- Duyên Khởi
- Lời Giới Thiệu
- Chương 1 Huấn Luyện Xuất Gia
- Chương 2 Chú Thích Danh Nghĩa
- Chương 3 Chế Lập Duyên Khởi
- Chương 4 Công Ích Thù Thắng
- Chương 5 Thọ Giả Phân Biệt
- Chương 6 Sám Hối Tất Yếu
- Chương 7 Tác Pháp Lược Thuyết
- Chương 8 Chi Số Biện Biệt
- Chương 9 Vấn Đề Liệu Giản
- Chương 10 Lục Niệm Tu Pháp
- Phụng Khuyến Tăng Tục Nam Nữ Phổ Trì Bát Quan Trai Giới Văn
- Tiểu Sử Đại Lão Pháp Sư Thích Diễn Bồi
BÁT QUAN TRAI GIỚI THẬP GIẢNG
八 關 齋 戒 十 講
Pháp -sư Diễn
Bồi soạn
Thích-Thiện-Huệ
dịch Việt
Chương 3
Chế Lập Duyên
Khởi
Tất cả Giới Luật
trong Phật giáo đều do đức Phật chế, có hai loại khác nhau: Một loại phải đợi
nhân duyên mới chế, một loại không cần. Loại có nhân duyên rồi chế là Thanh Văn
Luật Nghi Giới; loại không cần nhân duyên là Bồ Tát Tam Tụ Giới. Gọi là “đợi
nhân duyên mới chế” là vì phải có một nhân duyên nào xảy ra, đức Phật mới nhân
đó chế giới. Cho nên Sa Di có nhân duyên chế lập Sa Di Giới, Tỳ Kheo có nhân
duyên chế lập Tỳ Kheo Giới. Hiện nay quý vị thọ Bát Quan Trai Giới là một loại
Luật Nghi Giới, tất nhiên phải có duyên khởi chế lập của nó. Đại Thừa Bồ Tát
Giới không vậy, do Như Lai nhất thời chế lập, trong một lần Ngài chỉ bày cặn kẽ
giới Đại Thừa Bồ Tát mà chẳng phải đợi đến một nhân duyên nào xảy ra mới chế
giới. Cho nên giới Đại Thừa, Tiểu Thừa không chỉ khác nhau ở nội dung mà còn
khác ở phương thức chế lập.
Đức Phật vì
chúng ta chế Bát Quan Trai Giới do nhân duyên nào, đó là điều hôm nay tôi muốn
trình bày đến chư vị.
Cầu thọ Bát Quan Trai Giới, thực mà nói, vốn không cần hạn định thời gian, như thọ hằng ngày cũng được, một tháng thọ hai mươi ngày, mười lăm ngày gì cũng được. Thọ càng nhiều ngày càng được lợi ích, song vì một số người đầu óc rối ren chuyện gia đình, vì để duy trì đời sống gia đình, đôi khi phải cầu niềm vui thế tục, không thể xả bỏ hết được, cũng không có nhiều thì giờ để thường đến thọ Bát Quan Trai Giới. Đức Phật vì muốn thích ứng với thời gian của mọi người nên chế định thọ bát trong lục nhật trai. Như kinh Ưu Bà Di Đọa Xá Ca thuyết minh cho điều này: “Người ta có nhiều nỗi lo chuyện nhà, cho nên ta dùng cách cho thọ Bát Giới trong lục nhật trai. Nếu có người hiền thiện nào muốn được quả A La Hán, muốn mau thành Phật, hoặc muốn sanh Thiên, phải tự đoan nghiêm tâm, nhất ý bất loạn, một tháng mười lăm ngày trai cũng tốt, hai mươi ngày trai cũng tốt. Người lo nhiều chuyện gia đình chỉ cần một tháng sáu ngày”. Đức Phật chế định thọ Bát Quan Trai vào lục trai nhật hoàn toàn vì hàng tại gia học Phật.
