- 1. Chương Thứ Nhất
- 2. Chương Thứ Hai
- 3. Chương Thứ Ba
- 4. Chương Thứ Tư
- 5. Chương Thứ Năm
- 6. Chương Thứ Sáu
- 7. Chương Thứ Bảy
- 8. Chương Thứ Tám
- 9. Chương Thứ Chín
- 10. Chương Thứ Mười
- 11. Chương Thứ Mười Một
- 12. Chương Thứ Mười Hai
- 13. Chương Thứ Mười Ba
- 14. Chương Thứ Mười Bốn
- 15. Chương Thứ Mười Lăm
- 16. Chương Thứ Mười Sáu
- 17. Chương Thứ Mười Bảy
- 18. Chương Thứ Mười Tám
- 19. Chương Thứ Mười Chín
- 20. Chương Hai Mươi
- 21. Chương Hai Mươi Mốt
Nguyên tác Nhật ngữ: Vọng Nguyệt Tín Hanh
Hán dịch: Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Chương thứ hai mươi mốt
Tổng kết
Tiết thứ nhất
Phật A-di-đà và chân thân của Thích Tôn
Thuyết Phật A-di-đà và thế giới Cực Lạc trụ xứ của Ngài, căn cứ vào giáo nghĩa tịnh cõi nước Phật như văn trên đã trình bày. Vào thời quá khứ Phật A-di-đà đã phát đại nguyện làm thanh tịnh cõi nước Phật, thành tựu chúng sanh, trong hàng triệu năm Ngài tích lũy công đức, thành tựu chí nguyện trang nghiêm thế giới Tây phương Cực Lạc. Bản thân Phật A-di-đà cũng đã thành Phật. Hiện nay xác thực tồn tại thế giới của Ngài, đây là việc không còn nghi ngờ.
Đồng thời, Ngài làm tỉnh ngộ hàng đệ tử Phật giáo Đại thừa là tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, chỉ cần tự mình có chí hướng mong cầu thì sẽ đắc Vô thượng bồ-đề. Khi nhất tâm tinh tiến tu đạo thì họ nghe được hạnh nguyện của Phật A-di-đà thành tựu cõi nước Phật thanh tịnh và đã thành Phật. Họ lấy Phật Di-đà làm sự sùng bái bậc giác ngộ trước mình. Tất nhiên, đây là việc không khó tưởng tượng.
Lại nữa, người bình thường được nghe Phật Thích-ca nói Phật A-di-đà xuất hiện ở thế giới Tây phương Cực Lạc, cho nên đối với lí tưởng cõi Phật vô thượng, cõi nước mãi mãi an lạc làm họ xúc động vô hạn, cũng là sự thật đúng muôn phần.
Kinh Đại A-di-đà có giải thích người tam bối vãng sanh là thượng bối, trung bối và hạ bối, đều lập ra từ bản nguyện đức hạnh của Ngài. Đương thời, cũng đã chứng minh xác thực nam, nữ đạo tục mong cầu vãng sanh về cõi nước của Ngài. Như thế, Phật A-di-đà là giáo chủ thế giới Cực Lạc được mọi người sùng bái vào thời đại sớm nhất.
Nhưng nhìn từ lịch sử nhân loại, người được gọi là Phật-đà, chỉ có một Đức Phật Thích-ca mà thôi. Còn trường hợp Phật A-di-đà do phát đại nguyện lúc tu nhân mà thành tựu quả Phật thì thuộc về sự việc trước lịch sử, trí tuệ nhân loại không thể hiểu được. Nhưng nhìn từ sự tích thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha) thành đạo ở nhân gian hiệu là Phật Thích-ca Mâu-ni thì nhất định có thể nhận thấy chúng sanh có khả năng tính thành Phật.
