TỨ PHẦN LUẬT 四分律
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích
Nguyên Chứng
PHẦN THỨ BA TĂNG SỰ
CHƯƠNG
XV.
PHÁ TĂNG[1]
1. Đề-bà-đạt-đa
[909b8] Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có nhơn duyên, chúng Tăng tập hợp. Đề-bà-đạt-đa[2] từ chỗ ngồi đứng dậy, hành xá-la:
«Các Trưởng lão nào chấp thuận năm việc[3] này là pháp, là tỳ-ni, là lời dạy của Phật thì rút một thẻ.»
Bấy giờ có năm trăm vị tỳ-kheo tân học vô trí rút thẻ. Lúc ấy tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy lấy uất-đa-la-tăng mặc vào một bên, nói như vầy:
«Các trưởng lão nào chấp thuận năm việc này là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, thì lấy uất-đa-la-tăng mặc một bên.»
Trong đó có sáu mươi trưởng lão tỳ-kheo lấy uất-đa-la-tăng mặc một bên. Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa nói với các tỳ-kheo rằng:
«Này các trưởng lão, chúng ta không cần Phật và chúng Tăng. Chúng ta cùng nhau tác pháp yết-ma thuyết giới.»
Họ liền đến trong núi Già-da.[4] Đề-bà-đạt-đa đến trong núi Già-da, lìa Phật và Tăng, tự tác yết-ma thuyết giới. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Trong thành Vương-xá có nhơn duyên, chúng Tăng hội họp. Đề-bà-đạt-đa từ chỗ ngồi đứng dậy hành trù, nói: ‹Các trưởng lão nào chấp thuận năm việc này là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy thì rút thẻ.› Trong số đó năm trăm vị tỳ-kheo tân học vô trí liền rút thẻ. Trưởng lão A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy uất-đa-la-tăng mặc một bên, nói: ‹Các trưởng lão nào chấp thuận năm pháp này là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, thì xả uất-đa-la-tăng mặc một bên.› Bấy giờ có sáu mươi Trưởng lão tỳ-kheo xả uất-đa-la-tăng, mặc một bên. Đề-bà-đạt-đa nói với các tỳ-kheo: ‹Chúng ta có thể xả Phật và Tăng, tự mình tác yết-ma thuyết giới.› Rồi liền đến trong núi Già-da, xả Phật và Tăng tác yết-ma thuyết giới.»
Đức Phật dạy:
«Kẻ si phá Tăng này, có tám điều phi chánh pháp[5] trói buộc, che lấp, tiêu diệt thiện tâm, Đề-bà-đạt-đa đã hướng đến phi đạo trong nê-lê[6] một kiếp, không thể cứu được. Tám điều phi chánh pháp ấy là gì? Lợi, không lợi, khen, không khen, cung kính, không cung kính, ác tri thức, ưa bạn ác.[7] Có tám điều phi chánh pháp như vậy trói buộc, che lấp, tiêu diệt thiện tâm, Đề-bà-đạt-đa đã hướng đến phi đạo trong nê-lê một kiếp, không thể cứu được. Nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có thiện pháp bằng sợi lông, sợi tóc, thì ta đã không ghi nhận và nói ‹Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong Nê-lê một kiếp không thể cứu được.› Do ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được thiện pháp bằng sợi lông, sợi tóc, nên mới ghi nhận và nói, ‹Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong Nê-lê một kiếp không thể cứu được.› Thí như có người chìm trong hố xí. Có người muốn kéo nó ra. Nhưng không thấy ở nơi nó có chỗ sạch nào bằng sợi lông, hay sợi tóc để dùng tay nắm nó kéo ra. Nay quán sát Đề-bà-đạt-đa cũng lại như vậy. Không thấy có một bạch pháp nào bằng sợi lông, hay sợi tóc. Bởi vậy Ta nói, ‹Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong Nê-lê một kiếp không thể cứu được.›»
Bấy giờ tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên đi đến trong núi Già-da. Có tỳ-kheo thấy vậy, than khóc sướt mướt, và đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Đệ tử hạng nhất của đức Thế Tôn cũng đến núi Già-da.»
Đức Phật bảo:
«Này tỳ-kheo, ngươi đừng lo sợ. Xá-lợi-phất và Mục-liên đến trong núi Già-da là vì việc lợi ích.»
Đề-bà-đạt-đa ở trong núi Già-da cùng vô số chúng vây quanh đang nói pháp, từ xa thấy Xá-lợi-phất và Mục-liên đến liền nói:
«Thiện lai! Thầy là đại đệ tử. Tuy trước đây không chấp thuận mà nay đã chấp thuận. Tuy có muộn nhưng tốt.»
Trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên đến nơi, trải chỗ ngồi mà ngồi. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa ở trước đại chúng, làm như thường pháp của Phật, bảo Xá-lợi-Phất vì chúng Tăng nói pháp, nay ta đau lưng tạm nghỉ khỏe một chút. Khi ấy Đề-bà-đạt-đa cũng làm giống như đức Thế Tôn, tự xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp, nằm nghiêng bên hữu như con sư tử. Bỗng nhiên, nghiêng về phía tả như con dã can, nằm ngủ ngáy. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Mục-liên rằng:
«Nay có thể thị hiện cho đại chúng, khiến sanh tâm yểm ly.»
Trưởng lão Mục-liên nghe Xá-lợi-phất nói vậy, rồi dùng thần thông bay lên hư không, hoặc hiện hình nói pháp, hoặc ẩn hình mà nói pháp, hoặc hiện nửa hình mà nói pháp, hoặc ẩn nửa hình mà nói pháp, có lúc tuôn ra khói, có lúc tuôn ra lửa, có khi [910a] phần dưới thân tuôn ra lửa, phần trên thân tuôn ra nước, hoặc có khi phần trên thân tuôn ra lửa, phần dưới thân tuôn ra nước, có khi cả thân thành ngọn lửa cháy, mà từ lỗ chân lông tuôn ra nước. Trưởng lão Xá-lợi-phất biết Đại Mục-liên đã thị hiện cho đại chúng này, khiến sanh tâm yểm ly rồi, liền nói pháp tứ đế Khổ-Tập-Tận-Đạo. Khi ấy các tỳ-kheo liền từ nơi chỗ ngồi xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Bấy giờ trưởng lão Xá-lợi-phất, Mục-liên bảo các tỳ-kheo:
«Ai là đệ tử của đức Thế Tôn hãy theo tôi trở về.»
Xá-lợi-phất, Mục-liên cùng năm trăm tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên ra đi chưa bao lâu, Tam-văn-đạt-đa[8] lay ngón chân của Đề-bà-đạt-đa và nói với Đề-bà-đạt-đa:
«Thức dậy! Thức dậy! Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm tỳ-kheo rời chỗ ngồi ra đi rồi.»
Đề-bà hoảng hốt thức dậy, máu nóng nổi lên, từ mặt và lỗ chân lông tiết ra. Các tỳ-kheo thấy trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên đã dẫn năm trăm tỳ-kheo trở về, vui mừng đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch Phật:
«Xá-lợi-phất và Mục-liên đã dẫn năm trăm tỳ-kheo trở về rồi!»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Đây không phải là lần thứ nhất Xá-lợi-phất phá Đề-bà-đạt-đa mà là lần thứ hai Xá-lợi-phất phá vỡ Đề-bà-đạt-đa.»
Đời quá khứ thuở xa xưa có niên thiếu bà-la-môn tên là Tán-nhã,[9] đến chỗ người thầy dạy bắn, thưa: «Tôi muốn học nghệ thuật bắn.» Ông thầy dạy bắn nói, «Được!» Tán-nhã theo học bắn bảy năm. Qua bảy năm rồi liền nghĩ: «Nay ta học bắn, đến khi nào mới xong?» Rồi liền đến chỗ ông thầy thưa: «Tôi phải học nghệ thuật bắn này với thời gian bao lâu?» Ông Thầy liền bảo lấy cây cung, kéo dây cung ra, đặt mũi tên vào và nói:
«Ta có nhơn duyên vào thôn. Đợi ta trở về sẽ bắn.»
Ông thầy ra lệnh như vậy rồi đi vào thôn. Khi ấy Tán-nhã nghĩ: «Tại sao thầy của ta bảo ta kéo dây đặt tên vào, rồi lại đợi thầy về mới bắn? Nay ta cứ bắn thử xem có việc gì xảy ra?»
Trước mặt Tán-nhã có cây sa-la to lớn. Khi mũi tên được bắn ra xuyên qua cây ấy rồi rơi sâu xuống đất, không thấy. Ông thầy vào thôn, xong việc trở về, đến chỗ Tán-nhã hỏi:
«Ngươi chưa bắn chứ?»
Tán-nhã trả lời:
«Bắn rồi.»
Vị thầy nói:
«Ngươi làm điều không tốt. Nếu ngươi không bắn mũi tên thì sẽ là bậc đại sư tối thượng trong cõi Diêm-phù-đề. Nay ta là đại sư bậc nhất. Nếu ta qua đời, thì sẽ có ngươi.»
Vị thầy liền trang điểm cho đứa con gái của mình và đem năm trăm cái tên, luôn cả chiếc xe ngựa, cho người học trò. Tán-nhã nhận rồi, trên đường đi phải trải qua vùng hoang vu. Tán-nhã liền để vợ trên xe, dùng năm trăm cái tên này để qua vùng hoang vu. Bấy giờ, có bọn cướp gồm năm trăm người đang ăn nơi vùng hoang vu. Tán-nhã nói với vợ:
«Em đến chỗ bọn cướp để xin thức ăn.»
Người vợ liền đến nói với bọn cướp:
«Tán-nhã bảo tôi đến đây xin thức ăn.»
Khi ấy thủ lĩnh của bọn giặc quan sát, rồi nói:
«Xem người được sai này, biết kia không phải là người tầm thường. Hãy cho thức ăn.»
Trong khi đó, một tên giặc có ý nghĩ: «Chúng ta để người này sống mà chở vợ đi à?» Tán-nhã liền bắn một mũi tên, tên giặc đó bị trúng tên, chết. Tên giặc khác lại cũng đứng dậy nói: «Chúng ta để người này sống mà chở vợ đi à?» Tán-nhã lại cũng bắn một mũi tên. Tên giặc đó bị trúng tên, chết. Cứ như vậy, từng đứa một đứng lên, đều bị trúng tên mà chết. Lúc bấy giờ Tán-nhã còn một mũi tên. Chỉ còn thủ lĩnh của bọn cướp, chưa có sơ hở để buông tên. Tán-nhã liền nói với vợ.
«Em hãy cởi áo để xuống đất.»
Người vợ liền cởi áo. Tên giặc sơ ý. Tức thì mũi tên được bắn ra, giết chết.
Đức Phật bảo các tỳ-kheo.
«Các ông có biết chăng, năm trăm tên giặc trước kia chính là năm trăm tỳ-kheo hiện nay. Thủ lĩnh bọn cướp là Đề-bà-đạt-đa. Tán-nhã bà-la-môn đâu phải ai khác, mà là Xá-lợi-phất. Như vậy, trước kia Xá-lợi-phất đã phá, nay lại phá lần thứ hai.»
Khi ấy Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật:
«Năm trăm tỳ-kheo này tùy thuận Đề-bà-đạt-đa tạo thành biệt chúng. Nay có cần phải thọ đại giới lại?»
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất và Mục-liên:
«Tỳ-kheo tùy thuận Đề-bà-đạt-đa trước kia đã có giới. Nay chỉ nên hướng dẫn họ tác pháp sám hối thâu-lan-giá mà thôi.»
Tôn giả Mục-liên bạch Phật rằng:
«Đức Thế Tôn khi ở giữa vô số chúng bảo Xá-lợi-phất: ‹Ông hãy nói pháp. Nay Ta đau lưng cần nghỉ một chút.› Đề-bà-đạt-đa cũng bắt chước y như vậy. Tự xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp, rồi nằm nghiêng phía bên tả, giống như con dã can, nằm ngủ và ngáy.»
Đức Phật bảo Mục-liên:
«Chẳng phải ngày nay Đề-bà-đạt-đa bắt chước ta để rồi phải bị khổ. Mà đây là lần thứ hai, vì bắt chước ta mà phải bị khổ não. Này Mục-liên, đời quá khứ xa xưa về trước, bên tả của núi chúa Tuyết sơn có một ao nước lớn, một con voi lớn sống bên ao. Voi lớn kia xuống ao nước tắm rửa, uống nước, rồi dùng vòi nhổ lấy gốc sen, rửa sạch ăn. Khí lực dồi dào, hình thể tươi sáng. Một con voi nhỏ thường đi theo voi lớn. Voi nhỏ bắt chước voi lớn, xuống ao tắm, rồi nhổ lấy gốc sen, không rửa sạch bùn mà ăn. Do ăn gốc sen không sạch kia nên khí lực không đầy đủ, hình thể không tươi sáng, bèn sinh bệnh.»
Thế Tôn nói kệ:
Chúng ta không ham muốn.
Ăn sen rất thanh tịnh.
Voi nhỏ ăn bùn tạp;
Học đòi khiến phải bịnh.
Thây chết có hơi thối.
Ăn tiêu, ợ tự hết.
Người nào hành phi pháp,
Đêm dài khí không dứt,
Tham dục, sân nhuế, si.
Trượng phu có ác tâm.
Người si tự làm hại.
Như trái nhiều, nhánh gãy.
Cây chuối, lột bẹ, chết.
Trúc lau, cũng như vậy.
Người khốn, lợi dưỡng hại.
Con lừa mang thai chết.
2. Truyện thiện hành
Đức Phật bảo Mục-liên:
«Voi lớn tức là Ta. Voi nhỏ là Đề-bà-đạt-đa.»
Đức Phật nói:
«Đây là lần thứ hai, Đề-bà-đạt-đa bắt chước Ta mà phải chịu khổ não.»
Các tỳ-kheo liền nghĩ: ‹Hy hữu thay, Đề-bà-đạt-đa, đệ tử đức Thế Tôn mà lại bội ân làm việc phi pháp, đem tà giáo phá hoại năm trăm đệ tử như vậy.›
Đức Thế Tôn biết tâm các tỳ-kheo nghĩ như thế, liền bảo các tỳ-kheo:
«Đề-bà-đạt-đa chẳng phải chỉ ngày nay mới phá hoại đệ tử của Ta.»
Thuở quá khứ, có hai vua Diêm-phù-đề. Một người tên là Nguyệt. Người thứ hai tên là Nguyệt Ích. Người sanh ngày mười bốn đặt tên là Nguyệt. Người sanh ngày mười lăm gọi là Nguyệt Ích. Hai vị thuận hòa với nhau không có sự hiềm khích. Trong cõi Diêm-phù-đề có một con sông tên là Tu-la-tra. Mỗi bên bờ sông đều có bốn mươi hai ngàn thành. Quốc độ rộng rãi, bằng phẳng, trang nghiêm tốt đẹp. Nhân dân giàu có, của cải phong phú, thức ăn dồi dào. Khi ấy bên bờ sông Tu-la-tra của vua Nguyệt Ích có cái thành cũng mang tên là Tu-la-tra, đông tây mười hai do tuần, nam bắc bảy do tuần. Hai vua hứa hẹn nhau, ‹Tôi sanh con trai sẽ cưới con gái của bạn. Bạn sanh con trai sẽ cưới con gái của tôi.› Bấy giờ, vua Nguyệt Ích không có con cái. Vì muốn cầu [911a1] có con nên đến các miễu, am thần nước để lễ kính, thờ cúng chư thiên, như Mãn thiện thiên, Bảo thiện thiên, mặt trời, mặt trăng, Thích, Phạm, thần đất, thần lửa, thần gió, Ma-hê-thủ-la thiên, thần vườn, thần rừng, thần đồng trống, thần chợ, thần quỷ tử mẫu, thần thành quách… vì các nơi làm phước với hy vọng sẽ có con. Khi ấy bên kia sông Tu-la-tra có hai vị Tiên nhân đắc ngũ thông. Bấy giờ, Thần Sông tâu với vua rằng: ‹Bên kia sông Tu-la-tra có hai vị Tiên nhân đắc ngũ thông. Nếu vị Tiên kia ước nguyện sanh làm con Vua thì Vua sẽ có con. Vua Nguyệt Ích liền đến bên bờ sông, tuần tự đi tìm đến chỗ Tiên nhơn, nói với tiên nhơn rằng: ‹Tiên nhơn biết chăng, nhà tôi không có con. Nếu các ngài ước nguyện sanh nơi nhà tôi thì khi mạng chung sẽ được sanh. Nếu sanh vào nhà tôi thì ngũ dục đầy đủ, tiêu dùng khoái lạc, không khi nào thiếu thốn.› Tiên nhơn trả lời: ‹Có thể được.› Vua Nguyệt Ích vui mừng, trở về nhà. Sau bảy ngày, một Tiên nhơn mạng chung. Liền khi ấy đệ nhất phu nhơn có thai. Người nữ có ba loại trí: biết khi có thai, biết do đâu mà có, biết đàn ông có ý ham muốn. Phu nhơn tâu với vua:
«Vua có biết chăng? Nay thiếp đã có thai.»
Nhà vua nói:
«Rất sung sướng.».
Nhà vua tăng gia việc cúng dường[10] nhiều hơn gấp bội. Khi ấy Tiên nhơn thứ hai, sau bảy ngày lại mạng chung. Liền khi đó đệ nhị phu nhơn có thai. Phu nhơn tâu với nhà vua:
«Nhà vua có biết chăng? Nay thiếp đã có thai.»
Nhà vua lại tăng thêm sự cung cấp, như trên. Bấy giờ, nhà vua sai người đến bên bờ sông Tu-la-tra tìm xem có bao nhiêu Tiên nhơn chết. Sứ giả liền đến xem, thấy hai tiên nhơn đã chết, trở về tâu với vua: hai Tiên nhơn đã chết. Vua tự nghĩ: ‹Hai Tiên nhơn kia mạng chung, thọ thai vào hai phu nhơn của ta.› Sau chín tháng, phu nhơn sanh con trai, tướng mạo đoan chánh. Đệ nhất phu nhơn của vua sanh con trai, bấy giờ, những điều tốt lành tự thể hiện đến. Có năm trăm người khách buôn đến. Năm trăm khách buôn này lấy châu báu từ biển trở về. Năm trăm mỏ quý đều tự xuất hiện. Năm trăm người tử tù từ ngục được thả. Khi ấy vua Nguyệt Ích tự tư duy rằng: ‹Nên đặt hài nhi này tên gì?› Theo quốc pháp của nước này, khi một nam nhi mới sanh thì hoặc cha mẹ hay sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Nhà vua tự nghĩ: ‹Cần gì sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Ngày sanh hài nhi này có nhiều điều lành xuất hiện, nên đặt tên là Thiện Hành.› Nhà vua liền trao cho bốn bà mẹ để chăm sóc: một bà bồng ẳm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, bà thứ tư giúp vui, voi ngựa, xe cộ, làm các kỹ nhạc, các thứ vui chơi, lại cầm cái đuôi con chim công phía đằng sau, trang nghiêm những thứ vui chơi như vậy. Vương tử Thiện Hành tuổi lên tám, chín, được dạy các thứ kỹ nghệ, thư số, ấn họa, hý tiếu, ca vũ, kỹ nhạc, các môn cỡi ngựa, cỡi voi, xe cộ, bắn cung, thuộc loại chiến đấu cũng được dạy. Tất cả các bộ môn vương tử đều được dạy.
Khi đệ nhị phu nhơn của vua sanh con thì có nhiều việc xấu ác tự khởi lên. Như con dã can kêu. A-tu-la nắm mặt trời.[11] Năm trăm người đáng tội chết đến nơi. Theo quốc pháp của nước này, nếu hài nhi mới sanh nên mời sa-môn, bà-la-môn đến đặt tên, nhưng nhà vua tự nghĩ: ‹Đâu có phiền sa-môn, bà-la-môn đặt tên, ngày hài nhi này sanh có nhiều việc xấu ác xuất hiện thì nên đặt tên là Ác Hành.› Nhà vua cũng giao cho bốn bà mẹ chăm sóc: một bà bồng ẳm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, ba thứ tư giúp các trò vui, voi ngựa, xe cộ làm các kỹ nhạc, các loại vui chơi, cho đến dạy các bộ môn chiến đấu.
Bấy giờ, Thiện Hành được vua rất yêu mến, và các vương tử, phu nhơn, đại thần thị tùng, tất cả nhơn dân tiểu quốc khác, không một người nào không ái niệm. Trong khi đó, vương tử Ác Hành không được nhà vua yêu mến, và tất cả mọi người cũng không yêu mến. Bấy giờ, vương tử Ác Hành khởi ý nghĩ: ‹Vương tử Thiện Hành được nhà vua và tất cả nhơn dân rất yêu mến. Còn ta thì không những chỉ nhà vua không yêu mến mà bao nhiêu người khác cũng không yêu mến. Ta phải tìm cách nào để dứt mạng nó?›
Bấy giờ, đệ nhất phu nhơn của Nguyệt vương lân quốc, sanh được con gái, liền sai sứ đến chỗ vua Nguyệt Ích thông báo: ‹Đệ nhất phu nhơn của tôi sanh được con gái, sẽ làm vợ của Thiện Hành, con của ông bạn.›
Một hôm, Vương tử Thiện Hành nghĩ: ‹Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề đều nhiều nghèo khổ. Ta nên vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu, khiến cho chúng sanh trong Diêm-phù-đề khỏi phải nghèo khổ.› Thiện Hành liền đến chỗ vua cha thưa:
«Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề đều nhiều nghèo khổ. Con muốn vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu để khiến chúng sanh nơi Diêm-phù-đề thoát khỏi sự nghèo khổ.»
Vua cha liền nói:
«Cha có rất nhiều vàng bạc, bảy báu, vô số kho tàng, cái nào cũng đầy dẫy. Con có thể tùy ý lấy cho.»
Thiện Hành trả lời:
«Không thể được! Con muốn vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu, khiến cho chúng sanh nơi Diêm-phù-đề khỏi phải nghèo khổ.»
Vua cha nói:
«Tùy ý con.»
Khi ấy Vương tử Ác Hành liền có ý nghĩ: «Nay chính là lúc ta có dịp để dứt mạng nó.»
Ác Hành liền đến chỗ vua thưa:
«Thiện Hành là người anh mà con rất trọng. Nay anh con muốn vào trong biển cả, nếu con không có mặt, sợ anh con có thể táng thân mất mạng. Nay con muốn cùng anh con đi vào biển cả.»
Vua cha nói:
«Tùy ý con.»
Khi ấy từ biệt vua và phu nhơn, cùng quyến thuộc rồi, Thiện Hành đến trong thành Tu-ba-la rung chuông rao:
«Ai có thể xả ly cha mẹ, vợ con, anh em chị em và các thân quyến, muốn cầu vàng bạc trân bảo vô giá bảo châu, thì theo tôi vào biển. Tất cả mọi nhu cầu ăn uống, mọi thứ để trang sức, tôi sẽ cung cấp.»
Bấy giờ, có năm trăm khách buôn đến tập hợp liền chỗ đó. Thiện Hành cùng năm trăm khách buôn đều đến thành Tu-ba-la để mua thuyền và tìm thuyền sư. Thuyền sư cho biết trong biển có các nạn như: nạn sóng thần, nạn nước xoáy, nạn đại ngư... Chuẩn bị thuyền xong, rao truyền như trên lần thứ hai, rồi thả thuyền ra biển. Nhờ phước đức của Thiện Hành nên thuyền được thuận buồm xuôi gió đến chỗ bãi thất bảo. Thiện Hành nói với các thương nhơn rằng:
«Nay đã đến chỗ bãi báu vật. Nên cột thuyền cho chắc. Rồi tùy ý thu nhặt của báu cho vừa đầy thuyền. Đừng để bị chìm đắm.»
Các thương nhơn vâng lời, thu lấy của báu. Thiện Hành dạy bảo các thương nhơn rồi, lại đến chỗ khác. Bấy giờ, Vương tử Ác Hành dùng ác ngôn nói với các thương nhơn rằng:
«Nếu vương tử Thiện Hành mà an ổn trở về, thì sẽ đoạt hết của báu của các người. Ngay bây giờ chúng ta nên nhận chìm thuyền của Thiện Hành rồi đi.
Ác Hành nói với năm trăm thương nhơn như vậy. Họ nhận lời nên nhận chìm thuyền của Thiện Hành rồi bỏ đi. Do quả báo bạc phước của họ nên thuyền bị gió đánh vỡ, năm trăm thương nhơn bị chết chìm. Còn vương tử Ác Hành bám được một miếng ván của thuyền, nên được gió thổi từ từ vào trong bờ. Giờ đây, Ác Hành sống trong một xóm nghèo nàn nơi bờ biển; hằng ngày khất thực từng nhà để sống.
Khi Thiện Hành trở lại chỗ cũ không thấy các thương nhơn, cũng không thấy thuyền, liền đấm ngực khóc than áo não vì sợ các thương nhơn bị ác quỷ la sát hại. Khi ấy vị thần nơi bãi của báu nói với Thiện Hành rằng:
«Năm trăm thương nhơn chẳng phải bị ác quỷ la sát hại. Mà do lời nói ác của vương tử Ác Hành phá hoại. Năm trăm thương nhơn bị xúi, họ đã nhận chìm thuyền của ông rồi bỏ đi. Do quả báo bạc phước của họ nên bị gió đập bể thuyền, năm trăm thương nhơn đều bị chết chìm trong biển. Còn vương tử Ác Hành thì bám được miếng ván của thuyền nhờ gió thổi đã trôi đến bờ, đang sống bên bãi biển bằng cách xin ăn hàng ngày.»
Thiện Hành tự [912a1] nghĩ: ‹Nay ta hãy đến trước cung của Hải Long vương xin ngọc như ý châu.› Nghĩ xong, theo lộ trình tiến đến bãi của La sát. Năm trăm nữ La sát ra tiếp đón. Vừa thấy từ xa, họ liền nói lên lời chào:
«Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?»
Thiện Hành trả lời:
«Chúng sanh nơi Diêm-phù-đề bần cùng khổ sở. Tôi muốn đến nơi cung của Hải long vương để xin ngọc như ý bảo châu, khiến cho chúng sanh ở Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ.»
La sát hỏi:
«Muốn dùng loại xe nào?»
Thiện Hành nói:
«Tôi muốn dùng loại xe lớn.»
La sát nữ nói:
«Lành thay, nếu ông thành Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia làm đệ tử của ông.»
Thiện Hành nói:
«Có thể được.»
Thiện Hành từ xa thấy thành bằng vàng. Trong thành có một cái giường bằng vàng, rồng đang ngồi trên chiếc giường đó. Vương tử Thiện Hành liền đến nơi thành bằng vàng, chỗ của rồng ngồi. Long Vương từ xa thấy liền nói lên lời chào hỏi:
«Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?»
Thiện Hành trả lời:
«Long Vương biết chăng, chúng sanh nơi cõi Diêm-phù-đề đều nghèo khổ khốn cùng. Tôi muốn đến nơi cung của Hải Long vương lấy ngọc như ý châu, khiến cho người nơi Diêm-phù khỏi phải nghèo cùng khốn khổ.»
Long Vương liền nói:
«Cung của Hải Long vương khó có thể đến được. Bảy ngày lội nước, thường đến đầu gối. Bảy ngày lội nước đến rốn. Bảy ngày lội nước đến nách. Bảy ngày bơi qua. Bảy ngày đi trên bông sen. Bảy ngày đi trên đầu rắn. Sau đó, mới đến cung của Hải Long vương. Nay người hãy hủy bỏ chuyến đi. Tôi có bảo châu, có khả năng mưa bảy món báu xuống phương Đông hai ngàn do tuần. Nay tôi biếu cho người.»
Thiện Hành trả lời:
«Không thể được. Dầu sao, tôi phải đến cung Hải Long vương.»
Long Vương hỏi:
«Người cần lấy thứ xe nào?»
«Tôi cần lấy loại xe lớn.»
Long vương nói:
«Nếu người thành bậc Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia, làm người đệ tử trí tuệ đệ nhất của người.»
Thiện Hành liền bỏ thành bằng vàng ra đi. Từ xa thấy thành bằng bạc, trong đó có Long Vương đang ngồi trên giường bằng bạc. Vương tử Thiện Hành đến thành bạc, chỗ của Long Vương. Long Vương từ xa thấy liền nói lên lời chào:
«Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?»
Thiện Hành nói:
«Long Vương biết chăng, chúng sanh cõi Diêm-phù-đề đều bần cùng khốn khổ. Tôi muốn đến cung Hải Long vương lấy ngọc như ý châu, để khiến cho người nơi Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ.»
Long Vương nói:
«Cung Hải Long vương khó có thể đến được. Bảy ngày lội
nước thường đến đầu gối. Bảy ngày đến rốn. Bảy ngày đến nách. Bảy ngày bơi qua.
Bảy ngày đi trên hoa sen. Bảy ngày đi trên đầu rắn. Sau đó, mới đến cung của
Hải Long vương. Nay người hãy hủy bỏ chương trình đi. Tôi có bảo châu có khả
năng mưa bảy món báu xuống phương
Thiện Hành nói:
«Tôi không lấy. Dầu sao, tôi phải đến cung của Hải Long vương.»
Long Vương hỏi:
«Người muốn lấy loại xe nào?»
«Tôi muốn lấy thứ xe lớn.»
Long Vương lại nói:
«Nếu người thành bậc Tối Chánh giác tôi sẽ xuất gia làm đệ tử thần túc đệ nhất của người.»
Thiện Hành liền bỏ thành bạc ra đi, lại thấy có thành lưu ly, và các long vương đang ngồi... như trên... Tôi biếu cho người như ý châu có khả năng mưa bảy món báu sáu mươi ngàn do tuần xuống phương Tây.»
Thiện Hành nói:
«Tôi không lấy. Chủ yếu tôi phải đến cung của Hải Long vương.»
Long vương lại hỏi:
«Người cần lấy loại xe gì?»
«Tôi cần lấy thứ xe lớn.»
Long Vương nói:
«Nếu người thành bậc Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia làm người đệ tử đa văn đệ nhất của người.»
Khi ấy Thiện Hành bắt đầu lội nước bảy ngày đến đầu gối, cho đến bảy ngày đi trên bông sen, cho đến chỗ rắn độc, với ý nghĩ: ‹Do làm nhơn gì mà quả báo sanh trong loài rắn độc? Đâu không phải đây là quả báo do đời trước sân nhuế. Cần phải dùng pháp gì để hàng phục nó? Duy chỉ có lòng từ.› Thiện Hành liền tư duy từ tâm tam-muội. Khi ấy các con rắn độc đều cúi đầu xuống. Thiện Hành đi qua. Đến chỗ cung của Hải Long vương. Khi ấy Hải Long vương từ xa thấy liền an ủi hỏi:
«Thiện lai Đồng tử, người muốn điều gì?»
«Nay tôi muốn được hạt như ý bảo châu nơi búi tóc của ngài.»
Hải Long vương nói:
«Các người đời sống ngắn ngủi. Hạt châu này giá trị rất lớn. Chẳng phải là ta không cho. Ta sẽ cho ngươi với điều là khi nào ngươi gần qua đời thì đem hạt châu này trả lại.»
Nói vậy xong, Hải Long vương liền cởi hạt châu trao cho Thiện Hành, và sai hai con rồng sau này sẽ mang hạt châu về lại. Thiện Hành cầm hạt châu cầu nguyện:
«Nếu đây là ngọc như ý thì bỗng nhiên đưa tôi về đến thành Tu-ba-la.»
Thiện Hành vừa nghĩ trong ý muốn, thì liền trong chốc lát về đến thành Tu-ba-la.
Bấy giờ, vương tử Ác Hành nghe vương tử Thiện Hành từ biển cả an ổn trở về liền đến chỗ Thiện Hành nói:
«Anh có biết chăng. Nay em ở tại xóm bần cùng. Tìm sự sống bằng cách xin ăn từng nhà. Anh từ biển cả an ổn trở về, thu hoạch được gì?»
Thiện Hành nói:
«Anh nhận được ngọc như ý bảo châu đem về đây.» Thiện Hành nói tiếp: «Hiện tại anh đang mệt mỏi. Muốn nghỉ một chút.»
Thiện Hành liền gối đầu nơi đầu gối của Ác Hành mà ngủ. Khi ấy Ác Hành liền lấy gai cây khư-đà-la[12] đâm vào hai tròng con mắt của Thiện Hành rồi lấy hạt châu đi. Thiện Hành bị tổn thương hai con mắt, máu chảy ướt cả thân, sờ soạng sợ hãi đi khắp nơi mà không thấy đường. Bèn đến trong vườn của Nguyệt vương. Khi ấy bà già giữ vườn có hai đứa con nhỏ, từ xa thấy một người đi đến, máu dính đầy người, không thấy đường đi, động lòng thương, hỏi: ‹Vì lý do gì ông đi tới đi lui trong vườn của vua Nguyệt, với dáng điệu sờ soạng sợ hãi, không thấy đường như vậy?›
Thiện Hành kể lại đầy đủ nhơn duyên cho bà lão nghe. Bà lão nói:
«Ta có hai đứa con có thể cùng ngươi vui chơi. Nay ngươi có thể ở đây như con của ta vậy.»
Bấy giờ, Ác Hành liền trở lại thành Tu-la-tra, đến chỗ vua Nguyệt Ích tâu với vua rằng:
«Vua nên biết, con ở trong biển cả gặp gió lớn đánh bể thuyền. Năm trăm thương nhơn đều bị chết chìm dưới biển. Chỉ có một mình con trở về an ổn.»
Nhà vua nói:
«Con từ biển cả trở về an ổn. Con có tìm được những thứ gì không?»
Ác Hành thưa:
«Con tìm được như ý bảo châu đây.»
Nhà Vua liền hỏi:
«Ngọc châu này có công dụng thế nào?»
Ác Hành thưa:
«Không biết.»
Nhà vua liền lấy ngọc châu giao cho người giữ kho cất. Khi ấy Ác Hành liền sai sứ nói với Nguyệt Vương lân quốc rằng: ‹Thiện Hành cùng năm trăm thương nhơn vào trong biển cả để lấy vật báu, bị nước nhận chìm chết rồi. Nay Vua có thể gả con gái cho tôi.› Nhà vua liền trả lời: ‹Đợi ta hỏi ý kiến của con gái ta đã.› Nhà vua liền kêu con mình hỏi:
«Thiện Hành cùng năm trăm thương nhơn vào trong biển lấy của báu, bị nước nhận chìm chết rồi. Ác Hành trở về an ổn. Nay muốn cưới con làm vợ. Ý con thế nào?»
Con gái của vua Nguyệt trả lời:
«Không thể được! Con muốn chính con đi tìm chồng của con.»
Nhà vua liền ra lệnh trong nước, tập trung lại để trang điểm con gái mình. Cô đi ra ngoài tìm chồng khắp mọi nơi. Bấy giờ, Thiện Hành đang sử dụng cây đàn với âm điệu du dương trầm bổng, đang có mặt trong vườn. Người con gái của vua thưởng thức âm thanh du dương đó. Liền đến tâu với vua cha rằng:
«Vua cha biết chăng, con muốn lấy người này làm chồng.»
Vua cha nói:
«Người này là người mù kia mà.»
Người con gái vua nói:
«Điều đó không can gì.»
Khi ấy vua Nguyệt liền kêu Thiện Hành nói:
«Này Đồng tử, ngươi là người ở đâu?»
Thiện Hành thưa:
«Nhà vua biết cho, tôi là đệ nhất Thái tử của vua Nguyệt Ích, tên là Thiện Hành.»
Nhà vua hỏi:
«Tại sao hai con mắt bị mù như thế?»
Thiện Hành liền đem nhơn duyên trên trình bày rõ ràng cho nhà vua. Nhà vua nói:
«Nếu ngươi là con của vua Nguyệt Ích thì nay ngươi sẽ phát nguyện khiến cho con mắt bình phục lại.»
Thiện Hành liền phát nguyện:
«Tôi vì chúng sanh cõi Diêm-phù-đề nghèo khổ nguy khốn nên vào biển cả để tìm cầu ngọc như ý bảo châu. Vì muốn cho chúng sanh nơi Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ. Vương tử Ác Hành đã dùng ác ngôn để phá hoại, khiến năm trăm thương nhơn bỏ tôi đi về, lại dùng gai cây khư-đà-la đâm vào hai con mắt tôi, lấy ngọc như ý của tôi đi. Tôi đối với Ác Hành không hề có ác tâm. Nếu lời tôi là chơn thật [913a1] không hư đối thì xin cho hai con mắt tôi được bình phục lại.»
Lời phát nguyện vừa xong, hai con mắt bắt đều bình phục lại. Nhà vua liền ra lệnh trang điểm cực đẹp cho con gái mình để gả cho Thiện Hành. Nhà vua sai sứ báo tin cho vua Nguyệt Ích rằng: ‹Ngài có biết chăng, vương tử Thiện Hành từ biển trở về an ổn. Nay tôi đã trang điểm cực đẹp con gái tôi để gả cho Thiện Hành. Giờ ngài nên đến thành Tu-la-tra.› Vua Nguyệt Ích liền ra lệnh cả nước trang hoàng các thứ.
Vương tử Thiện Hành đi đến thành Tu-la-tra, đảnh lễ sát chân vua rồi, trình bày đầy đủ nhơn duyên cho nhà vua nghe. Nhà vua liền ra lệnh giết Ác Hành. Thiện Hành tâu với vua cha rằng:
«Xin vua cha không nên giết.»
Vua Nguyệt Ích ra lịnh trục xuất Ác Hành ra khỏi nước. Thiện Hành thưa vua cha:
«Ác Hành đem ngọc châu về. Nay ngọc châu để ở đâu?»
Vua cha nói:
«Hiện cất trong kho.»
Thiện Hành yêu cầu vua cha cho đem ngọc châu ra. Thiện Hành liền tắm rửa sạch sẽ, mặc áo trắng mới, sạch, lấy ngọc châu cung trí nơi đầu trụ cờ, để trên điện cao đẹp rồi phát nguyện:
«Nếu quả đúng đây là ngọc như ý bảo châu thì nên mưa xuống cơn mưa báu xuống đầy cõi Diêm-phù-đề. Trong cõi Diêm-phù-đề, có người nào bệnh, hãy khiến cho được lành.»
Thiện Hành phát lời nguyện vừa xong, trong khoảng khắc liền có trận mưa bảy món báu đầy cả Diêm-phù-đề. Sau đó một thời gian vua Nguyệt Ích qua đời. Thiện Hành kế vương vị. Khi ấy vương tử Ác Hành đến chỗ Thiện Hành thưa:
«Nay em sống ngoài nước, xin ăn từng nhà để sống.»
Vua nói:
«Nếu em có thể bảo vệ cái đầu của anh thì anh sẽ đảm bảo sự sống của em.»
Ác Hành trả lời:
«Vâng.»
Sau đó, khi nhà vua nằm ngủ, Ác Hành nghĩ rằng: ‹Nay ta có thể dứt mạng nó.› Khi vừa rút dao để chém, tức thì cánh tay của Ác Hành tự nhiên bị rơi xuống, liền la lên:
«Đại họa!»
Nhà vua liền tỉnh dậy, hỏi:
«Tại sao Đồng tử gọi là đại họa?»
Ác Hành trả lời:
«Trời tạo ra nghiệp này.»
Nhà vua nói:
«Tại sao vậy?
Ác Hành đem nhơn duyên này trình bày với vua, vua nói:
«Thật sự là do ngươi tạo ra nghiệp này.»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Vua Nguyệt Ích không phải là ai khác mà là Tịnh Phạn vương. Đệ nhất phu nhơn nay là Ma-da. Vua Nguyệt là Chấp Trượng Thích chủng. Con gái của vua Nguyệt nay là Cù-di. Bà già giữ vườn là Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề. Hai đứa nhỏ nay là Nan-đà và A-nan. Thiện Hành chính là Ta. Ác Hành là Đề-bà-đạt-đa vậy. Năm trăm thương nhơn tức năm trăm tỳ-kheo hiện nay đó. Xưa kia Đề-bà dùng lời ác để dạy, phá hoại mọi người, nay cũng lại dùng lời ác dạy và phá hoại vậy.»
3. Ưu-ba-ly vấn
Bấy giờ Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Kính bạch đức Thế Tôn, thế nào gọi là phá Tăng? Bao nhiêu người mới gọi là phá Tăng? Ai là người phá hòa hiệp Tăng?»[13]
Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
«Có hai sự việc phá Tăng: Vọng ngữ, tương tợ ngữ. Dùng hai việc này nên gọi là phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, lại có hai sự việc phá Tăng: tác yết-ma, hành xá-la. Này Ưu-ba-ly, một tỳ-kheo không thể phá Tăng, tuy cầu phương tiện cũng không thể phá Tăng. Cũng chẳng phải tỳ-kheo-ni, chẳng phải thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phá Tăng, tuy cầu phương tiện phá Tăng cũng không thể phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, chúng này một tỳ-kheo, chúng kia một tỳ-kheo, họ làm việc phá Tăng, hành xá-la, tác yết-ma như vậy cũng không thể phá Tăng, chỉ khiến cho Tăng trần cấu[14] mà thôi; hai người, ba người cũng vậy. Này Ưu-ba-ly, nếu chúng này bốn người hoặc hơn, chúng kia bốn người hoặc hơn, làm việc phá Tăng hành xá-la, tác yết-ma. Này Ưu-ba-ly, với số người như vậy được gọi là phá Tăng. Như vậy gọi là phá hòa hợp Tăng.
Ưu-ba-ly lại hỏi:
«Phá hòa hợp Tăng mắc những tội gì?»
Đức Phật dạy:
«Phá hòa hợp Tăng thọ tội trong nê-lê một kiếp không thể cứu chữa được.»
Ưu-ba-ly lại hỏi:
«Tăng bị vỡ rồi, người nào làm cho hòa hợp lại được những phước gì?»
Đức Phật dạy:
«Được nhận sự an lạc nơi cõi Phạm Thiên một kiếp.»
Ngài nói kệ:
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp không tranh cãi.
Hòa hợp thì có pháp,
Thường được siêng năng tu.
Làm cho Tăng hòa hợp,
Sống vui một kiếp trời.
Ưu-ba-ly lại hỏi:
«Tất cả người phá Tăng đều đọa địa ngục một kiếp để thọ khổ phải không?»
Đức Phật nói với Ưu-ba-ly rằng:
«Tất cả những người phá Tăng không phải chỉ đọa địa ngục để thọ khổ một kiếp mà hết đâu.
«Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo, phi pháp mà nói là pháp, chấp chặt pháp này phá hòa hợp Tăng. Kẻ kia tự biết, phá Tăng với tưởng phi pháp,[15] bèn tác với ý tưởng phi pháp mà nói rằng,: ‹Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời Phật dạy.› Bằng kiến giải dị biệt, xu hướng dị biệt, mà hành xá-la[16] để phá Tăng.[17] Này Ưu-ba-ly, kẻ phá Tăng này một kiếp thọ khổ nơi Nê-lê không thể cứu được.
«Nếu tỳ-kheo phi pháp nói là pháp, chấp chặt việc này, phương tiện phá Tăng, biết rằng trong sự phá Tăng là phi pháp, nói rằng, ‹Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời Phật dạy.› Rồi hành xá-la phá Tăng, tác yết-ma. Này Ưu-ba-ly, người phá Tăng như vậy một kiếp thọ khổ nơi nê-lê không thể cứu được.
«Phá Tăng với tưởng pháp, bèn với tưởng phi pháp mà nói,[18] cũng như vậy.
«Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo phi pháp nói là pháp, chấp chặt việc này, phá hòa hợp Tăng, có ý tưởng là pháp để phá, tưởng là pháp nói: ‹Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời dạy của Phật,› kiến giải không khác, chấp nhận không khác, hành xá-la, tác yết-ma như vậy để phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, người này không đọa địa ngục một kiếp để thọ khổ. Nghi, không nghi bốn vế cũng như vậy.[19] Tưởng phi pháp nghi bốn vế cũng như vậy. Như vậy cho đến thuyết không thuyết cũng như vậy.[20]
[1] Tham chiếu Pali, Cūḷavagga 7 Saṅghabheđakakkhandhaṃ. Vin. ii. 179. Ngũ phần 25 «Pháp tăng pháp» (T22n1421 tr.164a); Thập tụng 36, «Tạp tụng, Điều-đạt sự» (T23n1435 tr.257a); Căn bản phá tăng sự, 20 quyển, (T23n1450 tr.99).
[2] Xem Phần i, Ch. ii, tăng-già-bà-thi-sa 10, phá Tăng luân.
[3] Xem Phần i, tr. / & cht. 118.
[4] Già-da sơn 伽耶山. Vin.ii. 196: Gaya-sīsa.
[5] Tám phi chánh pháp 八非正法. Cũng gọi là 8 thế gian pháp, hay 8 ngọn gió. Xem Tập dị môn 18 (tr.442c28). Pali: aṭṭha-lokadhamma, Cf. Saṅgīti, D. iii. 260.
[6] Nê-lê 泥犁; tức địa ngục. Pali (Skt.) niraya.
[7] Xem Tập dị môn, dẫn trên: đắc, bất đắc, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Pali, đã dẫn: lābho (đắc), alābho (thất), yaso (danh dự), ayaso (sỉ nhục), nindā (chê), pasaṃsā (khen), sukhaṃ (sướng), dukkhaṃ (khổ).
[8] Đồng bạn của Đề-bà-đạt-đa, xem Phần i, Ch.v Ba-dật-đề 33 & 157.
[9] Tán-nhã 散若.
[10] Phần lớn chữ «cúng dường» trong bản Hán, có nghĩa là «hầu hạ.» Ở đây, Vua tăng gia sự chăm sóc cho bà vợ.
[11] Hiện tượng nhật thực.
[12] Khư-đà-la 佉陀羅木刺. Skt. khadira; tên một loại cây, cho gổ rất cứng.
[13] Tham chiếu, Vin. ii. 202: «Upāli hỏi, cho đến mức nào, thì Tăng nứt mà không vỡ? Cho đến mức nào thì Tăng nứt và vỡ?» (kittāvatā … saṅgharāji hoti, no cva saṅghabhedo? Kittāvatā ca pana saṅgharāji ceva hoti saṅghabhedo ca?)
[14] Tăng trần cấu 僧塵垢. Tăng bẩn vì bụi. Bản Hán đọc là saṅgharaja, thay vì saṅgharāji. Xem cht. 13 trên.
[15] Phi pháp tưởng phá 非法想破: Phi pháp, biết đó là phi pháp; và tuyên bố phi pháp với ý tương đó là phi pháp. Tỳ-kheo phá tăng biết rằng, sự phá tăng này sẽ đưa ra giáo pháp khác với chánh pháp. Tham chiếu Pali, Vin.ii. 205: tasmi adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi, trong đây có phi pháp. Trong sự phá tăng này, là phi pháp.
[16] Bốc thăm, lấy ý kiến.
[17] Tham chiếu Pali: «Tỳ-kheo thuyết minh phi pháp là pháp, biết trong đây là phi pháp, trong sự phá Tăng này là phi pháp, mà kiên trì kiến giải dị biệt, xu hướng dị biệt, sở thích dị biệt, đề nghị rút thăm, nói rằng, ‹Đây là Pháp, đây là Luật, đây là giáo thuyết của Đạo sư.» (bhikkhu dhammaṃ dhammoti dīpeti. tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi, vinidhāya diṭṭhiṃ, vinidhāya khantiṃ, vinidhāya ruciṃ, vinidhāya bhāvaṃ, anussāveti, salākaṃ gāheti, ayaṃ dhammo, ayaṃ vinayo, idaṃ satthusāsanaṃ…)
[18] Tức là, phi pháp mà tưởng là pháp, rồi tuyên bố với ý tưởng đó là phi pháp. Xem cht. 14 & 16 trên.
[19] Tức là, pháp nghi là pháp, phi pháp nghi là phi pháp; pháp không nghi là pháp, phi pháp không nghi là phi pháp. Tứ cú theo Cūḷavagga vii: tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi (trong đây thấy là phi chánh pháp, trong Tăng phá cũng thấy là phi chánh pháp); tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede dhammadiṭṭhi (trong đây thấy là phi chánh pháp, trong Tăng phá thấy là pháp), tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede vematiko (trong đây thấy là phi pháp, trong Tăng phá thì nghi), tasmiṃ dhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi (trong đây thấy là pháp, trong Tăng phá thấy là phi pháp).
[20] Hết quyển 46.