ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 24: Tính Chất của Tam Vô Lậu Học
Tính chất của ba tu tập được trình bày trong Phạm Thiên Vấn Kinh như sau:[1]
Giới có sáu chi;
Định là bốn cảnh giới hỷ lạc;
Bốn khía cạnh của Tứ Diệu Đế
Luôn luôn là diệu trí huệ siêu phàm thanh khiết. [269]
Về điểm này, tu giới có sáu chi:
1-2) Cả (1) nhận giới và (2) trì giữ giới giải thoát cá nhân minh chứng cho giới luật thanh tịnh vốn chắc chắn sẽ đưa tới giải thoát.
3-4) Cả (3) các nghi lễ và (4) sự duy trì các loạt hỗ trợ cho thấy giới luật thanh tịnh, không gì nghi ngờ được.
5) Sợ hãi ngay cả với hành động sai trái nhỏ nhặt nhất cho thấy giới luật thanh tịnh không cấu nhiễm.
6) Thọ nhận và hành trì chính xác những tu tập cơ bản cho thấy giới luật thanh tịnh, không khuyết điểm.
“Bốn cảnh giới” của tâm chỉ bốn bậc ổn định thiền {bốn bậc định từ thiền trong sắc giới}. Đây có nghĩa là rèn luyện tâm, tâm này “hỷ lạc” bởi vì tâm an trú trong hỷ lạc trong kiếp sống này. Bốn đặc tính [do Phạm Thiên Vấn Kinh ghi “Bốn khía cạnh của bốn thứ”] là Tứ [Diệu] Đế. Bốn khía cạnh của Tứ Đế này là bốn khía cạnh của mỗi đế trong Tứ Đế:
(1) Với Khổ Đế: vô thường, khổ, Không và vô ngã;
(2) Với Tập Đế: nguyên nhân, nguồn gốc, khởi sinh và duyên;
(3) Với Diệt Đế: diệt, bình lặng, thắng diệu và tự tại;
(4) Với Đạo Đế: đạo, chính xác, thành tựu và giải thoát.
Mười sáu khía cạnh – sự am hiểu mười sáu khía cạnh này – tạo thành quá trình tu huệ.
Nếu ở đây tôi giải thích về con đường đạo của người có khả năng trung bình mà thôi, tôi sẽ phải đưa ra giải thích dài dòng về ba tu tập. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp như vậy, tôi sẽ giải thích tu tập về trí huệ (thấu suốt) và điều phục tâm (định từ thiền) trong mục nói về người có khả năng lớn và không bàn chi tiết vào lúc này. Như thế, ở đây tôi sẽ bàn lược yếu về tu giới.
Khởi đầu hãy thường xuyên quán chiếu về những lợi ích của giới và, , phát triển lòng nhiệt thành đối với giới từ sâu trong tâm khảm. Như Kinh Đại Bát-niết-bàn nói:[2]
Giới là mức thang dẫn tới mọi đức hạnh. Nó là nền tảng của mọi đức hạnh, giống như đất là nền móng của cây cỏ và những thứ tương tự. Giống như thương chủ là người đứng đầu trong các thương gia, cũng vậy giới đứng đầu trong mọi đức hạnh. [270] Giống như ngọn cờ dương cao của Đế Thích, giới là ngọn cờ của mọi giáo pháp. Nó chặt đứt mọi tội lỗi và xóa bỏ những con đường dẫn tới các cảnh giới khổ đau. Bởi vì nó chữa lành mọi căn bệnh của tội lỗi, nó giống như một cây thuốc. Giới là tư lương trên con đường luân hồi kinh hoàng. Nó là vũ khí tiêu diệt kẻ thù phiền não. Nó là thần chú tiêu diệt những con rắn độc phiền não. Nó là cầu nối để vượt qua sông nước tội lỗi.
Đấng hộ trì Long Thọ cũng nói:[3]
Giới – như nền tảng nâng đỡ giới hữu tình và vô tình –
Được coi là nền tảng của mọi phẩm hạnh cao quý.
Đồng Tử Vấn Mật Điển nói:[4]
Giống như mọi vụ mùa thu hoạch lớn lên không sai chạy
Do nương nhờ vào đất,
Cũng như vậy các phẩm hạnh cao quý nhất đều tùy thuộc vào giới,
Và tăng trưởng vì được thấm nhuần nước từ tâm.
Quý vị nên quán chiếu về những lợi ích của việc trì giới theo những đoạn kinh văn được trích dẫn ở trên.
Quý vị sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu quý vị thọ một giới rồi sau đó không giữ được giới này. Tỳ Kheo Trân Ái Kinh (Bhikúu-prareju-sûtra) nói rằng, một khi quý vị đã bước vào tu tập, việc tu tập đó sẽ tiến hành trong chiều hướng có lợi hoặc bất lợi:[5]
Giới của một số người dẫn tới hỷ lạc;
Giới của người khác lại dẫn tới khổ đau.
Ai trì giới thì được hạnh phúc,
Ai phá giới thì bị khổ đau.
Do đó quý vị cũng nên nghĩ về những bất lợi của việc không giữ giới và từ đó phát khởi lòng tôn trọng sâu xa đối với việc tu tập.
