QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN THƯỢNG
2. Tôn sùng Tam bảo và giáo pháp
Khắp cõi thiên hạ, Tam bảo là tôn quý. Trong ngoài cõi thế, Tam bảo là trên hết. Tam bảo là gì? Là Phật, Pháp, Tăng vậy.
Tam bảo có ba cách hiểu. Một là Đồng thể Tam bảo. Theo lý chân như, tự tánh sáng tỏ gọi là Phật bảo. Giữ đức theo khuôn phép, tự tánh chân chánh gọi là Pháp bảo. Chỗ động không phạm, không tranh, tự tánh thanh tịnh, gọi là Tăng bảo.
Hai là Xuất thế Tam bảo. Pháp thân, Báo thân và Hóa thân tùy loại ứng hiện, gọi là Phật bảo. Lục độ, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, gọi là Pháp bảo. Những bậc Tam hiền, Thập thánh, Tứ hướng, Tứ quả, gọi là Tăng bảo.
Ba là Thế gian trụ trì Tam bảo. Tranh vẽ, ảnh tượng dùng thờ phụng, gọi là Phật bảo. Kinh quyển lưu truyền, gọi là Pháp bảo. Những vị cạo tóc mặc áo cà-sa, gọi là Tăng bảo.
Người quy y Tam bảo, diệt được vô số tội nghiệp; người chiêm ngưỡng thì phước báo được tăng vô lượng. Nay có kẻ tà ngu chẳng hiểu, giả tạo ra quyển “Chân tông diệu nghĩa kinh”, nói bậy rằng “tinh là Phật bảo, khí là Pháp bảo, thần là Tăng bảo”, khiến cho những người đã bước vào nẻo lành, chỉ vì tin theo tà thuyết ấy mà chẳng tôn kính Tam bảo, thật đáng thương thay!
Như chẳng biết tôn kính Thế gian Tam bảo thì do đâu mà được Đồng thể Tam bảo và Xuất thế Tam bảo? Đã đành là tự dối mình, lại còn dối gạt cả người khác nữa! Điều đó chính là ngăn trở con đường chân chánh, che khuất tầm mắt của mọi người, hủy hoại giáo lý chân chánh về nhân quả, khuấy rối nếp lành định huệ. Thật không còn gì tệ hại hơn thế nữa!
Phật dạy rằng: “Hết thảy chúng sanh nếu chẳng quy y Tam bảo, mãi mãi phải chịu đọa trong ba nẻo dữ.” Chẳng nghe lời xưa dạy: “Chư Phật mười phương, Giáo pháp trọn đủ, với Bồ Tát tăng Đại thừa, ba ngôi ấy công đức khó nghĩ bàn.”
Người quy y Phật thì chẳng đọa địa ngục. Người quy y Pháp thì chẳng đọa ngạ quỷ. Người quy y Tăng thì chẳng đọa súc sanh. Tại sao vậy? Vì Phật là vị vua thầy thuốc, không ai hơn được. Pháp là thuốc hay trừ bệnh. Tăng là bậc tri thức dẫn đường. Ba ngôi ấy đều là ruộng phước chân chánh trong sạch. Đi ngược lại là tà, hướng theo đó là chánh. Phàm được thấy mỗi hình tượng của Phật, nên xem như chính đó là đức Như Lai. Thấy được mỗi phần Thánh giáo, nên nghĩ tưởng rất là khó gặp. Gặp mỗi vị tỳ-kheo Tăng, nên xem như đó là bậc tổ sư. Vậy nên phải lễ bái cúng dường, không được khinh khi. Dùng những món trang nghiêm thân Phật mà trang nghiêm thân mình. Được như vậy thì tự tâm đã trọn đủ Nhất thể Tam bảo.
Này các vị! Nếu muốn đắc đạo, nên y theo lời Phật dạy. Như trái lời Phật dạy mà đắc đạo, quyết không thể được.
° ° °
Hoặc có kẻ hỏi rằng: “Ngài Đạt-ma từ Tây phương sang đây, chẳng lập văn tự. Chỉ thẳng vào tâm người, thấy tánh thì thành Phật. Như vậy cần gì phải xem kinh giáo rồi mới ngộ đạo sao?”
