Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Quyển 6

12 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 9677)
Quyển 6


THIỆN ÁC NGHIỆP BÁO

(CHƯ KINH YẾU TẬP)

No. 2123

thien_ac_nghiep_bao_0


QUYỂN 6

VIII. THỤ TRAI

VIII.1. Lời dẫn

Sở dĩ chính pháp được lưu truyền rộng rãi là nhờ kinh điển. Phúc điền sở dĩ được tăng trưởng là do giữ trai giới. Vì thế, nhịn một bữa ăn để cúng dường thì được phúc giàu sang; giúp người một đồng thì được quả báo thù thắng hơn cõi trời. Do đó, nên quí trọng ruộng phúc, xem nhẹ tiền tài, cùng nhau lập hội Vô-già[81] sẽ được phúc đức vô lượng.

VIII.2. Chứng minh

Kinh Cựu tạp thí dụ[82] ghi: “Ngày xưa, có một người giàu sang thỉnh Phật đến nhà thụ trai. Lúc ấy, một người đàn ông đến nhà ấy bán sữa bò, được chủ nhà mời ở lại ăn cơm và dạy cách thụ trì trai giới. Sau khi thụ trai và nghe pháp xong, ông trở về nhà. Người vợ nói:

- Thiếp chờ chàng từ sáng sớm đến giờ nên chưa ăn cơm.

Nói xong, cô cố ép buộc người chồng ăn, phá tâm giữ trai giới của chồng. Tuy vậy, sau khi chết ông ấy vẫn được bảy lần sinh lên cõi trời, bảy lần sinh xuống nhân gian”.

Đức Phật dạy:

- Một ngày trì trai thì được sáu mươi vạn năm giàu sang, lại có năm điều phúc:

1. Ít bệnh.

2. Thân thể được an ổn.

3. Tâm dâm nhẹ mỏng.

4. Ít ngủ mê.

5. Được sinh lên cõi trời và biết được việc làm đời trước của mình.

Lại nữa, một hôm vua Ba-tư-nặc muốn ban thưởng cho phu nhân Mạt-lợi chuỗi bảy báu, nên vua cho triệu bà đến. Gặp ngày trai nên phu nhân mặc y phục giản dị vào cung. Thế nhưng, trong sáu vạn phu nhân, Mạt-lợi lại rực rỡ như mặt trời, mặt trăng, xinh đẹp hơn hẳn ngày thường. Vua trông thấy, vô cùng kinh ngạc và càng yêu quí, liền hỏi:

- Phu nhân tu công đức gì mà dung mạo rạng rỡ khác thường như vậy?

Phu nhân thưa:

- Thiếp tự nghĩ mình kém phúc nên mới thụ thân người nữ, hình thể dơ bẩn, mạng sống ngắn ngủi. Vì sợ đọa vào ba đường ác, nên hằng ngày thiếp lễ Phật, thụ trai, lìa bỏ tình ái, tu theo chính pháp, để đời đời được phúc. Xin bệ hạ cho thiếp đem chuỗi bảy báu này dâng lên cúng dường Đức Phật.

[47c] Kinh Trung a-hàm[83] ghi: “Bấy giờ, Lộc tử mẫu Tì-xá-khư[84], sáng sớm tắm gội, mặc áo trắng sạch, dẫn con, dâu và quyến thuộc đến chỗ Đức Phật đỉnh lễ và bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Nay con muốn thụ trì trai pháp!

Đức Phật hỏi:

- Này nữ cư sĩ! Hôm nay bà muốn trì pháp trai nào? Có ba loại trai :

1. Trì trai như mục đồng[85]

2. Trì trai như ni-kiền[86]

3. Trì trai như tám chi thánh trai[87].

Thế nào là trì trai như mục đồng? Buổi sáng đứa trẻ thả trâu ra đầm, buổi chiều dẫn trâu về thôn. Khi dẫn trâu về thôn, nó lại suy nghĩ: “Ngày nay ta thả trâu ở nơi này, ngày mai thả trâu ở chỗ khác. Hôm nay ta cho trâu uống nước ở nơi này, ngày mai cho trâu uống nước ở chỗ khác. Ngày nay ta cột trâu nghỉ ở nơi này, ngày mai cột trâu nghỉ ở chỗ khác”. Cũng thế, có người lúc trì trai mà lại suy nghĩ: “Hôm nay ta ăn thức ăn này, ngày mai ăn thức ăn khác. Hôm nay ta uống nước này, ngày mai uống nước khác. Hôm nay ta ăn uống thế này, ngày mai ăn uống thế nọ”. Người này ngày đêm luôn tham dục. Đó là trì trai như mục đồng. Nếu người trì trai như thế thì không được nhiều lợi ích, không có quả báo tốt, không được công đức lớn và cùng khắp.

Thế nào là trì trai như ni-kiền-tử? Người xuất gia theo ngoại đạo Ni-kiền, luôn khuyên người khác rằng: “Để bảo vệ chúng sinh ngoài một trăm do-tuần về phía đông, ngươi hãy buông bỏ đao gậy. Đối với phương nam, tây, bắc cũng như thế. Hoặc họ cởi bỏ y phục để lõa thể và nói: “Ta không có cha mẹ, vợ con”. Họ khuyên mọi người bằng lời nói giả dối như thế mà cho là chân đế. Hoặc họ hành các tà pháp như khổ hạnh nhịn đói… Nếu người trì trai giới như vậy, cũng không được nhiều lợi ích, không có hiệu quả lớn, không được nhiều công đức và cùng khắp.

Thế nào là tám chi thánh trai? Đó là thánh đệ tử đa văn khi trì trai, nên suy nghĩ: “Bậc A -la-hán trọn đời xa lìa nghiệp sát sinh, buông bỏ đao gậy, biết tàm quí, có tâm từ bi, làm lợi ích tất cả chúng sinh, cho đến với loài côn trùng, tâm đã trừ sạch nghiệp sát. Suốt đời vị ấy không ăn phi thời, chỉ ăn ngày một bữa, không ăn ban đêm, thích ăn đúng giờ. Ta thực hành chi này cũng giống như bậc a-la-hán, cho nên nói là trai”. Người ấy đã tu tám chi thánh trai rồi, phải luôn suy nghĩ: “Trên đây là pháp thanh tịnh xuất thế của Đức Như Lai Vô Sở Trước v.v.., giúp xa lìa pháp bất thiện cấu uế”.

[48a] Nếu thiện nữ nhân tu tám chi thánh trai, khi mạng chung được sinh vào sáu tầng trời cõi Dục[88], sau đó chứng quả A-la-hán.

Kinh Bồ-tát thụ trai[89] ghi: “Con tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng. Thân con đã tạo nhiều nghiệp ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Nay con đã từ bỏ, bao nhiêu ngày đêm thụ trì Bồ-tát trai , tự quy y bồ-tát”.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

- Vào ngày trai của bồ-tát có mười điều cấm:

1. Không được thoa phấn sáp, ướp nước hoa vào thân

2. Không được ca múa, đánh trống, đàn hát

3. Không được nằm giường cao rộng

4. Không được ăn sau giờ Ngọ

5. Không được cất giữ vàng bạc, châu báu

6. Không được ngồi xe bò, xe ngựa

7. Không được đánh trẻ em, nô tì, súc sinh

8. Dùng trai này bố thí để được phúc.

Vào ngày trai, khi đi ngủ bồ-tát phải đến trước bàn Phật chắp tay bạch rằng: “Hôm nay tất cả mười phương, nếu có người trì trai, thực hành lục độ[90], con đều giúp người ấy được an ổn, vui vẻ, ban phúc khắp mười phương. Tất cả nhân và phi nhân[91] v.v… ở nơi nguy khốn, khổ sở đều được hưởng phúc, thoát khỏi sầu khổ, đời sau sinh lại làm người sẽ được an ổn, vui vẻ, giàu có vô cùng”.

9. Không được ăn hết thức ăn trong bát.

10. Không được gần gũi, cười đùa hoặc ngồi cùng chiếu với người nữ. Người nữ cũng như vậy.

Đây là mười giới, không được vi phạm và dạy người khác phạm, cũng không được xúi người cố phạm.

Khi thực hiện pháp giải bồ-tát trai, phải nói:

- Nam-mô Phật, nam-mô pháp, nam-mô tì-kheo tăng, suốt mấy ngày đêm con trì trai giới của bồ-tát, nhờ tu bố thí, được thành tựu sáu pháp ba-la-mật, cũng như lục độ vạn hạnh của bồ-tát.

Một ngày một đêm trì trai được phân làm ba thời, ngồi thiền, tụng kinh, ngủ nghỉ. Đây là pháp trai của bồ-tát.

[48b] Ngày trì trai bồ-tát: từ ngày 14 tháng giêng trì trai đến ngày 17 thì giải; ngày mùng 8 tháng 4 trì trai đến ngày 15 thì giải; ngày mùng 1 tháng 7 trì trai đến ngày 16 thì giải; ngày 14 tháng 9 trì trai đến ngày 16 thì giải.

Giải thích:

Đã trì trai rồi, nếu muốn giải thì phải đợi minh tướng[92] xuất hiện mới được ăn cháo. Nếu không làm đúng như vậy là phá trai. Thế nào là minh tướng? Như luận Tát-bà-đa[93] ghi: “Minh tướng có ba màu. Khi mặt trời chiếu vào thân cây diêm-phù-đề thì có màu đen; chiếu trên lá thì có màu xanh; chiếu qua ngọn cây thì có màu trắng. Trong ba màu này, màu trắng là chính, nên lúc ánh mặt trời có màu trắng mới được xả giới và ăn cháo”.

Lại nữa, luật Tăng-kỳ[94] ghi: “Lúc Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở phía nam có một ấp tên là Đại Lâm. Bấy giờ, một thương nhân dẫn tám con trâu đi về phía bắc đến nước Câu-đa, thương nhân thả trâu trong một cái đầm. Lúc đó, có một người Li-xa[95] bắt được một con rồng nữ muốn giết ăn thịt. Do rồng này đã thụ giới Bồ-tát, không có tâm giết hại, nên để cho người Li-xa xỏ mũi dẫn đi. Thương nhân thấy vậy, liền khởi lòng từ, hỏi người Li-xa rằng:

- Ông bắt con rồng này để làm gì?

Người Li-xa đáp:

- Tôi muốn giết nó ăn thịt.

Thương nhân nói:

- Xin ông đừng giết. Ta cho ông một con trâu để đổi lấy con rồng kia.

Người Li-xa không chấp nhận, thương nhân liền đem cả tám con trâu để đổi rồng thì người Li-xa nói:

- Thịt rồng ngon hơn, nhưng nay ta vì ông mà thả nó.

Lúc sắp thả rồng đi, thương nhân suy nghĩ: ‘Bọn họ rất hung ác, nếu ta thả rồng đi, e rằng họ đuổi theo bắt lại’. Nghĩ thế rồi, thương nhân thả rồng trong một đầm khác và đi theo xem. Rồng biến thành người và nói với thương nhân rằng:

- Ngài đã cứu tôi, nay tôi muốn báo ơn. Ngài hãy vào cung để tôi đền đáp.

Thương nhân đáp:

- Bản tính của loài rồng vốn hung dữ, sân giận vô chừng, có thể giết hại ta bất cứ lúc nào.

Rồng đáp:

- Tôi không làm thế đâu. Trước đây, người kia bắt tôi; sức của tôi có thể giết họ, nhưng vì tôi đã thụ giới Bồ-tát nên hoàn toàn không còn tâm giết hại. Huống gì ngài cứu sống tôi mà tôi lại giết sao? Nếu ngài muốn đi, hãy ở đây đợi tôi giây lát, để tôi vào trước sắp xếp.

Nói xong, rồng liền vào cung. Lát sau, thương nhân đến cổng thấy hai con rồng bị trói vào cột, liền hỏi:

- Tại sao các ngươi bị trói ở đây?

Hai con rồng đáp:

- Mỗi nửa tháng, long nữ trì trai ba ngày, anh em tôi có trách nhiệm bảo vệ long nữ, nhưng vì không canh giữ cẩn thận để long nữ bị người Li-xa bắt. Do đó, chúng tôi bị phạt trói ở đây. Xin ngài thương xót nói giúp để long nữ thả anh em chúng tôi!

Long nữ sắp xếp xong, liền mời thương nhân vào cung, ngồi trên giường báu. Long nữ thưa:

- Trong cung rồng có nhiều thức ăn, có loại ăn vào suốt đời mới tiêu hết, có loại ăn vào hai mươi năm mới tiêu hết, có loại ăn vào bảy năm mới tiêu hết, cũng có thức ăn của người ở cõi Diêm-phù-đề. Chẳng hay ngài thích dùng loại nào?

Thương nhân đáp:

- Tôi muốn dùng thức ăn của cõi Diêm-phù-đề.

Long nữ liền mang nhiều thức ăn, nước uống ra dâng cho thương nhân.

[48c] Thương nhân hỏi long nữ:

- Tại sao hai con rồng này bị trói?

Long nữ đáp:

- Chúng phạm tội nên tôi muốn giết.

Thương nhân nói:

- Ngươi đừng giết, chúng không đáng giết. Ngươi thả chúng ra ta mới ăn.

Long nữ nói:

- Tôi không thể hoàn toàn tha cho chúng được, phải phạt đuổi xuống nhân gian sáu tháng.

Thương nhân thấy cung điện loài rồng được trang hoàng vô số bảy báu, liền hỏi:

- Ngươi có nhiều châu báu đẹp như thế, thụ giới Bồ-tát làm gì?

Long nữ đáp:

- Loài rồng chúng tôi có năm thứ khổ. Đó là: lúc sinh, khi ngủ, khi dâm dục, khi sân giận, khi chết. Trong một ngày có ba lần da thịt rơi xuống đất, cát nóng bám đầy thân.

Thương nhân hỏi:

- Ngươi muốn cầu điều gì?

Long nữ đáp:

- Tôi thích sinh vào loài người. Vì loài súc sinh rất khổ sở, lại không biết Phật pháp. Vì thế tôi muốn theo Phật xuất gia.

Nói xong, long nữ liền mang cho ông ấy tám chiếc bánh bằng vàng và nói:

- Số vàng này đủ cho cha mẹ, quyến thuộc của ngài dùng suốt đời không hết.

Long nữ lại nói:

- Ngài hãy nhắm mắt lại.

Long nữ liền dùng thần thông đưa ông ta về quê nhà. Thương nhân đem tám chiếc bánh bằng vàng trao cho cha mẹ. Vì đó là vàng của loài rồng, nên cắt dùng rồi lại sinh, tiêu xài suốt đời cũng không hết”.

Tụng rằng:

Không tham đắm vị ngon,

Giữ thân, sống cần kiệm,

Khi ngồi đủ dung nghi,

Năm vạn đời giàu sang,

Hương giới bay ngào ngạt,

Cửa tâm đóng càng chặt,

Chớ bảo gian khổ suông,

Cuối cùng khỏi nguy hiểm.

IX. PHÁ TRAI

IX.1. Lời dẫn

Xét kỹ cội rễ của vô thường, khổ, không; nghĩ thấu nguồn gốc của sinh, già, bệnh, chết; thương cho nỗi khổ bị “treo ngược” lâu dài, xót cho nạn theo dòng chìm nổi. Nghĩ đến những nguy hiểm này thật đáng kinh sợ! Vì ruộng phúc mỏng, nên của tín thí khó tiêu; giữ trai giới không bền như bình gốm chưa nung dễ vỡ, như sương móc dễ tan. Thế mà, con người tâm nhân ngã cứ tăng mạnh, lòng chấp trước chặt như keo sơn, không sợ tai ương nhiều kiếp, chỉ lo mạng sống trong một đời, ham ăn mê ngủ chẳng khác gì loài chó, phá trai ăn đêm tựa như loài ngạ quỉ. Do đó, thí chủ mất phúc cúng dường, chúng tăng bạc màu ruộng tốt.

IX.2. Chứng minh

[49a] Kinh Xá-lợi-phất vấn ghi: “Xá-lợi-phất bạch Đức Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Có các đàn-việt xây dựng tăng-già-lam, cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng. Đời sau có người xuất gia, phi thời đến gặp vị tăng coi về ăn uống xin cơm. Vậy hai người ấy bị tội gì? Đàn-việt cúng dường được phúc không?

Đức Phật dạy:

- Người ăn phi thời là người phạm giới, phạm tội trộm cắp. Người cho phi thời cũng là phá giới, phạm tội trộm cắp. Trộm vật của đàn-việt là lấy vật mà thí chủ không cho, hoặc lấy mà không được thí chủ đồng ý; như vậy, thí chủ không có phúc, vì bị mất vật, nhưng vẫn được thiện lợi do phát tâm làm thức ăn.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Khi thụ nhận thức ăn và ăn đúng thời mà không hết, đến lúc phi thời lại ăn tiếp; hoặc thức ăn nhận đúng thời, nhưng để đến phi thời mới ăn thì được phúc không?

Đức Phật dạy:

- Người ăn đúng giờ là thanh tịnh, tức là phúc điền, là người xuất gia, là tăng-già, là bạn tốt, là thầy của trời và người. Người ăn phi thờibất tịnh, là phá giới, là trộm cắp, là ngạ quỉ, phạm tội đào tường khoét vách.

Khi có người, phi thời đến xin, nếu người quản lý thức ăn cho thì người đó thoái tâm đạo, là ác quỉ, là tam ác đạo, là vật bị bể, là người bị bệnh hủi; vì như vậy là phá hoại quả lành, trộm cắp tự nuôi sống bản thân. Các bà-la-môn còn không ăn phi thời, hàng ngoại đạo Phạm chí cũng không kiếm ăn bằng nghề phi pháp, huống gì đệ tử của Ta, hiểu biếtthực hành theo chính pháp mà làm như vậy sao? Những người phạm như thế chẳng phải đệ tử của Ta. Đó là người không có phép tắc, là người hành không đúng pháp, trộm thức ăn. Trộm cho và trộm lấy, dù một nắm nhỏ hoặc một nhúm muối hay một ngụm rượu đều phạm tội trộm. Cả hai khi chết đều bị đọa vào địa ngục Tiêu Trường, nuốt hòn sắt nóng; khi ra khỏi địa ngục, sinh vào loài heo chó, ăn các thứ bất tịnh; lại sinh làm loài chim dữ có tiếng kêu khiến người ghê sợ, sau đó sinh vào loài ngạ quỉ, trở lại chốn già-lam, ở trong nhà xí ăn những thứ phân dơ, trải qua trăm nghìn năm. Chịu tội xong, được sinh vào loài người, nhưng làm kẻ nghèo cùng, hạ tiện, bị người ghét bỏ, không ai tin dùng. Trộm vật của một người thì tội còn nhẹ, cướp đoạt vật của nhiều người thì ruộng phúc tiêu tan, đoạn mất con đường xuất thế”.

Kinh Kiền-đà quốc vương[96] ghi: “Lúc Đức Phật còn tại thế, có vị quốc vương tên Kiền-đà phụng thờ bà-la-môn. Các bà-la-môn ở trong núi trồng nhiều cây trái. Một hôm, có tiều phu chặt phá cây trái, bà-la-môn trông thấy, liền bắt người ấy đưa đến vua, tâu rằng: ‘Người này vô cớ chặt phá cây trái của tôi, đại vương hãy giết ông ta’. [49b] Vua kính thờ bà-la-môn nên không dám trái ý, liền giết người kia. Sau đó không lâu, có một con trâu ăn lúa, bị người chủ ruộng đuổi theo đánh gãy một sừng, máu chảy đầy mặt, đau đớn vô cùng. Trâu chạy đến chỗ vua tâu rằng:

- Tôi chỉ vô ý ăn một ít lúa của người kia, mà chủ ruộng đánh gãy sừng của tôi.

Lúc ấy, người kia cũng vừa đuổi đến. Vua hiểu được tiếng của chim thú, nên nói với trâu rằng:

- Ta sẽ giết người này giúp ngươi.

Trâu liền thưa:

- Nay dù ngài giết chết người này cũng không thể làm cho tôi hết đau. Xin vua ra lệnh cho mọi người từ nay về sau không nên đánh những con trâu nữa!

Vua liền suy nghĩ: ‘Những bà-la-môn mà ta phụng thờ, chỉ vì mấy gốc cây bị đốn mà bảo ta giết người. Họ thật không bằng con trâu này. Ta thờ đạo này mà không thoát khỏi sinh tử thì đâu cần phải theo nữa?’.

Vua liền đến chỗ Phật, năm vóc gieo sát đất đỉnh lễ Đức Phật, xin thụ ngũ giớithập thiện.

