Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)
KINH
SỐ 1
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Chúng sanh nào phụng hành mười pháp, sẽ sinh lên trời. Lại hành mười pháp sẽ sinh vào nẻo dữ. Lại hành mười pháp, nhập Niết-bàn giới.
“Tu hành mười pháp gì mà sinh vào nẻo dữ? Ở đây, có người sát sanh, trộm cướp, dâm dật, nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, tật đố, sân hận, [781a] khơi dậy tà kiến. Đó là mười pháp. Chúng sanh nào hành mười pháp này sẽ vào trong nẻo dữ.
“Tu hành mười pháp gì được sinh lên trời? Ở đây, có người không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dật, không nói dối, không ỷ ngữ, không ác khẩu, không hai lưỡi gây đấu loạn đây kia, không tật đố, không sân hận, không khơi dậy tà kến. Nếu ai hành mười pháp này sẽ được sinh lên trời.
“Tu hành mười pháp gì đến được Niết-bàn? Đó là mười niệm. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ kheo, niệm Thiên, niệm giới, niệm thí, niệm chỉ tức, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Đó là tu hành mười pháp thì đạt được Niết-bàn.
“Tỳ kheo, nên biết, hãy niệm xả ly mười pháp sinh lên trời và sinh vào nẻo dữ. hãy niệm tưởng mười pháp khiến đạt đến Niết-bàn.
“Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 2
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Do gốc rễ mười ác mà ngoại vật còn suy hao, huống nữa nội pháp. Những gì là mười? Đó là, người sát sanh, trộm cướp, dâm dật, nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, tật đố, sân hận, khơi dậy tà kiến. Do quả báo của sát sanh, thọ mạng của chúng sanh rất vắn. Do sự lấy của không được cho, chúng sanh sanh vào chỗ nghèo hèn. Do quả báo dâm dật, cửa nhà chúng sanh không được trinh trắng. Do nói dối, miệng của chúng sanh có mui hôi thối, không được sạch thơm. Do ỷ ngữ, đất đai không được bằng phẳng. Do quả báo hai lưỡi, đất mọc gai chông. Do quả báo ác khẩu, có nhiều ngôn ngữ khác nhau. Do tật đố, thóc lúa không dồi dào. Do quả báo sân hại, có nhiều vật uế ác. Do quả báo tà kiến, tự nhiên sanh tám địa ngục. Nhân bởi mười ác báo này khiến các ngoại vật cũng suy hao, huống nữa vật nội thân.
“Đó là, Tỳ kheo, hãy niệm tránh xa mười pháp ác, tu hành mười pháp thiện.
“Tỳ kheo, hãy học điểu này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 3
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn rằng:
“Như Lai có nói lời này chăng, ‘Bố thí cho Ta thì được phước nhiều; cho người khác thì được phước ít. Hãy bố thí cho đệ tử, chớ bố thí cho người khác.’? Giả sử có ai nói điều này, người ấy không hủy báng pháp của Như Lai chăng?”
Phật nói với Vua:
“Ta không nói điều này, [781b] ‘Chỉ nên bố thí cho một mình Ta, đừng bố thí cho người khác.’ “Đại vương, nên biết, Ta thường nói nói điều này, ‘Thức ăn dư trong bát của Tỳ kheo, đổ vào trong nước cho nhuyễn trùng ăn còn được phước, huống nữa bố thí cho người mà không được phước sao? Tuy nhiên, Đại vương, Ta có nói điều này, ‘Bố thí cho người trì giới được phước nhiều hơn cho người phạm giới.’”
Ba-tư-nặc ở trước Phật bạch rằng:
“Kính vâng, Thế Tôn. Bố thí cho người trì giới phước nhiều gấp bội hơn cho người phạm giới.”
Vua lại bạch Phật:
“Ni-kiền Tử đến nói với con rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm là người biết huyễn thật, có thể xoay chuyển người đời.’ Điều này đúng chăng? Sai chăng?”
Phật nói:
“Đúng vậy, Đại vương, như điều vừa nói. Ta có pháp huyễn có thể xoay chyển người đời.”
Vua bạch Phật:
“Cái gì gọi là pháp huyễn có thể xoay chuyển?”
Phật nói:
“Người sát sanh, tội ấy khó lường. Người không sát sanh, thọ phước vô lượng. Người lấy của không cho, mắc tội vô lượng. Người không trộm cướp được phước vô lượng. Người dâm dật thọ tội vô lượng. Người không dâm dật thọ phước vô lượng. Người tà kiến thọ tội vô lượng, Người chánh kiến thọ phước vô lượng. Pháp huyễn thuật của Ta chính xác được hiểu là như vậy.”
Khi ấy vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
“Thế gian này bao gồm loài người, Ma hoặc Ma thiên, cùng các loài hữu hình nếu hiểu sâu sắc pháp huyễn thật này sẽ được đại hạnh. Từ nay về sau, con không cho phép ngoại đạo dị học vào trong quốc giới của con. Cho phép chúng bốn bộ thường xuyên ở trong cung của con, và thường được cúng dường tùy theo nhu cầu.”
Phật nói:
“Đại vương, chớ nói như vậy. Vì sao? Bố thí cho các loài súc sanh còn được phước; thậm chí bố thí cho người phạm giới còn được phước. Bố thí cho người trì giới, phước đức khó ước lượng. Bố thí Tiên nhân ngoại đạo được một ức phước. Bố thí cho Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hoàn, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Phật, phước ấy khó lường. Cho nên, Đại vương, hãy khơi dậy tâm cúng dường đệ tử Thanh văn của chư Phật trong tương lai, và quá khứ. Đại vương, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ Vua ba-tư-nặc nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 4[70]
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ số đông các Tỳ kheo sau bữa ăn đều tụ tập tại giảng đường Phổ hội, cùng [781c] bàn luận các đề tài này: luận về y áo, phục sức, ăn uống; luận về lân quốc, giặc cướp, chiến tranh; luận về uống rượu, dâm dật, năm thứ nhạc; luận về vũ, hý kịch, kỷ nhạc. Những luận bàn không thiết yếu như vậy không kể xiết.
Khi ấy, Thế Tôn bằng thiên nhĩ nghe các Tỳ kheo đang thảo luận như vậy, liền đi đến giảng đường Phổ hội, hỏi các Tỳ kheo:
“Các ngươi tụ tập tại đây muốn bàn luận điều gì?”
Các Tỳ kheo bạch Thế Tôn:
“Chúng con cùng bàn luận những vấn đề không thiết yếu như vậy.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Thôi, thôi, Tỳ kheo! Chớ có bàn luận như vậy. Vì sao? Những bàn luận ấy phi nghĩa,[71] cũng không dẫn đến pháp thiện. Không do bàn luận này mà được tu hành, không đạt đến chỗ Niết-bàn diệt tận, không được đạo bình đẳng của sa-môn. Đó là những luận bàn thế tục, không phải là luận bàn chân chánh hướng đến. Các ngươi đã bỏ tục học đạo, không nên tư duy các đề tài dẫn đến bại hoại như vậy. Nếu muốn luận bàn, các ngươi hãy luận bàn mười sự công đức.
“Những gì là mười? Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu.[72] Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, là thiết yếu của Niết-bàn.
“Các ngươi, các thiện gia nam tử, đã xuất gia học đạo, hãy tư duy mười sự này. Luận như vậy là luận chánh pháp, bỏ xa nẻo dữ. Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 5
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ số đông các Tỳ kheo đều tụ tập tại giảng đường Phổ hội, cùng bàn luận như vầy:
“Nay gạo thóc trong thành Xá-vệ khan hiếm, giá cả tăng vọt, xin ăn khó được. Vả, Thế Tôn có nói, nương nhờ ăn uống mà thân người được tồn tại. Bốn đại y tựa nơi pháp được niệm tưởng bởi tâm. Pháp y tựa trên gốc rễ dẫn đến nẻo lành. Hôm này chúng ta nên phân chia người theo thứ tự đi khất thực, khiến cho người khất thực được thấy có sắc da tươi đẹp, xúc cảm êm dịu, được y phục, cơm nước, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, há không phải tốt đẹp [782a] sao?”
Khi ấy, bằng thiên nhĩ thanh tịnh không chút tì vết, Thế Tôn từ xa nghe các Tỳ kheo cùng nhau bàn luận như vậy, tức thì đến giảng đường Phổ hội, ngồi xuống giữa đại chúng. Phật bảo các Tỳ kheo:
“Các ngươi tụ tập tại đây, đang bàn luận vấn đề gì?”
Các Tỳ kheo đáp:
“Chúng con bàn luận rằng, nay trong thành Xá-vệ, xin ăn khó được. Chúng con muốn phân chia từng người theo thứ tự đi khất thực, để cho tùy lúc được thấy có sắc da tươi đẹp, được y phục, cơm nước, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Điều mà chúng con bàn luận là như vậy.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Tỳ kheo khất thực bốn sự cúng dường là y áo, cơm nước, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, lại còn cần dùng đến sắc, thanh, hương, vị, xúc chạm trơn láng nữa hay sao? Ta hằng răn dạy rằng, khất thực có hai sự là đáng thân cận và không đáng thân cận. Giả sử được áo chăn, cơm nước, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, mà pháp ác tăng trưởng, pháp thiện không tăng trưởng, điều đó không nên thân cận. Nếu xin được y áo, cơm nước, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, mà pháp thiện tăng ích, pháp ác không tăng ích, điều đó nên thân cận.
“Tỳ kheo các ngươi, ở trong pháp này muốn luận bàn điều gì? Những điều các ngươi luận bàn không phái là luận bàn hợp chánh pháp. Hãy xả bỏ pháp ấy, chớ tư duy thêm nữa. Vì không do đó mà đạt đến chỗ tĩnh chỉ, đến Niết-bàn diệt tận. Nếu muốn luận bàn, các ngươi hãy luận bàn mười pháp. Những gì là mười?[73] Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, nghe nhiều lại có thể nói pháp cho người, không sợ hãi không do dự, giới luật đầy đủ, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến huệ thàn tựu. Nếu các ngươi muốn bàn luận, hãy bàn luận mười đề tài này.Vì sao vậy? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, Niết-bàn giới. Các đề tài này là đích nghĩa của sa-môn, các ngươi hãy nhớ nghĩ tư duy, chớ để tâm rời xa. Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 6
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ số đông các Tỳ kheo đều tụ tập tại giảng đường Phổ hội, cùng bàn luận như vầy:
“Nay trong thành Xá-vệ khất thực khó được, không phải là nơi chốn an ổn cho Tỳ kheo. Chúng ta hãy cử một người theo thứ tự đi khất thực. Tỳ kheo khất thực này có thể [783b] kiếm được các thứ y áo, cơm nước, gường chõng và thuốc men trị bệnh, không thiếu thốn thứ gì.”
