Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Phẩm 39: Đẳng pháp

01 Tháng Năm 201100:00(Xem: 10232)
Phẩm 39: Đẳng pháp

KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)

BẢY PHÁP

39. PHẨM ĐẲNG PHÁP

KINH SỐ 1[1]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp, ở trong hiện tại thọ lạc vô cùng, muốn dứt sạch các lậu, cũng có thể được. Những gì là bảy pháp? Ở đây, Tỳ-kheo biết pháp, biết nghĩa, biết thời, lại có thể tự biết, lại có thể biết đủ, lại biết và đại chúng, quán sát người.[2] Đó gọi là bảy pháp.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết pháp? ỳ-kheo biết pháp là chỉ Khế kinh, Kỳ-dạ, Kệ, Nhân duyên, Thí dụ, Bổn mạt, Quảng diễn, Phương đẳng, Vị tằng hữu, Quảng phổ, Thọ quyết, Sanh kinh. Tỳ-kheo không biết Pháp, không biết mười hai bộ kinh, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này có thể hiểu rõ pháp nên gọi là biết pháp. Như vậy, Tỳ-kheo hiểu rõ pháp.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Ở đây, Tỳ-kheo biết ý thú của Như Lai, hiểu rõ nghĩa sâu, không có điều gì nghi ngờ. Tỳ-kheo không hiểu nghĩa, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này có thể biết nghĩa sâu nên gọi là hiểu nghĩa. Như vậy, Tỳ-kheo có thể phân biệt nghĩa.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết thời nghi? Ở đây, Tỳ-kheo biết thời tiết khi nên tu quán thì tu quán, khi nên tu chỉ thì tu chỉ, nên im lặng biết im lặng, nên đi biết đi, nên tụng biết tụng, nên trao người trước liền trao cho người trước, nên nói biết nói. Tỳ-kheo không biết những việc ấy, không biết thời thích hợp tu chỉ, tu quán, tiến, dừng, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Tỳ-kheo biết thời tiết ấy thì không để mất thời cơ thích hợp, đó gọi là biết tuỳ thời thích hợp. Tỳ-kheo như vậy là biết thời nghi.

“Sao gọi là Tỳ-kheo có thể sửa mình? Ở đây, Tỳ-kheo có thể tự biết mình, nay ta có sự thấy, nghe, nghĩ, biết này, có trí huệ như vậy,[3] đi, bước, tiến, dừng thường theo chánh pháp. Tỳ-kheo không thể tự biết thích ứng theo trí huệ mà ra, vào, đi, đến, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này có thể tự tu, tiến, dừng đều thích hợp, đây gọi là tự biết tu dưỡng. Đó gọi là Tỳ-kheo tự biết mình.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết vừa đủ? Ở đây, Tỳ-kheo có thể tự điều hòa việc ngủ nghỉ, tỉnh thức, ngồi, nằm, kinh hành, cách tiến dừng, đều có thể biết dừng đúng lúc. Tỳ-kheo không thể biết những việc ấy thì chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này hiểu rõ những việc này nên gọi là biết đủ. Tỳ-kheo như vậy gọi là Tỳ-kheo biết vừa đủ.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết vào đại chúng? Ở đây, Tỳ-kheo phân biệt đại chúng: Đây là dòng sát-lợi, đây là chúng bà-la-môn, đây là chúng trưởng giả, đây là [729a] chúng sa-môn. Ta nên dùng pháp này mới thích hợp với chúng ấy, nên nói hay nên im lặng, tất cả đều biết. Tỳ-kheo không biết vào chúng, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo ấy biết vào đại chúng nên gọi là biết vào chúng. Đó gọi là Tỳ-kheo biết vào đại chúng.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết căn nguyên mọi người? Tỳ-kheo nên biết có hai hạng người. Những gì là hai? Hoặc có một người muốn đến già-lam để thân cận Tỳ-kheo; người thứ hai không thích đến đó gặp gỡ Tỳ-kheo. Người muốn đến trong Tăng viên kia, thân cận Tỳ-kheo, là người tối thượng. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Một người, tuy đến chỗ Tỳ-kheo song không tùy thích hợp mà hỏi; người thứ hai cũng không đến trong chùa gặp Tỳ-kheo. Người đến chùa kia là hơn hết. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Một người, đến chỗ Tỳ-kheo tỳ thích hợp mà hỏi; người thứ hai, đến chỗ Tỳ-kheo nhưng không hỏi điều thích hợp. Ngưòi đến chùa kia là đệ nhất tối tôn, vượt lên trên người kia. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Một người đến chỗ Tỳ-kheo hết lòng nghe pháp; người thứ hai đến chỗ Tỳ-kheo, nhưng không hết lòng nghe pháp. Người (hết lòng nghe pháp) kia là ngưòi hơn hết. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Có một người, có thể quán sát pháp, thọ trì, đọc tụng; người thứ hai, họ không thể thọ trì, đọc tụng. Người có thể thọ trì kia, là đệ nhất tối thượng. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Có một người nghe pháp liền hiểu nghĩa; người thứ hai, nghe pháp mà không hiểu nghĩa. Người (nghe pháp mà hiểu nghĩa) này là tối thượng. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Có một người, nghe pháp (và hiểu nghĩa) liền thành tựu pháp tùy pháp; người thứ hai, nghe pháp (và hiểu nghãi) nhưng không thành tựu pháp tùy pháp. Người nghe pháp (hiểu nghĩa) kia, thành tựu pháp tùy pháp. Người này là tối tôn đệ nhất. Này Tỳ-kheo, lại có hai người. Những gì là hai? Một người, nghe pháp có thể kham nhẫn tu hành, phân biệt hộ trì chánh pháp; người thứ hai không thể kham nhẫn tu hành pháp kia. Người có thể kham nhẫn tu hành pháp kia, là tối tôn đệ nhất. Giống như bò có lạc, do lạc có tô, do tô có đề hồ là tối tôn đệ nhất không gì bằng. Ở đây cũng vậy, nếu người nào có thể tu hành thì người này là tối đệ nhất, không ai sánh kịp. Đó gọi là Tỳ-kheo quán sát căn người. Nếu có người nào không rõ điều này thì chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo kia nghe pháp, phân biệt nghĩa nó, đó là tối thượng. Tỳ-kheo như vậy là biết quán sát căn ngưòi.

“Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp này, ngay trong hiện pháp an lạc vô vi, ý muốn đoạn trừ lậu cũng không khó khăn. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này. 

“Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 2[4]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn cây Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Cây Trú độ[5] trên trời Tam thập tam có gốc dọc ngang năm mươi do tuần, cao một trăm do tuần, bóng râm che đông, tây, nam, bắc năm mươi do tuần. Trời Tam thập tam vui chơi với nhau ở đó bốn tháng. Tỳ-kheo, nên biết, đến một lúc hoa lá cây Trú độ ấy úa vàng, rơi rụng trên mặt đất. Chư thiên bấy giờ thấy điềm ứng này, tất cả đều hoan hỷ, tình vui phát sanh: ‘Cây này không bao lâu sẽ sinh ra hoa đầy trở lại.’

“Tỳ-kheo, nên biết, đến một lúc hoa của cây này tất cả đều rơi rụng xuống đất. Bấy giờ, trời Tam thập tam lại càng hoan hỷ tự bảo với nhau rằng: ‘Cây này không bao lâu sẽ trở thành màu tro.’

“Tỳ-kheo, nên biết, qua một thời gian nữa cây ấy liền thành màu tro. Lúc này, Trời Tam thập tam thấy cây này biến thành màu tro rồi, lòng rất vui mừng tự bảo với nhau rằng: ‘Nay, cây này đã biến màu tro, không lâu sẽ nẩy chồi.’[6]

Bấy giờ, Trời Tam thập tam thấy cây Trú độ này đã nẩy chồi, không bao lâu nữa sẽ sanh nụ. Bấy giờ, trời Tam thập tam thấy rồi, chư thiên lại hoan hỷ: ‘Hôm nay cây này đã sanh nụ, không bao lâu lại sẽ nở đầy.’

“Tỳ-kheo, nên biết, Trời Tam thập tam thấy rồi, cây này từ từ nở đầy, lòng chư thiên đều hoan hỷ: ‘Cây này đã dần dần nở đầy, không lâu sẽ đính đầy hoa.’

“Tỳ-kheo, nên biết, đến một lúc cây ấy nở đầy khắp, lòng chư thiên tất cả đều hoan hỷ: ‘Hôm nay, cây này nở [729c] đầy hoa.’ Bấy giờ, hương của nó bay ngược gió trong vòng trăm do tuần, không đâu không nghe mùi thơm. Bấy giờ, chư thiên cùng nhau vui chơi ở đó bốn tháng, vui không thể nói hết.

“Ở đây cũng vậy, đệ tử Hiền Thánh khi phát ý muốn xuất gia học đạo, cũng giống như cây này bắt đầu muốn úa rụng lá.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh xả bỏ vợ con, tài sản, với lòng tin kiên cố cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, giống như lá cây kia rụng xuống đất.

“Tỳ-kheo, nên biết, đệ tử Hiền Thánh không tưởng tham dục, trừ pháp bất thiện, có hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và an trú sơ thiền,[7] như cây Trú độ thành màu tro.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh diệt tầm tứ, nội tĩnh, chuyên chú nhất tâm, không tầm, không tứ, có hỷ lạc do dịnh sanh, chứng và an trú nhị thiền, như cây kia nẩy chồi.

“Lại nữa, đệ tử Hiền thánh, ly hỷ, an trú xả,tự thân giác tri lạc, điều mà chư Hiền Thánh nói, xả, niệm, an trú lạc, chứng và an trú tam thiền, giống như cây kia sanh nụ.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh diệt khổ lạc, ưu hỷ trước đó đã trừ, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng và an trú tứ thiền, giống như cây kia dần dần mở đầy.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân chứng ngộ, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa, điều đó giống như cây kia nở hoa đầy khắp.

“Bấy giờ, hương giới đức của đệ tử Hiền Thánh nghe khắp bốn phương, không ai không ca ngợi. Trong bốn tháng tự hưởng vui thích, tâm an trú tứ thiền, bản hạnh đầy đủ. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu hương giới đức. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỔ 3[8]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay ta sẽ nói bảy dụ về nước. Con người cũng như vậy. Hãy lắng nghe! Lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo: 

“Sao gọi là bảy dụ về nước mà tựa người? Giống như có người chìm ở đáy nước; lại có người tạm ngoi khỏi nước rồi lại chìm xuống; có người nổi lên khỏi nước rồi nhìn; lại có người [730a] nổi lên khỏi nước rồi trụ; có người bơi đi trong nước; có người nổi lên khỏi nước rồi muốn đến bờ kia; lại có người đã đến bờ kia. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là bảy sự thí dụ về nước xuất hiện ở đời.

“Sao gọi là người chìm dưới đáy nước không nổi lên được? Ở đây, hoặc có người mà toàn thể đầy khắp pháp bất thiện, trải qua nhiều kiếp, không thể chữa trị. Đó gọi là người chìm dưới đáy nước.

“Sao gọi là người nào nổi lên khỏi nước rồi chìm lại? Hoặc có người mà tín căn dần mai một, tuy có pháp lành nhưng không chắc chắn. Thân, miệng, ý hành thiện, nhưng sau đó thân, miệng, ý lại hành pháp bất thiện, thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục. Đó gọi là người ra khỏi nước rồi chìm lại.

“Sao gọi là người nổi lên khỏi nước rồi nhìn ? Ở đây, hoặc có người có tín thiện căn, nhưng hành vi của thân, khẩu, ý lại không làm tăng trưởng pháp này, tự thủ mà đứng yên, thân hoại mạng chung sanh vào A-tu-la. Đó gọi là người ra khỏi nước mà nhìn.[9]

“Sao gọi là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ? Ở đây, hoặc có người có lòng tin, tinh tấn dứt ba kết sử,[10] không thối chuyển nữa, ắt đạt cứu cánh, thành đạo Vô thượng. Đó gọi là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ.[11]

“Sao gọi là người muốn lội khỏi nước? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, lòng luôn hổ thẹn, vơi mỏng ba kết sử dâm, nộ, si, trở lại đời này một lần nữa rồi đoạn trừ gốc khổ.[12] Đó gọi là người định vượt khỏi nước.

“Sao gọi là người muốn đến bờ kia? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, dứt sạch năm hạ phần kết sử, thành A-na-hàm, không lại thế gian này nữa mà nhập Niết-bàn trên đó.[13] Đó gọi là người muốn đến bờ kia.

“Sao gọi là người đã đến bờ kia? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, mà có lòng hổ thẹn, dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, ở trong hiện pháp, tự thân chứng ngộ, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa, ở trong Niết-bàn giới vô dư mà Bát-niết-bàn. Đó gọi là người đã vượt qua bờ kia.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bảy dụ về nước và người, mà Ta vừa nói cho các ngươi. Điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm để tiếp độ mọi người, nay Ta đã làm xong. Các ngươi hãy ở nơi yên tĩnh, hoặc dưới gốc cây, hãy nghĩ đến việc toạ thiền, chớ sinh biếng nhác. Đó là lời dạy của Ta.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật [730b] dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 4[14]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Thánh vương cai trị nước xa xôi,[15] nếu thành tựu bảy pháp, sẽ không bị kẻ thù, giặc cướp chiếm giữ. 

“Những gì là bảy? Thành quách ấy rất cao, được sửa sang tề chỉnh. Đó gọi là vị vua kia thành tựu pháp thứ nhất. Lại nữa, cổng thành kia chắc chắn. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ hai. Lại nữa, ngoài thành kia có hào rất sâu rộng. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ ba. Lại nữa, trong thành kia nhiều thóc gạo, kho lẫm chứa đầy ắp. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ tư. Lại nữa, thành kia nhiều củi, cỏ. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ năm. Lại nữa, thành kia nhiều cụ khí, gậy gộc, đầy đủ các chiến cụ. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ sáu. Lại nữa, chủ thành kia rất thông minh, tài cao, dự biết tình người, đáng dùng roi thì dùng roi, đáng sửa trị thì sửa trị. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ bảy, cảnh ngoài không thể đến xâm chiếm. Đó gọi là, này các Tỳ-kheo, chủ nước thành kia thành tựu bảy pháp, nên người ngoài không thể tiếp cận quấy nhiễu

“Ở đây, Tỳ-kheo cũng lại như vậy, nếu thành tựu bảy pháp thì tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện được. Những gì là bảy? Ở đây, Tỳ-kheo thành tựu giới luật, đầy đủ oai nghi, phạm luật nhỏ còn sợ huống gì là lớn. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ nhất này, tệ ác ma không thể tùy tiện được. Giống như thành kia cao rộng, rất nghiêm nhặt, không thể phá hoại.

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc không khởi tưởng đắm, cũng không khởi niệm, nhãn căn đầy đủ, thủ hộ nhãn căn không để khuyết thủng, rò rỉ;[16] tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi niếm vị, thân xúc chạm, ý đối với pháp cũng lại như vậy, cũng không khởi tưởng, đầy đủ ý căn, mà không loạn tưởng, thủ hộ đầy đủ ý căn. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ hai này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như thành quách kia cửa ngõ chắc chắn.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nghe nhiều không quên, thường nhớ nghĩ tư duy chánh pháp đạo giáo, những pháp đã nghe qua trước kia thảy đều thông suốt. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ ba này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như bên ngoài thành quách kia có hào rất sâu và rộng.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có nhiều phương tiện,[17] những [730c] pháp mà khoảng đầu thiện xảo, giữa thiện xảo, cuối cũng thiện xảo, thanh tịnh đầy đủ, hiển hiện phạm hạnh. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ tư này; như thành quách kia, nhiều lúa gạo, giặc ngoài không dám đến xâm lăng.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy về bốn pháp tăng thượng tâm[18], cũng không rỉ thóat.[19] Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ năm này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như thành quách kia, nhiều củi, cỏ, người bên ngoài không thể đến quấy nhiễu.

“Lại nữa, Tỳ-kheo đắc bốn thần túc, thực hiện không khó. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ sáu này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như trong thành kia đầy đủ vũ khí.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có thể phân biệt đầy đủ ấm, nhập, giới, cũng lại phân biệt pháp do mười hai nhân duyên phát sanh. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ bảy này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như chủ thành quách kia thông minh, tài cao, đáng bắt thì bắt, đáng thả thì thả. 

“Nay đây, Tỳ-kheo cũng lại như vậy, biết phân biệt đầy đủ các bệnh uẩn, giới, xứ. [20] Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện phân biệt uẩn, giới, xứ và mười hai nhân duyên, đừng để mất thứ lớp, liền vượt cảnh Ma, không có ở trong ấy nữa. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về bảy trú xứ của thức.[21] Các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Vì sao được gọi là bảy trú xứ của thức? Chúng sanh với nhiều loại thân, và nhiều loại tưởng khác nhau, như người và trời.[22] Lại nữa, chúng sanh hoặc nhiều lọai thân nhưng chỉ có một tưởng, đó là trời Phạm-ca-di mới xuất hiệnthế gian.[23] Lại nữa, chúng sanh một thân nhưng nhiều tưởng, đó là trời Quang âm. Lại nữa, chúng sanh một thân, một tưởng, đó là trời Biến tịnh. Lại nữa, chúng sanh vô lượng không, là trời Không xứ. Lại nữa, chúng sanh vô lượng thức, là trời Thức xứ. Lại nữa, chúng sanh vô hữu xứ, là trời Vô sở hữu xứ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là bảy nơi thức trú. Nay [731a] Ta đã nói bảy thức xứ.

“Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm để tiếp độ mọi người, nay Ta đã làm xong. Các ngươi hãy đến dưới bóng cây vắng vẻ, hãy khéo tu hạnh này, chớ có lười biếng. Đó là những lời dạy của Ta.”

Các Tỳ-kheo, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 6[24]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Vào lúc bấy giờ, Tôn giả Quân-đầu[25] thân mang bịnh nặng, nằm liệt giường, không thể tự ngồi dậy. Khi ấy, Quân-đầu nghĩ: “Hôm nay ta không được Thế Tôn Như Lai rủ lòng thương xót. Ta đang gặp bệnh nặng, không còn sống bao lâu nữa. Thuốc thang không tiếp. Lại nghe Thế Tôn nói: ‘Còn một người chưa độ, Ta quyết không bỏ.’ Song nay chỉ một mình ta bị bỏ rơi. Còn khổ nào hơn!”

Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe được lời oán trách của Tỳ-kheo Quân-đầu. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi hãy tụ họp đi đến chỗ Tỳ-kheo Quân-đầu, hỏi thăm bệnh Tỳ-kheo ấy.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Rồi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đi lần đến phòng Tỳ-kheo Quân-đầu. Quân-đầu từ xa nhìn thấy Như Lai đến, liền tự gieo mình xuống đất. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Quân-đầu: 

“Nay ngươi mang bệnh rất là nặng, không cần xuống giường. Ta tự có chỗ ngồi.”

Thế Tôn bảo Quân-đầu: 

“Bệnh của ngươi tăng hay giảm, hay không tăng giảm? Ngươi có thể nghe Ta dạy được không?”

Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật

“Bệnh hôm nay của đệ tử rất nặng, chỉ có tăng, không có giảm. Thuốc uống không thấm vào đâu.”

Thế Tôn hỏi: 

“Người chăm sóc bệnh là ai vậy?”

Quân-đầu bạch: 

“Các vị phạm hạnh đến, gặp thì chăm sóc.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Quân-đầu: 

“Nay ngươi có thể nói cho Ta nghe bảy giác chi không?”

Quân-đầu nêu tên bảy giác chi ba lần:

“Nay con có thể ở trước Như Lai nói pháp bảy giác chi.”

Thế Tôn bảo:

“Nếu có thể nói cho Như Lai nghe thì cứ nói.”

Quân-đầu bạch Phật

“Bảy giác chi. Những gì là bảy? Như Lai đã nói, đó là niệm giác chi, pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an* giác chi, định giác chi, xả* giác chi. Bạch Thế Tôn, nói là có bảy giác chi này, chính là như vậy.” 

Sau khi Tôn giả Quân-đầu nói những lời này xong, mọi bệnh tật đều được trừ khỏi, không còn khổ não.[26] Bấy giờ, Quân-đầu bạch Thế Tôn

“Hiệu nghiệm nhất trong các thứ thuốc, đó chính là pháp bảy giác chi này. Muốn nói là thuốc hay nhất không qua bảy giác chi này. Con nhờ tư duy về bảy giác chi mà bệnh gì cũng khỏi cả.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi thọ trì pháp bảy giác chi này, khéo nhớ phúng tụng, chớ có hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng. Mọi bệnh họan của chúng sanh kia được trừ khỏi. Vì sao vậy? Vì bảy giác chi này rất khó lường hết, nhưng nhờ đó tất cả các pháp đều được thấu rõ, hết thảy các pháp đều được soi sáng. Cũng như thuốc hay chữa trị hết thảy các bệnh. Giống như cam lồ ăn không biết chán. Nếu không được bảy giác chi này, các loài chúng sanh sẽ trôi lăn sanh tử. Các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác chi

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 7[27]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiệnthế gian, liền có bảy báu xuất hiện thế gian. Bảy báu đó là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, minh châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Đó là nói khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì bảy báu cũng xuất hiện, truyền khắp ở thế gian.

“Khi Như Lai xuất hiệnthế gian thì có bảy báu giác chi xuất hiện thế gian. Những gì là bảy? Niệm giác chi, pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an* giác chi, định giác chi, xả* giác chi xuất hiệnthế gian. Khi Như Lai xuất hiệnthế gian thì, báu bảy giác chi này cũng xuất hiệnthế gian. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác chi này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo, sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiệnthế gian, liền chọn lựa đất tốt mà xây thành quách, từ đông, tây mười hai do tuần; nam, bắc bảy do tuần. Đất đai màu mỡ, được mùa, hạnh phúc không thể nói hết. [731b] Bấy giờ, bên ngoài thành được bao bọc bảy lớp xen kẽ bởi bảy báu. Bảy loại báu ấy là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly, hổ phách, mã não, xà cừ. Đó gọi là bảy báu. Thành lại được bao quanh bởi bảy lớp hào rất sâu tạo thành bởi báu, khó mà vượt qua; trong hào toàn cát vàng. Lại có bảy lớp cây mọc chen giữa; các loại cây ấy có bảy loại màu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách. Thành trong được bao bọc bởi bảy lớp cửa kiên cố, cũng được làm bằng bảy báu. Khung cửa bằng bạc thì cánh cửa vàng, khung cửa bằng vàng thì cánh cửa bạc, khung cửa thuỷ tinh thì cánh cửa lưu ly, khung cửa bằng lưu ly thì cánh cửa thuỷ tinh, khung cửa bằng mã não thì cánh cửa hổ phách, rất là khóai lạc, thật không thể nói hết. Bốn mặt trong thành ấy có bốn ao tắm, mỗi một ao tắm dọc ngang một do tuần, có nước vàng, bạc, thuỷ tinh tự nhiên tạo thành. Ao nước bạc đông lại trở thành báu bạc, ao nước vàng đông lại trở thành báu vàng, Chuyển luân Thánh vương lấy đó mà sử dụng.

“Bấy giờ, trong thành kia có bảy loại âm thanh. Đó là tiếng tù và, tiếng trống, tiếng trống con, tiếng chuông, tiếng trống eo, tiếng múa, tiếng ca. Đó gọi là bảy loại âm thanh. Bấy giờ, nhân dân thường vui chơi theo đó. Chúng sanh nơi đó không bị nóng lạnh, cũng không bị đói khát, cũng không bịnh tật. Chuyển luân Thánh vương sống ở đời, thành tựu bảy báu này và bốn thần túc, không có giảm khuyết, không bao giờ mất. Nững gì là bảy báuChuyển luân Thánh vương thành tựu? Đó là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, người nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Lại có ngàn người con rất dũng mãnh, có thể hàng phục giặc ngoài. Cõi Diêm-phù-lý-địa này, không dùng dao gậy để giáo hóa dân trong nước.”

Khi ấy có một Tỳ-kheo hỏi Thế Tôn

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu bánh xe báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương, vào sáng sớm ngày rằm, tắm rửa, gội đầu lên trên đại điện, có ngọc nữ vây quanh. Khi, bánh xe báu đủ ngàn căm từ phương đông bay đến trước điện, ánh sáng rực rỡ huy hòang, chẳng phải do người tạo, cách mặt đất bảy nhẫn, từ từ đến trước vua, rồi dừng lại. Thấy vậy, Chuyển luân Thánh vương liền nói: ‘Ta nghe người xưa nói, vua Chuyển luân vào ngày rằm, tắm rửa, gội đầu, [732a] lên ngồi trên điện. Lúc ấy, bánh xe báu tự nhiên từ phương Đông đến trước vua dừng lại. Nay ta phải thử bánh xe báu này.’ Rồi vua Chuyển luân dùng tay phải nắm bánh xe báu mà nói rằng, ‘Giờ ngươi quay lăn cho đúng pháp, chớ đừng phi pháp.’ Bánh xe báu tự nhiên lăn quay và dừng trên không trung. Chuyển luân Thánh vương liền dẫn binh bốn bộ, cũng ở trên hư không. Khi ấy, bánh xe báu quay hướng về Đông, Chuyển luân Thánh vương cũng theo bánh xe báu mà đi. Khi bánh xe báu dừng, Chuyển luân Thánh vương và bốn bộ binh cũng dừng trên hư không. Bấy giờ, vua Túc tán[28] và nhân dân từ xa trông thấy vua đến, tất cả đều đứng dậy nghinh đón, lại dùng bát vàng đựng bạc mụn, bát bạc đựng vàng mụn, dâng lên cho Chuyển luân Thánh vương mà tâu với vua rằng, ‘Hoan nghênh Thánh vương! Nay nhân dân thành phương này rất đông đúc, an vui vô hạn. Cúi xin đại vương hãy ở lại đây cai trị.’ Chuyển luân Thánh vương bảo dân nước ấy, ‘Các ngươi hãy dùng pháp cai trị giáo hóa, chớ có dùng phi pháp, cũng chớ có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, cẩn thận chớ có dùng phi pháp cai trị giáo hóa.’ Sau đó, bánh xe báu lại di chuyển đến phương Nam, phương Tây, phương Bắc, vỗ về giáo hoá hết thảy nhân dân rồi trở về nơi vua đang trị vì, đi cách mặt đất bảy nhẫn và dừng lại. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu bánh xe báu như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Thế Tôn

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu voi báu như thế nào?” 

Thế Tôn bảo: 

“Tỳ-kheo, nên biết, vào ngày rằm, Chuyển luân Thánh vương tắm rửa, gội đầu, rồi lên trên đại điện. Bấy giờ, voi báu từ phương Nam đến, có sáu ngà, lông trắng buốt, có bảy chỗ bằng phẳng, được trang sức bằng vàng, bạc, châu báu, có thể bay trên hư không. Thấy vậy, Chuyển luân Thánh vương liền tự nghĩ: ‘Voi báu này rất kỳ diệu, hiếm có trên đời, thể tánh nhu hoà, không hung bạo. Nay ta phải thử voi báu này.’ Rồi thì, sáng sớm, khi mặt trời sắp mọc, Chuyển luân Thánh vương liền cưỡi voi báu này dạo khắp bốn biển, giáo hoá nhân dân. Chuyển luân Thánh vương thành tựu voi báu như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Thế Tôn

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngựa báu như thế nào?”

Thế Tôn nói:

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, ngựa báu bay từ phía Tây đến, lông màu xanh đậm, lông đuôi có ánh đỏ, đi không lắc lư, [732b] có thể bay trên hư không, không có gì trở ngại. Thấy vậy, lòng rất vui mừng: ‘Ngựa báu này thật là kỳ lạ. Nay phải sai khiến nó. Thể tánh khôn và lành, không có bạo chứng. Ta phải thí nghiệm ngựa báu này.’ Rồi Chuyển luân Thánh vương liền cởi ngựa báu này đi khắp bốn châu thiên hạ, dạy dỗ nhân dân rồi trở về nơi chỗ ấy trị vì. Này các Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngựa báu như vậy.”

Tỳ-kheo bạch Phật

“Lại thành tựu ngọc báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Ở đây, Tỳ-kheo, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, lúc đó ngọc báu từ phương Đông bay đến, có tám góc, bốn mặt có ánh sáng, dài một thước sáu tấc. Chuyển luân Thánh vương thấy vậy, liền tự nghĩ: ‘Ngọc báu này rất kỳ lạ, ta phải thử nó.’ Rồi vào lúc nửa đêm, Chuyển luân Thánh vương tập hợp bốn bộ binh, đem ma-ni báu này gắn vào đầu ngọn cờ cao. Lúc đó, ánh sáng chiếu mười hai do tuần trong đất nước ấy. Bấy giờ, nhân dân trong thành thấy ánh sáng này, mọi người bảo nhau rằng: “Giờ mặt trời đã mọc, hãy lo liệu việc nhà.’ Chuyển luân Thánh vương ngồi trên điện, nhìn khắp nhân dân rồi trở vào trong cung. Sau đó, Chuyển luân Thánh vương đem ma ni này cất vào trong cung; cả trong ngoài đều sáng khắp, không đâu là không sáng. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngọc báu này như vậy.

Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu người nữ báu như thế nào?”

Thế Tôn nói: 

“Tỳ-kheo, nên biết, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, tự nhiên hiện ngọc nữ xuất báu này, dung mạo xinh đẹp, mặt như màu hoa đào, không cao, không thấp, không trắng, không đen, tánh tình nhu hòa, không hung bạo, hơi miệng có mùi hương hoa sen, thân phát mùi hương chiên đàn, thường theo hầu hạ Thánh vương, không quên thời khắc, thường tỏ ra hòa nhã vui cười nhìn vua. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngọc nữ như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật rằng: 

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu cư sĩ báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Ở đây, này Tỳ-kheo, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời liền có cư sĩ báu xuất hiệnthế gian, không cao, không thấp, thân thể màu hồng, tài cao, trí tột, không việc gì không suốt, lại đạt thiên nhãn thông. Bấy giờ, cư sĩ đi đến chỗ vua tâu với vua rằng, ‘Cúi [732c] mong Thánh vương sống lâu vô cùng! Nếu vua muốn cần vàng, bạc, châu báu gì, thần sẽ cung cấp hết thảy.’ Cư sĩ dùng thiên nhãn quán sát nơi có kho báu và nơi không có kho báu, đều thấy tất cả. Vua có cần báu gì, tùy thời cung cấp. Khi ấy, Chuyển luân Thánh vương muốn thử cư sĩ báu kia, liền dẫn cư sĩ này qua sông, chưa đến bờ bên kia, liền nói với cư sĩ rằng, ‘Nay ta cần vàng, bạc, châu báu. Hãy làm sao có ngay bây giờ.’ Cư sĩ đáp, ‘Đến trên bờ trước, thần sẽ cung cấp.’ Chuyển luân Thánh vương nói, ‘Nay ta cần báu ở đây, chứ không cần khi đến trên bờ.’ Khi ấy, cư sĩ liền quỳ xuống, chấp tay hướng xuống nước, tức thì bảy báu trong nước liền vọt lên. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương bảo trưởng giả, ‘Thôi, Thôi, Cư sĩ! Không cần báu nữa.’ Này các Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu cư sĩ báu như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu điển binh báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“ Ở đây, Tỳ-kheo, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời liền có điển binh báu tự nhiên hiện đến, thông minh, cái thế, biết trước tình người, thân thể hồng hào, đi đến chỗ Chuyển luân Thánh vương, tâu Thánh vương: ‘Cúi mong Thánh vương cứ tự nhiên hưởng lạc thú. Nếu Thánh vương muốn cần binh chúng, tiến thoái đúng lúc, thần sẽ cung cấp ngay.’ Rồi điển binh báu theo ý vua, tập họp binh chúng ở cạnh vua. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương muốn thử điển binh báu, liền tự nghĩ: ‘Hãy tập họp binh chúng của ta ngay bây giờ!’ Lập tức binh chúng liền ở ngoài cửa vua. Nếu ý muốn Chuyển luân Thánh vương khiến binh chúng đứng yên, liền đứng yên; muốn tiến thì, liền tiến. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu điển binh báu như vậy.

“Tỳ-kheo nên biết, Chuyển luân Thánh vương thành tựu bảy báu này như vậy.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn

“Thế nào là Chuyển luân Thánh vương thành tựu bốn thần túc, được nhiều thiện lợi?”

Phật bảo Tỳ-kheo: 

“Ở đây, Chuyển luân Thánh vương tướng mạo đoan chánh, hiếm có trên đời, hơn hẳn người thường. Giống như thiên tử kia, không ai sánh kịp. Đó gọi là Chuyển luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ nhất này.

“Lại nữa, Chuyển luân Thánh vương thông minh, cái thế, không gì không điêu luyện; là bậc hùng mãnh trong người. Bấy giờ, không ai hơn trí huệ phong phú cùa Chuyển luân Thánh vương này. Đó gọi là (Chuyền luân Thánh vương) thành tựu thần túc thứ hai. 

[733a] “Lại nữa Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương không hề có bệnh tật; thân thể khoẻ mạnh, mọi thứ đồ ăn thức uống tự nhiên tiêu hoá, không lo các chứng đại tiểu tiện. Đó gọi là Chuyển luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ ba.

“Lại nữa Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thọ mạng rất dài, tuối thọ không thể tính. Tuổi thọ con người lúc ấy không ai hơn tuổi thọ Chuyển luân Thánh vương. Này Tỳ-kheo, đó gọi là Chuyển luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ tư này. 

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là Chuyển luân Thánh vương có bốn thần túc.”

Tỳ-kheo kia lại bạch Phật

“Sau khi Chuyển luân Thánh vương mạng chung, sẽ sanh nơi nào?” 

Thế Tôn nói: 

“Chuyển luân Thánh vương, sau khi mạng chung, sẽ sanh lên trời Tam thập tam, thọ mạng ngàn tuổi. Vì sao vậy? Vì tự thân Chuyển luân Thánh vương không sát sanh, lại dạy người khác khiến không sát sanh; tự mình không trộm cướp, lại dạy người khiến không trộm cướp; tự mình không dâm dật, lại dạy người khiến không dâm dật; tự mình không nói dối, lại dạy người khiến không nói dối; tự mình hành pháp thập thiện, lại dạy người khiến hành pháp thập thiện

“Các Tỳ-kheo, nên biết, Chuyển luân Thánh vương nhờ công đức này, sau khi mạng chung, sanh lên trời Tam thập tam.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia liền tự nghĩ: 

“Chuyển luân Thánh vương thật đáng được hâm mộ. Muốn nói đó là con người, lại chẳng phải là người; nhưng kỳ thật chẳng phải là trời mà lại thi hành việc trời, hưởng thụ lạc thú vi diệu, không đoạ ba đường dữ. Nếu hôm nay ta dũng mãnh giữ giới, chắc sẽ có phước để đời tương lai được làm Chuyển luân Thánh vương, không thích hay sao?”

Bấy giờ, Thế Tôn biết được những ý nghĩ trong tâm Tỳ-kheo kia, bảo tỳ-kheo kia: 

“Ở trước Như Lai, đừng có ý nghĩ như vậy. Vì sao vậy? Chuyển luân Thánh vương tuy thành tựu bảy báu, có bốn thần túc không ai sánh kịp, nhưng vẫn không thóat khỏi ba đường dữđịa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì sao vậy? Vì Chuyển luân Thánh vương không đắc bốn thiền, bốn thần túc, không chứng đắc bốn đế. Vì nhân duyên này, sau lại đoạ vào ba đưòng dữ. Thân người rất khó được, gặp phải tám nạn, muốn thoát ra rất khó; sinh ở chính giữa nước cũng lại không dễ; muốn có bạn lương thiện cũng lại không phải dễ; muốn cùng thiện tri thức gặp nhau cũng lại không dễ; muốn theo học đạo trong giáo pháp Như Lai cũng lại khó gặp; Như Lai xuất hiện thật không thể gặp; giáo pháp được giảng dạy cũng khó gặp như vậy; hiểu bốn đế và bốn phi thường, thật khó mà được nghe. Chuyển luân Thánh vương cũng không được cứu cánh bốn pháp này.

“Này Tỳ-kheo, nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, khi ấy có bảy báu này xuất hiệnthế gian; đó là báu bảy giác chi của Như Lai, dẫn đến cứu cánh vô biên, chỗ trời người khen ngợi. 

“Này Tỳ-kheo, nay khéo tu phạm hạnh, ngay hiện thân này sẽ chấm dứt được biên tế khổ, thì cần gì đến bảy báu của Chuyển luân Thánh vương?

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nghe những lời dạy của Như Lai như vậy, ở tại nơi vắng vẻ tư duy đạo pháp, vì mục đích mà thiện gia nam tử sở dĩ cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, tu chánh nghiệp vô thượng, để như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia thành A-la-hán.

Tỳ-kheo kia sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 9[29]
Tôi nghe như vầy

Một thời, tôn giả Đồng Chân Ca-diếp[30] ở trong vườn Trú ám,[31] nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào nửa đêm, Ca-diếp kinh hành. Khi ấy có vị trời đến chỗ Ca-diếp, ở giữa hư không nói với Ca-diếp: 

“Tỳ-kheo nên biết, ngôi nhà[32] này ban đêm bốc khói, ban ngày bị lửa cháy[33]. Có người Bà-la-môn nói vơi một người có trí: ‘Giờ ông hãy cầm đao đục núi[34]. Khi đang đục núi tất sẽ thấy một đồ gánh[35] thì hãy nhổ nó lên. Rồi ông đục lại núi; khi đang đục núi tất sẽ thấy núi. Giờ hãy hãy bỏ núi. Ông lại đục núi; khi đang đục núi tất thấy con ễnh ương. Bấy giờ ông hãy bỏ[36] con ễnh ương. Ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ thấy đống thịt. Thấy đống thịt, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ gặp cái gông. Thấy cái gông, hãy bỏ nó. Bây giờ, ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy hai con đường.[37] Khi thấy hai đường, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy cành cây. Thấy cành cây, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy con rồng.[38] Thấy con rồng rồi, chớ nói gì với nó, hãy lo tự quy mạng,[39] và để yên nó đó.[40] 

“Này Tỳ-kheo! Hãy suy nghĩ kỹ nghĩa này. Nếu không hiểu thì lập tức đến thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn hỏi điều này. Nếu Như Lai có dạy điều gì thì khéo nhớ nghĩ mà thực hành. Vì sao vậy? Vì hiện tại tôi cũng không thấy có người, sa-môn, bà-la-môn, [733c] Ma hoặc Thiên ma nào có thể hiểu nghĩa này, trừ Như Laiđệ tử Như Lai, hoặc nghe từ tôi[41].”

Ca-diếp bảo vị thiên: 

“Việc này thật hay!”

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn; đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Ca-diếp hỏi Thế Tôn

“Nay con muốn hỏi nghĩa Như Lai. Những điều vị trời nói, ý nghĩa nhắm đến cái gì? Vì sao nói nhà này ban đêm bốc khói, ban ngày lửa cháy? Tại sao nói là Bà-la-môn? Tại sao nói là người trí? Lại nói đục núi, ý nghĩa này nhắm đến cái gì? Nói về con dao, con cũng không hiểu. Tại sao nói là đồ gánh? Lại nói về núi, nghĩa này thế nào? Tại sao lại nói con ễnh ương? Tại sao lại nói đống thịt? Tại sao lại nói cái gông? Tại sao nói hai con đường? Cành cây, nghĩa nó thế nào? Tại sao nói là con rồng?” 

Thế Tôn bảo: 

“Nhà tức là hình thể do sắc bốn đại tạo thành, nhận huyết mạch cha mẹ dần dần lớn lên, thường được nuôi dưỡng bằng thức ăn không để thiếu thốn, là pháp phân tán. Ban đêm có khói là chỉ cho tâm niệm của các loài chúng sanh. Ban ngày lửa cháy là chỉ cho hành động do thân, miệng, ý đã tạo. Bà-la-môn là A-la-hán. Người trí là người học.[42] Đục núi là chỉ tâm tinh tấn. Con dao chính là chỉ trí huệ. Đồ gánh là năm kết sử.[43] Núi là kiêu mạn.[44] Con ếch là chỉ tâm sân hận. Đống thịt là chỉ tham dục. Cái gông chỉ năm dục.[45] Hai đường là chỉ nghi ngờ. Cành cây là vô minh.[46] Rồng là chỉ Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác.[47] Những lời vị thiên kia nói, nghĩa nó như vậy. Nay ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ, không lâu sẽ dứt sạch hữu lậu.”

Sau khi vâng lời Như Lai dạy, Ca-diếp ở nơi vắng vẻ mà tự tu hành, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, tu phạm hạnh, biết như thật rằng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Ca-diếp thành A-la-hán.

Ca-diếp sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 10[48]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trua tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt, cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm Tỳ-kheo vị. Mãn Nguyện Tử[49] cũng dẫn theo [734a] năm trăm Tỳ-kheo an cư ở sanh quán.[50] 

Bấy giờ, sau khi kiết hạ chín mươi ngày ở thành La-duyệt, Thế Tôn đi du hoá trong nhân gian dần dần đến vườn cây Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Các Tỳ-kheo phân tán trong nhân gian cũng đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. 

Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi hạ an cư ở đâu?”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Chúng con hạ an cư tại quê nhà.”

Thế Tôn bảo: 

“Trong số các Tỳ kheo các ngươi an cư tại sanh quán, ai là người sống với hạnh a-lan-nhã, lại hay khen ngợi a-lan-nhã, tự hành khất thực, lại khuyến khích người khiến hành khất thực không mất thời nghi, tự đắp y vá nhiều mảnh,[51] lại khuyến khích người khiến đắp y vá nhiều mảnh, tự tu tri túc, lại cũng ca ngợi hạnh tri túc, tự mình sống ít ham muốn, cũng lại ca ngợi hạnh ít ham muốn, tự thích nơi nhàn tĩnh, lại khuyến khích người khác ở nơi nhàn tĩnh; tự giữ hạnh ấy, lại khuyến khích người khác khiến giữ hạnh ấy, tự thân giới thanh tịnh đầy đủ, lại khuyến khích người khác khiến tu giới ấy, tự thân thành tựu tam-muội, lại khuyến khích người khác khiến hành tam-muội, tự thân thành tựu trí huệ, lại dạy người khác khiến hành trí huệ, tự thân thành tự giải thoát, lại khuyến khích người khác khiến hành giải thoát, tự thân thành tựu giải thoát tri kiến[52], lại khuyến khích người khác khiến hành pháp này, tự thân cò thể giáo hoá không biết chán đủ, nói pháp không lười mỏi?”

Ccác Tỳ-kheo bạch Thế Tôn

“Tỳ-kheo Mãn Nguyện Tử ở trong chúng Tỳ-kheo này kham nhận giáo hoá. Tự thân tu hạnh a-lan-nhã, cũng lại khen ngợi hạnh a-lan-nhã, tự thân mặc y vá, ít ham muốn, biết đủ, tinh tấn, dũng mãnh, khất thực, thích ở nơi vắng vẻ, thành tựu giới, tam-muội, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến*, lại khuyến khích người khác khiến hành pháp này, tự mình có thể giáo hoá, nói pháp không biết chán đủ.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe. Sau khi nghe pháp xong, các Tỳ-kheo ngồi lại một lát, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng và ra đi.

Trong lúc ấy, cách Thế Tôn không xa, Xá-lợi-phất ngồi kiết già, chánh thân chánh ý, buộc niệm trước mặt. Khi ấy, Xá-lợi-phất [734a] suy nghĩ như vầy: “Hôm nay Mãn Nguyện Tử được nhiều thiện lợi. Vì sao vậy? Các Tỳ-kheo phạm hạnh khen ngợi đức kia và Thế Tôn lại xác nhận lời này, cũng không phản đối. Ngày nào ta sẽ cùng vị ấy được gặp nhauđàm luận với vị ấy?”

Bấy giờ, tại quê hương mình, Mãn Nguyện Tử giáo hoá đã xong, sau đó đi giáo hoá trong nhân gian, lần hồi đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Thế Tôn thứ tự nói pháp cho nghe. Mãn Nguyện Tử sau khi nghe pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi ra đi, lấy ni-sư-đàn vắt trên vai hữu, đi đến trong vườn Trú ám.

Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ xa trông thấy Mãn Nguyện Tử lấy ni-sư-đàn vắt trên vai hữu, đi đến trong vườn kia. Thấy vậy, ông liền đến chỗ Xá-lợi-phất, bạch rằng:[53] 

“Thế Tôn thường khen ngợi Mãn Nguyện Tử. Thầy ấy vừa đến chỗ Như Lai nghe Phật nói pháp, nay đang đi vào trong rừng. Tôn giả nên biết thời thích hợp.”

Sau khi nghe Tỳ-kheo ấy nói, Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai phải và đi đến trong khu rừng kia.

Bấy giờ, Mãn Nguyện Tử ngồi kiết già dưới một bóng cây. Xá-lợi-phất cũng lại ngồi kiết già tư duy ở dưới một bóng cây. Sau đó, Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Mãn Nguyện Tử. Đến nơi, sau khi cùng hỏi thăm nhau, rồi ngồi qua một bên. Xá-lợi-phất hỏi Mãn Nguyện Tử

“Thế nào, Mãn Nguyện Tử, có phải do[54] Thế Tôn mà ngài làm đệ tử tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Đúng vậy, đúng vậy.”

Xá-lợi-phất lại hỏi: 

“Lại có phải nhân bởi[55] Thế Tôn mà được tu giới thanh tịnh[56] không?”

Mãn Nguyện Tử nói: 

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói: 

“Có phải do tâm thanh tịnh[57] nên nương nơi Như Lai mà tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói: 

“Có phải vì kiến thanh tịnh nên nương nơi Như Lai mà tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Không phải”

Xá-lợi-phất nói: 

“Thế nào, có phải vì không do dự[58] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp:

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Có phải do hành tích thanh tịnh[59] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp:

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Thế nào, có phải vì trí thanh tịnh ở trong đạo[60] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp:

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Thế nào, có phải vì tri kiến thanh tịnh [734c] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Những câu hỏi vừa rồi của tôi, ‘Có phải ở nơi Như Lai mà được tu phạm hạnh không?’ Thầy lại đáp tôi rằng: ‘Đúng vậy.’ Tôi lại hỏi: ‘Có phải do trí tuệ, tâm thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh, được tu phạm hạnh không?’ Thầy lại nói: ‘Không phải.’ Vậy vì sao thầy ở nơi Như Lai mà được tu phạm hạnh?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Nghĩa[61] giới thanh tịnh là để khiến tâm thanh tịnh. Nghĩa* tâm thanh tịnh là để khiến kiến thanh tịnh. Nghĩa* kiến thanh tịnh là để khiến không do dự thanh tịnh. Nghĩa* không do dự thanh tịnh là để khiến hành tích thanh tịnh. Nghĩa* hành tích thanh tịnh là để khiến đạo thanh tịnh. Nghĩa* đạo thanh tịnh là để khiến tri kiến thanh tịnh. Nghĩa* tri kiến thanh tịnh là để khiến nhập nghĩa Niết-bàn.[62] Đó gọi là ở nơi Như Lai mà được tu phạm hạnh.”

Xá-lợi-phất hỏi: 

“Nghĩa thầy nói hôm nay nhắm về đâu?”

Mãn Nguyện Tử nói: 

“Nay tôi sẽ đưa ra thí dụ để giải thích nghĩa này. Người trí nhờ thí dụ mà hiểu nghĩa đó, người trí tự ngộ. Giống như hôm nay vua Ba-tư-nặc đi từ thành Xá-vệ đến nước Bà-kì, khoảng giữa hai nước bố trí bảy chiếc xe. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra khỏi thành, lên chiếc xe thứ nhất, đến chiếc thứ hai; lên chiếc thứ hai, bỏ chiếc thứ nhất lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ ba và bỏ chiếc thứ hai lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ tư và bỏ chiếc thứ ba lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ năm và bỏ chiếc thứ tư lại, đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ sáu và bỏ chiếc thứ năm lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ bảy và bỏ chiếc thứ sáu lại để vào nước Bà-kì. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đã đến trong cung, nếu có người hỏi: ‘Hôm nay Đại vương đi cỗ xe nào đến cung này?’ thì vua ấy sẽ đáp thế nào?”

Xá-lợi-phất đáp: 

“Nếu có người hỏi thì sẽ đáp như vầy: ‘Tôi ra khỏi thành nước Xá-vệ, trước lên xe thứ nhất đến xe thứ hai; lại bỏ xe thứ hai, lên xe thứ ba; lại bỏ xe thứ ba, lên xe thứ tư; lại bỏ xe thứ tư, lên xe thứ năm; lại bỏ xe thứ năm, lên xe thứ sáu; lại bỏ xe thứ sáu, lên xe thứ bảy đến nước Bà-kỳ. Vì sao vậy? Vì tất cả nhờ xe trước đến xe thứ hai, lần lượt làm nhân cho nhau đến được nước kia.’ Nếu có người hỏi thì nên trả lời như vậy.”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Nghĩa* giới thanh tịnh cũng lại như [735a] vậy. Do tâm thanh tịnh mà được kiến thanh tịnh; do kiến thanh tịnh mà đạt được trừ do dự; do nghĩa không do dựđạt được hành tích thanh tịnh; do nghĩa hành tích thanh tịnhđạt được đạo thanh tịnh; do nghĩa đạo thanh tịnhđạt được tri kiến thanh tịnh; do nghĩa tri kiến thanh tịnhđạt được nghĩa Niết-bàn, do đó mà ở nơi Như Lai được tu phạm hạnh. Vì sao vậy? Vì nghĩa giới thanh tịnh là tướng chấp thủ[63], nhưng Như Lai dạy khiến trừ chấp thủ*. Nghĩa tâm thanh tịnh cũng là tướng chấp thủ, nhưng Như Lai dạy trừ chấp thủ cho đến nghĩa tri kiến cũng là chấp thủ. Như Lai dạy trừ chấp thủ cho đến Niết-bàn, do đó mà ở nơi Như Lai được tu phạm hạnh. Nếu chỉ vì giới thanh tịnh mà nương nơi Như Lai tu phạm hạnh, thì ngay kẻ phàm phu cũng sẽ diệt độ.[64] Vì sao vậy? Vì kẻ phàm phu cũng có giới pháp này.[65] Thế Tôn đã dạy, theo thứ lớp thành đạo mà đến được Niết-bàn giới, chẳng phải chỉ có giới thanh tịnh mà đến được diệt độ. Giống như có người muốn lên trên lầu bảy tầng, phải theo thứ bậc mà đi lên. Nghĩa giới thanh tịnh cũng lại như vậy; dần dần mới đến tâm. Do tâm mà đạt đến kiến. Do kiến mà đạt đến không do dự. Do không do dựđạt đến hành tích thanh tịnh. Do hành tích thanh tịnh mà đến được đạo. Do đạo thanh tịnhđạt đến tri kiến. Do tri kiếnđạt đến Niết-bàn.”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất liền khen: 

“Lành thay, lành thay, nghĩa này được nói thật kheo léo. Thầy tên là gì? Các Tỳ-kheo phạm hạnh gọi thầy hiệu gì?”

Mãn Nguyện Tử nói: 

“Tôi tên là Mãn Nguyện Tử. Họ mẹ là Di-đa-na-ni.[66]”

Xá-lợi-phất nói: 

“Lành thay, lành thay, Mãn Nguyện Tử! Trong pháp Hiền thánh thật không ai sánh bằng thầy; trong lòng chứa đựng cam lồ, lại ban phát vô cùng. Nay tôi đã hỏi nghĩa rất sâu, thầy đều đã giải đáp tất cả. Cho dù các vị phạm hạnh đội thầy trên đầu mà đi khắp thế gian, cũng không thể báo đáp được ơn này. Những ai đến thân cận, hỏi han, người ấy sẽ được nhiều thiện lợi. Nay tôi cũng được lợi nhiều nhờ sự chỉ giáo đó.”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Lành thay, lành thay, như những lời thầy nói! Thầy tên là gì? Các Tỳ-kheo gọi thầy là gì?”

Xá-lợi-phất đáp: 

“Tôi tên Ưu-ba-đề-xá. Mẹ tên Xá-lợi. Các Tỳ-kheo gọi tôi là Xá-lợi-phất.”

 [735b] Mãn Nguyện Tử nói: 

“Hôm nay tôi cùng đã bàn luận với bậc Đại nhân. Vậy mà trước đó tôi không biết vị Đại tướng[67] của pháp đến nơi này! Nếu tôi biết tôn giả Xá-lợi-phất đến đây thì không dám cùng biện luận đối đáp như vậy. Nhưng tôn giả hỏi nghĩa rất sâu này, nên tiếp theo đó tôi đã giải đáp

“Lành thay, Xá-lợi-phất! Vị Thượng thủ trong các đệ tử của Phật, thường an trú với pháp vị cam lồ. Dù cho các vị phạm hạnh đội tôn giả Xá-lợi-phất trên đầu mà đi khắp thế gian, từ năm này qua năm khác, cũng không thể báo đáp được ơn ấy chút nào. Ở đây, có chúng sanh nào đến hỏi thăm, thân cận tôn giả, người ấy sẽ có được nhiều lợi. Chúng tôi cũng được lợi nhiều.”

Bấy giờ, hai hiền giả đàm luận với nhau trong khu ấy ấy như vậy.

Sau khi hai vị nghe điều đã được nói, đều hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt

Đẳng pháp và Trú độ,

Dụ nước và thành quách,

Thức, Quân-đầu, hai luân,

Bà-mật và bảy xe.[68]


22. PHẨM BA CÚNG DƯỜNG

KINH SỐ 1
[607a01] Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba người, xứng đáng được người đời cúng dường. Ba người ấy là ai? Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, xứng đáng được người đời cúng dường. Đệ tử của đức Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường. Chuyển luân Thánh vương, xứng đáng được người đời cúng dường.

“Có nhân duyên gì mà Như Lai xứng đáng được người đời cúng dường? Như Lai điều phục những ai chưa được điều phục, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, giải thoát những ai chưa được giải thoát, khiến thành Niết-bàn những ai chưa bát-niết-bàn, cứu hộ những ai chưa được cứu hộ, làm con mắt cho những ai mù mắt. Như Lai là tối tôn đệ nhất, là ruộng phước tối tôn, đáng kính, đáng quý giữa Ma, hoặc Ma thiên, trời và người, làm đạo sư hướng dẫn loài người biết con đường chánh, thuyết đạo giáo cho những ai chưa biết đạo. Do nhân duyên này, Như Lai là xứng đáng được người đời cúng dường.

“Có nhân duyên gì mà đệ tử của Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường? Tỳ-kheo nên biết, A-la-hán lậu tận đã vượt qua được dòng sanh tử, không còn tái sinh, đã đắc pháp vô thượng; dâm, nộ, si vĩnh viễn diệt tận không còn, là ruộng phước của đời. Do nhân duyên này, A-la-hán lậu tận xứng đáng được người đời cúng dường.

“Lại nữa, do nhân duyên gì mà Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường? Các Tỳ-kheo nên biết, Chuyển luân Thánh vương dùng pháp để trị hóa, trọn không sát sanh, lại dạy dỗ người khiến không sát sanh; tự mình không trộm cắp và cũng dạy người khác không trộm cắp; tự mình không dâm dật và dạy người khác không dâm dật; tự mình không nói vọng ngữ và dạy người khác không vọng ngữ; tự mình không nói hai lưỡi đấu loạn kia-đây, lại cũng dạy người khác khiến không nói hai lưỡi; tự mình không ganh ghét, sân, si, lại dạy người khác cũng không tập pháp này; tự hành theo chánh kiến và dạy người khác không hành theo tà kiến. Do nhân duyên này, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo A-nan: 

“Có ba thiện căn không thể cùng [607b01] tận, đưa dần đến Niết-bàn giới. Những gì là ba? Gieo trồng công đức ở nơi Như Lai, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Chánh pháp, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Thánh chúng, thiện căn nầy không thể cùng tận. Này A-nan, đó gọi là có ba thiện căn không cùng tận này, đưa đến Niết-bàn giới. Cho nên A-nan, hãy tìm cầu phương tiện để đạt được phước không thể cùng tận này. 

“A-nan, hãy học tập điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba thọ* này. Những gì là ba? Đó là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không khổ không lạc.[50]

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, cảm thọ lạc kia là sứ giả của ái dục. Cảm thọ khổ kia là sứ giả của sân nhuế sai khiến. Cảm thọ không khổ không lạc kia là sứ giả của si. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy học phương tiện tìm cầu diệt các sứ giả này. Vì vậy, các ngươi hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Các Tỳ-kheo nên biết, sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ-kheo nào tự niệm nhiệt hành tu hành pháp này, đắc pháp vô tỷ, người ấy chính là đệ nhất Thanh văn.

“Thế nào, Tỳ-kheo, hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Ở đây, Tỳ-kheo tự quán thân nơi nội thân, tự quán thân nơi ngoại thân, tự quán thân nơi ngoại thân mà tự an trú*; quán nội thọ, quán ngoại thọ, quán nội ngoại thọ; quán nội tâm, quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm; quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp tự an trú*. 

“Như vậy Tỳ-kheo, hãy tự nỗ lực tu hành pháp ấy, đắc pháp vô tỷ. Những Tỳ-kheo nào thực hành pháp nầy, người ấy là đệ tử bậc nhất ở trong hàng Thanh văn

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo: 

“Có ba sự, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.[51] Những gì là ba? Một là nữ nhân, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Hai là chú thuật bà-la-môn, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Ba là nghiệp của tà kiến, [607c01] che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.

“Lại có ba sự mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.[52] Những gì là ba? Mặt trời, mặt trăng, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Pháp ngữ của Như Lai, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Nữ nhân cùng chú thuật,

Tà kiến hành bất thiện:

Đây ba pháp ở đời

Che dấu thì rất tốt.

Nhật, nguyệt chiếu khắp nơi;

Lời chánh pháp Như Lai:

Đây ba pháp ở đời

Hiện bày là đẹp nhất.

“Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy hiển bày pháp Như Lai, chớ để che khuất

“Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba tướng hữu vi của hữu vi. Những là ba? Biết nó sinh khởi; biết nó biến thiên; biết nó diệt tận.[53] 

“Sao gọi đó là biết nó sinh khởi? Biết nó sanh, nó lớn, thành hính năm uẩn, đạt đến các giới và xứ[54]. Đó gọi là biết nó sinh khởi

“Sao gọi là nó diệt tận? Nó chết, mạng đã qua, không tồn tại, vô thường, các uẩn tan hoại, dòng họ chia lìa, mạng căn cắt dứt. Đó gọi là biết diệt tận. 

“Sao gọi là nó biến dịch? Răng rụng, tóc bạc, khí lực hao mòn, tuổi cao sức yếu, thân thể rã rời. Đó gọi là biệt pháp biết pháp biến dịch’. 

“Tỳ-kheo, đó là ba tướng hữu vi của hữu vi. Nên biết ba tướng hữu vi của hữu vi nầy. Hãy khéo phân biệt.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Người ngu có ba tướng, ba pháp không thể trông cậy.[55] Ba pháp gì? Ở đây, điều mà người ngu không nên tư duy mà cứ tư duy; điều không nên luận nói mà cứ luận thuyết; điều không nên hành mà cứ tu tập.

“Thế nào là người ngu tư niệm điều không nên tư duy? Ở đây, người ngu khởi ba hành của ý, rồi tư duy, ức niệm. Những gì là ba? [608a01] Người ngu khởi tâm ganh tị tài sảnnữ sắc nơi người khác, tâm nghĩ lời ác làm trổi dậy tâm ganh ghét, rằng ‘Mong những cái mà người ấy có thuộc về ta.’ Như vậy người ngu tư duy điều không nên tư duy.

“Thế nào là người ngu luận thuyết điều không nên luận thuyết? Ở đây, người ngu gây bốn tội lỗi nơi miệng. Những gì là bốn? Người ngu thường thích vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Người ngu bốn tội lỗi nơi miệng như vậy.

“Thế là người ngu tạo các hành vi ác? Ở đây, người ngu tạo hành vi ác bởi thân, thường nghĩ đến sát sanh, trộm cắp, dâm dật. Người ngu có hành vi xấu ác như vậy. 

“Như vậy, Tỳ-kheo, người ngu có ba hành tích nầy, người ngu si tập hành ba sự nầy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, người trí có ba sự cần được niệm tưởng tu hành. Những gì là ba? Ở đây, người trí tư duy điều đáng tư duy; luận thuyết điều đáng luận thuyết; hành thiện điều đáng tu hành thiện.

“Thế nào là người trí tư duy điều đáng tư duy? Ở đây, người trí tư duy ba hành vi của ý. Những gì là ba? Người trí không ganh ghét, oán giận, si mê; thường hành chánh kiến, thấy tài sản của người khác không sanh tưởng niệm. Như vậy, người trí tư duy điều đáng tư duy.

“Thế nào là người trí luận thuyết điều đáng luận thuyết? Ở đây, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. Những gì là bốn? Người trí không nói dối, cũng không dạy người khác nói dối, thấy người nói dối, ý không hoan hỷ. Đó gọi là người trí giữ gìn miệng mình. Lại nữa, người trí không nói thêu dệt, ác khẩu, tranh loạn kia đây, cũng không dạy người khiến nói thêu dệt, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Như vậy, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. 

“Thế nào là người trí thành tựu ba hành vi của thân? Ở đây, người trí tư duy thân hành không có điều gì xúc phạm; song người trí lại tự mình không sát sanh, cũng không dạy bảo người sát sanh, thấy người khác giết hại, tâm không hoan hỷ; tự mình không trộm cắp, không dạy bảo người trộm cắp, thấy người khác trộm cắp tâm không hoan hỷ; cũng không dâm dật, thấy nữ sắc của kẻ khác tâm không khởi tưởng, cũng không dạy bảo người khiến hành dâm dật. Nếu thấy người già thì xem như mẹ, người vừa như chị, người nhỏ như em, ý không cao thấp. Người trí đã thành tựu ba hành của thân như vậy. 

“Đó gọi là những hành tích của người trí. 

“Như vậy, này Tỳ-kheo, có ba tướng hữu vi này của hữu vi. [608b01] Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xả ly ba tướng của người ngu. Chớ nên phế bỏ ba điều sở hành của người trí. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 7
 Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp nầy, vì không được giác tri, không được thấy, không được nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe. Những gì là ba? Đó là giới Hiền thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe. Tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền Thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe. Nay, như thân Ta, cùng với các ngươi, thảy đều giác tri cấm giới Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền thánh, thảy đều thành tựu, nên không còn tái sinh nữa, đã đoạn nguồn gốc sanh tử. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tu hành ba pháp này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp rất đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Ba pháp gì? Trẻ khỏe là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Không bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Tuổi thọ bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.

“Lại nữa Tỳ-kheo, tuy có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham đắm này, nhưng lại có ba pháp không đáng mền yêu mà người đời không tham muốn. Ba pháp gì? Tỳ-kheo nên biết, tuy có trẻ khỏe, nhưng ắt sẽ già, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Tỳ-kheo nên biết, tuy có không bệnh, song tất sẽ bệnh, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Tỳ-kheo nên biết, tuy có sống lâu, song tất sẽ chết, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, tuy có trẻ khỏe, nhưng phải tìm cầu cái không già, đến Niết-bàn giới. Tuy có không bệnh, nhưng phải tìm cầu phương tiện để không có cái bệnh. Tuy có sống lâu, nhưng hãy [608c01] tìm cầu phương tiện để không bị chết. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 9
 Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Giống như mùa Xuân, trời mưa đá lớn. Cũng lại như vậy, nếu Như Lai không xuất hiện ở đời, chúng sanh sẽ rơi vào địa ngục. Bấy giờ người nữ vào địa ngục nhiều hơn đối người nam. Vì sao vậy? Tỳ-kheo nên biết, do ba sự nên các loài chúng sanh thân hoại mạng chung rơi vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là tham dục, ngủ nghỉ, trạo cử[56]. Bị ba sự nầy quấn chặt tâm ý, thân hoại mạng chung rơi vào ba đường ác

“Người nữ cả ngày tập hành ba pháp mà tự an trú*.[57] Ba pháp gì? Sáng sớm để cho tâm ganh tị quấn chặt mình. Buổi trưa lại để cho ngủ nghỉ quấn chặt mình. Buổi chiều để cho tâm tham dục quấn chặt mình. Do nhân duyên nầy khiến người nữ kia thân hoại mạng chung sanh vào ba đường dữ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tránh xa ba pháp nầy.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Ganh tị, ngủ, trạo cử;

Tham dục là pháp ác 

Lôi người vào địa ngục,

Cuối cùng không giải thoát.

Vì vậy phải lìa bỏ

Ganh tị, ngủ, trọ cử.

Và cũng xả bỏ dục,

Đừng tạo hành ác kia.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tránh xa sự ganh tị, không có tâm keo kiệt, thường hành huệ thí, không ham ngủ nghỉ, thường hành không nhiễm,[58] không đắm tham dục

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp nầy, tập hành chúng, thân cận chúng, không hề biết chán đủ, lại cũng không thể đến chỗ tĩnh chỉ. Những gì là ba? Đó là tham dục, mà người nào tập pháp nầy, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập uống rượu, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập ngủ nghỉ, ban đầu không chán đủ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có người tập ba pháp nầy, ban đầu không chán đủ, lại cũng không thể đến nơi diệt tận. Cho nên, Tỳ-kheo, thường phải lìa bỏ ba pháp nầy, không gần gũi nó. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.” 

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

Kệ tóm tắt:

Cúng dường, ba thiện căn,

Ba thọ, ba khuất lộ,

Tướng, pháp, ba bất giác,

Mến yêu, xuân, không đủ.[59]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 32574)
Các chuyên gia đã từng nói cơ năng não bộ của con người so với máy vi tính phức tạp nhất trên thế giới lại càng phức tạp hơn.
(Xem: 6434)
Phật Đà Thập Đại Đệ Tử Tán - Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch
(Xem: 11091)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(Xem: 30224)
Đã phát khởi chí nguyện Đại thừa, lại kiên quyết thực hiện chí nguyện ấy, đó thực sự là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, và do đó phải được nhìn đến bằng cung cách của con voi chúa.
(Xem: 30308)
Vua và phu nhân gởi thơ cho Thắng Man, đại lược ca ngợi công đức vô lượng của Như Lai, rồi sai kẻ nội thị tên Chiên Đề La đem thư đến nước A Du Xà... HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 7883)
Tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân.
(Xem: 12030)
Bảy Đức Thế Tôn quá khứ từ Thế Tôn Tỳ Bà Thi, Thế Tôn Thích Ca, và chư Thế Tôn vị lai đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ sự chứng ngộ sự thật Duyên khởi.
(Xem: 12155)
Trong các bản Kinh Pháp Cú, phổ biến nhất hiện nay là Kinh Pháp Cú Nam Truyền, tức là Kinh Pháp Cú dịch theo Tạng Pali.
(Xem: 11492)
Có lần Đức Phật sống tại Rajagaha (Vương Xá) trong Khu Rừng Tre gần Nơi Nuôi Những Con Sóc. Lúc bấy giờ, vị Bà La Môn tên là Akkosa Bharadvaja đã nghe người ta đồn đãi như sau:
(Xem: 12570)
Tôi nghe như vầy. Có lần Đức Phật, trong khi đi hoằng pháp ở nước Kosala nơi có một cộng đồng rất đông Tỳ Kheo, ngài đi vào một tỉnh nhỏ nơi cư trú của người Kalama
(Xem: 34442)
Quy Sơn Cảnh Sách Học Giải - Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu; Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải
(Xem: 9721)
Kinh này khởi đầu bằng lời người Bà La Môn hỏi rằng làm thế nào người ta có thể tự thanh tịnh hóa khi nhìn thấy một vị Thượng nhân đã Thanh tịnh,
(Xem: 52110)
Nguyên xưa ngài Quán Nguyệt Pháp sư đem hai thời kinh khóa tụng: Mai đóng chung và chiều nhập chung lại làm một đại thể làm một tập lớn. - Chú giải: Ngài Quán Nguyệt; Dịch giả: HT Thích Khánh Anh
(Xem: 10620)
Tôi nghe như vậy: Một thời, đức Thế Tôn trú tại thành phố Śrāvastī (Xá-vệ), nơi rừng cây Jeta (Kì-đà), vườn của Ông Anāthapiṇḍada (Cấp-cô-độc),
(Xem: 10382)
Bài kinh này trong đoạn cuối (bài kệ 787), câu “không nắm giữ gì, cũng không bác bỏ gì” được Thanissaro Bhikkhu ghi chú rằng ...
(Xem: 10584)
Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại sĩ Akṣayamatir[1] từ chỗ ngồ đứng dậy, vắt thượng y[2] qua một bên vai, chắp hai tay[3] hướng về đức Thế Tôn và thưa rằng:
(Xem: 10338)
Khi khảo sát về PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM, chúng tôi tự nghĩ, chúng ta cần phải biết Bồ-Đề là gì? Bồ-Đề Tâm là thế nào? Phát Bồ-Đề Tâm phải học theo những Kinh, Luận nào?
(Xem: 12972)
Đại ý bài kinh này Đức Phật dạy chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không nên ước vọng tương lai vì quá khứ đã đoạn tận.
(Xem: 16074)
Evaṃ me sutaṃ, “như vầy tôi nghe”, là lời Ngài Ananda bắt đầu mỗi bài kinh mà có lẽ không Phật tử nào là không biết.
(Xem: 21643)
Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538), thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm.
(Xem: 9517)
Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử này thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào.
(Xem: 7003)
Sa-môn Thích Đàm Cảnh dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc, vào thời Tiêu-Tề (479-502). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, tại Canada, năm 2018.
(Xem: 10296)
Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật.
(Xem: 12519)
Nguyên tác Hán văn: Tì-kheo Linh Diệu, tông Thiên Thai soạn - Dịch sang tiếng Việt: Thích Thọ Phước
(Xem: 12648)
Ngài Buddhaghosa sanh ra và lớn lên nước Magadha, thuộc Trung Ấn Độ, vào thế kỷ thứ V trong ngôi làng Ghosa, gần địa danh nơi đức Phật thành đạo Bodhigaya
(Xem: 16112)
Nghiên Cứu Về Kinh A Hàm (Ãgama, Sanscrist)
(Xem: 16393)
Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy".
(Xem: 13732)
Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá.
(Xem: 16404)
Vào thời Đức Thích-ca-mâu-ni, không có hệ thống chữ viết được phổ biếnẤn Độ. Do đó, những thuyết giảng của Ngài được ghi nhớ và ...
(Xem: 11953)
"Lại nữa, lúc bấy giờ Mahāmati thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, ngài đã từng dạy rằng: từ lúc Như Lai chứng nghiệm giác ngộ cho đến...
(Xem: 13693)
Kinh Địa Tạng là một trong các kinh Đại thừa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay song song với các kinh Kim Cương, Di Đà, Phổ Môn...
(Xem: 14227)
Nguyên tác: Tôn giả Thế Thân (Acarya Vasubandhu) - Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng; Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh
(Xem: 9116)
No. 1613 - Nguyên tác: Tôn giả An Huệ; Dịch Hán: Tam Tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la; Dịch Việt: Tâm Hạnh
(Xem: 11663)
Duy thức nhị thập luận, do bồ tát Thế Thân soạn, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường... được thu vào Đại chính tạng, tập 31, No.1590.
(Xem: 11186)
Bồ-tát Trần Na tạo luận. Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch. Việt dịch: Quảng Minh
(Xem: 16125)
Nghe như vầy, một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm vị. Bấy giờ các thầy Tỳ Kheo...
(Xem: 14258)
No. 699; Hán dịch: Đời Đại Đường, Trung Thiên Trúc, Tam tạng Pháp sư Địa bà ha la, Đường dịch là Nhật Chiếu
(Xem: 16103)
Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, bắt đầu chuyển pháp-luân, độ cho năm vị Tỳ-Khưu là Tôn-giả Kiều-Trần-Như v.v... Sau cùng, Ngài thuyết pháp độ cho ông Tu-bạt-đà-la.
(Xem: 12613)
Kinh Phạm Võng nằm trong Đại Chánh Tạng, tập 24, ký hiệu 1484, gọi đủ là Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập
(Xem: 11936)
Phật thuyết-giảng Kinh Phạm-Võng để dạy về giới-luật, và các pháp cao-siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến-chấp vốn là các tà-kiến đã...
(Xem: 11683)
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đây,,,
(Xem: 15546)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0434; Dịch Phạn - Hán: Tam Tạng Cát-ca-dạ, Dịch Hán - Việt và chú: Tỳ-kheo Thích Hạnh Tuệ; Hiệu đính: HT Thích Như Điển
(Xem: 11403)
Đời Đường, Thận Thủy Sa Môn Huyền Giác Soạn; Thánh Tri dịch nghĩa Việt và viết bài học giải...
(Xem: 13927)
Phật giáo được khai sáng ở Ấn-độ vào năm 589 trước kỉ nguyên tây lịch (năm đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo), và đã tồn tại liên tục, phát triển không ngừng trên ...
(Xem: 11907)
Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Dược Sư là một bản kinh thường được trì tụng nhằm mục đích giải trừ tật bệnh, cầu nguyện bình an...
(Xem: 12511)
Thích-ca là phiên âm của tiếng Phạn. Phiên âm Hán Việt là Năng Nhân. Tức là họ của đấng hóa Phật ở cõi Ta-bà...
(Xem: 14853)
Kinh chuyển Pháp luân là bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật Thích-ca sau khi Ngài đã đắc đạo.
(Xem: 11878)
Ba Ngàn Oai Nghi Của Vị Đại Tỳ Kheo - Được xếp vào tập T24 - Kinh số 1470 - Tổng cộng kinh này có 2 quyển
(Xem: 13022)
Những gì xảy ra trong thế giới này đều bị qui luật Nhân quả chi phối. Mọi thứ xuất hiện ở đời đều có nhân duyên. Hạnh phúcthế gian hay Niết bàn của người tu đạo không ra ngoài qui luật ấy.
(Xem: 14382)
Satipatthana Sutta là một bản kinh quan trọng làm nền tảng cho một phép thiền định chủ yếu trong Phật giáo là Vipassana...
(Xem: 20530)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bài Kinh được truyền bá khá rộng rải ở các Tồng Lâm Tự Viện của Trung QuốcViệt Nam từ xưa đến nay.
(Xem: 13101)
Bản dịch này được trích ra từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Vol. 48, No. 2010. Bởi vì lời dạy của Tổ Tăng Xán quá sâu sắc, súc tích, và bao hàm trong 584 chữ Hán,
(Xem: 10853)
Dịch từ Phạn sang Tạng: Kluḥi dbaṅ-po, Lhaḥi zla-ba; Dịch Tạng sang Việt: Phước Nguyên
(Xem: 20561)
Trí Phật là trí Kim – cang, Thân Phật là thân Kim – Sắc, cõi Phật là cõi Hoàng – kim, lời Phật tất nhiên là lời vàng.
(Xem: 14227)
Bấy giờ Hòa Thượng Vakkali nhìn thấy Đức Phật đang đi đến từ xa, và ông đã cố gắng ngồi dậy.
(Xem: 20150)
Xin dâng hết lên Tam Bảo chứng minh và xin Quý Ngài cũng như Quý Vị tùy nghi xử dụng in ấn tiếp tục hay trì tụng cũng như cho dịch ra những ngôn ngữ khác...
(Xem: 17462)
Niệm Phật Tâm Muội do HT Hư Vân soạn, Sa môn Hiển Chơn dịch; Tọa Thiền Dụng Tâm Ký do Viên Minh Quốc Sư soạn, HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 13851)
Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ngài soi thấy năm uẩn đều KHÔNG, liền qua hết thảy khổ ách.
(Xem: 31738)
Viết ra các bài Phật học thường thức này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu toàn bộ Phật pháp và chỉ cốt giúp cho các bạn sơ cơ hiểu được một cách đúng đắn, đạo lý năm thừa trong Phật giáo mà thôi.
(Xem: 11906)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Kinh văn số 1675. Tác giả: Long Thọ Bồ Tát; Sa Môn Sắc Tử dịch Phạn sang Hán; HT Thích Như Điển dịch Việt
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant