CHƯƠNG VI.
KẾT LUẬN
I. TƯ TƯỞNG TRIẾT LÝ
Để tổng kết và mở ra một tầm nhìn có thể có đối với sự nghiệp tư tưởng của Phái Thiền Trúc lâm Yên tử, chúng ta nên ghi nhớ hai tác phẩm trọng yếu đã mở đầu cho phái Thiền này. Đó là bản Ngữ lục của Tuệ trung Thượng Sỹ và Khóa hư lục của Trần Thái Tông. Hai tác phẩm này, một đằng có thể khảo sát trên khía cạnh lý thuyết, và một đằng có thể được chiêm nghiệm trên phương diện thực hành, là những bản tổng kết của một thời gian dài phát triển tư tưởng của Phật giáo Việt nam.
Thượng Sỹ Ngữ lục, một cách nào đó, có thể không mấy có tính chất sáng tạo về mặt tư tưởng Thiền, nhưng quả thực nó là sự kết tinh của Thiền học và tất cả các tông phái Đại thừa khác tại Việt Nam. Nhờ vào hệ thống công án, Thượng Sỹ Ngữ lục đã có thể phát biểu kiến giải của mình một cách thông dong về tất cả các chủ điểm ách yếu trong các khuynh hướng dị biệt của Phật học. Sau Thượng Sỹ ngữ lục, công án vẫn còn được tiếp tục với tinh thần tương tợ, như chúng ta có thể thấy trong Tam tổ đã tạo ra cho công án một vóc dáng lớn, bao hàm cả tư tưởng Tam giáo, không riêng gì Thiền hay Phật giáo.
Từ các công trình đã được thực hiện, chúng ta thấy hình như còn có những vấn đề chưa được khai thác tận căn đề. Nêú lịch sử đã để dành cho Thiền Trúc lâm có các cơ hội thuận thiên hơn, có lẽ chúng ta đã có một trường phái Phật học rất xứng danh. Ở đây, xin ghi nhận một vài vấn đề có thể có mà chưa khai triển.
TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC NHẤT TÂM
Thọat nhìn, chưa ai thấy đây là vấn đề mới mẻ và đặc sắc của Trúc lâm. Trong các lời nói của các người khai sáng nhà Trần, hay khai sáng Thiền Trúc lâm, tâm thường được nhắc đến theo nghĩa rất bình thường. Nhưng cho tới khi Đại chân Viên giác thanh xuất hiện, chân tâm đó mặc nhiên được gắn liền với chân tâm của kinh Lăng nghiêm. Đây chỉ là sự nương tựa cần phải có, nghĩa là cần có một hậu thuẫn từ kinh văn của Phật giáo Đại thừa. Điểm đáng lư ý hơn, là cái chân tâm đã được đồng hóa với Thiên địa chi tâm. Nếu chân tâm có hai tác dụng như thực và diệu dụng phổ biến, thì thiên địa chi tâm cũng biểu hiệu dưới những tác dụng tương giao của âm và dương. Đến chỗ này, thì biểu hiệu cụ thể nhất của tương giao tác dụng đó phải nói là thời tiết. Và như vậy, thời tiết như là nguyên lý hữu hiệu để làm căn bản cho pháp môn tu tập được mô tả trong Khóa hư lục. Đây là sự phản ảnh quá rõ sự phối hợp niềm tin siêu hình bắt nguồn từ Ấn độ với một xã hội liên tục phấn đấu với thiên nhiên để tồn tại.
Nếu chúng ta nói một cách khác, Chân Tâm là bản thể và thời tiết là tác dụng, nhất dịnh chúng ta tưởng tượng ra được chiều hướng phát triển Trúc lâm. Nhưng lịch sử đã không cho phép có sự phát triển rầm rộ về điểm đó. Tuy nhiên, nếu có đủ thì giờ khảo cứu, với những tư tưởng gia lỗi lạc, ngày nay chúng ta vẫn hy vọng làm sống dậy thể tài này với tất cả các sắc thái độc đáo của nó, ít nhất là về mặt học thuật.
TRIẾT LÝ ÂM THANH
Chỉ từ nhà Lê về sau người ta mới thấy quả có một nền triết lý về âm thanh trong Thiền học Trúc lâm. Trước đó, hiệu lực của âm thanh vẫn được coi trọng, đặc biệt trong các lối trì tụng chân ngôn của Mật giáo. Thế nhưng, triết lý về âm thanh như được trình bày trong Đại chân Viên giác thanh lại không có liên hệ gì tới Mật giáo. Nguồn mạch của nó là kinh Thủ-lăng-nghiêm và dịch học Trung hoa. Ngoài sự kiện hình như được gợi hứng từ hạnh nguyện tầm thanh cứu khổ của Bồ tát Quán Thế Âm, triết lý âm thanh trong Đại chân Viên giác thanh còn là một nổ lực cho tư tưởng Tam giáo đồng qui, nhưng chính âm thanh mới là tác dụng kéo tất cả về một mối. Nổ lực này có tầm mức quan trọng đáng kể. Quan trọng nhất, là nhắm giải quyết sự xung đột giữa Phật của Ấn độ và truyền thống của Trung hoa mà hậu quả còn dây dưa cho đến Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là mới nổ lực dự tưởng, và công trình đó không được nhắc nhở, cho nên trong nhất thời chúng ta khó nhận xét đúng mức về chiều hứng phát triển có thể có của nó.
II. TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO
Chúng ta đã biết rằng, có những dữ kiện rất sớm trong lịch sử chung của Phật giáo Trung hoa và Việt nam, chứng tỏ rằng đất Giao châu ngày xưa và Bắc kỳ ngày nay là khu vực của thần bí, của tín ngưỡng tôn giáo. Đó là khu vực gây nên những tinh thần trái ngược với khuynh hướng tư tưởng xã hội của Trung hoa ở Bắc phương. Khởi hành từ Trung hoa, càng đi về phía Nam, sắc thái thần bí của tín ngưỡng tôn giáo càng nặng. Cho nên, Giao châu đã là một nơi thu hút những tâm hồn thiên trọng tín ngưỡng tôn giáo của người Trung hoa. Dân bản xứ cố nhiên đã có thiên bẩm tôn giáo đặc biệt.
Trải qua thời gian dài của lịch sử, qua nhiều cuộc cai trị với những chính sách văn hóa của người Trung Hoa, sắc thái thần bí và tín ngưỡng tôn giáo của giống dân Giao chỉ cũng phải chịu nhiều thay đổi. Cuối cùng, người ta chứng kiến tại đây đã có mặt của một nền tôn giáo thế tục. Nghĩa là một nền tôn giáo mà thần linh cũng có các quan hệ bổn phận với gia đình và xã hội, ngoài khả năng siêu nhiên của mình. Tín ngưỡng nổi bật nhất là tín ngưỡng Quán Thế Âm.
Về mặt sinh hoạt thực tế, chúng ta khó mà biết nền tín ngưỡng này liên hệ với phái Thiền Trúc lâm như thế nào. Nhưng về mặt tư tưởng thì quả tình Đại chân Viên giác thanh đã nổ lực xây dựng một nền triết học đồng qui cho Tam giáo trên căn bản tín ngưỡng này.
Trước thời Lê, và có lẽ cả thời Trần, tín ngưỡng tôn giáo có thế lực rất lớn trong xã hội Việt nam. Những phong trào chính trị lớn của lịch sử đã có liên hệ với các hoạt động lấy tín ngưỡng tôn giáo làm phương tiện. Nhưng từ nhà Lê về sau, hai tín ngưỡng Quán Thế Âm xuất hiện như là điểm cao nhất trong quá trình phát triển ý thức tôn giáo của Việt nam, chúng ta thấy gần như không còn có phong trào chính trị nào đích thực có tính chất vận động tôn giáo như trước kia. Tín ngưỡng Quán Thế Âm chỉ giới hạn trong các tương quan xã hội, với một đạo đức không chỉ nói tới quan hệ bổn phận giữa các người sống, mà còn quan hệ với tất cả người sống cũng như người chết, và mức quan hệ còn rộng rãi hơn nữa. Đây là sự kết hợp của tín ngưỡng tôn giáo Đại thừa với trật tự luận lý của Khổng giáo. Cho nên, tín ngưỡng Quán Thế Âm đích thực đã tạo cho tín ngưỡng bình dân Việt Nam hoàn toàn là một nền tín ngưỡng thế tục.
Đây cũng có thể nói là chiều phát triển của Phật giáo trong lòng quần chúng. Tức là, vẫn nỗ lực hướng tới lý tưởng cao cả mà kinh điển đề ra, nhưng đồng thời cũng không quên các bổn phận rất thông tục theo truyền thống cố hữu của mình.
III. SỰ NGHIỆP PHẬT GIÁO CỦA TRÚ LÂM
Tư tưởng triết lý, và tín ngưỡng tôn giáo là hai thành quả lớn mà Thiền Trúc lâm đã mang lại cho Phật giáo Việt nam, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, vì chính Trúc lâm đã sáng tạo một lối học và hành đặc sắc trên phương diện triết lý. Nói là gián tiếp, vì tín ngưỡng tôn giáo là tinh thần cố hữu mà Trúc lâm thừa hưởng, và chỉ đóng góp một phần nào cho sự tiến bộ của nó về sau. Hai phương diện đó là những đóng góp lớn lao của Trúc lâm qua các điểm khác. Các điểm này sẽ được bao gồm trong hai điểm lớn: Lý tưởng và thực tế.
Về phương diện lý tưởng, Trúc lâm quả tình đã kết hợp khéo léo giữa lý tưởng Quốc gia và Phật đạo. Sáo ngữ ngày nay thường nói Phật giáo và Dân tộc. Đây không chỉ cách nói tuyên truyền nhất thời với một hậu ý chính trị nào đó. Lý tưởng Quốc gia và Phật đạo đã có mặt trước cả đời nhà Trần, như chúng ta chứng kiến trong các cuộc vận động cho quyền tự chủ và ý thức dân tộc của các Thiền sư trước thời Lý. Cho đến đời nhà Trần, lý tưởng này đã được khẳng định nhiều lần do chính miệng của những người sáng lập triều đại nhà Trần.
Nếu xét kỹ, có lẽ chúng ta phải thấy rằng lý tưởng Quốc gia và Phật đạo vốn là khía cạnh của lý tưởng tôn giáo đại đồng. Đó là một nền tín ngưỡng lấy niềm tin nơi con người làm đối tượng cứu cánh, không giới hạn vào biên giới quốc gia. Tư tưởng Tam giáo đồng qui thực sự cũng được hỗ trợ bởi một lý tưởng tôn giáo như thế.
Về mặt thực tế, điểm phải kể trước nhất là các nhà khai sáng Trúc lâm đã tạo cho Phật giáo Việt nam kể từ đây trở đi mang nhiều sắc thái thế tục hơn. Một phần, vì những nhà lãnh đạo tinh thần thời đó là cư sĩ. Vừa có thẩm quyền về đạo cũng như về đời, nên ảnh hưởng về thái độ thể hiện giáo lý của Phật thực tế không phải là nhỏ. Phật giáo thế tục, tức Phật giáo bận tâm nhiều đến các công tác thế tục hơn. Thí dụ, chăm sóc đến đời sống của dân chúng, không những về mặt tinh thần, mà còn đặc biệt ở các phương tiện vật chất.
Trên đây chỉ là tóm tắt sự nghiệp tinh thần của Trúc lâm đối với Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, những sự nghiệp khác, như đối với sự tiến bộ của văn học, nghệ thuật, vân vân…..chỉ là những thành quả đương nhiên. Và cũng vì giới hạn của tập Tiểu luận này chỉ nằm trong vòng sự nghiệp tư tưởng, mà những khảo cứu của chúng tôi đã có thể chấm dứt được ở đây.