Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

03. Lựa Ra Những Căn Không Viên

Thursday, November 22, 201200:00(View: 16645)
03. Lựa Ra Những Căn Không Viên

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư


PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục 5: Chỉ Pháp Viên Tu


III. LỰA RA NHỮNG CĂN KHÔNG VIÊN

Kinh:

“Tánh Biển Giác lặng khắp

“Toàn trong (lặng), Giác nguyên diệu

“Nguyên minh, chiếu sanh sở

“Sở lập, tánh chiếu vong

Thông rằng: Tánh Giác nguyên diệu vốn nhiệm mầu mà hằng sáng vậy. Vì phân biệt tiền cảnh, nên nói là nguyên minh. Đã rơi vào đất ý thức, tức là Tự Lượng. Tự Lượng lập thì cái Hiện Lượng tròn sáng mất. Ở trước, Đức Thế Tôn nói, vô thủy Bồ Đề Niết Bàn nguyên là thể trong sạch, cái năng sanh các duyên, theo duyên thì bỏ mất. Đây là từ trùng tụng mà ra.

Hòa Thượng Phổ Minh dạy chúng rằng: “Tâm Pháp của Tổ Sư rỗng suốt mười phương, xưa nay hằng nhiên, Pháp vốn như thế. Cái Pháp như thế không mượn tu tập, mà tự thành tựu; chẳng cần đắc, mà tự viên mãn. Tất cả hiện thành, gọi là Địa Bất Động. Dùng mà chẳng phải có, không dùng chẳng phải không, thể mầu nhiệm trong lặng như nhiên, thường hằng chẳng biến. Thể hợp diệu dụng, ứng khắp vô vi, ảnh hiện trùng trùng, vô biên sắc tướng. Tâm không tự tánh, gặp sự trọn bày rực rỡ, đạo tràng bất động, khắp mười phương cõi. Như cảnh giới này, chỉ sơ lược tạm cái hồi quang; bỏ trần hiệp Giác, chẳng làm việc bóng dáng. Cái ý sự này như ngự trên đường lớn. Hành (đi) lấy thì tức là. Giả sử chẳng hành, cũng tại trên đường. Luận bàn như vậy, vẫn còn là lời thuyết của pháp môn dạy dỗ. Nếu mà cử xướng tông thừa, chỉ là nhất thời giải tán đi là tốt.

“Nếu giải tán đi bèn là vô sự, bao nhiêu cái Giác Hải trừng viên kia cũng đoạn dứt. Bằng không, còn ngồi trong hang ổ vô vi”.

Kinh:

“Mê vọng, có hư không

“Nương Không, lập thế giới

“Tưởng đọng thành cõi nước

“Hay Biết thành chúng sanh

“Không sanh trong Đại Giác

“Như một bọt nổi biển

“Cõi hữu lậu vi trần

“Đều nương Không sanh khởi

“Bọt diệt, Không (vốn) chẳng có

“Huống là có ba cõi

Thông rằng: Giác nói là Đại Giác, là để phân biệt với cái giác của sự hiểu biết vậy. Đại Giác như biển, không có bến bờ. Cái Tánh vốn Không, chẳng thể lấy Giác đặt tên. Có tướng thì ngay bày, không có tướng thì ẩn. Chân Tánh mà ẩn, cái Không cái Giác bèn phân. Vừa khởi cái Không Kiến, liền sanh ra tướng phần, nên cõi nước trong tam giới đều nương Không mà lập. Hễ nhận cái Giác Minh bèn sanh kiến phần, nên cái hữu lậu của chúng sanh đều chạy theo hư vọng mà có ra. Tướng chẳng phải lìa kiến mà thành tướng, chính là do tưởng lắng đọng mà kết thành. Kiến chẳng phải lìa tướngthành kiến, mà là cái trôi xoay trong ba cõi hiệp với Trần mà có vậy. Cái tướng đó, cái kiến đó, sanh ra trong Đại Giác, như một bọt nước trong biển cả. Nếu trở về chỗ tột cùng của căn trôi dạt, đến chỗ chẳng sanh chẳng diệt thì bọt nước tan mất trong biển, y nhiên một Đại Giác mầu sáng. Tìm hư không còn chẳng thể được, huống là các cõi nước vi trần ba cõi hữu tình, vô tình an lập trong hư không ư?

Nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng: “Hư không sanh ra trong Đại Giác như một bọt nước khởi trong biển là sao?”

Tổ Trượng đáp: “Hư không thí dụ cho cái bọt, biển thí dụ cái Tánh. Tự Tánh linh giác chính mình, vượt cả hư không, nên nói “Không sanh trong Đại Giác. Như bọt nổi trong biển”.

Thiền sư Mộc Bình Đạo hỏi Tổ Lạc Phổ rằng: “Khi một bọt nước chưa sanh, làm sao rõ mạch nước?”

Tổ Phổ nói: “Dời ghe rành thế nước. Giở chèo biết sóng mòi”.

Thầy Bình không khế hiểu, đến tham hỏi Tổ Bàn Long, hỏi lại lời trước.

Tổ Long nói: “Dời ghe chẳng rõ nước. Giở chèo tức mê nguồn!”

Liền ngộ nhập.

Tổ Đơn Hà tụng rằng:

“Mặt trời mặt trăng cùng sáng tỏa

Soi thuở Oai Âm chưa động lay

Như nói trời xanh riêng có lối

Y xưa, người gỗ nhíu đôi mày”.

Đại để, chỗ thấy (kiến xứ) của Tổ Bàn Long là chỗ ẩn thân thì không dấu vết. Chỗ thấy của Tổ Lạc Phổ là chỗ không dấu vết, chẳng ẩn thân. Rõ được, chỉ là một đường, chẳng hề có khác.

Về sau, có nhà sư hỏi: “Như sao là Mộc Bình?”

Đáp: “Chẳng nhọc búa rìu”.

Nhà sư nói: “Vì sao chẳng nhọc búa rìu?”

Đáp: “Mộc Bình”.

Quả là soi rõ một đoạn đại sự của thuở Oai Âm chưa máy động.

Kinh :

“Về nguồn, Tánh không hai

“Phương tiện có nhiều cửa

“Thánh Tánh, đâu cũng thông

“Thuận nghịch đều phương tiện

“Sơ Tâm vào Tam Muội

“Chậm nhanh bậc chẳng đồng

Thông rằng: Trước nói “Mười phương Như Lai, nơi mười tám giới mỗi mỗi tu hành đều đắc viên mãn Vô Thượng Bồ Đề”, tức ở đây nói “Cái Thánh Tánh này không đâu mà chẳng thông, thuận nghịch đều là phương tiện” vậy. Lại nói “Như ngay đây ngộ căn viên thông liền nghịch lại cái dòng vọng nghiệp thêu dệt từ vô thủy. Được tùy thuận viên thông thì so với cái chẳng viên thông cách nhau như ngày với kiếp”. Tức ở đây nói “Cái Sơ Tâm này vào Tam Muội thì có nhanh chậm chẳng đồng”.

Tổ Hoàng Bá nói: “Về nguồn Tánh không hai, nghĩa là thật tánh của Vô Minh tức là Tánh Chư Phật. Phương tiện có nhiều cửa, nghĩa là người Thanh Văn thấy Vô Minh diệt, chẳng thấy Vô Minh sanh, niệm niệm chứng tịch diệt, Chư Phật thấy chúng sanh suốt ngày sanh mà không sanh, suốt ngày diệt mà không diệt. Không sanh không diệt tức là quả Đại Thừa. Bởi thế đạo quả mãn, Bồ Đề tròn, hoa nở thế giới sanh”.

Thiền sư Khô Mộc Thành thượng đường: “Về nguồn Tánh không hai. Phương tiện có nhiều cửa. Chỉ ngộ Tánh-về-nguồn, lo gì cửa phương tiện. Các ông muốn rõ Tánh-về-nguồn ư?

“Lộ trụ lấy làm chuôi Bắc Đẩu, người đời chẳng nhận theo như thế. Muốn rõ cửa phương tiện ư? Chuôi Bắc Đẩu lấy làm lộ trụ, chống trời đỡ đất cũng vừa nên. Hãy nói một câu chẳng rơi vào cửa phương tiện, nói làm sao? Ba mươi năm sau chớ có nêu ra lầm lẫn!”

Hai vị tôn túc đây, mỗi vị đều theo chỗ thấy mà phát huy đối với ý chỉ về nguồn thật là không-hai.

Kinh :

“Sắc Tưởng kết thành trần

“Hay Biết không thể thấu

“Không thấu suốt như vậy

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Theo pháp Quán Thập Tưởng mà vào, kết thành nội trần, nên cái tinh minh hay biết thật chẳng thể biết thấu suốt, vì bị pháp buộc vậy.

Tổ Thạch Đầu hỏi khách mới đến: “Từ đâu tới?”

Đáp rằng: “Giang Tây”.

Tổ Đầu nói: “Thấy đại sư Mã Tổ chăng?”

Đáp: “Có thấy”.

Tổ Đầu bèn chỉ một khúc củi, nói: “Mã đại sư đâu giống như cái đó?”

Nhà sư không đáp được. Rồi trở về đem nói lại y vậy với Ngài Mã Tổ.

Ngài Mã Tổ nói: “Ông thấy khúc củi lớn hay nhỏ?”

Đáp rằng: “Lớn quá cở”.

