QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN TRUNG
21. Lòng từ bi không giết hại, thường phóng sanh
Có người hỏi: “Ăn chay không ăn thịt, so với làm việc phóng sanh thì hơn kém như thế nào?”Đáp: “Người không ăn thịt chỉ dứt được cái duyên giết hại, khỏi được cái lỗi của riêng mình nhưng chưa có cái công cứu giúp loài vật. Đức Phật sở dĩ dạy người ăn chay, chính là muốn giúp được tăng thêm lòng từ bi. Người đời nay ăn chay, tuy tự mình không ăn thịt nhưng cũng chẳng chịu làm việc phóng sanh. Như vậy gọi là người không có lòng từ bi.
“Chư Phật mười phương thương yêu chúng sanh như con. Nay nhìn thấy người ta giết con của Phật, sức mình có thể cứu được mà ngồi yên chẳng cứu, như vậy tuy chẳng ăn thịt nhưng cũng gọi là phạm vào trai giới một cách nghiêm trọng.
“Trong Giới kinh dạy rằng có ba loại giới thanh tịnh. Giới Nhiếp luật nghi là đoạn trừ tất cả mọi điều ác, nghĩa là không làm bất cứ điều ác nào. Giới Nhiếp thiện pháp là tích chứa tất cả mọi điều lành, nghĩa là không có việc lành nào mà không thực hành. Giới Nhiêu ích hữu tình là không có chúng sanh nào không cứu độ, nghĩa là rộng độ hết thảy mọi chúng sanh.
“Nếu không làm việc phóng sanh, không cứu thoát nạn khổ cho chúng sanh, đó gọi là phạm giới một cách nghiêm trọng.
“Ôi! Quanh năm ăn chay mà chưa từng có công cứu khổ, cứu vật, sao bằng chỉ một ngày xả bỏ tiền của liền được đức lớn chuộc mạng phóng sanh! Đức Phật của chúng ta thuở xưa từng xẻo thịt mình mà thí cho chim bồ câu; chúng ta là đệ tử Phật mà không xả bỏ được tiền của giả tạm để chuộc mạng phóng sanh, như vậy còn mặt mũi nào thấy Phật?”
“Phóng sanh tất nhiên là từ bi, nhưng vì sao chẳng thả những loài gà, vịt, ngỗng, heo, dê... mà chỉ thả toàn những loài chim, cá, lươn, rùa, ốc...?
Đáp: “Thế gian có hai loại súc sanh. Một loại chịu quả báo nhất định phải bị giết hại. Đó là những loài gà, ngỗng, bò, dê... Do đời trước khăng khăng chẳng tin nhân quả, dứt khoát vui vẻ mà làm việc giết hại, không có lòng hối tiếc, cho nên đời này phải làm súc sanh, chịu quả báo nhất định phải bị giết hại, không trốn chạy đàng nào được, chỉ đợi ngày chịu xẻ thịt nấu nướng mà thôi. Dẫu có gặp được người muốn phóng sanh cũng không thể cứu được loại súc sanh này. Loại súc sanh thứ hai chịu quả báo không nhất thiết phải bị giết hại. Đó là những loài chim, cá, lươn, rùa... Do đời trước tuy làm việc ác nhưng chỉ là bất đắc dĩ, hoặc sau khi giết hại rồi có lòng hối hận, nên đời này phải làm súc sanh, chịu quả báo không nhất thiết phải bị giết hại. Đối với loại súc sanh này, nếu gặp những kẻ ưa giết hại ắt sẽ bị mổ thịt nấu nướng, còn nếu gặp được người có lòng từ bi thì lúc sắp chết cũng có thể được cứu sống.
“Đời nay có một hạng tà kiến, tự mình không dứt bỏ việc giết hại, ngược lại còn khuyến khích người khác làm việc giết hại. Những kẻ ấy, trước tiên là sa vào địa ngục, chịu vô số khổ não, sau đó lại đọa làm súc sanh, chịu quả báo nhất định phải bị giết hại. Dù có gặp được người có lòng từ bi cũng không thể cứu thoát họ được.”
Lại hỏi: “Muốn làm việc phóng sanh thì phải có nhiều tiền của. Nếu không có tiền của thì phải làm sao?”
Đáp: “Những người giàu sang có mối quan hệ ảnh hưởng chặt chẽ đến phong tục, lòng người, có thể thu phục, giáo hóa được nhiều nhất. Nếu họ biết mở mang Phật giáo, nổi trận gió lớn từ bi, thật có thể làm cho lòng người thay đổi. Hãy nghe như chuyện Nhan Lỗ công, mỗi khi trấn nhậm nơ nào đều cho đào ao phóng sanh, còn Trương Vô Tận làm quan Giám ty thường triệt phá những miếu thờ tà mỵ, cấm hẳn việc giết hại súc vật, thí luận Hoa Nghiêm. Đó đều là những bậc có hạnh Bồ Tát.
“Còn như người không có tiền của thì nên rộng thuyết lời Phật, tìm mọi cách khuyên bảo, dạy dỗ, thấy kẻ phóng sanh thì tùy hủy ngợi khen, lại thường phát khởi những đại nguyện. Nguyện có tiền của dồi dào sẽ rộng làm mọi phương tiện cứu độ. Nguyện như đức Bồ Tát Quán Thế Âm, cứu khổ chúng sanh. Nguyện như đức Bồ Tát Phổ Hiền, tùy thuận chúng sanh. Dù cho thế giới, chúng sanh đều dứt hết, nguyện lớn cũng chẳng cùng. Nếu có thể hành trì được như vậy, đó chính thật là những bậc Bồ Tát hiện xác phàm trong đời nay.”
Send comment