Đức Phật dạy:

- Người nào bố thí, trì giới thì ngay đời hiện tại được phúc đức; còn tu nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ thì công đức vô lượng, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời.

Khi nghe Đức Phật nói xong, vua vô cùng hoan hỉ, liền đắc quả Tu-đà-hoàn”.

A-nan bạch Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Vua và con trâu này vốn có nhân duyên gì với nhau?

Đức Phật dạy:

- Thuở xưa, vào thời Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni[97], vua và con trâu này là hai anh em ưu-bà-tắc, cùng thụ trì trai giới một ngày một đêm. Người anh giữ giới tinh tiến, không dám lười biếng, đến lúc mạng chung được sinh lên cõi trời; thụ mạng ở cõi trời hết, sinh xuống nhân gian làm quốc vương. Người em phạm trai giới ăn đêm, nên khi chết phải chịu tội. Chịu tội xong, lại sinh làm thân trâu năm trăm kiếp, nhưng vẫn biết được việc đời trước của mình, nên đến khai ngộ cho vua. Bảy ngày sau, trâu chết, liền được sinh lên cõi trời.

Đức Phật lại dạy:

- Bốn chúng đệ tử phải thụ trì trai giới, không được tái phạm!

Kinh Pháp cú dụ[98] ghi: “Bấy giờ, Đức PhậtKỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên thuộc nước Xá-vệ, thuyết pháp cho hàng trời, rồng, quỉ thần nghe. Về phía đông, tại nước Uất-đa-la-bà-đề, có năm trăm bà-la-môn v.v… cùng nhau đến ba cái ao thần bên bờ sông Hằng tắm gội sạch sẽ, khỏa thân để cầu pháp tiên như pháp của ni-kiền-tử[99]. Do đầm quá lớn, nên họ lạc lối không thể qua được, trên đường đi bị thiếu lương thực. Từ xa họ trông thấy một cây lớn tỏa thần khí, lầm tưởng có người ở, bèn đi về đó, nhưng khi đến nơi thì không thấy ai. Các bà-la-môn khóc gào thảm thiết, đói khát khổ sở, sắp chết tại đầm ấy.

Thụ thần hiện ra hỏi các Phạm chí:

- Các đạo sĩ từ đâu đến và muốn đi đâu?

Các Phạm chí cùng đáp:

- Chúng tôi muốn đến ao thần tắm rửa mong được thành tiên, nay bị đói khát. Xin ngài thương xót cứu giúp!

[49c] Thụ thần liền đưa tay ra thì trăm món thức ăn uống từ tay tuôn ra, mọi người chẳng những ăn uống no đủ mà còn dư làm lương thực đi đường.

Lúc sắp ra đi, họ đến hỏi vị thần:

- Ngài tạo công đức gì mà có điều kỳ diệu như vậy?

Thụ thần kể với Phạm chí:

- Ngày xưa, tôi ở nước Xá-vệ, lúc ấy trong nước có một vị đại thần tên Tu-đạt cúng dường thức ăn cho Đức Phậtchúng tăng. Tu-đạt ra chợ mua sữa, nhưng không có người mang về, ông nhờ tôi mang đến dâng cúng Phậtchúng tăng. Khi đến tinh xá, ông sai tôi pha sữa và múc nước rửa tay, nhờ đó mà nghe được giáo pháp. Tôi vô cùng vui mừng, hết lòng khen ngợi, liền phát tâm trì trai, nên đến chiều về nhà không ăn. Vợ tôi ngạc nhiên hỏi:

- Chẳng hay chàng hờn giận điều gì mà không ăn cơm?

Tôi kể lại chuyện gặp trưởng giả Tu-đạt dâng cơm cúng Phật ở trong vườn, ông ấy mời tôi đến thụ Bát quan trai. Vợ tôi nghe xong, nổi giận nói rằng: ‘Cù-đàm phá hoại tập tục, sao có thể chấp nhận được? Ông bỏ đạo đó ngay, nếu không sẽ mang họa vào thân’.

Vợ tôi cứ ép buộc mãi, nên tôi phải ăn cơm, nửa đêm đó mạng chung. Do phá trai giới, và nghiệp chướng chưa dứt, nên thần thức tôi sinh làm thụ thần ở đầm này. Nhưng nhờ phúc mang sữa đến tinh xá mà nay tay tôi tuôn ra nhiều thức ăn như vậy. Nếu thụ trì trai giới trọn vẹn thì tôi được sinh lên cõi trời, hưởng phúc tự nhiên.

Thụ thần nói cho các Phạm chí nghe bài tụng rằng:

Cúng tế gieo gốc họa,

Ngày đêm cành nó lớn,

Luống khổ hại thân mình,

Pháp trai độ trời người”.

Kinh Bách duyên[100] ghi: “Bấy giờ, Đức Phật trú tại Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên thuộc nước Xá-vệ. Đầu đêm, có năm trăm thiên tử, toàn thân tỏa ánh sáng rực rỡ, mang hương hoa đến cúng dường Phật. Sau khi đỉnh lễ Đức Phật xong, các thiên tử lui lại ngồi một bên nghe Đức Phật thuyết pháp. Tất cả đều đắc quả Tu-đà-hoàn, họ nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi trở về thiên cung.

Đến sáng hôm sau, A-nan bạch Đức Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà chư thiên đến cúng dường như thế?

Đức Phật bảo A-nan:

- Vào thời quá khứ, khi Phật Ca-diếp còn trụ thế, có hai vị bà-la-môn theo quốc vương đến đỉnh lễ, thăm hỏi Đức Phật. Trong đoàn có một ưu-bà-tắc khuyên hai vị bà-la-môn cùng thụ trai pháp. Người thứ nhất trì trai để cầu sinh lên cõi trời, người thứ hai cầu sinh làm quốc vương.

Thụ trai pháp xong, hai người trở về trú xứ. Các bà-la-môn nói:

- Chắc hai ông đã đói khát, hãy ăn uống cùng chúng tôi!

Họ ân cần mời mãi, nên vị cầu sinh lên cõi trời liền ăn. Do phá trai, nên sở nguyện không thành tựu, sau khi mạng chung ông ta bị đọa vào loài rồng. Còn người giữ giới, thì sinh làm quốc vương. Do đời trước hai người cùng thụ trai, nên con rồng sinh vào cái ao trong vườn của quốc vương.

[50a] Người giữ vườn, hàng ngày thường đem các loại rau quả dâng lên cho vua. Một hôm, người giữ vườn nhặt được trong ao một loại trái cây, màu sắc rất đẹp, hương vị thơm ngon. Ông suy nghĩ: ‘Ta ra vào nơi đây, thường được người gác cửa sắp xếp, ta nên mang quả này biếu cho ông ấy’. Nghĩ thế rồi, ông ta liền đem quả ấy biếu cho người gác cửa. Người gác cửa được quả ngon, lại suy nghĩ: ‘Ta ra vào hoàng cung, thường được thái giám sắp xếp, ta nên đem quả này biếu cho ông ấy’. Nghĩ thế rồi, ông ta liền mang quả ấy biếu cho thái giám. Thái giám được quả ngon, lại suy nghĩ: ‘Phu nhân thường khen ngợi công lao của ta trước vua, ta sẽ đem quả này dâng cho phu nhân’. Nghĩ vậy rồi, ông ta liền đem quả ấy dâng cho phu nhân. Phu nhân được quả ngon, liền dâng lên vua. Vua ăn cảm thấy rất thơm ngon, liền hỏi phu nhân:

- Từ đâu ái khanh có quả này?

Phu nhân đáp:

- Thái giám biếu cho thần thiếp!

Vua lần lượt tra hỏi, biết được quả này xuất phát từ người giữ vườn. Vua liền cho gọi người giữ vườn đến hỏi:

- Trong vườn có trái ngon như vậy, tại sao ngươi không dâng lên cho trẫm mà lại đem cho người khác?

Người giữ vườn trình bày rõ ngọn ngành, nhưng vua không tin, lại bảo rằng: ‘Từ nay về sau, ngươi phải thường xuyên dâng quả này cho ta. Nếu trái lệnh, ta sẽ giết ngươi’.

Người giữ vườn trở về khóc lóc sầu thảm, than thở: ‘Quả này không trồng thì làm sao có được!’.

Khi ấy, rồng sống trong ao nghe tiếng khóc, liền hóa thành người đến hỏi rằng:

- Tại sao ngươi khóc?

Người giữ vườn trình bày đầy đủ sự việc. Rồng nghe xong, liền xuống nước lấy quả ấy đặt trên mâm vàng, trao cho người giữ vườn và bảo:

- Ngươi mang quả này dâng lên cho vua và thuật lại ý của ta rằng: ‘Vào thời quá khứ, lúc Đức Phật còn tại thế, ta và quốc vương vốn là bạn thân, cả hai đều là Phạm chí, cùng tu bát quan trai. Mỗi người có một ý nguyện. Do vua giữ giới trọn vẹn nên nay được làm quốc vương, còn ta phạm giới nên sinh làm long vương. Nay ta lại muốn tu pháp bát quan trai để mong xả bỏ thân này. Mong ngươi hãy nói vua tìm cho ta một bản văn Bát quan trai, rồi mang đến đây, nếu vua trái ý ta, ta sẽ biến đất nước này thành biển cả’.

Bấy giờ, người giữ vườn nhận mâm trái cây dâng lên cho vua và tâu trình đầy đủ lời dặn dò của rồng. Vua nghe xong, trong lòng lo lắng, suy nghĩ: ‘Làm sao có thể tìm được. Hiện giờ, ngay cả danh từ Phật pháp cũng không có, huống gì văn Bát quan trai! Nếu tìm không được bản văn ấy, e rằng đất nước sẽ gặp tai ương’. Vua suy nghĩ mãi mà vẫn không thể tìm được cách giải quyết.

Bấy giờ, trong nước có một vị đại thần rất được vua quan kính trọng. Vua cho gọi đến và bảo:

[50b] - Rồng muốn xin trẫm bản văn Bát quan trai, khanh hãy tìm giúp trẫm!

Vị đại thần tâu:

- Đời nay không có Phật pháp thì làm sao tìm ra bản văn đó?

Vua lại bảo:

- Nếu khanh tìm không được, trẫm sẽ giết khanh.

Vị đại thần nghe xong, liền trở về nhà, sắc mặt lo lắng buồn rầu khác thường. Người cha của vị đại thần tuổi tác đã cao, thấy con về nét mặt khác thường, nên hỏi lý do. Vị đại thần liền trình bày rõ mọi việc cho cha nghe.

Người cha nói:

- Cha thấy cây cột trong nhà mình thường có ánh sáng phát ra. Con hãy chẻ ra xem thử.

Vị đại thần chẻ cột nhà ra thì quả thật có hai quyển kinh Thập nhị nhân duyên[101] và văn Bát quan trai[102]. Đại thần tìm được kinh, vô cùng vui mừng, liền đặt trên mâm vàng dâng lên cho vua. Vua có được quyển kinh, vui mừng khôn xiết, liền mang đến cho long vương. Long vương được bản văn Bát quan trai cũng rất vui mừng, liền đem châu báu tặng cho vua. Hai người từ biệt nhau, ai nấy trở về nơi ở của mình.

Long vương cùng năm trăm người con siêng năng tu tập pháp Bát quan trai, sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời Đao-lợi. Nay họ bay xuống cúng dường ta, nên có ánh sáng rực rỡ như vậy.

Đức Phật bảo A-nan:

- Ông nên biết, năm trăm rồng con thụ bát quan trai lúc đó, nay chính là năm trăm thiên tử này.

Lúc Đức Phật nói nhân duyên này, có người đắc bốn quả Sa-môn, có người phát tâm Vô thượng bồ-đề. Đại chúng nghe Đức Phật nói xong, đều hoan hỉ vâng theo”.

Tụng rằng:

Núi cao sắp thành, công dang dở,

Đường dài nghìn dặm, lại bỏ xe,

Sửa ác làm lành nhờ giáo pháp,

Đổi lòng nhiễm ác bởi nữ nhi,

Chuyên tu ngũ phúc không trọn vẹn,

Trai giới đâu giữ thành Bát quan,

Đêm dài dằng dặc nào ra khỏi,

Sông ái mênh mông há được qua!

X. PHÚ QUÍ

X.1. Lời dẫn

Làm lành thì cảm được quả vui, như bóng theo hình; làm ác thì chuốc lấy quả khổ, như âm vang theo tiếng. Thế nên, giàu như ông Đào Chu và Y Đốn[103], sang tợ Tiêu Hà[104], Tào Tham[105]. Họ mặc áo gấm quần lụa, ở nhà vàng cửa bạc; phía trước thì mây nổi, tiêu ngân, bên trên thì gió reo, sáo vút; đúng lễ tiết bước lên quảng điện, dáng ung dung thả bộ nơi hành lang; mang giày ngọc bên thềm son, đội mão vàng trong cửa biếc; ăn uống thì mâm cao cỗ đầy, đủ cả sơn hào hải vị, mùi thơm bay khắp; ngồi thì nhà cao cửa đẹp, thềm ngọc rèm châu, đàn tơ sáo trúc, [50c] âm thanh du dương trầm bổng; nằm thì đèn hoa rực rỡ, trướng màn buông, chăn gấm nệm lông trải sẵn; đi thì xe tứ mã phi nhanh như chớp, nghìn vạn cỗ xe rầm rộ theo sau. Đây chỉ là nói sơ lược về phúc báo của người tu thiện, do ngày xưa tu hạnh bố thí mà nay được sung sướng như vậy.

X.2. Chứng minh

Kinh Hiền ngu[106] ghi: “Thuở xưa, Đức Phật còn tại thế, trong nước Xá-vệ có một vị trưởng giả rất giàu sang. Ông ta sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú hiếm có. Hai vợ chồng rất vui mừng, nhân đó đặt tên cho con là Đàn-di-li. Đến khi Đàn-di-li trưởng thành thì người cha qua đời. Vua Ba-tư-nặc ban cho Đàn-di-li tước vị của người cha. Vừa nhận tước thì nhà ông biến thành bảy báu, các kho lẫm đều chứa rất nhiều vật báu.

Lúc ấy, thái tử Tì-lưu-li[107] mắc bệnh nhiệt, các thầy thuốc đều tâu với vua rằng:

- Phải có bột ngưu đầu chiên-đàn[108] xoa vào thân thì thái tử sẽ hết bệnh.

Vua liền cho người tìm kiếm, nếu ai tìm được một lạng ngưu đầu chiên-đàn thì được thưởng một nghìn lượng vàng. Nhưng không ai tìm được. Sau đó, có người tâu với vua rằng:

- Trong nhà trưởng giả Đàn-di-li có rất nhiều ngưu đầu chiên-đàn.

Vua nghe rồi, đích thân đến xin. Vua đến trước cánh cổng bằng bạc của nhà trưởng giả Đàn-di-li, bảo người canh cửa vào báo tin. Người canh cửa vào thưa trưởng giả rằng:

- Thưa trưởng giả! Vua Ba-tư-nặc đang đứng ở ngoài cửa.

Trưởng giả nghe xong, liền ra nghinh đón, mời vua vào nhà. Vừa bước vào, vua thấy bên trong có một người nữ dung mạo rất xinh đẹp, đang ngồi dệt sợi bạc trên giường bằng bạc, có mười đứa bé gái đứng hầu hai bên.

Vua hỏi:

- Người này là vợ của khanh ư?

Trưởng giả đáp:

- Đó là người tớ gái giữ cửa, còn mười bé gái kia là người thông báo tin tức.

Khi đi vào cửa giữa, vua thấy nơi đây toàn là lưu li xanh biếc, bên trong cửa lại có một người nữ ngồi giường lưu li, tướng mạo xinh đẹp hơn hẳn người trước; có hai mươi người hầu.

Lại vào tiếp cửa trong nữa, vua thấy toàn là vàng ròng. Trong cửa lại có một người nữ, tướng mạo xinh đẹp hơn người trước bội phần, ngồi giường vàng ròng, dệt sợi vàng; có bốn mươi người hầu.

Vua lại hỏi:

- Người này là vợ của khanh ư?

Trưởng giả đáp:

- Đây là người tớ gái giữ cửa.

Khi vua vào trong nhà, thấy đất đều bằng lưu li, gian nhà được chạm trổ nhiều hình chim thú, gió thổi thì bóng mọi vật hiện trên đất đều lay động. Thấy vậy, vua tưởng là nước, nên sợ không dám bước. Vua nói với trưởng giả:

- Trước nhà khanh sao không có đất, chỉ toàn là biển cả?

Trưởng giả Đàn-di-li tâu rằng:

- Tâu đại vương! Đây là đất lưu li chứ chẳng phải nước.

[51a] Trưởng giả liền cởi chiếc vòng bảy báu trên tay ném xuống đất, vòng lăn tròn chạm vào bức tường thì dừng lại. Vua biết là đất, nên cùng trưởng giả bước vào bên trong. Lên điện bảy báu, vua thấy vợ của trưởng giả đang ngồi giường lưu li. Trưởng giả mời vua ngồi trên giường bảy báu bên cạnh. Vợ của trưởng giả vừa gặp vua thì mắt ngấn lệ.

Vua hỏi:

- Vì sao khanh khóc, không được vui chăng?

Vợ Trưởng giả đáp:

- Thần thiếp rất vui, nhưng vì ngửi thấy mùi khói trên thân bệ hạ xông lên, do đó chảy nước mắt.

Vua hỏi:

- Trong nhà không bao giờ đốt lửa sao?

Vợ trưởng giả đáp:

- Dạ không.

Vua hỏi:

- Không có lửa làm sao nấu ăn?

Vợ trưởng giả đáp:

- Lúc chúng thần muốn ăn thì trăm món tự đến.

Vua lại hỏi:

- Vậy không cần ánh sáng sao?

Vợ trưởng giả đáp:

- Chúng thần dùng ngọc ma-ni soi sáng rực rỡ khắp nhà.

Bấy giờ, trưởng giả Đàn-di-li quì xuống thưa:

- Đại vương! Vì việc gì mà ngài nhọc lòng hạ cố đến đây?

Vua Ba-tư-nặc trình bày rõ sự việc. Trưởng giả nghe xong, liền dẫn vua đi xem khắp các kho chứa đầy bảy báu, Ngưu Đầu chiên-đàn nhiều không thể tính kể.

Trưởng giả thưa:

- Đại vương cần bao nhiêu thì tùy ý lấy.

Vua lấy hai lạng Ngưu Đầu chiên-đàn, sai người mang về trước. Vua tỏ vẻ kính trọng nói với trưởng giả:

- Nay có Phật xuất hiện ở đời, khanh biết không?

Trưởng giả Đàn-di-li hỏi:

- Sao gọi là Phật?

Nghe vua giải thích xong, trưởng giả vô cùng vui mừng, liền đến chỗ Phật. Nghe Phật thuyết pháp, ông liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Sau đó, ông xin xuất gia, đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba minh[109], sáu thông[110] và tám giải thoát[111]”.

A-nan thấy vậy, liền bạch Đức Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Trưởng giả Đàn-di-li kiếp trước tạo nghiệp lành gì mà nay được sinh làm người hưởng thụ phúc báo cõi trời, gặp Đức Thế Tôn, xuất giađắc đạo như thế?

Phật bảo A-nan:

- Vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, có Phật Tì-bà-thi xuất hiện ở đời. Sau khi Đức Phật nhập niết-bàn, vào đời tượng pháp[112], có năm vị tì-kheo cùng nhau giao ước ở chung trong rừng siêng năng tu tập.

Một hôm, bốn vị tì-kheo nói với một tì-kheo:

- Ở đây cách thành rất xa, việc khất thực khó khăn, vậy trọn mùa hạ này huynh hãy làm phúc, vào thành khất thực để cúng dường cho chúng tôi.

Vị tì-kheo ấy liền vào thành khuyên các đàn-việt hàng ngày đem thức ăn đến cúng dường. Nhờ đó, bốn vị kia được an ổn, siêng năng tu tập đắc quả A-la-hán. Họ nói với tì-kheo kia rằng:

- Nhờ huynh trợ duyên nên chúng tôi được an ổn tu tập, đến nay đã thành tựu. Huynh có phát nguyện gì không?

Tì-kheo này nghe nói thế, vui mừng phát nguyện: ‘Tôi nguyện đời sau, sinh vào cõi trời hay cõi người đều tự nhiên được giàu sang, gặp Phật, xuất gia đắc đạo’. Nhờ công đức này, từ đó đến nay trải qua chín mươi mốt kiếp, vị tì-kheo ấy không rơi vào đường ác, sinh vào cõi trời hay cõi người đều được giàu sang, những thứ cần dùng tự nhiên đầy đủ, nay nhờ được gặp Ta nên xuất giađắc đạo.

Kinh Hiền ngu ghi: “Ngày xưa, Đức Phật còn tại thế, trong nước Xá-vệ có một vị trưởng giả rất giàu có, vàng bạc châu báu vô số, không thể tính kể. [51b] Hai vợ chồng trưởng giả sinh được một bé trai, toàn thân màu vàng ròng, khôi ngô, tuấn tú ít ai sánh bằng. Vợ chồng trưởng giả vui mừng khôn xiết, nhân đó mà đặt tên cho con là Kim Thiên. Ngày sinh Kim Thiên, trong nhà tự nhiên xuất hiện một cái giếng vuông, sâu và rộng đều tám thước. Ai múc nước giếng ấy dùng cũng đều vừa ý. Hễ cần y phục thì giếng hiện ra y phục, muốn thức ăn thì giếng hiện ra thức ăn, vàng bạc châu báu và tất cả các thứ cần dùng vừa mong ước liền được.

Đến khi khôn lớn, Kim Thiên thông thạo nhiều tài nghệ. Người cha suy nghĩ: ‘Con ta tướng mạo khôi ngô tuấn tú, tài giỏi hơn người. Ta phải tìm một người con gái xinh đẹp, thân thể màu vàng ròng giống như con ta, để cầu hôn cho nó’.

Bấy giờ, trong nước Xà-bà có vợ chồng đại trưởng giả sinh được một bé gái tên là Kim Quang Minh xinh đẹp tuyệt trần, toàn thân màu vàng ròng rực rỡ. Lúc Kim Quang Minh chào đời, tự nhiên trong nhà xuất hiện một cái giếng, sâu và rộng đều tám thước; trong giếng cũng hiện ra các thứ châu báu, y phục, thức ăn uống và những thứ cần dùng đều vừa ý người. Vợ chồng trưởng giả suy nghĩ: ‘Con gái chúng ta xinh đẹp thông minh hơn người. Chúng ta phải tìm được bậc hiền sĩ thân màu vàng ròng rực rỡ như con chúng ta, mới cho kết hôn’. Danh tiếng của Kim Quang Minh vang khắp nơi, nên Kim Thiên đến xin cưới làm vợ.

Một hôm, Kim Thiên thỉnh Phậtchúng tăng đến nhà để cúng dường. Sau khi thụ trai xong, Đức Phật thuyết pháp cho vợ chồng Kim Thiên và cha mẹ họ nghe; tất cả đều đắc quả Tu-đà-hoàn. Vợ chồng Kim Thiên xin cha mẹ xuất gia, được cha mẹ cho phép. Sau khi xuất gia, hai vợ chồng đều đắc quả A-la-hán, đầy đủ tất cả công đức.

A-nan bạch Đức Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Vợ chồng Kim Thiên kiếp trước tạo phúc duyên gì mà nay sinh vào nhà giàu sang, toàn thân màu vàng ròng, khi chào đời trong nhà tự nhiên xuất hiện cái giếng sâu và rộng đều tám thước sinh ra các vật báu như thế?

Đức Phật bảo A-nan:

- Từ thời quá khứ cách nay chín mươi mốt kiếp, sau khi Phật Tì-bà-thi nhập niết bàn, các tì-kheo đi giáo hóa đến một thôn nọ, người trong thôn thấy chư tăng thì đua nhau đến cúng dường. Lúc đó, có hai vợ chồng nọ nhà rất nghèo, không có gạo ăn. Người chồng thấy mọi người cúng dường chúng tăng, nên trở về nhà buồn bã khóc than, nước mắt rơi trên tay người vợ.

Người vợ hỏi chồng:

- Tại sao chàng khóc?

Người chồng nói:

- Lúc còn sống cha anh rất giàu có, của cải đầy kho, đến đời anh thì nghèo nàn, khổ sở. Ngày xưa, tuy có tiền của mà cha anh không chịu bố thí, ngày nay gặp chư tăng, ta lại nghèo khổ không có gì để cúng dường. Do đời trước không bố thí, nay mới bị nghèo khổ như vậy. Đời này không bố thí thì đời sau càng nghèo khổ. Anh suy nghĩ như vậy nên buồn khóc.

[51c] Người vợ nói với chồng:

- Tuy chúng ta có lòng, nhưng không có tiền của thì biết làm sao? Hay chúng ta về tìm lại trong nhà cũ, biết đâu sẽ được vật gì!

Hai vợ chồng liền trở về nhà cũ, người chồng tìm được một đồng tiền vàng, mang đến chỗ vợ, lúc ấy người vợ cũng tìm được một tấm kính và chiếc bình. Họ đựng nước sạch đầy bình, bỏ đồng tiền vàng vào đó rồi lấy tấm kính đậy lên, cùng nhau mang cúng dường chư tăng, phát nguyện rồi trở về. Nhờ công đức ấy, hai vợ chồng từ đó đến nay, trải qua chín mươi mốt kiếp không đọa vào đường ác. Dù họ sinh lên cõi trời hay trong loài người đều làm vợ chồng, thân màu vàng ròng, hưởng phúc sung sướng. Nay họ gặp Ta nên xuất gia và đắc đạo”.

Kinh Xuất diệu[113] ghi: “Lúc Đức Phật còn trụ thế, em trai của Mục-kiền-liên sinh sống tại nước Ca-tì-la-vệ. Ông ta rất giàu có, của báu chứa đầy kho, người giúp việc nhiều không tính kể. Mục-kiền-liên thường đến nhà khuyên bảo người em rằng:

- Anh nghe đồn em bỏn xẻn, không thích bố thí. Đức Phật thường dạy. “Nếu ai bố thí sẽ được phúc báo vô lượng”. Nay nếu em bố thí cũng sẽ được phúc báo như thế.

Người em nghe lời anh dạy, liền mở kho bố thí, đồng thời lại lập thêm một cái kho mới để nhận phúc báo đó. Chưa được mười ngày thì tiền của, châu báu đã cạn sạch. Kho cũ trống rỗng, kho mới lại không có gì. Người em buồn rầu đến nói với anh rằng:

- Hôm trước, anh bảo em bố thí được nhiều phúc, nên em làm đúng như lời anh dạy. Mọi người đến xin, các kho đã bố thí cạn kiệt. Nay kho cũ trống rỗng, kho mới không nhân được gì cả! Há chẳng phải em bị anh dối gạt rồi ư?

Mục-kiền-liên nói:

- Thôi thôi! Em đừng nói như thế. Chớ để các ngoại đạo tà kiến nghe những lời thô thiển này. Nếu nói phúc báohình tướng thì cả hư không cũng không thể chứa hết. Nay anh tạm chỉ cho em thấy phúc báo vi diệu này.

Nói xong, Mục-kiền-liên liền dùng thần lực nắm tay đưa người em lên tầng trời thứ sáu. Người em thấy cung điện làm bằng bảy báu, gió thơm, ao tắm, kho lẫm tràn đầy của báu, nhiều không thể tính kể, có vài nghìn vạn ngọc nữ, nhưng không thấy người nam.

Người em hỏi anh:

- Đây là cung điện gì mà nguy nga tráng lệ như thế?

Mục-kiền-liên bảo em:

- Em tự đến hỏi họ đi.

Người em đến hỏi thiên nữ rằng:

- Đây là cung điện gì mà toàn làm bằng bảy báu, nguy nga tráng lệ, ở lơ lửng giữa hư không như vậy? Ai là người có phúc để thụ hưởng?

Thiên nữ đáp:

- Đệ tử thần thông bậc nhất của Phật Thích-ca tên là Mục-kiền-liên, đang ở nước Ca-tì-la-vệ, cõi Diêm-phù-đề. Vị ấy có người em là một trưởng giả rất giàu sang, do thích bố thí, nên đời sau sẽ sinh đến nơi này làm chồng chúng tôi.

Người em nghe nói vậy, liền phát tâm thiện, trở về chỗ anh mình trình bày rõ sự tình.

Mục-kiền-liên nói:

- Thế thì người bố thíphúc báo hay không?

[52a] Người em hổ thẹn xin lỗi anh. Sau khi trở về nhà, người em lại siêng làm phúc, đến lúc mạng chung được sinh lên cõi trời hưởng phúc báo”.

Lại nữa, kinh Thụ-đề-già[114] ghi: “Lúc Phật còn tại thế, có một vị trưởng giả tên là Thụ-đề-già, rất giàu sang, vàng bạc vô số, kho lẫm tràn đầy, tôi tớ rất đông, không còn mong muốn điều gì. Một hôm, chiếc khăn lụa trắng bên ao tắm trong nhà trưởng giả bị gió thổi bay đến trước điện vua. Vua liền triệu tập quần thần đến cùng nhau bàn bạc, bói quẻ để tìm hiểu. Tất cả đều lấy làm lạ về xuất xứ của chiếc khăn. Các vị đại thần đều nói: ‘Nước ta sắp hưng thịnh, nên trời ban cho khăn lụa trắng’. Chỉ có Thụ-đề ngồi im lặng.

Vua hỏi Thụ-đề rằng:

- Tất cả các vị đại thần đều vui mừng, tại sao khanh không nói gì cả?

Thụ-đề tâu vua:

- Tâu bệ hạ! Thần không dám dối bệ hạ. Đây là chiếc khăn tắm của nhà thần, treo bên bờ ao, bị gió thổi bay đến đây. Vì thế thần không dám nói.

Vài ngày sau, có một đóa hoa chín màu lớn như bánh xe, rơi trước điện vua. Vua lại cho nhóm họp các vị đại thần để bàn bạc, hỏi đáp cũng giống như trước.

Thụ-đề tâu vua:

- Tâu bệ hạ! Thần không dám dối. Đây là hoa vườn sau nhà thần héo rụng, bị gió thổi bay đến trước điện của bệ hạ. Vì thế thần im lặng không nói.

Vua hỏi Thụ-đề:

- Nhà khanh thật có chuyện như vậy sao? Vậy thì khanh hãy trở về lo sắp đặt trước, trẫm sẽ dẫn hai mươi vạn người đến nhà khanh xem.

Thụ-đề tâu:

- Xin bệ hạ cùng theo thần, không cần phải chuẩn bị trước. Nhà của thần giường chiếu tự nhiên sắp sẵn, không cần người trải, thức ăn tự nhiên hiện ra không cần người nấu, món ăn tự nhiên mang đến không cần gọi, ăn xong tự nhiên mang đi không cần dọn dẹp.

Bấy giờ, vua dẫn hai mươi vạn người đi từ cửa phía nam vào nhà Thụ-đề. Khi vừa bước vào, thấy có một thiếu niên tướng mạo khôi ngô rất đáng yêu, vua hỏi Thụ-đề:

- Đây là con của khanh ư?

Thụ-đề đáp:

- Đó là đứa tớ gác cửa của thần.

Vua và mọi người tiến lên phía trước, vào cửa trong thấy có một thiếu nữ, dung mạo xinh đẹp, da dẻ mịn màng tươi sáng, thật đáng yêu.

Vua hỏi Thụ-đề:

- Người này là con gái hay vợ của khanh?

Thụ-đề tâu:

- Đó là tớ gái gác cửa nhà thần.

Đi thêm một đoạn ngắn thì đến trước tòa nhà chính; vua thấy tường xây bằng bạc trắng, nền bằng thủy tinh. Vua nhìn tưởng là nước nên không dám bước vào. Thụ-đề dẫn vua vào nhà, mời ngồi giường vàng, ghế ngọc.

Vợ trưởng giả ở phía trong một trăm hai mươi lớp màn làm bằng bạc trắng, vén màn bước ra hành lễ. Thấy trong mắt bà ngấn lệ, vua hỏi Thụ-đề:

- Khi vợ khanh thi lễ trẫm, tại sao lại khóc?

Thụ-đề tâu:

- Thần không dám dối bệ hạ. Vợ thần ngửi thấy hơi khói trên thân bệ hạ, nên chảy nước mắt.

Vua nói:

- Dân thường đốt đèn bằng mỡ, chư hầu đốt bằng mật, thiên tử đốt bằng sơn. Sơn vốn không có khói, làm sao chảy nước mắt được?

Thụ-đề tâu:

[52b] - Nhà thần có viên thần châu minh nguyệt treo trên điện, đêm ngày đều sáng, nên không cần đốt lửa.

Trước nhà Thụ-đề có một tòa lầu cao mười hai tầng, Thụ-đề dẫn vua lên đó ngắm nhìn chung quanh, thoáng chốc đã hết một tháng.

Đại thần tâu vua:

- Tâu bệ hạ! Việc nước quan trọng, xin ngài hãy trở về cung!

Vua bảo:

- Hãy ráng một lát nữa rồi trở về.

Vua lại đi dạo quanh vườn, ao tắm, bỗng chốc trải qua một tháng nữa. Các vị đại thần thưa, vua cũng trả lời như trước.

Bấy giờ, Thụ-đề xuất kho, đem bảy báu và lụa là gấm vóc cấp cho hai mươi vạn người kia, người và ngựa mang vác không xuể.

Khi trở về nước, vua nói với các quần thần:

- Thụ-đề là dân của trẫm mà nhà cửa, vợ con đều hơn trẫm. Trẫm có thể xuất binh đánh ông ta để chiếm lấy không?

Các vị đại thần đều tâu:

- Tâu bệ hạ! Hãy chiếm lấy!

Vua dẫn bốn mươi vạn binh, khua chuông gióng trống đến vây quanh nhà Thụ-đề vài trăm lớp. Lúc ấy, tại cửa nam của nhà Thụ-đề có một lực sĩ, tay cầm gậy vàng khua một cái, lập tức bốn mươi vạn binh và ngựa đều té nhào, tay chân quờ quạng, thân thể lảo đảo như người say rượu, đầu óc choáng váng không thể đứng dậy được.

Bấy giờ, Thụ-đề cỡi xe vân mẫu[115] đến hỏi mọi người:

- Các ngươi bị thương ra sao mà nằm trên đất không chịu đứng dậy?

Mọi người đáp:

- Đại vương sai chúng tôi đến đánh chiếm nhà trưởng giả, nhưng bị người lực sĩ cầm gậy vàng đánh, tất cả bốn mươi vạn người và ngựa đều ngã, không thể đứng dậy được.

Thụ-đề hỏi:

- Các ngươi muốn đứng dậy không?

Mọi người đều đáp:

- Chúng tôi muốn đứng dậy.

Thụ-đề liền dùng thần lực làm cho bốn mươi vạn người và ngựa đều đứng dậy, rồi đồng loạt trở về nước.

Lúc ấy, vua liền gọi Thụ-đề-già ngồi cùng xe đi đến chỗ Phật, vua thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn! Đời trước Thụ-đề-già đã tạo công đức gì mà nay được hưởng phúc báo như thế?

Đức Phật đáp:

- Đại vương hãy lắng nghe! Đời trước có năm trăm thương buôn trên đường đi ngang qua một vùng núi hiểm trở, gặp một vị tăng bị bệnh. Một người trong đoàn cúng dường lều chõng, lương thực, đèn đuốc cho vị tăng. Người ấy cầu nhiều điều ước, như cầu chư thiên từ hư không xuống cúng dường. Bấy giờ, vị tăng mới hiện mười tám thứ thần biến, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp thiên hạ, đồng thời còn phát nguyện khi thành Phật sẽ phá tan núi Thiết Vi, chảo dầu sôi nở hoa, địa ngục ngát hương chiên đàn, ngạ quỉ trở thành sa-môn, la-sát ngồi tụng kinh. Năm trăm thương nhân thấy thế, liền mang các vật báu đến cúng dường. Do cung cấp cho vị tăng bệnh, nay tất cả các thương buôn đều được phúc báo. Người cúng dường lúc ấy chính là Thụ-đề, vị tăng bệnh là Ta, năm trăm thương nhân đều đắc quả A-la-hán”.

Kinh Bách duyên ghi: “Khi Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả rất giàu có, của cải vô số không thể tính kể. Vợ trưởng giả sinh được một người con trai dung mạo khôi ngô tuấn tú, ít ai sánh kịp. [52c] Ngày cậu bé chào đời, trời mưa như thác đổ, vợ chồng trưởng giả rất vui mừng, cả nước đều biết việc ấy. Thầy tướng tiên đoán là điềm lành. Vì thế, đứa bé được đặt tên Da-xà-mật-đa. Lúc mới sinh, Da-xà không bú sữa mẹ, giữa kẽ răng thường tiết ra nước đủ tám tính chất, tự no đủ. Đến khi trưởng thành, Da-xà gặp Phật, xuất gia đắc quả A-la-hán, được trời và người kính ngưỡng.

Bấy giờ, các tì-kheo thấy sự việc như thế, cùng đến thỉnh Phật nói nhân duyên phúc báo đời trước của Da-xà-mật-đa.

Đức Thế Tôn bảo các tì-kheo:

- Vào thời Phật Ca-diếp, ở kiếp Hiền có một trưởng giả lớn tuổi, xuất gia tu đạo, nhưng không tinh tiến, lại bị bệnh nặng. Thầy thuốc chẩn đoán bảo phải uống tô tử[116] bệnh mới lành. Ông nghe theo lời khuyên của thầy thuốc uống vào, đến nửa đêm thuốc ngấm, lên cơn sốt, miệng khát khô, liền chạy đi tìm nước nhưng các bình đều hết sạch. Ông liền chạy đến sông, suối, tất cả đều khô cạn, cứ thế tìm khắp nơi đều không có nước, lòng tự hối trách. Ông cởi áo cột vào cành cây cạnh bờ sông, rồi trở về. Sáng hôm sau, ông đến thưa thầy tất cả sự việc. Thầy nghe xong liền nói:

- Ông mắc bệnh này giống như ngạ quỉ. Nay ông hãy lấy nước trong bình của ta mang đến cho chúng tăng. Ông ấy làm theo lời thầy, đến bình lấy nước, nhưng nước trong bình khô cạn, liền lo sợ suy nghĩ: ‘Nếu ta mạng chung ắt đọa làm ngạ quỉ’. Nghĩ rồi liền đến chỗ Phật trình bày rõ sự việc và thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Xin Ngài chỉ dạy cho con.

Phật bảo:

- Nay ông phải thường lấy nước sạch cúng dường chư tăng, mới có thể thoát được thân ngạ quỉ.

Nghe Phật Ca-diếp dạy, lòng ông rất vui mừng, hàng ngày thường mang nước sạch cúng dường chư tăng, trải qua hai vạn năm mới mạng chung. Dù ông ấy sinh ra ở nơi nào, trong kẽ răng thường tiết ra nước tám tính chất[117], tự nhiên no đủ không cần ăn uống, bú mớm, cho đến nay ông ấy gặp ta xuất giađắc đạo. Các tì-kheo nghe Phật nói hoan hỉ vâng theo”.

Trong kinh A-dục vương[118] ghi: “Thưở xưa, khi Phật còn tại thế, Ngài cùng các tì-kheo và A-nan thứ tự đi vào thành Vương Xá khất thực. Khi đến một ngõ hẻm, Phật gặp hai cậu bé tên Đức Thắng và Vô Thắng, đang chơi trò đắp đất xây thành, nhà cửa, kho lẫm, lại lấy đất làm gạo chứa trong kho. Hai cậu bé thấy Phật có tướng hảo, thân hình màu vàng ròng sáng rực khắp thành. Đức Thắng hoan hỉ vốc gạo bằng đất trong kho dâng lên Đức Phật, và phát nguyện: ‘Con nguyện mai này sẽ thống lãnh thiên hạcúng dường đầy đủ phẩm vật’. Nhờ duyên lành và công đức phát nguyện ấy, sau khi Phật niết-bàn một trăm năm, Đức Thắng làm Chuyển luân thánh vương, cai trị cõi Diêm-phù-đề. [53a] Vua ở trong thành Hoa Thị, dùng chính pháp trị đời, lấy hiệu là A-thứ-già vương. Vua đích thân phân chia xá-lợi Phật, xây dựng tám vạn bốn nghìn bảo tháp phụng thờ. Vua có lòng tin sâu tam bảo, thường thỉnh chư tăng vào cung cúng dường.

Bấy giờ, trong cung có một nô tì rất nghèo khổ, thấy vua làm phúc liền tự trách mình: ‘Lúc trước vua chỉ cúng dường Đức Phật một nắm đất, mà được giàu sang như thế. Nay vua lại cúng dường nhiều, nên chắc chắn đời sau sẽ giàu sang hơn. Đời trước ta tạo tội, nên nay mới làm kẻ thấp hèn, nghèo khổ, không thể tạo phúc, tương lai ắt sẽ càng nghèo hơn, biết bao giờ thoát khỏi kiếp nghèo’. Nữ tì nghĩ rồi liền rơi lệ.

Chư tăng thụ thực xong, nữ tì quét dọn, nhặt được một đồng tiền trong đống rác, liền mang đến cúng dường chư tăng, trong lòng rất hoan hỉ. Không bao lâu nữ tì lâm bệnh qua đời. Bấy giờ trong cung vua có một phu nhân mang thai mười tháng, hạ sinh một công chúa cực kì xinh đẹp, ít ai sánh kịp, nhưng tay phải công chúa thường nắm chặt. Lúc công chúa lên năm tuổi, phu nhân tâu vua:

- Con gái chúng ta không biết tại sao tay phải thường nắm chặt.

Vua bảo bồng công chúa đến, đặt lên đầu gối, sờ vào tay con, công chúa liền xòe ra. Trong tay có một đồng tiền, lấy rồi lại sinh ra không bao giờ hết, chỉ trong chốc lát đầy một kho tiền. Vua rất ngạc nhiên, liền đến hỏi a-la-hán Dạ-xa:

- Đời trước công chúa đã tạo phúc đức gì mà nay sinh ra, trong lòng bàn tay thường có một đồng tiền, lấy hoài không hết?

A-la-hán đáp:

- Công chúa đời trước là nữ tì trong cung, khi quét dọn nhặt được một đồng tiền liền cúng dường chư tăng. Nhờ duyên lành này nên người ấy được sinh làm con gái đại vương, trong tay luôn có một đồng tiền vàng lấy hoài vẫn không hết”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa, có nhiều vị tăng trụ trong núi Kì-xà-quật, mọi người khắp nơi nghe được đem vật thực cúng dường. Có một cô gái nghèo ăn xin, thấy các trưởng giả chở vật thực lên núi cúng dường, cô liền nghĩ: ‘Ở đây chắc có pháp hội bố thí, ta nên đến đó xin ăn’. Cô liền đi vào núi, thấy các trưởng giả chở đủ loại thực phẩm cúng dường chư tăng. Cô lại nghĩ: ‘Các vị ấy đời trước tu phúc nên được giàu sang, nay lại tạo thêm, sẽ càng giàu hơn. Đời trước ta không tu phúc nên nghèo khổ. Nếu bây giờ không tạo, tương lai sẽ càng nghèo khổ hơn’. Nghĩ rồi liền khóc. Trước đó, cô có nhặt được hai đồng tiền trong đống rác, cất giữ cẩn thận, phòng khi xin không được thì dùng mua thức ăn. Nhưng nay thấy vậy, cô suy nghĩ: ‘Ta nên nhịn một hai ngày, dùng số tiền này cúng dường chư tăng’. Chờ chư tăng thụ trai xong, cô đến cúng dường. [53b] Vị tăng duy-na muốn chú nguyện cho cô, nhưng vị thượng tọa không cho mà đích thân chú nguyện, lại còn sớt thức ăn cho cô gái nghèo ấy. Mọi người thấy vậy cũng mang thức ăn đến cho cô. Cô gái nghèo rất vui mừng nói: ‘Ta đã được phúc’. Nói rồi cô mang thức ăn đến dưới một tàng cây, ăn xong, nằm nghỉ ở đó. Nhờ phúc bố thí chiêu cảm, nên có mây màu vàng che phủ phía trên.

Bấy giờ, gặp lúc hoàng hậu vừa qua đời được bảy ngày, vua cho người đi tìm xem ai có đủ phúc đức, xứng đáng kế vị hoàng hậu. Sứ thần cùng thầy tướng đi tìm ngang qua cây ấy, thấy cô gái, thầy tướng liền đoán: ‘Cô gái này đầy đủ phúc đức, xứng đáng làm hoàng hậu’. Sứ thần liền lấy nước thơm cho cô gái tắm gội rồi cho mặc y phục phu nhân, tất cả đều vừa vặn. Thế rồi, các quan dùng nghìn vạn cỗ xe chở cô gái về cung. Vua trông thấy rất hoan hỉyêu quí.

Một thời gian sau, hoàng hậu suy nghĩ: ‘Ta được phúc báo này là nhờ trước đó cúng dường chư tăng hai đồng tiền, vì thế ta mang ơn chư tăng rất nhiều’.

Nghĩ rồi hoàng hậu tâu:

- Trước kia thần thiếp rất nghèo hèn, nhờ bệ hạ thương tưởng cho kế vị hoàng hậu. Xin bệ hạ cho thiếp đến chùa cúng dường để báo ơn đức chư tăng.

Vua nói :

- Tùy ý nàng.

Hoàng hậu liền cho xe chở thức ăn uống, các thứ châu báu đến chùa cúng dường. Thượng tọa bảo vị duy-na[119] chú nguyện. Phu nhân nghĩ: ‘Trước đây ta chỉ cúng dường hai đồng tiền mà lại được ngài chú nguyện, nay ta chở cả xe trân bảo đến lại không được ngài chú nguyện’. Các tì-kheo trẻ cũng hiềm trách việc này. Bấy giờ thượng tọa nói với phu nhân:

- Phu nhân có ý trách ta, khi phu nhân cúng hai đồng tiền mà ta đích thân đến chú nguyện, còn nay chở cả xe trân bảo đến lại không được ta chú nguyện. Trong Phật pháp chỉ quí tâm thiện, chứ không quí trân bảo. Lúc trước phu nhân cúng hai đồng tiền, nhưng tâm thiện rất lớn; nay cúng vô số trân bảo, nhưng khởi tâm ngã mạn cống cao, do đó, ta không chú nguyện. Các tì-kheo trẻ cũng chớ trách ta.

Các tì-kheo nghe nói rất hổ thẹn, liền tỉnh ngộ và đều chứng quả Tu-đà-hoàn. Phu nhân nghe pháp xong rất hổ thẹn, cũng tỉnh ngộchứng quả Tu-đà-hoàn”.

Trong kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa, vua Ác Sinh ở nước Câu-lưu-sa dạo chơi thượng uyển, bỗng trông thấy một con mèo vàng từ hướng đông bắc đi vào, rồi chạy ra hướng tây nam. Vua thấy vậy liền cho người đào theo hướng ấy, thì gặp được một chậu bằng đồng chứa khoảng ba hộc tiền vàng, đào sâu vào lại được hai chậu như trước, cả ba chậu đều đầy tiền vàng giống nhau. Đào tiếp qua bên cạnh khoảng năm dặm, mỗi bước đều nhặt được nhiều tiền. Tuy vua được nhiều tiền như thế, nhưng sợ không dám sử dụng. Vua thắc mắc về xuất xứ số tiền ấy, nên đến hỏi tôn giả Ca-chiên-diên. Nghe xong tôn giả đáp:

[53c] - Đây là phúc báo do nhân đời trước của bệ hạ. Bệ hạ cứ dùng, không hề gì đâu!

Vua liền thỉnh tôn giả nói về nhân duyên quá khứ của mình.

Tôn giả đáp:

- Thuở quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tì-bà-thi nhập niết-bàn, trong thời chính pháp có các tì-kheo đến ngã tư đường, trải tòa, đặt bát, giáo hóa mọi người, khuyên rằng: ‘Nếu người nào có tài sản nên đem cất vào kho bền chắc này, sẽ không bị nạn vua, giặc, nước, lửa cướp đoạt’.

Khi ấy, có một người nghèo trước đó bán củi được ba đồng, thấy vị tăng khuyên, liền hoan hỉ cúng dường, đặt tiền vào bát, phát nguyện xong trở về. Suốt đoạn đường năm dặm về nhà, mỗi bước mỗi bước người ấy đều vui mừng. Khi sắp vào nhà, người ấy còn hướng về các vị tăng chí tâm đỉnh lễ phát nguyện rồi mới vào. Người nghèo lúc ấy chính là bệ hạ. Nhờ ngày xưa bệ hạ hoan hỉ cúng dường chư tăng ba đồng tiền, nên đời đờiđịa vị tôn quí, lại được ba chậu đồng chứa đầy tiền. Bởi ngày trước trên năm dặm đường mỗi bước đi đều hoan hỉ, nên nay suốt năm dặm đường mỗi bước vua đều nhặt được tiền. Vì thế, khi cúng dường, nên hết lòng chí thành, chớ sinh tâm hối tiếc”.

Bài tụng:

Đá quặng chẳng phải chân,

Bình vẽ đúng là giả,

Áo gấm treo trên cao,

Xen ca-sa đặt dưới,

Lời đẹp chỉ kinh tâm,

Văn hay trọn thích thật,

Chân tướng đâu đã tỏ,

Phù vinh chưa thể buông,

Vết, khác bậc công hầu,

Sự, theo kẻ lãng du,

Thôi rồi! dứt nhạc Trịnh[120],

Chẳng phải loạn Nhã Chu[121],

Tranh danh giàu sang rỗng,

Mắng chửi nhục vinh không,

Đèn trước gió mong manh,

Bóng bọt đâu đáng bắt.

XI. BẦN TIỆN

Gồm năm duyên: Lời dẫn, Chứng minh, Tu-đạt, Bần nhi, Bần nữ .

XI.1. Lời dẫn

Phàm nghèo giàu sang hèn, đều do nghiệp nhân đời trước; được mất, có không đều do hành động kiếp xưa. Cho nên trong kinh có ghi: “Muốn biết nhân đời trước, phải xem quả hiện tại. Muốn biết quả vị lai thì nhìn nhân hiện tại”. Do đó, nhà của Nguyên Hiến[122], lều của Kiềm Lũ[123], cửa nẻo đều trống trải không ngăn được gió bụi, mái tranh vách lá không che được sương móc. [54a] Họ lấy rơm cỏ làm chiếu, dùng lá sen làm áo; nếu khâu vai thì trống hai tay; nếu vá hai tay thì vạt đều thiếu; ăn uống nhờ hàng xóm, ngủ nương nơi mồ hoang; một cái mũ đội đến mười năm, thân mặc áo vá trăm mảnh. Nơi quê hương không ruộng vườn, đến Lạc Dương lại không có chỗ nương tựa, lang thang vô định, vất vưởng qua ngày. Tuy xấu hổ như Linh Triếp[124]vẫn bị nạn đói ở Ế Tang[125], dù thẹn như Bá Di[126] cũng phải chịu khổ ở Thủ Dương[127]. Áo quần thiếu thốn nào thấy được nắng xuân, gạo cơm không có sao sống qua đông rét? Tất cả chỉ vì đời trước không bố thí giúp người, lại tham lam, bỏn xẻn, đến nỗi quả báo lành sớm cạn sạch. Vì thế, hành giả phải nên bố thí.

XI.2. Dẫn chứng

Kinh Đăng chỉ[128] ghi: “Người nghèo cùng giống như ở địa ngục: không có chỗ nương tựa cậy nhờ, lòng buồn lo xốn xang hơn lửa đốt, nhan sắc suy tàn, mất vẻ uy dung, thân thể ốm yếu, đói khát bức bách, hai mắt lõm sâu, da bọc xương, gân mạch nổi lên, đầu tóc bù xù, tay chân teo tóp, da dẻ xanh xao, toàn thân nứt nẻ. Lại nữa, không có áo quần, phải lượm những vải xấu trong phân rác kết lại để mặc, nhưng chỉ đủ che thân, còn tay chân phải lộ; nằm trên rác bẩn, lại không có chiếu chăn, người thân trông thấy cũng không nhận ra, lang thang khắp ngõ hẻm xin ăn như quạ đói; muốn đến nhà bạn bè quen thân xin ăn, thì người gác cổng không cho, lén vào thì bị sỉ nhục; chủ nhà ra thấy còn muốn đánh đập. Người ấy cúi đầu lạy lục xin tha, chủ nhà khinh miệt không thèm để ý. Giả sử được vào thì chủ nhà khinh rẻ, không muốn nói chuyện, cũng không mời ngồi, cho chút cơm thì ném vào trong bát, không đủ no lòng. Giả sử gặp đại hội, lần đến xin thức ăn thừa thì bị người khinh miệt không mời ngồi, trái lại còn xua đuổi.

Người nghèo cùng giống như cây không hoa, nên ong bướm chẳng vãng lai; như cỏ lá bị sương muối nên tàn tạ héo úa; như hồ cạn nước, nên hồng nhạn không bay đến; như rừng bị thiêu đốt nên các loài hươu nai bỏ đi; như ruộng lúa đã gặt xong nên không có người đến nhặt. Ngày nay nghèo khổ, kể chuyện giàu sang ngày trước thì mọi người không tin, cho là nói khoác. Người nghèo cùng không biết về đâu, giống như cánh đồng bị thiêu rụi thành tro không ai thích đến; [54b] như cây khô không bóng mát, nên mọi người không muốn dừng chân; như lúa non bị sương móc không thể thu hoạch; như rắn độc thường bị mọi người xa lánh; như thức ăn có độc chẳng ai dám nếm; như mồ hoang không người lui tới; như nhà xí chứa toàn phân tiểu; như kẻ giết người bị mọi người ghét bỏ. Người nghèo dù nói đúng, người khác cũng cho là sai, hoặc có làm điều tốt, mọi người cũng cho là xấu. Nếu làm nhanh thì người trách thô tháo, nếu thong thả thì bị trách là làm cao. Giả sử khen ngợi thì người ta cho là dua nịnh, nếu không khen ngợi thì người ta cho là chê bai. Họ cho rằng người nghèo này thường không nói lời tốt. Nếu có dạy ai điều gì thì người ta đều cho là hư dối, nếu giải thích đầy đủ thì người ta bảo là lắm lời. Nếu im lặng thì bị cho là giấu lòng, nếu nói thẳng ra thì bị cho là thô thiển. Nếu thỉnh ý người thì bị cho là nịnh hót, còn thường gần gũi thì bị cho là mê hoặc người, ngược lại thì bị cho là kiêu căng. Nếu thuận theo lời người thì bị cho là lấy lòng, còn không thuận theo thì bị nói là tự chuyên. Nếu khuất phục theo thì bị mắng là hèn yếu, còn trái lại thì bị nói người nghèo mà còn cậy mình. Nếu cư xử phóng khoáng một chút thì bị cho là ngu si không biết kiềm chế, tự thúc liễm thì bị nói là không liêm sĩ dối cho là đoan chính. Nếu vui quá trớn thì bị nói là lừa dối, ngông cuồng. Nếu buồn rầu thì bị cho là có lòng hiểm ác, không vui. Nếu nghe người nói có chỗ chưa rõ ràng bèn muốn giải thích tường tận, thì bị cho rằng muốn dùng ngu thay trí, thật quá xấu hổ. Nếu im lặng thì bị cho rằng ngu si không biết lí lẽ. Có nói đùa một chút thì bị cho rằng không tin tội phúc. Nếu có xin điều gì thì bị nói không xứng đáng, không biết liêm sỉ. Nếu không xin thì bị cho rằng nay không xin, nhưng sau đó lại mong được nhiều. Nếu trích dẫn lời trong kinh sách thì nói giả vờ thông minh; còn nói lời chất phác thì bị chê là ngu đần. Nếu nói sự thật trước công chúng, lại bị bảo là nói càn. Nếu nói lời ngay thật ở nơi vắng lại bị cho là gièm pha. Nếu như mặc áo mới thì mọi người nói mượn để làm đẹp, mặc y phục thô xấu thì bị chê là nghèo cùng khốn khổ. Nếu ăn nhiều thì bị cho là đói khát ham ăn. Nếu ăn ít thì bị cho là trong bụng đói mà giả vờ trong sạch. Nếu nói kinh luận thì bị cho rằng khoe sự hiểu biết của mình để bày cái dốt của người; còn nếu không nói kinh luận thì bị cho rằng ngu si, không biết gì, chỉ đáng chăn trâu. Nếu kể lại sự nghiệp ngày xưa thì bị cho là khoe khoang dối trá, còn im lặng thì bị nói là gia đình thấp hèn.

Những người nghèo cùng, mọi hành động, nói năng, cử chỉ đều bị cho là lỗi lầm. Còn người giàu sang thì dù nói phi pháp cũng không mắc lỗi, những hành động và việc làm của họ đều được cho là đúng. [54c] Người nghèo cùng giống như quỉ khởi thi[129], tất cả đều kinh sợ, gặp họ như gặp chứng bệnh khó chữa trị. Người nghèo như ở giữa đồng hoang, hiểm trở không có cỏ nước; như rơi vào biển lớn, bị dòng nước mạnh nhận chìm; như bị nghẹn cổ không thở được; như mắt mờ không thấy đường đi; như chất dơ bám dày khó tẩy trừ; như oan gia, tuy cùng ở chung, nhưng không bỏ được tâm oán ghét; như giếng khô nóng bức, người rơi xuống đó thì không thở được; như bị lún vào bùn sâu không thể bước ra; như nước lũ từ núi dốc cuốn trôi và ngã đổ cây cối. Người nghèo cũng thế, lắm nỗi gian nan.

Người giàu sanguy đức lớn, dáng vẻ thong dong, tâm lượng rộng lớn, đầy đủ lễ nghi, hay sinh trí dũng, gia nghiệp hưng thịnh, quyến thuộc thuận hòa, tiếng tốt vang xa.

Nhưng tất cả người đời cũng không nên tham đắm phú quí vinh hoa; được trời người tôn quí cũng không nên quá thích. Phải biết nghèo hèn rất khổ sở, muốn chấm dứt sự nghèo khổ thì không nên bỏn xẻn, tham lam”.

Vì thế trong kinh ghi: “Nghèo cùng là nỗi khổ lớn nhất”.

XI.3.Tu-đạt

Kinh Tạp bảo tạng[130] ghi: “Thuở Đức Phật còn tại thế, có trưởng giả Tu-đạt nhà nghèo khổ, không có tài sản. Ông đi làm thuê được bốn thăng gạo đem về nấu cơm. Gặp lúc ngài A-na-luật đi khất thực, vợ trưởng giả cúng dường đầy bát. Sau đó, các ngài Tu-bồ-đề, Ca-diếp, Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất v.v… cũng đến khất thực, đều được cúng dường đầy bát. Cuối cùng, Đức Phật đến, bà cũng cúng dường đầy bát cơm. Lúc ấy Tu-đạt về đến nhà bảo vợ dọn cơm, người vợ liền nói:

- Nếu tôn giả A-na-luật đến, ông có cúng dường thức ăn không?

Tu-đạt đáp:

- Thà tôi nhịn ăn để cúng dường tôn giả.

Người vợ lại hỏi:

- Nếu tôn giả Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Xá-lợi-phất v.v… và Đức Phật đều đến ông phải làm sao?

Tu-đạt cũng đáp:

- Tôi sẽ nhịn ăn để cúng dường hết cho các vị ấy.

Lúc ấy người vợ mới kể:

- Sáng nay các vị ấy đã đến khất thực, có bao nhiêu thức ăn tôi đều cúng dường hết.

Tu-đạt nghe rồi rất vui mừng, liền bảo vợ:

- Chúng ta đã hết tội, phúc sẽ sinh.

Nói rồi liền mở kho ra thì lúa gạo, vải vóc và các thức ăn uống tự nhiên đầy đủ, hễ dùng hết chúng lại sinh. Phúc báo như thế không thể kể xiết”.

[55a] Theo kinh Tạp thí dụ[131] ghi: “Ngày xưa trưởng giả Tu-đạt trải qua bảy đời nghèo khổ, đến đời cuối cùng nghèo đến nỗi không có một đồng. Một hôm ông nhặt trong đất dơ được một cái thăng bằng gỗ chiên-đàn, mang ra chợ bán, mua được bốn thăng gạo đem về, bảo vợ:

- Bà hãy nấu một thăng, tôi sẽ đi kiếm rau quả về, rồi chúng ta cùng ăn.

Bấy giờ, Đức Phật nghĩ: ‘Ta phải độ Tu-đạt, để ông ấy lại được phúc’. Vợ Tu-đạt nấu cơm vừa chín thì Đức Phật và các đệ tử Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp đồng đến. Bốn thăng gạo đều được nấu hết và lần lượt mang ra cúng dường. Về sau ông rất giàu có, thường thỉnh Phậtchúng tăng đến cúng dường. Đức Phật nói pháp cho hai ông bà nghe, họ đều chứng đắc quả vị”.

Kinh Bồ-tát bản hạnh[132] ghi: “Lúc trước, nhà trưởng giả Tu-đạt rất nghèo. Nhờ nghe Phật thuyết pháp, thân tâm ông thanh tịnh, đắc quả A-na-hàm. Lúc đó, gia đình chỉ có năm đồng tiền, nhưng ông mang ba đồng đến cúng dường Phật, pháp, tăng; một đồng mua thức ăn, một đồng để dành làm vốn. Nhờ thế mỗi ngày ông đều có một đồng tiền dùng không bao giờ hết. Sau đó, ông thụ năm giới, đoạn dứt tâm dục. Các bà vợ đều thuận theo niềm vui của ông. Một hôm, vợ ông rang gạo làm bột, sơ ý để lửa cháy chết người và súc vật. Vì việc ấy, vua Ba-tư-nặc ra lệnh cấm: ‘Từ nay ban đêm không được thắp đèn, đốt lửa. Nếu ai phạm sẽ bị phạt một nghìn lượng vàng’.

Bấy giờ, Tu-đạt đã đắc đạo, sớm hôm thiền định tại nhà. Vào nửa đêm, ông thắp đèn tọa thiền, quan quân tuần tra bắt được tâu vua. Vua lệnh ông phải nộp phạt. Tu-đạt tâu:

- Thần nghèo khổ một trăm đồng cũng không có, lấy gì nộp phạt.

Vua nổi giận, sai lính bắt giam vào ngục. Tứ thiên vương trông thấy, đầu đêm liền bay xuống nói với Tu-đạt:

- Tôi sẽ cho ông tiền nộp phạt để được thả ra.

Tu-đạt liền thuyết kinh cho Tứ Thiên vương. Thiên vương nghe xong liền đi. Giữa đêm Đế Thích đến nghe Pháp, cuối đêm Phạm thiên đến; trưởng giả đều thuyết pháp cho các vị trời ấy. Nghe xong họ trở về thiên cung.

Đêm ấy, vua ở trên lầu cao, bỗng thấy trên ngục phát ra ánh sáng. Hôm sau, vua sai người đến nói với Tu-đạt:

- Ông thắp đèn nên bị giam vào ngục, không biết hổ thẹn hay sao mà còn tiếp tục đốt lửa?

Tu- đạt đáp:

- Tôi không đốt lửa. Nếu đốt thì phải có khói và tro.

Sứ thần lại nói:

- Tại sao đầu đêm vua thấy bốn đốm lửa, giữa đêm lại có một đốm lửa lớn và sáng hơn bốn đốm lửa trước, cuối đêm cũng có một đốm lửa, sáng hơn gấp đôi. Ông nói không phải lửa, vậy đó là gì?

Tu-đạt đáp:

- Đó chẳng phải là lửa! Đầu đêm Tứ thiên vương đến gặp ta, giữa đêm trời Đế Thích đến, cuối đêm thì Phạm thiên đến gặp ta. Đó là ánh sáng của các vị trời chứ chẳng phải lửa.

[55b] Sứ thần liền trở về tâu vua. Vua nghe như thế, toàn thân rúng động. Vua nói:

- Người này phúc đức đặc biệt như vậy, sao ta lại làm nhục?

Vua liền lệnh cho sứ thần:

- Hãy thả ông ấy ngay, không được chậm trễ!

Quan giữ ngục liền thả ra. Được thả, Tu-đạt liền đi đến tinh xá, đỉnh lễ Đức Phật và ngồi lại nghe pháp.

Khi ấy, vua Ba-tư-nặc cũng bảo quần thần chuẩn bị xa giá, đi đến chỗ Phật. Thấy vua, nhân dân đều đứng dậy tránh ra. Chỉ có Tu-đạt đang lắng tâm nghe pháp, nên thấy vua song vẫn ngồi an nhiên. Trong lòng vua hơi bực tức nghĩ rằng: ‘Người này là thần dân của ta mà có tâm xem thường, thấy ta không đứng dậy’. Nghĩ rồi vua càng tức giận. Phật biết tâm ý vua, nên ngừng thuyết pháp.

Vua bạch Phật:

- Xin Đức Thế Tôn hãy giảng tiếp!

Đức Phật bảo:

- Lúc này không thích hợp. Vì sao? Vì có người khởi sân giận, thắt chặt oán thù, không chịu cởi bỏ, tham đắm nữ sắc, tự cao bất kính, lòng đầy ô nhiễm, dù nghe pháp vi diệu cũng không thể hiểu được. Do đó, chẳng phải lúc thuyết pháp cho vua.

Vua nghe nói thế, suy nghĩ: ‘Vì người này mà hôm nay ta hai lần bị giảm uy, lại khởi tâm sân, không được nghe pháp’. Nghĩ rồi, vua đỉnh lễ Phật và đi về. Khi ra ngoài vua nói với cận thần:

- Nếu thấy người này ra hãy chém đầu.

Vua vừa dứt lời, lập tức bốn phía cọp sói, sư tử, các loài thú dữ đều đến vây quanh vua. Vua hoảng sợ, liền trở lại chỗ Phật. Phật hỏi:

- Sao đại vương quay lại?

Vua đáp:

- Trẫm sợ thú dữ nên trở lại.

Phật chỉ Tu-đạt hỏi:

- Đại vương có biết người nay chăng?

Vua đáp:

- Không biết.

Phật nói:

- Người này đã đắc quả A-na-hàm. Vì vua khởi tâm ác với người này nên xảy ra những việc như thế. Nếu đại vương không quay lại ắt sẽ nguy hại tính mạng.

Nghe Phật nói, vua rất kinh sợ, liền trải người trước Tu-đạt đỉnh lễ sám hối và nói:

- Ông là dân của ta, mà ta chịu hạ mình trước ông thật là việc khó.

Tu-đạt tâu:

- Tôi nghèo mà bố thí mới là khó. Bấy giờ, Thi-ba-sư-chất nói: ‘Tôi vì nước dẹp loạn, bị giặc bắt. Tuy gần kề cái chết vẫn không nói dối, đó cũng là điều khó’. Lại có trời Thi-ca-lê nói: ‘Tôi nằm nghỉ trên lầu cao, thiên nữ đến quyến rũ, giữ giới mà khước từ mới thật là khó’.

Khi ấy, mỗi người ở trước Đức Phật nói bài kệ:

Nghèo cùng khó bố thí,

Giàu sang khó nhẫn nhục,

Hiểm nguy khó giữ giới,

Tuổi trẻ khó bỏ dục.

Nghe thuyết kệ rồi, vua và nhân dân đều hoan hỉ đỉnh lễ lui ra”.

XI.4. Bần nhi

[55c] Kinh Biện Ý trưởng giả tử[133] ghi: “Lúc ấy, trưởng giả Biện Ý đỉnh lễ Đức Phậtchắp tay bạch rằng:

- Cúi mong Đức Thế Tônthánh chúng, ngày mai hạ cố đến xóm nghèo chúng con thụ thực.

Đức Phật im lặng nhận lời. Trưởng giả đỉnh lễ Phật trở về nhà sửa soạn đầy đủ thức ăn. Hôm sau, Đức Phậtđại chúng đi đến, thứ tự ngồi trang nghiêm. Biện Ý thưa cha mẹquyến thuộc, đỉnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng hầu. Biện Ý đứng lên rót nước rửa tay và cung kính dâng thức ăn. Chưa dùng xong, có một người hành khất, đến từng vị tăng xin ăn. Vì Phật chưa chú nguyện, nên không ai dám cho. Người ấy đi khắp tòa, chẳng xin được gì, nổi giận bỏ đi và khởi niệm ác: ‘Các sa-môn này buông lung, ngu si nào có tu hành gì. Thấy người nghèo đến xin không có tâm bố thí, còn trưởng giả cũng bị mê hoặc, cúng dường cho những người không có lòng thương xót này. Nếu sau này ta làm vua, sẽ dùng bánh xe sắt cán đứt đầu họ’. Nói xong liền bỏ đi.

Khi Phật chú nguyện xong, lại có một người khác đến xin ăn. Tất cả chúng hội đều cho, người ấy được nhiều thức ăn rất vui mừng, nghĩ rằng: ‘Các sa-môn này đều có tâm từ, thương xót mình nghèo khổ, bố thí thật nhiều thức ăn. Ta có thể ăn được vài ngày. Vui thay! Tốt thay! Trưởng giả cúng dường các vị đại sĩ này, sẽ được phúc vô lượng. Nếu ta được làm vua, dù cúng dường Đức Phậtchư tăng suốt bảy ngày, cũng không sao báo đáp được ân cứu đói hôm nay’.

Đức Phật thụ trai xong, thuyết pháp cho mọi người rồi trở về tinh xá.

Phật bảo A-nan:

- Từ nay về sau, khi chú nguyện xong mới dùng cơm.

Sau đó, hai người ăn xin kia lần lượt đi xin đến một nước nọ. Người khởi tâm thiện nằm nghỉ trong đám cỏ ven đường. Bấy giờ, vua của nước đó vừa qua đời, nhưng không có người kế vị. Trong nước có một người rất giỏi về tướng số, thấy trong sấm thư[134] có ghi: ‘Sẽ có người nghèo xứng đáng kế vị’. Nghe thầy tướng tiên đoán, các vị đại thần cùng bá quan điều động nghìn vạn cỗ xe đi khắp nước, tìm người xứng đáng lên ngôi. Khi đi ngang lùm cỏ rậm ven đường nọ, mọi người thấy phía trên có mây che phủ. Thầy tướng nói:

- Trong đây có thần nhân

Mọi người vào xem thì thấy một người hành khất, tướng mạo xứng đáng làm vua. Quần thần thi lễ, mỗi người tự xưng là hạ thần. Người ấy kinh hoảng nói:

- Tôi là kẻ thấp hèn chẳng phải dòng dõi vua chúa.

Nhưng tất cả đều nói:

- Ngài có tướng xứng đáng làm vua chứ chẳng phải chúng tôi cưỡng ép.

Các quan đưa nước thơm cho người ấy tắm, rồi cho mặc y phục của vua. Người ấy liền lộ bày uy tướng sáng rỡ. Mọi người hết lời khen ngợi, trang hoàng xa giá rước về cung. Còn người khởi niệm ác lúc trước, đang ngủ say trong đám cỏ rậm, bị xe chạy ngang cán đứt đầu. [56a] Vua về đến nước, âm dương điều hòa, bốn mùa khí thuận, nhân dân được an lạc, cả nước đều ca ngợi ân đức của vua.

Lúc ấy vua suy nghĩ: ‘Trước đây ta nghèo khổ, sao nay được làm vua?’ Vua liền nhớ lại, trước đó làm kẻ hành khất nhờ ân đức của Phật, xin được rất nhiều thức ăn, sinh tâm thiện, nguyện rằng nếu được làm vua sẽ cúng dường Đức Phật bảy ngày. Nay phúc báo đã được đúng như nguyện; vua liền triệu tập quần thần, hướng về nước Xá-vệ đốt hương, đỉnh lễ, rồi sai sứ giả đến thỉnh Đức Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ ân đức của Ngài mà chủ của con được làm vua. Nay vua nước con muốn thỉnh Thế Tôn đến đó giáo hóa, giúp cho kẻ ngu muội nghe giáo pháp của Như Lai.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

- Hãy nên nhận lời!

Bấy giờ, Đức Phật cùng rất nhiều đệ tử đi đến nước kia, vua đích thân ra ngoài nghinh tiếp, đỉnh lễ Đức Phật, và thỉnh tất cả vào cung thụ trai. Sau đó, vua thỉnh cầu Đức Phật nói về nhân duyên đời trước của mình. Đức Phật kể lại tất cả những việc trên và bảo:

- Nhờ đại vương khởi niệm thiện, nên nay được làm vua. Người khởi niệm ác không những bị xe cán chết, mà còn phải đọa vào địa ngục, bị bánh xe bốc lửa nghiền nát, trải qua ức kiếp mới ra khỏi. Nay đại vương thỉnh Phậtchúng tăng đến cúng dường để đáp lại ân Phật theo thệ nguyện xưa, nên sẽ được phúc báo đời đời không dứt.

Bấy giờ Đức Phật liền nói kệ:

Tâm người là gốc độc,

Miệng là cửa tai họa,

Tâm nghĩ và miệng nói,

Thân chịu tội lỗi đó.

Không nghĩ đến thiện, ác,

Thân làm thân chịu khổ,

Ý muốn hại người khác,

Liền bị xe cán chết.

Nhờ hành pháp cam lộ,

Khiến người sinh cõi trời,

Tâm nghĩ, miệng nói thiện,

Thân được phúc báo kia.

Người nghĩ đến thiện, ác,

Tự lập gốc an thân,

Ý nghĩ về điều thiện,

Như vua được ngôi trời.

Vua nghe Đức Phật nói kệ xong, lòng vô cùng hoan hỉ. Các quan và toàn thể nhân dân trong nước đều đắc quả Tu-đà-hoàn”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Thuở xưa, lúc Đức Phật cùng một nghìn hai trăm năm mươi vị tì-kheo đang ở nước Xá-vệ, có năm trăm hành khất thường theo Đức Phậtchúng tăng xin ăn để sống. Sau đó, khởi tâm nhàm chán, tất cả cùng đến xin Đức Phật cho xuất gia. Họ bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Rất khó gặp Như Lai ra đời. Chúng con là kẻ thấp hèn, nhờ Ngài cứu sống. Nay chúng con muốn được xuất gia, chẳng hay Ngài cho phép không?

Đức Phật đáp:

- Pháp của Ta bình đẳng, không phân biệt nghèo giàu, giống như nước sạch tẩy trừ những vật dơ uế. Bất luận người giàu hay nghèo, [56b] dùng nước tẩy rửa đều được sạch sẽ. Pháp ấy như đống lửa lớn lan đến đâu, nơi đó đều bị thiêu rụi; pháp ấy như hư không, người giàu nghèo, sang hèn đều có thể tùy ý đi lại trong đó.

Nghe Đức Phật nói như thế, những người hành khất vô cùng hoan hỉ, lòng tin thêm lớn, thành tâm xuất gia. Đức Phật bảo:

- Thiện lai tì-kheo!

Lập tức các vị ấy, râu tóc tự rụng, ca-sa đắp thân, đầy đủ hình tướng sa-môn. Năm trăm người nghe Đức Phật nói pháp đều chứng quả A-la-hán.

Lúc ấy, những trưởng giả giàu có nghe Đức Phật độ cho những kẻ ăn xin xuất gia, liền khởi tâm kiêu mạn nói: ‘Sao Đức Như Lai cho phép những kẻ hạ tiện ấy gia nhập tăng đoàn như thế! Chúng ta tu phúc, khi thỉnh Phậtchúng tăng thụ trai, thì những kẻ hạ tiện ấy cũng sẽ đến ngồi lên chiếu, cầm bát của chúng ta để ăn’.

Bấy giờ, thái tử Kì-đà sai người đến thỉnh Phậtchúng tăng. Sứ giả thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn! Ngày mai, thái tử thỉnh Ngài và chư tăng đến thụ trai, nhưng không mời những kẻ ăn xin vừa xuất gia kia. Xin Ngài đừng dẫn đến.

Sáng hôm sau đến giờ thụ trai, Đức Phật bảo những vị tì-kheo kia:

- Ta nhận lời thỉnh của thái tử, nhưng ông ta không mời các ông. Vậy các ông hãy đến Uất-đơn-việt, lấy cơm tự nhiên rồi trở lại nhà thái tử, theo thứ tự ngồi thụ trai.

Các tì-kheo vâng lời, liền dùng thần túc thông bay đến châu kia. Mỗi người lấy đầy bát cơm, nhiếp thân lướt trong hư không như chim nhạn bay đến nhà thái tử Kì-đà, theo thứ tự ngồi thụ trai. Lúc ấy, thái tử Kì-đà thấy chúng tì-kheo uy nghi, phúc đứcthần túc đầy đủ, sinh lòng cung kính hoan hỉ chưa từng có, liền thưa với Đức Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Những vị hiền thánh này từ đâu đến?

Đức Phật đáp:

- Họ chính là những người mà hôm qua ông không muốn thỉnh.

Đức Phật liền nói nhân duyên của những vị ấy cho thái tử nghe. Thái tử nghe rồi lòng vô cùng hổ thẹn, tự trách: ‘Ta ngu muội, không phân biệt được sáng tối’. Thái tử lại thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn! Những vị này đời trước đã tạo phúc duyên gì, mà nay gặp Đức Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo; lại không biết họ tạo ác nghiệp gì, mà phải làm kẻ ăn xin như thế?

Đức Phật đáp:

- Cách đây rất lâu, có một ngọn núi lớn tên Lợi-sư, thuộc nước Ba-la-nại, là trú xứ của các Đức Phật quá khứ. Lúc không có Phật ra đời, thì hai nghìn vị bích-chi phật thường ở trong đó. Bấy giờ, trong nước ấy có trưởng giả tên Tán-đà-ninh nhà rất giàu sang. Gặp lúc hạn hán mất mùa, ông hỏi người giữ kho:

- Trong kho của ta còn bao nhiêu lúa gạo? Ta muốn thỉnh các vị đại sĩ đến cúng dường mà chẳng biết có đủ không?

Người giữ kho đáp:

- Còn rất nhiều, đủ để cúng dường.

Trưởng giả liền thỉnh hai nghìn vị bích-chi phật đến cúng dường và sai năm trăm người hầu làm thức ăn. Những người hầu tỏ ý mỏi mệt và nói :

- Sở dĩ chúng ta khổ cực là do những kẻ ăn xin kia.

[56c] Lúc ấy, trưởng giả sai một người, hàng ngày đến báo giờ thụ trai cho các vị bích-chi phật. Ông ta có nuôi một con chó, hàng ngày nó thường đi theo chủ nhân. Một hôm, ông quên không đến báo giờ, con chó một mình đi đến chỗ ấy, hướng về các vị đại sĩ mà sủa vang. Các vị đại sĩ nghe tiếng chó sủa, biết đúng giờ, liền đi đến nhà trưởng giả như pháp thụ trai. Sau đó, các vị đại sĩ bảo trưởng giả:

- Hôm nay trời mưa, ông nên cày ruộng gieo giống!

Trưởng giả nghe lời, sai người cày ruộng gieo giống. Những hạt giống được gieo xuống đều biến thành cây bầu. Trưởng giả tuy ngạc nhiên, nhưng vẫn chăm sóc tưới bón. Bầu ra hoa kết trái, quả nào cũng to lớn. Trưởng giả bổ quả bầu ra xem, thấy trong đó có đủ các loại hạt mà trước kia đã gieo, nay có kết quả rất tốt đẹp; trong ruột bầu chứa nhiều lúa gạo, ông rất vui mừng. Nhà ông trở nên giàu có, ông bèn đem chia cho họ hàng, quyến thuộc. Cả nước nhờ đó mà được sung túc.

Lúc ấy, năm trăm người làm thức ăn nghĩ rằng: ‘Trưởng giả có được kết quả tốt như thế, là nhờ ân đức của các bậc đại sĩ. Sao chúng ta lại nói những lời không tốt với các vị ấy?’. Nghĩ rồi liền đến các vị đại sĩ xin sám hối và lập nguyện: ‘Chúng con nguyện đời sau gặp các bậc hiền thánh và được giải thoát’. Do có niệm ác, nên trong năm trăm đời họ thường làm kẻ ăn xin; nhờ sám hối và lập nguyện nên nay gặp Ta, được xuất gia chứng quả. Thái tử nên biết! Tán-đà-ninh lúc đó nay chính là Ta, người giữ kho nay là Tu-đạt; người đến báo giờ là vua Ưu-điền; năm trăm người làm thức ăn lúc đó nay là năm trăm vị a-la-hán. Bấy giờ, những người trong hội của thái tử Kì-đà thấy sự thần kì như thế, đều chứng quả A-la-hán”.

XI.5. Bần nữ

Kinh Hiền ngu ghi: “Thuở Đức Phật còn tại thế, tôn giả Ca-chiên-diên du hóa đến nước A-bàn-đề, ở đó có ông trưởng giả rất giàu, của cải vô số. Trong nhà ông có người tớ gái, phạm lỗi nhỏ, bị trưởng giả đánh đập, sai làm việc ngày đêm không ngừng mà áo không đủ che thân, cơm ăn không no lòng. Đến già, bà ấy vẫn còn khổ, muốn chết cũng không được. Một hôm, bà ôm bình ra sông lấy nước, chợt buồn tủi, khóc lớn. Tôn giả Ca-chiên-diên nghe tiếng khóc đến hỏi, biết được nguyên nhân, liền bảo:

- Sao ngươi không bán cái nghèo ấy đi!

Bà lão đáp:

- Ai mà mua cái nghèo?

Tôn giả đáp:

- Nghèo cũng có thể bán được.

Bà lão hỏi:

- Nghèo có thể bán được ư? Làm sao để bán?

Tôn giả đáp:

- Ngươi muốn bán nó, hãy nghe theo lời ta.

Nói rồi tôn giả bảo bà đi tắm rửa, sau đó dạy cách bố thí. Bà lão thưa:

- Nay tôi nghèo khổ áo mặc không đủ lành lặn, chỉ có một chiếc bình, nhưng của ông chủ. Lấy gì cúng dường ngài đây?

[57a] Tôn giả liền trao bình bát cho bà, dạy đi lấy nước đến cúng dường. Tôn giả nhận rồi chú nguyện, truyền giới và dạy bà niệm Phật. Sau đó tôn giả hỏi:

- Ngươi thường ngủ ở đâu?

Bà lão đáp:

- Tôi không có chỗ ngủ cố định. Tùy theo công việc xay giả, hoặc nấu cơm ở đâu thì ngủ ở nơi đó, hoặc ngủ trên đống rác.

Tôn giả bảo:

- Ngươi cứ hết lòng siêng năng làm việc, đợi lúc mọi người ngủ say, ngươi lén mở cửa vào nhà, trải cỏ ngồi quán tưởng Phật.

Bà lão vâng lời, tối đến lén vào trong nhà ngồi quán Phật rồi mạng chung, sinh lên cõi trời Đao-lợi. Sáng ra, người chủ thấy vậy liền nổi giận nói:

- Người làm này không được vào nhà, sao nay lại chết ở đây?

Ông liền sai người lấy dây buộc chân, rồi đem bỏ trong rừng sâu. Bà lão sinh lên cõi trời làm quyến thuộc với năm trăm thiên tử. Bà dùng thiên nhãn quán xem thấy nhân duyên nào giúp được sinh lên cõi trời. Bà liền dẫn năm trăm thiên tử mang hương hoa đến khu rừng cúng dường thi thể kia, phóng ánh sáng cõi trời chiếu khắp rừng cây. Người chủ thấy kì lạ, liền bảo với mọi người cùng đến đó xem, thấy thi thể kia, ông liền hỏi:

- Đây là thi thể của người nô tì sao lại cúng dường?

Vị thiên tử đáp:

- Đây là thân đời trước của tôi!

Thiên tử liền kể lại nhân duyên được sinh lên trời. Sau đó, các vị thiên tử ấy đến chỗ ngài Ca-chiên-diên đỉnh lễ cúng dường, nhân đó được nghe pháp. Năm trăm vị thiên tử đều đắc quả Tu-đà-hoàn, sau đó bay về cõi trời. Vì thế, người trí phải tu học như lời ta dạy”.

Kinh Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu[135] ghi: “Khi Phật ở nước Xá-vệ, Ma-ha Ca-diếp một mình du hóa đến thành Vương Xá. Ngài Ca-diếp thường khất thực với tâm thương xót tạo phúc lành cho chúng sinh; nhưng không đến nhà giàu sang, chỉ ghé những nhà nghèo khổ. Trước khi đi khất thực, Ca-diếp thường nhập tam-muội, xem người nghèo ở đâu, sẽ đến đó tạo phúc cho họ. Một hôm, đi vào trong thành Vương Xá, Ca-diếp gặp một bà lão góa bụa. Bà ấy nghèo khổ cùng cực, phải khoét đống rác lớn trong làng làm nơi nương thân. Thân thểgầy yếu, bệnh tật, thường nằm trong hang, cô độc không có ai giúp đỡ, không có cơm ăn, áo mặc, phải đặt một tấm phên nhỏ trong hang để che thân. Ca-diếp nhập định biết bà lão này đời trước không gieo trồng phúc thiện, nên ngày nay phải chịu nghèo khổ. Ngài biết bà sắp qua đời, nếu không được độ, sẽ mãi mãi không được hưởng phúc.

Do thường đói khổ, nên khi thấy người hầu của nhà trưởng giả đổ nước gạo thối, bà liền xin nước ấy, đựng trong những chiếc bình bể, đặt đầy trong hang. Ca-diếp đến xin và chú nguyện: ‘Nếu bà cúng dường, dù nhiều hay ít đều được phúc’.

Bấy giờ, bà lão liền nói kệ:

[57b] Thân thể mang bệnh tật,

Lại cô độc, khốn cùng,

Là người nghèo nhất nước,

Áo chẳng đủ che thân,

Người đời không lòng từ,

Khi gặp cũng thương xót,

Đã nói là xót thương,

Sao không biết thân này,

Đói khổ nhất trên đời?

Không ai khổ hơn tôi!

Xin xót thương lượng thứ,

Thật tôi chẳng tiếc gì.

Ngài Ca-diếp liền nói kệ:

Phật là thầy ba cõi,

Tôi ở trong pháp ấy,

Muốn bà hết nghèo đói,

Nên đến đây khất thực,

Nếu bà giảm phần ăn,

Sớt một ít cúng dường,

Mãi mãi sẽ thoát khổ,

Đời sau được giàu có.

Bà lão nghe kệ xong rất hoan hỉ, liền nhớ lại: ‘Hôm trước có chứa nước gạo hôi, nếu cúng dường, thì sợ ông ta không uống được’. Do đó, từ trong hang bà thưa rằng:

- Tôi có ít nước gạo hôi, Ngài hãy thương xót nhận cho, được không?

Ca-diếp đáp:

- Tốt lắm.

Bà lão lụm khụm ở trong hang lấy nước gạo. Vì không có mảnh vải che thân, nên không mang nước gạo ra được, bà nép mình, khòm lưng với tay đưa qua tấm phên. Ca-diếp nhận lấy và chú nguyện cho bà được phúc báo an lành. Ca-diếp suy nghĩ: ‘Nếu ta mang nước đến chỗ khác uống, bà ấy sẽ không tin, cho rằng ta đem đổ’. Nghĩ rồi, liền ở trước bà lão uống hết nước ấy, rửa bát bỏ vào trong đãy. Ngay lúc ấy, bà phát lòng tin chân chính. Ca-diếp tự nghĩ: ‘Ta phải thị hiện thần thông, khiến bà được an ổn’. Nghĩ rồi, Ca-diếp liền bay lên hư không hiện các thứ thần biến. Bà lão thấy như vậy rất vui mừng, chí thành quì xuống, chiêm ngưỡng.

Ngài Ca-diếp nói:

- Nay bà có mong ước điều gì không?

Bà thưa:

- Tôi nguyện nhờ chút phúc này được sinh lên cõi trời.

phát nguyện xong, không còn thấy Ca-diếp đâu nữa. Mấy hôm sau bà qua đời, sinh lên cõi trời Đao-lợi, uy đức vòi vọi chấn động trời đất, ánh sáng đặc biệt khác thường, giống như bảy mặt trời cùng xuất hiện một lần, chiếu sáng khắp thiên cung. Đế Thích kinh sợ nghĩ : ‘Người nào có phúc đứcchấn động đất trời, hơn ta như thế?’. Đế Thích liền dùng thiên nhãn quán sát biết được do phúc đức của thiên nữ này khiến như thế, và cũng biết được từ nơi nào sinh đến đây.

Bấy giờ, thiên nữ tự nghĩ: ‘Ta được phúc báo này là do đời trước cúng dường ngài Ca-diếp. Giả sử ta đem trăm nghìn các thứ trân bảo của cõi trời cúng dường ngài Ca-diếp cũng chưa thể báo đáp một chút ân của ngài’. [57c] Nghĩ rồi, thiên nữ liền dẫn người hầu mang hương hoa cõi trời, từ trên hư không rải cúng dường ngài Ca-diếp, sau đó, hạ xuống cung kính đỉnh lễ, đứng qua một bên chắp tay tán thán:

Trong trăm nghìn cõi nước,

Phật là đấng chí tôn,

Kế đến ngài Ca-diếp,

Khéo đóng cửa tội lỗi.

Xưa ở cõi Diêm-phù,

Trước hang phân rác bẩn,

Vì bà lão nghèo khổ,

Ngài nói lời chân thật,

Bà lão rất vui mừng,

Dâng lên nước gạo hôi,

Cúng dường như hạt cải,

Mà được phúc như núi,

Thụ sinh làm thiên nữ,

Hưởng phúc báo tự nhiên,

Vì thế con bay xuống,

Kính lễ bậc phúc điền.

Thiên nữ nói kệ rồi, liền trở về thiên cung. Đế Thích suy nghĩ: ‘Người nữ ấy cúng dường nước gạo mà còn được phúc như vậy. Ngài Ca-diếp có tâm thương xót rộng lớn, nhưng chỉ ban phúc cho những người nghèo hèn, không đến nhà giàu sang. Ta phải tìm diệu kế để cầu phúc’. Nghĩ rồi, Đế Thích liền cùng thiên hậu mang thức ăn trăm vị, đựng trong một bình nhỏ, đến thành Vương Xá. Hai vợ chồng Đế Thích dựng một cái chòi nhỏ rách nát bên đường và biến đổi hình dạng thành người già, thân thể gầy ốm, đi đứng lòm khòm, làm nghề đan chiếu, bộ dạng nghèo túng, trong nhà không có lương thực. Ca-diếp thấy người nghèo ấy liền đến khất thực.

Ông lão nói:

- Tôi quá nghèo, không có thứ gì cúng dường, biết làm sao?

Ngài Ca-diếp vẫn đứng chú nguyện mãi không đi. Ông lão nói:

- Vợ chồng tôi quá già, làm nghề đan chiếu, không rảnh đi xin thức ăn, chỉ có một ít cơm, định ăn. Nhưng nghe ngài nhân từ đức độ, chỉ đến nhà nghèo khất thực để ban phúc cho họ, nên nay chúng tôi tuy nghèo khó, cũng muốn bớt phần ăn của mình để cúng dường ngài. Nếu đúng như lời đồn, chúng tôi sẽ được phúc.

Đế Thích suy nghĩ: ‘Mùi thơm của thức ăn cõi trời, người thế gian hiếm khi được ngửi. Nếu ta mở sẵn nắp bình, ngài Ca-diếp sẽ biết và chắc chắn không chịu nhận’. Nghĩ rồi Đế Thích nói:

- Thức ăn của tôi không nhiều, xin ngài đem bát đến.

Ca-diếp nhận thức ăn và chú nguyện cho thí chủ. Mùi thơm của cơm ấy lan khắp thành Vương Xá, và cả nước. Ca-diếp nghe mùi thơm liền sinh nghi. Ông bà lão hiện lại thân Đế Thích, nhanh chóng bay lên hư không, vui mừng búng tay. Ca-diếp suy nghĩ và biết được Đế Thích hóa làm người nghèo để tạo phúc lành. Ca-diếp suy nghĩ: ‘Nay ta đã nhận thức ăn rồi không nên trả lại’, Ca-diếp tán thán Đế Thích làm phúc không biết mỏi mệt, chịu mang lốt già xấu để gieo phúc, ắt sẽ được phúc báo. Đế Thíchthiên hậu vô cùng vui mừng. Lúc ấy, trên trời trỗi kĩ nhạc đến nghinh đón. Về cung rồi, Đế Thích càng hoan hỉ hơn, liền nói kệ:

[58a] Mây dạt phương nam chẳng về đâu,

Đông tây dong ruỗi mãi dài lâu,

Rau cá, Nguyên Hiến[136] hằng thầm ước,

Cao lương, Điền Thị chẳng dám cầu,

Sân cỏ um tùm không xe ngựa,

Cửa tranh lạnh vắng kết chiếu lau,

Ngày trước trộm tham chút ánh sáng,

Hôm nay nghèo khổ chớ âu sầu”.

Viên Châu dịch


 



[1] Pháp giới 法 界 (S: dharma-dhātu): tất cả các cảnh sở duyên của ý thức, một trong mười tám giới. Theo nghĩa rộng thì pháp giới chỉ chung cho tất cả các pháp hữu vivô vi.

[2] Tỳ-xá-khư mẫu 毘舍佉母 (S: Mṛgāra-mātṛ; Cg: Lộc Tử Mẫu): vị ưu-bà-di đắc sơ quả, sống vào thời Đức Phật còn tại thế, là con gái của trưởng giả nước Ương-già. Bà đã từng phát tám lời nguyện lớn trước Đức Phật, còn cúng dường tài vật để xây dựng giảng đường Đông Viên Lộc Mẫu cho Đức Phật và các đệ tử.

[3] A-la-hán 阿羅漢 (S: arhat): bậc thánh đã đoạn hết kiến hoặc, tư hoặc trong ba cõi, chứng được tận trí, xứng đáng nhận tất cả sự cúng dường của thế gian; một trong bốn quả Thanh văn, một trong mười đức hiệu Như Lai.

[4] Luận Địa trì (Địa trì luận 地持論): luận, mười quyển, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 30. Nội dung kinh này nói rõ phương tiện tu hành của bồ-tát, chia làm ba phần: sơ phương tiện xứ, thứ pháp phương tiện xứ và tất cánh phương tiện xứ, gồm hai mươi bảy phẩm.

[5] Chi-đề 支提 (S: Caitya): tháp miếu, theo luật Ma-ha-tăng-kì, nơi thờ xá-lợi mới gọi là tháp, tháp không thờ xá-lợi gọi là chi-đề. Đời sau phần nhiều dùng lẫn lộn. Luận Địa trì chủ trương bất luận tháp có thờ hay không thờ xá-lợi, đều gọi là chi-đề cả.

[6] Tinh xá 精舍: ngôi nhà của những người tinh chuyên tu luyện trí đức, tức tên khác của tự viện.

[7] Phạm phúc 梵福 (S: Brāhma-puṇyatva): phúc đức sinh về cõi trời Đại Phạm.

[8] Vô thượng bồ-đề 無上菩提: quả vị Phật. Vì quả vị Bồ-đề của Phật là cứu cánh vô thượng nên gọi là Vô thượng bồ-đề.

[9] Công đức 功德 (S: Guṇa): công năng phúc đức có được do làm các hạnh lành.

[10] Tam bảo 三寶 (S:tri-ratna, ratna-traya): ba ngôi báu. Đó là Phật bảo, Pháp bảoTăng bảo được tín đồ Phật giáo tôn kính, cúng dường. Phật (S: Buddha) là bậc đã giác ngộ và có năng lực giáo hóa chúng sinh; Pháp (S: Dharma) là giáo pháp của Đức Phật; Tăng (S: Saṃgha) là tập đoàn đệ tử Phật tu học theo giáo pháp. Ba ngôi báu trên có oai đức cao tột, có khả năng đem lại lợi ích an vui vĩnh viễn cho chúng sinh như của báu thế gian, nên gọi là tam bảo.

[11] Thiết-lợi-la 設利羅: thông thường chỉ cho di cốt của Phật, gọi là Phật cốt, Phật xá-lợi, về sau cũng chỉ cho xương còn sót lại sau khi thiêu nhục thân vị cao tăng. Phẩm Xả thân, kinh Kim quang minh 4 (Đại 16, 354 thượng) ghi: “Xá-lợi là vật được huân tu bởi giới, định, tuệ rất khó có được, là phúc điền tối thượng”.

[12] Biệt cúng dường 別供養: cúng dường riêng. Biệt cúng dường ở đây là cúng dường riêng cho Đức Phật.

[13] Kinh Ưu-bà-tắc giới (Ưu-bà-tắc giới kinh 優婆塞戒經; S: Upāsaka-śīla-sūtra): kinh, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào năm 426 đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 24. Nội dung kinh này, nói về trưởng giả Thiện Sinh giảng tam quy, ngũ giới cho các tín giả Đại thừa tại gia nghe.

[14] Sa-môn 沙 門 (S: Śramaṇa): người xuất gia cạo bỏ râu tóc, dứt bỏ các điều ác, khéo điều hòa thân tâm, siêng năng làm các việc thiện để mong đạt đến niết-bàn. Từ ngữ này vốn chỉ chung cho cả nội và ngoại đạo, là từ chuyển âm của phương ngôn Tây Vực.

[15] Bà-la-môn 婆 羅門 (S: brāhmaṇa): giai cấp tăng lữ, giai cấp cao nhất trong bốn giai cấpxã hội Ấn Độ cổ. Chính giai cấp bà-la-môn này làm lũng đoạn tất cả hệ tri thức của Ấn Độ thời ấy. Họ tự cho mình là dòng dõi cao quí nhất.

[16] Luận Đại trí độ (Đại trí độ luận 大智度論; S: Mahāprajñāpāramitaśastra): luận, một trăm quyển, do bồ-tát Long Thụ soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 25. Nội dung luận này giải thích kinh Đại phẩm bát-nhã, luận này giải thích rất rõ ràng về học thuyết, tư tưởng, dụng lệ, truyền thuyết, lịch sử, địa lí, qui định thực tiễn, tăng-già. .

[17] A-tăng-kì 阿 僧祇 (S:asaṃkhya): một đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn chẳng thể tính đếm được. Theo cách đọc thì một a-tăng-kì có một nghìn vạn vạn vạn… triệu.

[18] Kiếp 劫 (S: kalpa): vốn là đơn vị thời gian rất dài của Bà-la-môn giáo thời Ấn Độ cổ, sau đó Phật giáo cùng sử dụng và xem đó là thời gian không thể tính đếm được.

[19] A-na-luật 阿那律 (S: Aniruddha): một trong mười vị a-la-hán đệ tử lớn và là em chú bác của Đức Phật, thuộc dòng họ Thích ở thành Ca-tì-la-vệ, nước Ấn Độ cổ đại.

[20] Ma-ha-ba-xà-ba-đề 摩呵波闍波提 (S: Mahāprajāpatī): di mẫu của thái tử Tất-đạt-đa và là em gái của hoàng hậu Ma-ha Ma-da, con của vua Thiện Giác, thành Thiên Tí ở Ấn Độ thời xưa. Sau khi Thích Tôn thành đạo năm năm, vua Tịnh Phạn cũng mệnh chung, bà dẫn Da-du-đà-la và năm trăm người nữ thuộc chủng tộc Thích-ca đến Đức Phật xin xuất gia. Qua lời thỉnh cầu của A-nan, Đức Phật hứa khả, đây là những vị tì-kheo-ni đầu tiên trong giáo đoàn của Phật.

[21] Tứ Thiên vương 四天王: bốn thiện thần thủ hộ Phật pháp, ở lưng chừng núi Tu-di như Trì Quốc Thiên vương ở phương đông, Tăng Trưởng Thiên vương ở phương nam, Quảng Mục Thiên vương ở phương tây, Đa Văn Thiên vương ở phương bắc.

[22] Nước Ma-kiệt (Ma-kiệt-đà quốc 摩竭陀國; Smagadha): một quốc gia thời xưaẤn Độ, tức vùng Bihar ngày nay với thành phố Patna (thành Hoa Thị) và Phật-đà-già-da là trung tâm. Đây là một trong mười sáu nước lớn thời Đức Phật còn tại thế. Nước này có quan hệ rất sâu sắc đối với lịch sử phát triển Phật giáo.

[23] Vua Tần-tì-sa-la (Tần-tì-sa-la vương 頻 鞞娑邏 王; Cg: Tần-bà-sa-la vương; S: Bimbisāra): vua nước Ma-kiệt-đà, sống cùng thời với Đức Thế Tôn, thuộc đời thứ 5 của vương triều Tây-tô-nạp-da (S: Śaiśunāga), có hoàng hậu tên là Vi-đề-hi, và thái tử tên là A-xà-thế. Ông phát tâm hộ trì Phật pháp, là người ngoại hộ đầu tiên.

[24] Kinh Tạp bảo tạng (Tạp bảo tạng kinh 雜寶藏經; S: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra): kinh, mười quyển, do ngài Cát-ca-dạ và ngài Đàm Diệu cùng dịch vào đời Nguyên Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 4. Nội dung kinh nói về các sự tích liên quan đến Đức Phậtđệ tử cùng những duyên sự sau khi Đức Phật nhập diệt.

[25] Bánh hoan hỉ (nguyên bản: hoan hỉ hoàn 歡喜丸; S: Mahotikā): loại bánh được làm bằng bơ, bột mì, mật, gừng v.v.., là một trong các món ăn của Ấn Độ. Bánh hoan hỉ được nói đến rất nhiều trong các kinh luận của Phật giáo.

[26] Kinh Văn-thù-sư-lợi vấn (Văn-thù-sư-lợi vấn kinh 文殊師利問經): kinh, hai quyển, do ngài Tăng-già-bà-la dịch vào đời Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập mười bốn. Toàn kinh có mười bảy phẩm, quyển thượng mười bốn phẩm, quyển hạ ba phẩm.

[27] Kinh Hiền ngu (Hiền ngu kinh 賢愚經; S: Damamuka-nidana-sutra): kinh, mười ba quyển, do ngài Huệ Giác dịch vào đời Nguyên Ngụy, được xếp vào Đại Chính tạng, tập bốn. Nội dung kinh này thu thập các thí dụ, nhân duyên nói về người hiền và người ngu.

[28] Mười sáu bậc (nguyên bản: thập lục chủng 十六種): mỗi bên tì-kheo và tì-kheo-ni đều có tứ hướng, tứ quả.

[29] Xá-lợi-phất 舍利弗 (S: Śāriputra): vị a-la-hán có trí tuệ bậc nhất trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật.

[30] Mục-kiền-liên 目 犍連 (S: Maudgalyāyana): vị a-la-hán, đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật. Ngài là người thôn Câu-luật-đà ngoài thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà thời cổ Ấn Độ, thuộc dòng bà-la-môn.

[31] Kinh Tượng pháp quyết nghi (Tượng pháp quyết nghi kinh 像法决疑經): kinh, một quyển, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 85. Nội dung nói về sự suy biến của Phật pháp sau Phật nhập diệt một nghìn năm, đồng thời khuyến khích tu hạnh bố thí đại bi.

[32] Kinh Phổ quảng (Phổ quảng kinh 普廣經): do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch vào đời Đông Tấn, là quyển thứ 11 của kinh Phật thuyết quán đỉnh.

[33] Bốn chúng (tứ bối 四輩; S: Catasraḥ parṣadaḥ): tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di hoặc bốn chúng xuất gia: tì-kheo, tì-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni.

[34] Luật Thập tụng (Thập tụng luật 十誦律): bộ quảng luật của Tát-bà-đa bộ, sáu mươi mốt quyển, do hai Ngài Phất-nhã-đa-la và Cưu-ma-la-thập cùng dịch vào đời Dao Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 23. Bộ luật này chia giới luật thành mười phần để giải thích nên gọi là Thập tụng.

[35] Kinh Nhân vương (Nhân vương kinh 仁王經): kinh, hai quyển, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 8. Nội dung kinh này Đức Phật nói cho mười sáu vị đại quốc vương nghe về hạnh giữ gìn quả vị Phật, thập địanhân duyên giữ gìn cõi nước.

[36] Bảy Đức Phật (thất Phật 七佛): bảy Đức Phật đời quá khứ, theo thứ tự như Phật Tì-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Mâu-ni.

[37] Kinh Phạm võng (Phạm võng kinh 梵網經; T: Chos-kyi rgya-mo saṅs-rgyas rnam-par snaṅ-mdsad-kyis byaṅ-chub sems-dpaḥi sems-kyi gnas bśad-pa leḥu bcu-pa): kinh, hai quyển, tương truyền do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 24. Nội dung nói về giai vị và mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh của bồ-tát.

[38] Liêu chủ 寮主: chức vụ giúp việc cho vị liêu nguyên trong thiền lâm, phụ trách giữ gìn y bát cho chúng tăng trong liêu.

[39] Tội khinh cấu (khinh cấu tội 輕垢罪): tội nhẹ, nhưng làm ô nhiễm hạnh thanh tịnh.

[40] Chấp sự 執事 (S: Vaiyāvṛtyakara): người trông nom công việc trong tự viện.

[41] Sa-di 沙 彌 (S: Śrāmaṇeraka, Śrāmaṇera): chỉ cho người nam xuất gia trong tăng đoàn của Phật giáo, tuổi từ bảy đến mười chín, đã thụ mười giới, chưa thụ giới cụ túc.

[42] Kinh Pháp cú thí dụ (Pháp cú thí dụ kinh 法 句譬喻經; S: Dharmapadāvadāna-sūtra): kinh, bốn quyển, do các ngài Pháp Cự, Pháp Lập cùng dịch vào đời Tây Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 4. Kinh này gom góp khoảng hai phần ba số kệ của Kinh Pháp cú thêm câu chuyện làm thí dụ, nên gọi là kinh Pháp cú thí dụ.

[43] Cù-đàm 瞿曇 (S: Gautama, Gotama): một họ trong các chủng tộc Sát-đế-lợi ở Ấn Độ, dòng dõi tiên nhân Cù-đàm và cũng là họ gốc của Đức Phật.

[44] Đẳng cúng (đẳng cung 等 供): pháp thụ thực của chúng tăng. Sau khi thức ăn được dâng cúng đồng đều từ bậc thượng tọa đến vị hạ tọa, vị duy-na xướng “đẳng cúng” rồi đại chúng mới được thụ thực, đó là biểu thị bố thí bình đẳng của thí chủ. Ngoài ra, đẳng cúng còn là mật ngữ để giải độc.

[45] Thật ngữ 實語 (S: Satya-vāda): lời nói chân thật không dối trá; chỉ cho lời nói do Phật hoặc người tu hành nói ra.

[46] Pháp nhãn tịnh 法眼淨 (S: Dharmacakṣu-viśuddha): pháp nhãnnăng lực quán sát chân lí các pháp mà không bị chướng ngạinghi hoặc.

[47] Tăng-bạt 僧 拔 (Cg: đẳng cúng): pháp thụ thực của chúng tăng. Sau khi thức ăn được dâng cúng đồng đều, từ bậc thượng tòa đến hạ tòa, vị duy-na xướng “đẳng cúng” rồi đại chúng mới được thụ thực. Đó là biểu thị sự bình đẳng của thí chủ.

[48] Đại Giác 大覺: từ tôn xưng Đức Thích Tôn.

[49] Hòa Thước 和 鵲: Hòa và Biển Thước. Biển Thước tên là Trần Việt Nhân, người đất Mạc thời Chiến quốc, học thuốc với Trường Tang Quân, nổi tiếng thần y. Hòa là danh y người nước Tần thời Xuân Thu. Hòa Thước ở đây chỉ cho danh y.

[50] Thụ-đề-già 樹提伽 (S: Jyotiṣka): một đệ tử Phật ở thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà, Ấn Độ; có thuyết nói là người nước Chiêm-bà, một trong các đệ tử Phật.

[51] Tân-đầu-lô 賓頭盧 (S: piṇḍola): vị A-la-hán, đệ tử Phật, thuộc dòng bà-la-môn, người nước Ưu-điền. Vì Ngài thường trụthế gian nên còn có tên Trụ Thế A-la-hán.

[52] Sư tử hống 師子吼 (S: Siṃhanāda): tiếng gầm của sư tử. Đức Phật dùng âm thanh vô úy để thuyết pháp, như sư tử gầm rống mà không làm sợ hãi một loài thú nào khác. Sư tử là vua trăm thú; Phật là bậc chí tôn trong loài người nên gọi là Nhân Trung Sư Tử. Khi Phật thuyết pháp, hàng bồ-tát đều phát khởi tâm dõng mãnh để cầu đạo bồ-đề, bọn ngoại đạoác ma sinh tâm sợ hãi.

[53] Tây Cù-da-ni 西瞿耶尼: một châu lớn trong bốn châu nằm ở phía tây núi Tu-di. Địa hình châu này giống như mặt trăng tròn.

[54] Mười tám thần biến (thập bát thần biến 十 八神變): mười tám thứ thần biến do Phật, bồ-tát, a-la-hán nương vào năng lực tự tại của thiền địnhthị hiện ra: chấn động; xí nhiên; lưu bố; thị hiện; chuyển biến; vãng lai; quyển; thư; chúng tượng nhập thân; đồng loại vãng thú; hiển; ẩn; sở tác tự tại; chế tha thần thông; năng thí biện tài; năng thí ức niệm; năng thí an lạc; phóng đại quang minh.

[55] Núi Ma-lê (Ma-lê sơn 摩梨山; S: Malaya): núi nằm ở nam Ấn Độ. Núi này có loại bạch chiên-đàn, ai vào đây cũng cảm thấy từ trong thân mình tỏa ra mùi thơm trong sạch, vì thế núi này còn được gọi là núi Trừ Cấu.

[56] Hồ sàng 胡床: một loại ghế ngồi hình dáng giống như ghế dựa hoặc ghế xếp hiện nay. Người Tây Nhung chế hai loại ghế “bị cơ” và “đơn cơ” trong đó “đơn cơ” gọi là hồ sàng. Tức chỉ cho thiền sàng.

[57] Ca-diếp 迦葉 (S: Mahā-kāśyapa): một vị đệ tử xuất sắc của Đức Phật. Tôn giả nổi tiếng có hạnh đầu-đà trong hàng đệ tử Phật. Trên hội Niêm hoa vi tiếu, Ca-diếp được Đức Phật Thích-ca truyền tâm ấn (chính pháp nhãn tạng). Từ đó ngài trở thành sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ.

[58] Kinh Tăng nhất a-hàm (Tăng nhất a-hàm kinh 增一阿含經; S: Ekottarikāgama): kinh, năm mươi mốt quyển, do ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch vào đời Đông Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 2, là một trong bốn bộ A-hàm Bắc truyền.

[59] Cánh lạc 更樂: tức là xúc.

[60] Kinh Chính pháp niệm (Chính pháp niệm kinh 正法念經; S: Saddharma-smṛty-upasthāna-sūtra): kinh, bảy mươi quyển, do ngài Bát-nhã-lưu-chi dịch vào thời Bắc Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 17. Nội dung chính của kinh này nói lên sự tu tập của tì-kheo; dù khái niệm thuộc phạm vi Tiểu thừa, nhưng ý tưởng rất đặc thù, bút pháp rất phóng khoáng, luôn luôn biểu lộ tư tưởng Đại thừa

[61] Kinh niết-bàn (Niết-bàn kinh 涅 槃經; S: Mahā-parinirvāṇa-sūtra): kinh, bốn mươi quyển, do ngài Đàm-vô-sấm dịch vào năm 421 đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 12. Nội dung nói về giáo nghĩa Như Lai thường trụ, chúng sinh đều có Phật tánh, hạng xiển-đề thành Phật…

[62] Quỷ thần Khoáng dã (khoáng dã quỷ thần 曠野鬼神; S: Āṭavika, Āṭavaka): thần ở đồng trống, là một trong sáu mươi thần dược-xoa. Trong Phật giáo xưa naypháp thí thực, tức là đem thức ăn bố thí cho thần này.

[63] Kinh Thập nhị đầu-đà (Thập nhị đầu-đà kinh 十二頭陀經): kinh, một quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đa-la dịch vào đời Tống. Nội dung: Đức Phật thuyết mười hai hạnh đầu-đà cho tôn giả Đại Ca-diếp.

[64] Kinh Quán Phật hình tượng (Quán Phật hình tượng kinh 灌佛形像經): kinh, một quyển, do ngài Pháp Cự dịch vào đời Tây Tấn, Trung Quốc.

[65] Kinh Thực thí hoạch ngũ phúc báo (Thực thí hoạch ngũ phúc báo kinh 食施獲五福報經): kinh, một quyển, do ngài An Thế Cao dịch vào đời Hậu Hán, Trung Quốc.

[66] Kinh Phó pháp tạng (Phó pháp tạng kinh 付法藏經: kinh, sáu quyển, do ngài Cát-ca-dạ và Đàm Diệu cùng dịch vào đời Nguyên Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 50. Nội dung nói về sự tích truyền phápthế hệ truyền thừa của hai mươi ba vị tổ sư Ấn Độ sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, từ ngài Ca-diếp, A-nan… cho đến vị tổ sư cuối cùngtôn giả Sư Tử. Tôn giả Sư Tử bị quốc vương nước Kế Tân là La-quật sát hại, sự phó pháp đến đây bị đoạn diệt.

[67] Bạc-câu-la 薄拘羅 (S: Vakkula, Bakkula, Bakula, Vakula): một vị đệ tử của Đức Phật. Thuở nhỏ, Bạc-câu-la bị kế mẫu sát hại năm lần mà không chết. Từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, ngài luôn khỏe mạnh không hề đau ốm, hưởng thọ một trăm sáu mươi tuổi, được người đời tôn xưng là trường thọ bậc nhất.

[68] Tứ thiên hạ 四天下: tức bốn châu quanh núi Tu-di như Đông Thắng Thân châu, Nam Thiệm Bộ châu, Tây Ngưu Hóa châu, Bắc Câu-lô châu.

[69] Hành hương 行 香: nghi thức thắp hương đi nhiễu quanh tháp. Khi thí chủ thiết trai cúng dường chư tăng, trước thắp hương chia đều cho đại chúng, rồi đi nhiễu và lễ bái quanh tháp, điện Phật.

[70] Kinh Hoa nghiêm (Hoa nghiêm kinh 華 嚴經; S: Buddhàvatamsaka-mahãvaipulya): bộ kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa, cũng là pháp môn tự nội chứngNhư Lai tuyên thuyết cho các bồ-tát thượng vị như bồ-tát Văn Thù, bồ-tát Phổ Hiền, sau khi Ngài thành đạo nơi cội bồ-đề.

[71] Tứ sinh 四生 (S: Catasro-yonayaḥ): bốn hình thái sinh của loài hữu tình. Noãn sinh: loài sinh ra từ trứng. Thai sinh: loài sinh ra từ thai mẹ. Thấp sinh: loài sinh ra từ khí ẩm ướt ở những nơi ẩm thấp. Hóa sinh: loài không chỗ nương tựa bỗng nhiên sinh ra như chư thiên, địa ngục, trung hữu đều do nghiệp lực đời quá khứhóa sinh.

[72] Nhận thức ăn (thụ thực 受食): ý nói thí chủ được tì-kheo đồng ý, tận tay nhận lấy thức ăn.

[73] Kinh Xá-lợi-phất vấn (Xá-lợi-phất vấn kinh 舍利弗問經; S: Śāriputra-paripṛcchā): kinh, một quyển, thuộc luật bộ Tiểu thừa, dịch vào đời Đông Tấn, được xếp vào Đại chính tạng, tập 24. Nội dung kinh này nói Phật trả lời các câu hỏi của ngài Xá-lợi-phất dưới cây Nhạc Âm trong thành Vương Xá; gồm thứ lớp của việc truyền trì giới luật, việc phân phái dựa theo giới luật của các bộ, các việc khai già y bát, uống rượu, sát sinh, cách trùm kín hai vai, nhân duyên nghe pháp của bát bộ quỷ thần, Phật giáo sau thời tượng pháp diệt, việc thụ giới thí vật của Phân-nhã-đa-la, tịnh thực bất tịnh thực, nhân duyên xuất gia của những vị trong tông thân của Đức Như Lai, ân cha mẹ và thầy…

[74] Kinh Xứ xứ (Xứ xứ kinh 處處經): kinh, một quyển, do ngài An Thế Cao dịch vào khoảng năm 148 đến 170 đời Đông Tấn, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 17. Kinh này lấy việc gom chép các phương diện tri thức Phật giáo làm chính, nội dung chia làm hơn năm mươi hạng mục, thỉnh thoảnggiới thiệu đặc tính của Phật giáo, bồ-tát, a-la-hán, bích-chi Phật.

[75] Bánh Bạch tủy (bạch tuỷ bính 白髓餅): một loại thức ăn làm bằng bột.

[76] Cự-ma 巨磨: phân bò.

[77] Tô du 酥 油: thực phẩm được nấu bằng váng sữa bò, một trong các vị thuốc dùng để trị bệnh nhiệt. Có hai loại sinh tô và thục tô khác nhau.

[78] Dùng nước tác tịnh (nguyên bản: dĩ thuỷ tịnh đắc ẩm 以水淨得飲): dùng nước hòa loãng để rửa sạch.

[79] Xá-lâu-già 舍樓伽 (S: Śāluka): một loại nước. Trong luận Thiện kiến, quyển 17 ghi: “Lấy ngó sen giã nát lọc lấy nước trong, gọi là nước Xá-lâu-già”.

[80] Ha-lê-lặc 呵 棃 勒: quả ha-lê-lặc hơi tròn như quả trứng màu vàng chanh, dùng để chữa bệnh mắt và làm thông đại tiểu tiện. Đây là một trong năm thứ thuốc được nói trong luật điển thời xưa.

[81] Hội Vô-già (Vô-già hội 無遮會; S: pañca-vārṣika maha): pháp hội thực hành tài thípháp thí một cách bình đẳng, không phân biệt hiền thánh, tăng tục, sang hèn.

[82] Kinh Cựu tạp thí dụ (Cựu tạp thí dụ kinh 舊雜譬喻經): kinh, hai quyển, do ngài Khương Tăng Hội dịch vào đời Ngô. Đối với bản dịch thời Hậu Hán mà gọi là cựu. Nội dung tập hợp các thí dụ.

[83] Kinh Trung a-hàm (Trung a-hàm kinh 中阿含經; S: Madhyamāgama): kinh, sáu mươi quyển, do ngài Cù-đàm-tăng-già-đề-bà dịch vào thời Đông Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập1, là một trong bốn bộ A-hàm bắc truyền. Nội dung kinh này là Đức Phậtđệ tử nói về giáo nghĩa.

[84] Lộc tử mẫu Tì-xá-khư 鹿子母毘舍佉 (S: Mṛgāra-mātṛ Viśākhā): vị ưu-bà-di đắc Sơ quả, sống vào thời Đức Phật còn tại thế, là con gái của trưởng giả nước Ương-già.

[85] Trai như mục đồng (phóng ngưu nhi trai 放 牛 兒 齋; S: gopālakūposatha): trì trai như đứa trẻ chăn súc vật.

[86] Trai như ni-kiền (ni-kiền trai 尼 犍 齋; S: Nigaṇṭhūposatha): trì trai như phái Ni-kiền-tử.

[87] Tám chi thánh trai (thánh bát chi trai 聖 八 支 齋; S: atthaṅga samannāgato upasatho hay ariyūposatha): trì trai như thánh đệ tử đa văn của Đức Phật.

[88] Sáu tầng trời cõi Dục (Lục Dục thiên 六天): cõi Dục có sáu tầng trời như Tứ Vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Lạc Biến Hóa, Tha Hóa Tự Tại.

[89] Kinh Bồ-tát thụ trai (Bồ-tát thụ trai kinh 菩薩受齋經): kinh, một quyển, do ngài Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn, được xếp vào Đại chính tạng, tập 24. Nội dung kinh này trình bày việc thực hành trai giới trong những ngày trai đã qui định, việc tu hành sáu ba-la-mật, tu mười niệm, mười giới… để trợ duyên cho quá trình hành đạo.

[90] Lục độ 六度 (S: ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā; Cg: Lục ba-la-mật): sáu hạnh rốt ráo mà hàng bồ-tát Đại thừa cần phải thực hiện để đạt đến Phật quả. Đó là bố thí ba-la-mật, trì giới ba-la-mật, nhẫn nhục ba-la-mật, tinh tiến ba-la-mật, thiền định ba-la-mậttrí tuệ ba-la-mật.

[91] Phi nhân 非 人 (S: amanuṣya): từ gọi chung các loại như trời, rồng, dạ-xoa, ác quỉ, tu-la, địa ngục... không thuộc loài người, mắt người không thể thấy được.

[92] Minh tướng 明相: trời vừa hửng sáng, cảnh vật bắt đầu hiện ra.

[93] Luận Tát-bà-đa (Tát-bà-đa luận 薩婆多論): luận, chín quyển, đã mất tên người dịch.

[94] Luật Tăng-kì (Tăng-kì luật 僧祈律; S: Mahāsaṅghavinaya): còn gọi là Ma-ha tăng-kỳ luật, gồm bốn mươi quyển, do ngài Phật-đà-bạt-đà và ngài Pháp Hiển cùng dịch vào đời Đông Tiến, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 22. Đây là bộ luật của Đại chúng bộ, thuộc Phật giáo Bộ phái. Nội dung nói về hai trăm năm mươi giới tì-kheo và ba trăm bốn mươi tám giới tì-kheo-ni.

[95] Li-xa 離車 (S: Licchavi, Lecchavi; Cg: Li-xa-vi): chủng tộc Sát-đế-lợi ở thành Tì-xá-li thuộc miền Trung Ấn Độ, là một bộ phận của chủng tộc Bạt-kì.

[96] Kinh Kiền-đà quốc vương (Kiền-đà quốc vương kinh 犍陀國王經): kinh, một quyển, do ngài An Thế Cao dịch vào đời Hậu Hán, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14. Nội dung kinh này thuật lại câu chuyện vua nước Kiền-đà nghe tiếng của con bò nói mà tỉnh ngộ, dứt tâm tàn bạo, bỏ Bà-la-môn giáo, qui y theo Phật.

[97] Phật Câu-na-hàm Mâu-ni (Câu-na-hàm Mâu-ni Phật 拘那含牟尼佛; S: Kanakamuni): vị Phật thứ bảy trong bảy vị Phật quá khứ, hay là Phật thứ hai trong một nghìn vị Phật ở kiếp Hiền.

[98] Kinh Pháp cú dụ (Pháp cú dụ kinh 法句喻經; S: Dharmapadāvadāna-sūtra): kinh, bốn quyển, do ngài Pháp CựPháp Lập cùng dịch vào đời Tây Tấn, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Nội dung đưa ra một số truyện thí dụ, đồng thời đưa ra một kệ tụng kinh Pháp cú để giải thích nhân duyên đó.

[99] Ni-kiền-tử 尼犍子 (S: Nirgrantha-putra): ngoại đạo Ấn Độ thời xưa. Phái này lấy việc tu khổ hạnh lõa hình, xa lìa sự trói buộc về cơm áo của thế gian để giải thoát khỏi phiền não và sự ràng buộc trong ba cõi; cũng là một trong lục sư ngoại đạo, một trong tứ chấp ngoại đạo, một trong mười sáu tông ngoại đạo, một trong hai mươi thứ ngoại đạo Ấn Độ cổ đại.

[100] Kinh Bách duyên (Bách duyên kinh 百緣經): kinh, mười quyển, do cư sĩ Chi Khiêm người nước Nhục-chi, đời Ngô dịch.

[101] Kinh Thập nhị nhân duyên (Thập nhị nhân duyên kinh 十二因緣經): kinh, một quyển, do ngài Chi Khiêm dịch vào thời Ngô, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 16. Nội dung kinh này nói rộng về mười hai nhân duyên.

[102] Bát quan trai 八 關齋 (S: aṣṭāṅga-samanvāgatopavāsa): Đức Phật chế cho người tại gia một ngày một đêm xa gia đình, đến chỗ chư tăng ở học tập theo đời sống của người xuất gia, có thể phòng hộ ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo ác, lại có thể đóng cửa con đường ác. Trong tám giới, bảy chi trước là giới, chi ăn phi thời là trai, gọi chung là Bát quan trai giới.

[103] Đào Chu, Y Đốn 陶朱, 猗頓: hai người giàu có vào thời Xuân thu, Chiến quốc.

[104] Tiêu Hà 蕭何: người có quyền lực, dám nói thẳng, một vị mưu thần của Hán Cao Tổ.

[105] Tào Tham 曹參: người có quyền lực, dám nói thẳng, cũng là một vị mưu thần.

[106] Kinh Hiền ngu (Hiền ngu kinh 賢愚經; S:Damamūka-nidāna-sūtra): kinh, mười ba quyển, do ngài Tuệ Giác dịch vào thời Nguyên Ngụy, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Nội dung kinh này thu thập các loại thí dụ, nhân duyên nói về người hiền và người ngu.

[107] Tì-lưu-li 毘琉璃 (S: Virūḍhaka): thái tử con của vua Ba-tư-nặc ở nước Kiều-tát-la.

[108] Ngưu đầu chiên-đàn 牛頭栴檀: loại chiên-đàn có mùi thơm nhất trong các loại chiên đàn, sinh trưởngẤn Độ. Thân cây thường có màu xanh, cao khoảng 9m, gỗ chiên-đàn rất thơm, màu vàng xám, hoặc màu đồng đỏ, có thể dùng để điêu khắc, rễ cây xay thành bột để làm nhang hoặc chế thành dầu thơm.

[109] Ba minh (tam minh 三明; S: tri-vidya): trí tuệ sáng tỏ thông đạt vô ngại ba việc túc mệnh, thiên nhãnlậu tận.

[110] Lục thông 六通: sáu món thần thông mà bậc thánh tam thừa chứng đắc. Đó là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, lậu tận thông.

[111] Bát giải thoát 八解脫 (S: aṣṭau vimokṣāḥ): tám định lực giúp hành giả lìa bỏ tham dục của cõi Sắc và Vô sắc. Một, trong có tưởng về sắc dục, quán các sắc để giải thoát; hai, trong không có tưởng về sắc dục, ngoài quán sắc để giải thoát; ba, thân thanh tịnh giải thoát chứng Cụ túc trụ; bốn, diệt các sắc tưởng diệt hữu đối tưởng. Không suy nghĩ các tưởng, nhập vào Không vô biên xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; năm, vượt tất cả Không vô biên xứ, nhập Thức vô biên xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; sáu, vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vào Vô sở hữu xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; bảy, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; tám, vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào Tưởng thụ diệt thân tác, chứng trọn vẹn, an trụ tràn đầy giải thoát.

[112] Tượng pháp 像法 (S: saddharma-pratirūpaka): thời kì mà giáo pháp tương tự với chính pháp. Sau khi Phật nhập diệt, y cứ vào sự vận hành của giáo pháp mà chia làm ba thời: chính pháp, tượng phápmạt pháp. Thời kì thứ hai này chỉ có giáo thuyết và người tu hành, ít người chứng quả.

[113] Kinh Xuất diệu (Xuất diệu kinh 出妙經; Cg: Xuất diệu luận 出妙論): kinh hoặc luận gồm ba mươi quyển (hoặc hai mươi quyển) do tôn giả Pháp Cứu soạn, ngài Trúc Phật Niệm đời Diêu Tần dịch thành sách khoảng năm 350-417 đời Đông Tiến, được xếp vào Đại chính tạng. Nội dung luận này gồm ba mươi hai phẩm, được hình thành bởi những bài kệ tụng theo hình thức giáo huấn của Phật giáo và tập hợp các sự tích theo lối chú thích.

[114] Kinh Thụ-đề-già (Thụ-đề-già kinh 樹提伽經; S: Jyotiṣka): kinh, một quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào đời Lưu Tống, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14. Nội dung kinh này nói về nhân duyêncông đức bố thí của trưởng giả Thụ-đề-già thuở xa xưa khi Phật còn tại thế.

[115] Vân mẫu 雲母: thứ ốc vỏ đẹp, thứ xa cừ để khảm vào đồ gỗ - Tên một thứ khoáng chất đẹp, trong suốt.

[116] Tô t 蘇子: một loại cây nhỏ lá thơm dùng làm vị thuốc, hoặc làm rau thơm ăn sống.

[117] Nước tám tính chất (bát công đức thủy 八功德水): nước có đủ tám công đức thù thắng như trong trẻo, mát mẻ, ngon ngọt, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn.

[118] Kinh A-dục vương (A-dục vương kinh 阿育王經): kinh, mười quyển, do ngài tam tạng Tăng-già-bà-la dịch ở nước Phù Nam, đời Lương, được xếp vào Đại chính tạng, tập 50. Nội dung đề cập về vua A-dục tôn sùnghộ trì những sự tích của Phật giáo.

[119] Duy-na 維那: chức vụ quản lí, điều hànhlo liệu các việc của đại chúng trong chùa.

[120] Trịnh thanh 鄭聲: chỉ cho âm nhạc của nước Trịnh, thời Xuân thu, Chiến quốc.

[121] Chu nhã 周雅: chỉ cho Đại nhã và Tiểu nhã trong kinh Thi của nhà Chu.

[122] Nguyên Hiến 原憲: người nước Lỗ, đồ đệ của Khổng Tử; là một nho sĩ nghèo, nhà làm bằng đất, lấy cỏ tranh lợp nhưng vẫn không che kín.

[123] Kiềm Lũ 黔婁: người nước Lỗ thời Xuân thu, làm ẩn sĩ không chịu ra làm quan. Nhà ông rất nghèo, đến lúc chết không có một mảnh vải che thân.

[124] Linh Triếp 靈輒: người nước Tấn, thời Xuân Thu, ông bị nạn đói ở Ế Tang, Triệu Thuẫn thấy liền đem thức ăn cho ông.

[125] Ế Tang 翳桑: tên một đất nước thời xưa, Linh Triếp bị nạn đói ở đó.

[126] Bá Di 伯夷: người đời Thương, con của vua nước chư hầu Cô Trúc. Trước khi vua mất, có lập di chiếu truyền ngôi cho người em của Bá Di là Thúc Tề, nhưng Thúc Tề không chịu lên ngôi, nhường lại cho anh, nhưng Bá Di bỏ nước mà đi, không chịu làm vua. Sau Vũ Vương nhà Chu đem quân diệt nhà Thương, anh em Bá Di, Thúc Tề dắt nhau lên núi Thủ Dương nhịn đói mà chết, không chịu ăn lúa nhà Chu.

[127] Thủ Dương 首陽: tên một ngọn núi, còn gọi là núi Lôi Thủ. Tương truyền xưa Bá Di, Thúc Tề ở ẩn trong đó.

[128] Kinh Đăng chỉ (Đăng chỉ kinh hay Đăng chỉ nhân duyên kinh 燈指 因緣經): kinh, một quyển, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào thời Hậu Hán, được xếp vào Đại chính tạng, tập 16. Nội dung nói về nhân duyên của Đăng Chỉ xuất giađắc quả A-la-hán.

[129] Khởi thi quỉ 起尸鬼: loài quỉ của pháp Tì-đà-la thường dùng. Theo Bồ-tát giới sớ, Tì-đà-la là chú pháp của Tây Trúc, đọc chú ấy khiến cho thây chết đứng dậy sai đi giết người.

[130] Kinh Tạp bảo tạng (Tạp bảo tạng kinh 雜寶藏經; S: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra): kinh, mười quyển, (có thuyết cho là tám quyển hoặc mười ba quyển) do ngài Cát-ca-dạ và Đàm Diệu cùng dịch vào đời Nguyên Nguỵ, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Nội dung kinh này nói về các sự tích liên quan đến Đức Phậtđệ tử cùng những duyên sự sau khi Đức Phật nhập diệt.

[131] Kinh Tạp thí dụ (Tạp thí dụ kinh 雜譬喻經): kinh, một quyển, do ngài Đạo Lược gom tập, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Diêu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Toàn kinh gồm ba mươi chín dụ, nội dung chủ yếu là nêu các nhân duyên thí dụ để thuyết minh, lí luận về thiện ác nghiệp báo.

[132] Kinh Bồ-tát bản hạnh (Bồ-tát bản hạnh kinh 菩 薩本行經): kinh, ba quyển, mất tên người dịch, được xếp vào kinh điển đời Đông Tấn. Nội dung kinh này nói về trưởng giả Tu-đạt nhờ nghe Đức Phật thuyết pháp mà được lợi ích, thoát khỏi sự nghèo khổ.

[133] Kinh Biện ý trưởng giả tử (Biện ý trưởng giả tử kinh 辯 意 長 者子 經; S: Pratibhāna-mati-paripṛcchā): kinh, một quyển, do ngài Pháp Tràng dịch vào đời Bắc Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14. Nội dung thuật lại Đức Phật đáp lời hỏi của trưởng giả Biện Ý, mà nói yếu nghĩa của mười việc trong các đường trời , người, địa ngục, ngạ quỉ v.v… Mỗi một việc lại có năm duyên. Trưởng giả nghe pháp nghĩa của năm mươi sự việc xong, vui mừng hoan hỉ, đắc pháp nhãn tịnh.

[134] Sấm thư 讖書 : sách đoán trước những sự việc xảy ra trong tương lai xa.

[135] Kinh Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu (Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu kinh 佛說摩訶迦葉度貧母經): kinh, một quyển, do tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la người nước Vu-điền dịch vào đời Tống, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14, số 497.

[136] Nguyên Hiến 原憲: đệ tử của Khổng Tử, là bậc văn sĩ bần hàn thanh cao thời xưa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 14642)
Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Ta-la-song-thọ, ở ngoại ô thành Câu-thi-na, thuộc lãnh thổ trị vì của bộ tộc Lực-sĩ.
(Xem: 11694)
Đức Thế Tôn từ nơi cung trời Đâu-suất sinh xuống thành Ca-duy, chán đời sống dục lạc ở vương cung, thành tựu đạo chơn thường dưới cội cây...
(Xem: 12641)
Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một phẩm của Kinh Pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê HoànNiết bàn (Nirvana, Nibbâna).
(Xem: 10182)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1637. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 11948)
Đây là kinh Pháp Quán Phạm Chí. Khung cảnh dựng lên cho kinh cũng giống như khung cảnh của kinh thứ mười một...
(Xem: 15156)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, kinh văn số 1680, luận tập bộ toàn. HT Thích Như Điển dịch Việt
(Xem: 10948)
Một thời, đức Bhagavat trú tại Vārāṇasi, nơi xứ Ṛṣipatana, trong rừng Mṛgadāva. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói:
(Xem: 10393)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 32, luận tập bộ toàn, kinh văn 1671; HT Thích Như Điển dịch sang tiếng Việt.
(Xem: 12344)
Kinh Bát Đại Nhân Giác này của Đại Sư An Thế Cao từ nước An Tức sang Trung Quốc vào thời Hậu Hán (năm 132-167 sau công nguyên) soạn dịch.
(Xem: 16279)
Năm nay (2016) trong chương trình của tôi, không dự định đi sang Úc, nhưng ngày 23 tháng 6 năm 2016 vừa qua...
(Xem: 14132)
Tôi được nghe như vầy: một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ...
(Xem: 11642)
Nay ở nơi chư Phật Chắp tay kính đảnh lễ Con sẽ như giáo nói Tư lương Bồ-đề Phật.
(Xem: 14645)
Lúc bấy giờ, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát (1) liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu (2), chấp tay hướng Phật mà bạch rằng:
(Xem: 11905)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20.
(Xem: 16688)
Có lẽ Lăng Già là một trong những bộ kinh phân tích cái Tâm một cách chi li, khúc chiết nhất trong kinh điển Phật giáo.
(Xem: 11476)
Tôi nghe như vầy. Có một lúc, Đức Phật đã sống ở gần Xá Vệ (Savatthi) trong Khu Rừng Kỳ Đà (Jeta Wood) ở tu viện Cấp Cô Độc
(Xem: 12624)
Đại Chánh Tân Tu Đại tạng Kinh, quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Kinh văn số 1641. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 11233)
Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngoại đạo ngồi...
(Xem: 11929)
Lời dạy của Đức Phật được kiết tập thành kinh điển và bảo lưu trong nhiều truyền thốngbộ phái Phật giáo.
(Xem: 51766)
Toàn bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt trên 203 tập đã dịch và in xong...
(Xem: 15328)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ...
(Xem: 13860)
Nếu thấy thân người nữ Cùng với vẻ diễm kiều Người ngu không biết rõ Vọng sinh ý dâm nhiễm.
(Xem: 11356)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1691. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 13077)
Được nghe Đức Phật đích thân thuyết pháp là một nhân duyên hy hữu, một công đức vô lượng, và may mắn hãn hữu trong đời.
(Xem: 12665)
Lời Đức Phật dạy rất mực thâm sâu. Kinh nào cũng cần nghiền ngẫm, cần tu học với từng lời dạy một.
(Xem: 13102)
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá...
(Xem: 17740)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1686. HT Thích Như Điển dịch Việt
(Xem: 12353)
Tỉnh giác từ ngủ say Nên hoan hỷ tư duy Lắng nghe điều Ta nói Soạn tập lời Phật dạy
(Xem: 12520)
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Avalika khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực.
(Xem: 54045)
Trong kinh Bách Dụ, Phật đã dùng những chuyện xưa để thí dụ cụ thể sự dại dột mê lầm chung của chúng ta. Nếu chúng ta biết trừ bỏ mê lầm ở đâu thì Niết Bàn sẽ thực hiện ở đó.
(Xem: 14271)
Khi ấy, đức Thế Tôn ở trong Xá-vệ đại thành bộ hành, để khất thực[32]; dùng cơm xong, việc thọ thực hoàn tất, từ bỏ việc khất thực ở phía sau (quay về bổn xứ).
(Xem: 9847)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1634, HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 13715)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1644 - HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 57624)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1679 - Pháp Thiên dịch Phạn ra Hán, HT Thích Như Điển dịch Hán ra Việt
(Xem: 14355)
Dịch từ văn Phạn sang văn Trung Hoa: Pháp sư Pháp Đăng; Thật Xoa Nan Đà (Siksananda), Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(Xem: 19981)
Nguyên tác Hán văn: sa-môn Pháp Tạng, chùa Sùng Phúc, Kinh Triệu thuật
(Xem: 13621)
Thời đại Dao Tần, Pháp Sư ba tạng Cưu Ma La Thập, dịch văn Phạn sang văn Trung Hoa, Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(Xem: 15289)
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán tạng.
(Xem: 17362)
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinhbài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông...
(Xem: 13217)
Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung.
(Xem: 11825)
Hãy bứng gốc và buông bỏ tất cả các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức – nghĩa là hãy bứng gốc và buông bỏ toàn bộ thế giới trong và ngoài mà ...
(Xem: 13379)
Luận rằng: Ông bảo lời ta không có đạo lý, nếu thế thì lời ông cũng không có đạo lý. Nếu lời ông không có đạo lý thì lời ta ắt có đạo lý.
(Xem: 14552)
Như Lai là vua của các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Lành thay Thế Tôn! Nên thuyết nghĩa này cho các Tỳ-kheo.
(Xem: 12363)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh,Luận Tập Bộ Tòan thứ 32, Thứ tự Kinh Văn số 1631
(Xem: 12039)
Thiền-Đà-Ca vương phải nên biết, Sinh tử khổ não, nhiều lỗi lầm, Trọn bị vô minh che, ngăn ngại, Ta nay vì họ hưng lợi ích.
(Xem: 11959)
Như Bà-la-môn nói, trong các kinh điển, bốn Vệ-Đà là chính; Lại, trong đó, niệm là chính ; lại trong niệm này, năng thuyênsở thuyên là chính;
(Xem: 13177)
Nếu hiểu được Luận này, Ắt được các pháp luận, Nghĩa sâu xa như thế, Nay sẽ rộng tuyên nói.
(Xem: 12414)
Kinh văn số 1672, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 32
(Xem: 13538)
Này các đệ tử, sau khi Như Lai qua đời, các vị phải trân trọng, cung kính giới luật như kẻ nghèo hèn được giàu có, như kẻ đui mù được sáng mắt.
(Xem: 13232)
Tôi nghe như vầy: Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo Thượng tọa trú ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-xá-di[2].
(Xem: 25378)
Duy Thức Học, người nào nếu như nghiên cứu đến cũng phải công nhận là một môn học rất thực tế, rất sống động...
(Xem: 12099)
Đức Phật thường nói rằng chỉ có một cách duy nhất vượt qua bờ phiền não là: xa lìa tham sân si.
(Xem: 14419)
Từ A-Di Đà, tức là phiên âm từ chữ Sanskrit: अमित​ amita, có nghĩa là: Vô lượng, đây là dịch sát theo ngữ nguyên अमित​ amita của Sanskrit.
(Xem: 11746)
Thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttaranikàya) của Kinh tạng Pàli, đây là một bài kinh được tụng đọc thường nhật ở các xứ Phật giáo Nam Truyền
(Xem: 41947)
Bản dịch Việt ngữ từ bản chữ Hán năm 1898 Chùa Xiển Pháp tại thôn An Trạch, Tỉnh Hà Nội...
(Xem: 28174)
Nhiều người đọc Kinh Dược Sư hiểu sai ý của Phật Thích Ca muốn nói, hiểu sai nên đã đưa vào đường mê tín mà không biết, vì ở phần đầu của kinh Dược Sư...
(Xem: 38581)
Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm bản chữ Hán và Việt dịch của Quảng Minh
(Xem: 14613)
Tây Thiên dịch kinh Tam tạng, Triều tán Đại phu, Thí Hồng Lư khanh, Truyền pháp Đại sư, Thần Thí Hộ phụng chiếu dịch; Phước Nguyên dịch Việt và chú.
(Xem: 12589)
đệ tử Phật, ngày cũng như đêm, thường xuyên chí thành, hết lòng trì tụng, quán niệm khắc ghi, tám điều giác ngộ, của bậc Đại nhân.
(Xem: 16107)
Sau khi Ta diệt độ nhập Niết-Bàn, hãy tự thắp đuốc lên mà đi; thắp lên với chính pháp, đừng thắp lên với pháp nào khác; hãy nương tựa với chính mình, đừng nương tựa với một pháp nào khác
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant