- Giới thiệu bản dịch Kinh Đại Bát Niết-bàn
- 01. Phẩm Thọ mạng
- 02. Phẩm Thân Kim Cang
- 03. Phẩm Công đức danh tự
- 04. Phẩm tánh Như Lai
- 05. Phẩm Đại chúng thưa hỏi
- 06. Phẩm thị hiện bệnh
- 07. Phẩm thánh hạnh
- 08. Phẩm Hạnh thanh tịnh
- 09. Phẩm Hạnh anh nhi
- 10. Phẩm Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương
- 11. Phẩm Bồ Tát Sư Tử Hống
- 12. Phẩm Bồ tát Ca Diếp
- 13. Phẩm Kiều Trần Như
- Hậu phần
KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính
LỜI DẠY CUỐI CÙNG
Phẩm thứ nhất[1]
Lúc ấy, Phật bảo A-nan và đại chúng: “Sau khi ta diệt độ, hàng đệ tử xuất gia và tại gia đều nên chuyên cần gìn giữ bảo vệ kinh Đại Niết-bàn này. Trong vô lượng vạn ức a-tăng-kỳ kiếp, ta đã tu tập pháp Đại Niết-bàn rất khó được này. Nay ta đã giảng thuyết rõ [cho đại chúng] rồi.
“Đại chúng nên biết, kinh Đại Niết-bàn này chính là kho báu Kim cang của tất cả mười phương chư Phật ba đời; là thường, lạc, ngã, tịnh; tròn đầy trọn vẹn không khiếm khuyết. Tất cả chư Phật đều từ nơi kinh Niết-bàn này mà nhập Niết-bàn. Kinh này là chỗ cứu cánh rốt ráo, nghĩa lý thấu đáo đến cùng cực không sai sót. Chư Phật từ nơi kinh này mà buông xả thân mạng, nên gọi là Niết-bàn.
“Nếu các ông muốn quyết lòng báo đáp ơn Phật một cách chân thật, sớm đạt được [quả vị] Bồ-đề, được chư Phật xoa đầu [thọ ký], đời đời sanh ra không mất Chánh niệm, thường được chư Phật mười phương hiện ra trước mặt, ngày đêm gìn giữ bảo vệ, khiến cho tất cả đều đạt được pháp xuất thế, vậy phải chuyên cần tu tập kinh Niết-bàn này.”
Phật lại bảo A-nan: “Khi chưa thành Phật, ta có thị hiện vào pháp ngoại đạo của Uất-đầu-lam-phất, tu học Bốn thiền, Tám định,[2] thọ nhận và thực hành giáo pháp của ông ấy. Từ khi thành Phật đến nay, ta chê trách pháp của ông ấy; dần dần khuyến khích, dắt dẫn cho mọi người đều được vào đạo Phật, mà Tu-bạt-đà là người sau chót. Như Lai dùng ngọn đuốc trí tuệ lớn để đốt cháy ngọn cờ tà kiến như lá cỏ khô bị ném vào giữa ngọn lửa lớn.
“Này A-nan! Nay ta cũng nghĩ nhiều đến những thân thích trong dòng họ Thích-ca. Sau khi ta nhập Niết-bàn, ông nên chuyên cần tinh tấn, đem những điều lành mà khuyên răn dạy dỗ, trao truyền Chánh pháp nhiệm mầu cho họ, hết lòng dạy bảo, dẫn dắt họ; đừng để cho họ mê đắm chuyện ăn chơi, buông thả lười nhác, để tâm tán loạn chạy theo [trần] cảnh, thọ nhận và thực hành các pháp tà vạy.
“Những ai còn chưa thoát khỏi sự thống khổ của thế gian trong Ba cõi, hãy sớm cầu sự giải thoát. Trong chốn ái dục có năm sự uế trược này,[3] nên sanh tư tưởng lo âu sợ sệt, [rằng] không có ai cứu vớt che chở [được cho mình]. Một khi đã mất thân người rất khó lòng được lại, nên suốt một đời này phải thường luôn tỉnh táo giữ gìn suy xét. Con quỷ lớn vô thường không thể dùng [xúc] tình mà cầu thoát khỏi.
“Hãy thương xót chúng sanh, đừng giết hại lẫn nhau, cho đến loài sâu bọ nhỏ nhoi cũng nên mang đến cho chúng sự [bình an] không lo sợ. Nghiệp của thân được thanh tịnh sẽ thường được sanh nơi cảnh giới tốt đẹp; nghiệp của miệng được thanh tịnh sẽ tránh được mọi tội lỗi xấu ác. Không ăn thịt, không uống rượu! Điều phục con rắn độc là tâm mình, khiến nó được theo vào Chánh đạo. Phải suy xét sâu xa những chỗ tạo nghiệp: Quả báo lành, dữ như bóng theo hình; nhân quả trong ba đời xoay vần chẳng [bao giờ] mất.
“[Nếu để] một đời này luống qua, sau dù có hối cũng không còn kịp. Đã đến lúc ta nhập Niết-bàn [nên có mấy lời] dặn dò các ông như vậy.”
Bấy giờ, A-nan nghe qua những lời Phật dạy rồi thì thân tâm đều rúng động, tinh thần hoang mang mê muội, buồn khổ nghẹn ngào, chìm sâu trong biển sầu đau, thân thể mê man, lòng dạ rối loạn hôn ám, ngã xuống trước mặt đức Như Lai, [bất động] như người đã chết.
Khi ấy, ngài A-na-luật[4] liền đến an ủi khuyên giải để giúp A-nan giảm bớt cơn sầu khổ. Ngài nói rằng: “Than ôi! Sầu khổ có ích gì? Đã đến lúc Như Lai [sắp] nhập Niết-bàn, nay tuy thấy đó, mai đã không còn! [Vì thế] ông nên theo lời tôi, thưa thỉnh Như Lai về bốn việc này.