Ngài Tổ nói: “Ông rất có sức!”

Nhà sư hỏi: “Sao vậy?”

Ngài Mã Tổ nói: “Ông từ núi Nam Nhạc vác một khúc củi đến đây, há chẳng mạnh sao?”

Nếu nhà sư này là Kẻ Ấy, bèn bỏ quách là phải ngay

Kinh:

“Âm Thanh trộn ngữ ngôn

“Chỉ là vị danh

“Một chẳng gồm tất cả

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Ngộ Thanh Trần đối với người nhập theo căn Tai thì chẳng đồng. Thanh là lời của Phật, Căn mới là tự Tâm. Nhận Thanh Trần ắt bám níu danh cú kia. Xoay lại cái Nghe ắt rõ thấu nguồn Tánh mình. Danh cú trệ vướng vào một mối, còn Nguồn Tánh không đâu chẳng bao quát khắp. Cho nên nghe Tiếng ngộ Đạo cũng không chọn được.

Tổ Vân Cư Ứng thượng đường: “Hết thảy các ông, dầu cho học được chuyện bên Phật, thì cũng đã sớm dụng tâm lầm! Há chẳng thấy người xưa giảng kinh được hoa trời rụng, đá gật đầu. Cũng chẳng nhầm gì chuyện tự kỷ. Những kẻ khác nhàn rỗi làm sao mà định lấy cái thân tâm hữu hạn này hướng vào trong vô hạn mà sử dụng? Như lấy gỗ vuông tra vào lỗ tròn, thế nào cũng sai hở. Nếu không có cái chuyện ấy dầu ông có thêu hoa dệt gấm cũng là vô dụng, chưa lìa khỏi thức tình. Hết thảy mọi sự phải hướng về trong-ấy cùng dứt hết. Nếu còn một mảy lông phủi bỏ chẳng sạch, bèn bị trần trói buộc, huống chi là nhiều? Sai một hào li, lỗi lầm như núi.

“Há chẳng nghe người xưa nói “Chỗ học chẳng sâu mầu, đều trôi theo thế tục. Sự vật trong chốn lầu son gác tía bỏ chẳng được, đều là rỉ chảy”. Cần thẳng vào trong ấy, nào nắm, nào đến, nào đi đều sạch dứt mọi sự mới là không lỗi. Như người việc việc đều rõ, vật vật đều thông, chỉ gọi là người rõ việc, rốt cuộc chẳng gọi là người tôn quý. Hãy biết rằng tôn quý tự riêng một đường. Há chẳng nghe nói “Theo cửa bước vào chẳng phải là của báu, cây gậy chẳng thành rồng”, ư?”

Chỗ này có ý vị thay! Danh cú sáng rỡ thấu suốt!

Kinh :

“Hương, hợp lại, mới biết

“Lìa ắt vốn không có

“Chỗ biết chẳng thường hằng

“Làm sao được Viên Thông?

“Tánh Vị chẳng bổn nhiên

“Cần nếm mùi mới có

“Sở Giác chẳng hằng nhất

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Hương, Vị thì sự ly hợp chẳng thường hằng, thể chẳng cùng khắp. Bám níu Hương Vị cho là cửa vào, rốt chẳng tương tự gì với Thể viên dung, cho nên đều không chọn được.

Nhà sư hỏi Tổ Vân Cư Ứng: “Cơm của Phật Hương Tích người nào được ăn?”

Tổ Ứng nói: “Phải biết người được ăn, vào miệng rồi cũng nên phải ói ra!”

Lại có nhà sư hỏi Tổ Thủ Sơn Niệm: “Như sao là đường chánh tu hành?”

Tổ Sơn nói: “Nghèo mà chẳng ăn tạp”.

Nhà sư nói: “Buông tay về nhà vậy”.

Tổ Sơn nói: “Thơm thúi chẳng từng nghe”.

Tổ Phật Ấn thượng đường : “Ta có một cái rỡ ràng ấy, người người trong miệng nhai, nhai bể được rồi, cần mửa cả ra. Nhai chẳng bể được, chuyển thành thuốc độc”.

Rồi gọi: “Các vị thiền đức, cái vị ngon bổ ấy là sao, hãy nói ra xem”.

Im chập lâu, nói:

“Y Vương đâu chẳng không phương nghĩa

Ngàn dặm tô hương [Tô hương: hương làm sống lại], tượng [Tượng: voi] chẳng quày”.

Tổ Phật Ấn cùng hai vị tôn túc trùng trùng chú nghĩa. Nếu nghe Hương này, biết Vị này tức hằng nhất cái Sở Giác.

Kinh :

“Xúc, do chỗ chạm, biết

“Không chỗ, chẳng rõ Xúc

“Hợp lìa, Tánh chẳng định

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Xúc tất phải có chỗ, nên chẳng phải là nghĩa Viên. Huống là có hợp mới có Xúc, lìa thì chẳng phải Xúc. Xúc vì lìa cái Biết, tánh nó chẳng định. Tự tánh chẳng định, sao được Viên Thông?

Hòa Thượng Thủy Lạo ban đầu ra mắt Ngài Mã Tổ, hỏi rằng: “Như thế nào là rõ ràng ý chỉ Tây lai?” [Tây lai: Ý chỉ của Tổ Đạt Ma từ phương Tây lại.]

Thầy Lạo liền lễ bái, Ngài bèn tống cho một đạp, thầy đại ngộ, đứng dậy vỗ tay ha hả cười lớn rằng: “Rất lạ lùng, rất lạ lùng! Trăm ngàn Tam Muội, vô lượng diệu nghĩa chỉ hướng trên đầu một mảy lông liền rõ thấu căn nguồn!”

Về sau, dạy chúng rằng: “Từ lúc lãnh một đạp của Mã đại sư, mãi đến nay cười chẳng dứt!”

Tuy nhiên, chỗ xúc chạm ngày xưa dường vẫn còn, nào giống như chỗ thoát thẳng của Tổ Lâm Tế.

Tổ Lâm Tế nói: “Tôi ở với tiên sư Hoàng Bá hai mươi năm, ba lần hỏi đại ý Phật Pháp, ba lần bị Ngài thưởng gậy, như ngọn sào phủi sạch. Như nay lại nhớ được một gậy, có ai vì ta thi hành được?”

Khi ấy có một vị tăng bước ra khỏi chúng, nói: “Tôi thi hành được”.

Tổ Tế cầm gậy trao cho.

Vị tăng định tiếp lấy, Tổ Tế liền đánh.

Kiếm rớt xa rồi, ông mới khắc nghe!

Kinh :

“Pháp gọi là Nội Trần

“Nương Trần ắt có Sở

“Năng Sở chẳng dung nhập

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Pháp Trần chẳng có tướng, tiềm ẩn trong Ý căn; đã sa vào Năng-Sở bèn có phương chỗ nhất định, nên chẳng dung nhập khắp. Tuy là pháp không toàn khắp mười phương, nhưng chẳng thể cùng khắp cái phi không, nên chẳng thể viên thông [Tròn vẹn suốt biết]. Phi nghĩa là Năng chẳng dung nhập Sở, Sở chẳng dung nhập Năng, mà hai bên cùng tồn tại.

Tổ Lâm Tế nói: “Các pháp thế gianxuất thế gian, đều không có tự tánh, cũng không có tánh sanh, chỉ có cái danh trống trơn, danh tự cũng không, ông chỉ nhận cái danh trống trơn kia cho là thật, lầm lớn vậy thay. Cho là có, đều là cảnh của Y, Biến [Y Tha Khởi TánhBiến Kế Sở Chấp Tánh], mới có Bồ Đề để y theo, Niết Bàn để y theo, Giải Thoát để y theo, Tam Thân để y theo, Trí Cảnh để y theo, Giác để y theo, Phật để y theo. Ông hướng về trong cõi nước Y, Biến ấy tìm vật gì? Cho đến ba Thừa, mười hai phần giáo, đều là giấy cũ chùi đồ dơ.

“Phật là thân huyễn hóa, Tổ là lão thầy tu, ông lại cho là mẹ sanh mình ư? Ông nếu cầu Phật, liền bị Phật-Ma hớp hồn; ông nếu cầu Tổ, liền bị Tổ trói chặt. Ông mà có cầu đều là khổ, chẳng bằng vô sự”.

Tin chăng? Nương y cái Trần tất có Sở, chẳng thể được Viên Thông vậy. Trên là chọn sáu Trần để nhập, chẳng thích hợp với người Sơ Tâm.

Kinh :

“Cái Thấy tuy rỗng suốt

“Rõ trước chẳng rõ sau

“Bốn bề thiếu một nửa

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Cái Thấy của con mắt, rõ trước chẳng rõ sau. Cái Thấy của Tâm chẳng phải là mắt, gọi là thấy trong thấy. Vì sao cũng thiếu nửa phần? Chỉ vì lọt vào Kiến Phần, bèn mất Viên Thường. Cho nên căn mắt không được chọn.

Tổ Nam Tuyền tham kiến Trung Quốc Sư.

Quốc sư hỏi: “Chốn nào lại?”

Đáp rằng: “Giang Tây lại”.

Hỏi: “Lại đem được chơn Mã Tổ đến chăng?”

Đáp rằng: “Chỉ cái ấy là phải”.

Quốc sư nói: “Cái phù trừ quỷ sau lưng!”

Tổ Tuyền liền im luôn.

