Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Phẩm 43: Mã huyết Thiên tử vấn bát chính

01 Tháng Năm 201100:00(Xem: 10028)
Phẩm 43: Mã huyết Thiên tử vấn bát chính

KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)

TÁM PHÁP
43. PHẨM THIÊN TỬ MÃ HUYẾT HỎI TÁM CHÍNH

KINH SỐ 1[62]
[756a07] Tôi nghe như vầy.

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Khi thiên tử Mã Huyết,[63] vào lúc giữa đêm,[64] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Thế Tôn

“Vừa rồi, con có ý nghĩ như vầy: ‘Trên mặt đất có thể đi bộ qua hết thế giới này được không?’ Nay con xin hỏi Thế Tôn có thể bằng đi bộ để đi đến tận cùng thế giới này không?”[65]

Thế Tôn bảo: 

“Nay ông với ý nghĩa nào mà hỏi điều này?”

Thiên tử bạch Phật

“Ngày xưa, có một lần con đến chỗ Phạm thiên Bà-già.[66] Phạm thiên thấy con từ xa đến, liền nói với con: ‘Hoan nghinh, Thiên tử Mã Huyết! Nơi này là cõi vô vi, không sanh, không già, không bịnh, không chết, không bắt đầu, không kết thúc, không sầu ưu, khổ não.’[67] Khi ấy, con suy nghĩ nghĩ: ‘Đây có phải là con đường dẫn đến Niết-bàn? Vì sao vậy? Vì trong Niết-bàn không có sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não. Đó là chỗ tận cùng của thế giới. Nếu đó đúng là chỗ tận cùng của thế giới thì có thể đi bộ qua thế gian.’”

Thế Tôn bảo: 

“Vậy thần túc của ông như thế nào?”

Thiên tử bạch Phật

“Giống như lực sĩ giỏi thuật bắn, mũi tên bay đi mà không bị cản. Ở đây đức thần túc của con cũng không bị chướng ngại như vậy.”

Thế Tôn bảo rằng: 

“Nay Ta hỏi ông, tùy theo sở thíchtrả lời. Giống như có bốn người nam giỏi thuật bắn tên. Bốn người bắn về bốn hướng. Nếu có người đi đến, với ý muốn thu hết tên bốn hướng, khiến không rơi xuống đất. Thế nào, Thiên tử, người này rất là mau lẹ phải không, mới có thể khiến cho tên không rơi xuống đất? Thiên tử, nên biết, trước khi mặt trời, mặt trăng lên, có vị thiên tử đi bộ nhanh. Ông đi lại, tiến dừng, còn nhanh chóng hơn người gom tên này. Nhưng cung điện mặt trời, mặt trăng đi còn lẹ hơn cả người gom tên và vị thiên tử này. Tính gom sự mau lẹ của người kia, vị thiên tử, cùng cung điện mặt trời mặt trăng, vẫn không bằng sự mau lẹ của trời Tam thập tam. Tính sự mau lẹ của trời Tam thập tam không bằng sự mau lẹ của trời Diễm. Thần đức mà các chư Thiên có được như vậy đều không bằng nhau. Giả sử nay ông có thần đức này như các vị thiên kia, từ kiếp này sang kiếp khác cho đến trăm kiếp, ông cũng không thể nào đi đến chỗ tận cùng của thế giới. Vì sao vậy? Vì phương vực địa giới không thể tính toán được.

“Thiên tử, nên biết, vào đời quá khứ lâu xa, Ta từng làm vị tiên tên Mã Huyết giống tên như ông, ái dục đã sạch, bay giữa hư không không gì ngăn ngại. Khi ấy, thần túc của Ta khác với mọi người, trong khoảnh khắc búng ngón tay, đã có thể thu những mũi tên từ bốn hướng này khiến không cho rơi xuống. Lúc ấy, do có thần túc này nên Ta suy nghĩ: ‘Nay Ta có thể bằng thần túc này đi đến tận cùng mé bờ thế giới hay không?’ Ta liền đi khắp thế giới nhưng không thể đến chỗ tận cùng bờ cõi của nó. Sau khi qua đời, ta liền tiến tu đức nghiệp mà thành Phật đạo. Dưới cây thọ vương, ngồi ngay thẳng tư duy về những việc làm đã từng trải xưa kia. Trước kia vốn là Tiên nhơn, đã dùng thần đức này mà vẫn không thể đến chỗ tận cùng mé bờ của nó. Vậy phải dùng thần lực gì để đến chỗ cứu cánh tận cùng của nó? Bây giở Ta lại suy nghĩ: ‘Cần phải nương vào tám phẩm đạo Hiền thánh, sau đó mới đạt đến chỗ tận cùng biên tế sanh tử.

“Những gì là tám phẩm đạo Hiền thánh? Đó là, chánh kiến, chánh tư duy*, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn*, chánh niệm và chánh định*. Thiên tử, lại nữa, nên biết, đó gọi là tám phẩm đạo Hiền thánh, khiến đạt đến chỗ tận cùng biên tế của thế giới. Hằng sa chư Phật trong quá khứ đã đạt đến chỗ tận cùng của thế giới, tất cả đều bằng tám phẩm đạo Hiền thánh này để dạt cứu canh thế giới. Giả sử chư Phật trong tương lai mà xuất hiện, cũng sẽ bằng tám phẩm đạo Hiền thánh này để đạt đến chỗ tận cùng biên tế.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói bài kệ này:

Chân bước không cứu cánh 

Đến tận cùng thế giới.

Mặt đất rộng vô cùng

Thần túc chẳng thể vượt.

Kẻ phàm ý giả tưởng, 

Khởi mê hoặc trong đó.

Không rõ pháp chơn chánh, 

Trôi lăn trong năm đường.

Tám phẩm đạo Hiền thánh

Lấy đó làm thuyền bè,

Sở hành của chư Phật, 

Đạt cùng tận thế gian.

Giả sử Phật tương lai, 

Di Lặc cùng tất cả,

Cũng bằng tám phẩm đạo 

Đến tận cùng thế giới.

Cho nên, người có trí 

Tu đạo Hiền thánh này,

Ngày đêm hành tu tập

Liền đến chỗ vô vi.

Thiên tử Mã Huyết sau khi nghe Như Lai nói tám phẩm đạo Hiền thánh, liền ở trên chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Lúc ấy, thiên tử liền đảnh lễ sát đất, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi. Ngay ngày hôm ấy, thiên tử kia liền dùng đủ loại hoa trời rải lên Như Lai, rồi nói kệ này:

Trôi lăn mãi sanh tử

Muốn đi tận thế giới.

Tám phẩm đạo Hiền thánh,

Không biết lại không thấy.

Nay con đã kiến đế

Lại nghe tám phẩm đạo,

Liền được tận bờ mé, 

Nơi Chư Phật đã đến.

Thế Tôn ấn khả những điều thiên tử kia nói. Thiên tử kia thấy Thế Tôn đã ấn khả, liền đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi lui đi.

Thiên tử kia sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2[68]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay Ta sẽ nói trai pháp tám quan của Hiền thánh.[69] Các ngươi hãy ghi nhớ kỹ, tùy hỷphụng hành.”

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo: 

“Sao gọi là trai pháp tám quan? Một là không sát sanh, hai là không lấy của không cho, ba là không dâm dục, bốn là không nói dối, năm là không uống rượu, sáu là không ăn phi thời, bảy là không nằm ngồi trên giường cao rộng, tám là tránh xa việc đờn ca xướng hát và xoa hương thơm vào mình. Tỳ-kheo, đó gọi là trai pháp tám quan của Hiền thánh.”

Lúc ấy, Ưu-ba-y bạch Phật

“Tu hành trai pháp tám quan như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Này Ưu-ba-ly, thiện nam, thiện nữ vào ngày thứ 8, 14, 15[70] đến chỗ Sa-môn hoặc Tỳ-kheo trưởng lão, tự xưng tên họ rằng, ‘Con từ sáng đến tối,[71] như A-la-hán, giữ tâm không di động, không dùng dao gậy gia hại chúng sanh, ban vui khắp tất cả. Nay con thọ trai pháp, nhất thiết không vi phạm, không khởi tâm sát. Con tu tập [757a01] giáo pháp Chân nhân kia, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không ăn quá ngọ, không ngồi chỗ cao rộng, không tập ca múa xướng hát và thoa hương vào mình.’ Nếu người có trí tuệ, hãy nói như vậy. Nếu là người không có trí huệ, nên dạy nói như vậy. 

“Lại nữa, Tỳ-kheo kia nên chỉ dạy từng điều một, đừng để sai sót, cũng đừng để vượt quá. Lại nên dạy cho phát thệ nguyện.”

Ưu-ba-ly bạch Phật

“Nên phát nguyện như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Người ấy nguyện rằng: ‘Nay con bằng trai pháp tám quan này sẽ không đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng không rơi vào nơi tám nạn, không ở biên địa, không rơi vào nơi tệ ác, không theo tri thức ác; con phụng sự cha mẹ chân chánh không có tà kiến, sanh vào trung bộ, được nghe pháp thiện, tư duy phân biệt, thành tựu pháp tùy pháp; đem công đức trai pháp này nhiếp lấy pháp lành của tất cả chúng sanh; đem công đức này bố thí cho họ giúp cho người kia thành Đạo Vô thượng Chánh chơn; đem phước của thệ nguyện này bố thí để thành tựu ba thừa khiến cho không bị thối lui giữa chừng. Lại đem trai pháp tám quan này để học Phật đạo, Bích-chi-phật đạo, A-la-hán đạo. Những người học chánh pháp ở các thế giới cũng đều tập theo nghiệp này. Giả sử trong tương lai, khi Phật Di-lặc xuất hiện ở đời, Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, người nào gặp hội kia thì sẽ được độ ngay. Khi Phật Di Lặc xuất hiện ở đời, có ba hội Thanh văn. Hội đầu có chín mươi sáu ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ hai có chín mươi bốn ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ ba có chín mươi hai ức chúng Tỳ-kheo, đều là A-la-hán các lậu đã sạch. Cũng gặp vua cùng giáo thọ sư của đất nước kia.’ Dạy như vậy, không đề cho thiếu xót.”

Ưu-ba-ly bạch Thế Tôn

“Nếu thiện nam, thiện nữ kia tuy trì trai tám quan nhưng không phát thệ nguyện, há không được công đức lớn hay sao?”

Thế Tôn bảo: 

“Tuy được phước kia, nhưng phước không đáng nói. Vì sao vậy? Nay Ta sẽ nói.

“Trong đời quá khứ, có vua tên là Bảo Nhạc cai trị bằng pháp, không có tà vạy, thống lãnh cõi Diêm phù đề này. Bấy giờ, có Phật tên Bảo Tạng Như Lai, Chí chơn Đẳng chánh giác, Minh Hạnh Túc*, Thiện Thệ* Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự trượng phu*, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn* xuất hiện ở đời. Vua kia có người con gái tên Mâu-ni, dung mạo đặc thù, mặt như màu hoa đào, đều do đời trước cúng dường chư Phật mà được như vậy. Bấy giờ, Phật kia cũng có ba hội chúng. Hội đầu tiên gồm chúng một ức sáu vạn tám ngàn Tỳ-kheo. Hội thứ nhì gồm chúng một ức sáu vạn Tỳ-kheo. Hội thứ ba gồm chúng một ức ba vạn Tỳ-kheo, đều là A-la-hán các lậu hoặc đã sạch.

“Khi ấy, Phật kia thuyết pháp như vậy cho các đệ tử: ‘Các Tỳ-kheo, hãy nhớ nghĩ toạ thiền, chớ có biếng nhác. Lại hãy tìm cầu phương tiện tụng tập kinh, giới.’ Thị giả của Phật kia tên là Mãn Nguyện, đa văn đệ nhất, như Tỳ-kheo A-nan đa văn tối thắng hôm nay của Ta. Lúc ấy, Tỳ-kheo Mãn Nguyện kia bạch Phật Bảo Tạng: ‘Có những Tỳ-kheo các căn ám độn, cũng không siêng năng đối với pháp thiền định, lại cũng không tụng tập, Thế Tôn đặt họ vào nhóm nào?’ 

“Phật Bảo Tạng bảo: ‘Nếu có Tỳ-kheo nào các căn ám độn, không thể hành pháp thiền, nên tu ba nghiệp pháp thượng nhân. Thế nào là ba? Toạ thiền, tụng kinh, khuyến hóa.’ Như vậy, Phật kia thuyết pháp vi diệu cho các đệ tử như thế.

“Bấy giờ, có Tỳ-kheo trưởng lão không thể tu hành pháp thiền. Tỳ-kheo ấy suy nghĩ nghĩ: ‘Nay ta tuổi già yếu, không thể tu pháp thiền kia. Vậy ta nên thỉnh nguyện hành pháp khuyến trợ.’ Lúc ấy, Tỳ-kheo trưởng lão kia vào trong thành Dã mã xin dầu mè đốt đuốc, hàng ngày đến cúng dường Như Lai Bảo Tạng, khiến cho ánh sáng không dứt.

“Khi ấy, Công chúa Mâu-ni thấy Tỳ-kheo trưởng lão này đi khắp các nẻo đường để cầu xin, liền hỏi: ‘Tỳ-kheo, hôm nay thầy cầu xin vật gì vậy?’ Tỳ-kheo đáp: ‘Công chúa, nên biết, tuổi tôi đã già yếu, không thể hành pháp thiền, cho nên cầu xin dầu để cúng dường Phật, thắp sáng liên tục cho Phật.’ Công chúa khi nghe danh hiệu Phật, vui mừng hớn hở không thể tự chế, bạch với Tỳ-kheo trưởng lão: ‘Tỳ-kheo, thầy chớ cầu xinnơi khác. Chính tôi sẽ cung cấp, cúng dường hết cả dầu lẫn đèn.’

“Từ đó, Tỳ-kheo trưởng lão nhận sự bố thí của cô ấy, hàng ngày lấy dầu cúng dường Như Lai Bảo Tạng và nguyện đem công đức này hồi hướng Đạo Vô thượng Chánh chơn, miệng tự nói rằng: ‘Con tuổi đã già yếu, các căn lại chậm lụt, không có trí huệ để tu thiền, xin nhờ công đức này mà khỏi đoạ vào ác thú, trong tương lai được gặp Thế Tôn giống như Như Lai Bảo Tạng ngày nay, gặp Thánh chúng như Thánh chúng ngày nay, thuyết pháp cũng như ngày nay.’ Như Lai Bảo Tạng biết được tâm niệm của Tỳ-kheo ấy liền mỉm cười, miệng phát ra ánh sáng năm màu và nói rằng: ‘Trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp nữa ông sẽ thành Phật, hiệu là Như Lai Đăng Quang, Chí chơn đẳng chánh giác.’ Bấy giờ, Tỳ-kheo trưởng lão hết sức vui mừng, thân tâm kiên cố, ý không thối chuyển, vẻ mặt rạng rở khác với ngày thường.

