- 1. Chương Thứ Nhất
- 2. Chương Thứ Hai
- 3. Chương Thứ Ba
- 4. Chương Thứ Tư
- 5. Chương Thứ Năm
- 6. Chương Thứ Sáu
- 7. Chương Thứ Bảy
- 8. Chương Thứ Tám
- 9. Chương Thứ Chín
- 10. Chương Thứ Mười
- 11. Chương Thứ Mười Một
- 12. Chương Thứ Mười Hai
- 13. Chương Thứ Mười Ba
- 14. Chương Thứ Mười Bốn
- 15. Chương Thứ Mười Lăm
- 16. Chương Thứ Mười Sáu
- 17. Chương Thứ Mười Bảy
- 18. Chương Thứ Mười Tám
- 19. Chương Thứ Mười Chín
- 20. Chương Hai Mươi
- 21. Chương Hai Mươi Mốt
Nguyên tác Nhật ngữ: Vọng Nguyệt Tín Hanh
Hán dịch: Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Chương thứ mười hai
Thuyết sanh nhân Tịnh độ được hiển thị trong kinh A-di-đà v.v…
Tiết thứ nhất
Lời nói đầu
Liên quan đến điều kiện làm nhân của hạnh vãng sanh Tịnh độ, bắt đầu từ các kinh luận ở Ấn Độ. Về sau, các nhà Phật học ở Trung Quốc và Nhật Bản có đưa ra nhiều thuyết bất đồng. Để thúc đẩy Tịnh độ Di-đà lưu hành mạnh mẽ nên có rất nhiều văn hiến liên quan đến Tịnh độ. Nhưng thuyết sanh nhân Tịnh độ nói chung thì lấy cõi Phật A-súc làm chủ yếu cũng thấy rải rác ở các nơi, như phẩm Hương Tích Phật trong kinh Duy-ma quyển hạ nói, phải tu tám pháp thành tựu lợi ích chúng sanh thì được vãng sanh Tịnh độ. Kinh Bảo vân quyển 6 nói, người nào trì giới thanh tịnh đầy đủ mười việc thì được sanh về Tịnh độ. Phẩm Cao Quí Đức Vương bồ-tát, kinh Niết-bàn quyển 21 nói, người nào thực hiện hai mươi mốt việc như không hại sanh mạng chúng sanh v.v… thì đều là sanh nhân của Tịnh độ A-súc. Nay chỉ lấy Tịnh độ Di-đà để nói đến điều kiện làm nhân của hạnh vãng sanh. Trước tiên nêu ra một loạt kinh đã thấy như kinh A-di-đà, kinh Đại A-di-đà và kinh Vô Lượng Thọ.
Tiết thứ hai
Chấp trì danh hiệu của kinh A-di-đà
Trước tiên, chúng ta thấy trong kinh A-di-đà ghi: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói Phật A-di-đà liền chấp trì danh hiệu, từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, người ấy lúc mạng chung thì Phật Di-đà cùng các thánh chúng hiện ra ở trước người đó, tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A-di-đà”. Ở đây, lấy chấp trì danh hiệu Phật A-di-đà từ một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, khi mạng chung chiêu cảm Đức Phật đến tiếp đón, được vãng sanh Tịnh độ.
Nay giải thích chấp trì danh hiệu, tiếng Phạn là grah, Hán dịch là chấp trì, nghĩa là niệm trì danh hiệu. Cũng giống phẩm Dị hành, luận Thập trụ tì-bà-sa quyển 5, ngài La-thập dịch: “Phải dùng tâm cung kính chấp trì danh hiệu, lại nghe mười đức hiệu của Phật này, chấp trì trong tâm”. Chấp trì là niệm trì trong tâm không rời bỏ, không chỉ là xưng danh hiệu mà thôi.
Lại nữa, kinh Văn-thù-sư-lợi sở thuyết bát-nhã ba-la-mật quyển hạ nói: “Ở chỗ vắng vẻ, tâm không loạn động, không chấp tướng mạo, buộc tâm vào một Đức Phật, chuyên xưng danh hiệu”. Nhưng trong Mạn-thù-thất-lợi phần kinh Đại Bát-nhã quyển 575 đồng bản dị dịch, giải thích: “Chuyên tâm buộc niệm vào một Như Lai, thẩm thủ danh tự”. Thẩm thủ tương đương với tiếng Phạn grhitav=yam, cho nên biết thẩm thủ là dịch ra từ tiếng Phạn grhitavyam. Do đó, nay suy ra chấp trì và thẩm thủ là hai từ đồng nghĩa. Kinh A-di-đà bản tiếng Phạn có câu: “Nghe danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ”. Chữ nghe được giải thích là tư niệm.
Trong kinh Xưng tán Tịnh độ, ngài Huyền Trang dịch: “Nghe danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ có công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, thế giới Cực Lạc công đức trang nghiêm, nghe rồi tư duy; hoặc một ngày đêm cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày đêm buộc niệm bất loạn”, đều có nghĩa là tư niệm danh hiệu công đức. Chữ nghe, nay theo kinh Di-đà nói: “Tức là nghe danh hiệu Đức Phật kia”, phải giải thích theo nghĩa niệm trì của tâm.
Phẩm Hành, kinh Bát-chu tam-muội 1 quyển nói: “Nếu người muốn sanh về nước Ta, phải niệm danh hiệu Ta, đừng có gián đoạn thì được sanh về nước Ta”. Đại khái ở đây nói, căn cứ đầu tiên là nay chấp trì danh hiệu. Bởi vì, niệm danh hiệu Phật là pháp tu hành từ xưa đến nay. Phẩm Trợ niệm tam-muội, luận Thập trụ tì-bà-sa nói: “Khi mới phát tâm bồ-tát nên lấy mười hiệu diệu tướng mà niệm Phật. Mười hiệu diệu tướng là: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Người này nhờ nhân duyên niệm đức hiệu mà tăng trưởng thiền pháp thì có thể duyên theo tướng (mười diệu tướng), lúc đó đắc tướng thiền pháp, được thành tựu Bát-chu tam-muội, cho nên thấy chư Phật”.
Luận Đại trí độ quyển 21 nói, tu niệm Phật có thứ tự, ban đầu niệm mười đức hiệu của Phật; kế đến, niệm ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp và thần thông, công đức, thần lực. Tức là niệm danh hiệu nhất tâm bất loạn, bèn thành ra thuyết ‘mà được thấy Phật’ của kinh Bát-chu tam-muội, cùng với thuyết ‘lâm chung thấy Phật’ của kinh A-di-đà là nhất trí. Nhưng so sánh với kinh này (kinh A-di-đà) thì không phải chỉ niệm Phật cũng không phải chỉ xưng danh hiệu, mà phải là một thuyết sanh nhân niệm danh hiệu khác thường.
Tiết thứ ba
Thuyết sanh nhân tam bối của kinh Đại A-di-đà
Kế đến, trong kinh Đại A-di-đà nói người vãng sanh có sai biệt là thượng bối, trung bối và hạ bối đều có sanh nhân vãng sanh. Lại nói người nghe danh hiệu Phật được vãng sanh, hai mươi bốn nguyện trong kinh này có liên quan đến sanh nhân, chỉ chung có bốn nguyện. Trong nguyện thứ bảy nói: “Trong tám phương, trên và dưới có chư thiên và nhân dân ở vô số cõi nước Phật, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hành đạo bồ-tát , phụng hành sáu ba-la-mật, hoặc sa-môn không huỷ giới kinh, đoạn ái dục, trai giới thanh tịnh, nhất tâm niệm muốn sanh về cõi nước Ta, ngày đêm không gián đoạn thì khi người đó sắp mạng chung Ta với các vị bồ-tát và a-la-hán cùng bay xuống tiếp dẫn, người đó liền sanh về cõi nước Ta làm bồ-tát A-duy-việt-trí, trí tuệ dũng mãnh”. Đây là nguyện vãng sanh của người thượng bối.
Lại nữa, nguyện thứ sáu nói: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn sanh về nước Ta, vì nhờ Ta nên càng làm nhiều việc thiện. Nếu người nào lập đàn bố thí, nhiễu tháp, đốt hương, rải hoa, đốt đèn, treo những vải lụa, cúng dường thức ăn cho sa-môn, xây dựng chùa tháp, đoạn ái dục, trì giới thanh tịnh, nhất tâm niệm Ta, suốt một ngày đêm không gián đoạn thì sẽ sanh về nước Ta làm bồ-tát”. Đây là nguyện vãng sanh của người trung bối. Chúng ta hiểu rõ các nguyện văn trên đây đồng với quyển hạ của kinh này đã nêu ra văn thượng bối và trung bối trong tam bối vãng sanh là nhất trí.
Nguyện thứ năm nói: “Trong tám phương, trên và dưới có vô số chư thiên, nhân dân và loài côn trùng nhỏ nhít; nếu đời trước họ làm ác, nhưng khi nghe danh hiệu của Ta, muốn sanh về nước Ta thì tự mình phải sám hối, vì đạo mà làm việc thiện, trì kinh giới, tâm nguyện muốn sanh về nước Ta không có gián đoạn, khi họ mạng chung không bị đoạ địa ngục, cầm thú, ngạ quỉ, liền sanh về nước Ta”. Đây là nguyện chung của người nghi hoặc và hạ bối trong tam bối vãng sanh. Cho nên, đồng kinh quyển hạ có nêu ra văn hạ bối vãng sanh.
Người phát nguyện vãng sanh về nước Phật A-di-đà, nếu không thể lập đàn bố thí, cho đến không thể cúng dường thức ăn cho sa-môn, thì chỉ cần đoạn ái dục, không còn tham luyến, từ tâm, tinh tiến, không có sân giận, trai giới thanh tịnh, nhất tâm muốn sanh về nước Phật A-di-đà, suốt mười ngày đêm hành trì không dừng thì sau khi mạng chung, họ liền được vãng sanh về cõi nước Ngài.
Lại nữa, trong hai bối là trung bối và hạ bối, nếu hạng người ấy về sau khởi tâm nghi ngờ rồi lại hối hận, tuy làm các điều thiện, nhưng chẳng tin đời sau có thể được phúc, chẳng tin có cõi nước Phật A-di-đà, chỉ chuộng niệm Phật không gián đoạn, tạm thời tin rồi lại không tin, ý chí do dự, vì nhờ sức bản nguyện nên khi lâm chung Phật A-di-đà hoá thành hình tượng làm cho người này nhìn thấy, trong tâm họ rất vui mừng, hối hận hàng ngày chưa trì trai giới, làm nhiều điều thiện, lúc này hối hận thì không kịp. Khi họ mạng chung sanh về trong thành bảy báu ở biên giới của nước Phật A-di-đà. Trong năm trăm năm, họ cư trú chỗ này, tu hành tinh tiến cũng có thể đến cõi Phật Di-đà.
Hai bối trên đây đã nói về đại thể thì nhất trí. Đặc biệt trong nguyện văn lấy tự mình hối lỗi, ý nói người nghi ngờ nay bỏ tà về chính thì không đoạ vào địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ, nói tâm nguyện muốn sanh về cõi Phật, nhưng chỉ ra cho dễ thấy là sanh trong thành bảy báu ở vùng biên địa. Vì thế, nguyện thứ năm chủ yếu là nguyện vãng sanh của người nghi ngờ. Nhưng nguyện thượng bối và trung bối đều riêng khác, thiết tưởng đem hạ bối và người nghi ngờ hợp lại một nguyện, dường như thoả đáng hơn.
Tiết thứ tư
Lược bỏ nguyện trung bối
Ý nghĩa của nguyện văn trong kinh Bình đẳng giác được cải đính rất đơn giản, nguyện trung bối vãng sanh lại bị cắt bỏ, chỉ nêu nguyện văn thượng bối và hạ bối, tức là nguyện thứ mười tám của Phật A-di-đà: “Nhân dân ở cõi nước chư Phật hành đạo bồ-tát , nếu thường niệm danh hiệu Ta, tâm luôn thanh tịnh thì khi họ mạng chung, Ta cùng chúng tì-kheo đông vô số bay xuống đón rước họ, cùng đứng trước mặt, họ liền sanh về nước Ta làm bồ-tát A-duy-việt-trí”. Đây là nguyện thượng bối vãng sanh.
Nguyện thứ mười chín ghi: “Nhân dân ở cõi Phật phương khác, đời trước làm ác, nghe danh hiệu Ta, vì đạo bỏ tà về chính. Nếu họ muốn sanh về nước Ta thì khi mạng chung, không còn bị đoạ lại ba đường ác, liền sanh về nước Ta, đúng như tâm nguyện ”. Tức là nguyện hạ bối và nghi ngờ vãng sanh.
Lại nữa, nguyện văn của kinh Vô Lượng Thọ đại thể kế thừa kinh Bình đẳng giác, tức là nguyện thứ mười chín của Phật A-di-đà tương đương với nguyện thượng bối, nguyện thứ hai mươi tương đương với hạ bối và nghi ngờ vãng sanh.
Nhưng nguyện thứ hai mươi của Phật A-di-đà: “Chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu Ta, chuyên tâm niệm nước Ta, trồng các thiện căn, chí tâm hồi hướng, muốn sanh về nước Ta, nếu không toại nguyện thì Ta không thành Chính Giác”. Nguyện này chưa nêu ra đời trước làm ác và việc hối hận bỏ tà về chính. Có lẽ là kinh Vô Lượng Thọ chuyển đoạn văn nghi hoặc vãng sanh đến cuối kinh, từ chương tam bối cắt rời mà thành ra như vậy. Cho nên liên quan nguyện văn này, từ xưa đến nay có nhiều cách giải thích nên có quan điểm cũng không nhất định, nhưng nói chuyên niệm cõi nước Ta mà không toại nguyện nghĩa là ban đầu khởi niệm nguyện vãng sanh, chẳng bao lâu sanh tâm nghi ngờ. Sau đó, lại hối hận bỏ tà về chính, thì cũng có thể đạt được chí nguyện vãng sanh. Vậy thì nguyện này là chuyển hoá của nguyện nghi ngờ vãng sanh. Kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ bản Phạn và kinh Bi hoa đều chưa nêu ra nguyện này. Có lẽ lí do là người nghi ngờ chỉ sanh về biên địa, không thể sanh ngay về cõi Phật, nên lược bỏ bớt.