Khi ấy trong chúng có một Tỳ kheo thưa với các vị khác rằng:
“Chúng ta không có khả năng khất thực ở đây. Ai nấy hãy đi đến nước Ma-kiệt-đà, mà xin ăn ở đó.Vả, ở đó thóc gạo dồi dào, giá rẻ, đồ ẩm thực dư dả.”
Lại có Tỳ kheo khác nói:
“Chúng ta không nên khất thực ở nước đó. Vì sao vậy? A-xà-thế đang cai trị ở đó. Ông hành động phi pháp, lại giết cha, cùng kết bạn với Đề-bà-đạt-đâu. Do nhân duyên ấy, chúng ta không nên khất thực ở đó.”
Lại có Tỳ kheo khác nói:
“Hiện nay, ở quốc thổ Câu-lưu-sa,[74] nhân dân đông đúc trù phú, nhiều của cải, bảo vật. ta nên đến đó khất thực.”
Lại có Tỳ kheo khác nói:
“Không nên đến khất thực ở đó. Vì sao? Vua Ác Sanh[75] đang cai trị ở đó, cực kỳ hung bạo, không có chút nhân từ. Nhân dân ở đó hung dữ, hay đấu tranh kiện tụng. Do nhân duyên này, không nên đến đó khất thực.”
Lại có Tỳ kheo nói:
Chúng ta nên đến thành Câu-thâm Bà-la-nại,[76] nơi đó vua Ưu-điền đang cai trị. Vua nhiệt thành tin Phật pháp, tâm ý không lay động. Chúng ta nên đến đó khất thực, sẽ không trái với điều mong ước.”
Bấy giờ, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, Thế Tôn nghe các Ty kheo đang bàn luận như vậy, tức thì nghiêm chỉnh y phục, đi đến chỗ các Tỳ kheo, ngồi xuống giữa đại chúng, hỏi các Tỳ kheo:
“Các ngươi tụ tập tại đây đang bàn luận điều gì?”
Các Tỳ kheo đáp:
“Chúng con tụ tập tại đây, cùng nhau bàn luận rằng, ‘Nay trong thành Xá-vệ thóc cao gạo quý, khất thực khó được. Chúng ta ai nấy hãy đến nước Ma-kiệt-đà, mà xin ăn ở đó.Vả, ở đó thóc gạo dồi dào, khất thực sẽ dễ được.’ Trong chúng có Tỳ kheo nói, ‘Chúng ta không nên khất thực ở nước đó. Vì sao vậy? A-xà-thế đang cai trị ở đó. Ông hành động phi pháp, lại giết cha, cùng kết bạn với Đề-bà-đạt-đâu. Do nhân duyên ấy, chúng ta không nên khất thực ở đó.’ Lại có Tỳ kheo khác nói, ‘Hiện nay, ở quốc thổ Câu-lưu-sa, nhân dân đông đúc trù phú, nhiều của cải, bảo vật. ta nên đến đó khất thực.’ Lại có Tỳ kheo khác nói, ‘Chúng ta không nên đến khất thực ở đó. Vì sao? Vua Ác Sanh đang cai trị ở đó, cực kỳ hung bạo, không có chút nhân từ, hay đấu tranh kiện tụng. Do nhân duyên này, [782c] không nên đến đó khất thực.’ Lại có Tỳ kheo nói, ‘Chúng ta nên đến thành Câu-thâm Bà-la-nại, nơi đó vua Ưu-điền đang cai trị. Vua nhiệt thành tin Phật pháp, tâm ý không lay động. Chúng ta nên đến đó khất thực, sẽ không trái với điều mong ước.’ Chúng con ở đây đang bàn luận những điều như vậy.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Các ông chớ có khen chê việc vua cai trị, quốc gia, bờ cõi; cũng chớ bàn luận sự hơn kém của các vua chúa.”
Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:
Phàm người tạo thiện, ác,
Hành vi đều có nhân;
Sẽ thọ báo như vậy,
Không bao giờ hủy mất.
Phàm người tạo thiện, ác,
Hành vi đều có nhân.
Làm thiện, nhận báo thiện.
Làm ác, nhận báo ác.
“Cho nên, Tỳ kheo, chớ móng tâm luận bàn quốc sự. Vì không do sự luận bàn này mà có thể đạt đến Niết-bàn diệt tận; cũng không phải là pháp chánh hành của sa-môn. Nếu bàn luận những sự việc ấy, đó không phải là chánh nghiệp. Các ngươi nên học mười đề tài bàn luận. Những gì là mười? Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, là thiết yếu của Niết-bàn.
“Các ngươi, các thiện gia nam tử, đã xuất gia học đạo, xa rời thế tục, hãy tinh cần tư duy, chớ để tâm rời xa. Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 7
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ số đông các Tỳ kheo đều tụ tập tại giảng đường Phổ hội, cùng bàn luận như vầy:
“Nay vua Ba-tư-nặc hành phi pháp, phạm luật giáo của Thánh. Tỳ kheo ni Sám[77] đắc A-la-hán đạo, bị vua giữ trong cung suốt 12 năm, để cùng giao thông. Vua lại không phụng sự Phật Pháp, Tăng Tỳ kheo. Chúng ta nên rời xa, không nên ở lại đất nước này. Vì sao? Khi vua hành phi pháp, đại thân của vua cũng hành phi pháp. Đại thần đã hành phi pháp, thì quan lại phò tá tả hữu cũng hành phi pháp. Quan lại hành phi pháp, thứ dân cũng hành phi pháp. Vậy chúng ta đi dến nước khác khất thực, chớ ở lại nước này. Vả lại, chúng ta có thể quan sát phong tục của nước đó. Do thấy phong tục ở đó mà có thể thấy được chỗ khác nhau.”
Bấy giờ, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, Thế Tôn nghe các Tỳ kheo đang bàn luận vấn đề này, liền đi đến chỗ các Tỳ kheo, ngồi xuống giữa đại chúng. Rồi Thế Tôn hỏi các Tỳ kheo:
“Các ông tụ tập tại đây đang bàn luận vấn đề gì?”
Các Tỳ kheo bạch Thế Tôn:
“Chúng con ở đây bàn luận rằng, vua Ba-tư-nặc hành phi pháp, phạm luật giáo của Thánh, giam giữ Tỳ kheo ni Sám trong cung suốt 12 năm, cốt để giao tiếp sắc. Vả lại, bậc đắc đạo vượt ngoài ba cõi, mà vua lại không phụng sự Phật Pháp, Tăng Tỳ kheo; không có lòng chí tín đối với A-la-hán. Đã không tâm này thì cũng không có tâm kia đối với ngôi Tam tôn. Chúng ta nên rời xa, không nên ở lại đất nước này. Vì sao? Khi vua hành phi pháp, đại thần của vua cũng hành phi pháp; thần tá, nhân dân cũng hành ác. Vả lại, chúng ta có thể quan sát phong hóa của nước khác.”
Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
“Các ngươi chớ luận bàn đề tài quốc giới. Hãy tự mình khắc kỷ tư duy, nội tỉnh, so sánh, phân biệt. Bàn luận những điều như vậy thì không hợp chánh lý. Nó cũng không khiến mọi người có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ Niết-bàn vô vi diệt tận. Hãy tự mình tu tập pháp hành xí nhiên,[78] tự quy y tối tôn. Nếu Tỳ kheo có thể tự tu tập phát khởi pháp lạc cho mình, hạng ngừơi đó được sinh từ chính thân thể Ta.
“Tỳ kheo, làm thế nào để tự thắp sáng, phát khởi pháp lạc, không hư dối, tự quy tối tôn? Ở đây, Tỳ kheo nội tự quán thân, ý an chỉ trên thân,[79] tự thâu nhiếp tâm, trừ khử loạn tưởng, không có sầu ưu. Lại nữa, nội ngoại quán thân, thân niệm. Nội quán thọ, ngoại quán thọ, nội ngoại quán thọ; nội quán tâm, ngoại quán tâm, nội ngoại quán tâm; nội quán pháp, ngoại quán pháp, nội ngoại quán pháp. Tỳ kheo như vậy có thể tự mình thắp sáng, tu hành phát khởi pháp lạc, tự quy tối tôn. Tỳ kheo nào trong hiện tại hay tương lai mà có thể tự thắp sáng, không thoái thất gốc rễ của hành, Tỳ kheo ấy được sinh từ chính Ta.
“Cho nên, Tỳ kheo, nếu muốn [783b] luận bàn, hãy luận bàn mười sự. Những gì là mười? Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, Niết-bàn giới. Những luận bàn ấy là đích nghĩa của sa-môn. Các ngươi hãy tinh cần tư duy, chớ để tâm rời xa. Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 8
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ trong thành Xá-vệ có một ông trưởng giả cúng cho La-hầu-la[80] một căn nhà để tọa thiền.[81] La-hầu-la nghỉ trong căn nhà ấy được vài ngày, rồi đi du hóa trong nhân gian. Khi ấy, ông trưởng giả chợt có ý nghĩ đến thăm La-hầu-la. Nhưng khi thấy trong căn nhà của La-hầu-la vắng vẻ, không có người ở, ông bèn nói với một Tỳ kheo khác:
“Tôn giả La-hầu-la nay đang ở đâu?”
Tỳ kheo đáp:
“La-hầu-la đi du hóa trong nhân gian.”
Trưởng giả nói:
“Cúi mong chư Hiền cắt cử người đến ở trong căn nhà của tôi. Thế Tôn cũng có nói, tạo lập vườn cây ăn trái và làm cầu, đò, dựng nhà xí gần đường đi, rồi đem bố thí, sẽ được phước lâu dài, giới pháp thành tựu; sau khi chết tất được sinh lên trời. Vì lý do đó, tôi đã làm cho La-hầu-la một căn nhà. Nay La-hầu-la không thích nhà của tôi. Vậy cúi mong chư Hiền sai cử người đến ở trong căn nhà của tôi.’
Các Tỳ kheo đáp:
“Sẽ theo lời trưởng giả nói.”
Bấy giờ các Tỳ kheo bèn cử một Tỳ kheo đến ở trong căn nhà đó.
Thời gian sau, La-hầu-la nghĩ rằng, “Ta xa Thế Tôn đã lâu, nay nên về thăm viếng.”
Rồi Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, và ngồi xuống một bên. Giây lát, bèn rời chỗ ngồi, trở về căn nhà cũ. Thấy có một Tỳ kheo khác ở trontg đó, bèn hỏi:
“Ai đem nhà của tôi giao cho thầy ở vậy?”
Tỳ kheo đáp:
“Chúng Tăng sai cử tôi đến ở căn nhà này.”
La-hầu-la quay trở lại chỗ Thế Tôn, đem nhân duyên này [783c] thuật lại đầy đủ cho Thế Tôn, rồi hỏi:
“Thế Tôn, không rõ có phải chúng Tăng sai cử đạo nhân đến ở trong căn nhà của con hay không?”
Phật bảo La-hầu-la:
“Ngươi hãy đi đến ông trưởng giả mà nói rằng, ‘Những gì tôi đã làm do bởi thân, miệng, ý có điều gì lỗi lầm chăng? Há không phải ba hành vi bởi thân, bốn bởi miệng, ba bởi ý, có lỗi lầm gì chăng? Sao Trưởng giả bố thí nhà cho tôi, rồi sau lại mang chúng cho Thánh chúng?”
La-hầu-la vâng lời Phật dạy, đi đến ông trưởng giả, nói rằng:
“Há không phải ba hành vi bởi thân, bốn bởi miệng, ba bởi ý, có lỗi lầm gì chăng?”
Trưởng giả đáp:
“Tôi không thấy La-hầu-la có lỗi lầm gì do bởi thân, miệng, ý cả.”
La-hầu-la nói với trưởng giả:
“Vậy sao ông lấy lại phòng xá của tôi mà đem cho Thánh chúng?”
Trưởng giả đáp:
“Tôi thấy nhà trống cho nên đem cho Thánh chúng. Khi ấy tôi nghĩ rằng, Tôn giả La-hầu-la chắc không thích ở trong căn nhà của tôi, vì vậy tôi mang đi huệ thí.”
La-hầu-la sau khi nghe trương giả nói như vậy, bèn trở về chỗ Thế Tôn, thuật lại đầy đủ nhân duyên sự việc lên Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn bảo A-nan, hãy mau đánh kiền-chùy; các Tỳ kheo trong tinh xá Kỳ-hoàn vân tập hết vào giảng đường Phổ hội. A-nan vâng lệnh Thế Tôn, triệu tập các Tỳ kheo vào giảng đường Phổ hội.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nay Ta sẽ nói về huệ thí thanh tịnh. Các ông hãy khéo suy nghĩ kỹ.”
Các Tỳ kheo vâng lời Phật lắng nghe.
Thế Tôn nói:
“Thế nào gọi là huệ thí thanh tịnh? Ở đây, Tỳ kheo, có người đã đem vật huệ thí, sau đó lấy lại đem cho người khác. Huệ thí ấy được nói là không đồng đều, không phải bình đẳng thí. Hoặc có người lấy của người khác đem huệ thí Thánh chúng. Lại có người đoạt của Thánh chúng đem thí cho người khác. Đấy đều là bố thí không bình đẳng, cũng không phải là huệ thí thanh tịnh.
“Như Chuyển luân Thánh vương được tự tại trong cảnh giới của mình; cũng vậy, Tỳ kheo được tự tại đối với y bát của mình. Nếu ai lấy của người khác, mà không có lời hứa khả của người đó, rồi đem cho người kia; đó không phải là bình đẳng thí. Nay, Ta bảo các Tỳ kheo, thí chủ muốn cho nhưng người nhận không muốn cho, đây không phải là bố thí bình đẳng.
“Hoặc gặp trường hợp Tỳ kheo mạng chung, nên đem một phòng xá ấy đến giữa chúng, tác yết-ma, truyền cáo xướng lên rằng, ‘Tỳ kheo kia mạng chung, nay đem phòng xá này ra giữa Tăng phân xử. Muốn giao lại cho ai ở, tùy theo lời dạy của Thánh chúng. Này chư Hiền, nay [784a] trao cho Tỳ kheo mổ giáp trú ở đó, mong các vị hãy chấp thuận. Ai không chấp thuận hãy nói.’ Cần phải nói ba lần như vậy. Nếu trong chúng Tăng có một vị không chấp thuận mà đem cho, đó không phải là bình đẳng thí. Vật đó trở thành tạp uế. Nay hãy trả phòng xá lại cho La-hầu-la, hãy thanh tịnh thọ trì.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 9
Nghe
như vậy:
Một thời Phật trú tại Ca-lan-đà, Trúc viên, thành La-duyệt, cùng chúng 500 đại Tỳ kheo.
Bấy giờ Tôn giả Đại Quân-đầu[82] ở một chỗ tịch tĩnh, khởi lên ý nghĩ này: “Làm thế nào để biết tri kiến về khoảng trước, khoảng sau, khoảng giữa?”