“Khi thấy Tỳ-kheo ấy có nhan sắc khác thường, công chúa Mâu-ni liền hỏi: ‘Hôm nay nhan sắc của thầy cực kỳ vi diệu, rạng rỡ khác với ngày thường. Có điều gì đắc ý chăng?’ Tỳ-kheo đáp: ‘Công chúa nên biết, vừa rồi, tôi đã được Như Lai rưới nước cam lộ lên đảnh đầu.’ Công chúa Mâu-ni hỏi, ‘Như Lai rưới nước cam lồ lên đảnh là như thế nào?’ Tỳ-kheo đáp: ‘Tôi được Như Lai Bảo Tạng thọ ký rằng qua vô số a-tăng-kỳ kiếp trong tương lai tôi sẽ thành Phật, hiệu là Như Lai Đăng Quang, Chí chơn đẳng chánh giác, nên thân tâm tôi kiên cố, ý không thối chuyển. Công chúa, tôi đã được Như Lai ấy thọ ký như vậy.’ Công chúa hỏi: ‘Đức Phật ấy có thọ ký cho tôi không?’ Tỳ-kheo trưởng lão đáp: ‘Tôi cũng không biết Ngài có thọ ký cho cô hay không?’

“Sau khi nghe Tỳ-kheo nói, công chúa liền đi cỗ xe lộng lẫy* đến chỗ Như Lai Bảo Tạng, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi qua một phía, và bạch Phật rằng: “Nay con là thí chủ thường cúng dầu, nhưng Thế Tôn không thọ ký, mà thọ ký Tỳ-kheo kia.’ Như Lai Bảo Tạng đáp: ‘Phát tâm cầu nguyện còn được phước khó lường, huống gì là đem của cải bố thí.’ Công chúa Mâu-ni nói: ‘Nếu Như Lai không thọ ký cho con thì con sẽ tự đoạn mạng căn.’ Bảo Tạng Như Lai đáp: ‘Phàm mang thân người nữ thì không thể mong làm Chuyển luân Thánh vương, không thể mong làm Đế Thích, không thể mong làm Phạm Thiên, không thể mong làm Ma vương, cũng không thể mong làm Như Lai.’ Công chúa hỏi, ‘Con nhất định không thể thành đạo Vô thượng hay sao?’ Phật Bảo Tạng đáp: ‘Có thể. [758a01] Này Mâu-ni nữ, cô có thể thành đạo Vô thượng Chánh chơn. Nhưng, công chúa nên biết, vô số a-tăng-kỳ kiếp trong tương lai có Phật xuất thế, là thiện tri thức của cô. Vị Phật ấy sẽ thọ ký cho cô.’ Khi ấy, công chúa bạch Phật rằng: ‘Người nhận thanh tịnh, còn thí chủ thì uế trược hay sao?’ Phật Bảo Tạng bảo: ‘Điều Ta nói ở đây là tâm ý thanh tịnh, phát nguyện kiên cố.’ Công chúa nói xong, liền đứng dậy, đảnh lễ sát đất, nhiễu Phật ba vòng rồi ra đi.

“Ưu-ba-ly, nên biết, qua vô số a-tăng-kỳ kiếp, Phật Đăng Quang mới xuất hiện ở đời, hoá độ nước lớn Bát-đầu-ma, có chúng Tỳ-kheo gồm mười sáu vạn tám ngàn người vây quanh, được nhà vua và nhân dân đến cúng dường. Lúc ấy, trong nước có vua tên Đề-bà-duyên-na trị đời đúng pháp, thống lãnh cảnh giới Diêm phù này.

“Bấy giờ, vua thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo thọ thực. Vào buổi sáng, Phật Đăng Quang đắp y cầm bát, dẫn các Tỳ-kheo nào thành. Trong lúc ấy, có bà-la-môn tên Di-lặc,[72] dung mạo tuấn tú, một mình nổi bật trên tất cả đại chúng, y như Phạm thiên; tụng đọc thông suốt các bộ kinh, hiểu rõ các bộ sách và các chú thuật, thông suốt thiên văn địa lý; không thứ gì không biết. Khi từ xa trông thấy Phật Đăng Quangdung mạo đặc biệt hiếm có trên đời, các căn vắng lặng, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, trang nghiêm thân, ông ấy liền sanh tâm hoan hỷ, phát sanh thiện tâm, suy nghĩ rằng: “Trong sách có nói Như Lai xuất hiện ở đời là việc rất khó gặp, lâu lắm mới có một lần. cũng như hoa Ưu đàm lâu lắm mới nở. Ta cần phải đến xem thử.’

“Bà-la-môn bèn tự tay cầm năm bông hoa đến chỗ Thế Tôn, và nghĩ rằng, ‘Ai có ba mươi hai tướng, người ấy được gọi là Phật.’ Ông đem năm nhánh hoa rải lên thân Như Lai, và tìm ba mươi hai tướng nhưng chỉ thấy ba mươi tướng, còn hai tướng nữa thì không thấy, tức thì trong lòng hồ nghi rằng, vì sao ta quan sát Thế Tôn mà không thấy tướng lưỡi dài và tướng mã âm tàng. Ông ấy liền nói kệ:

Nghe có ba hai tướng 

Của bậc Đại trượng phu.

Nay không thấy hai tướng. 

Có đủ tướng hảo chăng?

Thiếu tướng mã âm tàng

Trinh khiết không dâm chăng?

Không thấy tướng lưỡi dài, 

Liếm tai, che khắp mặt.

Mong hiện tướng cho thấy, 

Để con sạch nghi ngờ.

Xin cho con được thấy 

Tướng mã âm và lưỡi.

“Khi ấy, Phật Đăng Quang liền nhập định, khiến cho bà-la-môn thấy hai tướng đó. Phật Đăng Quang lại hiện tướng lưỡi rộng dài liếm đến hai tai và phóng ra ánh sáng lớn. Ánh sáng ấy sau đó trở vào đỉnh đầu. Khi bà-la-môn thấy Như Lai có đầy đủ ba mươi hai tướng, hết sức vui mừng, nói rằng: ‘Cúi nguyện Thế Tôn xem xét, con xin dâng lên Như Lai năm bông hoa này và xin đem thân này cúng dường Thế Tôn.’ Sau khi vị ấy phát nguyện, năm bông hoa liền biến thành đài báu trên không trung hết sức vi diệu, có bốn trụ, bốn cổng; thấy có đài lưới ngọc; vị ấy rất vui mừng, lại phát nguyện rằng: ‘Xin cho trong tương lai con được làm Phật như Phật Đăng Quang. Đệ tử đi theo cũng y như vậy.’

“Biết những ý nghĩ trong tâm bà-la-môn, Phật Đăng Quang liền mỉm cười. Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, nếu khi thọ ký Thế Tôn mỉm cười thì miệng phát ra ánh sáng năm màu, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Khi ánh sáng đã chiếu ba nghìn đại thiên thế giới thì ánh sáng mặt trời mặt trăng không còn. Sau ssod, ánh sáng trở vào trên đảnh. Nếu lúc Như Lai thọ ký làm Phật thì ánh sáng nhập vào trên đảnh. Nếu lúc thọ ký Bích-chi-phật thì ánh sáng từ miệng phát ra rồi vào lại trong miệng.[73] Nếu thọ ký Thanh văn thì ánh sáng nhập vào vai. Nếu thọ ký sanh thiên thì lúc ấy ánh sáng nhập vào trong cánh tay. Nếu thọ ký sanh làm người thì lúc ấy ánh sáng nhập vào hai bên hông. Nếu thọ ký sinh ngạ quỷ thì ánh sáng vào nách. Nếu thọ ký sinh súc sanh thì ánh sáng vào đầu gối. Nếu thọ ký sinh địa ngục thì ánh sáng vào gót chân.

“Lúc ấy, Bà-la-môn thấy ánh sáng vào đỉnh, vui mừng hớn hở không xiết kể, liền trải tóc lên đất và nói lời này: ‘Nếu Như Lai không thọ ký cho con thì ngay chỗ này con tự đọan các căn.’ Phật Đăng Quang biết những ý nghĩ trong tâm Bà-la-môn Phật Đăng Quang, liền bảo: ‘Ông hãy mau đứng dậy. Đời vị lai Ông sẽ thành Phật, hiệu Thích-ca Văn Như Lai, Chí chơn đẳng chánh giác.’ 

“Ma-nạp sau khi nghe Phật thọ ký, sinh lòng hớn hở không xiết kể, liền ngay nơi đó mà đắc biến hiện tam-muội, vọt lên hư không cách mặt đất bảy nhẫn, chấp tay hướng về Như Lai Đăng Quang.

“Này Ưu-ba-ly, Ông chớ có nhận xét ai khác. Tỳ-kheo trưởng lão vào thời Như Lai Bảo Tạng lúc bấy giờ, không ai khác mà chính là Như Lai Đăng Quang lúc ấy. Còn công chúa Mâu-ni lúc chính là Ta lúc bấy giờ. Lúc ấy, Như Lai Bảo Tạng đã đặt tên hiệu cho Ta là Thích-ca Văn. Nay Ta vì nhân duyên ấy nên nói trai pháp tám quan này. Hãy phát thệ nguyện. Không nguyện thì không quả. Vì sao vậy? Nếu người nữ kia phát thệ nguyện, ngay kiếp ấy thành tựu sở nguyện đó. Nếu Tỳ-kheo trưởng lão không phát thệ nguyện, thì trọn không thành Phật đạo. Phước của thệ nguyện không thể ghi kể, dẫn đến chỗ cam lồ diệt tận. 

“Này Ưu-ba-ly, Ông hãy học điều này như vậy.”

Ưu-ba-ly sau khi nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3[74]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại nước Ma-kiệt, gần bên bờ sông,[75] cùng năm trăm chúng đại Tỳ-kheo, .

Bấy giờ, Thế Tôn thấy giữa dòng sông có một khúc gỗ lớn bị nước cuốn trôi, liền ngồi dưới một gốc cây bên bờ sông. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi có thấy khúc gỗ bị nước cuốn trôi không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật

“Bạch, chúng con có thấy!”

Thế Tôn bảo: 

“Nếu khúc gỗ này không vướng bờ này, không vướng bờ kia, không chìm giữa dòng, không bị tấp lên bờ, không bị người vớt, không bị phi nhân vớt, không bị dòng nước xoáy, không bị mục rã, nó sẽ trôi dần đến biển. Vì sao vậy? Vì biển là nguồn gốc của các dòng sông. Tỳ-kheo, các ngươi cũng như vậy. Nếu không không đắm bờ này, không đắm bờ kia, không chìm giữa dòng, không tấp lên bờ, không bị người bắt giữ, không bị phi nhân bắt giữ, cũng không bị nước xoáy, cũng không bị mục rã, dần dần các ngươi sẽ xuôi đến Niết-bàn. Vì sao vậy? Xuôi đến Niết-bàn là chánh kiến,[76] chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn*, chánh niệm, chánh định. Đó là nguồn gốc của Niết-bàn.”

Bấy giờ, có người chăn bò tên Nan-đà[77] đang đứng chống gậy. Người chăn bò từ xa nghe những lời nói như vậy, bèn đi lần đến chỗ Thế Tôn mà đứng. Bấy giờ người chăn bò bạch Thế Tôn

“Nay con cũng không vướng bờ này, không vướng [759a01] bờ kia, không chìm giữa dòng, không tấp lên bờ, không bị người vớt, chẳng bị phi nhân vớt, không bị dòng nước xoáy, cũng chẳng mục rã, dần dần xuôi về Niết-bàn. Cúi xin Đức Thế Tôn cho phép con ở trong đạo này được làm sa môn.”

Thế Tôn bảo: 

“Ngươi hãy trả bò cho chủ rồi sau đó mới được làm sa môn.”

Người chăn bò Nan-đà thưa: 

“Những con bò này nhớ nghé con, nên chúng nó tự sẽ về nhà. Cúi xin Thế Tôn cho phép con đi theo đạo này.”

Thế Tôn bảo: 

“Những con bò này tuy sẽ tự trở về nhà, nhưng ông cần phải về giao lại cho chủ.”

Lúc ấy, người chăn bò vâng lời Phật dạy, trở về giao bò, rồi trở lại chỗ Phật, bạch Thế Tôn

“ Nay con đã giao bò. Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm sa môn.”

Như Lai liền chấp thuận ông làm sa-môn, thọ giới cụ túc.

Có một Tỳ-kheo khác bạch Thế Tôn

“Sao gọi là bờ này? Sao gọi là bờ kia? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là tấp lên bờ? Thế nào là bị người bắt giữ? Thế nào là bị phi nhân bắt giữ? Thế nào là bị dòng nước xóay? Thế nào là bị mục rã?”

Phật bảo các Tỳ-kheo: 

“Bờ này là chỉ thân. Bờ kia là thân diệt tận. Chìm giữa dòng là dục ái. Tấp lên bờ là năm dục. Bị người bắt giữ là, như có thiện gia nam tử phát thệ nguyện này: ‘Do phước lành công đức này tôi sẽ làm vua nước lớn, hoặc làm đại thần.’ Bị phi nhân bắt giữ là, như có Tỳ-kheo phát nguyện như vầy: ‘Tôi sẽ sinh lên trời Tứ thiên vương mà hành phạm hạnh. Nay ta đem công đức nguyện sanh về các cõi trời.’ Đó gọi là bị phi nhân bắt giữ. Bị dòng nước xoáy, đó là tà nghi. Mục rã là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Đó là mục rã.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo Nan-đà ở tại chỗ vắng vẻ, tự khắc cần tu tập, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, cho đến, tự biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Ông ở ngay trên chỗ ngồi thành A-la-hán.

Nan-đà sau khi nghe những gì nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4[78]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại Ca-lan-đà, Trúc viên, thành La-duyệt, cùng năm trăm Tỳ-kheo.

Lúc ấy, Đề-bà-đạt-đâu* đã mất thần túc. Thái tử A-xà-thế mỗi ngày sai đem năm trăm nồi cơm cúng dường ông. Khi các Tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đâu đã mất thần túc, lại được A-xà-thế cúng dường, cùng nhau dẫn đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Phật

“Đề-bà-đạt-đâu oai lực rất lớn, nay được vua A-xà-thế cúng dường mỗi ngày năm trăm nồi cơm.” 

Thế Tôn nghe những lời này rồi, bèn bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi chớ dấy lên ý tưởng này, ham lợi dưỡng của Tỳ kheo Đề-bà-đạt-đâu. Kẻ ngu kia vì lợi dưỡng này sẽ tự diệt vong. Vì sao vậy? Ở đây Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đâu sẽ không đạt kết quả như ước nguyện đối với mục đích xuất gia học đạo.

“Tỳ-kheo, nên biết, như có người ra khỏi làng xóm, tay cầm búa bén, đi đến cây lớn, ý mong muốn trước hết là mong cây lớn, nhưng khi kịp đến cây kia thì chỉ mang cành lá trở về.[79] Nay Tỳ-kheo này cũng như vậy, vì tham đắm lợi dưỡng. Vì lợi dưỡng này, tự khen mình trước mọi người, chê bai người khác, nên những việc làm của Tỳ-kheo không đạt kết quả như sở nguyện. Người ấy vì lợi dưỡng này nên không tìm cầu phương tiện khởi tâm dõng mãnh như người kia tìm không được lõi cây,[80] bị người trí vứt bỏ

“Giả sử có Tỳ-kheo sau khi được lợi dưỡng, không tự khen, lại không chê bai người khác; nhưng có lúc lại đến người khác tự khoe rằng: ‘Tôi là người trì giới. Kia là kẻ phạm giới.’ Những sở nguyện của Tỳ-kheo cũng không được kết quả, như người bỏ gốc mang cành[81] về nhà. Người trí thấy vậy bèn nói: ‘Người này chỉ mang cành về nhà màg không biết được lõi.’ Ở đây, Tỳ-kheo cũng như vậy, vì có được lợi dưỡng, vâng giữ giới luật, gồm tu phạm hạnh và thích tu ta-muội. Vị ấy do tâm tam-muội này mà tự khen với người khác: ‘Nay tôi đắc định. Người khác không đắc định.’ Những pháp cần làm của Tỳ-kheo này cũng không được kết quả. 

