Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU
Mục 3: Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông
XXI. VIÊN THÔNG VỀ PHONG ĐẠI
Kinh: Ngài Lưu Ly Quang Pháp Vương Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi nhớ hằng sa kiếp về trước, có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, khai thị Tánh Bổn Giác Diệu Minh cho hàng Bồ Tát, và dạy quán thế giới và thân chúng sanh này đều là do sức gió của vọng duyên chuyển biến ra. Tôi lúc bấy giờ quán sự an lập của không gian, quán sự trôi chuyển của thời gian, quán cái ngừng, cái động của thân, quán cái động niệm của tâm thức, các cái động đều không hai, bình đẳng không sai biệt. Khi ấy, tôi giác ngộ rằng cái Tánh của các động này đến không từ đâu, đi không đến đâu. Tất cả chúng sanh điên đảo trong mười phương nhiều như vi trần đồng một hư vọng. Như vậy cho đến tất cả chúng sanh trong một tam thiên đại thiên thế giới, như hàng trăm con muỗi mòng nhốt trong một đồ vật vo ve kêu loạn ở trong gang tấc, rối rít ồn ào.
“Tôi gặp Phật chưa bao lâu thì được Vô Sanh Nhẫn. Khi ấy, tâm khai mở, mới thấy cõi Phật Bất Động ở phương Đông; làm vị Pháp Vương Tử thừa sự mười phương Phật, thân tâm phát ánh sáng, rỗng suốt không ngại.
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do quán sát sức lay động như gió vốn không chỗ nương, ngộ Bồ Đề Tâm, vào Tam Ma Địa, hợp cùng một Diệu Tâm của mười phương Chư Phật, được nối tiếp nhau truyền dạy, đó là Thứ Nhất”.
Thông rằng: Phương Đông có Lưu Ly Quang Như Lai, Hạnh Nguyện cũng như Phật Di Đà không khác. Vị Pháp Vương Tử cũng như Đức Quan Âm, Thế Chí vậy.
Sao là quán sát sức lay động như gió không chỗ nương mà vào Tam Ma Địa?”
Tánh gió là động, do động mà có tiếng nên Phật Vô Lượng Thanh chỉ dạy hàng Bồ Tát quán các chúng sanh của thế giới này cũng như hàng trăm con muỗi mòng nhốt trong một đồ vật, vo ve kêu loạn, đều là gió Vọng Duyên chuyển biến ra. Cái động của gió thì rất vi tế, mà sức của gió thì rất lớn, đầy khắp pháp giới. Cái động và dừng của thân, cái động niệm của tâm thì gần mà có thể thấy. Còn cái chuyển đổi của không gian, cái trôi chảy của thời gian thì xa xôi nên khó thấy. Dầu khó thấy hay dễ thấy, đều là cái Động này. Tánh của cái Động này đến không từ đâu, đi không đến đâu, toàn khắp thế gian, không có nơi chốn. Vì không nơi chốn, nên vốn không sanh diệt. Vì không sanh diệt, vốn tự chẳng động. Ở chỗ ấy mà quán sát, đắc Vô Sanh Nhẫn, tức là ngộ Bồ Đề, vào Tam Ma Địa vậy. Đây là trong cái Động có Tánh Chẳng Động, chẳng phải là lìa ngoài cái Động mà có riêng cái gọi là Chẳng Động.
Phương Đông thuộc Chấn. Chấn là Động. Phương Đông có cõi Phật Bất Động, tức là động mà tĩnh, đây là ý chỉ của Bổn Giác Diệu Minh vậy. Tánh Giác Diệu Minh vốn tự chẳng động. Bổn Giác Minh Diệu là động mà chẳng động. Nói tóm lại, tất cả chỉ là một Tánh Diệu Chân Như. Mười phương Chư Phật cùng một Diệu Tâm này. Nếu lìa động để cầu tĩnh, tức là chẳng phải Diệu vậy. Cái Bổn Giác cứng bền như kim cương trong sáng, Phong và Kim xát nhau, nên ánh sáng như lưu ly, rỗng suốt không ngại. Truyền một Diệu Tâm, thì không những tự chứng Viên Thông mà còn khiến chúng sanh trong thế giới, hễ có Tánh Động này đều chứng suốt một Viên Thông vậy.
Sa di Cao ban đầu ra mắt Tổ Dược Sơn.
Tổ Dược Sơn hỏi: “Ở đâu đến?
Đáp: “Nam Nhạc đến”.
Tổ hỏi: “Đi đến đâu?”
Đáp: “Đến Giang Lăng thọ giới”.
Tổ hỏi: “Thọ giới để làm gì?”
Đáp: “Để khỏi sanh tử”.
Tổ nói: “Có một người chẳng thọ giới, cũng chẳng có sanh tử để khỏi, ông có biết chăng?”
Sa di Cao ngay dưới lời nói, đại ngộ mà nói: “Như thế thì Giới của Phật nào có dùng!”
Tổ Sơn nói: “Sa Di này còn quảy môi răng đấy”.
Thầy Cao lễ bái rồi lui ra.
Ngài Đạo Ngô đến đứng hầu, Tổ Dược Sơn nói: “Vừa rồi có anh Sa Di què giò, có được chút ít hơi hám”.
Đạo Ngô nói : “Chưa thể tin hoàn toàn, cần khám nghiệm mới được”.
Đến tối, Tổ Dược Sơn thượng đường gọi rằng: “Sa Di mới đến hồi sáng đâu rồi?”
Thầy Cao bước ra khỏi chúng, đứng.
Tổ Dược Sơn hỏi: “Ta nghe Trường An rất náo nhiệt, ông có biết chăng?”
Thầy Cao nói: “Nước con hằng yên ổn”.
Tổ hân hoan hỏi: “Chú do xem kinh mà được hay do hỏi Pháp mà được?”
Thầy Cao nói: “Chẳng do xem kinh được hay do hỏi Pháp được”.
Tổ Sơn nói: “Vậy có người chẳng xem kinh, chẳng hỏi Pháp, vì sao chẳng được?”
Thầy Cao nói: “Không nói chẳng được, chính vì kẻ kia chẳng chịu nhận lãnh”.
Tổ Sơn quay lại nhìn Đạo Ngô.
Ngài Vân Nham thì nói: “Chẳng tin Đạo!”
Ngài Đầu Tử tụng rằng:
“Hưng vong mây đến với mây đi
Y không quốc độ, bặt trần ai
Đỉnh Tu Di ấy, cây không rễ
Chẳng đợi gió xuân, hoa tự khai”.
Như chỗ thấy của Sa Di, thật là thấy cõi Phật Bất Động ở phương Đông, chẳng bị sức gió vọng duyên chuyển đổi vậy.
Ngài Ma Cốc chống tích trượng đến Ngài Chương Kính, đi quanh thiền sàng ba vòng, dộng tích trượng một cái, ngang nhiên mà đứng.
Tổ Kính nói: “Phải, phải”.
Ngài lại đến Nam Tuyền, đi quanh thiền sàng ba vòng, dộng tích trượng một cái, ngang nhiên mà đứng.
Tổ Tuyền nói: “Chẳng phải, chẳng phải”.
Ngài Ma Cốc nói: “Ngài Chương Kính nói “Phải”, Hòa Thượng vì sao nói “Chẳng Phải”?”
Tổ Tuyền nói: “Chương Kính thì phải, chính ông chẳng phải”.
Đây là sức gió chuyển, rốt cuộc hư hoại.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng:
“Chính ông chẳng phải
Kìa xem cuốn, mở
Tợ trải, tợ co
Khó anh, khó em
Thả ra : kia đã đến thời
Nắm lại : ta nào lạ chỗ
Trượng vàng một dộng, thái cô nêu[Thái : lớn; cô : độc trọi]
Thiền sàng ba vòng, nhàn du hý
Tùng lâm rối rắm, thị phi sanh
Tưởng tượng, trước sọ khô thấy quỷ”.
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :
“Đây lầm, kia lầm!
Rất kỵ nắm bỏ
Bốn biển sóng bằng
Trăm sông đổ lại
Ý cổ cao xa mười hai cửa
Cửa cửa đường hoang, luống tiêu điều
Chẳng tiêu điều
Thiền giả khéo cầu “Không-bệnh thuốc”.
Nếu biết cái thuốc “Không-bệnh”, thì thị phi ở chốn tùng lâm nào có sanh ra, tự chẳng gió nào chuyển được.