“Một là, sau khi Phật nhập Niết-bàn rồi, nhóm sáu thầy tỳ-kheo xấu[5] làm những việc nhơ nhớp hoen ố nhà người khác, [tỳ-kheo] Ác tánh Xa-nặc[6] [tánh tình xấu ác], làm sao có thể sống chung với họ để chỉ bày, dạy bảo?
“Hai là, khi Như Lai tại thế, Phật là thầy của tất cả chúng ta; sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng ta biết lấy ai làm thầy?
“Ba là, khi Phật tại thế, chúng ta đều y theo Phật mà an trụ; khi Như Lai diệt độ rồi, chúng ta sẽ dựa theo đâu mà an trụ?
“Bốn là, sau khi Như Lai diệt độ, lúc kết tập kho tàng giáo pháp, nên ghi như thế nào ở phần mở đầu tất cả các kinh?”
Bấy giờ, ngài A-nan như vừa ra khỏi giấc mộng, nghe A-na-luật an ủi, nhắc nhở việc thưa hỏi Phật bốn vấn đề trên, liền dần dần tỉnh ngộ, [dù vẫn] không tự kiềm được nỗi bi ai [nhưng cũng gắng] thưa hỏi Phật đủ bốn việc như trên.
Phật bảo A-nan: “Sao ông lại sầu khổ đau thương đến thế? Chư Phật giáo hóa khi đã trọn vẹn, mọi việc làm đã xong, theo đúng pháp đều nhập Niết-bàn.
“Lành thay, lành thay! A-nan! Bốn việc ông hỏi đó là những câu hỏi cuối cùng [trước khi ta nhập diệt], có lợi ích lớn đối với tất cả thế gian. Đại chúng hãy lắng nghe và hãy khéo suy xét kỹ.”
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện ưa thích lắng nghe.”
Phật dạy: “A-nan! Như lời ông vừa hỏi: ‘Phật vào Niết-bàn rồi, nhóm sáu thầy tỳ-kheo [xấu] với [tỳ-kheo] Ác tánh Xa-nặc làm những việc nhơ nhớp hoen ố nhà người khác, làm sao sống chung với họ để chỉ dạy?’ A-nan! [Riêng về] tỳ-kheo Xa-nặc, tánh tình xấu ác, nhưng sau khi ta nhập Niết-bàn sẽ dần dần được điều phục, lòng dạ sẽ trở nên nhu hòa, từ bỏ tánh xấu ác.
“Này A-nan! Như em trai ta là Nan-đà vốn có đủ những sự tham dục nặng nề, tánh tình lại xấu ác. Như Lai dùng phương tiện khéo léo chỉ dạy cho ông ấy được sự lợi ích, vui vẻ. Như Lai rõ biết căn tánh của ông ấy nên dùng trí tuệ Bát-nhã giảng thuyết Mười hai nhân duyên, rằng vô minh là duyên của hành; hành là duyên của thức... cho đến già chết, lo buồn, khổ não... hết thảy là một khu rừng [những điều] tham muốn, ghét bỏ, đều do vô minh mà có. Tất cả những khổ não do vô thường biến đổi tràn đầy trong Ba cõi, luân chuyển khắp sáu đường; cội gốc của những sự khổ lớn đều sanh khởi từ vô minh. Như Lai dùng trí tuệ Bát-nhã chỉ bày rằng, dùng tánh thanh tịnh quán xét kỹ cội gốc [vô minh] liền dứt trừ được mọi lỗi lầm tai hại trong các cảnh giới hiện hữu. Vì cội gốc của vô minh đã diệt nên vô minh phải diệt; vô minh đã diệt ắt hành phải diệt... cho đến già chết, lo buồn, khổ não... thảy đều diệt hết. Khi đạt được phép quán này, giữ tâm an định, liền nhập tam-muội. Nhờ sức tam-muội được vào Sơ thiền, dần dần tiến lên theo trình tự, vào đến Đệ tứ thiền. Tiếp tục duy trì tâm Chánh niệm tu tập như vậy, sau đó tự nhiên sẽ chứng đắc được thánh quả cao thượng, lìa hết mọi sự khổ trong Ba cõi.
“A-nan! Lúc ấy tỳ-kheo Nan-đà sanh khởi lòng tin sâu xa, y theo giáo pháp Phật dạy, chuyên cần tu tập, không bao lâu chứng đắc quả A-la-hán.
“A-nan! Sau khi ta nhập Niết-bàn, các người nên y theo pháp quán chân chánh ta đã dạy [như trên] mà chỉ bày dạy bảo cho nhóm sáu thầy tỳ-kheo xấu và tỳ-kheo Xa-nặc; hết lòng nương theo giáo pháp chân chánh thanh tịnh này thì không bao lâu sẽ tự nhiên chứng đắc được thánh quả cao thượng.
“Này A-nan! Nên biết rằng cội cây sanh tử to lớn trong Ba cõi tăng trưởng được đều do nơi vô minh; [khiến chúng sanh] trôi giạt chìm đắm giữa dòng sông tham ái, trong đêm dài khổ não, dưới vực sâu tăm tối, [mãi mãi] quẩn quanh cây cột sanh tử.
“Sáu thức chỉ là cành nhánh, vọng niệm mới là cội gốc. Vô minh như sóng nước xô đẩy tâm thức rong chơi theo sáu trần,[7] gieo nhân khổ não, không gì chế ngự được nên tự do [gây hại] như vị [bạo] chúa [trong một nước]. Cho nên ta nói: ‘Vô minh là ông chủ [xấu ác], mỗi phút mỗi giây đều gây hại.’ Chúng sanh không rõ biết [điều đó], phải luân chuyển trong sanh tử.
“Này A-nan! Tất cả chúng sanh đều nhân nơi vô minh mà sanh khởi những tham ái trói buộc; do quan điểm chấp ngã[8] che lấp nên để cho tám mươi bốn ngàn loại phiền não trở thành ông chủ sai khiến chính mình, [làm cho] thân tâm rời rã, không có được sự tự do tự tại.
“Này A-nan! Nếu phá trừ vô minh thì Ba cõi đều không còn nữa. Vì nhân duyên ấy nên [những ai phá trừ được vô minh] gọi là người xuất thế.
“A-nan! Nếu có thể quán xét kỹ Mười hai nhân duyên, [thấy được rằng] hoàn toàn không hề có bản ngã, thể nhập sâu vào cội nguồn thanh tịnh thì có thể lìa xa nạn lửa lớn là Ba cõi.
“Này A-nan! Như Lai là bậc nói lời chân chánh, [nay] thành thật có lời căn dặn cuối cùng, đại chúng nên [theo đó mà] tu hành.
“A-nan! Lại như lời ông hỏi: ‘Sau khi Phật diệt độ, lấy ai làm thầy?’ Này A-nan! Giới luật [Phật đã chế định sẽ] là bậc thầy lớn nhất của các ông, y theo đó mà tu hành có thể đạt được định và tuệ rất thâm sâu, thoát khỏi thế tục.
“A-nan! Lại như lời ông hỏi: ‘Sau khi Phật nhập Niết-bàn, sẽ y theo đâu mà an trụ?’ Này A-nan, hãy y theo Bốn niệm xứ, giữ tâm nghiêm cẩn mà an trụ. [Bốn niệm xứ đó là:] Quán xét thể tánh và hình tướng của thân đồng với hư không, gọi là thân niệm xứ; quán xét mọi cảm thọ không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở khoảng giữa, gọi là thọ niệm xứ; quán xét tâm này chỉ là tên gọi, tính chất của tên gọi là lìa khỏi [thực thể],[9] gọi là tâm niệm xứ; quán xét các pháp không [rơi vào] pháp thiện, không [rơi vào] pháp bất thiện, gọi là pháp niệm xứ.[10]
“A-nan! Tất cả những người tu hành nên y theo Bốn niệm xứ ấy mà an trụ.
“A-nan! Lại như lời ông hỏi: ‘Sau khi Như Lai diệt độ, lúc kết tập kho tàng giáo pháp, nên ghi như thế nào ở phần mở đầu tất cả các kinh?’ Này A-nan, sau khi Như Lai diệt độ, lúc kết tập kho tàng giáo pháp, ở phần mở đầu tất cả các kinh nên ghi rằng: ‘Tôi nghe như thế này, vào lúc Phật đang ở tại... vì bốn chúng đệ tử mà thuyết kinh này.’”[11]
Lúc ấy, A-nan lại bạch hỏi Phật: “Thế Tôn! Trong lúc Phật còn tại thế hay khi Phật đã nhập Niết-bàn, nếu có người đàn-việt có đức tin đem vàng bạc, bảy món báu, đủ các món ưa thích mà dâng cúng Như Lai thì nên sắp đặt thế nào?”
Phật dạy A-nan: “Lúc Phật còn tại thế, những vật dâng cúng Phật thì chúng tăng nên được biết. Sau khi Phật diệt độ, tất cả những vật mà người ta do lòng tin dâng cúng lên Phật thì nên dùng để tạo hình tượng Phật, áo Phật, phướn, lọng bằng bảy báu, hoặc mua các loại hương, dầu, hoa quý mà dâng cúng Phật. Trừ việc dâng cúng Phật, ngoài ra không ai được dùng. Người nào dùng [những phẩm vật ấy] tức là phạm tội ăn cắp tài vật của Phật.”[12]
A-nan lại bạch Phật: “Thế Tôn! Trong khi Phật còn tại thế, ví như có người dùng vàng bạc châu báu, phòng xá, điện đường, vợ con, tôi tớ,[13] y phục, thức ăn uống, đủ các món ưa thích, đem hết lòng cung kính lễ bái cúng dường Như Lai; rồi sau khi Phật nhập Niết-bàn, cũng có người dùng vàng bạc châu báu, vợ con, tôi tớ, áo quần, thức ăn uống, đủ các món ưa thích mà dâng cúng lên hình tượng Như Lai, đem hết lòng cung kính lễ bái cúng dường.
“Bạch Thế Tôn! Trong hai người hết lòng cúng dường ấy, ai được phước đức nhiều hơn?”
Phật bảo A-nan: “Hai người ấy đều đem hết lòng [thành kính] để cúng dường, [nên] chỗ được phước đức của họ không khác gì nhau. Vì sao vậy? Tuy Phật đã diệt độ, nhưng Pháp thân thường còn. Vì cả hai đều đem hết lòng [thành kính] để cúng dường nên phước đức đều như nhau.”
A-nan lại bạch Phật: “Thế Tôn! Trong khi Phật còn tại thế, ví như có người đem hết lòng [thành kính] cúng dường Như Lai cũng giống như trên; sau khi Phật nhập Niết-bàn lại có người đem hết lòng [thành kính] cúng dường cung kính xá-lợi toàn thân [của Phật]. Bạch Thế Tôn! Trong hai người ấy, ai được phước đức nhiều hơn?”
Phật bảo A-nan: “Hai người ấy được phước đức như nhau, công đức của họ là rộng lớn vô lượng vô biên [không thể cùng tận], cho dù biển khổ cạn hết, phước đức của họ cũng không hết.”
A-nan lại bạch Phật: “Thế Tôn! Trong khi Phật còn tại thế, ví như có người hết lòng [thành kính] cúng dường Như Lai cũng giống như trên; sau khi Phật nhập Niết-bàn lại có người cũng hết lòng [thành kính] cúng dường như trên đối với xá-lợi một nửa thân Phật. Bạch Thế Tôn! Trong hai người ấy, ai được phước đức nhiều hơn?”
Phật bảo A-nan: “Hai người ấy đều hết lòng [thành kính] cúng dường, nên chỗ được phước đức không khác gì nhau, đều là vô lượng vô biên.
“A-nan! Sau khi Phật diệt độ, ví như có người hết lòng [thành kính] cúng dường xá-lợi Như Lai, dù chỉ là một phần tư, một phần tám, một phần mười sáu, một phần trăm, một phần ngàn, một phần mười ngàn, hoặc một phần trong vô số phần nhiều như số cát sông Hằng, cho đến một phần nhỏ như hạt cải, nhưng cũng đều hết lòng [thành kính] mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán. [Nếu so với] khi Phật còn tại thế có người hết lòng [thành kính] cúng dường cung kính Như Lai, thì chỗ được phước đức của cả hai người đều không khác gì nhau. Phước đức của họ là vô lượng, không thể đo lường, không thể nói hết.
“A-nan! Nên biết rằng, dù khi Phật còn tại thế hay sau khi Phật đã nhập Niết-bàn, nếu có người hết lòng cung kính cúng dường, lễ bái, tôn trọng, tán thán [Như Lai], chỗ được phước đức [trong cả hai trường hợp] đều không khác gì nhau.”
Phật bảo A-nan và đại chúng: “Sau khi ta nhập Niết-bàn, tất cả những chúng sanh nào ở các cõi trời, người, khi nhận được xá-lợi của ta, buồn vui lẫn lộn, vừa thương cảm vừa hân hoan, liền hết lòng cung kính, lễ bái, cúng dường, sẽ được vô lượng vô biên công đức.
“Này A-nan! Nhìn thấy xá-lợi của Như Lai tức là thấy Phật; thấy Phật là thấy Pháp; thấy Pháp là thấy Tăng; thấy Tăng là thấy được Niết-bàn.
“A-nan! Nên biết rằng, vì nhân duyên ấy nên Tam bảo là thường trụ, không hề biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho tất cả chúng sanh.”
A-nan lại bạch Phật: “Thế Tôn! Sau khi Phật nhập Niết-bàn, tất cả đại chúng nên y theo phép tắc nào để trà-tỳ[14] [nhục thân] Như Lai rồi thu lấy xá-lợi và hết lòng [thành kính] cúng dường?”
Phật dạy A-nan: “Sau khi ta nhập Niết-bàn, đại chúng nên y theo phương pháp trà-tỳ [như đối với vị] Chuyển luân Thánh vương.”
A-nan lại hỏi: “Phương pháp trà-tỳ [đối với vị] Chuyển luân Thánh vương là như thế nào?”
Phật bảo A-nan: “Sau khi vị Chuyển luân Thánh vương băng hà, [di thể được] giữ lại bảy ngày rồi mới cho vào một cỗ kim quan. Sau đó dùng loại dầu thơm tốt nhất để rót đầy vào quan tài rồi đóng kín lại. Trải qua bảy ngày sau mới đưa di thể ra khỏi kim quan, dùng các thứ nước thơm mà tắm gội, rồi đốt các loại danh hương để cúng dường. Sau đó dùng hoa đâu-la[15] bọc lót khắp quanh di thể. Kế đó, dùng ngàn tấm lụa trắng loại quý nhất để quấn quanh khắp di thể thành nhiều lớp, lớp này bọc lên lớp kia. Tiếp đó lại dùng các thứ dầu thơm rót đầy vào kim quan, sau đó mới đặt di thể [trở lại] vào trong đó và đậy kín lại.
“Bấy giờ mới dùng loại xe quý bằng gỗ thơm và bảy món báu để đưa kim quan đi. Bốn phía xe đều treo các loại chuỗi ngọc, lại dùng tất cả các món trang sức quý báu để trang hoàng. Bao quanh xe là vô số phướn hoa, cờ lọng bằng bảy món báu, [lại đốt lên] tất cả các loại hương thơm vi diệu, dùng tất cả các loại âm nhạc [như ở cõi trời] vây quanh [xe chở kim quan] để cúng dường. Bấy giờ mới dùng toàn những thanh gỗ thơm loại tốt, có trang trí ở cả bên trong và bên ngoài, cùng với loại dầu thơm tốt nhất để trà-tỳ nhục thân của vị Chuyển luân Thánh vương.
“Trà-tỳ xong, thu nhặt xá-lợi, dựng một tháp báu nơi ngã tư giữa đô thành để đặt xá-lợi vào. Tháp ấy có bốn cửa vào, để tất cả nhân dân đều được cùng nhau chiêm ngưỡng xá-lợi ấy.
“Này A-nan! Vị Chuyển luân Thánh vương ấy chỉ nhờ chút ít phước đức, được nối ngôi vua, thật chưa thoát khỏi các cảnh giới hiện hữu, [vẫn còn] đủ năm món dục, thê thiếp, thể nữ, ba độc [tham, sân, si] và các quan niệm xấu ác, [cho đến] tất cả phiền não và những thứ trói buộc sai khiến, chưa trừ bỏ được mảy may nào. [Vậy mà] sau khi băng hà người đời còn dùng những phép tắc [trang nghiêm] như vậy [để trà-tỳ], xây tháp cúng dường [xá-lợi], ai nấy đều chiêm ngưỡng.
“A-nan! Huống chi Như Lai đã trải vô lượng vô biên vô số a-tăng-kỳ kiếp, vĩnh viễn buông bỏ năm món dục, thê thiếp, thể nữ? Đối với các pháp thế gian, Như Lai có thể [phá bỏ tất cả] như cơn mưa đá [phá hoại cây cỏ]; việc khó chuyên cần có thể chuyên cần; việc khó thực hành có thể thực hành; hết thảy những sự khổ hạnh của hàng Bồ Tát xuất thế [Như Lai] đều [đã từng] chuyên cần khó nhọc tu tập. Tất cả những sự hành đạo của chư Phật ba đời trong khắp mười phương, những pháp hết sức thâm sâu nhiệm mầu thanh tịnh như giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sáu Ba-la-mật, Như Lai đều có đủ. Ngài đã tu tập đủ Mười sức, tâm đại bi, Bốn đức chẳng sợ, Ba môn giải thoát, Mười tám pháp không, Sáu thần thông, Năm loại mắt, Ba mươi bảy phẩm [trợ đạo], Mười tám pháp chẳng chung cùng [với Hai thừa], Ba mươi hai tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp.
“Như Lai đã thành tựu thọ mạng như tất cả chư Phật, thế giới thanh tịnh như tất cả chư Phật, cùng tất cả những pháp thành tựu cho chúng sanh, tất cả những sự khổ hạnh khó tu tập, tất cả những giới luật thâu nhiếp các pháp lành, tất cả những giới luật thâu nhiếp chúng sanh, tất cả những giới luật thâu nhiếp oai nghi, tất cả công đức, tất cả trí tuệ, tất cả sự trang nghiêm, tất cả các nguyện lớn, tất cả các phương tiện. Hết thảy những giới hạnh, phước đức và trí tuệ không thể nghĩ bàn như vậy Như Lai đều đã thành tựu đầy đủ không thiếu sót.
“Như Lai đã dứt trừ tất cả pháp bất thiện, dứt trừ tất cả phiền não, dứt trừ tất cả tập khí phiền não còn sót lại. Như Lai thông đạt Bốn chân đế, Mười hai nhân duyên, nơi cội cây Bồ-đề đã hàng phục Bốn thứ ma, thành tựu [Nhất thiết] chủng trí. [Hết thảy những] pháp nhiệm mầu như vậy ngài đều đã tu tập đầy đủ, nên tất cả chư Phật mới xướng lên lời ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay!’ Chư Phật đồng lấy nước trí tuệ pháp tánh mà rưới nơi đỉnh Pháp thân; ngài mới đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do nhân duyên ấy được tôn xưng là Thiên nhân sư, Thập lực chủng giác, Chí cực Thế Tôn. Khắp cõi trời, người không ai sánh bằng Như Lai.
“Như Lai đối với tất cả chúng sanh đều bình đẳng [thương yêu] như [con trai là] La-hầu-la. Cho nên được tôn xưng là: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.
“Như Lai thương xót thế gian, tùy duyên giáo hóa thảy đều trọn vẹn; [lại cũng] vì chúng sanh mà nay [thị hiện] nhập Niết-bàn [sẽ] tùy theo pháp thế gian [mà cho làm lễ trà-tỳ] như vị Chuyển luân Thánh vương, là muốn cho chúng sanh đều được [có cơ hội] cúng dường [xá-lợi Phật].
“A-nan! [Sau khi] ta nhập Niết-bàn rồi, cũng như Chuyển luân Thánh vương, hãy giữ thánh thể lại qua bảy ngày rồi mới đặt vào kim quan. Sau đó dùng dầu thơm loại tốt nhất rót đầy vào quan, rồi đóng nắp lại. Ở bốn phía quan tài nên dùng bảy món báu xen lẫn để trang nghiêm, dùng các loại cờ báu, hương hoa mà cúng dường.
“Trải qua bảy ngày, lại đưa thánh thể ra khỏi kim quan, dùng tất cả những thứ nước thơm tốt nhất mà tắm gội thân Như Lai. Sau đó dùng loại hoa đâu-la mềm mịn nhất mà bọc lót khắp quanh thánh thể. Kế đó, dùng ngàn tấm lụa trắng vô cùng quý giá mà quấn quanh phía ngoài hoa đâu-la, che kín thân Như Lai, rồi đặt trở lại vào kim quan. Tiếp theo lại rót đầy dầu thơm loại tốt nhất vào trong kim quan và đóng kín nắp lại.
“Sau đó dùng toàn những loại gỗ quý như chiên-đàn Ngưu Đầu,[16] trầm thủy,[17] và các loại gỗ thơm để làm thành một cỗ xe có bảy món báu, lại trang nghiêm cỗ xe ấy bằng tất cả những vật quý báu, rồi dùng xe ấy đưa kim quan đến chỗ trà-tỳ.
“Khi ấy lại dùng vô số cờ quý, lọng quý, vải quý, cùng với âm nhạc cõi trời, vô số hương hoa, đầy khắp hư không, bi thương đau xót dâng lên cúng dường. Tất cả hàng trời, người và vô số đại chúng mỗi người đều nên dùng các thứ chiên-đàn, trầm thủy, dầu thơm vi diệu để trà-tỳ nhục thân Như Lai, lưu luyến ngưỡng mộ mà cất lên những tiếng than khóc bi ai.
“Sau khi lễ trà-tỳ đã xong, hàng trời, người và Bốn chúng đệ tử cùng nhau thu nhặt lấy xá-lợi Phật, đựng trong bình bằng bảy món báu. Sau đó xây tháp bằng bảy món báu tại ngã tư đường giữa thành lớn, thiết lễ cúng dường xá-lợi Phật, khiến cho chúng sanh được công đức lớn, lìa xa khổ não trong Ba cõi, [có thể] đạt đến cõi Niết-bàn an vui.
“A-nan nên biết rằng, sau khi tất cả Bốn chúng đã xây tháp bảy báu thờ xá-lợi Phật rồi, [cũng nên biết việc] xây ba loại tháp khác mà cúng dường. Đó là tháp Phật Bích-chi, tháp A-la-hán và tháp Chuyển luân Thánh vương. [Cúng dường như vậy] là để khiến cho người thế gian biết chỗ quy y.”
A-nan bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai ra đời, thương xót chúng sanh, khiến họ được thấy rõ Mười sức, Đại bi, Bốn đức chẳng sợ, Mười hai nhân duyên, Bốn chân đế, Ba môn giải thoát; phát ra âm thanh đủ tám giọng Phạm âm chấn động Ba cõi như sấm rền; hào quang từ bi năm sắc chiếu khắp sáu nẻo; tùy thuận tâm nghiệp của chúng sanh mà chuyển hóa, có người chứng đắc Bốn thánh quả, tu hành theo pháp của Hai thừa, có người chứng đạo Duyên giác vô vi, dứt sạch phiền não; có người đạt được địa vị Bồ Tát không còn sanh diệt; có người đạt được vô lượng các môn Đà-la-ni; có người chứng đắc Năm thứ mắt; hoặc được Sáu thần thông; hoặc ra khỏi Ba đường ác; hoặc thoát được Tám nạn; hoặc dứt được khổ não cõi người, cõi trời hoặc trong cả Ba cõi. Uy lực từ bi thanh tịnh của Như Lai, pháp môn giải thoát của Như Lai đều là không thể nghĩ bàn, nên sau khi ngài nhập Niết-bàn, tất cả thế gian, người và chư thiên, Bốn chúng đệ tử xây tháp bảy báu cúng dường xá-lợi, ắt được công đức lớn, có thể khiến chúng sanh thoát khỏi khổ não trong Ba cõi, được vào giải thoát chân chánh.
“Do nhân duyên ấy, sau khi Phật nhập Niết-bàn, tất cả thế gian, người và chư thiên, đại chúng, vì muốn báo đáp ân điển từ bi sâu xa vô lượng của Phật mà xây tháp bảy báu, cúng dường xá-lợi Phật. Điều đó là hợp lý.
“Thế Tôn! Còn như ba loại tháp kia, có những lợi ích gì đối với chúng sanh mà Phật dạy phải xây cất, cung kính cúng dường?”
Phật bảo A-nan: “Vị Phật Bích-chi đã chứng ngộ được nhân duyên các pháp, thể nhập sâu vào tánh của các pháp, đã thoát khỏi tất cả những lỗi lầm tai hại của các cảnh giới hiện hữu, có thể làm bậc phước điền cho hàng trời, người. Vì nhân duyên ấy, xây tháp cúng dường [vị Phật Bích-chi] được phước đức chỉ kém hơn phước đức cúng dường tháp Như Lai, có thể khiến cho chúng sanh đều đạt được quả vị [giải thoát] mầu nhiệm.
“Này A-nan! Vị A-la-hán đã dứt hẳn sự tái sanh trong Ba cõi, không còn phải thọ thân sau nữa; Phạm hạnh đã thành tựu, có thể làm bậc phước điền cho thế gian. Vậy nên xây tháp cúng dường [vị A-la-hán] sẽ được phước đức kém hơn phước đức cúng dường tháp Phật Bích-chi, cũng khiến cho chúng sanh đều đạt được giải thoát.
“A-nan! Vị Chuyển luân Thánh vương tuy chưa giải thoát phiền não trong Ba cõi, nhưng nhờ sức phước đức mà được cai trị Bốn thiên hạ, dùng Mười điều thiện để giáo hóa và che chở chăm sóc chúng sanh. [Vì thế nên] được chúng sanh tôn kính. Do đó, Bốn chúng xây tháp cúng dường [Chuyển luân Thánh vương] cũng sẽ được phước đức vô lượng.”
A-nan lại bạch Phật: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, tất cả Bốn chúng nên trà-tỳ [nhục thân] Như Lai ở nơi nào để thu nhặt xá-lợi? Xin Phật chỉ dạy.”
Phật dạy A-nan: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, nếu tất cả Bốn chúng trà-tỳ [nhục thân] Như Lai trong thành Câu-thi-na,[18] [về sau] nhân dân trong thành ấy thảy đều [vì việc] tranh nối ngôi vua, ắt phải đánh dẹp lẫn nhau, tranh chấp không ngừng, sẽ khiến cho phước đức của mỗi người đều sai khác.
“A-nan! Tất cả Bốn chúng nên trà-tỳ [nhục thân] Như Lai ở bên ngoài thành, để khiến cho tất cả thế gian đều được phước đức bình đẳng như nhau.”
A-nan bạch Phật: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, lễ trà-tỳ đã xong, tất cả Bốn chúng đã thu nhặt xá-lợi đặt yên trong bình quý, nên xây dựng tháp bằng bảy báu ở nơi đâu để tất cả đều được cúng dường với lòng thành kính sâu xa nhất? Xin Phật chỉ dạy.”
Phật dạy A-nan: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, lễ trà-tỳ xong, tất cả Bốn chúng đã thu nhặt xá-lợi đặt yên trong bình quý bằng bảy món báu, nên xây dựng tháp bằng bảy món báu, cao mười ba tầng trong thành Câu-thi-na, ngay nơi ngã tư đường. Trên tháp có tướng [pháp] luân, dùng tất cả các vật quý báu tốt đẹp đặt xen lẫn nhau để trang nghiêm, lại dùng tất cả các thứ hoa đẹp, cờ xí nghiêm lệ để trang sức thêm; bốn phía quanh tháp đều có lan can, làm bằng bảy món báu; tất cả các món trang trí [như thế] không đâu là không đầy đủ. Ở bốn phía tháp đều có cửa mở ra. Mỗi tầng tháp nối tiếp đều có cửa sổ mở đối xứng nhau.
“Bình quý đựng xá-lợi Phật được đặt yên [trong tháp ấy], tất cả hàng trời, người và Bốn chúng đệ tử cung chiêm ngưỡng cúng dường.
“A-nan! Tháp của vị Phật Bích-chi nên xây cao mười một tầng, cũng dùng đủ các món vật báu để trang nghiêm.
“A-nan! Tháp của vị A-la-hán nên xây cao bốn tầng, cũng dùng đủ các món vật báu để trang nghiêm.
“A-nan! Tháp của vị Chuyển luân Thánh vương cũng xây bằng bảy món báu, nhưng không cao lên tầng nào cả. Vì sao vậy? Vì chưa thoát khỏi các nỗi khổ hiện hữu trong Ba cõi, [vẫn còn trong sanh tử].”
Bấy giờ, ngài A-na-luật bạch Phật: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, lễ trà-tỳ đã xong, tất cả hàng trời, người và Bốn bộ đại chúng nên phân chia xá-lợi Phật như thế nào để cúng dường?”
Phật dạy A-na-luật: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, hàng trời người và tất cả đại chúng nên dùng tâm bình đẳng để phân chia xá-lợi Phật trong khắp Ba cõi, Sáu đường, khiến cho tất cả thế gian đều được cúng dường.”
Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân[19] bạch Phật: “Nay con thưa trước Phật, xin được cung kính thỉnh về một nửa phần xá-lợi toàn thân Như Lai để cúng dường với lòng thành kính sâu xa nhất.”
Phật bảo Thiên Đế: “Như Lai xem tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau, [đều yêu thương] như La-hầu-la [con trai ta]. Ông không nên thỉnh về nửa phần xá-lợi toàn thân Như Lai. Vì sao vậy? Vì để giúp cho chúng sanh được sự lợi ích bình đẳng.
“Này Thiên Đế! Nay ta cho ông phần xá-lợi của một cái răng hàm trên bên phải, nên mang về cõi trời xây tháp cúng dường, có thể giúp cho ông được phước đức vô tận.”
Lúc ấy, khắp hàng trời, người và tất cả đại chúng đều bi ai rơi lệ, không sao ngăn được.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bốn chúng đệ tử rằng: “Nay Phật nhập Niết-bàn, khắp hàng trời, người và tất cả các người đừng quá sầu não. Vì sao vậy? Tuy Phật nhập Niết-bàn, nhưng [lưu lại] xá-lợi thường còn để cúng dường; lại có Pháp bảo cao quý nhất là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Vì nhân duyên ấy, Tam bảo và Bốn chân đế là thường trụ thế gian, có thể khiến chúng sanh đem lòng thành kính sâu xa nhất mà quay về nương theo. Vì sao vậy? Cúng dường xá-lợi Phật tức là Phật bảo, nhìn thấy [xá-lợi] Phật tức là thấy được Pháp thân, thấy được Pháp thân tức là thấy chư hiền thánh, thấy chư hiền thánh tức là thấy Bốn chân đế, thấy Bốn chân đế tức là thấy Niết-bàn.
“Cho nên phải biết rằng, Tam bảo là thường trụ, không hề biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho tất cả thế gian.”
Đức Phật lại dạy hết thảy đại chúng: “Các người đừng quá sầu khổ. Nay ta sắp nhập Niết-bàn tại nơi này. Trong các người nếu ai còn có chỗ hoài nghi chưa rõ về giới luật, về sự quy y, về lẽ thường hoặc vô thường, về Tam bảo, Bốn chân đế, Sáu Ba-la-mật, Mười hai nhân duyên... hãy mau mau thưa hỏi, vì đây là cơ hội cuối cùng. [Đừng để] sau khi Phật nhập Niết-bàn lại sanh lòng nghi ngờ, hối tiếc.”
Đức Phật nhắc nhở khắp đại chúng ba lần như vậy.
Lúc ấy, Bốn chúng đệ tử đều bi thương khổ não, nghẹn ngào tuôn lệ, trong lòng đau đớn khôn xiết, suy tưởng miên man, ngưỡng mộ lưu luyến, sầu đau đến mức như chết được. Nhưng rồi nhờ oai lực của Phật nên ai nấy đều ngăn được lệ sầu. Tất cả đều an nhiên đứng lặng không thưa hỏi. Vì sao vậy? Vì tất cả Bốn chúng đều đã thông đạt, hiểu rõ về giới luật, về sự quy y, về Tam bảo, Bốn chân đế...; không ai có điều gì nghi hoặc cả.
Lúc ấy, đức Phật biết rằng trong Bốn chúng không còn ai nghi hoặc gì nữa, liền ngợi khen rằng: “Lành thay, lành thay! Tất cả Bốn chúng đều đã thông đạt về Tam bảo, Bốn chân đế, không còn ai nghi ngờ gì nữa, khác nào như [đã dùng] nước sạch tẩy rửa được hết mọi chất dơ bẩn trên thân hình.
“Đại chúng! Các người nên chuyên cần tinh tấn để sớm được ra khỏi [sanh tử], đừng sanh lòng sầu não, mê muộn rối loạn.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, đưa cánh tay có màu sáng như vàng ròng vén tấm y tăng-già-lê đang đắp trên người, để lộ bộ ngực sư tử chói sáng màu vàng ròng có sắc tía,[20] rồi bảo tất cả đại chúng rằng: “Khắp hàng trời, người và đại chúng các người nên đem hết lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Lúc ấy, tất cả Bốn chúng đều hết lòng chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng của đấng Đại Giác Thế Tôn, mắt không chớp nghỉ. Hết thảy đều cảm thấy vô cùng sảng khoái an vui, dù cho vị tỳ-kheo thể nhập cảnh giới thiền định thứ ba cũng khó mà phát sanh được sự sảng khoái an vui như thế.
Bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi đã hiện sắc thân màu vàng ròng cho đại chúng chiêm ngưỡng rồi, liền phóng ra vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức đạo hào quang Đại Niết-bàn chói lọi, soi chiếu khắp tất cả thế giới trong mười phương, khiến cho ánh sáng của mặt trời, mặt trăng như không còn sáng nữa.
Phóng quang như vậy rồi, Phật lại bảo khắp đại chúng rằng: “Các người nên biết, vì tất cả chúng sanh mà Như Lai đã trải qua bao kiếp chuyên cần khổ nhọc, cho đến chịu cắt xẻo thân thể, chân tay; đã tu tập tất cả những pháp khổ hạnh khó thực hành; vì bổn nguyện đại bi nên [thị hiện] trong cõi đời có năm sự uế trược này mà thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; được sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía này, [kiên cố] như kim cang không hư hoại, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vô lượng hào quang chói sáng chiếu khắp mọi nơi. [Nếu được] nhìn thấy sắc thân Như Lai, gặp hào quang Như Lai, thì không ai là không được giải thoát.”
Tiếp đó Phật dạy: “Đại chúng! Phật ra đời rất khó gặp, cũng như hoa ưu-đàm[21] rất hiếm khi được thấy. Đại chúng các người được gặp ta vào giờ phút cuối cùng, xem như đã không uổng phí sanh ra trong đời này. Ta dùng sức thệ nguyện từ thuở trước mà [thị hiện] sanh ra trong cõi uế trược này; cơ duyên giáo hóa đã trọn vẹn, nay sắp vào Niết-bàn; các người đã đem lòng chí thành chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai; đã tu tập được nghiệp lành thanh tịnh như thế, trong đời vị lai sẽ được quả báo [tốt đẹp] như thế.”
Lúc ấy, đức Thế Tôn ân cần lặp lại những lời như trên ba lần, rồi hiển bày cho đại chúng [đều được thấy rõ] sắc thân Như Lai màu vàng ròng chói sáng. Từ nơi giường thất bảo, Phật hiện thân bay lên hư không, cao khoảng ngang tầm một cây đa-la,[22] cất tiếng bảo khắp đại chúng lần thứ nhất rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Tiếp đó, đức Thế Tôn lần lượt hiện thân bay lên hư không cao khoảng hai cây đa-la, rồi ba cây đa-la... cho đến lượt thứ bảy thì cao đến khoảng bảy cây đa-la, mỗi lượt đều nhắc lại với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Rồi từ trên không trung, đức Phật hạ xuống ngồi trên giường sư tử, lại cất tiếng nhắc lại với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Sau đó, đức Thế Tôn lần thứ hai lại từ nơi giường sư tử hiện thân bay lên hư không, cao khoảng một cây đa-la, lại bảo với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Rồi Phật hiện thân bay lên hư không cao khoảng hai cây đa-la, rồi ba cây đa-la... cho đến cao đến khoảng bảy cây đa-la, mỗi lượt đều nhắc lại với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Bấy giờ, từ trên không trung, đức Phật lại hạ xuống ngồi trên giường sư tử, cất tiếng nhắc lại với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Sau đó, đức Thế Tôn lần thứ ba lại từ nơi giường sư tử hiện thân bay lên hư không, cao khoảng một cây đa-la, nhắc lại với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Rồi Phật lại hiện thân bay lên hư không cao khoảng hai cây đa-la, rồi ba cây đa-la... cho đến cao đến khoảng bảy cây đa-la, mỗi lượt đều nhắc lại với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Sau đó, từ trên không trung, đức Phật hạ xuống ngồi trên giường sư tử, cất tiếng nhắc lại với đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người hãy đem lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn đã hiển bày sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai cho tất cả đại chúng đều được chiêm ngưỡng. Ngài đã lặp lại ba lần hiện thân bay lên hư không, mỗi lần bảy lượt từ chiều cao một cây đa-la lên đến khoảng bảy cây đa-la; và cũng lặp lại ba lần từ trên không trung hạ xuống ngồi trên giường sư tử.
Như vậy cả thảy đã hai mươi bốn lần ngài đều ân cần nhắc nhở đại chúng rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn. Đại chúng các người nên đem hết lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng sắc thân Như Lai chói sáng màu vàng ròng có sắc tía, [là thân] không có sự sợ sệt, là thân kim cang bền chắc không hư hoại. Sắc thân Như Lai như hoa ưu-đàm, rất khó được gặp.
“Đại chúng nên biết rằng, ta sắp vào Niết-bàn, các người nên hết lòng chí thành chiêm ngưỡng sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai. Ví như kẻ nóng khát, khi gặp nước trong mát liền uống thỏa thuê, không còn muốn gì khác nữa. Đại chúng các người cũng vậy. Nay ta sắp vào Niết-bàn, các người nên đem hết lòng thành kính sâu xa nhất mà chiêm ngưỡng, vì đây là lần cuối cùng còn được nhìn thấy Như Lai. Từ sau lần này, các người sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy nữa. Đại chúng các người hãy chiêm ngưỡng cho thỏa mãn, đừng để về sau phải hối tiếc.”
Tiếp đó, Phật dạy khắp đại chúng rằng: “Sau khi ta nhập Niết-bàn, đại chúng các người phải rộng tu [các pháp môn], để sớm thoát ra khỏi [cảnh khổ] hiện hữu trong Ba cõi, không được trì trệ lười nhác, buông thả phóng túng để tâm tán loạn.”
Lúc ấy, tất cả [chúng sanh trong khắp các] thế giới, hàng trời, người và Bốn chúng đệ tử Phật, sau khi được hào quang Niết-bàn soi chiếu, được chiêm ngưỡng [sắc thân] Phật rồi thì tất cả Ba đường ác, Tám nạn khổ, cùng những phiền não trong thế gian cõi trời, cõi người; những tội lỗi nặng nề nhất như Bốn tội trọng, Năm tội nghịch, hết thảy đều được vĩnh viễn diệt sạch không sót lại gì cả. Tất cả đều được giải thoát.
Bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi đã hiển lộ sắc thân chói sáng màu vàng ròng có sắc tía cho tất cả đại chúng chiêm ngưỡng và ân cần nhắc nhở nhiều lần, liền kéo tấm y Tăng-già-lê che thân trở lại như thường.