KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.4. THỰC NGŨ TÂN GIỚI
(giới ăn món gia
vị cay đắng)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử giả bất đắc thực ngũ tân” cho đến câu “...nhược cố thực giả, phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử thì không được ăn năm loại gia vị tanh nồng là hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ. Năm loại này nếu bỏ vào trong tất cả các thứ thực phẩm thì đều không nên ăn. Nếu cố tình ăn thì Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Ăn thịt
là làm thương hại sinh mạng chúng sanh. Hàng Phật tử trưởng dưỡng tâm từ bi,
đương nhiên không được ăn. Tại sao Ngũ Tân là loài thực vật, không hại đến sinh
mạng của chúng sanh, nhưng vì sao Phật tử không được ăn?
Điểm chủ yếu
chính là mùi vị hôi nồng của nó rất khó chịu. Những người sống chung trong một
tập thể, nếu ai cũng ăn nhằm loại cay hôi này thì tự nhiên họ không cảm thấy
khó chịu.
Nho thi có
câu: “Ở lâu trong chỗ hôi thối sẽ không còn nghe mùi hôi thối”. Vì thế, nếu
đông người cùng sống với nhau như vậy thì dường như không có điều gì chướng
ngại. Trái lại, nếu trong tập thể ấy, chỉ có một hay thiểu số người ăn Ngũ Tân,
những người khác khi ngửi thấy mùi vị của nó sẽ cảm thấy kỳ lạ khó chịu, thậm
chí hơi cay nồng của ngũ tân đôi lúc làm cho họ bị nôn mửa.
Cho nên, muốn
giữ sự hòa vui trong tập thể, muốn cho đa số người chung sống không cảm thấy
khó chịu, Đức Phật đặc biệt chế định ra điều giới này.
Trong các thứ
rau, cổ đức phân ra làm bốn loại như sau:
- Có thứ hôi mà
không cay như A Hùng.
- Có thứ cay mà
không như gừng.
- Có thứ vừa cay
lại vừa hôi như ngũ tân.
- Có thứ chẳng
cay, chẳng hôi như ngũ cốc, rau cải v.v...
Trong bốn loại
trên, Phật tử không được ăn các loại trong nhóm ngũ tân vừa cay vừa hôi.
Ngoài mùi vị khó
chịu của nó, nó còn có nguyên nhân khác như trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật
dạy: “Năm thứ rau cay nồng này ăn chín thì phát sanh dâm niệm; ăn sống thì tăng
trưởng lòng sân hận”.
Vì sao ăn chín
lại phát sanh dâm niệm?
Vì ngũ tân có
tác dụng làm cho can hỏa vượng, nên dâm niệm phát sanh.
Vì sao ăn sống
lại tăng trưởng sân hận?
Vì ngũ tân làm
động can khí nên sân hận dễ phát sanh.
Đức Phật biết rõ
ngũ tân có tác dụng tai hại rất lớn như vậy, nên Ngài đặc biệt ngăn cấm cả Đại
Thừa lẫn Tiểu Thừa đều không được ăn.
Về các loại
trong ngũ tân, nhiều kinh luật nói không giống nhau. Nhưng đa số nói: hành,
tỏi, hẹ, kiệu, hưng cừ. Trong kinh Phạm Võng này gọi là Đại Toán, Cát Thông, Từ
Thông, Lan Thông, Hưng Cừ.
1. Đại Toán: còn
gọi là Hồ Thông. Tương truyền rằng, xưa ở Trung Hoa không có Đại Toán (củ tỏi
lớn), đến triều Hán, ông Trương Kiên đi sứ nước Đại Uyển rồi đem từ nước Hồ về
(là thứ tỏi hiện nay). Theo bộ Bổn Thảo (bộ sách nói về các loại thực vật), thì
Hồ Thông (một loại hành ở nước Hồ) có điểm giống với loại hành người ta thường
ăn. Cọng lá của nó nhỏ mà ngắn như Kim Đăng, lại giống như Đại Toán, nhưng hình
dáng nhỏ hơn một chút.
2. Cát
Thông: tức là hành, còn gọi là Sơn Thông, vì mọc ở vùng núi non và đầm lầy.
Cọng nhỏ, lá lớn, nên cũng gọi là Cát Sơn Thông, có thể dùng làm thuốc. Có chỗ
nói rằng: Cát Thông là rau củ kiệu.
3. Từ Thông: còn
gọi là Củ Thông, vì cọng lá của nó rất nhỏ và mềm mại, mùa Xuân mọc rất nhiều,
sang đến Hạ, Thu, Đông thì tàn lụi.
4. Lan Thông:
còn gọi là Giả Sanh, là một thứ Tiểu Toán (tỏi nhỏ), có chỗ nói là lá hẹ. Lá
của nó hẹp và dài, nhỏ. Ngoài ra còn có nhiều loại khác như Mộc Thông, Đại
Quang Thông, Thủy Thông, Đông Thông, Hán Thông, Lâu Thông, Long Giác Thông,
hoặc Long Trảo Thông (vì lá nó có tám khía giống như sừng hoặc móng con
rồng).
5. Hưng Cừ: ở
Trung Hoa không có thứ này, chúng thường mọc ở vùng Bắc Ấn Độ và nước Y Lan. Đó
là loại thảo mộc sống nhiều năm, cao độ hai, ba thước. Gốc của nó giống như củ
cải.
Mới mọc khỏi đất
bùn nó đã có hơi cay hôi. Để sống hay nấu chín mùi vị rất nồng nặc. Mùa Đông,
bông lá đều rụi, có thể dùng làm thuốc. Lá nó giống như Vũ Tinh (trong tự điển
gọi là rau cải thìa).
Bộ Huyền Ứng Âm
Nghĩa nói: “Hưng cừ nước của nó giống như mủ cây đào. Người trong hai nước Y
Lan và Bắc Ấn rất thích ăn” (Đoạn này đối với những đại sĩ không đọc bổn Hán
văn thì thấy dài dòng khó hiểu, vì bổn Việt văn chỉ nói: hành, hẹ, tỏi, nén,
hưng cừ. Nhưng sở dĩ phần giải thích này dịch giả phải dài dòng như vậy vì y
theo các danh từ trong bổn Hán văn).
Đức Phật lại đối
với đại chúng dạy rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, tuyệt đối chẳng
được ăn loại ngũ tân”. Ngũ tân: đại toán, cát thông, từ thông, lan thông, hưng
cừ.
Loại ngũ tân này
chẳng những không nên ăn riêng, mà “gia vào trong tất cả các thứ thực phẩm cũng
đều không được ăn”.
Chẳng hạn như
đem tỏi bỏ vào trong rau cải khác mà nấu, hoặc dùng hành xào với đậu hũ v.v...
đều không được ăn.
Tại vì sao? Như
trong kinh dạy: “Nếu Phật tử ăn ngũ vị tân thì phạm tội uế trược ngôi Tam Bảo.
Sau khi xả thân bị đọa vào địa ngục Thủy Phẩn”.
Bộ Khảo Tín Lục
quyển hai, trích dẫn trong kinh Tạp A Hàm nói: “Tội nhân trong địa ngục này,
lúc làm người ăn ngũ tân, làm nhơ uế ngôi Tam Bảo, khi thoát khỏi địa ngục,
phải bị đọa vào súc sanh làm chồn rừng, chó, heo v.v... Khi chuyển sanh làm
người, thân thể tanh hôi, mọi người đều nhờm gớm”.
Ăn ngũ tân có
tai hại lớn như vậy, nhưng đa số Phật tử tu học Phật pháp, vì không hiểu rõ tội
ăn ngũ tân rất sâu nặng nên thường thích ăn ngũ tân cho ngon miệng. Hậu quả thật
đáng sợ!
Vì thế, ở bất cứ
trường hợp nào, là Phật tử xuất gia lẫn tại gia, đều không ăn ngũ tân. “Nếu cố
ý ăn, Phật tử này phạm khinh cấu tội”.
Trong kinh Lăng
Già, Đại Huệ Bồ Tát thỉnh vấn Đức Phật rằng:
“Rượu, thịt cùng
hành tỏi v.v... nếu uống ăn thì như thế nào? Cúi xin Thế Tôn vì chúng con chỉ
dạy tội phước của sự ăn và không ăn”.
Đức Phật dùng kệ
đáp rằng:
“Thịt và hành,
hẹ, tỏi...
Những thứ rượu
buông lung,
Người tu nên xa
lánh,
Uống ăn sanh
buông lung
Buông lung sanh
tà giác,
Tà giác sanh
tham dục,
Tham dục tâm si
mê,
Si mê sanh ái
dục.
Không thoát khỏi
sanh tử,
Rượu, thịt,
hành, hẹ, tỏi,
Đều là chướng
Thánh Đạo.
Cũng trái tướng
Thánh Nhân,
Thế nên
không nên ăn...”
Như trên, Phật
đã nêu ra tội lỗi của sự ăn hành, hẹ, tỏi... để dạy Đại Huệ Bồ Tát. Chúng ta
thấy tội lỗi trọng đại nhất của nó là làm chướng ngại thánh đạo, khiến chúng ta
mãi trầm luân trong sanh tử, không được giải thoát.
Vì thế ở câu kệ
kết thúc, Đức Phật từ bi đã đặc biệt dạy chúng ta, tất cả các Phật tử, phải xa
lánh ngũ tân, không được bỏ nó vào các thức ăn rau cải.
Lại có người nói
như vầy:
Rượu làm cho tâm
thần bị hôn mê, ăn thịt làm thương hại sanh mạng chúng sanh, nên nói là có tội
rất lớn thì không có gì đáng nghi. Còn ngũ tân không làm cho tâm thần hôn mê,
không gây thương hại chúng sanh, mà ghép tội ngang với uống rượu, ăn thịt thì
khó tránh khỏi người đời sanh lòng khó tin?
Giờ đây tôi
(Pháp Sư) xin giải thích sự trách nạn ấy như vầy: Ngũ tân không làm thương hại
sanh mạng chúng sanh, tôi xin sẵn sàng thừa nhận. Còn nói nó không làm cho tâm
hồn bị hôn mê, điều ấy tôi hoàn toàn không đồng ý. Vì hơi uế trược của ngũ tân
có năng lực trợ giúp sự phát sanh tâm dâm dục của con người. Còn mùi vị cay
nồng của nó làm tăng trưởng tâm sân hận. Dục niệm cùng sân hận che đậy tâm tánh
sẵn có của chúng ta, như vậy không phải là làm cho tâm thần bị hôn mê là gì
nữa?
Ngoài ra vì nó
còn có tác dụng làm hôn mê, nhiễu loạn tâm tánh minh giác, Đức Phật thấy rõ nên
động lòng thương xót chúng ta, đem những quá hoạn sản sanh của nó mà dạy bảo và
liệt đồng tội với uống rượu, ăn thịt.
Trong kinh Lăng
Nghiêm dạy:
“Ngũ tân ngoài
việc phát khởi dâm dục và sân hận, những người ăn ngũ tân không thể tuyên
thuyết mười hai phần giáo hóa của Như Lai.
Ngược lại, ngạ
quỷ thường liếm môi mép, nên thường ở chung với ngạ quỷ.
Vì chư thiên,
chư tiên rời xa Pháp Sư nên phước đức ngày càng tiêu mòn và ngạ quỷ thường liếm
môi mép nên từng giờ, từng phút gần với ma. Việc bất lợi xảy đến ngày một
nhiều.
Chẳng những thế,
những người phát tâm tu tập Tam Ma Địa, vốn có thể được chư đại Bồ Tát, chư
thiên, chư tiên cùng thiện thần trong mười phương đồng đến ủng hộ, nhưng vì
người ấy ăn ngũ tân cho nên quý ngài, dù một vị, cũng không đến ủng hộ. Các
ngài đã không đến ủng hộ thì ma vương thừa cơ hội nhập nhiễu loạn hành
giả.
Bấy giờ Ma Vương
hiện thân Phật đến thuyết pháp cho hành giả nghe, chẳng những không nói công
đức của sự trì giới, trái lại còn nói trì giới là việc làm của Tiểu Thừa, người
tu Đại Thừa không cần giữ gìn giới luật, không nói tham, sân, si là cội gốc của
sanh tử; trái lại, còn nói tam độc không gây chướng ngại cho sự tiến tu của đại
đại Bồ Đề, nói: dâm, nộ, si chính là Giới, Định, Huệ v.v...”
Lúc ấy, nếu bạn
không phân biệt những lời nói không đúng chánh pháp của ma vương, lại tin theo
những lời quàng xiên này, mà cho ma vương nói là đúng pháp thì bạn sẽ theo gót
chân của ma vương nhảy múa, tạo tội lỗi vô biên.
Theo Phật pháp,
có nhân như vậy thì phải có quả như vậy. Bạn đã y theo lời nói của ma vương mà
thực hành, dù ma vương không hoàn toàn bảo bạn làm những điều ấy, nó cũng
khuyên bảo bạn tinh tấn tu phước nghiệp. Nhưng đến lúc sinh mạng này của bạn
kết thúc, thì tự nhiên thành quyến thuộc của Ma Vương. Nếu không làm ma dân thì
cũng là ma nữ. Thế thì bổn ý của bạn là tu Tam Ma Địa để thành tựu Phật Quả,
chẳng những không thể làm tư lương cho việc thành tựu Phật Quả, trái lại trở
thành phước nghiệp hữu lậu.
Do phước nghiệp
này, bạn sanh vào trong cung điện của ma vương để thọ hưởng phước báo của ma.
Một mai phước báo của ma bạn đã hưởng hết rồi thì phải đọa vào Vô Gián địa
ngục, chịu muôn ngàn thống khổ. Thử hỏi ăn ngũ tân đối với bản thân chính mình
có được sự lợi ích tốt đẹp chi?
Ở Ấn Độ, tất cả
các tự viện hoàn toàn không cho chúng xuất gia ăn ngũ vị tân. Việc này trong bộ
Tây Vức Ký nói: “Ở Tây Vức, nhà nào có người ăn ngũ vị tân thì bị đuổi ra khỏi
thành”.
Đúng theo giới
luật, một Phật tử giữ ngũ giới hay một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát, phải tự giữ
mình cho trong sạch. Bất cứ ở đâu, cũng phải làm cho chúng sanh có cảm giác
thanh tịnh mới đúng. Đã không thực hành được như vậy, lại còn ăn ngũ vị tân là
một thứ uế trược, như thế, dĩ nhiên là không phù hợp với tư cách của người Phật
tử.
Giới này cả
tăng, tục, cùng Đại, Tiểu Thừa đều phải giữ gìn nghiêm cẩn, nhưng về ý nghĩa
ngăn cấm phía Đại Thừa rất sâu xa, nên so sánh với Tiểu Thừa, thì tội này bên
Đại Thừa quy định nặng hơn.
Trong Du Già
Luận nói: “Giới cấm dùng ngũ vị tân này là vì muốn thủ hộ thánh giáo mới cấm
chế, hoàn toàn thuộc về Giá giới. Vì thế, trong trường hợp có trọng bệnh, nếu y
sĩ bảo phải dùng hành, tỏi v.v... mới lành bệnh, thì Đức Phật đặc biệt khai
giới cho”.
Kinh Tỳ Ni Mẫu
nói: “Đại Trí Xá Lợi Phất, bản thân của Ngài mắc bệnh phong thấp rất nặng. Y sĩ
bảo Ngài phải ăn thứ tỏi lớn củ. Tôn Giả đến cầu Phật chỉ dạy.
Phật dạy rằng: -
Vì có bệnh nên được ăn, nhưng tỳ kheo bị bệnh, nếu phải ăn hành tỏi thì không
được ở chung trong tăng đoàn, mà phải ở riêng biệt nơi vắng vẻ. Trong lúc ăn
hành tỏi v.v... không được vào thất Phật, chùa Tăng, cũng không được vào nhà
tắm của chúng Tăng tắm gội, không được nằm trên đơn, nệm chiếu của chúng tăng,
không được đến nhà vệ sinh công cộng. Khi lành bệnh rồi, không còn dùng hành,
tỏi nữa, phải đợi sáu bảy ngày sau, tắm gội, giặt giũ y áo cho thật sạch, trên
thân không còn hôi mùi hành, tỏi, lại phải dùng các thứ hương xông mới được vào
trong chúng”.
Trường hợp vì
bệnh si cuồng mà ăn hành, tỏi v.v... thì không vi phạm giới này.
Kết thành tội
nghiệp của thực ngũ tân giới này, cũng phải đủ bốn nhân duyên:
1. Là ngũ tân:
chính xác thuộc về ngũ vị tân, bất luận thứ nào trong năm thứ, hễ ăn vào phạm
giới này.
2. Tưởng có ngũ
tân: duyên này cũng có sáu trường hợp, hai trường hợp trọng, hai trường hợp
khinh và hai trường hợp không phạm.
3. Có tâm muốn
ăn: có tâm ý muốn ăn ngũ vị tân, cho rằng các thứ này có vị ngon đặc biệt của nó.
4. Để vào miệng:
Đem ngũ vị tân mình muốn ăn đưa vào trong miệng, cứ một miếng kết thành một
tội. Đó gọi là cứ mỗi một miếng kết thành một tội. Vì thế, đối với loại ngũ vị
tân hôi thối này, giới Phật tử không nên ăn, nếu ăn thì mắc tội rất lớn vậy.