KINH KIM CƯƠNG
BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hòa Thượng Thích Trí Quang Dịch Giải
Lược giải Kim cương 1
Phân khoa.-
Kim cương được dịch thành 1544
câu, 52 đoạn, phân khoa có năm lớp, đánh dấu bằng 5 chữ : kinh, kim, cương bát,
nhã. Kim cương có ba kinh, kinh 1 mở đầu, kinh 2 nội dung, kinh 3 kết thúc.
Kinh 1. -mở đầu,
có hai kim : kim 1 mở đầu như các
kinh khác, kim 2 mở đầu bằng hai câu hỏi đáp căn bản.
Kim 1.- mở đầu như các kinh khác
(đoạn 1)
Chính văn.-
1. Tôi nghe như vầy : Một thời
Thế tôn ở nước Xá vệ (1), trong khu lâm viên Chiến thắng Thiện thí (2), cùng
với một ngàn hai trăm năm chục vị đại tỷ kheo (3).
Ghi chú.-
(1) nước Xá vệ.- Xá vệ vốn là
tên thủ đô nước Kiều tát la (nên gọi là thành Xá vệ). Sau vì để khác với nước
Kiều tát la ở nam bộ Ấn nên lấy tên Xá vệ làm quốc hiệu luôn. Xá vệ có nghĩa là
Nổi tiếng. Thời Phật, đãy là nước của Ba tư nặc vương, thuộc tây bắc bộ Ấn.
(2) Chiến thắng thiện thí.-
Chiến thắng (hay Thắng) là dịch nghĩa tên vương tử Kỳ đà. Thiện thí (khéo cho)
hay Cấp cô độc (chu cấp những người cô độc) là dịch nghĩa tên trưởng giả Tu đạt
đa. Chiến thắng Thiện thí, hay (Thắng cấp cô độc) là liên danh hai người này để
gọi khu vườn rừng mà họ chung nhau hiến Phật. Ở đó có tinh xá Kỳ viên, nơi Phật
thuyết Kim cương.
(3) Sau câu này, Nd và Ecd thêm
: và các đại bồ tát.
Phân khoa.-
Kim 2.- mở đầu bằng hai câu hỏi
đáp căn bản (đoạn 2-6)
Chính văn.-
2. Vào lúc bấy giờ gần đến giờ
ăn, nên đức Thế tôn sửa y, cầm bát (1), đi vào khất thực trong thành Xá vệ.
Tuần tự khất thực (2) trong thành này rồi, Ngài về chỗ ở, ăn uống xong xuôi,
thu dọn y bát, rửa sạch hai chân và trải đồ lót lót chỗ mà ngồi (3).
Ghi chú.-
(1) Sửa y, cầm bát.- Y là
y ca sa, bát là bát ứng khí
(2) Tuần tự khất thực.- là khất
thực hết đường này đến đường khác, hết nhà này qua nhà khác, không lựa chọn,
dầu được hiến cúng hay không, và chưa giáp vòng thì không trở lại trên một
đường, đến lại nơi một nhà.
(3) Trải đồ lót lót chỗ mà
ngồi.- (a) Dịch rõ như vậy là tham chiếu Cd. Chỗ ngồi của Phật có thể do Ngài
tự sắp, hoặc do người sắp cho như Nd và Ecd dịch, nhưng ai sắp đi nữa thì trước
khi ngồi, Phật cũng tự trải tọa cụ lót chỗ ấy rồi mới ngồi. Phép của tỷ kheo là
như vậy. (b) sau câu này, các bản dịch khác đều thêm : "mà ngồi xếp bằng,
thẳng mình, tập trung tư tưởng như đối trước mặt. Các vị tỷ kheo đến chỗ Ngài,
lạy ngang chân và đi quanh Ngài ba vòng rồi ngồi xuống một bên". Có người
chú thích tập trung tư tưởng như đối trước mặt là Phật nhập đại định Bát nhã,
và thuyết Kim cương là sự biểu hiện kỳ diệu của đại định này. Thêm và cắt nghĩa
như vậy không khỏi khuôn sáo và mất đi sự giản dị của Phật đáng có ở đây.
Lược giải.-
Tả Phật như đoạn này là nói Phật
vì chúng sinh nên không ở niết bàn mà ở sinh tử, và ở sinh tử thì Ngài cũng
chịu cái thân đói khát ăn uống, cũng làm một vị tỷ kheo, và là vị tỷ kheo rất
gương mẫu. Tất cả điều này chính là vô trú bát nhã (vô trú niết bàn) của đại
thừa mà Phật đem ra nâng đỡ và giao phó cho Bồ tát, một cách đích thân biểu thị
chứ không phải chỉ cần lời nói.
Chính văn.-
3. Lúc ấy Thiện hiện (1), một
vị trưởng lão, cũng có ở trong các đại tỷ kheo. Từ chỗ mình ngồi, trưởng lão
đứng dậy, vắt một vạt y, để trần vai phải, đầu gối bên phải quì xuống chấm đất,
hai tay chắp lại, cung kính mà thưa : kính bạch Thế tôn, Ngài thật hiếm có ;
Ngài khéo nâng đỡ (2) cho các Bồ tát, lại khéo giao phó (3) cho các Bồ tát.
Kính bạch Thế tôn, thiện nam thiện nữ đã phát tâm nguyện vô thượng bồ đề (4),
thì phải làm sao để ở tâm ấy ? và phải làm sao để sửa tâm mình ? (5)
Ghi chú.-
(1) Thiện hiện.- Là chữ Hd dịch
nghĩa tên ngài Tu bồ đề. Các vị khác dịch Không sinh, Thiện cát, Thiện thật,
Diệu sinh, đều cùng nghĩa. Ngài Thiện hiện là vị lĩnh hội về Không hơn hết
trong các vị đại đệ tử của Phật.
(2) Nâng đỡ.- Chính văn
là hộ niệm, nghĩa đen là giữ gìn thương tưởng, trong đó có hàm ý truyền đạt cảm
hứng.
(3) Giao phó.- Chính văn
là phó chúc, nghĩa đen là phó thác căn dặn
(4) Phát tâm nguyện vô
thượng bồ đề.- Có bản dịch phát thú đại thừa (khởi hành bằng đại thừa), có bản
dịch cả hai từ ngữ : phát tâm bồ đề mà tu hành đại thừa hay ở trong đại
thừa mà phát tâm bồ đề. Thật ra nên dịch một trong hai từ ngữ thôi, vì hai từ
ngữ ấy chỉ có một nghĩa. Dầu vậy dịch phát bồ đề tâm thì sát chữ nghĩa của
chính văn hơn cả, nhất là ăn khớp với câu đáp của Phật ở sau.
(5) a.- Cả hai ghi chú 4 ở trên
và 5 ở đây phải coi lại Dẫn nhập điều 7 mục d. b.- các bản dịch khác có 3 câu
hỏi : ở thế nào, tu thế nào và sửa thế nào. Thêm tu thế nào là thừa, vì ở với
sửa là tu, nhất là thêm như vậy thì phân ba câu đáp của Phật rất miễn cưỡng.
Lược giải.-
Ngài Thiện hiện nhận thấy sự nâng
đỡ và giao phó như đoạn 2 đã tả, nên hỏi như đoạn 3 ở đây - Hỏi để Phật nâng đỡ
và giao phó bằng lời nói, rõ thêm cho sự nâng đỡ và giao phó không lời ở trên.
Kim cương là sự nâng đỡ và giao phó bằng thân miệng của Phật giành cho các vị
có tư cách Bồ tát. Hai câu hỏi ở đây, và hai câu đáp của Phật quán triệt toàn
bộ Kim cương như vậy.
Chính văn.-
4. Đức Thế tôn dạy : tốt lắm Thiện hiện ; thật đúng như lời trưởng lão đã nói, Như lai rất khéo nâng đỡ Bồ tát, Như lai rất khéo giao phó Bồ tát. Do vậy, trưởng lão, hãy nghe cho kỹ, Như lai sẽ nói cho các vị biết thiện nam thiện nữ phát tâm bồ đề thì bằng cách nào trú ở tâm ấy, và bằng cách nào sửa chữa tâm mình. Trưởng lão thưa rằng, dạ, bạch Thế tôn, chúng con ước muốn được nghe ngài dạy.
5. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì phải sửa chữa tâm mình bằng tuệ giác này : Bao nhiêu chúng sinh hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, sinh bằng ẩm thấp, sinh bằng biến hóa, hoặc có hình sắc hoặc không hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không tư tưởng, có không tư tưởng (1), ta làm hết thảy đều được nhập vào niết bàn hoàn toàn (2) mà giải thoát (3) cả. Làm cho vô lượng vô số chúng sinh niết bàn như vậy, mà thật không thấy có chúng sinh nào được niết bàn cả. Tại sao như vậy ? trưởng lão Thiện hiện, vì nếu Bồ tát mà vẫn còn có ý tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì Bồ tát ấy không phải Bồ tát.
6. Trưởng lão Thiện hiện đối với các pháp (1), Bồ tát không nên trú ở (2) đâu cả mà làm bố thí (3) : không ở nơi sắc mà làm bố thí, không ở nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp (4), mà làm bố thí. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát hãy nên bố thí như thế : không ở đâu cả. Tại sao như vậy, vì nếu Bồ tát không ở đâu cả mà làm bố thí thì được phước đức không thể lường được. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, không gian hướng đông có lường được không ? Không, bạch Thế tôn. Trưởng lão Thiện hiện, không gian hướng nam, hướng tây hướng bắc, và cả bốn góc, cả trên cả dưới, có lường được không ? Càng không, bạch Ngài. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát bố thí mà không ở đâu thì được phước đức cũng y như thế không thể lường được. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát chỉ nên trú ở theo lời Như lai dạy đây.
Ghi chú đoạn 5.-
(1) Có không tư tưởng.-
Dịch sát và rõ : hoặc không phải có tư tưởng, không phải không tư tưởng.
(2) Niết bàn hoàn toàn.-
Là vô dư niết bàn. Đối lại, niết bàn chưa toàn là hữu dư niết bàn. Chưa toàn là
mới hết tập đế, hoàn toàn là hết khổ đế nữa.
(3) Giải thoát.- Ở đây
chính văn là diệt độ (dứt tuyệt, vượt qua). Giải thoát hay diệt độ đều là nghĩa
của chữ niết bàn.
(4) Ý tưởng ngã
nhân chúng sinh thọ giả.- Coi lại Dẫn nhập điều 7 mục b.
Ghi chú đoạn 6.-
(1) Pháp.- Pháp ở đây chỉ cho
sáu cảnh nói ở dưới, nhưng cũng có nghĩa rộng hơn là chỉ cho vạn hữu, bao gồm
hết thảy tâm vật, ngã pháp, nhiễm tịnh, có không... Trong nghĩa rộng này, pháp
không những là những thứ cụ thể, mà những sự lệ thuộc những thứ ấy cũng là
pháp. Nên cây bút là pháp, mà cây bút ấy dài hay ngắn, cũ hay mới, đẹp hay xấu,
hữu ích hay vô dụng, cũng là pháp cả. Một ý tưởng cũng vậy, nó là một pháp,
nhưng nó là thiện hay ác, lợi hay hại, đúng hay sai, cũng toàn là pháp. Pháp,
như vậy, là không đơn thuần ; mỗi pháp chính là và nghĩa là một khái niệm, biểu
thị sự tổ hợp bao nhiêu là dữ kiện, đối chiếu, kinh nghiệm... Thế nên có,
không, phi có, phi không, toàn là pháp cả, và vì thế, nên các pháp đều tự nói
lên cái Phi của mỗi pháp.
(2) Trú ở.- Ở đây
nghĩa là đam mê, vướng mắc, lấy làm đất đứng, làm yếu tố hỗ trợ.
(3) Bố thí.- Theo các vị
chú giải, bố thí ở đây, và những chỗ tương tự, là gồm cả các pháp ba la mật
khác nữa, trừ ba la mật căn bản là bát nhã.
Không ở nơi sắc đến hương
vị xúc pháp.- Sắc thanh hương vị xúc pháp, tạm dịch hình sắc, âm thanh, hơi
hướng, mùi vị, tiếp xúc và ấn tượng. Ở đây cũng nên dịch một chiều : sắc đẹp,
tiếng hay, hơi thơm, mùi ngon, xúc khoái, bóng thích. Sáu thứ này hay gọi là 6
trần (6 loại bụi bặm làm mờ tâm trí), hoặc gọi là 6 cảnh (6 đối cảnh của 6
thức). Sáu thứ này bao gồm mọi tài sản ở trong (là thân thể, sức lực, tư tưởng),
và tài sản ở ngoài (tiền của, tư liệu để sống, hưởng thụ). Trú ở 6 trần mà bố
thí là cho người những thứ ấy mà kể, mà ỷ, nhất là cầu kết quả (mong được những
thứ ấy mà nhiều và tốt hơn lên). Không trú ở mà bố thí là thuận theo bản thể
không keo lẫn nên cho mà không thấy người cho, của cho và người nhận. Trú ở là
ngã chấp, không trú ở là bát nhã.
Lược giải đoạn 4-6.-
Phật đáp câu hỏi sửa tâm như thế
nào bằng cách nói nguyện độ chúng sinh mà không thấy có chúng sinh là người
được hóa độ, có mình là người hóa độ. Vì thấy như vậy là ngã chấp, không thể
hóa độ chúng sinh.
Phật đáp câu hỏi ở tâm như thế nào
bằng cách nói là đừng ở đâu cả thì thế chính là ở nơi tâm nguyện bồ đề đó.
Cách nói như hai câu đáp này cho
thấy phát tâm ở đây là tín thánh tựu phát tâm sắp lên trong Khởi tín luận ; sự
không trú ở đâu cả là phương tiện thứ 1 của sự tín thành tựu phát tâm, là sự
làm của sự giải hành phát tâm.
"Không ở đâu cả thì như thế
chính là ở nơi tâm nguyện bồ đề", đó là vô trú bát nhã. Vô trú bát nhã ấy
là căn bản ; từ sau các đoạn 2-6 mở đầu sắp đi, cho đến các đoạn 49-51 kết thúc
ứng với các đoạn mở đầu này, chỉ là và toàn là vô trú bát nhã ấy.
Mặt khác, bản năng chúng sinh là
đam mê mới hoạt động : có trú ở mới có mọi sự, dầu là sự lý tưởng. Kim cương
cho thấy bản năng ấy là nngã chấp; ngã chấp ấy được tập chuyển hóa, lọc bỏ, thì
mọi hoạt động trở thành diệu dụng đại thừa.
Phân khoa.-
Kinh 2.- nội dung,
có 3 kim : kim 1 như thật tri kiến
về đối tượng, kim 2 như thật tri kiến về tuệ giác, kim 3 như thật tri kiến về
chủ thể.
Kim 1.- như thật tri kiến về đối
tượng,
có 3 cương : cương 1, như thật tri
kiến về Phật, cương 2 như thật tri kiến về Pháp, cương 3 như thật tri kiến
Tăng.
Cương 1.- như thật tri kiến
về Phật,
có 2 bát : bát 1 như thật tri kiến
về Phật, bát 2 đức tin của pháp thoại.
Bát 1.- như thật tri kiến về Phật
(đoạn 7)
Chính văn.-
7. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, đối với Như lai, có thể hay không thấy bằng đặc tướng (1) ? Không, bạch Thế tôn, không thể thấy Ngài bằng các đặc tướng ; tại sao như vậy, vì theo Ngài dạy thì các đặc tướng là phi đặc tướng. Đức Thế tôn bảo trưởng lão Thiện hiện, hễ có đặc tướng thì đặc tướng ấy toàn là giả dối, nếu thấy đặc tướng là phi đặc tướng thì thấy Như lai (2).
Ghi chú.-
(1) Đặc tướng.- Ở đây chính văn
là thân tướng, dịch đủ là tổng thể hoàn hảo mọi đặc tướng siêu nhân ; tức là
chỉ cho cái thân trượng lục của Phật đủ 32 tướng đại trượng phu (hay đại sĩ
phu). Chư thiên, các loài khác, loài người mà trong đó có các vị Thanh văn và
các vị Bồ tát mới phát tâm, chỉ thấy Phật qua cái thân này - cái thân mà nay
hay gọi là đức Phật trong lịch sử.
Hễ có đặc tướng đến thì
thấy Như lai.- Đặc tướng ở đây, chính văn là tướng, tham chiếu các bản dịch
khác thì biết tướng ấy chỉ cho đặc tướng của Phật, mặc dầu chữ tướng ấy có thể
bao gồm mọi hiện tượng. Giả dối ở đây là nói dối, gian trá, lừa phỉnh. Như lai
ở đây nói Phật là biểu tượng của Như (coi ghi chú 1 của đoạn 30 và mục c điều 7
của Dẫn nhập). Trọn câu này được biết là Td dịch tắt, và vì vậy rất độc đáo,
chuyển văn bao nhiêu sát ý bấy nhiêu, hơn hẳn các bản dịch khác như sau : đặc
tướng toàn hảo đi nữa cũng là giả dối, phi đặc tướng mới là trung thực ; như
vậy nên đem đặc tướng là phi đặc tướng mà nhìn Như lai. (nên nhìn Như lai bằng
cách thấy đặc tướng là phi đặc tướng ; Ecd sót câu này).
Lược giải.-
Vô trú bát nhã trước hết như thật tri kiến về Phật, qua đặc tướng của Ngài. Thì thấy đặc tướng ấy là phi đặc tướng mới thấy Ngài. Ở đây không cần đem hóa thân và pháp thân ra mà giải thích.
Phân khoa.-
Bát 2.- đức tin của pháp thoại
(đoạn 8)
Chính văn.-
8. Trưởng lão Thiện hiện ; bạch đức Thế tôn, có thể có ai nghe pháp thoại (1) này mà sinh đức tin đúng chân lý không ? Đức Thế tôn dạy, đừng hỏi như vậy, trưởng lão Thiện hiện ; sau khi Như lai nhập niết bàn rồi, năm trăm năm sau (2), có ai giữ giới, làm phước, tu tuệ (3), thì với pháp thoại như thế này đây, có thể tin tưởng đúng với chân lý. Trưởng lão phải biết những người như vậy không chỉ gieo trồng gốc rễ điều lành nơi một đức Phật, nơi hai đức Phật, nơi ba bốn năm đức Phật mà thôi, mà đã gieo trồng gốc rễ điều lành ở nơi vô số ngàn vạn đức Phật. Những người như vậy mà được nghe đến pháp thoại thế này thì dầu đến nỗi chỉ một ý niệm tin tưởng trong sáng, Như lai cũng vẫn biết và thấy rõ (4) họ thực hiện được vô lượng phước đức. Tại sao như vậy, vì những người này không còn có nữa ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả, không còn có nữa ý tưởng về pháp và về phi pháp (5). Nếu những người này còn có ý tưởng chúng sinh thọ giả, còn ý tưởng pháp là còn ngã nhân, chúng sinh thọ giả, còn tưởng phi pháp là còn ngã nhân chúng sinh thọ giả. Vì lý do ấy, đừng nắm lấy pháp, lại càng đừng nên nắm lấy phi pháp. Do ý nghĩa này Như lai thường nói, các vị Tỷ kheo hãy nhận thức rằng pháp Như lai nói tựa như chiếc bè : pháp còn phải bỏ, huống chi phi pháp (6) ?
Ghi chú.-
(1) Pháp thoại.- Chính
văn là ngôn thuyết chương cú, nói nôm na là bài thuyết pháp, hội thoại về pháp.
Pháp thoại ở đây chỉ kinh Kim cương này, nhưng xác hơn thì là pháp thoại vừa
nói đoạn trên.
(2) Năm trăm năm sau.- có
ba chỗ nói đến là các đoạn 8, 21, 28. Đối chiếu ba chỗ ấy của Td, lại đối chiếu
Td với các bản khác, thì biết các bản khác có ý nói 500 năm sau là 500 năm thứ
5 của 5 lần 500 năm sau Phật nhập diệt ; còn Td thì hai chỗ sau có thể cũng là
ý này, nhưng ở đây và chỗ khác như Đại trí độ luận, thì 500 năm sau có ý chỉ
cho hậu bán thiên kỷ thứ nhất sau khi Phật nhập diệt, tức 500 năm thứ 2 trong 5
lần 500 năm. Ý này cũng không cốt nói chánh pháp tượng pháp gì, mà thật sự là
thì gian các bộ phái tiểu thừa rộn ràng đến nỗi rõ ràng là đấu tranh kiên
cố.
(3) Có ai giữ giới, làm
phước, tu tuệ.- Chính văn Td chỉ có giữ giới và làm phước. Tu tuệ là căn cứ các
bản khác mà bổ túc. Td tại sao không có tu tuệ thì không biết được, chỉ biết
nói giữ giới, làm phước và tu tuệ mới tin nổi Kim cương là nói thông thường,
còn chỉ nói giữ giới, làm phước, là có ý nói những sự này sẽ phát tuệ, có khi
phát đột ngột, thần kỳ nữa : điều này thì đáng quan tâm.
(4) Như lai cũng
vẫn biết và thấy rõ.- Được biết nói rõ là Như lai đem tuệ giác của Như lai mà
biết rõ, Như lai đem mắt Phật của Như lai mà thấy rõ. Phước đức Kim cương phi
con mắt và tuệ giác của Phật thì không dễ thấy ra và biết hết.
(5) Tại sao như vậy đến
và về phi pháp.- Đoạn này Td như vậy là chỉ có 3 : ngã, pháp, phi pháp. Các bản
khác dịch 5, thêm tưởng, phi tưởng. Có thể Td cho hai thứ này cũng là pháp và
phi pháp nên lược bỏ - Như thế xét ra có lý hơn về văn cũng như ý. Nghĩa của ba
thứ ngã, pháp, phi pháp, coi ghi chú 6 dưới đây.
"Nếu những người này"
đến "huống chi phi pháp".- Chiếc bè để từ bờ nguy hiểm bên này vượt
qua bờ an toàn bên kia. Pháp của Phật dạy là như chiế c bè ấy. Bờ bên này là
sinh tử, bờ bên kia là niết bàn. Dòng sông là ác pháp phiền não. Qua bên kia
rồi bỏ bè mới lên bờ được - trừ ra sau đó dùng bè ấy trở lại đưa người khác
cùng qua với. Pháp là thiện pháp của Phật dạy, đối lại, phi pháp là ác
pháp mà thiện pháp đối trị. Phi pháp tệ hơn pháp. Như vậy pháp và phi pháp
trong ba thứ (hay năm thứ) trên, cắt nghĩa cao và hay đến mấy mà không ăn khớp
với từ và ý của ví dụ thì vẫn thấy khó thông. Nay tạm lấy ý của bồ tát Công đức
thi (Chính 25/889) và đại sư Tăng triệu (Vạn 38/200B) mà cắt nghĩa như sau, khá
thấp và dễ. Ngã là ngã chấp (gồm cả nhân, chúng sinh và thọ giả của ngã
chấp ấy). Pháp là chấp có (gồm cả thường kiến của ngoại đạo và pháp số 5 uẩn
của tiểu thừa). Phi pháp là chấp không (gồm cả đoạn kiến của ngoại đạo và ác
thủ không của đại thừa). Cả ba ý tưởng này toàn là ngã mà biến thể (nên chính
văn nói còn ý tưởng, còn ý tưởng pháp, còn ý tưởng phi pháp, thì toàn là còn
ngã nhân chúng sinh thọ giả). Vậy ý tưởng là phi pháp, bát nhã là pháp, pháp
này đối trị phi pháp kia, khi phi pháp kia hết rồi thì pháp này cũng hết.
Lược giải.-
Còn ý tưởng là còn ngã, còn ngã thì khẳng định thế nào cũng là ngã biến thể, phủ định đến mấy vẫn là ngã biến thể. Tin bát nhã là nhận thức và đã bắt đầu không còn như vậy. Không còn như vậy thì phước đức làm ra mới gọi là thiện pháp (đoạn 38).
Phân khoa.-
Cương 2.- như thật tri kiến về
Pháp,
có 2 bát : bát 1 như thật tri kiến
về Pháp, bát 2 phước đức của pháp thoại.
Bát 1.- như thật tri kiến về
Pháp
Chính văn.-
9. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, phải chăng Như lai được vô thượng giác (1) ? phải chăng Như lai có sự thuyết pháp (2) ? Trưởng lão thưa rằng kính bạch Thế tôn, theo con hiểu biết ý của Ngài nói, thì không thể có một pháp khẳng định để được mệnh danh là vô thượng giác, cũng không thể có một pháp khẳng định để được gọi là Thế tôn thuyết pháp. Tại sao như vậy, vì Pháp (3) Ngài nói không thể nắm lấy không thể diễn tả, không phải là pháp, không phải phi pháp (4) lý do là vì hết thảy hiền thánh (5) toàn do Vô vi biểu hiện khác biệt (6).
Ghi chú.-
(1) Vô thượng giác.- là gọi
tắt từ ngữ vô thượng chánh đẳng giác (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề).
(2) Phải chăng Như lai được vô
thượng giác ? phải chăng Như lai có sự thuyết pháp ?.- hai câu hỏi này cho thấy
Phật pháp (hay Pháp) có hai : một, Phật pháp là pháp của Phật chứng, tức những
công đức mà Phật thực hiện : là tuệ giác vô thượng, và Như của tuệ giác ấy
chứng ngộ ; là thuộc tính của tuệ giác ấy, như 10 lực, 18 bất cọng, v/v. Hai,
Phật pháp là pháp của Phật nói, tức những giáo lý mà Phật khai thị, những
tiếng nói diễn đạt pháp của Phật chứng.
(3) Pháp.- Pháp ở đây là Như
(Vô vi). Coi ghi chú 2 ở trên (điều một) và ghi chú 6 ở dưới.
(4) Không phải là pháp, không
phải phi pháp.- Không phải những khái niệm khẳng định hay phủ định theo sự chấp
trước
(5) Hiền thánh.- là mượn thành
ngữ của Trung hoa mà dịch. Dịch rõ có lẽ nên nói là các vị giải thoát (chưa
toàn và hoàn toàn).
(6) Toàn do Vô vi biểu hiện
khác nhau.- Biểu hiện là chữ của Hd và các bản khác. Vô vi Chd là Vô vi chân
như, do đó biết Vô vi ở đây là Như (coi ghi chú 1 của đoạn 30). Tùy sự hội nhập
Chân như vô vi chưa toàn hay đã toàn mà biểu hiện các địa vị giải thoát chưa
toàn hay đã toàn.
Lược giải.-
Cũng như Phật, Pháp của Phật chứng và thuyết, và cả hiền thánh, những vị tu học Pháp ấy, toàn là biểu hiện của Như, siêu việt nhận thức, diễn đạt, và đối tượng của nhận thức, diễn đạt : hãy như thật tri kiến về Pháp.
Phân khoa.-
Bát 2.- Phước đức của Pháp
thoại (đoạn 10)
Chính văn.-
10. Trưởng lão Thiện hiện, ông
nghĩ thế nào, có ai đem cho (1) đủ hết bảy loại vàng ngọc chất đầy
đại thiên thế giới (2), thì người cho ấy được phước nhiều không ? rất nhiều,
bạch Ngài ; vì phước đức ấy Ngài đã nói là tính phi phước đức (3), thế nên Ngài
nói phước đức rất nhiều. Trưởng lão Thiện hiện, nhưng nếu có ai từ pháp thoại
này tiếp nhận ghi nhớ dầu là chỉ được chỉnh cú bốn câu (4), và biết đem nói cho
bao người khác, thì phước người ấy vẫn hơn người trước. Tại sao như vậy, vì lẽ,
trưởng lão, hết thảy Phật đà cùng với Phật pháp (5) - Pháp vô thượng giác của
các Phật đà - toàn là xuất ra từ pháp thoại (6) này. Trưởng lão Thiện hiện, gọi
là Phật pháp (7) thì Như lai nói là phi Phật pháp, thế nên Như lai nói là Phật
pháp (8).
Ghi chú.-
(1) Chỉ Cd và Ecd thêm : hiến
cúng các đức Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Nhưng không thêm như vậy thì
hơn.
(2) Đại thiên thế giới.- Gọi đủ
là tam thiên đại thiên thế giới : thế giới hệ gồm một tỷ thế gìới, Ecd nói
tương đương thiên hà.
(3) Tính phi phước đức.- Chính
văn là phi phước đức tính. Chữ tính ở đây là chữ duy nhất đi với chữ Phi. Tra
xét thì Td quả có, không phải sau này thêm vào. Nhưng các bản khác không có.
Như vậy có lẽ nên hiểu Td đặt chữ tính ở đây để nhắc ta nhớ đến Như, dẫu rằng
chữ Phi (siêu việt) đã là nói đến Như.
(4) Chỉnh cú bốn câu.- Chính
văn là tứ cú kệ, chỉ cho đơn vị trong lối tính chữ xưa của kinh sách Phật giáo
Ấn, cứ 32 chữ, bất cứ bắt đầu từ đâu, là một kệ 4 câu, mỗi câu 8 chữ. Nói chỉnh
cú bốn câu cũng như nói một đoạn có ý nghĩa chính yếu của pháp thoại.
(5) Phật pháp.- Coi ghi chú 7
dưới đây.
(6) Pháp thoại.- Ở đây vừa chỉ
đoạn kinh này vừa chỉ bản kinh này, nhưng chỉ bản kinh này nhiều hơn.
(7) Phật pháp.- Coi ghi chú 2
(điều một) của đoạn 9 ở trên.
(8) Thế nên Như lai nói là Phật
pháp.- Câu này Td không có, Bd cũng vậy, nhưng các bản còn lại đều có, nên phải
bổ túc. Xét có thì đúng hơn.
Lược giải.-
Phước đức học, nhớ, tụng và giảng Kim cương mà Phật nói là nhiều, vì phước đức ấy siêu việt phước đức : vì phước đức ấy là Như. Nhưng điều này chỉ nói phía ngưởi học, nhớ, tụng và giảng, lý do nhiều còn vì Kim cương là mẹ sinh ra của Phật và tuệ giác của Phật.
Phân khoa.-
Cương 3.- như thật tri kiến về
Tăng
có 3 bát : bát 1 như thật tri kiến
về Thanh văn, bát 2 như thật tri kiến về Bồ tát, bát 3 phước đức của pháp
thoại.
Bát 1.- như thật tri kiến về
Thanh văn (đoạn 11)
Chính văn.-
11. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị Tu đà hoàn có ý nghĩ rằng ta được đạo quả Tu đà hoàn chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì Tu đà hoàn là Vào dòng nước (1), thế nhưng thật ra không có cái gì nhập vào đâu cả : không nhập sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên được mệnh danh là Tu đà hoàn (2). Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị Tư đà hàm có ý nghĩ rằng ta được đạo quả Tư đà hàm chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì Tư đà hàm là Một trở lại (3), thế nhưng thật ra không có cái gì một lần trở lại, nên được mệnh danh là Tư đà hàm. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị A na hàm có ý nghĩ rằng ta được đạo quả A na hàm chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì A na hàm là Không trở lại (4), thế nhưng thật ra không có cái gì không còn trở lại, nên được mệnh danh là A na hàm. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị A la hán có ý nghĩ rằng ta được đạo quả A la hán chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì lẽ thật ra không có cái gì là A la hán, nên được mệnh danh là A la hán (5). Kính bạch Thế tôn, nếu vị La hán nghĩ rằng mình được đạo quả La hán, thì như thế là chấp trước ngã nhân, chấp trước chúng sinh, chấp trước thọ giả (6). Bạch Ngài, Ngài nói trong số những người được định Không cãi (7), con là hơn hết, con là La hán ly dục bậc nhất ; nhưng con không có ý nghĩ mình là một vị La hán ly dục bậc nhất. Nếu con còn nghĩ mình là La hán, thì Ngài không nói Thiện hiện là người thích thú làm theo chánh định Không cãi (8) ; vì con không còn làm theo gì cả, nên Ngài nói con theo định Không cãi.
Ghi chú.-
(1) Vào dòng nước.- Là nghĩa
của chữ dự lưu hay nhập lưu : ngược với dòng đời mà nhập vào dòng giải thoát.
(2) Trừ Td, Bd và Chd, các bản
còn lại, sau câu này còn thêm : Nếu Tư đà hoàn nghĩ rằng ta được đạo quả Tu đà
hoàn, thì thế là chấp ngã nhân chúng sinh thọ giả. Thêm như vậy thật cần
thiết và chính xác. Câu này còn phải có sau ba đạo quả kế tiếp. Td chỉ có sau
đạo quả La hán, như vậy có lẽ biểu thị ba đạo quả trước không có là dịch lược
đi.
(3) Một trở lại.- là nghĩa của
chữ nhất lai : một lần nữa trở lại nhân gian và lục dục thiên.
(4) Không trở lại.- là nghĩa
của chữ bất lai hay bất hoàn : không còn như nhất lai.
(5) Nên được mệnh danh là A la
hán.- là lấy Hd mà bổ túc.
(6) Nếu vị La hán đến chấp
trước thọ giả.- Là nói La hán tự mãn tự đắc thì thế chính là ngã chấp. Câu này
phải có nơi ba đạo quả trước và cùng nghĩa.
(7) Định không cãi.- Một phép
định có đặc tính an bình, không xung đột.
(8) Làm theo chánh định không
cãi.- Làm theo, chính văn là hành, cũng có thể dịch đi theo. Có bản dịch trú :
ở trong, cùng nghĩa. Nhưng ở trong hay đi theo, làm theo gì cũng có nghĩa là
sống trong, sống theo.
Lược giải.-
Nghĩa của câu “hết thảy hiền thánh toàn do Vô vi biểu hiện khác biệt” (đoạn 9) càng phải được nói ở đây, khi như thật tri kiến về bốn đạo quả Thanh văn : bốn đạo quả ấy cũng là Phi, là biểu hiện của Như. Là ở đây có nghĩa phải là. Vì nếu các vị Thanh văn, trong đó đặc biệt La hán, còn nghĩ mình chứng quả nào hay được pháp gì, thì ý nghĩ ấy chính là ngã chấp.
Phân khoa.-
Bát 2.- như thật tri kiến về Bồ
tát,
có 3 nhã : nhã 1 như thật tri kiến
về Bồ tát hạnh quả của Phật, nhã 2 như thật tri kiến về Bồ tát hạnh, nhã 3 như
thật tri kiến về Bồ tát quả.
Nhã 1.- như thật tri kiến về Bồ
tát hạnh quả của Phật (đoạn 12)
Chính văn.-
12. Đức Thế tôn bảo
trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, Như lai xưa kia nơi đức Nhiên đăng,
được pháp gì chăng ? Không, bạch Thế tôn ; nơi đức Nhiên đăng, thực sự Thế tôn
không được pháp gì.
Lược giải.-
Như thật tri kiến về Bồ tát hạnh quả của Phật bằng cách nhìn lại một mẫu của hạnh quả ấy, ấy là lúc Ngài gặp đức Nhiên đăng. Việc này sẽ nói rõ hơn đoạn 30.
Phân khoa.-
Nhã 2.- như thật tri kiến về Bồ
tát hạnh (đoạn 13)
Chính văn.-
13. Trưởng lão Thiện hiện, ông
nghĩ thế nào, phải chăng Bồ tát trang hoàng cõi Phật (1) ? Không, bạch Thế tôn
; lý do là vì trang hoàng cõi Phật, sự trang hoàng ấy Thế tôn đã nói là phi
trang hoàng, thế nên Ngài nói đó là trang hoàng. Do vậy, trưởng lão, Bồ tát đại
sĩ hãy sinh cái tâm trong sạch như vầy : không ở nơi sắc mà sinh tâm ra, không
ở nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà sinh tâm ra (2) ; hãy đừng ở vào bất cứ
chỗ nào mà sinh tâm ra (3).
Ghi chú.-
(1) Trang hoàng cõi Phật.-
Cõi Phật, chính văn là Phật độ, gồm một hay nhiều đại thiên thế giới làm một
cõi mà một đức Phật làm hóa chủ. Cõi Phật như vậy, trong nghĩa hóa thân hóa độ
thì không nhất thiết phải là tịnh độ như Cực lạc hay uế độ như Sa bà, mà là
hoàn toàn tùy bản nguyện của đức Phật hóa chủ ; nhưng trong nghĩa báo thân báo
độ thì tất cả đều là tịnh độ, và tịnh độ Sa bà thì coi Pháp hoa các phẩm 11 và
16. Còn trang hoàng cõi Phật là Bồ tát hạnh. Nói tổng quát, Bồ tát hạnh là tịnh
Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh : làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh.
(2) Riêng Hd ở đây có
thêm và tóm tắt như sau : không ở nơi lục trần, không ở nơi phi lục trần.
(3) Tương truyền lục tổ
Huệ năng nghe ngũ tổ Hoằng nhẫn giảng đến câu này thì đốn ngộ, thốt lên năm
tiếng không ngờ nổi tiếng (coi dẫn nhập điều 1), tỏ ra hiểu Kim cương một cách
xứng đáng là đốn ngộ của một vị tổ sư.
Lược giải.-
Bồ tát hạnh là vô trú bát nhã hoạt hiện mọi việc làm sạch thế giới và làm nên chúng sinh. Hãy như thật tri kiến như vậy về Bồ tát hạnh.
Phân khoa.-
Nhã 3.- như thật tri kiến
về Bồ tát quả (đoạn 14)
Chính văn.-
14. Trưởng lão Thiện hiện, ví
dụ có người thân thể cao lớn như núi Tu di, ông nghĩ thế nào, thân ấy lớn không
? rất lớn, bạch Ngài ; tại sao, bởi vì Ngài nói thân lớn là phi thân lớn, thế
nên Ngài nói đó là thân lớn (1).
Ghi chú.-
(1) Tại sao, bởi vì đến đó là thân lớn.- Đoạn này Td lược mà độc đáo. Hd như sau, cũng rõ : tại sao, vì
thân lớn thì Ngài nói thân lớn ấy là phi thân lớn ; (vì là phi thân lớn) nên
gọi là thân lớn, chứ không phải vì là thân lớn mà gọi là thân lớn.
Lược giải.-
Bồ tát quả là gì ? Là chủ đích mà Bồ tát hạnh nhắm đến. Chủ đích ấy là Như, là Phật thân. Trong ngôn ngữ Kim cương, thân chúng sinh cũng là phi thân, là tự siêu việt, là Như. Đoạn 14 này giả dụ có cái thân lớn, và vì thân lớn là phi thân (là Như) mà gọi là thân lớn, chứ không phải vì thân lớn mà gọi là thân lớn. Như vậy thân nhỏ cũng là phi thân (cũng là Như) : cũng là thân lớn, cũng là Phật thân. Tăng triệu đại sư giải thích đoạn này chỉ có mấy chữ (Vạn 38/79), tôi viết lại giản dị như sau : biết thân này là phi thân thì thân này là Phật thân.
Phân khoa.-
Bát 3.- phước đức của pháp
thoại (đoạn 15)
Chính văn.-
15. Trưởng lão Thiện hiện, giả
thiết sông Hằng có bao nhiêu cát, thì mỗi hạt cát, là một sông Hằng, ông nghĩ
thế nào, số cát tất cả sông Hằng như vậy nhiều hay không nhiều ? rất nhiều,
bạch Ngài ; số lượng sông Hằng đã là vô số, huống chi số cát những sông Hằng
ấy. Trưởng lão Thiện hiện, với lời nói thật, Như lai hôm nay nói với trưởng lão
: giả sử thiện nam hay thiện nữ nào đem hết bảy loại vàng ngọc chất đầy thế
giới đại thiên nhiều như số cát những sông Hằng ấy mà làm bố thí (1), thì phước
họ được là nhiều hay ít ? Trưởng lão kính thưa, rất nhiều, bạch Ngài. Trưởng
lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay thiện nữ khác với pháp thoại (2) này, tiếp
nhận ghi nhớ dầu chỉ bốn câu (3), và biết đem nói cho bao người khác (4), thì
phước người này hơn phước người trước. Thêm nữa, trưởng lão, chỗ nào giảng dạy
pháp thoại như vầy, dầu chỉ bốn câu, trưởng lão cũng phải nhận thức chỗ ấy, tất
cả thế giới chư thiên nhân loại và a tu la đều nên hiến cúng chùa tháp Như lai.
Huống chi có người tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng,
giảng nói cho người (5) trọn pháp thoại này ; trưởng lão phải biết người ấy đạt
được cái pháp tối thượng hiếm có bậc nhất, và những địa điểm người ấy giảng dạy
pháp thoại như vầy (6) là có Như lai hay có các vị đệ tử cao trọng.
Ghi chú.-
(1) Trừ Chd và Td, các bản khác
thêm vào câu này như sau : mà phụng hiến Phật. Nhưng không thêm thì đúng hơn.
(2) Đoạn 15 này có bốn chữ pháp
thoại, đều có nghĩa như ghi chú 6 của đoạn 10.
(3) Bốn câu.- là nói tắt câu
chỉnh cú 4 câu. Các đoạn sau đây, chỗ nào có chữ ấy thì cũng đồng nghĩa.
(4) Đem nói cho bao người
khác.- Đem nói là giới thiệu, loan báo và giảng dạy.
(5) Giảng nói cho người.- Td
thiếu câu này, đối chiếu phần trên thì thấy. Nên phải lấy Chd, Cd và Hd mà bổ
túc. Nghĩa : coi ghi chú 4 ở trên.
(6) Và những địa điểm người ấy
giảng dạy pháp thoại như vầy.- Dịch sát chính văn là : những địa điểm có bản
kinh này. Dịch sát như vậy không ăn khớp lắm với văn ý ở trên.
Phân khoa.-
Kim 2.- như thật tri kiến về
tuệ giác,
có 2 cương : cương 1 như thật tri
kiến về tuệ giác, cương 2 như thật tri kiến về sự tin của tuệ giác ấy.
Cương 1.- như thật tri kiến về tuệ
giác,
có 4 bát : bát 1 như thật tri kiến
về bản thân của tuệ giác, bát 2 như thật tri kiến về đức tin của tuệ giác,bát 3
như thật tri kiến về chi tiết của tuệ giác, bát 4 phước đức của pháp thoại.
Bát 1.- như thật tri kiến về bản
thân của tuệ giác,
có 4 nhã : nhã 1 như thật tri kiến
về bản thân của tuệ giác, nhã 2 như thật tri kiến về tuệ giác Phật dạy, nhã 3
như thật tri kiến về cái thân Phật dùng để dạy tuệ giác ấy, nhã 4 phước đức của
pháp thoại.
Nhã 1.- như thật tri kiến về bản
thân của tuệ giác (đoạn 16)
Chính văn.-
16. Vào lúc bấy giờ trưởng lão
Thiện hiện bạch đức Thế tôn, pháp thoại (1) như vầy nên gọi tên gì ? chúng con
cần phải ghi nhớ thế nào ? Đức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện hiện, pháp thoại
như vầy nên gọi tên là Kim cương bát nhã ba la mật đa (2), trưởng lão hãy nhớ
pháp thoại như vầy qua danh hiệu ấy. Tại sao như vậy, trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì bát nhã ba la mật đa thì Như lai nói là phi bát nhã ba la mật đa, thế
nên Như lai nói là bát nhã ba la mật đa (3).
Ghi chú.-
(1) Pháp thoại.- Trong đoạn
này, những chữ này chỉ cho bản kinh này mặc dầu bản kinh này chưa phải kết thúc
ở đây.
(2) Kim cương bát nhã ba la mật
đa.- tên kinh này được nói trong đoạn này thì Chd, Cd, Nd và Ecd không có chữ
Kim cương. Td Kim cương bát nhã ba la mật đa, Hd Năng đoạn Kim cương bát nhã ba
la mật đa. Nghĩa : coi Dẫn nhập điều 7 mục a.
(3) Thế nên Như lai nói là bát
nhã ba la mật đa.- là lấy Hd và Cd mà bổ túc.
Lược giải.-
Đoạn này không phải kết thúc như thường lệ các kinh khác. Đoạn này Phật đặt tên kinh là Bát nhã ba la mật đa (trí độ) để dạy cho ngài Tu bồ đề như thật tri kiến về bản thân của bát nhã ấy ; Bát nhã mà gọi là Bát nhã là vì phi Bát nhã : vì tự siêu việt chính nó, vì là Như.
Phân khoa.-
Nhã 2.- như thật tri kiến về
tuệ giác Phật dạy (đoạn 17-18)
Chính văn.-
17. Trưởng lão Thiện hiện, ông
nghĩ thế nào, Như lai có sự thuyết pháp hay không ? Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn, Thế tôn không có thuyết pháp gì cả.
18. Trưởng lão Thiện hiện, ông
nghĩ thế nào, thế giới đại thiên có bao vi trần (1), số lượng nhiều không ? rất
nhiều, bạch Ngài. Trưởng lão Thiện hiện, những vi trần ấy, Như lai nói chúng là
phi vi trần, thế nên Như lai nói là vi trần.Và bao thế giới (2), Như lai cũng
nói những thế giới ấy là phi thế giới, thế nên Như lai nói là thế giới.
Ghi chú đoạn 18.-
(1) Vi trần.- Nghĩa đen là bụi
nhỏ. Cũng gọi là cực vi : phân tử nhỏ nhất. Trong lý thuyết vài học phái cổ của
Ấn cho vi trần là phân tử tối sơ của cấu trúc vũ trụ. Xa hơn chút nữa, sau đó
có học phái cho vi trần không chỉ thuần là vật lý mà còn là phân tử tối sơ của
cấu trúc tâm lý. Các bộ phái Phật giáo tiểu thừa cũng có kẻ gần như có tư tưởng
ấy. Nhưng đại thừa thì cho vi trần không là tối sơ hay tối hậu gì hết, mà chỉ
là sự phân tích tưởng tượng rằng đó là phân tử vật lý nhỏ nhất trong cấu trúc
vũ trụ.
(2) Thế giới.- Thế là thì gian,
giới là không gian, đó là định nghĩa của Lăng nghiêm. Nên thế giới là vũ trụ.
Lược giải đoạn 17-18.-
Đoạn 17 nói tắt đoạn 9 ở trước và đoạn 36 ở sau. Nhưng lời nói như nhau mà ý không đồng. Đoạn 17 này cốt nói tuệ giác bát nhã biết Pháp của Phật thuyết là phi Pháp. Và cái biết, như cái được biết của nó, cũng là phi biết. Đoạn 18 cho thấy, cái biết biết Phật thuyết và Pháp của Phật thuyết là như vậy, và cũng là như vậy mà biết về phân tử và vũ trụ của phân tử : biết cái cấu trúc khổng lồ đè nặng tâm thức con người ấy cũng chỉ là Phi. Hãy như thật tri kiến như vậy về bát nhã Phật dạy.
Phân khoa.-
Nhã 3.- như thật tri kiến về
cái thân Phật dùng để dạy tuệ giác ấy (đoạn 19)
Chính văn.-
19. Trưởng lão Thiện hiện trong
ý của ông, ông nghĩ thế nào, có thể hay không nhìn thấy Như lai bằng ba mươi
hai đặc tướng siêu nhân (1) ? Không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì các đặc
tướng thì Thế tôn nói là phi đặc tướng, thế nên Thế tôn nói là đặc tướng.
Ghi chú.-
(1) 32 đặc tướng siêu
nhân.- Coi lại đoạn 7, ghi chú 1.
Lược giải.-
Cái thân mà Phật dùng để thuyết
bát nhã ở đây là thân trượng lục, thân 32 tướng tốt. Nhưng thân ấy là phi thân,
là Như. Như vậy nếu thấy 32 tướng là Như thì thế là thấy Phật bằng 32 tướng.
Bát nhã thấy là như vậy, và chính cái thấy ấy đã là như vậy.