Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Kinh Ngọc (Qua Suối Mây Hồng)

05 Tháng Ba 201511:39(Xem: 13272)
Kinh Ngọc (Qua Suối Mây Hồng)

KINH NGỌC (QUA SUỐI MÂY HỒNG)

Phạm Thiên Thư
Thi Hoá Tư Tưởng Kim Cang Kinh Vajracchedika Prajna Paramita Sutra
Chùa Khánh Anh Xuất Bản 1993



Kinh Ngọc (Qua Suối Mây Hồng)

Nahi etehi yànehi gaccheyya agatam

disam yatthà ttanà sudantena danto
dantena gacchati
Dhammapada
nào nhờ xe mây biếc
ngựa hồng tới niết bàn
bè tâm trăng bát nhã
vượt bến hoặc mê sang
Thích Già Mâu Ni

LỜI GIỚI THIỆU

Thầy Tuệ Không Phạm Thiên Thư một sinh viên tốt nghiệp Phật Khoa Vạn Hạnh đã có sáng kiến và can đảm thi hóa Kinh Kim Cương để cúng dường chánh pháp.

Tôi nói sáng kiến vì rất ít có Phật tử nếu không phải là chưa có, đã dùng thể thơ mà diễn đạt nghĩa chân không diệu hữu của Đại Thừa.

Tôi nói can đảm vì chỉ có tuổi trẻ mới can đảm làm những chuyện phi thường và thật là phi thường khi cả gan thi hóa bản kinh "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Thật sự, xưa kia Đức Phật cũng đã dùng thể kệ (gàthà hay sloka) để thuyết pháp độ sanh. Thể kệ tức là thể thơ ngày nay vậy.

Gọi là để tán thán công đức thi hóa của thầy Tuệ Không, tôi ghi sau đây bài kệ bằng chữ Sanskrit. bản kệ này được dịch ra chữ Hán như sau:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như-Lai

Ye màm rùpena càdràksurye
Màm ghosena cànvaguh
Mithyàprahàna prasrtà
Na mà draksyatite janà

Thích Minh Châu
Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh

TỰA

Đứng trước cảnh tàn sát, lắng nghe tiếng rên siết, tự cảm thấy mình bất lực, mà tụng niệm kinh Kim Cương thì lại thấy tâm hồn dịu lại.

Mầu nhiệm thay Kim-Cương!
Lạ lùng thay Kim-Cương!

Ước gì lòng tôi biến thành Kim-Cương để xóa tan biên giới Ta với phi Ta, để liễu ngộ sinh tử, để hết trụ vào Ta, cho cái tâm giải thoát.

Phải chăng đấy là cái Tâm "Ưng vô sở trụ mà sinh" nó đã dẫn dắt Huệ Năng về Tào Khê, nó đã làm cho Thái-Tông khoát nhiên tự ngộ vai trò lãnh đạo nhân dân "dĩ thiên hạ tâm vi tâm - dĩ thiên hạ dục vi dục". Vào sinh ra tử suốt cả một đời ngõ hầu thực hiện cái nghĩa vô tâm:

"Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý
Bạch vân xuất tụ bản vô tâm"

Không có ý mà làm, với cái tâm không tâm ! Thật khó lắm thay ! Cao siêu thay !

Ở vào thời mạt pháp, chính là thời khắp mặt đất mong cầu thánh chúa ra đời, Di-Lạc giáng thế. Cho nên để dọn đường cho hành động vô tâm tưởng như chỉ còn tâm lý nghệ thuật họa may làm cho con người tin tưởng vào Đạo Vô Cầu ở thế giới. Vì chỉ có cảm xúc mỹ nghệ mới gợi đuợc ở lòng người ý vị Trang Chu mộng làm hồ điệp, để nhìn thế giới với đôi mắt kim cương:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán

Vậy thầy Phạm Thiên Thư đã cảm ứng mà thi hóa kinh Kim Cương Bát Nhã.

Nên lắm thay!

Gia Định nay tựa mồng một, tháng tư, năm Canh Tuất

NGUYỄN-ĐĂNG-THỤC
Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Văn-Khoa Saigon

Nguyện cúng dường kinh tạng thơ hoa
Trải tam thế mộng một tòa sắc hương
Kiếp sau làm chim trong sương
Về bay hóa độ mười phương trời vàng

Phạm Thiên Thư

NGỢI KINH

thân như sương đầu cỏ
tụ mười cõi trăng sao
nhập dòng thơ thâm diệu
mộng thức dưới hoa đào

DÂNG KINH

cánh lan ngọc cong cong
mười viền trăng thu khuyết
hoa khép tay trầm hương
qui-y tôn kính Phật

MỞ KINH

giấy cỏ hoa mây trắng
chép đôi dòng kinh thơ
suối nào vi diệu tụng
trang nghiêm cõi Phật thừa

I

Mây hào quang về hội
hoa suối cũng yên nghe
pháp hội nhân do

con chim thu cõi tịnh
cũng về hội ta bà
trùng trùng mây mây biếc
hoa trải cúng dường hoa

trong khu vườn mai trắng
sương đọng mấy từng hoa
sao tụ nước xá-vệ
hương ngát mười cõi xa

trên trụ đá mây đỏ
trải chiếu cõi lưu ly
Phật kết kim cương tọa
chim tụng pháp diệu kỳ

hai ngàn năm trăm vị
tỳ-kheo rực pháp-y
dưới thềm đá mây nổi
dưới thềm hoa uy nghi

II

Giữa rừng hoa tịch mặc
Thoảng tiếng suối thần rơi
Thiện hiện khải thinh

giữa đại chúng tịch mịch
hiền giả tu-bồ-đề
đứng dậy chắp tay ngọc
hoa trắng trải hoàng-y

vô ngàn, vô ngàn năm
mây hương một lần tỏa
vô ngàn, vô ngàn năm
cõi ngọc nở sao lạ

đức vô thượng như-lai
chúng sanh cầu đạo cả
chí an trụ nơi đâu
pháp trừ tâm huyễn vọng ?

III

hoa vàng khe đá cũ
trang nghiêm cõi đại thừa
đại thừa chính tông

thiện nam như ngọc trên đài sen
như hoa mai đông một sớm nở
lắng nhuần sương tụ mười cõi sao

chúng sinh cầu đạo cả
như trăng hiện hư không
hào quang vô lượng biển
mười cõi sáng mênh mông

nguyện độ hết chúng sanh
loài sinh từ trứng ngọc
loài sinh từ thai hoa
loài sinh hồ suối nước
loài hóa sinh cõi trời
loài có sắc không sắc
lãng đãng bụi vàng rơi
loài có tưởng, không tưởng
tan hợp thoáng mây trôi

chúng sinh như sương tụ
chúng sinh như mây tan
mười cõi bóng mây nổi
nhập vô-dư niết-bàn
vô lượng, vô biên độ
mà không một chúng sanh
đồng cùng như tánh trí
từ biển lặng vô minh

bồ tát thiên chấp ta
của ta, rồi khác ta
chấp chặt thọ gỉa tướng
chúng sanh tướng hằng sa
chưa thành bồ tát đạo

IV

dặm mây hồng muôn cõi
nào vì ngấn lệ hoa
diệu hành vô trụ

thực hành pháp bố thí
chẳng chấp thức căn trần
vô ngã vô sở trụ
vô ngại cõi phù vân

như mười phương sao biếc
mười phương cõi hư không
bố thí vô tướng trụ
công đức chẳng suy lường

bồ tát trụ tâm ta
như trăng tụ sương ngọc
như tĩnh lự mặt trời
mạch sống mười cõi nước

V

Phiến hoa mai trắng nở
cửa động khép xuân thu
như lý thực kiến

dùng tâm thân huyễn vọng
nhìn vạn pháp mây trôi
thấy chăng như lai tướng ?
chỉ thấy nước trăng xuôi

thân tướng không chân thực
gỉa dối bóng mây đưa
vượt quachướng ngại
phương tiện như lai thừa

VI

ba cõi ngọc lưu ly
nở mặt rời không tiện
chính tín hy hữu

tu bồ đề tác bạch:
đứng vô thượng pháp vương
chúng sinh có tin thực
cửa trí huệ chân thường

người tu trì phước huệ
nguyện phát thanh tịnh tâm
tin pháp ngọc chân thực
muôn xưa thiện kiếp trồng
vô lượng kho châu ngọc
nghiệp đức tụ trăm sông

không chấp vạn hữu tướng
ngã, pháp, sạch tâm không
chính pháp như bè ngọc
dùng qua ngọn suối hồng
chân đến bờ vi diệu
bè cũng thả xuôi sông

VII

mây hồng kết giải suối
nào cần thuyền trăng đưa
vô đắc vô thuyết

nầy hiền gỉa bồ đề
diễn bầy ý chân thực
tôi được chính pháp chăng ?
trao quyền pháp ý ?

không pháp nào vô thượng
phương tiện, phương tiện thôi!
ngài chưa thuyết một pháp
vì tánh chẳng y lời

đạt ý, như thực ý
lìa lời, như thực lời
đạt trí, như thực trí
ý, lời ngọn sóng khơi

vô lượng hiển thánh tăng
pháp vô vi tu hành
từ chân tâm vắng lặng
sái biệt độ quần sanh

VIII

tặng trùng hoa giọt ngọc
nào bằng thơ đại bi
y pháp xuất sinh

người đem biển châu ngọc
vô lượng núi lưu ly
rộng cho muôn cõi nước
khắp cỏ hoa phù đề
công đức vô biên lượng!
chưa bằng tụng một dòng
kim cương biển trí tuệ

hoặc diễn vi diệu thơ
cúng dường nhất thiết tướng
vô lượng Như-Lai
từ phẩm kinh ngọc này
chứng vô thượng chính giác
phật pháp, không phật pháp
mới tạm gọi phật thừa
thế gian tức phật pháp
nhuần làn giải thoát mưa
cỏ cây trổ hoa ngát

IX

cõi đất hồng mã não
nở muôn chúng hoa thơm
nhất tướng vô tướng

thánh quả tu-đà-hoàn
gọi nhập dòng giải thoát
chẳng gọi tu-đà-hoàn
thực không quả đạt
như đầm sâu bùn tanh
ngại vì hoa trổ ngát

thánh quả tư-đà-hàm
còn một lần sinh tử
chẳng gọi tư-đà-hàm
vì chẳng nơi lai khứ
như ao bợn bùn nhơ
khóm sen xanh thường trụ

thánh quả a-na-hàm
chẳng trong vòng dục-giới
không gọi a-na-hàm
vì chẳng nơi ngăn ngại
muôn cõi một cơn mây
mưa từ vô lượng trải
thánh quả a-la-hán
bậc an trụ niết bàn
chẳng là a-la-hán
vì ngã, pháp mây tan
như mặt trời thanh tịnh
muôn cõi giáp tâm đan

nay con tu tịch tịnh
vắng lặng như hư không
nên chẳng gọi tịch tịnh
vì động tĩnh ngoài vòng