Theo tình hình hiện nay xét, phải nói rằng sự chế định này của đức Phật quả là sự chọn lựa từ nơi trí huệ của Ngài, bởi vì đến cái thời đại phát triển máy móc này, đừng nói một tháng thọ bát sáu ngày khó làm, mà đến một tháng một ngày cũng không phải dễ. Ngày xưa vào thời đại nông nghiệp, công việc đã không bận bịu như ngày nay, mà đời sống cũng không chật vật như hiện giờ. Cứ xem tình trạng hiện nay, ai nấy cũng bận cả ngày, bận đến bù đầu bù cổ, đến chuyện nhà còn lo không xuể. Vì vậy, từ vợ đến chồng cả ngày lo chuyện gia đình, giờ lại bảo ông hay bà bỏ chuyện nhà đi thọ bát thì quả là chuyện nan đắc. Bởi thế, quý vị trong trăm thứ lo, bỏ chút thời giờ nghỉ thọ Bát Quan Trai Giới, thực rất đáng tán thán.
Bậc Đại Thánh Thích Ca Mâu Ni xuất hiện cách đây hơn 2.500 năm quan sát tình thế lúc ấy, biết thế nhân không dễ thọ giới, nên mới chế trong lục nhật trai thọ Bát Quan Trai Giới, phải nói đức Phật đã sớm biết thời kỳ Mạt Pháp càng khó thực hiện. Sự thực quả vậy, đừng nói một tháng sáu ngày, một tháng một ngày cũng không mấy ai phát tâm.
Lục trai nhật đức Phật chế định là sáu ngày nào? Theo nông lịch của chúng ta thì vào các ngày 8, 14, 15, 23, 29 và 30 mỗi tháng. Nhưng vì nông lịch có tháng đủ, tháng thiếu không có ngày 30, phải lấy 28 và 29 thế 29 và 30, như vậy vẫn đủ một tháng sáu ngày.
Hàng cư sĩ tại gia thọ Bát Quan Trai Giới danh xưng khác với hàng cư sĩ không thọ Bát Giới. Dù thọ Tam Quy Ngũ Giới nhưng không thọ Bát Quan Trai Giới thì chỉ gọi là Ưu Bà Tắc hoặc Ưu Bà Di. Còn nếu có thọ Bát Quan Trai Giới thì được gọi là “tịnh hạnh ưu bà tắc” hoặc “tịnh hạnh ưu bà di”. Tịnh hạnh ở đây có tánh cách rất trọng yếu. Như thọ Ngũ Giới vốn không chủ trương tuyệt hẳn dâm dục, sự quan hệ chính thường giữa vợ chồng vẫn được chấp nhận, cho nên gọi là “tận hình thọ bất tà dâm” (đến chết không tà dâm). Nhưng trong một ngày đêm thọ Bát Quan Trai Giới, chẳng những không được tà dâm, mà ngay đến sự quan hệ chính thường giữa vợ chồng cũng bị cấm chỉ, cho nên khi tuyên giới thường nói: “Nhất nhật nhất dạ bất dâm dục” (một ngày một đêm không dâm dục) là để hiển thị tinh thần hoàn toàn thoát ly quan hệ nam nữ. Có vậy mới thành chân chánh thanh tịnh hạnh. Cho nên tịnh hạnh ưu bà tắc, tịnh hạnh ưu bà di chẳng phải hành Tam Quy Y, thọ Ngũ Giới mà được gọi. Phải thọ Bát Quan Trai Giới vào lục nhật trai mới có danh xưng là “tịnh hạnh”.
Phật pháp nói chữ “trai” trong lục trai nhật, chủ yếu chỉ thọ Bát Quan Trai Giới. Điều này đã giảng trong phần Danh Nghĩa. Nhưng thuở giờ nhiều người ngộ hội, cho rằng ăn chay là Trai, cho nên dân gian vẫn thường hay nói: “Phát tâm tin Phật, ăn chay trường kỳ gọi là trường trai. Còn nếu chỉ phát tâm ăn chay vào sáu ngày gọi là hoa trai”. Đúng vậy, chỉ chuyên ăn chay không còn ăn thịt là điều Phật pháp đề xướng cực lực, hy vọng trong lúc trường trai, bồi dưỡng tâm đồng tình, tăng trưởng tâm từ bi. Nhưng nói chính xác: Trai của Phật pháp không phải chỉ ăn chay, còn phải thọ trì giới “không ăn quá ngọ” và các giới của Bát Giới, mới được là chơn chánh trì trai. Điểm này chúng ta cần phải phân biệt cho rõ, không nên nhập bừa làm một.
Nhân duyên chính đức Phật chế định cho thọ Bát Quan Trai Giới trong lục nhật trai là để cho hàng tại gia nhị chúng gieo trồng căn lành giải thoát, thú hướng xuất ly, nên vào những ngày lục trai, nên đến trước chư Tăng thỉnh truyền tám giới này, nương nhờ thời gian ngắn ngủi này xa rời mọi sự phiền lụy ở thế gian, chuyên tâm nhất chí tu học Phật pháp để tuy thân còn ở nhà mà không hề bị bụi trần làm mê, vững bước trên con đường giải thoát. Đức Phật đại từ đối với sự hóa độ hàng đệ tử này, một mặt quan sát tìm thời gian cho họ tu học, một mặt không quên dẫn dắt họ hướng đến giải thoát. Đây là thiện xảo phương tiện của Ngài. Đức Phật luôn vì chúng ta nghĩ bày, chúng ta nên tuân theo sự chỉ dạy của Ngài thực hành từng bước chắc, để khỏi cô phụ ân đức hóa độ của Ngài.
Tại sao thọ Bát Quan Trai Giới vào các ngày lục trai? Căn cứ theo Kinh, Luật, có hai lý do khác nhau, phân biệt như sau:
a. Thứ nhất, theo ngài Long Thọ trong Trí Độ Luận: sở dĩ đức Phật chọn lục trai nhật tu Bát Quan Trai Giới vì theo truyền thuyết của các tôn giáo cổ bên Ấn, trong sáu ngày này thế gian thường có loài quỷ dữ theo sau con người, rình đoạt lấy sanh mạng. Nếu không đoạt mạng thì cũng gây cho họ chuyện nghịch ý. Vì vậy, vào thời kỳ dân trí chưa mở mang, người ta cho rằng sáu ngày là những ngày cực xấu, và ai cũng sợ hãi khi tới những ngày này. Do vậy, theo truyền thuyết có một vị thánh nhân đại trí huệ, vì muốn trừ diệt sự khủng bố này, nên dạy mọi người phải làm phúc, tu thiện vào sáu ngày đó. Nhưng sự trì trai tu phúc đó không giống sự thọ trì Bát Quan Trai Giới của Phật giáo, chỉ dạy cả ngày đừng ăn gì cả, vì cho rằng như vậy quỷ dữ không theo được. Theo Phật giáo thì quỷ phần nhiều là ngạ quỷ, các tôn giáo xưa của Ấn Độ cũng đều nhận như vậy. Bởi vì là ngạ quỷ (quỷ đói) nên khi thấy người ăn uống, phải chịu đựng cơn đói rất là khổ sở. Nếu may gặp loại quỷ có chút thiện lương, có khổ sở và đói cũng nhẫn nại chịu đựng. Còn chẳng may gặp quỷ dữ ắt sanh khởi ác tâm, cho rằng tại sao loài người được no đủ mà mình chịu đói khát nên nghĩ cách làm khổ con người. Rồi thì loài người vì tránh họa quỷ nên trong ngày đó không dám ăn. Đó là truyền thuyết của Ấn Giáo.
Các tôn giáo cổ ở Ấn đã bày ra lục trai nhật, và truyền đến đời Phật vẫn được thịnh hành. Bấy giờ, đức Phật thấy trì trai tu phúc là một việc tốt, nhưng Ngài sửa đổi lại thành Bát Quan Trai Giới, dạy mọi người: trì trai tu thiện làm phúc rất đúng, nhưng đâu phải chỉ trọn ngày không ăn là đủ, còn phải trì giới mới thực sự trừ tai tránh nạn được. Như Trí Độ Luận nói: “Phải như chư Phật giữ tám giới trong một ngày một đêm, không ăn quá ngọ, công đức này đem mình đến Niết Bàn”. Đức Phật coi nặng chuyện không ăn quá ngọ vì Ngài cho rằng tảo và ngọ phạn, hai bữa này không ảnh hưởng đến sự đói khổ của ngạ quỷ, còn buổi chiều là giờ ăn của ngạ quỷ, nên hễ thấy ai ăn thì ngạ quỷ phải chịu sự đói khổ dày vò. Vì lẽ ấy, đức Phật thay vì cấm ăn như Ấn Giáo, thì cấm ăn quá ngọ và thêm các giới khác. Như vậy, không những tu thiện, tăng phúc, tiêu tai miễn nạn, mà còn nhờ công đức này đến được Niết Bàn. Do đây biết rằng nghi thức tôn giáo trì trai vào lục trai nhật không phải là của Phật giáo bày ra, mà có sẵn ở Ấn, đức Phật chỉ sửa đổi thành Bát Quan Trai Giới, để không phải chỉ trừ tai nạn, mà còn để gây trồng nhân xuất gia giải thoát. Đó là thiện xảo phương tiện của Phật.
