Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Phẩm 5 Dược Thảo Dụ

25 Tháng Năm 201000:00(Xem: 7391)
Phẩm 5 Dược Thảo Dụ

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI

Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không

 

PHẨM 5 DƯỢC THẢO DỤ

 

Dược Thảo Dụ là ví dụ cây cỏ thuốc. Ngang đây đáng lý Phật thọ ký cho các vị Tỳ-kheo và A-la-hán. Nhưng vì Phật muốn nói rộng cho hàng Thanh văn thấy rõ công đức chân thật của Như Lai, rồi sau mới thọ ký, nên Phật nói phẩm Dược Thảo Dụ này.

CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Ma-ha Ca-diếp và các vị đại đệ tử

- Hay thay! Hay thay! Ca-diếp! Khéo nói được công đức chân thật của đức Như Lai. Đúng như lời các ông vừa nói; đức Như Lai lại còn có vô lượng vô biên a-tăng-kỳ công đức, các ông dầu trải qua vô lượng ức kiếp nói cũng không hết được.

Ca-diếp nên biết! Đức Như Lai là vua của các pháp nếu có nói ra lời chi đều không hư dối vậy. Phật ở nơi tất cả pháp dùng trí huệ phương tiện mà diễn nói đó, pháp của Phật nói thảy đều đến bậc Nhứt thiết trí. Đức Như Lai xem biết chỗ qui thú của tất cả pháp, cũng rõ biết chỗ tâm sở hành của tất cả chúng sanh thông thấu không ngại. Phật lại ở nơi các pháp rốt ráo rõ biết hết, chỉ bày tất cả trí huệ cho các chúng sanh.

GIẢNG:

Đức Phật xác nhận Tôn giả Ma-ha Ca-diếp khéo tán thán công đức của Như Lai. Đúng như lời của Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói, Như Lai còn có vô lượng vô biên công đức, dù trải qua vô số kiếp nói cũng không hết được. Sở dĩ Như Lai có được công đức như thế do Ngài tu nhân lành vô lượng vô biên, là hành Lục độ ba-la-mật, độ vô số chúng sanh được giải thoát. Ngài tu mãi cho đến khi công hạnh viên mãn thành Phật mới thôi. Còn hàng phàm phu chúng ta chỉ tu được nhân phước báo của nhân thiên, nó hữu lượng hữu biên, nên thành tựu quả cũng hữu lượng hữu biên, vì vậy còn quanh quẩn trong cõi trời cõi người. Ở đây nói trì kinh Pháp Hoacông đức nhiều là vì kinh này dạy Bồ-tát tu đến Phật quả mới viên mãn công hạnh, chớ không dừng ở bất cứ quả vị nào. Quả Phật là chỗ cứu kính của người tu Phật, nên nói kinh Pháp Hoa là vua các kinh là nghĩa đó.

Phật lại nói Như Lai là vua tất cả pháp, nói lời không hư dối, dùng sức trí tuệ phương tiện nói pháp đều đưa chúng sanh đến bậc Nhất thiết trí. Như Lai biết chỗ qui thú của tất cả pháp, cũng biết rõ tâm sở hành của chúng sanh. Chỗ qui thú của tất cả pháp là nguồn cội của các pháp, Phật giác ngộ thấy rõ nhân nào đưa chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử, nhân nào đưa chúng sanh tới chỗ giải thoát Niết-bàn. Ngài thấy tận nguồn cội của pháp hữu vi sanh diệtthế gianpháp vô vi bất sanh bất diệt xuất thế gian. Bởi thấy tận nguồn cội của các pháp, nên thấy được tâm sở hành của chúng sanh, tức là tâm ưa thích đến chỗ này đến chỗ kia của chúng sanh. Do biết pháp và biết tâm người nên Phật giáo hóa thông suốt không chướng không ngại. Chúng ta hiện thời, pháp thì biết chút ít, tâm người cũng biết sơ sơ, nên giáo hóa thường bị chướng ngại. Nếu biết pháp mà không biết tâm người, thì nói pháp chỉ khế lý mà không khế cơ nên người nghe không thỏa mãn, không thực hành theo, không được lợi ích, do đó có chướng ngại. Nếu biết tâm người mà không biết pháp thì cũng không giáo hóa được, vì chính bản thân mình chưa tu chưa tiến, làm sao biết rõ đường hướng để chỉ dạy cho người tu theo? Thế nên giáo hóa mà bị chướng ngại là lỗi tại chúng ta chưa được trí tuệ viên mãn, không biết pháp không rõ tâm người!

CHÁNH VĂN:

2.- Ca-diếp! Thí như trong cõi tam thiên đại thiên nơi núi, sông, khe, hang, ruộng, đất, sanh ra cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc, bao nhiêu giống loại tên gọi màu sắc đều khác. Mây dầy bủa giăng trùm khắp cõi tam thiên đại thiên, đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm. Cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc: hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ; hoặc thứ gốc bậc vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn.

Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng, trung, hạ mà hấp thọ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ được sanh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sanh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.

GIẢNG:

Phật dụ mặt đất sanh ra cây cỏ thuốc, cây nhỏ, cây vừa, cây lớn, màu sắc tên gọi khác nhau. Một trận mưa xuống, tùy theo khả năng của mỗi loại mà thấm nhuần sanh trưởng khác nhau. Ở đây nêu lên hai cái bình đẳng. Bình đẳng thứ nhất là cây lớn, cây vừa, cây nhỏ, tất cả đều từ đất mọc lên. Bình đẳng thứ hai là dù cây nhỏ cây vừa, hoặc cây lớn cũng được nước của trận mưa rưới đều. Cùng từ đất mọc lên, cùng nhận nước từ một trận mưa, mà sức hấp thụ phân nước của mỗi loại sai khác, nên thấm nhuần và sanh trưởng cũng sai khác.

Đất là dụ cho Tri kiến Phật nơi mỗi chúng sanh ai cũng có sẵn. Mưa là dụ cho pháp Phật dạy chung cho tất cả, nhưng tùy theo sự mê muội của mỗi chúng sanh dày hay mỏng mà nhận hiểu sâu hay cạn. Đó là do căn cơ của mỗi loại mà lợi ích có sai khác, không phải pháp Phật dành cho người cao hay dành cho người thấp. Vì căn cơ sai biệt nên pháp trở thành sai biệt. Cũng như trong pháp hội này, thính chúng đều là người xuất gia, ai cũng muốn nghe pháp mà đến đây. Tôi giảng cũng bình đẳng không đặc biệt dành riêng cho một người nào. Nhưng trong đây, có người hiểu sâu, có người hiểu cạn, có người nghe vui vẻ hân hoan, có người nghe không hiểu buồn ngủ... Có phải tại tôi nói pháp chú ý người này nên họ vui vẻ hân hoan, bỏ rơi người nọ nên họ buồn ngủ không? Tôi nói pháp bình đẳng, đối với người có khả năng tiếp thu được, họ hiểu nên họ vui. Người thiếu khả năng, nghe không hiểu nên buồn ngủ. Đó là do trình độ người nghe sai biệt nên hiểu biết cũng sai biệt

Qua ví dụ trên, chúng ta thấy rằng sở dĩ Phật nói ba thừa là tại căn cơ của chúng sanh sai biệt, nên Ngài tùy thuận nói, nhưng chỗ thú hướng bình đẳng là Ngài qui Tam thừa trở về Nhất thừa. Đó là ý nghĩa cùng một thửa đất cùng một đám mưa, nhưng tùy loại giống mà hấp thụ phân nước khác nhau nên có cây lớn, cây trung, cây nhỏ khác nhau.

CHÁNH VĂN:

3.- Ca-diếp nên biết! Đức Như Lai cũng lại như thế, hiện ra nơi đời như là vừng mây lớn nổi lên, dùng giọng tiếng lớn vang khắp thế giới cả trời, người, a-tu-la, như mây lớn kia trùm khắp cõi nước tam thiên đại thiên. Phật ở trong đại chúng mà xướng lời nầy:

"Ta là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Người chưa được độ thời làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ thời làm cho tỏ ngộ, người chưa an thời làm cho được an, người chưa chứng Niết-bàn thời làm cho chứng Niết-bàn, đời nay và đời sau Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc Nhứt thiết trí, bậc Nhứt thiết kiến, là bậc Tri đạo, bậc Khai đạo, bậc Thuyết đạo. Các ngươi, hàng trời, người, a-tu-la đều nên đến đây vì để nghe pháp vậy."

Bấy giờ có vô số nghìn muôn ức loài chúng sanh đi đến chỗ đức Phậtnghe pháp. Lúc đó đức Như Lai xem xét các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sanh đó, thuận vừa sức nó kham được mà vì chúng nói pháp, chủng loại nhiều vô lượng, Phật đều khiến vui mừng được nhiều lợi lành. Các chúng sanh nầy nghe pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, do đạo được thọ hưởng vui và cũng được nghe pháp, đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại, ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần đều được vào đạo.

Như mây lớn kia mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng, và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng.

Đức Như Lai nói pháp một tướng, một vị, nghĩa là: tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc "Nhứt thiết chủng trí". Có chúng sanh nào nghe pháp của Như Lai hoặc thọ trì, đọc tụng, đúng như lời mà tu hành, được công đức tự mình không hay biết.

Vì sao? Vì chỉ có Như Lai là biết Chủng tướng Thể tánh của chúng sanh đó: Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Nhớ thế nào? Nghĩ thế nào? Tu thế nào? Dùng pháp gì để nhớ? Dùng pháp gì để nghĩ? Dùng pháp gì để tu? Dùng pháp gì được pháp gì?

Chúng sanh ở nơi các bậc, chỉ có đức Như Lai thấy đó đúng như thật, rõ ràng không bị ngại. Như cây cối lùm rừng, các cỏ thuốc kia không tự biết tánh thượng, trung, hạ của nó.

Đức Như Lai biết pháp một tướng một vị ấy, nghĩa là: tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết-bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, Phật biết như thế rồi xem xét tâm ưa muốn của chúng sanh mà dắt dìu nó, cho nên chẳng liền vì chúng vội nói "Nhứt thiết chủng trí".

Ca-diếp! Các ông rất là hi hữu, có thể rõ biết đức Như Lai tùy cơ nghi nói pháp hay tin hay nhận, vì sao? Vì các đức Phật Thế Tôn tùy cơ nghi nói pháp khó hiểu khó biết.

GIẢNG:

Tới đây, chúng ta thấy như đức Phật tự khen mình. Nhưng kỳ thật Phật xác định công đức Như Lai rộng lớn như vậy, là do làm lợi ích cho chúng sanh trong vô số kiếp mới được thành tựu quả Phật. Ngài tuyên bố dõng dạc rằng: Khả năng và sở nguyện của Ngài là làm lợi ích chúng sanh đến chỗ viên mãn. Đối với người chưa được độ Ngài làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ Ngài làm cho tỏ ngộ, người chưa an Ngài làm cho được an, người chưa chứng Niết-bàn Ngài làm cho chứng Niết-bàn, ở đời này và đời sau, Ngài đều biết đúng như thật. Ngài là bậc Nhất thiết trí, bậc Nhất thiết kiến, bậc Tri đạo, bậc Khai đạo, bậc Thuyết đạo. Hàng trời, người, a-tu-la nên đến để nghe pháp.

Xét lại, chúng tachúng sanh đời sau chưa được độ, chưa được tỏ ngộ, chưa được an, chưa được Niết-bàn mà Phật đã diệt độ rồi, sao ở đây Ngài lại nói như thế? Đức Phật là đấng Vô thượng sư, một ông thầy không có ai hơn được. Khi đức Phật còn tại thế, Ngài thường khuyên dạy các Tỳ-kheo phải y theo pháp mà nỗ lực tu hành. Muốn đền ơn Phật là phải giáo hóa chúng sanh, giáo hóa chúng sanhđền ơn Phật. Chúng ta ở đời này cũng như chúng sanhđời sau không có duyên gặp Phật. Thuở Phật ra đời, không biết chúng ta là loài chúng sanh nào, có thể là kiến hay muỗi cắn Phật một chút, do cái duyên đó nên ngày nay cách Phật mấy ngàn năm mới được gặp Phật pháp tu hành. Tuy gặp Phật pháp mà chỉ gặp gián tiếp, chớ không được gặp trực tiếp. Chính vì lời dạy trên của Phật, mà sau khi Phật niết-bàn, hàng đệ tử lớn của Ngài ghi chép lời dạy của Ngài thành Tam tạng giáo điển lưu truyền cho đời sau. Người đi trước đã tu học, dạy cho người sau được tu học, cứ thế mà truyền mãi cho tới ngày nay, nên tất cả chúng ta cũng được gặp Phật pháp. Tuy chúng ta không tỏ ngộ như người xưa, nhưng cũng được phần tỉnh sáng, tuy không được Niết-bàn an vui vĩnh viễn như người xưa, nhưng cũng được những giờ phút an ổn. Ngày nay chúng ta được phúc duyên ngồi đây nghe pháp, là chúng ta đã được Phật gián tiếp độ rồi. Chúng ta được tỉnh sáng phần nào là nhờ Phật mà được tỏ ngộ. Tâm chúng ta bớt phiền não là nhờ Phật mà được an. Như vậy lời nói của Phật không dối.

Sở dĩ đạo Phật tồn tại hơn hai ngàn năm trăm năm nay là do giáo pháp Phật còn, và còn người tu đúng theo pháp Phật. Ngoài ra chùa chiền, di tích, nghi thức tôn giáo chưa phải là yếu tố chánh để duy trì Phật pháp. Trọng tâm của sự truyền bá đạo Phật, là phải làm sao chính mình thông hiểuthực hành đúng pháp Phật, để được lợi ích thực tiễn, rồi dạy người hiểu và tu đúng theo pháp Phật, được lợi ích như mình. Cho nên chúng tôi tự thấy trách nhiệm là phải làm sao cho Tăng NiPhật tử hiểu, thực hành được những gì mà chúng tôi đã hiểu, đã thực hành, thì khả dĩ Phật pháp mới được trường tồn. Nếu hiểu Phật pháp mà không tu hoặc tu sai, hay tu mà không hiểu Phật pháp là tự mình hủy diệt mình, tự làm cho đạo Phật không còn giá trị chân chánh nữa.

Phật nói Ngài là bậc Nhất thiết trí, tức là trí Phật biết được tất cả. Bậc Nhất thiết kiến, tức là Phật thấy được tất cả. Bậc Tri đạo, tức là Phật biết đường để dẫn cho mọi người đi. Bậc Khai đạo, tức Phật là người mở đường cho chúng sanh đi. Bậc Thuyết đạo, tức Phật là người nói con đường cho chúng sanh biết để đi. Vì vậy nên tất cả hãy đến để nghe. Phật biết rõ trình độ của chúng sanh nào là lợi căn, độn căn, tinh tấn, giải đãi... Ngài tùy theo căn cơ của họ mà giảng nói để họ cũng được lợi ích. Ngài không bỏ sót một người nào, khôn lanh Phật cũng độ, dại khờ Phật cũng độ, siêng năng Phật cũng độ, lười biếng Phật cũng độ. Nên Ngài nói ai ai cũng đều được lợi lành, được an ổn, đời sau sanh vào cõi lành, hưởng vui sướng. Nhờ nghe pháp Phật mà bớt chướng ngại, lần lần sẽ được vào đạo, chứng Phật quả. Pháp Phật ví như một đám mưa lớn rưới khắp tất cả cỏ cây, tùy theo giống của mỗi loại đều được hấp thụ, đượm nhuần và sanh trưởng.

Pháp Phật nói chỉ có một tướng, một vị, đó là tướng giải thoát, vị giải thoát. Phật giáo hóa suốt bốn mươi chín năm, Ngài nói pháp rất nhiều, tại sao chỉ có một tướng giải thoát, một vị giải thoát? Như chúng ta biết, Phật nói pháp thấp nhất là năm giới, người giữ năm giớigiải thoát được năm phần chướng nạn. Ví dụ người có tật tham lam trộm cắp, khi phát nguyện giữ năm giới thì không trộm cắp nữa, không trộm cắp là đã giải thoát được cái nạn bị bắt bớ đánh đập tù tội. Người ghiền rượu khi phát nguyện giữ năm giới thì giải thoát được cái nạn nghiện ngập say sưa. Vậy giữ một giới là giải thoát được một nạn chướng, giữ hai giới là giải thoát được hai nạn chướng... Trong luật gọi là từng phần giải thoát. Như vậy không phải pháp Phật có một vị là vị giải thoát sao?

Tướng xa lìaxa lìa tham sân si, phiền não chấp trước. Đối trước danh lợi, tài sắc... biết là giả dối không thật, không khởi tham sân si, chấp trước, đó là xa lìa, chớ không phải chạy trốn danh lợi, tài sắc mới gọi là xa lìa. Tướng diệt là sạch hết mọi vọng niệm, tâm thanh tịnh, hướng đến bậc Nhất thiết chủng trí. Sở dĩ Phật dạy cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát, là vì Ngài được Nhất thiết chủng trí, tức là trí biết được mọi chúng sanh. Nên ai nghe kinh này rồi thọ trì, đọc tụng và đúng như lời Phật dạytu hành thì người đó được công đức tự mình không hay biết, không thể suy lường. Chúng ta ngày nay chỉ đọc tụng mà không đúng như lời Phật dạy để tu hành, cho rằng đọc tụng nhiều là tu nhiều. Tu và đọc có giống nhau không? Nếu bảo đọc tụng kinh là tu, tôi cho rằng chưa đúng. Vì sao? Ví dụ một bệnh nhân đến bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ cho toa bảo về nhà mua đủ những thứ thuốc ghi trong toa mà uống sẽ lành bệnh. Bệnh nhân đem toa về cứ đọc tới đọc lui hiệu thuốc ghi trong toa, mà không mua thuốc để uống. Như thế bệnh có lành không? Cũng vậy, ở đây Phật dạy đọc tụng rồi đúng như lời dạy của Phật mà tu hành mới được công đức. Phải hiểu chỗ này cho thật kỹ. Đọc rồi nhớ ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống đó là tu, chớ không phải đọc tụng suông như đọc toa thuốc mà gọi là tu được.

Hiện tại có rất nhiều người tụng kinh Pháp Hoa, tu theo kinh Pháp Hoa, nhưng chúng ta tụng và tu theo kinh Pháp Hoa với tâm niệm gì? Cầu Trí tuệ Phật hay cầu phước báo, cầu lợi lộc? Nếu cầu phước cầu lợi là phản bội kinh Pháp Hoa rồi! Tôi xin nhắc lại kinh Pháp Hoa dạy tu để được Nhất thiết chủng trí, tức là tu để được Trí tuệ Phật. Phật dạy một đàng chúng ta làm một nẻo, mà cho là trì kinh, cho là mình tu cao, chỉ tăng trưởng lòng tham, tăng trưởng ngã mạn. Đó là một cái bệnh mà ít ai biết. Nói lời thật thì khó nghe và làm mích lòng người. Nhưng biết, thấy người tu sai mà không nói thì vấp phải cái lỗi bỏn sẻn, nên buộc lòng chúng tôi phải nói. Giảng kinh Pháp Hoa là phải làm sáng tỏ lý kinh, chớ để cho người tu theo kinh Pháp Hoa mà tu lầm, tu sai thì không được.

Tại sao trì tụng kinh và đúng như lời dạy của Phật tu hành mà không tự biết công đức? Vì mình không tự biết mình căn cơ ở bậc thượng, bậc trung hay bậc hạ. Chỉ có Phật mới biết, nên Ngài mới bủa ra nhiều pháp môn. Chúng sanh thích hợp với pháp môn nào thì ứng dụng pháp môn đó mà tu hành, chớ tự mình không biết. Phật do được Nhất thiết chủng trí mới biết được Chủng tướng, Thể tánh của chúng sanh: Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Nhớ thế nào? Nghĩ thế nào? Tu thế nào? Dùng pháp gì để nhớ? Dùng pháp gì để nghĩ? Dùng pháp gì để tu? Và được pháp gì? Nên Ngài đúng theo từng tâm niệm của chúng sanhgiáo hóa được kết quả thiết thực. Chúng ta tu chưa được Nhất thiết chủng trí, nói pháp không đúng tâm niệm của chúng sanh nên không có kết quả tốt.

Xưa ngài A-nan hướng dẫn cho hai vị đệ tử Sa-di tu, một vị Ngài dạy quán sổ tức, một vị Ngài dạy quán bất tịnh. Cả hai tu một thời gian không kết quả, khi gặp lại Ngài, hai vị trình là tu không tiến bộ. Ngài A-nan thắc mắc tại sao mình dạy tu đúng với pháp Phật mà đệ tử tu không có kết quả. Ngài bèn trình việc này lên Phật, Phật hỏi hai vị đó trước làm nghề gì. Ngài A-nan thưa, một người làm thợ rèn, một người giữ nghĩa địa. Phật nói ngài A-nan dạy tu không hợp căn cơ của người. Với người thợ rèn thì nên dạy tu sổ tức, vì thợ rèn hay thụt ống bễ, dạy quán sổ tức họ dễ nhớ dễ thực hành. Người giữ nghĩa địa thường thấy thây chết nên dạy quán bất tịnh. Theo lời Phật, ngài A-nan dạy hai vị Sa-di tu một thời gian được kết quả tốt. Để thấy chúng ta chưa được Nhất thiết chủng trí, không biết tâm hành của chúng sanh, nên giáo hóa không có kết quả. Vì vậy, chúng ta tu nửa chừng như hiện nay, dù có thông minh đến đâu đi nữa, cũng chưa đủ phương tiện giáo hóa người, nên đừng tự mãn mà phải tu cho đến chỗ rốt ráo thành Phật mới thôi. 

Phật lặp lại một lần nữa là pháp Phật có một tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết-bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, là chỉ cho Niết-bàn tịch diệt không có tướng mạo, không sanh diệt, không vô thường. Phàm cái gì có hình tướng thì sanh diệt, vô thường, là duyên hợp huyễn hóa không thật. Do đó Phật mới dùng phương tiện để đưa mọi người tu từ thấp lần lần lên cao, rồi đến Trí tuệ Phật là cái chân thật. Nên nói Như Lai tùy cơ nghi nói pháp mà tâm phàm phu chúng ta khó có thể hiểu biết được.

Tới đây Phật khen Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề rất là hi hữu ít có. Tại sao Phật khen các ngài rất ít có? Vì các ngài biết rõ Phật tùy cơ nghi nói pháp nên tin nhận được, chỗ khó hiểu khó biết bây giờ các ngài đã hiểu đã biết. Như vậy là các ngài xứng đáng gánh vác trách nhiệm mà Phật giao phó, nên Phật khen để rồi sau này Phật thọ ký.

CHÁNH VĂN:

Khi đó đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

4.- Pháp vương phá các cõi

Hiện ra trong thế gian

Theo tánh của chúng sanh

Dùng các cách nói pháp.

Đức Như Lai tôn trọng

Trí huệ rất sâu xa

Lâu giữ pháp yếu này

Chẳng vội liền nói ra

Người trí nếu được nghe

Thời có thể tin hiểu,

Kẻ không trí nghi hối

Thời bèn là mất hẳn.

Ca-diếp! Vì cớ đó

Theo sức chúng nói pháp

Dùng các món nhân duyên

Cho chúng được chánh kiến.

Ca-diếp ông nên biết!

Thí như vừng mây lớn

Nổi lên trong thế gian

Che trùm khắp tất cả

Mây trí huệ chứa nhuần

Chớp nhoáng sáng chói lòa

Tiếng sấm xa vang động

Khiến mọi loài vui đẹp

Nhựt quang bị che khuất

Trên mặt đất mát mẻ

Mây mù sa bủa gần

Dường có thể nắm tới.

Trận mưa đó khắp cùng

Bốn phương đều xối xuống

Dòng nước tuôn vô lượng

Cõi đất đều rút đầy

Nơi núi sông hang hiểm

Chỗ rậm rợp sanh ra

Những cây cối cỏ thuốc

Các thứ cây lớn nhỏ

Trăm giống lúa mộng mạ

Các thứ mía cùng nho 

Nhờ nước mưa đượm nhuần

Thảy đều tươi tốt cả.

Đất khô khắp được rưới

Thuốc cây đều sum sê

Vừng mây kia mưa xuống

Nước mưa thuần một vị

Mà cỏ cây lùm rừng

Theo mỗi thứ đượm nhuần

Tất cả các giống cây

Hạng thượng, trung cùng hạ

Xứng theo tánh lớn nhỏ

Đều được sanh trưởng cả.

Gốc thân nhánh và lá

Trổ bông trái sắc vàng

Một trận mưa rưới đến

Cây cỏ đều thấm ướt

Theo thể tướng của nó

Tánh loại chia lớn nhỏ

Nước đượm nhuần vẫn một

Mà đều được sum sê.

 

 

GIẢNG:

Phần trùng tụng lặp lại ý chính ở trên là, Phật ra đời cốt chỉ cho mọi người nhận ra Tri kiến Phật. Nhưng vì căn cơ chúng sanh không đồng, nên phải tùy theo trình độgiáo hóasai biệt, để cho người cao cũng như người thấp đều nhận được lợi íchcuối cùng Ngài đưa đến chỗ cứu kính bình đẳng là quả Phật. Phật dụ pháp Phật bình đẳng như nước mưa có một vị ngọt rưới khắp cỏ cây lớn nhỏ, tùy mỗi loại cây mà hấp thụ nước sai biệt, nhưng loại nào cũng bình đẳng nhận lợi ích.

CHÁNH VĂN:

5.- Đức Phật cũng như thế 

Hiện ra nơi trong đời 

Ví như vầng mây lớn

Che trùm khắp tất cả.

Đã hiện ra trong đời

Bèn vì các chúng sanh

Phân biệt diễn nói bày

Nghĩa thật của các pháp

Đấng Đại Thánh Thế Tôn

Ở trong hàng trời người

Nơi tất cả chúng hội

Mà tuyên nói lời này:

Ta là bậc Như Lai

Là đấng Lưỡng Túc Tôn

Hiện ra nơi trong đời

Dường như vừng mây lớn

Thấm nhuần khắp tất cả

Những chúng sanh khô khao

Đều làm cho lìa khổ

Được an ổn vui sướng

Hưởng sự vui thế gian

Cùng sự vui Niết-bàn.

Các chúng trời người nầy

Một lòng khéo lóng nghe

Đều nên đến cả đây

Ra mắt đấng Vô thượng

Ta là đấng Thế Tôn

Không có ai bằng được

Muốn an ổn chúng sanh

Nên hiện ra trong đời 

Vì các đại chúng nói

Pháp cam lồ trong sạch

Pháp đó thuần một vị

Giải thoát Niết-bàn thôi.

Dùng một giọng tiếng mầu

Diễn xướng nghĩa nhiệm nầy

Đều thường vì Đại thừa

Mà kết làm nhân duyên

Ta xem tất cả chúng

Khắp đều bình đẳng cả

Không có lòng bỉ thử

Cùng với tâm yêu ghét

Ta không chút tham đắm

Cũng không có hạn ngại

Hằng vì tất cả chúng

bình đẳng nói pháp

Như khi vì một người

Lúc chúng đông cũng vậy

Thường diễn nói pháp luôn

Từng không việc gì khác

Ngồi, đứng, hoặc đến, đi

Trọn không hề nhàm mỏi

Đầy đủ cho thế gian

Như mưa khắp thấm nhuần

Sang hèn cùng thượng, hạ

Giữ giới hay phá giới

Oai nghi được đầy đủ

Và chẳng được đầy đủ

Người chánh kiến, tà kiến

Kẻ độn căn, lợi căn

Khắp rưới cho mưa pháp

Mà không chút nhàm mỏi.

Tất cả hàng chúng sanh

Được nghe pháp của ta

Tùy sức mình lãnh lấy

Trụ ở nơi các bực

Hoặc là ở trời, người

Làm Chuyển Luân Thánh vương

Trời, Thích, Phạm, các vua

Đó là cỏ thuốc nhỏ

Hoặc rõ pháp vô lậu

Hay chứng được Niết-bàn

Khởi sáu pháp thần thông

Và được ba món minh

Ở riêng trong núi rừng

Thường hành môn Thiền định

Chứng được bực Duyên giác

Là cỏ thuốc bực trung.

Hoặc cầu bực Thế Tôn

Ta sẽ được thành Phật

Tu hành tinh tấn, định

Là cỏ thuốc bực thượng.

Lại có hàng Phật tử

Chuyên tâm nơi Phật đạo

Thường thật hành từ bi

Tự biết mình làm Phật

Quyết định không còn nghi

Gọi đó là cây nhỏ.

Hoặc an trụ thần thông

Chuyển bất thối pháp luân

Độ vô lượng muôn ức

Trăm nghìn loài chúng sanh

Bồ-tát hạng như thế

Gọi đó là cây lớn.

Phật chỉ bình đẳng nói

Như nước mưa một vị

Theo căn tánh chúng sanh

Mà hưởng thọ không đồng

Như những cỏ cây kia

Được đượm nhuần đều khác.

6.- Phật dùng món dụ này 

Để phương tiện chỉ bày

Các thứ lời lẽ hay

Đều diễn nói một pháp

Ở nơi trí huệ Phật

Như một giọt trong biển.

Ta rưới trận mưa pháp

Đầy đủ khắp thế gian

Pháp mầu thuần một vị

Tùy sức riêng tu hành,

Như thể lùm rừng kia

Và cỏ thuốc những cây

Tùy giống lớn hay nhỏ

Lần lần thêm sum sê.

Pháp của các đức Phật

Thường dùng thuần một vị

Khiến cho các thế gian

Đều khắp được đầy đủ

Lần lựa siêng tu hành

Rồi đều được đạo quả.

Hàng Thanh văn, Duyên giác

Ở nơi chốn núi rừng

Trụ thân hình rốt sau

Nghe Phật pháp được quả

Đó gọi là cỏ thuốc

Đều được thêm lớn tốt.

Nếu các vị Bồ-tát

Trí huệ rất vững bền

Rõ suốt cả ba cõi

Cầu được thừa tối thượng

Đó gọi là cây nhỏ

Mà được thêm lớn tốt.

Lại có vị trụ thiền

Được sức thần thông lớn

Nghe nói các pháp không

Lòng rất sanh vui mừng

Phóng vô số hào quang

Độ các loài chúng sanh

Đó gọi là cây lớn

Mà được thêm lớn tốt

Như thế, Ca-diếp này!

Đức Phật nói pháp ra

Thí như vừng mây lớn

Dùng nước mưa một vị

Đượm nhuần nơi hoa người

Đều được kết trái cả

Ca-diếp ông phải biết

Ta dùng các nhân duyên

Các món thí dụ thảy

Để chỉ bày đạo Phật

Đó là ta phương tiện

Các đức Phật cũng thế

Nay ta vì các ông

Nói việc rất chân thiệt

Các chúng thuộc Thanh văn

Đều chẳng phải diệt độ

Chỗ các ông tu hành

Là đạo của Bồ-tát

Lần lần tu học xong

Thảy đều sẽ thành Phật.

 

GIẢNG:

Pháp Phật nói thì bình đẳng, không đặc biệt chú trọng kẻ thân người sơ, kẻ thấp người cao... Hạng người nào đến với Phật, Phật đều bình đẳng giáo hóa cho, không có tâm bỉ thử cùng với tâm yêu ghét. Nên việc giáo hóa của Ngài không chướng ngại, không hạn cuộc, khiến cho người nghe ai ai cũng đều được lợi ích. Tuy nhiên, tùy theo hạnh nguyện của mỗi người, mà sự lợi íchsai biệt. Đối với người nghe pháp Phật, phát tâm qui y giữ năm giới mong đời sau làm người lương thiện hưởng phước lành. Hoặc người phát tâm tu Thập thiện mong đời sau sanh lên cõi trời hưởng phước báo an vui, hoặc làm Chuyển Luân Thánh vương. Những người tu với hạnh nguyện như thế, Phật dụ như cỏ thuốc nhỏ. Đối với người tu theo pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, mong chứng quả Thanh văn, Duyên giác, Phật dụ như loại cỏ thuốc bậc trung. Đối với người tu chỉ mong cầu thành Phật không mong cầu quả vị nào khác và tinh tấn tu hành, tin mình sẽ thành Phật, Phật dụ như loại cỏ thuốc bậc thượng. Đối với hàng Bồ-tát mới phát tâm, thực hành hạnh từ bi, làm lợi ích chúng sanh, tinh tấn tu hành, tin mình sẽ thành Phật không còn nghi ngờ nữa. Hàng Bồ-tát này, Phật dụ như loại cây nhỏ... Đối với hàng Bồ-tát an trụ thần thông, chuyển pháp luân bất thoái, độ vô lượng vô số chúng sanh, đây chỉ cho hàng Bồ-tát từ Sơ địa cho tới Thập địa. Hàng Bồ-tát này được Phật dụ như loài cây lớn.

Trong năm hạng người phát tâm tu với hạnh nguyện sai khác, được Phật dụ cho ba loại cỏ và hai loại cây. Chúng ta tự kiểm lại xem chúng ta thuộc hạng nào trong năm hạng này? Ở đây đức Phật cụ thể hóa ví dụ, là trình độ chúng sanh tuy sai biệt nên pháp tu có thấp cao, nhưng pháp Phật thì bình đẳng chỉ có một vị giải thoát. Bởi pháp Phật bình đẳng chỉ có một vị giải thoát, tuy lúc đầu phát tâm nhỏ, tu giữ năm giới, tu Thập thiện, nhưng dần dần sẽ tiến đến chỗ viên mãnthành Phật, chớ không có dừng nghỉ ở một quả vị nửa chừng.

Phẩm Dược Thảo Dụ nói lên tâm bình đẳng của Phật khi giáo hóa chúng sanh, giống như nước mưa rưới khắp tất cả loài cây cỏ. Và chúng sanh ai ai cũng có Tri kiến Phật, bình đẳng như nhau cùng nghe pháp Phật, tùy theo căn cơ sai biệtlợi ích có sai khác. Nhưng cuối cùng rồi cũng được thành Phật, giống như các loài cây cỏ đều từ mặt đất mọc lên tùy loại giống mà hấp thụ nước mưa sai khác, nhưng tất cả cây lớn hay cỏ nhỏ loại nào cũng đều được sanh trưởng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 15666)
Luận Văn Tổng Quát Về Đại Thừa do HT. Thích Trí Quang dịch giải
(Xem: 10979)
Nguyên tánh chân nhưlặng lẽsáng suốt không có gì gọi là chúng sanh (ngã), vũ trụ (pháp)...
(Xem: 53450)
Mông Sơn Thí Thực là một nghi thức đã được sử dụng rất phổ cập trong các ngôi Già lam thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông. Có ba loại nghi thức Mông Sơn: Đại Mông Sơn, Trung Mông Sơn và Tiểu Mông Sơn.
(Xem: 12875)
Bồ-tát Mã Minh tạo luận, Tam tạng pháp sư Chân Đế dịch Hán. HT Thích Trí Quang dịch giải Việt
(Xem: 16392)
Các phương thuốc của thế giới này, đa dạng và nhiều vô kể, thế nhưng chẳng có một phương thuốc nào có thể sánh với Đạo Pháp.
(Xem: 15263)
Tạng Luật được hình thành từ những điều luật được đặt ra để chỉnh đốn đạo đức tác phong của chúng đệ tử Đức Phật...
(Xem: 19055)
"Chỉ vì đại sự nhơn duyên duy nhấtĐức Phật xuất hiện thế gian, đó là muốn mọi người, mọi chúng sanh đều thành Phật đồng như Đức Phật".
(Xem: 19816)
Tại Na-lan-Đà có một phái tu khổ hạnh, vị đứng đầu là Ni-kiền Thân-Tử, ông có cả nghìn đệ-tử, và có người tôn xưng ông là bậc Thánh...
(Xem: 15423)
Được HT Thích Tuệ Sỹ dịch theo bản Sanskrit, do Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành năm Quý Mùi.
(Xem: 15243)
Tiếng Phạn “Sa Di”, ở đây dịch là Tức Từ, ý nói: Dứt ác, hành điều từ, dứt nhiễm ô thế giantừ bi cứu giúp chúng sanh. Còn dịch là Cần Sách, hoặc dịch là Cầu Tịch.
(Xem: 15060)
“Sau khi ta diệt độ, nên tôn trọng, kính quý Ba La Đề Mộc Xoa (Giới) như tối tăm gặp ánh sáng, như nghèo khó được của báu."
(Xem: 20185)
Đức Phật dạy rằng, người nào sống không giới luật, tuy ở gần ta mà cũng như cách xa ta muôn dặm; người nào sống có giới luật, tuy ở xa ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên ta.
(Xem: 23732)
Vào dịp lễ Vu-lan Thắng hội, Phật tử có tục lệ cúng thí người chết. Dưới đây Tập san trích dịch đoạn kinh có liên hệ đến ý nghĩa cúng thí này.
(Xem: 15349)
Trẫm từng nói: Phật pháp chia ra Đại thừa, Tiểu thừa là việc thuộc về bên tiếp dẫn. Kỳ thật mỗi bước Tiểu thừa đều là Đại thừa, mỗi pháp Đại thừa chẳng lìa Tiểu thừa.
(Xem: 12950)
Tất cả nam nữthế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nghiệp nhân gieo tạo đời trước mà cảm thọ quả báo hiện tại.
(Xem: 19852)
“Nhất thiết hữu vi pháp; Như mộng, huyễn, bào, ảnh; Như lộ diệc như điện; Ưng tác như thị quán.”
(Xem: 13175)
Thành thật luận (Satyasiddhi-sastra) do Ha-lê-bat-ma tạo luận, Cưu-ma-la-thập dịch Hán, Nguyên Hồng dịch Việt, thâu lục trong Đại chính, Đại Tạng Kinh số No 1647.
(Xem: 28929)
Chân Như Quan Của Phật Giáo (Ðặc biệt lấy Bát-Nhã làm trung tâm) Nguyên tác: Kimura Taiken; Việt Dịch: HT. Thích Quảng Độ
(Xem: 11603)
Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho toàn thể quý học chúng Bồ tát giới tại gia, có đầy đủ bi trí lực để hoàn thành bản nguyện tự lợi, lợi tha, trong khung trời giải thoát tự tại của chánh pháp Như Lai.
(Xem: 18184)
Tôi được Tăng sai phụ trách hướng dẫn Bồ tát Học xứ cho chúng Giới tử tân thọ Bồ tát giới...
(Xem: 16525)
Kinh AN BAN THỦ Ý là một trong những bản kinh được xuất bản sớm nhất ở Viễn Đông và đã góp phần vào việc phổ biến Phật giáo qua việc giảng dạy cách thức thiền tập...
(Xem: 13128)
Bồ tát Long Thọ trước tác Trung luận gồm 27 phẩm (chương) 446 bài kệ, mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Ở Ấn Độ các bản luận giải thích như Vô Úy luận...
(Xem: 12693)
Trong Luật tạng, bộ Luật đầu tiên theo trong sử nhắc đến là bộ Bát thập tụng luật do Tôn giả Ưu-ba-li tám mươi lần ngồi tụng thì mới xong bộ Luật của Phật dạy.
(Xem: 13124)
Một thời Đức Thế Tôn ở tại cung điện của chú tể Đại dương, cùng với chúng đại tỳ kheo tám ngàn vị và chúng đại bồ tát ba mươi hai ngàn vị.
(Xem: 12882)
Người giảng: Lão Hòa thượng Tịnh Không; Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ – Viên Đạt cư sĩ; Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
(Xem: 12770)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 215, Hán dịch Pháp Cự; Việt dịch: Thích Bảo An
(Xem: 12900)
Đại Chánh Tân Tu, Kinh số 706, Bộ Kinh Tập, Hán dịch: Thi Hộ; Việt dịch: Thích Thiên Ân
(Xem: 13440)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32 số 1648 thuộc Luận Tập Bộ Toàn; Ưu Ba Đề Sa; Tăng Già Bà La; HT Thích Như Điển
(Xem: 11589)
Vãng sinh tập đều ghi chép nhiều truyện có thật đời xưa tu Tịnh độ được vãng sinh Tây phương của đủ các hạng người xuất gia lẫn tại gia, của cả loài vật... Chúc Đức dịch Việt
(Xem: 14142)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Luận Tập, Kinh số 1666; Bồ-tát Mã Minh tạo luận; Hán dịch: Chân Đế; Việt dịch: Nguyên Hồng
(Xem: 17648)
Đây là một quyển kinh Phật Giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới... Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Xem: 22277)
Kinh Pháp Hoa ai cũng biết là bộ Kinh Tối Thượng Thừa mà nó không phải Đại Thừa và cũng gọi là Phật Thừa... HT Thích Thắng Hoan
(Xem: 13345)
Kinh PHÁP-HOA là một bộ kinh lớn mà từ xưa đến nay, sau khi đức Phật diệt-độ, được lưu thông nhứt và được nhiều người tụng-trì nhứt trong các bộ kinh lớn... HT Thích Trí Tịnh
(Xem: 14197)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Hoa Nghiêm, Kinh số 0301, Hán dịch: Thật Xoa Nan Ðà; Việt dịch: HT Thích Minh Lễ
(Xem: 105565)
Sám văn gồm có ba cuốn ngày nay là sám văn ấy. Đem nước từ bi tam muội rửa sạch oan nghiệp nhiều kiếp, lấy ý nghĩa đó để mệnh danh Thủy sám... HT Thích Trí Quang
(Xem: 14502)
Trong đời mạt pháp, các đệ tử của ta chỉ đeo đuổi theo bên ngoài, ít có ai quan niệm đến vấn đề Sanh Tử... HT Thích Thiền Tâm
(Xem: 19633)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0665, Hán dịch: Nghĩa Tịnh, Việt dịch: HT Thích Trí Quang
(Xem: 38301)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0642; Hán dịch: Cưu Ma La Thập; Việt dịch: Định Huệ
(Xem: 15421)
阿 毘 達 磨 俱 舍 論 A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận I... dịch theo bản Sanskrit... Tuệ Sỹ
(Xem: 34546)
Tăng đoàn thực hành đúng Pháp và Luật của Phật đã chế định trong sự cùng nhau cộng trú hòa hợpthanh tịnh, cùng nhau giải tán trong sự hòa hợpthanh tịnh.
(Xem: 15948)
Phật Thừa Tôn Yếu luận là một trong nhiều tác phẩm của Đại sư Thái Hư, mang ý nghĩa bao quát nội dung giáo nghĩa Đại thừa Tiểu thừa... Thích Thiện Hạnh Dịch
(Xem: 11266)
Kim Sư Tử Chương là một tác phẩm rất ngắn của thầy Pháp Tạng nhưng bao hàm được giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm... HT Thích Nhất Hạnh
(Xem: 15568)
Luận Phật Thừa Tông Yếutùy thuận theo thời cơ lược nói về tông bảncương yếu của Phật pháp... Nguyên tác: Đại sư Thái Hư; Thích Nhật Quang dịch Việt
(Xem: 13906)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0639, Hán dịch: Na Liên Ðề Da Xá, Việt dịch: Thích Chánh Lạc
(Xem: 12744)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0628, Hán dịch: Pháp Thiên, Việt dịch: Thích nữ Tịnh Nguyên
(Xem: 13571)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0626, Hán dịch: Chi Lâu Ca Sấm, Việt dịch: Phật tử Phước Thắng
(Xem: 12397)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0619, Hán dịch: Đàm Ma Mật Đa, Việt dịch: Thích Nguyên Xuân
(Xem: 19292)
Từ Bi Thủy Sám Pháp - Trước thuật: Ngộ Đạt Thiền Sư; Dịch Giả: Thích Huyền Dung
(Xem: 26888)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Sử Truyện, số 2076, Nguyên tác Đạo Nguyên, Việt dịch: Lý Việt Dũng
(Xem: 13054)
Thiết Lập Tịnh Độ là quyển sách của HT Thích Nhất Hạnh giảng giải về Kinh A Di Đà với góc nhìn thiền học
(Xem: 13372)
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí-Tịnh, Anh dịch: Quảng Định / Quảng Hiếu hiệu đính, Sưu tập: Tuệ Uyển
(Xem: 21486)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0615, Hán dịch: Cưu Ma La Thập, Việt dịch: Thích Nguyên Xuân
(Xem: 17860)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0614, Hán dịch: Cưu Ma La Thập, Việt dịch: Thích Nguyên Xuân
(Xem: 21757)
Quyển "Thập thiện nghiệp đạo kinh giảng yếu" của ngài Thái Hư Pháp sư, thấy tóm tắt dễ hiểu, lời lẽ giản dị mà ý nghĩa đầy đủ, lại rất hợp với căn cơ hiện tại... Thái Hư
(Xem: 14081)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0600, Hán dịch: Thực Soa Nan Đà, Việt dịch: HT Thích Tâm Châu
(Xem: 15969)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0599, Hán dịch: Nghĩa Tịnh, Việt dịch: Nguyên Thuận
(Xem: 15983)
Bản dịch Việt được thực hiện bởi Nhóm Phiên dịch Phạn Tạng, dựa trên bản Hán dịch của Huyền Trang, A-tì-đạt-ma Câu-xá luận... Tuệ Sỹ
(Xem: 18971)
Theo Viên TrừngTrạm Nhiên (1561- 1626), ở trong Kim cang tam muội kinh chú giải tự, thì Đức Phật nói kinh nầy sau Bát nhãtrước Pháp hoa... Thích Thái Hòa
(Xem: 24599)
Thiền Luận - Tác giả: Daisetz Teitaro Suzuki; Quyển Thượng, Dịch giả: Trúc Thiên; Quyển Trung và Hạ, Dịch giả: Tuệ Sỹ
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant