KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương II:
CHÁNH THÍCH KINH VĂN
(Chánh thức giải thích kinh văn)
A.3. VÃNG HOÀN PHI NHẤT
(qua
lại không phải một lần)
Kinh
văn
1. Phiên âm
Từ câu “ngô kim
lai thử thế giới bát thiên phản...” cho đến câu “lược khai tâm địa pháp môn
cánh”.
2. Dịch nghĩa:
Đức Phật đã tám
ngàn lần đến thế giới Ta Bà này, ngự trên bảo tòa Kim Cương Hoa Quang, nhẫn đến
ngự nơi cung của Đại Tự Tại thiên vương lược giảng Tâm Địa pháp môn cho cả thảy
đại chúng trong pháp hội ấy.
Lời giảng:
Phẩm Thọ Lượng
trong kinh Pháp Hoa thuyết minh: “Tất cả trời, người, a tu la đều cho rằng đức
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện tại cung họ Thích, cách thành Dà Gia
không bao xa, ngồi nơi đạo tràng chứng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề”.
Chẳng những hàng
thiên, nhân và a tu la khi Phật còn tại thế đã nghĩ và nói như vậy, mà hiện nay
chúng ta cũng nghĩ và nói như vậy. Cho nên mỗi khi nói đến đức Giáo Chủ của
chúng ta, mọi người đều nói cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, Đức
Phật đã xuất hiện ở Ấn Độ. Do đó, mỗi năm khi cử hành lễ Phật Đản, kỷ niệm ngày
Đức Phật đản sanh, ai cũng chúc mừng là cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, Đức
Phật đã giáng sanh ở Ấn Độ.
Thật vậy, chúng
ta căn cứ vào lịch sử hiện hữu để biết đích xác sự kiện Đức Phật xuất hiện trên
thế gian. Nhưng đứng về mặt tôn giáo thì đây không phải là lần đầu Đức Phật
xuất hiện ở thế gian, nơi hiện tại chúng ta đang sống, để chứng Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác.
Phẩm Thọ Lượng
trong kinh Pháp Hoa giảng tiếp rằng: “Thực ra ta thành Phật trải qua vô lượng,
vô biên trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp”.
Trong kinh này,
Phật cũng nói: “Ta đến thế giới Ta Bà này đã tám ngàn lần”. Kinh văn nói tám
ngàn lần, nhưng con số này không nhứt định, có thể hoặc nhiều hơn hay ít hơn
đôi chút, chúng ta không nên quy định một cách nhất định.
Thông thường trong
kinh nói “ngũ trược ác thế”, về tính chất này thì chưa có thế giới nào hơn thế
giới Ta Bà này, nhưng bi nguyện của đức Đại Thánh Thế Tôn quá sâu rộng: vì muốn
hóa độ chúng ta cùng tất cả chúng sanh khổ não thoát ly khỏi thế giới Ta Bà đầy
ác trược này, nên Ngài một lần, rồi nhiều lần trở lại trong nhân gian.
Điều đáng thương
tiếc cho chúng ta là đã quá ngu si, mê muội, không chút giác ngộ, vẫn y nhiên
làm chúng sanh điên đảo, quá phụ bạc với tâm đại từ, với ân rộng lớn của Đức Phật.
Lại còn phụ bạc với chính tánh linh bổn hữu của chính mình. Nghĩ đến như vậy
càng thêm đau đớn và làm sao chẳng cảm thấy hổ thẹn muôn phần?
Ở đây, chúng ta
cần phải biết là Đức Phật tuy qua lại thế giới Ta Bà này liên tục, nhưng đó là
Ứng Thân của Như Lai, do nơi đại dụng Bi Trí của Phật Đà; còn Pháp Thân của Như
Lai thì hoàn toàn vắng lặng, dường như hư không, không có hiện tượng sinh diệt,
cũng không có trạng thái đến hoặc đi, không có những biểu hiện động hoặc
tịnh.
Kinh Kim Cương
thuyết minh: “Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” (Như Lai không từ chỗ
nào đến, cũng không từ chỗ nào đi).
Kinh Hoa Nghiêm
nói: “Như Lai vô thân, vị chúng sanh cố thị hiện kỳ thân” (Như Lai hoàn toàn
không có thân, vì hóa độ chúng sanh nên thị hiện có thân hình). Đức Như Lai vì
chúng sanh mà thị hiện có thân, và cũng do nơi nhân duyên cơ cảm, chúng sanh
mới trông thấy Đức Phật xuất hiện ở thế gian. Một khi nhân duyên cơ cảm của
chúng sanh đã hết, tự nhiên chúng sanh lại trông thấy Đức Phật ly khai thế gian
này.
Thế nên vấn đề
Đức Phật xuất thế hay nhập diệt không phải do nơi bản của Phật, mà hoàn toàn
tùy thuộc vào nơi chúng ta và tất cả chúng sanh, vì Phật không bao giờ có tướng
khứ lai.
Như trong kinh
Niết Bàn nói: “Vì muốn chúng sanh sanh khởi tâm hoan hỷ cực kỳ, nên chư Phật
Như Lai xuất hiện trên thế gian này một cách bất ngờ. Vì muốn cho chúng sanh,
tất cả sanh khởi tâm luyến mộ đến cao độ, chư Phật Như Lai thị hiện Niết Bàn
một cách tự nhiên”.
Thật ra thì Phật
là thường trụ và bất diệt. Chúng sanh sở dĩ thấy có Phật xuất thế, có khi thấy
Phật diệt độ, việc ấy hoàn toàn do nghiệp chướng chúng sanh nặng hay nhẹ. Nếu chúng
sanh nghiệp chướng nhẹ thì trông thấy Đức Phật vẫn hiện ở thế gian; chúng sanh
nghiệp chướng sâu nặng thì không thấy Đức Phật trụ thế.
Kinh Niết Bàn
đối với vấn đề này lý giải rất rõ ràng: “Ta dù ở cõi Diêm Phù Đề này, thường
thị hiện nhập Niết Bàn, nhưng thật ra ta không hề nhập Niết Bàn mà chúng sanh đều
cho rằng Như Lai thật sự diệt độ. Nhưng tánh Như Lai vốn không diệt. Thế nên
phải biết Như Lai là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi. Đại Niết Bàn tức
là pháp giới của Như Lai”.
Phẩm Thọ Lượng
trong kinh Pháp Hoa cũng nói: “Như thế, từ khi Ta thành Phật đến nay đã trải
qua thời gian hết sức lâu xa, thọ mạng vô lượng a tăng kỳ kiếp, thường trụ bất diệt”.
Căn cứ vào những
lời kinh trích dẫn bên trên thì chúng ta biết rằng Như Lai vốn chưa từng nhập
diệt. Vấn đề Như Lai chưa từng nhập diệt, căn cứ vào ba thân của Phật để giảng
thì:
- Pháp thân vốn
không có tướng sanh diệt, đương nhiên không thể nói nhập diệt.
- Báo thân vạn
đức trang nghiêm, thọ mạng vô biên vô tận, lẽ tự nhiên cũng không thể nói nhập
diệt.
- Hóa thân do vì
độ chúng sanh nên tùy duyên thị hiện, thì làm sao có thể bỏ chúng sanh mà vào
cõi Vô Dư Niết Bàn?
Phật xưa nay vốn
không diệt độ, nhưng sở dĩ nói diệt độ vì Như Lai dùng đó như một phương tiện
hóa độ chúng sanh. Vì có những hạng chúng sanh, Phật cần phải thị hiện Niết Bàn
mới có thể độ được, nên Đức Phật không thể không thị hiện nhập Niết Bàn.
Vì sao nhất thiết
phải làm như thế? Vì có những hạng chúng sanh phước đức quá mỏng manh, thấy Như
Lai ở lâu nơi thế gian cho Phật là tầm thường, không sanh ý tưởng khó gặp, lại
cũng không có tâm cung kính. Và vì vậy, những hạng chúng sanh này không chịu
theo đúng như pháp Phật dạy, để tinh tấn gieo trồng các thiện căn.
Để cứu độ những
hạng chúng sanh kiêu mạn, phóng dật, giải đãi, hay ôm lòng nhàm chán này, Đức
Phật phải vận dụng phương tiện đại bi trên và tuyên bố sẽ diệt độ để cảnh tỉnh
những chúng sanh ấy, khiến cho họ biết rằng Phật xuất thế rất khó gặp, muốn
thấy được Như Lai thật là một việc không phải dễ dàng.
Điều này không
riêng gì đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà tất cả chư Phật trong ba đời và ở
mười phương cũng đều thị hiện như vậy. Nơi đây, có người hỏi rằng: Rõ ràng đức Như
Lai đã thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa, khi đến thế gian này giáo hóa chúng
sanh thì cứ trực tiếp hiện thân thuyết pháp là tốt lắm rồi, tại sao cần phải
nương nhờ duyên cha mẹ giáng sanh? Tại sao lại phải xuất gia tu hành? Tại sao
phải hàng phục chúng ma rồi sau mới thành Phật?
Giải đáp vấn đề
này thật đơn giản: Tất cả chúng sanh trên thế gian đại đa số đều là hạng vô
trí. Nếu như Đức Phật không trải qua những giai đoạn như vậy thì họ cho Phật là
người biến hóa, không có cha mẹ, vợ con, mới có thể tu hành thành Phật, rồi họ
tự nghĩ mình là phàm phu đầy khổ não, lại thêm có vợ con đa mang nhiều hệ lụy, làm
sao có thể tu hành và thành đạo như Đức Phật được.
Vì những lý do
đó, Đức Phật đã xuất hiện ở nhân gian và không thể không thị hiện đồng như mọi
người để chúng sanh thấy rằng Đức Phật không có những điểm đặc thù nào khác họ,
khiến họ học theo chỗ Đức Phật học, thực hành những điều Đức Phật thực hành và
chứng đắc chỗ Đức Phật đã chứng đắc.
Đức Phật đến thế
giới này những tám ngàn lần để làm gì?
Chính là vì
những chúng sanh ở thế giới Ta Bà này thuyết pháp giáo hóa.
Ta Bà là tiếng
Ấn Độ, Trung Quốc dịch là Kham Nhẫn. Tất cả những chúng sanh trên thế giới này
đều có thể kham thọ sự độc hại của tam độc, có thể nhẫn thọ sự bức bách của tất
cả phiền não; có thể nhẫn thọ bao nhiêu sự thống khổ trên thế gian mà không có
niệm mong cầu thoát ly để được sự giải thoát (tam độc: tham, sân, si).
Hai câu “tọa Kim
Cương Hoa Quang Vương tòa, nãi chí Ma Hê Thủ La thiên vương cung” (ngự trên tòa
báu Kim Cương Hoa Quang Vương, nhẫn đến ngự nơi cung của Đại Tự Tại Thiên
Vương). Đây chỉ mười nơi Đức Phật ngự đến thuyết pháp. Trong kinh văn chỉ nêu
ra Kim Cương Hoa Quang Vương là chỗ đầu tiên với cung của Đại Tự Tại Thiên
Vương là nơi cuối cùng. Còn tám chỗ kia dùng hai chữ “nãi chí” là lời lược qua,
không kể hết, nhưng đã bao hàm tất cả trong đó. Vì kinh văn đoạn trước đã nêu
rõ thứ tự mười trụ xứ Phật thuyết pháp, cho nên ở đây không cần nhắc lại.
Kinh
văn
1. Phiên âm
Vị thị trung
nhứt thiết đại chúng lược khai tâm địa pháp môn cánh.
2. Dịch nghĩa:
Lược giảng Tâm
Địa pháp môn cho cả đại chúng trong những pháp hội ấy.
Lời giảng:
Câu “vị thị nhứt
thiết đại chúng” chỉ cho đại chúng trong mười trụ xứ. Vì Phật nói pháp ở mười
nơi khác nhau, lẽ đương nhiên mỗi nơi có một đại chúng của địa phương ấy nghe
pháp.
Đức Phật đã vì
đại chúng mười nơi ấy giảng nói pháp gì?
Trong kinh văn
nói rõ là lược giảng Tâm Địa pháp môn; nghĩa là Đức Phật lược giảng pháp môn
Tâm Địa, là một trong trăm nghìn hằng hà sa số pháp môn. Đây chỉ lược nói một
vài pháp môn, nếu so sánh với tất cả pháp môn thì con số này chỉ ước chừng bằng
đầu một sợi lông. Nếu như muốn nói rõ ràng thì những pháp môn ấy có vô lượng,
vô biên, vô cùng tận, bất khả thuyết, bất khả thuyết...
Khi Đức Phật đã
vì đại chúng lược giảng pháp môn Tâm Địa rồi, Ngài tiến thêm một bước nữa, vì
hàng phàm phu trên quả địa cầu này giảng nói Giới pháp, bao gồm mười giới trọng,
48 giới khinh. Ý của Phật là muốn cho tất cả chúng sanh nương theo giới pháp
ấy, nghiêm trì thanh tịnh để chứng đắc Tâm Địa pháp môn, hoàn thành quả vị Vô
Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.