Phật pháp sửa đổi nhiều lại nhiều nghi thức của Ấn giáo cổ xưa, như kinh Tạp A Hàm quyển 93 từng đề cập đến việc bà la môn dùng ba thứ lửa để tế tự. Đức Phật xem hành động đốt lửa tế trời của bà la môn hoàn toàn là mê tín. Nhưng khi đi hóa độ bà la môn, Ngài khéo dùng thiện xảo phương tiện, không trực tiếp chỉ cái sai lầm của họ, mà vẫn khen họ dùng tam hỏa tế trời rất hay, “nhưng có điều trong giáo pháp của ta, cũng có ba thứ lửa. Nếu được giống như thứ lửa của ta thì còn đạt được công đức vô kể”. Bà la môn nghe lấy làm kỳ quái, không biết Ngài thờ lửa gì, nên cầu hỏi Phật. Ngài bèn khai thị: “Ba thứ lửa của ta là: Cúng dường cha mẹ gọi là lửa căn bản (gốc). Cúng dường vợ con, quyến thuộc gọi là lửa nhà. Cúng dường sa môn, bà la môn gọi là lửa phúc điền”.
Mục đích thờ lửa của bà la môn không ngoài mong muốn được chư thiên ban phúc, nhưng đâu biết chỉ như vậy thôi thì thực không sao đạt được phúc. Đức Phật nhận rằng cầu Thiên ban phúc chẳng bằng cầu phúc ngay ở thế gian hiển thật này. Đó là con đường cầu phúc hợp lý nhất, vì lẽ nơi gia đình không lỗi nhờ hiếu thuận cúng dường cha mẹ, làm cho tình vợ chồng thêm hòa thuận; về mặt tôn giáo thì cúng dường sa môn, bà la môn được công đức vô cùng. Bà la môn nghe đức Phật nói, thấy được cách thờ lửa của Ngài rất hợp lý, nên vứt bỏ hết khí cụ thờ lửa, theo Ngài học đạo. Nên biết lửa đại biểu cho sự ấm áp. Quan hệ giữa người với người quan trọng nhất vẫn là đạt được sự ôn noãn. Gia đình và tôn giáo cũng vậy, phải được sự ôn noãn, nên gọi là tam hỏa (ba thứ lửa).
Ngoài ra còn có tín đồ thần giáo lễ bái sáu phương. Đức Phật cũng dạy lễ bái sáu phương, nhưng đó là nghĩa vụ giữa cha con, thầy trò, vợ chồng, bạn bè, quyến thuộc, chư Tổ, sư trưởng và tín đồ (Trung A Hàm: Thiện Sinh Kinh). Qua các sự việc trên, chúng ta đều nhận thấy: để cảm hóa tín đồ các tôn giáo khác, không nên đả kích, chê bai họ là sai trái, mà nên khéo léo dùng lý chỉ cái hay cho họ, người có chút lý trí ắt sẽ tiếp nhận mọi điều hợp lý, trừ ra những kẻ cực kỳ cố chấp. Đức Phật đã dùng lề lối này sửa đổi lại nhiều nghi thức của các tôn giáo cổ thành cách thức hợp tình, hợp lý của Phật giáo có nhiều hiệu quả hơn nữa. Vì vậy, trong Phật pháp có nhiều nghi thức căn bản không phải của Phật giáo lập ra.
Thứ hai, theo kinh Tứ Thiên Vương: Sở dĩ đức Phật cho thọ Bát Quan Trai Giới vào lục trai nhật, vào các ngày này, chư Thiên thường đến nhân gian để xem xét thiện ác. Vì vậy, đức Phật dạy đồ chúng: Mỗi ngày trai, các người phải chú ý tâm mình, xem hướng thiện hay hướng ác? Nếu là hướng thiện thì phải gìn giữ luôn luôn. Nếu là hướng ác thì phải lập tức dừng ngay lại. Chẳng những quan sát tâm như vậy mà ngay đến thân và khẩu cũng phải cẩn thận, không thể lơ đãng. Đức Phật dựa vào truyền thuyết của Ấn giáo: Đế Thích Thiên của Dục Giới đầy đủ phúc đức, bên dưới có Tứ Thiên Vương. Vào các ngày trai, Đế Thích sai sứ giả đi tuần tra nhân gian, xem thiên hạ làm thiện nhiều hay ác nhiều. Nếu ác nhiều thì trừng phạt, gây cho nhân loại nhiều điều nghịch ý. Nếu thiện nhiều thì ủng hộ bằng cách cho nhân loại nhiều việc tốt lành. Đó là trách nhiệm của Tứ Thiên Vương. Theo trong kinh: Ngày 8 mỗi tháng, Tứ Thiên Vương phái sứ giả đi tuần tra nhân gian, xem hoạt động của nhân loại, bất luận thiện hay ác đều phải báo cáo, như ông Táo của Trung Quốc có bức liễn đề: “Trên trời tâu chuyện tốt, dưới đất được bình an”. Ngày 14 của mỗi tháng, sai Thái Tử của Tứ Thiên Vương đi tuần tra. Ngày 15, Tứ Thiên Vương đích thân đi. Ngày 23 lại sai sứ giả tuần xét. Ngày 29 đến Thái Tử tuần tra. Ngày 30 Tứ Thiên Vương đi xem xét. Luận Tỳ Bà Sa quyển 41 nói: “Vào các ngày trăng sáng, tối, thường ngày 8 hoặc 14, hoặc 15, chư thiên 33 từng trời tập họp ở Thiện Pháp Đường, luận kể thế gian bao nhiêu thiện ác, thấy người làm thiện thì ủng hộ, thấy người làm ác thì hủy đi”. Đế Thích cân nhắc việc thiện ác ở thế gian, hoàn toàn theo lời báo cáo của Tứ Thiên Vương. Trong kinh nói: Chư thiên đi tuần nhân gian, nếu thấy nhân loại trì giới như pháp, cần hành bố thí, hiếu thuận cha mẹ, liền báo với Thiên Đế Thích. Đế Thích hoan hỷ ban phúc cho nhân loại, khiến thế gian mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Nếu ngược lại, nhân loại hẳn không thể sống bình yên. Đế Thích có kệ: "Tháng sáu ngày thần du, thọ trì thanh tịnh giới, người này mạng chung rồi, công đức chẳng khác tôi”. Đức Phật nghe Đế Thích nói kệ rồi, liền bảo các tỳ kheo: “Đế Thích nói kệ tuy không phải cứu cánh, nhưng không phải là sai, các ông nên tin vậy”.
Như vậy, chúng ta biết rằng: Bất cứ nơi đâu, chỉ cần có người thọ trì Bát Quan Trai Giới thì ác quỷ nào cũng phải lánh xa, nơi đó được tốt lành, nên nơi sáu ngày đó thọ trì Bát Quan Trai Giới được công đức nhiều hơn các ngày khác. Có điều ở đây xin mọi người lưu ý để tránh hiểu lầm, đừng cho rằng trong sáu ngày có chư Thiên lai vãng nên quy quy củ củ, không dám làm bậy, qua trai nhật rồi đâu lại vào đó. Nên biết rằng làm người ở thế gian này, bất cứ lúc nào, ba nghiệp thân, khẩu, ý đều phải như pháp thanh tịnh, hành vi phải hợp đạo lý.
Theo Thành Thật Luận: “Tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín gọi là ba tháng lành, là tháng Tỳ Sa Môn thiên vương phân trấn Nam Châu”, tại gia nhị chúng nên thọ trai phúc, tại sao trong kinh chưa nói đến? Thọ trai vào ba tháng lành đối với Phật đương nhiên là chuyện tốt vô cùng, nhưng đối với tục nhân thực khó mà thi hành nên phải tùy thuận sức và khả năng họ, không bó buộc cứng ngắc ép họ phải thực hành. Còn lục trai nhật vì thời gian ngắn, thực hành tương đối dễ, không đến nỗi cảm thấy bất tiện, nên đức Phật chọn thọ Bát Quan Trai Giới vào lục trai nhật.