Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc
Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
Bách Trượng Hoài Hải biên soạn tại núi Bách Trượng
vào đời Đường tại Hồng Châu.
Tỳ Kheo Nghi Nhuận chứng nghĩa, chùa Chân Tịch tại Hàng Châu.
Trụ Trì chùa Giới Châu Diệu Vĩnh duyệt lại tại Việt Thành vào đời Thanh.
Chương bốn: Ân Đức Tổ Sư
Ngày 24 tháng 11 là lễ giỗ Tổ Thiên Thai Trí Giả đại sư. Nghi thức giống như cúng Tổ Đạt Ma. Trước hết niệm:
Nam Mô Thiên Thai Tông Chủ Trí Giả đại sư (3 lần).
Tụng Kinh Pháp Hoa, kệ Như Lai Thọ Lượng:
Từ khi Tôi thành Phật
Trải qua vô số kiếp
Vô lượng trăm nghìn vạn
Ức a tăng kỳ kiếp
Thường thuyết pháp giáo hóa
Độ vô số chúng sanh
Khiến nhập vào Phật đạo
Đến nay vô lượng kiếp
Vì độ thoát chúng sanh
Phương tiện nhập Niết Bàn
Mà thật không diệt độ
Trụ cõi này thuyết pháp
Ta thường trụ ở đây
Dùng đủ lực thần thông
Khiến chúng sanh điên đảo
Dù gần mà chẳng thấy
Nếu thấy Ta nhập diệt
Rộng cúng dường xá lợi
Thêm đem lòng kính mộ
Mà sanh tâm khát ngưỡng
Chúng sanh đã tín phục
Chân thật ý nhu hòa
Nhất tâm muốn thấy Phật
Không tự mến tiếc thân
Lúc ấy Ta cùng Tăng
Ra khỏi núi Linh Sơn
Ta hay bảo mọi người
Thường ở đây bất diệt
Vì dùng sức phương tiện
Hiện có diệt không diệt
Các cõi có chúng sanh
Kẻ ưa kính tín thành
Ta lại tới nơi đó
Thuyết pháp độ thoát họ
Các ngươi không nghe rõ
Nên nghĩ Ta diệt độ
Ta thấy các chúng sanh
Chìm ngụp trong khổ não
Vì thế chẳng hiện thân
Họ sanh lòng khát ngưỡng
Do có tâm mến tưởng
Mới nói pháp thật tướng
Lực thần thông như thế
Trải qua vô số kiếp
Thường tại núi Linh Thứu
Và tại những nơi khác
Chúng sanh thấy kiếp hết
Lúc hỏa tai thiêu sạch
Cõi này Ta an lạc
Trời người thường hân hoan
Vườn rừng cùng lầu các
Bằng vật báu trang nghiêm
Cây báu sai hoa quả
Chúng vui chơi sẵn sàng
Chư thiên đánh trống trời
Những kỹ nhạc thường trổi
Rải hoa Mạn Đà La
Cúng Phật cùng đại chúng
Tịnh Độ Ta chẳng diệt
Nhưng chúng thấy thiêu sạch
Luôn khổ não sợ sệt
Đầy dẫy việc như trên
Do ác nghiệp nhân duyên
Tội báo chúng gây nên
Qua vô số kiếp liền
Không nghe tên Tam Bảo
công đức những ai tạo
Tâm nhu hòa chánh trực
Đều được thấy thân Ta
Đang hiện thân thuyết pháp
Hoặc có lúc vì chúng
Nói Phật thọ vô lượng
Kẻ lâu không thấy Phật
Bèn cho Phật khó gặp
Trí lực Phật như thế
Tuệ quang chiếu khắp cùng
Thọ mạng không thể lường
Nhân tu lâu chứng được
Kẻ trí các người thường
Chớ sanh tâm nghi tưởng
Phải dứt nghi vĩnh viễn
Lời Phật thật không dối
Như lương y phương tiện
Chữa trị đứa con hoang
Cha sống mà nói chết
Lời này chẳng dối gian
Ta cũng như người cha
Cứu thoát bao khổ nạn
Vì phàm phu điên đảo
Ta còn, nói thác oan
Những ai thường thấy Phật
Mà sanh lòng kiêu căng
Buông lung theo ngũ dục
Rơi vào đường xấu ác
Ta cũng biết các hạng
Tu tập, kẻ chẳng tu
Tùy đó mà độ họ
Nói pháp hợp căn cơ
Mỗi loài tự nghĩ suy
Tự biết phải làm gì
Đạt được vô thượng trí
Mau thành Phật uy nghi.
Tiếp theo tụng chú biến thực, cam lồ, phổ cúng dường v. v… như nghi thức cúng Tổ Đạt Ma, tuy chỉ thay đổi lời bạch như sau:
Cung kính nghe rằng, đức Như Lai một đời giáo hóa, đời sau nhắc lại các triết thuyết đã tuyên dương. Chúng sanh 6 thức mê lầm, ngưỡng trông bậc đạo sư giác ngộ. Vì vậy, Ngài hóa hiện nơi cõi người, giáng sanh chỗ phức tạp, phồn hoa. Thánh đức đủ đầy, mộng thấy khói hương 5 sắc; thần kỳ hiện tướng; phẩm cách phi thường. Tụng Pháp Hoa mà vào định, thấy Linh Thứu hiển bày, cảm kích Kim Lăng, thoát áo quan mà thuyết pháp; thân cao chót vót ở chóp đài nơi đất vàng để chuyển pháp luân. Từ đây giáo pháp truyền thừa muôn đời không dứt, còn lại sắc thân thị tịch, 5 uẩn tạm nương. Nay nhân lễ húy nhật, sắm sửa lễ phẩm cúng dường, ngưỡng mong chiếu giám, làm điểm sáng cho người sau.
Tiếp theo đại chúng cùng tán:
Linh Sơn phó chúc,
Kim khẩu truyền thừa,
Như Lai giao trọng nhiệm đảm đương,
Ba quán tỏ tường soi chiếu,
Tổ Tổ kế lưu truyền,
Đèn pháp mãi sáng vô biên.
Nam Mô Thiên Thai tông chủ Trí Giả đại sư (3 lạy).
Chứng nghĩa ghi rằng: Tông chủ Thiên Thai là Ngài Trí nghiễm, tự là Đức An, họ Trần nguyên quán tại Dĩnh Xuyên. Cha làm lương tán kỵ từ Dương Công Trần, mẹ họ Từ. Sự tích cuộc đời Ngài xem Tục Cao Tăng truyện, quyển 21 và sách riêng có đăng tải. Ngài tịch ngày 24 tháng 11 năm Khai Hoàng 17 đời Tùy, hưởng thọ 67 tuổi. Căn cứ theo việc tụng Kinh Pháp Hoa của Ngài phẩm Dược Vương đến câu:
Là chân thật tinh tấn
Gọi là chân pháp cúng
Cúng dường đức Như Lai.
Hốt nhiên đại ngộ chứng được Pháp Hoa tam muội, tinh hoa của Kinh Pháp Hoa, bình luận một đời Phật giáo hóa và dẫn phẩm Tín Giải để phân định 5 thời thuyết giáo. Quan trọng ở chỗ Như Lai phóng một đạo hào quang trắng ánh sáng thấu đến 10 pháp giới, 6 độ vạn hạnh, cho nên nói tri kiến Phật sớm đã quay lượn bay đi. Do trong chúng không ngộ nên Xá Lợi Phất 3 lần thỉnh Phật thuyết pháp. Phật vì khai quyền hiển thật mà khai khẩu nói pháp do một đại sự nhân duyên duy nhất Ngài xuất hiện ra đời. Đó là không ngoài khai thị chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật, đến phẩm Như Lai thọ lượng này nói đến tột cùng nguồn chơn, vì mọi người mà phá nốt. Song Phật, hiện Niết Bàn mà Ngài Trí Giả cũng hiện diệt độ. Nay là ngày lễ kỷ niệm Ngài, đại chúng tụng phẩm Kinh này chính để cho thấy rõ không phải chỉ vì Phật, Tổ mà không nhập Niết Bàn. Vậy nên phàm phu chúng ta đã từng ở trong sanh tử lâu dài. Người bị khổ luân hồi trong sanh tử bèn vọng tưởng là do nhân duyên. Nếu lìa vọng tưởng vốn hiện 3 thân, bốn trí, Niết Bàn - sanh tử sánh như không hoa, do tụng phẩm Kinh này mà được mở bày ngộ tri kiến Phật.