X

một bông hồng tịnh mặc
trang nghiêm cõi bụt vàng
trang nghiêm phật độ

xưa hội Phật Nhiên Đăng
tôi đắc pháp nào chăng ?
ngài đắc vô sở đắc
vượt ngã, pháp tâm băng

vô lượng bồ-tát-hạnh
cõi Phật làm trang nghiêm
hạnh nguyện không sở nguyện
trang nghiêm thực trang nghiêm !

bồ tát khởi sinh tâm
thanh tịnh như hư không
vô nguyện, vô sở trụ
viên mãn một tâm đồng
như mưa khắp phương cõi
riêng gì chốn tây đông

XI

cao cao từng mây biếc
sao kết dòng thơ hoa
vô vi thắng phúc

người phát tâm bố thí
ngọc, sao đầy hư không
vàng, cuộn long giang cát
chưa bằng tụng kinh này
hoặc kết dòng thơ ngọc
vào mật ý như lai
tạo vô lượng nghiệp đức
vô lượng trợ thần oai
vàng ngọc thêm chấp chặt
tham si lệ đổ hoài
thấm dòng thơ giải thoát
cứu độ khắp trần ai

XII

trăng không lìa đáy suối
sen trắng ngát đầm xanh
tôn trọng chính giáo

người diễn nói kinh này
dù một câu đạo vị
khắp cõi quỷ, trời, người
cúng dường như tháp Phật

tôn kinh này nơi đâu
đó hào quang chư Phật
trì tụng trang ngọc kinh
tựu thành pháp bậc nhất

XIII

y trụ trang diệu kinh
lắng tan ba nghiệp vọng
như pháp thụ trì

hiền giả tu-bồ-đề
dưới thềm mây đá biếc
tôn kinh này tên gì ?
phụng trì sao như thực ?

này hiền gỉa bồ đề
tên kinh gọi kim cương
bát-nhã ba-la-mật
thụ trì như danh trên

Phật thuyết ba-la-mật
chẳng phải ba-la-mật
mới thật ba-la-mật
lìa tướng như thực tâm,
phương tiện lời biện biệt

chính pháp như bè ngọc
phương tiện vượt sông
bừng tự tánh bồ-đề,
bè sông như thực trí

vô cùng bụi nhỏ vàng
khắp đại-thiên thế-giới
ông nghĩ bụi nhiều chăng ?
vô lượng bụi vàng này
cũng không nhiều, không nhỏ
tạm gọi bụi vàng thôi
Như-Lai gọi thế giới
thế giới thực không nơi
tạm gọi là thế giới

như gợn mây đáy nước
lìa bóng để nhìn trời
mây mười phương tan tụ
bóng nào có một nơi
lìa kinh một chữ nhỏ
tức xa như thực lời
nệ chấp một câu nhỏ
chân tướng mãi xa vời
chấp sóng chẳng thấy nước
vọng tâm mãi nổi trôi
lìa sóng để thấy nước
sóng, nước một trùng khơi
vào, ra không ngăn ngại
chân , vọng chẳng riêng nơi

ba mươi hai tướng quý
có thấy được Như-Lai
bóng hoa in đáy suối
nào biết thực hoa mai
chẳng nệ tướng mây nổi
sá gì nghĩa Như-Lai

người mang vô thủy kiếp
như đáy cát sông trong
phát đại nguyện bố thí
như người chuyển kinh này
in tụng dòng thơ nhỏ
hoặc diễn giải thoát thơ
chúng sinh vô lượng độ
phúc đức ngút mây mờ

XIV

cánh cửa ngọc vi diệu
mở tụng mười cõi sao
ly tướng tịch duyệt

mười phương trời châu ngọc
thắp sáng từng lời kinh
xuôi về biển trí tuệ
hiền gỉa tu bồ đề

đức vô thượng Như-Lai
mở cửa ngọc vi diệu!
con từ vô thủy nay
mới nghe kinh mầu nhiệm
ý tuyệt vời mây bay!

có người nghe mật nghĩa
vào biển thanh tịnh tâm
khởi tướng vàng chân thực
tựu thành đức hy hữu
thật tướng, tức không tướng
mới là thâm mật thân
thật tánh, tức không tánh
thân, ý nắm phù vân

nay con được thụ trì
nương từ âm thần lực
thâm hiểu ngọc vàng kinh
để vào Như-Lai-Ý

vô lượng kiếp kiếp sau
người tụng đôi lời ngọc
phát tâm vô lượng từ
tựu thành nhất thiết đức

lìa gỉa ngã huyễn vọng
chẳng nệ tướng tụ tan
chúng sinh nguyện độ hết
địa ngục chuyển niết bàn

sau nghiệp chúng sâu dầy
có người tụng kinh ngọc
sợ hãi chẳng sinh lòng
tịnh không ngã, pháp
hy hữu, hy hữu thay!

đệ nhất ba-la-mật
chẳng phải ba-la-mật
mới thật ba-la-mật
nhập thể tánh tròn đầy
xa lìa ngôn tự thuyết

nhẫn nhục ba-la-mật
mê, ngộ chẳng xa lìa
ngã, pháp thể không lặng
cầu gì bên bờ kia

tiền thân tôi một kiếp
từng bị Ca-Lợi vương
hành hạ cắt thân thể
tâm chẳng sinh giận buồn
vì ngã, pháp không lặng

lại nhớ thủa quá khứ
tôi là vị tiên tu
nhập đại hạnh nhẫn nhục
ngã, pháp tướng xa lìa

người cầu đạo bồ đề
phát tâm vô lượng độ
lìa gỉa tướng mây hồng
bố thí vô sở trụ

chư tướng, không thực tướng
chúng sinh, không chúng sinh
lời chân như bình đẳng
không dối trá mảy may

khởi hạnh nguyện bố thí
chưa lìa tướng huyễn mê
như người trong ngục đất
quờ quạng có thấy gì !

khởi hạnh nguyện bố thí
chẳng vì sự, tướng mê
như người mở mắt sáng
dưới mặt trời lưu ly
thấu rõ pháp chân, vọng

mai sau có người nào
thụ trì phẩm kinh ngọc
vào biển trí Như-Lai
tựu thành vô lượng đức

XV

giọt sương đọng đài sen
ảnh chiếu ba cõi bụi
trì kinh công đức

có người đem thân mệnh
như phù sa hồng hà
bố thí muôn ức kiếp
có người trộm nghe kinh
khởi lòng tin thanh tịnh
đức vô lượng vô biên
hơn đại nguyện bố thí
trải thân ngọc tam thiên
vàng ngọc đắp ngục tối
dòng kinh mở não phiền

vì người khởi đại tâm
phát nguyện tối thượng thừa
tôi mở pháp vi diệu
ai đọc tụng thọ trì
diễn giải chân thực ý
vào biển huệ lưu ly
tựu thành vô lượng đức
chuyển đạo Như-Lai
cứu người trong lửa vực

người chấp trược ngã kiến
chúng sinh, thọ gỉa kiến
như tù ngục trong thân
đối với kinh ngọc này
không thụ trì tụng đọc
chẳng thấy pháp NhưLai
chìm sâu dòng suối độc !

nơi nào mở kinh này
ngâm tụng dòng thơ nhỏ
khắp cõi quỉ trời người
cúng dường vô lượng độ
như kim thân Như-Lai
như tháp thờ xá lợi
thường tại giữa mây bay

XVI

vô cùng trăng sao vỡ
vô cùng bọt nước tan
năng tịnh nghiệp chướng

người trì tụng kinh này
bị người khác khinh chê
vì nghiệp trước sâu dầy
nay nghiệp tội tiêu tan
khởi phát thanh tịnh tâm
chứng vô lượng đạo quả
như sen ướp, trầm xông

trải qua vô lượng kiếp
tôi theo Phật Nhiên Đăng
cúng dường vô lượng Phật
công đức chẳng so bằng
người tụng phẩm kinh ngọc
nghĩa thâm diệu suy tầm
ngã, pháp thể không tịch
thực chứng đạo viên dung

XVII

rửa tay tam giới mộng
sông cuộn bụi vàng rơi
cứu kinh vô ngã

Hiền gỉa tu-bồ-đề
trải tọa cụ lưu ly
chắp tay lan bạch ngọc
tán thán pháp diệu kỳ!

đức vô thượng Thế-Tôn
truyền tâm đạo Bồ-Đề
pháp nào ý an trụ ?
pháp nào đẹp huyễn mê ?

người thiện nam, thiện nữ
khởi tâm đại Bồ-Đề
hết thảy chúng sinh độ
chúng sinh diệt độ rồi
như không một chúng sanh
mê, ngộ vô sai biệt
đồng tánh trí tựu thành

tu-bồ-đề hiền gỉa
ý ông nghĩ thế nào ?
tôi theo Phật Nhiên Đăng
chứng đạo vàng vô thượng ?

như mật ý Như lai
xưa Nhiên Đăng Phật hội
chẳng một pháp ngoài tâm
không chính đẳng, chính giác

nếu một pháp ngoài tâm
tôi vào vô thượng giác
cổ Phật Nhiên Đăng nào
thụ ký sao thành Phật:
hiệu Thích Ca Mâu Ni

bồ tát chấp ngã tướng
huyễn tướng khởi trùng trùng
như mắt quáng hoa không
chưa thành bồ tát đạo !

thực ra không pháp nào
khởi tâm cầu vô thượng
thực ra không pháp nào
gọi chính đẳng chính giác

xưa nay đạo không lặng
mê, ngộ chẳng ngoài vòng
một tâm giáp mười cõi
biển lặng bóng trăng trong

Như-Lai là diệu nghĩa
như như vạn pháp thường
xưa nay không một pháp
như bóng chớp hoa sương

không một pháp bồ tát
không ta cũng không người
không trang nghiêm cõi phật
mật nguyện hoa vàng tươi !

làm trang nghiêm cõi Phật
tức trang nghiêm cõi người
ngã, pháp bóng mây nổi
vào ra dòng nước xuôi

XVIII

một thể nước thanh tịnh
mây sương suôí biển đông
nhất thể đồng quán

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có nhục nhãn chăng ?
quả ngài có nhục nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có thiên nhãn chăng ?
quả ngài được thiên nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có tụê nhãn chăng ?
quả ngài có tụê nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có pháp nhãn chăng ?
quả ngài chứng pháp nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có Phật nhãn chăng ?
quả ngài có Phật nhãn

vô lượng số sông hồng
vô lượng cát phù giang
như vô lượng cõi Phật
vô lượng tâm chúng sinh
tôi đều như thực quán
tướng đồng dị mang mang
hoá sinh vô lượng kiếp
không ngoài tâm viên đồng
thể không sanh, trụ, diệt

