(MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG)
Thích Mãn Giác dịch
Chùa Việt Nam Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ 1988
TẮC THỨ BỐN MƯƠI BỐN
CỬ: Hòa Sơn dạy rằng, “Học tập gọi là “văn” (nghe). Tuyệt học gọi là “lân” (gần). Vượt qua hai cái này mới đúng là thực sự vượt qua.” Có ông tăng bước ra hỏi, “Thế nào là thực sự vượt qua?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Ông tăng lại hỏi, “Thế nào là chân lý cứu cánh?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Ông tăng lại hỏi, “Tâm là Phật- điều ấy không hỏi. Thế nào là không phải tâm không phải Phật?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Ông tăng lại hỏi, “ Người hướng thượng đến phải tiếp như thế nào?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.”
BÌNH: Hòa Sơn dạy rằng, “Học tập gọi là “văn”. Tuyệt học gọi là “lân”. Vượt qua hai cái này mới đúng là thực sự vượt qua.” Những lời này xuất phát từ bộ Bảo Tạng Luận. Học cho đến mức không còn gì để học nữa gọi là tuyệt học. Cho nên mới có lời nói, “ Nghe ít ngộ sâu, nghe nhiều không ngộ.” Đó gọi là tuyệt học. Nhất Túc Giác (Vĩnh Gia) nói, “Tôi thuở còn trẻ tích tập học vấn, thảo sớ tầm kinh luận. Học tập hết rồi, đó gọi là tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân. Chỉ khi nào đạt đến mức tuyệt học mới là bắt đầu gần với đạo. Khi nào vượt qua cả được hai cái này, mới là thực sự vượt qua.”
Ông tăng cũng thật là thông minh, cho nên mới nêu những lời này ra mà hỏi Hòa Sơn. Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” đây gọi là ngôn vô vị ngữ vô vị. Muốn thấy công án này, phải là người hướng thượng mới được. Mới thấy rằng những lời này chẳng lien hệ gì đến lý tính, mà cũng chẳng có chỗ để nghị luận. Chỉ hiểu một cách trực tiếp giống như chiếc thùng bị thoát đáy. Chỉ có đó mới là chỗ an ổn của nạp tăng, bắt đầu khế hợp với ý chỉ của Tổ Sư từ tây trúc qua. Cho nên Vân Môn nói, “Tuyết Phong ném bóng, Hòa Sơn đánh trống, chén nước của Quốc Sư, Triệu Châu uống trà. Đều là những cái nêu lên sự việc hướng thượng.”
Ông tăng lại hỏi, “Thế nào là chân lý cứu cánh?” Hòa Sơn nói. “Biết đánh trống.” Trong chân lý cứu cánh chẳng có pháp nào được lập cả. Trong thực tại công ước thì có đủ cả vạn vật. Không có dị biệt giữa (chân lý) cứu cánh và (thực tại) công ước tức là đệ nhất nghĩa đế. Ông tăng lại hỏi, “Tâm là Phật-điều ấy không hỏi. Thế nào là không phải tâm không phải Phật?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Tâm là Phật thì dễ tìm, còn như đến chỗ không phải tâm không phải Phật, rất có ít người đạt đến chỗ đó được. Ông tăng lại hỏi, “ Lúc có người hướng thượng đến, phải tiếp như thế nào?” Hòa Sơn, nói, “Biết đánh trống.” Hướng thượng nhân là người đã thấu thoát, tự tại.
Bốn câu nói này các nơi coi là tông chỉ. Gọi là bốn pháp đánh trống của Hòa Sơn.
Có ông tăng hỏi Kính Thanh, “Đầu năm còn có Phật pháp hay không?” Kính Thanh nói, “Có”. Ông tăng nói, “Thế nào là Phật pháp lúc đầu năm?” Kính Thanh nói, “Ngày tết mơ phước vạn vật mới mẻ.” Ông tăng nói, “Cám ơn thầy đã trả lời.” Kính Thanh nói, “Hôm nay lão tăng bị thất lợi.” Kính Thanh có mười tám lối đáp “thất lợi” như thế.
Có ông tăng hỏi Tĩnh Quả Đại Sư, “Lúc hạc đứng trên cây tùng trơ vơ thì như thế nào?” Tĩnh Quả nói, “Dưới chân là một vùng bối rối.” Ông tăng lại hỏi, “Lúc tuyết phủ ngàn ngọn núi thì như thế nào?” Tĩnh Quả nói, “Sau khi mặt trời mọc là một vùng bối rối.” Ông tăng lại hỏi, “Lúc xảy ra vụ đàn áp Hội Sương (845) thì các chư thần Hộ Pháp đi đâu?” Tĩnh Quả nói, “ Hai gã đứng ngoài cửa gặp phải một trận bối rối.” Các nơi gọi đó là ba pháp bối rối của Tĩnh Quả.
Bảo Phúc hỏi một ông tăng, “Trong điện là Phật gì vậy?” Ông tăng nói, “ Hòa thượng thử nhìn kỹ xem.” Bảo Phúc nói, “Thích Ca Mâu Ni.” Ông tăng nói, “Đừng lừa dối người khác được không?” Bảo Phúc nói, “Chính là ông đang lừa tôi đấy chứ.” Lại hỏi ông tăng, “Tên ông là gì?” Ông tăng nói, “Hàm Trạch.” Bảo Phúc hỏi, “ Lúc ông gặp phải vũng cạn thì như thế nào?” Ông tăng hỏi, “Ai là vũng cạn?” Bảo Phúc nói, “Là tôi.” Ông tăng nói, “ Hòa thượng đừng có lừa dối người khác được không?” Bảo Phúc nói, “Chính là ông đang lừa tôi đấy chứ.” Lại hỏi ông tăng, “Ông làm nghề gì mà ăn cho đến mập như thế?” Ông tăng nói, “ Hòa thượng cũng đâu còn nhỏ nhoi gì.” Bảo Phúc làm dáng như ngồi chồm hổm. Ông tăng nói, “ Hòa thượng đừng lừa dối người khác được không?” Bảo Phúc nói, “Chính ông đang lừa tôi đấy chứ.” Lại hỏi người coi phòng tắm, “Bồn tắm to bao nhiêu?” Người ấy nói, “Hòa thượng thử đo xem.” Bảo Phúc làm như thể đang đo. Người kia nói, “Hòa thượng đừng lừa dối thiên hạ được không?” Bảo Phúc nói, “Chính ông đang lừa tôi đấy chứ.” Các nơi gọi đây là bốn cách lừa người của Bảo Phúc. Công án này cũng giống như bốn cái thùng đen của Tuyết Phong, đều là các bậc tông sư đời xưa cả. Người nào cũng đưa ra những phương pháp thâm sâu huyền diệu để dậy thiên hạ. Sau đó Tuyết Đậu đưa ra một làn mối dựa vào lời dạy chúng của Vân Môn, rồi tụng công án này.
TỤNG
Một kéo đá,
Hai khiêng đất.
Bật máy cần phải mười cánh cung,
Tượng Cốt Lão Sư từng ném bóng,
Sao giống Hòa Sơn biết đánh trống?
Cho ngài biết,
Đừng sơ hốt.
Ngọt thì ngọt hể đắng thì đắng!
BÌNH: Qui Tông một hôm gọi tất cả chúng ra để kéo đá. Qui Tông hỏi vị duy na đi đâu vậy. Duy na nói, “Đi kéo đá.” Qui Tông nói, “Kéo đá thì tôi cùng kéo với ông, song đừng động vào cội cây ở giữa.”
Mộc Bình mỗi khi có ai mới tới là cũng sai khiêng ba đống đất. Mộc Bình có bài tụng dạy chúng rằng, “Động Sơn đường hẹp Tây Sơn thấp, mới đến phải khiêng ba đống bùn. Các ông trên đường lâu ngày tháng, rõ ràng không thấy lại đâm lạc.” Sau đó có ông tăng hỏi, “Ở trong ba đống không hỏi, thế sự việc ở ngoài ba đống thì như thế nào?” Mộc Bình nói, “Thiết Luân thiên tử cai trị trong hoàn vũ.” Ông tăng nói gì được, Mộc Bình bèn đánh.
Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Một kéo đá, hai khiêng đất.” Bật máy cần phải mười cánh cung.” Tuyết Đậu dùng mười cánh cung để giảng lời nói này, thầy ta muốn thấy chỗ vì người của Hoa Sơn. nếu như gặp mãnh long, hổ lang, dã thú mới dùng cây cùng này. Nếu như là con chim di hay một con vật nhỏ gì đó thì không thể cẩu thả mà bắn ra. Cho nên cánh cung như thế không dùng để bắn chuột.
“Tượng Cốt Lão Sư từng ném bóng.” Có nghĩa là một hôm Tuyết Phong thấy Huyền Sa tới, bèn tung ra ba trái bóng gỗ. Huyền Sa bèn làm dáng như thể vỡ nát, Tuyết Phong hết lòng chấp nhận.
Tuy tất cả những câu chuyện này đều biểu thị toàn cơ đại dụng, song đều không bằng được pháp “biết đáng trống” của Hòa Sơn. Pháp môn này trực tiếp hết sức, song lại khó hiểu vô cùng. Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Sao giống Hòa Sơn biết đánh trống?” Song lại sợ thiên hạ chỉ loay hoay với thoại đầu mà không hiểu lai do, rồi đâm ra sơ hốt. Cho nên thầy ta mới nói, “Cho ngài biết, đừng sỏ hốt!” Phải thực sự đạt đến mức độ này mới được. Nếu như muốn không bối rối thì “Ngọt thì ngọt hể đắng thì đắng.” Tuy rằng Tuyết Đậu niêm lộng như thế, song rốt cuộc cũng nhảy không khỏi.