Kinh A-hàm nói có sáu vị Phật ở quá khứ như Phật Tì-bà-thi v.v…, tương lai có Phật Di-lặc xuất thế, chứng minh sự thành Phật là không chỉ một mình Thích Tôn. Phật giáo Đại thừa cho rằng chúng sanh có khả năng thành Phật, nói chư Phật xuất hiện trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng thì đối với sự tích Thích Tôn thành đạo, lại thêm kết quả khảo sát rất sâu. Nghĩa là lúc chúng sanh có khả năng thành Phật thì nghĩ rằng tương lai cũng có rất nhiều người có thể thành Phật. Đồng thời, cũng phải khẳng định quá khứ cũng có rất nhiều người đã thành Phật. Dựa theo sự lí này cũng dễ chấp nhận Phật A-di-đà nhân nơi nguyện mà thành tựu quả Phật. Nếu không như thế thì giáo lí của Phật giáo Đại thừa không có cách gì thành lập được.
Căn cứ giáo lí tịnh cõi nước Phật, tuy Phật A-di-đà là một Phật-đà đặc biệt ở Tịnh độ Tây Phương hiện tại. Nhưng khảo sát ở phương diện khác về chân thân của Thích Tôn thì Phật-đà xuất hiện theo lịch sử Ấn Độ là hóa thân nhất thời, quyết chẳng phải Phật thật. Thích Tôn nhập diệt năm 80 tuổi ở ngoại thành Câu-thi-na (Kuśinagara) là hóa thân Phật thị hiện hóa độ ở nhân gian, giống như mọi người, đây chẳng qua là Phật-đà thị hiện ở nhân gian. Chân thân của Phật-đà là Thọ mạng vô lượng, Quang minh vô lượng, ra khỏi ba cõi, không rơi vào các pháp hữu vi, vượt thoát thế gian mà tồn tại vĩnh hằng.
Nhưng các kinh như Duy-ma, Pháp hoa v.v…nói, từ nhục thân của Thích Tôn mà quán chân thân của Ngài. Các kinh Thủ-lăng-nghiêm, Niết-bàn v.v…nói thân chân thật của Thích Tôn tồn tại ở thế giới khác, tức là nói ý này.
Chân thân của Thích Tôn là sự tồn tại của Thọ mạng vô lượng, Quang minh vô lượng. Điều này cùng với Phật A-di-đà là có điểm chung với nhau. Nghĩa là xưa kia Phật A-di-đà cũng là giáo chủ Quang minh vô lượng, Thọ mạng vô lượng mà được mọi người sùng bái. Vì thế, xét về phong cách Phật của A-di-đà và chân thân của Thích Tôn thì nhất định có quan hệ mật thiết chặt chẽ.
Kinh Thủ lăng nghiêm tam-muội nói: “Như Lai Chiếu Minh Trang Nghiêm Tự Tại Vương ở thế giới Trang Nghiêm phương đông tức là Ta”. Lại nữa, trong kinh Ương-quật-ma-la, Thích-ca Mâu-ni nói: “Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Vô Lượng phương Tây Bắc chính là Ta”. Những điều này đều biểu thị rõ chân thân của Thích Tôn tồn tại ở thế giới khác. Đặc biệt là kinh Ương-quật-ma-la đã nói là ám chỉ Phật A-di-đà và Thích Tôn là một thể.
Vì thế, từ giáo lí tịnh cõi nước Phật nói Phật A-di-đà là Phật-đà thành Phật theo tính cách riêng của bồ-tát Pháp Tạng; đồng thời, từ lập trường của luận điểm Phật-đà nói thân chân thật của Thích Tôn tức là Phật A-di-đà mà nhận định sự an lập thế giới Tây phương Cực Lạc.
Tiết thứ hai
Tịnh độ Cực Lạc và cảnh giới Niết-bàn
Liên quan đến thế giới Cực Lạc theo giáo lí tịnh cõi nước Phật thì trụ xứ của chư Phật là sự tồn tại cá biệt. Cõi Phật của Di-đà đi về hướng Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật. Nhưng các kinh như Duy-ma, Pháp hoa v.v…nói: “Khi quán nhục thân của Thích Tôn thì thấy chân thân của Ngài, thế giới Ta-bà này đều là Tịnh độ”.
Kinh Duy-ma nói: “Phật ấn ngón chân xuống đất thì mặt đất biến thành Tịnh độ”. Kinh Pháp hoa nói: “Phật thường trụ ở núi Linh Thứu”, tức là dựa vào việc này mà đề xướng.
Đại trí độ luận quyển 38, Du-già sư địa luận quyển 79 đều nói: “Tịnh độ vượt khỏi ba cõi”. Theo Pháp hoa luận của ngài Thế Thân thì Tịnh độ thuộc về đệ nhất nghĩa đế. Cũng thế, trong Vãng sanh luận nói Tịnh độ Di-đà là “vượt khỏi ba cõi, cứu cánh như hư không, rộng lớn không có bờ mé”.
Lại nói cõi nước trang nghiêm kia là tướng cảnh giới vi diệu đệ nhất nghĩa đế. Nếu nói Tây phương cách đây mười vạn ức cõi Phật thì sẽ nghĩ rằng vị trí của Tịnh độ Cực Lạc nằm ở phía tây của thế giới này. Nhưng khi nói cảnh giới vi diệu vượt khỏi ba cõi thì nhất quyết không thể luận bàn về hình tướng, phương hướng đông, tây.
Núi Linh Thứu ở Ta-bà, khi thế giới này bị kiếp hỏa thiêu sạch, nhưng núi Linh Thứu trụ xứ của Đức Phật vẫn an ổn không động, trời, người thường đông đúc. Từ một điểm này, chúng ta có thể thấy Tịnh độ là nghĩa chân thật vượt khỏi ba cõi.
Kinh Vô Lượng Thọ lấy cõi nước thanh tịnh, an ổn, vi diệu, vui sướng của Phật Di-đà để nói đạo Vô vi niết-bàn. Nếu lấy chân thân bất diệt của Thích Tôn thì gọi đó là Phật A-di-đà và lấy thế giới này an lập thế giới Tây phương Cực Lạc thì thế giới này quyết định là cõi Đại niết-bàn của Phật. Pháp sự tán của ngài Thiện Đạo nói: “Cực Lạc là cảnh giới Vô vi niết-bàn”. Lại nói: “Sau khi mạng chung đi thẳng vào thành Niết-bàn”, tức là nói ý này.
Khúc điệu càng cao thì người họa càng ít, trong kinh tuy nói Tịnh độ Di-đà có đầy đủ tướng cung điện, lầu các, hồ tắm, chim muông, rừng cây v.v…Những thứ này đều gọi là tướng cảnh giới vi diệu đệ nhất nghĩa; khác với ao hồ, chim muông, rừng cây ở thế giới Ta-bà. Thanh văn, bồ-tát, trời, người ở cõi nước Cực Lạc đều đồng một loại, thân hình của họ cũng không khác nhau. Vì thuận theo phương khác nên có tên gọi trời, người. Kì thật, họ chẳng phải trời, chẳng phải người mà đều là thân tự nhiên hư vô, thụ sanh từ thể vô cực.
Lại nữa, trong kinh lấy Tịnh độ làm trụ xứ của Phật, tuy nói phù hợp với chỗ ở trên đất của hàng phàm phu chúng ta, nhưng thật ra thân và độ đồng thể, lìa ngoài Phật thì không có Tịnh độ, tức là được thành tựu trong bản nguyện của Phật nên gọi công đức trang nghiêm này là Tịnh độ. Việc này, trong Vãng sanh luận nói ‘trang nghiêm công đức thành tựu’ có ba loại và hai mươi chín câu; cuối cùng là nhập vào trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi thành ra ‘nhất pháp cú’.
Lại nữa, thế giới Liên Hoa Tạng kia y theo tên gọi này mà biết được. Vì thế, nói vãng sanh Tịnh độ thì phải nói là nhiếp thủ chúng sanh. Bản nguyện của Phật A-di-đà là ý năng nhiếp. Nếu muốn đến thế giới Niết-bàn thì phải vĩnh viễn dứt hết tư lự của tâm phàm phu. Chúng ta chỉ có một đường là tha thiết tín ngưỡng Phật Di-đà.
Tiết thứ ba
Niệm Phật sanh nhân
Liên quan đến phương pháp tu hành vãng sanh, các pháp môn thực hành như văn trên đã nói. Trong đó, trào lưu chủ yếu là pháp ‘thấy Phật’ trong kinh Bát-chu tam-muội. Chấp trì danh hiệu Phật A-di-đà từ một ngày cho đến bảy ngày, nếu nhất tâm bất loạn thì lâm chung thấy Phật, có thể được vãng sanh về thế giới Cực Lạc như trong kinh A-di-đà nói. Thuyết ‘từ một ngày cho đến bảy ngày mà nhất tâm chuyên niệm’ thì không còn nghi ngờ, đích thực là kế thừa kinh Bát-chu tam-muội.
Trong kinh Đại A-di-đà nêu ra thuyết tam bối vãng sanh, đều nói về nhân tố tu hành, nhưng hàng tam bối đều lấy trai giới thanh tịnh, đoạn trừ ái dục, nhất tâm xưng niệm Phật A-di-đà, cùng nguyện vãng sanh. Đây cũng là căn cứ vào thuyết trì giới đầy đủ trong kinh Bát-chu tam-muội. Nhưng thuyết ‘lâm chung được Đức Phật đến tiếp đón’ là do ‘thường ngày thấy Phật’ trong Bát-chu tam-muội; nhưng về sau có thuyết ‘khi lâm chung thấy Phật’.
Mười sáu pháp quán tưởng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ và thuyết quán sát hai mươi chín loại trang nghiêm, khuyến khích chúng ta tưởng niệm rộng ra, quán y báo và chính báo của Tịnh độ Di-đà, có thể nói đều là triển khai rộng ra pháp môn niệm Phật của kinh Bát-chu tam-muội.
Tiết thứ tư
Xưng danh sanh nhân
Thời đại sớm nhất lấy Bát-chu tam-muội làm nền tảng, về sau mới phát triển đến pháp niệm Phật và pháp quán Phật tam-muội làm nhân của hạnh vãng sanh. Ở phương diện khác, lại xúc tiến lấy xưng danh làm thuyết sanh nhân. Sau đó, liên quan đến hai loại hành môn này thì có nhiều nghị luận về sự hơn-kém, lấy-bỏ.
Thuyết xưng danh sanh nhân xuất hiện trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, tức là trong văn hạ phẩm hạ sanh kinh này nói: “Người nào bị khổ bức bách, không niệm Phật được, nếu có thiện hữu đến bảo ‘anh hãy thật sự niệm Phật, xưng danh, quy mạng Phật Vô Lượng Thọ, chí tâm như thế, tiếng niệm Phật không dứt, xưng niệm Nam mô A-di-đà Phật đầy đủ mười niệm thì được vãng sanh’”.
Nếu như không thể y theo pháp môn Bát-chu tam-muội chuyên tâm niệm Phật thì đổi thành miệng xưng danh hiệu Phật A-di-đà, tức là pháp của người ác vãng sanh hạ phẩm, cho nên đặc biệt chọn lấy xưng danh niệm Phật.
Quán kinh nói: “Chọn xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, vì trong mỗi niệm có công năng diệt trừ tội sanh tử của tám mươi ức kiếp”. Vì thế, cho rằng xưng danh vốn là pháp diệt tội.
Kinh A-di-đà nói ‘chấp trì danh hiệu’ là có ý ‘niệm trì’. Xưng danh và niệm trì hai loại tuy khác, nhưng nếu lấy tâm niệm làm niệm trì thì không bao lâu cũng dùng miệng xướng; cho nên cùng với thuyết xưng danh sanh nhân có sự quan hệ mật thiết.
Lại nữa, trong phẩm Dị hành, Thập trụ tì-bà-sa luận của ngài Long Thọ nói: “Niệm Phật, xưng danh thì chắc chắn được bản nguyện của Phật A-di-đà nhiếp thọ”. Chúng ta có thể thấy thuyết xưng danh sanh nhân là khởi nguyên từ thời xưa.
Ngài Đàm Loan giải thích đầy đủ mười niệm trong Quán kinh là nghĩa nhớ nghĩ tương tục, lấy tướng hảo của Phật làm sở duyên quán tưởng, xưng danh hiệu Phật là trong tâm không nghĩ điều gì khác, nhất tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà, sự nghiệp thành tựu gọi là mười niệm. Điều này không khác với thuyết chuyên niệm trong kinh Bát chu tam-muội.
Trái lại, ngài Thiện Đạo nói: “Lấy mười niệm làm nghĩa xưng mười tiếng Phật; đồng thời, mười niệm trong Quán kinh và ‘cho đến mười niệm’ trong nguyện thứ mười tám của kinh Vô Lượng Thọ đều đồng một ý nghĩa. Vì thế, xưng danh là chính định nghiệp của bản nguyện sanh nhân. Quán Phật tam-muội là trợ nghiệp thứ nhất. Ngài Ca Tài cho rằng niệm Phật có hai loại miệng niệm và tâm niệm, không thể tâm niệm thì đổi thành miệng niệm danh hiệu. Ngài Nguyên Tín cũng lấy thuyết này, tức là công đức quán Phật là hơn, công đức xưng danh là kém. Xung quanh vấn đề hai hạnh miệng niệm và tâm niệm, xưa nay giữa các nhà rõ ràng đã lưu hành luận nghị đây hơn kia kém, lấy đây bỏ kia.
Tiết thứ năm
Nhất hướng chuyên tu
Ngài Pháp Nhiên ở Nhật Bản tiếp nhận ý tưởng của ngài Thiện Đạo, cũng là người đầu tiên đề xướng nghĩa tuyển trạch bản nguyện niệm Phật, xưng danh là diệu hạnh nhân mà Phật A-di-đà lúc ở nhân vị đã chọn lấy từ trong hai trăm mười ức cõi nước của chư Phật, các hạnh khác đều là thô hạnh nên bị xả bỏ. Từ lí do này mà nêu ra hai nghĩa hơn-kém, khó-dễ. Công đức niệm Phật thù thắng, lại dễ thực hành. Làm công đức khác thấp kém lại khó thực hành, cho nên trong việc lấy hay bỏ thì kiên trì xưng danh hiệu Phật là có giá trị tuyệt đối cao nhất.
Như thế, bắt đầu từ quán Phật, cho đến trì giới, phát bồ-đề tâm, đọc tụng Đại thừa v.v…đều chẳng phải bản nguyện cho nên phế bỏ, chỉ có niệm Phật là chính hạnh độc lập, không cần trợ hạnh. Cần phải tin sâu bản nguyện của Như Lai, xưng danh hiệu Phật thì chắc chắn được vãng sanh, khuyên người chỉ cần tu hạnh xưng danh liên tục thì được. Truyền bá tông phong nhất hướng chuyên tu, chủ trương này phải nói là giản dị rõ ràng dễ hiểu và dứt khoát.
Tiết thứ sáu
Tha lực an tâm và tư tưởng bản giác
Đệ tử của ngài Pháp Nhiên phần đông là hàng trí thức, trong đó có những người vốn là học trò của tông Thiên Thai, đương thời đang lưu hành pháp môn khẩu truyền của Tỉ Duệ Sơn, đặt nền móng cho sự đề xướng nguyên tắc của nghĩa mới, làm cho nghĩa của tông Tịnh độ hướng đến phương diện bất đồng mà phát triển. Trong đó, như ngài Hạnh Tây, Chứng Không và Thân Loan đều thừa kế pháp môn Bản giác của phái Huệ Tâm, vì sự tu hành vãng sanh của chúng sanh đều do sự thành tựu bản nguyện lực của Như Lai. Chúng ta không cần tự động phát tâm tu hành, chỉ nghe nói thuyết ‘Như Lai bản nguyện công đức thành tựu’, nếu có thể lãnh giải thì được vãng sanh, đây gọi là tha lực vãng sanh.
Nhưng ngài Pháp Nhiên cho rằng ‘chí tâm, tín nhạo, nguyện sanh Tịnh độ, nhiều niệm tương tục’ là hạnh tự lực. Tự lực không thể vãng sanh về báo độ chân thật. Điều này là rõ ràng đứng trên lập trường của tư tưởng bản giác, bài xích chúng sanh tu hành là pháp Tích môn thỉ giác.
Tương truyền Quán tâm lược yếu tập của ngài Nguyên Tín trứ tác có nói: “Trong một niệm tâm tính của chúng ta đầy đủ vạn đức của ba thân từ vô thỉ đến nay”. Kinh Liên hoa tam-muội nói: “Tâm quy mạng bản giác pháp thân, tâm thường trụ đài sen diệu pháp, xưa nay đầy đủ đức ba thân, ba mươi bảy vị trụ tâm thành, phổ môn trần số các tam-muội, lìa xa nhân quả tự nhiên đủ, vô lượng đức hải vốn viên mãn, tâm con đỉnh lễ các Đức Phật”.
Lại nữa, trong Bồ-đề tập cũng nói giống như thế: “Tâm nghĩ đến Phật, nghĩ đến Phật như thế thì nhất định sanh về Cực Lạc, quán trong thân ta chính là Phật, hoặc nghĩ thân ta tức là Phật, lìa ngoài thân ta mà cầu Phật thì không thể nhanh chóng ngộ Phật đạo”. Đồng thời, khi quán chân như thì tất cả thánh chúng ở cõi Di-đà Như Lai kia đều ngồi trong thân ta, cho nên không cần đi đến thế giới Cực Lạc ở phương xa. Cõi này thì có, tuy cầu sanh về Cực Lạc mà không biết lí chân như, lại không biết thân ta cùng với Di-đà Như Lai đồng thể không hai thì thật là luống uổng. Đây là lấy phàm phu chúng ta làm vô thỉ bản giác Như Lai, chúng ta vốn đầy đủ đức của ba thân, tâm thường trụ đài sen diệu pháp. Bởi vì không hiểu lí này, cho nên lưu chuyển trong sanh tử. Nếu nay nghe pháp Viên đốn cùng tột thì như nằm mộng chợt tỉnh mới biết chín cõi[1] là vọng tưởng, tức thời hiện thành vô thỉ cực Phật. Nhưng cầu sanh về Cực Lạc thì phải biết lí tự thân tức Phật, nếu biết thân ta với Di-đà Như Lai đồng thể không hai thì dù cho ở cõi này nhưng vẫn có thể sanh về Cực Lạc. Ngài Hạnh Tây dựa vào đây mà lập nghĩa vãng sanh, là việc rất rõ ràng.
Bởi vì, pháp môn Bản giác lấy sự tu hành từ nhân hướng đến quả, gọi chung là pháp Tích môn thỉ giác, nên nói lúc gặp giáo pháp tức là tại ngay chỗ ngồi mà đã vào ngồi trong đại hội bình đẳng. Bởi vì không coi trọng thực tiễn tu hành, nếu từ lập trường theo truyền thống của tông Thiên Thai thì có thể nói đó là một loại dị đoan. Phương thức này sau khi đưa vào môn Tịnh độ thì kết quả cũng giống nhau, lấy văn tín, lãnh giải làm điều kiện quan trọng duy nhất. Vì thế, mới nổi dậy rầm rộ phong trào không tu không hành. Lại lấy ‘tức giải, tức chứng’ làm nguyên tắc, pháp Tịnh độ vãng sanh biến thành tông ‘tức thân thành Phật’. Không những như thế, mà còn lật đổ Di-đà của Như Lai tích môn bản nguyện thành tựu đã thành Chính giác cách đây mười kiếp, chê bai Di-đà của chân thân quán trong Quán kinh là phương tiện hóa thân, chín phẩm Tịnh độ là phương tiện hóa độ. Cũng lấy thuyết chính nhân vãng sanh của ngài Thiện Đạo, Pháp Nhiên làm pháp tu tự lực; bài xích pháp tha lực và cho xưng danh niệm Phật là hạnh tự lực. Do đó mà giáo lí truyền thống Tịnh độ trở nên rối loạn.
Sau an tâm nghiệp thành, ngài Thân Loan vì hạnh báo đáp ân Phật nên nói niệm Phật, hoặc tu nhiều thiện hạnh khác. Chẩm song chỉ nói: “Lúc gặp giáo pháp liền chứng, nếu theo vạn hạnh vạn thiện thì nói là phương tiện của sau khi chứng quả. Như thế, nếu biết có Tích môn Di-đà bản nguyện thành tựu thì thành lập được nghĩa báo đáp ân Phật. Nhưng Bản môn Di-đà là đồng thể với tự thân chúng ta, xướng danh hiệu Ngài rằng: “Tâm ta đỉnh lễ các Đức Phật”. Tức là kêu gọi ngay tên của tự thân chúng ta, cho nên câu nói ‘báo ân’ trở thành không có ý nghĩa.
Tóm lại, ngài Hạnh Tây lấy tư tưởng bản giác làm quan điểm cơ bản, không để ý đến văn hiến của chư Tổ và thành tích vẻ vang chư Tổ, đại khái là ngài Hạnh Tây không thừa nhận; hoặc dựa theo từ văn của chư Tổ mà chuyển qua giải thích để lập nghĩa riêng của mình nên khiến cho nghĩa của tông Tịnh độ đạt đến sự phát triển dị dạng.
Tiết thứ bảy
Tổng kết
Nói tóm lại, chân thân của Như Lai và Tịnh độ của Ngài an trú thì vượt lên trên tâm cảnh của phàm phu, chẳng phải trí tuệ của loài người hiểu được, sự tồn tại không thể nghĩ bàn này. Người mù không thấy được ánh sáng mặt trời, mặt trăng; người điếc không nghe được tiếng sấm sét; nhưng ánh sáng mặt trời, mặt trăng vẫn luôn chiếu, sấm sét vẫn nổ. Hôm nay, chúng ta tuy không thấy được chân Phật, chân độ, nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của chân Phật, chân độ.
Kinh A-di-đà nói: “Vì tất cả thế gian mà nói pháp khó tin này, đó là rất khó”. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Người nghe kinh này mà tín nhạo, thụ trì được, đây là điều khó khăn vô cùng”. Nói vãng sanh Tịnh độ là pháp rất khó tin, đó là vì chân Phật, chân độ của Phật A-di-đà là thế giới Niết-bàn, cõi này tuyệt đối chẳng phải tâm niệm của hàng phàm phu có thể suy xét phân biệt được.
Nhất mai khởi thỉnh văn của ngài Pháp Nhiên khai thị nói: “Này các bạn đồng học! Dùng thân phận ngu độn một chữ không biết của chúng ta, chẳng làm ra vẻ người trí, chỉ nên nhất hướng niệm Phật, xả bỏ tâm phân biệt suy xét nông cạn, quay trở về cái thân phận ngu độn một chữ không biết, lúc đem sanh mạng trình hiện trước mặt tuyệt đối thì thế giới Niết-bàn liền sẽ mở rộng”.
Nam mô A-di-đà Phật! Hạnh vãng sanh lấy niệm Phật làm đầu.
Pháp sư Ấn Hải dịch từ Nhật ngữ sang Hoa ngữ vào năm 1987 tại chùa Pháp Ấn, Nam California, Hoa Kỳ.
Thích nữ Viên Thắng dịch từ Hoa ngữ sang Việt ngữ vào năm 2011 tại Tu viện Huệ Quang, Sài Gòn, Việt Nam.
[1] Chín cõi tức là chín pháp giới: Một, Bồ-tát; hai, Duyên giác; ba, Thanh văn; bốn, Trời; năm, Người; sáu, A-tu-la; bảy, Súc sanh; tám, Ngạ quỉ; chín, Địa ngục.