- Lời Đầu Sách
- Tìm Hiểu Trung Luận
- 01 Phá Nhân Duyên – Phẩm 1
- 02 Phá Đi Và Đến – Phẩm 2
- 03 Phá Lục Tình – Phẩm 3
- 04 Phá Ngũ Ấm – Phẩm 4
- 05 Phá Lục Chủng – Phẩm 5
- 06 Phá Nhiễm - Người Nhiễm – Phẩm 6
- 07 Phá Tam Tướng – Phẩm 7
- 08 Phá Tác - Tác Giả – Phẩm 8
- 09 Phá Bổn Tế – Phẩm 11
- 10 Phá Hành – Phẩm 13
- 11 Phá Buộc Mở – Phẩm 16
- 12 Quán Pháp – Phẩm 18
- 13 Phá Thời Gian – Phẩm 19
TRUNG
QUÁN LUẬN 13 PHẨM
Bồ Tát Long Thọ - Cưu Ma La Thập Hán dịch
Chân Hiền Tâm Việt dịch & Giải thích
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh 2007
TÌM HIỂU TRUNG LUẬN
Từ xưa đến nay, vấn đề lớn và nan giải nhất vẫn là “Chân lý là gì?”. Với các triết gia Tây phương, câu hỏi đó trở thành “Bản thể hoặc hữu thể là gì?”. Với người học Phật, đó là thực tánh của vạn pháp. Vì cứu cánh của người tu Phật là niết bàn, mà đạt niết bàn là thâm nhập vào thực tánh của vạn pháp.
Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng!
Chắc hẳn có nhiều người không đồng ý với nhận định trên. Chúng ta dễ dàng cho rằng : Thời nay với nhịp sống cực kỳ sôi động, con người đã quá bận rộn với cái ăn cái mặc và còn bao thú vui khác, ai hơi đâu tìm hiểu đến vấn đề khó hiểu ấy làm gì? Vả lại, nếu hiểu được thì ích lợi gì cho cuộc sống?
Sở dĩ có ý kiến như trên vì phần đông chúng ta vẫn cho rằng, chân lý là một đề tài thiếu thực tế. Song có phải là thiếu thực tế không, khi mà ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc, xa lìa các khổ nạn? Hạnh phúc chỉ có khi ta giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề của cuộc sống. Khổ nạn chỉ lìa nếu ta không vướng phải các sai lầm. Muốn tránh các sai lầm, ta phải có một tri thức đúng về bản chất của các vấn đề mà ta đang đối mặt. Nếu thấu triệt được bản chất hay thực tánh của tất cả pháp, tức không còn mê lầm, thì ta thoát khỏi mọi khổ đau. Rõ ràng chân lý là một vấn đề hoàn toàn có tính thực tế. Sự am hiểu chân lý sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho cuộc sống con người, nhất là về mặt tinh thần.
Thông thường khi đề cập đến vấn đề tối hậu này, từ kinh nghiệm chủ quan, các triết gia đưa ra quan niệm triết lý của mình, rồi lấy quan niệm đó làm nền tảng, họ khai triển nó thành một học thuyết, nhằm lý giải cho các hiện tượng và sự vật trong cuộc sống. Vì chưa phải là chân lý tối hậu, nên các triết thuyết ấy chỉ tương thích phần nào với thực tế. Phần còn lại, khi ứng vào cuộc sống, bắt đầu có những khoảng hở khó giải thích. Với Trung Luận, thay vì chỉ đưa ra một quan điểm chủ quan và chấp nhận nó một cách hiển nhiên, Bồ-tát Long Thọ đã dùng luận lý kết hợp với thực tế, khảo sát tất cả pháp để chỉ ra bản chất chung cùng của chúng. Cái tánh ấy hiện diện bình đẳng ở tất cả pháp. Pháp nào cũng sở hữu nó và ở bất kỳ giai đoạn nào của pháp cũng có sự hiện diện đầy đủ của nó. Cái tánh ấy không thay đổi theo thời gian, không thay đổi từ pháp này sang pháp khác, nên được gọi là THỰC TÁNH của vạn pháp.
Từ cái thực tánh chung cùng ấy, Trung Luận hiển rõ cái LÝ chi phối sự xuất hiện và vận hành của tất cả pháp. Đây cũng là cái lý âm thầm điều hành thế giới hiện tượng, là thế giới mà chúng ta đang sống và kinh nghiệm trong từng phút từng giây. Do không xây dựng từ một quan điểm chủ quan, lại được kiểm chứng trên từng sự vật sự việc có trong thực tế, từ mặt vật chất đến tinh thần, từ pháp thế gian đến xuất thế gian, từ pháp hữu vi đến pháp vô vi, từ sự đến lý, từ cái riêng đến cái chung … nên cái lý ấy hoàn toàn tương thích với tất cả mọi sự vật và hiện tượng vào mọi lúc, mọi nơi … Vì thế nó được mệnh danh là THỰC LÝ.
Nói một cách ngắn gọn, mục tiêu của Trung Luận là nhằm hiển bày thực tánh và thực lý của vạn pháp. Với mục đích đó, tinh thần của bộ luận cũng tập trung quanh vấn đề đó mà thôi.
Vì sao Trung Luận khó hiểu, khó thâm nhập?
Đối với đại đa số, Trung Luận là một bộ luận khó thâm nhập dù nó đã được một số học giả giải ra rõ ràng. Vấn đề khó khăn này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
1. Khó khăn về mặt tâm lý : Trung Luận dẫn đến những kết luận trái với những gì vẫn được ta chấp nhận, nên nó chạm đến những kiến chấp - là phần ngã kiến - nằm sâu trong vô thức của mỗi người. Vì vậy, thoạt tiên nó tạo ra một tâm lý khó chịu cho người đọc. Phải vượt qua rào cản tâm lý này mới theo dõi được Trung Luận.
2. Khó khăn về mặt tri thức : Người đọc không nắm được tinh thần mà bộ luận muốn nói. Cái khó là tinh thần này lại vượt ngoài những thứ mà ta vẫn đang chấp nhận. Nếu chấp nhận được thì lại vướng vào các từ như vô sanh, tự tánh, duyên khởi … hoặc là kết cấu của bộ luận, hoặc là những chỗ mà người đời đang chấp. Không nắm được chỗ chấp nên không hiểu được chỗ phá của Luận chủ v.v...
3. Khó khăn về mặt luận lý : Chúng ta quen tư duy theo cách luận lý của ngành khoa học hiện đại. Luận lý khoa học chỉ giải quyết vấn đề trên một khía cạnh nhất định rồi lấy kết quả này làm kết quả cho toàn vấn đề. Trong khi luận lý của Trung Luận tinh tế, lại dàn trải rộng để khảo sát vấn đề ở mọi khía cạnh. Vì thế, đọc Trung Luận, người đọc có cảm tưởng đi lòng vòng trong luận lý. Nên dù không bị ngã kiến tri thức chi phối, phần này cũng là nguyên nhân tạo thêm sự khó khăn về mặt tâm lý cho người đọc. “Khó khăn cho lắm cũng chỉ là nói đến tánh không mà thôi”. Trung Luận càng trở nên khó đọc và khó hiểu.
Nếu chúng ta giải quyết được những khó khăn này thì việc đọc và hiểu Trung Luận không còn vấn đề gì.
Về mặt tâm lý, ta cần hiểu đối tượng ở đây là chân lý. Cái gì chân thực thì độc lập với tình cảm yêu ghét của chúng ta. Vì vậy thái độ khách quan là cần thiết khi đọc Trung Luận. Ngoài ra nếu ta không có sự thích thú và đam mê đối với bộ luận, ta cũng không thể vượt qua những khó khăn khác. Ở đây ta có thể nói đến từ DUYÊN. Nếu đã có duyên với Trung Luận, thì dù là người không có được tri thức rộng về Phật pháp, Trung Luận vẫn là một tác phẩm dễ hiểu, và rất lý thú khi theo dõi tiến trình lập luận của Luận chủ. Chính cái DUYÊN này tạo cho ta sự tập trung cao độ để ta có thể theo dõi tiến trình luận lý không mấy khó khăn.