Đáp rằng: “Giáo thuyết của ngài Đạt-ma thật là món thuốc hay ứng theo bệnh mà trị. Người đời nay chẳng đạt tông chỉ của tổ sư, trở lại chấp lấy thuốc mà thành bệnh. Tổ sư vì muốn cho người ta ngộ được tự tâm, hòa hợp theo giáo pháp, cho nên thuyết ra lời ấy. Ngài sợ rằng người học đạo cố chấp nơi văn tự mà chẳng chịu suy xét cầu Phật quả, cũng giống như kẻ mãi nhìn nơi ngón tay chỉ mà chẳng chịu ngó lên mặt trăng vậy!
Lục tổ nói: “Ngài Đạt-ma nói lý chỉ thẳng là cặn kẽ lắm. Vì sao vậy? Phải biết rằng, chỉ riêng hai chữ “chẳng lập” cũng đã là văn tự rồi. Sao lại bảo rằng không có văn tự? Nếu thật là chẳng lập văn tự, thì người ta chẳng nên nói năng gì. Chỉ việc nói năng cũng là cái tướng của văn tự rồi. Sao nói rằng chẳng lập được sao? Người ngu nghe nói rằng chẳng lập, liền chỉ một lòng chấp không. Chỉ nói chẳng lập văn tự, trở nên hủy báng kinh Phật. Tội chướng sâu nặng lắm, chẳng nên ngăn ngừa sao?
Chẳng nghe kệ truyền pháp của ngài Đạt-ma rằng:
Vốn ta lại đất này,
Truyền pháp cứu mê tình
Một hoa trổ năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành.
Tổ Đạt-ma còn nói rằng: “Ta có bốn quyển kinh Lăng-già, cũng đem trao cho ngươi. Đây là pháp môn quan trọng của tâm địa Như Lai, khiến cho chúng sanh được mở thông, chỉ bày, hiểu đạo và nhập đạo.” Như vậy, ngài Đạt-ma há lại không lấy văn tự truyền cho người đó sao?
Người xưa nói rằng: “Xem kinh là để hiểu rõ giáo lý của Phật.” Đó là nhờ giáo lý mà hiểu rõ tông chỉ, nên tâm mình với giáo pháp hiệp nhau. Lấy tâm truyền tâm, không hai không khác. Cho nên phải biết rằng, muốn đạt chân thừa, phải nên học hỏi giáo điển. Theo nơi giáo pháp mới rõ được lý. Rõ được lý rồi, sau đó mới tu hành. Hạnh và nguyện đều không thiếu sót, đạo quả có thể chứng đắc. Xem kinh giáo đã có lợi ích như thế, há nên khinh chê hay sao?
Quy sơn cảnh sách nói: “Lời Phật dạy không chịu ghi lòng tạc dạ thì đạo nhiệm mầu không thể do đâu mà tỏ ngộ. Cho đến khi tuổi tác về già, dù xuất gia trải đã nhiều năm mà trong tâm thật chẳng được gì. Vì chẳng chịu gần gũi học người hiền đức, chỉ biết ngông nghênh cao ngạo... Cuối cùng rồi thành ra buông lung thô lỗ, gặp việc bế tắc như quay mặt vào tường. Người mới học đến thỉnh giáo, chẳng có gì để chỉ bày. Như có gượng nói ra cũng chỉ là sai kinh lệch nghĩa. Vậy mà có bị khinh chê, lại trách rằng hậu sanh vô lễ. Chỉ vừa học biết được chút ít, liền tự xưng là bậc sơn tăng. Lòng cao ngạo chấp lấy nhân ngã, khinh khi ngăn trở kẻ hậu học. Uổng phí cả một đời, khi ăn năn cũng chẳng cứu vớt lại được. Xoay chuyển mãi trong luân hồi, biết bao giờ mới dứt!
“Ôi! Như có người căn cơ chỉ ở mức bình thường, không thể nhất thời vượt thoát, thì nên hết sức chú tâm mà học hỏi giáo pháp. Thông thuộc kinh điển, nghiền ngẫm cứu xét nghĩa lý tinh tường, rồi truyền rộng ra khắp nơi, dẫn dắt người hậu học, báo đáp ơn đức Phật. Thời gian trôi qua, chớ nên luống mất, phải nên lấy sự tu tập như trên mà làm chỗ dựa đời mình. Giữ lấy oai nghi, thành bậc pháp khí giữa chúng tăng. Chẳng thấy như dây leo kia, nhờ dựa vào thân cây tùng mà lên được đến tầng cao chót vót. Hãy chọn lấy tác nhân cao trổi mà ký thác đời mình, mới có thể rộng làm lợi ích.”
Như vậy, há có thể khinh thường giáo pháp, khinh thường bậc trí thức hay sao? Nếu khinh thường bậc trí thức, tức là khinh thường giáo pháp. Khinh thường giáo pháp tức là khinh thường chư Phật, chư Tổ. Khinh thường chư Phật Tổ tức là tự khinh thường tâm thức của mình. Khinh thường tâm thức của mình thì tự phải chìm đắm trong bể khổ vậy!
Than ôi! Đức Thế Tôn Thích-ca còn bỏ cả thân mạng mà cầu nghe nửa bài kệ; lấy thân mình làm chỗ nằm ngồi để cầu được pháp mầu. Kìa chẳng thấy trong phẩm Hạnh nguyện nói rằng: “Lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, trích máu làm mực, viết chép kinh điển, chất chứa như Tu-di, là vì kính trọng giáo pháp vậy.” Thân mạng còn chẳng tiếc, huống chi là ngôi vua, thành trì, vợ con, voi ngựa và bảy món báu? Đức Thế Tôn đã kính trọng giáo pháp như vậy, phàm phu lại có thể khinh thường giáo pháp sao?
Bồ Tát Dược Vương lấy thân mình làm đuốc để báo đền ân sâu của Phật, Bồ Tát Thường-đề bán tim gan mà học pháp Bát-nhã, ngài Thần Quang chặt tay cầu pháp, ngài Thiện Tài đi tham học về hướng nam, khóc chảy máu mắt. Đó đều là những bậc vì pháp quên mình. Nhờ vậy mới hiểu rõ được việc lớn sanh tử.
Kinh Viên Giác dạy rằng: “Chúng sanh muốn tu hành ở đời mạt pháp, nên cầu được bậc có tri kiến chân chánh hiểu biết mọi sự, ắt sẽ được thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.”
Luận Trí Độ viết: “Đối với các bậc thầy dạy đạo, nên cung kính như đức Thế Tôn. Như ai có thể vì mình mà giảng rõ nghĩa lý sâu xa, giải trừ được những mối ngờ vực trói buộc, đó là làm lợi ích cho mình, phải hết lòng cung kính, chẳng nên nghĩ đến những chỗ xấu bề ngoài của họ. Ví như cái túi xấu mà đựng của báu, chẳng nên vì chê túi xấu mà chẳng dùng của báu. Lại như khi đi đường hiểm lúc ban đêm, có người mặc áo rách cầm đuốc cùng đi, chớ nên vì vẻ ngoài rách rưới của người mà chẳng nhờ lấy ánh sáng.”
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đối với người thuyết giảng pháp Phật, nên nghĩ biết là rất khó gặp. Đối với tự thân, nên nghĩ biết đó là bệnh khổ. Đối với bậc thiện tri thức, nên xem như bậc y vương. Đối với pháp được thuyết, nên xem như thuốc hay. Đối với việc tu hành, nên xem như phép trừ bệnh.
“Như nghe được một câu kinh, một bài kệ, đó là pháp chưa từng có, còn hơn là được bảy thứ báu chứa đầy trong cõi ba ngàn đại thiên thế giới, cùng là ngôi vị Đế-thích, Chuyển luân vương.”
Kinh Pháp Hoa nói: “Đối với người thuyết được kinh này, nên cúng dường như đức Như Lai, nên lấy những vật báu cõi trời mà rãi quanh xưng tụng, nên dùng những kho báu cõi trời mà phụng hiến. Vì sao vậy? Vì người ấy hoan hỷ thuyết pháp, nếu nghe qua trong chốc lát thì đạt được chỗ cứu cánh là quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Luận Khởi Tín nói: “Như trong cây có tánh lửa, lửa tức là chánh nhân. Nhưng nếu không ai biết đến, không nhờ dùng phương tiện mà tự tánh ấy thiêu cháy được cây, quyết không thể được! Chúng sanh cũng vậy. Cho dù sẵn có sức chánh nhân un đúc lâu đời, nhưng nếu chẳng gặp kinh giáo của chư Phật, Bồ Tát, cùng sự khai thị của hết thảy thiện tri thức, mà tự mình có thể thành Phật, quyết không thể được!”
Người xưa nói: “Sanh ra ta là cha mẹ, giúp ta thành đạt là thầy với bạn.” Chẳng phải đúng như vậy sao?
Cần phải biết rằng, kinh điển Đại thừa là thầy của chư Phật. Quả vị Bồ-đề của chư Phật đều do đó mà ra.
Xem khắp những người tu ba tịnh nghiệp và được Thượng phẩm thượng sanh, đều thấy nói là có đọc tụng kinh điển Đại thừa, hiểu được chân lý tối thượng. Nếu có thể như vậy, chắc chắn được vãng sanh.
Kinh Đại thừa là gì? Đó là những kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát-nhã, Niết-bàn, Lăng Nghiêm, Lăng-già, Viên Giác, Quán Vô Lượng Thọ Phật .v.v... cùng với tất cả những kinh chuyên luận về Tịnh độ. Người tu tịnh nghiệp nên thọ trì đọc tụng các kinh ấy, y theo lời dạy trong kinh mà tu hành.
° ° °
Hỏi: Những người biết chữ có thể đọc kinh được, còn những kẻ không biết chữ thì làm sao?
Đáp: Tuy không biết chữ để đọc tụng, nhưng cũng có thể dự phần trong việc in ấn lưu hành. Lại nếu như thường xuyên lễ bái nương theo, sẽ có ngày tự nhiên thông hiểu. Kìa chẳng thấy như Thiện Tài một đời chứng quả, Long nữ tám tuổi thành Phật hay sao? Đó thật phải là nhờ đã gắng sức trong nhiều đời, há chỉ một ngày mà thành tựu được?
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương trong kinh Pháp Hoa nói rằng: “Như có những kẻ nam người nữ lòng lành, nhờ trồng sẵn thiện căn, nên đời đời thường gặp các bậc thiện tri thức. Các bậc thiện tri thức ấy có thể làm được Phật sự, chỉ bày dạy dỗ điều lợi ích vui vẻ cho mình, khiến cho đắc nhập quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Chư đại đức nên biết rằng: Bậc thiện tri thức, đó là nhân duyên lớn. Nhờ người chỉ dạy, dắt dẫn, giúp cho mình được thấy Phật, lại là chuyện lợi ích nhỏ hay sao? Đời nay, những người chẳng rõ lý Phật, đều là do đời trước khinh chê pháp Phật. Như đời nay cũng chẳng biết tôn sùng, đời sau lại càng thêm ngu si, khốn đốn.
Kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Đối với những người mà trong ngàn muôn ức kiếp chẳng nghe danh hiệu Phật, cũng chẳng được nghe chánh pháp, thật rất khó cứu độ.” Chẳng nghe điều ấy sao?
Khổ thay! Khổ thay! Những kẻ chê bai kinh giáo và nhạo báng pháp sư như vậy, còn nặng tội hơn cả mắng Phật. Lại không biết sợ mà tránh đi sao? Nếu ai chẳng tin lẽ ấy, nên xem qua phẩm Hỏa trạch và phẩm Pháp sư trong kinh Pháp Hoa để rõ.
Nay ta khuyên người học đạo sau này, nếu muốn tu quả Vô thượng Bồ-đề, nên tham lễ bậc minh sư và nghe theo lời dạy bảo. Nếu gặp phải vị thầy kém cỏi, thì người học đạo dẫu muốn siêu thăng, hóa ra lại phải chịu chìm đắm mất vậy! Cho nên mới nói rằng:
Qua sông phải dùng bè.
Đến bờ cần chi ghe!
Send comment