Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà - Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 - 1983
PHẨM THẬP ÐỊNH
THỨ
HAI MƯƠI BẢY
(1) Bấy giờ đức Thế-Tôn ở trong
đạo-tràng Bồ-Ðề tại nước Ma-Kiệt-Ðề vừa thành bực chánh-giác, nơi điện
Phổ-Quang-Minh nhập tam-muội tên Sát-Na-Tế-Chư-Phật, dùng sức
nhứt-thiết-trí-tự-thần-thông hiện thân Như-Lai thanh-tịnh vô-ngại không chỗ
y-tựa, không chỗ nhiễm trước, có thể làm cho người thấy đều được khai-ngộ. Tùy
nghi xuất hiện chẳng lỗi thời. Hằng trụ một tướng, chính là vô-tướng. Cùng với
mười phật-sát vi-trần-số đại Bồ-Tát câu-hội. Chư Bồ-Tát này đều là bực
Quán-Ðảnh đầy đủ hạnh Bồ-Tát đồng như pháp-giới vô-lượng vô biên, đã được
Phổ-Kiến tam-muội, đại-bi an-ổn tất cả chúng-sanh, thần-thông tự-tại, thâm-nhập
trí-huệ đồng với Như-Lai, diễn nghĩa chân thiệt, đủ nhứt-thiết-trí hàng phục
chúng ma. Dầu nhập thế-gian mà tâm luôn tịch-tịnh, an-trụ nơi giải-thoát vô-trụ
của Bồ-Tát. Danh hiệu của các người là :
Kim-Cang-Huệ Bồ-Tát, Vô-Ðẳng-Huệ
Bồ-Tát, Nghĩa-Ngữ-Huệ Bồ-Tát, Tối-Thắng-Huệ Bồ-Tát, Thường-Xả-Huệ Bồ-Tát,
Na-Dà-Huệ Bồ-Tát, Thành-Tựu-Huệ Bồ-Tát, Ðiều-Thuận-Huệ Bồ-Tát, Ðại-Lực-Huệ
Bồ-Tát, Nan-Tư-Huệ Bồ-Tát, Vô-Ngại-Huệ Bồ-Tát, Tăng-Thượng-Huệ Bồ-Tát,
Phổ-Cúng-Huệ Bồ-Tát, Như-Lý-Huệ Bồ-Tát, Thiện-Xảo-Huệ Bồ-Tát, Pháp-Tự-Tại-Huệ
Bồ-Tát, Pháp-Huệ Bồ-Tát, Tịch-Tịnh-Huệ Bồ-Tát, Hư-Không-Huệ Bồ-Tát,
Nhứt-Tướng-Huệ Bồ-Tát, Thiện-Huệ Bồ-Tát, Như-Huyễn-Huệ Bồ-Tát, Quảng-Ðại-Huệ
Bồ-Tát, Thế-Lực-Huệ Bồ-Tát, Thế-Gian-Huệ Bồ-Tát, Phật-Ðịa-Huệ Bồ-Tát,
Chơn-Thiệt-Huệ Bồ-Tát, Tôn-Thắng-Huệ Bồ-Tát, Trí-Quang-Huệ Bồ-Tát, Vô-Biên-Huệ
Bồ-Tát, Niệm-Trang-Nghiêm Bồ-Tát, Ðạt-Không-Tế Bồ-Tát, Tánh-Trang-Nghiêm
Bồ-Tát, Thậm-Thâm-Cảnh Bồ-Tát, Thiện-Giải-Xứ-Phi-Xứ Bồ-Tát, Ðại-Quang-Minh
Bồ-Tát, Thường-Quang-Minh Bồ-Tát, Liễu-Phật-Chủng Bồ-Tát, Tâm-Vương Bồ-Tát,
Nhứt-Hạnh Bồ-Tát, Thường-Hiện-Thần-Thông Bồ-Tát, Trí-Huệ-Nha Bồ-Tát,
Công-Ðức-Xứ Bồ-Tát, Pháp-Ðăng Bồ-Tát, Chiếu-Thế Bồ-Tát, Trì-Thế Bồ-Tát,
Tối-An-Ổn Bồ-Tát, Tối-Thượng Bồ-Tát, Vô-Thượng Bồ-Tát, Vô-Tỉ Bồ-Tát, Siêu-Luân
Bồ-Tát, Vô-Ngại-Hạnh Bồ-Tát, Quang-Minh-Diệm Bồ-Tát, Nguyệt-Quang Bồ-Tát,
Nhứt-Trần Bồ-Tát, Kiên-Cố-Hạnh Bồ-Tát, Chú-Pháp-Vũ Bồ-Tát, Tối-Thắng-Tràng
Bồ-Tát, Phổ-Trang-Nghiêm Bồ-Tát, Trí-Nhãn Bồ-Tát, Pháp-Nhãn Bồ-Tát, Huệ-Vân
Bồ-Tát, Tổng-Trì-Vương Bồ-Tát, Vô-Trụ-Nguyện Bồ-Tát, Trí-Tạng Bồ-Tát, Tâm-Vương
Bồ-Tát, Nội-Giác-Huệ Bồ-Tát, Trụ-Phật-Trì Bồ-Tát, Ðà-La-Ni-Dũng-Kiện-Lực Bồ-Tát,
Trì-Ðiạ-Lực Bồ-Tát, Diệu-Nguyệt Bồ-Tát, Tu-Di-Ðảnh Bồ-Tát, Bửu-Ðảnh Bồ-Tát,
Phổ-Quang-Chiếu Bồ-Tát, Oai-Ðức-Vương Bồ-Tát, Trí-Huệ-Luân Bồ-Tát, Ðại-Oai-Ðức
Bồ-Tát, Ðại-Long-Tướng Bồ-Tát, Chất-Trực-Hạnh Bồ-Tát, Bất-Thối-Chuyển Bồ-Tát,
Trì-Pháp-Tràng Bồ-Tát, Vô-Vong-Thất Bồ-Tát, Nhiếp-Chư-Thú Bồ-Tát,
Bất-Tư-Nghì-Quyết-Ðịnh-Huệ Bồ-Tát, Du-Hí-Vô-Biên-Trí Bồ-Tát,
Vô-Tận-Diệu-Pháp-Tạng Bồ-Tát, Trí-Nhựt Bồ-Tát, Pháp-Nhựt Bồ-Tát, Trí-Tạng
Bồ-Tát, Trí-Trạch Bồ-Tát, Phổ-Kiến Bồ-Tát, Bất-Không-Kiến Bồ-Tát, Kim-Cang-Dũng
Bồ-Tát, Kim-Cang-Trí Bồ-Tát, Kim-Cang-Diệm Bồ-Tát, Kim-Cang-Huệ Bồ-Tát,
Phổ-Nhãn Bồ-Tát, Phật-Nhựt Bồ-Tát, Trì-Phật-Kim-Cang-Bí-Mật-Nghĩa Bồ-Tát,
Phổ-Nhãn-Cảnh-Giới-Trí-Trang-Nghiêm Bồ-Tát, . . .
Mười phật-sát vi-trần-số đại Bồ-Tát
như vậy, thuở xưa đều cùng với đức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai đồng tu những
thiện-căn-hạnh của Bồ-Tát.
Bấy giờ Phổ-Nhãn Bồ-Tát thừa
thần-lực của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y vai bên hữu, gối bên hữu quỳ
sát đất, chấp tay bạch Phật rằng : "Bạch đức Thế-Tôn ! Con có chỗ muốn hỏi
nơi đấng Như-Lai Ðẳng Chánh-Giác, xin thương xót cho phép".
Phật nói: "Phổ-Nhãn ! Cho phép
ngươi hỏi. Ta sẽ giải thuyết cho ngươi được hoan-hỷ".
Phổ-Nhãn Bồ-Tát thưa : " Bạch
đức Thế-Tôn ! Phổ-Hiền Bồ-Tát và chúng Bồ-Tát an-trụ nơi hạnh nguyện Phổ-Hiền,
thành-tựu bao nhiêu tam-muội giải-thoát, mà hoặc nhập, hoặc xuất, hoặc có lúc
an-trụ nơi các đại tam-muội của Bồ-Tát. Vì khéo nhập xuất nơi các đại tam-muội
quảng-đại bất-tư-nghì của Bồ-Tát nên có thể ở nơi tất cả tam-muội thần-thông
biến-hóa tự-tại không thôi nghỉ ? ".
Phật nói : " Lành thay ! Nầy
Phổ-Nhãn ! Người vì lợi ích cho chúng Bồ-Tát thuở quá-khứ, vị-lai và hiện-tại
mà hỏi nghĩa trên đây.
Nầy Phổ-Nhãn ! Phổ-Hiền Bồ-Tát hiện
đương ở tại đây, đã thành tựu thần-thông tự-tại bất tư-nghì vượt lên trên tất
cả Bồ-Tát, khó gặp-gỡ được. Từ nơi vô-lượng Bồ-Tát hạnh, Phổ-Hiền phát sanh
Bồ-Tát đại-nguyện, những công hạnh đều đã thanh-tịnh, đều không thối-chuyển.
Vô-lượng môn ba-la-mật, môn vô-ngại đà-la-ni, môn biện-tài vô-tận-Phổ-Hiền đều
đã thanh-tịnh vô-ngại cả. Do bổn-nguyện-lực, Phổ-Hiền vận lòng đại-bi lợi ích
tất cả chúng-sanh suốt thuở vị-lai không hề nhàm mỏi.
Ngươi nên hỏi Phổ-Hiền. Bồ-Tát ấy sẽ
vì ngươi mà nói về tam-muội tự-tại giải-thoát đó ".
Bấy giờ chúng Bồ-Tát trong hội nghe
danh hiệu Phổ-Hiền, tức thời chúng được vô-lượng bất-tư-nghì tam-muội, tâm được
vô-ngại yên tịnh chẳng động, trí-huệ rộng lớn khó dò lường được, cảnh-giới rất
sâu ít ai sánh kịp, hiện tiền đều thấy vô-lượng chư Phật, được Phật-lực, đồng
Phật-tánh, chiếu sáng suốt ba thuở quá khứ, vị-lai, hiện-tại. Ðược phước-đức vô
cùng tận, tất cả thần-thông đều đã đầy đủ.
Chư Bồ-Tát này đối với Phổ-Hiền
Bồ-Tát sanh lòng tôn-trọng khát ngưỡng muốn thấy, nhưng nhìn khắp mọi nơi mà
vẫn không thấy, cũng chẳng thấy tòa ngồi của Phổ-Hiền Bồ-Tát.
Sự không thấy Phổ-Hiền Bồ-Tát của
đại chúng trên đây là do oai lực của Như-Lai và cũng là thần-thông tự-tại của
Phổ-Hiền Bồ-Tát khiến như vậy.
Phổ-Nhãn Bồ-Tát thưa : " Bạch
đức Thế-Tôn ! Phổ-Hiền Bồ-Tát hiện nay ở đâu ? ".
Phật nói : " Nầy Phổ-Nhãn !
Phổ-Hiền Bồ-Tát hiện đương ngồi gần bên ta không hề dời chỗ. "
Phổ-Nhãn Bồ-Tát và chư Bồ-Tát lại
ngó tìm khắp cả hội-trường rồi thưa : " Bạch đức Thế-Tôn ! Nay chúng con
vẫn chưa thấy được thân và tòa ngồi của Phổ-Hiền Bồ-Tát".
Phật nói : " Ðúng thế ! Vì cớ
chi mà các ngươi chẳng thấy được ? Nầy Phổ-Nhãn ! Vì trụ xứ của Phổ-Hiền Bồ-Tát
rất sâu bất-khả-thuyết. Phổ-Hiền Bồ-Tát được vô-biên môn trí-huệ, nhập
sư-tử-phấn-tấn định, được lực-dụng tự-tại vô-thượng, vào nơi vô-ngại thanh-tịnh
sanh mười trí-lực của Như-Lai, lấy pháp-giới-tạng làm thân, tất cả Như-Lai đồng
hộ-niệm, khoảng một niệm có thể chứng nhập trí vô-sai-biệt của tam-thế chư
Phật. Vì thế nên các ngươi không thấy được ".
Phổ-Nhãn Bồ-Tát nghe Phật nói
công-đức thanh-tịnh của Phổ-Hiền Bồ-Tát liền được mười ngàn vô-số tam-muội.
Dùng sức tam-muội lại khát ngưỡng quán-sát muốn thấy Phổ-Hiền Bồ-Tát, nhưng
cũng vẫn chẳng thấy. Tất cả chư Bồ-Tát khác cũng chẳng thấy.
Bấy giờ Phổ-Nhãn Bồ-Tát xuất tam-muội
thưa: "Bạch đức Thế-Tôn ! Con đã nhập mười ngàn vô-số tam-muội cầu thấy
Phổ-Hiền Bồ-Tát, nhưng vẫn chẳng được thấy. Chẳng thấy thân và thân-nghiệp, ngữ
và ngữ-nghiệp, ý và ý-nghiệp cùng tòa ngồi chỗ ở của Phổ-Hiền Bồ-Tát ".
Phật nói : " Ðúng thế, đúng thế
! Nầy Phổ-Nhãn ! Phải biết đều do Phổ-Hiền Bồ-Tát an-trụ trong sức bất-tư-nghì
giải-thoát.
Nầy Phổ-Nhãn ! Như ý ngươi nghĩ sao
? Có người nào nói được trụ-xứ của các huyễn-tướng ở trong huyễn-thuật văn tự
chăng ? "
- Bạch Thế-Tôn ! Không thể nói được.
- Nầy Phổ-Nhãn ! Tướng huyễn trong
huyễn-thuật còn không thể nói, huống là cảnh- giới thân bí-mật, cảnh-giới ngữ
bí-mật và cảnh- giới ý bí-mật của Phổ-Hiền mà có thể nhập có thể thấy được. Vì
cảnh- giới của Phổ-Hiền Bồ-Tát thậm-thâm bất-tư-nghì, vô-lượng, đã ngoài
hạn-lượng.
Tóm lại, Phổ-Hiền Bồ-Tát dùng
kim-cang-huệ vào khắp pháp-giới, nơi tất cả thế-giới : vô-sở-hành, vô-sở-trụ.
Biết thân của tất cả chúng-sanh đều tức là phi-thân, không đi không đến. Ðược
không đoạn diệt vô-sai-biệt thần-thông tự-tại. Không y-tựa không tạo-tác không
động chuyển, đến nơi biên-tế rốt ráo của pháp-giới.
Nầy Phổ-Nhãn ! Nếu ai được thấy
Phổ-Hiền Bồ-Tát, nếu được hầu hạ, nếu được nghe danh, nếu có tư-duy, nếu có
tưởng nhớ, nếu sanh tín-giải, nếu siêng quán-sát, nếu mới xu-hướng, nếu đương
tìm cầu, nếu phát thệ nguyện tiếp nối không dứt thời đều được lợi ích không
luống uổng.
Bấy giờ Phổ-Nhãn và chúng Bồ-Tát đối
với Phổ-Hiền Bồ-Tát sanh lòng khát ngưỡntg trông mong được thấy, đồng xướng lên
rằng : " Nam-mô nhứt-thiết chư Phật ! Nam-mô Phổ-Hiền Bồ-Tát".
Xướng ba lần như thế xong, chúng
Bồ-Tát và Phổ-Nhãn đồng cúi đầu đảnh lễ.
Phật bảo Phổ-Nhãn Bồ-Tát và
đại-chúng: "Chư Phật-tử ! Các ngươi lại phải kính lễ Phổ-Hiền Bồ-Tát
ân-cần cầu thỉnh. Rồi phải chuyên tâm quan-sát mười phương, tưởng thân Phổ-Hiền
hiện ở trước mình. Suy gẫm như vậy khắp cả pháp-giới, thâm-tâm tín-giải, nhàm
lìa tất cả, thệ đồng một hạnh-nguyện với Phổ-Hiền Bồ-Tát vào nơi pháp
chơn-thiệt bất-nhị, thân mình hiện khắp tất cả thế-gian, biết rõ các căn-tánh
sai biệt của chúng-sanh, khắp mọi nơi tập họp đạo Phổ-Hiền.
Nếu các ngươi có thể phát đại-nguyện
như vậy thời sẽ được thấy Phổ-Hiền Bồ-Tát.
Nghe Phật dạy xong, Phổ-Nhãn Bồ-tát
và đại-chúng đồng thời đảnh lễ cầu thỉnh được thấy Phổ-Hiền Bồ-Tát.
Bấy giờ Phổ-Hiền Bồ-Tát liền dùng
sức giải-thoát thần-thông theo chỗ đáng hiện mà hiện sắc-thân, làm cho tất cả
chúng Bồ-Tát đều thấy Phổ-Hiền Bồ-Tát ngồi trên tòa liên-hoa gần đức Như-Lai.
Cũng thấy nơi tất cả thế-giới khác, chỗ tất cả chư Phật, Phổ-Hiền Bồ-Tát tuần
tự nối tiếp mà đến. Cũng thấy nơi tất cả chư Phật kia diễn thuyết tất cả hạnh
bồ-tát khai-thị đạo nhứt-thiết-chủng-trí xiển minh tất cả thần-thông của
Bồ-Tát, phân-biệt tất cả oai-đức của Bồ-Tát thị-hiện tất cả tam-thế chư Phật.
Bấy giờ Phổ-Nhãn và chúng Bồ-Tát
thấy thần-biến nầy, lòng hớn-hở và rất vui mừng, đều đảnh lễ Phổ-Hiền Bồ-Tát
tôn trọng xem như tất cả chư Phật mười phương.
Do thần-lực của Phật và do sức
tín-giải của chúng Bồ-Tát cùng với sức bổn-nguyện của Phổ-Hiền Bồ-Tát tự nhiên
kết tụ mười ngàn thứ mây báu : những mây hoa, mây tràng-hoa, mây hương, mây
hương bột, mây lọng, mây y-phục, mây đồ trang-nghiêm, mây trân bửu, mây hương
đốt, mây lụa màụ
Bất-khả-thuyết thế-giới chấn động
sáu cách, trổi các thứ nhạc trời, tiếng vang xa đến bất-khả-thuyết thế-giới.
Phóng quang-minh chiếu khắp bất-khả-thuyết thế-giới làm cho ba ác đạo đều được
thoát khổ. Nghiêm tịnh bất-khả-thuyết thế-giới làm cho bất-khả-thuyết Bồ-Tát
nhập hạnh Phổ-Hiền, bất-khả-thuyết Bồ-Tát viên-mãn hạnh nguyện Phổ-Hiền thành
bực vô-thượng chánh-giác.
Phổ-Nhãn Bồ-Tát thưa : " Bạch
đức Thế-Tôn ! Phổ-Hiền Bồ-Tát là bực trụ nơi oai-đức lớn, trụ nơi vô-đẳng, trụ
nơi vô-quá, trụ nơi bất-thối, trụ nơi bình-đẳng, trụ nơi bất-hoại, trụ nơi tất
cả pháp sai-biệt, trụ nơi tất cả pháp vô-sai-biệt, trụ nơi tất cả chúng-sanh
tâm thiện-xảo an-trụ, trụ nơi tất cả pháp tự-tại giải-thoát tam-muội.
Phật nói : " Ðúng thế ! Ðúng
thế ! Như lời ngươi đã nói. Phổ-Hiền Bồ-Tát có vô-số công-đức thanh-tịnh. Những
là vô-đẳng trang-nghiêm công-đức, vô-lượng bửu công-đức, bất-tư-nghì-hải
công-đức, vô-lượng-tướng công-đức, vô-biên-vân công-đức, vô-biên-tế
bất-khả-xưng-tán công-đức, vô-tận-pháp công-đức, bất-khả-thuyết công-đức,
nhứt-thiết Phật công-đức, xưng-dương tán-thán bất-khả-tận công-đức.
Phật bảo Phổ-Hiền Bồ-Tát rằng:
" Phổ-Hiền ! Ngươi nên vì Phổ-Nhãn và chúng Bồ-Tát trong đại-hội mà nói
mười đại tam-muội, cho họ được khéo nhập và thành tựu viên-mãn hạnh nguyện của
Phổ-Hiền.
Vì chư đại Bồ-Tát nói mười đại
tam-muội nầy khiến quá-khứ Bồ-Tát đã được xuất-ly, hiện-tại Bồ-Tát đương được
xuất-ly, vị-lai Bồ-Tát sẽ được xuất-ly.
Ðây là mười : một là phổ-quang đại
tam-muội, hai là diệu-quang đại tam-muội, ba là
thứ-đệ-biến-vãng-chư-Phật-quốc-độ đại tam-muội, bốn là thanh-tịnh-thâm-tâm-hành
đại tam-muội, năm là tri-quá-khứ-trang-nghiêm-tạng đại tam-muội, sáu là
trí-quang-minh-tạng đại tam-muội, bảy là nhiễu-tri-nhứt-thiết-thế-giới Phật
trang-nghiêm đại tam-muội, tám là chúng-sanh sai-biệt-thân đại tam-muội, chín
là pháp-giới tự-tại đại tam-muội, mười là vô-ngại-luân đại tam-muội.
Chư đại Bồ-Tát mới có thể khéo nhập
mười đại tam-muội nầy. Tam thế chư Phật đã nói, sẽ nói và nay đương nói. Nếu
chư Bồ-Tát mến thích tôn trọng tu tập mười đại tam-muội nầy không trễ-nải, thời
được thành-tựu. Những bực nầy gọi là Phật, là Như-Lai, cũng gọi là đấng được
mười trí-lực, là đấng Ðạo-Sư, đấng Ðại-Ðạo-Sư, là Nhứt-Thiết-Trí, là
Nhứt-Thiết-Kiến, là Trụ-Vô-Ngại, là Ðạt-Chư-Cảnh, là Nhứt-Thiết-Pháp Tự-Tại.
"
Bực Bồ-Tát nầy vào khắp tất cả
thế-giới mà không chấp trước thế-giới, vào khắp tất cả chúng-sanh-giới mà không
thấy tướng chúng-sanh, vào khắp tất cả thân mà nơi thân được vô-ngại, vào khắp
tất cả pháp-giới, mà biết pháp-giới là vô-biên, gần-gũi tất cả tam-thế chư
Phật, thấy rõ tất cả pháp của chư Phật, khéo nói tất cả văn-tự, thấu rõ tất cả
giả danh, thành-tựu đạo thanh-tịnh của tất cả Bồ-Tát, an-trụ tất cả hạnh
sai-biệt của Bồ-Tát, trong một niệm được khắp tất cả pháp tam-thế, nói khắp tất
cả giáo-pháp của chư Phật, chuyển khắp tất cả pháp-luân bất-thối, nơi quá-khứ,
vị-lai, hiện-tại mỗi mỗi đời chứng khắp tất cả đạo bồ-đề, nơi trong mỗi mỗi
bồ-đề nầy rõ khắp chỗ thuyết pháp của tất cả Phật.
Trên đây là môn pháp-tướng của chư
Bồ-Tát, là môn trí-giác của chư Bồ-Tát, là môn nhứt-thiết-chủng-trí
vô-thắng-tràng, là môn các hạnh-nguyện của Phổ-Hiền Bồ-Tát, là môn mãnh-lợi
thần-thông thệ-nguyện, là môn nhứt-thiết tổng-trì biện-tài, là môn tam-thế
chư-pháp sai-biệt, là môn nhứt-thiết chư Phật thị-hiện, là môn dùng
nhứt-thiết-trí an lập tất cả chúng-sanh, là môn dùng Phật thần-lực nghiêm-tịnh
tất cả thế-giới.
Nếu Bồ-Tát nhập đại tam-muội nầy
được pháp-giới-lực vô-cùng-tận, được hư-không-hạnh vô-ngại, được Pháp-Vương-Vị
vô-lượng tự-tại như ngôi quán-đảnh thọ chức của thế-gian, được vô-biên-trí
thông đạt tất cả, được quảng-đại-lực viên-mãn mười thứ, thành tâm vô-tránh nhập
tịch-diệt-tế, đại-bi vô-úy dường như sư-tử, là trượng-phu trí-huệ thắp đèn
chánh-pháp sáng, khen không thể hết tất cả công-đức, hàng Thanh-Văn Duyên-Giác
chẳng nghĩ bàn đến được.
Bồ-Tát nầy được Pháp-giới-trí, trụ vô-động-tế
mà hay tùy khai diễn các pháp. Trụ nơi vô-tướng khéo vào pháp tướng. Ðược
tự-tánh thanh-tịnh-tạng sanh nhà Như-Lai thanh-tịnh, khéo mở các pháp-môn
sai-biệt mà dùng trí-huệ rõ vô-sở hữu. Khéo biết thời tiết để thường thật hành
pháp-thí khai ngộ tất cả, gọi là Trí-Giả. Nhiếp khắp chúng-sanh đều làm cho
thanh-tịnh. Dùng trí phương-tiện thị-hiện thành phật-đạo mà thường tu hành hạnh
Bồ-Tát không cùng tận. Nhập cảnh giới nhứt-thiết-trí phương-tiện thị-hiện các
môn thần-thông quảng-đại.
Vì thế nên nầy Phổ-Hiền ! Nay ngươi
phải nên phân-biệt nói rộng mười đại tam-muội của tất cả Bồ-Tát. Nay chúng-hội
nầy đều mong được nghe ".
Bấy giờ Phổ-Hiền Bồ-Tát thừa ý-chí
của Như-Lai, quán sát Phổ-Nhãn và chúng Bồ-Tát mà nói rằng :
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát nầy có mười
pháp-môn vô-tận.
Ðây là mười : một là chư Phật
xuất-hiện trí vô-tận, hai là chúng-sanh biến-hóa trí vô-tận, ba là thế-giới như
ảnh trí vô-tận, bốn là thâm nhập pháp-giới trí vô-tận, năm là thiện nhiếp
bồ-tát trí vô-tận, sáu là Bồ-Tát bất thối trí vô-tận, bảy là thiện quán
nhứt-thiết pháp-nghĩa trí vô-tận, tám là thiện trì tâm-lực trí vô-tận, chín là
trụ quảng đại bồ-đề tâm trí vô-tận, mười là trụ nhứt-thiết phật-pháp
nhứt-thiết-trí nguyện-lực trí vô-tận.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát nầy phát mười
môn vô-biên-tâm.
Ðây là mười : một là phát tâm
vô-biên độ thoát tất cả chúng-sanh, hai là phát tâm vô-biên thừa sự tất cả chư
Phật, ba là phát tâm vô-biên cúng-dường tất cả chư Phật, bốn là phát tâm
vô-biên thấy khắp tất cả chư Phật, năm là phát tâm vô-biên thọ-trì tất cả
phật-pháp chẳng quyên mất, sáu là phát tâm vô-biên thị-hiện vô-lượng thần-biến
của tất cả chư Phật, bảy là phát tâm vô-biên vì được phật-lực nên chẳng bỏ tất
cả bồ-đề hạnh, tám là phát tâm vô-biên nhập khắp cảnh-giới vi-tế của nhứt-thiết-trí
diễn thuyết tất cả phật-pháp, chín là phát tâm vô-biên nhập khắp cảnh giới
quảng đại bất-tư-nghì của Phật, mười là phát tâm vô-biên ham thích biện-tài của
Phật và lãnh thọ các phật-pháp, thị-hiện những thân tự-tại vào trong chúng-hội
đạo-tràng của tất cả Như-Lai, mười là phát tâm vô-biên ham thích biện-tài của
Phật và lãnh thọ các phật-pháp, thị-hiện những thân tự-tại vào trong chúng-hội
đạo-tràng của tất cả Như-Lai.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát nầy có mười
môn nhập tam-muội sai-biệt-trí.
Ðây là mười : một là đông-phương
nhập định tây-phương khởi, hai là tây-phương nhập định đông-phương khởi, ba là
nam-phương nhập định bắc-phương khởi, bốn là bắc-phương nhập định đông-phương
khởi, năm là đông-bắc-phương nhập định tây-nam-phương khởi, sáu là tây-nam-phương
nhập định đông-bắc-phương khởi, bảy là tây-bắc-phương nhập định đông-nam-phương
khởi, tám là đông-nam-phương nhập định tây-bắc-phương khởi, chín là hạ-phương
nhập định thượng-phương khởi, mười là thượng-phương nhập định hạ-phương khởi.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát nầy có mười
môn trí thiện-xảo nhập đại tam-muội.
Ðây là trí thiện-xảo nhập
phổ-quang-minh đại tam-muội thứ nhứt của đại Bồ-Tát :
Ðại Bồ-Tát lấy Ðaị-Thiên thế-giới
làm một liên-hoa, hiện thân ngồi kiết-già khắp trên liên-hoa nầy. Trong thân
lại hiện đại-thiên thế-giới, trong đó có trăm ức tứ thiên-hạ, mỗi mỗi tứ
thiên-hạ hiện trăm ức thân, mỗi mỗi thân nhập trăm ức trăm ức Ðại-Thiên
thế-giới. Nơi thế-giới nầy, mỗi mỗi tứ thiên-hạ hiện trăm ức Bồ-Tát tu hành.
Mỗi mỗi Bồ-Tát tu hành phát sanh trăm ức trăm ức thắng-giải quyết-định. Mỗi mỗi
quyết-định-giải làm cho trăm ức trăm ức căn-tánh viên-mãn. Mỗi mỗi căn tánh
thành-tựu trăm ức trăm ức pháp hạnh bất-thối của Bồ-Tát.
Những thân đã thị-hiện đây chẳng
phải một, chẳng phải nhiều. Nhập định và xuất định không bị lầm loạn.
Chư Phật-tử ! Như Lai-Hầu A-Tu-La
Vương, bổn-thân cao bảy trăm do-tuần, hóa hình cao mười sáu vạn tám ngàn
do-tuần, đứng giữa đại-hải lộ nửa thân cao ngang đỉnh núi Tu-Di. Dầu hóa thân
cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, nhưng bổn thân của A-Tu-La Vương vẫn không
hư hoại, các uẩn xừ giới đều như cũ, tâm không lầm loạn, nơi thân biến-hóa
không nghĩ là thân khác, cũng không nghĩ bổn-thân là chẳng phải mình. Bổn thân
luôn hưởng thọ các sự vui, mà thân biến-hóa thường hiện các thứ tự-tại
thần-thông oai-lực.
Chư Phật-tử ! A-Tu-La Vương có tham
sân si, còn đủ tánh kiêu-mạn còn có thể biến hiện thân mình như vậy, huống là
đại Bồ-Tát đã thân liễu đạt tâm pháp như huyễn, thế-gian đều như mộng, chư Phật
xuất thế đều như bóng hình, tất cả thế-giới dường như biến-hóa, ngôn ngữ âm
thanh đều như vang, đã thấy pháp chơn-thiệt, dùng pháp như-thiệt làm thân mình,
biết tất cả pháp bổn-tánh thanh-tịnh, rõ biết thân tâm không có thiệt thể, thân
mình ở khắp vô-lượng cảnh-giới, dùng Phật-trí quang-minh quảng đại để tịnh tu
tất cả hạnh bồ-đề.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát trụ trong
tam-muội nầy vượt quá thế-gian, xa lìa thế-gian. Không bị mê loạn, không ai che
chướng được.
Chư Phật-tử ! Như Tỳ-Kheo quán-sát
thân mình trụ nơi quán bất-tịnh, thấy kỹ thân mình đều là bất-tịnh.
Cũng vậy, đại Bồ-Tát trụ tam-muội
nầy quán sát pháp-thân thấy các thế-gian vào khắp trong thân mình, trong đó
thấy rõ tất cả thế-gian và pháp thế-gian mà trọn không chấp trước. Trên đây là
trí thiện-xảo nhập phổ-quang-minh tam-muội thứ nhứt.
Ðây là diệu-quang-minh đại tam-muội
thứ hai của đại Bồ-Tát :
Ðại Bồ-Tát nầy có thể nhập Ðại-Thiên
thế-giới vi-trần-số Ðại-Thiên thế-giới. Nơi mỗi mỗi thế-giới hiện Ðại-Thiên
thế-giới vi-trần-số thân. Mỗi mỗi thân phóng Ðại-Thiên thế-giới vi-trần-số quang-minh.
Mỗi mỗi quang-minh hiện Ðại-Thiên thế-giới vi-trần số màu sắc. Mỗi mỗi màu sắc
chiếu Ðại-Thiên thê-giới vi-trần-số thế-giới. Trong mỗi mỗi thế-giới điều-phục
Ðại-Thiên thế-giới vi-trần-số chúng-sanh.
Những thế-giới nầy nhiều loại chẳng
đồng, Bồ-Tát điều biết rõ, đều nhập trong đó. Những thế-giới đó cũng đều đến
nhập nơi thân của Bồ-Tát, dầu vậy nhưng những thế-giới đó vẫn không tạp loạn,
các pháp cũng chẳng hoại diệt.
Chư Phật-tử ! Ví như mặt nhựt mọc
lên chiếu núi Tu-Di, chiếu bảy Bửu-Sơn. Bảy Bửu-Sơn và khoảng giữa Bửu-Sơn đều
có quang ảnh hiển-hiện rõ ràng. Bóng mặt nhựt trên Bửu-Sơn đều hiển-hiện trong
bóng giữa khoảng Bửu-Sơn. Bóng mặt nhựt giữa khoảng bảy Bửu-Sơn cũng đều
hiển-hiện trong bóng mặt nhựt trên Bửu-Sơn. Xoay vần hiện bóng lẫn nhau như vậỵ
Có người nói bóng mặt nhựt hiện ra
nơi bảy Bửu-Sơn, có người nói bóng mặt nhựt hiện ra nơi khoảng giữa bảy
Bửu-Sơn. Có người nói bóng mặt nhựt nhập vào bảy Bửu-Sơn, có người nói bóng mặt
nhựt nhập vào khoảng giữa bảy Bửu-Sơn. Nhưng bóng mặt nhựt nầy chiếu hiện lẫn
nhau không có ngằn mé, thể-tánh chẳng phải có cũng lại chẳng phải không. Chẳng
ở nơi Bửu-Sơn cũng chẳng rời Bửu-Sơn, chẳng trụ nơi nước cũng chẳng rời nước.
Chư Phật-tử ! Cũng vậy, đại Bồ-Tát
trụ nơi diệu-quang-minh đại tam-muội, chẳng hư hoại tướng an lập của thế-gian,
chẳng diệt mất tự-tánh các pháp thế-gian, chẳng trụ trong thế-giới, chẳng trụ
ngoài thế-giới. Ðối với
Thế-giới không chỗ phân-biệt, cũng
chẳng hư hoại tướng thế-giới. Quán tất cả pháp nhứt tướng vô-tướng cũng chẳng
hư hoại tự-tánh các pháp. Trụ luôn nơi tánh chơn-như chẳng hề bỏ rời.
Chư Phật-tử ! Ví như nhà
huyễn-thuật, biết giỏi về huyễn-thuật làm các sự huyễn nơi ngã tư đường, trong
một ngày hay khoảng giây lát, hoặc hiện một ngày, hoặc hiện một đêm, hoặc hiện
làm bảy ngày, bảy đêm, nửa tháng, một tháng, một năm, trăm năm. Tùy theo ý
muốn, nhà huyễn-thuận nầy hiện ra thành ấp, xóm, làng, suối, ao, sông, biển,
mặt nhựt, mặt nguyệt, mây, mưa, cung điện, nhà cửa.
Chẳng vì huyễn hiện trải qua cả
tháng cả năm mà hư hoại một ngày hay một giờ căn-bổn. Cũng chẳng vì thời-gian
căn-bổn ngắn ngủi mà hư hoại năm tháng huyễn hiện. Tướng huyễn hiện rõ , ngày
giờ căn-bổn không mất.
Cũng vậy, Ðại Bồ-Tát nhập
diệu-quang-minh đại tam-muội nầy hiện vô-số thế-giới vào một thế-giới. Vô-số
thế-giới đó, mỗi mỗi thế-giới đều có đất, nước, gió, lửa, đại-hải, các núi,
thành ấp, vườn rừng, nhà cửa, thiên-cung, long-cung, bát bộ cung-điện, đủ cả
mọi sự trang-nghiêm. Cũng có ba cõi : cõi dục, cõi sắc, cõi vô-sắc, Tiểu-Thiên
thế-giới, Ðại-Thiên thế-giới, nghiệp-hành quả-báo, chết đây sanh kia, tất cả
thời-tiết của thế-gian : giờ, phút, ngày, đêm, tháng, năm, kiếp thành, kiếp
hoại, cõi nước thanh-tịnh, chúng Bồ-Tát chầu chực thần-thông tự-tại, giáo-hóa
chúng-sanh. Khắp nơi trong các cõi nước đó có vô-lượng nhơn-chúng khác loài
khác tướng, vô-lượng vô-biên chẳng thể nghĩ bàn. Nghiệp-lực thanh-tịnh thuở quá
khứ vị-lai hiện-tại xuất sanh vô-lượng trân-bửu thượng-diệu. Những việc như
trên đều thị hiện đủ cả vào nơi một thế-giới.
Ðại Bồ-Tát ở nơi đây đều thấy rõ
khắp cả ; vào khắp, xem khắp, nghĩ khắp, rõ khắp. Dùng trí vô-tận đều biết như
thiệt. Chẳng vì những thế-giới kia nhiều mà hư-hoại một thế-giới nầy. Chẳng vì
một thế-giới nầy mà hư-hoại nhiều thế-giới kia.
Tại sao vậy ? Vì Bồ-Tát biết tất cả
pháp đều là vô-ngã. Ðây gọi là nhập vô-mạng-pháp vô-tác-pháp.
Vì Bồ-Tát nơi tất cả thế-gian siêng
tu hành pháp vô-tránh nên gọi là bực an-trụ pháp vô-ngã.
Vì Bồ-Tát như thiệt thấy tất cả thân
đều từ duyên khởi nên gọi là bực an-trụ pháp vô-chúng-sanh.
Vì Bồ-Tát biết tất cả pháp sanh diệt
đều từ nhơn mà sanh nên gọi là bực an-trụ pháp vô-bổ-đặc-dà-la.
Vì Bồ-Tát biết các pháp bổn-tánh
bình-đẳng nên gọi là bực an-trụ pháp vô-ý-sanh vô-ma-nạp-bà.
Vì Bồ-Tát biết các pháp bổn-tánh
tịch-tịnh nên gọi là bực an-trụ pháp tịch-tịnh.
Vì Bồ-Tát biết các pháp nhứt tướng
nên gọi là bực an-trụ pháp vô-phân-biệt.
Vì Bồ-Tát biết pháp-giới không có
các thứ pháp sai biệt nên gọi là bực an-trụ pháp bất-tư-nghì.
Vì Bồ-Tát siêng tu tất cả
phương-tiện giỏi điều phục chúng-sanh nên gọi là bực an-trụ pháp đại-bi.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có thể đem
vô-số thế-giới nhập vào một thế-giới, biết vô-số chúng-sanh nhiều loại khác
nhau, thấy vô-số Bồ-Tát đều phát tâm, xem vô-số chư Phật xuất hiện mọi nơi. Chư
Phật đây diễn nói bao nhiêu chánh-pháp, các Bồ-Tát đây đều lãnh thọ cả. Cũng
thấy thân mình tu hành trong các đạo-tràng đó.
Dầu vậy, nhưng chẳng bỏ nơi đây mà
thấy chỗ kia, cũng chẳng bỏ chỗ kia mà thấy tại đây. Thân kia, thân đây không
có sai biệt, vì nhập pháp-giới vậy.
Thường siêng quán-sát không thôi
nghĩ chẳng bỏ rời trí-huệ, vì chẳng thối chuyển vậy.
Như là huyễn-thuật ở một nơi nào đó
hiện các sự huyễn, chẳng vì nơi hiện huyễn-sự mà hư hoại bổn-xứ, chẳng vì
thời-gian huyễn mà hư hoại ngày giờ căn-bổn.
Cũng vậy, đại Bồ-Tát nơi không có
quốc-độ hiện ra quốc-độ. Nơi có quốc-độ hiện không quốc-độ. Nơi có chúng-sanh
hiện không chúng-sanh, nơi không chúng-sanh hiện có chúng-sanh. Không sắc hiện
có sắc, có sắc hiện không sắc. Trước chẳng làm loạn sau, sau chẳng làm loạn trước.
Ðại Bồ-Tát biết tất cả pháp thế-gian
đều đồng như huyễn hóa. Vì biết pháp huyễn nên biết trí huyễn. Vì biết trí
huyễn nên biết nghiệp huyễn.
Ðã biết trí huyễn và nghiệp huyễn
nên khởi huyễn-trí xem tất cả nghiệp như là huyễn-thuật thế-gian. Chẳng xứ mà
hiện huyễn, cũng ở ngoài bổn chẳng ở ngoài huyễn mà có bổn-xứ.
Cũng vậy, đại Bồ-Tát chẳng ở ngoài
hư không mà nhập thế-gian, cũng chẳng ở ngoài thế-gian mà nhập hư-không. Tại
sao vậy ? Vì hư không và thế-gian không sai biệt, trụ nơi thế-gian cũng trụ nơi
hư-không.
Ðại Bồ-Tát ở trong hư-không hay thấy
hay tu tất cả công nghiệp sai biệt diệu trang-nghiêm của thế-gian. Khoảng một
niệm đều rõ biết được vô-số thế-giới hoặc thành hoặc hoại, cũng biết các kiếp
tuần-tự nối tiếp. Trong khoảng một niện hiện vô-số kiếp, nhưng cũng chẳng làm
cho một niệm đó rộng lớn ra.
Ðại Bồ-Tát được huyễn-trí giải-thoát
bất-tư-nghì, đến nơi bỉ ngạn, trụ nơi huyễn-tế, nhập ở huyễn số thế-gian,
tư-duy các pháp thảy đều như huyễn, chẳng trái huyễn thế, cùng tận nơi
huyễn-trí, rõ biết tam-thế cùng huyễn không khác, thông đạt quyết định, tâm
không ngằn mé.
Như chư Như-Lai trụ trí như huyễn,
tâm Phật bình-đẳng. Cũng vậy, đại Bồ-Tát biết các thế-gian thảy đều như huyền,
với tất cả chỗ đều không chấp trước, không có ngã sở.
Như là huyễn-thuật hiện các sự
huyễn, dầu chẳng đồng ở với các huyễn-sự đó, nhưng vẫn không mê lầm đối với các
huyễn-sự.
Cũng vậy, đại Bồ-Tát, biết tất cả
pháp đến rốt ráo bỉ-ngạn, tâm chẳng chấp ngã hay nhập nơi pháp, cũng chẳng lầm
loạn nơi các pháp.
Trên đây là trí thiện-xảo
diệu-quang-minh đại tam-muội thứ hai của đại Bồ-Tát.
(1) Chư Phật-tử !
Thế nào là thứ-đệ biến vãng chư Phật quốc-độ thần-thông đại tam-muội của đại
Bồ-Tát ?
Ðại Bồ-Tát này qua vô-số thế-giới
phương đông, lại qua vô-số thế-giới vi-trần-số thế-giới, nơi các thế-giới đó
nhập tam-muội nầy. Hoặc sát-na nhập, hoặc giây lát nhập, hoặc nối tiếp nhập.
Hoặc sáng, hoặc trưa, hoặc chiều nhập. Hoặc đầu hôm, giữa đêm, hoặc cuối đêm
nhập. Hoặc nhập một ngày, hoặc năm ngày, hoặc nửa tháng, một tháng. Hoặc nhập
một năm, trăm năm, ngàn năm. Hoặc nhập trăm ngàn năm, ức năm, trăm ngàn ức năm,
trăm ngàn na-do-tha ức năm. Hoặc nhập một kiếp, trăm kiếp, trăm ngàn kiếp, trăm
ngàn na-do-tha ức kiếp. Hoặc nhập vô số kiếp, vô lượng kiếp, vô biên kiếp, vô
đẳng kiếp. Hoặc nhập bất-khả-sổ kiếp, bất-khả-xưng kiếp, bất-khả-tư kiếp,
bất-khả-lượng kiếp, bất-khả-thuyết kiếp, bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết kiếp.
Hoặc lâu, hoặc gần, hoặc pháp, hoặc thời-gian các loại chẳng đồng.
Với những sự trên đây, Bồ-Tát chẳng
sanh lòng phân-biệt, chẳng nhiễm trước, chẳng cho là khác, chẳng cho là không
khác, chẳng cho là khắp, chẳng cho là riêng.
Dầu lìa sự phân-biệt, mnà Bồ-Tát
dùng thần-thông phương-tiện từ tam-muội khởi, với các pháp chẳng quên chẳng
mất, đến nơi rốt ráo.
Ví như mặt nhựt đi vòng soi sáng,
ngày đêm không dừng. Mặt nhựt mọc gọi là ngày, mặt nhựt lặn gọi là đêm. Ban
ngày mặt nhựt chẳng sanh, ban đêm mặt nhựt cũng chẳng mất.
Ðại Bồ-Tát nơi vô-số thế-giới nhập
thần-thông tam-muội. Ðã nhập tam-muội, thấy rõ ngần ấy vô-số thế-giới cũng như
vậy.
Trên đây là trí thiện-xảo thứ-đệ
biến-vãng chư Phật quốc-độ thần-thông đại tam-muội thứ ba của đại Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát
thanh-tịnh thân-tâm-hành đại tam-muội ?
Ðại Bồ-Tát nầy biết số thân chư Phật
đồng với số chúng-sanh. Thấy vô-lượng Phật hơn số vi-trần trong vô-số thế-giới,
Bồ-Tát đem các thứ hương, hoa, lọng, châu báu, đồ trang-nghiêm, ma-ni-bửu-tạng,
nhẫn đến tứ-sự, tất cả đều thượng-diệu quảng đại hơn hẳn của các cõi trời để
cúng-dường mỗi đức Phật.
Ðối với mỗi đức Phật, Bồ-Tát
cung-kính tôn-trọng cúi đầu đảnh lễ thưa thỉnh phật-pháp, khen Phật bình-đẳng,
ca ngợi công-đức quảng-đại của chư Phật. Nhập vào đại-bi của chư Phật, được sức
vô-ngại bình-đẳng của chư Phật. Khoảng một niệm, cần cầu diệu-pháp khắp tất cả
Phật. Nhưng với những tướng chư Phật xuất thế nhập diệt, đều vô-sở-đắc.
Như tâm tán-động liễu-biệt cảnh
sở-duyên, tâm khởi, chẳng biết sở-duyên nào khởi, tâm diệt, chẳng biết sở-duyên
nào diệt.
Cũng vậy, đại Bồ-Tát nầy trọn chẳng
phân-biệt tướng xuất thế cùng nhập niết-bàn của Như-Lai.
Chư Phật-tử ! Như dương-diệm giữa
ngày, chẳng phải từ mây sanh, chẳng phải từ ao sanh, chẳng ở trên đất, chẳng ở
dưới nước, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải thiện chẳng phải ác,
chẳng phải trong chẳng phải đục, chẳng dùng uống rửa được, chẳng làm ô-uế được,
chẳng phải có thể chất chẳng phải không thể chất, chẳng phải có vị chẳng phải
không vị. Do vì nhơn duyên mà hiện tướng nước. Do thức phân biệt trông xa tợ
nước mà sanh tưởng là nước, đến gần thời không có, tưởng nước tự mất.
Ðại Bồ-Tát đây cũng như vậy. Tướng
Như-Lai xuất-thế và niết-bàn đều bất-khả-đắc. Chư Phật có tướng hay không tướng
đều là tâm tưởng phân biệt.
Chư Phật-tử ! Tam-muội nầy gọi là
thanh-tịnh thâm-tâm-hành. Ðại Bồ-Tát ở nơi tam-muội nầy nhập rồi mà khởi, sau
khi khởi chẳng mất.
Ví như có người từ giấc ngủ thức dậy
nhớ sự chiêm-bao. Lúc thức dầu nhớ sự chiêm-bao. Lúc thức dầu không có
cảnh-giới chiêm-bao nhưng vẫn có thể ghi nhớ chẳng quên.
Cũng vậy, đại Bồ-Tát nhập tam-muội
thấy Phật nghe pháp, sau khi xuất định ghi nhớ chẳng quên, rồi đem pháp đã được
nghe giảng dạy lại tất cả chúng-hội trong đạo-tràng, trang-nghiêm tất cả
quốc-độ chư Phật, vô lượng nghĩa thú đều được sáng suốt, tất cả pháp môn cũng
đều thanh-tịnh, thắp đuốc đại-trí, làm lớn giống Phật, đầy đủ vô-úy, biện-tài
chẳng cạn, khai thị diễn thuyết pháp-tạng thậm-thâm.