“Cũng như có người muốn tìm lõi cây, đi đến cây lớn mong được lõi cây, bỏ cành lá cây, lấy gốc mang gốc về. Người trí thấy vậy, nói rằng: ‘Người này được riêng phần gốc.’ Nay Tỳ-kheo cũng vậy, phát sinh lợi dưỡng, nhưng vâng giữ giới luật, không tự khen, lại chẳng chê bai người khác. Tu hành tam-muội cũng như vậy, lần lượt hành trí huệ. Ở trong pháp này, trí huệ là bậc nhất. Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đâu ở trong pháp này đã không được trí huệ, tam muội, cũng không đầy đủ pháp giới luật.”

Có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn

“Vì sao gọi Đề-bà-đạt-đâu kia không hiểu pháp giới luật? Ông đó có thần đức, thành tựu các hành, có trí huệ này, vì sao gọi là không hiểu pháp giới luật? Có trí huệ thì có tam-muội, có tam-muội thì có giới luật.”

Thế Tôn bảo: 

“Pháp giới luật là việc thường của thế tục, thành tựu tam-muội cũng là việc thường của thế tục. Thần túc phi hành cũng là việc thường của thế tục. Chỉ thành tựu trí huệ, đó là pháp trên hết.”

Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:

Do thiền được thần túc

Không rốt ráo đi lên;

Không được bờ vô vi 

Lại rơi vào năm dục.

Trí hụê là tối thượng

Không ưu, không gì lo,

Cứu cánh được chánh kiến

Cắt đứt cõi sanh tử.

“Tỳ-kheo, nên biết, do phương tiện này mà biết Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đâu không hiểu pháp giới luật, cũng không hiểu hành trí tuệ và tam-muội. Tỳ-kheo, các ngươi chớ có tham đắm lợi dưỡng như Đề-bà-đạt-đâu. Phàm người lợi dưỡng đoạ vào cõi ác, không đến cõi lành. Nếu đắm lợi dưỡng liền tập tà kiến, lìa chánh kiến, tập tà tư duy, lìa chánh tư duy, tập tà ngữ, lìa chánh ngữ, tập tà nghiệp, lìa chánh nghiệp, tập tà mạng, lìa chánh mạng, tập tà tinh tấn*, lìa chánh tinh tấn, tập tà niệm, lìa chánh niệm, tập tà định, lìa chánh định. Cho nên, Tỳ-kheo chớ khởi tâm lợi dưỡng, chế phục khiến không khởi. Đã khởi tâm lợi dưỡng, hãy tìm cầu phương tiện mà diệt nó. 

“Các Tỳ-kheo, cần phải học điều này như vậy.”

Khi Phật nói pháp vi diệu này, hơn sáu mươi Tỳ-kheo xả bỏ pháp phục, sống đời bạch y. Lại có sáu chục Tỳ-kheo khác tâm giải thoát khỏi hữu lậu, các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay ta sẽ nói ví dụ thuyền bè. [760a01] Các ngươi hãy suy nghĩ kỹ và ghi nhớ trong tâm.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn.” Các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo: 

“Thế nào là ví dụ thuyền bè? Khi các ngươi đi đường bị giặc bắt giữ, cần làm chủ tâm ý, không khởi niệm ác, phải khởi tâm từ, bi, hỷ, xả* tràn đầy khắp mọi nơi, vô lượng, vô hạn không thể tính đếm. Giữ tâm phải như đất; giống như đất này vừa nhận vật sạch, vừa nhận vật dơ, phân tiểu ô uế, đều nhận hết; nhưng đất không khởi tâm tăng giảm, không nói: ‘Đây tốt, đây xấu.’ Nay sở hành các ngươi cũng phải như vậy. Nếu bị giặc cướp bắt giữ, chớ sanh ác niệm, không khởi tâm tăng giảm, cũng như đất, nước, lửa, gió, xấu cũng nhận, tốt cũng nhận, đều không tâm tăng giảm; hãy sanh tâm từ bi hỷ xả* đối với hết thảy chúng sanh. Vì sao vậy? Vì pháp hành thiện còn phải bỏ huống chi pháp ác mà có thể tập hành sao? 

“Như có người gặp chỗ có tai nạn đáng sợ, muốn vượt qua chỗ nạn đến nơi yên ổn, tùy ý rong ruổi tìm nơi an ổn. Người ấy gặp sông lớn, rất sâu rộng, cũng không có cầu thuyền để có thể qua đến bờ bên kia được, mà nơi đang đứng thật là đáng sợ. Bờ kia là vô vi. Bấy giờ, người kia liền suy nghĩ: ‘Sông này rất sâu rộng. Ta hãy gom góp cây gỗ, cỏ, lá kết thành một chiếc bè để vượt qua. Nhờ bè này mà từ bờ này đến được bờ kia.’ Bấy giờ người kia, liền thâu thập cây gỗ, cỏ lá kết bè vượt qua, từ bờ này đến bờ kia. Người kia đã vượt qua bờ kia, lại nghĩ: ‘Chiếc bè này đối với ta có nhiều lợi ích. Nhờ chiếc bè này cứu được nguy nan, từ nơi đáng sợ đến chỗ an lành. Ta không bỏ bè này. Hãy mang theo bên mình.’ Thế nào, Tỳ-kheo, người kia đã đến nơi rồi, có nên mang bè theo bên mình? Hay không nên?”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Không nên, bạch Thế Tôn. Sở nguyện người kia đã đạt kết quả, thì mang chiếc bè theo làm gì?”

Phật bảo các Tỳ-kheo: 

“Thiện pháp còn phải xả, huống gì là phi pháp.”

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch với Thế Tôn

"Sao gọi là pháp còn phải xả huống là phi pháp? Chúng con há chẳng phải nhờ pháp mà học đạo hay sao?”

Thế Tôn bảo: 

“Y kiêu mạn diệt kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng (quá) mạn,[82] tự mạn, tà kiến mạn, [760b] mạn trung mạn, tăng thượng mạn.[83] Bằng không mạn diệt mạn mạn, diệt tăng tăng thượng quá mạn.[84] Bằng chánh mạn, diệt tà mạn, tăng thượng mạn, diệt hết bốn mạn. Xưa kia, khi Ta chưa thành Phật đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: ‘Trong dục giới, ai là cao trọng nhất để Ta sẽ hàng phục. Trong cõi dục này, trời và người, không ai không bị hàng phục.’ Rồi Ta lại tự nghĩ: ‘Nghe có tệ ma Ba-tuần. Ta sẽ chiến đấu với chúng. Do hàng phục Ba-tuần, nên tất cả chư thiên cao quí đều bị hàng phục.’ Lúc ấy, Tỳ-kheo, Ta mỉm cười trên chỗ ngồi, khiến cảnh giới ma Ba tuần đều chấn động. Giữa hư không nghe tiếng nói kệ: 

Bỏ pháp Chân Tịnh vương,[85]

Xuất gia học cam lồ;

Dù có thệ nguyện rộng:

Dọn trống ba đường ác.

Nay ta họp binh chúng,

Xem mặt sa-môn kia.

Nếu y không theo ta;

Nắm chân liệng ngòai biển.[86]

 “Lúc bấy giờ, Tệ ma Ba-tuần vô cùng thịnh nộ, bảo đại tướng Sư Tử rằng, ‘Hãy nhanh chóng tập hợp bốn bộ binh chúng đi công phạt Sa-môn. Lại xem ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta?’ Khi ấy Ta lại suy nghĩ: ‘Giao chiến với phàm phu mà còn không im lặng, huống gì là với hạng cường hào của cõi Dục ư? Dù sao Ta cũng cần phải cạnh tranh với chúng.’ 

“Các Tỳ-kheo, khi ấy Ta bận áo giáp nhân từ, tay cầm cung tam-muội, tên trí huệ, chờ đợi đám đại quân kia. Bấy giờ, Tệ ma, đại tướng và mười tám ức binh chúng, tướng mạo khác nhau như vượn, khỉ, sư tử, đi đến chỗ Ta. Trong đó, chúng La-sát hoặc một thân nhiều đầu, hoặc vài chục thân chung một đầu, hoặc hai vai có ba cổ, ngay tim có miệng; hoặc có một tay, hoặc có [760b20c] hai tay, hoặc có bốn tay; hoặc hai tay nâng đầu, miệng ngậm xác rắn, hoặc trên đầu bốc lửa, miệng phun ra lửa, hoặc hai tay vạch miệng, muốn nuốt chửng phía trước, hoặc vạch bụng hướng nhau, tay cầm đao kiếm, vai vác giáo mác, hoặc cầm chày cối, hoặc ghánh núi vác đá, ghánh vác cây lớn, hoặc hai chân chổng lên trời đầu chúc xuống đất, hoặc cởi voi sư tử, hổ, sói, trùng độc, hoặc đi bộ đến, hoặc bay trên không. Ma Ba-tuần dẫn binh chúng như vậy vây quanh đại thọ.

“Ma Ba-tuần ở bên trái Ta, nói với Ta rằng, ‘Sa-môn đứng dậy ngay!’ Tỳ-kheo, khi ấy Ta im lặng không đáp. Ba lần như vậy. 

“Ma nói với ta, ‘Sa-môn có sợ ta không?’ Ta bảo, ‘Ta nắm giữ tâm, không sợ hãi điều gì.’ 

“Ma Ba-tuần nói, ‘Sa-môn có thấy chúng bốn bộ của ta không? Ông chỉ có một mình, không có binh khí, đao trượng, trọc đầu, thân thể phơi trần, chỉ khóac ba y này, mà lại nói: Ta không sợ gì!’ Ta bèn nói Ma Ba tuần bài kệ này:

Giáp nhân, cung tam-muội,

Tay cầm tên trí tuệ,

Phước nghiệp là binh chúng,

Ta sẽ phá quân ông.

“Ma Ba tuần lại nói với Ta, ‘Ta làm nhiều điều ích lợi cho Sa-môn. Sa-môn nếu không nghe lời ta, lập tức ta làm cho hình hài ông tan mất thành tro. Lại nữa, Sa-môn tướng mạo đẹp đẽ, tuổi tráng thịnh đáng yêu, xuất xứ từ Chuyển luân vương dòng sát-lợi. Hãy kíp rời nơi này mà vui hưởng ngũ dục. Ta sẽ đưa ông lên làm Chuyển luân Thánh vương.’ Ta liền bảo Ba-tuần, ‘Những điều người nói là vô thường biến dịch, không thể tồn tại lâu dài, cần lìa bỏ, chẳng phải là điều ta ham muốn.’ 

“Tệ ma Ba tuần lại hỏi ta, ‘Sa-môn, nay ông cầu mong điều gì, chí nguyện vật gì?’ Ta đáp, ‘Điều ta mong là nơi chốn không sợ hãi, yên ổn, tịch tĩnh trong thành Niết-bàn, để dẫn những chúng sanh trôi nổi sanh tử, chìm đắm trong khổ não này về đường chính.’

“Ma nói Ta, ‘Giờ nếu Sa-môn không kíp rời khỏi chỗ ngồi, ta sẽ nắm chân ông ném vào biển.’ 

Ta bảo Ba tuần, ‘Ta nhận thấy trên trời dưới đất, Ma hoặc Thiên ma, người hoặc phi nhơn, cùng chúng bốn bộ của ông, không ai có thể làm lay động một sợi lông Ta.’ Ma nói với Ta, ‘Sa-môn, nay muốn giao chiến với [761a01] ta hay chăng?’ Ta đáp, ‘Ta đang nghĩ đến giao chiến.’ Ma hỏi ta, ‘Kẻ địch của ông là những ai?’ Ta đáp, ‘Chính là kiêu mạn, như tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn, mạn trong mạn.’ Ma hỏi Ta, ‘Ông diệt các mạn này vì mục đích gì?’ Ta đáp, ‘Ba-tuần, nên biết, có từ tam-muội, bi tam-muội, hỷ tam-muội, xả* tam-muội, không tam-muội, vô nguyện tam-muội, vô tướng tam-muội. Do từ tam-muội mà thành tựu bi tam-muội. Do bi tam-muội mà đắc hỷ tam-muội. Do hỷ tam-muội mà đắc xả tam-muội. Do xả tam-muội mà đắc không tam-muộ. Do không tam-muội mà đắc vô nguyện tam-muội. Do vô nguyện tam-muội mà đắc vô tướng tam-muội. Do lực tam-muội này mà Ta chiến đấu với ông. Hành diệt thì khổ diệt. Khổ diệt thì kết sử diệt. Kết sử diệt thì đạt đến Niết-bàn.’

“Ma nói với Ta, ‘Sa-môn, pháp được diệt bởi pháp chăng?’ Ta đáp, ‘Pháp cần được diệt bởi pháp.’ Ma lại hỏi Ta, ‘Thế nào là diệt pháp bởi?’ Ta nói, ‘Chánh kiến được diệt bởi tà kiến; tà kiến diệt được diệt chánh kiến; chánh tư duy* diệt tà tư duy*, tà tư duy* diệt chánh tư duy*, chánh ngữ diệt tà ngữ, tà ngữ diệt chánh ngữ,; chánh nghiệp diệt tà nghiệp, tà nghiệp diệt chánh nghiệp; chánh mạng diệt tà mạng, tà mạng diệt chánh mạng; chánh tinh tấn* diệt tà tinh tấn*, tà tinh tấn* diệt chánh tinh tấn*; chánh niệm diệt tà niệm, tà niệm diệt chánh niệm; chánh định diệt tà định, tà định diệt chánh định.’ 

“Ma nói với Ta, ‘Mặc dù Sa-môn có nói vậy, nhưng trường hợp này khó chấp nhận. Ông đứng dậy nhanh lên, đừng để ta ném xuống biển.’

“Bấy giờ, Ta lại nói với Ma Ba-tuần, ‘Ngươi trước kia làm phước chỉ với một lần bố thí mà nay được làm Ma vương Dục giới. Xưa kia Ta đã tạo công đức không thể kể hết. Nay những lời nói của ngươi mới thật là khó chấp nhận.’ Ma Ba-tuần đáp, ‘Những phước mà ta đã làm, ở đây ông làm chứng. Còn Ông tự xưng rằng đã tạo ra vô số phước, ai là người làm chứng?’ 

“Tỳ-kheo, khi ấy Ta liền duỗi cánh tay phải, dùng ngón tay chỉ xuống đất, nói với Ma Ba-tuần, ‘Những công đức Ta đã làm, đất chứng biết.’ Khi Ta vừa nói lời này, thần Đất từ dưới đất vọt lên, chấp tay bạch, ‘Bạch Thế Tôn, con xin làm chứng biết.’ Thần đất nói lời này xong, Ma Ba-tuần sầu ưu khổ não, liền biến mất.

