- Lược Khảo Văn Bản
- Phần Mở Ðầu: Ly Dục Tịch Tĩnh
- Chương 01: Thức Tâm Ðạt Bổn
- Chương 02: Ngộ Vô Vi Pháp
- Chương 03: Hiện Hạnh Sa Môn
- Chương 04: Con Ðường Thiện Ác
- Chương 05: Làm Mới Thân Tâm
- Chương 06 - 08: Tu Hạnh Nhẫn Nhục
- Chương 09: Bác Học Ða Văn
- Chương 10- 11: Tùy Hỷ Và Cúng Dường
- Chương 12: Vượt Qua Khó Khăn
- Chương 13: Tịnh Tâm Thủ Chí
- Chương 14 – 15: Hành Ðạo Thủ Chân
- Chương 16: Xả Ly Ái Dục
- Chương 17: Thắp Sáng Trí Tuệ
- Chương 18: Siêu Việt Nhị Biên
- Chương 19 - 20: Tam Pháp Ấn
- Chương 21 - 22: Tham Ðắm Các Dục
- Chương 23 - 25: Họa Hại Của Ái Dục
- Chương 26: Quán Chiếu Sự Thọ Dụng
- Chương 27: Trôi Vào Biển Giải Thoát
- Chương 28: Thận Trọng Với Ý Thức
- Chương 29: Phong Cách Sa Môn
- Chương 30: Ðoạn Các Duyên Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 31 - 32: Ðoạn Gốc Rễ Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 33: Mặc Giáp Tinh Tấn
- Chương 34: Con Ðường Trung Ðạo
- Chương 35: Thanh Lọc Thân Tâm
- Chương 36: Hạnh Phúc Con Ðường Tâm Linh
- Chương 37: Thân Cận Bên Phật
- Chương 38: Người Hiểu Ðạo
- Chương 39: Nhất Vị Pháp
- Chương 40: Thân Tâm Nhất Như
- Chương 41: Nỗi Sợ Tử Sinh
- Chương 42: Nhìn Bằng Ðôi Mắt Phật
- Tổng Kết
- Phụ Lục Hán Văn
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải
CHƯƠNG
26
QUÁN CHIẾU SỰ
THỌ DỤNG
Thưa đại chúng,
Hôm nay chúng ta
đi vào chương Kinh hai mươi sáu có chủ đề là Quán Chiếu Sự Thọ Dụng.
A. CHÁNH VĂN.
Đây là một
chương Kinh ngắn nhưng rất hay. Tôi đọc lên bằng Hán văn để quí vị cùng nghe:
“Thiên thần hiến
ngọc nữ ư Phật, dục hoại Phật ý. Phật ngôn: “Cách nang chúng uế, nhĩ lai
hà vi?
Khứ! Ngô bất dụng.” Thiên thần dũ kính, nhân vấn đạo ý. Phật vị giải thuyết, tức
đắc Tu Đà Hoàn quả.”
“Có một vị Thần dâng cho Đức Thế Tôn một người con gái đẹp, muốn phá hoại tâm hạnh của Phật. Đức Phật bảo: “Cái túi da hôi thối kia, ngươi đến đây làm gì? Đi. Ta không dùng. Vị Thiên thần kia càng thêm cung kính, nhân đấy hỏi đạo lý. Đức Thế Tôn giảng dạy cho vị Thiên thần kia nghe, vị ấy chứng được quả Tu Đà Hoàn.”
B. ĐẠI Ý.
Đoạn Kinh nầy có đại ý là phải nhìn cho được bên sau cái đẹp phù du để loại trừ sự vướng mắc, và hãy khéo quán chiếu sự thọ dụng.
C. NỘI DUNG.
1. Thí pháp khi thọ dụng.
Đoạn kinh nầy có những ý nghĩa mà tôi nghĩ rất dễ cho chúng ta nắm để áp dụng cụ thể vào sự thực tập. Tuy nhiên, tôi muốn chia xẻ thêm là đời sống tu hành của chúng ta, sự thọ dụng rất rộng. Nào là vật chất tiền của, nào là điều kiện tiện nghi trong đời sống, nào là danh... tất cả đều từ sự hỗ trợ của Phật tử, tín đồ.
Niềm kính trọng của họ đối với chúng ta cũng từ cách chúng ta thọ dụng. Và những điều nầy nếu không khéo thì trở thành sự ràng buộc. Dĩ nhiên, cũng trong sự thọ dụng của mình mà làm cho tâm Bồ Đề của họ thối thất, cùn lụt tín tâm.
Nếu chúng ta đủ đạo lực hoặc có năng lực quán chiếu thì khi thọ dụng phẩm vật của Phật tử dâng cúng, tự mình không đắm nhiễm và gây được niềm tin kiên cố nơi người.
Ví dụ như có vị Phật tử nào cúng dường tiền mà mình không nhận thì không được, nếu nhận thì chúng ta phải có tư cách của một người không khinh thường mà cũng không quá coi trọng. Điều nầy rất quan trọng. Đầu tiên mình nên trân trọng món tịnh tài người ta dâng cúng, và tiếp nhận bằng tất cả sự trân quí, sau đó hồi hướng, chúc phúc rồi để xuống. Nếu mình không buồn để ý tới món quà mà người ta cúng dường thì rất khiếm nhã, nhiều khi làm cho người cúng dường mặc cảm khi món quà họ ít ỏi, không đáng. Cho nên chúng ta phải khéo để ý. Nhiều khi cách hành xử của chúng ta làm họ thêm cung kính Tam bảo, phát tâm lành, yêu mến đạo, quí trọng Tăng, Ni. Còn không, có khi chỉ một lần cúng dường rồi đừng mong họ đến chùa lần thứ hai do vì cách hành xử của chúng ta. Ngay trong bất cứ vấn đề thọ nhận vật chất hay bất cứ thứ gì của cư gia Phật tử cúng dường cũng là một bài pháp dạy cho người ta tu ta tập.
Nếu quí vị đọc vào văn học A Hàm tức các bộ Nikaya của Nam tạng hay trong Trung A Hàm hay tạp A Hàm của Bắc tạng chúng ta thấy có chuyện ba cô gái của Thiên ma thấy bố mình ngồi rầu rĩ cầm cây nhịp trên tảng đá, một cô hỏi: “Tại sao bố buồn bã như vậy?” Ông nói: “Ta dùng mọi thần thông của ta để lung lạc ý chí của Cồ Đàm nhưng không được nên ta buồn.” Ba cô gái nói: “Để chúng con, chúng con nghĩ là sẽ lung lạc được Cồ Đàm.” Ba cô gái đến thay phiên nhau làm đủ trò nhưng thất bại. Ông bố liền bảo: “Năng lực của ta còn không được huống hồ gì các con.” Sau đó Ma Vương liền đọc lên bài kệ tán thán Đức Thế tôn, đó là xuất xứ của đoạn kinh nầy, cũng là bài học về sự thọ dụng cho chúng ta.
2. Loại trừ sự vướng mắc.
Thưa đại chúng, văn học Kinh Bốn Mươi Hai Chương là loại văn học được trích tuyển từ những bài Kinh rất hay của bốn bộ A Hàm. Từ nội dung của chương Kinh nầy chúng ta thấy sắc đẹp thường mời gọi sự dính mắc của con người. Trong khi đó cái đẹp của sắc thường rất là phù du và chóng tàn.
Nếu tâm thức chúng ta rất nặng về ái dục, chúng ta hãy nhìn sâu vào bên sau để thấy rõ tính chất ô uế đáng nhàm chán của sắc đẹp và của ái dục. Rộng hơn nữa, là người tu, chúng ta hãy khéo quán chiếu tất cả sự thọ dụng đến với ta.
Từ sự thọ dụng ẩm thực nuôi thân, đến các thứ thọ dụng để nuôi dưỡng cảm thọ và tâm thức... đều có chung một đặc tính là đến rồi đi. Chúng diễn hành qua trước mắt ta nhanh hay chậm tùy mức độ thô hay tinh tế, và chưa có một đối tượng nào đến để ràng buộc con người. Nhất là người tu như chúng ta.
Nhìn thật kỹ thì những đối tượng mà chúng ta dính mắc, đắm chìm phần lớn đều do chúng ta khởi tâm, khởi ý niệm vướng mắc vào. Như đóa hoa nở ra do vì đúng ngày, đúng kỳ hạn khoe sắc hương, không có ý làm cho con người bị ràng buộc vào sắc hương của nó. Dĩ nhiên, mọi ràng buộc của mình vào bất cứ đối tượng nào là do chúng ta khởi niệm, mà trong tất cả khởi niệm cột trói con người nặng nề nhất là niệm ái dục. Đây là ý niệm thắt chặt chúng ta nghìn đời do chính chúng ta tự ràng buộc mình mà thôi. Ví dụ khi ta gặp một người và mình nói con người kia dễ thương chi lạ, làm cho mình mất ăn, mất ngủ, rồi buồn giận, sầu tủi, ghen hờn. Nhưng nếu nhìn vào thực tế cho kỷ thì con người kia không làm gì chúng ta cả, chỉ mình tạo ra tình trạng mất ăn, mất ngủ cho chính mình mà thôi. Thực ra trong thế gian nầy nếu có một người đẹp, có hấp lực làm cho mọi người chết chìm như vậy thì mọi người nhìn đều bị cuốn hút; nhưng thực tế hàng xóm, láng giềng có ai chết đâu. Chỉ có mình tự làm khổ mình như những con tằm nhả ra những sợi tơ vây quanh cuộc đời mình, rồi để cho người bỏ vào nồi luộc chín.
Thế nên tất cả những cột trói, ràng buộc làm cho con người vật vã, khổ đau đều được sinh ra từ dòng tâm thức, từ ý niệm của chính họ. Chúng ta thường tự mình cột mình vào những giá trị do chính sự suy nghĩ mình tạo nên để dìm chết mình vào trong đó.
Chúng ta cũng thường cột mình vào môi trường sống, như chúng ta đã từng sinh ra và lớn lên ở một vùng địa dư nào đó, được nuôi dưỡng và thấm đẫm chất liệu văn hóa dân tộc nào đó; bao kỷ niệm buồn vui nơi ấy đã trở thành một phần xương thịt và tâm hồn mình. Một ngày nào ta phải rời xa và sống tha hương, dù miền đất mới có tươi đẹp hơn, nếp sống văn minh, tiện nghi hơn ấy vậy mà sao lòng vẫn bồi hồi, luyến tiếc mỗi lần ý thức chợt nhớ quê xưa. Từ đây ta thấy khi tâm thức khởi ý niệm là sự ràng buộc trĩu nặng xuất hiện. Và tất cả những cột trói có mặt, duy trì, kéo dài đều do ý niệm của chúng ta sinh khởi.
Ngoài sự ràng buộc với đối tượng ngoài thân, chúng ta còn tự cột trói mình vào những đối tượng trong tâm thức; điều nầy mịn hơn, khó loại trừ hơn. Một niềm vui, một nỗi buồn, giận hờn, ghen ghét... đều được gọi là những đối tượng của tâm thức. Sự nhận chìm và sức mạnh của nó lớn gấp ngàn vạn lần so với sự ràng buộc của thân và hoàn cảnh.
Thông thường có hai yếu tố sinh khởi trong trong tâm thức chúng ta: đối tượng dễ thương có mặt thì ta ôm giữ, vướng mắc, nếu đối tượng làm ta khó chịu, bất an thì ta muốn loại trừ. Và hai tâm hành muốn loại trừ hay giữ lại đều là cột trói. Tại sao? Vì khi chúng ta khởi ý muốn loại trừ tức khắc chúng ta trút năng lượng vào đó, xem nó là một đối lực và tâm thức ta đã phân hóa năng lượng vào nó một cách vô ích. Cho nên muốn giữ lại niềm vui, hay muốn loại trừ nỗi buồn là một loại ý niệm cột trói chúng ta, dìm tâm mình vào sinh, diệt và năng lực cuốn hút của nó làm cho ta không có cơ hội nhận diện chính mình, không có cơ hội tiếp xúc với con người thật của mình.
Tóm lại, thưa quí vị, chúng ta đều biết ràng buộc đưa đến hậu quả là nỗi khổ, nỗi bất an, lo lắng. Ràng buộc vào sự nghiệp vật chất thì nỗi bất an, sầu khổ tương đối nhẹ, nhưng nếu chúng ta ràng buộc mình với con người thì nỗi lo sợ, bất an sẽ nhiều hơn. Thưa tại sao? Vì vật chất là một loại vật thể bất động trong khi con người là một sinh thể có một đời sống riêng, chúng ta không thể quản lý họ được. Nhiều khi họ đang sống với mình nhưng lòng họ hướng về một nơi nào ta không thể quản lý được.
Trong đời sống chúng ta có khuynh hướng gắn bó bất cứ điều gì đến với mình. Từ bên ngoài cho đến bên trong, với bất cứ điều gì mà ta tiếp xúc ta đều vướng mắc. Nếu không khéo thì mỗi một sự thọ dụng nhỏ hay lớn, thô hay tinh tế nó đều có khả năng để dìm chết cuộc đời mình. Ở mức độ cạn hơn khi chúng ta đánh mất mình tức không sống trong chánh niệm, thì những điều kiện bên ngoài tác động vào mắt, vào tai, vào mũi... từng phút giây đều trở thành cột trói và giam nhốt cuộc đời ta.
3. Quán chiếu sự thọ dụng.
Thưa đại chúng, hãy nhìn vào cuộc đời của Đức Thế Tôn để thấy sự viễn ly của Ngài.
Tầng đầu tiên của quả vị tu là “ly sinh hỷ lạc” nếu chúng ta xa lìa được sự thọ dụng thì chắc chắn có được niềm vui. Dĩ nhiên chưa là thánh nhưng chúng ta xa lìa được vật chất buộc ràng, gở bỏ được bao hệ lụy là đã có được chút hỷ lạc. Đời sống của Đức Thế Tôn đã xa lìa nhân gian một cách nhẹ nhàng; khi vào trong đạo chứng được quả Chánh Giác trở thành bậc Thầy không những của giới Vương giả, mà còn của một tăng đoàn trên ngàn người được sự tôn kính rất lớn, ấy thế mà Ngài vẫn gỡ bỏ một cách nhẹ nhàng.
Có một lần Ngài Xá Lợi Phất quỳ xuống bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ trong quá khứ chưa có một vị Thầy nào tuyệt vời như Đức Đạo sư của con cả. Trong hiện tại, Ngài là bậc Thầy tuyệt vời, và trong tương lai con nghĩ cũng không có một vị Thầy nào như Đức Thế Tôn.” Đức Phật mỉm cười hỏi Xá Lợi Phất: “Này, Xá Lợi Phất, ông đã từng biết các vị Phật của quá khứ ư?” Xá Lợi Phất trả lời: “Dạ thưa không.” “Ông cũng biết luôn cả những vị Phật tương lai?” Xá Lợi Phất nói: “Dạ không.” Đức Phật hỏi tiếp: “Thế ông biết các bậc thầy trong hiện tại nữa chứ?” Xá Lợi Phất: “Dạ thưa không, con cũng không biết?” “Ông đã không biết quá khứ, không biết tương lai và hiện tại ông cũng không biết ai, ông chỉ biết mình ta. Vậy ông khen những lời vô ích ấy làm gì.”
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rõ Đức Phật có cách dạy đệ tử rất sâu sắc và dí dỏm. Và điều hay nhất là bên trong lời dạy ấy biểu lộ tâm thức xả ly rất đẹp của Người.
Thưa đại chúng, chúng ta xả ly vật chất rất dễ, xả danh đã khó nhưng xả ly tình cảm vui buồn bên trong rất sâu sắc càng khó hơn. Là người xuất gia, bước đường tu của chúng ta cạn nhất phải thực tập là hãy khéo viễn ly.
Ngày bước chân vào tu viện ta chỉ có hai bộ đồ, nhưng ngày rời tu viện ta phải mướn xe để chở hành lý. Ngày mình đến với đạo, mình khố rách, áo ôm, tu hai ba chục năm sau trở thành vị Thầy lớn có chùa đáng giá tiền triệu và nổi tiếng là vị thầy biết cách làm tiền, thế là ta bị chìm đắm trong hố nước đục của nhân gian.
Con đường tu có nhiều ngả tẻ quyến rũ làm cho chúng ta lạc bước, chúng ta hãy nhìn đức Đạo Sư này xưa để quay lại, thực tập xả ly. Chúng ta không những xả ly điều kiện vật chất thọ dụng bên ngoài để cuộc đời tu nhẹ gánh, mà cần phải viễn ly những gì cất chứa bên trong tâm thức. Đó là những điều mà tự mình phải nhìn lại, quán chiếu. Càng xả ly, càng xa lìa giỏi bao nhiêu càng dễ cho chúng ta trở thành bậc thầy giỏi, đạo hạnh trong chốn Già lam bấy nhiêu.
Trong truyền thống Phật giáo phát triển không hề chủ trương lam lũ, sống cùng khổ nghèo đói mới là những bậc thầy đức hạnh. Và điều tôi muốn chia xẻ ở đây là tâm thức xả ly nơi người tu. Chúng ta hãy nhìn lại chính mình để cẩn trọng. Hãy nhìn các bậc Đạo sư đức hạnh làm đạo trong quá khứ và hiện tại để thấy các Ngài có phước hữu lậu như Đế vương nhưng tự thân đời sống các Ngài thanh đạm, bình dị như người nhà quê. Từ điều nầy, chúng ta có thể xác định đạo hạnh chói sáng của người tu là biết sống hạnh viễn ly. Hãy luôn quán chiếu sự thọ dụng để giữ được lý tưởng, để giữ được tâm ban sơ của mình hầu vững bước trên con đường Thánh.
Bước vào đời tu đôi khi chúng ta có duyên lớn được ở trong môi trường rất tốt đẹp, chúng ta quên mình đang được hưởng những điều kiện tiện ích vô vàn so với hoàn cảnh mọi người, nên thỉnh thoảng chúng ta thử nhìn vào những tiện ích vật chất chung quanh mà ta thọ dụng. Điều nầy nếu chúng ta không nhận biết, không khéo quán chiếu thì một đời tu của mình gây tai họa cho rất nhiều kiếp trong tương lai. Nợ áo cơm thí chủ nặng vô cùng, một giọt nước uống, một tấc vải mặc trên thân là bao nhiêu công khó của người. Ta hãy nhìn đời sống của những cư sĩ để thấy họ rất là cực nhọc mới kiếm được đồng tiền. Nào là những chi phí cho cha mẹ, nuôi dạy con cái, và trăm thứ chuyện phải giải quyết trong cuộc sống tự thân, gia đình và xã hội. Thế mà họ còn dành dụm một chút tịnh tài cúng dường Già lam, Tự viện để xây dựng cơ sở, nuôi dưỡng chúng tăng... nghĩa là chúng ta sống trên bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và công sức của vạn người.
Ấy vậy mà chúng
ta không ý thức được công sức và tấm lòng họ để trân quí và tiết kiệm. Mình
vung vãi mồ hôi nước mắt của Phật tử tín đồ trong các công trình nguy nga,
hoành tráng để khoe mẽ sự giàu có, cao sang của cá nhân, của tập thể dòng tu.
Tệ hại hơn nữa là tiêu phí vô tội vạ cho riêng mình, và xây dựng bừa bãi
những
công trình không cần thiết. Ta không biết rằng chùa chiền, tự viện càng nguy
nga bao nhiêu thì đời sống chư tăng càng cách biệt quần chúng và càng khó
thương bấy nhiêu. Hiện tại đã sinh trưởng một thành phần “ngạo mạn Tăng,
Ni”
trong các Già lam đồ sộ, lộng lẫy và trong các trường đào tạo trí thức Phật học
nổi tiếng. Đây là hiện tượng khá phổ biến có mặt từ quá khứ và hiện tại càng
ngày càng nở rộ ở nơi nầy cũng như trên quê hương Việt
Vì vậy, điều gần nhất làm cho tâm lành ta mỗi ngày một lớn, tâm Bồ Đề càng ngày càng dũng liệt, đó là chúng ta hãy nhận diện điều kiện sống của chúng ta khi thọ dụng vật chất, dù ít nhiều cũng bằng tất cả sự tri ân. Ta hãy thấy sự thiếu thốn vật chất của ta vẫn là tuyệt vời hơn so với nhiều hoàn cảnh khó khăn của người chung quanh để tri ân bằng sự tu tập của mình. Với sự quán chiếu như vậy thì khi đời sống có tiện nghi cao sang mấy đi nữa chúng ta cũng khước từ rất dễ. Không có gì tệ hại bằng người tu mà đam mê vật chất, tiền của.
Thưa, những điều rất dễ nhận diện mà chúng ta chưa xả ly được thì những điều tiềm phục sâu hơn như phiền não, khổ đau, bất an, tham ái, vô minh... rất khó loại trừ làm sao chúng ta viễn ly được. Thế nên ở cấp độ cạn chúng ta hãy quán chiếu cho kỷ, cho thật rõ những sự thọ dụng từ môi trường làm nên sự sống bên ngoài đến hình thể vật lý của ta, cảm thọ của ta để đi đến tầng sâu là nhìn ra sự thọ dụng của ý thức đã làm nên dòng nghiệp tử sinh nối dài qua vạn kiếp. Có thực tập quán chiếu như vậy ta mới có cơ hội viễn ly từ cạn vào sâu. Nhìn vào tự thân mình thật rõ sẽ cho ta rất nhiều lợi ích: ta dễ chấp nhận mình, không yêu sách và bằng lòng với những gì mình đang có là tuyệt vời rồi. Khi quán chiếu về tự thân mình đang thọ dụng, chúng ta sẽ trân quí nó trong từng hơi thở, hài lòng với điều kiện chúng ta đang có, không ân hận những quá khứ, cũng không mơ ước gì khác hơn. Cho nên hãy áp dụng điều gần gũi nhất là quán chiếu sự thọ dụng ngay hình hài nầy đây.
Có lúc nào quí vị cảm thấy là mình yêu cầu, đòi hỏi hơi quá đáng nơi người khác không? Như muốn cho mọi người phải hợp ý mình, chú ý đến mình, săn sóc mình, thương yêu mình... nhưng tại sao chúng ta không thể làm một việc ngược lại là muốn mình phải dễ thương với mọi người, phải kính trọng mọi người, luôn hạ thấp mình xuống, chăm sóc người, làm tất cả để mọi người chung quanh ta có trọn vẹn thì giờ tu học...? Điều nầy hợp lý và dễ làm hơn, vì chúng ta là chủ của thân tâm ta nên chúng ta hãy đòi hỏi chính mình: mình phải dễ thương, mình phải dịu dàng, mình phải biết hy sinh... và khi làm được những thiện hạnh nầy tự nhiên năng lượng tu hành bên trong của ta tác động đến người, lúc đó tất cả mọi người chung quanh ta đều dễ thương. Đây là những điều thực tập căn bản cho những người tu chúng ta.
Làm một vị thầy dạy Phật tử đã khó, nhưng khi ta dạy đệ tử, học trò của mình càng khó hơn. Vì khi đến với Phật tử, chúng ta chỉ tiếp xúc trong một thời gian ngắn, nhưng với đệ tử trong nhà mà chúng ta vẫn giữ được phong cách nguyên vẹn năm nầy qua tháng nọ không dễ. Dạy người bằng miệng rất dễ nhưng dạy bằng những việc mình làm mới khó. Điều truyền đạt sâu sắc nhất đến trái tim để chuyển hóa người không phải chỉ bằng lời nói mà từ những việc chúng ta làm. Chúng ta phải ý thức điều nầy.
4. Ý thức sự thọ dụng.
Nên nhớ tất cả những thọ nhận tình cảm đến từ bao nhiêu người thương quí quanh ta là một nhu yếu tự nhiên có khả năng nuôi dưỡng và làm thăng hoa đời sống tu tập của ta. Tuy nhiên sự vướng mắc vào con đường tiêu cực cũng rất dễ dàng phát sinh, mọi việc đều có thể xảy ra nên tất cả đòi hỏi trước hết là từ nơi mình. Ta trân quí những tình cảm đến với ta nhưng không bao giờ để mình đắm chìm ái nhiễm vào những điều ấy. Không bao giờ máng đời mình vào bất cứ ai. Thầy của mình cũng vậy, mình tôn quí, tri ân vô cùng nhưng nhất định không phải là bản sao của thầy. Cuộc đời mình trong bàn tay mình, mình phải giữ và hãy nhớ con đường hướng thượng ngàn Thánh quá khứ chưa ai bắt chước ai. Ta cũng vậy.
Tri ân vạn loại đã cho ta sự thọ dụng lớn lao để tu tập và hành đạo nhưng hãy hứa với lòng là một đời nầy cắt đứt chuyện tử sinh, bằng không ta loay hoay chuốc nghiệp luân hồi sáu nẻo không dễ gì vượt thoát.
Hãy đứng vững trên hai chân của mình. Làm chủ cuộc đời mình.
“Người chưa thấu đạt lý đạo thì một giọt nước, miếng vải, bao nhiêu thọ nhận từ công khó của người mình phải đền trả bằng nhiều kiếp lai sinh. Nhưng người đã thấu đạt lý đạo thì mỗi ngày có ăn tiêu trên mười lượng vàng ròng vẫn không mang nghiệp.” Đây là câu nói của Ngài Lâm Tế.
Thế nào là mỗi ngày ăn tiêu mười lượng vàng ròng mà không mang nghiệp như người xưa đã nói?
Thưa, có khi chúng ta uống một giọt nước mà tâm dính mắc. Có khi sống trong điều kiện tiện ích vô vàn mà tâm ta xả ly. Quí vị hãy lưu ý tất cả những gì gọi là nghiệp đều bắt đầu từ ý niệm khởi.
Con đường tu của chúng ta là trở về an trú trong trạng thái nhận biết hiện tiền, tĩnh tại, chứ không phải vướng mắc những lợi danh, tiền của, tình cảm vui buồn.. Người luôn an trú trong trạng thái nhận biết tỉnh sáng của tâm Phật bất động thì cả ngày đi trên hành tinh nầy vẫn không bao giờ bị cát bụi nhân gian vướng gót chân, thì làm sao có nghiệp gì vướng mắc đối với người ấy được. Xin quí vị lưu ý, mọi điều đều từ ý thức sinh khởi của ta.