Tổ Trường Khánh Lăng nói: “Thật giống như chẳng biết”.

Tổ Bửu Phước nói thêm rằng: “Xét chẳng đến cái yên ổn này của Hòa Thượng”.

Tổ Vân Cư Tích nói: “Hai vị tôn túc đây đều nâng đỡ cái sau lưng. Chỉ như Nam Tuyền im luôn là vì nâng đỡ cái trước mặt hay nâng đỡ cái sau lưng?”

Tổ Huyền Sa chỉ vị tăng qua đời nói: “Trước mặt chạm mắt là Bồ Đề, thần quang muôn dặm: Tướng sau đảnh”.

Nhân có kệ rằng:

“Vạn dặm thần quang tướng đảnh sau

Khi mà không đảnh ngóng về đâu?

Sự đã thành, ý đã thôi

Tin tức trong kia trọn khắp nơi

Người trí trong liêu bèn nắm lấy

Chẳng thoáng so đo bị mất rồi”.

Hai tắc này hỗ tương bày tỏ, chỗ thấy đồng nhau, chẳng quý sao?

Kinh :

“Mũi thở ra vào thông

“Giữa, khí không chỗ giao

“Chia phân chẳng dung nhập

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Khoảng vũ trụ là một đại hô hấp vậy. Xuân, Hạ thở ra; Thu, Đông thở vào. Trăng sáng thở ra; trăng tối thở vào. Trước giờ Tý thở ra; sau giờ Ngọ thở vào. Con người do thở ra thở vào mà thông cùng trời đất, giống như con cá trong nước vậy. Điều hòa hơi thở ra vào đến chỗ hiện tiền không có khí giao nhau. Các đạo gia dưỡng sanh cho là hợp với tự nhiên, chẳng hiểu cái khí mịt mờ mênh mông đó, cho là Chân Tánh, xem cái tinh thuần ấy, cái vật thể ấy cho là Thức Thần. Cái chia phân tản mạn này đối với Tự Tánhgiao thiệp gì.

Có người hỏi Tổ Đại Châu rằng: “Thế gian có pháp vượt Tự Nhiên chăng?”

Tổ Châu đáp: “Có”.

Hỏi: “Pháp nào vượt được?”

Tổ Châu nói : “Kẻ rõ biết cái Tự Nhiên”.

Hỏi: “Cái Nguyên Khí là Đạo chăng?”

Đáp : “Nguyên Khí tự là Nguyên Khí; Đạo tự là Đạo”.

Hỏi: “Nếu như thế, ắt phải có hai thứ vậy”.

Tổ Châu nói : “Biết thì chẳng có hai”.

Lại hỏi : “Thế nào là tà, thế nào là chánh?”

Tổ Châu nói : “Tâm chạy theo vật là tà, vật theo tâm là chánh”.

Do đây mà xét, cái thuyết điều hòa hơi thở là tâm chạy theo vật. Chia phân quá chừng, huống là được Viên Thông!

Kinh :

“Lưỡi, không nhập (thì) không mối

“Nhờ Vị, sanh có biết

“Vị mất rồi chẳng có

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Cái Nếm chẳng có Căn thì không biết Vị. Không có Căn mà biết Vị, thật là không căn cứ. Đã có Căn, bởi có Vị nhập vào mà sanh cái Biết. Vị mất thì Biết cũng mất. Căn ấy do Vị mà thành có thành không, sao được là Viên?

Ngài Giáp Sơn ở Tổ Quy Sơn làm Điển Tòa.

Tổ Quy hỏi rằng: “Hôm nay ăn món gì?”

Ngài Giáp nói: “Hai năm cùng một xuân”.

Tổ Quy nói: “Lo việc tốt lắm!”

Ngài Giáp nói: “Rồng ở ổ phụng”.

Tổ Đầu Tử tụng rằng:

“Gặp nhau cậy hỏi cháo chúng sanh

Chẳng sánh cơm thơm am Tịnh Danh

Khí đêm chuyển theo màu phụng đỏ

Rồng vàng sáng quấn nhánh trong trăng”.

Lại Tổ Thê Hiền Thực thượng đường, im lặng chặp lâu, nói: “Hân hạnh có một mâm cơm, chẳng thể trộn tiêu, gừng. Tuy nhiên như thế, thử ăn xem nào!”

Bèn xuống pháp tòa.

Hai tắc này cũng cùng một Xuân. Ăn được rồi, mới cho là khác lưỡi biết Mùi.

Kinh :

“Thân cùng chỗ chạm đồng

“Đều chẳng biết tròn suốt

“Hữu hạn, không thấu suốt

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Bày rõ cái Diệu Xúc, chỉ cái thân hiển ra cái Biết. Thuần Biết mà còn sót cái thân, cũng chẳng phải là cái Biết toàn vẹn. Phải biết là cái Biết tròn đầy thấu suốt muôn pháp, chẳng nhờ thân biết. Nay thân có chạm xúc, là có giới hạn bến bờ, chẳng được Viên Thông vậy.

Thái sử Huỳnh Sơn Cốc ra mắt thiền sư Tử Tâm Tân, theo chúng nhập thất.

Tổ Tân trợn mắt hỏi rằng: “Lão già Tân chết, quan học sĩ chết, thiêu thành hai đống tro, hướng chốn nào gặp nhau?”

Ông Cốc không có lời đáp.

Tổ Tân bắt phải ra thất, nói rằng: “Chỗ hối đường dành cho người tham được, quan chưa ở trong đó”.

Sau ông làm Tả Quan ở Kiềm Nam, đạo lực càng mạnh. Trong chỗ không nghĩ niệm, liền rõ chỗ hỏi của Tổ Tử Tâm. Trả lời thơ rằng: “Năm xưa nhờ ơn khó nhọc nhắc nhở, mà vẫn say trong mộng, phảng phất ở trong bóng sáng. Ấy là nghi tình chẳng dứt, mạng căn chẳng đoạn, nên trông về bờ mà thối lui. Gần đây bị đổi đi làm tại Kiềm Nam, ngày nằm tỉnh giấc, bỗng nhiên nghĩ ra. Quả là bị Lão Hòa Thượng trong thiên hạ lừa dối ít nhiều vậy. Chỉ có đạo nhân Tử Tâm không chịu, mới là giúp nhau đệ nhất, vạn hạnh đệ nhất vậy”.

Cho nên rõ suốt như Ông Sơn Cốc thì cái Chính Mình còn bất khả đắc, còn nói gì chỗ gặp nhau? Chẳng đoạn dứt mạng căn, không thể có lời này.

Kinh :

“Ý căn xen loạn tưởng

“(Tánh) Lặng Nhiên rốt chẳng thấy

“Tưởng niệm chẳng thể thoát

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Ý căn đã thuộc về hiểu biết. Hiểu biết ắt tư tưởng tạp loạn nổi lên, như biển nổi sóng đào, nơi Tánh Lặng Nhiên rốt chẳng thể thấy. Dù khiến cái hiểu biết trở về chỗ không hiểu biết, tư tưởng về chỗ không tư tưởng cũng thuộc về tưởng niệm, chưa dễ giải thoát, nên chẳng thể được Viên Thông.

nhà sư hỏi Thiều Quốc Sư : “Như sao là chẳng chứng một pháp?”

Tổ đáp : “Mắc trong ngôn ngữ”.

Hỏi : “Như sao là chứng các pháp?”

Đáp : “Say đắm làm chi?”

Rồi bèn nói: “Chỉ như sơn tăng này, đối đáp kia như vậy, các vị Thượng Tọa hiểu ra làm sao? Chẳng phải tướng chân thật là thế ư ? Chẳng phải ngay lúc này không có một pháp nào để chứng đấy ư? Chẳng phải rõ biết chỗ đi đến của y đấy ư? Chẳng phải là toàn thể hiển lộ đấy ư? Chớ am hiểu lầm! Kiến giải thế này, gọi là nương cỏ bám cây, cùng Phật Pháp cách xa trời đất! Giả như vấn đáp biện luận như nước chảy sông trôi cũng chỉ thành được cái tri kiến điên đảo. Nếu chỉ quý lời đáp biện luận, có gì khó đâu? Chỉ e vô ích cho người, trở thành dối gạt. Như các Thượng Tọa, chỗ học, biện luận, vấn đáp trước kia, nói đạo lý cho lắm, vì sao mà tâm nghi chẳng dừng? Nghe phương tiện của Thánh xưa một mực chẳng hội, chỉ vì nhiều hư ít thật. Chẳng bằng các Thượng Tọa ở dưới gót chân một phen nhìn ra, xem đó là đạo lý gì, có bao nhiêu pháp môn để cho các vị tự nghi tự giải. Mới biết việc học trước kia chỉ là căn nguyên sanh tử, kế sống trong Ấm Giới. Do đó, cổ nhân nói “Chẳng thoát kiến văn, như trăng chìm trong nước”. Vô sự, trân trọng”.

Kiến văn còn chẳng thể thoát, huống là tưởng niệm ư? Trên đây là theo năm Căn mà nhập, chẳng hợp với người Sơ Tâm.

Kinh :

“Nhãn thức bởi Căn, Trần

“Gạn cùng, không có tướng

“Cả tự thể không định

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Cảnh thuộc Tướng Phần, Thức thuộc Kiến Phần. Cái Thấy của Nhãn Thức là Căn và Cảnh hợp, Thức sanh ở giữa, ba thứ hòa hợp mà thành. Gạn đến gốc rễ thì cái Thấy này vốn không tự thể, không có tướng gì nắm bắt được. Hòa hợp thì có, chẳng hòa hợp thì không nên nói là chẳng định. Vốn là vô định thể, sao có thể chứng Viên Thông?

Thần Hội, tuổi mới mười ba, từ Ngọc Tuyền đến tham hỏi Lục Tổ.

Tổ nói: “Bậc trí thức gian khổ ở xa đến, lại đem được gốc đến chăng? Như có gốc thì hẳn biết chủ, thử nói ra xem”.

Thầy Hội nói: “Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ”.

Tổ nói: “Sa Di này! Sao hợp được lời nói ấy”.

Thầy Hội mới hỏi rằng: “Hòa Thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?”

Tổ lấy gậy đánh ba cái, nói: “Ta đánh ông là đau hay chẳng đau?”

Đáp rằng : “Cũng đau cũng chẳng đau”.

Tổ nói : “Ta cũng thấy cũng chẳng thấy”.

Thầy Hội hỏi : “Sao là cũng thấy cũng chẳng thấy?”

Tổ nói: “Chỗ thấy của ta là thường thấy lỗi lầm nơi tự tâm; chẳng thấy sự đúng sai tốt xấu của người, đó là cũng thấy cũng chẳng thấy. Ông nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Ông nếu chẳng đau, thì đồng với gỗ đá, nếu đau thì đồng với phàm phu, liền nổi hờn giận. Trước, ông hỏi thấy hay chẳng thấy, đó là hai bên; đau hay chẳng đau, đó là sanh diệt. Tự Tánh ông còn chẳng thấy, sao dám giỡn người?”

Thầy Thần Hội lễ bái tạ tội.

Tổ nói : “Ông bằng tâm mê chẳng thấy, thì hỏi thiện tri thức chỉ đường. Ông bằng tâm ngộ, tức tự thấy Tánh, đúng pháp tu hành. Ông tự mê chẳng thấy lại đi hỏi Ta thấy với chẳng thấy. Ta tự biết thấy, đâu đợi cái mê của ông. Ông bằng tự thấy, cũng chẳng đợi chuyện Ta mê. Sao không tự biết tự thấy, mà hỏi Ta thấy với chẳng thấy?”

Thầy Thần Hội lại lạy hơn trăm lạy, xin tạ lỗi lầm, hầu hạ một bên.

Một hôm, Tổ nói với chúng rằng: “Ta có một vật, không đầu không đuôi, không danh không tự, không lưng, không mặt, các ngươi có biết chăng?”

Thầy Thần Hội bước ra, nói: “Đó là cội nguồn của Chư Phật, Phật Tánh của Thần Hội”.

Tổ nói: “Đã nói là không danh không tự, ông liền gọi là cội nguồn, Phật Tánh. Ông đi mà có mái tranh che đầu, rốt chỉ thành một tông đồ tri giải”.

Nếu lúc ấy mà như Nhị Tổ: xá bái rồi y chỗ mà đứng, thì có lỗi gì?

Kinh:

“Tâm nghe suốt mười phương

“Do nhân lớn nguyện lực

“Sơ Tâm khó thể đến

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Chẳng dùng Tai nghe, chẳng dùng Thức nghe nên nói là Tâm nghe, là đã chứng quả vị, cùng Đức Quan Thế Âm nghe suốt mười phương tròn sáng không khác. Chỗ này cũng là nói “Ta cũng theo trong ấy chứng, chẳng phải chỉ duy nhất Đức Phổ Hiền”. Tâm nghe rỗng suốt mười phương, việc ngoài hằng sa thế giới không gì chẳng biết. Do nơi Nhân Địa phát tâm, Hạnh Nguyện cực đại, khắp cõi hư không không đâu chẳng suốt đến. Có cái Nhân lớn này nên chứng đại Quả ấy. Cái ấy chẳng phải đại căn đại khí thì không thể tiếp nhận đảm đương, chẳng như xoay lại cái Nghe, huân tu tánh Nghe, lần hồi nhập vào. Điều này người Sơ Tâm chưa dễ khế hợp, khó được Viên Thông, với các chỗ nói khác có chút khác biệt.

Thiền sư Động Sơn Lẫm, ngày chỉ ngồi tịnh. Một bữa, kêu thị giả hãy xuống pháp đường, bảo kẻ kéo cây đừng làm hư thềm bực.

Thị giả ra xem, thấy chẳng có ai, trở lại thưa: “Vắng vẻ, không có bóng người nào”.

Tổ Lẫm lại khiến kiếm tìm. Thị giả đến thềm cúi xem, thì ra bầy kiến kéo cái cánh con chuồn chuồn, theo bực thềm đi lên.

Đây là cực tịnh nên phát ra cái linh tri vậy, nên nghe tiếng con kiến như tiếng sấm. Huống gì cái Tâm nghe của Đức Phổ Hiền, tột cùng rộng lớn hơn ở đây biết bao?

Kinh :

“Quán chót mũi vốn quyền cơ

“Chỉ để nhiếp tâm trụ

“Trụ, tâm thành có trụ

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng : Nhiếp tâm thật là khó khăn vậy. Ban đầu thì tán loạn, chỉ sợ chẳng trụ được. Mà đã được lặng yên, lại thành có chỗ trụ. Trụ và chẳng trụ đều chẳng phải là cái bản thể của vô trụ, nên chẳng được Viên Thông.

Thầy Thạch Củng một ngày kia đang làm việc trong bếp.

Ngài Mã Tổ thấy, hỏi rằng: “Làm gì thế?”

Thầy Củng đáp: “Chăn trâu”.

Ngài hỏi: “Chăn làm sao?”

Thầy Củng nói: “Một khi vào đám cỏ, nắm mũi dắt trở lại”.

Ngài nói: “Ông thật đúng chăn trâu”.

Tổ Nam Tuyền dạy lời rằng: “Vương Lão Sư này chăn có một con trâu nước đực, định hướng khe Đông đi thì chẳng khỏi lúa mạ nhà vua; định hướng khe Tây đi cũng chẳng khỏi lúa mạ nhà vua. Sao bằng tùy phận đớp chơi chơi (ít ít), đời nào thấy được!”

Tổ Thiên Đồng nêu rằng: “Nam Tuyền chăn trâu khá là kỳ đặc! Dầu cho chốn chốn canh giữ cũng chẳng xong. Vì sao như thế ? Vì kia tùy phận đớp chơi chơi!”

Tổ Vân Môn nói: “Hãy nói trong trâu đớp hay ngoài trâu đớp? Ngay dù ông nói được chỗ ăn rành rẽ, tôi lại hỏi ông tìm trâu ở đâu?”

Tổ Đại Quy gạn hỏi rằng: “Vân Môn chỉ biết tìm trâu, chẳng biết xỏ mũi!”

Đưa cây gậy lên, nói: “Ba đời Chư Phật cùng lỗ mũi của Lão Hòa Thượng trong thiên hạ bị cây gậy của sơn tăng nhất thời xuyên suốt! Hãy nói lỗ mũi sơn tăng ở đâu?”

Chặp lâu, nói: “Phao tội cho người, dùng toàn tội buộc!”

Nếu nơi tất cả quyền cơ này mà xuyên suốt, thì rõ ràng tìm ra lỗ mũi, quyết định được vô thượng Viên Thông!

Kinh :

“Thuyết pháp, phát tiếng, câu

“Trước khai ngộ mới thành

“Câu, chữ chẳng vô lậu

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Căn Lưỡi chỉ có thể phân biệt mùi vị, Thức Lưỡi mới sử dụng âm thanh, thuyết pháp thế gianxuất thế gian để khai ngộ cho người. Nhưng việc khai ngộ chỉ dành cho người đã thành tựu trước, khi ấy cảm hóa như mưa, chẳng phải chỉ có lời nói cho ra thôi vậy. Huống gì thể chữ thể câu, chẳng lìa văn tự, chẳng phải là pháp vô lậu. Như ngón tay chỉ mặt trăng, ngón tay chẳng phải là mặt trăng, sao có thể được Viên Thông?

Tổ Pháp Nhãn thượng đường; đại chúng đứng đã lâu, mới nói rằng: “Chỉ như vậy đó mà giải tán đi! Liệu có đạo lý Phật Pháp hay không? Thử nói xem! Nếu không, lại đến trong ấy làm gì? Nếu có thì trong chợ búa, chốn đông người cũng có. Nào phải đến trong kia! Các ông mỗi người từng đọc bộ Hoàn Nguyên Quán, Bá Môn Nghĩa Hải, Hoa Nghiêm Luận, Niết Bàn Kinh, lắm thứ văn sách, cuốn nào trong giáo điển có cái thời tiết ấy? Nếu có, thử đưa ra xem. Nếu trong kinh ấy có cái lời nói ấy, thì đó là thời tiết gì, làm sao giao thiệp? Bởi thế mà nói “Có chút xíu lời vướng nơi tâm tánh, thường làm cái trường duyên ra lo nghĩ”. Cái thật tế ở ngay trước mắt đổi thành cái cảnh của danh tướng. Lại làm sao đổi được đây? Nếu đã đổi đi, lại làm sao chánh được đây? Có am hiểu chăng? Chỉ ghi nhớ lời sách, có chỗ nào dùng được!”

Đáng tin thay, câu chữ chẳng phải là cái Vô Lậu, chẳng có thể được Viên Thông.

Kinh :

“Giữ Giới chỉ buộc thân

“Không thân, không chỗ buộc

“Vốn chẳng khắp tất cả

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Pháp Thân vô lượng, chẳng mượn ở tu hành làm ra. Cái Ứng Thân có hạn, dễ dàng tạo nghiệp, phải mượn nhờ Giới Luật mà kềm buộc nó. Sự kềm buộc này chỉ thi hành cho Ứng Thân, nhưng không thể dùng thông cho lý Pháp Thân, nên chẳng phải khắp tất cả. Chẳng khắp tức chẳng thể được Viên Thông.

Thiền sư Hoàng Bách Huệ, tuổi nhỏ xuất gia, theo nghiệp Kinh Luận. Nhân thọ thêm Bồ Tát Giới mà than rằng: “Nhiếp giữ Luật Nghi Giới của bậc đại sĩ với gốc thọ Thanh Văn Giới của ta đều “Chỉ, Trì, Tác, Phạm”. Nhưng trong Thiên Tụ thêm bớt, cành gốc chung riêng, ý chế định lại nhiều, đều vi tế khó ngăn ngừa. Lại nữa, theo chỗ nhiếp điều thiện, chưa từng làm được ít phần. Huống làm được lợi ích cho chúng sanh ư? Vả chăng cái thân mạng bọt huyễn thế gian, đâu khá lưu luyến!”

Do đấy dẹp khóa giảng, muốn đem thân nhảy vào nước nuôi loài tôm cá.

Nghĩ xong, sắp bỏ đi, bỗng có hai vị thiền giả lưu lại nói chuyện, bảo rằng : “Phương Nam cũng nhiều thiện tri thức, sao vướng đọng chi nơi một góc”.

Từ đó hồi lại ý định.

Bèn đến Tổ Sớ Sơn, bạch hỏi: “Sát na tiện đi” thì thế nào?”

Tổ Sơn nói: “Che lấp hư không, ông làm sao đi?”

Đáp rằng: “Che lấp hư không, chẳng bằng không đi”.

Tổ Sơn bèn thôi.

Sau đó, xuống nhà giảng tham kiến Đệ Nhất Tòa.

Ngài Đệ Nhất Tòa nói: “Vừa rồi lời đáp rất kỳ đặc (lạ lùng)”.

Đáp rằng: “Đấy còn là nông nổi, dám mong lòng từ bi, khai thị cho kẻ ngu muội”.

Ngài Chủ Tòa nói: “Trong một sát na lại có nghĩ định ư?”

Ngay lời nói xong, tức thời đốn ngộ.

Thiền sư Nguyên Am Từ, lúc nhỏ theo Tổ Thành Đô Chánh Pháp xuất gia. Thọ Giới Luật rồi, đi đây đó giảng Luật. Nghe giảng kinh Viên Giác, đến chỗ “Bốn Đại mỗi lìa rã, nay đây vọng thân đương ở chỗ nào? Rốt ráo không thể, thật đồng huyễn hóa”.

Nhờ đó tỉnh ngộ, làm bài tụng rằng:

“Một hạt minh châu

Giá lý trong ta

Xoay được động được

Phóng quang động địa”.

Hai vị tôn túc đây, chẳng lìa ngoài huyễn thânchứng Pháp Thân, có “Chẳng Khắp” gì đâu?

Kinh :

“Thần thông : nhân đời trước

“Quan (hệ) gì pháp phân biệt

“Duyên niệm chẳng lìa vật

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Thần thông Tiểu Thừa đều là tác ý. Duyên với vật thì có, lìa vật thì không, chẳng phải lìa vật mà có thể hiển hiện, cho nên duyên với hữu niệm vậy. Đấy là hệ thuộc cái thần lực thành tựu của đời trước, chứ chẳng liên quan với diệu pháp phân biệt mà được hiển hiện. Đã chấp trước vào thần thông, nên chẳng thế nói chỗ Viên Thông được.

Tổ Hoàng Bá ban đầu đi thăm núi Thiên Thai, gặp một nhà sư như đã từng quen, bèn cùng nhau đi. Đến khe suối nước đầy chảy mạnh, Tổ Bá chống gậy mà nghỉ. Nhà sư thúc Tổ Bá cùng qua.

Tổ Bá nói: “Mời huynh qua trước”.

Nhà sư liền để nón nổi trên mặt nước mà qua.

Tổ Bá nói: “Ta lại cùng với một anh nhãi kết đoàn, tiếc là chẳng đập cho một gậy chết phứt”.

Nhà sư ấy, còn ở giữa dòng nước, từ xa làm lễ, ca ngợi rằng: “Quả thật là Pháp Khí Đại Thừa, ta chẳng theo kịp”.

Đây là thần thông của Tiểu Thừa, bị Ngài Hoàng Bá quở trách.

Ngài Ma Cốc, Nam Tuyền... hai ba vị qua ra mắt Tổ Kính Sơn, giữa đường gặp một lão bà, mới hỏi: “Đường đi lối nào?”

Đáp : “Cứ thẳng mà đi”.

Ngài Cốc nói: “Phía trước nước sâu, qua được chăng?”

Đáp : “Chẳng ướt chân”.

Ngài Cốc lại hỏi: “Bờ trên lúa được gì mà tốt, bờ dưới lúa được gì mà xấu?”

Đáp : “Đều bị cua cắn chân”.

Ngài Cốc nói : “Lúa thơm ngát”.

Đáp : “Mất hơi thở”.

Ngài Cốc lại hỏi : “Bà trụ nơi nào?”

Đáp : “Chỉ tại Trong Ấy”.

Ba vị đến quán.

Lão bà nấu một bình trà, đem đến cái chén, bảo rằng: “Hòa Thượng có thần thông thì uống trà”.

Ba vị cùng ngó nhau.

Bà nói : “Hãy xem lão già vô dụng này tự bày thần thông đây vậy!”

Ngay đó nâng chén rót trà, rồi đi.

Các thần thông này, chẳng thể đồng với các thứ thần thông nhỏ hẹp, nên Ngài Ma Cốc, Nam Tuyền cũng chẳng thể dò nổi bờ bến.

Ở trên là theo Sáu Thức mà vào, người Sơ Tâm chẳng dễ ứng hợp.

Kinh :

“Nếu quán tánh Địa Đại

“Cứng đọng không thông suốt

“Hữu vi, chẳng Thánh tánh

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng : Đất là cứng đọng, vốn chẳng phải tánh thông suốt, nên trì giữ Địa Đại, là pháp hữu vi. Đã chẳng phải quả vô vi, nên chẳng thích hợp với Viên Thông. Bậc Tiên Đức nói “Như người rõ được Tâm, địa đại không tấc đất”. Thấy được như thế, còn chỗ nào ngại?

Tổ Bửu Phước nhân có vị tăng đứng hầu, nói: “Ông được cái tâm thô đấy”.

Vị tăng nói : “Đâu là chỗ tâm thô của con?”

Tổ Phước cầm lên một cục đất, đưa cho vị tăng, nói: “Quăng ra ngoài cửa đi!”

Vị tăng ném xong, vào lại, hỏi: “Đâu là chỗ tâm thô của con?”

Tổ Phước nói: “Ta thấy có tiếng đá chạm nhau đó, nên nói ông là thô tâm”.

Nếu vị tăng này bừng tỉnh ngộ, liền thông suốt Thánh Tánh, tức được Viên Thông vậy.

Kinh :

“Nếu quán tánh Thủy Đại

“Móng tưởng, chẳng chân thật

“Như như, chẳng thể quán

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng : Quán Nước là trong mười Pháp Quán Tưởng. Chỗ thành tựu của móng tưởng, há đồng Chân Thật ư? Cái lý chân thật, như như chẳng động, chẳng mượn đến tạo tác, nên chẳng phải là chỗ để quán tưởng đến được.

Nhà sư hỏi Tổ Tuyết Phong: “Suối xưa nguồn lạnh thì thế nào?”

Tổ Phong đáp: “Trừng mắt chẳng thấy đáy”.

Hỏi : “Người uống thì sao?”

Tổ Phong đáp: “Chẳng theo miệng vào”.

Nhà sư nói y lại với Tổ Triệu Châu.

Tổ Châu nói: “Chẳng thể theo trong lỗ mũi vào”.

Nhà sư lại hỏi: “Suối xưa nguồn lạnh thì thế nào?”

Tổ Châu nói: “Khổ”.

Hỏi : “Người uống thì sao?”

Tổ Châu nói: “Chết”.

Tổ Tuyết Phong nghe được, bèn nói: “Triệu Châu là Cổ Phật”; ở xa hướng vọng làm lễ.

Từ ấy chẳng có lời đối đáp.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Dựng lập Tông Thừa, cần tay tuyệt diệu! Tuyết Phong biện luận thân tâm bậc thiện tri thức của một ngàn năm trăm người. Triệu Châu dùng thủ đoạn của lão già một trăm hai mươi tuổi, chẳng ngại kỳ quái. Như nay trong chúng, tùy theo lời định ý chỉ, chê bai bác bỏ loạn xạ, vùi lấp người xưa! Nhưng gặp nhau han hỏi, hình như có tri âm, khắc cốt ghi lòng, ít gặp gương soi tỏ sáng!”