Về mặt tri thức, không cần có một tri thức rộng mới có thể đọc hiểu Trung Luận. Cái chính là ta phải nắm được tinh thần mà bộ luận muốn nói đến. Từ tinh thần này, ta chấp nhận thêm ý nghĩa của một số khái niệm, là ta có thể thấy được cách phá của Luận chủ.
Tinh thần chính mà Trung Luận muốn nói là gì?
Trung Luận chứng minh rằng, thực tánh ở bên ngoài ngôn ngữ nên thực lý là cái không lời, chỉ có thể đạt đến bằng sự tự ngộ (ngộ tánh). Nói cách khác, người sống được với tánh, họ chứng thực được cảnh giới chân như của pháp. Với một người ngộ tánh mà chưa sống được hoàn toàn với tánh thì cảnh giới chân như được nhận thức thành cảnh giới DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH. Nếu cho các sự vật trong cảnh giới duyên khởi này là CÓ - đây là trường hợp của chúng ta - thì cảnh giới duyên khởi được nhận thức thành thế giới với các sự vật, là thế giới mà ta đang sống đây. Việc hiểu được TÁNH KHÔNG - DUYÊN KHỞI sẽ cho ta một cái nhìn hoàn toàn phù hợp với hiện thực của cuộc sống.
Trung Luận chỉ cho ta thấy, thế giới các sự vật mà ta đang sống đây chính là cảnh giới DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH. DUYÊN KHỞI là các pháp nương nhau, cái này lấy cái kia làm duyên để sanh khởi. KHÔNG TÁNH là pháp không có một tự tánh xác định. Vì thế cảnh giới này không ở trong phạm trù CÓ - KHÔNG. Ý niệm CÓ - KHÔNG chỉ là sản phẩm của tâm thức chứ không phải là những thuộc tính hiển nhiên của pháp như ta vẫn lầm tưởng. CÓ - KHÔNG chỉ là những quan điểm của ta về cuộc đời, chúng không phải là thực tánh của vạn pháp. Nói cách khác, CÓ -KHÔNG chỉ là cái thấy bị chi phối bởi nghiệp thức của mỗi người. Nếu không để ý niệm CÓ - KHÔNG chi phối, ta sẽ nhận ra rằng, thế giới mà ta đang sống đây là cảnh giới DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH. Đây mới là nhận thức phù hợp với thực tánh của vạn pháp.
Vì vậy, ta thấy trong tất cả các phẩm, Luận chủ phá cái chấp CÓ này bằng cách dùng lý luận đối chiếu với thực tế, chỉ ra chỗ mâu thuẫn giữa nhận thức và thực tế nếu ta cho pháp là CÓ. Vì pháp không thuộc phạm trù CÓ hay KHÔNG nên kết luận nhận được từ Trung Luận luôn ở tình trạng không thể khẳng định. Nghĩa là, đưa đến CÓ không được, đưa đến KHÔNG cũng không được. Đối với các cặp nhị biên khác cũng vậy. Ta sẽ bắt gặp tinh thần này trong toàn bộ luận.
Nắm được chỗ này, ta sẽ không còn ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy mọi lập luận chứng minh đều đưa đến kết quả không thể khẳng định.
Các khái niệm thường gặp trong Trung Luận
TỰ TÁNH là từ căn bản được dùng rất nhiều trong toàn bộ luận. Vì một pháp muốn gọi là CÓ thì pháp ấy phải có tự tánh của riêng nó. Tính chất của tự tánh là tự có, độc lập và thường trụ. Dựa vào các tính chất này, ta rút được kết luận sau : Một pháp gọi là CÓ thì phải có tự tánh. Có tự tánh thì pháp ấy có thể tồn tại một mình.
NHÂN DUYÊN là từ có ý nghĩa đối lại với từ ‘tự tánh’. Vì pháp do duyên sanh thì phải lệ thuộc vào duyên, tức không độc lập, tự có và thường trụ. Vì vậy, Luận chủ chỉ cần dùng 3 tính chất của tự tánh đối chiếu với thực tế, chỉ ra chỗ mâu thuẫn khi cho pháp là CÓ. Ta sẽ gặp phương cách lập luận này trong hầu hết các phẩm, rất rõ ràng ở phẩm Phá Hành và Phá Bổn Tế.
Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng ngang đây, vì thực tánh của các pháp - trong đó có nhân duyên - lại chẳng thuộc phạm trù CÓ - KHÔNG. Nếu chấp nhận các pháp không tự tánh, do nhân duyên sanh, mà cho CÓ một Lý Nhân Duyên tồn tại chi phối sự vận hành của tất cả pháp thì cái lý vượt ngoài CÓ - KHÔNG ấy không còn là thực lý nữa, vì đã có một pháp Nhân Duyên không bị chi phối bởi thực lý này.
Chính vì thế phẩm đầu tiên của Trung Luận là Phá Nhân Duyên. Ở các phân đoạn (6) (7) và (8) [01] Luận chủ đã lập luận rất lý thú để ta thấy pháp do nhân duyên sanh đều là pháp DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH. Duyên khởi - không tánh nghĩa là ‘hiện cùng hiện, không cùng không’. Vì thế, khi nói A và B là một cặp DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH - tức nói đến thực tướng của chúng - ta phải hiểu A và B xuất hiện đồng thời và có quan hệ nhân duyên không thể lìa nhau. Cái này là nhân của của cái kia mà cái kia cũng chính là nhân của cái này. [02] Phá Nhân Duyên, chính là để hiển mặt duyên khởi của Nhân Duyên.
Trong luận Đại Thừa Khởi Tín, Tổ Mã Minh nói “Nếu được vô niệm thì biết 4 tướng sanh - trụ - dị - diệt là tướng của tâm … vì 4 tướng đồng thời có, đều không tự dựng lập”. Nghĩa là, khi ta thể nhập được với tánh không của vạn pháp, ta sẽ thấy 4 tướng sanh - trụ - dị - diệt của tâm không có trước sau. Vì thế Nhân Quả cũng không có trước sau.
Duyên Khởi, Nhân Duyên hay Nhân Quả, trên mặt TÁNH, chúng không khác. Trên mặt DỤNG, tùy theo cách dùng mà chúng có tên khác nhau. Như 4 tướng sanh - trụ - dị - diệt trên, 4 tướng nương nhau mà khởi tức chúng là nhân duyên của nhau. Có SANH mới có TRỤ, có SANH mới có DIỆT. Có DIỆT mới có SANH v.v… SANH là nhân, TRỤ và DIỆT là quả. TRỤ và DIỆT cũng là nhân, SANH là quả. Do nương nhau mà khởi nên gọi là Duyên Khởi. Hình thành theo quan hệ nhân duyên nên gọi là Nhân Duyên. Cái này là hệ quả của cái kia nên gọi là Nhân Quả. Một khi ta thấy được sự vận hành của Nhân Duyên đối với pháp, thì cũng có nghĩa Nhân Quả và Duyên Khởi đang vận hành.
