyến thuộc, bảy mươi bảy trăm ngàn ức na-do-tha người đồng ra khỏi thành Diệm-Quang-Minh, thừa phước-lực của Quốc-Vương, bay trên không mà đi. Những đồ cúng dường đầy khắp hư-không. Khi đến đạo-tràng đại-chúng đồng lễ Phật rồi ngồi qua một phía.

Thiên-Vương Thiện-Hóa-Tràng ở thành Diệu-Hoa cùng với quyến-thuộc mười ức na-do-tha đồng câu-hội.

Long-Vương Tịnh-Quang ở thành Cứu-Cánh cùng với hai mươi lăm ức quyến-thuộc câu-hội.

Dạ-Xoa-Vương Mãnh-Kiện ở thành Kim-Cang-Thắng-Tràng cùng quyến-thuộc bảy mươi bảy ức câu hội.

Càn-Thát-Bà-Vương Hỉ-Kiến ở thành Vô-Cấu cùng chín mươi bảy ức quyến-thuộc câu hội.

A-Tu-La Vương Tịnh-Sắc-Tư-Duy ở thành Diệu-Luân cùng năm mươi tám ức quyến thuộc câu hội.

Ca-Lâu-La Vương Thập-Lực-Hành ở thành Diệu-Trang-Nghiêm cùng chín mươi chín ngàn quyến thuộc câu hội.

Khẩn-Na-La-Vương Kim-Cang-Ðức ở thành Du-Hí-Khoái-Lạc cùng mười tám ức quyến thuộc câu hội.

Ma-Hàu-La-Già Vương Bửu-Xưng-Tràng ở thành Kim-Cang-Tràng cùng bất-khả-thuyết ức trăm ngàn na-do-tha quyến thuộc câu hội.

Pham-Vương Tối-Thắng ở thành Tịnh-Diệu-Trang-Nghiêm cùng mười tám ức quyến thuộc câu hội.

Trong trăm vạn ức na-do-tha đại thành như vậy, tất cả chư Vương cùng với quyến thuộc đồng đến đạo-tràng đảnh lễ đức Nhứt-Thiết-Công-Ðức-Sơn-Tu-Di-Thắng-Vân Như-Lai, rồi ngồi qua một phía.

Lúc đó, vì muốn điều-phục các chúng-sanh, đức Thắng-Vân-Như-Lai ở trong hải-hội đạo-tràng diễn thuyết khế-kinh Phổ-Tập-Tam-Thế-Chư-Phật-Tự-Tại-Pháp, cùng với thế-giới vi-trần-số khế-kinh khác. Tùy tâm chúng-sanh đều khiến được lợi ích.

Ðại-Oai-Quang Bồ-Tát, sau khi nghe pháp này, liền chứng được pháp-hải quang-minh của đức Phật Thắng-Vân đã tích-tập từ đời trước. Những là :

Chứng được trí-quang-minh tất cả pháp tụ bình-đẳng tam-muội, trí quang-minh tất cả pháp đều vào trụ trong tâm bồ-đề tối sơ, trí quang-minh thập phương pháp-giới phổ quang-minh tạng thanh-tịnh nhãn, trí quang-minh quan-sát tất cả Phật-pháp đại-nguyện hải, trí quang-minh vào vô-biên công-đức-hải thanh-tịnh-hạnh, trí quang-minh hướng đến bất-thối-chuyển đại-lực tốc-tật-tạng, trí quang-minh sức vô-lượng biến-hóa trong pháp-giới xuất-ly-luân, trí quang-minh quyết-định vào biển vô-lượng công-đức viên-mãn, trí quang-minh rõ biết biển thần-thông hiện trước tất cả chúng-sanh của vô-biên Phật trong pháp-giới, trí quang-minh rõ biết pháp-lực vô-sở-úy của chư Phật.

Ðại Oai-Quang Bồ-Tát được vô-lượng trí quang-minh như vậy rồi, thừa thừa oai-lực của Phật mà nói kệ rằng :

Tôi nghe phật-pháp vi-diệu

Mà được trí quang-minh

Do đây thấy Thế-Tôn

Việc đã làm thuở trước.

Tất cả chỗ sanh ra

Danh diệu thân sai khác

cúng dường nơi Phật

Như vậy tôi đều thấy.

Thuở xưa chỗ chư Phật

Ðều kính thờ tất cả

Vô-lượng kiếp tu-hành

Nghiêm tịnh các thế-giới.

Thí xả chính thân mình

Quảng đại không ngằn mé

Tu tập hạnh tối-thắng

Nghiêm-tịnh các quốc-độ.

Tai, mũi, đầu, tay, chân

Và đến những cung điện

Thí xả số vô-lượng

Nghiêm tịnh các sát-hải.

Nơi mỗi mỗi thế-giới

Ức-kiếp bất-tư-nghì

Tu tập hạnh bồ-đề

Nghiêm tịnh các thế-giới.

Phổ-Hiền đại nguyện lực

Trong tất cả chư Phật

Tu hành vô-lượng hạnh

Nghiêm tịnh các quốc-độ.

Như nhơn nhựt-quang chiếu

Trở lại thấy mặt trời

Tôi do Phật-trí-quang

Thấy đạo của Phật làm.

Tôi xem Phật sát-hải

Thanh-tịnh rất sáng suốt

Tịch-tịnh chứng bồ-đề

Pháp-giới đều cùng khắp.

Tôi sẽ như Thế-Tôn

Nghiêm tịnh các sát-hải

Nhờ oai-thần của Phật

Tu tập hạnh bồ-đề.

Chư Phật-tử ! Lúc đó, Ðại-Oai-Quang-Bồ-Tát, do thấy và cúng-dường đức Phật Nhứt-Thiết-Công-Ðức-Tu-Di-Thắng-Vân, nên tâm được tỏ ngộ, rồi vì thế-gian mà hiển thị hạnh-hải thuở xưa của Như-Lai, hiển thị phương-tiện tu hành của Bồ-Tát thuở xưa, hiển thị trí thanh-tịnh vào khắp tất cả pháp-giới, hiển thị sức thành Phật tự tại trong tất cả đạo-tràng, hiển thị lực vô-sở-úy trí vô sai biệt của Phật, hiển thị khắp thị hiện thân Như-Lai, hiển thị thần biến bất-khả-tư-nghì của Phật, hiển thị trang-nghiêm thanh-tịnh vô-lượng Phật-độ, hiển thị những hạnh nguyện của Phổ-Hiền Bồ-Tát.

Vì thế-gian hiển thị như vậy khiến tu-di-sơn vi-trần-số chúng-sanh phát bồ-đề-tâm. Phật-sát-vi-trần-số chúng-sanh thành tựu Như-Lai thanh-tịnh quốc-độ.

Lúc đó, Nhứt-Thiết-Công-Ðức-Sơn-Tu-Di-Thắng-Vân-Như-Lai vì Ðại-Oai-Quang-Bồ-Tát mà nói kệ rằng :

Lành thay Ðại-Oai-Quang

Phước-tạng danh tiếng lớn

Vì lợi ích chúng-sanh

Hướng đến bồ-đề-đạo.

Ông được trí quang-minh

Pháp-giới đều đầy khắp

Phước huệ đều rộng lớn

Sẽ được biển trí sâu.

Trong một cõi tu hành

Trải qua sát-trần kiếp

Như ông thấy nơi Phật

Sẽ được trí như vậy.

Chẳng phải kẻ hạnh kém

Biết được phương-tiện này

Ðược sức đại tinh-tấn

Mới tịnh sát-hải được.

Trong mỗi mỗi vi-trần

Tu hành vô-lượng kiếp

Người đó mới làm được

Trang-nghiêm các phật-độ.

Vì mỗi mỗi chúng-sanh

Luân hồi trải kiếp hải

Trong lòng chẳng nhàm mỏi

Sẽ thành Ðại-Ðạo-Sư.

Cúng-dường mỗi mỗi Phật

Cùng tận thuở vị lai

Lòng không chút nhàm mỏi

Sẽ thành vô-lượng-đạo.

Tam-thế tất cả Phật

Sẽ khiến ông toại nguyện

Trong tất cả Phật-hội

Thân ông đều ở đó.

Tất cả chư Như-Lai

Thệ-nguyện vô-lượng-biên

Người đại-trí thông đạt

Biết được phương-tiện này.

Ðại-Quang cúng dường Phật

Nên được oai-lực lớn

Khiến trần-số chúng-sanh

Thành-thục hướng bồ-đề.

Người tu hạnh Phổ-Hiền

Bồ-Tát tiếng tăm lớn

Trang-nghiêm Phật sát-hải

Pháp-giới đều cùng khắp.

Chư Phật-tử ! Trong kiếp Ðại-Trang-Nghiêm đó, có hằng-hà sa-số tiểu kiếp, loài người thọ hai tiểu-kiếp.

Chư Phật-tử ! Ðức Nhứt-Thiết-Công-Ðức-Sơn-Tu-Di-Thắng-Vân Phật thọ năm mươi ức tuổi. Sau khi đức Phật đây diệt độ, thời đức Ba-La-Mật-Thiện-Nhãn-Trang-Nghiêm-Vương Phật ra đời, cũng thành chánh-giác nơi đạo-tràng ở rừng Ma-Ni-Hoa-Chi-Luân.

Lúc đó, Ðại-Oai-Quang-Ðồng-Tử thấy đức Thiện-Nhãn-Trang-Nghiêm-Vương thành Phật hiện thần-thông, liền chứng được niệm-Phật tam-muội tên Vô-Biên-Hải-Tạng-Môn, và được đà-la-ni tên đại trí lực pháp-uyên, được đại từ tên Phổ-tùy-chúng-sanh-điều-phục-độ-thoát, được đại-bi tên Biến-phú-nhứt-thiết-cảnh-giới-vân, được đại-hỉ tên Nhứt-thiết-Phật-công-đức-hải-oai-lực-tạng, được đại xả tên Pháp-tánh-hư-không-bình-đẳng-thanh-tịnh, được bát-nhã-ba-la-mật tên Tự-tánh-ly-cấu pháp-giới thanh-tịnh-thân, liền được thần-thông tên Vô-ngại-quang-phổ-tùy-hiện, được biện-tài Thiện-nhập-ly-cấu-uyên, và được trí-quang tên Nhứt-thiết-phật-pháp-thanh-tịnh-tạng. Ðược thông đạt mười ngàn pháp môn như vậy.

Ðại-Oai-Quang-Ðồng-Tử, thừa oai lực của Phật, vì các quyến thuộc mà nói kệ rằng :

Trong số bất-tư-nghì ức kiếp

Ðấng Ðại Ðạo Sư khó gặp gỡ

Cõi này chúng-sanh nhiều lợi hành

Nên nay được thấy đệ-nhị Phật.

Thân Phật khắp phóng đại quang-minh

Sắc tướng vô-biên rất thanh-tịnh

Như mây đầy khắp tất cả cõi

Mọi nơi ca ngợi công-đức Phật.

Phật-quang chiếu đến đều hoan hỷ

Chúng-sanh có khổ đều trừ diệt

Ðều khiến cung kính khởi từ-tâm

Ðây là Như-Lai tự tại dụng.

Tuôn mây biến hóa bất-tư-nghì

Phóng lưới quang-minh vô-lượng sắc

Mười phương thế-giới đều đầy khắp

Ðây thần-thông của Phật biến hiện.

Mỗi chưn lông Phật hiện mây sáng

Chiếu khắp hư-không vang tiếng lớn

Những nơi tối tăm đều chiếu đến

Những khổ địa ngục đều trừ diệt.

Như-Lai diệu âm khắp mười phương

Tất cả ngôn âm đều diễn đủ

Tùy các chúng-sanh có thiện nghiệp

Ðây là thần biến của đức Phật.

Vô-lượng vô-biên đại-chúng hải

Trong các pháp hội Phật đều hiện

Khắp chuyển vô tận diệu pháp-luân

Tất cả chúng-sanh được điều-phục.

Thần-thông của Phật vốn vô-biên

Trong tất cả cõi đều xuất hiện

Phật-trí như vậy thường vô-ngại

Vì độ chúng-sanh thành chánh-giác.

Ðại-chúng nên sanh lòng vui mừng

Hớn hở mến ưa rất kính trọng

Ta sẽ cùng nhau đồng đến Phật

Nếu thấy Như-Lai tất hết khổ.

Phát tâm hồi hướng đến Bồ-đề

Xót thương tất cả các chúng-sanh

Trụ nơi Phổ-Hiền nguyện rộng lớn

Sẽ như Pháp-Vương được tự-tại.

Nhờ thần-lực của đức Phật, nên tiếng kệ của Ðại-Oai-Quang Ðồng-Tử được vô-ngại. Tất cả thế-giới đều được nghe. Vô-lượng chúng-sanh phát bồ-đề-tâm.

Ðại-Oai-Quang Ðồng-Tử cùng Vương-Phụ, Vương-Mạu và quyến thuộc, với vô-lượng trăm ngàn ức na-do-tha chúng-sanh giăng lọng báu như mây, cùng đến đạo-tràng Phật Ba-La-Mật-Thiện-Nhãn-Trang-Nghiêm-Vương.

Ðức Phật vì đại-chúng này diễn thuyết nói khế kinh Pháp-tánh thanh-tịnh trang-nghiêm, cùng với thế-giới-hải vi-trần-số khế-kinh.

Ðại-chúng này, sau khi nghe kinh, được trí thanh-tịnh, được vào tất cả phương tiện thanh-tịnh, được bực Ly-Cấu-Quang-Ðịa, được môn ba-la-mật Thị-hiện-nhứt-thiết thế-gian ái-nhạo trang-nghiêm, được môn tăng-quảng-hạnh Phổ-nhập-nhứt-thiết sát độ vô-biên-quang-minh thanh-tịnh-kiến, được môn thu-hướng-hạnh Ly-cấu-phước-đức-vân-quang-minh-tràng, được môn tùy-nhập-chứng Nhứt-thiết-pháp-hải-quảng-đại-quang-minh, được hạnh chuyển-thâm-phát-thu tên Ðại-trí trang-nghiêm, được quán-đảnh-trí tên vô-công-dụng-tu-cực-diệu-kiến, được đại quang-minh hiển-liễu tên Như-Lai công-đức-hải tướng-quang-ảnh biến-chiếu, được nguyện-lực-trí tên vô-lượng-nguyện-lực tín-giảng tạng.

Ðức Thiện-Nhãn-Trang-Nghiêm-Vương Phật vì Ðại-Oai-Quang-Bồ-Tát mà nói kệ rằng:

Lành thay biển công-đức trí-huệ

Phát tâm thu hướng đại bồ-đề

Ông sẽ thành Phật bất-tư-nghì

Khắp vì chúng-sanh làm chỗ tựa.

Ông đã xuất sanh biển đại trí

Ðều hay rõ khắp tất cả pháp

Sẽ dùng vô-lượng diệu phương tiện

Vào cảnh vô tận của Phật làm.

Ðã thấy mây công-đức của Phật

Ðã vào bực trí-huệ vô-tận

Các biển phương-tiện ba-la-mật

Bực danh-hiệu lớn sẽ đầy đủ.

Ðã được môn phương tiện tổng trì

Cùng với môn biện tài vô-tận

Bao nhiêu hạnh nguyện đều tu tập

Sẽ thành vô-thượng đại-trí-huệ.

Ông đã xuất sanh những nguyện hải

Ông đã vào nơi tam muội hải

Sẽ đủ các môn đại thần-thông

Bất-khả-tư-nghì các phật-pháp.

Pháp-giới rốt ráo bất-tư-nghì

Thâm-tâm rộng lớn đã thanh-tịnh

Thấy khắp mười phương tất cả Phật

Ly-cấu trang-nghiêm các sát-hải.

Ông đã vào hạnh bồ-đề Phật

Thuở xưa bổn sự biển phương tiện

Như Phật tu hành chỗ dứt trừ

Diệu hạnh như vậy ông đều ngộ.

Phật ở vô-lượng trong mỗi cõi

Nhiều thứ cúng-dường vô-lượng Phật

Như Phật tu hành đã chứng quả

Trang-nghiêm như vậy ông đều thấy.

Kiếp-hải rộng lớn vô cùng tận

Trong tất cả cõi tu tịnh hạnh

Thệ nguyện kiên cố không thể lường

Sẽ được thần thông lực của Phật.

Cúng dường chư Phật không thiếu sót

Quốc-độ trang-nghiêm đều thanh-tịnh

Trong tất cả kiếp tu diệu-hạnh

Ông sẽ thành Phật đại công-đức.

Chư Phật-tử ! Sau khi đức Ba-La-Mật-Thiện-Nhãn-Trang-Nghiêm-Vương Phật nhập niết-bàn, Quốc-Vương Hỉ-Kiến-Thiện-Huệ cũng băng hà. Ðại-Oai-Quang Ðồng-Tử lên ngôi Chuyển-Luân-Vương.

Lúc đó, nơi đạo-tràng ở rừng Ma-Ni-Hoa-Chi-Luân, đức Phật thứ xuất thế hiệu là Tối-Thắng-Công-Ðức-Hải.

Ðại-Oai-Quang-Vương cùng quyến-thuộc, nhơn dân đồng đến chỗ Phật ngự đem lâu các trang-nghiêm lớn dâng cúng Phật.

Ðức Phật diễn nói khế-kinh Bồ-Tát-Phổ-Nhãn-Quang-Minh-Hạnh, và thế-giới vi-trần-số khế-kinh khác.

Ðại-Oai-Quang-Vương, sau khi nghe kinh, được tam-muội tên Ðại-phước-đức-phổ-quang-minh. Do được tam-muội này nên có thể rõ biết biển phước cũng chẳng phải phước thuở quá-khứ, hiện-tại, vị-lai của tất cả Bồ-Tát và tất cả chúng-sanh.

Lúc đó đức Phật vì Ðại-Oai-Quang-Vương mà nói kệ rằng :

Lành thay Ðại-Oai-Quang phước đức

Các ông nay đến chỗ Phật ngự

Xót thương tất cả chúng-sanh hải

Phát tâm bồ-đề thắng đại nguyện.

Ông vì tát cả chúng-sanh khổ

Khởi tâm đại-bi khiến giải-thoát

Sẽ làm chỗ tựa cho quần-mê

Ðây gọi phương-tiện của Bồ-Tát.

Nếu có Bồ-Tát hay kiên cố

Tu những thắng-hạnh không nhàm mỏi

Trí giải vô-ngại tối-thượng-thắng

Diệu-trí như vậy đó sẽ được.

Ðấng phước-đức-quang, đấng phước-tràng

Bực phước-đức-xứ, bực phước hải

Phổ-Hiền Bồ-Tát những hạnh nguyện

Chính Ðại-Oai-Quang hay chứng nhập.

Ông đem được nguyện rộng lớn này

Vào biển bất-tư-nghì của Phật

Phước-hải chư Phật vốn vô-biên

Ông dùng diệu-giải đều thấy được.

Ông ở trong thập phương quốc-độ

Ðều thấy vô-lượng vô-biên Phật

Chư Phật thuở xưa chỗ tu hành

Tất cả như vậy ông đều thấy.

Nếu ai trụ nơi phương tiện này

Tất được vào nơi trong trí địa

Ðây là tùy thuận chư Phật học

Quyết định sẽ thành nhứt-thiết-trí.

Ông ở trong tất cả sát-hải

Vi-trần kiếp-hải tu các hạnh

Tất cả Như-Lai những hạnh-hải

Ông đều đã học sẽ thành Phật.

Như ông đã thấy trong mười phương

Tất cả sát-hải rất nghiêm-tịnh

Cõi ông nghiêm-tịnh cũng như vậy

Vô-biên nguyện lớn đều sẽ được.

Nay đây chúng-hội đạo-tràng này

Nghe ông phát nguyện đều mừng rỡ

Ðều vào nguyện lớn của Phổ-Hiền

Phát tâm hồi hướng bồ-đề-đạo.

Vô-biên quốc-độ trong mỗi cõi

Ðều vào tu hành trải kiếp-hải

Bởi những nguyện-lực được viên mãn

Phổ-Hiền Bồ-Tát tất cả hạnh.

Chư Phật-tử ! Trong đạo-tràng Ma-Ni-Hoa-Chi-Luân, sau đó lại có Phật xuất thế hiệu là Danh-Xưng-Phổ-Văn-Liên-Hoa-Nhãn-Tràng. Ðại-Oai-Quang-Vương băng trong thời-kỳ này, rồi sanh trong Thiên-thành Tịch-Tịnh Bửu-Cung trên núi Tu-Di, làm Ðại-Thiên-Vương hiệu là Ly-Cấu-Phước-Ðức-Tràng, cùng Thiên-chúng đồng đến chỗ Phật rải hoa báu cúng dường.

Lúc đó, đức Phật Danh-Xưng-Phổ-Văn-Liên-Hoa-Nhãn-Tràng vì Thiên-Vương mà diễn nói khế-kinh Quảng-Ðại-Phương-Tiện-Phổ-Môn-Biến-Chiếu, và thế-giới-hải vi-trần-số khế-kinh khác.

Nghe kinh xong, Thiên-Vương và Thiên-chúng được tam-muội tên Phổ-Môn-Hoan-Hỉ-Tạng. Do sức tam-muội, nên được nhập thật-tướng-hải của tất cả pháp. Sau đó Thiên-Vương và Thiên-chúng lễ Phật, rời đạo-tràng trở về bổn cung.

*********************

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12509)
Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc.
(Xem: 14108)
Cũng như những kinh luận liễu nghĩa khác, nội dung của kinh không ngoài việc chỉ cho mọi người thấy được TÁNH PHẬT của chính mình.
(Xem: 10848)
Kinh Lăng Già gắn liền với Thiền là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Thiền tông, khi Sơ tổ Đạt Ma đem bộ kinh bốn quyển này phó chúc cho Nhị tổ Huệ Khả
(Xem: 10512)
Nhân khi Phật đi thuyết pháp ở Hải-Long-Vương cung về qua đấy, quỉ vương đi đón Phật và mời Phật vào trong thành Lăng-Ca xin thuyết pháp.
(Xem: 11190)
Vàng không có tự tánh, nhờ có điều kiện thợ khéo mà có tướng sư tử sinh khởi. Sự sinh khởi ấy sở dĩ có được là do nhân duyên, cho nên nó là duyên khởi.
(Xem: 11998)
Kính lạy bậc Giác ngộ pháp thật Lìa các phân biệt cùng hý luận Muốn khiến thế gian rời bùn lầy Trong không ngôn thuyết, hành ngôn thuyết.
(Xem: 13132)
Kinh Phước Đức, một Kinh nói về đề tài hạnh phúc. Kinh được dịch từ tạng Pali và nằm trong bộ Kinh Tiểu Bộ (Khuddhaka-nikāya).
(Xem: 13632)
Trong khi đi vào thành phố để khất thực, hoặc trong khi đi ra khỏi thành phố, (vị khất sĩ) phải thực tập tư duy như sau:
(Xem: 33654)
Vì sao gọi nước kia tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh của nước ấy không có các khổ não, chỉ hưởng những điều vui.
(Xem: 11335)
Trong kinh nầy, Đức Phật giảng rằng Diệu Pháp chỉ tồn tại khi nào pháp hành Tứ Niệm Xứ được tu tập sung mãn.
(Xem: 12922)
Các đệ tử bậc thánh được chỉ dạy hiểu tâm này như nó thực sự là; do vậy, với đệ tử bậc thánh, có sự thăng tiến tâm.
(Xem: 13056)
Bộ Kinh “DUY MA CẬT” này, tôn yếu hiển bày pháp môn Bất Nhị. Chính đó là phương tiện của Chư Phật, Bồ Tát thị hiện,
(Xem: 11624)
VănThù Sư Lợi Ma Ha Bát Nhã ba la mật kinh vốn là mẹ của mười phương chư Phật , pháp môn huyền diệu của tất cả Bồ tát .
(Xem: 17890)
Tâm Phật thì thường rỗng lặng tròn đầy trong sáng tột bực, thuần là trí huệ Bát Nhã, nơi đó tuyệt nhiên không có một pháp có thể nói được.
(Xem: 11431)
Đức Phật vì các vị Tỳ kheo trẻ tuổi nói nhiều bài pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, khiến hoan hỷ.
(Xem: 11849)
“Này các thầy, thế nào gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không? Khi con mắt phát sanh, nó không từ đâu tới cả, và khi hoại diệt, nó không đi về đâu cả.
(Xem: 11488)
Đại quang minh này là do Thánh Quán Tự Tại Bồ-Tát phóng ra. Ngài vì muốn cứu độ hết thảy các hữu tình đang chịu đại khổ não nên...
(Xem: 18972)
Trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì?
(Xem: 12539)
Người thọ Tam quybố thí sự vô uý cho hết thảy chúng sanh, cho nên quy y Phật, Pháp, Tăng, phước đức người ấy không thể kể được.
(Xem: 11321)
Ngài Phổ Hiền đã từng chứng pháp môn nầy lâu rồi nên lúc dạy ra cho chúng sanh đã làm cho ức ngàn trời người qua được biển khổ.
(Xem: 13136)
Đây là thông điệp cuối cùng của Đức Phật trao cho hàng đệ tử khi Phật sắp thị tịch niết bàn ở rừng Sala song thụ, thuộc thành Câu-thi-na-yết-la (Kussinagayâ), Ấn Độ.
(Xem: 15753)
Kinh này được Bụt nói vào khoảng một tháng trước ngày Người nhập diệt, chứa đựng những lời dặn dò đầy tâm huyết của Bụt cho hàng đệ tử xuất gia của Người.
(Xem: 11808)
Chư Thiện tri thức, pháp môn ta đây lấy Định Huệ làm căn bổn. Đại chúng chớ mê lầm mà nói Định với Huệ là khác nhau.
(Xem: 11689)
Bạch Thế Tôn ! Vì sao Bồ tát tu thiện vốn ít mà lại gặt quả nhiều, thành tựu nhiều phước báo công đức vô lượng?
(Xem: 12764)
Những nhân gì mà khiến cho các loài chúng sinh, phải chịu các quả báo sai khác tốt xấu trong lục đạo luân hồi.
(Xem: 12630)
Khởi ác tâm với Phật, hủy báng, sanh khinh mạn, vào trong địa ngục lớn, thọ khổ vô cùng tận.
(Xem: 13965)
“Tâm tưởng của hết thảy chúng sinh khác nhau, sự tạo nghiệp của họ cũng khác, nên mới có sự luân chuyển trong mọi thú”.
(Xem: 12979)
“Ta quán thấy ở cõi Nam Diêm-phù-đề này, trong thời kỳ mạt thế, do sự bạc phước của tất cả chúng sinh,các thứ ác quỷ thần khởi lên các tai nạn não loạn khiến cho chúng sinh không an"..
(Xem: 12936)
Tôi như Chiên Đà La, phải thanh tịnh thân tâm mà chẳng nên tịnh ăn uống. Tại sao?
(Xem: 13295)
Đứng trước cảnh tàn sát, lắng nghe tiếng rên siết, tự cảm thấy mình bất lực, mà tụng niệm kinh Kim Cương thì lại thấy tâm hồn dịu lại.
(Xem: 12759)
Phật dạy: Người đời có sáu điều ác tự lừa gạt và tự gây tổn hại: Mắt bị hình sắc lừa gạt, tai bị âm thanh lừa gạt , mũi bị mùi thơm lừa gạt, ý bị tư tưởng tà vạy lừa gạt.
(Xem: 12687)
Do lìa chấp, nên gồm thâu tất cả pháp, trụ nơi tri kiến bình đẳng, tức tri kiến chân thật.
(Xem: 11733)
Tâm bình đẳng như vắng lặng thì tâm ấy vui vẻ, nhu nhuyến tự nó gắn liền với lời dạy của Phật.
(Xem: 11722)
Trí tuệ kia không chỗ nào không khắp tỏ ngộ, là chỗ coi trọng của tất cả, bởi thế mà không cho đó là sự nhọc nhằn, khổ sở.
(Xem: 12324)
Kinh chỉ dạy cho ta đường lối phá vỡ và siêu việt những ý niệm ràng buộc ta trong vô minh, sanh tử và khổ đau,
(Xem: 12382)
Yếu chỉ của Kinh này là dùng nghĩa Duy Thức để phá kiến chấp của ngoại đạo.
(Xem: 19815)
Đặc điểm kinh này nói về thiên và thần là giữa họ với nhân loại có sự tương quan. Ấy là nhân loại sống theo chánh pháp thì họ được nhờ và họ hộ vệ.
(Xem: 11958)
Bài kinh ngắn này được trích từ một trong những tuyển tập kinh xưa cổ nhất của Đại thừa Phật giáo, kinh Đại Bảo Tích (Ratnakuta), nói về ý nghĩa tánh Không.
(Xem: 11989)
Đạo lý căn bản trong Phật-Học, nếu không tín giải đạo lý luân hồi nầy, ắt có thể gặp nhiều chướng ngại khó hiểu ...
(Xem: 16880)
Giải thâm mậtbộ kinh được đại luận Du dà, các cuốn 75-78, trích dẫn toàn văn, trừ phẩm một (Chính 30/713-736).
(Xem: 12666)
Bồ Tát khi tu pháp Bố-thí, không nên trụ chấp các tướng; nghĩa là không nên trụ chấp tướng sáu trần...
(Xem: 15057)
Chúng sanh căn cơ, tâm bịnh, sở thích vô cùng. Giáo môn của Phật, Bồ Tát cũng chia ra vô lượng.
(Xem: 16115)
Cuối lạy đấng Tam Giới Tôn, quy mạng cùng mười phương Phật, con nay phát nguyện rộng, thọ trì Kinh Di Đà.
(Xem: 12871)
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào tu học theo pháp hồi hướng này thì nên biết rằng người ấy chắc chắn đạt được Vô sanh Pháp nhẫn, có thể độ tất cả chúng sanh chưa được độ, đem lại cho vô lượng chúng sanh sự an lạc.
(Xem: 12218)
Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức, một là có, hai là không. Đây là hai quan niệm vướng mắc vào cái tri giác sai lầm.
(Xem: 11915)
Kinh Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn trong bộ Niết Bàn là một bộ kinh tiêu biểu của Phật giáo Bắc truyền do Đại sư Pháp Hiển (380-418/423), thời Đông Tấn dịch.
(Xem: 11923)
Trong các pháp ấy, không có chứng đắc, không pháp sở-dụng, không có bồ-đề. Thông đạt như thế, mới được gọi là chứng đắc đạo-quả vô thượng chính-đẳng chính-giác.
(Xem: 13150)
Pháp-Ấn này là cửa ngõ của ba pháp giải thoát, là căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là nơi chư Phật đạt đến.
(Xem: 16504)
Phật bảo các vị tỳ kheo rằng ở trong thế gian có ba pháp không đáng mến, không thông suốt, không đáng nghĩ đến, không vừa ý. Ba pháp đó là gì?
(Xem: 13228)
Đây chính là lời của tất cả Phật thời quá-khứ đã giảng, tất cả Phật thời vị-lai sẽ giảng và tất cả Phật thời hiện-tại đương giảng.
(Xem: 12483)
Đây là những điều mà tôi được nghe hồi Phật còn cư trú tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ-đà, gần thành Xá Vệ.
(Xem: 11816)
Tạo hình tượng Phật hoặc hình tượng Bồ Tát, là việc làm có một ý nghĩa cao quý và gây một cái nhơn công đức, phước đức lớn lao.
(Xem: 19857)
Ngài Quán Tự tại Bồ Tát, sau khi đi sâu vào Trí huệ Bát Nhã rồi, Ngài thấy năm uẩn đều "không" (Bát Nhã) nên không còn các khổ.
(Xem: 11149)
Quốc độ của đức Phật đó đẹp đẽ thanh tịnh, ngang dọc bằng thẳng trăm ngàn du- thiện-na, đất bằng vàng cõi Thiệm Bộ.
(Xem: 11253)
Phật nói hết thảy chúng sinh, ở trong bể khổ, vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn-lộn …
(Xem: 10400)
Nếu có chúng sanh nghe được Vô Lượng Thọ Trí Quyết Định Vương Như Lai 108 Danh Hiệu tức được thọ mạng dài lâu.
(Xem: 11089)
Này các Tỳ-khưu, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta.
(Xem: 10958)
Người có trí gấp làm việc thiện, tránh ác gian như tránh vực sâu. Việc lành, lần lữa, không mau, tâm tà dành chỗ, khổ đau tới liền.
(Xem: 10034)
Thế nào là Tỳ-khưu giới hạnh cụ túc? Ở đây, Tỳ-khưu từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót...
(Xem: 11745)
Các pháp, tư tác dẫn đầu, tư tác, chủ ý bắc cầu đưa duyên, nói, làm lành tốt, thiện hiền, như hình dọi bóng, vui liền theo sau.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant