KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.16. VỊ LỢI ĐẢO THUYẾT GIỚI
(giới cấm vì lợi
mà nói pháp điên đảo, lộn lạo)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử ưng hảo tâm tuyên học Đại Thừa oai nghi kinh luật...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử tận tâm học kinh luật oai nghi Đại Thừa, thông hiểu nghĩa lý, khi thấy có hàng tân học Bồ Tát từ xa trăm nghìn dặm đến cầu họckinh luật Đại Thừa, Phật tử này nên đúng như pháp, giảng giải tất cả khổ hạnh: hoặc đốt thân, đốt cánh tay, đốt ngón tay. Nếu không đốt thân hay cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật, thời không phải là hạng Bồ Tát xuất gia. Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp sói, sư tử đói cùng tất cả loài quỷ đói. Rồi sau đó mới căn cứ theo từng căn cơ của mỗi người mà tuần tự giảng pháp cho hàng tân học ấy được mở thông tâm trí. Nếu Phật tử vì quyền lợi cá nhân, trường hợp nên dạy mà không dạy, lại giảng kinh luật một cách điên đảo, văn tự lộn xộn, không theo thứ tự trước sau, thuyết pháp có tính cách hủy báng Tam Bảo, Phật tử này phạm khinh cấu tội!
Lời giảng:
Giới “giảng
nói pháp tà tịch” phía trước là nói về trường hợp nên giảng dạy mà không chịu
dạy, hoặc không nên dạy mà lại dạy. Giới “vì lợi giảng pháp lộn xộn” này là lỗi
xan lẫn chánh pháp, mong cầu tài lợi, không ứng hợp theo thời nghi mà giảng
nói, cho nên Đức Phật cấm.
Là một hành giả
Bồ Tát, lẽ ra nên học tập tất cả những điều cần phải học tập để tạo cho mình
được đầy đủ tri kiến. Khi đã có đủ khả năng giáo hóa người thì phải đem tất cả
chỗ hiểu biết của mình đã học tập ra để dạy bảo dẫn dắt người, không nên giữ
lại mảy may nào, hầu giúp cho mọi người đều được hưởng thọ sự lợi ích của chánh
pháp Như Lai.
Nhưng nếu vị Bồ
Tát vì tham tâm quá mức, chẳng những không chịu tự mình vì người giảng nói
chánh pháp, mà người khác đến thỉnh cầu chánh pháp cũng không chịu vì người mà
giảng nói trong tinh thần vô điều kiện. Nói hẳn ra, tức là cần phải có sự thỏa
thuận giá cả mới chịu giảng nói. Tham tài lợi, xan lẫn chánh pháp dường ấy, làm
cho những người có khả năng kinh tế bị kém thiếu, mất hẳn cơ hội nghe chánh
pháp, nên không thể tiến lên thực hành Bồ Tát đạo, làm đoạn tuyệt hột giống của
chư Phật. Tội lỗi này lớn biết dường nào!
Đức Phật
đã nhận thức điều này một cách thấu suốt, nên đặc biệt, Ngài vì chư vị Bồ Tát
phát tâm độ sanh, chế lập giới này để chư vị đồng vâng giữ, sao không cho trái
với Bồ Tát đạo, và cũng giúp cho Phật chủng không bị đoạn diệt.
Nếu vì mong cầu
tài lợi mà giảng nói chánh pháp lộn xộn, chẳng những không hợp với phương pháp
giáo hóa mà cũng trái với bổn nguyện hoằng hóa. Cho nên vì lợi mà thuyết pháp
là điều Đức Phật tuyệt đối không cho phép, huống chi việc giảng nói chánh pháp
của Như Lai một cách lộn lạo?
Trong kinh Phật
Tạng, Đức Phật dạy: “Ta quyết định không cho phép một người nào vì cầu lợi mà
thuyết pháp. Ta chỉ cho phép tỳ kheo trì giới thanh tịnh, ngồi trên tòa cao
thuyết pháp. Nếu đối với chánh pháp có tâm xan lẫn, chỉ nghĩ đến tiền bạc, vật
dụng, rồi dần dà biếng nhác, không đúng như pháp mà thuyết pháp đều quyết định
không được.
Là một vị Bồ Tát
chân chánh, phát Bồ Đề tâm, đối với đại chúng nghe pháp, không nên có tâm hy
vọng và mong cầu một mảy may gì về quyền lợi. Cần phải thường suy nghĩ như vầy:
ta vì chúng sanh giảng nói chánh pháp, hoàn toàn không mong cầu một cái gì cả.
Chỗ mong cầu duy nhất của ta là muốn cho chính mình cùng tất cả chúng sanh
tương lai đồng thành Phật đạo. Nếu như đạt được mục đích ấy, thì công đức
thuyết pháp của ta thâu được chính là “tự cụ an lạc” bậc nhất, ngoài ra, ta
không mong cầu gì khác. Nếu có chỗ mong cầu nào khác là mất hẳn tư cách của
người làm công tác sư phạm.
Cổ đức cũng dạy
rằng: “Nếu không lo lót riêng thì không truyền trao chánh pháp, có thâu hoạch
được tài lợi thì mới đem hết chỗ hiểu biết của mình giảng nói. Đó là lối buôn bán,
đâu phải là bản hoài hoằng pháp độ sanh của bậc đại sĩ?”
Chẳng những không
phải là bản hoài của Đại Sĩ, mà so với tinh thần nghiệp vụ của một thầy giáo
bình thường ngoài xã hội cũng không bằng. Như vậy còn nói gì đến việc hoằng pháp
lợi sanh?
Vì nhiếp hộ hàng
tân học Bồ Tát khiến vào chánh pháp Đại Thừa, đồng thời chánh hạnh có chỗ y
chỉ, nên Đức Phật chế lập giới điều này.
Vì muốn hộ trì
chánh pháp của Như Lai, cũng như việc truyền đăng không bị đoạn tuyệt, Đức Phật
chế lập điều giới này khiến cho những vị thuyết pháp cùng người nghe pháp đều
thành chủng tánh Đại Thừa.
Vì muốn bảo hộ
những giới cấm cùng giới pháp trong thập giới trọng, khiến cho hàng Bồ Tát nhận
thức nên vì chúng sanh thuyết pháp, không giữ lại riêng mình một pháp nào, dù
nhỏ đến mảy may, nên Đức Phật chế lập giới điều này.
Đại Thừa lấy
việc lợi tha làm cơ bản, mà phương tiện tối thắng của việc lợi tha không gì hơn
việc phát tâm hoan hỷ, sốt sắng, khoái lạc để giảng nói chánh pháp của đức Như
Lai đã chứng đắc cho chúng sanh nghe, không bao giờ sanh tâm nhàm chán, biếng
nhác, khiến chúng sanh từ trong việc nghe pháp được thọ dụng Phật pháp, cuối
cùng thành quả vô thượng Bồ Đề tối cao.
Đức Phật đối với
đại chúng dạy rằng: “Nếu là một vị Phật tử đã thọ giới Bồ Tát, đáng lẽ phải có
hảo tâm học hỏi kinh luật oai nghi Đại Thừa, rộng khai nghĩa vị” (hai câu này
dịch ra Việt văn là: “Phải tận tâm học kinh luật oai nghi Đại Thừa, thông hiểu
nghĩa lý”).
Kinh văn nói:
“Hảo tâm” là điều kiện đầu tiên của việc học Phật pháp, động cơ phải thuần
chánh. Ngược lại, nếu dùng động cơ không thuần chánh tu học Phật pháp, thì không
bao giờ có kết quả tốt. Nói rõ hơn, đó là sự ôm ấp tâm niệm lợi dưỡng mà học
Phật pháp.
Nên kinh Lăng
Nghiêm dạy: “Nhân địa không chân chánh thì kết quả bị cong vạy” là ý này.
Trong Phật pháp,
nói đến hảo tâm là nói tâm thượng cầu hạ hóa, tự tha kiêm lợi.
Sau khi phát hảo
tâm như thế rồi, việc cần làm trước tiên là cần học kinh luật, oai nghi Đại
Thừa, riêng hành giả Tiểu Thừa cũng cần phải học tập kinh luật, oai nghi của Tiểu
Thừa.
Theo trong kinh
giải thích:
- Kinh là thuyên
giải về Định học, thực hành theo đó có thể thành tựu được các thiện pháp.
- Luật là thuyên
giải về Giới học, thực hành theo đó có thể biểu hiện oai nghi phép tắc. Đối với
hành giả tu học Phật pháp, oai nghi là vấn đề hết sức trọng yếu.
Học Phật là một
đại sự siêu phàm nhập thánh. Nếu một người oai nghi không nghiêm chỉnh và đầy
đủ, chẳng những không thể biểu hiện những nét đặc sắc của người Phật tử, lại
còn tưởng muốn sự tự đi sâu vào Phật pháp, tự tu để đạt đến chỗ chứng đắc thì
không thể được.
Trường hợp hai
chữ “oai nghi”, cổ đức giải thích như sau:
- Có oai đáng
sợ, có nghi đáng kính.
Hành giả tu học
Phật pháp, muốn được sự kính sợ của quần chúng, điều kiện tiên quyết là tự mình
phải có oai. Nếu hành vi, hoạt động của bạn tự tiện tùy ý thì rất khó có được
sự kính sợ của quần chúng.
Muốn nhứt cử
nhứt động của bạn có thể làm mô phạm cho người, điều kiện tiên quyết là hạnh
nghi của bản thân bạn phải theo đúng quy, đúng củ. Trái lại, nếu không như vậy
thì rất khó khiến người bắt chước theo.
Theo kinh luật
Đại Thừa, tu học cần phải có oai nghi. Nhưng đó chỉ là thể hiện hành vi tốt đẹp
bên ngoài, chứ không thể sánh bằng sự hiểu biết Phật pháp bên trong.
Tiến lên một bực
nữa, người Phật tử phải cầu học để hiểu rõ kinh luật Đại Thừa:
- Kinh luật
là văn tự năng thuyên, chỉ thú sở thuyên là nghĩa lý. Trong nghĩa lý chứa đựng
pháp vị vô cùng, đó là vị. Đối với nghĩa thú, pháp vị này, cần phải cầu cho
hiểu thật rõ, và hiểu một cách rộng rãi. Cho nên kinh văn nói: “Rộng khai giải
nghĩa vị” (dịch là: “Thông hiểu nghĩa lý”).
Có chỗ giải
thích rằng Khai là ý thông đạt vô ngại, chữ Giải là khế ngộ không nghi; chữ
Nghĩa là Sự và Lý trong kinh luật; chữ Vị chỉ chỗ nhiệm mầu, uyên áo bên
trong.
Khế ngộ tông thú
của kinh luật, thông đạt ý vị sâu xa của nghĩa lý, rồi sau mới đem chánh pháp
lợi ích quần sanh. Như thế mới thấy được sự lợi ích của chánh pháp.
“Học oai nghi
Đại Thừa” là để nghiêm giữ thân tâm mình. Bên trong thì chứa đức sư tử, bên
ngoài thị hiện oai nghi tượng vương, hoàn thành tịnh hạnh cho chính mình.
“Rộng khai
nghĩa vị” là chứng tỏ sự hiểu biết không phải nông cạn, mà là thông suốt giáo
điển Tam Tạng, minh đạt yếu nghĩa của các bộ kinh mà đại khai viên giải chơn
thường (chỉ sự hiểu biết trọn vẹn đầy đủ rộng sâu, không có chướng ngại).
Hạnh và Giải
tương ưng như thế mới có thể làm sư phạm cho hàng hậu học.
Vì vậy, làm một
vị Bồ Tát hóa độ chúng sanh, không phải đơn giản như thế nhân thường tưởng
tượng, mà cần phải có đủ Hạnh Giải song toàn mới xứng đáng với tư cách của vị
sư phạm.
Nếu có Giải mà
không có Hạnh vẫn không đáng làm thầy người. Trái lại, chỉ có Hạnh mà không
Giải cũng khó thực hành việc giáo hóa. Cho nên muốn cầu hạnh lợi mình, lợi người,
điều trước tiên là phải kiện toàn đức hạnh và học vấn. Oai nghi kinh luật là
phép tắc mô phạm hóa đạo của Đại Thừa. Thông hiểu nghĩa lý là cửa ngõ tiến tu
của Đại Thừa. Vì thế, Bồ Tát muốn cầu việc tự hành hóa tha, trước tiên phải lo
học tập cho hoàn bị.
Một vị Bồ Tát
phát Bồ Đề tâm, nếu đối với oai nghi, kinh luật Đại Thừa và sự thông hiểu nghĩa
lý, sanh lòng xem thường, thì chẳng những không thể làm tốt đẹp cho hạnh lợi
sanh mà ngay chính việc tự lợi cũng không thành. Chúng ta hãy xem trong các kinh
điển Đại Thừa, tất cả các vị Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, không có vị nào mà không
thành tựu oai nghi cũng như tinh thông Phật pháp.
Ở trong Phật
pháp, mình là người tu học, trước nhất cần phải từ những kinh nghiệm thực tế để
thể hội vào những chỗ sâu xa, hạnh giải không nên riêng bỏ. Nếu đã được như
vậy, hiện tại nếu thấy “hàng tân học Bồ Tát từ trăm nghìn dặm đến cầu kinh luật
Đại Thừa, nên đúng như pháp mà giảng giải tất cả khổ hạnh”.
Kinh văn gọi
“hàng tân học Bồ Tát” là chỉ cho hàng Bồ Tát mới phát tâm, tức là những người
mới vào cửa đạo, chưa hiểu tí gì trong Phật pháp, nhất là kinh luật Đại Thừa. Hiện
tại, quý vị ấy không nề cực nhọc, khổ sở, có người từ phương xa hàng trăm dặm,
có người từ nghìn dặm, đến nơi bạn thỉnh cầu học kinh luật Đại Thừa. Do đó, chúng
ta có thể thấy rõ tâm chân thiết cầu pháp của các vị ấy.
Là một vị Bồ Tát
đã hiểu rõ kinh luật Đại Thừa, phụng hành Phật pháp, bạn cần phải quán xét căn
cơ của mỗi người, đem chỗ hiểu biết của mình dạy bảo, dẫn dắt cho quý vị ấy
hiểu rõ ý nghĩa nội dung và phụng hành theo oai nghi của kinh luật Đại Thừa, để
thành một vị Bồ Tát danh phù hợp với thật.
Muốn như thế thì
phải giảng nói những pháp gì?
Trước tiên là
phải đúng theo pháp giảng nói tất cả những hạnh khổ khó làm của hàng Đại Thừa
Bồ Tát cần phải thực hành.
Tại sao trước
tiên lại vì hàng tân học giảng nói những khổ hạnh khó làm, mà không giảng nói
một đạo lý nào khác? Đối với những người mới phát tâm, nếu giảng nói những khổ
hạnh, có làm cho quý vị ấy thối thất tâm đạo hay không?
Không! Chính vì
muốn cho tâm chí của quý vị ấy được kiên cố, nên mới giảng nói những khổ hạnh
khó làm, nghĩa là có thâm ý dạy bảo cho hàng tân học biết rằng: pháp Đại Thừa của
Như Lai không phải dễ cầu, hay muốn cầu thì sẽ có ngay liền (vấn đề này cần nên
nhớ lại tích của tổ Huệ Khả cầu pháp với tổ Đạt Ma thì rõ).
Do đó, phải hết
sức tôn trọng chánh pháp, tôn trọng đến mức hy sinh thân mạng của mình cũng
không bỏ cơ hội cầu pháp. Nếu không có ý chí quyết liệt như vậy thì trên bước đường
cầu học kinh điển Đại Thừa của bạn, nếu gặp duyên thuận lợi thì bạn có thể
trường kỳ tu học.
Trái lại, nếu
gặp hoàn cảnh trái nghịch khó khăn thì bạn dễ thối thất tâm ban đầu. Nhưng nếu
ý chí cầu pháp của bạn cương quyết phi thường thì dù gặp những hoàn cảnh khó khăn
đến đâu, bạn cũng đều dũng cảm thẳng tiến.
Nói “tất cả khổ
hạnh” là gồm những gì?
Việc ấy nói ra
thì rất nhiều, nhưng nói một cách đơn giản và trọng yếu thì theo trong kinh dạy
như sau: “Hoặc đốt thân, đốt cánh tay, đốt ngón tay” để cúng dường chư Phật. Nên
lưu ý, cúng dường bằng những khổ hạnh khó làm này không có nghĩa là chư Phật
muốn thọ sự cúng dường ấy của bạn, hay cố ý muốn cho bạn phải thọ sự thống khổ tột
độ như vậy. Nhưng chính vì muốn bạn chứng tỏ tâm thượng cầu Phật đạo của mình
đến mức tuyệt đỉnh.
Lại nữa, nên
biết nghiệp chướng của bạn thời quá khứ rất sâu rộng. Hiện tại, nếu muốn cầu
học kinh luật Đại Thừa, muốn nghe pháp cho tâm ý được sáng tỏ, điều kiện tiên
quyết là phải tiêu trừ nghiệp chướng thâm trọng từ vô thỉ ấy. Muốn tội nghiệp
được tiêu trừ, thì không việc làm nào có thể nhanh chóng hơn là đốt thân, đốt
cánh tay. Những việc này không phải là khó khăn đến mức độ hoàn toàn không thể
thực hiện được. Đức Dược Vương Bồ Tát đốt cánh tay. Đức Hỷ Kiến Bồ Tát thiêu
thân. Cho đến chính ngay đức Bổn Sư Thích Ca đốt đèn trên thân để cầu một bài
kệ v.v... là những bằng chứng hết sức hùng hồn và cụ thể.
Một điểm cần
phải biết nữa là việc đốt thân, đốt cánh tay, ngón tay, không có nghĩa muốn bạn
phải hy sinh thân mạng tức khắc, mà là giúp cho tâm chí của bạn được mở rộng, và
làm cho thệ nguyện của bạn thêm kiên cường mà thôi.
Nếu nói rằng
muốn cho bạn xả thân thì thử hỏi về sau lấy ai là người giảng nói kinh
pháp?
Thông thường, những
người không hiểu rốt ráo được ý nghĩa này, khi vừa mới nghe phải đốt thân, cánh
tay, ngón tay... liền sanh tâm sợ hãi, khủng khiếp, cho là nếu làm như vậy thì
thân mạng không còn.
Trái lại, nếu
không thể đốt thân, cánh tay, ngón tay cúng dường Phật, thì chứng tỏ bạn chỉ là
kẻ phàm phu quá quan tâm luyến trước tướng. Với thân tướng chưa thể thực hiện chữ
Không thì nhân ngã quá rõ ràng, không có một chút căn khí Đại Thừa. Do đó, kinh
dạy chẳng phải là Bồ Tát xuất gia thực hành Bồ Tát đạo. Nếu tư cách Bồ Tát chưa
có, thì còn cầu kinh luật Đại Thừa làm chi?
Tiến thêm một
bậc nữa, chẳng những đốt thân, cánh tay, ngón tay để cúng dường chư Phật là bổn
phận của hàng tân học Bồ Tát, mà còn phải tận lực thực hành, cho đến khi gặp
cọp, chó sói, sư tử đói, hoặc tất cả loài quỷ đói, đều phải xả thịt trên thân
và tay chân mà bố thí. Việc này không phải muốn bạn phải hy sinh thân mạng làm
lợi ích chúng sanh, khi bạn vừa mới bắt đầu học Phật. Thật ra đó chỉ là thể
hiện tâm hạ hóa chúng sanh của bạn đến mức tuyệt đỉnh mà thôi.
Đồng thời cũng
để khảo nghiệm lòng cầu pháp của bạn có chân thiết hay không. Nếu tâm cầu pháp
của bạn chân thiết thì đối với việc đem thịt của thân và tay chân bố thí cho cọp,
chó sói, sư tử đói, ngạ quỷ đói, vẫn không thấy gì là khó khăn.
Nên biết, sở dĩ
chúng sanh từ vô thỉ chìm đắm trong sanh tử luân hồi, không được giải thoát,
nguyên nhân là do đời đời, kiếp kiếp tham đắm yêu tiếc sanh mạng nhục thể này,
cho là thật sự của mình. Nên một khi có ai xâm phạm đến tánh mạng, tức thời
quyết liệt tranh đấu với họ để bảo tồn sanh mạng của mình.
Nơi đây, khuyên
bảo hàng tân học Bồ Tát cầu pháp nên xả thí sanh mạng nhục thể, mục đích là
muốn cho quý vị không chấp thân này là thật có, để không sanh tâm yêu tiếc. Nhờ
đó, mới có thể chịu đem sinh mạng của mình, hy sinh làm lợi ích cho chúng sanh,
mới biểu thị được tinh thần của vị Đại Thừa Bồ Tát.
Như trong kinh
kể sự tích Ma Ha Tát Đỏa Vương Tử (tiền thân của Bổn Sư Thích Ca) đem thân mình
nuôi cọp đói là để chứng minh tinh thần trên.
Lại nữa, chúng
ta thấy trong kinh thường dạy: “Ở thế giới Ta Bà này, không có một chỗ nào
chừng bằng một hạt cải mà chẳng phải là nơi Bổn Sư Thích Ca xả thí đầu, mắt, tủy,
não làm lợi ích chúng sanh trong thời quá khứ của Ngài”.
Với việc khuyên
hàng tân học Bồ Tát đốt thân, cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật, hoặc xả
thịt trên thân mình và tay chân để bố thí cho chúng sanh. Hành động này tác hại
đến sự sinh tồn của thân mạng, nhưng tại sao lại khuyên những hàng tân học phải
làm như thế lúc mới bắt đầu học Phật?
Nên biết: mục
đích chủ yếu của vấn đề này là muốn phá trừ vọng chấp của chúng sanh, giúp hàng
tân học Bồ Tát thực sự hiểu rõ sinh mạng nhục thể này là hư giả, không thực có.
Đối với việc hy sinh thân mạng, chẳng khác nào bỏ đôi dép rách, hoàn toàn không
có giá trị gì để phải đem tâm lưu luyến.
Đối với sanh
mạng còn không được có một niệm yêu tiếc, huống gì đối với những tài vật ở
ngoài thân, dĩ nhiên không cần phải nói đến. Như thế, việc tu học Đàn Ba La Mật
không có gì là khó khăn đối với người Phật tử.
Bồ Tát khi thực
hành bố thí, chủ yếu là bên trong xả thí sinh mạng, bên ngoài xả thí tiền tài,
bảo vật. Nếu thực hành được như thế thì mới có thể vững chắc bước lên con đường
lớn vô thượng Bồ Đề.
Như trên đã
giảng, tất cả khổ hạnh khó làm, mục đích cốt yếu là làm cho tâm chí của hàng sơ
học được kiên cố. Tiếp theo, giảng nói chánh pháp là cốt ý muốn cho trí huệ của
hàng tân học được tăng tiến. Vì thế, nếu không giảng nói rõ chỗ Bồ Tát hạnh
phải thực thi như thế nào, đương nhiên sẽ khiến hàng tân học Bồ Tát cảm thấy
việc tu khổ hạnh của mình không có ý nghĩa gì cả.
Cho nên “trước
phải khai thị các khổ hạnh khó làm, rồi sau mới tuần tự theo thứ lớp mỗi việc
mà giảng nói chánh pháp, khiến cho hàng tân học được thông mở tâm ý”.
Tuyên thuyết chánh
pháp không phải là việc dễ dàng, tùy ý muốn nói gì thì nói, mà là phải tuần tự
theo thứ lớp nhất định. Nghĩa là, trước tiên giảng nói những pháp thô thiển dễ
hiểu, sau đó sẽ dần dần vì người giảng nói những pháp thâm áo khó hiểu. Tuyên
thuyết chánh pháp từ cạn đến sâu như vậy, chúng sanh mới tiếp thọ được và người
đến cầu học cũng đuợc sự hứng thú.
Trái lại, nếu
đầu tiên đã vì người giảng nói pháp thậm thâm vi diệu khiến người nghe không
hiểu gì cả, không biết được pháp của bạn nói là cái gì. Như thế, việc thuyết
pháp của bạn chẳng những không đạt được mục đích gì, lại còn làm cho người sanh
tâm sợ sệt, không dám đến nghe bạn nói kinh pháp nữa.
Do vậy, phải
tuần tự giảng nói. Chẳng những vị Bồ Tát đi trước cần phải tuần tự giảng nói
cho hàng hậu học như vậy, mà ngay cả Thánh giáo của Đức Phật trong lúc sinh thời,
Ngài cũng tuần tự tuyên thuyết từ cạn đến sâu.
Lại nữa, đối với
ba môn Vô Lậu học: Giới, Định và Huệ, đó là cương lãnh của Phật pháp, là kim
chỉ nam của người tu hành. Vì thế, nếu khai thị cho hàng tân học, cũng phải tuần
tự mà giảng nói. Nghĩa là trước nhất giảng Giới học, kế giảng Định học, sau
cùng giảng Huệ học.
Tuyệt đối không
được giảng nói lộn xộn không thứ lớp. Chẳng những về phương diện nghĩa lý phải
giảng nói như vậy, mà đối với các giai cấp, địa vị tu hành cũng phải nói theo
thứ tự rõ ràng.
Như trước tiên,
giảng nói địa vị Thập Tín như thế nào, sau đến các địa vị kế tiếp là Thập Trụ,
Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, mỗi mỗi tuần tự giảng nói như vậy, không
đuợc lộn xộn, điên đảo.
Giảng nói chánh
pháp có thứ tự như thế, trước tiên nhờ Văn Huệ mà mở tỏ tâm hàng sơ học, khiến
họ đối với tâm không bị trệ ngại. Kế đó, dùng Tu Huệ khiến cho ý nghĩa được
hiển rõ và giúp cho ý của hàng tân học không bị trệ phược.
Tâm mở tỏ mới
thấy được bổn nguyên tâm địa. Ý hiểu rõ thì biết được nghĩa vị vô cùng. Tâm ý
được mở thông nhờ vậy đối với việc đăng vị chứng quả sẽ không khó khăn. Đây là
đường lối thuyết pháp thuận theo chánh lý, không phải theo cách lộn xộn, điên
đảo.
Quên mình lợi
người đó là bản hoài của đại sĩ. Thuận theo chánh giáo của Như Lai mà tuyên dương,
ấy là bổn phận của Bồ Tát. Nhưng nếu vị Bồ Tát học Phật pháp trước này lại vì
duyên sự lợi dưỡng hoặc vì quyền lợi không tuân theo thứ tự, giảng nói lý chân
thường một cách điên đảo, lộn xộn, hoặc giảng giải Phật pháp một cách hư vọng thì
không thể được.
Hành giả biết rõ
giảng nói chánh pháp một cách điên đảo, lộn xộn là trái với đạo giáo huấn,
nhưng tại sao vẫn làm như vậy?
Nguyên nhân chỉ
vì Bồ Tát phàm phu sẵn có tâm niệm tật đố ẩn chứa bên trong, nên nghĩ rằng nếu
đúng như chánh pháp mà giảng thì tương lai, các vị nghe giảng sẽ hiểu giáo lý hơn
mình, như vậy là không thể được.
Vì sợ người hơn
mình nên mới giảng nói lộn xộn, điên đảo để cho người nghe vĩnh viễn không bằng
mình về phương diện lý giải Phật pháp.
Hoặc là vị Bồ
Tát ấy có tâm mong cầu danh lợi, nếu những người nghe pháp cung cấp lợi dưỡng
đầy đủ cho mình thì mới vì họ tuần tự giảng nói chu đáo. Nhưng nếu thấy sự mong
cầu danh lợi không được toại ý liền khởi tâm niệm không tốt, chẳng hạn trường
hợp cần trả lời thì không trả lời, hoặc dù giải đáp cho người, nhưng cũng không
giải đáp thuận theo chánh lý, không hợp với chỗ người hỏi, khiến họ không lãnh
hội được lời giải đáp.
Đây là tội lẫn
pháp, giảng nói nghĩa lý một cách mập mờ, không rõ ràng. Chỉ vì mong cầu danh
lợi nên “trường hợp nên đáp mà không đáp, đáng dạy mà mà không dạy”, lại thêm
giảng nói kinh luật một cách điên đảo, văn tự lộn xộn không có trước sau. Nghĩa
là, vị Bồ Tát đã học chánh pháp trước, đến lúc vì hàng tân học thuyết pháp, lẽ
ra phải giảng giải hợp với đạo lý, nhưng trái lại, giảng nói kinh luật cũng như
văn tự lộn xộn, điên đảo, tự ý chuyển cải văn nghĩa trong kinh luật.
Chẳng hạn phần
đáng để phía trước lại đem để phía sau, đáng để phía sau lại đem để phía trước,
đáng để ở chặng giữa lại đem để ở trước hoặc sau, làm cho ý nghĩa trong kinh
luật không thể quán thông lẫn nhau, mất hẳn thứ lớp trước sau, thiếu sự liên
tục và mạch lạc.
Theo kinh Phạm
Võng này, khi giảng pháp, trước tiên phải vì hàng sơ học giảng nói khổ hạnh trì
giới, kế đó nói chánh pháp của Như Lai. Nếu không như vậy, mới vừa bắt đầu nói
pháp đã giảng nói “Không lý” khiến cho hàng sơ tâm mất hẳn chánh hạnh, ấy gọi
là “thuyết pháp điên đảo, lộn xộn”.
Giảng nói kinh
luật văn tự điên đảo, lộn lạo, không có thứ lớp trước sau như vậy, trên thì
trái với từ ý của chư Phật vì chư Phật không nói như vậy mà dám vọng ngôn, nói chính
chư Phật nói như thế. Ấy gọi là báng Phật. Giữa thì trái với chỉ thú của kinh
luật, vì kinh luật vốn không tuyên giải điên đảo như thế, mà vọng ngôn nói
chính kinh luật tuyên giải như thế. Đây là thuộc về báng pháp. Dưới thì trái
với yêu cầu của người đến cầu pháp. Vì người đến cầu pháp, vốn không phải yêu
cầu giảng nói điên đảo, không có thứ tự, nhưng lại dám vọng ngôn nói người đến
cầu pháp yêu cầu giảng nói như vậy. Đây là lỗi báng Tăng. “Thuyết pháp có tính
cách hủy báng Tam Bảo” như thế sẽ mắc tội không nhỏ, nên kinh văn kết luận là Phật
tử này phạm khinh cấu tội.
Theo như trên đã
nói thì rõ ràng đây là giới hủy báng Tam Bảo, như thế phải liệt kê vào giới
“hủy báng Tam Bảo” trong phần mười giới trọng phía trước, tại sao ở đây lại sắp
vào loại tội khinh cấu?
Nên biết rằng
giữa giới “hủy báng Tam Bảo” và “vị lợi đảo thuyết” có chỗ bất đồng. Giới “hủy
báng Tam Bảo" thứ mười trong mười giới trọng là do tội hoàn toàn phủ nhận
không có Tam Bảo, không thừa nhận có Tam Bảo tồn tại trong thế gian. Cho nên
tội này thuộc về giới trọng.
Còn giới này tuy
nói rằng không hủy báng Tam Bảo, nhưng do ở lỗi giảng nói kinh luật sai lầm, hư
vọng luận bàn, chứ hoàn toàn không phải không thừa nhận có Tam Bảo, cho nên chỉ
kết tội khinh cấu.
Do đó, vị Bồ Tát
tu học Phật pháp, trước khi vì hàng tân học Bồ Tát thuyết pháp, phải làm cho
tâm chí của họ được kiên cố, rồi sau mới đem hết chỗ hiểu biết của mình đã học,
tuần tự trước sau giảng nói như thế mới đúng luật.
Nếu không thực
hành như vậy, mà chỉ vì mong cầu lợi dưỡng nói pháp một cách điên đảo, hay nói
pháp có tánh cách hủy báng Tam Bảo, thì tội lỗi ấy không thể tránh khỏi.
Cho nên trong Du
Già Bồ Tát Giới Bổn dạy rằng: “Một vị Bồ Tát an trụ tịnh giới, khi có người đến
cầu thỉnh chánh pháp, phải tùy theo khả năng của mình, đem chánh pháp của mình
đã biết bố thí cho người, khiến cho người được sự lợi ích khi nghe chánh pháp
của Phật. Nếu ôm tâm giận ghét, hoặc buồn bực, không vì người giảng nói chánh
pháp, hoặc có tâm tật đố, sợ rằng người ấy sau khi nghe pháp sẽ phát sanh trí
huệ thù thắng, sẽ được lợi dưỡng rất nhiều, nên không vì người thuyết pháp. Hay
dù có nói, cũng không nói rốt ráo, khiến người đến cầu pháp cảm thấy thường
không được mãn nguyện, thậm chí còn sanh nhiệt não. Như thế, vị Bồ Tát an trụ
tịnh giới, đối với tịnh giới của mình cần phải vâng giữ mà không vâng giữ là có
chỗ trái phạm”.
Với giới này
phải làm thế nào mới không trái phạm?
Như biết kẻ ấy
không phải là người căn cơ nghe pháp nên bạn không nói pháp thì không trái
phạm. Hoặc nhận thấy hàng tân học Bồ Tát kia làm những việc thuộc về tà kiến,
không phải chánh kiến như trong Phật pháp. Vì muốn đoạn trừ tà kiến, nên vị Bồ
Tát chẳng những không vì họ giảng nói tất cả khổ hạnh khó làm, lại còn cực lực
bài xích những khổ hạnh, trường hợp này cũng không trái phạm tịnh giới.
Hoặc vì muốn phá
trừ sự ngu si, vọng chấp của hàng tân học, nên chuyên vì họ giảng nói ý nghĩa
của lý hạnh, nhưng không tuần tự giảng nói chánh pháp. Như thế vẫn không phạm
tội khinh cấu (lý hạnh là đối lại với sự hạnh, sự thuộc về hữu tướng, lý thuộc
về vô hình).
Theo Du Già Bồ
Tát Giới Bổn có nói tám nhân duyên không vì người giảng nói chánh pháp mà không
trái phạm tịnh giới của Bồ Tát. Nơi đây xin nêu ra vài nhân duyên tiêu biểu như
sau:
- Nếu như người
đến cầu pháp vốn là kẻ ngoại đạo hung ác, không phải thật tâm vì pháp mà đến,
mà chỉ vì muốn tìm những lỗi lầm, hoặc có chỗ sở đoản trong Phật pháp, nên giả
dối đến cầu pháp. Bồ Tát biết rõ như vậy nên không vì người ấy thuyết pháp thì
không trái phạm giới này.
- Hoặc người đến
cầu pháp giữa lúc thân Bồ Tát đang mang trọng bịnh, không đủ khí lực thuyết
pháp cũng không có tội.
- Hoặc thấy
người đến cầu pháp không có tâm cung kính chánh pháp của Như Lai, không có lòng
hổ thẹn, oai nghi, cử chỉ không đúng tư cách của người đến cầu thỉnh thuyết
pháp. Vì thế, Bồ Tát không vì người ấy nói pháp cũng không có lỗi.
Như trên là nêu
ra những nhân duyên làm tiêu biểu. Cho nên vấn đề giảng nói hay không giảng
nói, tùy thuộc vào động cơ và thái độ của người đến cầu pháp mà quyết định. Không
phải là bất cứ người nào đến cầu pháp nếu không vì họ giảng nói, thì đều kết
thành tội.
Giới này thường
áp dụng cho toàn thể thất chúng Phật tử, nhưng Đại và Tiểu Thừa không hoàn toàn
giống nhau.
Đại Thừa phải vì
tất cả chúng sanh thuyết pháp. Nếu không thuyết pháp hoặc thuyết pháp điên đảo,
lộn xộn thì đối với Bồ Tát giới có chỗ trái phạm.
Tiểu Thừa là y
cứ theo pháp Tiểu Thừa giảng dạy cho người. Nhưng nếu nói pháp điên đảo, lộn
xộn, không thứ lớp trước sau, hoặc vì mong cầu tài lợi giảng nói làm cho ý nghĩa
bị mất mát, không rõ ràng, cũng phạm giới Thanh Văn. Nhưng trường hợp không vì
người giảng nói pháp Đại Thừa thì không phạm tội, vì hành giả Tiểu Thừa không
gánh vác trách nhiệm ấy.