Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Phần Iii

20 Tháng Năm 201000:00(Xem: 8380)
Phần Iii

KINH THẮNG MAN PHU NHÂN HỘI
TAM TẠNG BỒ ĐỀ LƯU CHÍ Dịch từ Phạn sang Hán 
Chân Hiền Tâm Việt dịch & Giải thích
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2006

 

III

 

Chỉ rõ 3 thứ vô minh : Vô minh trụ địa, tứ trụ địa phiền não và hiện khởi phiền não. Hiển bày 2 loại sanh tửBiến dịch sanh tửPhần đoạn sanh tử. Cho thấy niết bàn của La HánBích Chi Phật chưa phải là niết bàn rốt ráo. Chưa chứng được chỗ rốt ráo nên tâm La HánBích Chi Phật còn nhiều hạn chế, trí tuệcông đức của chư vị không thể như Phật. 

Như Phật Thế Tôn nói LỤC XỨchánh pháp trụ, chánh pháp diệt, biệt giải thoát, tỳ nại da, chánh xuất giathọ cụ túc. Vì Đại thừa mà nói 6 thứ này. Vì sao? Chánh pháp trụ là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa trụ thì chánh pháp trụ. Chánh pháp diệt là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa diệt thì chánh pháp diệt. Biệt giải thoáttỳ nại da, 2 pháp này danh thì khác mà nghĩa lại đồng. Tỳ nại da là pháp học của Đại thừa. Vì sao? Vì cầu Phật rồi xuất giathọ cụ túc. Cho nên, giới uẩn Đại thừatỳ nại da, là chánh xuất gia, là thọ cụ túc.

“Chánh pháp trụ là vì Đại thừa trụ, chánh pháp diệt là vì Đại thừa diệt” nói lên tầm mức quan trọng và tính quyết định của Đại thừa đối với chánh pháp

BIỆT GIẢI THOÁT là chỉ cho phần GIỚI, như 5 giới của Phật tử tại gia, 250 giới của Tỷ kheo v.v… TỲ NẠI GIA là một trong 3 pho tam tạng nói về LUẬT, cũng bao gồm những điều răn dạy như giới, nên đây nói “Biệt giải thoáttỳ nại da, 2 pháp này danh thì khác mà nghĩa lại đồng”. Chúng là pháp học của Đại thừa. Nói chúng là pháp học của Đại thừa vì có cầu làm Phật mới xuất giathọ cụ túc. CỤ TÚC là giới của Tỷ kheoTỷ kheo ni, là giới cao nhất trong BIỆT GIẢI THOÁT.

GIỚI UẨN là chỉ cho sự nhóm họp của tất cả giới. CHO NÊN … là câu tóm kết về giới Đại thừa

Bạch Thế Tôn! A La Hán thì không có xuất giathọ cụ túc. Vì sao? Vì A La Hán chẳng cầu Như Lai rồi xuất giathọ cụ túc. 

Chư vị La Hán ngày xưa, thấy vị nào cũng đầu tròn áo vuông không có vị nào mang tướng cư sĩ. Đây vì sao nói A La Hán không có xuất giathọ cụ túc? Chỉ vì các vị cầu quả A La Hán mà không cầu quả vị Phật. Vì cái cớ ấy mà nói các vị không xuất gia, không thọ cụ túc dù mấy thứ đó các vị làm đầy đủ. 

A La Hán có cái tưởng sợ sệt mà qui y Như Lai. Vì sao? Vì đối với mọi việc làm, A La Hán có cái tưởng sợ sệt như có người cầm kiếm muốn đến hại mình. Cho nên, A La Hán chẳng chứng được sự an lạc do xa lìa rốt ráo. Thế Tôn! Qui y mà chẳng nhờ qui y, như các chúng sanh không có qui y, cái gì cũng sợ sệt. Vì để an ổn mà cầu qui y. Thế Tôn! A La Hán cũng vậy, có tâm sợ sệt nên qui y Như Lai. Cho nên A La HánBích Chi Phật sanh pháp vẫn còn, phạm hạnh chưa thành, chỗ làm chưa xong, còn có chỗ đoạn, vì chưa được cứu cánh, còn cách xa niết bàn. Vì sao? Vì chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới chứng được niết bàn, thành tựu vô lượng tất cả công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chỗ cần đoạn đều đã đoạn, rốt ráo thanh tịnh, làm chỗ chiêm ngưỡng cho loài hữu tình, siêu vượt cảnh giới Nhị thừaBồ tát. A La Hán thì chẳng như thế. Nói ‘được niết bàn’ chỉ là phương tiện của Phật. Cho nên, A La Hán còn cách xa niết bàn.

Mấy vị không cầu Phật đạo chỉ cầu A La Hán vì các vị có tâm sợ sệt đối với thế gian, chỉ muốn cầu sự an ổn cho mình. Vì thế, qua được phần thọ ấmtưởng ấm, các vị trụ luôn trong trạng thái yên lắng của hành ấm không chịu ra nữa. Trong khi muốn thành Phật thì phải trải dài sanh tử nhiếp hóa chúng sanh hữu duyên. Đó chính là quá trình tiếp duyên để thanh lọc phần tập khí ẩn sâu trong thức tạng của mỗi người. Vào ma đạo để thành Phật đạo. Kinh Duy Ma nói “Bồ tát thực hành phi đạothông đạt Phật đạo”. Vào phi đạo mà không để ma đạo làm nhiễm là thông đạt Phật đạo. Vì có tâm sợ sệt, không dám vào ma đạo để hoàn thành Phật đạo nên nói “A La Hán chẳng chứng được sự an lạc do xa lìa rốt ráo”. XA LÌA RỐT RÁOxa lìa phần tập khí từ vô thủy vô minh, đây gọi vô minh trụ địa. Bởi phần vô minh trụ địa này chưa hết nên các phiền não sẽ sanh khởi khi tiếp duyên. Tâm đã hưởng được cái lạc của sự không sanh khởi mà giờ khởi lại thì thấy bất an. Quả là phiền não!

Như người nghiện rượu rồi cai rượu. Gọi là người hết nghiện khi đối duyên có rượu mà mình vẫn bình thản y nhiên. Cái bình thản đó là do thói quen uống rượu đã hết mà chủng tử mê rượu cũng bị dẹp bỏ hoàn toàn. Còn cai rượu, không tiếp duyên với rượu thì yên mà có rượu, lòng vẫn thấy lợn cợn thì chưa gọi là hết con ma rượu. Đó là vì thói quen uống rượu thì hết mà hơi hướm (tập khí) uống rượu bên trong vẫn còn. Tu Đại thừa chính là để thanh lọc luôn phần tập khí này.

Chúng sanh, như người nghiện rượu, tìm rượu uống để thoả mãn cơn nghiện, thành cứ theo cái lực của thói quen ấy mà sanh tử vô hạn định. A La Hán thì như các vị đã cai rượu mà chưa hết tập khí uống rượu. Nên không có rượu thì các vị yên ả (vì không còn bị thói quen chi phối) mà thấy rượu thì sự sanh khởi của tâm lại thành hình. Đụng duyên thì không yên ổn, mà tới luôn như chúng sanh thì không được, nên các vị tính đường tránh duyên cho khỏe, nhập niết bàn cho ăn chắc. Quá trình tu Đại thừa chính là đối duyên để trừ bỏ hẳn cái gốc tập khí bên trong này. Nói chính xác là để phá đi tâm phân biệt của mình. Hết tâm phân biệt thì nước hay rượu không khác nhau. Độ người hữu duyên cũng chính là độ ngay mình.

Võ Tắc Thiên đời Đường thỉnh 2 lão thiền sư vào cung rồi sai thị nữ hầu hạ tắm rửa cho 2 vị. Bà quan sát thấy thiền sư Lão An ở Tung Sơn thuộc phái thiền Nam Tông thì vui vẻ tự nhiên, còn Thần Tư thuộc phái thiền Bắc Tông thì không được tự nhiên. Bà khen “Nhờ tắm mới biết được bậc đại nhân”. Bậc đại nhân nói đây là chỉ cho thiền sư Lão An. Bởi lòng ông rỗng rang, không vướng vào ái dục cũng không vướng vào giới luật nên mọi thứ thành tự nhiên. Còn Thần Tư, vì tâm phân biệt chưa hết nên còn e ngại. 

Qui y với Phật tâm của chính mình thì sẽ được 4 thứ không sợ. Song chư vị Nhị thừa chưa qui y được với Phật tự tâm mà chỉ mới qui y với Phật ngoài tâm, vẫn còn bị sự sợ hãi chi phối. Vì thế, tuy qui y rồi mà vẫn “Như các chúng sanh không có qui y” nên nói “Qui y mà chẳng nhờ qui y”. 

Bạch Thế Tôn! Nói “A La HánBích Chi Phật quán sát được 4 trí giải thoát rốt ráo, đắc tô tức xứ” là do Như Lai nói theo ý họ, chẳng phải là cái nói liễu nghĩa

Phần LÝ Phật dạy Thanh vănDuyên giác chưa phải là phần LÝ rốt ráo. LIỄU NGHĨA là chỉ cho phần LÝ rốt ráo, là nói về cội nguồn tột cùng. 

4 TRÍ GIẢI THOÁT là chỉ cho 4 trí sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, chẳng còn thọ thân sau. Kinh sẽ giải thích rõ ở phần sau. TÔ TỨC XỨ là chỉ cho chỗ ngưng dứt ngơi nghỉ, chỉ cho trạng thái niết bàn của hàng La Hán.

NÓI THEO Ý HOï là tùy theo căn cơ của họ mà nói. Căn cơ của người chỉ mới tới đó thì chỉ nói tới đó thôi. Nói nữa, chúng ngán chúng đi hết thì mất cả chì lẫn chài. Đây là do tâm chúng sanh nhiều tầng nhiều lớp, nói thật không chịu nghe mà phải nói lòng vòng. 

Vì sao? Là để giải thích vì sao nói phần lý Phật dạy Thanh văn Duyên giác đó chưa phải là chỗ rốt ráo.

Vì có 2 thứ tử. Một là phần đoạn tử. Hai là biến dịch tử. PHẦN ĐOẠN TỬ là sự tương tục của loài hữu tình. BIẾN DỊCH TỬ là, A La Hán, Bích Chi Phật, tự tại Bồ tát tùy ý sanh thân cho đến quả vị bồ đề.

A LA HÁNquả vị tối cùng của Thanh văn.
BÍCH CHI PHẬTquả vị tối cùng của Duyên giác.

TỰ TẠI BỒ TÁT TÙY Ý SANH THÂN là chỉ cho các vị Bồ tát thuộc hàng Thập Địa. Các vị đã trực chứng được nhân Phật tánh nên có thể theo ý nguyệnhiện thân tướng làm lợi ích chúng sanh, nên nói TỰ TẠI

QUẢ VỊ BỒ ĐỀ là chỉ cho quả vị Phật. CHO ĐẾN QUẢ VỊ BỒ ĐỀ là chỉ cho hàng Bồ tát sát quả vị Phật. 

Các vị đó chỉ mới qua được PHẦN ĐOẠN TỬ mà còn vướng phần BIẾN DỊCH TỬ. 

PHẦN ĐOẠN TỬ là chỉ cho sự tương tục của loài hữu tình. Theo luận Thành Duy Thức, khi nghiệp hữu lậu làm nhân, phiền não chướng làm duyên thì sinh ra cái quả dị thục thô phù trong tam giới với thân mạng sống lâu hay chết yểu. Do sức nhân duyên mà có sự hạn định đó nên gọi là PHẦN ĐOẠN SANH TỬ. Tức nhân duyên tụ thì có thân, nhân duyên tan thì thân mất như thân ta hiện nay với sự sống chết rõ ràng liên tục.

Khi nghiệp vô lậu làm nhân, sở tri chướng làm duyên thì sinh ra cái quả là thân mạng thù thắng vi tế. Do bi nguyệnthân mạng này chuyển dịch không hạn định nên gọi là BIẾN DỊCH. Đây là do định lực vô lậu làm duyên trợ giúp chiêu cảm ra, nên diệu dụng khó lường. Thân biến dịch này chính là ý sanh thân của chư vị Bồ tát Thập địa cùng với thân của A La HánBích Chi Phật

Trong 2 thứ tử, do PHẦN ĐOẠN TỬ mà nói A La HánBích Chi Phật sanh được cái trí TA SANH ĐÃ TẬN. Do chứng được quả hữu dư nên sanh được cái trí PHẠM HẠNH ĐÃ THÀNH, là chỗ mà tất cả ngu phu đều chẳng thể làm, 7 loại học nhân chưa thể thành tựu. Phiền não tương tục đã đoạn rốt ráo, nên được cái trí VIỆC LÀM ĐÃ XONG. Thế Tôn! Nói được cái trí CHẲNG THỌ HẬU HỮU là, A La HánBích Chi Phật chưa thể đoạn tất cả phiền não, chẳng rõ tất cả trí thọ sanh. Vì sao? Vì A La HánBích Chi Phật chưa đoạn hết hữu dư phiền não nên chẳng thể rõ tất cả thọ sanh.

Đây là giải thích về 4 danh xưng mà Phật đã gắn cho A La Hán. Nói TA SANH ĐÃ TẬN là tận được phần đoạn tử của chúng sanh, không phải tận được phần biến dịch tử. TA SANH ĐÃ TẬN mà gọi là TRÍ vì không có thứ gì ngoài tâm. Khi đạt được cái trí đó, tức an trụ được trong trạng thái thanh tịnh của tâm thì các chủng tử hữu lậu không còn sanh khởi biến hiện thành thế giới, thân và tâm như chúng ta đang thọ nhận hiện nay, nên nói SANH ĐÃ TẬN. 

Nói PHẠM HẠNH ĐÃ THÀNH vì chứng được quả hữu dư. Quả hữu dưchứng quả rồi mà còn dư lại một chút gì đó. Cái chút đó chỉ cho phần vô minh nghiệp tướng. PHẠM HẠNH là thứ có được sau khi hàng phục hết những hoặc nghiệp của chúng sanh. Thân, khẩu, ý không còn điều kiện tạo nghiệp nên nói PHẠM HẠNH ĐÃ THÀNH. Hữu dư phiền não là chỉ cho phần vô minh trụ địa.

Thanh văn có 4 bực là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na HàmA La Hán. Tuy là 4 nhưng thành 8 vì có phần ngay đó mà có phần hướng đến đó. Như quả Tu Đà Hoàn thì còn có phần hướng đến Tu Đà Hoàn. Trừ quả A La Hánphạm hạnh đã thành. 7 quả còn lại đều trong giai vị hướng đến, tức phạm hạnh chưa thành tựu. Đó là 7 HẠNG HỌC NHÂN chưa thể thành tựu.

Không phải Phật, không phải 7 loại học nhân, không phải là Bồ tát, gọi là NGU PHU.

PHIỀN NÃO TƯƠNG TỤC là chỉ cho những thứ như vui, buồn, suy nghĩ v.v… là những sanh khởi của tâm khi đối duyên tiếp cảnh. [37] Ngoài không tiếp duyên, trong thì phá bỏ sự sanh khởi của pháp trần nên phần phiền não tương tục này không còn. Loại phiền não tương tục này hết thì chứng được cảnh giới rỗng không an lạc của tâm. Ba nghiệp đã hàng phục nên không còn nhân duyên để có thân kế tiếp. Thân kế tiếp đó gọi là HẬU HỮU. Nên nói VIỆC LÀM ĐÃ XONG.

Song cái gọi là không còn thọ đời sau đó chỉ mới là chấm dứt thân phần đoạn của chúng sanh chứ chưa phải là chỗ rốt ráo không còn thọ đời sau. Vì không biết nên tưởng là không còn thọ thân sau, nhưng thật ra vẫn còn thọ thân sau. Đó là thân biến dịch. Thân biến dịch này là cái quả của vô minh nghiệp tướng kết hợp với nhân vô lậu mà thành. 

Sau là nói rõ về PHIỀN NÃO để biết loại phiền nãoA La HánBích Chi Phật đoạn được chưa thực rốt ráo.

Phiền não có 2 : Trụ địa phiền não và khởi phiền não. TRỤ ĐỊA có 4. Thế nào là 4? Kiến nhất xứ trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địahữu ái trụ địa. Bạch thế Tôn! 4 thứ trụ địa này có thể sanh tất cả biến khởi phiền não. KHỞI PHIỀN NÃO là, sát na sát na cùng với tâm tương ưng.

Thấy thì đủ thứ tên, nhưng phân thành 2 loại chính là trụ địa và biến khởi. TRỤ ĐỊA là phần ẩn sâu bên trong. Còn BIẾN KHỞI là phần mà trí tuệ phàm phu chúng ta có thể cảm nhận được. Phần ẩn sâu bên trong chia làm 4 thứ. Sẽ liệt kêgiải thích sau đây.

I. TRỤ ĐỊA PHIỀN NÃO : Loại trụ địa phiền não này là nền tảng để ta có loại BIẾN KHỞI PHIỀN NÃO thứ hai. Vì có 4 loại trụ địa này làm nền tảng mà khi đối duyên, mình mới sanh khởi phiền não như buồn, thương, giận, ghét v.v…

1. KIẾN NHẤT XỨ TRỤ ĐỊA là chỉ cho mọi KIẾN HOAËC trong tam giới. Tam giớiDục giới, Sắc giớiVô sắc giới. Dục giớicõi giới mình đang sống đây. Với Dục giới, KIẾN HOAËC là chỉ cho quan niệm sống của mình. Nó thuộc về LÝ. Như thấy “Tiền là tất cả ở thế giới này. Có nó mình có tất cả”. Cái thấy đó là một thứ thuộc Kiến nhất xứ trụ địa. Kiến nhất xứ trụ địa là thứ dẫn đường cho những hành tác của mình trong đời sống. Kiến thay đổi thì hành tác của mình sẽ thay đổi. 

2. DỤC ÁI TRỤ ĐỊA là chỉ cho mọi thứ TƯ HOAËC ở Dục giới này. TƯ HOAËC là chỉ cho những thứ thuộc về hành động thói quen. Ở cõi Dục này thì mọi hành động thường liên quan đến ái và dục nên lấy tên đó mà đặt. Nếu gặp được chánh pháp, kiến hoặc một khi đã dứt thì không còn trở lại, nhưng tư hoặc thì có thứ dứt liền được mà có thứ chưa thể dứt liền, cần phảithời gianý chí trường viễn để hàng phục nó. 

Như người ngoài đời, thường ai cũng có quan niệm “Tình yêu và tiền bạc là hạnh phúc của con người”. Nhưng sau những thăng trầm của cuộc đời, có người lại nhận ra rằng “Tu là cội phúc, tình là dây oan”. Nhận rõ được vậy, nhưng đụng duyên vẫn cứ vướng vào cái dây oan nghiệt đó, còn cội phúc thì mãi lần khần. Đó là do kiến hoặc đã thay đổi mà tư hoặc thì một lần chưa thể xong. Bởi chủng tử ái dục còn tiềm ẩn bên trong chưa tróc gốc thành gặp duyên liền phát khởi. Tu chính là thay đổi kiến hoặc và bào mòn tư hoặc. 6 Ba la mậtphương tiện để dứt bỏ phần tập khí ẩn sâu trong thức tạng này. 

3. SẮC ÁI TRỤ ĐỊA 

4. HỮU ÁI TRỤ ĐỊA

2 trụ địa này thuộc về tư hoặc của 2 cõi Sắc và Vô sắc, là cõi giới phải có thiền định mới nhập được.

4 trụ địa này tuy không phải một nhưng cũng không phải khác. KHÔNG PHẢI MỘT, vì năng lực thô tế của chúng không giống nhau. Như dục ái trụ địatư hoặc của cõi Dục, còn hữu ái trụ địatư hoặc của cõi Vô sắc. Nếu vào được cõi Vô sắc thì phần dục ái ở cõi Dục không còn. Không phải một là như vậy. KHÔNG KHÁC vì hữu ái trụ địa là nền tảng để dục ái trụ địa sanh khởi, như 4 trụ địa là nền tảng để khởi phiền não sau sanh khởi

II. KHỞI PHIỀN NÃOsát na sát na cùng với tâm tương ưng. SÁT NA, sát na là chỉ cho thời gian rất ngắn, niệm này nối tiếp niệm kia. TÂM TƯƠNG ƯNG và TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG là 2 khái niệm đã được giải thích rõ trong luận Đại Thừa Khởi Tín

Nói TÂM TƯƠNG ƯNG là khi tâm có sự tương ưng hòa hợp với cảnh. Như nghe tiếng mèo kêu ban đêm. Nghe mà bình thản không có ý niệm gì khởi lên trong lòng thì không rơi vào tình trạng tâm tương ưng nói đây. Còn nghe mà thấy hãi hùng rồi trong đầu hiện lên bao cảnh ma quái là tâm mình đang có sự tương ưng với cảnh. Sự sợ hãi rồi bao thứ khác khởi lên đó là một dạng thuộc KHỞI PHIỀN NÃO. Gọi là BIẾN KHỞI vì một khi cái này khởi lên thì kéo theo vô vàn những thứ khác khởi lên. BIẾN là chỉ sự lan rộng tỏa khắp.

Hoặc là những tư tưởng hay hình bóng hiện lên trong tâm – gọi là pháp trần – nếu những ý tưởng đó hiện lên rồi qua đi như một chiếc bóng không để lại dấu vết thì không xuất hiện khởi phiền não. Nhưng một ý tưởng nào đó vừa xuất hiện mà mình thấy vui hay buồn vì ý niệm đó, tức là tâm mình đã rơi vào tình trạng tương ưng với cảnh. Cảnh đây là pháp trần. Những thứ vui hay buồn đó đều thuộc BIẾN KHỞI PHIỀN NÃO. Đó là ý nghĩa của câu “Sát na, sát na cùng với tâm tương ưng”. 

Theo sự phân tích trên thì rõ ràng 4 thứ trụ địa là chỗ sanh tất cả biến khởi phiền não. Do có sẵn những quan niệm trong đầu nên khi gặp duyên, thứ gì hợp với quan niệm của mình thì sinh vui thích vừa lòng, không hợp với quan niệm suy nghĩ của mình thì sinh buồn bã khổ sở. Hoặc do yêu thương mà sinh tâm hoan hỉ hoặc do lòng mong muốn không được thỏa mãn mà sinh đau khổ v.v... Quan niệm thì thuộc KIẾN TRỤ ĐỊA. Yêu thương và mong muốn thuộc DỤC ÁI TRỤ ĐỊA. Những cảm giác buồn, vui, hạnh phúc, đau khổ thuộc KHỞI PHIỀN NÃO

4 trụ địa dẹp rồi thì khởi phiền não cũng không còn. Đó là vì nhân diệt thì quả diệt. 

Chư vị La HánBích Chi Phật vừa bỏ được kiến hoặc vừa bỏ được cả tư hoặc ở cả 3 cõi. Tức LÝ và SỰ của chư vị đã viên dung, nhưng do phần LÝ chư vị nhận được không phải là phần LÝ rốt ráo nên phần LÝ SỰ VIÊN DUNG của chư vị cũng không được rốt ráo, nên chư vị không có được phần SỰ SỰ VIÊN DUNG như của chư Phật.

