Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc
Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
Báo đáp nguồn gốc
1. Chương ba: Báo Đáp Nguồn Gốc
1.6 Vía Phật Di Lặc
Ngày mồng một tháng giêng âm lịch (ngày đầu năm) là lễ Phật Di Lặc đản sanh. Nghi thức giống như cúng Phật Dược Sư. Niệm hiệu:
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật (3 lần).
Tiếp tụng Kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật hoặc Kinh Hoa Nghiêm, phẩm nhập pháp giới; Chương Di Lặc, Thiện Tài đồng tử tán thán đức Di Lặc:
- “Phật tử ở trong đây, hiện khắp trước chúng sanh, như vầng mặt trời, mặt trăng dứt trừ sanh tử u ám.
- Phật tử ở trong đây thuận khắp tâm chúng sanh, biến hiện vô lượng thân trong khắp 10 phương.
- Phật tử ở trong đây dạo qua các thế giới của hết thảy chư Phật trong vô lượng kiếp.
- Phật tử ở trong đây nghĩ sâu về Phật pháp trong vô lượng vô số kiếp mà tâm không mệt mỏi chán nản.
- Phật tử ở trong đây mỗi niệm nhập thiền định, mỗi một môn thiền định làm hiển sáng cảnh giới chư Phật.
- Phật tử ở trong đây hẳn biết tất cả mọi cõi trong vô số kiếp, cũng biết danh hiệu Phật và chúng sanh.
- Phật tử ở trong đây một niệm bao hàm mọi kiếp, chỉ tùy tâm chúng sanh mà không có tưởng phân biệt.
- Phật tử ở trong đây tu tập các thiền định, trong mỗi một tâm niệm hiểu rõ các pháp trong 3 đời.
- Phật tử ở trong đây thân ngồi kiết già bất động, hiện khắp ở các cõi trong tất cả mọi loài.
- Phật tử ở trong đây uống biển Phật pháp, thâm nhập trí tuệ rộng sâu, đầy đủ công đức hải.
- Phật tử ở trong đây ắt biết số cõi, số đời, số chúng sanh và số chư Phật cũng vậy.
- Phật tử ở trong đây một niệm đều hiểu rõ tất cả 3 đời sự thành hình, biến hoại cõi nước.
- Phật tử ở trong đây biết rõ hạnh nguyện chư Phật, chỗ tu hành của Bồ Tát, cũng như căn tánh dục của chúng sanh.
- Phật tử ở trong đây thấy trong một hạt bụi có vô số đạo tràng, số chúng sanh và kiếp số.
- Phật tử ở trong đây thấy hết thảy bụi cũng thế, chủng loại hàm đủ, nơi nơi đều không ngại.
- Phật tử ở trong đây quán khắp hết các pháp, cõi chúng sanh và kiếp sống không khởi cũng không sở hữu. Quán sát các chúng sanh, các pháp, chư Phật, các cõi, các nguyện 3 đời thảy bình đẳng.
- Phật tử ở trong đây giáo hóa các chúng sanh, cúng dường các đức Phật, suy niệm các pháp tánh trong vô số nghìn vạn kiếp, có hạnh tu nguyện lớn không đo lường, tán dương cũng không thể hết được.
- Các việc đại dũng mãnh ấy đã hoàn tất không có chướng ngại, an trú trong đấy, Con chấp tay đảnh lễ. Là trưởng tử của chư Phật, Thánh hiệu Từ Thị, Con nay cung kính đảnh lễ, mong Phật dũ lòng thương xót nghĩ đến Con.”
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật (108 biến). Tiếp tụng chú Biến Thực, Cam Lồ Thủy, Phổ cúng dường… như nghi cúng vía Phật Dược Sư.
Duy Na đọc lời bạch:
Cung kính nghe rằng: Di Lặc đại sĩ vào ngôi bổ xứ, hiện ở Cung trời Đâu Suất sẽ kế đức Thích Ca, sanh vào cõi Diêm Phù Đề, nhận di huấn của đức Năng Nhân (Phật Thích Ca); vì chúng sanh làm thầy dẫn đường, không có sự bức ngặt của 3 tai ách. Cõi Diệu Nghiêm an lành của năm phước[3] thấm nhuần mọi loài. Dưới cội Long Hoa ắt nghe âm giáo ba hội[4]; trước tòa bảo liên được thọ ký đời sau thành Phật. Nay gặp tiết đầu xuân nhằm ngày Khánh Đản, chúng con thành tâm thiết lễ phẩm cúng dường, tán dương tôn hiệu.
Lại nguyện: hiện tại gió lành che cõi nhân gian, tương lai giáng sanh vận truyền chánh pháp sâu rộng.
Đọc xong, cử tán:
Pháp thân hiển hiện, lầu các mở bày
Từ bi nở rộ hội Long Hoa.
Độ chúng sanh thoát khỏi trần ai
Cung kính lễ liên đài
Phật bổ xứ trong tương lai.
Nam Mô Đương Lai Di Lặc Tôn Phật (3 lần).
Tụng Bát Nhã, niệm Phật, sám nguyện, hồi hướng, phục nguyện, tự quy y…
Chứng nghĩa ghi rằng: ở đây bài kệ trên trích Kinh Hoa Nghiêm quyển 79 có ghi: tiếng Phạn là Di Lặc, Trung Hoa dịch là Từ Thị. Kinh Bất Thực Nhục ghi rằng: vào đời quá khứ có một thế giới tên là Thắng Hoa Phu, ở đó có đức Phật hiệu là Di Lặc luôn đem lòng từ giáo hóa tất cả. Đức Phật đó thuyết Kinh Từ Tam Muội quang đại bi hải ghi rằng: lúc đó cõi kia có một vị tiên nhơn tên là Nhứt Thiết Trí Quang Minh, nghe Kinh này có công đức, nguyện trong đời vị lai thành Phật cũng hiệu là Di Lặc. Lúc ấy ông bỏ tục xuất gia vào tu trong núi sâu, sau đó gặp năm mất mùa không thể khất thực được. Bấy giờ trong rừng có 2 mẹ con con thỏ, thấy tiên nhơn 7 ngày không ăn, lấy làm lo cho huệ mạng Phật pháp đoạn tuyệt; nguyện xả thân mạng hiến cho tiên nhơn ăn, nên nhảy vào lửa. Lúc ấy thọ thần bảo tiên nhơn rằng: mẹ con thỏ chúa vì cúng dường mà nhảy vô lửa. Bây giờ thịt đã chín, ông có thể lấy ăn được rồi. Lúc vị tiên nghe thọ thần nói thế, cảm động không thốt lên được, lấy lời Kinh viết để dưới lá cây, lại nói bài kệ rằng:
Thà tan thân mắt banh
Không nở giết ăn thịt chúng sanh
Chư Phật rành thuyết Kinh từ bi
Kinh ấy dạy mở lòng lành
Thà vỡ xương tủy, lòi óc não
Không nhẫn nhai nuốt thịt chúng sanh
Như Phật dạy kẻ ăn thịt
Người ấy không đủ làm hạnh lành
Hiện mang nhiều bịnh và chết yểu
Chìm trong sanh tử Phật chẳng thành.
Khi tiên nhơn nói kệ xong, liền phát lời thề rằng: nguyện con đời đời không khởi ý tưởng sát hại, luôn luôn chẳng ăn thịt cho đến khi thành Phật.
Phật chế giới đoạn ăn thịt có rõ lời này: Tự nhảy vô hầm lửa và căng thân mạng, sáng chiếu soi cả nước. Người ta thấy ánh sáng tìm đến, thấy tiên nhơn và 2 con thỏ chết trong lửa. Thấy vậy Phật nói bài kệ:
Tìm Kinh Phật đem về dâng vua
Vua truyền dạy mọi người đọc tụng
Khiến cho người nghe
Đều phát tâm vô thượng Bồ đề.
Phật nói kệ xong, bảo rằng: nay các người nên biết, bạch thố vương (thỏ chúa trắng) lúc bấy giờ, nay chính là thân Ta - Phật Thích Ca Mâu Ni; còn thỏ con ấy nay chính là La Hầu La; vị tiên nhơn trước kia nay chính là Di Lặc đó. Sau khi Ta nhập Niết Bàn, 56 vạn ức năm vị ấy được thành Phật v.v…
Lại Kinh Hoa Nghiêm, phần khuyến tu từ bi quyển 1, cũng Ngài Di Lặc hỏi pháp. Từ đó trở đi hiệu Ngài là Di Lặc tức là Từ Thị vậy. Dẫn rộng như trong Kinh tạng không thể nêu hết được. Thế thì Phật Thích Ca là giáo chủ hiện tại, còn Phật Di Lặc là giáo chủ tương lai, đều là chỗ nương tựa của chúng sanh. Ví phỏng sanh về cõi Cực Lạc gặp đức Phật Di Đà, rồi trở lại cõi Ta Bà nhưng phụng sự Phật Di Lặc, đâu có thể khác gì.
Hay hỏi:
- Phật Di Lặc khi nào thành Phật?
Đáp:
- Nói cách đại khái (ước chừng), thế giới qua 4 thời kỳ: thành, trụ, hoại, không. Mỗi thời kỳ là 20 kiếp. Như vậy kiếp trụ là tiểu kiếp thứ 9 trong 20 tiểu kiếp, từ một vạn 4000 năm trước, cứ 100 năm giảm 1 tuổi, giảm đến khi còn 20 vạn năm lúc đó đức Phật Ca Diếp ra đời. Sau khi Phật Ca Diếp tịch diệt lại 100 năm giảm 1 tuổi, giảm đến khi thọ mạng con người 100 tuổi, khi ấy thân con người cao 1 trượng, là lúc Phật Thích Ca ra đời. Phật Thích Ca sau khi diệt độ, thọ mạng con người giảm xuống còn 30 tuổi, Phật pháp diệt hết, chỉ còn Kinh A Di Đà phần nhiều lưu lại ở đời 100 năm. Đến khi thọ mạng con người còn 10 tuổi, thân cao hơn một mét, lúc đó kiếp đao binh khởi lên luôn gây sự chém giết nhau, con người tận diệt hết. Sau kiếp đao binh, người trong đời tuổi thọ dần tăng lên 100 tuổi; con người ham tu thiện, lúc đó có 16 vị đại A La Hán cùng với quyến thuộc lại xuất hiện trong cõi người hoằng dương Phật pháp. Như thế cho đến khi con người cõi này thọ 6 vạn tuổi, Phật pháp hưng thạnh đến 7 vạn năm. Giáo pháp Phật Thích Ca dạy hoàn toàn không còn nữa. Từ đây có 7 vạn vị Độc Giác cùng lúc xuất hiện, lúc đó thế giới này biến dơ thành sạch không còn gai gốc, suối khe gò nỗng bằng phẳng, cát vàng trải đất, khắp mọi nơi chỗ nào cũng có ao sạch, cây xanh, kỳ hoa dị thảo và đủ loại báu vật hợp thành. Thật là hình ảnh sáng đẹp đáng yêu thích. Con người đều có tâm từ quanh năm trở nên sung túc, đầy đủ như Kinh Di Lặc thành Phật có nói. Đến khi tuổi thọ con người tăng lên cực cao 84,000 tuổi, lại lần lượt giảm xuống 8 vạn tuổi. Lúc đó Phật Di Lặc giáng sanh cho đến khi thành Phật, vì chúng Thanh Văn thuyết pháp 3 hội, làm cho chúng ra khỏi sanh tử, đạt đến Niết Bàn. Hội thuyết pháp thứ nhất độ 96 ức chúng Thanh Văn, hội thứ nhì độ 94 ức chúng Thanh Văn, hội thứ ba độ 92 ức chúng Thanh Văn. Song số chúng được độ trong 3 hội đều trong 3 thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp của Phật Thích Ca; hết thảy hành giả đều giữ giới chân thật, tu hạnh bố thí, tạo phước v.v... Y cứ kinh tạng dẫn: có tất cả 6 tạng có Kinh Di Lặc: ngoại hữu Di Lặc tạng, Long Hoa tạng, Đâu Suất Qui Cảnh, các Kinh lưu hành. Ngoài ra, nước Tề niên hiệu Kiến Võ thứ tư vào ngày 8 tháng 5 năm Đinh Sửu, Di Lặc xuống trần tại Vụ Châu huyện Nghĩa Ô, họ Truyền tên Hấp, năm 16 tuổi cưới cô gái họ Lưu tên là Diệu Quang, sanh 2 ngưòi con trai là Phổ Kiến, Phổ Thành. Vào đời Vua Lương Võ Đế, họ hiển phép thần thông và ngộ thiền. Song Lâm truyện Đại Sĩ ngữ lục tu hành biệt hiệu là Thiện Huệ, mà đời sau mới biết đó là ứng hóa thân của Đức Di Lặc. Ngoài ra, vào thời Ngũ Quý tại huyện Phụng Hóa tỉnh Ninh Ba có Bố Đại Hòa Thượng không ai rõ gốc gác người vùng nào, tự xưng như thế; thường đeo túi vải chống gậy mà đi. Người đời gọi là con của Trường Đinh, thỉnh thoảng đem thiền cơ chỉ mọi người mà ít ai lãnh ngộ. Ngài tịch ngày 3 tháng 3 năm Trinh Minh tại Phụng Hóa, chùa Nhạc Lâm. Nay chốn ấy là sơn môn trong thiên hạ, đều thờ tượng là vị Phật Di Lặc này vậy.