Tóm lại, từ trước đến giờ, ta vẫn được dạy “Pháp do nhân duyên sanh nên không thực có”. Ngay phẩm Phá Tứ Đế của luận này, Bồ-tát Long Thọ cũng nói “Pháp do nhân duyên sanh, ta nói tức là không”. Cái KHÔNG này không thuộc phạm trù CÓ - KHÔNG của tri thức. Ở phẩm Phá Nhân Duyên, ta sẽ được thấy nguyên nhân nào mà các bậc cổ đức nói vậy ở một khía cạnh khác : Khía cạnh luận lý. Rất bất ngờ và lý thú! Đây chính là sự độc đáo của Trung Luận. Chỉ bằng ngôn từ và lý luận đơn giản của thế gian, Bồ-tát Long Thọ đã hiển bày được thực lý không lời mà với tri thức đời thường không thể nào thấu được. Dù chỉ là NGÔN TỪ chưa phải chỗ THỰC CHỨNG, nó cũng là phương tiện giúp ta tạm hiểu về lý thực ở cuộc đời này. Cũng là niềm vui giúp ta bớt đi sự chấp thủ đối với thế gian.
VÔ SANH là từ quan trọng nhất của bộ luận. Vô sanh chính là niết bàn của người tu và cũng là thực tướng của vạn pháp. Khi ta thâm nhập được thực tướng của vạn pháp là ta đang ở trong niết bàn. Mọi cái phá của Luận chủ đều nhằm hiển bày phần vô sanh này.
VÔ SANH là không sanh khởi. Cái gì không sanh khởi? Vạn pháp vốn không hề sanh khởi trong đó có tâm chúng ta. Vạn pháp duy tâm nên “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Trong kinh Lăng Già, Phật nói “Chẳng tự sanh, chẳng phải chẳng sanh, trừ người trụ tam muội ấy gọi là vô sanh”. Ngài Hàm Thị bàn rằng “Chẳng tự sanh, vì tự thể vốn không có tánh sanh. Chẳng phải chẳng sanh, vì nhân duyên hội ngộ in tuồng sanh tương tục, mê tình chưa hết không thể nói không, thể của vọng vốn rỗng thì sanh cũng chẳng phải có. Đây là tên vô sanh, chẳng phải trụ tam muội mà nói là vô sanh”.
Chẳng tự sanh nên không phải CÓ. Chẳng phải chẳng sanh nên không phải KHÔNG. Vì thế nói, thực tánh các pháp hay niết bàn của người tu là “Chẳng có cũng chẳng không, chẳng sanh cũng chẳng diệt …”. Tức vượt ngoài mọi đối đãi phân biệt. Chúng sanh chúng ta chỉ có SANH thành muôn sự đều có. Từ đó mà tam giới, lục đạo rõ ràng, khổ đau trói buộc. Nhị thừa thì chỉ có KHÔNG SANH nên muôn sự đều không, thành đánh mất cái dụng vô cùng vi diệu của bản tâm. Cho nên, CÓ hay KHÔNG chưa phải là cái lý thấu suốt của tất cả pháp. Thực tướng của chúng là sanh mà không sanh. SANH vì thấy có sanh khởi trước mắt. KHÔNG SANH vì không có tự tánh, chỉ là duyên hợp.
Đến đây, ta có thể nhận ra mục tiêu, phương thức chứng minh và tinh thần của Trung Luận thông qua 3 khái niệm tự tánh, nhân duyên và vô sanh.
Một khi thấy được tính nhất quán của toàn phẩm hay toàn bộ luận nhờ nắm được tinh thần chủ yếu của nó, ta sẽ không còn thấy luận lý của Trung Luận là rườm rà hay lòng vòng nữa. Mọi luận lý chỉ nhằm phá hết mọi chấp thủ của người đời. Không chấp thủ thì sanh mà vô sanh. Vì vậy, Trung Luận phá hết mọi thứ nhưng chính là phá đi những CHẤP THỦ của người đời đối với những thứ ấy, không phải là phá các thứ ấy. Không chấp thủ thì ngay địa ngục vẫn là niết bàn, không có khổ đau. Kinh Pháp Hoa nói “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” là vậy.
Phá Nhân Duyên là phẩm quan trọng nhất của toàn bộ luận. Nó là nền tảng dùng để lập luận phá các chấp thủ ở các phẩm sau. Hiểu được phẩm này là hiểu được tất cả.
T.p HCM 06.10.2001
Chánh Tấn Tuệ - Chân Hiền Tâm