“Tỳ-kheo, hãy bằng phương tiện này mà biết rằng, pháp còn diệt huống gì là phi pháp. Ta trong thời gian dài đã nói kinh ‘Nhất giác dụ’[87] cho các ngươi, không ghi văn của nó, huống gì là hiểu rõ nghĩa nó.[88] Vì sao vậy? Vì pháp này sâu huyền, vị Thanh văn, Bích-chi-phật nào tu pháp này thì được công đức lớn, được đến chỗ vô vi cam lồ. Vì sao nó được dụ là nương bè? Có nghĩa là nương mạn diệt mạn. Mạn đã diệt hết thì không còn các niệm tưởng não loạn nữa. Giống như da chồn hoang được thuộc kỹ, dùng tay cuộn lại không gây tiếng động, không chỗ nào cứng. Đây cũng như vậy, nếu Tỳ-kheo nào hết kiêu mạn, không còn gì tăng giảm. Cho nên, nay Ta bảo các ngươi, giả sử ai bị giặc bắt giữ, chớ sanh ác niệm, phải đem tâm từ ban khắp mọi nơi, giống như da cực mềm kia, trong lâu dài sẽ đạt đến chỗ vô vi. Các Tỳ-kheo, cần phải suy nghĩ như vậy.”

Khi Phật nói pháp này, ba ngàn thiên tử dứt sạch bụi trần, ngay trên chỗ ngồi được mắt pháp thanh tịnh; sáu mươi Tỳ-kheo khác cởi bỏ pháp phục, trở về đời sống bạch y; sáu mươi Tỳ-kheo khác diệt tận các lậu, tâm giải thoát,[89] được mắt pháp thanh tịnh.

Các Tỳ-kheo sau nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[90]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại miểu thần, bên bờ sông Hằng,[91] nước Ma-kiệt, cùng với năm trăm Tỳ-kheo. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Cũng như người chăn bò Ma-kiệt[92] ngu si ít trí, muốn đưa đàn bò từ bờ này sông Hằng sang bờ kia, nhưng không chịu dò xem chỗ cạn sâu bờ bên này, bên kia, mà lùa bò xuống nước. Trước tiên, cho qua những con bò gầy, và những con bê còn nhỏ. Ở giữa dòng nước, chúng hết sức yếu đuối không thể đến bờ kia được. Tiếp lại cho qua những con bò trung bình không mập không gầy. Chúng cũng không qua được, mà ở giữa dòng chịu khổ não. Cuối cùng cho qua những con bò khoe mạnh nhất nhất, cũng bị mắc khốn ở giữa dòng.[93] Nay, Tỳ-kheo trong chúng của Ta cũng lại như vậy. Tâm ý ám độn không có trí sáng, không phân biệt đường đi sanh tử, không phân biệt cầu, thuyền của Ma. Muốn vượt qua dòng sanh tử mà không tập tu pháp cấm giới, liền bị Ma Ba-tuần chi phối. Tìm cầu Niết-bàn mà theo tà đạo để mong được diệt độ, rốt cuộc không được kết quả, tự tạo tội nghiệp, lại đẩy người khác sa đọa vào tội lỗi

“Cũng như người chăn bò Ma-kiệt thông tuệ nhiều trí, ý muốn đưa bò từ bờ này sang bờ kia. Trước hết thăm dò nơi sâu, cạn, rồi đưa những con bò khỏe mạnh nhất đến bờ kia trước.[94] Kế đó [761c] đưa những con bò trung bình không mập không ốm, cũng sang được đến bờ bên kia. Kế đến đưa những con gầy nhất cũng vượt qua không xảy ra việc gì. Những con bê còn nhỏ[95] theo sau cùng mà được qua sang an ổn. Tỳ-kheo, ở đây cũng vậy, Như Lai khéo quán sát đời này đời sau, quán sát biển sanh tử, con đường đi của Ma. Tự mình bằng bát chánh đạovượt qua hiểm nạn sanh tử, lại bằng đường này để độ người chưa được độ. 

“Cũng như con bò chính dẫn đầu, một con đi đúng thì những con khác đều đi theo. Đệ tử của Ta cũng như vậy, sạch hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng mà tự an trú, vượt cảnh giới Ma đến chỗ vô vi

“Cũng như con bò khoe mạnh kia vượt qua sông Hằng đến được bờ bên kia. Hàng Thanh văn của Ta cũng như vậy, đoạn năm hạ phần kết, thành A-na-hàm, ở trên kia mà bát Niết-bàn, không còn trở lại cõi này nữa, qua cảnh giới ma đến chỗ vô vi

“Cũng như những con bò trung bình không mập không ốm, qua được sông Hằng không có gì trở ngại. Đệ tử của Ta cũng lại như vậy, đọan trừ ba kết, dâm, nộ, si mỏng, thành Tư-đà-hàm, trở lại đời này một lần nữa, rồi tận cùng mé khổ, qua cảnh giới Ma đến chỗ vô vi

“Cũng như những con bò gầy kia dẫn theo những con bê qua được dòng sông Hằng kia. Đệ tử của Ta cũng lại như vậy, đoạn trừ ba[96] kết, thành Tu-đà-hoàn, tất đến chỗ được độ, qua cảnh giới Ma, thoát khỏi nạn sanh tử

“Cũng như những con bê nhỏ kia theo mẹ lội qua được. Đệ tử của Ta cũng lại như vậy, tùy tín hành,[97] tùy pháp hành,[98] đoạn trừ các sự trói buộc của Ma, đến chỗ vô vi.”[99]

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này: 

Bị Ma vương bắt giữ

Không vượt bờ sinh tử.

Như Lai đã suốt cùng, 

Trí soi tỏ thế gian.[100] 

Điều chư Phật tỏ ngộ, 

Bà-la-môn không hiểu rõ.

Còn trong bờ sanh tử

Lại độ người chưa độ.

Nay năm hạng người này,[101] 

Còn lại không thể kể,

Muốn thoát nạn sanh tử

Thảy nhờ oai lực Phật.

“Cho nên, Tỳ-kheo, hãy chuyên tâm mình, sông không phóng dật, tìm cầu phương tiện thành tựu tám đạo phẩm Hiền thánh. Nương vào đạo Hiền thánh sẽ có thể vượt khỏi biển sanh tử. Vì sao vậy? Như người chăn bò ngu si kia, chính là [762a01] bà-la-môn ngoại đạo, tự dìm trong dòng sanh tử, lại đẩy người khác đắm vào trong tội. Nước sông Hằng kia tức là biển sanh tử. Người chăn bò thông tuệ kia chính là Như Lai, đã vượt hiểm nạn sinh tử do tám đạo phẩm của Hiền thánh. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu Bát Thánh Đạo

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7[102]
Tôi nghe như vầy.

Một thời, đức Phật ở trong vườn lê của Kỳ-bà-già[103] tại thành La-duyệt, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử, đều là A-la-hán, các lậu hoặc đã sạch, thấu suốt sáu thông, chỉ trừ một người là Tỳ-kheo A-nan.

Bấy giờ, vào ngày 15 tháng 7, ngày thọ tuế,[104] vua A-xà-thế, vào lúc nửa đêm sao sáng đã xuất hiện, nói với phu nhân Nguyệt Quang[105]: 

“Hôm nay là ngày rằm, trăng tròn sáng quá, nên làm gì?”

Phu nhân đáp: 

“Hôm nay là ngày rằm, là ngày thuyết giới, nên đàn ca, tự mình hưởng thụ năm dục.”

Vua nghe xong những lời này mà không hài lòng. Vua lại hỏi thái tử Ưu-đà-da:[106] 

“Đêm nay, thật trong sáng, nên làm gì?”

Thái tử Ưu-đà-da bạch vua:

“Như nửa đêm nay thật trong sáng, nên tập họp bốn loại binh đi chinh phạt ngoại địch các nước khác nào chưa hàng phục.”

Sau khi vua A-xà-thế nghe những lời này xong, cũng lại không vừa ý, lại hỏi thái tử Vô Úy:[107] 

“Như nay, đêm thật trong sáng, nên làm những gì?” 

Vương tử Vô Úy đáp: 

“Nay Bất-lan Ca-diếp,[108] rành về các toán số, biết cả về thiên văn địa lý, được mọi người tôn ngưỡng, có thể đi đến hỏi ông về những nghi nạn này, vị ấy sẽ nói lý rất vi diệu cho Tôn vương, hoàn toàn không có điều gì ngưng trệ.”

Sau khi nghe xong những lời này, cũng không vừa ý, vua lại hỏi đại thần Tu-ni-ma:[109] 

“Như đêm nay, thật trong sáng, nên làm những gì?” 

Tu-ni-ma tâu vua rằng: 

“Như nửa đêm nay, thật là trong sáng. Gần đây không xa có A-di-sủy[110] hiểu biết rộng, xin Đại vương đến hỏi những điều nghi ngờ.”

Vua nghe xong những lời này, cũng không vừa ý, lại hỏi Bà-la-môn Bà-sa[111]: 

“Như nửa đêm nay, thật là trong sáng, nên làm những gì?” 

Bà-la-môn đáp:

 “Như nay ngày mười lăm, thật là trong sáng. Gần đây không xa có Cù-da-lâu,[112] cúi xin Đại vương đến đó hỏi nghĩa này.”

Sau khi nghe những lời này xong, cũng không hợp ý mình, vua lại hỏi Bà-la-môn Ma-đặc[113] rằng:

“Như nửa đêm nay, thật là trong sáng, nên làm việc gì?” 

Bà-la-môn đáp: 

“Đại vương nên biết, gần đây không xa có Ba-hưu Ca-diên,[114] cúi xin đại vương đến hỏi sự tình ông ấy.”

Vua nghe những lời này xong cũng không hạp ý, lại hỏi điển binh Sách-ma[115]: “Như nửa đêm nay, thật là trong sáng, nên làm những gì?” 

Sách-ma đáp: 

“Gần đây không xa có Tiên-tất Lô-trì[116] rành về thuật toán số, có thể đến đó hỏi đạo nghĩa.”

Vua nghe những lời này xong, cũng không hạp ý mình, lại bảo đại thần Tối Thắng[117] rằng: 

“Như nay ngày mười lăm, thật là trong sáng, nên làm những gì?” 

Tối Thắng tâu vua rằng: 

“Nay có Ni-kiền Tử[118] đọc rộng các kinh, là tối thượng trong các thầy, cúi xin đại vương đến đó hỏi đạo nghĩa.” 

Vua nghe những lời này xong, không hạp ý, bèn suy nghĩ: ‘Những người này đều là những kẻ ngu muội, không phân biệt chơn ngụy, không có phương tiện thiện xảo.’

Bấy giờ, vương tử Kỳ-bà-già đang đứng bên trái vua. Vua quay lại hỏi Kỳ-bà-già rằng: 

“Như nửa đêm nay, thật là trong sáng, nên làm những gì?” 

Kỳ-bà-già liền quỳ trước vua tâu rằng: 

“Hiện Như Lai đang du hóagần đây không xa, trong vườn của hạ thần,[119] dẫn theo một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ kheo. Cúi xin Đại vương đến đó hỏi đạo nghĩa. Vì Như Lai là ánh sáng, là mặt trời, không có điều gì bế tắc, thông suốt việc ba đời, không gì là không thấu suốt. Chính Ngài sẽ giảng nói sự ấy cho Vua, những hồ nghi của Vua sẽ tự nhiên sáng tỏ.”

Sau khi nghe những lời Kỳ-bà-già, vua A-xà-thế vui mừng hớn hở, phát sanh tâm thiện, liền khen Kỳ-bà-già rằng: 

“Lành thay, lành thay! Vương tử[120] khéo nói lời này. Vì sao vậy? Hiện thân tâm ta đang thật là bức sốt, vì vô cớ đã bắt giết Phụ vương. Lâu nay ta lúc nào cũng tự suy nghĩ, ai có thể tỏ ngộ tâm ý ta? Nay những lời Kỳ-bà-già vừa nói thật hợp ý ta. Kỳ diệu thay, nghe đến tiếng Như Lai, ta tự nhiên bừng tỉnh.”

Lúc ấy, Vua hướng về Kỳ-bà-già nói kệ này:

 Đêm nay trăng cực sáng; 

 Tâm ý không được tỏ.

 Các khanh mỗi người nói ,

 Nên đến ai hỏi đạo

 Bất-lan, A-di-sủy, 

 Ni-kiền, đệ tử Phạm:

 Bọn họ, không thể cậy, 

 Không thể giúp được gì.

 Đêm nay thật cực sáng, 

 Trăng tròn không tỳ vết;

 Nay hỏi Kỳ-bà-già 

 Nên đến ai hỏi đạo.

Lúc ấy, Kỳ-bà-già trả lời vua bằng bài kệ:

 Nghe âm thanh nhu nhuyến

 Thoát khỏi cá ma-kiệt.

 Mong đúng thời đến Phật, 

 Nơi vĩnh viễn không sợ.

Vua lại đáp bằng bài kệ:

 Trước đây ta đã làm 

 Việc vô ích cho Phật: 

 Hại con Phật chân chánh 

 Tên là Tần-bà-sa.[121]

 Nay hết sức hổ thẹn

 Mặt mũi nào gặp Phật? 

 Vì sao nay ông bảo 

 Khiến ta đi gặp Người?

Kỳ-bà-già lại trả lời vua bằng bài kệ

 Chư Phật không kia, đây; 

 Kết sử đã trừ hẵn; 

 Tâm bình đẳng không hai; 

 Đó là nghĩa Phật pháp.

 Nếu dùng hương chiên đàn

 Thoa lên tay phải Phật; 

 Cầm dao chặt tay trái, 

 Tâm không sanh tăng giảm.

 Như thương con La-vân, 

 Con duy nhất, không hai.

 Tâm đối với Đề-bà, 

 Oán thân không có khác.

 Nguyện Đại vương khuất tất, 

 Đến thăm gặp Như Lai

 Nghi ngờ sẽ được dứt, 

 Chớ có điều e ngại.

Rồi Vua A Xà Thế bảo vương tử* Kỳ-bà-già rằng: 

“Vậy ông hãy nhanh chóng chuẩn bị năm trăm con voi đực và năm trăm con voi cái, đốt năm trăm ngọn đèn.”

Kỳ-bà-già đáp: 

“Vâng, thưa Đại vương!” 

Vương tử* Kỳ-bà-già liền chuẩn bị một ngàn con voi, và đốt năm trăm ngọn đèn, rồi đến trước tâu vua rằng: 

“Xe cộ đã chuẩn bị xong, Vua biết đúng thời!”

Lúc ấy, vua A-xà-thế dẫn theo những người tùy tùng đến trong vườn lê, giữa đường lại sinh lòng sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng, quay qua bảo vương tử* Kỳ-bà-già rằng: 

“Nay ta không bị ông gạt đó chứ? [76301] Không đem ta nạp cho kẻ thù chứ?”

Kỳ-bà-già tâu vua: 

“Thật sự không có lý này. Cúi xin Đại vương tiến lên trước tí nữa. Như Lai cách đây không xa.”

