KINH KIM CƯƠNG
BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hòa Thượng Thích Trí Quang Dịch Giải
Lược giải Kim cương 2
Phân khoa.-
Nhã 4.- phước đức của pháp thoại (đoạn 20)
Chính văn.-
20. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào đem thân mạng
mình bằng cát sông Hằng mà bố thí cả, và có người khác với pháp thoại này tiếp
nhận ghi nhớ dầu chỉ bốn câu, và đem giảng nói cho bao người khác, thì phước
người này quá nhiều hơn nữa.
Phân khoa.-
Bát 2.- như thật tri kiến về đức tin của tuệ giác (đoạn 21)
Chính văn.-
21. Vào lúc bấy giờ, trưởng lão Thiện hiện nghe pháp thoại này, lĩnh hội sâu
xa, lòng đầy xúc cảm, rơi lụy mà khóc. Trưởng lão thưa rằng, thật quá hiếm có,
kính bạch Thế tôn ; Ngài đã tuyên thuyết pháp thoại cực sâu. Từ khi có được con
mắt tuệ giác cho đến ngày nay, con chưa nghe được pháp thoại như vầy. Bạch
Ngài, có ai nghe pháp thoại này tin tưởng trong sáng và phát sinh được cái tuệ
giác thật (1), thì biết người ấy đạt được công đức hiếm có bậc nhất. Kính bạch
Thế tôn, tuệ giác thật ấy thì Ngài nói là phi tuệ giác thật, thế nên Ngài nói
là tuệ giác thật (2). Kính bạch Thế tôn, hôm nay con được nghe pháp thoại này,
tin tưởng lĩnh hội, tiếp nhận ghi nhớ, thì không khó mấy. Nhưng nếu tương lai,
năm trăm năm sau người nào nghe được pháp thoại như vầy, tin tưởng, lĩnh hội,
tiếp nhận, ghi nhớ, mới hiếm có nhất. Tại sao như vậy, bởi vì người ấy thì
không còn có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả Ố Ý tưởng ngã nhân chúng sinh
thọ giả là phi ý tưởng : phi mọi ý tưởng thì thế gọi là chư Phật như lai (3).
Đức Thế tôn dạy trưởng lão Thiện hiện, thật đúng như vậy : nếu có người này
được nghe pháp thoại Bát nhã như vầy mà không kinh ngạc, cũng không sợ hãi, thì
biết người ấy cực kỳ hiếm có. Tại sao, trưởng lão, bởi vì Bát nhã chính là tối
thượng ba la mật đa (4), và Như lai nói cái pháp tối thượng ba la mật đa là phi
tối thượng ba la mật đa, thế nên Như lai nói là tối thượng ba la mật đa.
Ghi chú.-
(1) Tuệ giác thật.- Chính văn là thật tướng, Hd dịch chân thật tưởng, có
nghĩa là tuệ giác chính xác. Chữ này thích hợp ở đây.
(2) Chính văn của từ ngữ này vẫn là thật tướng. Coi ghi chú 1 ở trên.
(3) Phi mọi ý tưởng, thì thế gọi là chư Phật như lai.- Được biết Td câu này
cũng chuyển mà dịch, và vì vậy mà rất độc đáo. Không chuyển thì như Hd : bởi vì
chư Phật tách rời tất cả ý tưởng.
(4) Bởi vì Bát nhã chính là tối thượng ba la mật đa.- Bát nhã ba la mật đa :
tuệ giác toàn hảo. Tối thượng ba la mật đa : tuyệt đối toàn hảo, một tên khác
của Bát nhã. Câu trên đây là lấy các bản dịch khác mà bổ túc. Nhưng bổ túc thật
đủ thì phải là : bởi vì Bát nhã chính là tối thượng ba la mật đa. Tối thượng ba
la mật đa mà Như lai nói thì chư vị Như lai cũng nói là tối thượng ba la mật
đa.
Lược giải.-
Đức tin của Bát nhã cũng như Bát nhã, đức tin mà bản thân của nó là chư Phật : siêu việt mọi ý tưởng.
Phân khoa.-
Bát 3.- như thật tri kiến về chi tiết của tuệ giác,
có 2 nhã : nhã 1 như thật tri kiến về nhẫn nhục, nhã 2 như thật tri kiến về bố
thí.
Nhã 1.- như thật tri kiến về nhẫn nhục (đoạn 22).
Chính văn.-
22. Trưởng lão Thiện hiện, cái pháp nhẫn nhục ba la mật đa (1), Như lai cũng
nói là phi nhẫn nhục ba la mật đa, thế nên Như lai nói là nhẫn nhục ba la mật
đa (2). Tại sao trưởng lão, vì như xưa kia, trong khi Như lai bị Ca lị vương
cắt thịt khắp nơi tay chân Như lai, Như lai không có ý tưởng ngã nhân chúng
sinh thọ giả. Nếu lúc bấy giờ Như lai còn có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ
giả thì phải sinh ra giận dữ oán hận. Trưởng lão Thiện hiện, Như lai lại nhớ
trong thì quá khứ, có năm trăm đời Như lai đã làm tiên nhân Nhẫn nhục. Vào lúc
bấy giờ, Như lai cũng không ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả.
Ghi chú.-
(1) Nhẫn nhục ba la mật đa.- Nghĩa là sự chịu đựng toàn hảo.
(2) Thế nên Như lai nói là nhẫn nhục ba la mật đa.- là lấy Hd mà bổ túc.
Lược giải.-
Bồ tát hạnh có sáu sự toàn hảo gọi là lục độ. Căn bản của lục độ là trí độ (bát nhã), năm độ còn lại là chi tiết của căn bản ấy. Trong năm độ còn lại, liên hệ nhất với ngã chấp là thí độ và nhẫn độ. Nhẫn độ là xả bỏ tự ngã (bỏ thân), thí độ là xả bỏ ngã sở (bỏ của). Đoạn này Phật lấy tiền thân của mình để dạy hãy như thật tri kiến như thế nào về nhẫn độ.
Phân khoa.-
Nhã 2.- như thật tri kiến về bố thí (đoạn 23).
Chính văn.-
23. Vì lý do ấy, trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì phải rời mọi ý tưởng mà
phát huy tâm vô thượng bồ đề (1) ; đừng ở nơi sắc mà sinh tâm ra, đừng ở nơi
thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà sinh tâm ra (2). Hãy sinh cái tâm không ở đâu
cả. Nếu tâm ở đâu thì chính như thế là phi trú ở (3). Vì lý do này, Như lai nói
rằng Bồ tát thì phải không ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà làm bố thí.
Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì vì ích lợi chúng sinh một cách khắp cả mà hãy
bố thí theo cách như vậy. Vì Như lai nói ý tưởng chúng sinh là phi ý tưởng (4),
Như lai cũng nói hết thảy chúng sinh là phi chúng sinh (5). Trưởng lão
Thiện hiện, Như lai là người nói phải, nói chắc, nói như sự thật, nói không lừa
đảo, nói không mâu thuẫn. Trưởng lão Thiện hiện, Pháp mà Như lai đã chứng ngộ
được, cái Pháp như vậy không phải chắc chắn, không phải trống rỗng (6). Trưởng
lão Thiện hiện, Bồ tát nếu tâm ở nơi mọi thứ mà làm bố thí, thì như một người
vào trong bóng tối, không còn thấy được một thứ gì hết ; Bồ tát nếu tâm không ở
mọi thứ mà làm bố thí, thì như một người đã có mắt sáng, lại có ánh sáng mặt
trời soi rõ, nên thấy đủ cả.
Ghi chú.-
(1) Rời mọi ý tưởng mà phát huy tâm vô thượng bồ đề.- Nghĩa là phát huy tuệ
giác tối thượng bằng cách tách rời mọi thứ khái niệm phản ảnh ngã chấp.
(2) Đừng ơ nơi sắc đến mà sinh tâm ra.- Câu này có thể dịch tắt : đừng ở nơi
lục trần mà sinh tâm ra. Hd còn thêm : đừng ở nơi phi lục trần mà sinh tâm ra.
(3) Phi trú ở.- Chữ Phi ở đây là sự tự phủ nhận.
(4) Ý tưởng chúng sinh la phi ý tưởng.- ý tưởng chúng sinh, chính văn là
tướng, chỉ có nghĩa là ý tưởng. Dịch ý tưởng chúng sinh là lấy các bản
khác mà bổ túc. Ý tưởng chúng sinh là phi ý tưởng, chữ Phi ở đây, coi ghi chú 3
ở trên.
(5) Phi chúng sinh.- Chữ Phi ở đây vừa tự phủ nhận vừa tự siêu việt. Coi
thêm lược giải của đoạn 37.
(6) Không phải chắn chắn, không phải trống rỗng.- Nói nôm na là không thật
không dối, nói cách khác là không khẳng định không phủ định, nói tổng quát là
siêu việt mọi phạm trù đối kháng nhau.
Lược giải.-
Đoạn này dạy như thật tri kiến về thí độ : người cho, vật cho và người nhận, kể cả ý tưởng về ba thứ này, toàn là Phi : siêu việt mọi phạm trù có không. Trong phần đầu của đoạn này, từ vì lý do ấy đến vô thượng bồ đề là phi người cho, từ đừng ơ nơi sắc đến mà làm bố thí là phi vật cho, từ trưởng lão Thiện hiện đến là phi chúng sinh là phi người nhận. Bố thì bằng vô trú bát nhã như vầy bổ túc hơn nữa cho đoạn 6 đã nói.
Phân khoa.-
Bát 4.- phước đức của pháp thoại
Chính văn.-
24. Trưởng lão Thiện hiện, trong thì vị lai, nếu có thiện nam hay thiện nữ
nào, đối với pháp thoại Bát nhã như vầy, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng, nói cho người khác (1), thì thế là được Như lai sử dụng
tuệ giác Như lai mà biết rất rõ, và thấy rất rõ (2), rằng người như vậy ai cũng
đạt được vô lượng công đức.
Ghi chú.-
(1) Nói cho người khác.- là lấy các bản khác mà bổ túc.
(2) Và thấy rất rõ.- Đủ thì phải là : và Như lai sử dụng mắt Phật của Như
lai mà thấy rất rõ.
Phân khoa.-
Cương 2.- như thật tri kiến về sự tin của tuệ giác ấy, có 4 bát : bát 1 như
thật tri kiến về sự tin đặc biệt, bát 2 như thật tri kiến về địa điểm đặc biệt,
bát 3 như thật tri kiến về phước đức đặc biệt.
Bát 1.- như thật tri kiến về sự tin đặc biệt (đoạn 25)
Chính văn.-
25. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào buổi sáng đã
đem hằng sa thân mạng mà bố thí cả, buổi trưa cũng đem hằng sa nhân mạng mà bố
thí nữa, buổi chiều lại đem hằng sa nhân mạng mà bố thí luôn, và sự bố thí thân
mạng như vậy làm đến trăm ngàn vạn ức thời kỳ (1) ; và có người khác nghe pháp
thoại này, trong lòng tin tưởng chứ không đối kháng, thì phước người này hơn
phước người trước, huống chi có người sao chép ấn hành, tiếp nhận ghi nhớ, đọc
xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nói cho người khác. Trưởng lão Thiện hiện,
chính yếu mà nói thì bài pháp thoại Bát nhã như vầy có những công đức ngoài tầm
nghĩ bàn, ước lượng, đối chiếu, siêu việt giới hạn ; Như lai nói cho những
người đi theo giáo pháp đại thừa (2), nói cho những người đi theo giáo
pháp đại thừa tối thượng (3). Ai có năng lực tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn
nghĩa, tụng được thuộc lòng, trình bày phong phú cho bao người khác, thì chính
Như lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đạt được công đức không thể ước lượng,
không thể đối chiếu, không có giới hạn, ngoài tầm nghĩ bàn. Những người như vậy
có thể gánh vác tuệ giác vô thượng của ta, Như lai. Tại sao như thế, trưởng lão
Thiện hiện, bởi vì những ai ưa pháp tiểu thừa (4), vẫn còn ngã nhân, chúng sinh thọ giả, thì với pháp này không thể lắng nghe, tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nói cho người khác.
Ghi chú.-
(1) Thời kỳ.- là dịch chữ kiếp. Kiếp là kiếp ba : thời kỳ dài. Thời kỳ này
có ba loại : lớn, gìữa, nhỏ.
(2) Đại thừa.- Cỗ xe vĩ đại.
(3) Đại thừa tối thượng.- Chính văn là tối thượng thừa : cỗ xe trên hết.
(4) Những ai ưa pháp tiểu thừa.- là các vị Thanh văn.
Lược giải.-
Tiểu thừa Thanh văn còn ngã chấp là vì tự mãn với niết bàn tiểu thừa. Sự tự mãn ấy chính là ngã chấp không những theo bản năng mà cũng còn theo lý thuyết. Ngã chấp như vậy nên chữ Phi của Kim cương là "mũi dao tổn thương con tim của họ". Do vậy, hãy như thật tri kiến về đức tin Bát nhã : tin nổi Bát nhã là theo nổi đại thừa.
Phân khoa.-
Bát 2.- như thật tri kiến về địa đim đặc biệt (đoạn 26)
Chính văn.-
26. Trưởng lão Thiện hiện, bất cứ chỗ nào, hễ có bản kinh Kim cương bát nhã,
thì cả thế giới chư thiên, nhân loại và a tu la, đều nên hiến cúng. Nên biết
chỗ ấy chính là chùa tháp tôn thờ Như lai ; hãy lạy, đi nhiễu, tung rãi các
loại bông hoa, hương liệu.
Phân khoa.-
Bát 3.- như thật tri kiến về hiệu năng đặc biệt (đoạn 27)
Chính văn.-
27. Thêm nữa, trưởng lão, bất cứ thiện nam hay thiện nữ nào học hỏi ghi nhớ,
nghiên cứu, tụng thuộc kinh Kim cương này mà bị khinh dễ, thì biết người ấy tội
ác đời trước đáng sa chỗ dữ, nhưng vì đời này bị người khinh dễ thì tội ác đó
tiêu tan hết cả, người ấy sẽ được tuệ giác vô thượng.
Lược giải.-
Hiệu năng Kim cương được nói như đoạn này thì thật rõ và gần như độc đáo. Phải là kinh như Kim cương mới có cái hiệu năng tiêu diệt ngay trong đời này những ác nghiệp đã thuần thục. Hãy như thật tri kiến như vậy để khỏi ngờ và sợ khi thấy đọc tụng Kim cương mà hay bị những sự bất như ý.
Phân khoa.-
Bát 4.- như thật tri kiến về phước đức đặc biệt (đoạn 28)
Chính văn.-
28. Trưởng lão Thiện hiện, Như lai nhớ lại quá khứ vô số thời kỳ vô số (1),
trước khi Như lai gặp đức Nhiên đăng, thì đã gặp được tám trăm bốn ngàn vạn ức
trăm triệu chư Phật như lai, đối với Ngài nào Như lai cũng đồng thừa sự hiến
cúng chứ không bỏ qua. Nhưng nếu có ai ở trong thời kỳ cuối cùng sau này, mà có
năng lực học hỏi, ghi nhớ, nghiên cứu tụng thuộc bản kinh Kim cương bát nhã này
đây, thì bao công đức người ấy đạt được, công đức Như lai phụng sự chư Phật
không bằng phần trăm, phần ngàn vạn ức, đến nỗi toán pháp và ví dụ nữa, cũng
không bằng được một phần nào cả. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay
thiện nữ nào ở trong thời kỳ cuối cùng sau này, mà có khả năng tiếp nhận, ghi
nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc bản kinh Kim cương bát nhã như vầy, bao nhiêu công
đức mà họ đạt được, nếu Như lai nói một cách đầy đủ, thì tất có kẻ nghe mà nổi
khùng, bối rối, hoài nghi, không thể tin được. Trưởng lão Thiện hiện, phải nhận
thức rằng ý nghĩa Kim cương không thể nghĩ bàn, hiệu quả cũng vậy không thể
nghĩ bàn.
Ghi chú.-
(1) Thời kỳ vô số.- là a tăng kỳ kiếp.
Lược giải.-
Phật đem chính phước đức của mình mà đề cao phước đức Kim cương : phước đức Kim
cương siêu việt là vì ý nghĩa Kim cương siêu việt.
Phân khoa.-
Kim 3 : như thật tri kiến về chủ thể,
có 2 cương, cương 1 như thật tri kiến về chủ thể, cương 2 như thật tri kiến về
chủ thể mà loại bỏ tà kiến.
Cương 1, như thật tri kiến về chủ thể,
có 3 bát : bát 1 như thật tri kiến chủ thể về nhân và quả của Bồ tát, bát 2 như
thật tri kiến chủ thể về Phật quả của Bồ tát, bát 3 phước đức của pháp thoại.
Bát 1.- như thật tri kiến chủ thể về nhân và quả của Bồ tát,
có 5 nhã, nhã 1 như thật tri kiến về chủ thể phát tâm vô thượng bồ đề, nhã 2
như thật tri kiến về chù thể thực hiện vô thượng bồ đề, nhã 3 như thật tri kiến
về Bồ tát hạnh thực hiện vô thượng bồ đề, nhã 4 như thật tri kiến về tuệ của vô
thượng bồ đề, nhã 5 như thật tri kiến về phước của vô thượng bồ đề
Nhã 1.- như thật tri kiến về chủ thể phát tâm vô thượng bồ đề (đoạn 29).
Chính văn.-
29. Vào lúc bấy giờ, trưởng lão Thiện hiện kính bạch Thế tôn, thiện nam
thiện nữ đã phát tâm nguyện vô thượng bồ đề, thì phải làm sao để ở tâm ấy ? và
phải làm sao để sửa tâm mình ? Đức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện hiện, thiện
nam thiện nữ phát tâm bồ đề, thì sửa tâm mình bằng tuệ giác này : ta phải làm
cho hết thảy chúng sinh được niết bàn rồi mà thật không thấy một chúng sinh nào
được niết bàn cả. Lý do là vì Bồ tát mà có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả,
thì như thế là không phải Bồ tát. Tại sao như vậy, trưởng lão Thiện hiện, bởi
vì thật ra không có pháp gì là người phát tâm vô thượng bồ đề.
Lược giải.-
Đoạn này văn tự gần như lặp lại đoạn 5, nhưng cốt ý nói bát nhã không thấy có mình là người phát tâm vô thượng bồ đề.
Phân khoa.-
Nhã 2.- như thật tri kiến về chủ thể thực hiện vô thượng bồ đề (đoạn
30)
Chính văn.-
30. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, nơi đức Nhiên đăng, phải chăng
Như lai có một pháp gì gọi là đạt được vô thượng bồ đề ? Không, bạch Thế tôn ;
theo chỗ con hiểu ý nghĩa đã được Thế tôn dạy cho thì khi Ngài ở nơi đức Nhiên
đăng, không có pháp gì gọi là đạt được vô thượng bồ đề. Đức Thế tôn dạy, đúng
vậy, Thiện hiện, đúng là không có pháp gì gọi là Như lai đạt được vô thượng bồ
đề. Nếu có pháp gì gọi là Như lai đạt được tuệ giác vô thượng bồ đề, thì đức
Nhiên đăng đã không ghi nhận, rằng trong tương lai ông thành Phật đà, danh hiệu
gọi là Thích ca mâu ni ; vì thật không có pháp gì gọi là Như lai đạt được vô
thượng bồ đề, nên đức Nhiên đăng mới ghi nhận cho, bằng cách nói rằng ông thành
Phật đà danh hiệu gọi là Thích ca mâu ni Ố tại sao như vậy ? vì chữ Như lai
chính là nghĩa Như của tất cả pháp (1). Nếu có ai nói Như lai đạt được vô
thượng bồ đề, thì nói như vậy là không chính xác (2), bởi vì, trưởng lão, thật
ra không có pháp gì gọi là Như lai đạt được vô thượng bồ đề, sự đạt được ấy
không phải chắc chắn, không phải trống rỗng. Vì lý do này, Như lai tuyên ngôn
rằng tất cả pháp toàn là Phật pháp. Trưởng lão Thiện hiện, tất cả pháp ấy Như
lai đã nói phi tất cả pháp, nên Như lai nói là tất cả pháp.
Ghi chú.-
(1) Vì chữ Như lai chính là nghĩa Như của tất cả pháp.- Hd thêm : Như lai là
dị danh của chân như chân thật, Như lai là dị danh của pháp tánh vô sinh, Như
lai là dị danh của con đường vĩnh diệt, Như lai là dị danh của bất sinh tuyệt
đối. Cd cũng thêm như vậy. Thêm như vậy rõ ràng là thêm thắt và rất kém cả văn
lẫn ý. Như lai là nghĩa Như, dịch như vậy, và nguyên bản như vậy, thì văn và ý
đều độc đáo. Như là Như thế. Như, nói đủ là Chân như : trung thực như thế. Mà
Như Thế thì nghĩa là ở đâu, lúc nào, người nào, vật gì, cũng vốn như thế, toàn
như thế, và vẫn như thế, chứ không khác đi vì phân biệt, khái niệm. Nói cách
khác, Như Thế là các pháp tự siêu việt mọi sự sai khác. Như Thế là thực thể của
Phật (cũng như của các pháp), Phật là biểu tượng của thực thể ấy, nên nói Như
lai và Như.
(2) Thì nói như vậy là không chính xác.- là lấy Hd mà bổ túc.
Lược giải.-
Đoạn 30 này đã được nói lược ở đoạn 12, nhưng đoạn ấy cốt nói bát nhã không thấy có bồ tát hạnh quả của Phật, còn đoạn này cốt nói bát nhã không thấy có cái người thực hiện vô thượng bồ đề.
Phân khoa.-
Nhã 3.- như thật tri kiến về Bồ tát hạnh thực hiện vô thượng bồ đề (đoạn
31-32)
Chính văn.-
31. Trưởng lão Thiện hiện, ví như có ngưởi thân thể cao lớn... Trưởng lão
Thiện hiện liền bạch Thế tôn, thân cao lớn ấy thì Ngài đã nói phi thân cao lớn,
thế nên Ngài nói là thân cao lớn. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát cũng vậy : Bồ
tát mà nói ta phải làm cho vô số chúng sinh đều được niết bàn, thì không được
gọi là vị Bồ tát ; trưởng lão Thiện hiện, bởi vì thật ra không có pháp gì gọi
là Bồ tát. Vì thế Như lai nói tất cả pháp không phải ngã nhân chúng sinh thọ
giả.
(32) Trưởng lão Thiện hiện, nếu Bồ tát nói ta phải trang hoàng cõi Phật của
ta, thì không được gọi là vị Bồ tát. Tại sao, trưởng lão, trang hoàng cõi Phật
thì Như lai nói là phi trang hoàng, thế nên Như lai nói là trang hoàng. Trưởng
lão Thiện hiện, Bồ tát thấu triệt về sự vô ngã (1), Như lai mới nói vị ấy đích
thực là vị Bồ tát.
Ghi chú.-
(1) Sự vô ngã.- Chính văn là vô ngã pháp. Tra cứu tất cả bản dịch, biết đích
chính văn ấy có nghĩa cái pháp vô ngã, chứ không phải vô ngã vô pháp. Sự vô ngã
ở đây là vô nhân ngã và vô pháp ngã, chứ không phải chỉ là vô ngã khác với vô
pháp.
Lược giải đoạn 31-32.-
Cả hai đoạn này cốt nói bát nhã không thấy có cái người làm bồ tát hạnh :
đoạn 31 nói sự làm nên chúng sinh, đoạn 32 nói sự làm sạch thế giới. Đoạn 31,
văn phần đầu gần như lặp lại đoạn 14, nhưng đoạn 14 cốt nói Phật thân là phi Phật
thân (thân lớn là phi thân lớn), còn đoạn 31 này nói Bồ tát là phi Bồ tát (thân
lớn là phi thân lớn). Đoạn 32 cũng vậy, văn như đoạn 13 mà ý cốt không nói cái
người làm sạch thế giới.
Phân khoa.-
Nhã 4.- như thật tri kiến về tuệ của vô thượng bồ đề (đoạn 33)
Chính văn.-
33. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, có đúng Như lai hiện có mắt
thịt, mắt trời phải không ? Phải, bạch Thế tôn, Ngài có mắt thịt và có mắt
trời. Có đúng Như lai hiện có mắt tuệ, mắt pháp phải không ? Phải, bạch Thế
tôn, Ngài có mắt tuệ và có mắt pháp. Như lai hiện có mắt Phật phải không ?
Phải, bạch Thế tôn, Ngài có mắt Phật. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào,
cát trong sông Hằng Như lai cũng nói là cát phải không ? Phải, Ngài nói cát.
Ông nghĩ thế nào, có bao nhiêu cát trong một sông Hằng thì có sông Hằng bằng số
cát ấy, và những cõi Phật bằng với số cát những sông Hằng này thì nhiều hay
không ? Rất nhiều, bạch Ngài. Trưởng lão Thiện hiện, bao nhiêu tâm tưởng (1)
tất cả chúng sinh trong những cõi Phật được nói như vậy, Như lai biết hết. Tại
sao, trưởng lão, Như lai nói rằng bao tâm tưởng ấy là phi tâm tưởng, thế nên
Như lai nói là tâm tưởng : Tâm tưởng quá khứ không thể nhận được, tâm tưởng
hiện tại không thể nhận được, tâm tưởng vị lai không thể nhận được.
Ghi chú.-
(1) Tâm tưởng.- Hd rõ là tâm tưởng diễn biến (tâm lưu chú).
Lược giải.-
Về ngũ nhãn của Phật, Dẫn nhập điều 7 mục c đã nói sơ lược. Nay nói sơ lược hơn nữa, theo ngôn ngữ Kim cương. Thấy A (sở ngôn) là nhục nhãn và thiên nhãn. Thấy A là phi-A (tức phi) là tuệ nhãn. Vì A là phi-A nên nói là A (thị danh) là pháp nhãn. Phật nhãn viên mãn và siêu việt tất cả. Ngũ nhãn như vậy nên biết bình thường như các Phật cũng thấy biết, thấy biết cái biến hóa và siêu tốc nhất như tâm lý Phật càng thấy biết - thấy biết tận cùng số lượng, thực chất.
Phân khoa.-
Nhã 5.- như thật tri kiến về phước của vô thượng bồ đề (đoạn 34)
Chính văn.-
34. Trưởng lão Thiện hiện, giả sử có ai đem hết vàng ngọc đầy cõi đại thiên
mà bố thí cả, người này vì thế được phước nhiều không ? Rất nhiều, bạch Ngài,
người này vì thế được phước rất nhiều. Trưởng lão Thiện hiện, nếu phước có thật
thì Như lai đã không nói phước nhiều, nhưng vì phước ấy thật là phi phước, thế
nên Như lai nói là phước nhiều.
Lược giải.-
Phước của vô thượng bồ đề là thuận tánh mà tu hành và diệu dụng. Tức như Khởi tín luận nói thuận theo sự không trú ở của chân như mà không trú ở sinh tử và niết bàn..., thuận theo chân như không tham lẫn mà bố thí...
Phân khoa.-
Bát 2.- Như thật tri kiến chủ thể về Phật quả của Bồ tát,
có 4 nhã, nhã 1 như thật tri kiến về Phật thân, nhã 2 như thật tri kiến về Phật
thuyết, nhã 3 như thật tri kiến về Phật hóa, nhã 4 như thật tri kiến về Phật
pháp.
Nhã 1.- như thật tri kiến về Phật thân (đoạn 35)
Chính văn.-
35. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, có thể hay không nhìn thấy Như
lai bằng cái sắc thân toàn hảo đặc tướng ? Không, bạch Thế tôn, không nên nhìn
Ngài bằng cái sắc thân toàn hảo đặc tướng. Tại sao như vậy, vì cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng thì Thế tôn nói là phi sắc thân toàn hảo đặc tướng, đó là lý
do tại sao Thế tôn nói là sắc thân toàn hảo đặc tướng. Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào, có thể hay không nhìn thấy Như lai bằng các đặc tướng toàn
hảo tất cả ? Không, bạch Thế tôn, không nên nhìn Ngài bằng các đặc tướng toàn
hảo tất cả. Tại sao như vậy, vì các đặc tướng toàn hảo tất cả thì Thế tôn nói
là phi đặc tướng toàn hảo tất cả, đó là lý do tại sao Thế tôn, nói là đặc tướng
toàn hảo tất cả.
Lược giải.-
Đây là lần thứ 3 trong 5 lần, các đoạn 7, 19, 35, 41, 42) đã và còn nói về sự thấy Phật bằng tướng hảo. Nhưng 5 lần như vậy văn đồng mà ý khác. Ở đây, đoạn 35, là như thật tri kiến về cái chủ thể có cái thân đầy đủ tướng hảo và có tướng hảo đầy đủ.
Phân khoa.-
Nhã 2.- như thật tri kiến về Phật thuyết (đoạn 36)
Chính văn.-
36. Trưởng lão Thiện hiện, đừng nói Như lai có cái ý nghĩ Như lai thuyết
pháp. Đừng nói như vậy. Lý do tại sao, vì nói Như lai có sự thuyết pháp thì thế
chính là phỉ báng Như lai Ố Nói thế tức là không khéo lĩnh hội ý nghĩa đã được
Như lai tuyên thuyết. Trưởng lão Thiện hiện, gọi là thuyết pháp là thật không
có pháp gì để thuyết, như thế mới được gọi là thuyết pháp.
Lược giải.-
Thuyết pháp không những chỉ là thuyết rằng Pháp là Phi (Như) : là siêu việt ngôn thuyết, mà ngay cái người thuyết pháp cũng là Phi. Đó là như thật tri kiến về Phật thuyết pháp và Pháp của Phật thuyết.
Phân khoa.-
Nhã 3.- như thật tri kiến về Phật hóa (đoạn 37)
Chính văn.-
37. Lúc ấy Thiện hiện, người lấy tuệ giác mà làm tính mạng, kính bạch Thế
tôn, có thể có ai trong thì vị lai nghe Pháp như vầy mà tin tưởng không ? Đức
Thế tôn dạy, những người như vậy không phải chúng sinh hay không chúng sinh ;
tại sao, trưởng lão, gọi là chúng sinh thì Như lai nói là phi chúng sinh, vì
thế Như lai gọi là chúng sinh (1).
Ghi chú.-
(1) Được biết trọn đoạn này là lấy Bd mà bổ túc, nguyên Td không có. Người
làm việc này là ai thì không rõ. Các bản dịch khác sau Bd đều có đoạn này. Xét
cả văn và ý thì thấy bổ túc rất phải.
Lược giải.-
Người thuyết Pháp và Pháp được thuyết như thế nào thì người nghe Pháp cũng vậy. Người nghe Pháp không phải là chúng sinh (vì là Phi, là Như), dầu hiện không phải là không chúng sinh (vì chưa tự biết là Phi, là Như). Phật hóa là giáo hóa cho họ biết sự không tự biết ấy. Hãy như thật tri kiến như vậy về Phật hóa và người được Phật hóa.
Phân khoa.-
Nhã 4.- như thật tri kiến về Phật pháp (đoạn 38)
Chính văn.-
38. Trưởng lão Thiện hiện, kính bạch Thế tôn, Thế tôn đạt được vô thượng bồ
đề, thật ra là sự phi đạt được chăng ? Đúng, đúng như vậy, trưởng lão Thiện
hiện ; Như lai đối với vô thượng bồ đề không có chút gì gọi là đạt được nên
được gọi là vô thượng bồ đề. Thêm nữa, trưởng lão, Pháp thì đồng đẳng, không
bất đồng đẳng (1), thế nên gọi là vô thượng bồ đề : không có ngã nhân chúng
sinh thọ giả mà làm pháp lành, thế thì đạt được vô thượng bồ đề. Trưởng lão
Thiện hiện, gọi là pháp lành thì Như lai nói là phi pháp lành, thế nên Như lai
gọi là pháp lành.
Ghi chú.-
(1) Pháp thì đồng đẳng, không bất đồng đẳng.- Chính văn là thị pháp bình
đẳng, vô hữu cao hạ, dịch sát : Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp. Hd rõ hơn
: Pháp ấy bình đẳng, không bất bình đẳng. Nghĩa : Pháp là Như, tự Nó không có
gì là không Như, không có gì sai khác vì ngã chấp.
Lược giải.-
Pháp là pháp vô thượng bồ đề của Phật, là Phật pháp. Pháp ấy là Như, siêu việt mọi khái niệm mà độc chất là ngã chấp. Thiện pháp đạt đến Pháp ấy cũng là Như biểu hiện - là thuận tánh khởi dụng.
Phân khoa.-
Bát 3.- phước đức của pháp thoại (đoạn 39)
Chính văn.-
39. Trưởng lão Thiện hiện, có người đem cho bảy loại vàng ngọc chất đống
bằng với những núi Tu di trong cõi đại thiên, và có người khác tiếp nhận ghi
nhớ dầu chỉ bốn câu bản kinh Bát nhã ba la mật này, và nói cho người, thì phước
người trước không bằng phần trăm, phần ngàn vạn ức, toán pháp, ví dụ, cũng
không bằng được một phần nào cả.
Phân khoa.-
Cương 2.- như thật tri kiến về chủ thể mà loại bỏ tà kiến,
có hai bát : bát 1 như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến, bát 2 loại bỏ tà kiến
mà hội nhập như thật tri kiến.
Bát 1.- như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến,
có hai nhã : nhã 1 như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến thường còn, nhã 2 như
thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến đoạn diệt.
Nhã 1.- như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến thường còn (đoạn 40-41)
Chính văn.-
40. Trưởng lão Thiện hiện, các vị đừng nói Như lai nghĩ rằng Như lai giải
thoát các loại chúng sinh ; trưởng lão Thiện hiện, đừng nghĩ như vậy, vì thật
không có một chúng sinh nào Như lai giải thoát. Nếu có chúng sinh Như lai giải
thoát, thì thế chính là Như lai đã có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả.
Trưởng lão Thiện hiện, ý tưởng về ngã thì Như lai nói phi ý tưởng ngã (1),
nhưng người tầm thường thì bảo là ngã. Trưởng lão Thiện hiện, người tầm thường
ấy Như lai nói là người phi tầm thường (2).
Ghi chú.-
(1) Phi ý tưởng ngã.- Nghĩa là chính thực chất ngã chấp tự phủ nhận lấy nó.
Ngã ở đây bao gồm tất cả ngã nhân chúng sinh thọ giả : bao gồm tất
cả nhân ngã và pháp ngã
(2) Phi người tầm thường.- Sau câu này Hd thêm : thế nên gọi là những người
tầm thường. Người tầm thường : phàm phu của Td hay ngu phu dị sinh của Hd.
Người tầm thường phi người tầm thường là chúng sinh phi chúng sinh : chúng sinh
vốn là Như (coi lược giải đoạn 37). Đại sư Tăng triệu chú thích : phàm phu phi
phàm phu nên có thể giáo hóa cho thành thánh giả (Vạn 38/217A).
Lược giải.-
Loại bỏ ngã chấp thường còn (chấp có) có hai đoạn. Đây là đoạn thứ nhất cốt nói nếu Phật thấy có chúng sinh được mình hóa độ (cũng như nếu thấy có mình hóa độ chúng sinh) thì cái thấy ấy là ngã chấp : chấp thường, chấp có.
Chính văn.-
41. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, phải chăng có thể nhìn thấy Như
lai bằng ba mươi hai đặc tướng siêu nhân ? Kính bạch Thế tôn, theo chỗ con hiểu
nghĩa của Ngài dạy, không thể nhìn Ngài bằng ba mươi hai đặc tướng siêu nhân.
Đức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện hiện, thật đúng như vậy, bởi vì nếu nhìn ba
mươi hai nét đặc tướng siêu nhân mà cho có thể nhìn thấy Như lai thì Chuyển
luân vương cũng là Như lai. Thế nên không thể nhìn thấy Như lai bằng ba mươi
hai đặc tướng siêu nhân ; hãy nhìn Như lai bằng cách nhìn thấy tất cả đặc tướng
là phi đặc tướng (1). Bấy giờ Thế tôn nói chỉnh cú này :
“Nếu đem sắc tướng
nhìn thấy Như lai,
hoặc đem âm thanh
nhận thức Như lai,
thì những người ấy
đã đi lạc đường,
không còn có thể
thấy biết Như lai” (2).
Ghi chú.-
(1) Đoạn 41 này tham chiếu Hd mà chuyển dịch chính văn của Td. Nếu dịch đúng
chính văn Td thì như sau, vẫn dịch mỗi câu 4 chữ để ai muốn thì dùng :
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng có thể
nhìn thấy Như lai,
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Trưởng lão thưa Ngài,
kính bạch Thế tôn,
đúng là có thể
nhìn thấy Thế tôn
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân.
Đức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
nếu nói có thể
đem ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân
mà thấy Như lai,
thì Chuyển luân vương
cũng là Như lai.
Trưởng lão thưa ngài,
kính bạch Thế tôn,
theo con hiểu ý
đức Thế tôn dạy
thì thật không thể
nhìn thấy Thế tôn
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân.
Td như vậy có thể Phạn bản của Td là như vậy, mà cũng có thể Td chuyển
văn mà dịch cho rõ ý. Ý đó là sự chấp ngã (chấp thường, chấp có), là cái bản
năng không dễ bỏ : ngài Tu bồ đề nghe Phật dạy đến đây rồi mà còn bộc lộ không
tự kiểm cái chấp ấy đến như vậy - bộc lộ theo bản năng, không những thấy có
mình nhìn Phật, thấy có Phật mình nhìn, mà nhìn thấy chỉ qua sắc tướng như
người thường nhìn thấy. Nhưng nguyên Phạn bản Td như vậy hay Td chuyển văn như
vậy, đằng nào cũng đã gây bối rối cho người đọc tụng, vì văn tự khác quá với
các đoạn 7, 19 và 35, chưa kể 42. Nên tôi phải đối chiều Hd mà chuyển dịch. Hd
tuy không làm rõ được nhiều cái ý như đã nói, nhưng không gây bối rối nào cả.
(2) Bài chỉnh cú này của Td, văn ý già dăn, không như các bản khác còn thêm
4 câu nữa : hãy nhìn thấy pháp tánh của Như lai là pháp thân của Như lai, pháp
tánh thì siêu việt nhận thức nên người (đi lạc đường) ấy không thể biết được.
Lược giải.-
Đây là đoạn thứ hai loại bỏ chấp thường còn (chấp có) : Nếu thấy Phật qua sắc tướng (hay tìm Phật qua âm thanh) như cái thấy (và cái nghe) của ngã chấp, thì ai có mang 32 tướng tốt (dầu không tốt bằng Phật) cũng là Phật cả.
Phân khoa.-
Nhã 2.- như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến đoạn diệt (đoạn 42-43)
Chính văn.-
42. Trưởng lão Thiện hiện, nếu ông nghĩ rằng Như lai không do (1) đặc tướng
toàn hảo mà được tuệ giác vô thượng bồ đề, thì này trưởng lão, đừng nghĩ như
vậy, rằng ta, Như lai, không do đặc tướng toàn hảo mà được vô thượng bồ đề (2).
Ghi chú.-
(1) Không do.- Chữ không, chính văn là bất, có vị cho là không có (Vạn
83/327A hay Chính 33/152). Xét ý Td thì phải có (coi điều thứ ba của ghi chú 2
dưới đây).
(2) Đoạn 42 này chỉ Nd không có, nhưng xét có thì đúng hơn. Đoạn 42 này có 3
điều cần ghi chú. Điều thứ nhất, đoạn này loại bỏ ý nghĩ Phật không do đặc
tướng mà thành Phật (nghĩa là nghĩ Phật là đoạn diệt hư vô), bởi vì 32
đặc tướng của Phật mỗi đặc tướng do cả trăm phước trang nghiêm, và Phật do
phước ấy mà thành Phật, mà được Phật thân toàn hảo đặc tướng. Điều thứ hai,
đoạn này các bản khác trái hẳn với Td. Hãy lấy Hd làm mẫu mà đối chiếu, như sau
: Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, Như lai chứng vô thượng giác là do các đặc
tướng toàn hảo chăng ? Thiện hiện, đừng nghĩ như vậy, tại sao, bởi vì, Thiện
hiện, Như lai không do các đặc tướng toàn hảo mà chứng vô thượng giác. Điều thứ
ba, ngay Td mà bỏ chữ bất đi (coi ghi chú 1), và dịch ép câu chót, thì cũng
cùng ý : Thiện hiện, nếu ông nghĩ rằng Như lai được vô thượng giác là do các
đặc tướng toàn hảo (thì), Thiện hiện, đừng nghĩ như vậy, (vì) Như lai không do
các đặc tướng toàn hảo mà chứng vô thượng giác. Nhưng xét ý đại sư Tăng triệu
(Vạn 38/217B) thì đoạn 42 này phải hiểu và dịch như đã dịch, lại phải đặc vào
tiết mục loại bỏ chấp đoạn diệt (chấp không). Nếu hiểu và dịch như các bản khác
thì đoạn này là loại bỏ chấp thường còn (chấp có), và như vậy thì thừa (vì
trùng ý với đoạn 14).
Lược giải.-
Loại bỏ chấp đoạn diệt (chấp không) cũng bằng hai đoạn. Đây là đoạn thứ nhất, nói quả bất diệt (Phật đà bất diệt). Quả ấy là Phật thân đủ mọi tướng hảo : chính Phật thân này tự phủ nhận sự chấp không (chấp đoạn) rồi. Muốn hiểu Phật đà bất diệt như thế nào thì coi Pháp hoa phẩm 16.
Chính văn.-
43. Trưởng lão Thiện hiện, nếu ông nghĩ rằng những người phát tâm vô thượng
bồ đề nói rằng các pháp là tiêu diệt hẳn, thì đừng nghĩ thế, tại sao, bởi vì
những người phát tâm vô thượng bồ đề đối với các pháp không nói tiêu diệt (1).
Ghi chú.-
(1) Không nói tiêu diệt.- Chính văn là bất thuyết đoạn diệt tướng, so
với các bản khác và dịch đủ thì phải là không nhận thức qui định và tuyên bố
các pháp là tiêu diệt.
Lược giải.-
Đây là đoạn thứ hai loại bỏ chấp đoạn diệt (chấp không), bằng cách nói nhân bất diệt (Bồ tát bất diệt). Nhân ấy là phát tâm vô thượng bồ đề : chính sự phát tâm này tự phủ nhận sự chấp không (chấp đoạn rồi).
Phân khoa.-
Bát 2.- loại bỏ tà kiến mà hội nhập như thật tri kiến
có 4 nhã : nhã 1 hội nhập như thật tri kiến về nhân, nhã 2 hội nhập như thật
tri kiến về quả, nhã 3 hội nhập như thật tri kiến về vũ trụ, nhã 4 hội nhập như
thật tri kiến về bản thân.
Phân khoa trên đây, có thể đổi từ ngữ mà nói một cách khác, nghĩa là nhìn một
cách khác hơn nữa về 4 nhã này : nhã 1 hội nhập như thật tri kiến về nghiệp
quả, nhã 2 hội nhập như thật tri kiến về thực thể, nhã 3 hội nhập như thật tri
kiến về vũ trụ, nhã 4 hội nhập như thật tri kiến về bản thân. Cách nhìn như vầy
có nghĩa đoạn 44 này cho thấy phi thường phi đoạn nên có nghiệp thì có nghiệp
quả, đoạn 45 cho thấy phi thường phi đoạn nên bản thể vốn siêu việt, đoạn 46-47
cho thấy phi thường phi đoạn nên cảnh giới là phi cảnh giớii, đoạn 48 cho thấy
phi thường phi đoạn nên bản thân là Phật thân. Cách nhìn như vầy sát ý hơn,
nhưng kém sát văn, nhất là văn đoạn 44, nên tôi không dùng mà thấy phải nêu lên
ở đây.
Nhã 1.- hội nhập như thật tri kiến về nhân (đoạn 44)
Chính văn.-
44. Trưởng lão Thiện hiện, một vị Bồ tát đem cho tất cả bảy loại vàng ngọc
chất đầy thế giới như cát sông Hằng ; vị Bồ tát khác biết tất cả pháp toàn là
vô ngã, thành được sức Nhẫn, thì Bồ tát này hơn Bồ tát trước. Lý do là vì,
trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì không tiếp nhận phước đức. Trưởng lão Thiện
hiện kính bạch Thế tôn, tại sao Bồ tát không nhận phước đức ? Bởi vì,
Thiện hiện, Bồ tát làm hết mọi sự phước đức, thế nhưng không nên tham đắm phước
đức, Như lai do vậy nói là không nhận mọi sự phước đức.
Ghi chú.-
(1) Vô ngã.- ngã ở đây bao gồm tất cả khái niệm về ngã là ngã nhân chúng sinh thọ giả, bao gồm tất cả cái ngã bản năng và cái ngã lý thuyết, bao
gồm cả nhân ngã và pháp ngã.
(2) Sức nhẫn.- Chính văn là nhẫn, Hd thêm : kham nhẫn. Như vậy Nhẫn ở đây là
chấp nhận. Chấp nhận cái gì ? Một, chấp nhận vô ngã chứ không chới với ; sự
chấp nhận này là tuệ giác. Hai, chấp nhận nghịch cảnh chứ không thoái chuyển ;
sự chấp nhận này là nhẫn nhục. Sự chấp nhận trước dẫn ra sự chấp nhận sau, và
gồm cả hai sự Nhẫn này lại thì thấy vô ngã là vô sinh (Hd rõ như vậy) : không
còn si mê phiền não. Nên sức Nhẫn ở đây gọi là Vô sinh pháp nhẫn. Điển hình sức
Nhẫn này là tiền thân Phật được nói trong đoạn 22.
(3) Td như vầy thật rõ. Hd như sau, hãy đối chiếu để thấy : Nên nắm nhận mà
không nên nắm nhận, thế nên nói là nên nắm nhận.
Lược giải.-
Hội nhận như thật tri kiến về nhân là thấy Vô sinh pháp nhẫn hoạt dụng thành cái phước đức siêu việt đam mê, cố thủ.
Phân khoa.-
Nhã 2.- Hội nhập như thật tri kiến về quả (đoạn 45)
Chính văn.-
45. Trưởng lão Thiện hiện, nếu nói Như lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm,
thì người nói ấy không hiểu ý nghĩa Như lai đã nói. Tại sao như vậy, bởi vì Như
lai không đến từ đâu, không đi về đâu, nên gọi Như lai.
Lược giải.-
Hội nhập như thật tri kiến về quả là thấy Như lai và Như : siêu việt mọi sự
không Như.
Phân khoa.-
Nhã 3.- hội nhập như thật tri kiến về vũ trụ (đoạn 46-47)
Chính văn.-
46. Trưởng lão Thiện hiện, có ai nghiền nát thế giới đại thiên thành ra vi
trần, thì ông nghĩ sao, những vi trần ấy là nhiều hay ít ? Rất nhiều, bạch
Ngài. Tại sao, bởi vì những vi trần ấy nếu là thật có, thì Ngài không nói là
những vi trần Ố Thế nhưng vi trần thì Ngài đã nói là phi vi trần, do đó Ngài
nói là những vi trần (1).
47. Và bạch Thế tôn, cái mà Ngài nói thế giới đại thiên là phi thế giới, vì
thế nên được gọi là thế giới. Tại sao như vậy, bởi vì nếu nói thế giới thật có,
thì đó chỉ là ý tưởng hợp nhất Ý tưởng hợp nhất thì Ngài nói phi ý tưởng
hợp nhất, nên được gọi là ý tưởng hợp nhất. Đức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện
hiện, ý tưởng hợp nhất thì không là gì để mà nói cả, nhưng người tầm thường đam
mê dính mắc cái sự như vậy.
Ghi chú đoạn 46.-
(1) Những vi trần trong đoạn này, dịch đủ chữ của chính văn thì phải là khối
lượng vi trần (vi trần chúng). Nhưng dịch như vậy không giữ được nguyên ý nói
về phân tử, nên phải lược bỏ.
Ghi chú đoạn 47.-
(1) Cả hai đoạn 46 và 47 này, về văn tự thì vừa giống vừa nói rộng đoạn 18.
Lược giải đoạn 46-47.-
Cả hai đoạn 46-47 này là hội nhập như thật tri kiến về vũ trụ (về phân tử của vũ trụ và về vũ trụ của phân tử), thấy chúng không là gì để mà cãi và ham.
Phân khoa.-
Nhã 4.- hội nhập như thật tri kiến về bản thân (đoạn 48)
Chính văn.-
48. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có ai nói Thế tôn nói về ý tưởng ngã
nhân chúng sinh thọ giả, thì này trưởng lão, ông nghĩ thế nào, người đó
có hiểu ý nghĩa Như lai đã nói hay không ? Không, bạch Thế tôn, người ấy không
hiểu ý nghĩa đã được Thế tôn nói ra. Lý do tại sao, vì Thế tôn nói ý tưởng ngã
nhân chúng sinh thọ giả thì tức là phi (1) ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả,
thế nên gọi là ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả.
Ghi chú.-
(1) Phi.- Ở đây có nghĩa là tự phủ nhận.
Lược giải.-
Hội nhập như thật tri kiến về bản thân là thâm tín Bát nhã. Thâm tín Bát nhã thì thường nghĩ nhớ bản thân, nhất là bản thân trong ngã chấp, vốn là và vẫn là Phi, là Như.
Phân khoa.-
Kinh 3.- Kết thúc,
có 2 kim : kim 1 kết thúc ứng với hai câu hỏi đáp căn bản, kim 2 kết thúc như
các kinh khác.
Kim 1.-kết thúc ứng với 2 câu hỏi đáp căn bản,
có 3 cương : cương 1 kết thúc ứng với 2 câu hỏi đáp căn bản, cương 2 khuyến cáo
tu học và diễn tả Kim cương, cương 3 chì cách diễn tả Kim cương.
Cương 1.- Kết thúc ứng với 2 câu hỏi đáp căn bản (đoạn 49)
Chính văn.-
49. Trưởng lão Thiện hiện, những người phát tâm vô thượng bồ đề, thì
với các pháp hãy biết như vậy, hãy thấy như vậy, tin tưởng, lĩnh hội cũng là
như vậy : đừng nên trú ở nơi ý tưởng pháp. Trưởng lão Thiện hiện, nói ý tưởng
pháp thì Như lai nói phi ý tưởng pháp, vì thế mới gọi là ý tưởng pháp.
Ghi chú.-
(1) Các pháp.- Pháp ở đây là tổng quát cả 3 mặt đối tượng, tuệ giác và chủ
thể, mà đã được nói trong phần nội dung.
Lược giải.-
“Đừng nên trú ở nơi ý tưởng pháp” là lặp lại vô trú bát nhã đã nói suốt từ đoạn
2 đến đây, tổng kết kinh này ứng với hai câu hỏi đáp căn bản mở đầu trong đoạn
2-6.
Phân khoa.-
Cương 2.- khuyến cáo tu học và diễn tả Kim cương (đoạn 50).
Chính văn.-
50. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có người nào đem cho tất cả bảy loại vàng
ngọc chất đầy vô lượng vô số thế giới, và có người khác, không kể thiện nam hay
là thiện nữ, đối với pháp thoại Bát nhã như vầy, tiếp nhận ghi nhớ, nghiên cứu
tụng thuộc, diễn tả cho người, thì dầu chỉ được chỉnh cú bốn câu, phước họ đạt
được vẫn hơn người trước.
Lược giải.-
Pháp hạnh đối với Kim cương mà đoạn này và các đoạn tương tự ở trước đã khuyến cáo là sao chép ấn hành, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, diễn nói cho người (thư tả, thọ trì, độc, tụng, vị tha nhân thuyết). Tựu trung, diễn nói hay diễn tả cho người là giới thiệu, loan báo và giảng dạy. Cách này được ghi thêm ở đoạn 51 dưới đây. Cách ấy cho thấy diễn tả Kim cương cho người thì chính mình phải có và sống theo tuệ giác Kim cương.
Phân khoa.-
Cương 3.- chỉ cách diễn tả Kim cương (đoạn 51)
Chính văn.-
51. Diễn tả cho người bằng cách thế nào ? Bằng cách đừng nắm ý tưởng về
pháp, mà như sự Như chứ không dao động (1). Tại sao mà phải diễn tả cách ấy ?
“Bởi vì tất cả
các pháp hữu vi
toàn là giống như
chiêm bao, ảo thuật,
bóng nước, ảnh tượng,
sương mai, điện chớp ;
rất cần phải có
cái nhìn như vậy”.
Ghi chú.-
(1) Bằng cách đừng nắm ý tưởng về pháp, mà như sự Như chú không giao động.-
Câu này là một trong những câu độc đáo của Td Kim cương. Hãy đối chiếu với Hd
sau đây : Như là không diễn tả chỉ bảo cho người, và vì thế nên gọi là diễn tả
chỉ bảo cho người. Đây là ý nghĩa của Td, "bằng cách đừng nắm ý tưởng về
pháp" là vô trú bát nhã không thấy người nói, pháp được nói và người nghe.
"Mà như sự Như chứ không dao động" là vô trú bát nhã thấy tất cả đều
là Như, chứ không dao động theo những thứ không Như, những khái niệm về ngã,
nhân ngã cũng như pháp ngã.
(2) Bài chỉnh cú này chỉ có sáu ví dụ, khác với các bản khác có 9 : tinh
tú, ảo ảnh (của mắt bịnh), ngọn đèn, ảo thuật, sương mai, bóng nước, chiêm bao,
điện chớp, đám mây. Trong sáu ví dụ của Td thì chiêm bao, ảo thuật, bóng nước,
sương mai và điện chớp là năm ví dụ dễ hiểu nhất, và có thể vì vậy mà Td để
nguyên. Còn ảnh tượng thì không có trong 9 ví dụ, rõ ràng chứng tỏ Td dùng chữ
này để tổng quát bốn ví dụ toàn là ảnh tượng, đó là tinh tú, ảo ảnh, ngọn đèn
và đám mây. Về ý nghĩa của 9 ví dụ thì nên coi sự giải thích của Thế thân đại
sĩ (Chính 25/797 và 884). Nhưng ở đó chỉ giải thích theo biến kế chấp tánh :
giải thích theo y tha khởi tánh thì phải tham khảo Nhiếp luận (Chính 31/140).
Còn ý nghĩa sáu ví dụ của Td thì rõ ràng chỉ nói tổng quát rằng các pháp hữu vi
toàn như mộng ảo bào ảnh - toàn là Phi với nghĩa tự phủ nhận : hãy quan sát như
vậy mà diễn tả Kim cương. Nhưng đó là mới nói một mặt. mặt khác, cũng những ví
dụ ấy mà cho thấy các pháp hữu vi toàn là Phi với nghĩa tự siêu việt, hoạt hiện
và hoạt dụng một cách đa dụng và vô tận như mộng ảo bào ảnh : hãy quan sát như
vậy mà diễn tả Kim cương.
Lược giải.-
Hãy diễn tả Kim cương bằng cách chính mình phải thường xuyên tưởng nhớ, chiêm nghiệm và diệu dụng đạo lý chữ Phi. Như thế đó là vô trú bát nhã mà hủy diệt ngã chấp cũng ở đó, phát tâm với hàng tâm và trú tâm cũng ở đó.
Phân khoa.-
Kim 2.- kết thúc như các kinh khác (đoạn 52)
Chính văn.-
52. Khi đức Thế tôn tuyên thuyết hoàn tất bản kinh Kim cương bát nhã này rồi,
trưởng lão Thiện hiện, các vị tỷ kheo và tỷ kheo ni, những cận sự nam và cận sự
nữ, toàn thể thế giới chư thiên, nhân loại, và a tu la, được nghe những điều
Thế tôn tuyên thuyết, ai cũng hoan hỷ, tín thọ, phụng hành.