PHẦN BỐN
TRỪ BỎ
NGŨ CÁI
Trước nói ngũ dục là năm điều ham muốn do ngoại trần phát sinh, nay nói ngũ cái là những ý niệm không tốt che lấp tâm thức, không thấy được sáng suốt.
Ngũ cái là: tham dục, sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi.
1)Tham dục cái:
Là sự che lấp do lòng tham muốn.
Phàm phu chẳng những tham muốn ngoại cảnh hiện tiền mà cả trong lúc ở một mình, cho đến trong lúc tọa thiền, cũng nhớ lại những cảnh ưa thích mà sinh lòng ham muốn.
Người tu hành cần suy xét rằng: sống theo đạo Phật là cốt để được giải thoát khỏi các sự ràng buộc thế gian, nếu tâm còn ham muốn những điều ngũ dục trong thế gian thì quyết không giải thóat được. Các điều ngũ dục, lúc chưa được mà cầu cũng khổ, khi được rồi thì lo sợ nhiều điều và đến khi mất thì buồn rầu tức bực, thật không có gì đáng gọi là vui. Các người tu theo ngoại đạo, còn cố gắng rời bỏ ngũ dục để được lên cõi trời sơ thiền, huống nữa người tu đạo giải thoát muốn ra khỏi ba cõi mà lại không trừ bỏ ngũ dục! Ba cõi như nhà lửa, ở trong nhà lửa mà còn ham chơi bời thì thật là dại dột. Vì thế, người tu hành cương quyết trừ bỏ ngũ dục, chỉ vui với thiền định, với đạo giải thóat, chứ không vui với cái gì khác. Người tu hành phải biết nếu buông lung lòng tham muốn thì không rời khỏi Ba cõi được. Nếu ưa đắm sự dâm dục thì không rời khỏi Dục giới. Nên cương quyết trừ bỏ Tham dục cái.
2. Sân nhuế cái:
Là sự che lấp do lòng hờn giận.
Kẻ phàm phu khi có người khác chọc tức mình, hoặc chọc tức người thân yêu của mình, hoặc khi nghe người khác khen ngợi kẻ thù của mình thì sanh lòng hờn giận. Hờn giận rồi sinh oán thù, làm cho tâm bực tức, rối loạn, mất sự sáng suốt. Đức Phật đã dạy: "Diệt lòng giận thì an vui, diệt lòng giận thì không lo. Lòng giận là cội gốc của các tội ác, lòng giận diệt trừ tất cả hạnh lành". Lòng giận có những tác hại như thế, nên người tu hành cần tu pháp Từ Bi, Nhẫn nhục để diệt trừ, làm cho tâm được thanh tịnh.
3. Thụy Miên cái:
Là sự che lấp do tâm sở thụy miên. Khi trong tâm mờ tối thì gọi là thụy, khi giấc ngủ mê man thì gọi là Miên. Vậy thụy miên tức là thiếp ngủ. Người thế gian sau khi làm việc mệt mỏi, cần ngủ nghiû cho lại sức để về sau có thể tiếp tục làm việc. Người tu hành khi vào thiền định thì tâm thức được nghỉ ngơi hơn cả lúc thiếp ngủ, nên không cần phải ngủ nghỉ nhiều quá. Nếu trong lúc tu thiền định mà cứ muốn thiếp ngủ thì đường tu trễ nải, không do đâu mà giác ngộ được. Mạng người vô thường, mỗi ngày càng đi gần đến cái chết, lẽ đâu tham ngủ mà tự dìm mình mãi trong bể khổ, biết bao giờ ra khỏi, trong lúc đã may mắn học được đạo giải thoát của chư Phật.
4. Điệu hối cái:
Là sự che lấp do tâm sở điệu cử và tâm sở ố tác.
Điệu cử là tâm sở kết đồng với khắp bảy thức trước, đó là một đại tùy phiền não, làm cho móng tâm từ nơi này sang nơi khác, không ở yên được một chỗ. Thân ưa múa men, đi chạy, miệng ưa ngâm nga, cải cọ, ý ưa buông lung, nghĩ việc này sang việc khác. Đó là tác dụng của Điệu cử. Điệu cử phá người tu hành làm cho không nhiếp niệm được, do đó không có thiền định và trí tuệ, nên cần phải trừ bỏ.
Ố tác là ăn năn những việc xấu ác đã làm. Người tu hành, nếu trước có phạm tội lỗi thì cần phải sám hối, và dầu tội nặng, nhưng khi đã thật tâm sám hối thì không nên lo nghĩ gì nữa để cho tâm được an vui, có khả năng tu hành theo chánh pháp. Nếu ôm lòng ăn năn mãi thì lại thành một sự trở ngại cho việc tu tập. Lại có người tu hành mà thắc mắc Điệu cử mà hóa ra ăn năn rồi không muốn tu tập nữa. Tâm sở ố tác này cũng là một trở ngại trên đường tu tập, nên phải diệt trừ.
5. Nghi cái:
Là sự che lấp do lòng nghi ngờ khiến cho tín tâm không vững chắc đối với Phật Pháp, ngăn trở sự tu tập; không có kết quả.
Nghi có ba thứ:
a)nghi mình: nghi mình căn cơ thấp kém, tội lỗi nặng nề, không thể thực hànhchỉ Quán được. Muốn trừ lòng nghi đó, cần nêu rõ tất cả chúng sanh đều có Phật tính và nên xét hiện nay gặp được Phật Pháp không phải là ngẫu nhiên mà là do nhân duyên thiện căn đời trước; thiện căn đó khó mà lường hết được. Vì thế người tu hành không nên tự khinh, nghi mình không thể tu tập Chỉ Quán được.
b)Nghi Thầy: Thấy vị Thầy có một vài chỗ thiếu sót mà nghi rằng vị đó không thể chỉ dạy Phật Pháp được. Lòng nghi nầy thường thường kèm theo với ngã mạn, rất có hại cho sự tu tập Chỉ Quán. Phật đã dạy:" Y pháp bất y nhân". Vị Thầy dẫu thế nào cũng chỉ lặp lại những lời Phật dạy mà thôi. Trong những lời Phật dạy, chỗ nào đã hiểu rõ ràng, nhận là đúng đắn thì đó là pháp thích hợp với căn cơ của mình, cần phải phát lòng tin chắc chắn, không nên vì vị Thầy mà nghi hoặc.
c)Nghi Pháp: Có người nghe được Phật Pháp, tự mình suy xét nhận là đúng đắn, nhưng lại cứ chấp chặt những ý niệm sai lầm của thế gian, đã tiến một bước lại lùi một bước, không phát sinh được lòng chánh tín. Người đó nên biết tội chướng sâu nặng của mình mà phát tâm sám hối, cố gắng suy nghĩ học tập về Phật Pháp nhiều hơn nữa để phát được lòng tin chắc chắn. Chỉ khi nào phát được lòng tin chắc chắn thì trên con đường tu tập mới mong có kết quả.
Ngũ cái là
năm sự trở ngại lớn nhất trên con đường thực hành Chỉ
Quán. Mặc dầu trần lao phiền não còn nhiều, nhưng trừ được
ngũ cái thì tâm đã yên vui thanh tịnh và có khả năng thiết
thực để tu tập Chỉ Quán.