Bấy giờ, vua A-xà-thế trong lòng còn lo sợ, hỏi lại Kỳ-bà-già rằng: 

“Ta không bị ngươi dụ hoặc chăng? Ta nghe nói Như Lai dẫn đầu một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử, sao giờ không nghe một tiếng động?”

Kỳ-bà-già đáp: 

“Đệ tử Như Lai thường nhập định, không có loạn tưởng. Cúi xin Đại vương hãy tiến tới trước chút nữa.”

Vua A-xà-thế liền xuống xe, đi bộ qua cổng, đến trước giảng đường, rồi đứng im lặng quán sát Thánh chúng, và quay sang hỏi Kỳ-bà-già rằng: 

“Như Lai hiện đang ở đâu?” 

Bấy giờ, tất cả Thánh chúng đều nhập hỏa quang tam-muội chiếu sáng khắp giảng đường kia, không đâu không sáng. Khi ấy, Kỳ-bà-già lập tức quỳ xuống, đưa tay phải chỉ hướng Như Lai và nói: 

“Như Lai đang ngồi chính giữa, như mặt trời phá tan mây.”

Vua A-xà-thế nói với Kỳ-bà-già rằng: 

“Thật kỳ diệu thay, Thánh chúng này tâm định đến như vậy! Vì do duyên gì lại có ánh sáng này?”

Kỳ-bà-già tâu vua: 

“Do sức tam-muội mà phát ra ánh sáng.”

Vua lại bảo: 

“Như hôm nay ta quan sát Thánh chúng, thấy rất là yên lặng. Mong cho thái tử Ưu-đà-da của ta cũng nên vô vi yên lặng như vậy.”

Rồi vua A-xà-thế lại chấp tay tự giới thiệu

“Cúi xin Thế Tôn soi xét đến.”

Thế Tôn bảo: 

“Xin chào Đại vương!” 

Vua nghe tiếng nói của Như Lai trong lòng hết sức hoan hỷ. Ông đên gặp Như Lai, tự nói Vương hiệu.

Bấy giờ, vua A-xà-thế đi đến trước Phật, năm vóc gieo xuống đất, đặt hai tay lên chân Như Lai, tự xưng tên hiệu, và nói rằng: 

“Cúi xin Thế Tôn rũ lòng thương tưởng nhận sự hối lỗi của con. Phụ vương vô tội mà con đã bắt giết. Cúi xin nhận sự sám hối, từ đây con sửa đổi lỗi lầm quá khứ, tu dưỡng điều tương lai.”

Thế Tôn bảo: 

“Nay thật đúng thời, thích hợp để hối lỗi, đừng để sai sót. Phàm người sống ở đời, ai biết tự sửa đổi lỗi lầm của mình, người đó được gọi là thượng nhân. Pháp của Ta rất là rộng lớn, nên trong đó hợp thời sám hối.” 

Vua bèn đảnh lễ sát chân Như Lai, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, vua bạch Phật

“Con có điều muốn hỏi. Cúi xin Như Lai cho phép, con mới dám hỏi.”

Phật bảo vua: 

“Có nghi nan, hợp thời cứ hỏi.”

Vua bạch Phật

“Đời này tạo phước có lãnh thọ báo ứng hiện tại chăng?”[122]

Phật bảo vua: 

“Xưa nay Vua đã từng hỏi ai đạo nghĩa này chưa?” 

Vua bạch Phật

“Trước đây con đã từng đem ý nghĩa này hỏi người khác. Con đã hỏi Bất-lan Ca-diếp rằng ‘Thế nào, Bất-lan Ca-diếp, đời này tạo phước có lãnh thọ báo ứng hiện tại chăng?’ Bất-lan Ca-diếp đáp con rằng: ‘Không có phước, không có bố thí, không báo thiện ác đời này đời sau; trong đời không có người thành tựu A-la-hán.’[123] Bấy giờ, con đang hỏi về sự thọ lãnh kết quả báo ứng, vị ấy trả lời là không. Như có người hỏi ý nghĩa của dưa, lại được trả lời bằng lý của mận, nay Bất-lan Ca-diếp cũng như vậy. Lúc ấy, con tự nghĩ: ‘Bà-la-môn này đã không soi tỏ cho ta. Ý nghĩa mà nhà Vua thuộc dòng hào tộc hỏi, người này tìm cách dẫn báo việc khác.’ Bạch Thế Tôn, lúc ấy con muốn chém đầu ông ấy liền. Vì không chấp nhận lời ông ấy nói nên con khiến đuổi đi.

“Rồi con đến chỗ A-di-sủy hỏi về ý nghĩa này. A-di-sủy nói với con rằng: ‘Nếu ở bên trái sông[124] giết hại chúng sanh, gây vô số tội thì cũng không có tội, không có quả báo xấu.’[125] Bạch Thế Tôn, lúc ấy con lại tự nghĩ: ‘Ta hỏi về ý nghĩa thọ báo đời này, người ấy bèn đem việc giết hại trả lời ta. Giống như có người hỏi ý nghĩa của lê lại được trả lời bằng mận.’ Con liền bỏ đi.

“Con lại đến chỗ Cù-da-lâu mà hỏi ý nghĩa này. Người ấy đáp con rằng: ‘Ở bên phải sông[126] tạo các công đức không thể tính hết, trong trường hợp đó cũng không có báo lành.’[127] Lúc ấy, con lại tự nghĩ: ‘Ý nghĩa mà nay ta hỏi, rốt cùng không được trả lời hợp lý.’ Con lại bỏ đi.

“Con lại đến chỗ Ba*-hưu Ca-diên mà hỏi ý nghĩa này. Người đó đáp: ‘Chỉ có một người ra đời, một người chết, một người qua lại lãnh thọ khổ, vui.’[128] Lúc ấy, con lại tự nghĩ: ‘Nay những điều ta hỏi về quả báo đời này, bèn đem việc sống chết tương lai đáp.’ Con lại bỏ đi.

“Con đến Tiên-tỳ Lô-trì hỏi ý nghĩa này. Người đó đáp con rằng: ‘Quá khứ đã diệt không sanh trở lại nữa; tương lai chưa đến cũng lại không có; hiện tại không dừng, không dừngg tức là biến đổi.’[129] Con lại tự nghĩ: ‘Điều mà nay ta hỏi là báo đời này, lại được trả lời bằng ba thời; điều này không phù hợp chánh lý.’ Con lai bỏ đi.

“Con lại đến chỗ Ni-kiền Tử mà hỏi nghĩa này: ‘Thế nào, Ni-kiền Tử, đời này làm phước có được thọ báo đời này không?’ Ông đáp con rằng: ‘Chúng sanh bị trói buộc không nhân, không duyên. Chúng sanh thanh tịnh cũng không có nhân, cũng không có duyên.’[130] Lúc ấy, con lại tự nghĩ: ‘Những Bà-la-môn này thật là ngu muội, không phân biệt được chơn, ngụy, như người mù không mắt, rốt cùng không trả lời được ý nghĩa của những câu hỏi tựa như đùa cợt với người thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương.’ Sau đó con lại bỏ đi. 

“Bạch Thế Tôn, nay con hỏi ý nghĩa ấy: ‘Đời này làm phước có nhận hiện báo không?’ Cúi xin Thế Tôn giảng dạy nghĩa ấy.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo: 

“Đại vương! Nay Ta hỏi Đại vương, tùy theo sở thíchtrả lời. Đại vương, có hay không những người phụ trách rượu, bếp, chấp chưởng việc thưởng phạt, quản lý tài vật, những người phục dịch?”

Vua bạch Phật

“ Thưa có.”

“Nếu những người phục dịch ấy làm lụng mệt nhọc qua một thời gian lâu dài, Đại vương có tưởng thưởng họ không?”

Vua bạch Phật:

“Tùy theo công sức mà chu cấp vật dụng, không để có oán trách.”

Phật bảo vua rằng: 

“Do phương tiện này mà biết, đời này làm phước được thọ báo hiện tiền. Thế nào, Đại vương, đã ở địa vị cao, thương xót dân đúng lễ nghĩa, rồi lại còn ban thưởng cho họ nữa không?”

Vua bạch Phật

“Vâng, bạch Thế Tôn, con cho thức ăn ngon ngọt để nuôi sống, khiến không oán hận.”

Phật bảo vua: 

“Do phương tiện này mà biết, người ấy ngày xưa xuất thân thấp hèn, dần dần tích chứa công lao mà được hoan lạc đồng với vua. Vì vậy cho nên, đời này làm phước được thọ báo hiện tại.”

Phật bảo vua: 

“Người có công lao ấy, trải qua nhiều năm, đến tâu với vua rằng: ‘Chúng tôi đã lập công lao, vua đã biết rõ. Nay có ước nguyện muốn thỉnh cầu Vua.’ Vua sẽ cho phép không?”

Vua bạch Phật

“Tùy theo sở nguyện họ, con sẽ không phản đối.”

Phật bảo vua: 

“Người có công ấy muốn được phép từ biệt vua, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, tu hạnh thanh tịnh, Vua cho phép không?”

Vua bạch Phật

“Vâng, cho phép.”

Phật bảo vua: 

“Giả sử vua thấy người ấy đã cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, đang ở gần Ta, Vua sẽ làm gì?”

Vua bạch Phật

“Con sẽ tôn kính, cúng dườngtùy thời lễ lạy.”

Phật bảo vua: 

“Do phương tiện này mà biết, đời này làm phước thì được thọ báo hiện tiền. Giả sử người có công lao ấy, giữ giới hòan tòan không có hủy phạm, Vua sẽ làm gì?”

Vua bạch Phật

“Con sẽ suốt đời cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, không để thiếu thốn.”

Phật [764a1] bảo vua: 

“Do phương tiện này mà biết, đời này làm phứơc thì được thọ báo hiện tiền. Giả sử người ấy lại đã làm Sa-môn, dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, tự thân tác chứng mà tự an trú, biết như thật rằng ‘sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau nữa’, Vua sẽ làm gì?”

Vua bạch Phật

“Con sẽ thừa sự, cúng dường suốt đời y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, không để thiếu thốn.” 

Phật bảo vua: 

“Do nhờ phương tiện này mà biết, đời này làm phước được thọ báo hiện tiền. Giả sử nếu khi người ấy tuổi thọ đã hết, và bát niết-bàn vào trong Niết-bàn giới vô dư, thì Vua sẽ làm gì?”

Vua bạch Phật

“Con sẽ xây tháp lớn ở tại ngã tư đường và dùng hương hoa cúng dường, treo tràng phan bảo cái, thừa sự lễ kính. Vì sao vậy? Vì đó là thân trời, chẳng phải là thân người.”

Phật bảo vua: 

“Do phương tiện này mà biết, đời này làm phước được thọ báo hiện tiền.” 

Vua bạch Phật

“Nay, con nhờ những thí dụ này mà hiểu rõ. Hôm nay Thế Tôn giảng thêm ý nghĩa này, con từ nay về sau tin nhận ý nghĩa này. Cúi xin Thế Tôn hãy nhận con làm đệ tử, con quy y Phật, Pháp, Tăng Tỳ-kheo. Nay con lại sám hối, vì con đã ngu si nhầm lẫn, Phụ vương vô tội mà bắt giết. Nay đem thân mạng tự quy y. Cúi xin Thế Tôn trừ tội lỗi kia, giảng nói diệu pháp để con mãi mãi được an lạc. Như con tự biết đã tạo những tội báo, không có căn lành.”

Phật bảo vua: 

“Có hai hạng người không tội mà mạng chung được sinh lên trời trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay. Sao gọi là hai? Một là người không tạo gốc tội mà tu thiện; hai là người cải hối tội mà mình đã tạo. Đó gọi là hai hạng người khi mạng chung sẽ sanh lên trời không có gì nghi ngờ.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

 Người làm việc rất ác; 

 Hối lỗi, chuyển thành nhẹ.

 Sám hối không lười nghỉ, 

 Gốc tội được nhổ hẳn.

“Cho nên, Đại vương hãy trị dân đúng pháp, chớ đừng phi pháp. Phàm người theop giáo hóa cai trị, khi chết sẽ được sinh lên trời, cõi lành. Sau khi mạng chung, danh tiếng sẽ được vang dội khắp bốn phương. Người sau cùng truyền tụng: ‘Xưa có vị Vua lấy chánh pháp [764b] giáo hóa cai trị, không có cong vạy.’ Mọi người xưng tụng nơi sanh của người ấy. Tuổi thọ được thêm, không bị chết yểu. Cho nên, Đại vương hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Tam bảo Phật, Pháp, Thánh chúng

“Đại vương, hãy học điều này như vậy.”

Bấy giờ, vua A-xà-thế liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui đi. Vua đi không xa, Phật bảo các Tỳ-kheo: 

“Vua A-xà-thế này nếu không hại phụ vương thì hôm nay đã chứng đắc sơ quả Sa-môn, ở trong hàng bốn đôi tám bậc, cũng đắc tám phẩm đạo của Hiền thánh, trừ bỏ tám ái, vượt tám nạn. Tuy vậy, nay còn được hạnh phúc lớn, được tín tâm vô căn.[131] Cho nên, Tỳ-kheo, người đã tạo tội hãy tìm cầu phương tiện thành tựu tín tâm vô căn. Trong Ưu-bà-tắc của Ta, người được tín vô căn chính là vua A-xà-thế.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8[132]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có tám pháp thế gian[133] theo đó chúng sanh xoay chuyển. Những gì là tám? 1. lợi, 2. hại, 3. vinh, 4. nhục, 5. khen, 6.chê, 7. khổ, 8. lạc. Tỳ-kheo, đó là có tám phápthế gian theo đó xoay chuyển. Các Tỳ-kheo, hãy nên tìm cầu phương tiện trừ tám pháp này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Như Lai xuất hiện thế gian, lại thành Phật đạo ở thế gian, nhưng không bị tám pháp thế gian lôi cuốn. Giống như hoa sen sinh ra từ bùn lầy, hết sức tươi sạch, không nhiễm nước bùn, được chư thiên yêu kính, ai thấy đều vui vẻ trong lòng. Như Lai cũng lại như vậy, được sanh từ bào thai, ở trong đó được nuôi lớn, được thành thân Phật. Cũng ngọc lưu-ly là loại báu làm sạch nước, không bị bụi nhơ làm nhiễm; Như Lai cũng lại như vậy, cũng sanh ở thế gian, không bị tám pháp thế gian nhiễm đắm. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy nên tinh tấn tu hành tám pháp

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

[764c] Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

bấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Sao gọi là tám? Hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc A-la-hán. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thoát nạn sinh tử

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
 
 

[1] Pāli, A. III. 29 Akkhaṇa (R. iv. 225). Hán, Trung 29, kinh 124.

[2] Xem Trường 19, kinh 30 Thế ky, phẩm “Địa ngục.” Cf. Pāli, Jā v. 266, 271: Sañjīva, Kālasutta, Saṅgha, Jalaroruva, Dhūmaroruva, Mahāvīci, Tapana, Mahātapana.

[3] Nguyên habns: cách tử 隔子.

[4] Tên các địa ngục, đồng nhất Pāli: Ưu-bát (Uppala), Bát-đầu (Paduma), Câu-mâu-đầu (Kumuda), Phân-đà-lợi (Puṇḍarīka), Vị-tằng-hữu (Abbuda; bản Hán đọc là Abbhuta), Vĩnh vô (Nirabbuda; Bản hán đọc là Nibbhuta), Ngu hoặc (Ababa; bản hán đọc là Bala?), Súc tụ (?), Đao sơn (Khuradhāra), Thang hỏa (Kukkuḷa), Hỏa sơn (?), Khôi hà (Khārodakanadī), Kinh cức (Sattisūla), Phất thỉ (Gūṭha), Kiếm thọ (Asipattavana), Nhiệt thiết hòan (?). 

[5] Cf. D. 18. Mahāparinibbāba; No 135; No 136; No 1(2).

[6] Nại thị 柰氏, để bản chép nhầm là Nại kỳ 奈</gaiji>祇. Pāli: Ambapālivana, khu rừng của kỹ nữ Ambapāli (Nại nữ) cúng cho Phật. Cf. Trường 2 (tr. 13b19 tt); Pāli, M. 18 (R.ii. 95). Từ đây trở đi, tương thuật đoạn đường cuối cùng của Phật đi đến rừng tịch diệt.

[7] Câu-thi-na-kiệt 拘尸那竭. Pāli: Kusinārā. Bản kinh này nhảy tắt. Trường 2, 3 và Pāli M.18, từ Tỳ-xá-ly, Phật đi qua nhiều chỗ rồi cuối cùng mới đến Câu-thi-na; tại đây Phật sẽ nhập diệt

[8] Lực sỹ 力士, danh từ riêng chỉ bộ tộc chứ không phải danh từ chung; phiên âm là Mạt-la 末羅. Một trong các bộ tộc lớn thời Phật, lãnh địa là thành Câu-thi-na và Ba-bà. Pāli: Mallā, với hai thủ phủ Pāvā và Kusinārā. 

[9] Ca-la-lặc. Cf. Trung 36 (tr. 656c17): gia-la-lê 加羅梨. Pāli: kāḷārikā, M. i. 178.

[10] Cưu-đà-diên 鳩陀延. Pāli (?).

[11] Bà-ma-na. Trung 36: bà-hòa-ngỗ 婆[20]<gaiji cb='CB0378' des='[和/心]' uni='60D2' >惒</gaiji><gaiji cb='CB0145' des='[少/兔]' mojikyo='M060797' mofont='Mojikyo M111' mochar='73F8'>珸. Pāli, ibid.: vāmanikā.

[12] Ca-nê-lưu 迦泥留. Trung 36: gia-lê-ngỗ 加梨<gaiji cb='CB0145' des='[少/兔]' mojikyo='M060797' mofont='Mojikyo M111' mochar='73F8'>珸. Pāli: Pāli, ibid.: kaṇeru (?).

[13] Ưu-bát (Pāli: uppala), câu-mâu-đà (Pāli: kumuda), phân-đà-lợi (Pāli: puṇḍarīka), đều là tên các loại sen.

[14] Hương tượng 香象; cf. Câu-xá 27 (tr. 140c9); Skt. gandhahastin, gandhagaja.

[15] Ma-ha-na-cực 摩呵那極. Câu-xá 27: Ma-ha-nặc-kiện 摩訶諾健. Pāli, ibid. mahānāga.

[16] Na-la-diên 那羅延. Câu-xá 27 (tr.). Skt. Nārāyaṇa, tên một vị trời.

[17] A-duy-việt-trí 阿維越致. Skt. avaivartika, Bồ tát Bất thối chuyển

[18] Tỳ-la-nhã thôn Trúc viên 毘羅若竹園村. Chuyện được kể trong Tứ phần 1 (tr. 569a10): Phật trú dưới gốc cây na-lân-la-tân-mạn-chu-đà-la (Pāli: Naḷerupicumanda) trong thôn Tỳ-la-nhã (Pāli: Verañja). 

[19] Quân-trà-la Hệ Đầu 君[11]茶羅
<lb n="0750b18"/>繫頭. Pāli: Kuṇḍalakesā. Bà nguyên tên là Bhaddā, trước đó theo Ni-kiền tử tu khổ hạnh, tóc bà bị quăn, nên có biệt danh la Kuṇḍalakesā (Tóc Quăn). Sau khi tranh luận với Xá-lợi-phất, bà trở thành Tỳ kheo niđắc quả A-la-hán. Trên kia, kinh 5 phẩm 5, tên bà được phiên âm là Bạt-đà Quân-đà-la 拔陀軍陀羅. 

[20] Theo các nguồn Pāli, từ Vesāli (Tỳ-xá-ly) đến Kusinārā khoảng 19 do-tuần.

[21] Ba đạt trí
<lb n="0750c06"/>達智, tức ba minh. 

[22] Cf. A. i. 25: khippābhiññānaṃ yadidaṃ bhaddā kuṇḍalakesā, đệ nhất thắng trí nhạy bén là Bhaddā Kuṇḍalakesā.

[23] Phân biệt, từ dịch khác của tác tịnh 作淨. Pāli: kappakata; Vin. iv. 286: samaṇacīvaraṃ nāma kappakatena vuccati, y của sa-môn là y đã được tác tịnh (phân biệt). Y mới của Tỳ kheo trước khi dùng cần được hợp pháp hóa (xác nhận sở hữu hợp pháp) bằng cách chấm một điểm ở góc (điểm tịnh 點淨, Pāli: kappabindu). Cf. Tứ phần 16 (tr. 676c14.); Căn bản 16 (T23n1442, tr. 711a28). 

[24] Cụm từ này sót trong để bản. Đây y theo bản TNM thêm vào.

[25] Để bản: Đa-tát a-kiệt a-la a-tam-da-tam-phật.

[26] Bản Hán, hết quyển 36. 

[27] Tỳ kheo Xa-na 車[26]那比丘, cũng thương âm là Xa-nặc. Trường 4, tr. 26a19, phạm đàn 梵檀. Pāli: Channa. Nguyên quân hầu của Thái tử, tính tình ương bướng không chịu các Tỳ kheo khuyên bảo.

[28] Phạm pháp 梵法, hay nói đủ là Phạm-đàn, biện pháp trừng phạt Tỳ kheo bằng mặc tẩn: không ai được phép quan hệ, nói chuyện, với Tỳ kheo bị phạt phạm-đàn. Pāli: brahmadaṇḍa.

[29] Tăng tác pháp yết-ma ha trách đối với tỳ kheo ương bướng. Tỳ kheo bị phạt này sẽ không được tham dự các pháp yết-ma của Tăng. Xem Tứ phần, đã dẫn.

[30] Trường A-hàm, và Pāli tương đương, không có bài kệ này.

[31] Bà-a-đà 婆阿陀 và Su-bạt-đà 須拔陀, có lẽ Pāli: Bhadda và Subhadda. Nhưng cả hai không thấy đề cập trong Trường A-hàm và Pāli tương đương vào dịp này. 

[32] Đế-xa 帝奢, Ưu-ba-đế-xa 優波帝奢, Phật-xá 佛舍, Kê-đầu 雞頭: tên những cư sỹ cuối cùng này không thấy đề cập trong Trường A-hàm và Pāli tương đương.

[33] Để bản: bỉ quốc 彼國; đây chỉ Vương quốc của người Ma-la (Pāli: malla). Ba bản Tống-Nguyên-Minh: từ nước Ba-ba 波波. Pāli: Pāva, một trong hai thị trấn của người Ma-la, Câu-thi-na (Kusinārā) và Ba-ba (Pāva). 

[34] Trường 4, tr. 25a20 : Có sáu Tôn sư. Sa-môn Cù-đàm có thể biết rõ thuyết của họ chăng? Pāli, D. ii. 152: Có sáu vị Tôn sư, tự tuyên bố là đã giác ngộ. Có thật họ đã giác ngộ?

[35] Xem kinh 11 phẩm 38.

[36] Để bản: ba mươi lăm. Tống-Nguyên-Minh: hai mươi lăm. Kể từ xuất gia, cho đến sáu năm khổ hạnh.

[37] Để bản: Đẳng kiến, Đẳng trị, Đẳng ngữ, Đẳng mạng, Đẳng nghiệp, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng tam muội.

[38] Hán: thử diệt thị tối lạc. So sanh Pāli: tesaṃ vūpasamo sukho, sự tịnh chỉ (tịch tĩnh) của chúng (sinh diệt) là an lạc.

[39] Hán: khanh bộc 卿僕. Pāli, khi Phật tại thế, các Tỳ kheo, không kể lớn nhỏ, đều gọi nhau là “āvuso” mà Hán thường dịch là “Hiền giả.”

[40] Pāli. D. ii. 254: Tỳ kheo Thượng tọa (Thera) gọi Tỳ kheo niên thiếu bằng tên (nāma) hay họ (gotta), hay Hiền giả (āvuso: này bạn). Tỳ kheo niên thiếu gọi Tỳ kheo Thượng tọaĐại đức (bhante) hay Trưởng lão (āyusamā).

[41] Pāli tương đương, A. viii. 19 Asurinda. Hán, No 26(35).

[42] Lộc dã uyển 鹿野苑, không rõ ở đâu tại Xá-vệ. No 26(35): Phật ở tại Tỳ-lan-nhã 鞞蘭若, trong vườn Hoàng lô 黃蘆園. Pāli, ibid.: verañjāyaṃ, naḷerupucimandamūle.

[43] Ba-ha-la A-tu-luân 波呵羅阿須倫No 26 (35): Bà-la-la A-tu-la vương Mâu-lê-giá A-tu-la tử 婆羅[24]邏阿[*]修羅王牟梨遮阿[*]修羅子, tên một người, nhưng trong bản Hán dịch này đọc là hai. Pāli, ibid.: Pahārado asurindo.

[44] Mâu-đề-luân thiên tử 牟提輪天子, xem cht. 43 trên. 

[45] No 26 (35): đến vào lúc đêm gần tàn.

[46] No 26(35): xả bỏ tên họ cũ, đồng gọi là “sa-môn.”

[47] No 26(35): Trong Chánh Pháp Luật này, sự tu học tiến dần từ cạn đến sâu.

[48] Chánh pháp luật của Phật đều đồng một vị: vị vô dục, vị giác ngộ, vị tịch tĩnh, vị đạo. Pāli, ibid.: ayaṃ dhammavinayo ekaraso, vimuttiraso, chánh pháp luật này chỉ một vị: vị giải thoát.

[49] Nguyên Hán: bát chân trực hành八真直行.

[50] Để bản: niệm giác ý, pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, ỷ giác ý, định giác ý, hộ giác ý.

[51] Nguyên hán: bất khởi tam-muội 不起三昧.

[52] No 26(35), thay các định (tam-muội) nà bằng các Thánh quả, A-la-hán cho đến Tu-đà-hoàn.

[53] A.viii. 70 Bhūmicāla. Hán, No 26(36).

[54] Pāli, A.viii. 30 Anurudha. Hán, No 26(74). No 46.

[55] Pāli, A.viii. 69 Parisā. Trường kinh 2.

[56] A-na-bân-để.

[57] Pāli, A.viii. 37 Sappurisa. 

[58] Giải thoát huệ thí 解脫惠施; Pāli: muttacāga, giải thoát thí, bố thí một cáhc rộng rãi, hào phóng.

[59] Để bản: Tà trị.

[60] Để bản: Chánh trị

[61] Bản hán, hết quyển 37.

[62] A. iv. 45 Rohitassa. Hán, Tạp (Việt) kinh 1221.

[63] Mã Huyết thiên tử 馬血天子. Tạp (Việt) kinh 1221: Xích Mã thiên tử 赤馬天子. Pāli: Rohitasso devaputto.

[64] Nguyên Hán: phi nhân chi thơif, thời gian sinh hoạt của loài phi nhân. Tạp ibid.: sau giữa đêm. Pāli: abhikkantāya rattiyā.

[65] Tạp ibid.: “Có thể vượt qua biên tế của thế giới này để đi đến chỗ không sinh, không già, không chết chăng?” Pāli: yattha nu kho, bhante, na jāyati na jīyati na mīyati na cavati na upapajjati, sakkā nu kho so, bhante, gamanena lokassa anto ñātuṃ vā daṭṭhuṃ vā pāpuṇituṃ vā’ ti? 

[66] Bà-già Phạm thiên 婆伽梵天 (Pl.: Baka Brahmā). Tạp ibid. Bà-cú Phạm thiên 婆句梵天. 

[67] No 99(1195), tr. 324b04.

[68] Pāli, A. viii. 41 Saṃkhitta.

[69] Bát quan trai pháp 八關齋法. Pāli: aṭṭhaṅgasamannāgato uposatho.

[70] Mỗi nữa tháng.

[71] Nguyên Hán: tùng triêu chí mộ 從朝至暮; Hán dịch không chính xác. Nên hiểu: từ sáng cho đến hết đêm, tức đến sang hôm sau. 

[72] Đoạn dưới gọi là Ma-nạp 摩納, thiếu niên Bà-la-môn.

[73] Co bản chép là nhĩ 耳: lỗ tai.

[74] Pāli, Dārukkhandha, S. iv. 179. 

[75] Pāli: Phật ở bên bờ sông Hằng (Gaṅgā), địa phận Kosambi.

[76] Pāli: nibbānaninnā, bhikkhave, sammādiṭṭhi nibbānapoṇā nibbānapabbhārā”ti, “xuôi về Niết-ban, nghiêng về phía Niết bàn, dốc về về Niết-bàn, là chánh kiến.”

[77] Nan-đà (mục ngưu nhân) 牧牛人難陀. Pāli: Nando gopālako.

[78] Pāli, Saropama, M. i. 192.

[79] Nên hiểu: tìm lõi cây. Cf. Pāli: sāratthiko sāragavesī.

[80] Trong bản: cầu bảo 求寶. Chép nhầm, nên sữa lại là cầu thật 求實. 

[81] Nên hiểu: bỏ qua lõi cây, chỉ mang lấy cành.

[82] Nguêyn hán: tăng thượng mạn, trùng lapự với mạn thứ bảy. Đây nên đọc là tăng thượng quá mạn, tức mạn quá mạn kể trong Câu-xá.

[83] Kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng mạn, tự mạn, tà kiến mạn, mạn trung mạn, tăng thượng mạn 憍慢 慢慢 增上慢 自慢 邪見慢 慢中慢 增上慢; bảy mạn, xem Câu-xá 19 (tr. 101a12): mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ty mạn, tà mạn一慢二過慢三慢過慢四我慢五增上慢六卑慢七邪慢.Bản hán liệt kê trên, trùng lặp tăng thượng mạn nhưng thiếu mạn quá mạn.

[84] Nguyên Hán: vô mạn; có lẽ chép nhầm.

[85] Chân Tịnh vương 真淨王, tức vua Tịnh Phạn (Pāli. Suddhodhana). Xem kinh 5, phẩm 24.

[86] Bản Hán, hết quyển 38.

[87] Nhất giác dụ kinh 一覺喻經, Tống-Nguyên-Minh: ‘Duyên nhất giác dụ kinh 一覺喻經.’ Chưa rõ kinh thuộc bộ nào. Hoăc giả, Skt.: ekabuddhi, tên một cá được kể trong truyện ngụ ngôn Pañcatantra.