 Sau sẽ đưa ra lý do vì sao niết bàn của chư vị không được như niết bàn của chư Phật.

Thế Tôn! Còn VÔ MINH TRỤ ĐỊA là tâm bất tương ưng từ vô thủy đến nay.

Niết bàn của La Hán và Bích Chi không được như Phật chính vì phần VÔ MINH TRỤ ĐỊA này. Nó chính là phần VÔ MINH NGHIỆP TƯỚNG trong luận Đại Thừa Khởi Tín.

Tâm không đến với cảnh gọi là BẤT TƯƠNG ƯNG. Muốn hiểu đầy đủ câu “Tâm bất tương ưng từ vô thủy đến nay” thì phải nghiên cứu phần Bất Giác trong cuốn luận Đại Thừa Khởi Tín[38]. Đây chỉ nói vừa đủ để có thể hiểu.

VÔ THỦY là không có khởi đầu. Nói không khởi đầu nhưng là để chỉ cho lúc khởi đầu cảnh giới của một chúng hữu tình. Không có khởi đầu vì sao nói khởi đầu? Vì cái khởi đầu ấy không thực sự có chỗ khởi đầu. Chỉ do sự bất giác của nhất tâm thanh tịnh mà thành có thế giới, thân và tâm của một chúng hữu tình. Do cái bất giác ấy mà nói VÔ MINH TRỤ ĐỊA chứ không phải thứ vô minh do tâm và cảnh hòa hợp với nhau mà có. Không có tâm cảnh thì không có sự tương ưng nên nói TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG.[39] Cái bất tương ưng ấy đã có từ vô thủy, cũng là nền tảng sanh khởi của tất cả phiền não từ vô thủy đến nay nên nói “Tâm bất tương ưng từ vô thủy đến nay”. 

Bạch Thế Tôn! Lực của 4 trụ địa có thể làm sở y cho biến khởi phiền não, song so với vô minh trụ địa thì tính đếm thí dụ chẳng thể bì được. Cũng vậy, vô minh trụ địa đối với hữu ái trụ địa, lực của nó rất lớn. Thí như sắc, lực, oai đứcquyến thuộc của ma vương thì hơn hẳn chư Thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại. Cũng vậy, vô minh trụ địa hơn cả 4 trụ địa, làm chỗ nương cho hằng hà sa số phiền não, cũng làm cho 4 trụ địa phiền não tồn tại lâu dài. Vô minh này, trí của Thanh vănĐộc giác chẳng thể đoạn, chỉ có trí của Như Lai mới có thể đoạn.

SỞ Y là chỗ nương. Tâm chúng sanh[40] bị 3 thứ chi phối : Vô minh trụ địa, 4 trụ địa và khởi phiền não. Tâm chúng ta vốn thanh tịnh trùm khắp song do bất giác mà sinh cái thấy hư vọng và hiện cảnh giới hư vọng như nay. Phần bất giác đó liên quan đến VÔ MINH TRỤ ĐỊA. Nó là nền tảng để sanh khởi 4 TRỤ ĐỊA. Từ 4 TRỤ ĐỊA lại có KHỞI PHIỀN NÃO

Nếu dẹp được 4 trụ địa thì khởi phiền não không còn. Nếu dẹp được vô minh trụ địa thì 4 trụ địa mới thật sự hết. Vô minh còn thì 4 trụ địa chưa hẳn hết. Đủ duyên,[41] khởi phiền não sẽ sanh khởi. Đây là lý do vì sao chư vị La Hán khi đối duyên, nếu trúng phải loại tập khí của mình thì tâm vẫn sanh khởi.[42] Như ngài Ca Diếp nghe nhạc ở cõi trời vẫn đứng lên nhảy nhót. Ấy là do phần vô minh trụ địa chưa hết.

HỮU ÁI TRỤ ĐỊA là chỉ cho phần tư hoặc thuộc cõi Vô sắc, là cõi giới cao nhất trong tam giới. Bởi nó cao nhất, nên phần tư hoặc của nó cũng thâm sâu nhất. Nhưng so với VÔ MINH TRỤ ĐỊA thì không thấm vào đâu. So sánh vậy để thấy lực của vô minh trụ địa to lớn thế nào. Thứ này chỉ có trí kim cang của Phật mới đoạn được. 

Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Vô minh trụ địa, lực của nó rất lớn. Thế Tôn! Như THỦ làm duyên, NGHIỆP HỮU LẬU làm nhân mà sanh 3 hữu.

DUY TÂM nên mọi thứ từ thân, tâm cho đến thế giới mình đang thọ nhận đây không có gì ngoài tâm. Chỉ do sự biến hiện của các chủng tử trong thức tạng mà thành có cảnh giới[43]. Thân phần đoạn của mình đây là do sự kết hợp giữa THỦ và NGHIỆP HỮU LẬU mà biến thành. Nói chính xác là do CHỦNG TỬ của THỦ và CHỦNG TỬ của NGHIỆP HỮU LẬU kết hợp biến thành

NGHIỆP HỮU LẬU là chỉ cho thói quen của thân, khẩu và ý. Có nghiệp thiện, có nghiệp bất thiện. Nghiệp thiện thì chiêu cảm ra cảnh giới tốt, nghiệp bất thiện chiêu cảm ra cảnh giới xấu. THỦ là chỉ cho sự chấp thủ. [44] Như vậy, những thói quen trong việc làm thường ngày của mình đây sẽ để lại những dấu ấn trong thức tạng. Dấu ấn ấy đủ duyên kết hợp với tâm chấp thủ mà biến hiện ra thế giới, thân và tâm mà một chúng hữu tình đang thọ nhận. Vì thế, muốn không có thân luân chuyển trong sanh tử thì phải buông bỏ sự chấp thủ và đưa 3 nghiệp thân, khẩu, ý đến chỗ tịch tịnh. Đây là chỗ hành của chư vị Nhị thừa. 3 HỮU là tên khác của tam giới.

Nói cảnh giới này chỉ từ tâm biến hiện mình thấy khó tin. Nhưng việc này không khác gì ngủ rồi mộng. Khi đang mộng cũng thấy đi đây đi kia, gặp gỡ người này người người khác, vui, buồn, đau khổ v.v... Những thứ đó từ đâu mà có? Cũng chỉ từ tâm mà ra. Bởi ngủ rồi tỉnh nên biết những thứ ấy là mộng. Nếu không tỉnh thì những gì thấy trong mộng đó chẳng khác gì những thứ mình đang sống đây. 

Cũng vậy, VÔ MINH TRỤ ĐỊA làm duyên, NGHIỆP VÔ LẬU làm nhân sanh ra A La Hán, Bích Chi Phật cùng chư đại lực Bồ tát tùy ý sanh thân. Ba địa vị tùy ý sanh thânvô lậu nghiệp này đều lấy vô minh trụ địa làm sở y. Kia tuy có duyên mà cũng hay làm duyên. Cho nên, bạch Thế Tôn! Ba thứ tùy ý sanh thân và nghiệp vô lậu đó đều lấy vô minh trụ địa làm duyên đồng với hữu ái trụ địa.

CŨNG VẬY là tương tự như thân phần đoạn nói trên. Thân biến dịch cũng từ nhân duyên mà thành. Song NHÂN bây giờ không còn là nghiệp hữu lậu nữa mà là nghiệp vô lậu. DUYÊN là vô minh trụ địa. Đó là vì La Hán hoặc Bồ tát ở các địa, hoặc là nghiệp hữu lậu đã hết, hoặc là sự chấp thủ pháp hữu lậu không còn. Nhân duyên không đủ thì không sinh quả. Tức nghiệp hữu lậu và thủ không còn làm nhân duyên cho nhau nên phần đoạn sanh tử chấm dứt, chỉ còn phần nhân duyên vi tế kết hợp, hiện khởi thân biến dịch

Tùy ý sanh thân là chỉ cho 10 địa vị Bồ tát thuộc hàng Thập địa.[45] Nghiệp vô lậu là chỉ cho La HánBích Chi Phật. Gọi là NGHIỆP vô lậuLa HánBích Chi Phật do đoạn nghiệp hữu lậu mà có vô lậu. Nó thuộc loại chủng tử vô lậu mới huân không phải loại chủng tử có sẵn. [46]

Luận Thành Duy Thức, khi nói về thức thứ 8 có đoạn viết “Chữ nương (Y) nghĩa là duyên. Thức chấp trì này từ vô thủy đến nay làm chỗ nương một cách bình đẳng cho tất cả pháp cho nên gọi là duyên”. [47] Vô minh trụ địa là chỗ nương (sở y) của 3 địa vị ý sanh thân và nghiệp vô lậu, cũng là thứ để 3 địa vị ấy lấy đó làm duyên phát khởi duyên hạnh, nên nói “Nó có duyên mà cũng làm duyên”.

Hữu ái trụ địa cũng lấy vô minh trụ địa làm chỗ y chỉ, nên nói “Tùy ý sanh thân và nghiệp vô lậu đều lấy vô minh trụ địa làm duyên đồng với hữu ái trụ địa”. 

Bạch Thế Tôn! Hữu ái trụ địa chẳng đồng với vô minh trụ địa nghiệp. Vô minh trụ địa khác với 4 trụ địa. Khác với 4 trụ địa chỉ Phật mới đoạn được. Vì sao? Vì A La HánBích Chi Phật đoạn được 4 trụ địa mà đối với lực lậu tận chẳng được tự tại, chẳng thể hiện chứng.

LỰC LẬU TẬN là một trong 10 lực của Phật, chỉ cho lực có được khi dứt bỏ hết mọi phiền não. A La Hán nói hết phiền não nhưng thật ra chưa hết. Vì A La Hán tuy đoạn được phiền não nhưng chưa liễu tri được phần chủng tử của phiền não, chưa liễu tri được cội nguồn của những chủng tử ấy. Nên nói “Đối với lực lậu tận chưa được tự tại, chẳng thể hiện chứng”. 

Vì sao? Bạch Thế Tôn, nói lậu tậnlời nói thừa. Cho nên, A La Hán, Bích Chi Phật và chư Bồ tát tối hậu hữu vì bị vô minh trụ địa che mờ nên với mọi pháp chẳng biết, chẳng thấy. Vì chẳng biết chẳng thấy đối với mọi pháp nên thứ cần đoạn thì chẳng đoạn, thứ cần tận thì chẳng tận. Đối với mọi pháp chẳng đoạn chẳng tận nên được hữu dư giải thoát mà chẳng phải là tất cả giải thoát, được hữu dư thanh tịnh mà chẳng phải là tất cả thanh tịnh, được hữu dư công đức mà chẳng phải là tất cả công đức. Bạch Thế Tôn! Vì được hữu dư giải thoát mà chẳng phải là tất cả giải thoátCho đến được hữu dư công đức mà chẳng phải là tất cả công đức, nên chỉ biết hữu dư KHỔ, đoạn hữu dư TẬP, chứng hữu dư DIỆT, tu hữu dư ĐẠO. 

LẬU HOC trong 3 cõi tuy đã hết nhưng chưa được lực lậu tận như Phật, nên nói A La Hán được lậu tậnLỜI NÓI THỪA. Vì còn phần vô minh trụ địa nên sự giải thoát, thanh tịnh cũng như công đức của 3 địa vị ấy chưa được hoàn toàn. Chưa được hoàn toàn thì biết phần đoạn khổ, biết tập, tu đạo, chứng diệt của các vị cũng không hoàn toàn

Thắng Man lại bạch Phật rằng “Thế Tôn! Nếu chỉ biết hữu dư KHỔ, đoạn hữu dư TẬP, chứng hữu dư DIỆT, tu hữu dư ĐẠO, gọi là diệt độ được ít phần, chứng được ít phần niết bàn, hướng về niết bàn giới. Nếu biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo thì người đó ở nơi thế gian vô thường bại hoại này chứng được niết bàn thường tịch thanh lương. Bạch Thế Tôn! Ở nơi thế gian không chỗ che chở, không chỗ y tựa, người đó sẽ làm chỗ che chở, làm chỗ y tựa. 

Đây là nói riêng về các vị A La Hán. Thấy khổ, tập, diệt, đạo nhưng chưa thấy được cội nguồn của khổ, tập, diệt, đạo nên chư vị nhập niết bàn mà bỏ công hạnh. Nếu thấy được cội nguồn của khổ, tập, diệt, đạo thì các vị biết sanh tử không khác niết bàn. Tất cả đều là huyễn mộng chỉ từ tâm biến hiện. Thấy được tính huyễn mộng ấy của vạn pháp tức chư vị đang ở trong niết bàn. Sanh tử tức niết bàn thì chư vị không bỏ công hạnh của mình ở thế gian này. Công hạnh là chỉ cho việc “Làm chỗ che chở, làm chỗ y tựa” nơi thế gian không chỗ che chở, không chỗ y tựa.

Vì sao? Là để giải thích vì sao nói ngay thế gian đây mà chứng được niết bàn thường tịch thanh lương, không đợi phải nhập niết bàn mới có sự thường tịch thanh lương.

Vì với các pháp mà thấy có cao thấp thì chẳng chứng được niết bàn. Kẻ mà trí tuệ bình đẳng, giải thoát bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng mới chứng được niết bàn. Cho nên, niết bàn gọi là ĐỒNG MỘT VỊ.

Vì pháp vốn bình đẳng. Thấy hạnh phúc hay đau khổ, sanh tử hay niết bàn là do TRÍ PHÂN BIỆT của mình mà ra. Phá được trí phân biệt thì sẽ thấy được tánh bình đẳng của vạn pháp, sẽ nhận được TƯỚNG huyễn mộng của chúng, mà TÁNH của tất cả pháp chínhtâm chân thật của chính mình. 

Nhận được tính bình đẳng của vạn pháp thì mới thật là chứng niết bàn. Điều này cũng dễ hiểu. Còn có chỗ để tâm e ngại thì còn có chỗ để mình phiền não. Nếu ở địa ngục cũng như ở cực lạc, thấy nước cũng như thấy rượu, thấy đàn ông cũng như đàn bà, ngủ đường cũng như ngủ trong giường êm nệm ấm, đi bộ cũng như đi máy bay thì khổ não còn chỗ nào để xuất hiện? Song muốn đạt được điều đó thì phải nhận ra được cội nguồn nhất tâm. A La Hán chỉ thấy được khổ, tập, diệt, đạo như những pháp thực hữu, mà chưa nhận ra được cội nguồn của những thực hữu đó, nên niết bàn của chư vị chưa phải là niết bàn chân thật rốt ráo

Sao nói “Một vị là vị giải thoát”? Bạch Thế Tôn! Nếu vô minh trụ địa chẳng đoạn, chẳng hết thì chẳng được niết bàn đồng một vị đó. 

Muốn được niết bàn chân thật thì phải phá đi trí phân biệt. Muốn phá trí phân biệt thì phải biết chắc rằng trí phân biệt mình đang có đây không có thực thể, chỉ do tự tâm thanh tịnh bất giác mà sinh phân biệt. Muốn thông được những điều đó thì phải nhận cho được cội nguồn nhất tâm. Nhận được cội nguồn này, nhà Thiền gọi là kiến tánh, là chứng nhập được mặt THỂ TÁNH của vạn pháp. Kinh đây gọi là TRÍ TÁNH KHÔNG. Trí tánh không này chính là nhân vô lậu sẵn đủ trong mỗi chúng sanh. Chứng nhập được cái nhân đó là phá vỡ được một phần vô minh trụ địa, nhập vào địa vị Bồ tát của hàng Thập địa. Tiếp tục nương cái nhân đó phá dần trí phân biệt để viên mãn Phật quả.[48] Đó là lý do nói “Vô minh trụ địa chẳng đoạn chẳng hết thì chẳng được niết bàn đồng một vị”. ĐOẠN là chỉ cho chỗ hành của các vị Bồ tát từ quả vị Sơ Địa trở lên. HẾT là chỉ cho quả Phật viên mãn

Vì sao? Vì vô minh trụ địa chẳng đoạn chẳng hết nên có hằng hà sa số tất cả pháp lỗi lầm đáng đoạn mà chẳng đoạn, đáng hết mà chẳng hết. Vì có hằng hà sa số tất cả pháp lầm lỗi chẳng đoạn chẳng hết nên có hằng hà sa số các pháp công đức chẳng biết chẳng chứng. Cho nên, vô minh trụ địa làm chỗ sanh cho tất cả các pháp đáng đoạn và các tùy phiền não.

Đây là nêu ra sự tai hại khi không phá trừ phần vô minh trụ địa. TÙY PHIỀN NÃO là chỉ cho phần chủng tử (tập khí) phiền não

HẰNG SA là cát sông Hằng. HẰNG SA SA SỐ là chỉ cho số lượng quá nhiều, không tính đếm được như cát sông Hằng, tương đương với từ vô lượng.

 Từ đó mà sanh chướng tâm phiền não, chướng chỉ phiền não, chướng quán phiền não, chướng tịnh lự phiền nãoCho đến chướng tam ma bát để phiền não, gia hạnh, trí, quả chứng, lực, vô úy … Có hằng hà sa số tất cả phiền não, chỉ bồ đề của Như Lai và trí kim cang của Phật mới có thể đoạn. 

TỪ ĐÓ là từ cái vô minh trụ địa đó mà sinh ra mọi thứ khác. Vì sao những thứ như chỉ, quán v.v… là thứ giúp mình phá bỏ vô minh, quay về bản tâm thanh tịnh mà đây nói từ đó sanh … ? Vì chính từ vô minh trụ địa mới nảy sinh sở tri, phiền não. Có sở triphiền não mới phải xuất hiện các pháp đối trị như chỉ, quán v.v… mới có cái quả là quả chứng, lực ... Nếu khôngvô minh thì không có phiền não, không phiền não thì không lập chỉ, quán v.v... nên nói TỪ ĐÓ MÀ SANH.

Do cái này mới sanh cái kia, còn bản tâm thanh tịnh vốn không có mấy thứ đó. Nên dù là thuốc trị bệnh chăng nữa, một khi mình còn phải dụng đến chúng thì những thứ đó vẫn còn là những vụn vàng làm xốn con mắt thanh tịnh. Nên gọi chúng là CHƯỚNG. 

Những thứ như QUẢ CHỨNG, LỰC, VÔ ÚY không phải là pháp trị bệnh mà chúng là cái quả tất nhiên phải có khi tâm đã hết sở triphiền não. Song khi chưa thành Phật thì những thứ này chưa đầy đủ viên mãn như ở Phật. Cái chưa viên mãn đó tương ưng với tâm chưa sạch vô minh. Chưa hết vô minh hoàn toàn thì sự chấp thủ vi tế vẫn còn. Nếu thấy những thứ đó là cái quả đương nhiên rồi sinh tâm chấp thủ. Chấp thì mọi thứ sẽ thành ma. Nên đây cũng phải liệt kê ra để người tu biết mà cẩn trọng. Phải xả đến tận cùng mọi thứ : Không chỉ bệnh mà cả thuốc trị bệnh nữa mới thật là người hết bệnh. Đây là lý do vì sao ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói “Giữ giới cùng nhẫn nhục. Chuốc tội chẳng chuốc phước”.

BỒ ĐỀ không khác TRÍ KIM CANG. Song nói đến trí là muốn đến cái dụng của nó. Kim cang là thứ vững chắc cắt được mọi thứ, nên mượn hình ảnh đó để nói về trí lực đoạn phiền não vi tế của Phật, gọi là trí kim cang. ĐOẠN ĐƯỢC nghĩa là đưa tất cả những thứ đó về chỗ vô trụ.

Sở đắc được thứ gì thì tâm chấp thủ thứ đó rất mạnh. Sở đoản còn dễ bỏ, sở trường không phải dễ. Song tin được những điều đây, rồi thực hành theo niềm tin đó để buông xả dần mọi thứ, không phải là trí tuệ Phật thì không làm được. Vì thế đây nói “Chỉ bồ đề của Như Lai và trí kim cang của Phật mới có thể đoạn”. Trí kim cang nói đây là nói đến trí kim cang của địa vị Bồ tát kế Phật, phá hoàn toàn phần vô minh trụ địa. Vô minh trụ địa hết thì những cành lá của nó là 4 trụ địa và khởi phiền não mới thật sự hết. 

Các khởi phiền não, tất cả đều nương nơi vô minh trụ địa. Vô minh trụ địa làm nhân duyên. Bạch Thế Tôn! Khởi phiền não này sát na sát na cùng với tâm tương ưng, còn vô minh trụ địa là tâm bất tương ưng từ vô thủy đến nay

Phần này đã giải thích trên. Khởi phiền não là loại phiền não do tiếp duyên đối cảnh trong hiện tại mà có. Còn vô minh trụ địa là nền tảng để khởi phiền não xuất hiện. Nó có từ vô thủy đến nay.

Bạch Thế Tôn! Hằng hà sa số pháp mà bồ đề Như Lai và trí kim cang của Phật nên đoạn, tất cả đều y trì nơi vô minh trụ địakiến lập. Thí như tất cả hạt giống và rừng cây đều y nơi đại địa mà được sanh trưởng. Nếu đại địa hoại thì những thứ kia cũng hoại theo. Cũng vậy, hằng hà sa số tất cả pháp mà bồ đề và trí kim cang của Phật nên đoạn, tất cả đều y nơi vô minh trụ địa mà sanh trưởng. Nếu vô minh trụ địa ấy đoạn thì hằng hà sa số tất cả pháp mà bồ đề và trí kim cang của Phật nên đoạn cũng đoạn theo. 

Đây là nêu bày, muốn quả diệt thì phải diệt nhân. Nhân diệt thì quả mới thật sự diệt. 

Hằng hà sa số các pháp nên đoạn cùng tất cả phiền não và khởi phiền não đều đã đoạn, nên có thể chứng được hằng hà sa số các Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn. Với tất cả pháp, chứng được thần thông vô ngại, được các tri kiến lìa tất cả lỗi, được các công đức, làm đại pháp vương. Đối với pháp tự tại thì chứng được cảnh giới của pháp tự tại. Chính là tiếng rống của sư tử : Ta sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, chẳng còn thọ hậu hữu. Cho nên, bạch Thế Tôn! Vì là tiếng rống sư tử nên chỉ y nơi liễu nghĩa một bề ký thuyết.

Vô minh trụ địa diệt thì 4 trụ địaphiền não đều diệt, pháp thân hiển lộ hoàn toàn, nêu bày tướng và dụng không thể nghĩ bàn. Tri kiến của Phật là tri kiến như thật, thấy đúng bản chất của vạn pháp, vì thế nói “Được tri kiến lìa tất cả lỗi”. PHÁP TỰ TẠI là chỉ cho pháp thân. Phải chứng nhập được hoàn toàn cội nguồn chân thật đó thì mới có thể rống lên tiếng rống của sư tử là sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.

Gọi là TIẾNG RỐNG SƯ TỬ vì Phật từ trong trú xứ tam muội vương của chư Phật ra, miệng được vô ngại giải thoát, nương nơi 10 lực quảng đại, độ chúng sanh không sai thời, bày oai đức với các nghị luận sư của ngoại đạo tà giáo, giác tỉnh chúng hữu tình mê muội, mở đường cho kẻ tà kiến … Những thứ ấy giống như những đức tính mà một sư tử chúa đối với bầy thú quanh mình, nên mượn hình ảnh sử tử để ví dụ. [49]

Thế Tôn! Chẳng thọ hậu hữu có 2 thứ. Thế nào là 2? Hỏi là để giải thích về 2 thứ “Chẳng thọ hậu hữu”.

1. Chư Như Lai dùng lực điều ngự hàng phục 4 ma ra khỏi các thế gian, được sự chiêm ngưỡng của mọi hữu tình, chứng pháp thân thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn. Với cảnh sở tri, được pháp tự tại tối thắng vô thượng hoàn toàn không có sở tác, không thấy có cảnh giới sở chứng, đầy đủ 10 lực, vào được cảnh giới tối thắng không có sợ hãi. Với tất cả pháp quán sát không ngăn ngại, chính là tiếng rống của sư tử, chẳng còn thọ hậu hữu.

Cái KHÔNG THỌ HẬU HỮU thứ nhất là của chư Phật. Chư Phật dùng lực điều ngự của mình để hàng phục 4 ma. ĐIỀU NGỰđiều phụcchế ngự. 4 ma là chỉ cho những thứ cướp đi thân mạng cũng như tuệ mạng của người tu. Đó là phiền não ma, ngũ ấm ma, tử mathiên ma. Hàng phục được 4 loại ma này thì ra khỏi các thế gian. THẾ là chỉ cho sự dời đổi (như thời gian). GIAN là chỉ cho phương hướng (như không gian). Những gì có tính cách như thế đều gọi là thế gian. Theo nghĩa ấy thì thế gian không phải chỉ dùng cho cõi mình đang ở đây mà còn chỉ cho cõi Sắc, Vô sắc, thậm chí niết bàn của hàng Nhị thừa cũng chưa thoát khỏi 2 chữ thế gian này, nên nói là CÁC.

Cảnh giới sở chứng của Phật không giống như của hàng Nhị thừa. Cái khác nhau ấy nằm ở chỗ : Niết bàn của A La HánBích Chi Phật vẫn còn là đối tượng của một cái năng chứng. Nói rõ hơn, dù là trạng thái thanh lương bặt mọi suy lường chăng nữa, trạng thái ấy vẫn là đối tượng của một cái năng biết. Vẫn là cảnh giới thuộc thức ấm. Thức ấm chưa không thì chưa phải là cảnh giới của chư Như Lai. Phần này đặt nặng cho người có công phu.

Những gì là đối tượng của cái biết đều gọi là CẢNH SỞ TRI. Từ những hình tượng thô mình thấy đây cho đến cảnh giới chứng nhập rỗng không của tự tâm, đều gọi là cảnh sở tri. Nếu đúng là cảnh giới chứng nhập của Phật thì cảnh giới ấy không phải là đối tượng của cái biết. Bởi biết hay bị biết đều hòa tan vào biển pháp thân. “Không sở tác, không thấy có cảnh giới sở chứng” là diễn tả cảnh giới đồng chư Phật nói đó.

THẬP LỰC là 10 lực của Phật. Đó là 10 loại trí lực biết như thật các pháp từ nghiệp báo và sự thọ báo của chúng sanh cho đến những sai khác vi tế của mọi cảnh giới thiền định. [50]

CẢNH GIỚI TỐI THẮNG là chỉ cho pháp thân Phật. KHÔNG CÓ SỢ HÃI là để nói về sự khác biệt giữa Phật và A La Hán. Một khi pháp thân được hiển lộ hoàn toàn thì có được 4 cái không sợ này. Bởi lúc đó đã sạch tất cả lậu hoặc, thành tựu được tất cả mọi loại trí thông suốt cả thế gianxuất thế gian

2. A La HánBích Chi Phật đã qua được vô lượng sanh tử sợ hãi, hưởng được cái lạc của sự giải thoát, rồi khởi nghĩ ‘Ta nay đã lìa được sanh tử sợ hãi, chẳng còn chịu sự khổ não’. Bạch Thế Tôn! A La HánBích Chi Phật quán sát như vậy và cho là không còn thọ hậu hữu. Song chẳng chứng được đệ nhất tô tức xứ

Loại KHÔNG THỌ HẬU HỮU thứ hai là chỉ cho chỗ chứng của các vị Nhị thừa. Các vị không còn bị sanh tử phần đoạn chi phối nên nói qua được vô lượng sanh tử. Từ vô thủy đến nay trải qua không biết bao lần sanh tử nên nói VÔ LƯỢNG SANH TỬ. Sanh và tử là hai đầu mút của một cuộc đời. Ai cũng sợ sự khổ nãođau đớn của đói nghèo, bịnh hoạn, tai nạn và những bất trắc trong cuộc đời này mà cái đáng sợ nhất là chết, nên nói SANH TỬ SỢ HÃI. Không còn bị trói buộc trong những thứ đó gọi là GIẢI THOÁT. Giải thoát được sanh tử thì hết các sợ hãi, nên nói HƯỞNG ĐƯỢC CÁI LẠC của sự giải thoát. Tuy nhiên, thoát được những thứ đó cũng chưa phải là chỗ dừng dứt cuối cùng, nên nói “Chẳng được đệ nhất tô tức xứ”. ĐỆ NHẤT TÔ TỨC XỨ là chỉ cho niết bàn Phật.

QUÁN SÁT như vậy, chỉ cho thứ chư vị vừa khởi nghĩ “Ta nay đã lìa được sanh tử sợ hãi, chẳng còn chịu sự khổ não”.

Với cảnh giới chưa chứng, các vị ấy chưa gặp được pháp nên tự hiểu rõ ‘Ta nay mới chứng được cảnh giới hữu dư y, nhất định phải chứng cho được A Niệu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề’.

Đây là nói về sự hiểu biết của các vị thắng căn A La Hán. Biết mình được chỗ nào, chưa được chỗ nào. 

Vì sao? Là để giải thích

Thanh vănĐộc giác đều nhập Đại thừa, mà Đại thừa chính là Phật thừa. Cho nên Tam thừa chính là Nhất thừa. Chứng Nhất thừa thì được A Niệu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. A Niệu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề chính là niết bàn. Nói niết bàn tức là pháp thân Như Lai thanh tịnh. Chứng pháp thân chính là chứng Nhất thừa, không khác Như Lai, không khác pháp thân. Nói Như Lai chính là pháp thân. Chứng cứu cánh pháp thân là chứng cứu cánh Nhất thừa. Chứng cứu cánh Nhất thừa thì lìa tương tục

Đây là nói về Nhất thừa. Nhất thừa thì “Tức tâm tức Phật”. Ngay tâm này là Phật, không có Phật ngoài tâm. Nói Tam thừa thật ra là để qui về Nhất thừa, nên nói TAM THỪA CHÍNH LÀ NHẤT THỪA. Nói niết bàn, nói Như Lai, nói Phật, nói pháp thân v.v… đều chỉ cho cội nguồn nhất tâm chân thật của chính mình, nên nêu ra một loạt CHÍNH và TỨC trên. Nói KHÔNG KHÁC là vì tên khác mà nghĩa đồng.

TƯƠNG TỤC là chỉ cho sự lưu chuyển biến dịch tương tục của dòng tâm thức, được biểu hiện thành 2 thứ sanh tử. Chứng được pháp thân thì sự tương tục của tâm hết, 2 thứ sanh tử cũng hết. 

Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì Như Lai tồn tại không có hạn lượng, đẳng đồng hậu tế. Như Lai dùng vô hạn đại bi, vô hạn thệ nguyện để làm lợi ích thế gian. Nói vậy gọi là khéo nói. Hoặc nói Như Laithường trụ, là pháp vô tận, là chỗ y chỉ rốt ráo của tất cả thế gian, cũng gọi là khéo nói. Cho nên, hay đối với thế gian không chỗ che chở, không chỗ nương tựa đẳng đồng hậu tế, mà làm chỗ qui y vô tận, qui y thường trụ, qui y rốt ráo, gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

 Sự lưu chuyển tương tục của dòng tâm thức chính là thứ tạo ra những phần đoạn bị ràng buộc trong không gianthời gian. Hết tương tục thì pháp thân không có bờ mé hiển bày, bao trùm tất cả, nên nói “Thời gian tồn tại của Như Lai không có hạn lượng, đẳng đồng hậu tế”. Hậu tế là bờ mé sau cùng. Bờ mé sau cùng đó không có sau cùng, nên nói KHÔNG CÓ HẠN LƯỢNG. Vì Như Lai tồn tại không hạn lượng nên đại bi của Như Lai cũng không có hạn lượng, thệ nguyện cứu độ chúng sanh của Như Lai cũng không có hạn lượng.

Bởi Như Lai là tánh của tất cả pháp nên nói “Là chỗ y chỉ rốt ráo của tất cả thế gian”. 

Pháp là đạo Nhất thừa. Tăng là chúng Tam thừa. 2 thứ qui y này chẳng phải là qui y rốt ráo, gọi là qui y ít phần.

Bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch là “Pháp tức là nói đạo Nhất thừa”. Vậy PHÁP nói đây không phải chỉ cho pháp tánh chân như mà chỉ cho đạo Nhất thừa đã được phương tiện thành ngôn từ để giảng dạy cho chúng sanh. Qui y Pháp và qui y Tăng như vậy là còn nương vào những thứ sanh diệt, còn hướng ngoại chứ chưa hướng nội, nên không phải là chỗ chân thật rốt ráo. Vì thế, gắng cho chúng cái tên là QUI Y ÍT PHẦN. Tức mới qui y chút chút, chưa phải là sự qui y toàn diện, tối cùng. 

Vì sao? Là để giải thích vì sao gọi 2 thứ qui y đó là qui y ít phần. 

Nói đạo Nhất thừa là chứng pháp thân tối cùng. Sau đó hoàn toàn không nói đạo Nhất thừa. Chúng Tam thừa vì sự sợ hãiqui y Như Lai cầu mong xuất ly, tu học. Vì có chỗ tạo tác, vì hướng về A Niệu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nên 2 thứ qui y đó chẳng phải là qui y tối cùng mà là qui y hữu hạn.

Nói đạo Nhất thừa là muốn chúng sanh trực nhập lại phần pháp thân rốt ráo của chính mình, là qui y Phật, chứ phần giảng thuyết đó không phải là Nhất thừa. Nhất thừa không phải là chỗ mà ngôn từ suy nghĩ có thể đến. Chứng được pháp thân tối cùng thì hiểu cái nói kia chỉ là phương tiện, nên nói “Sau đó hoàn toàn không nói đạo Nhất thừa”. 

Qui y Pháp hay qui y Tăng chỉ là phương tiện để đạt được Phật tâm. Phật tâm mới là đạo Nhất thừa. Đang trên đường hướng về nên nó không phải là chỗ qui y tối cùng. Đây là biện để rõ phương tiện không phải là cứu cánh.

Nếu chúng hữu tình nào được Như Lai điều phụcqui y Như Lai thì được pháp thấm nhuần. Vì tâm tin thích mà qui y Pháp và qui y Tỷ kheo Tăng. 2 thứ qui y này là do pháp thấm nhuần tín nhập mà qui y. Như Lai thì không phải là pháp thấm nhuần và tín nhập mà qui y

Bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La ghi “Nếu chúng sanh nào được Như Lai điều phục, qui y Như Lai được pháp thấm nhuần, sanh tâm tin thích qui y Pháp và qui y Tăng thì 2 pháp qui y này không phải là 2 pháp qui y đó mà là qui y Như Lai. Qui y đệ nhất nghĩaqui y Như Lai”.

So sánh 2 bản dịch thì thấy nghĩa của 2 bản dịch trái ngược nhau : Đều là qui y Pháp và Tăng nhưng có thứ qui y không phải là qui y Như Lai mà có thứ lại qui y Như Lai. Có cái khác nhau ấy là do cách nhận định pháp của mình mà ra, không phải do pháp có sự khác biệt. Hiểu được chỗ này sẽ thấy ý nghĩa của hai bản dịch không khác nhau.

Như Laipháp tánh sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, là tự tánh chân như của mỗi người. Chính nhờ tự tánh này mà chúng sanh mới có lúc chán sanh tử khổ cầu cái vui niết bàn, nên nói “Chúng hữu tình nào được Như Lai điều phục”. Do cái hồi đầu đó mà tâm sinh tin thích đối với Pháp bảoTăng bảo, rồi hướng về nương tựa 2 thứ đó nên nói “Qui y Phápqui y Tăng”. 

Nếu nương tựa Pháp và Tăng mà hiểu Pháp và Tăng đó chỉ là phương tiện để mình thể nhập Như Lai của chính mình, ngoài tâm không có pháp, thì 3 thứ qui y đều là qui y chân thật. Đây là ý nghĩa bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La. Nếu thấy ngoài tâm thật có Phật, Pháp, Tăng để nương tựa thì cả 3 thứ qui y ấy chưa có thứ nào gọi là đúng nghĩa của qui y Như Lai. Đó là ý nghĩa của bản dịch đây. Nên phần sau nói :

Nói Như Lai, là chân thật qui y. 2 thứ qui y kia với nghĩa chân thật, gọi là qui y rốt ráo Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai chẳng khác 2 thứ qui y đó. Cho nên, Như Lai tức là 3 thứ qui y

Như Lai không phải là pháp sanh diệt giả hợp mà là tự tánh chân thật của chính mình, là thể tánh thường trụ của vạn pháp, nên qui y Như Laiqui y chân thật, là chỗ nương tựa tối cùng. Một khi nhận ra được thể tánh chân thật đó thì tất cả pháp đều là Phật pháp, nên nói “2 thứ qui y đó, bằng nghĩa chân thật, gọi là qui y tối cùng Như Lai”. Đi đông đi tây gì rồi cũng qui về cội nguồn nhất tâm. Đó là sự qui y tối cùng. 

VÌ SAO? là để giải thích

Như Laithể tánh của 2 thứ qui y đó, nên nói “Như Lai không khác 2 thứ qui y đó”. Nói KHÔNG KHÁC nghĩa là 2 thứ qui y đó không thể xuất hiện nếu không có tánh Như Lai. 2 thứ đó không lìa Như Lai mà có. Nhưng chúng không phải là Như Lai. Như nói bàn gỗ không khác gỗ, vì gỗ là bản chất của bàn nhưng gỗ không phải là bàn. Nếu bàn là gỗ thì gỗ không thể mang ra làm ghế hay làm giường. Đó là ý nghĩa của từ KHÔNG KHÁC. Không khác nhưng không nói là MỘT. Vì quả tình chúng không phải là một. Đây là nêu bày thực tánh hay thực tướng của 3 thứ qui y : Không khác cũng không một. Tức TƯỚNG tức THỂ, là một dạng của BÁT BẤT trong Trung Luận.

Vì sao? Vì nói đạo Nhất thừa là nói Như Lai tối thắng đầy đủ 4 vô úy. Chính là sử tử hống. Chư Như Lai theo tánh dục của người đời mà lập bày phương tiện. Nói đến Nhị thừa tức là nói Đại thừa. Vì Đệ nhất nghĩa không có 2 thừa. Nhị thừa đồng nhập Nhất thừa. Nhất thừathắng nghĩa thừa. 

ĐẦY ĐỦ 4 VÔ ÚY là chỉ cho quả vị Phật. Khi viên mãn quả Phật thì được đầy đủ 4 thứ vô úy này. Nói Tam thừatùy theo căn dục của chúng sanh mà lập. Như người chỉ thích cúng dường gieo duyên để hưởng phước báu thế gian mà mình giảng nói về việc cạo đầu vào chùa thì dù việc vào chùa ấy có mang lại công đức bao nhiêu, họ cũng cuốn gói tránh xa mình. Đó là do cái trí của họ chưa thấy được cái lợi của việc xuất gia mà chỉ thấy được sự hỉ lạc của việc cúng dường và hưởng thụ phước báu của sự cúng dường đó. Vì căn và dục của họ chỉ tới ngang đó thì chỉ lập bày ngang đó. Lập cao nữa chúng chạy mất. 

Cũng có người hưởng lạc thế gian rồi mới nghiệm ra rằng : Cái lạc của thế gian tiềm ẩn nhiều cái khổ, trong cái họa có cái phước, trong cái phước có cái họa, chẳng biết đâu mà lường. Với sự chứng nghiệm đó, họ lơ là với những thứ hiện tại và muốn tìm một chỗ nương tựa mới. Lúc đó lập bày việc tu hành mới có hiệu quả. Ứng vào tâm dục của chúng sanh như vậy thì việc lập pháp mới thành công … 

Phật lập Tam thừa chính vì vậy, là để mở bày trí tuệ cho chúng sanh từ từ. Trí tuệ phát triển rồi mới dễ thâm nhập pháp tối thượng. Cho nên, lập gì đó lập, nói gì đó nói, cũng cốt nói đến mục tiêu cuối cùngĐại thừaNhất thừa. Một khi anh đã bước được vào Tiểu thừa, thì dù cứng đầu bao nhiêu cũng có ngày anh bước sang Trung thừa, rồi bước vào Đại thừa, tối cùng là Nhất thừa. Vì sao? Vì cái LÝ nó như vậy. Vì Nhất thừa là nền tảng của mọi thừa, là tánh thể của tất cả thừa. Một bậc Tôn túc đã nói “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”. Nếu anh đúng là bậc lão gia của Nhị thừa thì anh phải có trí tuệ để nhận ra được tính logic của Tam thừa, phải thấy được cái LÝ siêu xuất bao trùm của Đại thừa. Không nhận ra được thì cái trí của anh chưa phải là trí tuệ của bậc lão gia. Đây là lý do vì sao trong kinh Pháp Hoa, Phật nói chỉ cần vẽ hình tượng Phật là sẽ thành Phật, các bậc lão gia thuộc phái Tiểu thừa xưa như Mã Minh, Vô Trước v.v… đều qui hướng Đại thừatrở thành chư Tổ của Đại thừa.

Bạch Thế Tôn! Thanh vănĐộc giác lúc đầu chứng thánh đế, chẳng phải là dùng nhất trí mà đoạn các trụ địa, cũng chẳng phải là dùng nhất trí mà chứng 4 biến tri cùng các công đức v.v... cũng chẳng phải nhờ pháp mà khéo liễu tri nghĩa của 4 pháp này. 

NHẤT TRÍ là chỉ cho TRÍ TÁNH KHÔNG nói sau. Nó là dụng của tự tánh chân như (tức dụng của tánh không). Phải có trí này thì mới đoạn được từng phần vô minh trụ địa. Nó là chủng vô lậu sẵn đủ trong mỗi chúng sanh. Hàng Nhị thừa chưa có trí này nên nói “Chẳng phải là dùng nhất trí mà đoạn các trụ địa …” 

Bạch Thế Tôn! Đối với trí xuất thế thì không có 4 trí dần đến hay dần duyên. 

TRÍ XUẤT THẾ là chỉ cho NHẤT TRÍ vừa nói trên hay TRÍ TÁNH KHÔNG sắp nói sau. Loại trí này không phải do tu hành mà được, cũng không phải không do tu hành mà được. Vì sao? Vì trí ấy vốn sẵn đủ trong mỗi chúng sanh. Chỉ vì bị vô minh che lấp mà trí ấy không hiển lộ được. Tu hành chính là vẹt đi đám vô minh mờ mịt để trí ấy hiển bày, không phải tu hànhtác nhân tạo ra trí ấy. Trí do tu hành mà có, đây gọi là TRÍ DẦN ĐẾN hay DẦN DUYÊN. 

Nhà Thiền phân trí thành 2 loại là trí vô sưtrí hữu sư. TRÍ TÁNH KHÔNG nói đây chính là trí vô sư. TRÍ DẦN ĐẾN hay DẦN DUYÊN không hẳn là trí hữu sư, nhưng nó không phải là loại trí vô sư mà nhà Thiền nói. Vì TRÍ TÁNH KHÔNG không dần đến hay dần duyên nên gọi là NHẤT TRÍ

 Bạch Thế Tôn! Trí xuất thế gianpháp không có dần đến, như kim cang dụ định. Bạch Thế Tôn! Thanh vănĐộc giác dùng các loại trí thánh đế mà đoạn các trụ địa, không có trí xuất thế đệ nhất nghĩa. Chỉ có Như Lai Ứng Chánh Biến Tri (chẳng phải là cảnh giới của Thanh vănĐộc giác) dùng trí tánh không chẳng thể nghĩ bàn phá tất cả mọi phiền não

Xác định để rõ về 2 loại trí của hàng Nhị thừaBồ tát chứng tánh không. Đây là lý dosao kinh luận gọi hàng Bồ tát Thập địachân thật tu hành. Nhà Thiền nói “Đốn ngộ đồng chư Phật”. Một niệm đồng chư Phật đó là chỉ cho TÁNH KHÔNG. Nương cái dụng của nó là trí tánh không phá dần TRÍ PHÂN BIỆT. Đến địa vị Bát Địa, thấy được chỗ sanh của vọng tưởng, việc tu hành không còn sự tạo tác đối trị, chỉ nhậm vận theo dòng pháp chấp mà phá vào phần căn bản vô minh, chính là vô minh trụ địa. Trong 3 a tăng kỳ kiếp tu hành, giai đoạn này mất một a tăng kỳ kiếp.

KIM CANG DỤ ĐỊNH là chỉ cho tâm của hàng Bồ tát kế vị Phật. Dùng trí này phá đi phần tập khí cuối cùngnhập Phật quả. Trí đó chính là nhất trí của Như Lai như phần sau nói. 

Bạch Thế Tôn! Trí phá được phiền não rốt ráo gọi là trí xuất thế đệ nhất nghĩa. Trí thánh đế đầu chẳng phải là trí tối cùng, vẫn còn thú hướng A Niệu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Bạch Thế Tôn! Thánh nghĩa chân thật chẳng phải là Nhị thừa. Vì sao? Vì Thanh vănĐộc giác chỉ có thể thành tựu thiểu phần công đức, có tên là THÁNH. 

TRÍ THÁNH ĐẾ ĐẦU là chỉ cho trí của chư vị La HánBích Chi Phật. Chưa phá được hết tất cả phiền não nên không phải là trí tối cùng như trí của Như Lai. Song vẫn gọi là thánh, vì chư vị không còn là phàm ngu nữa. 

Bạch Thế Tôn! Nói thánh đế, chẳng phải là thánh đếcông đức của Thanh vănĐộc giác. Thánh đế này chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới liễu tri. Rồi sau, vì vô minh tạng của chúng sanhthế gian mà khai thị diễn thuyết nên gọi là thánh đế. Bạch Thế Tôn! Đế này thậm thâm vi diệu khó thấy khó biết, chẳng thể phân biệt, chẳng phải là cảnh giới có thể suy lường, là chỗ mà hết thảy thế gian chẳng thể tin. Chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng giác mới biết rõ. Vì sao? Vì nói về Như Lai Tạng thậm thâm

Tứ đế của Thanh văn gọi là 4 thánh đế. Đệ nhất nghĩa đế mà Phật có được cũng gọi là thánh đế. Nhưng thánh đế của Phật không phải là thánh đế của Thanh văn. Thánh đế của Phật không phải là chỗ ngôn từ đến được, là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ vì kho vô minh của chúng sanhphương tiện khai thị giảng nói nên gọi là thánh, chứ nó không phải là loại thánh đế của Thanh văn. Sau là nói về Như Lai Tạng, chính là cảnh giới thậm thâm khó nghĩ bàn của Như Lai, là Đệ nhất nghĩa đế nói đây.

Phu nhân trình bày về Như Lai Tạng, là cảnh giới thậm thâm của chư Phật. Hiển bày 2 loại thánh đếHữu tác thánh đếVô tác thánh đế, 2 loại trí là TỊNH TRÍ của Thanh văn và TRÍ TÁNH KHÔNG của chư Phật. Nêu bày thực tướng của sanh tử

NHƯ LAI TẠNGcảnh giới của chư Phật, chẳng phải là chỗ hành của Thanh vănĐộc giác. Đối với Như Lai Tạng mà nói về nghĩa của thánh đế.

Như Lai Tạng chính là pháp thân của chư Phật nên nói “Như Lai Tạng là cảnh giới của chư Phật”. Chữ TẠNG này có 2 nghĩa. Một là nghĩa tích chứa. Hai là nghĩa ẩn tàng. Nghĩa TẠNG mà kinh này muốn nói là nghĩa ẨN TÀNG. Như Lai luôn sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, nhưng vì bị vô minh che phủ nên nó chưa hiển lộ được mà gọi là Như Lai Tạng. Thánh đế được nói trong kinh này y chỉ nơi Như Lai Tạng mà nói nên tuy cũng là thánh đế nhưng không phải là loại thánh đế Phật đã nói cho hàng Nhị thừa

Như Lai Tạng này thậm thâm vi diệu. Thánh đế được nói cũng thậm thâm vi diệu, khó thấy, khó biết, chẳng thể phân biệt, chẳng phải cảnh giới có thể suy lường, là chỗ mà hết thảy thế gian chẳng thể tin. Chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới hay biết.

Vì là cảnh giới của chư Phật nên khi chưa phải là Phật thì chưa thể thấu suốt được nó. Có thấu suốt thì chỉ nhờ niềm tin hoặc thấy được ít phần. 

Nếu đối với Như Lai Tạng đang bị ràng bọc trong vô lượng phiền não mà chẳng nghi hoặc, thì với Như Lai Tạng đã xuất khỏi mọi phiền não - là pháp thân Như Lai - cũng không có nghi hoặc.

Song, dù chưa thấu suốt được Như Lai Tạngvẫn có niềm tin đối với Như Lai Tạng thì sẽ có niềm tin đối với pháp thân. Như Lai Tạng khác pháp thân chỗ nào? Như Lai Tạngpháp thân còn đang bị phiền não che đậy. Vô minh phiền não hết thì thể, tướng và dụng của Như Lai hiển bày, gọi là pháp thân

Bạch Thế Tôn! Nếu có người đối với Như Lai Tạngpháp thân Phật - là cảnh giới bí mật chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật - mà được tâm tối cùng, thì đối với nghĩa của 2 THÁNH ĐẾ được nói đây có thể tin, có thể hiểu, có thể sanh thắng giải. Thế nào là nghĩa của 2 thánh đế. Đó là Hữu tác thánh đếVô tác thánh đế

NHƯ LAI TẠNG một khi không còn TẠNG (ẩn tàng) nữa, gọi là pháp thân. Vì có chỗ khác đó nên tuy cùng một thứ mà có 2 tên là Như Lai Tạngpháp thân. Với cảnh giới bí mật chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật mà ĐƯỢC TÂM TỐI CÙNG là chỉ cho chỗ chứng của hàng Thập địa mà địa đầu là Sơ Địa. Chứng được tánh thể này thì đối với 2 thánh đế nói đây có thể tin nhận và hiểu rõ. THẮNG GIẢI là chỉ cho sự hiểu biết thâm sâu. Tùy địa vị sâu cạn trong hàng Thập địa mà hoặc là tin, hoặc là hiểu, hoặc có sự hiểu biết thâm sâu về Như Lai Tạng. TIN là chưa thấy mà biết là có. HIỂU là hiểu được những gì Như Lai nói về Như Lai Tạng. SANH THẮNG GIẢI vì đã trực nghiệm được Như Lai Tạng ít nhiều.

Sau là nói về nghĩa của 2 thánh đế.

TÁC THÁNH ĐẾ là nghĩa của 4 thánh đế chưa viên mãn. Vì sao? Vì THA HỘ TRÌ nên chẳng thể biết được tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo. Cho nên chẳng biết hữu vi, vô vi cho đến niết bàn.

TÁC THÁNH ĐẾ là loại thánh đếliên quan đến sự tạo tác, là chỉ cho 4 thánh đế của Thanh văn. Sự tác ý này chỉ có tác dụng với những phiền não thô chứ không có tác dụng đối với những phiền não vi tế

THA HỘ TRÌ là sự hộ trì bên ngoài. THA HỘ TRÌ vì còn thấy ngoài tâm có pháp, chưa thấu được Lý Duy Tâm. Còn thấy có Phật 32 tướng, 80 vẽ đẹp để nương tựa, có niết bàn khác sanh tử để bước vào. Thấy như vậy là chưa thấy được cội nguồn của KHỔ và TẬP. Vì chưa thấy được cội nguồn nhất tâm nên phần DIỆT chứng được chưa phải là chỗ rốt ráo. Đó là do phần tu ĐẠO chưa rốt ráo.

“Chẳng biết hữu vi, vô vi cho đến niết bàn” là chẳng biết cội nguồn thật của những thứ đó. Chẳng biết tất cả đều lấy tâm chân thật làm tánh. 

Bạch Thế Tôn! VÔ TÁC THÁNH ĐẾ là nói về nghĩa thánh đế viên mãn. Vì sao? Vì có thể TỰ HỘ TRÌ nên biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo. 

VÔ TÁC THÁNH ĐẾ là loại thánh đế không do tạo tác. Vì sao? Vì không có sự tác ý đoạn trừ các TẬP như của Nhị thừa. Phần này sẽ được phu nhân Thắng Man giải thích rõ ở các phần sau.

TỰ HỘ TRÌ vì biết không có gì ngoài tâm dù đó là Phật. Là biết “Tâm sanh thì tất cả pháp sanh. tâm diệt thì tất cả pháp diệt”.[51] Vì thế, chỉ quay về nương lấy tự tâm của chính mình, gọi là tự hộ trì

BIẾT TẤT CẢ KHỔ là biết được ngoài cái khổ phần đoạn sanh tử còn có cái khổ biến dịch. ĐOẠN TẤT CẢ TẬP là đoạn phần tập ngọn mà đoạn cả phần tập gốc. Tuy nói là đoạn nhưng thật không phải đoạn. Phần kinh sau sẽ đề cập đến. Ngọn là nghiệp tập của chúng sanh, tức 4 trụ địa và khởi phiền não. Gốc là phần tập khí từ thời vô thủy, tức vô minh trụ địa. CHỨNG TẤT CẢ DIỆT là chứng được pháp thân thường trụ. TU TẤT CẢ ĐẠO là chỉ cho pháp Đại thừa.

THÁNH ĐẾ VIÊN MÃN là chỉ cho loại thánh đế đưa đến quả vị Phật, không phải loại thánh đế đưa đến quả vị La Hán của hàng Nhị thừa

Như vậy, có đến 8 thánh đế nhưng Như Lai chỉ nói 4 thánh đế. Với nghĩa Vô tác thánh đế này chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới làm được việc rốt ráo, chẳng phải là chỗ mà lực của A La HánBích Chi Phật có thể đến. Vì sao? Vì chẳng phải các pháp như thắng, liệt, thượng, trung, hạ mà có thể chứng được niết bàn.

Đây là lời tổng kết. Có đến 8 thánh đế chứ không phải là 4 như Phật đã nói với chư vị Nhị thừa. Đó là do biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo có thô và tế. Thô là 4 Tác thánh đế. Tế là 4 Vô tác thánh đế. Bởi Vô tác thánh đế chỉ có Như Lai mới hoàn thành được trọn vẹn nên Như Lai không nói với chư vị Nhị thừa

Pháp vốn không có thắng, liệt, trung, hạ … Thắng, liệt, trung, hạ là do trí phân biệt của mình mà ra. Vì sao phân biệt? Vì thấy vạn pháp là thật. Vì thấy thật có khổ, tập, diệt đạo nên mới đoạn tập mà chứng diệt. Một khi biết được khổ, tập, diệt, đạo chỉ là cái bóng rỗng thì không có gì để phải đoạn trừ nữa. Đoạn trừ đó gọi là TÁC, không đoạn trừ gọi là VÔ TÁC

Như việc hàng phục vọng tưởng của mình. Khi mới thực tập, dù không muốn, cái BIẾT của mình vẫn có tác dụng đè đi các vọng niệm chứ không phải chỉ có biết rồi thôi. Vì sao? Vì sự tương tục của dòng vọng niệm quá mạnh. Dù biết chúng là vọng, nhưng hở một cái là nó đầy dẫy, cái chủ của mình không còn. Một khi nó vẫn sai sử cuốn hút mình như vậy thì nó chưa phải là vọng đối với mình. Không trừ bỏ đè nén là không được. Vì thế sự dụng công lúc này là cần thiết. Đây là giai đoạn TÁC.

Một khi sự tương tục của dòng vọng niệm không còn, mình không còn bị lực tương tục ấy cuốn hút, vọng có hay không không can hệ gì đến mình thì không cần trừ bỏ nữa. Vì sao? Vì lúc đó vọng đã hiện đúng bản chất của nó. Do đã liễu tri được bản chất của dòng vọng tưởngkhông cần dụng công trừ khử.[52] Đó gọi là VÔ TÁC. Tạm lấy tạm ví dụ này để hiểu sơ về nghĩa tác và vô tác

Nhị thừa còn thấy có sanh tử khác niết bàn, tức chưa thoát được trí phân biệt, chưa liễu tri được tính bình đẳngnhư huyễn của vạn pháp, nên nói “Chẳng phải các pháp thắng, liệt, thượng, trung, hạ mà có thể chứng được niết bàn”. Hàng Bồ tát Bát Địa trở lên, do đã chứng nhập được tánh bình đẳng chân như, mới nhận ra được hoàn toàn tánh như huyễn của vạn pháp. Sở hành của chư vị mới thật là Vô tác thánh đế. Song phải đến địa vị Phật mới hoàn tất tận cùng nên nói “Vô tác thánh đế này chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới LÀM ĐƯỢC VIỆC RỐT RÁO”.

Vì sao với Vô tác thánh đế Như Lai đạt được chỗ tối cùng? Hỏi để giải thích vì sao chỉ có Vô tác thánh đế mới có thể đạt được cội nguồn tận cùng. Qua đó hiển bày Vô tác thánh đế là gì.

Vì chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết hết các KHỔ, đoạn các phiền não và khởi phiền não, nhiếp được TẬP khổ, chứng được DIỆT khổ của tất cả ý sanh thân, tu tất cả ĐẠO diệt khổ.

Đây là nêu bày vì sao Tác thánh đế không đạt được niết bàn pháp thân mà chỉ có Vô tác thánh đế mới đạt được. La Hán đoạn phiền não để có niết bàn, cái đoạn ấy gọi là TÁC. Chư Như Lai cũng qua giai đoạn đoạn phiền não như vậy, nhưng không dừng ở đó mà tiếp tục phá sâu vào phần vi tế bên trong để thấy được cội nguồn của khổ và tập. Tuy nói là phá nhưng cái phá ấy không mang tính đoạn trừ mà mang tính liễu tri nên nói NHIẾP TẬP KHỔ.

“Chứng được diệt khổ của tất cả ý sanh thân” là chỉ cho việc thể nhập được hoàn toàn pháp thân, là cội nguồn chân thật của tất cả pháp, trong đó có phần ý sanh thân. Sau là nói về phần DIỆT mà chư Như Lai đã chứng.

Bạch Thế Tôn! Chẳng phải pháp hoại đi mà gọi là diệt khổ. Vì sao? Nói DIỆT khổvô thủy, vô tác, vô khởi, vô tận, thường trụ, bất động, bản tánh thanh tịnh, ra khỏi vỏ phiền não. Bạch Thế Tôn! Như Lai thành tựu hằng hà sa số pháp đầy đủ trí giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, gọi là pháp thân.

Phần DIỆT của Vô tác thánh đế khác với phần DIỆT của Tác thánh đế ở chỗ : La Hán diệt phiền não để có niết bàn. Còn DIỆT của Vô tác thánh đế là nói về pháp thân thường trụ. Không phải diệt cái gì mới có niết bàn mà là nhận ra được cội nguồn của những thứ đó nên có niết bàn. Đó là trở về với pháp thân của mình, gọi là được niết bàn. Vô thủy, vô tác … là bản chất của pháp thân thường trụ. Vì VÔ TÁC nên không thể dùng Tác thánh đếthể nhập nó được.

Cho nên, hành giả tu hành lúc đầu dùng pháp đối trị mang tính tạo tác rất nhiều, nhưng càng về sau càng phải đi dần đến chỗ vô tác, mới thể nhập được pháp thân thanh tịnh của mình. Đây là lý do vì sao Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy ngài Trần Nhân Tông “Trì giới và nhẫn nhục, chuốc tội chẳng chuốc phước, Muốn biết không tội phước, đừng trì giới nhẫn nhục. Như khi người leo cây. Trong an tự cầu nguy. Như người không leo cây, trăng gió có làm gì”. Rồi dặn nhỏ một câu “Chớ bảo cho ngươi không ra gì biết”. 

NGƯỜI KHÔNG RA GÌ là người mà còn cần đến pháp đối trị nhiều. Như người có tánh sân thì cần phải tập nhẫn nhục. Nói là tánh vì cái sân ấy đã được huân tập thành thói quen. Là thói quen rồi thì mình sẽ mê mờ theo nó mà tạo nghiệp vô vàn, quả khổ không biết bao nhiêu mà kể, càng đi xa cội nguồn pháp tánh chân như. Vì thế, cần phải dùng đến pháp đối trịnhẫn nhục để dừng đi thói quen sân giận. 

Bản tâm vốn thanh tịnh không có sân. Một khi sân không còn là thói quen, tức không còn bị nó sai sử tạo nghiệp, ta sẽ nhận dần ra thực tánh của sân, nhận được tánh của sân thì không cần dùng pháp đối trị nữa. Nếu vẫn dùng pháp đối trị thì không khác gì người đang an ổn dưới mặt đất bỗng leo lên cây tìm sự nguy hiểm. Lúc đó cái nhẫn ấy không khác gì cái sân. Như có bệnh thì uống thuốc, hết bệnh thì thuốc phải bỏ. Hết bệnh mà vẫn uống thuốc thì sẽ sanh bệnh mới.

Bạch Thế Tôn! Như vậy pháp thân chẳng lìa phiền não, gọi là Như Lai Tạng. Bạch Thế Tôn! Như Lai Tạng đó chính là trí tánh không Như Lai, là chỗ mà tất cả Thanh vănĐộc giác chưa từng thấy cũng chưa từng chứng, chỉ có Phật mới có thể liễu tritác chứng.

Pháp thân còn bị phiền não ràng buộc gọi là Như Lai Tạng. Đây là tình trạng của chúng ta. Nghĩa là không ai không có phần Như Lai Tạng này. Dù đang khóc hù hù hay cười hi hí thì kho tàng vô giá ấy vẫn sờ sờ ra đó. Chỉ vì bận cười và khóc nên không có đầu óc đâu để sử dụng đến nó. 

“Như Lai Tạng đó chính là trí tánh không” là nhấn mạnh về mặt THỂ TÁNH của vạn pháp. Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi nó là TỰ TÁNH chân như, là tánh thể của vạn pháp. Nhờ tánh thể này, ta mới chán sanh tử khổ, cầu vui niết bàn. Địa vị Sơ Địa trực chứng được tánh không này. Chứng tánh không này rồi, lậu hoặc vẫn chưa hết, nên chưa gọi là pháp thân mà gọi là Như Lai Tạng, là Như Lai còn bị phiền não ràng bọc. Trải qua các vị Thập địa cho đến địa vị Bồ tát tối hậu, tập lậu theo đó trừ dần, TƯỚNG và DỤNG của cái THỂ ấy từ từ hiển lộ. Đến địa vị Phật thì viên mãn. Lúc này Như Lai Tạng với thể, tướng và dụng hiển bày đầy đủ gọi là pháp thân

Bạch Thế Tôn! Trí tánh không Như Lai Tạng này lại có 2 thứ. Thế nào là 2? Một là KHÔNG NHƯ LAI TẠNG, là lìa tất cả phiền não và trí chẳng giải thoát. Bạch Thế Tôn! Hai là BẤT KHÔNG NHƯ LAI TẠNG thì đầy đủ hằng hà sa số pháp chẳng thể nghĩ bàn và trí giải thoát của Phật. 

NHƯ LAI TẠNG này có 2 thứ. 

1. KHÔNG NHƯ LAI TẠNG là chỉ cho TÁNH THỂ chân như. Nó chính là cái KHÔNG của tâm chân như trong luận Đại Thừa Khởi Tín. Đây gọi là trí tánh không

Vì nói về mặt THỂ TÁNH của Như Lai, nên ở đó ngay tướng KHÔNG cũng không thể thấy, nên nói “Lìa tất cả phiền não và trí chẳng giải thoát”. Bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La ghi “Không Như Lai Tạng thì vừa ly, vừa thoát, vừa khác tất cả phiền não”. 

2. BẤT KHÔNG NHƯ LAI TẠNG là chỉ cho pháp thân với thể, tướng và dụng đã đầy đủ, là phần BẤT KHÔNG trong luận Đại Thừa Khởi Tín. Vì đã đủ luôn cả TƯỚNG và DỤNG, nên nói “Đầy đủ hằng hà sa số pháp chẳng thể nghĩ bàn và trí giải thoát của Phật”. Bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch “Bất không Như Lai Tạng thì chẳng ly, chẳng thoát, chẳng khác hằng hà sa số Phật pháp”. Thể, dụng và tướng tuy ba mà chẳng phải ba nên nói chẳng ly, chẳng thoát, chẳng khác. Đây là cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm.

Bạch Thế Tôn! 2 thứ không trí này các vị đại Thanh văn do tin mà vào. Bạch Thế Tôn! Như vậy, tất cả Thanh vănĐộc giác, trí tánh không là từ 4 đảo cảnh phan duyên mà chuyển. Cho nên, tất cả Thanh vănĐộc giác chưa từng thấy, chưa từng chứng. Chỉ có Phật mới là hiện chứng tất cả DIỆT khổ, hoại các phiền não, tu ĐẠO diệt khổ.

Phu nhân khẳng định 2 loại KHÔNG Như Lai TạngBẤT KHÔNG Như Lai Tạng này không phải là chỗ chứng của hàng Thanh văn, Duyên giác. Đối với chỗ đó, chư vị chỉ có tin mà vào chứ chưa phải là chỗ thực chứng của chư vị. Cội nguồn chân thật nhất tâm thì thường, lạc, ngã, tịnh. Song chư vị chỉ thấy được TƯỚNG vô thường, bất tịnh, vô ngã của vạn pháp mà chưa thấu được TÁNH thường, lạc, ngã tịnh của vạn pháp, nhưng lại lấy 4 cái tướng mình thấy ấy làm tánh thật của vạn pháp, nên nói là 4 đảo cảnh. ĐẢO có nghĩa là ngược lại. Nếu tu tập tiếp, Thanh văn Độc giác sẽ đạt được trí tánh không như Phật. Trí đó là từ cái trí thấy 4 đảo cảnh tu tập tiến về,[53] nên nói “Tất cả Thanh vănĐộc giác, trí tánh không là từ 4 đảo cảnh phan duyên mà chuyển”. 

 Bạch Thế Tôn! Trong 4 đế này, 3 đế là vô thường, 1 đế là thường. Vì sao? Vì 3 đế thuộc tướng hữu vi. Tướng hữu vi thì vô thường. Nói vô thường đó là pháp phá hoại. Pháp phá hoại thì chẳng phải thật, chẳng phải thường, chẳng phải là chỗ qui y. Cho nên 3 đế theo đệ nhất nghĩa thì chẳng phải thật, chẳng phải thường, chẳng phải là chỗ qui y.

Diệt đế là chỉ cho pháp thân Như Lai nên nói là thường. Nói thường là đối với cái vô thường của thế gian mà nói, chứ bản thân nó thì không thường cũng không vô thường.

Thứ gì sanh rồi diệt thì thứ ấy vô thường nên nói 3 thứ khổ, tập, đạo là vô thường. Vô thường thì có ngày nó hoại. Nương vào cái hoại thì khi nó hoại mình sẽ khổ. Vì thế không thể qui y với những thứ vô thường giả dối

Bạch Thế Tôn! Chỉ một một thứ DIỆT KHỔ THÁNH ĐẾlìa tướng hữu vi. Lìa tướng hữu vi thì tánh thường trụ. Tánh thường trụ thì chẳng phải là pháp phá hoại. Chẳng thể phá hoại thì thật, thì thường, là chỗ qui y. Cho nên, diệt khổ thánh đế vì là thắng nghĩa nên là thật, là thường, là chỗ qui y

Chỉ có DIỆT thánh đế là chỗ nên qui ypháp thân ấy là cội nguồn chân thật của tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Diệt khổ đế này chẳng thể nghĩ bàn, vượt quá cảnh giới tâm thức của chúng sanh, cũng chẳng phải là chỗ mà trí Thanh vănĐộc giác có thể đến. Thí như người mù thì chẳng thấy sắc, trẻ sơ sinh thì chẳng thấy mặt trời. Diệt khổ đế cũng lại như thế. Chẳng phải là chỗ mà tâm thức phàm phu có thể duyên đến. Chẳng phải là cảnh giới của trí Thanh vănĐộc giác.

Đây là nói về pháp thân Như Lai, là phần DIỆT của Vô tác thánh đế. Muốn chứng được cảnh giới này chúng ta phải ly hết mọi suy nghĩ mang tính nhị biên hiện nay – tức phải bỏ đi trí phân biệt. Cảnh giới này không phải là đối tượng của cái thấy cũng như cái biết hiện nay của mình, nên nói “Vượt quá cảnh giới tâm thức của chúng sanh”. Cảnh giới tâm thức của chúng sanh bao gồm những gì sẽ được nói ngay sau đây.

TÂM THỨC của phàm phu là 2 biên kiến

Tâm do bất giác mà thành thức nên gọi là TÂM THỨC. Tâm thức của phàm phu thì luôn luôn bị trí phân biệt chi phối. Phân biệt thì phải có xấu hay đẹp, thường hay đoạn, tốt hay không tốt v.v… Những thứ đó gọi là 2 BIÊN. Còn 2 BIÊN KIẾN là cái thấy 2 bên. Tu chính là bỏ đi cái thấy 2 bên ấy. Tu gì đó tu, giữ giới ra sao đó thì giữ, chỉ khi phá vào phần phân biệt này thì tương lai mới thành Phật được. 

TRÍ của tất cả Thanh vănĐộc giác gọi là TỊNH TRÍ. Trí của Thanh vănĐộc giác gọi là tịnh trí. Vì sao gọi là tịnh trí? Tâm phàm phu thì hoạt động không ngưng nghỉ, bày cái này, nghĩ cái kia, luôn luôn hướng ngoại náo động nên thân náo động theo. Tâm của La HánĐộc giác không còn những thứ đó nên nói TỊNH TRÍ. Vậy nói TỊNH là do đối với ĐỘNG mà nói. 

Nói BIÊN KIẾN là đối với 5 thủ uẩnchấp trước cho là ngã, rồi sanh phân biệt.[54] Biên kiến có 2. Thế nào là 2? Đó là thường kiếnđoạn kiến. Bạch Thế Tôn, như cái thấy sanh tửvô thường, niết bàn là thường. Nếu có cái thấy chẳng phải đoạn chẳng phải thường, gọi là chánh kiến

Đây là giải thích vì sao gọi là biên kiến. 5 THỦ UẨN là chỉ cho cái thân với đầy đủ cảm thọ suy nghĩ của mình đây. Với thân tâm này mà cho là chính tôi, gọi là CHẤP TRƯỚC CHO LÀ NGÃ. Vì thân tâm này là chính tôi thì ngoài những thứ đó ra, còn lại đều không phải tôi. Cái thấy tôi và không phải tôi đó gọi là PHÂN BIỆT. Đó là cái phân biệt đầu tiên sản sinh ra các loại phân biệt còn lại. 

Một loại phân biệt khác là phân biệt thường và đoạn. Đây lấy ví dụ niết bàn là thường và sanh tửvô thường. Vì cho niết bàn là thường nên bỏ sanh tử tìm niết bàn. Cho sanh tử vô thường nên đoạn sanh tử nhập niết bàn. Chẳng biết rằng, niết bàn không khác sanh tử, chẳng thường cũng chẳng vô thường. Thấy như vậy là thấy chính xác về bản chất của vạn pháp nên nói CHÁNH KIẾN

Vì sao? Là để giải thích vì sao cái thấy thường và vô thường không phải là chánh kiến

Vì những kẻ phân biệt thấy thân cùng các căn cảm thọ đó, suy nghĩ đó, thấy sự hoại diệt của các pháp hiện tại, mà chẳng biết gì về sự tương tục của hữu. Vì không có con mắt tuệ nên mù mờ khởi cái thấy đoạn kiến

Đây nói về phần ĐOẠN KIẾN trước. KẺ PHÂN BIỆT là chỉ cho chúng sanh mình. Nhìn tới đâu là phát huy cái nhìn xấu, đẹp, ta, người, thân, sơ tới đó. Những kẻ phân biệt thì thấy gì? Trong thì chỉ biết đến sự suy nghĩcảm thọ của mình, ngoài thì thấy Phuket huy hoàng đã biến mất khỏi thế gian, thấy người này sanh ra và người kia chết đi. Mọi thứ rất hãi hùng. Chết rồi, không còn thấy lại nữa nên cho rằng chết là hết, mà không hiểu rằng chết đây sanh kia, luân chuyển liên tục trong 6 đường : Cha thành cháu nội, mẹ thành chú chó giữ nhà v.v… SỰ TƯƠNG TỤC CỦA HỮU là chỉ cho mấy thứ đầu thai tương tục không có ngày chấm dứt đó. HỮU, chỉ cho một đời. Thấy không đúng sự thật nên nói là MÙ MỜ. Cái mù mờ này do thiếu trí tuệ mà ra, nên nói “Vì không có con mắt tuệ nên mù mờ khởi cái thấy đoạn kiến”.

Còn với tâm tương tục hoại diệt trên từng sát na, lại ngu tối chẳng rõ cảnh giới ý thức, nên khởi cái thấy thường kiến

Đây là nói về cái thấy THƯỜNG KIẾN. Thường kiến là thấy vạn pháp còn hoài. Nói cái “còn hoài” đó thì với thế gian mình thấy khó gặp. Vì không ai là không chết, nên có cái thấy vô thường dễ hơn là có cái thấy thường. Song một khi mình cho thân tâm này là thật, là mình đã dính vào thường kiến. Vì sao? Vì không phải thân tâm này chỉ có hai đầu mút là sanh và tử mà nó sanh diệt sanh diệt trên từng sát na. Cái sanh diệt trên từng sát na đó biểu hiện cho cái không thường. Không thường thì không thật. Cái sanh diệt đó là phần sanh diệt của ý thức. [55]

Một loại chấp THƯỜNG nữa là chấp có linh hồn bất tử. Có người thấy thân đúng là pháp sanh diệt nhưng lại cho vọng tâm (nghiệp thức) thì thường trụ và gọi nó là linh hồn bất tử (một dạng thân trung ấm). Gọi là bất tử vì dù thân xác này mất đi thì linh hồn vẫn vĩnh cữu. Thật ra, không có linh hồn vĩnh cữu nào ở đây. Khi chứng nhập được niết bàn của các vị La Hán hay Bích Chi Phật, mới thấy cái gọi là linh hồn đó không có, chỉ còn lại một trạng thái an lạc trống không, chính là trạng thái vô ngã của Nhị thừa. Song muốn đạt được trạng thái an lạc này của chư vị Nhị thừa thì mình phải tu hành hàng phục vọng tâm như chư vị, không phải chết là có ngay cõi cực lạc đó được. Đây là chỗ khác nhau giữa trạng thái niết bàn của chư vị Nhị thừa với linh hồn. Cái gọi là linh hồn chỉ là phần nghiệp thức của chúng sanh, theo nghiệp mà luân chuyển, chết đây sanh kia, còn nghiệp còn sanh, còn sanh là còn tử, không có chuyện bất tử. Hết nghiệp hết sanh, hết sanh thì hết tử, cũng không thể nói là không bất tử. Đó là thực tướng của vạn phápthế giới này. 

Trạng thái niết bàn của A La HánĐộc Giác đó tuy không còn bị sự sanh diệt của ý thức chi phối, nhưng vẫn bị sự tương tục của phần chuyển thức vi tế chi phối, không thật tĩnh lặng như các vị đã cảm nhận. Nên, nếu cho niết bàn của chư vị là thường, vẫn không được xem là chánh kiến

Bạch Thế Tôn! Mọi thứ đó, lỗi là từ phân biệt và cái thấy hạ liệt. Do các ngu phu vọng sanh dị tưởng điên đảo chấp trước mà cho là đoạn, là thường.

Đây là kết luận của phu nhân Thắng Man. Mọi thứ đều do cái thấy phân biệt mà ra. Nghiệm lại trong đời sống hiện nay sẽ thấy rõ điều này. Chỉ vì sự phân biệt ta người mà có tranh dành, cướp bóc, tham nhũng, tan thương v.v… Cái thấy phân biệt ấy chỉ đưa đến những kết quả xấu nên nói là HẠ LIỆT. Người mà không đủ trí tuệ nhìn đúng thực chất của sự vật gọi là NGU PHU. Nhìn không đúng thực chất của sự vật nên nói VỌNG SANH DỊ TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO. Từ cái thấy sai lầm đó mới có sự nắm giữ hay tống đi nên nói CHẤP TRƯỚC. Như thấy mọi người chết rồi đều không còn gặp lại, liền cho chết là hết, không có đời sau. Nghĩ vậy rồi, ai nói khác đi mình cũng không nghe không tin thì đó là biểu hiện cho sự chấp trước về đoạn kiến.

Bạch Thế Tôn! Chúng sanh điên đảo, đối với 5 thủ uẩn, vô thường mà tưởng thường, khổ mà tưởng lạc, vô ngã mà tưởng ngã, bất tịnh lại tưởng tịnh. Tịnh trí của Thanh vănĐộc giác, đối với cảnh giới Như LaiPhật pháp thân chưa từng được thấy. 

ĐIÊN là không bình thường. ĐẢO là ngược. Thân này sanh diệt trên từng sát na mà cho là thường đó là cái thấy ngược nên nói điên đảo. Tương tự với các thứ còn lại cũng vậy.

Nhị thừa do đã trú được trong tịnh trí nên đã nhận ra được cái sanh diệt của thân cùng cái vô ngã của tâm. Song cả hai vẫn còn trên đường đi vì chưa ai thấy được cội nguồn của những thứ đó : Chính là Phật pháp thân, còn gọi là cảnh giới Như Lai.

Nếu có chúng sanh tin Như Lai nên đối với cảnh giới Như Lai, khởi cái tưởng thường, lạc, ngã, tịnh. Đó chẳng phải là cái thấy điên đảo, tức là chánh kiến

Thấy thân tâm sanh diệt đây là thường thì rơi vào điên đảo nhưng tin Phật pháp thân của mình là thường thì gọi là chánh kiến. Đây là đứng trên phương diện ngôn từ mà lập bày, nên thấy có sự đối đãi. Nói THƯỜNG là đối với cái chấp VÔ THƯỜNG của hàng Nhị thừa mà nói, để thấy trí của Nhị thừa chưa phải là trí tối cùng. 

Vì sao? Vì pháp thân Như Laithường Ba la mật, lạc Ba la mật, ngã Ba la mật, tịnh Ba la mật. Nếu hữu tình nào có cái thấy như vậy gọi là thấy chân chánh (chánh kiến). Người có chánh kiến gọi là chân Phật tử, từ miệng Phật sanh, từ chánh pháp sanh, từ pháp hóa sanh, đã có phần trong Phật pháp

Ba la mật là đến bờ kia. Do đến được bờ kia mà đạt được 4 thứ thường, lạc, ngã, tịnh đó nên nói “Pháp thân Như Laithường Ba la mật, lạc Ba la mật …” 

Đây nói đến niềm tin của mình đối với pháp thân Phật, cũng chính là pháp thân Phật của chính mình. Người mà tin ngoài tâm không có Phật, rồi phát tâm hàng phục vọng tâm là người đã có quá trình tu hành nhiều đời, như phu nhân Thắng Man đây. 

Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi những người có niềm tin như vậy là Chánh định tụ. Chánh định tụ là chỉ cho hạng người không còn đi nam về bắc tìm cầu gì nữa. Lui sụt thế nào cũng chỉ duy nhất một đường mà đi, gọi là bất thối. Đường đó là gì? Hàng phục vọng tâm bằng cách phá dần trí phân biệt để thành Phật

Bất thối có 2 loại. Một loại là nghe rồi tin mà phát tâm tu hành. Một loại là do chứng nhập nhất niệm Phật tâmtu hành. Nhân là tin Phật tâm của chính mình, thì quả mới chứng nhập được nhất niệm Phật tâm. Nhân là Nhất niệm Phật tâm thì quả mới là niết bàn Phật.

Người được như vậy gọi là chân Phật tử. Tu để trở lại gốc Phật của mình chứ không để thành gì khác nên nói là CHÂN. Còn đang giai đoạn hướng về nên không gọi là Phật mà gọi là PHẬT TỬ

CHÁNH PHÁP có 2 nghĩa thô và tế. Thô là chỉ cho giáo pháp Phật đã nói, tế là chỉ cho pháp tánh chân như. Nhờ nghe giáo pháp Phật nói mới phát tâm tu hànhthể nhập pháp thân của chính mình, nên nói TỪ MIỆNG PHẬT SANH. Chứng nhập pháp thân rồi, hiện hóa và báo thân làm lợi ích chúng sanh, để đạt quả vị Phật tối cùng, nên nói TỪ PHÁP HÓA SANH. Gộp hai thứ đó lại thì có TỪ CHÁNH PHÁP SANH. 

Bạch Thế Tôn! Nói TỊNH TRÍ chínhtrí Ba la mật của tất cả Thanh vănĐộc giác. Tịnh trí đó so với diệt khổ đế còn chẳng phải là cảnh giới, huống là loại diệt khổ đế mà sở hành là 4 trí nhập lưu

TỊNH TRÍ là trí Ba la mật của tất cả Thanh vănĐộc giác. Vì sao? Vì tịnh trí đó là chỗ “Đến bờ kia” của Thanh vănĐộc giác, nên nói “Trí Ba la mật của tất cả Thanh văn và Độc giác”. Cũng là Ba la mật mà không phải của Phật. Vì thế, cảnh giới niết bàn của Thanh vănĐộc giác chưa phải là cảnh giới niết bàn của Như Lai, nên nói “Tịnh trí đó, so với diệt khổ đế còn chẳng phải là cảnh giới”. DIỆT KHỔ ĐẾ nói trong câu này là diệt khổ đế của Phật.

4 trí nhập lưu là 4 trí nhập vào dòng pháp. Bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La ghi “Tuy gọi là tịnh trí, nhưng đối với diệt đế kia còn chẳng phải là cảnh giới huống là trí 4 y”. Như vậy 4 trí nhập lưu nói đây bắt nguồn từ 4 y : Y pháp không y người, y nghĩa không y ngữ, y trí không y thức, y kinh liễu nghĩa không y kinh bất liễu nghĩa. Đây là 4 phương tiện Phật dùng dạy cho người tu Đại thừa, [56] chưa phải là chỗ rốt ráo. Gọi là NHẬP LƯU vì nó khiến người tu có hướng đi đúng đắn để nhập vào dòng pháp. 

Có được 4 loại trí này thì ta có được loại DIỆT khổ ứng với 4 loại trí đó. Như loại Y TRÍ BẤT Y THỨC. Do sống theo trí không sống theo thức, nên suy nghĩ và hành động của mình không bị cái tôi và những cái của tôi chi phối. Không bị cái tôi sai sử chi phối thì hiện tại mình đã không khổ mà hành động của mình cũng không gây tội lỗi để lại nhân xấu cho tương lai. Đối với những nghiệp nhân trong quá khứ, mình cũng có cái nhìn bình thản đối với nó. Đó là một loại DIỆT khổ mà luận đây gọi là “Diệt khổ đế mà sở hành là 4 trí nhập lưu”. SỞ HÀNH là chỉ cho chỗ tu hành, pháp tu hành. Còn người tu gọi là NĂNG HÀNH

Tịnh trí của La HánBích Chi Phật thuộc pháp không sanh diệt, còn 4 loại trí này vẫn là pháp sanh diệt, vì thế 4 trí này so với tịnh trí của chư vị Nhị thừa vẫn còn chưa tới, huống là loại DIỆT đế của chư Phật, nên nói “Tịnh trí đó so với diệt khổ đế còn chẳng phải là cảnh giới, huống là loại diệt khổ đế mà sở hành là 4 trí nhập lưu”. 

Vì sao? Hỏi để giải thích.

Vì với Tam thừa sơ nghiệp, kẻ chẳng ngu pháp có thể đối với nghĩa đó sẽ chứng, sẽ thông. Thế Tôn vì nghĩa đó nên nói 4 nhập lưu. Bạch Thế Tôn! 4 nhập lưu này là pháp thế gian. Thế Tôn được nhất nhập lưu, đối với các nhập lưu kia là trên, là nhất. Đệ nhất nghĩa chính là nhập lưu, chính là qui y, là diệt khổ đế.

Với cả 3 thừa, dù là người mới tu nhưng nếu hiểu được thứ gì là phương tiện, thứ gì là cứu cánh thì với những gì đã được dạy, ta sẽ đạt được chỗ rốt ráo. Vì thế, Phật dạy 4 trí nhập lưu cho người tu Đại thừa. Nhờ pháp sanh diệt đó mà người tu có thể tiến dần về quả nhập lưu của Phật, chính là Đệ nhất nghĩa đế.

Như cái Y đầu tiên là Y PHÁP KHÔNG Y NGƯỜI. Thường mình đến học pháp với ai, mình cũng kiếm cho được người có bề ngoài nghiêm túc, giới luật đầy đủ mà học. Đó là lẽ tất nhiên. Nhưng căn cứ vào thân tướng người khác mà học đạo như thế thì việc học pháp của mình không tiến triển bằng không căn cứ vào thân tướng người mà chỉ quan tâm mình đã học được gì ở người đó. Học pháp với người đó mà tham sân si của mình ngày mỗi hết, trí tuệ mình phát triển thì người đó xấu hay tốt, nghiêm hay không nghiêm, quả tình không can hệ gì đến mình. Người ứng dụng được vậy phải là người ít chấp tướng, chỉ qui hướng về tâm là chính. Có qui hướng về tâm thì mới có ngày thành Phật. Cái qui hướng về tâm đó gọi là nhập lưu. Vì thế Phật dạy “Y pháp bất y nhân”.

Bạch Thế Tôn, sanh tử là y nơi Như Lai Tạng. Vì Như Lai Tạng mà nói tiền tế chẳng thể biết được. Bạch Thế Tôn! Có Như Lai Tạng nên có sanh tử. Đó gọi là khéo nói. 

Như Lai Tạng là cội nguồn chân thật của tất cả pháp, trong tất cả pháp đó có pháp sanh tử, nên nói “Sanh tử y nơi Như Lai Tạng”. 

Như Lai Tạng vốn không có sanh tử.[57] Chỉ do bất giác mà sanh cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng nên mới vọng thấy có sanh tử. Tuy nói Như Lai Tạng là cội nguồn của sanh tử nhưng cái cội nguồn ấy không có hình tướng nơi chốn, vì thế nói TIỀN TẾ CHẲNG THỂ BIẾT ĐƯỢC. Một khi mình còn có cảnh giới để biết thì cảnh giới ấy không phải là cội nguồn chân thật của vạn pháp

Vì có cội nguồn Như Lai Tạng nên mới bất giác mà thành có sanh tử, không có cội nguồn đó thì bất giác không nương đâu mà có để có sanh tử, nên nói “Có Như Lai Tạng nên có sanh tử”. KHÉO NÓI, dịch từ chữ THIỆN THUYẾT ra, là chỉ cho cái nói đúng đắn, nói hay. 

Bạch Thế Tôn! SANH TỬ đó, các thọ căn thì diệt tương tục không có khoảng hở, còn các căn chưa thọ thì khởi, gọi là sanh tử. Bạch Thế Tôn! 2 pháp sanh tử chính là Như Lai Tạng, theo thế tục mà gọi là sanh tử. Bạch Thế Tôn! TỬ là thọ căn diệt. SANH là thọ căn khởi. Như Lai Tạng thì chẳng sanh, chẳng tử, chẳng khởi, chẳng lặn, lìa tướng hữu vi. Bạch Thế Tôn, Như Lai Tạngthường hằng bất hoại.

Đây là nói về thực chất của sanh tử.

Một khi chứng nghiệm được cội nguồn Như Lai Tạng, mới thấy thực tánh của sanh tửNhư Lai Tạng, nên nói “2 pháp sanh tử chính là Như Lai Tạng”. Còn khi chưa thấu nghiệm được Như Lai Tạng thì thấy SANH có tánh của sanh, TỬ có tánh của tử, nên nói “Nói theo thế tục là sanh tử”. Hoặc đã thấu nghiệm rồi nhưng vì nương theo ngôn từthế gian mà nói, cũng nói “Nói theo thế tục …”.

Với người thế gian thì CĂN là chỉ cho 6 căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. THỌ là chỉ cho 2 thứ cảm thọ đối nghịch nhau (như vui, buồn v.v…) và 1 thứ không rơi vào 2 đối nghịch trên (như không vui không buồn v.v…) CĂN đã thành hình thì luôn dính liền với 3 thứ cảm thọ trên, nên nói gộp thành THỌ CĂN. Nói chung, thọ căn là chỉ cho thân mình đây. 

CĂN cũng như THỌ là một chuỗi sanh diệt sanh diệt liên tục trên từng sát na chứ không phải chỉ có 2 đầu mút sanh và tử như mình đã thấy. Từ nhỏ đến lớn, già rồi chết là một quá trình sanh diệt liên tục. Nói CĂN CHƯA THOï là đối với loại THỌ CĂN đang hiện diện mà nói, chỉ cho loại THỌ CĂN sẽ xuất hiện khi loại THỌ CĂN trước hoại đi. 

Như vậy, SANH TỬ chẳng qua chỉ là sự DIỆT và SANH tương tục của các THỌ CĂN chứ không có gì khác. Thân này mất đi, có thân khác xuất hiện … Cứ vậy mà liên tục theo những gì mình đã tạo trong đời hiện tại pha lẫn với những gì đã tạo trong tiền kiếp.

Thọ căn diệt, thọ căn khởi, xoay vần liên tục như thế, nhưng theo cái sanh diệt ấy vẫn có một thứ không sanh diệt. Đó là Như Lai Tạng. Vì không sanh không diệt nên nó không lặn cũng không khởi, nên nói KHÔNG KHỞI, KHÔNG LAËN. Không sanh diệt thì LÌA TƯỚNG HỮU VI. Vì những điều ấy, phu nhân Thắng Man kết luận “Bạch Thế Tôn, Như Lai Tạngthường hằng bất hoại”.

Cho nên, bạch Thế Tôn! Như Lại Tạng là chỗ y trì kiến lập của trí tạng chẳng lìa giải thoát, cũng là chỗ y trì kiến lập của các pháp hữu vi cùng với trí tạng lìa hẳn cái chẳng giải thoát.

CHO NÊN là câu kết luận sau khi đã nói rõ về sanh tửNhư Lai Tạng. Như Lai Tạng là cội nguồn từ đó phát sanh vạn pháp, cả về pháp thế gian mà cả về pháp xuất thế gian. Nói phát SANH nhưng cái sanh ấy không có tánh. Chỉ như ngủ rồi mộng. Vì bất giác nên mê mà thấy có mọi cảnh giới. Hết mê thì mọi thứ là không, chỉ là nhất pháp giới với đầy đủ mọi công đức khó nghĩ lường. 

Khi mê thì sanh mọi cảnh giới trong lục đạo nên nói “Cũng là chỗ y trì kiến lập của các pháp hữu vi cùng với trí tạng lìa hẳn cái chẳng giải thoát”.[58] Phần dịch này, Ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch rõ hơn “Như Lai Tạng là chỗ y trì kiến lập của pháp hữu vi đoạn, thoát, khác, ngoài”. Pháp hữu vi tuy lấy Như Lai Tạng làm chỗ y trì kiến lập nhưng vì do mê mà thấy có, hết mê thì mọi thứ là không, nên nói “Pháp hữu vi đoạn, thoát, khác, ngoài”. Thoát, khác, ngoài là nói pháp hữu vi thoát, khác, ngoài Như Lai Tạng. Nhờ thoát, khác, ngoài nên mới ĐOẠN được.

Hết mê thì pháp thân hiển bày với mọi thứ trí tuệcông đức, nên nói “Như Lại Tạng là chỗ y trì kiến lập của trí tạng chẳng lìa giải thoát”. Ngài cầu Na Bạt Đà La dịch “ Như Lai Tạng là chỗ y trì kiến lập của Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thoát”. Nghĩa là, trí tuệcông đức của Như Lai không phải là pháp thân Như Lai nhưng CHẲNG LY, CHẲNG KHÁC, CHẲNG THOÁT pháp thân ấy. Cái không một mà không khác, không lìa, không thoát ấy vượt ngoài sự suy nghĩ và cái thấy thường tình của người đời, nên nói KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN. Như Laithường trụ bất biến nên công đứctrí tuệ của Như Lai thường trụ bất biến, vì thế nói CHẲNG ĐOẠN. 

Bạch Thế Tôn! Nếu khôngNhư Lai Tạng thì không nên có việc chán khổ, thích cầu niết bàn

Như Lai Tạng vốn thường, lạc, ngã, tịnh. Vì nó THƯỜNG và TỊNH mà nó LẠC. Nếu không thường và tịnh thì không có cái lạc ấy. Song do ĐỘNG mới có chúng sanh. Vì thế chúng sanh không sử dụng được cái thường, lạc, ngã, tịnh này.

Cái gọi là LẠC của thế gian là do đối với cái khổ của thế gian mà có. Vì thế chỉ người nào trải qua cái khổ rồi mới cảm nhận được cái vui, mới thấy được giá trị của cái vui đó. Như người khổ vì nghèo thì khi tìm được tiền mới thấy vui. Còn người nghèo mà bình thản với cái nghèo thì có tiền họ cũng bình thản. Nghĩa là, cái lạc hay khổ ở thế gian mang tính đối đãi. Không có tính đối đãi này thì cái lạc và khổ ấy không xuất hiện. Đây là lý do vì sao những người quá đầy đủ có khi lại tự tử mà chết hoặc thỏa mãn một thứ gì đó rồi lại nảy sinh cảm giác chán nản. Vì cái lạc của họ được xây dựng trên sự liên quan đối đãi. Khi cái đối đãi ấy hết, cái lạc ấy cũng không còn. Không còn mà thiếu trí tuệ nữa nên … thắt cổ! Còn những người xây dựng cái lạc của mình bằng cách bố thí, cúng dường, quan tâm đến người khác thì các lạc ấy tùy thuận với cái lạc của Như Lai Tạng nên nó không bị cái khổ và lạc kia chi phối. Song nó vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái lạc đối đãi đó. Cũng như cái lạc của cõi Sắc và Vô sắc đều có giới hạn vì chúng vẫn còn lệ thuộc vào nhân duyên. Duyên hết thì chúng cũng hết. 

LẠC của Như Lai Tạng là cái lạc tối thắng, không có cái lạc nào ở thế gian có thể sánh được, lại là cái sẵn đủ trong mỗi chúng sanh nên dù hưởng được dục lạcthế gian bao nhiêu, con người vẫn không hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc sung sướng. Vì có cái lạc vốn do BẤT ĐỘNG này làm nền tảng nên dù là người đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần, không hẳn đã là một người yên vui. Vẫn tiềm ẩn một sự bất an hoặc nảy sinh cảm giác chán nản. Sự bất an và chán nản đó phá hủy đi thứ hạnh phúc mình đã đạt được để tìm cầu một thứ khác hơn. Ngay cả với người tìm thấy cái lạc trong việc bố thí, cúng dường v.v… một lúc nào đó cũng sẽ thấy việc ấy không mang lại cái lạc cho mình nữa. 

Với người đủ duyên, họ sẽ được hộ trì để hướng về con đường tối thượng, còn với người chưa đủ duyên, họ hướng sự chán nản lo âu của mình vào những dục lạc khác của thế gian hoặc tìm đến cái chết. Người đời chỉ làm theo những gì bản năng thôi thúc mà không hiểu được nguyên do của những hành động đó. Chẳng qua, vì ai cũng có cái KHÔNG Như Lai Tạng bất động, nhưng lại bị vô minh chi phối. Đây là phần khó hiểu mà Đức Phậtphu nhân Thắng Man đề cập trong phần sau. Đây chỉ nêu tạm một ví dụ để cảm nhận được chỗ này. 

Như người từng sống quen ở quê hương mình, quê hương là chùm khế ngọt, thì dù được mọi thứ đầy đủ trên miền đất hứa, vẫn muốn quay về để hưởng cái mùi khế ngọt quen thuộc kia. Cái hơi hướm quen thuộc đó là cái gì không ai giải thích được. Nhưng nó chính là thứ khiến kẻ lãng du mong mõi một ngày về. Không có hơi hướm đó, người ta sẽ đi mãi không có ngày dừng nghỉ. Vì đã có cái lạc của Như Lai Tạng nên không có cái lạc nào ngoài cái lạc đó khiến mình thấy yên ổn. Cái lạc nào ngoài cái lạc ấy rồi cũng đưa đến cái khổ mà thôi. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói “Động là có khổ, vì quả chẳng lìa nhân”. Khổ thì phải tìm cầu thoát khổ. Đó là lý do vì sao đây nói “Nếu không có Như Lai Tạng thì không nên có việc chán khổ, thích cầu niết bàn”. Thấy thiên hạ chán khổ thích cầu niết bàn thì biết thiên hạNhư Lai Tạng nên nói KHÔNG NÊN.

Vì sao? Hỏi để giải thích vì sao nói không có Như Lai Tạng thì không có sự nhàm chán sanh tử, thích cầu Niết Bàn

Với 6 thức và sở tri, như vậy là 7 pháp, sát na chẳng trụ, chẳng nhận các khổ, chẳng chịu chán lìa mà nguyện cầu niết bàn. Như Lai Tạng không có tiền tế, không sanh cũng không diệt. Vì là pháp nhận các khổ, kia mớùi chán khổ mà thích cầu niết bàn

Nếu chỉ có 6 thức và sở tri thì không đủ khả năng khiến người chán cái khổ sanh tử, thích cầu cái vui niết bàn. Vì sao? Vì nếu chỉ có 6 thức ngoài thì 6 thức này sanh diệt sanh diệt trên từng sát na không thể là chỗ giữ gìn và chịu sự huân tập các chủng tử khiến chúng sanh lưu chuyển khổ não trong 6 đường. Không khổ, không có sẵn cái lực an lạc khiến người muốn tìm về niết bàn, thì khó mà thức tỉnh được. Ai cũng có Như Lai Tạngđa số mình đây còn … một đi không trở lại, nói là không có. Bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch phần chẳng nhận các khổ là “Chẳng gieo trồng các khổ”. Đây là phá cái nhìn của hàng Nhị thừa, chỉ biết có 6 thức ngoài, không biết có Như Lai Tạng thâm sâu

6 THỨC ngoài là chỉ cho 6 thức : Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thứcý thức. 6 thứ này đều có phần hạn riêng của nó nhưng không lìa nhau mà có vì cùng một thể mà ra. Cái thể ấy chính là Như Lai Tạng. Như Lai Tạng không có chỗ khởi đầu nên nói KHÔNG CÓ TIỀN TẾ. Vì không có tiền tế nên không sanh, không sanh thì không diệt, nên nói KHÔNG SANH CŨNG KHÔNG DIỆT.

SỞ TRI, chỉ cho phần pháp chấp. Nó thuộc về phần thâm sâu của tâm thức. Như Lai Tạng do bất giác mà thành thức Alaida, là chỗ lưu giữ tất cả chủng tử hữu lậu cũng như vô lậu, là NHÂN của tất cả pháp thế gianxuất thế gian


Bạch Thế Tôn! Như Lai Tạng thì không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả

Như Lai Tạng nói đây là chỉ cho Như Lai Tạng đã xuất triền. Song cả khi vẫn còn bị trói buộc trong phiền não, nó vẫn không có mấy tướng đó. Những tướng đó chỉ là vọng hiện.

Với cái nhìn đơn giản của mình hiện nay thì NGÃ là chỉ cho ta, NHÂN là chỉ cho người, CHÚNG SANH là chỉ cho tất cả mọi sanh khởithế gian. Thứ gì thấy có thực sanh thứ đó gọi là chúng sanh. THỌ GIẢ là nói đến mạng căn

Thấy có ta, có người … là do mê Như Lai Tạng mà thấy, là cái thấy đã bị điều kiện hóa bởi nghiệp thức. Như Lai Tạng vốn không có mấy thứ đó. Nên nói “Như Lai Tạng không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”. 

Vi tế hơn, 4 tướng này diễn tả cảnh giới của tâm. Một khi tâm còn bị 4 tướng ấy chi phối thì Như Lai Tạng vẫn còn bị vô minh làm nhiễm, chưa phải là Như Lai Tạng với đầy đủ công đức chẳng thể nghĩ bàn mà ta muốn trực nhập.

NGÃ TƯỚNG, có 2 phần là thô và tế. NGÃ THÔ là chỉ cho cái ta của người đời, được biểu hiện qua tham, sân ... Không có ta thì không có tham, sân ... Nên thấy tham, sân … là biết có ta. NGÃ TẾ là chỉ cho cái ta của người tu, được biểu hiện qua việc sở đắc kiến giải và những gì mình đã trực nghiệm được bằng sự thực chứng. Kiến giải hay sự chứng nghiệm đó nếu khôngtâm sở đắc thì không lỗi. Vì nó là những kết quả tất yếu phải có trong quá trình tu hành. Nhân duyên đầy đủ thì sinh quả. Song nhân duyên hết thì quả cũng không còn. Một khi mình có tâm sở đắc thủ chấp là mình đã không còn đặt chúng đúng vị trí nhân duyên của chúng nữa. Tâm sở đắc đó là biểu hiện của ngã tướng.

Kinh Viên Giác nói “Thế nào gọi là ngã tướng? Là tâm sở chứng của chúng sanh ... Này thiện nam tử! Tâm đó cho đến chứng Như Lai hay liễu tri niết bàn đều là ngã tướng”. Một khi mình đã có tâm sở chứng thì dù đạt được cảnh giới Như Lai chăng nữa, cũng đều biểu hiện của ngã tướng mà thôi. Vì sao? Vì một khi còn thấy đó là mặt của anh thì mặt anh đang là đối tượng được thấy của tôi chứ tôi chưa phải là chính anh. Tương tự, thể nhập được với Như Lai Tạng thì ngay lúc thể nhập ấy, Như Lai Tạng không phải là đối tượng để ta có thể thấy. Thấy có chứng có đắc vì ta không còn ở trong chứng trong đắc nữa. Cái khoảng không chứng không đắc đó không phải là Như Lai Tạng mà thủ chấp thì chính là tâm chúng sanh. Ngay cả khi đang chứng mà cảnh giới chứng ấy còn trong vòng năng giác sở giác, thì cái chứng ấy vẫn chỉ là sở kiến của tướng Năng Kiến chứ không phải Như Lai Tạng. Năng Kiến là tướng thứ 2 trong 9 tướng bất giác.[59] Bất giác thì không phải là Như Lai Tạng, nên nói “Như Lai Tạng không có ngã, nhân …”.

“Này thiện nam tử! Tâm đó cho đến chứng Như Lai …” là cách nói ẩn dụ để thấy cái lỗi kinh khủng của sự chấp thủ. Còn với tâm chấp thủ đó thì chẳng bao giờ có thể chứng được cái nhân Như Lai, đừng nói là niết bàn thanh tịnh, là quả niết bàn Như Lai

Tóm lại, tâm sân, tâm kiêu mạn, tâm ghen ghét, tâm sở đắc v.v… không có tâm nào là Như Lai TạngNhư Lai Tạng không hề lìa mấy tâm đó.[60] Ngay nơi những tướng đó mà không có các tướng đó, chính là Như Lai Tạng. Vì thế xuất hiện tướng NHÂN dưới.

NHÂN TƯỚNG, kinh Viên Giác nói “Thế nào là tướng nhân? Là tâm ngộ chứng của các chúng sanh”. NGỘ CHỨNG là ngộ được tâm sở chứng là ngã. 

Lấy một ví dụ để dễ hiểu, người không biết thế nào là ngã tướng thì hành xử thoải mái theo những gì mình thích và nghĩ. Bố thí tới đâu, thiên hạ biết tiếng tới đó. Nghe một câu trái với ý kinh là lùng bùng rồi cự tuyệt loạn xạ mà không thấy điều đó là lỗi. Nghe khen thì tìm cách gần mà nghe chê thì phản biện hùng hồn. Được chút sở đắc gì trong công phu tu hành thì thích thú, đắc chí v.v… Tuy nhiều hình thức khác nhau như thế nhưng đều biểu hiện cho một thứ gọi là NGÃ TƯỚNG. Nhận ra được những thứ đó đều là ngã tướng thì tướng ngã liền mất. Ngã mất nhưng tâm ấy vẫn chưa phải là Như Lai Tạng. Vì sao? Vì vẫn còn có tâm NĂNG nhận và đối tượng là SỞ nhận. Gọi cái tâm năng nhận ấy là tướng NGỘ. 

Như vậy, NGỘ là chỉ cho cái thấy biết thâm sâu hơn CHỨNG. Nó không nằm trong phạm vi của cái ta chấp thủ nữa mà thường mang tính bao quát hơn, vì thế gọi là NHÂN TƯỚNG. Ta thường gọi là NGỘ LÝ. NGỘ là sự thấu suốt về cái LÝ của mọi vật sự.[61] Vì thế, nó vi tế thâm sâu hơn tâm thủ chứng. Kinh Viên Giác nói “Ngộ này vượt hơn tất cả các cái chứng”. NGỘ không phải là CHỨNG mà vượt hơn CHỨNG, nên đặt cho nó tên mới là NHÂN TƯỚNG.

Ngộ này dù là NGỘ LÝ, nhưng một khi cái LÝ ấy vẫn còn là đối tượng của một cái NĂNG KIẾN thì TÂM NGỘ LÝ ấy vẫn chưa phải là Như Lai Tạng. Như ngoại đạo xưa, chứng thấy được mười phương hư không đều từ THỨC sanh. [62] Cái LÝ ấy không sai. Song vì chưa thấu được cội nguồn nhất tâm nên không thấy được THỨC ấy chỉ do Như Lai Tạng bất giác mà có. Không thấy được cái bất giác ấy nên không thấy được vạn pháp chỉ do thức biến. Không thấy được vạn sự đây chỉ như ngủ rồi mộng, tỉnh thì liền không, không có tánh sanh. Do không thấy được vậy, nên lập phần THỨC ấy làm cội nguồn chân thật sanh ra vạn pháp. Đó là lập cái sanh diệt vô thường làm cái thường trụ bất biến. Vạn pháp đáng lẽ chỉ như giấc mộng đêm qua giờ thành hiện thực tất cả. Vì một chút lầm lẫn đó mà phết lên mình 2 chữ ngoại đạo

Cho nên, thứ LÝ nào được chứng nghiệm còn trong vòng năng sở, thứ LÝ ấy còn có sự hạn chế của nó. Dù ngộ được LÝ TÁNH KHÔNG,[63] là cái THỂ tột cùng dứt bặt năng sở, mà sau đó còn thấy “Mình vừa ngộ được cái LÝ tột cùng. Mình đã chứng thực được tánh không của vạn pháp” thì phải biết, mình chỉ mới trực nghiệm được cái nhân là Phật tánh chứ cái quả là Như Lai Tạng thì chưa. Nghĩa là, cái ngộ ấy chưa phải là cái ngộ cuối cùng, chưa phải chứng xong cái niệm ấy là đã xong tất cả mà có thể vung tay múa chân như Tổ, Phật. Còn đến 2 đại a tăng kỳ kiếp nữa … Còn rất nhiều thứ để tu và để làm. Vì thế, kinh Viên Giác nói “Tâm còn một chút ngộ cho rằng chứng LÝ đầy đủ đều gọi là nhân tướng”. 

Đó là nói về tướng nhân và ngã, là 2 tướng có thể giải thích rõ ràng để cảm nhận. Sau là nói về 2 tướng chúng sanhthọ mạng, là những tướng khá tế.

CHÚNG SANH TƯỚNG vi tế thâm sâu hơn CHỨNG và NGỘ, vì nó là cái tâm LIỄU TRI được cái chứng và ngộ đó. Kinh Viên Giác nói “Thế nào là tướng chúng sanh? Là chỗ mà tâm tự chứng ngộ của chúng sanh không đến được. Này thiện nam tử! Chỉ cần các chúng sanh liễu được CHỨNG liễu được NGỘ đều là ngã nhân - chẳng phải là chỗ mà tướng ngã nhân đến được, còn có sở liễu [64] - gọi là chúng sanh tướng”. Trí nào thấu được bản chất của chứng và ngộ chỉ là ngã tướngnhân tướng, trí đó gọi là CHÚNG SANH TƯỚNG. Nó liễu tri được 2 tướng chứng và ngộ, nhưng vẫn chưa phải là Như Lai Tạng vì nó vẫn còn có cái sở liễu để liễu tri, nên nói CÒN CÓ SỞ LIỄU. Còn sở thì còn năng. Còn trong vòng năng sở thì chưa phải là Như Lai Tạng

Tướng THỌ MẠNG, kinh Duy Ma nói “Pháp không có thọ mạng, lìa sanh tử”. Không có thọ mạngNhư Lai Tạng không có sanh tử. Tức không có phần đoạn sanh tửbiến dịch sanh tử. Nghĩa là, một khi còn thấy sanh thì còn chưa phải là Như Lai Tạng.

Kinh Viên Giác nói “Thế nào là tướng thọ mạng? Là tâm chiếu thanh tịnh của chúng sanh giác được cái sở liễu. Tất cả nghiệp trí chẳng thể tự thấy, ví như mạng căn”. SỞ LIỄU là chỉ cho cái trí liễu tri trên, chính là TƯỚNG CHÚNG SANH vừa nói. Gọi là sở liễu vì cái liễu tri ấy bây giờ đã thành đối tượng được giác của cái năng giác là tâm thanh tịnh. Giác được thì cái được giác liền không, chỉ còn một TÂM THANH TỊNH trùm khắp. Nên tuy nói là giác mà không có sở giác. Chính là phần GIÁC MINH thanh tịnh nói trong kinh Lăng Nghiêm, phần NĂNG KIẾN của luận Đại Thừa Khởi Tín. Do không có sở giác, chỉ còn một tâm thanh tịnh chiếu soi trùm khắp, nên nhiều người đã lầm nó là cội nguồn chân thật Như Lai Tạng. Song một khi cái thanh tịnh chiếu soi ấy vẫn là đối tượng để mình cảm nhận được thì nó chỉ mới là phần SỞ MINH Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm, vẫn là phần sở giác vi tế, chưa phải là cội nguồn rốt ráo Như Lai Tạng. Đó là chính là mạng căn. Ngài Thiết Nhãn nói “Lúc đó tâm của bạn rỗng rang như hư không. Bạn cảm thấy cả pháp giới hiện hữu trong ấy, như có cái gì thanh lương khó nghĩ. Hơn phân nữa con đường hành thiền đã hoàn tất. Khi trạng thái này tiếp tục một thời gian mà bạn nghĩ mình đã được giác ngộ, và thấy mình ngang hàng với Thích Ca hay Bồ Đề Đạt Ma là bạn lầm. Ngôi vị này là thể hội ấm thứ 5. Đây là điều mà kinh Lăng Nghiêm nói “Hội nhập cái tịch lặng, trở về bờ mé của thức”… Đây là thức thứ 8 của chúng sanh. Thức này chính là nguyên nhân đưa đến luân hồi … Mặc dù thức này gần giống với bản tâm nhưng không phải là bản tâm”. Đó là hành tướng của thức ấm.

Tướng THỌ MẠNG này thâm sâu vi tế, qua được sự sanh diệt của hành ấm rồi mới thấu được tướng này. Nó là nền tảng của 3 tướng trên. Chưa qua được 3 tướng trên thì tướng này không có phần. Vì thế, nó không phải là thứ mà nghiệp trí có thể thấu được. NGHIỆP TRÍ là so với pháp trí mà nói. Vì là cái trí còn liên quan đến nghiệp lực hay sự tạo tác nên gọi là nghiệp trí. Song dù không thấy, tướng này vẫn hiện diện làm nền tảng cho 3 tướng trên. Như mạng căn, tâm của người thường không cảm nhận được, nhưng nó vẫn hiện diện trong mỗi chúng sanh, làm nền tảng cho các thứ khác được tương tục, nên gọi tướng này là tướng thọ mạng. Vì thế, kinh Viên Giác nói “Tất cả nghiệp trí chẳng thể tự thấy, ví như mạng căn”. 

Như Lai Tạng chẳng phải là cảnh sở hành của những chúng sanh có cái thấy thân kiến, điên đảo kiến và không kiến.[65] 

CẢNH SỞ HÀNH, là chỉ cho cảnh giới Như Lai Tạng. 

KIẾN là chỉ cho quan niệm sống của mình. Do đâu có quan niệm? Do cái thấy của mình đối với thân, tâm, con ngườithế giới như vậy, nên mình hình thành trong đầu mình những suy nghĩ như vậy. Suy nghĩ ấy gọi là quan niệm. Vì vậy, nói đến KIẾN là nói đến quan niệm hay định kiến

THÂN KIẾN là những tà chấp sai lầm về thân, như cho thân này là thật. Thấy thật thì đụng chuyện sẽ nẩy sinh tham, sân, si … là tâm ngã tướng. Ngã tướng thì không phải Như Lai Tạng, nên nói “Không phải là cảnh sở hành của người có cái thấy thân kiến”. 

ĐIÊN ĐẢO KIẾN là cái thấy bắt nguồn từ sự điên đảo. Thấy không đúng thực chất của sự vật, gọi là thấy điên đảo. Như tướng thế gian vô thường mà mình cho là thường, là rơi vào điên đảo kiến. Phật tánh không thường không vô thường mà nói Phật tánh vô thường, cũng rơi vào điên đảo.[66] Nói chung, không nhìn đúng bản chất của pháp trong cái duyên nó đang an trụ, gọi là điên đảo kiến. 

KHÔNG KIẾN là chỉ cho mấy vị thủ chấp cái không làm chân lý. Phàm phu do thấy mọi thứ ở thế gian hiện diện như thật nên thường rơi vào chấp CÓ hơn là chấp không. Chỉ có các vị sơ học của Đại thừa mới dính vào loại không kiến này. Như nghe Bát Nhã Tâm Kinh nói không sắc, không thọ v.v… rồi tưởng mọi thứ đều không. Hạng thứ 2 là các vị nhập được cái định vô tưởng, phi tưởng phi phi tưởng xứ gì đó của cõi Vô sắc. Đó chỉ là một trong những trạng thái của tâm trong quá trình thiền định, thấy thì không lỗi, song thủ chặt nó làm nơi an trụ cuối cùng thì rơi vào loại không kiến nói đây. 

Bạch Thế Tôn! Như Lai Tạngpháp giới tạng, là pháp thân tạng, là xuất thế gian tạng, là tánh thanh tịnh tạng. Tánh tịnh vốn có này của Như Lai Tạng, theo cái hiểu của con, tuy bị khách trần phiền não làm nhiễm vẫn là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai.

TẠNG nghĩa của nó là ẨN TÀNG SÂU KÍN cũng có nghĩa là TÍCH CHỨA RỘNG LỚN. Như tình trạng chúng ta hiện nay thì các thứ như Như Lai, pháp giới, pháp thân, xuất thế gian đều mang nghĩa ẩn tàng sâu kín. Một khi vô minh hoặc nghiệp hết, những thứ đó hiển bày bao trùm tất cả thì mang nghĩa tích chứa rộng lớn. Không nói PHÁP GIỚI mà nói PHÁP GIỚI TẠNG là để hiển bày rõ các tính chất trên của pháp giới, còn nghĩa của chúng thì không khác.

KHÁCH TRẦN là chỉ cho phiền não ở cả 2 mặt thô lẫn tế. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật giải về chữ khách trần này rất rõ. KHÁCH là đối với chủ mà nói. TRẦN, chỉ cho bụi bặm, là đối với hư không mà nói. Khi quán tâm, mình sẽ thấy : Dòng suy nghĩ này qua đi, dòng suy nghĩ khác liền đến, cái vui chợt đến, cái buồn xuất hiện … Cái BIẾT những thứ đi đến đó gọi là CHỦ. Những thứ đi rồi đến đó gọi là KHÁCH. Những thứ đi đến đó giống như bụi lấm tấm trong không gian rộng lớn của tâm nên gọi chúng là KHÁCH TRẦN.[67] Đó là một ví dụ về loại khách trần thô để ta nắm vấn đề

Phật Tổ và chư vị đại Bồ tát thường dùng ví dụ “hư không và khách trần” hoặc dùng “bụi và gương” để chúng ta cảm nhận được đôi phần về tánh tịnh của Như Lai Tạng bị phiền não làm nhiễm ra sao : Bị bụi phủ mờ nên tính sáng và trong của gương không hiển được, nhưng tính sáng và trong ấy vẫn đầy đủ không mất. Nghĩa là, bụi tuy có khả năng làm tánh sáng và trong của gương không phát ra được, nhưng không có nghĩa là làm tiêu hoại được tính sáng và trong ấy. Vì thế phu nhân Thắng Man nói “Tuy bị khách trần phiền não làm nhiễm vẫn là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai”. 

Vì sao? Hỏi để giải thích vì sao nhiễm mà vẫn không làm mất đi tính thanh tịnh của tâm.

Bạch Thế Tôn! Sát na, sát na thiện tâmbất thiện tâm, khách trần phiền não chẳng thể nhiễm. Vì sao? Vì phiền não chẳng xúc chạm tâm, tâm chẳng xúc chạm phiền não

Đơn giản vì, phiền não không chạm được đến tâm, tâm cũng không để phiền não xúc chạm. Như bụi và guơng, bám thí bám nhưng bụi không có tác dụng ăn mòn phá hủy luôn mặt gương. Đó là ý nghĩa của từ XÚC CHẠM nói đây. 

Nói SÁT NA SÁT NA là muốn diễn tả sự liên tục từ giây này qua giây khác. Nói giây là để dễ hiểu, còn SÁT NA đây chỉ cho thời gian cực nhỏ mà trí mình hiện nay không thể cảm nhận được. Như các nhà vật lý với những thiết bị tinh vi mới thấy được tốc độ của ánh sáng là 300.000km/g, còn mình thì chỉ thấy nó sáng chứ không hề thấy nó đi.

Thiện tâmbất thiện tâm là chỉ cho tâm thiện và tâm bất thiện của mình. Khi tâm nổi lên những tư tưởng tính toán, tội lỗi, tham, sân, kiêu mạn v.v… gọi là BẤT THIỆN TÂM. Ngược lại với những thứ đó gọi THIỆN TÂM

Chẳng xúc chạm nhưng sao có nhiễm tâm? Bạch Thế Tôn! Vì có phiền não, có tâm nhiễm theo, theo phiền não mà nhiễm, khó hiểu, khó biết. Chỉ có Thế Tôn là mắt, là trí, là pháp căn bản, là cao quí, là bậc đạo sư, là chỗ y chỉ của chánh pháp, mới có cái thấy biết như thật.

Không xúc thì sao có cái gọi là nhiễm? Câu hỏi rất chí lý. Áo trắng đem nhuộm đen mà thành đen thì rõ ràng phải có sự xúc chạm, màu trắng mới thành đen, sao nói không xúc chạm? BẠCH THẾ TÔN là mở đầu cho câu trả lời của mình thêm trịnh trọng. Phu nhân trả lời “Vì có phiền não, có tâm nhiễm theo, theo phiền não mà nhiễm”. Trả lời như vậy thì cũng như không trả lời, nên bà tiếp “Khó hiểu, khó biết … chỉ có Thế Tôn”. Nghĩa là, chỗ này tụi con chịu, chỉ có Như Lai mới thấy được. Đợi con thành Như Lai rồi, con sẽ trình chỗ này cho Như Lai nghe. Giờ có nói thì cũng chỉ là vọng ngữ mà thôi. Nói gì bây giờ. 

Phần sau là tán thán Phật, đồng thời cũng để hiểu vì sao bà không giải thích được chỗ này. Vì bà chưa phải là chỗ y chỉ của chánh pháp. CHỖ Y CHỈ là chỉ cho Như Lai Tạng, là tánh của tất cả pháp. Nó là nền tảng của tất cả pháp, là chỗ xuất sanh của tất cả trí, tất cả mắt, là pháp vương v.v… 

Thế Tôn ca ngợi phu nhân Thắng Man “Lành thay! Lành thay! Như bà đã nói, tánh thanh tịnh của tâm theo phiền não mà nhiễm, khó có thể biết thấu. Lại nữa Thắng Man! Có 2 pháp khó có thể biết thấu. Thế nào là 2? Một là tánh thanh tịnh của tâm khó có thể biết thấu. Hai là tâm đó bị phiền não làm nhiễm cũng khó có thể biết thấu. 2 pháp này, bà và chư Bồ tát thành tựu đại pháp mới có thể vâng nhận, còn các Thanh văn khác là do tin mà hiểu. 

Phật nghe bà “biết mình, biết ta” như vậy, liền khen “Lành thay! Lành thay!”. Đây là dịch từ chữ THIỆN ra. Cũng có thể là “Giỏi lắm! giỏi lắm!”. Trong tất cả mọi lãnh vực từ buôn bán, đánh giặc cho đến tu hành thì “biết người, biết ta” là nền tảng của sự thắng lợi. Khen là lẽ tất nhiên.

Có 2 thứ mà chỉ có Phật mới biết đó là tánh tịnh không mất của Như Lai Tạng. Tuy không mất nhưng vẫn bị nhiễm ô để có 6 đường. Vì thế nói “Khó có thể biết thấu”. VÂNG NHẬN nói đây chắc chắn không phải là thấu được toàn bộ như Phật, nhưng cũng không phải chỉ có lòng tin như hàng Nhị thừa. Trừ 2 khoảng đó ra, còn lại gọi là vâng nhận. Loại Bồ tát vâng nhận được điều này phải là loại THÀNH TỰU ĐẠI PHÁP. Chỉ cho hàng Thập địa, nhất là từ hàng Bồ tát Bát Địa trở đi. 

Này Thắng Man! Nếu đệ tử của ta là người có niềm tin tăng thượng tùy thuận pháp trí, thì ở nơi pháp ấy mà được chỗ rốt ráo.

Như Lai Tạng với đầy đủ tướng và dụng gọi là PHÁP TRÍ. Người có niềm tin tăng thượng tùy thuận pháp trí là chỉ cho người có niềm tin vững chắc đối với Phật tâm của mình rồi thực hành tu tập những pháp thuận với pháp trí. Đó là pháp giúp hành giả đi dần về cảnh giới vô niệm của tâm. Tu tập tùy thuận pháp trí thì sẽ chứng được tánh thể của pháp nên nói ĐƯỢC CHỖ RỐT RÁO.

TÙY THUẬN PHÁP TRÍ là quán căn - thức - cảnh, quán sát nghiệp báo, quán giấc ngủ của A La Hán, quán tâm tự tại, ái lạcthiền lạc, quán thần biến thông của Thanh văn, Độc giác và các Thánh. Do thành tựu 5 thứ quán thiện xảo ấy, các đệ tử Thanh văn trong hiện tạivị lai, nhơn nơi niềm tin tăng thượng tùy thuận pháp trí, sẽ hiểu được tánh thanh tịnh của tâm bị phiền não làm nhiễm thế nào mà chứng cứu cánh. Này Thắng Man! Chỗ cứu cánh ấy là nhân của Đại thừa. Các ngươi nay phải biết và tin Như Lai, đối với pháp thậm thâm chẳng sanh phỉ báng”.

Đây có 2 chỗ cần chú ý. Một là chỉ bày 5 pháp quán. Hai là nói đến việc chứng cứu cánh. Chứng cứu cánh, đây nói là NHÂN CỦA ĐẠI THỪA. Mới NHÂN chứ chưa phải QUẢ. Tức mới nói đến việc chứng tánh thể, nhà thiền gọi là kiến tánh, chưa nói gì đến việc thành ông Phật với đầy đủ lực dụng và công đức được cúng chuối xanh trên bàn thờ

QUÁN, nghĩa là NHÌN THẤY hay QUAN SÁT. Song không phải nhìn theo kiểu nhìn chất đầy quan niệm định kiến của mình hiện nay, mà phải nhìn cho đúng bản chất của sự vật. Chưa nhìn được thực chất của nó thì phải y theo kinh dạy mà tập thay đổi cái nhìn từ từ, cho đến khi nhìn đúng thực chất của chúng. 

Như 3 thứ căn - trần - thức trên. CĂN là chỉ cho 6 căn mắt, tai v.v… của mình, CẢNH là đối tượng của 6 thứ đó. Chính là sắc, thanh, hương v.v… Người đời chỉ biết ta có cái tai để nghe những âm thanh ta thích, có con mắt để nhìn cái sắc ta muốn … Không ai quan tâm đến THỨC là gì. Song người tu thì phải biết THỨC đó mới là mấu chốt của mọi vấn đề. Do THỨC mới có CĂN và CẢNH. Từ căn và cảnh đó, thức mới có cơ phát huy tác dụng. Nhiệm vụ của người tu là phải quán cho thủng được thực chất của 3 thứ đó. Quán cho đến khi nhận thấy được tánh thật của chúng : Muôn hình vạn trạng bao nhiêu thì thể tánh của chúng vẫn không. Cái không ấy không phải là đối tượng mà ta thấy được. Là không nhưng đầy đủ mọi công đức chẳng thể nghĩ bàn, không hề không ngơ. Đó là lúc mình nhận ra được tánh Phật của chính mình. 

NGHIỆP BÁO là chỉ cho những thứ có liên quan đến 3 thứ thân, khẩu, ý của mình. Thân, khẩu, ý thiện thì mình sẽ có cái quả là cảnh giới thiện. Thân, khẩu, ý bất thiện thì cái quả là những việc bất như ý trong cuộc sống, khiến mình phải khổ đau. NGHIỆP là chỉ cho những hành động của mình. BÁO là chỉ cho kết quả mình gặt được từ những hành động đó. Như anh học trò chăm chỉ học hành đúng đắn thì thi đậu, uống rượu quá nhiều thì xơ gan v.v... 

Phần nghiệp báo này trên sự mà nói thì rộng mênh mang chi xứ. Vì không phải cứ nhân đó là đã cho ra quả đó, mà còn lệ thuộc rất nhiều vào duyên. Như cùng một giống xoài nhưng trồng ở vùng đất xấu, khí hậu cũng xấu thì quả gặt ra không thể như giống xoài trồng ở đất màu mỡ. Cho nên, cùng một hành động như nhau, nhưng có khi quả báo lại khác nhau. Đây chỉ diễn giải trên phần LÝ để tạm hiểu về nghiệp báo. Còn SỰ thì không đề cập đến được. Vô vàn sai biệt! Song sai biệt thế nào, cũng không lìa tâm mà có. Tánh chúng đều không.

Quán GIẤC NGỦ CỦA LA HÁN. Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, phẩm Phật Đạo, ngài Duy Ma Cật nói “Người thấy vô vi mà vào chánh vị thời không thể còn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, ví như chỗ gò cao không thể sanh hoa sen, mà nơi bùn thấp ướt mới có hoa sen”. Người thấy vô vi vào chánh vị, là chỉ cho các vị La Hán trú luôn trong cái lạc của Diệt tận định. So với cả trường đại mộng đây thì cái định ấy cũng như một giấc ngủ ngon không mộng mị, vì các vị chưa phải là người đã tỉnh thức hoàn toàn như Phật. Có thể đây là lý do Phật nói QUÁN GIẤC NGỦ CỦA LA HÁN. Quán cho đến tận cùng giấc ngủ đó để thấy được thực tướng của nó. 

Hai thứ còn lại đều là dụng của tâm thiền định. Quán cho đến khi thấy được thực tướng của chúng.

5 thứ quán trên là phương tiện giúp người tu nhận ra tánh thể của vạn pháp. Phương tiện thì tùy thời, tùy căn cơ của chúng sanh mà lập, không nhất thiết là mọi thời phải áp dụng nó mới có được đạo quả bồ đề. Ngay trong một thời còn có vô vàn pháp môn, huống là khác thời quá xa. Song phương tiện nào thì mục đích của chúng cũng là giúp người tu đưa tâm về chỗ vô trụnhận ra được thực tướng của vạn pháp. Đây chỉ là một trong các cách tu Phật đưa ra để giúp người tu chứng nhập được tâm vô trụ. Hợp thì áp dụng. Không hợp thì thôi. 

Phu Nhân nêu bày 3 hạng người có khả năng thành tựu pháp thậm thâm. Phật phó chúc cho ngài A Nantrời Đế Thích gìn giữtruyền bá kinh này.

Phu nhân Thắng Man bạch Phật rằng “Lại có nghĩa khác được nhiều lợi ích nữa. Con muốn nương vào thần lực oai nghiêm của Phật mà nói về nó”. Bà còn muốn nói nữa, chưa hết.

Phật nói “Hay thay ! Bà cứ nói tùy ý”.

Phật khi nào cũng hoan hỉ với bà. 

Phu nhân nói “Có 3 loại thiện nam tửthiện nữ nhân, với pháp thậm thâm không còn tự hại mình, sanh nhiều công đức, bước vào con đường Đại thừa.

PHÁP THẬM THÂM là chỉ cho phần Phật pháp thâm sâu của Phật. Nói chín xác là chỉ cho pháp tánh chân như hay Như Lai Tạng. Người nào có thể tin tâm mình là Phật và bắt đầu qui hướng tu tập là đang bước vào con đường Đại thừa. Tu tập pháp Đại thừa thì tương lai sẽ có trí tuệ, được mọi công đức, thoát mọi khổ não nên nói KHÔNG CÒN TỰ HẠI MÌNH. 

Thế nào là 3? Hỏi để biết về 3 hạng người nào có thể bước vào con đường Đại thừa và không còn tự hại mình. 

1. Thiện nam tửthiện nữ nhân có thể tự mình thành tựu pháp trí thậm thâm

Đây là hạng thứ nhất. Không kể là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, miễn chịu tu là được, nên nói THIỆN NAM TỬTHIỆN NỮ NHÂN

THÀNH TỰU PHÁP TRÍ THẬM THÂM là chỉ cho hạng đối với chỗ thậm thâm đó đã có sự trực nghiệm của tự tâm. Như nói Phật tánh thì phải chứng nghiệm được cái Phật tánh ấy là gì. Như đường ngọt thì phải biết thật sự vị ngọt của đường là thế nào, không phải nghe nói nó ngọt mà tưởng ra cái ngọt ấy. Đây là chỉ cho hạng Chứng Phát Tâm trong luận Đại Thừa Khởi Tín.

2. Hạng có thể thành tựu tùy thuận pháp trí.

Đây là chỉ cho hạng Giải Hạnh Phát Tâm trong luận Đại Thừa Khởi Tín. Hạng này chưa chứng nhập được Phật tánh nhưng việc tu hành đã có sự tùy thuận. Nghĩa là, đã bước vào giai đoạn tu LÌA TƯỚNG. Tu LÌA TƯỚNG là sự tu hành bây giờ không còn đặt nặng vào những hình thức bên ngoài hoặc chỉ dừng ở mức độ tàm quí hay loại bỏ niệm ác mà đã bước qua giai đoạn phá trừ sự sanh khởi của tâm để đưa tâm trở về chỗ vô trụ. Tâm mà vô trụ thì đương nhiên phải lìa tướng

 3. Hạng đối với pháp thậm thâm chẳng thể hiểu rõ nhưng ngưỡng suy Thế Tôn “Chỉ có Phật mới biết, chẳng phải là cảnh giới của ta”. 

Hạng thứ 3 là hạng chưa trực chứng cũng chưa áp dụng pháp tu lìa tướng nhưng biết lượng sức mình và có niềm tin đối với pháp thậm thâm. Tin được điều đó không phải là người có tín căn Đại thừa thì không thể tin được, nên hạng này cũng được liệt vào hạng có phần trong Đại thừa. Đây là hạng Tín Thành Tựu Phát Tâm trong luận Đại Thừa Khởi Tín

NGƯỠNG SUY THẾ TÔNcung kính tín nhiệm đối với đức Phật. Lòng tôn kính tín nhiệm đó chính là công đứcđộng lực để hạng này có thể bước lần vào 2 địa vị trên. Đây là lẽ tất nhiên. Bởi khi mình khổ, mình chỉ có thể nghĩ đến người nào có khả năng giúp mình hết khổ, mà quan trọng là người ấy luôn có tình thương và không bỏ rơi mình. Đức Phật đủ cả BI và TRÍ, là chỗ mà mình đã đặt trọn niềm tin và sự tín nhiệm thì mình sẽ nghĩ đến ngài tức thì khi mình gặp chuyện bất an trong đời sống. Những niệm đó được huân tập lâu dần sẽ thành cái quả chính mùi. Nó chính là cái nhân cho việc tu hành. Đã tu thì sự tu hành cũng có nghiệp lực của nó. Nghiệp lực ấy chính là động cơ để người tu đi trọn con đường mình đã chọn. Đó là lý do vì sao chỉ mới có lòng tin và sự kính trọng đối với Như Lai, là đã nhập được vào một trong 3 vị đây. 

Trừ 3 loại thiện nam tửthiện nữ nhân này ra, chúng hữu tình còn lại, đối với pháp thậm thâm đều theo chỗ chấp thủ dính mắc của mình mà vọng nói, đi ngược với chánh pháp, huân tập các chủng tử hủ bại của ngoại đạo. Nếu ở những phương khác thì nên đến mà trừ diệt. Các hủ bại ấy, tất cả trời và người nên hàng phục trừ bỏ”.

Ngoài 3 hạng liệt kê trên còn lại đều vô phần với Đại thừa. Như vậy, dù là tu theo Đại thừa, Nguyên thủy hay Tiểu thừa mà trúng phải một trong 3 khoảng vừa liệt kê trên thì dù không gắn mark Đại thừa, mình vẫn phải chịu là người có căn tánh Đại thừa. Còn dù mình đang có cái mark Đại thừa, mà sàng qua sàng lại cũng không thấy mình ở đâu trong 3 khoảng đó thì coi như xong. Phát biểu linh tinh bừa bãi nữa thì lọt vào thứ mà phu nhân Thắng Man gọi là “Huân tập các chủng tử hủ bại của ngoại đạo”. 

Phát biểu linh tinh bừa bãi là nói những thứ không có trong kinh luận, chỉ toàn tưởng là tưởng mà nói. Vi tế hơn, là bóp méo kinh luận theo ý mình. Điều này rất dễ biết. Thứ gì do tưởng mà nói thì đầu xuôi đuôi không lọt, không có tính logic hay nhất quán đối với toàn bộ kinh luận của chư Phật. Đó là ý nghĩa của câu “Đều theo sự chấp thủ dính mắc của mình vọng nói”. 

Tất cả hủ bại ấy trời và người phải nên hàng phục trừ bỏ. Vì sao? Vì thứ gì đi ngược với chánh pháp đều mang lại đau khổ cho chúng sanh, xã hội rối ren, đất nước không ngóc đầu lên được. Vì thế phải trừ bỏ và hàng phục. Bản dịch của ngài Cầu Na Bạt La ghi “Những hạng ấy phải bằng sức của vua, trời, rồng, quỉ thần mà hàng phục”. Nghĩa là, nếu cần mượn đến pháp luật để ngăn ngừa trừ bỏ thì cũng phải làm. Cho nên, là Phật tử thì những thứ thuộc mê tín dị đoan như bói toán, cúng sao giải hạn v.v… là những thứ không những mình không nên theo mà còn phải giúp một tay để trừ bỏ. Song phương cách trừ bỏ thế nào là còn tùy lực, tùy duyên để việc làm của mình được tốt đẹp nhất.

Phần này cho thấy, Phật pháp không lìa dòng đời. Vì thế, nói đến Phật pháp không có nghĩa chỉ có ăn chay, nằm đất, cam chịu, nhẫn nhục v.v… Đó chỉ là những phương tiện tạm thời giúp người tu lấy lại được sự bình lặng. Từ sự bình lặng ấy mình sử dụng được trí tuệ vốn có của mình. Như NHẪN NHỤC, dù không phải là người tu hành, nó cũng là chiêu sách rất ăn tiền trong cuộc sống thường nhật. Các nhân vật trong lịch sử nhờ nhẫn nhụcđạt được thắng lợi vẻ vang. Trong cuộc sống bình thường đây, nhẫn khiến mọi thứ tốt đẹp, gia đình hạnh phúc v.v… Tu hành lại càng cần thiết. Nhẫn mới hàng phục được những tham muốn của bản thân. Nhẫn đến khi không còn thấy nhẫn nữa thì trí vô sư xuất hiện. Có trí tuệ thì việc làm của mình không nhầm lẫn. Vì thế, Phật dạy người tu phải NHẪN. Còn hình tướng ấy không phải là cái LÝ tối hậu của nhà Phật. LÝ tối hậuKHÔNG NHẪN CŨNG KHÔNG KHÔNG NHẪN. Vì được chỗ “Không nhẫn không không nhẫn” nên tùy duyên mà có nhẫn hay không nhẫn

Nếu không nắm được phần LÝ rốt ráo của nhà Phật, sẽ thấy lời nói “Nếu ở những phương khác thì nên đến mà trừ diệt. Các hủ bại ấy, tất cả trời và người nên hàng phục trừ bỏ” là đi sai với tinh thần nhẫn nhụcđức Phật đã dạy. Song nắm được lý bất biến tùy duyên, sẽ hiểu không hề có sự nghịch lý ở đây. LÝ mà đầy đủ thì SỰ nào cũng là LÝ. 

Quan trọng là người tu phải có được chánh pháp trí. Phải biết được trí tuệ của mình đến đâu để hành xử trong cuộc sống được nhịp nhàng. 

Phu nhân Thắng Man nói lời ấy xong, bà cùng với quyến thuộc đảnh lễ dưới chân Phật. Phật tán thán “Lành thay, này Thắng Man! Đối với pháp thậm thâmphương tiện thủ hộ, hàng phục oán địch, khéo hay thấu suốt. Bà đã thân cận trăm ngàn ức chư Phật Như Lai mới nói được nghĩa này”.

Sử dụng đến cái GIÁC đã nhiều nên nói thân cận trăm ngàn ức chư Phật Như Lai

Nói xong, Thế Tôn phóng quang minh chiếu khắp đại chúng, thân cất lên hư không cao bằng 7 cây đa la, rồi dùng thần thông đi trên hư không trở về thành Xá Vệ

Lúc ấy phu nhân Thắng Man cùng các quyến thuộc mắt chẳng rời chiêm ngưỡng Thế Tôn. Thế Tôn đã khuất bóng mà mọi người vẫn còn hoan hỉ phấn khởi, lần lượt xưng tán công đức của Như Lai, rồi nhất tâm niệm Phật trở về thành Vô Đấu, khuyến khích vua Hữu Xứng kiến lập Đại thừa. Trong thành, trẻ nữ từ 7 tuổi trở lên đều được bà dùng Đại thừa để giáo hóa. Vua Hữu Xứng cũng dùng Đại thừa giáo hóa trẻ nam từ 7 tuổi trở lên. Người dân khắp nước không ai là không học. 

Đây là tâm trạng của những người sau khi gặp được đức Phật. Tương tự như ngày nay mình đi nghe pháp mà gặp được vị thiện tri thức hữu duyên của mình. Ai từng có tâm trạng đó sẽ hiểu tâm trạng của những người nói đây.

NIỆM PHẬT cũng có thể là niệm danh hiệu Phật như pháp môn niệm danh hiệu Phật đang được sử dụng ngày nay, cũng có thể là nghĩ nhớ đến Phật. Phật đi rồi, nhưng tâm hướng về Phật vẫn chuyên nhất, đâu cũng chỉ có Phật trong lòng, giác tánh sáng tỏ … đều là hình thức của niệm Phật.

Phật pháp được mở rộng trong toàn nước vì những vị lãnh đạo đất nước đều là Phật tử. Con nít từ 7 tuổi trở lên đều được đức vua và phu nhân dạy cho Đại thừa. Dưới 7 tuổi thì nhỏ, khó tiếp thu Phật pháp, vì thế lấy mốc từ 7 tuổi trở lên. Con nít vừa dễ dạy mà lại dễ tiếp thu cái mới hơn là người lớn, đã chất đầy định kiếnquan niệm, nên phu nhân nhắm vào con nít mà dạy. Đây cũng biểu hiện cho phần chánh pháp trí của phu nhân Thắng Man. 


Khi ấy Thế Tôn vào Thệ Đa Lâm, nói với tôn giả A Nan và nghĩ đến Thiên Đế. Cảm ứng với niệm đó, Thiên Đế Thích cùng với quyến thuộc liền tới trước Phật. Phật nói với Thiên Đế rằng “Kiều Thi Ca! Ông phải thọ trì, khai thị, giảng nói kinh này, làm cho cõi trời Tam Thập Tam được an lạc”. Lại nói với A Nan “Ông cũng phải thọ trì, vì bốn chúngphân biệt giảng nói”.

Đây là lời dặn dò của Phật với ngài A Nan và vua Đế Thích. BỐN CHÚNGTỷ kheo, Tỷ kheo ni, cư sĩ namcư sĩ nữ. Ngài A Nan chịu trách nhiệm truyền dạy cho 4 chúng đó. Còn trời Đế Thích thì chịu trách nhiệm truyền dạy cho chư thiên

Điều này cho thấy không phải chỉ có những người đến chùa mặc áo tu mới được giảng nói kinh này. Ngoài 4 chúng ra, chư thiên cũng được giảng nói kinh này. Nghĩa là, kinh vẫn đang được truyền bá rất rộng ở khắp mọi nơi, không phải chỉ trong màu áo tăng ni hay cư sĩ. Phật pháptinh thần xả thânnhân loại vẫn hiện diện thầm lặng trong những con người không mang màu áo đạo Phật. Đó là những bộ kinh Thắng Man sống động trong đời sống đây. Bởi không ai không có Phật tánh, không ai không có trí tuệ và đức tướng mà Như Lai đã có. Chỉ cần chúng ta không để cái tôi và những cái của tôi hiện diện làm mờ đi chân tánh của mình, thì những gì phu nhân nói đây sẽ tự hiển bày

Thiên Đế Thích bạch với Phật “Bạch Thế Tôn! Tên gọi của kinh này là gì? Làm sao để phụng trì?”. 

Trên chỉ là một buổi “Trình kiến giải và phát lời thệ nguyện của phu nhân Thắng Man. Đồng thời là lễ thọ kýdạy bảo của đức Phật đối với phu nhân cùng những người hữu duyên với bà”. Đây, Phật dạy làm thành kinh để truyền bá cho đời sau. Vì thế, Ngài Đế Thích hỏi tên kinh và cách lưu truyền cũng như cách phụng trì kinh. 

Phật nói với Thiên Đế “Kinh này thành tựu vô biên công đức. Lực của tất cả Thanh vănĐộc giác còn chẳng thể bằng, huống là các chúng hữu tình khác. Kiều Thi Ca phải biết, kinh này thậm thâm vi diệu, tích tụ nhiều công đức. Nay ta vì ông mà lược nói tên của nó. Lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy nghiệm đó!”.

Kiều Thi Ca là tên cúng cơm của trời Đế Thích. Trước khi tóm lược đại ý của kinh, Phật nói về công đức của kinh. 

Thiền Sư Thánh Nhất nói “Chân pháp là con đường giải thoát tối thượng, khi lọt vào tai ai một lần, người ấy sẽ được thọ ký vào Bồ tát đạo”. Bồ tát đạocon đường tích tụ rất nhiều công đức.

Thiên Đế Thíchtôn giả A Nan bạch Phật “Hay quá, bạch Thế Tôn! Con kính vâng thọ trì”.

Sự mong mõi được đáp ứng nên 2 vị reo mừng.

Phật nói “Kinh này tán thán công đức chân thật của Như Lai, nên như thế mà thọ trì! Nói về 10 hoằng thệ chẳng thể nghĩ bàn, nên như thế mà thọ trì! Vì một đại nguyện nhiếp tất cả nguyện, nên như thế mà thọ trì! Nói về việc nhiếp thọ chánh pháp chẳng thể nghĩ bàn, nên như thế mà thọ trì! Nói nhập Nhất thừa, nên như thế mà thọ trì! Nói về vô biên đế, nên như thế mà thọ trì! Nói về Như Lai Tạng, nên như thế mà thọ trì! Nói về Phật pháp thân, nên như thế mà thọ trì! Nói về nghĩa tánh không là cái chân thật ẩn tàng, nên như thế mà thọ trì! Nói về nghĩa của Nhất đế, nên như thế mà thọ trì! Nói về nhất qui y thường trụ, bất động, tịch tịnh, nên như thế mà thọ trì! Nói về cái điên đảochân thật, nên như thế mà thọ trì! Nói về tự tánh thanh tịnh của tâm bị phiền não che đậy, nên như thế mà thọ trì! Nói về đứa con đích thực của Như Lai, nên như thế mà thọ trì! Nói về phu nhân Thắng Man sư tử hống, nên như thế mà thọ trì! 

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nói ra kinh này là để đoạn trừ tất cả nghi, quyết định liễu nghĩa, nhập Nhất thừa đạo. Này Kiều Thi Ca! Nay sở dĩ nói kinh Phu Nhân Thắng Man Sư Tử Hống, là muốn giao phó cho ông đến khi pháp được tồn tại. Trong mười phương thế giới, hãy khai thị và giảng nói”.

Đức Phật nói kinh này ra là muốn kinh được tồn tại ở đời. Kinh nói đây không phải là những lời nói, ngôn từ cũng như chính bản kinh đây. Nó chính là tinh thầnphu nhân đã nói qua 3 đại nguyện và 10 lời hoằng thệ của bà. Phật muốn tinh thần ấy được phát huy và tồn tại trong mỗi người chúng ta. Mỗi người phải là một bộ kinh Thắng Man, tiếp nối lan truyền từ đời này sang đời khác “Ta giao phó cho ông đến khi Pháp được tồn tại”. Pháp chỉ thực sự được tồn tại khi mỗi con người chúng ta chính là một phu nhân Thắng Man. Còn kinh luận dù in ấn đẹp đẽ bao nhiêu, được truyền bá lưu giữ kỹ càng từ đời này sang đời khác bao nhiêu, mà chưa hề rời khỏi học tủ để làm lợi ích cho người, thì chẳng có nghĩa gì đối với Phật pháp. Theo thời gian rồi cũng hoại tàn, chẳng còn dấu ấn. Đó không phải là điều Phật muốn giao phó cho những người con của Phật. 

Thiền sư Sessan nói “Có 3 loại nghe pháp. Thứ nhất là nghe theo kiểu bắn súng, tức nhận được từ tai này qua tai kia và không còn lưu giữ được gì. Thứ hai là nghe theo kiểu cái rỗ. Khi đặt một vật vào, phần tinh túy lọt mất còn phần cặn bã đọng lại. Thứ ba là nghe như sự tiêu hóa : Tống khứ cặn bã và chỉ hấp thu cái tinh túy. Trong khi nghe pháp chúng ta phải cẩn trọng để nghe theo cách thứ ba. Nếu không, sự an lạc chỉ là nghe qua trên đầu môi chót lưỡi. Lỗ tai ở thiên đường nhưng chỉ riêng lỗ tai thôi”. [68]

Đây là Phật nhấn mạnh lại những phần tinh túyPhật tử phải hấp thu nó như hấp thu chất bổ vào ruột mà thiền sư Sessan đã nói. Bản Hán văn của ngài Cầu Na Bạt Đà La ghi rõ các tiêu đề này vào từng phần của bản kinh. Như phần “Tán thán công đức của Như Lai” được lấy làm tiêu đề cho phần đầu, là đoạn từ khi phu nhân nhận được thư của cha mẹ, gặp Phật rồi ca ngợi Phật và được Phật thọ ký. “10 hoằng thệ nguyện” là tiêu đề của phân đoạn phu nhân phát 10 lời thệ nguyện v.v...

Riêng phần “Không tánh nghĩa ẩn phú chân thật”, đây không dịch “Nghĩa tánh không che mất cái chân thật” hoặc “Thuyết chân thật bị che lấp bởi nghĩa không” mà dịch “Nghĩa tánh không là cái chân thật ẩn tàng”. Vì sao? Vì trí tánh không là nhân của cái quả chân thật ẩn tàng kia. Nó là chủng tử vô lậu sẵn có trong mỗi chúng sanh. Khai mở được nó chính là bước đầu giúp khai mở Như Lai Tạng. Không trực chứng được cái nhân đó, không thể có cái quả là Như Lai Tạng. Là nhân của Như Lai Tạng thì không thể che mờ Như Lai Tạng. TỊNH TRÍ của Thanh văn che mờ cái chân thật thì có lý, vì phần tịnh trí đó vẫn còn thuộc thức ấm. Song TRÍ TÁNH KHÔNG thì không phải là tịnh trí của Thanh vănDuyên giác, như phu nhân Thắng Man từng khẳng định “Như Lai Tạng đó chính là trí tánh không Như Lai, là chỗ mà tất cả Thanh vănĐộc giác chưa từng thấy cũng chưa từng chứng”. Đó là lý do bản dịch đây không dịch ẨN PHÚ như là một động từ, mà dịch nó theo nghĩa tỉnh từ bổ nghĩa cho cái chân thật.

Thiên Đế Thích nói “Hay thay, Bạch Thế Tôn! Con kính vâng thọ trì”.

Đã thỏa mãn những nghi vấn nên lại vui mừng reo lên lần nữa. 

Nghe Phật nói xong, Thiên Đế Thích, tôn giả A Nan cùng với chúng hội trời, người, A tu la, Càn thát bà v.v… đều sinh tâm đại hoan hỉ, tin nhận phụng hành

Chấm dứt bản kinh ai nấy cũng vui vẻ hoan hỉ. Song không chỉ có vui vẻ thôi mà còn tin nhận phụng hành nữa. Như mình đi nghe pháp, nghe Hòa thượng giảng xong, mình thấy trong tâm nhẹ nhàng hoan hỉ, nhưng chừng đó chưa đủ. Nghe hay mà không làm thì cái hay đó sẽ theo gió bay mất. Vì thế, cần phải ghi nhớ thực hành nữa. Đó mới đúng là nghe pháp hay đọc kinh, mới là Phật tử đích thực. Hãy nghe pháp theo loại nghe pháp thứ ba vừa nói trên, không nên nghe pháp theo kiểu bắn súng hay hóa thân làm cái rỗ mà nghe pháp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 11605)
Bài kinh không những chỉ dành riêng cho người cao tuổi mà cho tất cả những ai muốn tu tập, nhằm mang lại cho mình một tâm thức an bìnhtrong sáng.
(Xem: 11921)
Bài kinh được xem là tinh hoa tâm linh của người xuất gia, như ngón tay chỉ mặt trăng và như chiếc bè đưa sang bờ giải thoát.
(Xem: 11089)
Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến...
(Xem: 11328)
Trong bài kinh nầy, Đức Phật giảng về đời sống tốt đẹp cần phải có của một cư sĩ Phật tử.
(Xem: 12047)
Kinh này được dịch từ Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikàya IV, 380). Kinh tương đương trong tạng Hán là kinh số 106 của bộ Tạp A Hàm.
(Xem: 12543)
Đây là một bài kinh rất phổ thông tại các quốc gia Phật giáo Nam truyền và thường được chư Tăng tụng và thuyết giảng trong các dịp lễ.
(Xem: 10741)
Trong bản kinh này Đức Phật thuyết giảng về bản chất vô thường và vô thực thể của năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn tạo ra một cá thể con người.
(Xem: 17958)
"Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn"
(Xem: 11705)
Tánh không không nhất thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng thực dụngthiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải thoát.
(Xem: 9928)
Của cải kếch xù của một người như thế nếu không biết sử dụng thích đáng thì cũng sẽ bị vua chúa tịch thu, bị trộm cắp vơ vét, bị thiêu hủy vì hỏa hoạn...
(Xem: 10156)
Bồ Tát Thiện Giới, hiểu theo nghĩa Việt là những giới tốt lành, hay kheo, chơn chánh của Bồ tát.
(Xem: 12336)
Kinh Kim Cang thuộc hệ Bát Nhã, một trong ngũ thời giáođức Phật đã thuyết, và là quyển thứ 577 trong bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.
(Xem: 15315)
Kinh Di Giáo là một tác phẩm đúc kết những gì cần thiết nhất cho người xuất gia. Đây là những lời dạy sau cùng của Đức Phật, đầy tình thương và sự khích lệ.
(Xem: 11217)
Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-parinirvana-sutra), cũng được gọi tắt là Kinh Đại Niết Bàn, hoặc ngắn hơn là Kinh Niết Bàn
(Xem: 14309)
Đức Phật A Di Đà do lòng Đại từ bi, Đại nguyện lực, như nam châm hút sắt, nhiếp thọ hết tất cả chúng sanh trong mười phương vào trong cõi nước Tịnh độ của Ngài,
(Xem: 12067)
Kinh Sa-môn quả đã được đức Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Nội dung tất cả các phương pháp Phật trình bày trong kinh này đều xoáy sâu vào ba vô lậu học là giới – định – tuệ.
(Xem: 15301)
Sáu chữ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA sẽ được giải ở câu đầu tiên của phần nội văn, bây giờ giải đề Kinh chỉ giải hai chữ TÂM KINH
(Xem: 11981)
Đề cương kinh Pháp Hoa là học phần cương yếu, Thượng nhân Minh Chánh nêu lên cốt lõi của kinh qua cái nhìn của thiền sư Việt Nam...
(Xem: 12383)
Tên của bộ Kinh này là Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, tên riêng là "Lục Tổ Pháp Bảo Đàn." "Kinh" là tên chung của các bộ Kinh
(Xem: 11147)
Duy ma trọng nhất là bồ đề tâmthâm tâm. Bồ đề tâm thì vừa cầu mong vừa phát huy tuệ giác của Phật. Thâm tâmchân thành sâu xa trong việc gánh vác chúng sinh đau khổ và hội nhập bản thể siêu việt.
(Xem: 12061)
Bài Bát-nhã Tâm kinh do ngài Huyền Trang đời Đường dịch vào năm 649 dương lịch, tại chùa Từ Ân. Toàn bài kinh gồm 260 chữ.
(Xem: 10589)
Thế Tôn đã để lại cho chúng ta một phương pháp để thẩm định đâu là giáo lý Phật Giáo, đâu không phải là những lời dạy của đức Phật.
(Xem: 12540)
Quyển Pháp Hoa Đề Cương là một tác phẩm thật có giá trị của một Thiền sư Việt Nam gần thời đại chúng ta.
(Xem: 13137)
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi Saigon Xuất Bản 1964, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam-Hoa Kỳ Chùa Huệ Quang Tái Xuất Bản
(Xem: 14769)
Phật pháp không phải là một, không phải là hai, từ lâu truyền lại, ngoài tâm có pháp tức ngoại đạo. Người học đạo Phật ai ai cũng biết như thế.
(Xem: 12630)
Kinh Đại Bát Niết Bànbài kinh nói về giai đoạn cuối đời của đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn.
(Xem: 16520)
Nghĩa lý kinh Kim cương là ngoài tầm nghĩ bàn, phước đức kinh Kim cương cũng siêu việt như vậy.
(Xem: 19615)
Phật dạy tất cả chúng sanh đều sẵn có Trí huệ Bát Nhã (Trí huệ Phật) từ vô thỉ đến nay. Trí huệ Bát Nhã rất là quý báu và cứng bén, như ngọc Kim cương hay chất thép.
(Xem: 13089)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 348 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12638)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 250 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12221)
Tạng Kinh là bản sưu tập gồm tất cả những bài Kinh đều do Đức Phật thuyết vào những lúc khác nhau.
(Xem: 11811)
Bài kinh được bắt đầu bằng những điều ta cần làm để được bình an. Không phải là những điều ta cần làm cho tha nhân.
(Xem: 10874)
Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật.
(Xem: 13467)
Thích Đức Nhuận, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới California, USA Xuất bản 2000
(Xem: 11919)
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Dao Tần dịch. Sa môn Hám Sơn Thích Đức ThanhTào Khê, đời Minh soạn - Việt Dịch: Hạnh Huệ
(Xem: 11821)
Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy, Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
(Xem: 11611)
Bồ tát Long Thọ ra đời khi các cánh cửa của Phật giáo Đại thừa được bắt đầu mở rộng.
(Xem: 12743)
Kinh Căn Bản Pháp Môn nêu lên hai cách tu tập: Chỉ (samātha) và Quán (vipassana). Đây là hai cách tu tập cần yếu trong hành trình dẫn đến giác ngộ.
(Xem: 14487)
Trong tác phẩm này, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu một phần quan trọng của tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) là kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) trong hình thức toàn vẹn của nó.
(Xem: 12584)
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, bắt đầu từ ngày 28/5/1998, tổng cộng gồm năm mươi mốt tập (buổi giảng).
(Xem: 15640)
Bộ kinh này có mặt ở Trung Quốc từ đời nhà Đường (618-907). Ngài Bát Lạt Mật ĐếDi Già Thích Ca dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
(Xem: 13590)
Kinh Pháp Cú là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
(Xem: 12868)
Diệu Pháp Liên Hoa có thể nói là bộ kinh nổi tiếng nhất trong khu vườn kinh điển Phật giáo Đại thừa.
(Xem: 9843)
Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học.
(Xem: 17987)
Thế Tôn đã từng dạy, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải được gốc rễ hận thù, tranh chấp, đối kháng và loại trừ lẫn nhau, ngoài từ bi không có con đường nào khác.
(Xem: 11139)
Kinh Kim Cương là một bộ kinh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử học tập và tu luyện của Phật giáo nước ta. Từ giữa thế kỷ thứ 7, trước cả Lục tổ Huệ Năng, thiền sư Thanh Biện của dòng thiền Pháp Vân đã nhờ đọc kinh này mà giác ngộ.
(Xem: 9050)
“Ư bỉ nhị thập nhất câu chi Phật độ, công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát, sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ.” Chỉ một câu văn trong kinh Vô Lượng Thọ mà ta đã có ba chữ nói về cõi Phật.
(Xem: 12151)
Chúng ta biết rằng, lý do tồn tại của Thiền cốt ở tâm chứng, không phải ở triết luận có hệ thống. Thiền chỉ có một khi mọi suy luận được nghiền nát thành sự kiện sống hàng ngày và trực tiếp thể hiện sinh hoạt tâm linh của con người.
(Xem: 13026)
Bài kinh này được chọn trong bộ kinh Theragatha mà kinh sách Hán ngữ gọi là Trưởng Lão Tăng Kệ, thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka).
(Xem: 10276)
Này người Bả-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã vung lên ba thanh kiếm bất hạnh...
(Xem: 12163)
Mettâ-sutta là một bản kinh ngắn rất phổ biến trong các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Đại Thừa. Tên quen thuộc bằng tiếng Việt của bản kinh này là "Kinh Từ Bi"
(Xem: 15278)
Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không chỉ là yếu chỉ tu hành của những người tu Phật mà còn có công năng chuyển hóa những tâm hồn bi quan, khổ đau trong cuộc đời, giúp họ sống tỉnh giác và xả ly, tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh sống.
(Xem: 16575)
BÁT NHÃ TÂM KINH (Prajnaparamitahridaya Sùtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát nhã ba la mật (Prajnaparamità).
(Xem: 12184)
Bát-nhã là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung-hoa có nghĩa là trí-huệ, tiếng Việt-nam mình cũng giữ chữ đó là trí-huệ.
(Xem: 11440)
Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lựcniềm tin của nhân loại.
(Xem: 14243)
Đại Thừa Khởi Tín Luận - Con đường đưa đến giác ngộ, Tác Giả: Mã Minh - Dịch & Giải: Chân Hiền Tâm.
(Xem: 19650)
Tỳ Kheo GiớiTỳ Kheo Ni Giới do HT Thích Trí Quang dịch và giải
(Xem: 14134)
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng. Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
(Xem: 24559)
600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì, sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo; đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.
(Xem: 10662)
Kinh 42 Bài là dịch từ chữ Hán Tứ Thập Nhị Chương. Kinh nầy có nhiều bản chữ Hán. Bản lưu hành cho đến gần đây, theo sự ước đoán của Hòa Thượng Trí Quang
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant