KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.14. PHÓNG HỎA THIÊU PHẦN GIỚI
(giới phóng hỏa)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử dĩ ác tâm cố...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử vì ác tâm phóng hỏa, thiêu đốt núi rừng, đồng nội. Từ tháng Tư cho đến tháng Chín, nếu phóng hỏa, làm cháy lan đến nhà cửa, thành ấp, tăng phường, ruộng rẫy của người, và cung điện, tài vật của quỷ thần. Tất cả chỗ có sinh vật không được cố ý thiêu đốt. Nếu cố ý thiêu đốt, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Giới “không
hủy báng” cốt yếu khuyên chúng ta không nên làm tổn não người, để cho chánh báo
được yên vui, không phải sống trong niềm lo âu, sợ hãi.
Mục tiêu chính
yếu của giới “không phóng hỏa thiêu đốt” này là cốt khuyên chúng ta không nên
làm thương hại tài vật kẻ khác, để cho y báo được hoàn toàn không hư hại.
Kinh Lăng Nghiêm
dạy: “Một vị tỳ kheo thanh tịnh hay một vị Bồ Tát lúc đi trên đường, không được
tùy ý dẫm đạp cỏ tươi”.
Cỏ tươi còn
không được dẫm đạp, huống chi dùng lửa thiêu đốt núi rừng, đồng nội? Phóng hỏa
thiêu đốt bất cứ nơi nào đều làm tổn hại tài vật, thương hại sinh mạng chúng
sanh. Vì muốn giữ gìn hành động có thể tạo thành tội sát sanh. Hoặc có thể tạo
nên việc phạm giới trộm cắp nên không được thiêu đốt núi rừng, đồng nội, nhà
cửa v.v... Người tu học Phật pháp, nhất là một hành giả Bồ Tát, nếu phóng hỏa
thiêu đốt núi rừng, đồng nội v.v... tất nhiên không tránh khỏi sự phê bình, chê
trách của xã hội. Vì thế, việc phóng hỏa thiêu đốt, nhất định không phải là
hành vi của một vị Bồ Tát lợi sanh.
Tục ngữ có câu:
“Tinh tinh chi hỏa, khả dĩ liệu nguyên” (đốm lửa nhỏ chừng bằng con đom đóm có
thể thiêu đốt cả cánh đồng to rộng).
Lúc đầu mới
phóng hỏa, thấy như không có gì, nhưng nếu sơ ý một chút thì sẽ cháy lan rộng
và sẽ gây nên sự tổn hại rất lớn. Do đó, sự oán trách, chê bai cũng sẽ vô cùng
tận.
Đức Phật vì tâm
đại từ, đại bi, thương xót người cũng như những sanh vật bị hại vì hỏa hoạn,
nên đặc biệt chế lập giới điều này, nghiêm cấm toàn thể Phật tử tu học theo
Phật pháp tuyệt đối không được phóng hỏa. Còn tội lỗi của việc phóng hỏa thiêu
đốt, tùy theo việc tổn thất sinh mạng và tài vật mà quyết định nặng hay nhẹ.
Nếu mức độ tổn thất nhiều thì tội nặng, tổn thất ít thì tội nhẹ.
Sát sanh còn có
chỗ chọn lựa, và sanh mạng bị tổn hại cũng có hạn lượng. Nhưng việc phóng hỏa
gây tổn hại sinh mạng không có hạn lượng và sát sanh không lựa chọn thì tội lỗi
ấy không gì nặng hơn.
Trong Đại Trí Độ
Luận có kể rằng:
Tại một khu rừng
núi lớn, một hôm bỗng nhiên phóng hỏa dữ dội. Trong khu rừng ấy, có một con
chim trĩ thấy vô số chúng sanh bị vùi mình trong biển lửa. Tâm nó không thể nào
cam lòng an nhẫn, liền bay đến chỗ có nước, nhúng ướt hai cánh, rồi bay trở lại
khu rừng đang bị cơn đại hỏa, đem nước trên đôi cánh rưới xuống mong dập tắt
ngọn lửa để cứu vãn sanh mạng vô lượng chúng sanh. Dù là việc làm dùng chén
nước tưới lửa muôn xe, hoàn toàn không ích lợi, nhưng tấm lòng từ bi như vậy
thật là khó thấy.
Chúng ta thử
nghĩ: chim trĩ kia dù sức nhỏ bé, hãy còn cố gắng dùng đôi cánh nhúng nước để
cứu chúng sanh bị hỏa hoạn. Huống chi một vị Bồ Tát lại nỡ lòng trở lại phóng
hỏa thiêu đốt núi rừng, thì còn gì để nói?! Cho nên, dù bất cứ nhân duyên gì mà
phóng hỏa thì tội ấy đều quy về tội tổn hại người, gây sự hư hoại phá hủy tài
vật.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu làm một vị Phật tử, đã thọ Bồ Tát giới, nếu vì ác tâm phóng
đại hỏa, thiêu đốt núi rừng, đồng nội trong khoảng thời gian từ tháng Tư cho
đến tháng Chín thì tuyệt đối không được”.
Trong kinh văn
nói “ác tâm”, không có nghĩa là người ấy có ác ý gì, mà ý nói tâm ý người ấy
buông lung, không có một niệm từ bi, thương xót loài vật.
Kinh văn dùng
chữ “phóng đại hỏa” để nhấn mạnh đây không phải sự lầm lẫn nhỏ nhặt, vô ý để
lửa cháy lan mà là cố tâm, hữu ý phóng hỏa để thiêu đốt.
Kinh văn nói:
“Thiêu đốt núi rừng, đồng nội” là ý muốn chứng tỏ phạm vi bị thiêu đốt rất lớn,
sinh mạng và tài vật bị tổn thất rất nhiều.
Kinh văn nói “từ
tháng Tư đến tháng Chín” là quy định về thời gian. Vì ở những quốc gia thuộc
khí hậu lạnh, các loài động vật nhỏ từ những ngày đông miên đã không hoạt động
(tiết Đông thiên quá lạnh, các côn trùng nhỏ đều ẩn sâu dưới mặt đất, ngủ yên
nên gọi là “đông miên”). Từ tháng Tư đến tháng Chín, trời hết lạnh, nên chúng
tỉnh lại, trồi lên mặt đất, hoạt động trở lại bình thường, nên nói là “thức
dậy”. Vì vậy, chẳng những núi rừng, đồng nội rộng lớn là nơi có rất nhiều sinh
mạng, mà một phạm vi rất nhỏ khoảng một tấc vuông, cũng có nhiều sinh vật ở
trong đó sống và hoạt động. Trong khoảng thời gian này, nếu phóng hỏa thiêu đốt
núi rừng, sinh mạng của chúng sanh bị tổn hại thực không thể xiết kể. Vì vậy,
Đức Phật cấm ngặt đệ tử không được phóng hỏa đốt núi rừng, đồng nội trong thời
gian này.
Nếu những quốc
gia thuộc vùng nhiệt đới, ít lạnh thì việc phóng hỏa lại càng phải lưu tâm thận
trọng hơn. Vì các vùng nhiệt đới, các loài sinh vật lớn nhỏ luôn hoạt động và
không có thời kỳ đông miên. Nên chẳng những từ tháng Tư cho đến tháng Chín,
không được phóng hỏa, mà quanh năm cũng không được phóng hỏa để tránh nạn làm
thương tổn rất nhiều sinh mạng.
Ngay chính những
miền hàn đới quá lạnh, nếu phóng hỏa vào lúc tháng Chạp, trong Luật đức Phật
cũng quy định: hàng Phật tử trước khi phóng hỏa, toàn chúng phải đi nhiễu chung
quanh khu ấy trì chú, niệm Phật, luôn hướng về các sinh vật vi tế mà nói rằng:
“Chúng tôi hiện tại vì cần phải thiêu đốt khu rừng này, các người mỗi loại nên
tự di chuyển ra khỏi nơi đây”. Trải qua một thời gian trì chú, niệm Phật và bảo
các loài vật biết như vậy, rồi sau mới được phóng hỏa thiêu đốt. Như vậy mới
không đến nỗi gây tội. Nếu không trì chú niệm Phật, thông báo rộng rãi cho các
loài sinh vật biết, e rằng sẽ gây sự tổn thương cho nhiều loại côn trùng.
Cố nhiên, núi
rừng, đồng nội đã không được, nên “thiêu đốt nhà cửa, thành ấp, tăng phường,
ruộng rẫy của người và cung điện, tài vật của quỷ thần cũng không được”. Kinh
văn nói: “Thiêu đốt nhà cửa của người v.v...” không có nghĩa là cố ý muốn làm
tổn hại của người. Nhưng vì khi đốt núi rừng, đồng nội, do thiếu cẩn trọng, làm
lửa theo thế gió nên cháy lan rộng ra, gây tai hại đến nhà cửa v.v...
Việc này trong
luật Thanh Văn có kể một mẫu chuyện như sau:
Khi Phật còn tại
thế, một hôm Ngài ngự đến thành Khoáng Dã. Thành này ở giữa thành Vương Xá và
thành Ba La Nại, thuộc phía Bắc của sông Hằng. Trước đó, bọn cướp thường tụ tập
nơi đây để cướp phá tài sản dân chúng. Sau chúng bị vua Bình Sa đánh đuổi đi
nơi khác.
Nhà vua là một
Phật tử có tâm từ bi, ngài cho xây dựng kinh đô nơi ấy, giúp dân chúng an cư
lạc nghiệp, không còn bị bọn cướp nhiễu hại.
Khi Phật ngự ở
trong thành, bấy giờ bọn Lục Quần Tỳ Kheo bàn với nhau rằng: - Chúng ta bị quý
Thượng Tọa rầy la, câu thúc, không được tự do tự tại chuyện trò. Chi bằng ra
ngồi ở chỗ đất trống ngoài phòng xá, tùy ý nói chuyện, không bị quở rầy, câu
thúc.
Nào ngờ sau khi
ra ngồi nơi đất trống, quý thầy ấy chẳng những mặc tình cao đàm khoát luận, lại
còn nhặt cỏ khô, củi khô, và các gốc cây lớn đốt lên cho sáng.
Lúc ấy, trong
gốc đại thọ, có một con độc xà vì bị hơi nóng bức bách nên từ trong bộng cây
phóng nhanh ra. Lục Quần tỳ kheo trông thấy cả kinh, la hoảng lên: “Độc xà! Độc
xà!”, vừa là các thầy vừa lấy các khúc củi đang cháy quăng ném tứ tung. Lửa
văng tàn ra làm cho Phật đường bị cháy. Đây là bằng chứng cho thấy đốt lửa nơi
đất trống làm cháy lan đến phòng xá.
Quý tỳ kheo biết
việc này liền bạch lên Đức Phật. Do nhân duyên này, Phật chế định giới điều
“không được đốt lửa chỗ đất trống”. Như thế, giới “không được phóng hỏa thiêu
đốt núi rừng, đồng nội” này cùng với giới “không được đốt lửa chỗ đất trống”
trong luật Thanh Văn giống nhau. Dù rằng không cố ý thiêu đốt nhà cửa, chỉ
thiêu đốt núi rừng, đồng nội, nhưng nếu gây cháy lan đến nhà cửa của người, thì
không thể tránh khỏi lỗi lầm sơ ý.
Kinh văn nói:
“Ruộng là nơi trồng tỉa các giống lúa. Nếu thiêu đốt các giống lúa trong ruộng,
chẳng những nhà nông bị tổn thất lớn, mà còn gây ảnh hưởng tai hại đến sự sống
của nhiều người trong xã hội”.
Trong kinh văn
nói: “Cung điện, tài vật của quỷ thần”. Theo trong Luật thì có nghĩa tất cả cỏ
cây là làng xóm của quỷ thần (thuật ngữ trong Luật dùng từ “quỷ thần thôn”).
Tất cả quỷ thần đều nương nơi đó mà cư trú, và xem đó như cung điện, nhà cửa
của mình. Vì thế, trong Luật dạy tỳ kheo không được phá hoại tất cả cỏ
cây.
Việc này có một
câu chuyện được thuật lại như sau:
Tại Động Đình
hồ, có một ngôi miếu thờ thần. Tiền thân của vị thần này là một xuất gia đã thọ
đại giới, lại được vinh dự kết làm bạn thân với An Thế Cao Pháp Sư nước Thiên
Trúc. Tánh tình thầy ấy ưa sân hận.
Do sân nghiệp
này, sau khi xả thân, chiêu cảm quả báo làm đại mãng xà, có thần oai dị thường.
Tất cả thương nhân đi đường thủy, khi ghe đi ngang trước miễu đều vào cầu đảo,
thì được vị thần dùng oai lực, phân gió làm hai hướng. Nếu ghe đi lên thì gió
thổi lên, ghe đi xuống thì gió thổi xuống. Tất cả đều không bị ngược gió, lưu
ngại. Chung quanh miễu ấy có rất nhiều tre.
Một hôm, có một
thương nhân đi ghe ngang qua miễu, cầu xin thần cho một cây tre. Chưa được sự
cho phép của vị thần, thương nhân ấy tự ý chặt đốn. Ghe lập tức bị chìm. Cây
tre bị chặt kia tự nhiên trở lại dính vào gốc cũ.
Cho đến ngày nọ,
Pháp Sư An Thế Cao có duyên sự đi ngang qua, ghé vào miễu. Đại mãng xà biết bạn
của mình đến, liền ở sau điện miếu thờ mình, ló đầu ra nói chuyện với Pháp Sư.
Xà thần buồn rầu, khóc lóc, nước mắt tuôn rơi lã chã, trông rất thê thảm. Xà
thần cho Pháp Sư biết rằng không bao lâu nữa sẽ xả mạng và bị đọa vào địa ngục
chịu sự thống khổ không sao tả xiết.
Sau đó, Thần đem
trăm xấp lụa của thương nhân cúng trao cho Pháp Sư và chí thành khẩn thiết cầu
xin Pháp Sư vì mình đem bán những xấp vải ấy lấy tiền tu bổ chùa tháp, để nhờ
phước đức sau này thoát khỏi khổ báo và khỏi đọa vào địa ngục.
An Pháp Sư chú
nguyện và nhận 100 xấp lụa. Xà thần sau khi nhờ Pháp Sư vì mình làm việc công
đức, liền chết ở trong đầm lớn tại Sơn Tây, đầu đuôi cách nhau vài dặm.
Chính ngay hôm
Xà thần xả thân, chiều hôm ấy có một thanh niên hình dung tuấn tú, bước lên ghe
của Cao Pháp Sư, quỳ trước mặt Ngài cung kính chắp tay, cúi đầu biến mất. Cao
Pháp Sư nói với mọi người trong thuyền rằng: “Vị thần ở trong miếu Động Đình Hồ
đã thoát khỏi ác hình (thân rắn)”.
Theo truyện kể
trên thì biết rằng tất cả tài vật, bất cứ là của tăng hay tục, minh (của quỷ
thần), dương (của thế gian), công hay tư, đều không được phóng hỏa thiêu đốt để
khỏi bị đắc tội.
Tóm lại:
Tất cả chỗ có
sinh vật đều không được cố ý thiêu đốt. Việc phóng hỏa đốt núi rừng, đồng nội,
đương nhiên không phải cố ý làm thương hại sinh mạng của chúng sanh. Nhưng lúc
thế lửa nổi sanh quá mạnh, sẽ làm thương hại đến sanh mạng của các loài vật.
Nên sách Nho có câu: “Thành nội thất hỏa, ương cập kỳ ngư” (ở trong thành bị
hỏa hoạn, làm hại lây các loài cá trong ao), chính là ý này vậy.
Nói nghiêm khắc
một chút, người Phật tử, dù trường hợp không gây thương hại đến sinh mạng loài
hữu tình, còn không nên phóng hỏa thiêu đốt núi rừng một cách tùy tiện, huống
là trường hợp làm thương hại đến rất nhiều sinh mạng. Cho nên, bất luận trường
hợp có tổn hại đến sinh mạng và tài sản của chúng sanh hay không, đều không
được cố ý làm việc thiêu đốt. Vì thế, kinh văn kết thúc: “Nếu cố ý thiêu đốt,
Phật tử này phạm khinh cấu tội”.
Nếu tâm cố ý
giết hại chúng sanh mà làm việc thiêu đốt thì liệt vào tội đẳng lưu của giới
Sát (đẳng là ngang nhau, lưu là loại. Tức là đồng một loại tội với tội Sát).
Nếu làm tổn hại tài sản của người khác mà cố ý thiêu đốt thì thuộc về tội đẳng
lưu của giới Đạo.
Điểm chính của
giới này là sự thiêu đốt hoàn toàn, nhưng vì không có tâm sát hại sinh mạng
chúng sanh, cho nên chỉ phạm tội khinh cấu. Dù như vậy, nhưng do nhân duyên
thiêu đốt núi rừng làm thương hại sinh mạng, tổn hại tài vật là không hợp với
tâm từ bi, cũng như trái với tâm hạnh của Bồ Tát. Nên tốt nhất là không nên
phóng hỏa thiêu đốt núi rừng.
Kinh văn nói:
“Tất cả chỗ có sinh mạng”, tức là chỉ cho cỏ cây, rừng bụi, gọi chung là “sinh
địa”, những nơi ấy nếu thiêu đốt nhất định sẽ làm thương hại đến sinh mạng của
các loài vật. Cho nên giới phóng hỏa này cả Đại lẫn Tiểu Thừa đều đồng ngăn
cấm.
Tăng cũng như
Tục đều phải vâng giữ giới phóng hỏa, nhưng giữa hai giới Tăng, Tục có vài sự
khác nhau như:
- Đối với năm
chúng xuất gia, nói về thời gian, thì bất kỳ thời gian nào cũng đều không được
phóng hỏa thiêu đốt núi rừng.
- Luận về không
gian, thì không được đốt lửa ở những chỗ đất trống. Nếu đốt lửa ở những chỗ
khuất, tức là có mái lợp che thì được phép.
- Hai chúng tại
gia, nói về thời gian thì mùa nóng từ tháng Tư cho đến tháng Chín, tuyệt đối
ngăn cấm.
- Còn thời gian
khác do việc nông nghiệp, cày cấy v.v.. có thể cho phép phóng hỏa. Nói về không
gian thì bất luận chỗ đất trống hay có mái lợp che đều cho phép có thể thiêu
đốt.
Nhưng có
một điều cần lưu ý là trong lúc phóng hỏa thiêu đốt, phải tuyệt đối không được
cho lửa cháy quá mạnh, làm lan rộng gây tổn hại đến nhà cửa v.v... của người.
Phải chú ý trong lúc phóng hỏa phải coi chừng cẩn thận, không được vì sự thiêu
đốt của mình làm tổn hại sinh mạng chúng sanh và tài sản người khác. Những việc
này thật ra không dễ gì làm được, nên biện pháp tốt nhất là không nên
đốt.
Thiêu đốt núi
rừng, nói về bất cứ phương diện nào, cũng đều là việc không tốt. Phật tử chẳng
những không nên thiêu đốt núi rừng, mà còn gặp những khi núi rừng bị hỏa hoạn,
phải lập tức tìm cách dập tắt.
Trong kinh,
chính kim khẩu của Đức Phật dạy rằng:
- Vào thời quá
khứ, có một tiều phu vào rừng đốn củi. Thấy rừng bị lửa cháy, tiều phu liền tìm
cách dập tắt lửa. Do nhân duyên phước nghiệp này, sau khi xả thân, cảm được
phước báo làm một vị Đại Phạm Thiên Vương cõi trời Sắc Giới, thọ mạng dài lâu
hơn một kiếp (tức hơn một đại kiếp).
Cứu hỏa đuợc
phước báo thù thắng như vậy thì tội đốt núi rừng đương nhiên không phải nhẹ.
Như trong kinh dạy: “Thiêu đốt núi rừng, đồng nội, đào tháo nước trong ao, dùng
lửa nướng gà con, chúng sanh tạo nghiệp này sau khi xả thân, bị đọa vào trong
một thành lửa, bị thiêu đốt từ dưới chân lên tận tim, rong chạy Đông Tây, không
thể ra được, bị lửa thiêu đốt mà chết”.
Chúng ta hãy thử
tưởng tượng quả báo ấy thống khổ biết dường nào?!
Đến thời đại này
thì núi rừng được các quốc gia xem là một một quốc sản trọng yếu. Vì thế, nếu
phóng hỏa thiêu đốt làm tài sản quốc gia bị tổn thất rất lớn, thật là một tội
ác rất nặng vậy.