[88] Dịch sát, nhưng chưa rõ ý.

[89] Nguyên Hán; lậu tận ý giải 漏盡意解, chính xác, nên hiểu: diệt tận các lậu, vô lậu, tâm giải thoát. Định cú Pāli: āsavānṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ. 

[90] Pāli, Gopālaka, M. i. 225. Hán, Tạp (Việt) kinh 908. 

[91] Thấn kỳ Hằng thủy 神祇恒水. Pāli: tại làng Ukkacelā, bên bờ sông Hằng, vương quốc Vajji. Cela, trong bản Hán là cetiya: linh miếu (thần kỳ).

[92] Ma-kiệt mục ngưu nhân 摩竭牧牛人. Pāli: māgadhako gopālako, người chăn bò người xứ Māgadha.

[93] Hán dịch thiếu chính xác. Nên hiểu: vì không quan sát và chọn bờ để qua, khiến cho cả bò khỏ cũng bị nước nhận chìm. Xem nội dung được giảii thích đoạn sau. 

[94] Hán dịch thiếu chính xác. Nên hiểu: đưa các con bò lớn và khỏe đi trước để cản dòng xiết cho các con bò yếu nương theo mà vượt qua.

[95] Tiểu độc tùng mẫu 小犢從母, chính xác là những con bê mới sinh nhưng Hán dịch khong tìm ra từ để dịch. Pāli: vacchako taruṇako tāvadeva jātako.

[96] Trong bản không có. Y Tống-Nguyên-Minh thêm vào cho đủ nghĩa.

[97] Trì tín 持信; đây chỉ hạng tùy tín hành, hàng Dự lưu độn căn. Pāli: saddhānusārino.

[98] Phụng pháp 奉法; đây chỉ hạng tùy pháp hành, hàng Dự lưu lợi căn. Pāli: dhammānusārino.

[99] Pāli: tepi tiriyaṃ mārassa sotaṃ chetvā sotthinā pāraṃ gamissanti, cắt ngang dòng nước của Ma, qua bờ bên kia an toàn.

[100] Pāli: ayaṃ loko paro loko, jānatā suppakāsito; yañca mārena sampattaṃ, appattaṃ yañca maccunā, bậc Tri giả (Phật) đã minh giải rõ ràng đời này, đời sau, nơi nào Ma đến được, nới nà không đến được.

[101] Năm hạng người, năm bậc Thánh kể trên: A-la-hán, A-na-hàm, Từ-đà-hàm, Tu-đà-hoần, Tùy tind hành và tùy pháp hành; dụ với đàn bò gồm năm hạng của người chăn bò.

[102] Pāli: Samaññaphala, D. i. 48. Hán No 1(27), 22.

[103] Kỳ-bà-già lê viên 耆婆伽梨園. No 1(27): Kỳ-bà đồng tử Am-bà viên 耆舊童子菴
<lb n="0107a22"/>婆園. Pāli: jīvakassa komārabhaccassa ambavane, trong vườn Xoài của Y sỹ nhi Kỳ-bà. 

[104] Pāli: tadahuposathe pannarase komudiyācātumāsiniyā, ngày bố tát, ngày 15, tháng Kattika, sau mùa hạ an cư.

[105] Nguyệt Quang Phu nhân 月光夫人; không rõ Pāli. 

[106] Ưu-đà-da thái tử 優陀耶太子. Pāli: Udayabhaddo kumāro, nhưng không được đề cập trong đọan này.

[107] Vô Úy Vương tử 無畏王子. Pāli: Abhaya-kumāra; anh em dị bào của A-xà-thế; cũng không được đề cập trng đọan này. Hán có thể nhầm, vì Vương tử Vô ÚyPhật tử, chắc không khuyên Vua đi phỏng đạo với ngoại đạo.

[108] Bất-lan Ca-diệp 不蘭迦葉. No 1 (27): Bà-la-môn Vũ xá đề nghị Bất-lan Ca-diệp. Pāli: Pūraṇo kassapo.

[109] Tu-ni-ma 須尼摩. No 1(27): Tu-ni-đà 須尼
<lb n="0107b13"/>陀. Pāli: một Đại thần không nêu tên, aññataropi kho rājāmacco.

[110] A-di-sủy (chuyên) 阿夷耑. No 1(27): Điển Tác đề nghị. Pāli: Ajita Kesakambala. 

[111] Bà-sa 婆沙. 

[112] Cù-da-lâu 瞿耶樓; do Tu-ni-đà đề nghị. Pāli: Makkhali Gosāla. 

[113] Ma-đặc 摩[18]特.

[114] Ba-hưu Ca-diên 彼休迦[20]旃. No 1(27): do viên tướng giữ cửa tên Già-la 伽羅守門將 đề nghị. Pāli: Pakudha-Kaccāyana.

[115] Sách-ma điển binh sư 索
<lb n="0762b07"/>摩典兵師, vị tướng chỉ huy quân đội.

[116] Tiên-tất Lô-trì 先[24]畢盧持. No 1(27) Ưu-đà-di Mạn-đề Tử 優陀夷漫提子 đề nghị Pāli: Sañjaya-Belaṭṭhi-putta.

[117] Tối Thắng 最勝.

[118] Ni-kiền Tử 尼揵子. Vương tử Vô Úy đề nghị. Pāli: Nigaṇṭha Nāta-putta.

[119] Nguyên Hán: Bần tụ viên 貧聚園; xem cht. 42 trên. 

[120] Vương tử 王子. Pāli: Komārabhacca, người được Vương tử (kumāra) nuôi dưỡng (Sớ giải Pāli: kumārena bhatoti komārabhacco). Hán dịch có thể nhầm, vì Kỳ-bà là y sỹ của Vua chứ không phải là Vương tử (con vua).

[121] Tần-bà-sa 頻婆娑, vua cha của A-xà-thế; là Phật tử nhiệt thành. 

[122] Hán dịch này không hết ý. Tham khảo, No 1(27): Người làm các doanh nghiệp, nhận được kết quả nay trong hiện tại. Người tu đạo, có nhận được báo ứng hện tại không? Pāli: diṭṭheva dhamme sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ paññapetun’ti? Có kết quả thiết thực của sa-môn ngay trong đời này chăng?

[123] No 1(27): thuyết của Mạt-già-le Câu-xá-lê. Đaon trên, kinh 11, phảm 38 nói đây là thuyết của A-di-sủy. Hán dịch bất nhất. Sāmaññaphala, thuyết đoạn diệt (uccheda) của Ajita kesakambala.

[124] No 1(27): Hằng thủy nam 恒水[10]南, bờ Nam sông Hằng. Sāmaññaphala: dakkhiṇaṃ cepi gaṅgāya tīraṃ. 

[125] No 1(27) thuyết của Bất-lan Ca-diệp. Đoạn trên, kinh 11, phẩm 38 nói đây là thuyết của Cù-da-lâu. Sāmaññaphala: thuyết vô nghiệp (akiriya: phi hành động) của Pūraṇa Kassapa.

[126] No 1(27): Hằng thủy bắc ngạn 恒水北岸; trong đoạn về thuyết của Bất-lan Ca-diệp; xem cht. 61 trên.

[127] Đoan trên, kinh 11, phẩm 38, nói đây là thuyết của Ba-hưu Ca-chiên. Hán dịch bất nhất.

[128] Hán dịch bất nhất, khác với đoạn trên, xem kinh 11, phẩm 38, thuyết của Ba-huu Ca-chiên.

[129] Hán dịch tiền hậu bất nhất; xem kinh 11 phẩm 38 trên.

[130] Cf. Pāli, Sāmaññaphala, thuyết luân hồi tịnh hóa (saṃsārasuddhi) của Makkhali Gosāla.

[131] Vô căn tín 無根信. Tín mà không có thiện căn, có tín (hay bốn chứng tịnh, Pāli: avecca-pasāda) nhưng không có gốc rễ trong kiến đạo. Xem giải thích của Tỳ-bà-sa 103, tr. 536b09.

[132] Pāli, A. viii. 5. Lokaparivattta.

[133] Thế bát pháp 世八法. Pāli: aṭṭhime lokadhammā: lābho, alābho, yaso, ayaso, nindā, pasaṃsā, sukhaṃ, dukkhaṃ.
22. PHẨM BA CÚNG DƯỜNG

KINH SỐ 1
[607a01] Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba người, xứng đáng được người đời cúng dường. Ba người ấy là ai? Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, xứng đáng được người đời cúng dường. Đệ tử của đức Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường. Chuyển luân Thánh vương, xứng đáng được người đời cúng dường.

“Có nhân duyên gì mà Như Lai xứng đáng được người đời cúng dường? Như Lai điều phục những ai chưa được điều phục, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, giải thoát những ai chưa được giải thoát, khiến thành Niết-bàn những ai chưa bát-niết-bàn, cứu hộ những ai chưa được cứu hộ, làm con mắt cho những ai mù mắt. Như Lai là tối tôn đệ nhất, là ruộng phước tối tôn, đáng kính, đáng quý giữa Ma, hoặc Ma thiên, trời và người, làm đạo sư hướng dẫn loài người biết con đường chánh, thuyết đạo giáo cho những ai chưa biết đạo. Do nhân duyên này, Như Lai là xứng đáng được người đời cúng dường.

“Có nhân duyên gì mà đệ tử của Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường? Tỳ-kheo nên biết, A-la-hán lậu tận đã vượt qua được dòng sanh tử, không còn tái sinh, đã đắc pháp vô thượng; dâm, nộ, si vĩnh viễn diệt tận không còn, là ruộng phước của đời. Do nhân duyên này, A-la-hán lậu tận xứng đáng được người đời cúng dường.

“Lại nữa, do nhân duyên gì mà Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường? Các Tỳ-kheo nên biết, Chuyển luân Thánh vương dùng pháp để trị hóa, trọn không sát sanh, lại dạy dỗ người khiến không sát sanh; tự mình không trộm cắp và cũng dạy người khác không trộm cắp; tự mình không dâm dật và dạy người khác không dâm dật; tự mình không nói vọng ngữ và dạy người khác không vọng ngữ; tự mình không nói hai lưỡi đấu loạn kia-đây, lại cũng dạy người khác khiến không nói hai lưỡi; tự mình không ganh ghét, sân, si, lại dạy người khác cũng không tập pháp này; tự hành theo chánh kiến và dạy người khác không hành theo tà kiến. Do nhân duyên này, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo A-nan: 

“Có ba thiện căn không thể cùng [607b01] tận, đưa dần đến Niết-bàn giới. Những gì là ba? Gieo trồng công đức ở nơi Như Lai, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Chánh pháp, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Thánh chúng, thiện căn nầy không thể cùng tận. Này A-nan, đó gọi là có ba thiện căn không cùng tận này, đưa đến Niết-bàn giới. Cho nên A-nan, hãy tìm cầu phương tiện để đạt được phước không thể cùng tận này. 

“A-nan, hãy học tập điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba thọ* này. Những gì là ba? Đó là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không khổ không lạc.[50]

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, cảm thọ lạc kia là sứ giả của ái dục. Cảm thọ khổ kia là sứ giả của sân nhuế sai khiến. Cảm thọ không khổ không lạc kia là sứ giả của si. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy học phương tiện tìm cầu diệt các sứ giả này. Vì vậy, các ngươi hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Các Tỳ-kheo nên biết, sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ-kheo nào tự niệm nhiệt hành tu hành pháp này, đắc pháp vô tỷ, người ấy chính là đệ nhất Thanh văn.

“Thế nào, Tỳ-kheo, hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Ở đây, Tỳ-kheo tự quán thân nơi nội thân, tự quán thân nơi ngoại thân, tự quán thân nơi ngoại thân mà tự an trú*; quán nội thọ, quán ngoại thọ, quán nội ngoại thọ; quán nội tâm, quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm; quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp tự an trú*. 

“Như vậy Tỳ-kheo, hãy tự nỗ lực tu hành pháp ấy, đắc pháp vô tỷ. Những Tỳ-kheo nào thực hành pháp nầy, người ấy là đệ tử bậc nhất ở trong hàng Thanh văn

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo: 

“Có ba sự, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.[51] Những gì là ba? Một là nữ nhân, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Hai là chú thuật bà-la-môn, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Ba là nghiệp của tà kiến, [607c01] che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.

“Lại có ba sự mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.[52] Những gì là ba? Mặt trời, mặt trăng, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Pháp ngữ của Như Lai, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Nữ nhân cùng chú thuật,

Tà kiến hành bất thiện:

Đây ba pháp ở đời

Che dấu thì rất tốt.

Nhật, nguyệt chiếu khắp nơi;

Lời chánh pháp Như Lai:

Đây ba pháp ở đời

Hiện bày là đẹp nhất.

“Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy hiển bày pháp Như Lai, chớ để che khuất

“Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba tướng hữu vi của hữu vi. Những là ba? Biết nó sinh khởi; biết nó biến thiên; biết nó diệt tận.[53] 

“Sao gọi đó là biết nó sinh khởi? Biết nó sanh, nó lớn, thành hính năm uẩn, đạt đến các giới và xứ[54]. Đó gọi là biết nó sinh khởi

“Sao gọi là nó diệt tận? Nó chết, mạng đã qua, không tồn tại, vô thường, các uẩn tan hoại, dòng họ chia lìa, mạng căn cắt dứt. Đó gọi là biết diệt tận. 

“Sao gọi là nó biến dịch? Răng rụng, tóc bạc, khí lực hao mòn, tuổi cao sức yếu, thân thể rã rời. Đó gọi là biệt pháp biết pháp biến dịch’. 

“Tỳ-kheo, đó là ba tướng hữu vi của hữu vi. Nên biết ba tướng hữu vi của hữu vi nầy. Hãy khéo phân biệt.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Người ngu có ba tướng, ba pháp không thể trông cậy.[55] Ba pháp gì? Ở đây, điều mà người ngu không nên tư duy mà cứ tư duy; điều không nên luận nói mà cứ luận thuyết; điều không nên hành mà cứ tu tập.

“Thế nào là người ngu tư niệm điều không nên tư duy? Ở đây, người ngu khởi ba hành của ý, rồi tư duy, ức niệm. Những gì là ba? [608a01] Người ngu khởi tâm ganh tị tài sảnnữ sắc nơi người khác, tâm nghĩ lời ác làm trổi dậy tâm ganh ghét, rằng ‘Mong những cái mà người ấy có thuộc về ta.’ Như vậy người ngu tư duy điều không nên tư duy.

“Thế nào là người ngu luận thuyết điều không nên luận thuyết? Ở đây, người ngu gây bốn tội lỗi nơi miệng. Những gì là bốn? Người ngu thường thích vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Người ngu bốn tội lỗi nơi miệng như vậy.

“Thế là người ngu tạo các hành vi ác? Ở đây, người ngu tạo hành vi ác bởi thân, thường nghĩ đến sát sanh, trộm cắp, dâm dật. Người ngu có hành vi xấu ác như vậy. 

“Như vậy, Tỳ-kheo, người ngu có ba hành tích nầy, người ngu si tập hành ba sự nầy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, người trí có ba sự cần được niệm tưởng tu hành. Những gì là ba? Ở đây, người trí tư duy điều đáng tư duy; luận thuyết điều đáng luận thuyết; hành thiện điều đáng tu hành thiện.

“Thế nào là người trí tư duy điều đáng tư duy? Ở đây, người trí tư duy ba hành vi của ý. Những gì là ba? Người trí không ganh ghét, oán giận, si mê; thường hành chánh kiến, thấy tài sản của người khác không sanh tưởng niệm. Như vậy, người trí tư duy điều đáng tư duy.

“Thế nào là người trí luận thuyết điều đáng luận thuyết? Ở đây, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. Những gì là bốn? Người trí không nói dối, cũng không dạy người khác nói dối, thấy người nói dối, ý không hoan hỷ. Đó gọi là người trí giữ gìn miệng mình. Lại nữa, người trí không nói thêu dệt, ác khẩu, tranh loạn kia đây, cũng không dạy người khiến nói thêu dệt, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Như vậy, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. 

“Thế nào là người trí thành tựu ba hành vi của thân? Ở đây, người trí tư duy thân hành không có điều gì xúc phạm; song người trí lại tự mình không sát sanh, cũng không dạy bảo người sát sanh, thấy người khác giết hại, tâm không hoan hỷ; tự mình không trộm cắp, không dạy bảo người trộm cắp, thấy người khác trộm cắp tâm không hoan hỷ; cũng không dâm dật, thấy nữ sắc của kẻ khác tâm không khởi tưởng, cũng không dạy bảo người khiến hành dâm dật. Nếu thấy người già thì xem như mẹ, người vừa như chị, người nhỏ như em, ý không cao thấp. Người trí đã thành tựu ba hành của thân như vậy. 

“Đó gọi là những hành tích của người trí. 

“Như vậy, này Tỳ-kheo, có ba tướng hữu vi này của hữu vi. [608b01] Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xả ly ba tướng của người ngu. Chớ nên phế bỏ ba điều sở hành của người trí. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 7
 Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp nầy, vì không được giác tri, không được thấy, không được nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe. Những gì là ba? Đó là giới Hiền thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe. Tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền Thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe. Nay, như thân Ta, cùng với các ngươi, thảy đều giác tri cấm giới Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền thánh, thảy đều thành tựu, nên không còn tái sinh nữa, đã đoạn nguồn gốc sanh tử. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tu hành ba pháp này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp rất đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Ba pháp gì? Trẻ khỏe là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Không bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Tuổi thọ bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.

“Lại nữa Tỳ-kheo, tuy có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham đắm này, nhưng lại có ba pháp không đáng mền yêu mà người đời không tham muốn. Ba pháp gì? Tỳ-kheo nên biết, tuy có trẻ khỏe, nhưng ắt sẽ già, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Tỳ-kheo nên biết, tuy có không bệnh, song tất sẽ bệnh, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Tỳ-kheo nên biết, tuy có sống lâu, song tất sẽ chết, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, tuy có trẻ khỏe, nhưng phải tìm cầu cái không già, đến Niết-bàn giới. Tuy có không bệnh, nhưng phải tìm cầu phương tiện để không có cái bệnh. Tuy có sống lâu, nhưng hãy [608c01] tìm cầu phương tiện để không bị chết. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 9
 Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Giống như mùa Xuân, trời mưa đá lớn. Cũng lại như vậy, nếu Như Lai không xuất hiện ở đời, chúng sanh sẽ rơi vào địa ngục. Bấy giờ người nữ vào địa ngục nhiều hơn đối người nam. Vì sao vậy? Tỳ-kheo nên biết, do ba sự nên các loài chúng sanh thân hoại mạng chung rơi vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là tham dục, ngủ nghỉ, trạo cử[56]. Bị ba sự nầy quấn chặt tâm ý, thân hoại mạng chung rơi vào ba đường ác

“Người nữ cả ngày tập hành ba pháp mà tự an trú*.[57] Ba pháp gì? Sáng sớm để cho tâm ganh tị quấn chặt mình. Buổi trưa lại để cho ngủ nghỉ quấn chặt mình. Buổi chiều để cho tâm tham dục quấn chặt mình. Do nhân duyên nầy khiến người nữ kia thân hoại mạng chung sanh vào ba đường dữ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tránh xa ba pháp nầy.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Ganh tị, ngủ, trạo cử;

Tham dục là pháp ác 

Lôi người vào địa ngục,

Cuối cùng không giải thoát.

Vì vậy phải lìa bỏ

Ganh tị, ngủ, trọ cử.

Và cũng xả bỏ dục,

Đừng tạo hành ác kia.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tránh xa sự ganh tị, không có tâm keo kiệt, thường hành huệ thí, không ham ngủ nghỉ, thường hành không nhiễm,[58] không đắm tham dục

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp nầy, tập hành chúng, thân cận chúng, không hề biết chán đủ, lại cũng không thể đến chỗ tĩnh chỉ. Những gì là ba? Đó là tham dục, mà người nào tập pháp nầy, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập uống rượu, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập ngủ nghỉ, ban đầu không chán đủ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có người tập ba pháp nầy, ban đầu không chán đủ, lại cũng không thể đến nơi diệt tận. Cho nên, Tỳ-kheo, thường phải lìa bỏ ba pháp nầy, không gần gũi nó. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.” 

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

Kệ tóm tắt:

Cúng dường, ba thiện căn,

Ba thọ, ba khuất lộ,

Tướng, pháp, ba bất giác,

Mến yêu, xuân, không đủ.[59]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 11535)
Bài kinh không những chỉ dành riêng cho người cao tuổi mà cho tất cả những ai muốn tu tập, nhằm mang lại cho mình một tâm thức an bìnhtrong sáng.
(Xem: 11862)
Bài kinh được xem là tinh hoa tâm linh của người xuất gia, như ngón tay chỉ mặt trăng và như chiếc bè đưa sang bờ giải thoát.
(Xem: 11035)
Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến...
(Xem: 11251)
Trong bài kinh nầy, Đức Phật giảng về đời sống tốt đẹp cần phải có của một cư sĩ Phật tử.
(Xem: 11976)
Kinh này được dịch từ Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikàya IV, 380). Kinh tương đương trong tạng Hán là kinh số 106 của bộ Tạp A Hàm.
(Xem: 12456)
Đây là một bài kinh rất phổ thông tại các quốc gia Phật giáo Nam truyền và thường được chư Tăng tụng và thuyết giảng trong các dịp lễ.
(Xem: 10669)
Trong bản kinh này Đức Phật thuyết giảng về bản chất vô thường và vô thực thể của năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn tạo ra một cá thể con người.
(Xem: 17864)
"Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn"
(Xem: 11623)
Tánh không không nhất thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng thực dụngthiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải thoát.
(Xem: 9853)
Của cải kếch xù của một người như thế nếu không biết sử dụng thích đáng thì cũng sẽ bị vua chúa tịch thu, bị trộm cắp vơ vét, bị thiêu hủy vì hỏa hoạn...
(Xem: 10105)
Bồ Tát Thiện Giới, hiểu theo nghĩa Việt là những giới tốt lành, hay kheo, chơn chánh của Bồ tát.
(Xem: 12269)
Kinh Kim Cang thuộc hệ Bát Nhã, một trong ngũ thời giáođức Phật đã thuyết, và là quyển thứ 577 trong bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.
(Xem: 15248)
Kinh Di Giáo là một tác phẩm đúc kết những gì cần thiết nhất cho người xuất gia. Đây là những lời dạy sau cùng của Đức Phật, đầy tình thương và sự khích lệ.
(Xem: 11131)
Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-parinirvana-sutra), cũng được gọi tắt là Kinh Đại Niết Bàn, hoặc ngắn hơn là Kinh Niết Bàn
(Xem: 14213)
Đức Phật A Di Đà do lòng Đại từ bi, Đại nguyện lực, như nam châm hút sắt, nhiếp thọ hết tất cả chúng sanh trong mười phương vào trong cõi nước Tịnh độ của Ngài,
(Xem: 11999)
Kinh Sa-môn quả đã được đức Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Nội dung tất cả các phương pháp Phật trình bày trong kinh này đều xoáy sâu vào ba vô lậu học là giới – định – tuệ.
(Xem: 15189)
Sáu chữ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA sẽ được giải ở câu đầu tiên của phần nội văn, bây giờ giải đề Kinh chỉ giải hai chữ TÂM KINH
(Xem: 11883)
Đề cương kinh Pháp Hoa là học phần cương yếu, Thượng nhân Minh Chánh nêu lên cốt lõi của kinh qua cái nhìn của thiền sư Việt Nam...
(Xem: 12331)
Tên của bộ Kinh này là Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, tên riêng là "Lục Tổ Pháp Bảo Đàn." "Kinh" là tên chung của các bộ Kinh
(Xem: 11098)
Duy ma trọng nhất là bồ đề tâmthâm tâm. Bồ đề tâm thì vừa cầu mong vừa phát huy tuệ giác của Phật. Thâm tâmchân thành sâu xa trong việc gánh vác chúng sinh đau khổ và hội nhập bản thể siêu việt.
(Xem: 12003)
Bài Bát-nhã Tâm kinh do ngài Huyền Trang đời Đường dịch vào năm 649 dương lịch, tại chùa Từ Ân. Toàn bài kinh gồm 260 chữ.
(Xem: 10509)
Thế Tôn đã để lại cho chúng ta một phương pháp để thẩm định đâu là giáo lý Phật Giáo, đâu không phải là những lời dạy của đức Phật.
(Xem: 12468)
Quyển Pháp Hoa Đề Cương là một tác phẩm thật có giá trị của một Thiền sư Việt Nam gần thời đại chúng ta.
(Xem: 13046)
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi Saigon Xuất Bản 1964, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam-Hoa Kỳ Chùa Huệ Quang Tái Xuất Bản
(Xem: 14693)
Phật pháp không phải là một, không phải là hai, từ lâu truyền lại, ngoài tâm có pháp tức ngoại đạo. Người học đạo Phật ai ai cũng biết như thế.
(Xem: 12562)
Kinh Đại Bát Niết Bànbài kinh nói về giai đoạn cuối đời của đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn.
(Xem: 16415)
Nghĩa lý kinh Kim cương là ngoài tầm nghĩ bàn, phước đức kinh Kim cương cũng siêu việt như vậy.
(Xem: 19478)
Phật dạy tất cả chúng sanh đều sẵn có Trí huệ Bát Nhã (Trí huệ Phật) từ vô thỉ đến nay. Trí huệ Bát Nhã rất là quý báu và cứng bén, như ngọc Kim cương hay chất thép.
(Xem: 13022)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 348 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12564)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 250 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12176)
Tạng Kinh là bản sưu tập gồm tất cả những bài Kinh đều do Đức Phật thuyết vào những lúc khác nhau.
(Xem: 11725)
Bài kinh được bắt đầu bằng những điều ta cần làm để được bình an. Không phải là những điều ta cần làm cho tha nhân.
(Xem: 10808)
Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật.
(Xem: 13408)
Thích Đức Nhuận, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới California, USA Xuất bản 2000
(Xem: 11868)
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Dao Tần dịch. Sa môn Hám Sơn Thích Đức ThanhTào Khê, đời Minh soạn - Việt Dịch: Hạnh Huệ
(Xem: 11748)
Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy, Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
(Xem: 11522)
Bồ tát Long Thọ ra đời khi các cánh cửa của Phật giáo Đại thừa được bắt đầu mở rộng.
(Xem: 12663)
Kinh Căn Bản Pháp Môn nêu lên hai cách tu tập: Chỉ (samātha) và Quán (vipassana). Đây là hai cách tu tập cần yếu trong hành trình dẫn đến giác ngộ.
(Xem: 14395)
Trong tác phẩm này, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu một phần quan trọng của tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) là kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) trong hình thức toàn vẹn của nó.
(Xem: 12521)
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, bắt đầu từ ngày 28/5/1998, tổng cộng gồm năm mươi mốt tập (buổi giảng).
(Xem: 15549)
Bộ kinh này có mặt ở Trung Quốc từ đời nhà Đường (618-907). Ngài Bát Lạt Mật ĐếDi Già Thích Ca dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
(Xem: 13502)
Kinh Pháp Cú là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
(Xem: 12779)
Diệu Pháp Liên Hoa có thể nói là bộ kinh nổi tiếng nhất trong khu vườn kinh điển Phật giáo Đại thừa.
(Xem: 9763)
Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học.
(Xem: 17882)
Thế Tôn đã từng dạy, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải được gốc rễ hận thù, tranh chấp, đối kháng và loại trừ lẫn nhau, ngoài từ bi không có con đường nào khác.
(Xem: 11056)
Kinh Kim Cương là một bộ kinh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử học tập và tu luyện của Phật giáo nước ta. Từ giữa thế kỷ thứ 7, trước cả Lục tổ Huệ Năng, thiền sư Thanh Biện của dòng thiền Pháp Vân đã nhờ đọc kinh này mà giác ngộ.
(Xem: 8993)
“Ư bỉ nhị thập nhất câu chi Phật độ, công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát, sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ.” Chỉ một câu văn trong kinh Vô Lượng Thọ mà ta đã có ba chữ nói về cõi Phật.
(Xem: 12093)
Chúng ta biết rằng, lý do tồn tại của Thiền cốt ở tâm chứng, không phải ở triết luận có hệ thống. Thiền chỉ có một khi mọi suy luận được nghiền nát thành sự kiện sống hàng ngày và trực tiếp thể hiện sinh hoạt tâm linh của con người.
(Xem: 12939)
Bài kinh này được chọn trong bộ kinh Theragatha mà kinh sách Hán ngữ gọi là Trưởng Lão Tăng Kệ, thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka).
(Xem: 10214)
Này người Bả-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã vung lên ba thanh kiếm bất hạnh...
(Xem: 12092)
Mettâ-sutta là một bản kinh ngắn rất phổ biến trong các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Đại Thừa. Tên quen thuộc bằng tiếng Việt của bản kinh này là "Kinh Từ Bi"
(Xem: 15186)
Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không chỉ là yếu chỉ tu hành của những người tu Phật mà còn có công năng chuyển hóa những tâm hồn bi quan, khổ đau trong cuộc đời, giúp họ sống tỉnh giác và xả ly, tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh sống.
(Xem: 16512)
BÁT NHÃ TÂM KINH (Prajnaparamitahridaya Sùtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát nhã ba la mật (Prajnaparamità).
(Xem: 12121)
Bát-nhã là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung-hoa có nghĩa là trí-huệ, tiếng Việt-nam mình cũng giữ chữ đó là trí-huệ.
(Xem: 11380)
Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lựcniềm tin của nhân loại.
(Xem: 14149)
Đại Thừa Khởi Tín Luận - Con đường đưa đến giác ngộ, Tác Giả: Mã Minh - Dịch & Giải: Chân Hiền Tâm.
(Xem: 19533)
Tỳ Kheo GiớiTỳ Kheo Ni Giới do HT Thích Trí Quang dịch và giải
(Xem: 14062)
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng. Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
(Xem: 24416)
600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì, sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo; đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.
(Xem: 10589)
Kinh 42 Bài là dịch từ chữ Hán Tứ Thập Nhị Chương. Kinh nầy có nhiều bản chữ Hán. Bản lưu hành cho đến gần đây, theo sự ước đoán của Hòa Thượng Trí Quang
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant