Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà - Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 - 1983
PHẨM LY THẾ GIAN
THỨ
BA MƯƠI TÁM
Hán Bộ Quyển Thứ 57
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười thứ tập khí :
Tập khí của Bồ đề tâm.
Tập khí của thiện căn.
Tập khí giáo hóa chúng sanh.
Tập khí thấy Phật.
Tập khí thọ sanh nơi thế giới thanh tịnh.
Tập khí của công hạnh.
Tập khí của thệ nguyện.
Tập khí của Ba la mật.
Tập khí tư duy pháp bình đẳng.
Tập khí của những cảnh giới sai biệt.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời lìa hẳn tất cả tập khí phiền não, được trí đại trí tập khí phi tập khí của Như Lai.
Chư Phật tử ! đại Bồ Tát có mười điều thủ lấy, do đây nên không dứt hạnh Bồ Tát :
Thủ tất cả chúng sanh giới, vì rốt ráo giáo hoá.
Thủ tất cả thế giới, vì rốt ráo nghiêm tịnh.
Thủ Như Lai, vì tu hạnh Bồ Tát để cúng dường.
Thủ thiện căn, vì chứa nhóm tướng hảo công đức của chư Phật.
Thủ đại bi, vì diệt khổ cho tất cả chúng sanh.
Thủ đại từ, vì cho tất cả chúng sanh những trí lạc.
Thủ Ba la mật, vì tích tập những trang nghiêm của Bồ Tát.
Thủ thiện xảo phương tiện, vì đều thị hiện ở tất cả chỗ.
Thủ Bồ đề, vì được trí vô ngại.
Thủ tất cả pháp, vì ở tất cả chỗ đều dùng minh trí để hiện rõ.
Nếu chư Bồ Tát an trụ nơi mười điều thủ lấy này thời có thể chẳng dứt Bồ Tát hạnh, được pháp vô sở thủ vô thượng của tất cả Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười điều tu :
Tu các môn Ba la mật. Tu học. Tu huệ. Tu nghĩa. Tu pháp. Tu xuất ly. Tu thị hiện. Tu siêng thật hành chẳng lười. Tu thành Ðẳng Chánh Giác. Tu chuyển Chánh Pháp Luân.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được tu vô thượng tu tất cả pháp.
Ðại Bồ Tát có mười điều thành tựu Phật pháp :
Chẳng rời thiện tri thức, thành tựu Phật pháp.
Thâm tín Phật ngữ thành tựu Phật pháp.
Chẳng hủy báng chánh pháp, thành tựu Phật pháp.
Dùng vô lượng vô tận thiện căn hồi hướng, thành tựu Phật pháp.
Tin hiểu cảnh giới của đức Như Lai vô biên tế, thành tựu Phật pháp.
Biết cảnh giới của tất cả thế giới, thành tựu Phật pháp.
Chẳng bỏ cảnh giới pháp giới, thành tựu Phật pháp.
Xa rời những cảnh giới ma, thành tựu Phật pháp.
Chánh niệm cảnh giới của tất cả Phật, thành tựu Phật pháp.
Thích cầu cảnh giới Thập lực của Như Lai, thành tựu Phật pháp.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được thành tựu đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười điều thối thất Phật pháp cần phải xa kìa :
Khinh mạn thiện tri thức, thối thất Phật pháp.
Sợ khổ sanh tử, thối thất Phật pháp.
Nhàm tu hạnh Bồ Tát, thối thất Phật pháp.
Chẳng thích trụ thế gian, thối thất Phật pháp.
Say đắm tam muội, thối thất Phật pháp.
Chấp lấy thiện căn, thối thất Phật pháp.
Hủy báng chánh pháp, thối thất Phật pháp.
Ðoạn Bồ Tát hạnh, thối thất Phật pháp.
Thích đạo Nhị thừa, thối thất Phật pháp.
Hiềm hận chư Bồ Tát, thối thất Phật pháp.
Nếu chư Bồ Tát xa lìa pháp này, thời nhập đạo ly sanh của Bồ Tát.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười đạo ly sanh :
Xuất sanh Bát nhã Ba la mật mà luôn quán sát tất cả chúng sanh. Ðây là đạo ly sanh thứ nhứt.
Xa rời những kiến chấp mà độ thoát tất cả chúng sanh bị kiến chấp ràng buộc. Ðây là đạo ly sanh thứ hai.
Chẳng tưởng niệm tất cả tướng mà chẳng bỏ tất cả chúng sanh chấp tướng. Ðây là đạo ly sanh thứ ba.
Siêu quá tam giới mà thường ở tại tất cả thế giới. Ðây là đạo ly sanh thứ tư.
Rời hẳn phiền não mà ở chung với tất cả chúng sanh. Ðây là đạo ly sanh thứ năm.
Ðắc pháp ly dục mà thường dùng đại bi thương xót tất cả chúng sanh nhiễm trước dục lạc. Ðây là đạo ly sanh thứ sáu.
Thường thích tịch tịnh mà luôn thị hiện tất cả quyến thuộc. Ðây là đạo ly sanh thứ bảy.
Rời sanh thế gian mà chết đây sanh kia khởi hạnh Bồ Tát. Ðây là đạo ly sanh thứ tám.
Chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian mà chẳng dứt tất cả việc làm thế gian. Ðây là đạo ly sanh thứ chín.
Chư Phật Bồ đề đã hiện ra trước mà chẳng bỏ tất cả hạnh nguyện của Bồ Tát. Ðây là đạo ly sanh thứ mười.
Ðây là mười đạo ly sanh của Bồ Tát, xuất ly thế gian chẳng cùng chung với thế gian mà cũng chẳng tạp hạnh Nhị thừa. Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được pháp quyết định của Bồ Tát.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười pháp quyết định :
Quyết định sanh trong chủng tộc của đức Như Lai.
Quyết định an trụ trong cảnh giới của chư Phật.
Quyết định biết rõ việc làm của chư Bồ Tát.
Quyết định an trụ trong các môn Ba la mật.
Quyết định được dự trong chúng hội của Như Lai.
Quyết định có thể hiển bày chủng tánh của Như Lai.
Quyết định an trụ trong trí lực của Như Lai.
Quyết định thâm nhập Bồ đề của chư Phật.
Quyết định đồng một thân với tất cả chư Phật.
Quyết định đồng một chỗ ở với tất cả chư Phật.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười đạo xuất sanh Phật pháp :
Tùy thuận thiện hữu là đạo xuất sanh Phật pháp, vì đồng gieo căn lành.
Thâm tâm tin hiểu là đạo xuất sanh Phật pháp, vì biết Phật tự tại.
Phát thệ nguyện lớn là đạo xuất sanh Phật pháp, vì tâm rộng rãi.
Nhẫn thọ thiện căn của mình là đạo xuất sanh Phật pháp, vì biết nghiệp chẳng mất.
Tất cả kiếp tu hành không nhàm đủ là đạo xuất sanh Phật pháp, vì tột thưở vị lai.
Vô số thế giới đều thị hiện là đạo xuất sanh Phật pháp, vì thành thục chúng sanh.
Chẳng dứt Bồ Tát hạnh là đạo xuất sanh Phật pháp, vì tăng trưởng đại bi.
Vô lượng tâm là đạo xuất sanh Phật pháp, vì một niệm khắp tất cả hư không giới.
Hạnh thù thắng là đạo xuất sanh Phật pháp, vì công hạnh đã tu không hư mất.
Như Lai chủng là đạo xuất sanh Phật pháp, vì làm cho tất cả chúng sanh thích phát tâm Bồ đề dùng tất cả pháp lành giúp đỡ giữ gìn.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được danh hiệu đại trượng phu :
Hiệu là Bồ đề Tát Ðỏa, vì Bồ đề trí sanh ra.
Hiệu là Ma Ha Tát Ðoả, vì an trụ nơi Ðại thừa.
Hiệu là Ðệ nhứt Tát Ðoả, vì chứng pháp đệ nhứt.
Hiệu là Thắng Tát Ðoả, vì giác ngộ pháp thù thắng.
Hiệu là Tối Thắng Tát Ðỏa, vì trí huệ tối thắng.
Hiệu là Thượng Tát Ðoả, vì phát khởi thượng tinh tấn.
Hiệu là Vô Thượng Tát Ðỏa, vì khai thị pháp vô thượng.
Hiệu là Lực Tát Ðỏa, vì biết rộng Thập lực.
Hiệu là Vô Ðẳng Tát Ðỏa, vì thế gian không sánh được.
Hiệu là Bất Tư Nghì Tát Ðỏa, vì một niệm thành Phật.
Nếu chư Bồ Tát được danh hiệu này thời thành tựu Bồ Tát đạo.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười đạo :
Nhứt đạo là Bồ Tát đạo, vì chẳng bỏ Bồ đề tâm độc nhứt.
Nhị đạo là Bồ Tát đạo, vì xuất sanh trí huệ và phương tiện.
Tam đạo là Bồ Tát đạo, vì thật hành không, vô tướng, vô nguyện, chẳng nhiễm trước tam giới.
Tứ hạnh là Bồ Tát đạo, vì sám trừ tội chướng, tùy hỉ phước đức, cung kính tôn trọng khuyế thỉnh Như Lai, thiện xảo hồi hướng không thôi nghỉ.
Ngũ căn là Bồ Tát đạo, vì an trụ tịnh tín kiên cố bất động, khởi đại tinh tấn việc làm rốt ráo, một bề chánh niệm không phan duyên khác lạ, khéo biết tam muội nhập xuất phương tiện hay khéo phân biệt cảnh giới trí huệ.
Lục thông là Bồ Tát đạo, vì thiên nhãn thấy rõ những hình sắc của tất cả thế giới, biết các chúng sanh chết đây sanh kia. Thiên nhĩ nghe rõ chư Phật thuyết pháp thọ trì ghi nhớ, rộng vì chúng sanh tùy căn cơ để khai diễn. Tha tâm trí hay biết tâm người tự tại vô ngại. Túc mạng thông nhớ biết rõ tất cả kiếp số quá khứ thêm lớn căn lành. Thần túc thông tùy theo những chúng sanh đáng được quá độ, vì họ mà biến hiện nhiều thứ cho họ thích mến chánh pháp. Lậu tận trí hiện chứng thiệt tế khởi Bồ Tát hạnh chẳng đoạn tuyệt.
Thất niệm là Bồ Tát đạo. Vì niệm Phật, ở, một lỗ lông thấy vô lượng Phật khai ngộ tất cả tâm chúng sanh. Niệm Pháp, chẳng rời chúng hội của một đức Như Lai, ở trong chúng hội của tất cả Như Lai thân thừa diệu pháp, tùy căn tánh dục lạc của các chúng sanh mà vì họ diễn thuyết cho họ được ngộ nhập. Niệm Tăng luôn nối tiếp thấy không thôi dứt, nơi tất cả thế gian thấy Bồ Tát. Niệm xả, biết rõ tất cả Bồ Tát hạnh xả tăng trưởng, tâm bố thí rộng lớn. Niệm giới chẳng bỏ tâm Bồ đề, đem tất cả thiện căn hồi hướng chúng sanh. Niệm Thiên thường ghi nhớ Bồ Tát nhứt sanh bổ xứ tại Ðâu Suất Thiên cung. Niệm chúng sanh, trí huệ phương tiện giáo hóa điều phục đến khắp tất cả không gián đoạn.
Tùy thuận Bồ đề Bát thánh đạo là Bồ Tát đạo. Thật hành đạo chánh kiến xa lìa tất cả tà kiến. Khởi chánh tư duy bỏ vọng phân biệt tâm thường tùy thuận nhứt thiết trí. Thường thật hành chánh ngữ rời bốn lỗi của ngữ nghiệp tùy thuận thánh ngôn. Hằng tu chánh nghiệp giáo hóa chúng sanh cho họ được điều phục. An trụ chánh mạng, đầu đà tri túc oai nghi thẩm chánh, tùy thuận Bồ đề thật hành tứ thánh chủng, tất cả lỗi lầm đều rời hẳn. Khởi chánh tinh tần siêng tu tất cả khổ hạnh của Bồ Tát nhập Thập lực của Phật không chướng ngại. Tâm thường chánh niệm đều có thể ghi nhớ tất cả ngôn âm, trừ diệt tâm tán động của thế gian. Tâm thường chánh định, khéo nhập môn Bồ Tát bất tư nghì giải thoát, ở trong một tam muội xuất sanh tất cả môn tam muội. Nhập cửu thứ đệ định là Bồ Tát đạo. Rời dục nhiễm sân hại mà dùng tất cả ngữ nghiệp thuyết pháp vô ngại. Diệt trừ giác quán mà dùng tất cả trí giác quán giáo hóa chúng sanh. Xả ly hỷ ái mà thấy tất cả chư Phật lòng rất hoan hỷ. Rời thế gian lạc mà tùy thuận Bồ Tát đạo xuất thế lạc từ đây bất động. Nhập vô sắc định mà cũng chẳng bỏ thọ sanh nơi Dục giới và Sắc giới. Dầu trụ trong diệt thọ tưởng định mà cũng chẳng dứt Bồ Tát hạnh.
Học Phật Thập lực là Bồ Tát đạo : Trí khéo biết thị xứ phi xứ. Trí khéo biết nghiệp báo nhơn quả quá khứ vị lai hiện tại của tất cả chúng sanh. Trí khéo biết tất cả chúng sanh căn thượng trung hạ chẳng đồng mà tùy cơ nghi thuyết pháp. Trí khéo biết tất cả chúng sanh có vô lượng tánh. Trí khéo biết tất cả chúng sanh kiến giải hạ trung thượng sai biệt làm cho họ nhập vào pháp phương tiện. Trí biết khắp tất cả thế gian, tất cả cõi, tất cả tam thế, tất cả kiếp, hiện khắp hình tướng oai nghi của Như Lai, mà cũng chẳng bỏ việc làm của Bồ Tát. Trí khéo biết tất cả các thiền giải thoát và các tam muội, hoặc cấu, hoặc tịnh, thời cùng phi thời, phương tiện xuất sanh những Bồ Tát giải thoát môn. Trí biết tất cả chúng sanh ở trong các loài chết đây sanh kia sai khác nhau. Trí ở trong một niệm đều biết tam thế tất cả kiếp số. Trí khéo biết tất cả chúng sanh lạc dục, phiền não hoặc tập đều diệt hết, mà chẳng bỏ rời hạnh Bồ Tát.
Nếu chư Bồ Tát an trụ nơi đây thời được đạo phương tiện thiện xảo vô thượng của tất cả Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có vô lượng đạo, vô lượng trợ đạo, vô lượng tu đạo, vô lượng trang nghiêm đạo.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười vô lượng đạo :
Vì hư không vô lượng nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Vì pháp giới vô biên nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Vì chúng sanh giới vô tận nên Bồ Tát
đạo cũng vô lượng.
Vì thế giới vô tế nên Bồ Tát đạo
cũng vô lượng.
Vì kiếp số bất khả tận nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Vì pháp ngữ ngôn của tất cả chúng sanh vô lượng nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Vì Như Lai thân vô lượng nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Vì âm thanh vô lượng nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Vì Như Lai lực vô lượng nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Vì nhứt thiết chủng trí vô lượng nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười vô lượng trợ đạo :
Như hư không giới vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô lượng.
Như pháp giới vô biên, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô biên.
Như chúng sanh giới vô tận, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô tận.
Như thế giới vô tế, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô tế.
Như kiếp số thuyết bất khả tận, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng là tất cả thế gian thuyết bất khả tận.
Như pháp ngữ ngôn của chúng sanh vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo xuất sanh trí huệ biết pháp ngữ ngôn cũng vô lượng.
Như thân Như Lai vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo khắp tất cả chúng sanh, tất cả cõi, tất cả đời, tất cả kiếp cũng vô lượng.
Như âm thanh của Phật vô lượng, Bồ Tát phát một âm thanh cùng khắp pháp giới tất cả chúng sanh không ai chẳng nghe biết, trợ đạo đã tích tập cũng vô lượng.
Như Phật lực vô lượng, Bồ Tát thừa Như Lai lực tích tập trợ đạo cũng vô lượng.
Như nhứt thiết chủng trí vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô lượng như vậy.
Nếu chư Bồ Tát an trụ nơi pháp này thời được vô lượng trí huệ của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười vô lượng đạo hạnh tu tập :
Bất lai bất khứ, là hạnh tu của Bồ Tát, vì ba nghiệp thân, ngữ, ý không động tác.
Bất tăng bất giảm là hạnh tu của Bồ Tát, vì như bổn tánh.
Phi hữu phi vô là hạnh tu của Bồ Tát, vì không tự tánh.
Như huyễn như mộng, như ảnh, như hưởng, như tượng trong gương, như ánh nắng khi trời quá nóng, như mặt trăng trong nước, là hạnh tu của Bồ Tát, vì rời lìa tất cả các chấp trước.
Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác là hạnh tu của Bồ Tát, vì thấy rõ ba cõi mà chứa phước đức chẳng thôi dứt.
Bất khả thuyết, ly ngôn thuyết là hạnh tu của Bồ Tát, vì xa rời pháp thi thiết an lập.
Bất hoại pháp giới là hạnh tu của Bồ Tát, vì trí huệ hiện biết tất cả pháp.
Bất hoại chơn như thiệt tế là hạnh tu của Bồ Tát, vì vào khắp chơn như thiệt tế hư không tế.
Trí huệ quảng đại là hạnh tu của Bồ Tát, vì bao nhiêu việc làm năng lực vô tận.
An trụ nơi Thập lực tứ vô ý của Như Lai, nhứt thiết chủng trí bình đẳng, là hạnh tu của Bồ Tát, vì hiện thấy tất cả pháp không nghi lầm.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được hạnh tu thiện xảo vô thượng nhứt thiết trí của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười đạo trang nghiêm :
Ðại Bồ Tát chẳng rời Dục giới mà nhập Sắc giới, Vô Sắc giới, thiền định giải thoát và các tam muội cũng chẳng nhơn đây mà thọ sanh. Ðây là đạo trang nghiêm thứ nhứt.
Trí huệ hiện tiền nhập Thanh Văn đạo, chẳng do đạo này mà chứng lấy quả xuất ly. Ðây là đạo trang nghiêm thứ hai.
Trí huệ hiện tiền nhập Bích Chi Phật đạo, mà phát khởi đại bi chẳng thôi dứt. Ðây là đạo trang nghiêm thứ ba.
Dầu có quyến thuộc Nhơn Thiên vây quanh, trăm ngàn thể nữ ca múa hầu hạ, mà chưa từng tạm bỏ thiền định giải thoát và các tam muội. Ðây là đạo trang nghiêm thứ tư.
Cùng tất cả chúng sanh thọ những dục lạc, cùng nhau vui đùa mà vẫ chưa từng tạm trong một niệm rời bỏ Bồ Tát bình đẳng tam muội. Ðây là đạo trang nghiêm thứ năm.
Ðã đến bĩ ngạn, tất cả thế gian, nơi các thế pháp đều không chấp trước mà cũng chẳng bỏ hạnh độ chúng sanh. Ðây là đạo trang nghiêm thứ sáu.
An trụ chánh đạo, chánh trí, chánh kiến mà hay thị hiện vào tất cả tà đạo, chẳng lấy làm thiệt, chẳng chấp làm tịnh, làm cho chúng sanh đó xa rời tà pháp. Ðây là đạo trang nghiêm thứ bảy.
Thường khéo hộ trì tịnh giới của Như Lai, ba nghiệp thân, khẩu, ý không lầm lỗi, vì muốn giáo hóa chúng sanh phạm giới nên thị hiện làm tất cả hạnh phàm ngu. Dầu đã đầy đủ phước đức thanh tịnh trụ bực Bồ Tát, mà thị hiện sanh nơi tất cả địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ cùng những chỗ hiểm nạn bần cùng, làm cho những chúng sanh đó đều được giải thoát. Nhưng thiệt ra Bồ Tát chẳng sanh vào những loài đó. Ðây là đạo tràng trang nghiêm thứ tám.
Chẳng do người dạy mà được vô ngại biện, trí huệ quang minh có thể chiếu rõ khắp cả Phật pháp, được thần lực của tất cả Như Lai hộ trì đồng một pháp thân với tất cả chư Phật, thành tựu tất cả pháp kiên cố bí mật minh tịnh của bực đại nhơn, an trụ những thừa tất cả bình đẳng, cảnh giới chư Phật đều hiện ra trước đầy đủ tất cả thế trí quang minh, soi thấy tất cả chúng sanh giới, có thể vì chúng sanh mà làm tri pháp sư, thị hiện cầu chánh pháp không thôi dứt, dầu thiệt làm Vô Thượng Sư cho chúng sanh mà thị hiện tôn kính Hòa Thượng A Xà Lê. Tạo sao vậy ? Vì Ðại Bồ Tát thiện xảo phương tiện trụ Bồ Tát đạo, tùy theo sở nghi đều vì chúng sanh mà thị hiện. Ðây là đạo trang nghiêm thứ chín.
Thiện căn đầy đủ, công hạnh rốt ráo, tất cả Như Lai cùng chung quán đảnh, đến bĩ ngạn tất cả pháp tự tại, lụa pháp vô ngại dùng đội trên đầu thân, hình đến khắp tất cả thế giới, hiện khắp thân vô ngại của Như Lai, nơi pháp tự tại rốt ráo tối thượng, chuyển pháp luân vô ngại thanh tịnh tất cả pháp tự tại của Bồ Tát đều đã thành tựu, mà vì chúng sanh nên thị hiện thọ sanh nơi tất cả quốc độ, đồng một cảnh giới với tất cả chư Phật trong ba đời. Nhưng vẫn chẳng phế hạnh Bồ Tát, chẳng bỏ pháp Bồ Tát, chẳng lười nghiệp Bồ Tát, chẳng rời đạo Bồ Tát, chẳng lơi oai nghi Bồ Tát, chẳng dứt bực Bồ Tát, chẳng thôi phương tiện thiện xảo Bồ Tát, chẳng tuyệt việc làm của Bồ Tát, chẳng nhàm sanh thành công dụng của Bồ Tát, chẳng dừng sức trụ trì của Bồ Tát. Tại sao vậy ? Vì Bồ Tát muốn mau chứng Vô thượng Bồ đề, quán môn nhứt thiết trí, tu hạnh Bồ Tát không thôi nghỉ. Ðây là đạo trang nghiêm thứ mười.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đạo đại trang nghiêm Vô thượng của Như Lai, cũng chẳng bỏ Bồ Tát đạo.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười chân :
Chân trì giới, vì đại nguyện thù thắng đều thành tựu viên mãn.
Chân tinh tấn, vì tích tập tất cả pháp Bồ đề phần không thối chuyển.
Chân thần thông, vì tùy theo dục lạc của chúng sanh làm cho hoan hỷ.
Chân thần lực, vì chẳng rời một cõi Phật mà qua đến tất cả cõi Phật.
Chân thân tâm, vì nguyện cầu tất cả pháp thù thắng.
Chân kiên thệ, vì tất cả việc làm đều rốt ráo.
Chân tùy thuận, vì chẳng trái lời dạy của bực tôn túc.
Chân lạc pháp, vì nghe và thọ trì tất cả pháp của chư Phật nói không mỏi lười.
Chân pháp vũ, vì đại chúng thuyết pháp không khiếp nhược.
Chân tu hành, vì tất cả điều ác đều xa lìa.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chân vô thượng tối thắng của đức Như Lai. Nếu cất chân một bước đều có thể đến khắp tất cả thế giới.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười tay :
Tay thâm tín, vì nơi lời nói của Phật đều tin sâu nhẫn thọ rốt ráo thọ trì.
Tay bố thí, có người đến cầu, tùy chỗ họ muốn đều làm cho được đầy đủ.
Tay hỏi thăm trước, vì giơ tay mặt nghinh tiếp nhau.
Tay cúng dường chư Phật, vì chứa nhóm những phước đức không mỏi nhàm.
Tay đa văn thiện xảo, vì đều dứt tất cả chúng sanh nghi.
Tay khiến siêu tam giới, vì trao cho chúng sanh vớt họ ra khỏi bùn ái dục.
Tay đặt nơi bĩ ngạn, vì cứu chúng sanh đắm trong bốn dòng nước cuộn.
Tay chẳng tiếc chánh pháp, vì có bao nhiêu diệu pháp đều đem khai thị.
Tay khéo dùng những luận nghị, vì dùng thuốc trí huệ trừ bịnh nơi thâm tâm.
Tay hằng chấp trì trí bửu, vì khai pháp quang minh phá tối phiền não.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được tay vô thượng của Như Lai, che khắp tất cả thế giới mười phương.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười bụng :
Bụng lìa dua vạy, vì tâm thanh tịnh.
Bụng lìa huyễn ngụy, vì tánh chất trực.
Bụng chẳng hư giả, vì không hiểm dối.
Bụng không khi đoạt, vì không tham đối với tất cả vật.
Bụng dứt phiền não, vì đầy đủ trí huệ.
Bụng thanh tịnh tâm, vì rời các điều ác.
Bụng quán sát uống ăn, vì nhớ pháp như thiệt.
Bụng quán sát vô tác, vì giác ngộ duyên khởi.
Bụng ngộ tất cả đạo xuất ly, vì khéo thành thục thâm tâm.
Bụng xa rời tất cả cấu nhơ biên kiến, vì làm cho tất cả chúng sanh nhập vào bụng Phật.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được bụng rộng lớn vô thượng của Như Lai, đều có thể dung thọ tất cả chúng sanh.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười tạng :
Chẳng dứt Phật chủng là Bồ Tát tạng, vì khai thị Phật pháp vô lượng oai đức.
Tăng trưởng Pháp chủng là Bồ Tát tạng, vì xuất sanh trí huệ quang minh quảng đại.
Trụ trì tăng trưởng là Bồ Tát tạng, vì làm cho họ được nhập pháp luân bất thối.
Giác ngộ chánh định chúng sanh là Bồ Tát tạng, vì khéo theo thời nghi không sai một niệm.
Rốt ráo thành thục bất định chúng sanh là Bồ Tát tạng, vì làm cho nhơn tương tục không gián đoạn.
Vì tà định chúng sanh phát sanh lòng đại bi là Bồ Tát tạng, vì làm cho nhơn vị lai đều được thành tựu.
Viên mãn nhơn bất hoại nơi Phật thập lực là Bồ Tát tạng, vì đầy đủ vô đối thiện căn hàng phục ma quân.
Tối thắng vô úy đại sư tử hống là Bồ Tát tạng, vì làm cho tất cả chúng sanh đều hoan hỷ.
Ðược Phật mười tám pháp bất cộng là Bồ Tát tạng, vì trí huệ vào khắp tất cả xứ.
Biết rõ khắp tất cả chúng sanh, tất cả cõi, tất cả Pháp, tất cả Phật là Bồ Tát tạng, vì ở trong một niệm đều thấy rõ.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được thiện căn vô thượng, tạng đại trí huệ bất hoại của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười tâm :
Tâm tinh cần, vì tất cả việc làm đều rốt ráo.
Tâm chẳng lười, vì chứa nhóm hạnh tướng hảo phước đức.
Tâm dũng kiện lớn, vì dẹp phá tất cả ma quân.
Tâm thật hành đúng lý, vì trừ diệt tất cả phiền não.
Tâm chẳng thối chuyển, vì nhẫn đến quả Bồ đề trọn chẳng thôi dứt.
Tâm tánh thanh tịnh, vì biết tâm bất động vô trước.
Tâm biết chúng sanh, vì tùy theo chỗ hiểu biết và sở thích của họ mà làm cho được xuất ly.
Tâm đại phạm trụ khiến nhập Phật pháp, vì biết những chỗ hiểu biết và sở thích của chúng sanh, chẳng dùng thừa khác để cứu độ.
Tâm không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vì thấy tướng tam giới không chấp trước.
Tâm tướng chữ "vạn", tạng thù thắng trang nghiêm kiên cố như kim cang, vì chúng ma đồng bằng số tất cả chúng sanh đến cũng chẳng động được một sợi lông của Bồ Tát.
Nếu Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được tâm vô thượng đại trí quang minh tạng của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười thứ mặc giáp :
Mặc giáp đại từ, vì cứu hộ tất cả chúng sanh.
Mặc giáp đại bi, vì kham chịu tất cả sự khổ.
Mặc giáp đại nguyện, vì tất cả việc làm đều rốt ráo.
Mặc giáp hồi hướng, vì kiến lập tất cả sự trang nghiêm của Phật.
Mặc giáp phước đức, vì lợi ích tất cả chúng sanh.
Mặc giáp Ba la mật, vì độ thoát tất cả chúng sanh.
Mặc giáp trí huệ, vì dứt tối phiền não của tất cả chúng sanh.
Mặc giáp thiện xảo phương tiện, vì xuất sanh thiện căn phổ môn.
Mặc giáp nhứt thiết trí tâm kiên cố chẳng tán loạn, vì chẳng thích những thừa khác.
Mặc giáp nhứt tâm quyết định, vì nơi tất cả pháp lìa nghi hoặc.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời mặc mão giáp vô thượng của Như Lai, đều có thể xô dẹp tất cả quân ma. Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười thứ khí trượng :
Bố thí là khí trượng của Bồ Tát, vì dẹp phá tất cả xan lẫn.
Trì giới là khí trượng của Bồ Tát, vì vứt bỏ tất cả sự hủy phạm.
Bình đẳng là khí trượng của Bồ Tát, vì dứt trừ tất cả phân biệt.
Trí huệ là khí trượng của Bồ Tát, vì tiêu diệt tất cả phiền não.
Chánh mạng là khí trượng của Bồ Tát, vì xa rời tất cả tà mạng.
Thiện xảo phương tiện là khí trượng của Bồ Tát, vì thị hiện tất cả xứ.
Lược nói tham, sân, si tất cả phiền não là khí trượng của Bồ Tát, vì dùng môn phiền não để độ chúng sanh.
Sanh tử là khí trượng của Bồ Tát, vì chẳng dứt hạnh Bồ Tát luôn giáo hóa chúng sanh.
Nói pháp như thật là khí trượng của Bồ Tát, vì hay phá tất cả chấp trước.
Nhứt thiết trí là khí trượng của Bồ Tát, vì chẳng bỏ hạnh môn của Bồ Tát.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời có thể trừ diệt những phiền não kiết sử đã chứa nhóm từ lâu của tất cả chúng sanh.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười đầu :
Ðầu Niết bàn, vì không ai thấy được đảnh.
Ðầu tôn kính, vì tất cả Nhơn Thiên đều kính lễ.
Ðầu thắng giải quảng đại, vì tối thắng trong Ðại Thiên thế giới.
Ðầu đệ nhứt thiện căn, vì tam giới chúng sanh đều cúng dường.
Ðầu gánh đội chúng sanh, vì thành tựu tướng nhục kế trên đảnh.
Ðầu chẳng khinh tiện người, vì ở tất cả chỗ thường là bực tôn thắng.
Ðầu Bát nhã Ba la mật, vì trưởng dưỡng tất cả pháp công đức.
Ðầu tương ưng phương tiện trí, vì hiện khắp tất cả thân đồng loại.
Ðầu giáo hóa tất cả chúng sanh, vì dùng tất cả chúng sanh làm đệ tử.
Ðầu thủ hộ pháp nhãn của chư Phật, vì làm cho Tam Bảo chủng chẳng đoạn tuyệt.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời, được đầu đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười mắt :
Nhục nhãn, vì thấy tất cả hình sắc.
Thiên nhãn, vì thấy tâm niệm của tất cả chúng sanh.
Huệ nhãn, vì thấy những căn cảnh giới của tất cả chúng sanh.
Pháp nhãn, vì thấy tướng như thiệt của tất cả pháp.
Phật nhãn, vì thấy thập lực của Như Lai.
Trí nhãn, vì thấy biết các pháp.
Quang minh nhãn, vì thấy quang minh của đức Phật.
Xuất sanh tử nhãn, vì thấy Niết bàn.
Vô ngại nhãn, vì chỗ thấy không chướng ngại.
Nhứt thiết trí nhãn, vì thấy phổ môn pháp giới.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại trí huệ nhãn vô thượng của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười tai :
Nghe tiếng khen ngợi thời dứt trừ tâm tham ái.
Nghe tiếng hủy báng thời dứt trừ tâm hờn giận.
Nghe nói Nhị thừa thời chẳng ham chẳng cầu.
Nghe đạo Bồ Tát thời vui mừng hớn hở.
Nghe địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, những chỗ khổ nạn thời phát tâm đại bi lập thệ nguyện rộng lớn.
Nghe sự thắng diệu của thiên nhơn thời biết đó đều là những pháp vô thường.
Nghe tán thán công đức của chư Phật thời siêng tu tinh tấn cho mau được viên mãn.
Nghe nói các pháp lục độ tứ nhiếp thời phát tâm tu hành nguyện đến bĩ ngạn.
Nghe tất cả âm thanh trong thập phương thế giới, thời đều biết như vang, nhập bất khả thuyết diệu nghĩa thậm thâm.
Ðại Bồ Tát từ sơ phát tâm nhẫn đến đạo tràng thường nghe chánh pháp chưa từng tạm nghĩ, mà hằng chẳng bỏ việc giáo hóa chúng sanh.
Nếu chư Bồ Tát thành tựu pháp này thời được đại trí huệ nhĩ vô thượng của đức Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười mũi :
Nghe những vật hôi, không cho đó là hôi.
Nghe những hơi thơm, không cho đó là thơm.
Thơm hôi đều nghe tâm Bồ Tát bình đẳng.
Chẳng thơm chẳng hôi thời an trụ nơi xả.
Nếu nghe y phục, ngọa cụ và thân thể của chúng sanh có hơi thơm hôi, thời biết được họ khởi lòng tham hay sân, si đẳng phần.
Nếu nghe hơi của cỏ, cây, hầm mỏ v.v... thời biết rõ tàng như đối trước mắt.
Nếu nghe mùi của chúng sanh trên đến trời Hữu Ðảnh, dưới đến địa ngục A Tỳ, thời đều biết hạnh nghiệp quá khứ của họ đã gây tạo.
Nếu nghe hơi bố thí, trì giới, đa văn, trí huệ của hàng Thanh văn thời an trụ tâm nhứt thíêt trí chẳng cho tán động.
Nếu nghe hơi của tất cả Bồ Tát hạnh, thời dùng trí huệ bình đẳng nhập Phật địa.
Nghe hơi cảnh giới trí huệ của tất cả Phật, cũng chẳng phế bỏ những hạnh Bồ Tát.
Nếu chư Bồ Tát thành tựu pháp này thời được vô lượng vô biên thanh tịnh tỷ của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười lưỡi :
Lưỡi khai thị diễn thuyết vô tận hạnh chúng sanh.
Lưỡi khai thị diễn thuyết vô tận pháp môn.
Lưỡi tán thán chư Phật vô tận công đức.
Lưỡi diễn xướng từ biện vô tận.
Lưỡi khai xiển đại thừa trợ đạo.
Lưỡi trùm khắp thập phương hư không.
Lưỡi chiếu khắp tất cả cõi Phật.
Lưỡi làm cho tất cả chúng sanh được tỏ ngộ.
Lưỡi đều làm cho tất cả chư Phật hoan hỷ.
Lưỡi hàng phục tất cả chúng ma ngoại đạo, diệt trừ tất cả sanh tử phiền não làm cho đến Niết bàn.
Nếu chư Bồ Tát thành tựu pháp này thời được lưỡi vô thượng trùm khắp tất cả Phật độ của đức Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười thân :
Thân người, vì giáo hoá tất cả loài người.
Thân phi nhơn, vì giáo hoá địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
Thân trời, vì giáo hoá chúng sanh cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc.
Thân hữu học, vì thị hiện bực hữu học.
Thân vô học, vì thị hiện bực A la hán.
Thân Duyên giác, vì giáo hoá cho được vào bực Bích Chi Phật.
Thân Bồ Tát, vì làm cho thành tựu đại thừa.
Thân Như Lai, vì trí thủy quán đảnh.
Ý sanh thân, vì thiện xảo xuất sanh.
Pháp thân vô lậu, vì dùng vô công dụng thị hiện thân tất cả chúng sanh.
Nếu chư Bồ Tát thành tựu pháp này thời được thân vô thượng của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười ý :
Ý thượng thủ, vì phát khởi tất cả thiện căn.
Ý an trụ, vì tin sâu kiên cố bất động.
Ý thâm nhập, vì tùy thuận Phật pháp mà hiểu.
Ý rõ biết ở trong, vì biết rõ tâm sở thích của chúng sanh.
Ý vô loạn, vì tất cả phiền não chẳng tạp.
Ý minh tịnh, vì khách trần chẳng nhiễm trước được.
Ý khéo quán sát chúng sanh, vì không có một niệm lỗi thời.
Ý khéo lựa chỗ làm, vì chưa từng có một chỗ sanh lỗi lầm.
Ý kính giữ gìn các căn, vì điều phục chẳng cho buông lung tán loạn.
Ý khéo nhập tam muội, vì thâm nhập Phật tam muội, không ngã, không ngã sở.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được ý vô thượng của tất cả Phật.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười hạnh :
Hạnh nghe chánh pháp, vì ưa thích chánh pháp.
Hạnh thuyết pháp, vì lợi ích chúng sanh.
Hạnh rời tham, sân, si, bố úy vì điều phục tự tâm.
Hạnh dục giới, vì giáo hóa chúng sanh cõi dục.
Hạnh chánh định Sắc giới, Vô Sắc giới, vì làm cho họ mau xoay trở lại.
Hạnh xu hướng pháp nghĩa, vì mau được trí huệ.
Hạnh thọ sanh tất cả xứ, vì tự tại giáo hoá chúng sanh.
Hạnh tất cả cõi Phật, vì lễ bái cúng dường chư Phật.
Hạnh Niết bàn, vì chẳng dứt sanh tử tiếp nối.
Hạnh thành tựu viên mãn tất cả Phật pháp, vì chẳng bỏ pháp hạnh của Bồ Tát.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được hạnh vô lai vô khứ của đức Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười chỗ an trụ :
An trụ tâm Bồ đề, vì chưa từng quên mất.
An trụ Ba la mật, vì chẳng nhàm trợ đạo.
An trụ thuyết pháp, vì tăng trưởng trí huệ.
An trụ A lan nhã, vì chứng đại thiền định.
An trụ tùy thuận nhứt thiết trí đầu đà tri túc tứ thánh chủng, vì thiểu dục thiểu sự.
An trụ thâm tín, vì gánh vác chánh pháp.
An trụ thân cận đức Như Lai, vì học Phật oai nghi.
An trụ xuất sanh thần thông, vì viên mãn đại trí.
An trụ đắc nhẫn, vì viên mãn thọ ký.
An trụ đạo tràng, vì đầy đủ Thập Lực, vô úy và tất cả Phật pháp.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được an trụ nhứt thiết trí vô thượng.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười chỗ ngồi :
Chỗ ngồi Chuyển Luân Vương, vì phát khởi mười thiện đạo.
Chỗ ngồi Tứ Thiên Vương, vì tất cả thế gian tự tại an lập Phật pháp.
Chỗ ngồi Ðế Thích, vì làm thắng chủ cho tất cả chúng sanh.
Chỗ ngồi Phạm Vương, vì ở người và mình tâm đều được tự tại.
Chỗ ngồi sư tử, vì hay thuyết pháp.
Chỗ ngồi chánh pháp, vì dùng sức tổng trì biện tài mà khai thị.
Chỗ ngồi kiên cố, vì thệ nguyện rốt ráo.
Chỗ ngồi đại từ, vì làm cho ác chúng sanh đều vui mừng.
Chỗ ngồi đại bi, vì nhẫn chịu tất cả khổ chẳng mỏi nhàm.
Chỗ ngồi kim cang, vì hàng phục ma quân và ngoại đạo.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ ngồi chánh giác vô thượng của đức Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười chỗ nằm :
Chỗ nằm tịch tịnh, vì thân tâm yên lặng.
Chỗ nằm thiền định, vì tu hành đúng lý.
Chỗ nằm tam muội, vì thân tâm nhu nhuyến.
Chỗ nằm Phạm Thiên, vì chẳng não hại mình và người.
Chỗ nằm thiện nghiệp, vì chẳng bị khuynh động.
Chỗ nằm chánh đạo, vì thiện hữu khai giác.
Chỗ nằm diệu nguyện, vì thiện xảo hồi hướng.
Chỗ nằm tất cả việc đều xong, vì việc làm đều hoàn mãn.
Chỗ nằm bỏ những công dụng, vì tất cả đều quen thuộc.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ nằm đại pháp vô thượng của Như Lai đều có thể khai ngộ tất cả chúng sanh.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười chỗ sở trụ :
Dùng đại từ làm chỗ sở trụ, vì tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh.
Dùng đại bi làm chỗ sở trụ, vì chẳng khinh người chưa học.
Dùng đại hỷ làm chỗ sở trụ, vì rời tất cả ưu não.
Dùng đại xả làm chỗ sở trụ, vì nơi hữu vi vô vi đều bình đẳng.
Dùng tất cả Ba la mật làm chỗ sở trụ, vì Bồ đề tâm làm đầu.
Dùng nhứt thiết không để làm chỗ sở trụ, vì thiện xảo quan sát.
Dùng vô tướng làm chỗ sở trụ, vì chẳng ra khỏi chánh vị.
Dùng vô nguyện làm chỗ sở trụ, vì quán sát thọ sanh.
Dùng niệm huệ làm chỗ sở trụ, vì nhẫn pháp thành tựu viên mãn.
Dùng tất cả pháp bình đẳng làm chỗ sở trụ, vì được thọ ký.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ sở trụ vô ngại vô thượng của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười chỗ sở hành :
Dùng chánh niệm làm chỗ sở hành, vì đầy đủ niệm xứ.
Dùng những xu hướng làm chỗ sở hành, vì xu hướng pháp Chánh giác.
Dùng trí huệ làm chỗ sở hành, vì được Phật hoan hỷ.
Dùng Ba la mật làm chỗ sở hành, vì đầy đủ Nhứt thiết chủng trí.
Dùng tứ nhiếp làm chỗ sở hành, vì giáo hóa chúng sanh.
Dùng sanh tử làm chỗ sở hành, vì chứa nhóm thiện căn.
Dùng sự nói chuyện đùa tạp với chúng sanh làm chỗ sở hành, vì tùy nghi giáo hóa xa lìa hẳn.
Dùng thần thông làm chỗ sở hành, vì biết cảnh giới các căn của tất cả chúng sanh.
Dùng thiện xảo phương tiện làm chỗ sở hành, vì tương ưng Bát nhã Ba la mật.
Dùng đạo tràng làm chỗ sở hành, vì thành Nhứt thiết trí mà chẳng dứt hạnh Bồ Tát.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ sở hành đại trí huệ vô thượng của đức Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười thứ quán sát :
Biết các nghiệp quán sát, vì vi tế đều thấy.
Biết các loài quán sát, vì chẳng chấp chúng sanh.
Biết các căn quán sát, vì rõ thấu các căn.
Biết các pháp quán sát, vì chẳng hoại pháp giới.
Thấy Phật pháp quán sát, vì siêng tu Phật nhãn.
Ðược trí huệ quán sát, vì thuyết pháp đúng lý.
Vô sanh nhẫn quán sát, vì quyết rõ Phật pháp.
Bất thối địa quán sát vì diệt phiền não vượt khỏi tam giới Nhị thừa địa.
Quán đảnh địa quán sát, nơi tất cả Phật pháp được tự tại bất động.
Thiện giác trí tam muội quán sát, vì ra làm Phật sự khắp mười phương.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được trí đại quán sát vô thượng của Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười môn phổ quán sát :
Phổ quán sát tất cả những kẻ đến cầu xin, vì dùng tâm không trái nghịch để làm thỏa mãn ý của họ.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh phạm giới, vì an trí họ trong giới thanh tịnh của đức Như Lai.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh có tâm tổn hại, vì an trí họ trong nhẫn lực của đức Như Lai.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh giải đãi, vì khuyên họ tinh cần chẳng bỏ gánh lấy gánh Ðại thừa.
Phổ quán sát tất cả chúng sanh loạn tâm, vì làm cho họ an trụ nhứt thiết trí địa không tán động của đức Như Lai.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh ác huệ, vì làm cho họ trừ nghi hoặc phá kiến chấp hữu lậu.
Phổ quán sát tất cả những thiện hữu bình đẳng, vì thuận giáo mạng của thiện hữu mà an trụ trong Phật pháp.
Phổ quán sát tất cả pháp đã được nghe, vì mau được chứng thấy nghĩa tối thượng.
Phổ quán sát tất cả chúng sanh vô biên, vì thường chẳng bỏ rời sức đại bi.
Phổ quán sát tất cả Phật pháp, vì mau được thành tựu Nhứt thiết trí.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại trí huệ phổ quán sát vô thượng của đức Như Lai.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười điều phấn tấn :
Ngưu Vương phấn tấn, vì che chói tất cả đại chúng Thiên, Long, Bát Bộ v.v...
Tượng Vương phấn tấn, vì tâm khéo điều nhu gánh vác tất cả những chúng sanh.
Long Vương phấn tấn, vì nổi mây dầy đại pháp, chiếu điển quang giải thoát, chấn sấm nghĩa như thật, rưới mưa cam lồ căn, lực, giác phần, thiền định, giải thoát, tam muội.
Ðại Kim Sí Ðiểu Vương phấn tấn, vì cạn nước tham ái, phá vỏ ngu si, chụp bắt những ác độc long phiền não, khiến ra khỏi biển khổ lớn sanh tử.
Ðại Sư Tử Vương phấn tấn, vì an trụ đại trí vô úy, bình đẳng dùng làm khí trượng, xô dẹp chúng ma và ngoại đạo.
Dũng kiện phấn tấn, vì có thể ở trong chiến trận lớn sanh tử, xô diệt tất cả phiền não oan thù.
Ðại Trí phấn tấn, vì biết uẩn, xứ, giới và các duyên khởi tự tại khai thị tất cả pháp.
Ðà La Ni phấn tấn, dùng sức niệm huệ thọ trì chánh pháp chẳng quên, tùy theo căn của chúng sanh mà vì họ tuyên thuyết.
Biện tài phấn tấn, vì vô ngại mau chóng phân biệt tất cả, đều làm cho được lợi ích tâm hoan hỷ.
Như Lai phấn tấn, vì nhứt thiết chủng trí những pháp trợ đạo đều thành tựu viên mãn, dùng một niệm tương ưng huệ, những chỗ đáng được tất cả đều được, những chỗ đáng ngộ tất cả đều ngộ; ngồi tòa sư tử, hàng ma oán địch thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nếu chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được nơi tất cả pháp phấn tấn tự tại vô thượng của chư Phật.
Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười sư tử hống :
Ðại Bồ Tát xướng rằng :
Tôi sẽ quyết định thành Ðẳng Chánh Giác. Ðây là đại bồ đề tâm đại sư tử hống.
Tôi sẽ làm cho tất cả chúng sanh, người chưa được độ thời được độ, người chưa giải thoát được giải thoát, người chưa an được an, người chưa Niết bàn được chứng Niết bàn. Ðây là đại bi sư tử hống.
Tôi sẽ làm cho chủng tánh của Tam Bảo Phật, Pháp và Tăng không đoạn tuyệt. Ðây là báo đáp ơn Như Lai đại sư tử hống.
Tôi sẽ nghiêm tịnh tất cả cõi Phật. Ðây là thệ nguyện rốt ráo kiên cố đại sư tử hống.
Tôi sẽ trừ diệt tất cả ác đạo và các nạn xứ. Ðây là tự trì tịnh giới đại sư tử hống.
Tôi sẽ đầy đủ thân, ngữ, ý tướng hảo trang nghiêm của chư Phật. Ðây là cầu phước không nhàm đại sư tử hống.
Tôi sẽ thành tựu viên mãn những trí huệ của tất cả chư Phật. Ðây là cầu trí không nhàm đại sư tử hống.
Tôi sẽ trừ diệt tất cả chúng ma và những nghiệp ma. Ðây là tu chánh hạnh dứt các phiền não đại sư tử hống.
Tôi sẽ rõ biết tất cả pháp không ngã, không chúng sanh, không thọ mạng, không bổ đặc già la, trống không, vô tướng, vô nguyện, sạch như hư không. Ðây là vô sanh pháp nhẫn đại sư tử hống.
Tối hậu sanh Bồ Tát chấn động tất cả Phật độ đều làm cho trang nghiêm thanh tịnh. Bấy giờ tất cả Ðế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương đều đến tán thán khuyến thỉnh : "Ngưỡng mong Bồ Tát dùng pháp vô sanh mà thị hiện thọ sanh". Bồ Tát liền dùng huệ nhãn vô ngại quán sát khắp thế gian tất cả chúng sanh không ai bằng ta. Liền thị hiện đản sanh ở vương cung tự đi bảy bước đại sư tử hống : Ta là tối thắng đệ nhứt ở thế gian. Ta sẽ hết hẳn biên tế sanh tử. Ðây là như thuyết mà làm đại sư tử hống.
Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại sư tử hống của Như Lai.