Tiết thứ năm
Danh văn sanh nhân và mười niệm vãng sanh
Kế đến, nguyện thứ tư của kinh Đại A-di-đà là người nghe danh hiệu Phật A-di-đà phát nguyện sanh về nước Ngài. Nguyện văn ghi: “Do vì danh hiệu của Ta được vô số cõi Phật ở khắp mười phương nghe đều khiến cho chư Phật ngồi giữa đại chúng tì-kheo tăng nói về sự tốt đẹp của công đức và cõi nước của Ta. Chư thiên, nhân dân và loài côn trùng nhỏ nhít nghe danh hiệu của Ta khởi từ tâm, hoan hỉ đều sanh về nước Ta”. Đây là danh hiệu của Phật A-di-đà được chư Phật mười phương nghe đến đều ca ngợi công đức của Ngài. Chư thiên, nhân dân nghe danh hiệu của Ngài khởi từ tâm, hoan hỉ, khiến cho họ được vãng sanh về Tịnh độ của Ngài. Ở đây, có hai loại nguyện là chư Phật khen ngợi và nhân được vãng sanh là nhờ nghe danh hiệu Phật. Nguyện thứ mười bảy của kinh Bình đẳng giác giống với nguyện này. Nhưng kinh Vô Lượng Thọ trở về sau, đến kinh Tứ thập bát nguyện đều chia nguyện này thành hai nguyện. Lại đem nguyện nhân nghe danh hiệu được vãng sanh của đoạn sau thêm vào và sửa đổi lại, tức là nguyện thứ mười tám của kinh Vô Lượng Thọ: “Chúng sanh trong mười phương chí tâm tin ưa, muốn sanh về nước Ta, cho đến mười niệm; nếu họ không vãng sanh thì Ta không thành Chính Giác. Chỉ trừ kẻ ngũ nghịch, phỉ báng chính pháp”.
Lại nữa, nguyện thứ mười chín của kinh Vô Lượng Thọ, bản Phạn ghi: “Các hữu tình ở trong vô lượng vô số ở cõi Phật nghe danh hiệu Ta, vì muốn được sanh về nước Cực Lạc nên niệm và hồi hướng các thiện căn. Trừ những kẻ tạo nghiệp vô gián, phỉ báng chính pháp và gây chướng ngại các hữu tình. Nếu như họ phát tâm niệm danh hiệu Ta mười lần, liền sanh về nước Cực Lạc thì Ta mới chứng đắc Vô Thượng Bồ-đề”. Đây là nghe danh hiệu Phật rồi, chí tâm tin ưa, muốn sanh về nước Cực Lạc ít nhất là mười niệm, liền được vãng sanh về cõi nước đó, đây là đem từ tâm, hoan hỉ của kinh Đại A-di-đà giải thích tỉ mỉ.
Lại nữa, trước chương Tam bối vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ quyển hạ có nói: “Nếu có chúng sanh nghe danh hiệu Phật A-di-đà khởi tín tâm hoan hỉ, cho đến một niệm chí tâm hồi hướng, nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc thì được vãng sanh, trụ Bất thoái chuyển, chỉ trừ ngũ nghịch, phỉ báng chính pháp”, tức là nói ý nghĩa hiện nay thành tựu nguyện thứ mười tám. Nguyện văn nhân nghe danh hiệu được vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ được cải đính tuy chưa nêu nguyện trung bối vãng sanh, nhưng đến một đoạn sau nói về nguyện này thành tựu thì lại nói đầy đủ người nghe danh hiệu Phật và người tam bối vãng sanh đồng với thuyết của kinh Đại A-di-đà, đều là theo căn cơ vãng sanh có bốn loại sai biệt. Vì thế, cho rằng nhân của hạnh đều riêng có bất đồng.
Tiết thứ sáu
Giải thích mười niệm
Liên quan về ‘cho đến mười niệm’, rốt cuộc có ý nghĩa gì, xưa nay có nhiều cách giải thích. Trong văn hạ phẩm hạ sanh của Quán kinh nói: “Người này bị khổ não bức bách, không niệm Phật được. Có thiện hữu đến bảo: ‘Nếu anh không niệm Phật được thì nên xưng danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ”. Chí tâm như vậy, tiếng niệm không ngừng, đầy đủ mười niệm, xưng nam-mô A-di-đà Phật, nhờ xưng danh hiệu Phật, nếu trong mỗi niệm trừ được tám mươi ức kiếp tội sanh tử. Như khoảnh khắc một niệm cũng được vãng sanh về thế giới Cực Lạc”. Đây là không thể niệm Phật kịp thời, cho nên chí tâm niệm phát ra tiếng, xưng nam-mô A-di-đà Phật cho đủ mười niệm. Đây là theo hạ bối nhất hướng chuyên niệm của kinh Vô Lượng Thọ, cho đến mười niệm là từ thuyết niệm Phật Vô Lượng Thọ.
Vãng sanh luận chú quyển thượng của ngài Đàm Loan, đời Bắc Nguỵ giải thích văn đầy đủ mười niệm: “Niệm là nghĩa ức niệm, tức là quán theo tướng chung và tướng riêng của Đức Phật; hoặc xưng danh hiệu Phật, tâm không nghĩ tưởng đến điều nào khác, nhất tâm liên tục niệm Phật A-di-đà, đủ số mười danh hiệu thì gọi mười niệm”. Nhưng liên quan đến số mười danh hiệu, nếu hành giả không có nghĩ điều gì khác, nhất tâm niệm Phật liên tục, số niệm này nhiều ít lần không thể tự biết. Có người trước niệm Phật, sau nghĩ xen tạp việc khác, rồi lại nhiếp tâm niệm Phật, lại xen nghĩ việc khác. Cách niệm như thế, tuy có thể biết được số niệm, nhưng niệm có gián đoạn, không thể niệm liên tục.
Có người hỏi: “Niệm như thế nào được liên tục, mà còn tự biết số niệm?”.
Ngài Đàm Loan đáp: “Hành giả không cần tự biết số niệm, mười niệm tức là ý nghĩa thành tựu sự nghiệp vãng sanh. Thành hay không thành chỉ có người chứng thần thông mới tự biết. Cho nên, hành giả không duyên theo việc khác, chỉ cần giữ niệm liên tục thì thành. Nếu muốn cố muốn biết số niệm, không phải không có phương pháp khác. Niệm của mười niệm này, lấy ức niệm làm ý nghĩa, theo tướng hảo Phật, xưng danh hiệu Phật, vì tâm chuyên niệm Phật A-di-đà mười niệm liên tục rất là quan trọng”. (xem Đại Chính, 40, 834).
Vô Lượng Thọ kinh tông yếu, 2 quyển của ngài Nguyên Hiểu, người Tân La, cho rằng mười niệm có mười niệm hiển liễu và mười niệm ẩn mật. Đầy đủ mười niệm theo Quán kinh là mười niệm hiển liễu, nghĩa là xưng niệm danh hiệu, duyên theo tướng hảo, không xen niệm khác, niệm Phật liên tục, giống như ngài Đàm Loan đã nói.
Mười niệm ẩn mật chỉ mười loại tâm như từ tâm v.v…theo kinh Di-lặc phát vấn. Nhưng mười niệm trong Quán kinh là pháp tu của hạng hạ phẩm, chỉ hạn cuộc nơi mười niệm hiển liễu. ‘Cho đến mười niệm’ trong nguyện thứ mười tám là người căn cơ thượng phẩm tu; cho nên gồm cả hai loại hiển liễu và ẩn mật.
Lại nữa, trong Vô Lượng Thọ kinh thuật nghĩa kí của ngài Nghĩa Tịch người Tân La (được sách Niệm Phật bản nguyện nghĩa của ngài Trường Tây dẫn dụng) lấy ý nghĩa niệm làm thời gian, tức là thời gian xướng một lần sáu chữ danh hiệu nam-mô A-di-đà Phật làm một niệm, thời gian xướng mười lần gọi là mười niệm. Nếu nhất tâm xưng danh hiệu Phật, trong mỗi niệm tất nhiên đầy đủ mười niệm theo kinh Di-lặc phát vấn. Đầy đủ mười niệm xưng Nam-mô A-di-đà Phật theo Quán kinh nói, tức là thời gian mười tiếng xưng danh hiệu Phật thì tự mình đầy đủ ý nghĩa của mười niệm như từ tâm v.v…
Kinh Di-lặc phát vấn là khuyết bản, được Hoa nghiêm khổng mục chương quyển 4 của ngài Trí Nghiễm, đời Đường trích dẫn. Nay nêu ra những điều ngài đã dẫn dụng đầu tiên của kinh trên nói: “Nếu người nào có thể niệm A-di-đà Phật mười niệm liên tục thì được vãng sanh về cõi nước An Dưỡng”.
Kế đến, nêu rõ mười niệm:
1. Thường sanh tâm từ đối với tất cả chúng sanh.
2. Sinh khởi tâm bi sâu sắc.
3. Khởi tâm hộ pháp, không tiếc thân mạng.
4. Sinh tâm quyết định đối với hạnh nhẫn nhục.
5. Tâm thanh tịnh kiên cố, không tham đắm lợi dưỡng.
6. Phát tâm Nhất thiết chủng trí.
7. Khởi tâm tôn trọng đối với tất cả chúng sanh.
8. Luận bàn việc thế tục mà không khởi tâm đắm nhiễm.
9. Tâm thường tỉnh giác, xa lìa chốn ồn náo làm tâm tán loạn.
10. Chính niệm quán Phật, trừ khử sự vọng động của các căn.
Mười niệm trên đây cùng Phát thắng chí nhạo hội trong kinh Đại bảo tích quyển 92 và bản dị dịch của nó là kinh Phát giác tịnh tâm quyển hạ, đại khái nói giống nhau, chẳng qua là đem mười niệm của hai kinh này nói thành mười loại tâm. Thuyết này có liên quan với thuyết mười niệm, hoặc mười loại tâm, vốn là một cách giải thích của Ấn Độ.
Lại nữa, ngài Thiện Đạo, đời Đường lấy nghĩa mười niệm làm mười tiếng xưng niệm danh hiệu Phật, từ bản nguyện cho đến mười niệm. Đầy đủ mười niệm của Quán kinh đều lấy ý nghĩa miệng xướng nam-mô A-di-đà Phật. Văn giải thích bản nguyện trong Vãng sanh lễ tán ghi: “Nếu Ta thành Phật, mười phương chúng sanh xưng danh hiệu Ta, ít nhất mười tiếng, nếu họ không sanh về nước Ta thì Ta không thành Chính Giác”.
Lại nữa, Quán kinh sớ quyển 1, giải thích đầy đủ mười niệm của kinh: “Mười tiếng xưng danh hiệu Phật ở đây thì đầy đủ mười nguyện, mười hạnh”, tức là chỉ cho điều này. Ngài Đàm Loan cũng lấy đầy đủ mười niệm và xưng nam-mô A-di-đà Phật của Quán kinh cả hai điều (1. Đầy đủ mười niệm, 2. Xưng danh hiệu Phật) là hai mệnh đề cá biệt. Nhưng ngài Thiện Đạo lấy xưng nam-mô A-di-đà Phật, tức là đã bao hàm nội dung đầy đủ mười niệm; cho nên, đầy đủ mười niệm và xưng danh hiệu Phật đều đồng một ý nghĩa.
Tiết thứ 7
Ý nghĩa mười niệm
Trên đây là nhiều cách giải thích liên quan đến mười niệm trong nguyện văn. Nhưng chúng ta thấy trong bản Phạn, niệm của mười niệm phải giải thích là tâm, chất-đa (citta) tức là nghĩa tâm niệm thì rất thoả đáng. Lại nữa, niệm của niệm Phật Vô Lượng Thọ trong tam bối là nghĩa tuỳ niệm (Anusm= rti) hoặc nghĩa tư duy (Manasikr). Bởi vì, nghĩa của chữ niệm này đều nên giải nghĩa là ức niệm hay tư niệm.
Liên quan về ức niệm như thế nào, cũng có hai cách giải thích. Trong bản Phạn, niệm là niệm nguyện sanh. Lại nguyện thứ năm và nguyện thứ bảy của kinh Đại A-di-đà ghi: “Niệm muốn sanh về nước Ta ngày đêm không gián đoạn”. Trong văn thượng bối của kinh này, nguyện muốn vãng sanh về nước Phật A-di-đà, thường chí tâm niệm liên tục, đều là niệm nguyện sanh. Trong văn thượng bối và trung bối của kinh Vô Lượng Thọ thì trái ngược điều này, đều ghi: “Nhất hướng chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ”. Đặc biệt văn hạ bối nói: “Nhất hướng chuyên niệm cho đến mười niệm, niệm Phật Vô Lượng Thọ”. Rõ ràng biểu thị nghĩa cần phải tư niệm Phật Vô Lượng Thọ.
Lại nữa, nói mười niệm là hiển thị nhân của hạnh rất đơn giản, tức là kinh Đại A-di-đà nói thượng bối thường niệm không gián đoạn, nói trung bối một ngày một đêm niệm không gián đoạn, nói hạ bối mười ngày mười đêm không gián đoạn. Kinh A-di-đà nói, niệm từ một ngày cho đến bảy ngày không gián đoạn, đều lấy số ngày để xác định kì hạn. Đối với điều này, nay chỉ lấy số lần niệm mà nói là mười niệm. Không những như thế mà trong hạ bối vãng sanh của kinh Vô Lượng Thọ cũng nói: “Cho đến một niệm niệm Phật A-di-đà, chỉ lấy niệm Đức Phật một lần, nhờ đó mà được vãng sanh”. Đây là do căn cơ nghe danh hiệu Phật, trong nhóm người tam bối biểu thị người thấp kém nhất; đồng thời, có ý giải thích công đức bản nguyện của Phật đạt đến chỗ cùng tột.
Tiết thứ 8
Thuyết mười sáu pháp quán tưởng trong Quán kinh
Sự tu hành vãng sanh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói có mười sáu pháp quán tưởng:
1. Quán tưởng mặt trời.
2. Quán tưởng nước.
3. Quán tưởng đất.
4. Quán tưởng cây.
5. Quán tưởng nước tám công đức.
6. Quán tưởng tổng quát.
7. Quán tưởng toà hoa sen.
8. Quán tưởng tượng.
9. Quán tưởng sắc thân của Phật Vô Lượng Thọ.
10. Quán tưởng sắc thân của Quán Thế Âm.
11. Quán tưởng sắc thân của Đại Thế Chí.
12. Quán tưởng phổ quán.
13. Quán tưởng tạp quán.
14. Quán tưởng thượng bối vãng sanh.
15. Quán tưởng trung bối vãng sanh.
16. Quán tưởng hạ bối vãng sanh.
Quán tưởng mặt trời là thấy mặt trời lặn ở phương tây tức là quán về hướng Cực Lạc. Quán tưởng nước thấy nước trong suốt đóng băng là quán đất lưu li ở Cực Lạc. Quán tưởng đất chính là quán đất lưu li ở Cực Lạc. Quán tưởng cây là quán cây báu ở cõi Cực Lạc. Quán tưởng nước tám công đức là quán ao nước tám công đức ở Cực Lạc. Quán tưởng tổng quát là quán chung cây báu, ao báu, lầu các báu v.v… ở Cực Lạc. Quán tưởng toà hoa sen là quán Phật A-di-đà ngồi trên toà hoa sen. Quán tưởng tượng là quán tượng Đức Phật Di-đà cùng hai vị bồ-tát. Quán tưởng sắc thân của Phật Vô Lượng Thọ là sắc thân chân thật của Đức Phật Di-đà. Quán tưởng sắc thân của Quán Thế Âm và sắc thân của Đại Thế Chí là quán sắc thân chân thật của hai vị bồ-tát. Quán tưởng phổ quán là hành giả quán tưởng tự mình vãng sanh Tịnh độ. Quán tưởng tạp quán là quán tượng thân Phật Di-đà cao một trượng sáu. Quán tưởng thượng bối, trung bối và hạ bối vãng sanh là quán sanh về Cực Lạc, tức là quán tưởng tướng trạng vãng sanh Tịnh độ của người tam bối cửu phẩm. Trong đó, chủ yếu là quán sắc thân của Phật Vô Lượng Thọ thứ chín, tức là trong văn này nói thân tướng của Phật Di-đà chiếu sáng cùng khắp vô biên.
Những điều đã thấy trên đây chỉ nên dùng tâm nhãn ức tưởng, thấy sự tướng này tức thấy tất cả chư Phật trong mười phương, vì thấy chư Phật nên gọi là niệm Phật tam-muội. Quán như thế, gọi là quán tất cả thân Phật. Cho đến quán như vậy thì xả thân này qua đời khác được sanh ra ở trước chư Phật, đắc Vô sanh nhẫn. Nếu người quán thấy Phật A-di-đà tướng hảo quang minh thì thấy được tất cả chư Phật trong mười phương. Lại nói quán như vậy là thuyết được sanh về Tịnh độ, đắc Vô sanh nhẫn, đều là kế thừa thuyết của kinh Bát-chu tam-muội.
Tiết thứ 9
Cửu phẩm sanh nhân khác nhau
Trong Quán kinh chia tam bối vãng sanh thành chín phẩm, nói mỗi phẩm có sanh nhân khác nhau. Trong đó, trước tiên nêu ra Thượng tam phẩm sanh nhân. Văn Thượng phẩm thượng sanh lại có ba loại chúng sanh:
1. Tâm từ không giết hại, đầy đủ các giới hạnh.
2. Đọc tụng kinh Đại thừa phương đẳng.
3. Tu hành lục niệm[1] hồi hướng phát nguyện sanh về cõi Phật Di-đà, đầy đủ công đức này, từ một ngày cho đến bảy ngày thì được vãng sanh.
Kế đến, văn Thượng phẩm trung sanh là không hạn định người thụ trì đọc tụng kinh Phương đẳng, nhưng hiểu rõ nghĩa lí, tâm không khiếp sợ đệ nhất nghĩa, tin chắc nhân quả, không huỷ báng Đại thừa.
Trong văn Thượng phẩm hạ sanh, cũng tin nhân quả, không huỷ báng Đại thừa, nhưng chỉ phát tâm cầu đạo Vô Thượng. Điều này chung cho cả ba hạng người sanh về Thượng phẩm, vì họ đều tu ba hạnh là lòng từ không giết hại, đọc tụng kinh Đại thừa và phải tu lục niệm. Trong đó, Thượng thượng phẩm thực hành đầy đủ ba điều này. Người Thượng trung phẩm không đọc tụng kinh Đại thừa, nhưng hiểu rõ lí Đệ nhất nghĩa không. Người Thượng hạ phẩm không đọc tụng kinh Đại thừa, cũng không hiểu Đệ nhất nghĩa, nhưng tin nhân quả, không phỉ báng Đại thừa, chỉ cần phát tâm Vô Thượng Bồ-đề. Nghĩa là trong ba hạnh trên, người của ba phẩm này đều phải tu hai hạnh là lòng từ không giết hại và tu hành lục niệm, còn một hạnh đọc tụng kinh Đại thừa lại chia ra đọc, không đọc, hiểu, không hiểu; cho nên, có sự sai biệt của người trong ba phẩm. Thuyết này là thuyết kế thừa văn thượng bối trong kinh Đại A-di-đà, đó là nghĩa sa-môn không thiếu sót việc đọc kinh, trì giới, phụng hành sáu ba-la-mật v.v…
Tiếp đến, nói về Trung tam phẩm sanh nhân. Văn Trung phẩm thượng sanh, ghi: “Trì năm giới, tám pháp trai giới, tu hành các giới, không phạm lỗi lầm”.
Văn Trung phẩm trung sanh, ghi: “Một ngày, một đêm trì tám pháp trai giới, cho đến giới cụ túc”.
Văn Trung phẩm hạ sanh, ghi: “Hiếu dưỡng cha mẹ, thực hành nhân từ của thế gian”. Trong đây, trì năm giới và tám pháp trai giới cho đến hiếu dưỡng cha mẹ v.v…tức lấy người tại gia làm Trung phẩm vãng sanh. Đây là kế thừa thuyết của văn trung bối trong kinh Đại A-di-đà đó là thuyết không thể xuất gia làm sa-môn, nhưng thường trì kinh giới không thiếu sót.
Trong Hạ tam phẩm thì Hạ phẩm thượng sanh, Hạ phẩm hạ sanh nói hạnh tu hành là xưng niệm danh hiệu Phật, Hạ phẩm trung sanh nói: “Nghe mười lực, uy đức v.v… của Phật A-di-đà đều được diệt tội vãng sanh”. Thuyết này kế thừa nguyện thứ tư và nguyện thứ năm trong kinh Đại A-di-đà và nguyện thứ mười tám trong kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, thuyết cửu phẩm sanh nhân trong Quán kinh chủ yếu dựa vào văn tam bối của kinh Đại A-di-đà để nói rộng ra.
Tiết thứ mười
Thuyết thấy Phật của kinh Bát-chu Tam-muội
Thuyết Tịnh độ sanh nhân của kinh A-di-đà, kinh Đại A-di-đà v.v…đều căn cứ thuyết niệm Phật tam-muội trong kinh Bát-chu tam-muội. Phẩm Hành, kinh Bát-chu tam-muội nói: “Nếu có tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di tu hành đúng pháp, trì giới trọn vẹn, ở chốn thanh vắng, nhất tâm niệm Phật A-di-đà ở Tây phương, một ngày một đêm, hoặc bảy ngày bảy đêm; sau bảy ngày thấy Phật A-di-đà. Không cần thiên nhãn mà thấy rõ, không cần thiên nhĩ mà nghe thấu, không cần thần thông mà đi đến cõi Phật. Không ở cõi này mạng chung, cũng không sanh về nước Cực Lạc, tức là ngồi ở đây mà thấy Phật, giống như chàng trai nghe nước khác có dâm nữ, nghĩ mãi thì chiêm bao thấy đến bên dâm nữ kia. Bồ-tát cũng như vậy, ở cõi này niệm Phật A-di-đà nhờ chuyên niệm mà được thấy Phật” (Đại Chính 13, 899, thượng).
Đây chính là giữ gìn giới cấm, một mình ở chỗ vắng vẻ, theo pháp Bát-chu tam-muội nhất tâm niệm Phật Di-đà, ở trong định thấy được Phật. Người nào muốn thấy Phật thì tu trì theo pháp Bát-chu tam-muội. Bát-chu tam-muội cựu dịch là “Hiện tại Đức Phật đang đứng trước mặt”, nghĩa là Phật hiện tiền (cùng hành giả) đứng đối diện nhau, rõ ràng nhập tam-muội này có thể thấy Phật. Kinh A-di-đà, kinh Đại A-di-đà v.v…đều nói lâm chung thấy Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày nhờ chuyên niệm mà thành tựu Bát-chu tam-muội, đều là nói được thấy Phật. Cho nên, kinh Bát-chu tam-muội chuyên nói pháp tam-muội thấy Phật, nói theo sanh tiền thấy Phật; lại chú trọng sức công đức của bản thân hành giả. Nhưng kinh A-di-đà nói pháp vãng sanh Tịnh độ, ý nghĩa chủ yếu là lâm chung thấy Phật, và được Đức Phật đến trước tiếp dẫn.
Lại nữa, kinh Đại A-di-đà cho rằng căn cơ vãng sanh có tam bối sai biệt, nói cơ ứng là do bản thân hành giả đã tu sanh nhân có cạn, sâu không đồng. Nhưng pháp tu trì chung của tam bối, đều phải đoạn ái dục, trai giới thanh tịnh. Trung phẩm trong Quán kinh dạy phải thụ trì năm giới, tám giới, cụ túc giới v.v…Chúng ta có thể thấy đều kế thừa thuyết trì giới đầy đủ của kinh Bát-chu tam-muội. Đặc biệt trong pháp quán thứ chín của Quán kinh nói, nếu quán tưởng sắc thân của Phật Vô Lượng Thọ thì thấy được sắc thân chân thật của Đức Phật này, cũng tức là thấy tất cả chư Phật trong mười phương; cho nên gọi là niệm Phật tam-muội, chắc chắn là nói ý nghĩa ‘hiện tại Đức Phật đứng trước mặt’. Do đó, kinh Bát-chu tam-muội là kinh căn bản của Tịnh độ, tất cả thuyết sanh nhân vãng sanh đều căn cứ từ kinh này mà phân biệt tỉ mỉ để kiến lập.
--------------------------