Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc
Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
Bách
Trượng Hoài Hải biên soạn vào đời Đường tại Hồng Châu.
Tỳ
Kheo Nghi Nhuận chứng nghĩa chùa Chân Tịch tại Hàng Châu.
Trụ
Trì Diệu Vĩnh chùa Giới Châu duyệt lại tại Việt Thành
vào đời Thanh.
Chương 5: Trụ Trì
Quan mà có sách gọi là khám, là rất sai lầm. Có bàn rõ ở phần chứng nghĩa. Phàm người bịnh nguy kịch, phải chuẩn bị cổ quan tài trước như kiểu, vật liệu ra sao v.v… càng đơn giản bao nhiêu càng tiện việc thiêu bấy nhiêu và cũng đỡ được một phần chi phí. Hơi thở người mất vừa dứt là dẫn mõ theo tiếng niệm Phật cho tới lúc nhập quan. Mời các thầy nhiều chùa tới làm lễ nhập quan. Vị chủ sám làm phép sái tịnh trên – trong quan tài, đậy nắp xong, liền thuyết pháp ngữ. Nên quỳ thuyết nếu người mất lớn tuổi hơn (sám chủ) đáng hàng hậu bối cần phải chắp tay nghiêm chỉnh. Ban lời pháp ngữ xong, Duy Na bạch:
Trở lên công đức niệm tụng, phụng vì đại Hòa Thượng tân viên tịch (thay đổi theo phẩm vị: Thượng Tọa, Đại Đức v.v…) của lễ nhập quan trang nghiêm báo địa, 10 phương ba đời chư Phật, hết thảy chư đại Bồ Tát, ma ha bát nhã ba la mật.
Tụng bát nhã, hồi hướng. Kim Quan đặt tại phòng khách luân phiên tụng niệm 4 người một ban tụng Kinh A Di Đà, niệm Phật, đêm ngày không gián đoạn cho tới khi di quan. Các khóa lễ sáng, tối đại chúng đều đến trước Kim Quan tụng Kinh, tới giờ ngọ cử 2 người cúng ngọ mỗi ngày và tiến giác linh:
Giác linh đã tạo các nghiệp ác
Đều do vô thỉ tham sân si
Từ thân miệng ý mà sanh ra
Hết thảy gốc tội, đều xin sám hối.
Ngưỡng mong giác linh bất loạn, chánh niệm rõ ràng vãng sanh ngay về cõi an lạc, diện kiến Phật Di Đà và các Thánh chúng, tu hạnh 10 địa chứng Niết Bàn lạc.
10 phương 3 đời hết thảy chư Phật, chư đại Bồ Tát chứng minh tiếp độ.
Nếu giác linh có di chúc vật gì nên tụng thêm Kinh Phạm Võng. Căn cứ qui tắc xưa nhập quan vị tăng, phải giặt giụa quần áo cũ, ngoài mặc y 7 điều từ trên đảnh cho tới dưới chân, chuỗi hạt đeo tay, tọa cụ đặt dưới chân, ếm trà 2 bên thân thể, đậy nắp quan dùng tro niêm kỹ. Dù người thân đến thăm cũng không được mở nắp quan tài, không phô trương hiếu tâm, không rộng nêu liên hệ đi điếu, không mặc đồ gai bố đội vải trắng, không bày từ cáo phó, không chiêu nhóm thí chủ làm thân thuộc, không làm đám theo thế tục, chỉ chú tâm tụng niệm mà thôi. Những vật dụng, y bát hết thảy đem cúng cho chúng. Trụ Trì còn như thế, những vị khác phải biết noi theo.
Chứng nghĩa ghi rằng: gần đây có một việc gọi là khám ngồi đã thành thói quen mà không biết là trái lời Phật dạy. Căn cứ theo Kinh Niết Bàn quyển hạ, đức Thế Tôn ở thành Câu Thi Na giữa 2 cây song thọ, Ngài nằm võng yên lặng thị tịch nhập quan mà hóa. Than ôi! Phật là bậc chí tôn của 3 cõi mà còn nằm như ngủ nhập quan, người tăng sĩ học Phật cũng phải dùng quan tài rõ ràng. Vì thế Lục Tổ Đàn Kinh ghi rằng: người chết nằm không ngồi! Chỉ một câu này cũng cho thấy đương thời Lục Tổ mất cũng nằm trong quan tài. Việc nói về tọa khám hoàn toàn do háo danh mà phát sanh, nếu quả thật bình thường thiền định lực sâu có thể ngồi mà hóa thì tọa khám không có trở ngại. Nếu lúc sanh tiền một đời lo việc ngoài không học tham thiền, lúc lâm chung gượng ép ngồi khám, thật là phí khí lực. Vả lại thần thức chưa hoàn toàn thoát hẳn cũng khó qua được nạn khổ.
Ngu Am Chích Cổ ghi rằng: Hòa Thượng Phổ Hóa ở Trấn Châu đời Đường Hàm Thông nguyên niên (năm đầu) sắp thị tịch hướng sang mọi người xin một cái áo dài, có người cho một áo ngủ hoặc đưa cho miếng vải tang. Ngài đều không nhận. Ngài Lâm Tế sai người đưa tới một áo quan liền cười nhận ngay, rồi lên từ biệt chúng mà rằng: “ngày mai Phổ Hóa chết ở Đông môn”. Người trong quận nghe đồn rủ nhau kéo ra xem, Sư bảo: “hôm nay chôn không hợp quạ xanh, ngày mai đi ra Nam môn mà hóa”. Mọi người cũng đi theo xem. Lại nói rằng: “ngày mai ra Tây môn tốt hơn”. Mọi người ra đợi ở đó càng lúc càng đông, đi ra rồi lại đi về, khiến ai nấy mỏi chán cho tới ngày thứ tư, Ngài tự bưng quan tài đi ra cửa Bắc rồi thúc mõ nhập vào quan mà hóa. Đây cũng là một chứng minh việc dùng quan tài của cổ đức vậy.