Có bốn nguyên do vi phạm giới: không biết giới, bất cẩn, bất kính, và các thứ phiền não. Để đối trị việc không biết giới, hãy lắng nghe và tìm hiểu giới. Để đối trị với bất cẩn, hãy tu tập những thái độ như giữ gìn chánh niệm không quên những mục tiêu nào cần thực hiện và những mục tiêu nào cần bỏ đi; cảnh tỉnh, thái độ này tức thời xem xét ba cửa thân, khẩu, ý và hiểu điều đúng hoặc sai mà quý vị đang can dự vào; xấu hổ {quí}, thái độ này tránh những sai sót phạm phải đối với bản thân hoặc giáo pháp; biết ngượng {tàm}, thái độ tránh việc làm sai trái và nghĩ rằng: “Người khác sẽ chỉ trích ta”; [271] và lo sợ, thái độ này sợ hãi sự kết trái nghiệp quả trong tương lai của các việc làm sai trái. Để đối trị với bất kính, hãy kính trọng Thầy, các qui tắc của Thầy, và các bạn đồng tu. Để đối trị với các thứ phiền não, hãy xét tâm mình và nỗ lực áp dụng những phương cách để đối trị bất cứ phiền não nào nổi trội.
Những ai không nỗ lực trong chiều hướng này mà chỉ lỏng lẻo tuân theo giới luật nghĩ rằng dù họ đã vi phạm, nhưng “đó chỉ là một sai sót nhỏ”, thì sẽ chuốc lấy khổ đau mà thôi. Bởi vì, như Giới Luật Phân Biệt Luận nói:[6]
Những người coi nhẹ và vi phạm nhẹ
Giáo pháp của đấng Đạo Sư từ mẫn
Do đó bị khổ đau khống chế –
Tựa như người cắt bụi tre nhỏ mà làm hư hại cả vườn xoài.
Ở đây, người vi phạm các tuyên phán của nhà vua
Sẽ không bị trừng phạt vì vài vi phạm như vậy.
Nhưng nếu họ vi phạm không chính đáng mệnh lệnh của đấng Mâu-ni,
Họ sẽ thành súc sinh, như rồng Elapatra vậy.[7]
Cho nên, hãy cố gắng đừng để bị ô uế bởi các lỗi lầm và vi phạm. Tuy nhiên, nếu quý vị bị những thứ này làm ô uế, đừng coi thường những tội lỗi và những vi phạm như thế, mà hãy cố gắng chỉnh sửa theo lời dạy của Đức Phật. Như Phạm Thiên Vấn Kinh nói:[8]
Hãy tựa nương vào bao tu tập;
Từ tâm khảm, tha thiết thực hành.
Hãy đừng từ bỏ về sau
Hay phá giới dù nhằm giữ mạng
Luôn cần mẫn trì giữ các tu tập này
Và hành vi chiếu theo giới luật.
Hơn nữa, như Đức Phật đã huấn lệnh trong Giới Luật Kết Hiệp Kinh (Sila-saṃyuktâ-sûtra) sử dụng các lý lẽ, quý vị nên giữ giới luật, ngay cả khi có thể bị mất mạng[9]
Này các tì kheo, mất mạng và chết là điều rất tốt lành, nhưng làm hư hoại và đánh mất giới luật của mình không phải là điều tốt lành. Tại sao? Mất mạng và chết chỉ làm hết thọ mạng của kiếp tái sinh này, nhưng nếu các ông làm hư hoại và đánh mất giới luật, các ông sẽ gánh nhận một sa đọa lớn – bị lìa xa dòng tu tập của mình và mất hạnh phúc trong hơn mười triệu đời. [272]
Quý vị nên nghĩ: “Nếu đây không phải là điều cần thiết để giữ giới luật bằng mọi giá, thì việc cạo đầu và mặc áo cà-sa của tôi không có ý nghĩa gì cả”. Bởi vì, như Định Vương Kinh nói:[10]
Sau khi đã xuất gia, nương theo Phật pháp,
Ngươi vướng phải các hành vi tội lỗi,
Và, lại tham luyến ngựa, bò, xe cộ
Nghĩ rằng của cải và thóc lúa là những gì phải có.
Sao ngươi, kẻ không nỗ lực tu tập điều chi
Lại bỏ công cạo đầu như vậy?
Quý vị, người tìm cách thoát khỏi luân hồi – cõi duyên hợp – và để đạt tới thành phố của giải thoát, {thì quý vị} sẽ không thành công nếu bước chân giới luật của quý vị không vững vàng. Không những thế, quý vị sẽ quay trở về luân hồi và sẽ bị khổ đau hủy diệt. Đức Phật nói về điều này và đưa ra một thí dụ trong Định Vương Kinh:[11]
Khi có người bị bọn cướp tấn công,
Vì muốn sống nên anh ta cố trốn.
Nhưng lúc bắt đầu, chân không chạy nổi,
Anh ta đành bị bắt bị bao vây.
Cũng vậy, kẻ hồ đồ không giữ giới,
Dẫu muốn thoát khỏi nơi duyên hợp này,
Không trốn được vì giới kia bị gãy
Và rồi đây bệnh, lão, tử hủy hoại.
Cho nên, như kinh này nói:[12]
Ta đặt ra những tu tập
Cho người tại gia mặc áo thế tục.
Vào lúc đó những thầy tu này
Cũng chưa có các tu tập đó.
Đức Phật nói vào những lúc như vậy khi ngay cả thầy tu không giữ được toàn vẹn năm tu tập nền tảng mà Đức Phật dạy cho người thực hành tại gia, thì nỗ lực trong việc tu tập còn có thành quả lớn hơn nữa. Do đó, quý vị nên cố gắng giữ gìn tu tập. Cũng kinh này nói:[13]
Trong mười triệu kiếp lượng – nhiều như số cát sông Hằng – [273]
Với tâm thanh tịnh ta phụng sự
Món ăn và thức uống, lọng che,
Tràng phan, và những pháp đăng cúng dường mười ngàn triệu triệu Phật.
Công đức của hành giả còn cao hơn thế
Ngày lẫn đêm chỉ chuyên cần một tu tập
Ở thời kỳ giáo pháp siêu phàm đến chỗ suy vong
Và vào lúc lời dạy của Thế Tôn không giữ được.
Hơn nữa, quý vị có thể nghĩ rằng ngay cả khi mình mắc phải một vi phạm, thì sau đó quý vị có thể thú tội. Tuy nhiên, trong trường hợp này quý vị thiếu thái độ tự kiềm chế mình tránh tái phạm hành động đó. Cho nên mắc phải vi phạm này cũng giống như ăn món độc và tự bảo rằng sau đó mình luôn luôn có thể uống thuốc giải độc. Bởi vì, như Di-lặc Sư tử Hống Kinh nói:[14]
Này Di-lặc, trong tương lai, vào thời kỳ năm trăm năm sau cùng của giáo pháp, một số Bồ-tát xuất gia và tại gia sẽ cho rằng các nghiệp tội lỗi được hoàn toàn diệt trừ qua việc thú tội. Họ sẽ công khai sự vi phạm, nói rằng: “Sau khi chúng ta đã vướng vào tội lỗi, chúng ta sẽ thú tội”. Nhưng họ sẽ không tự kiềm chế mình để tránh tái phạm chuyện đó. Ta nói với ông rằng họ mắc phải nghiệp chí tử.
Khi ta nói chí tử thì điều này có ý nghĩa gì? Thí dụ, điều này giống như người nuốt chất độc. Họ tạo ra giờ chết của mình, và rồi kết thúc bằng cách lầm lạc rơi vào cảnh giới khổ não.
Và lại nữa:
Này Di-lặc, cái mà ta gọi là thuốc độc trong giáo pháp vi diệu về giới luật là vi phạm các tu tập nền tảng như ta đã qui định. Cho nên đừng ăn chất độc như thế.
Nếu việc giữ giới như vậy được áp dụng cho những ai đã thọ biệt giải thoát giới, thì việc giữ giới cũng tương tự cho người thực hành Chân ngôn thừa. Bởi vì, Đồng Tử Vấn Mật Điển ghi rằng ngay cả những hành giả tại gia của Chân ngôn thừa phải hành xử theo các kinh văn nói về giới luật, ngoại trừ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu [y tràng] của tu sĩ, các hoạt động nghi lễ, và một số yếu tố chỉ có tính cách thể thức mà thôi:[15]
Trong toàn thể giới luật mà ta, đấng Điều Ngự, đã dạy –
Giới luật thanh tịnh về giải thoát cá nhân –
Thì hành giả tại gia của Chân ngôn thừa nên bỏ qua
Các biểu hiện và nghi thức, và phải nên thực hành phần còn lại. [274]
Nếu như vậy thì tất nhiên là hành giả tu sĩ của Chân ngôn thừa phải hành xử theo các kinh văn về giới luật. Giới luật cũng là gốc rễ của việc thực hành Chân ngôn thừa. Đồng Tử Vấn Mật Điển nói:[16]
Gốc rễ của Chân ngôn thừa trước tiên là giới luật.
Từ đó mới đến tinh tấn, nhẫn nhục,
Niềm tin nơi đấng Điều Ngự, tâm Bồ-đề,
Chân ngôn thừa, và không có giải đãi.
Giống như bậc chúa tể có bảy thứ báu[17]
Điều phục tất cả chúng sinh mà không vỡ mộng,
Cho nên người thực hành chân ngôn kiềm chế tội lỗi
Khi sở hữu bảy thứ báu này.
Và Văn-thù-sư-lợi Căn Bản Mật Điển (Mañjuúri-mûla-tantra) nói:[18]
Nếu những ai trì tụng chân ngôn mà lại phạm giới của mình,
Sẽ đánh mất những thành tựu cao nhất,
Mất cả những thành tựu trung bình,
Và luôn cả những thành tựu nhỏ nhất.
Bậc Thầy của chư Hiền Thánh không nói rằng
Trì giới sai sót thành tựu nổi con đường Mật thừa.
Phạm giới không phải là hoàn cảnh mà cũng không phải là mục tiêu
Cho những người đi tới Niết-bàn.
Đối với những đám trẻ khốn khổ này,
Đâu là sự thành tựu của con đường Mật thừa?
Với những chúng sinh có giới luật lầm lỗi,
Đâu là các cõi hạnh phúc?
Bởi vì họ sẽ không đạt được trạng thái cao
Cũng không đạt được hỷ lạc tối hảo,
Cần gì nói tới việc đạt đến
Tri kiến của Chân ngôn thừa như đấng Điều Ngự dạy?
Kam-lung-ba nói:
Khi nạn đói xảy ra, mọi thứ đều tùy thuộc vào lúa mạch. Cũng như vậy, trong việc thực hành giáo pháp mọi thứ đều xoay quanh giới luật. Cho nên hãy tự chuyên cần áp dụng như vậy! Những ai chưa nghĩ về nghiệp và nghiệp quả sẽ không đạt được giới luật thanh tịnh. Cho nên suy nghĩ về điều này là việc làm bắt buộc cho từng người.
Và Sha-ra-wa nói:
Nói chung, bất cứ điều gì xấu hay tốt xảy ra cho các ngươi đều tùy thuộc vào đạo giáo. Hơn nữa, trong tôn giáo, nếu nương tựa vào kinh văn về giới luật, các ngươi sẽ không phải làm đi làm lại điều này điều nọ; các ngươi sẽ trong sạch, nhất quán, chắc chắn, và kiên định một cách đầy tự tin. [275]
Geshe Drom-dön-ba nói:
Một nhóm chủ trương rằng khi nương tựa vào giới, các ngươi bỏ việc thực hành chân ngôn và khi nương tựa vào Chân ngôn thừa, các ngươi bỏ các qui tắc của giới luật. Giáo pháp dạy rằng giới là bạn đồng hành của Chân ngôn thừa và Chân ngôn thừa là bạn đồng hành của giới chỉ có trong dòng truyền thừa của bổn sư Atiśa của ta mà thôi.
Trưởng Lão cũng nói rằng:
Khi những việc có tầm ý nghĩa quan trọng hoặc những biến cố bất ngờ xảy ra cho những người Ấn Độ chúng tôi, các vị gìn giữ kinh tạng sẽ họp lại xác định xem có phải những điều này đã bị Tam tạng kinh điển cấm đoán hoặc mâu thuẫn với Tam tạng kinh điển không. Chúng tôi dựa vào việc này để đưa ra quyết định. Thêm vào đó, những ai trong chúng tôi thuộc Vikra-mâlâshila {tạm dịch: Hạnh Trì Trang Nghiêm Giới} quan tâm rằng không có những cấm đoán trong các hành vi của Bồ-tát và cũng không có mâu thuẫn gì với các hành động này. Tuy nhiên, những vị gìn giữ luật tạng đưa ra quyết định sau cùng.
Hơn nữa, về việc giữ gìn giới luật thanh tịnh như vậy, Neu-sur-ba nói:
Ngay bây giờ, chỉ có cuộc chiến đấu bên trong với phiền não là quan trọng. Nếu các ngươi không đấu tranh với phiền não, các ngươi sẽ không đạt được giới luật thanh tịnh, trong trường hợp này, các ngươi sẽ không đạt được định và tuệ mà vốn một cách tương ứng {hai công hạnh này} sẽ lần lượt đè nén và nhổ sạch phiền não. Do đó, như Đức Phật nói, các ngươi sẽ phải lang thang không ngừng nghỉ trong luân hồi. Cho nên, như trước đây ta đã giải thích, một khi các ngươi đã nhận diện được phiền não, hãy quán chiếu về những sai sót của phiền não và về những lợi ích khi xa lìa chúng, và cấy vào những tay gián điệp chính niệm và tỉnh giác, các ngươi phải liên tục đẩy lui bất cứ phiền não nào muốn cất đầu lên.
Hơn nữa, các ngươi phải xem bất kỳ phiền não nào như là kẻ thù và tấn công nó ngay khi nó khởi lên trong tâm. Bằng không, nếu các ngươi cứ để mặc khi nó vừa mới xuất hiện, và rồi nuôi dưỡng nó với những ý nghĩ không chính đáng, các ngươi sẽ không có cách nào đánh bại được nó, và cuối cùng nó sẽ chế ngự các ngươi.
Ngay cả khi quý vị không ngăn chận được phiền não qua những nỗ lực như vậy, quý vị cũng không được để cho chúng nấn ná, mà phải tức thời xua đuổi chúng như thể chúng là những bức họa trên nước. Đừng để chúng giống như những bức họa trên đá. Nhưng về các vấn đề tín ngưỡng, quý vị nên làm ngược lại, như ngài Long Thọ nói trong Bằng Hữu Thư:[19] [276]
Tâm có thể tựa như là bức họa
Vẽ trên nước, trên đất, hay trên đá.
Khi phiền não khởi, tốt nhất vẽ bức họa đầu,
Với khát khao tôn giáo, bức họa sau cùng là tốt nhất.
Điều này cũng được nói tới trong Nhập Bồ-đề Hành Luận:[20]
Chúng ta cần bị những phiền não này ám ảnh.
Vì bực tức chúng, chúng ta mới chiến đấu
Trong khi chỉ giữ một ngoại lệ duy nhất với những phiền não nào
Vốn là tác nhân tiêu diệt các phiền não khác
Thà rằng bị đốt cháy hoặc bị giết chết
Hoặc bị chặt đầu còn tốt hơn
Là cúi đầu
Trước kẻ thù phiền não.
Geshe Pu-chung-wa cũng nói: “Ngay cả khi ta bị chôn vùi dưới những phiền não, ta vẫn có thể nghiến răng ở bên dưới”. Khi nghe lời này của Pu-chung-wa, ngài Bo-da-wa nói: “Nếu ngươi làm điều này, ngươi sẽ tức thì ngăn chận được phiền não”.
Khi quý vị đánh tan kẻ thù bình thường, chúng có thể chiếm một quốc gia khác, nắm quyền hành, và rồi quay trở lại thách thức quý vị. Phiền não không giống như vậy. Một khi quý vị đã hoàn toàn xua đuổi chúng khỏi tâm trí, không còn xứ sở nào khác mà chúng có thể rút lui về; chúng cũng không thể quay trở lại. Tuy nhiên, chúng ta không vượt thắng được phiền não vì chúng ta thiếu tinh tấn. Nhập Bồ-đề Hành Luận nói:[21]
Kẻ thù bình thường, bị xua tan khỏi một đất nước,
Đến xứ sở khác và chiếm đất nước kia;
Khôi phục lực lượng, chúng sẽ quay trở lại.
Phiền não là một loại kẻ thù khác.
Mắt tuệ diệt trừ các phiền não.
Một khi chúng bị quét sạch khỏi tâm, chúng có thể đi đâu?
Từ đâu chúng có thể nhóm họp lại và phản công?
Với tâm yếu hèn, tôi không có một chút tinh tấn nào cả.
Nyuk-rum-ba (bsNyug-rum-pa) nói:
Khi một phiền não xuất hiện, đừng lười biếng, mà hãy ngay lập tức phản công lại bằng biện pháp đối trị nó. Nếu ngươi không thắng được phiền não ấy, hãy ngưng suy nghĩ về nó, lập một maṇḍala và các thứ cúng dường khác, dâng những thứ này lên thầy bổn sư và chư thiên đã chọn, và cầu khẩn chư vị để vượt thắng được. Tập trung vào phiền não này và trì tụng chân ngôn của chư thiên phẫn nộ. Làm những điều này sẽ khiến cho phiền não biến mất. [277]
Lang-ri-tang-pa (Glang-ri-thang-pa) nói:
Thậm chí đổi chỗ ngồi hoặc chỉ quay đầu đi sẽ khiến cho phiền não của các ngươi biến mất.
Người ta nói Lang-ri-tang-pa đã phải chiến đấu với các phiền não của ông.
Các phiền não biến mất như Lang-ri-tang-pa mô tả khi quý vị làm như Gön-ba-wa nói: “Có cần chi phải làm, ngoại trừ việc ngày đêm canh chừng tâm trí mình?” Hơn nữa, bất kể trong ngày Đại Trưởng Lão đã gặp một người nào đó bao nhiêu lần, ngài cũng vẫn luôn luôn hỏi: “Hiện giờ, tâm ông có được tốt lành không?”
Cách diệt trừ phiền não như sau, khởi đầu với sáu phiền não căn bản[22]. Trong số những phiền não lớn, si {vô minh} là ngoan cường nhất, và là cơ sở cho các phiền não khác. Do đó, như một biện pháp đối trị với phiền não, quý vị nên thiền quán thật nhiều về duyên khởi và có được sự hiểu biết về sự tiến triển và chấm dứt của luân hồi. Nếu quý vị đã thường vun trồng thiền quán này, sẽ không có sự phát khởi của những tà kiến như năm tri kiến phiền não.
Thù hận là kẻ thù mang lại khổ đau trong cả đời này và các đời tương lai, và sẽ tiêu diệt các thiện căn đã tích lũy được. Như Nhập Bồ-đề Hành Luận nói: “Không có tội nào bằng thù hận”.[23] Cho nên không bao giờ để thù hận có một cơ hội nào cả, và sử dụng mọi nỗ lực để có được sự nhẫn nại. Nếu thù hận không khởi lên, quý vị sẽ rát hạnh phúc, ngay cả trong đời này. Nhập Bồ-đề Hành Luận:[24]
Những ai kiên trì vượt thắng được giận dữ,
Sẽ có hạnh phúc trong đời này và các đời khác
Tham luyến – tức là khát khao – củng cố thêm các điều thiện và bất thiện đã tích lũy từ trước và làm gia tăng sức mạnh của chúng để tạo thành luân hồi. Với những chúng sinh trong cõi dục, khao khát khởi lên từ các cảm giác có nguyên nhân bởi quá trình tương tác của tâm, quá trình này liên kết với các đối tượng giác quan. Do đó, quý vị nên thiền quán thật nhiều về những thứ làm cho khó chịu bên trong hoặc bên ngoài và về những sai sót của việc tham luyến những đối tượng mình ưa muốn, và từ đó vượt qua được lòng khao khát và tham luyến của mình. Đại sư Thế-Thân vĩ đại nói:
Năm chúng sinh – nai, voi, bướm,
Cá và ong – bị khuất phục bởi năm đối tượng ưa thích. [278]
Nếu chỉ một đối tượng ưa thích có thể áp đảo mỗi chúng sinh này, thì tại sao
Tất cả năm thứ đó lại không tiêu diệt được kẻ {có tâm} thường xuyên nương nơi chúng?
Hơn nữa, bốn thứ khao khát: đắc, dự, xưng, lạc và sự chán ghét bốn thứ đối nghịch[25] xảy ra nhanh và khó loại trừ. Nỗ lực đối trị những thứ này, chấm dứt tám mối quan tâm thế tục bằng cách thiền quán về những khiếm khuyết của luân hồi nói chung và đặc biệt là bằng cách tu tập chánh niệm về cái chết.
Loại trừ tánh cao ngạo bởi vì nó là chướng ngại chánh cho việc phát triển đường đạo trong đời này và khiến cho phải sinh làm đầy tớ và v.v... trong các kiếp tái sinh sau này. Phương cách thực hiện điều này được mô tả trong Bằng Hữu Thư:[26]
Nếu ngươi quán chiếu đi quán chiếu lại: “Vì tôi chưa vượt qua được
Bệnh, già, chết, và mất mát đi những điều vui thú,
Nên nghiệp và nghiệp quả là những thứ do tôi tạo ra”.
Ngươi sẽ vượt thắng được lòng kiêu mạn vì ngươi sẽ áp dụng biện pháp đối trị.
Một khi quý vị đã vững tin nơi các chân lý, Tam Bảo, nghiệp và nghiệp quả, thì phiền não nghi ngờ sẽ không khởi lên. Các phiền não thứ yếu – những thứ gọi là ngủ, thờ ơ, khích động, lười biếng, bất cẩn, không xấu hổ, không biết thẹn, hay quên, và thiếu cảnh giác – xảy ra nhanh và ngăn trở việc tu tập các thiện pháp. Quý vị nên hiểu các lỗi lầm của chúng và huân tập việc làm suy giảm sức mạnh của chúng bằng cách tức thời áp dụng các biện pháp đối trị. Về những lỗi lầm của chúng, Bằng Hữu Thư nói:[27]
Kích động và hối tiếc, ác ý, thờ ơ và ngủ
Khát khao những thứ ưa thích, nghi ngờ –
Hãy hiểu rằng năm thứ ngăn che này[28]
Là kẻ cướp mất sự giàu có về phước đức.
Cũng vậy, Thâm Tâm Cảnh Tỉnh Kinh thảo luận kỹ về những lỗi lầm này:[29]
Chất nhờn, gió và mật
Có nhiều trong cơ thể
Ai ham ngủ và thờ ơ;
Các thành phần của họ bị rối loạn. [279]
Những ai hôn trầm và tham ngủ
Bao tử của họ không sạch sẽ vì thực phẩm xấu,
Thân thể của họ nặng nề và màu da không lành mạnh,
Ngay cả lời nói của họ cũng chẳng rõ ràng.
Và:[30]
Những ai ham ngủ và hôn trầm
Bị lẫn lộn và ước nguyện về tôn giáo của họ bị phai mờ.
Những con trẻ này mất tất cả phẩm hạnh tốt lành,
Đức hạnh suy thoái, và họ rơi vào chỗ tối tăm.
Diệu Pháp Chánh Niệm Hiện Tại nói: [31]
Một nền tảng của tất cả các phiền não
Là lười biếng. Những ai có tánh đó,
Những ai chỉ chút nhác việc thôi,
Sẽ không thực hành được gì cả.
Vô Vấn Tự Thuyết Phẩm nói:[32]
Những ai có tính bất cẩn
Là những người trẻ con làm hư hỏng tâm mình.
Như chủ thương nhân giữ gìn của cải,
Cũng vậy thiện tri thức nên thận trọng.
Bổn Sanh Kinh nói:[33]
Hỡi Hoàng tử của chư thiên, thay vì bỏ đi xấu hổ của mình
Và hành xử trong tâm sai với giáo pháp,
Ngươi sẽ tốt lành hơn khi mang một bình đất, khoác y phục nghèo nàn,
Và bước tới nhà kẻ thù.
Bằng Hữu Thư nói:[34]
Đại Vương, toàn tâm tới những gì trong thân, khẩu và ý
Được dạy là một con đường mà các Đức Như Lai đi qua.
Hãy áp dụng điều này và giữ cho tốt;
Mọi đức hạnh sẽ tiêu tan khi chánh niệm bị hoại suy.
Nhập Bồ-đề Hành Luận nói:[35]
Ngay cả những người tín tâm, bậc thiện tri,
Và những người vui trong tinh tấn
Sẽ bị các vi phạm làm ô nhiễm
Qua lỗi lầm của thiếu cảnh giác.
Như thế cho dù quý vị chưa thể ngăn chận phiền não hoặc phiền não thứ cấp[36], thì ngay bây giờ điều không thể thiếu được là xem chúng như kẻ thù, không được để chúng mạnh lên hoặc theo phe với chúng. Do đó, hãy về phe với những biện pháp đối trị và nỗ lực vượt thắng phiền não. Một khi quý vị đã thành tựu điều này, hãy giữ thanh tịnh hoàn toàn bất cứ giới luật nào mà quý vị đã thọ nhận. Như ngài Gön-ba-wa vinh quang, đệ tử của Đại Trưởng Lão, nói với ngài Neu-sur-ba [280]:
Này Ye-shay-bar (Ye-[shes]-‘bar), nếu, ngày mai hoặc ngày mốt, có ai hỏi tất cả đệ tử của ông: “Điều gì mà các ngươi đang thực hành được xem là cốt lõi trong các lời biệt huấn cá nhân {giáo huấn cá nhân} của mình?” Họ sẽ trả lời đó là việc đạt tới trí siêu việt hoặc việc soi quán thấy vị bổn tôn lựa chọn của họ. Tuy nhiên, họ nên trả lời: “Chính là việc soi thấy ngày càng rõ ràng về các nguyên nhân và hậu quả về nghiệp và, hậu quả là, việc giữ gìn trong sạch bất cứ giới nguyện nào mà chúng tôi đã thọ nhận”.
Cho nên quý vị nên hiểu điều này cho thấy là cụm từ “những thành tựu là kết quả do thiền” để chỉ việc thành tựu về sự tiêu giảm của các phiền não chẳng hạn như vô minh.
Khi người ta đánh nhau với kẻ khác – một việc làm chỉ mang lại tội lỗi và đau khổ cả trong đời này lẫn các đời khác – họ chịu mọi dạng khổ đau chừng nào việc đánh nhau còn, ngay cả việc phải bị mất mạng. Rồi họ khoe những vết sẹo từ các vết thương, v.v… và khoác lác: “Tôi bị vết sẹo này vào lúc đó”. Điều này có nghĩa là, thật càng thích đáng hơn cho chúng ta chịu đựng các nỗi khổ nhọc đã trải qua trong khi tinh tấn với việc tiêu trừ các phiền não. Nhập Bồ-đề Hành Luận:[37]
Bởi vì ngay cả một vết sẹo do kẻ thù vô cớ gây nên
Được mang như thể huy chương của thân mình,
Tại sao đau khổ lại làm phiền ta,
Trong khi ta thật sự nỗ lực để đạt một mục đích lớn lao?
Như thế người nào chiến đấu chống lại kẻ thù phiền não và đánh bại được chúng mới nên được gọi là anh hùng thật sự, trong khi người chiến đấu với kẻ thù bình thường chỉ giết một xác chết, bởi vì những kẻ thù này dẫu sao thì cũng sẽ chết một cách tự nhiên ngay cả khi họ không bị ai giết chăng nữa. Nhập Bồ-đề Hành Luận:[38]
Họ là những anh hùng chinh phục
Khinh thường mọi khổ đau
Và đánh bại những quân thù như hận thù;
Những người còn lại chỉ là kẻ giết những xác chết.
Do đó, cũng luận trên nói:[39]
Khi sống giữa đám giặc phiền não,
Ta phải chận chúng lại bằng cả một nghìn cách;
Cũng giống như chồn cáo và những loài tương tự không thể hại được sư tử,
Cho nên đám phiền não kia sẽ không làm tổn thương ta.
Như thế, đừng để các yếu tố không tương hợp với đường đạo làm hại quý vị, và quý vị hãy chinh phục tất cả các yếu tố không tương hợp này.
Tới đây là chấm dứt phần giải thích về giai trình đạo pháp dành cho những người có khả năng trung bình.
[1]BA566 Yogâ-caryâ-bhûmi (Sa’i dngos gzhi), P5536: 309.3.2-3.
[2]BA567 Mahâ-parinirvana-sûtra, 787: 71.5.2-6.
[3]BA568 Suhṛl-lekha: 7cd; P5682:235.3.7.
[4]BA569 Subâhu-priprccha-tantra, P428:34.3.4-5.
[5]BA570 Bhikúu-prareju-sûtra-nâma là tựa đề nguyên thủy của dGe slong la rab tu gees pa’i mdo shes bya ba, P968:55.1.1. Trong danh mục, từ ngữ plareju (sic) đã được đổi thành prareju và rồi priya.
[6]BA571 Vinaya-vibhaṅga (Lung mam ‘byed), P1032:149.5.3.
[7]BA572 Con rồng {skt. nâgâ nói chung là rồng hay rắn} này có một cây nhỏ từ đầu mọc ra làm nó rất đau đớn mỗi khi có gió thổi. Đây là nghiệp quả của một tiền thân làm nhà sư đã coi thường các giới nhỏ.
[8]BA573 Được trích dẫn trong Yogâ-caryâ-bhûmi (Sa’i dngos gzhi), P5536: 309.4.6-7.
[9]BA574 Sila-samyukla-sûtra, {Bản Anh ngữ dịch là: Kinh về việc có giới luật nghiêm tịnh} P969: 55.2.3-6.
[10]BA575 SR: 16.15b-16; P795: 284.1.6-7.
[11]BA576 Nt.: 9.38-39; P795: 284.1.6-7.
[12]BA577 Nt.: 24.28; P795: 308.3.6-7.
[13]BA578 Nt.: 35.3-4; P795:15.2.8-15.3.1.
[14]BA579 Ârya-maitreya-mahâ-siṃha-nâda-nâma-mahâyâna-sûtra, {Từ Thị Đại Sư Tử Hống Đại Thừa Kinh} P760: 34.1.2-3,34.1.7-8.
[15]BA580 Subâhu-paripṛcchâ-tantra, P428:34.3.5-6.
[16]BA581 Nt., P428: 41.5.8-42.1.1.
[17]Đoạn kinh trên ám chỉ vị Chuyển Luân Vương (skt. Cakkavatti) có bảy thứ quý là: xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là binh tướng báu. Phẩm 26. Kinh Chuyển Luân Vương Sư Tử Hống. Trường Bộ Kinh. BuddhaSasana. Truy cập: 13/08/2011.
<http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-truongbo/truong26.htm>.
[18]BA582 Ârya-manjuúri-mûla-tantra. {Văn-thù-sư-lợi Căn Bản Mật Điển} Phần dịch ở đây theo bản dịch Tạng ngữ được Tsongkhapa sử dụng, nhưng đem so với Vaidya 1964: 85-88, thì Vaidya gợi ý vidisa không nên được hiểu là “hướng” mà nên hiểu là một động từ với nghĩa “chỉ cho thấy”.
[19]BA583 Suhṛl-lekha: 17; P5682:235.4.8.
[20]BA584 BCA: 4.43-44; P5272: 248.3.3-4.
[21]BA585 Nt.: 4.45-46; P5272: 248.3.4-6.
[22]Sáu phiền não căn bản (skt mûlakleúa) gồm (1) tham chấp (skt. râga), (2) sân hận (skt. pratigha), (3) si hay hiểu sai lạc (skt. avidyâ), (4) mạn hay kiêu ngạo (skt. mâna), (5) nghi ngờ (skt. vicikitsâ), và (6) tà kiến hay ác kiến (skt. dṛṣṭi).
Five Wrong Views. Rigpa Shedra. Truy cập: 15/08/2011.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Five_types_of_belief>.
[23]BA586 Nt.: 6.2a; P5272: 250.4.1.
[24]BA587 Nt.: 6.6b; P5272: 250.4.5.
[25]BA587 Nt.: 6.6b; P5272: 250.4.5.
{Thuật ngữ thường dùng là bát phong tức là tám ngọn gió bao gồm các sự kiện xảy ra trong cuộc sống mà người tu tập phải xem nhẹ không dính mắc vào. Đó là bốn điều thuận lợi và bốn điều bất lợi được xếp thành các cặp đối ngẫu bao gồm: (1) đắc: được lợi ích cho bản thân – (2) suy: gặp suy hao, mất mát, tổn hại; (3) dự: được danh dự hay địa vị – (4) hủy: bị làm nhục, khinh rẻ; (5) xưng: được xưng tụng, khen ngợi – (6) cơ: bị chỉ trích, chê bai; (7) lạc: được điều vui vẻ, vừa ý – (8) khổ: gặp điều bất hạnh, trái ý.}
[26]BA588 Suhṛl-lekha: 46; P5682: 236.3.3.
[27]BA589 Nt.: 44; P5682: 236.3.1-2.
[28]Năm trở ngại này còn được gọi là ngũ triền cái (pañca nîvaraṇâni). Còn được gọi là (1) tham dục hay bám chấp (kâmacchanda), (2) sân hận (vyâpâda), (3) hôn trầm hay thờ ơ (thîna-middha), (4) trạo cử hay kích động (uddhacca-kukkucca), và (5) hoài nghi (vicikicchâ).
[29]BA590 Âryadhyâúaya-saṃcodana-sûtra, P760: 60.4.5-6.
[30]BA591 Nt.: P760: 5.5-6, được trích dẫn trong Vaidya 1960b: 64.
[31]BA592 Saḍ-dharmânusmṛty-upasthâna, P953: 138.1.7.
[32]BA593 Ud: 5.10; P992: 91.2.1-2.
[33]BA594 Jm: 12.19; P5650: 22.4.3-4. Đây là câu chuyện về một vị thầy thử học trò mình bằng cách bảo họ đi ăn trộm; đã trích dẫn khi trước (LRCM: 49ff) trong phần nói về sự nương tựa vào đạo sư.
[34]BA595 Suhṛl-lekha: 54; P5682: 236:4.2-3.
[35]BA596 BCA: 5.26; P5272: 249.1.3-4.
[36]Hay còn gọi là tùy phiền não tâm sở (skt. upakleśa). Theo tâm lý học Phật giáo, bên cạnh 6 phiền não căn bản, có 20 loại phiền não thứ cấp trong số 51 trạng thái của tâm (hay tâm sở) bao gồm: (1) phẫn nộ (skt. krodha), (2) hận thù (Skt. upanâha), (3) não hay phiền bực (skt. pradâúa), (4) ác (skt. vihiṃsâ), (5) ganh tị (skt. îrúya), (6) cuống hay gian lận lừa lọc (skt. úâṭhya), (7) xiểm hay giả dối (skt. mâyâ), (8) vô tàm hay không biết thẹn (skt. âhrîkya), (9) vô quý hay không biết sợ hậu quả (skt. anapatatrâpya), (10) phú hay đạo đức giả, che giấu sự thật (skt. mrakśa), (11) xan hay tham lam (skt. mâtsarya), (12) kiêu mạn (skt. mada།), (13) bất tín hay không có lòng tin (skt. âúraddhya།), (14) giải đãi hay biếng nhác (skt. kausîdya), (15) phóng dật hay bất cẩn (skt. pramâda), (16) thất niệm hay dễ quên (skt. muṣitasmṛtitâ), (17) bất chính tri hay hiểu biết sai lạc (skt. asaṃprajanya), (18) hôn trầm hay thờ ơ (skt. styâna), (19) trạo cữ hay khích động (skt. auddhatya), và (20) tán tâm hay phân tán (skt. vikṣepa).
Twenty_subsidiary_destructive_emotions. Rigpa Shedra. Truy cập: 15/08/2011.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Twenty_subsidiary_destructive_emotions>
[37]BA597 Nt.: 4.39; P5272: 248.2.8-248.3.1.
[38]BA598 Nt.: 4.20; P5272: 250.5.7-8.
[39]BA599 Nt.: 8.60; P5272: 254.2.8-254.3.1.