Khi đến giờ, Đại Quân-đầu khóac y cầm bát đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Quân-đầu bạch Thế Tôn rằng:
“Nay các tri kiến liên hệ khoảng trước, khoảng sau này, làm sao để diệt tri kiến này? Lại khiến các tri kiến khác không sanh?”
Thế Tôn nói:
“Ở đây, này Quân-đầu, nơi mà tri kiến ấy xuất hiện, và nơi mà tri kiến ấy diệt mất, thảy đều vô thường, khổ, không. Quân-đầu, biết điều đó rồi, hãy phát khởi tâm ý này. Phàm pháp tri kiến có 62 loại. Hãy an trú trên đất mười thiện để trừ khử tri kiến ấy. Những gì là mười? Ở đây, này Quân-đầu, người khác ưa sát sanh, còn ta sẽ không sát sanh; người khác ưa trộm cướp, ta không trộm cướp; người khác phạm phạm hạnh, ta hành phạm hạnh; người khác nói dối, ta không hành nói dối; người khác nói hai lưỡi gây đấu loạn đây kia, ỷ ngữ, ác khẩu, tật đó, sân hận, tà kiến, ta hành chánh kiến. Quân-đầu, nên biết, như từ con đường hiểm ác mà gặp được đường chánh, như từ tà kiến mà được đến chánh kiến, quay lưng với tà mà đi theo chánh. Cũng như người tự mình đang bị đắm mà muốn vớt người, không bao giờ có lý đó. Tự mình chưa diệt độ, mà muốn khiến người khác diệt độ, điều này không thể có. Như người không bị đắm mới có thể vớt người khác, lý này khả hữu. Ở đây cũng vậy, tự mình bát-niết-bàn, lại khiến người khác chứng diệt độ, lý này khả hữu. Cho nên, này Quân-đù, hãy niệm tưởng xa lánh mà diệt độ không sát, xa lánh trộm cướp mà diệt độ không trộm cướp, xa lánh dâm dật mà diệt độ không dâm dật, xa lánh vọng ngữ mà diệt độ không vọng ngữ, xa lánh ỷ ngữ mà diệt độ không ỷ ngữ, xa lánh ác ngôn mà diệt độ không ác ngôn, xa lánh gây đấu loạn đây kia mà diệt độ không đấu loạn đây kia, xa lánh tật đố mà diệt độ không tật đố, xa lánh sân nhuế mà diệt độ không sân nhuế, [784b] xa lánh tà kiến mà được diệt độ chánh kiến.
“Quân-đầu, nên biết,phàm phu sanh tâm niệm này: ‘Có ngã chăng? Không có ngã chăng? Vừa ngã vừa vô ngã chăng? Thế gian thường chăng? Thế gian vô thường chăng? Thế giới hữu biên chăng? Thế giới vô biên chăng? Mạng tức thân chăng? Mạng khác thân khác chăng? Như Lai có chết chăng? Như Lai không chết chăng? Có chết chăng? Không có chết chăng? Ai tạo ra thế gian này? Rồi sanh các tà kiến, rằng Phạm thiên tạo ra thế gian này chăng? hay là Địa chủ tạo dựng thế gian này? Hoặc nói Phạm thiên tạo ra chúng sanh này, Địa chủ tạo ra thế giới này. Chúng sanh trước kia không có, nay có. Có rồi, sẽ diệt. Phàm phu do không học, không có tri kiến, nên sanh ra các niệm tưởng này.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Tự nhiên có Phạm thiên;
Phạm chí nói như vậy.
Kiến này không chân chánh,
Như sở kiến của họ.
Chúa ta sanh hoa sen;
Phạm thiên hiện trong đó.
Địa chủ sanh Phạm thiên.
Tự sanh, không hợp lý.
Địa chủ, dòng sát-lợi,
Cha mẹ của phạm chí.
Làm sao con sát-lợi,
Sanh trở lại phạm chí?
Đi tìm chỗ sở sanh,
Theo lời chư thiên nói.
Đó là lời khen ngợi,
Trở lại tự trói buộc.
Phạm thiên sanh loài người,
Địa chủ tạo thế gian.
Hoặc nói, cái khác tạo.
Điều này ai xét cho?
Mê hoặc bởi tham sân,
Ba sự cũng hợp tập;
Tâm không được tự tại,
Tự xưng ta hơn đời.
Chẳng Thần tạo thế gian,
Cũng chẳng Phạm thiên sanh.
Giả sử Phạm thiên tạo,
Đó không hư dối chăng?
Tìm dấu tích lại nhiều
Xét kỹ, biết hư ngôn.
Hành vi mỗi mỗi khác;
Hành ấy xét không thật.
“Quân-đầu, nên biết, sở kiến của các loài chúng sanh thì không đồng, mà tâm niệm cũng mỗi khác. Các tri kiến ấy đều vô thường. Ai ôm giữ tri kiến ấy, là pháp biến dịch, vô thường. Nếu người khác sát sanh, ta lìa sát sanh. [784c] Nếu người khác trộm cắp, ta sẽ xa lìa việc đó, không tập theo hành vi đó, mà chuyên tâm nhất ý không để thác loạn, tư duy trù lượng xem tà kiến khởi lên từ đâu, cho đến mười pháp ác thảy đều lìa bỏ, không tập theo các hành vi ấy. Nếu người khác sân nhuế, chúng ta học nơi nhẫn nhục. Người khác ôm lòng tật đó, ta nên xả ly. Người khác kiêu mạn, ta nghĩ đến xả ly. Người khác khen mình chê người, ta không khen mình chê người. Người khác không thiểu dục, ta nên học thiểu dục. Người khác phá giới, ta tu tập giới. Người khác giải đãi, ta hãy tinh tấn. Người khác không hành tam-muội, ta hành tam-muội. Hãy học như vậy. Người khác ngu hoặc, ta hành trí tuệ. Ai có thể quan sát phân biệt pháp này, tà kiến tiêu diệt, những cái còn lại không sanh.”
Quân-đầu sau khi lãnh thọ những điều Như Lai dạy, ở nơi chỗ vắng tư duy, suy gẫm, mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, khóac ba pháp y, tu phạm hạnh vô thượng, biết như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hanh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.. Bấy giờ Quân-đầu thành A-la-hán.
Bấy giò Quân-đầu nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH
SỐ 10
Tôi
nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Chúng sanh trong địa ngục thọ báo của tội dài nhất là một kiếp. Cũng có kẻ nửa chừng mà yểu. Súc sanh thọ tội báo dài nhất một kiếp, cũng có yểu mạng nửa chừng. Thọ báo ngạ quỷ dài nhất một kiếp, cũng có yểu nửa chừng.
“Tỳ kheo, nên biết, người Uất-đan-viết thọ lâu một nghìn năm; không có ai yểu mạng nửa chừng. Sở dĩ như vậy, vì con người trong quốc thổ đó không có sở hữu. Khi chúng mạng chung ở đây, liền sinh vào cõi lành, sinh lên trời, không có ai đọa lạc.
“Loài người ở thọ năm trăm năm; cũng có kẻ nửa chừng yểu. Người Cù-đà-ni thọ hai trăm năm mươi năm; cũng có kẻ nửa chừng yểu.
“Người Diêm-phù-đề thọ lâu nhất một trăm năm; phần lớn có kẻ yểu nửa chừng. Giả sử thọ mạng lâu nhất là mười lần mười; loài người lấy mười lần mười tuổi thọ làm dấu hiệu, do bởi hành vi bất đồng, tính chất được phân biệt thành khác nhau. Mười năm đầu, tuổi ấu thơ chưa biết gì. Mười năm thứ hai, hơi có chút hiêủ biết nhưng chưa quán triệt. Mười năm thứ ba, ý dục hừng hực, tham đắm sắc. Mười năm thứ tư, biết nhiều kỹ thuật, nhưng sở hành chưa có đầu mối. [785a] Mười năm thứ năm, thấy hiểu nghĩa lý, những gì đã học tập đều không quên, Mười năm thứ sáu, tham đắm tài sản, tâm ý không quyết. Mười năm thứ bảy, lười biếng, ưa ngủ nghỉ, thể chất chậm chạp. Mười năm thứ tám, không còn tâm trai trẻ, cũng không ham lòe lọet. Mười năm thứ chín, nhiều bệnh, da sần, mặt nhăn. Mười năm thứ mười, các căn suy hóa, khớp xương liền nhau, hay quên, hay nhầm lẫn.
“Tỳ kheo, giả sử con người sống được một trăm năm, phải trải qua ngần ấy khó khăn.
“Giả sử con người thọ một trăm năm, sẽ trải qua ba trăm mùa gồm đông, hạ, và xuân-thu[83], nhưng so với tuổi thọ kia chưa đủ để nói. Nếu người thọ một trăm năm, sẽ ăn ba vạn sáu nghìn bữa ăn; trung gian hoặc có khi không ăn. Hoặc khi giận mà không ăn; không được cho nên không ăn; bệnh nên không ăn. Tính số người ấy ăn cũng không ăn, và bú sửa mẹ, nói tắt có ba vạn sáu nghìn lần ăn. Tỳ kheo, hạn số của người thọ một trăm năm tính theo sự ăn uống có tình trạng như vậy.
“Tỳ-kheo, nên biết, con người trong Diêm-phù-địa cũng có khi thọ mạng dài đến vô lượng. Trong thời quá khứ lâu xa, có vị vua tên gọi là Liệu Chúng Bệnh, thọ mạng rất dài, nhan sắc xinh đẹp, hượng thọ khoái lạc vô lượng. Thời bấy giờ không có các tai hoạn về tật bệnh, tuổi già và chết. Khi ấy có cặp vợ chồng sinh một người con. Đứa con liền mạng chung. Cha mẹ nó ẳm cho ngồi, lại mang đồ ăn đến cho. Nhưng đứa con ấy không ăn, không uống, không ngồi. Vì sao? Nó đã chết. Cha mẹ nó bấy giờ mới nghĩ như vầy: ‘Sao con ta hôm nay giận hờn gì mà không chịu ăn uống, cũng không nói năng gì?’ Sở dĩ như vậy, con người thời đó chưa nghe đến âm hưởng tử vong nên mới như vậy. Rồi cha mẹ ấy lại nghĩ, “Đã bảy ngày rồi con ta không ăn, không uống; và cũng không biết vì sao nó im lặng. Nay ta hãy đem nhân duyên này tâu cho vua Liệu Chứng Bệnh biết.’ Người cha mẹ ấy liền đi đến vua, đem nhân duyên ấy tâu lên vua đầy đủ. Khi ấy Đại vương liền nghĩ, ‘Ngày nay đã nghe đến âm hưởng tử vong rồi.’ Và bảo: ‘Các người hãy mang đứa nhỏ ấy đến ta.’ Cha mẹ liền ẳm đứa nhỏ đến chỗ quốc vương. Vua thấy nó, bèn nói với người cha mẹ ấy, ‘Đứa nhỏ này chết rồi.’ Cha mẹ nó hỏi, ‘Chết nghĩa là sao?’ Vua nói, ‘Đứa nhỏ này không còn đi, đứng, nói năng, ăn uống, nô đùa; mình mẫy cứng đơ, [785b] không còn làm gì được nữa. Ấy gọi là chết.’ Người cha mẹ ấy hỏi, ‘Sự biến đổi này trải qua bao lâu?’ Vua nói, ‘Chẳng bao lâu nữa thân thể đứa nhỏ này tan rữa, sình chương, hôi thối không chịu được,’ Cha mẹ nó khi ấy chưa tin lời vua. Họ lại ẳm con trở về nhà. Không bau lâu, thân thể nó rữa, hôi thối cực kỳ. Bầy giờ cha mẹ này mới tin lời vua nói rằng ‘Thân thể đứa nhỏ này không lâu sẽ sình chương, tan rữa. Bấy giờ cặp vợ chồng này lại mang đưa nhỏ sình chương ấy đến chỗ quốc vương, tâu vua rằng, ‘Tâu Đại vương, nay chúng tôi mang đứa nhỏ này cống hiến cho Đại vương.’ Khi ấy cha mẹ này cũng không than khóc. Sở dĩ như vậy, vì chưa nghe đến tiếng chết. Sau đó, Đại vương lột da nó làm trống, lại sắc lệnh dựng ngôi lầu bảy tầng, mang cái trống lớn này đặt vào đó, rồi sai bảo một người, ‘Nhà ngươi phải biết, hãy giữ gìn cái trống này. Cứ một trăm năm, đánh một tiếng, không được sai thời.’ Người ấy vâng lệnh vua, đúng một trăm năm thì đánh một tiếng. Nhân dân nghe tiếng trống ấy, quái lạ chưa từng có. Mọi người hỏi nhau, ‘Âm hưởng gì vậy? Đó là tiếng của ai mà thấu đến đây?’ Vua bảo: ‘Đó là tiếng của da người người chết.’ Chúng sanh nghe điều này, bèn nghĩ, ‘Lạ thay, tiếng trống nghe được này!’
“Tỳ kheo, quốc vương bấy giờ há là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Quốc vương thời bấy giờ chính là thân Ta vậy. Do đây mà biết, thuở xưa thọ mạng của người Diêm-phù-địa cực kỳ dài. Còn nay, thọ mạng của người Diêm-phù-địa cực ngắn; số giảm thiểu khó giới hạn. Vì sao vậy? Do sát hại quá nhiều, khiến cho tuổi thọ cực ngắn, sắc da cũng mất đẹp. Do nhân duyên này dẫn đến biến đổi quái lạ.
“Tỳ kheo, nên biết, năm mươi năm ở Diêm-phù-địa bằng một ngày một đêm trên cõi Tứ thiên vương. Tính theo số ngày đêm ở đó, ba mươi ngày làm một tháng. Mười hai tháng làm một năm. Thọ mạng trời Tứ thiên vương là năm trăm năm, cũng có kẻ yểu nửa chừng.
“Tính theo số năm theo loài người, mười tám ức năm (của trời Tứ thiên vương) là một ngày một đêm trong địa ngục Hoàn hoạt.[84] Tính theo số một ngày một đêm ở đó, ba mươi ngày là một tháng; mười hai tháng là một năm. Tuổi thọ cực dài trong địa ngục Hoàn hoạt là một nghìn năm, cũng có kể yểu nửa chừng. Tính theo số năm theo loài người là ba mươi sáu vạn năm.
“Một trăm năm loài người bằng một ngày một đêm trên trời Tam thập tam. Tính theo số năm tháng ở đó, [785c] tuổi thọ trời Tam thập tam là một nghìn năm; cũng có vị nửa chừng yểu. Tính số năm theo loài người là ba mươi sáu ức năm, bằng một ngày một đêm trong địa ngục A-tỳ.[85] Tính theo số ngày đêm ở đó, ba mươi ngày là một tháng; mười hai tháng là một năm. Theo số ngày đêm ở đây, tuổi thọ là hai vạn năm. Tính theo tuổi thọ loài người, đây thọ một câu-lợi.[86]
“Như vậy, Tỳ kheo, tính theo số tuổi như vậy càng lúc càng tăng, trừ trời Vô tưởng. Trời Vô tưởng thọ tám vạn bốn nghìn kiếp. Trừ trời Tịnh cư không sinh trở lại đời này.
“Cho nên, Tỳ kheo, chớ để tâm buông lung, ở ngay nơi hiện thân mà chứng đăc lậu tận. Tỳ kheo, hãy học đỉều này như vậy.”
Các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[87]