XIX

mặt trời trí huệ sáng
mười cõi một tâm không
pháp giới thông hóa

bố thí vô lượng ngọc
bằng tất cả tam thiên
phúc đức nhiều vô lượng
từ một đại nhân duyên

nếu như phúc thật có
chẳng thể lượng ít nhiều
vì vốn không thật
phương tiện nói bao nhiêu

nghiệp duyên như sóng nổi
phúc đức như bọt trôi
khi gío yên biển lặng
tìm đâu bọt giữa khơi

XX

lìa sương un bọt nổi
tâm hiện một dòng trong
ly sắc ly tưởng

nhờ kim thân đầy đủ
có thấy tướng Như-Lai
không qua thân mây nổi
mà thấy đức Như Lai

gọi sắc thân đầy đủ
nào phải sắc thân thường
mới gọt thân đầy đủ
huệ đức tạng Kim Cương

qua vạn tướng tốt đẹp
có thấy được Như-Lai ?
không qua tướng mây gấm
mà thấy dấu Như-Lai

đầy đủ tướng tốt đẹp
không phải tướng tròn đầy
mới tạm gọi đủ tướng
như bóng suối chim bay

như hoa nổi hư không
như mây chìm đáy nước
lìa sắc tướng, tâm không
chẳng tìm đâu một bước

XXI

không lời vàng thức ngộ
tâm thể có mê đâu
phi thuyết sở thuyết

người chấp Như-Lai pháp
là không hiểu nghĩa mầu
nghe pháp không chấp pháp
cầu pháp không người cầu
tôi hằng phương tiện thuyết
mê ngộ có xa đâu

vô lượng kiếp kiếp sau
người khởi tâm thanh tịnh
biết cầu đạo nơi đâu ?

tìm mộng trong giấc mộng
người mê, chẳng thấy mê
xưa nay không ngã, pháp
tìm đâu lối bồ đề

XXII

mở mắt dứt mộng lớn
mê ngộ chẳng đôi bờ
vô pháp khả đắc

đức vô thượng Như-Lai
tâm không chỗ sở đắc
đạo cả chẳng trong ngoài
nào có được mảy may

không một pháp vô thượng
chẳng cho cũng chẳng cầu
không hư, cũng không thực
mới gọi pháp nhiệm mầu

XXIII

tâm mười cõi hư không
nẻo vào đâu lối ngõ
tịnh tâm hành thiện

pháp như như bình đẳng,
không thấp cũng không cao
vô ngã, vô thọ gỉa
vô nhân, vô chúng sanh
do tu vạn pháp lành,
nẻo vào vô thượng đạo

pháp lành, không pháp lành,
dùng pháp, không nệ pháp.
lợi lạc khắp chúng sinh
niết bàn vô thượng đạt.

XXIV

tiếng chuông vàng thức chúng
cõi mộng thoảng tơ sương
phúc trí vô tỷ

có người dùng báu ngọc,
góp triệu dãy trường sơn.
rộng cho đến côn trùng,
phúc đức vô lượng bể.
không bằng một dòng kệ,
trì tụng hoặc diễn bầy,
ca ngâm kinh ngọc này,
khiến bừng tam giới mộng.
nghiệp đức nước nghìn sông,
cứu độ nhất thiết khổ,
cúng dường Phật mười phương.

XXV

mưa ngọc trải mười cõi
vô lượng chúng hoa thơm
hóa vô sở hóa

các ông chớ bảo rằng
Như Lai độ chúng sinh
vì ngã, pháp không tịch
nhân duyên tự độ mình
mình là đảo ngọc sáng
giữa biển vọng vô minh
mình, mắt xích phiền não
độ người tức độ mình

Như Lai tạm nói ngã
chỉ phương tiện giải bày
kẻ mê chấp thật có
như lặng suối tìm mây

XXVI

vàng vàng hoa mướp nở
mang mang hạt bụi rơi
pháp thân phi tướng

ba mươi hai tướng ngọc,
chẳng quán được Như-Lai.
dùng sắc không thấy Phật,
pháp thân nào trong ngoài.

dùng thân vàng thấy Phật,
dùng khánh ngọc cầu ta,
người đó lạc tà đạo,
đũa ngọc gắp sao tà.

XXVII

ngọn suối sương un trắng
rì rào bọt nước xô
vô đoạn vô diệt

xa lìa thân huệ ngọc,
nên chứng đạo bồ đề.
từ ý đó cầu đạo,
vạn pháp diệt tan đi.

phát tâm vô thượng
không chấp pháp đoạn trừ
xá chi mây tan hợp,
chân thực tướng như như.

XXVIII

vào ra cơn mây nổi
áo rũ bụi vàng rơi
bất thụ bất tham

bồ tát dùng thơ ngọc,
như cát nổi cửu long,
vô lượng kiếp bố thí.
có vị chứng pháp không,
được tạo thành pháp nhẫn.
công đức kể vô cùng,
hơn núi vàng biển ngọc.

vạn pháp không thật ngã,
hòa hợp đốm mây xanh.
chẳng tham chấp phước đức,
không hưởng phước quả sinh.
tâm ngọc không đắm nhiễm,
tròn tịnh nhật quang minh.

XXIX

chân khỏa ngọn suối trong
tan mấy từng sao biếc
vô nghi vô tĩnh

có người chấp Như-Lai,
là như lui, như tới.
là như nằm, như ngồi,
thật không hiểu nghĩa nói,

Như-Lai không đâu lại,
không do nơi nào đi.
Như-Lai như thực trí,
vì khởi ngộ tan mê.
ngã, pháp thể không tịch,
không đi cũng không về.

XXX

một ngọn suối cát trắng
thả mười cõi mây bay
nhất hợp ly tướng

nếu có người thiện nam,
đem đại thiên thế giới,
nghiền nát như bụi vàng.
ông nghĩ bụi nhiều chăng ?

tu-bồ-đề tác bạch:
vô cùng hạt bụi vàng
vì nếu bụi có thực,
Như-Lai không nghĩ bàn.
thực tướng lìa ngôn thuyết,
ẩn dụ ý mang mang.

những hạt bụi nhỏ đó,
tức không phải bụi vàng,
mới thật là bụi nhỏ.
Thực tướng khó suy bàn,
chẳng chấp phương tiện thuyết,

ba nghìn cõi đại thiên.
không ba nghìn thế giới,
mới gọi đại tam thiên.
vị thể không biện biệt.

nếu cõi kia có thực,
hình tướng hợp như mây,
một hình tướng hợp lại,
tức không phải tướng này.
mới gọi tướng hợp lại,
nhân duyên giấc mộng vầy,
như ánh chớp trời ngọc,
như thoảng nắm sương bay.

hình tướng mây tan hợp,
lời không thể nghĩ suy.
lòng tham chấp sự tướng,
nghe thêm chẳng ích gì.
như dưới cầu nước chảy,
vừa đó đã qua đi.

tôi thuyết, phương tiện thuyết,
người nghe, không chấp nghe,
bỏ quên lời bặt ý,
tự hiện tâm bồ dề.
mười phương nào ngăn ngại.

XXXI

máu huyết cất nhật nguyệt
một cõi ánh lưu ly
trí kiến bất sinh

nếu có người cho rằng:
Phật nói ngã, nhân kiến,
chúng sanh, thọ, gỉa kiến,
hiểu ý tôi chăng ?

người nào đó hiểu nghĩa,
phương tiện thuyết Như-Lai.
lời nói không trọn ý,
người nghe chẳng vẹn lời.
vì tập kiến chấp chặt,
càng xa nghĩa diệu vời.
người phát tâm bồ đề,
tin, thấy, biết như thực.
chấp trược chẳng sinh lòng,
thực chứng minh huệ đức.

viên ngọc dấu trong tay,
nghe lời, tin lời thế
chẳng khởi tâm giữ lời,
cốt lìa xem ngọc thể.
niềm tin thoảng bóng mây.

XXXII

một cành hoa mai nở
trang nghiêm đồi thông hồng
vô hóa phi chân

có người dùng mưa ngọc,
rộng cho khắp tam thiên.
phúc đức vô lượng bể,
chưa bằng viết dòng kệ.
trì tụng hoặc diễn bầy
ca ngâm kinh ngọc này,
khiến tỉnh tam giới mộng.
nghiệp đức nước trùng dương,
cứu độ nhất thiết khổ.
đền ơn Phật mười phương.

người nhập kinh diệu này,
xa lìa huyễn ngã pháp,
vô ngại bóng mây bay,
cúng dường nhất thiết vật.
tự tại giữa vần xoay,
thể như như bất động,

trùng trùng pháp hữu vi,
như huyễn mộng bọt nước,
như bóng chớp sương mai,
thường quán tưởng như thị,

Phật nói kinh này rồi,
hoa cúng dường phơi phới.
chim tụng vi diệu âm,
mây về mười cõi giới.
trưởng lão tu-bồ-đề
tỳ khưu, tỳ khưu ni,
ưu bà tắc bà di,
khắp cõi quỉ trời người,
hoa hỷ bừng pháp hội.

KHÉP KINH

chẳng nương bè trúc ngọc,
vượt qua suối mây hồng,
con chim vô lượng kiếp,
về tha trái nhãn không.

ĐỘNG HOA VÀNG

chim từ
bỏ động hoa thưa
người từ tóc biếc
đôi bờ hạ đông
lên non
kiếm hạt tơ hồng
đập ra chợt thấy
đôi dòng hạc bay

Qua Suối Mây Hồng - phụ lục

NGÃ PHÁP MÂY NỔI

Tôi đang ngồi trên một chiếc ghế, một chiếc bàn viết gỗ nâu đặt ngay khung cửa sổ nhìn xuống khu đất cỏ xanh nằm xuôi hai bên con sông đọng nước tịch mịch. Khung cửa này là lối ngõ của hoàng hôn, của trăng sao, hoa cỏ và cả những tiếng chim lạnh buốt hắt vào tâm thức tôi mỗi chiều. Tất cả thế giới đó kết lại làm huyết bào nuôi dưỡng khí chất, nuôi dưỡng mảnh thân thể hiu hắt, rừng núi của những dù nấm hóa thân làm tinh tú mỗi đêm. Tôi , nuôi dưỡng tạo vật trong mình, cưu mang tất cả nhật nguyệt mất máu ... Tôi tựu thành con xoáy khủng khiếp của vô lượng hành tinh lấp lánh trong dòng ngân hà xa xăm. Tôi là một kết hợp dồn nén của tinh lực vũ trụ, của những dải mây huyền bí nhất, những mạch nguồn sâu thẳm nhất như bầy ngựa xanh chuyển vó, như ngàn ngàn con sông mang hoa lá dồn về. Tôi là đại dương nơi bão gío hát ca, nơi tụ đọng lớn lao của nước mắt loài người.

Những ống máu trong tôi cuồng nộ như trăm ngàn dòng Hồng Hà mang cát đỏ nuôi dưỡng hình hài.

Trái tim tôi: Một nửa là cao nguyên Tây Tạng, nơi nghi ngút tuyết bay, nơi tím ngắt mặt trời, và một nửa là vực sâu của đại dương. Mỗi nhịp đập là lãng đãng mây bay, là gầm gừ biển lớn, là muốn xô nghiêng cánh cửa Âm, Dương, là vẫy gọi mặt trăng đầu thai vào mặt trời để trần gian chìm toàn thể trong bóng tối thân mật, vắng vẻ, vĩnh cửu của mọi nhãn pháp so đo.

Bây giờ thỏi nến vàng ệch lù mù trước mặt, chỉ đủ sức quyến rũ những con dế lang thang, những cánh bướm bỏ sương mù vào sưởi ấm. Tôi rất quý những bạn láng giềng này, những khúc ca, những cuộc chơi rong trọn kiếp, mà không bao giờ tìm thấy giữa loài người. Tất cả mọi tiếng ca chỉ còn lại trong tiếng rú thống thiết của ý thức thất bại. Tất cả mọi bước chân rong ruổi là những bước chạy trốn tù ngục tự thân. Cũng dưới ngọn lửa này, những trang kinh càng trở nên héo úa, những trang giấy nghi ngút tà dương. Mỗi phiến giấy thơm trở nên một chiếc lá khô xào xạc, những chiếc lá cuối mùa của một cồn rừng gìa thâm u vắng vẻ. Những nét chữ cổ hiện thân từng đốt xương mục, từng nghành củi đeo đét thì thào, từng cỗ xương chim rã nát, từng mảnh sỏi vô hồn ... Tất cả chỉ còn là bèo bọt lênh đênh trên cơn hồng thủy ý niệm dâng ào ạt trong tôi. Tôi hú gọi mật nghĩa về nhập xác. Tôi chuyển tinh năng vào từng ngữ ngôn hồi sinh. Tôi kết tinh tú lại làm dòng kinh thơ nhật nguyệt. Tất cả bừng sáng trên một tâm địa huy hoàng. Mỗi dòng kinh Kim Cương là một suối tóc biêng biếc hiu hiu, là sợi mưa thu lãng đãng, là một lấm chấm hoa đào, là sợi hương thơm tan loãng từng mây, là dế đá ngủ giữa mặt trăng và đàn ca não nuột, là Nhị tướng giao nhau đẻ ngược ra Đấng vô cùng. Tôi gọi hồn thiên thu nhập với gang tay. Tôi chiêu vía vô cùng hiện giữa sương bụi. Tôi đốt xác hoàng hôn làm triêu dương mở mắt.

Mỗi dòng kinh thơ, là một mạch máu. Mỗi mạch máu là dòng tinh khí mặt trời, là một hơi thở bão tố. Tôi thở bằng kinh thơ, cưu mang từng túi phổi. Tôi đâm nổ ý thức tôi cho những dòng kinh vọt ra như vô vàn cây mống trời. Nút xoáy tinh lực không còn, tôi vỡ tung như trăm ngàn mảnh mây hào quang kiêu ngạo vỗ cánh vào vũ trụ. Mỗi chữ, mỗi nét mực xanh là mỗi cô đọng tinh lực vũ trụ. Sức mạnh của một biển cả thu gọn trong nét chữ bùa chú ngàn cân dưới cán bút ấn quyết xẻ núi. Tôi chỉ còn là kết hợp tạm bợ của sa mạc ý niệm, nằm chờ tiếng réo huyền bí của gío rừng tóc vô lượng dòng kinh. Tôi còn vô lượng chiếc kén tơ của con tằm đang mọc cánh thoát hình vỗ cánh ra đi làm trăng sao vằng vặc.

Bây giờ đúng ba giờ đêm. Mỗi vị sư là mỗi thế giới tịch mịch, mà mỗi gian phòng là những cảnh giới vũ trụ riêng biệt. Quí thầy ngủ yên ấm như một bóng trăng hiền từ trong giọt sương. Chỉ còn tôi và dòng sông dưới kia vẫn tỉnh thức cô quạnh. Tôi phải thức với dòng sông, thức vĩnh cửu cho dòng sông chảy mãi, tôi chợt bâng khuâng trước một bóng bóng dáng trên tường. Không đó chỉ là chân dung của tổ Bồ-Đề vác thuyền trượng khai thị trên vai, treo chiếc giầy cỏ vi mạt vô minh như một chấm than chênh vênh cuối cùng; chiếc giầy duy nhất đạp lên Nhị tướng để lìa cả sự ra đi. Trở về và ra đi cũng chỉ là sự gỉa danh, chỉ sự lênh đênh của cuộn mây trắng. Trở về chỉ là sự ra đi trùng sinh, sự ra đi nhập diệu, vì hoàng hôn bên này là triêu dương bên nọ, cũng như lá cờ vĩnh cửu chỉ tung bay trong nhận thức, dòng sông chỉ chuyển dịch trong huyết mạch, bia mộ chỉ là bia mộ của ảo tưởng thường tại; ảo tưởng này là biến chứng của tâm bệnh tham chấp và mê loạn.

Sự chết không phải là sự trở về mà là sự ra đi đột biến, sự vượt cầu vào mây khói. Cây cầu lửng như là dấu nối ngắn ngủi giữa hai đầu của sự vô cùng - là một ảo giác hiện nổi lên giữa vô cùng tím ngắt cỏ hoa. Cỏ hoa là hiện thân của vô cùng vi diệu. Kẻ yêu cỏ hoa là kẻ đi vào vô cùng. Tình yêu là chân tướng của vô cùng - chim non trong hốc cây - Mẹ dậy tiếng hót trìu mến - Ngụ từ bất tuyệt thiên thu. Ngụ từ là liếc mắt mầu nhiệm. Ngụ từ là ngọn tóc bâng khuâng. Ngụ từ là tiếng em nước suối. Ngụ từ là tiếng bồ câu gù nhau trong hốc cây. Ngụ từ là con chim nho nhỏ tha cỏ lên cành. Ngụ từ là câu hỏi vu vơ: Sao em áo xanh đã vàng lệ đợi. Ngụ từ là muôn về trong một. Ngụ từ là ngôn ngữ tinh nguyên. Ngụ từ là nụ cười mầu nhiệm. Ngụ từ là ẩn tích của ngôn ngữ. Ngụ từ là ngụ từ.

Kẻ lữ thứ qua cầu, muốn mau qua cầu như một cơn mưa thu, vì đường còn xa, còn bao nhiêu núi cao mây trắng cám dỗ, còn bao nhiêu cồn hoa suối mát đợi chờ, rồi đến một thị trấn nào đó ít lâu lại làm lại cuộc ra đi. Vì máu huyết thường hằng sôi động ra đi. Tôi rất thèm những chuyến xe chợ xọc xạch, vừa mang tôi đi, vừa dằn vặt tôi, cũng như tôi vừa ra đi vừa dằn vặt mình trọn kiếp. Tôi chán ngán hết mọi tỉnh lị. Tôi thèm một chỗ ngồi bên cửa xe, hút một cối thuốc, nhìn lên cây cao lãng đãng sương dài theo cỗ xe dong duổi tìm kiếm mảnh mặt trời vàng cuối núi. Tôi chỉ thèm chuyển dịch. Khinh thị những phố núi, đèo mây, những viện rượu ven rừng ngừng nghỉ. Nhổ nước bọt vào những ga mưa, chợ phố, những hang hốc cư ngụ. Tôi sống trọn vẹn bằng máu huyết ca hát lên đường. Chỉ có ra đi mới giải thoát. Giải thoát sự giải thoát mới giải thoát. Ra đi là bản chất của dịch hóa vũ trụ. sự ra đi cuối cùng, sự ra đi tột đỉnh là ra đi của sự ra đi, ra đi trong nỗi không tịch sấm sét.

Một chiều, có lẽ vào một mùa hạ thật xa, ngày ấy như một cánh chim biếc đã rụng xuống ven núi rũ xương. Tôi cắp tấm nhựa về một ruộng lúa ngoại ô, nằm hút thuốc nhìn trời, việc nhìn trời cao đối với tôi cũng cần thiết như đóa hoa, sách quý, trông cây và như hai bữa cơm rau thanh đạm. Tôi chợt thích thú đón xe đi Vũng Tầu và tìm được chuyến xe cuối ngày lưa thưa hành khách. Thế rồi cỗ xe chợ gìa cũng vừa kịp thả tôi xuống thành phố cùng với vừng sao đêm chi chít trên bãi biển. Tôi vời khung xe gỗ ngựa chất đầy bóng tối về phía bãi sau. Vó ngựa lọc cọc rơi mưa trên con đường cheo leo lưng núi. Tôi bỏ xuống chọn một quán ăn có cây đèn gío vàng ệch trên tường. Gọi một phần ăn, một ly rượu nâu đậm, một phin cà phê rồi ngả lưng nhồi cối thuốc hút nhìn biển. Biển đêm trở thành cây dương cầm gỗ huyền hoặc. Những ngọn sóng rì rào trong hốc đá, những ngọn gío hú vi vu cuồn cuộn chung quanh. Những bờ cây nào rũ tóc. Những đỉnh non nào le lói trăng sao. Biển chỉ còn những tiếng khóc, những tiếng thổn thức, tiếng nấc nghẹn thống thiết, tiếng nguyền rủa thì thầm, tiếng hát ca man rợ. Biển là hiện thân của sự đau khổ chất chứa; nơi tụ đọng tất cả nước mắt loài người và trùng thú. Biển là dấu chấm hết vĩ đại nhất của thiên thu, cũng như giếng mắt huyền nhiệm của xử nữ, nơi vắng bặt sau cùng của mọi bản anh hùng ca chuyển núi. Biển là nước mắt kết thành tiếng khóc, tiếng khóc tự kết thành nước mắt. Nước mắt tự vỡ ra âm thanh não nuột. Biển là vũng máu thiên thu, vũng máu vô ngàn năm tím ngắt. Biển là giọt máu duy nhất còn lại, chứng tích của cuộc ám hại, sau khi tên sát nhân vĩnh cửu xa bay. Biển là cỗ trống đồng meo mốc thúc giục mây xám lên đường. Biển thường xuyên tung tín điều cho loài người man rợ. Biển quyến rũ máu huyết hát ca. Biển là thông điệp thăm thẳm của thông điệp và sấm dậy; vắng vẻ ghê rợnbùng nổ kinh hoàng. Hỡi con nước bất mãn kia. Ta vứt xuống ngươi một cọng râu khinh thị. Hỡi dấu chấm câu hun hút kia. Ngươi nhỏ xuống lưng chúng đời sống như một dòng văn ngô nghê. Hỡi thông điệp mê hoặc kia. Ngươi chỉ cần thiết cho những ngọn núi rầu rĩ. Hỡi thủy huyệt huyên náo kia, hãy trả mây trắng hồi sinh, hỡi bầy ngựa thiên thu kia. Hãy hò hét lên đường. Hỡi trùng dương sương muối kia hãy đổ xuống nụ cười thêm mặn.

Tôi ngạo nghễ đứng lên trong những cử chỉ và khuôn mặt thật thô, bỏ xuống bãi cát theo dấu chân một suối tóc thủy quái về cuối bãi. Thân lau sậy đó đã mất hút từ khi cây đèn bão vàng ệch tắt phụt trên cột quán lần thứ nhứt, cũng như viền trăng lúc đó mất hút trong cơn mây đen ào bay. Một con chim nào mất dấu trên bầu trời, một tiếng chim nào chết đuối trên biển động. Dấu chân thứ nhất. Dấu chân thứ hai. Dấu chân thứ ba. Dấu chân thứ tư. Dấu chân thứ năm, thứ saú.... Dòng chân hiện ra cùng với mảnh trăng trên bãi cát, tôi gián tâm thức vào cuộc truy tầm dấu tích. Dòng chân hút dài về cuối bãi. Tôi mãi theo và phát hiện thêm một dòng chân đậm hơn ngược chiều. Những dấu chân đực cái giao nhau chần chừ, rồi trở thành những xoáy cát sâu hoẳm. Tôi ngồi xuống nhìn đôi chân mình, đôi chân như hình ảnh cuộc sống, những dấu chân, những biểu tượng rơi rớt quẩn quanh. Hồi nhỏ, trước mỗi lần chui vào tấm phản gỗ hoàng tâm, đặt sau lưng khung cửa đất nhìn ra những tháp núi un sương ảo nghiệm, nghe tiếng dế gáy bùi tai, nằm thở hiu hắt với mảnh nguyệt đầu giường, mẹ tôi lại đem soi chân ra ánh trăng, nếu còn cát bụi là bế tôi ra con suối nhỏ đầu nhà, đem khỏa chân con xuống dòng nước róc rách, cho cát bụi xuôi theo con suối với sao đêm. Có lẽ từ những ngày mất hút đó cùng với ánh trăng nơi trang trại Đá Trắng; một cõi sương khói tít mù. Tôi đã lớn lên và đã bao lần rửa chân mà thật ra chưa một lần nào sạch cát: cát hồng, cát tía, cát xanh, cát bẩn tưởi, cát hào quang ... tất cả mọi thứ bám đầy chân và lấp dần huyết mạch, đóng sạn trong tim, tụ lại nếp óc làm nên sa mạc, một thứ sa mạc đầy bão nổi và xương ngựa khô. Tôi đã gián bao nhiêu dấu chân trên mảnh đất này. Những dấu chân thèm đất, hút nhựa sống từ lòng đất nuôi dưỡng tâm linh, chuyển vào đất những thất bại tức tưởi, gõ trên đất những âm động lao xao. Dấu chân đuổi theo những dấu chân. Dấu chân chạy trốn những dấu chân. Dấu chân khoan thai phỉnh gạt. Dấu chân sợ hãi chù chừ. Mỗi bàn chân là một ngọn cây cằn cỗi, một loại hoa xương rồng ngát hương. Mỗi ngón chân là một nụ sinh lực hồng hào, là một nhành hoa ngà ngọc. Mỗi người là một thân cây mọc ngược; gốc từ không trung, hấp thụ thanh khí nhật nguyệt, tinh chất cỏ hoa máu huyết biển núi. Mười nhành rễ chim bay, hút mật hoa hồng, uống suối ngọc thạch, hứng nhụy thông cao, mang thể chất vũ trụ vào sinh trưởng.

Tất cả mọi con đường đều hình thành bằng những dấu chân. Những dấu chân ngàn xưa còn nạm đá cẩm tỏa sáng. Nhũ+ng dấu chân hôm nay đặt lên con đường rêu phong đó; những phiến đá kết tinh nô lệ, những dấu chân hôm nay ra đi chẳng tự tại chút nào, dù mỗi người đều có ý thức rằng mình tự do một cách tù túng, mơ ước tự do một cách nô lệ.

Những dấu chân mờ dần trên bãi biển, rồi vô tăm tích dưới những đợt sóng đen tối. Cơn thủy triều đã dậy như một hàng dừa xanh. Dòng chân trên cát biển bây giờ hiện rõ trong tôi như một dòng mực, như những nét chữ kỳ diệu của trang kinh Kim Cương. Tất cả mọi con đường, mọi ước vọng, mọi vóc dáng, mọi khuôn diện chợt vắng lặng trong tôi như một con chim bay tấp vào cơn mây đen, như một lòng suối cát biếc không vẩn gợn mây đục, như giọt nước ôm trọn vầng trăng. Trong giếng khơi thanh tịnh đó chợt hiện lên một bông hoa tím ngắt, nhỏ như đầu kim, một đóm hoa rơi, một chấm hoa mùa thu của ký ức. Không đó chỉ là một bọt nước nổi lên, phản ảnh chùm sao ly ti, chùm Bắc đẩu le lói biến hiện.

Tôi chợt khinh thị tất cả tư tưởng, phẫn nộ với tất cả vách đá chiếm hữu mặt trời, độc quyền mặt trăng, ăn cắp tinh tú nghìn xưa, đè nặng bóng tối huyền nghĩa xuống tâm thức con người. Tôi muốn chẻ tất cả tượng gỗ xuống nhóm lại bếp lửa nhân gian cho mọi sự sống hò reo lên đường, cho nghìn suối mang hoa xuống non, cho trăm sông mang máu hồng về biển, cho trùng dương thả mây trắng phiêu bồng, cho rừng già thố lộ với núi cỏ, cho sỏi đá tình tự với chim muông, cho tinh tú nhào vào mạch máu, cho em hong tà dương từng ngọn tóc, cho anh vợi hoàng hôn trong mắt xanh, cho mùa đông cất cánh, cho thung lũng thay mầu, cho xuân thu đổi áo, cho tất cả chiến tranh, tất cả hình thái phơi sương nhòa lệ thực sự vắng lặng nơi mỗi người. Mặt trời phải sống dậy nơi mỗi người. Mặt trời không còn là xác chết, không là vụn đá, không là sa mạc ứ đọng huyết mạch. Mặt trời trùng sinh. Mọi con đường nổ tung. Mọi dấu chân tỉnh thức. Mọi bàn tay mọc cánh thăng hoa. Tôi đọc được mật nghĩa từ một dòng chân mất hút trên bãi biển.

Tôi đứng dậy bâng khuâng, và trọn đêm bới cát, đắp mũi tên vàng từ bờ xa cắm phập xuống biển xanh.

Sáng hôm sau tôi từ bãi biển thức dậy với mặt trời. Một con chim xanh đậu trên đầu mũi tên như một cầu lửng cát vàng bắc xuống biển. Con chim ca hát hiu hiu, rồi lao cánh mất hút trên sóng biếc như một mũi tên bích ngọc. Tôi tiểu tiện vào biển và nhặt một vỏ sò trắng, ôm giọt nước xanh trong kẹt đá với mặt trời rực rỡ ly ti. Tôi bỏ lên, tìm vào quán ăn rồi đáp xe về tỉnh.

Qua một kiếp sống nổi nêng, mỗi người đã vượt qua bao nhiêu cây cầu; một cây cầu trúc vàng, một cây cầu đá xám, một cây cầu tre La Ngà, một cây cầu ván thiên, một cây cầu sắt rỉ ... Bao nhiêu con cầu dựng lên để tiếp nối những dòng chân, những bước đi không bao giờ ngừng nghỉ, vì tư tưởng là ra đi, ra đi từ bản chất, ra đi trên những dấu chân, trên những nẻo đường ảo tưởng, những lối quạnh tàn trăng. Giấc mơ cũng là sự ra đi, ra đi trong dấu chân hoài niệm và thao thức. Chỉ có giấc ngủ say, giấc ngủ mệt thiếp, giấc ngủ chết lịm, giấc ngủ của Đạo gia, giấc ngủ của kẻ đau nhừ thất bại, và hoan hỷ trong sự thành công mĩ mãn nhất, tột đỉnh nhất của ý thức thất bại, đồng nhất trong sự thất bại ném tung gỉa ngã xuống cỏ, một giấc ngủ không lo nghĩ, không tham vọng, không chấp nhặt vì tất cả đều thất bại, vì nhất tức nhất thiết, vì nhất thiết tức nhất, vì cỏ hoa cũng là tứ chi, vì nước mắt tha nhân cũng làm mình rướm máu, mình khóc bằng máu, thở bằng nhịp tim, ăn uống bằng nhật nguyệt, cưu mang sự đau khổ loài người trên mỗi sợi tóc, trong mỗi chân lông, trên mỗi tế bào, trên mỗi vó ngựa ý thức trong rừng rậm tịch mịch, vượt qua khỏi bờ Nhân Ngã, nhẩy vọt vào đồng nhất với đại đồng. Chỉ còn lại một vầng trăng giữa thiên thu, giữa rừng tóc bồng bềnh mây nổi. Vừng trăng là nụ cười, nụ cười là con mắt, con mắt tịch mịch nhiệm mầu, con mắt nuôi nấng hào quang, con mắt cửa ngõ vào đại thể, con mắt cuối cùng của một nhân sinh xao xuyến. Con mắt đó vẫn ngủ êm trong mỗi người. Đó là giấc ngủ thanh tịnh nhất. Giấc ngủ cuối cùng ra đi, ra đi cả sự ra đi; mọi dấu chân xoáy tròn làm tinh tú, mọi tinh tú nổ tung làm mọi cõi giới châu ngọc lưu ly. Một giấc ngủ Không Tịch, gối đầu, duỗi chân trên hai đỉnh tuyệt vô song.

Nụ cười của Phật Thích Cathông điệp của sự thất bại ý thức. Tất cả quyền uy điện ngọc, và lòng thương yêu rộng lớn và trí sáng suốt vô cùng, và lòng dũng cảm vô biên và nỗi đau nhức vô lượng của chúng sinh, những bước chân lênh đênh cầu giải thoát những đạo sư ngủ gật trong rừng tối siêu hình ... Tất cả những tương quan hiện tượng đó, tất cả những cung bực mê loạn đó đã đưa Phật đến cuối cùng của sự thất bại và nhẩy vọt vào Tự Tánh Không của vạn pháp, nổ tung mọi thức tướng sai biệt, dứt vọng niệm, thể nhập vào tạng tính chân như, cho cây trải hoa cúng dường, cho chim diễn bầy vi diệu, cho trùng trùng tạng kinh luận mở cửa treo trăng.

Ngã pháp đều không tự tánh, nên chỉ là giả lập, gỉa tướng, một phương tiện hư ngụy để vượt hư ngụy; một bè trúc xanh nổi nênh qua ngọn suối mây hồng.

Viết trong đêm đầu thu 1969
Pháp Vân Thiền Viện

HIỆN HÓA PHÁP
Thầy Quảng Trí

Mùa mưa năm nay lại về như một bầy câu trắng. Bầy chim mang theo những trái biếc; những cánh hoa và những rung động xào xạc. Trong cuộc đời chúng ta đã bao lần đuổi bầy mưa đi, gọi mây lớn về. Tâm hồn, mỗi kẻ đã biến đi mất hút bao nhiêu trận bão núi thổi tới, những xoáy gío hồng cuồng bạo, những cơn giông xanh nhẩy múa từ vách đá, từ đại dương, từ hốc sỏi, từ những ngọn cỏ, những cổ thư, những cửa hẹp, những đầu ngón tay, những suối mắt, những nụ cười, sợi tóc và kể cả những cơn mê loạn chính mình. Những cuộn gío dấy đất, rên xiết, hú hếu rồi mất hút tịnh yên trong một tâm giới không lặng. Trận bão nào cũng bắt đầu từ chính mình, và mất dấu từ chính mình. Những trận bão hằn lên thân thể như bao nhiêu đường roi xanh quận lại tâm thức như một ổ rắn lục. Tại sao chúng ta phải cưu mang ? Mỗi nét mi, mỗi nốt tay, mỗi nhành chân, mỗi lời nóihơi thở, tôi thấy đều là rắn, đều là những mầm mống dấy động nổi loạn. Tại sao chúng ta không thả chúng xuống dòng sông ? Phải chăng chúng ta đã hoàn toàn bất lực, đã ung thối từ khi mới nở hoa, đã côi cút và bị tước đoạt bắt đầu từ một thức giới gỉa tưởng, đã mệt mỏi trên những bước thang hào quang bắc tới một thứ tuyệt đối hão huyền.

Trong mỗi chúng ta đều có sẵn những chốn ẩn trú, những cơn phố tịch liêu, những trạm ngựa ủ rũ, những ga sương tháng mười, những chợ khu âm động, những di chúc rầu rĩ còn ứ đọng trong máu huyết mỗi người. Chúng ta sống hoàn toàn bằng cái chết. Tất cả tử khí đó đã làm tê cứng gân máu chúng ta. Chúng ta chỉ còn lại một thứ xác khô canh giữ di ngôn trong ngôi cổ mộ thất lạc.

Tôi muốn ra đi tất cả, từ bỏ tất cả, như một lão đại hành khất, như một thiền sư vân thủy lang thang, như một con chuồn chuồn huyết dụ, như một vệt sao rơi, như một tia chớp giữa mộ đá tàn lụi. Tôi muốn ra đi khỏi những lời nói, những ý nghĩ, những tình cảm vụn vặt. Tôi muốn ra đi khỏi cả sự ra đi. Tôi muốn yêu mến thất bại để phá hủy mọi tham vọng. Tôi muốn sự từ khước cuối cùng đối với tất cả nơi trú quán siêu hình. Tôi muốn trở nên một tế bào reo ca trong cơ thể nhân loại. Tôi muốn đâm nổ con mắt, vì tất cả mọi bước chân sợ hãi đều bắt đầu từ con mắt. Tôi muốn ngả co dưới một lớp tuyết trắng. Tôi cũng thèm tư cách thản nhiên của vách núi. Tôi thèm cuộc rong chơi như nước xanh. Tôi muốn không còn mọi ước muốn. Nhưng tôi vẫn tìm kiếm trí khôn, quỉ biện, lảm nhảm ... Đó là mọi hiện tượng bạc nhược, hèn mọn nghiệp dĩ. Tôi vẫn lừa đảo mình trước cái chết bằng tất cả thành cônghạnh phúc bẩn tưởi. Tóm lại, tôi vẫn chuẩn bị cho sự nhắm mắt cuối cùng quá nhiều.

Tôi có thói quen tự nghĩ về mình. Trước đây ba mươi năm và lẻ một ngày, thì tôi chỉ là con tinh trùng nguyên sơ trong một môi trường trong suốt. Rồi, quán tưởng đến bẩy mươi năm sau, tôi lại nguyên vẹn còn một nắm xương mục giữa những rễ cây gặm mút chằng chịt, và bên trên một thảm cỏ xanh, những thiếu nữ đang vít cành, hái trái xương tủy tôi ăn thích thú. Từ nhãn quan này tôi trở nên yêu mến mọi người và tất cả đời sống đều trở nên khôi hài kỳ hoặc. Một lần, tôi đi xem cuộc đua ngựa, tôi chợt nổi cười nghiêng ngả: Tôi thấy gần hai chục con tinh trùng người cưỡi gần trên hai chục con tinh trùng ngựa phóng đua mãi miết, trước mấy trăm con tinh trùng đang hò hét và đánh cờ bạc; có con mặt hoa da phấn, có con đội mũ hút thuốc nghênh ngang. Ôi! Thật là khôi hài. Tôi lại chợt có ảo giác: chung quanh tôi, mấy trăm bộ xương trắng nhởn đang bầy cách gặm lẫn nhau. Ôi! Tôi muốn ù té chạy khỏi bãi chết ghê rợn này. Nhưng, tôi chợt nhận ra mình trong số đó, cũng chỉ là khung xương. Tôi chợt kinh tởm chính mình. Từ sự bắt đầu tạo dựng mỏng manh đến sự hủy phá cuối cùng bi thảm hiện đến trong tôi chưa đầy một hơi thở. Tôi chợt đứng ngoài dòng dịch hóa. Bên ngoài những hình thể gỉa tưởng và cảm thấy mình rỗng không tịch mịch; những cơn mây chiều dường như phiêu bạt trong tôi, như một đàn cá thu kéo về theo tiếng réo của trùng dương, khúc hát huyền bí của tâm thể.

Tất cả mọi khổ não đều bắt đầu từ ý thức. Sự giải phóng tối hậu phải là sự giải phóng con người ra khỏi gỉa ngã, và thiên chấp sai biệt. Con người vượt thoát hiện tượng giới tức là chuyển đổi tư tưởng giới, giải phóng mọi ràng buộc nô lệ, mọi định thức giáo điều, để bước vào ngưỡng cửa một tâm giới mới, an trụ ở vô trụ. Vô trụthực ra dung hóa được toàn thể trở lực. Tôi cho rằng Hiện Hóa Pháp của người Việt hoàn toàn bỏ xa Biện Chứng pháp của Hégel; một thứ biện chứng duy lý, ngưng đọng dựa trên những đường xoáy ảo tưởng: một đầu là ngôi vị tối cao, một đầu là hư vô mở rộng. Hiện Hóa Pháp Việt Nam không dựa trên một định thức, một con đường nào, nên không chỗ bắt đầu và cũng không nơi cuối cùng, mà chỉ là cánh cửa mở tung nhận thức, đập tan mọi kiến chấp hư ngụy để đối mặt với thực tại ảo diệu, duyên khởi, toàn khắp và nhất như của dòng sống, "Khôn cũng chết, Dại cũng chết, Biết thì sống", "Khôn, Dại" là hai mặt của cuộc đời, là hai cực của tiêu chuẩn hành động, là hai vế của Nhị nguyên. "Cũng chết" là tự chuyển biến đắp đổi dung hóa lẫn nhau. "Biết thì sống" tức là vượt mâu thuẫn để điều ngự mâu thuẫn, nổ tung thiên chấp gỉa tướng, trực nhập dòng sinh hóa mênh mang, tan rữa mọi vực bờ Nhân Ngã, vắng lặng mọi tham vọng so đo, và dẫn đến Bình Đẳng Tánh Trí của muôn loài một vô môn quan dung thông Vô ngại. Đó là chìa khóa để mở cửa những bế tắc chiến tranh, là sinh mạch của nòi giống Việt: Hiếu hòa Hiếu sinh nhưng kiên cường tự chủ.

Mọi hình thái chiến tranh chỉ là chiến tranh của Quyền và Lợi. Mọi mê chấp Quyền và Lợi chỉ là sự sai lầm về nhận thức. Mọi kiến quan sai lầm chỉ là hậu quả của tâm bệnh bỏ quên bản chất và đánh mất thực tại. Vậy, đời sống lịch sử chỉ là một tiếp diễn đào thảiliên tục bắt đầu từ mỗi ý thức, mỗi cá nhân và mỗi thế hệ. Sự bắt đầu luôn luôn vươn tới sự tỉnh thức tự thân ra khỏi hang động ẩn trú của mọi nỗi sợ hãi, và lề thói trá ngụy trong một tinh thần dung hóa và sáng tạo truyền kiếp.

Tất cả mọi ngữ ngôn, mọi nhãn quan chỉ là không của hư Ngụy. Nó có thể đóng lại và cũng có thể mở toang vào Nhật Nguyệt. Chỉ khi nào không còn người nhìn ngắm Nhật Nguyệt và cũng không còn Nhật Nguyệt để nhìn ngắm, thì lúc đó không còn dụng tướng của cánh cửa và tâm thức trụ nhập với cỏ tím hoa vàng, đó là Nhập Pháp Thân Thường Trụ Như Lai.

Tôi viết những dòng chữ này thực cuồng lưu. Tôi tự biết mình đang nốc từng đấu nước biển để bốc lửa cơn khát. Những đấu nước có thể là máu, là nước mắt là mồ hôi của biển xanh. Tôi tự biết những dòng chữ bất lực và hư huyễn này không kêu gọi được gì trong cuộc chiến tranh VietNam và mọi réo gọi trong cuộc chiến hiện nay càng đẩy con người vào ngõ cụt đầy hoang mang và thù hận chồng chất. Viết đã là phản bội mình lẫn người đọc. Nên tôi muốn những dòng mực này, xin như những giọt nước, những gợn mây, những hơi gío thu thoang thoảng gợn nổi trăm ngàn con ốc trên da thịt hiu hiu. Nó sẽ tan biến trong một tâm thể sinh động và nổ tung sấm sét. Nó chỉ là ngọn cỏ nổi nênh dưới chân thiền sư vượt suối, không tạo nên một con đường nào vì những bước chân đã trở nên thừa thãi của kẻ trên đò.

Bây giờ nắng đã bắt đầu rực rỡ trên những cánh bướm vàng quẩn quanh những đóa hoa trắng thơm vừa nở trên thành cửa sổ. Cho tôi được dừng bút nơi đây trở về phật Viện, vác cuốc xuống vườn trồng cải xanh.

Viết tại thư viện Vạn Hạnh
cuối thu 1969
Tuệ Không
Phạm Thiên Thư

đại nguyện
Nguyễn Thị Minh

Trầm thơm quyện tỏa hồn mơ
Trà sen nhấp giọng ngâm thơ ngọc vàng

Mỗi dòng là ánh từ quang
Mỗi trang là khói chiên đàn thoảng xa

Mong sao mười cõi Ta Bà
Bao nhiêu cát sỏi trần sa trở mình

Kinh Ngọc là khối quang minh
Là đường cứu độ chúng sinh mọi loài

Nguyện cho khắp cõi trần ai
Tỉnh cơn ác mộng nở đài liên hoa

Trầm tư Thơ Ngọc, Đạo Ca
Mỗi người là một pháp tòa trí bi

Cảm tác khi đọc Kinh Ngọc
SaiGon ngày đầu xuân Tân Hợi
Bồ Tát Giới - Đức Minh
Nguyễn Thị Minh

với dòng Kinh Ngọc
trần thị tuệ mai

Trong miền cát bụi phiêu du
đã ngày mê mải, đã mùa trầm luân
mắt xanh ánh biếc phai dần
nhìn người kinh hãi, tưởng thân tật nguyền
mịt mờ khuôn mặt hoa niên
tóc chiêm bao rụng khô miền hỗn mang
e như xuân đất trời tàn
cây khô da thịt ngổn ngang rừng người

Chợt thơm hương phấn tuyệt vời
âm thanh Kinh Ngọc nở mười phương hoa

Thắp lên ánh sáng Đạo Ca
ngàn mùa xuân trước dựng mùa xuân nay

Rừng đời trổ lộc muôn cây
lòng đời chim hót ấm đầy tình thương
tóc chiêm bao mướt trầm hương
ôm bờ vai ngọt - vô thường - chân như ...

tặng bác phạm thiên thư
bùi giáng

chùa

chạy quanh khu vực thần tiên
mỏi chân mười ngón kết liên bốn mùa
vườn cây trái ngọt trái chua
mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên

cây mọc

Đạp thanh từ tiết phiêu bồng
Hỷ căn du hý thần không ngậm vành
cây trời mọc đất trút nhanh
giờ đi bên khắc đêm thanh loạn ngày

quận

Giây rừng rút động chiều trưa
góp sương châu quận về mưa thị thành
xa từ lũng tạ âm thanh
Tình vân nhứ mạo xuân xanh chiên đàn

Bùi Giáng

trụ vũ

vườn dâu

vườn dâu năm trước còn không
sớm nay nở với vừng đông một cành
chim linh hót tiếng vô thanh
quê hương ta hạt gieo lành nghìn năm

hoa mướp

hoa mướp tròn như trăng tháng tám
tròn như tâm của đức Mầu-Ni
gío khơi thổi động cành phơ phất
hoa mướp muôn đời chẳng nói chi

con kiến

sớm mai
mặt trời mọc
trong ánh sáng diệu huyền của tâm linh
trên cành xoài lá xanh đông phương
những con kiến hành hương
về ánh sáng

Tôi nghe nhất thể nhiệm mầu
khởi điệutình ca

Lê Nghị

giọt về

một mai
giang - tố quan - hà
nữa thác là sa giọt về
núi ầm đổ
ngọn triều khê
Cuộc chơi
thành Đá
Cuộc về thành không

VÀO CÕI KHÔNG TỊCH
Vũ Tài Lục

Gốc rễ tín ngưỡng Phật học là chữ "Không" (néant) Không chẳng phải là Vô (nothing) vì Vô là cái gì quay lưng lại với Hữu (something) cho nên chỉ là tương đối. Không mới thật là tuyệt đối.

Không của nhà Phật xuất phát từ kinh nghiệm sinh hoạt bản thân. Theo Phật thể chứng thì loài người mê lầm rất sợ hãi cảnh giới Không đó vì Không là nơi vô tình vô vật, tình cảm vật chất đều tiêu diệt. Bởi sợ cảnh giới Không nên cố bấu víu vào Tâm hoặc Vật để mong tìm ra niềm an ủi mỗi khi nghĩ đến khoảng khắc của phút lâm chung. Bởi mê lầm nên nhận Không ra Chết. Thật ra Chết mới là tình trạng giải thể của vật chấttinh thần chứ chưa phải là tiêu diệt. Còn ở cảnh giới Không thì hết thẩy mọi cơ duyên cũng như bi khổ đều tan biến mất. Giác ngộ được ý nghĩa chân Không thì vẫn đứng ngang nhiên ở cõi đời mà siêu nhiên thoát tục.

Lặng ngồi xem cuộc bể dâu thay
Gío thu thổi gốc mai cầu nọ
Áng áng hoa vàng trước dậu bay

Kinh Kim Cương ghi những lời Phật giảng dẫn đường vào cảnh giới Không để phá bỏ những mê lầm về sự biện nhận cảnh giới này.

Tên kinh gồm tám chữ là: Kim Cương bát nhã ba la mật đa kinh. "Ba la mật" dịch âm của tiếng Phạn có nghĩa là "bờ bên kia" ý chỉ một việc đã viên mãn. "Bát nhã" là "trí tuệ". Kim Cương là tên một khoáng chất rất rắn, rất sắc, chất rắn sắc của nó nguyên lai vẫn đầy đủ không phải nhờ các vật khác rèn đúc, Phật lấy nó mà ví dụ như trí tuệ của người ta từ vô thủy ai ai cũng có khi thành bậc thánh nó cũng không thêm chút nào, lúc là phàm phu nó cũng không kém chút nào, nó đã không bị vô minh từ vô thủy làm chìm đắm, trái lại nó còn chiếu tỏ để phá tan cái vô minh, ý như gío quét mây bay, gío tan sương móc. Khi có đủ Kim Cương bát nhã thì người với pháp đều hết, sự với tướng đều không. Trong lời giảng Phật bảo ông Tư Bồ Đề rằng:

Bồ tát nên xa lìa hết thảy cái tướng hư vọng, phân biệt hòa hợp mà phát cái tâm vô thượng chính đẳng chính giác, không nên y trụ vào lục trần mà sinh lòng sai biệt, chỉ nên sinh cái tâm không trụ vào chỗ nào, nếu tâm còn có chỗ trụ, thì là vào chỗ điên đảo không phải là trụ vào bát nhã vậy. Đọc thấu đáo kinh Kim Cương là có thể thấu triệt chữ Không của Phật học, bởi thế kinh Kim Cương là một loại kinh ở bậc cao. Sư cụ Thiều Chửu một vị rất uyên bác Phật học khi dịch kinh này đã viết:

"Kinh này có nhiều nghĩa lắm, nguyên văn chữ Phạn dịch ra chữ Hán có đến sáu bản dịch khác nhau, các nhà chú giải thì có hàng mấy trăm nhà, hiện văn tự còn lưu lại thì cũng tới tám mươi hai nhà, mỗi nhà đều sở đắc một nghĩa đều có vẻ cao thâm huyền diệu cả, nhất là bộ Kim Cương huyền nghĩa của cụ Cát Tạng lại càng mênh mông bát ngát như trời như bể, bởi thế mà các Tổ xưa mới bảo rằng kinh này là kinh Vô lượng nghĩa, là kinh không thể lấy văn chữ, nói năng mà hình dung được. Các Tổ uyên bác là nhường nào mà còn kêu là khó, là không thể lấy văn chữ nói năng mà hình dung được thì tôi, tôi là một kẻ kém đức có bao giờ dám cầm bút mà dịch."

Nay khác hẳn với thái độ băn khoăn, khiêm tốn đến câu nệ của người thuộc thế hệ trước, thầy Phạm Thiên Thư táo bạo xông xáo vào kinh Kim Cương, chẳng phải chỉ để dịch mà thôi, Thư dám chuyển cả ý nghĩa bộ kinh này thành thơ rồi đặt cho một cái tên rất hay, rất thơ: Kinh Ngọc Qua Suối Mây Hồng. Phạm Thiên Thư đã thành công, cái thành công căn bản của Qua Suối Mây Hồng là phá bỏ sự ề à vẫn thường thấy trong các kinh sách với những câu "trầy vai áo chắp tay cung kínhbạch Phật rằng ..." hay "lại nữa ông Tu bồ đề này" hoặc "Như nay con hiểu ý của Phật nói thì" v.v... nghe dễ chán và bực mình.

Bằng những lời thơ êm dịu, Qua Suối Mây Hồng làm cho người đọc như tựa lưng dưới bóng hoa nghe hồi chuông tĩnh tâm của ngôi cổ tựlim dim ngủ; vào cõi Không Tịch thanh thoát như người tiều phu nào đó ngày xưa mải mê xem tiên đánh cờ dựa cái búa bên cạnh, lúc tan cuộc cờ nhìn lại thì cán búa đã mục.

Bằng lời thơ êm dịu, Phạm Thiên Thư đẩy nhẹ con thuyền trí tuệ lướt trên giòng kinh cho người đọc thoải mái thênh thang đi tới cảnh giới Không ở giữa rừng hoa tịch mặc tháng ngày thoáng tiếng suối thần rơi.

Đọc kinh Kim Cương người ta có thể đến hạnh bồ tát để xử sự với thế gian bằng thái độ trong nhiệt tình vẫn giữ niềm xa cách, ở vẻ nguội lạnh vẫn chan chứa ân tình.

Nào những ai đã nguội lòng giấc mộng oa tranh nhìn công danh như hạt nước đọng trên cánh hoa, phú quí như giọt sương bám trên ngọn cỏ, Hãy tìm đến giòng suối mát Kim Cương bát nhã

VŨ TÀI LỤC

MỤC LỤC

Lời Giới Thiệu
Tựa

Qua Suối Mây Hồng

1) pháp hội nhân do
2) Thiện hiện khải thinh
3) đại thừa chính tông
4) diệu hành vô trụ
5) như lý thực kiến
6) chính tín hy hữu
7) vô đắc vô thuyết
8) y pháp xuất sinh
9) nhất tướng vô tướng
10) trang nghiêm phật độ
11) vô vi thắng phúc
12) tôn trọng chính giáo
13) như pháp thụ trì
14) ly tướng tịch duyệt
15) trì kinh công đức
16) năng tịnh nghiệp chướng
17) cứu kinh vô ngã
18) nhất thể đồng quán
19) ly sắc ly tướng
20) phi thuyết sở thuyết
21) vô pháp khả đắc
22) tịnh tâm hành thiện
23) phúc trí vô tỷ
24) hoá vô sở hóa
25) pháp thân phi tướng
26) vô đoạn vô diệt
27) bất thụ bất tham
28) vô nghi vô tĩnh
29) nhất hợp ly tướng
30) tri kiến bất sinh
31) vô hóa phi chân
32) *
33) phụ hội
34) *
35) ngã pháp mây nổi
36) hiện hóa pháp
37) thơ - nguyễn thị minh
38) thơ - tuệ mai
39) thơ - bùi giáng
40) thơ - trụ vũ
41) thơ - lê nghị
42) vào cõi không tịch
43) *
44) mục lục
45) *

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 11928)
Bài kinh được xem là tinh hoa tâm linh của người xuất gia, như ngón tay chỉ mặt trăng và như chiếc bè đưa sang bờ giải thoát.
(Xem: 11098)
Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến...
(Xem: 11331)
Trong bài kinh nầy, Đức Phật giảng về đời sống tốt đẹp cần phải có của một cư sĩ Phật tử.
(Xem: 12058)
Kinh này được dịch từ Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikàya IV, 380). Kinh tương đương trong tạng Hán là kinh số 106 của bộ Tạp A Hàm.
(Xem: 12548)
Đây là một bài kinh rất phổ thông tại các quốc gia Phật giáo Nam truyền và thường được chư Tăng tụng và thuyết giảng trong các dịp lễ.
(Xem: 10756)
Trong bản kinh này Đức Phật thuyết giảng về bản chất vô thường và vô thực thể của năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn tạo ra một cá thể con người.
(Xem: 17967)
"Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn"
(Xem: 11717)
Tánh không không nhất thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng thực dụngthiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải thoát.
(Xem: 9937)
Của cải kếch xù của một người như thế nếu không biết sử dụng thích đáng thì cũng sẽ bị vua chúa tịch thu, bị trộm cắp vơ vét, bị thiêu hủy vì hỏa hoạn...
(Xem: 10165)
Bồ Tát Thiện Giới, hiểu theo nghĩa Việt là những giới tốt lành, hay kheo, chơn chánh của Bồ tát.
(Xem: 12342)
Kinh Kim Cang thuộc hệ Bát Nhã, một trong ngũ thời giáođức Phật đã thuyết, và là quyển thứ 577 trong bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.
(Xem: 15330)
Kinh Di Giáo là một tác phẩm đúc kết những gì cần thiết nhất cho người xuất gia. Đây là những lời dạy sau cùng của Đức Phật, đầy tình thương và sự khích lệ.
(Xem: 11228)
Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-parinirvana-sutra), cũng được gọi tắt là Kinh Đại Niết Bàn, hoặc ngắn hơn là Kinh Niết Bàn
(Xem: 14318)
Đức Phật A Di Đà do lòng Đại từ bi, Đại nguyện lực, như nam châm hút sắt, nhiếp thọ hết tất cả chúng sanh trong mười phương vào trong cõi nước Tịnh độ của Ngài,
(Xem: 12088)
Kinh Sa-môn quả đã được đức Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Nội dung tất cả các phương pháp Phật trình bày trong kinh này đều xoáy sâu vào ba vô lậu học là giới – định – tuệ.
(Xem: 15340)
Sáu chữ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA sẽ được giải ở câu đầu tiên của phần nội văn, bây giờ giải đề Kinh chỉ giải hai chữ TÂM KINH
(Xem: 11988)
Đề cương kinh Pháp Hoa là học phần cương yếu, Thượng nhân Minh Chánh nêu lên cốt lõi của kinh qua cái nhìn của thiền sư Việt Nam...
(Xem: 12388)
Tên của bộ Kinh này là Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, tên riêng là "Lục Tổ Pháp Bảo Đàn." "Kinh" là tên chung của các bộ Kinh
(Xem: 11153)
Duy ma trọng nhất là bồ đề tâmthâm tâm. Bồ đề tâm thì vừa cầu mong vừa phát huy tuệ giác của Phật. Thâm tâmchân thành sâu xa trong việc gánh vác chúng sinh đau khổ và hội nhập bản thể siêu việt.
(Xem: 12073)
Bài Bát-nhã Tâm kinh do ngài Huyền Trang đời Đường dịch vào năm 649 dương lịch, tại chùa Từ Ân. Toàn bài kinh gồm 260 chữ.
(Xem: 10598)
Thế Tôn đã để lại cho chúng ta một phương pháp để thẩm định đâu là giáo lý Phật Giáo, đâu không phải là những lời dạy của đức Phật.
(Xem: 12548)
Quyển Pháp Hoa Đề Cương là một tác phẩm thật có giá trị của một Thiền sư Việt Nam gần thời đại chúng ta.
(Xem: 13153)
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi Saigon Xuất Bản 1964, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam-Hoa Kỳ Chùa Huệ Quang Tái Xuất Bản
(Xem: 14796)
Phật pháp không phải là một, không phải là hai, từ lâu truyền lại, ngoài tâm có pháp tức ngoại đạo. Người học đạo Phật ai ai cũng biết như thế.
(Xem: 12660)
Kinh Đại Bát Niết Bànbài kinh nói về giai đoạn cuối đời của đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn.
(Xem: 16539)
Nghĩa lý kinh Kim cương là ngoài tầm nghĩ bàn, phước đức kinh Kim cương cũng siêu việt như vậy.
(Xem: 19631)
Phật dạy tất cả chúng sanh đều sẵn có Trí huệ Bát Nhã (Trí huệ Phật) từ vô thỉ đến nay. Trí huệ Bát Nhã rất là quý báu và cứng bén, như ngọc Kim cương hay chất thép.
(Xem: 13100)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 348 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12648)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 250 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12247)
Tạng Kinh là bản sưu tập gồm tất cả những bài Kinh đều do Đức Phật thuyết vào những lúc khác nhau.
(Xem: 11830)
Bài kinh được bắt đầu bằng những điều ta cần làm để được bình an. Không phải là những điều ta cần làm cho tha nhân.
(Xem: 10886)
Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật.
(Xem: 13488)
Thích Đức Nhuận, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới California, USA Xuất bản 2000
(Xem: 11937)
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Dao Tần dịch. Sa môn Hám Sơn Thích Đức ThanhTào Khê, đời Minh soạn - Việt Dịch: Hạnh Huệ
(Xem: 11834)
Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy, Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
(Xem: 11622)
Bồ tát Long Thọ ra đời khi các cánh cửa của Phật giáo Đại thừa được bắt đầu mở rộng.
(Xem: 12753)
Kinh Căn Bản Pháp Môn nêu lên hai cách tu tập: Chỉ (samātha) và Quán (vipassana). Đây là hai cách tu tập cần yếu trong hành trình dẫn đến giác ngộ.
(Xem: 14498)
Trong tác phẩm này, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu một phần quan trọng của tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) là kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) trong hình thức toàn vẹn của nó.
(Xem: 12589)
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, bắt đầu từ ngày 28/5/1998, tổng cộng gồm năm mươi mốt tập (buổi giảng).
(Xem: 15653)
Bộ kinh này có mặt ở Trung Quốc từ đời nhà Đường (618-907). Ngài Bát Lạt Mật ĐếDi Già Thích Ca dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
(Xem: 13603)
Kinh Pháp Cú là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
(Xem: 12885)
Diệu Pháp Liên Hoa có thể nói là bộ kinh nổi tiếng nhất trong khu vườn kinh điển Phật giáo Đại thừa.
(Xem: 9854)
Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học.
(Xem: 18002)
Thế Tôn đã từng dạy, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải được gốc rễ hận thù, tranh chấp, đối kháng và loại trừ lẫn nhau, ngoài từ bi không có con đường nào khác.
(Xem: 11151)
Kinh Kim Cương là một bộ kinh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử học tập và tu luyện của Phật giáo nước ta. Từ giữa thế kỷ thứ 7, trước cả Lục tổ Huệ Năng, thiền sư Thanh Biện của dòng thiền Pháp Vân đã nhờ đọc kinh này mà giác ngộ.
(Xem: 9063)
“Ư bỉ nhị thập nhất câu chi Phật độ, công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát, sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ.” Chỉ một câu văn trong kinh Vô Lượng Thọ mà ta đã có ba chữ nói về cõi Phật.
(Xem: 12168)
Chúng ta biết rằng, lý do tồn tại của Thiền cốt ở tâm chứng, không phải ở triết luận có hệ thống. Thiền chỉ có một khi mọi suy luận được nghiền nát thành sự kiện sống hàng ngày và trực tiếp thể hiện sinh hoạt tâm linh của con người.
(Xem: 13033)
Bài kinh này được chọn trong bộ kinh Theragatha mà kinh sách Hán ngữ gọi là Trưởng Lão Tăng Kệ, thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka).
(Xem: 10288)
Này người Bả-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã vung lên ba thanh kiếm bất hạnh...
(Xem: 12176)
Mettâ-sutta là một bản kinh ngắn rất phổ biến trong các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Đại Thừa. Tên quen thuộc bằng tiếng Việt của bản kinh này là "Kinh Từ Bi"
(Xem: 15287)
Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không chỉ là yếu chỉ tu hành của những người tu Phật mà còn có công năng chuyển hóa những tâm hồn bi quan, khổ đau trong cuộc đời, giúp họ sống tỉnh giác và xả ly, tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh sống.
(Xem: 16582)
BÁT NHÃ TÂM KINH (Prajnaparamitahridaya Sùtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát nhã ba la mật (Prajnaparamità).
(Xem: 12201)
Bát-nhã là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung-hoa có nghĩa là trí-huệ, tiếng Việt-nam mình cũng giữ chữ đó là trí-huệ.
(Xem: 11459)
Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lựcniềm tin của nhân loại.
(Xem: 14261)
Đại Thừa Khởi Tín Luận - Con đường đưa đến giác ngộ, Tác Giả: Mã Minh - Dịch & Giải: Chân Hiền Tâm.
(Xem: 19682)
Tỳ Kheo GiớiTỳ Kheo Ni Giới do HT Thích Trí Quang dịch và giải
(Xem: 14137)
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng. Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
(Xem: 24584)
600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì, sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo; đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.
(Xem: 10676)
Kinh 42 Bài là dịch từ chữ Hán Tứ Thập Nhị Chương. Kinh nầy có nhiều bản chữ Hán. Bản lưu hành cho đến gần đây, theo sự ước đoán của Hòa Thượng Trí Quang
(Xem: 12478)
Ấn là chiếc ấn hay khuôn dấu. Pháp có nghĩa là chánh pháp hay toàn bộ hệ thống tư tưởng trong lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong ba tạng thánh điển. Pháp ấn có nghĩa là khuôn dấu của chánh pháp
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant