Thích Nhất Hạnh
Đạo Tràng Mai Thôn 2011
Kinh Sự Thật Đích Thực
(Kính Diện Vương Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ năm, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Paramatthaka Sutta,Sutta-Nipàta 796-803
Bối Cảnh
Các thầy khất sĩ của Bụt trước giờ khất thực có ghé qua thăm một hội trường nơi đó có nhiều giáo sĩ Bà La Môn đang tranh luận. Họ chê bai nhau, họ chỉ trích nhau, ai cũng cho cái thấy của mình là cao nhất, đúng nhất. Lời nói của họ không ái ngữ mà có tính cách độc hại và mũi nhọn. Các thầy chán quá, về thuật lại với Bụt. Bụt kể chuyện tiền thân. Kiếp đó Ngài là vua Kính Diện Vương. Một hôm vua cho mời những người mù từ khi mới lọt lòng mẹ trong vương quốc tới chơi. Trước sân điện, với sự có mặt của các nhà trí thức và đạo sĩ trong nước, vua cho dẫn ra một con voi rồi mời những người mù đến sờ voi và nói ra cái thấy của họ. Người sờ chân voi thì nói voi giống một cái cột nhà, người sờ đuôi voi thì nói voi giống một cái chổi, người sờ tai voi thì nói voi giống như một cái quạt v.v… Cố nhiên là họ không đồng ý với nhau về cái thấy của họ. Rồi Bụt dạy kinh này để khuyên các vị đệ tử buông bỏ những quan niệm của mình sẵn có về thực tại.
1. Mình còn mờ mịt mà cứ nói rằng kẻ kia chẳng bằng mình. Vướng víu si mê, cứ để tháng ngày trôi qua, bao giờ mới có cơ hội thấy rõ chân lý? Chưa có pháp môn tu đạo mà cứ nói mình đã thực tập xong xuôi. Tâm còn loạn động, chưa biết hành trì, bao giờ mình mới có được kiến giải thực sự?
2. Cứ nghĩ rằng người khác phải hành trì theo cái hành trì của mình. Tự cho rằng cái thấy, cái nghe và cái thực tập của mình là không ai bằng được. Chính mình đang bị sa đọa và ràng buộc vào trong năm cái hang động dục lạc của cuộc đời mà mình vẫn cứ ba hoa nói mình hơn người.
3. Còn ôm chặt si mê và vọng tưởng mà cứ tưởng rằng mình đã đạt tới chỗ chí thiện. Cái học hỏi và sự thực tập của mình còn sai lạc mà mình lại cứ ham muốn độ đời. Những gì thấy, nghe, suy nghĩ, và cả những nghi lễ và cấm giới mà mình hành trì, mình vẫn còn bị kẹt vào đấy, chưa thoát ra khỏi.
4. Bậc thức giả thấy người thế gian đi theo con đường ấy thì nhất quyết không chịu đi theo. Ta chỉ nên hành trì theo chánh niệm và trong khi hành trì phải hết sức thận trọng. Đừng cho rằng mình bằng người, hơn người hoặc thua người.
5. Cái bây giờ mình không nắm bắt, cái sau này cũng tuyệt đối không làm mình vướng bận. Buông bỏ mọi chủ thuyết, mọi ý tưởng, một mình đi trong tự do. Tuy vẫn có cái biết và cái thấy, nhưng thường quán chiếu để không bị kẹt vào chúng.
6. Không kẹt vào cái nhìn lưỡng nguyên, không kẹt vào ý niệm thọ mạng, ý niệm về đời này và đời sau, kẻ trí giả đi theo con đường trung đạo, quán chiếu các pháp để đạt tới thiền định chân chính.
7. Phải quán chiếu về những gì thấy, nghe và cảm nhận để đừng khởi lên tà niệm và bị kẹt vào tri giác sai lầm. Dùng trí tuệ để quán chiếu tâm ý và đối tượng tâm ý để buông bỏ được tất cả, không còn bị vướng vào một pháp nào trong thế gian.
8. Nếu các pháp đều không thực sự hiện hữu, thì còn pháp hành trì nào nữa để cho ta kẹt vào? Phải biết tìm trong pháp hành trì của mình cái đệ nhất nghĩa đế, cái sự thật đích thực. Không bị kẹt vào nghi lễ và giới cấm, không cho đó là chân lý, nhờ đó mà vượt qua được bờ bên kia, không bao giờ còn trở lại chốn sinh tử.
Đại Ý
Kinh này cũng chỉ có tám bài thi kệ, và cũng nối tiếp được giáo nghĩa của các kinh đi trước một cách liên tục. Khi mình ôm ấp một cái thấy, một chủ thuyết rồi cho đó là chân lý tuyệt đối thì mình sẽ có thái độ khinh mạn đối với những người khác và những cái thấy của họ. Mình không chịu tu tập mà chỉ muốn đi truyền bá cái lý thuyết của mình. Một vị khất sĩ chân chính, một vị phạm chí chân chính không thể đi theo con đường ấy. Phải buông bỏ sở tri, phải thực tập để thoát ra khỏi hang động của ham muốn, và phải đạt tới tuệ giác vô ngã để phá tan cả ba thứ mặc cảm là hơn người, thua người và bằng người.
Còn chấp vào một cái ngã thì còn so sánh, còn so sánh thì còn mặc cảm. Những mặc cảm ấy gây khổ đau và bệnh hoạn. Theo đạo Bụt, không những mặc cảm thua người đưa tới bệnh tật và khổ đau, mà mặc cảm hơn người và bằng người cũng chứng tỏ rằng ta chưa thoát ra khỏi khổ đau và bệnh tật.
Ta có những cái biết và cái thấy, nhưng ta không cần phải bị kẹt vào những cái ấy, thì ta mới có tự do và mới có cơ hội đi lên. Đó là giáo lý buông bỏ sở tri; sở tri là cái thấy, cái thấy ấy nếu ta bị kẹt vào là ta mất tự do, là ta không còn cơ hội đi lên.
Bài kệ thứ sáu nói tới con đường trung đạo, vượt qua cái nhìn lưỡng nguyên (sinh diệt, có không v.v...), vượt qua ý niệm thọ mạng (kiếp này và kiếp sau) và mở cửa cho giáo lý của kinh Kim Cương Bát Nhã sau này. Bài kệ thứ tám nói về cái không của các pháp (các pháp không thực sự hiện hữu) và cái sự thật đích thực tức là đệ nhất nghĩa đế. Đây chính là hạt giống của giáo lý trí tuệ vượt qua bờ bên kia (cầu vi đế, độ vô cực chúng bất hoàn). Vị đạo sĩ đạt được cái thấy bất nhị rồi thì không còn nắm bắt cái bây giờ và vướng bận vào cái sau này, vị âý sẽ có thong dong thật sự.
Vì kinh này có hơi hướng của Bát Nhã Ba La Mật cho nên thầy Tăng Hội đã đưa nó vào trong phần Minh Độ Vô Cực của kinh Lục Độ Tập do thầy biên dịch. Ta có thể đọc kinh này trong quyển thứ tám của Lục Độ Tập Kinh, kinh thứ 89.
Kinh Kính Diện Vương ở Lục Độ Tập Kinh được sao chép kỹ lưỡng nên có ít sai sót hơn, và nhờ thế dễ dịch hơn. Xin mời các vị độc giả so sánh hai bản đã được giữ lại trong Hán tạng của kinh này.
Bài kệ 1
Tự minh ngôn thị bỉ bất cập 自 冥 言 是 彼 不 及
Trước si nhật lậu hà thời minh 著 癡 日 漏 何 時 明
Tự vô đạo vị học tất nhĩ 自 無 道 謂 學 悉 爾
Đản loạn vô hành hà thời giải 但 亂 無 行 何 時 解
Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Tự minh ngôn thị bỉ bất cập 自 冥 言 是 彼 不 及
Trước si nhật lậu hà thời minh 著 癡 日 漏 何 時 明
Tự vô đạo vị học tất nhĩ 自 無 道 謂 學 悉 爾
Đảo loạn vô hành hà thời giải 倒 亂 無 行 何 時 解
Bài kệ 2
Thường tự giác đắc tôn hành 常 自 覺 得 尊 行
Tự văn kiến hành vô tỉ 自 聞 見 行 無 比
Dĩ đọa hệ thế ngũ trạch 已 墮 繫 世 五 宅
Tự khả kỳ hành thắng bỉ 自 可 奇 行 勝 彼
Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Thường tự giác đắc tuân hành 常 自 覺 得 恂 行
Tự văn kiến hành vô tỉ 自 聞 見 行 無 比
Bỉ đọa hệ thế ngũ trạch 已 墮 繫 世 五 s宅
Tự khả ỷ hành thắng bỉ 自 可 綺 行 勝 彼
Bài kệ 3
Bão si trú vọng trí thiện 抱 癡 住 妄 致 善
Dĩ tà học mông đắc độ 以 邪 學 蒙 得 度
Sở kiến văn đế thọ tư 所 見 聞 諦 受 思
Tuy trì giới mạc vị khả 雖 持 戒 莫 謂 可
Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Bão si trú vọng trí thiện 抱 癡 住 妄 致 善
Dĩ tà học mông đắc độ 以 邪 學 蒙 得 度
Sở kiến văn đế thọ tư 所 見 聞 諦 受 思
Tuy trì giới mạc vị khả 雖 持 戒 莫 謂 可
Bài kệ 4
Kiến thế hành mạc tất tu 見 世 行 莫 悉 修
Duy hiệt niệm diệc bỉ hành 惟 黠 念 亦 彼 行
Dữ hành đẳng diệc kính đãi 與 行 等 亦 敬 待
Mạc sanh tưởng bất cập quá 莫 生 想 不 及 過
Trong Lục Độ Tập Kinh c ủa thầy Tăng Hội:
Kiến thế hành mạc tất tùy 見 世 行 莫 悉 隨
Duy hiệt niệm diệc bỉ hành 惟 黠 念 亦 彼 行
Dữ hành đẳng diệc kính trì 與 行 等 亦 敬 持
Mạc sanh tưởng bất cập quá 莫 生 想 不 及 過
Bài kệ 5
Thị dĩ đoạn hậu diệc tận 是 已 斷 後 亦 盡
Diệc khí tưởng độc hành đắc 亦 棄 想 獨 行 得
Mạc tự tri dĩ trí hiệt 莫 自 知 以 致 黠
Tuy kiến văn đãn hành quán 雖 見 聞 但 行 觀
Trong Lục Độ Tập Kinh c ủa thầy Tăng Hội:
Thị dĩ đoạn hậu diệc tận 是 已 斷 後 亦 盡
Diệc khí tưởng độc hành đắc 亦 棄 想 獨 行 得
Mạc tự tri dĩ trí hiệt 莫 自 知 以 致 黠
Tuy kiến văn đãn hành quán 雖 見 聞 但 行 觀
Bài kệ 6
Tất vô nguyện ư lưỡng diện 悉 無 願 於 兩 面
Thai diệc thai xả viễn ly 胎 亦 胎 捨 遠 離
Diệc lưỡng xứ vô sở trú 亦 兩 處 無 所 住
Tất quán pháp đắc chánh chỉ 悉 觀 法 得 正 止
Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Tất vô nguyện ư lưỡng diện 悉 無 願 於 兩 面
Thai diệc thai hợp viễn ly 胎 亦 胎 合 遠 離
Diệc lưỡng xứ vô sở trú 亦 兩 處 無 所 住
Tất quán pháp đắc chánh chỉ 悉 觀 法 得 正 止
Bài kệ 7
Ý thọ hành sở kiến văn 意 受 行 所 見 聞
Sở tà niệm tiểu bất tưởng 所 邪 念 小 不 想
Tuệ quán pháp ý kiến ý 慧 觀 法 意 見 意
Tùng thị đắc xả thế không 從 是 得 捨 世 空
Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Ý thọ hành sở kiến văn 意 受 行 所 見 聞
Sở tà niệm tiểu bất tưởng 所 邪 念 小 不 想
Tuệ quán pháp ý kiến ý 慧 觀 法 意 見 意
Tùng thị đắc xả thế không 從 是 得 捨 世 空
Bài kệ 8
Tự vô hữu hà pháp hành 自 無 有 何 法 行
Bổn hành pháp cầu nghĩa đế 本 行 法 求 義 諦
Đãn thủ giới cầu vi đế 但 守 戒 求 為 諦
Độ vô cực chúng bất hoàn 度 無 極 眾 不 還
Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Tự vô hữu hà sở đắc 自 無 有 何 所 得
Bồn hành pháp cầu nghĩa đế 本 行 法 求 義 諦
Đãn thủ giới cầu vi tuệ 但 守 戒 求 為 慧
Độ vô cực chung bất hoàn 度 無 極 終 不 還