KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.46. THUYẾT PHÁP BẤT NHƯ PHÁP GIỚI
(giới thuyết
pháp không đúng pháp)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử thường ưng giáo hóa khởi Đại Bi tâm...” cho đến câu “..phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật
tử thường nên có lòng Đại Bi phát tâm giáo hóa. Lúc vào nhà đàn việt sang giàu
cùng trong tất cả chúng hội, không được đứng thuyết pháp cho hàng bạch y, phải
ngồi trên tòa cao trước chúng bạch y.
Vị tỳ kheo Pháp
Sư không được đứng dưới đất thuyết pháp cho tứ chúng. Khi thuyết pháp, vị Pháp
Sư ngồi tòa cao, dùng hương hoa cúng dường, còn tứ chúng, hàng thính giả thời ngồi
bên dưới. Đối với Pháp Sư phải như là hiếu thuận cha mẹ, kính thuận sư trưởng
như Bà La Môn thờ lửa. Nếu Phật tử thuyết pháp mà không đúng như pháp thì phạm
khinh cấu tội.
Lời giảng
Dạy người
phát Bồ Đề tâm, thú hướng Phật đạo, dĩ nhiên là điều tối yếu. Dạy người phải
hết lòng cung kính, tôn trọng pháp bảo tột độ cũng là việc làm hết sức trọng
yếu.
Chúng ta nên
biết Đức Phật trải qua ba vô lượng kiếp, chịu không biết bao nhiêu tân khổ,
siêng năng tu học mới chứng đắc được pháp bảo. Vì thế tội khinh mạn Pháp Bảo
rất lớn. Chúng ta là Phật tử, đối với Pháp Bảo phải hết lòng tôn trọng thì mới
tránh khỏi lỗi khinh mạn.
Nhưng thông thường,
chúng sanh vì không hiểu nên đối với Pháp Bảo không biết tôn trọng. Vì vậy, bổn
phận người Phật tử phải vì người giảng rõ, để cho mọi người hiểu rằng Pháp Bảo
thật là hiếm có và rất khó gặp, nên phải hết lòng tôn trọng mới gieo trồng được
thiện căn.
Muốn cho chúng
sanh kính trọng Pháp Bảo, trước tiên người Phật tử phải kính trọng pháp để làm
gương cho chúng sanh. Nếu tự mình không kính pháp thì dù có giảng nói, khuyến
hóa chúng sanh phải nên quý trọng pháp như thế nào, chúng sanh cũng chẳng bao giờ
vâng theo lời bạn dạy. Hơn nữa, tự mình kính trọng Pháp Bảo chính là thực hành
đúng theo lời Phật dạy.
Giới này thất
chúng Phật tử đồng học, vì sa di cũng được cho phép bước lên tòa cao để thuyết
pháp. Nhưng sở dĩ trong kinh chỉ nói tỳ kheo, vì trong thất chúng Phật tử đều
lấy chúng tỳ kheo làm thượng thủ chỉ đạo. Còn chúng tại gia đối với vai trò làm
sư phạm thì rất hiếm. Tuy tại gia không làm pháp chủ (Pháp Sư thuyết pháp),
nhưng lúc giảng nói một câu, một kệ, cũng phải đúng như pháp, nếu không đúng pháp
cũng bị phạm tội.
Giới này cả Đại
Thừa lẫn Tiểu Thừa đều bị cấm chế. Nhưng trong trường hợp người nghe pháp bị
trọng bệnh, hoặc vì thế lực quốc vương khống chế, nên hành giả không đúng như
pháp để thuyết pháp thì không phạm giới.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới phải thường nên khởi tâm Đại
Bi giáo hóa”.
Nghĩa là phải y
theo lời Phật dạy đi giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh đồng hướng về chân
lý, đoạn hoặc, chứng chân. Đó là hành vi của Bồ Tát cần phải thực hiện.
Nếu tâm Đại Bi
không sanh khởi thì hạnh hóa tha khó tiến hành. Do đó, thường thực hành hạnh
giáo hóa chúng sanh hay không, hoàn toàn căn cứ vào động lực Đại Bi tâm thúc
đẩy như thế nào?
Thực hành hạnh
Từ Bi vì mục đích lợi sanh, nhất định phải có tâm tôn kính mới phát sanh pháp
lành, không nên có ý niệm khinh bạc mà sanh tội lỗi. Vì thế, lúc vào nhà đàn
việt thông thường tu phước, hoặc vào nhà quý nhân công khanh, sĩ hoạn, hoặc vào
trong tất cả hàng thứ dân, quần chúng, Phật tử do tâm Đại Bi vì chúng tại gia
thuyết pháp là điều rất tốt, nhưng cần phải đúng như pháp mà thuyết, không được
thuyết giảng không đúng tinh thần ý nghĩa của pháp.
Nếu thuyết pháp
không đúng pháp, chẳng những người nghe mắc tội mạn pháp, mà chính người thuyết
cũng mắc tội mạn pháp. Trái lại, nếu đúng pháp thuyết pháp thì cả người nghe
lẫn người thuyết pháp đều được lợi ích kính pháp rất lớn.
Về lễ nghi
thuyết pháp phải như thế nào?
Nghĩa là không
được đứng thuyết pháp cho hàng bạch y, phải ngồi trên tòa cao trước chúng bạch
y. Nếu hàng bạch y ngồi mà mình đứng thuyết pháp là nhất định không được. Phải biết
rằng, quy định như vậy không phải vì người thuyết pháp có tâm cao ngạo tự tôn,
mà để chứng tỏ lòng tôn trọng Pháp Bảo.
Trong kinh nói
“bạch y” là chỉ cho kẻ thế tục, vì người thế tục thường thích mặc y phục trắng,
nên gọi là “bạch y”. Vị Bồ Tát tỳ kheo phải ở trước chúng bạch y, không được ở
phía sau. Lúc thuyết pháp phải ngồi trên tòa cao, không được ngồi chỗ thấp.
Nhưng nếu tạm thời khai thị năm ba câu, thuyết giả và thính giả có thể đứng
chung một chỗ thì không tội, vì sau khi nói vài lời, cả hai đều chia tay.
Trong kinh Phạm
Võng này chỉ nói về oai nghi thuyết pháp, còn theo giới luật tỳ kheo và tỳ kheo
ni dạy:
- Người ngồi mà
mình đứng thì không được thuyết pháp cho họ, trừ lúc họ có bịnh phải học.
- Người nằm mà
mình ngồi thì không được thuyết pháp cho họ, trừ lúc họ có bịnh phải học.
- Người ngồi ghế
mà mình ngồi phông phải ghế thì không được thuyết pháp, trừ lúc họ có bịnh phải
học.
- Người ngồi chỗ
cao mà mình ngồi chỗ thấp thì không được thuyết pháp, trừ lúc họ có bịnh phải
học.
- Người đi trước
mà mình đi sau thì không được thuyết pháp, trừ lúc họ có bịnh phải học.
- Người ở chỗ
kinh hàng cao mà mình ở kinh hàng thấp thì không được thuyết pháp, trừ lúc họ
có bịnh phải học.
- Người đi giữa
đường mà mình đi trên lề đường thì không được thuyết pháp, trừ lúc họ có bịnh
phải học.
Đấy là những
lễ nghi tôn trọng Pháp Bảo cần phải thực hiện. Trong luật Phật dạy phải thực
hành như vậy, trừ những lúc có trọng bệnh. Nhưng chúng ta cần phải phân biệt rõ
ràng, tuyệt đối đây không phải là tướng trạng của người cống cao, ngã
mạn”.
Theo luật Tăng
Kỳ dạy: “Nếu tỳ kheo lúc có duyên sự lo cho ngôi Tam Bảo, phải đến tiếp xúc với
quốc vương, địa chủ v.v... Nếu các vị ấy thưa rằng: ‘Xin tôn giả hoan hỷ vì
chúng tôi bố thí chút ít Phật pháp, chúng tôi rất muốn nghe...’ Quý vị ấy dù
đang trong tư thế ngồi, nhưng không nên bảo họ đứng dậy nghe pháp, để tránh sự
ngộ nhận không cần thiết.
Nếu lúc ấy
có người đứng bên cạnh gần đấy, vị tỳ kheo nên nghĩ trong tâm rằng: “Nay ta vì
người đứng này mà thuyết pháp”, như thế dẫu quốc vương hay địa chủ... ngồi nghe
pháp, vị tỳ kheo vẫn không có tội.
Lại nữa, trường
hợp vị tỳ kheo bị mù mắt, phải có người cầm gậy dắt đi trước, người ấy muốn
nghe pháp, vị tỳ kheo có vì người ấy giảng nói Phật pháp cũng không có
tội.
Hoặc tỳ kheo
lúc đi trên con đường nguy hiểm, đầy nỗi sợ hãi. Lúc ấy có người cầm đao trượng
bảo vệ nói rằng: “Xin tôn giả vì tôi thuyết pháp, tôi muốn được nghe pháp”. Trường
hợp này dù có thuyết pháp cũng không có tội.
Lại nữa, tỳ
kheo pháp sư không được đứng dưới đất thuyết pháp cho hàng tứ chúng và người
bạch y chưa thọ giới. Nếu đứng dưới đất thuyết pháp là hoàn toàn bất hợp
pháp”.
Như thế thì
phải làm thế nào?
Nghĩa là khi
thuyết pháp, vị Pháp Sư phải ngồi ở trên tòa cao, trước pháp tọa phải dùng hoa
hương cúng dường, để chứng tỏ hàng thính giả có tâm chí thành thỉnh cầu pháp
bảo, Pháp Sư mới có thể thay thế cho Phật, ứng cơ tuyên dương chánh pháp.
Phần tứ chúng
thính giả, nhất nhất đều phải theo giai cấp, thứ tự của mình mà an vị ở dưới,
vì quy định bắt buộc người lãnh thọ chánh pháp phải thực hành đúng như vậy. Vị
Pháp Sư ngồi ở trên tòa cao, với cương vị là người thuyết pháp, phải theo đúng
pháp và hàng thính giả ngồi dưới ở cương vị người nghe, cũng phải theo đúng
pháp.
Đối với Pháp Sư
phải hiếu thuận như là đối với cha mẹ, vì Pháp Bảo là cha mẹ Pháp Thân của tất
cả chúng sanh. Cho nên là thính giả phải kính trọng thầy như hiếu thuận đối với
cha mẹ mình, không được sơ suất khinh thường.
“Kính thuận sư
trưởng” là ý nói pháp bảo do chư Phật tuyên thuyết, có công năng khai thị chúng
sanh ngộ nhập tri kiến của Như Lai, nên khi Pháp Sư thuyết pháp, hàng thính giả
đối với thầy phải hết lòng kính trọng, không được có bất cứ hành động trái
nghịch nào. Ví như “người Bà La Môn thờ lửa” là một thí dụ. Trong kinh dạy:
“Đối với người hiểu biết chánh pháp của Như Lai thì bất cứ già, trẻ, lớn nhỏ...
đều phải cúng dường như Bà La Môn thờ lửa vậy”.
Vấn đề người Bà
La Môn thờ lửa, tương truyền vào lúc kiếp sơ khai, khi thế giới này mới thành
lập, chư thiên ở cung trời Đao Lợi từ thiên giới bay xuống, quan sát cảnh vườn rừng,
ao suối của cõi Diêm Phù Đề.
Sau khi quan sát
xong, các thiên vương bay trở về thiên giới. Lúc bay, quang minh trên thân các
ngài sáng rỡ như lửa. Khi ấy, các ngoại đạo tu trong rừng, xa trông thấy cho
rằng người đời do cúng dường lửa mà được sanh lên Thiên Đường.
Bấy giờ, hằng
ngày lúc mặt trời sắp lặn, họ xúm nhau kiếm củi chất thành đống lớn, đêm đến
đốt lửa cháy bùng lên, rồi cùng nhau hướng về đống lửa, chí thành cung kính lễ
bái, cho hình thức ấy là một sự kính thờ.
Ở đây, viện dẫn
việc này làm thí dụ. Ý nói hàng Phật tử đối với bậc sư trưởng thuyết pháp cho
mình nghe, phải hết lòng hiếu thuận cung kính giống như Bà La Môn chí thành, chân
thiết kính thờ lửa.
Trong Nhiếp Luận
dạy: “Nếu người nào dù không giữ giới pháp được trọn vẹn, nhưng có khả năng
giảng nói chánh pháp, lợi ích cho nhiều người, thì mọi người trên thế gian cần phải
cung kính cúng dường như Phật. Vì lãnh thọ lời thuyết pháp của vị ấy cũng giống
như được nghe Phật thuyết pháp”.
Trong kinh dạy,
người nghe pháp đối với pháp sư phải hiếu thuận như đối với cha mẹ, ấy là tôn
trọng người. Như Bà La Môn thờ lửa là tôn trọng Pháp Bảo vậy.
Nếu Phật tử
thuyết pháp trái với lễ nghi thuyết pháp, hoặc không đúng như pháp mà thuyết
pháp thì phạm khinh cấu tội.
Phải biết rằng
đại sĩ khi bố thí pháp, không phải là việc tầm thường. Cho nên nếu đối với Pháp
Bảo hết lòng kính trọng thì cả người thuyết lẫn người nghe đều có lợi và công
đức không thể nghĩ bàn.