Chỗ thấy của nhà sư kia vướng trệ ở chỗ trong lặng không động lay. Triệu Châu là kìm dùi, thì Tuyết Phong là kim chỉ. Sao nói là chẳng đồng ư?

Kinh :

“Nếu quán tánh Hỏa Đại

“Chán tướng, chẳng (phải) thật lìa

“Chẳng (phải) phương tiện Sơ Tâm

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Ngài A La Hán Hỏa Đầu nghe nói đến lửa dục mà sanh chán ghét lìa bỏ, đó là chán tướng hữu vi. Đã có ưa, chán, thì chẳng phải là Chân Giải Thoát. Vả lại, người Sơ Tâm nhập đạo, kiềm chế dục chẳng bằng cùng tột cái lý. Lý càng sáng thì Dục càng tiêu. Như muốn cùng lý, thử quán xem Lửa là vật gì?

Tổ Triệu Châu nhân có nhà sư hầu bên, bèn chỉ lửa hỏi rằng: “Cái ấy là Lửa, ông không được gọi là Lửa, lão tăng nói rồi vậy”.

Nhà sư không đáp được.

Tổ Châu lại gắp lửa lên, hỏi: “Hội chăng?”

Đáp: “Chẳng hội”.

Tổ Châu nói: “Ở Thơ Châu có Hòa Thượng Đầu Tử, ông sang làm lễ mà hỏi, chắc sẽ vì ông nói ra. Nhân duyên khế hợp nhau, chẳng cần trở lại, chẳng khế hợp nhau, thì hãy trở về”.

Nhà sư đến Tổ Đầu Tử.

Tổ Tử hỏi: “Vừa lìa chốn nào?”

Đáp: “Triệu Châu”.

Tổ Tử hỏi: “Triệu Châu có lời nói gì?”

Nhà sư nêu ra lời trước.

Tổ Tử nói: “Ông hội chăng?”

Đáp: “Chẳng hội, xin thầy bày dạy”.

Tổ Tử bèn xuống thiền sàng, đi ba bước, ngồi lại, hỏi: “Hội chăng?”

Đáp: “Chẳng hội”.

Tổ Tử nói: “Ông về nói y lại với Tổ Triệu Châu”.

Nhà sư trở lại nói y thế với Tổ Triệu Châu.

Tổ Châu nói: “Vậy hội chăng?”

Đáp: “Chẳng hội”.

Tổ Châu nói: “Đầu Tử như vậy cũng chẳng qua loa lắm đâu”.

Ôi, hai vị lão túc, phương tiện đến như thế, còn chẳng chịu ngộ, luống là ai khác?

Kinh :

“Nếu quán tánh Phong Đại

“Động, tĩnh là đối đãi

“Đối, chẳng (là) Vô Thượng Giác

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Tánh của các thứ động này, đến không từ đâu, đi không về đâu, nguyên chẳng có chỗ đối đãi. Quán sát sức Gió không chỗ nương, ngộ Bồ Đề Tâm tức là Vô Thượng Giác, nào đến đỗi có hai tướng động tĩnh gì đâu? Chỉ vì người sơ cơ, ở trong cái động, biết cái Tánh chẳng động, phân ra động với bất động, hai tướng đã có, tức là có đối đãi. Đã là đối đãi, tức sanh diệt pháp, thì xa Bồ Đề Vô Thượng lắm vậy.

Tổ Thứ Mười Bảy, Ngài Tăng Ca Nan Đề, độ cho Đồng Tử Trì Giám, đặt tên lại là Già Da Xá Đa. Một hôm, nghe tiếng linh [Chuông nhỏ] gió thổi rung trên điện.

Tổ hỏi rằng: “Linh kêu ư, gió kêu ư?”

Xá Đa nói: “Chẳng phải gió, linh kêu, tâm mình kêu vậy”.

Tổ nói: “Tâm là chi vậy?”

Xá Đa nói: “Đều tịch tĩnh vậy”.

Tổ nói: “Hay thay, hay thay! Kế tục đạo ta, không ông thì ai”.

Về sau, Lục Tổ nhân hai nhà sư bàn luận nghĩa gió với phướn.

Một người nói: “Gió động”.

Người kia nói: “Phướn động”.

Định luận chẳng dứt.

Tổ bước tới nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm các vị động”.

Cùng với lời Ngài Xá Đa, như từ một miệng.

Tổ Tuyết Phong nêu lên lời của Lục Tổ “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm quý vị động”. Bèn nói: “Tổ Sư lớn bé, đầu rồng đuôi rắn, đáng cho hai mươi gậy!”

Khi ấy, Thượng Tọa Đại Nguyên Phu đứng hầu bất giác nghiến răng.

Tổ Phong nói: “Vừa rồi tôi nói thế cũng đáng ăn hai mươi gậy!”

Thiều Quốc Sư thượng đường: “Phương tiện cổ Thánh dường như hà sa. Tổ Sư nói “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm quý vị động”. Đây mới là pháp môn tâm ấn vô thượng.

“Bọn chúng ta là khách môn hạ của Tổ Sư, liệu làm sao am hiểu ý Tổ Sư? Chớ nói: Gió, phướn chẳng động, tâm ông vọng động! Chớ nói : Chỗ động của gió phướn là ở đâu? Hoặc nói: Nương vật rõ Tâm, chẳng cần nhận vật. Hoặc nói: Sắc tức là Không. Hoặc nói: Chẳng phải gió, phướn động; phải nên nhiệm mầu am hiểu. Am hiểu như thế thì cùng với ý Tổ Sư có gì giao thiệp? Chẳng thể chịu cho kiểu am hiểu như thế.

“Các vị Thượng Tọa, nên biết rốt ráo. Như ở Trong Ấy tỏ ngộ rốt ráo, thì pháp môn nào chẳng rõ? Trăm ngàn phương tiện của Chư Phật nhất thời hiểu suốt, còn có chút nghi tình nào. Bởi thế, cổ nhân nói “Một rõ ngàn thông, một mê muôn lầm”. Này các Thượng Tọa, đâu phải là ngày nay hiểu được một đoạn, ngày mai lại hiểu nữa. Chẳng phải là có một phần chuyện hướng thượng khó hiểu, có một phần phàm phu yếu kém chẳng hiểu được. Cái kiến giải như vậy thìtrải qua số kiếp nhiều như bụi cũng chỉ tự mệt thần khổ trí. Làm gì có chuyện ấy!”

Thiều Quốc Sư nói thế, sánh với Tổ Tuyết Phong ít nhiều, cũng nên cho ăn hai chục gậy!

Kinh :

“Nếu quán tánh Không Đại

“Không-trơ, chẳng phải Giác

“Không biết, khác Bồ Đề

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Nghiêng về cái không ắt trơ độn chẳng phải Giác. Cái Chơn Không thì tức Giác, tức Không. Người sơ cơ định luận cái Không thật dễ lầm đường, nên cần phải xét biện.

Tổ Huyền Sa thượng đường: “Người đời nay chẳng tỏ ngộ cái lý Trung Đạo, vọng tự kết dính với sự, kết dính với trần, chốn chốn nhiễm trước, mỗi mỗi buộc trói. Dầu có chỗ tỉnh ngộ, mà trần cảnh phân vân, danh tướng chẳng thiệt. Bèn định ngưng tâm thâu niệm, nhiếp sự về không, nhắm con mắt, chứa tinh thần, vừa có khởi niệm, lập tức phá trừ, mống tưởng vừa sanh, bèn liền đè tiệt. Như kiến giải này tức là rơi vào cái Không-trơ của ngoại đạo, người chết mà hồn chẳng tan, mờ mờ mịt mịt, vô giác vô tri, bịt tai mà trộm chuông, uổng tự khinh, dối.

“Trong Ấy rõ ràng thì chẳng như vậy, chẳng cà rà ngoài cửa, chẳng lẩn lút bên song. Lời lời hiện tiền, không có chỗ để thương lượng, chẳng quan hệ đến văn tự. Vốn tuyệt trần cảnh, vốn không vị thứ: tạm gọi là kẻ xuất gia, rốt ráo không tung tích. Nào là Chân Như, phàm Thánh, địa ngục, trời người, chỉ là phương thức chữa bệnh cho gã cuồng. Hư không còn chẳng cải biến, Đại Đạo há có thăng trầm? Ngộ thì dọc ngang chẳng rời Bổn Tánh. Đến vào Trong Ấy, phàm Thánh cũng chẳng có chỗ lập. Nếu hướng trong câu khởi ý, ắt chìm đắm chết người. Nếu hướng ngoài rông cầu, lại sa vào Ma cõi. Như như hướng thượng, tuyệt dấu an bài. Vừa vặn lò lửa, chẳng chứa muỗi mòng.

“Cái Ấy xưa nay vốn bằng phẳng, nào dùng sự tỉa trừ. Động tĩnh, nhướng mày chính là Chân Giải Thoát Đạo. Chẳng gượng suy tính, dựng lập là trái Chân. Như đến vào Trong Ấy, mảy lông chẳng thọ, bày ý tức sai. Dầu cho ngàn Thánh ra đời, bày ra một chữ cũng chẳng được. Trân trọng”.

Như rõ được lời Huyền Sa tức thấu đạt ý chỉ Chân Không. Cái Vô Thượng Bồ Đề cũng gượng đặt tên đó thôi. Há chẳng Viên Thông hiện tiền ư?

Kinh :

“Nếu quán tánh Thức Đại

“Thức chẳng phải thường trụ

“Giữ tâm là hư vọng

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh tức là Đệ Bát Thức, vốn chẳng phải là hư vọng. Người chưa thấy Tánh chẳng thể chuyển Thức, chỉ bị Thức chuyển, bèn dùng sự quán tưởng soi xét, thì quán cũng là Thức, niệm niệm sanh diệt, chẳng phải thường trụ. Dầu cho có thể giữ tâm lắng trong chẳng động, ấy là do lực quán tưởng trì giữ, cũng thuộc về hư vọng. Há cái Diệu Trạm Tổng Trì, vốn tự vô tâm, chẳng đợi giữ cho còn mà tự không đâu chẳng còn đấy ư?

Tổ Thứ Mười Sáu, Ngài La Hầu Đa La đến chỗ Ông Tăng Già Nan Đề, gặp ông nhập định. Tổ cùng chúng chờ xem, trải qua hai mươi mốt ngày mới từ định dậy.

Tổ hỏi rằng: “Thân ông định hay tâm ông định?”

Thầy Đề đáp: “Thân tâm đều định”.

Tổ nói: “Thân tâm đều định, sao có vào ra?”

Thầy Đề đáp: “Tuy có ra vào, chẳng mất định tướng, như vàng trong giếng, thể vàng thường tịch”.

Tổ nói: “Như vàng trong giếng, như vàng khỏi giếng, vàng không động tĩnh, thì vật gì ra vào?”

Thầy Đề nói: “Chỉ có lời nói vàng là động tĩnh, đâu có vật ra vào. Chỉ có lời nói vàng ra vào, mà vàng chẳng phải động tĩnh”.

Tổ nói: “Nếu vàng trong giếng, thì ra khỏi giếng là vàng nào? Vàng nếu ra khỏi giếng, thì ở lại là vật gì?”

Thầy Đề đáp: “Vàng như khỏi giếng, ở giếng chẳng phải vàng. Như vàng ở giếng, khỏi giếng chẳng phải vật”.

Tổ nói: “Nghĩa này chẳng phải”.

Thầy Đề nói: “Nghĩa kia chẳng rõ”.

Tổ nói: “Nghĩa này phải rớt”.

Thầy Đề nói: “Nghĩa kia chẳng thành”.

Tổ nói: “Nghĩa kia chẳng thành, nghĩa cái ta thành vậy”.

Thầy Đề nói: “Nghĩa cái Ta tuy thành, pháp chẳng phải cái Ta vậy”.

Tổ nói: “Nghĩa Ta đã thành, Ta không Ta vậy.

Thầy Đề nói: “Ta không ta thì lại thành nghĩa gì?”

Tổ nói: “Ta mà không ta, nên thành nghĩa của ông”.

Thầy Đề nói: “Thầy nhân giả là ai, mà đắc vô ngã ấy?”

Tổ nói: “Thầy ta là Già Na Đề Bà, chứng Vô Ngã ấy”.

Thầy Đề dùng kệ ca ngợi rằng:

“Kính lễ Đề Bà

Nhân giả ra từ đó

Nhân giả vô ngã vậy

Tôi muốn người làm thầy”.

Tổ dùng kệ đáp rằng:

“Bởi vì ta vốn là vô ngã

Ông cần thấy cái Ngã của ta

Ông nếu muốn coi ta là Thầy

Biết ta chẳng phải Ngã của ta”.

Thầy Nan Đề tâm ý rỗng nhiên, bèn cầu độ thoát.

Tổ nói: “Tâm ông vốn tự tại, chẳng ràng buộc Ngã-Sở”.

Rồi phó bài kệ Chánh Pháp Nhãn rằng:

“Trong Pháp, thật không chứng

Chẳng giữ cũng chẳng lìa

Pháp chẳng tướng Hữu Vô

Trong ngoài chỗ nào khởi”.

Thế nên, biết chuyển Thức thành Trí thì trong khoảng mảy tơ. Còn không thấy cái Chân Thật, rốt cũng là hư vọng.

Kinh:

“Các hành đều vô thường

“Tưởng niệm vốn sanh diệt

“Nhân quả nay khác biệt

“Làm sao được Viên Thông?

Thông rằng: Căn cứ theo pháp môn niệm Phật thì niệm tức là Phật, hành tức là Phật, độc chỉ Tâm là Phật, độc chỉ Tâm làm Phật. Quả và Nhân là một. Vốn chẳng phải khác biệt. Nay Ngài Văn Thù chỉ quy về một đường hướng thượng, nên cho hành là vô thường, niệm thuộc sanh diệt, lấy đó mà cầu quả Phật thường trụ, chắc chẳng thể được.

Thiền sư Tề Kỷ nhân đạo hữu của Hội Liên Xã mời, thượng đường, nói: “Dần dần tóc bạc da mồi, cha trẻ mà con già! Xem coi bước đi suy yếu, nghi chết Thượng Tọa ngốc! Dầu cho vàng ngọc đầy nhà, coi chừng giặc vô hình! Há khỏi suy tàn, già bệnh, hãy nên rất lưu ý! Mặc ngươi ngàn chuyện khoái vui, hắn ta vẫn được tự do! Vô thường rốt cuộc lại đến, về nhà uống trà đi thôi. Chỉ có nẻo tắt tu hành, y cũ đi vòng quanh! Chỉ niệm A Di Đà Phật, niệm được chẳng nên chuyện!”

Lại nói : “Ái chà! Cái con đường sống ấy đã bị Thiện Đạo Hòa Thượng chỉ thẳng rõ ràng ra rồi vậy. Chính các ông sáng tối qua lại trong con đường tắt, vì sao ngay trước mặt mà lầm đi qua A Di Đà Phật. Trong ấy tiến cử được, bèn hay trừ cái chướng mê mờ điên đảo, nhổ mũi tên dụ dự, cắt lưới nghi lầm, dứt sông si ái, chặt phá rừng tâm rậm, rửa tâm uế trược, làm thẳng ngay tâm tà vạy, dứt tuyệt tâm sanh tử. Rồi sau chuyển nhập mé kia, dỡ cao chân, hướng về chỗ Phật Tổ dẫm bước chẳng tới mà tiến một bước! Mở miệng ra, hướng về chỗ Phật Tổ dạy dỗ chẳng tới mà nói một câu! Gọi trở lại Thiện Đạo Hòa Thượng, riêng cầu nẻo tắt tu hành! Nếu mà cứ y theo trước, bỏ cha chạy trốn, lưu lạc phương người, đụng Đông chạm Tây, khổ thay A Di Đà Phật!”

Lại còn Tổ Huỳnh Long Tân, thượng đường rằng: “Ngọc Thanh Châu bỏ vào nước đục, nước đục chẳng thể chẳng trong. Niệm Phật để vào trong tâm rối loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng Phật. Phật đã chẳng loạn, nước đục tự trong. Nước đục đã trong, công quy về đâu?”

Chập lâu, nói: “Mấy độ hắc phong tràn biển lớn, chưa từng nghe nói lật thuyền câu!

“Phàm trọn thu nhiếp sáu Căn, tu pháp môn niệm Phật, là còn dùng nẻo đường công cán. Một phen lột thoát, nơi cái Thấy này xoay cái Nghe thẳng thấu nguồn Tánh, bèn xa lầm lỗi”.

Thật là cái cơ tu chứng Viên Thông Tối Thượng vậy.

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 12998)
Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc.
(View: 14613)
Cũng như những kinh luận liễu nghĩa khác, nội dung của kinh không ngoài việc chỉ cho mọi người thấy được TÁNH PHẬT của chính mình.
(View: 11319)
Kinh Lăng Già gắn liền với Thiền là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Thiền tông, khi Sơ tổ Đạt Ma đem bộ kinh bốn quyển này phó chúc cho Nhị tổ Huệ Khả
(View: 10993)
Nhân khi Phật đi thuyết pháp ở Hải-Long-Vương cung về qua đấy, quỉ vương đi đón Phật và mời Phật vào trong thành Lăng-Ca xin thuyết pháp.
(View: 11784)
Vàng không có tự tánh, nhờ có điều kiện thợ khéo mà có tướng sư tử sinh khởi. Sự sinh khởi ấy sở dĩ có được là do nhân duyên, cho nên nó là duyên khởi.
(View: 12614)
Kính lạy bậc Giác ngộ pháp thật Lìa các phân biệt cùng hý luận Muốn khiến thế gian rời bùn lầy Trong không ngôn thuyết, hành ngôn thuyết.
(View: 13630)
Kinh Phước Đức, một Kinh nói về đề tài hạnh phúc. Kinh được dịch từ tạng Pali và nằm trong bộ Kinh Tiểu Bộ (Khuddhaka-nikāya).
(View: 14184)
Trong khi đi vào thành phố để khất thực, hoặc trong khi đi ra khỏi thành phố, (vị khất sĩ) phải thực tập tư duy như sau:
(View: 34350)
Vì sao gọi nước kia tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh của nước ấy không có các khổ não, chỉ hưởng những điều vui.
(View: 11735)
Trong kinh nầy, Đức Phật giảng rằng Diệu Pháp chỉ tồn tại khi nào pháp hành Tứ Niệm Xứ được tu tập sung mãn.
(View: 13465)
Các đệ tử bậc thánh được chỉ dạy hiểu tâm này như nó thực sự là; do vậy, với đệ tử bậc thánh, có sự thăng tiến tâm.
(View: 13527)
Bộ Kinh “DUY MA CẬT” này, tôn yếu hiển bày pháp môn Bất Nhị. Chính đó là phương tiện của Chư Phật, Bồ Tát thị hiện,
(View: 12213)
VănThù Sư Lợi Ma Ha Bát Nhã ba la mật kinh vốn là mẹ của mười phương chư Phật , pháp môn huyền diệu của tất cả Bồ tát .
(View: 18617)
Tâm Phật thì thường rỗng lặng tròn đầy trong sáng tột bực, thuần là trí huệ Bát Nhã, nơi đó tuyệt nhiên không có một pháp có thể nói được.
(View: 11913)
Đức Phật vì các vị Tỳ kheo trẻ tuổi nói nhiều bài pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, khiến hoan hỷ.
(View: 12340)
“Này các thầy, thế nào gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không? Khi con mắt phát sanh, nó không từ đâu tới cả, và khi hoại diệt, nó không đi về đâu cả.
(View: 12002)
Đại quang minh này là do Thánh Quán Tự Tại Bồ-Tát phóng ra. Ngài vì muốn cứu độ hết thảy các hữu tình đang chịu đại khổ não nên...
(View: 19616)
Trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì?
(View: 13091)
Người thọ Tam quybố thí sự vô uý cho hết thảy chúng sanh, cho nên quy y Phật, Pháp, Tăng, phước đức người ấy không thể kể được.
(View: 11894)
Ngài Phổ Hiền đã từng chứng pháp môn nầy lâu rồi nên lúc dạy ra cho chúng sanh đã làm cho ức ngàn trời người qua được biển khổ.
(View: 13571)
Đây là thông điệp cuối cùng của Đức Phật trao cho hàng đệ tử khi Phật sắp thị tịch niết bàn ở rừng Sala song thụ, thuộc thành Câu-thi-na-yết-la (Kussinagayâ), Ấn Độ.
(View: 16369)
Kinh này được Bụt nói vào khoảng một tháng trước ngày Người nhập diệt, chứa đựng những lời dặn dò đầy tâm huyết của Bụt cho hàng đệ tử xuất gia của Người.
(View: 12366)
Chư Thiện tri thức, pháp môn ta đây lấy Định Huệ làm căn bổn. Đại chúng chớ mê lầm mà nói Định với Huệ là khác nhau.
(View: 12188)
Bạch Thế Tôn ! Vì sao Bồ tát tu thiện vốn ít mà lại gặt quả nhiều, thành tựu nhiều phước báo công đức vô lượng?
(View: 13358)
Những nhân gì mà khiến cho các loài chúng sinh, phải chịu các quả báo sai khác tốt xấu trong lục đạo luân hồi.
(View: 13072)
Khởi ác tâm với Phật, hủy báng, sanh khinh mạn, vào trong địa ngục lớn, thọ khổ vô cùng tận.
(View: 14516)
“Tâm tưởng của hết thảy chúng sinh khác nhau, sự tạo nghiệp của họ cũng khác, nên mới có sự luân chuyển trong mọi thú”.
(View: 13487)
“Ta quán thấy ở cõi Nam Diêm-phù-đề này, trong thời kỳ mạt thế, do sự bạc phước của tất cả chúng sinh,các thứ ác quỷ thần khởi lên các tai nạn não loạn khiến cho chúng sinh không an"..
(View: 13607)
Tôi như Chiên Đà La, phải thanh tịnh thân tâm mà chẳng nên tịnh ăn uống. Tại sao?
(View: 13854)
Đứng trước cảnh tàn sát, lắng nghe tiếng rên siết, tự cảm thấy mình bất lực, mà tụng niệm kinh Kim Cương thì lại thấy tâm hồn dịu lại.
(View: 13327)
Phật dạy: Người đời có sáu điều ác tự lừa gạt và tự gây tổn hại: Mắt bị hình sắc lừa gạt, tai bị âm thanh lừa gạt , mũi bị mùi thơm lừa gạt, ý bị tư tưởng tà vạy lừa gạt.
(View: 13158)
Do lìa chấp, nên gồm thâu tất cả pháp, trụ nơi tri kiến bình đẳng, tức tri kiến chân thật.
(View: 12218)
Tâm bình đẳng như vắng lặng thì tâm ấy vui vẻ, nhu nhuyến tự nó gắn liền với lời dạy của Phật.
(View: 12166)
Trí tuệ kia không chỗ nào không khắp tỏ ngộ, là chỗ coi trọng của tất cả, bởi thế mà không cho đó là sự nhọc nhằn, khổ sở.
(View: 12833)
Kinh chỉ dạy cho ta đường lối phá vỡ và siêu việt những ý niệm ràng buộc ta trong vô minh, sanh tử và khổ đau,
(View: 12876)
Yếu chỉ của Kinh này là dùng nghĩa Duy Thức để phá kiến chấp của ngoại đạo.
(View: 20518)
Đặc điểm kinh này nói về thiên và thần là giữa họ với nhân loại có sự tương quan. Ấy là nhân loại sống theo chánh pháp thì họ được nhờ và họ hộ vệ.
(View: 12457)
Bài kinh ngắn này được trích từ một trong những tuyển tập kinh xưa cổ nhất của Đại thừa Phật giáo, kinh Đại Bảo Tích (Ratnakuta), nói về ý nghĩa tánh Không.
(View: 12552)
Đạo lý căn bản trong Phật-Học, nếu không tín giải đạo lý luân hồi nầy, ắt có thể gặp nhiều chướng ngại khó hiểu ...
(View: 17570)
Giải thâm mậtbộ kinh được đại luận Du dà, các cuốn 75-78, trích dẫn toàn văn, trừ phẩm một (Chính 30/713-736).
(View: 13143)
Bồ Tát khi tu pháp Bố-thí, không nên trụ chấp các tướng; nghĩa là không nên trụ chấp tướng sáu trần...
(View: 15789)
Chúng sanh căn cơ, tâm bịnh, sở thích vô cùng. Giáo môn của Phật, Bồ Tát cũng chia ra vô lượng.
(View: 16709)
Cuối lạy đấng Tam Giới Tôn, quy mạng cùng mười phương Phật, con nay phát nguyện rộng, thọ trì Kinh Di Đà.
(View: 13512)
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào tu học theo pháp hồi hướng này thì nên biết rằng người ấy chắc chắn đạt được Vô sanh Pháp nhẫn, có thể độ tất cả chúng sanh chưa được độ, đem lại cho vô lượng chúng sanh sự an lạc.
(View: 12701)
Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức, một là có, hai là không. Đây là hai quan niệm vướng mắc vào cái tri giác sai lầm.
(View: 12404)
Kinh Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn trong bộ Niết Bàn là một bộ kinh tiêu biểu của Phật giáo Bắc truyền do Đại sư Pháp Hiển (380-418/423), thời Đông Tấn dịch.
(View: 12421)
Trong các pháp ấy, không có chứng đắc, không pháp sở-dụng, không có bồ-đề. Thông đạt như thế, mới được gọi là chứng đắc đạo-quả vô thượng chính-đẳng chính-giác.
(View: 13661)
Pháp-Ấn này là cửa ngõ của ba pháp giải thoát, là căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là nơi chư Phật đạt đến.
(View: 17043)
Phật bảo các vị tỳ kheo rằng ở trong thế gian có ba pháp không đáng mến, không thông suốt, không đáng nghĩ đến, không vừa ý. Ba pháp đó là gì?
(View: 13812)
Đây chính là lời của tất cả Phật thời quá-khứ đã giảng, tất cả Phật thời vị-lai sẽ giảng và tất cả Phật thời hiện-tại đương giảng.
(View: 13134)
Đây là những điều mà tôi được nghe hồi Phật còn cư trú tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ-đà, gần thành Xá Vệ.
(View: 12262)
Tạo hình tượng Phật hoặc hình tượng Bồ Tát, là việc làm có một ý nghĩa cao quý và gây một cái nhơn công đức, phước đức lớn lao.
(View: 20424)
Ngài Quán Tự tại Bồ Tát, sau khi đi sâu vào Trí huệ Bát Nhã rồi, Ngài thấy năm uẩn đều "không" (Bát Nhã) nên không còn các khổ.
(View: 11677)
Quốc độ của đức Phật đó đẹp đẽ thanh tịnh, ngang dọc bằng thẳng trăm ngàn du- thiện-na, đất bằng vàng cõi Thiệm Bộ.
(View: 11737)
Phật nói hết thảy chúng sinh, ở trong bể khổ, vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn-lộn …
(View: 10843)
Nếu có chúng sanh nghe được Vô Lượng Thọ Trí Quyết Định Vương Như Lai 108 Danh Hiệu tức được thọ mạng dài lâu.
(View: 11517)
Này các Tỳ-khưu, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta.
(View: 11420)
Người có trí gấp làm việc thiện, tránh ác gian như tránh vực sâu. Việc lành, lần lữa, không mau, tâm tà dành chỗ, khổ đau tới liền.
(View: 10463)
Thế nào là Tỳ-khưu giới hạnh cụ túc? Ở đây, Tỳ-khưu từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót...
(View: 12199)
Các pháp, tư tác dẫn đầu, tư tác, chủ ý bắc cầu đưa duyên, nói, làm lành tốt, thiện hiền, như hình dọi bóng, vui liền theo sau.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant