Bản dịch này tôi viết xong đã nhiều năm nay, từng đưa cho nhiều vị tôn túc xem qua, đều nói là rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, bản thân tôi mỗi lần đọc lại vẫn thấy một khoảng cách nhất định giữa bản dịch và nguyên tác. Cho dù đã cố gắng hết sức mình, tôi vẫn không sao hài lòng được với việc đã làm.
Tuy nhiên, điều làm tôi cảm thấy phần nào được an ủi là, đây không phải trường hợp duy nhất đối với các bản văn hay bằng chữ Hán. Còn nhớ cách đây gần hai mươi năm, bài thơ Hoa cúc của thiền sư Huyền Quang cũng đã từng làm tôi suy nghĩ mãi, vì không sao dịch hết được ý thơ trong nguyên tác. Chỉ riêng một câu “Phần hương độc tọa tự vong ưu” đã là một thách thức gần như không thể vượt qua! Thế rồi, nhiều năm sau, được đọc các bản dịch của những bậc tiền bối lão thành, uyên bác ... tôi mới vỡ lẽ ra là, ngay cả các vị cũng không xóa bỏ được khoảng cách giữa bản dịch và nguyên tác. Và tôi còn nhận ra một điều: nguyên tác càng hay thì khoảng cách này dường như càng lớn!
Tính hàm súc của văn chương chữ Hán gần như không thể phủ nhận được, nhất là với những bản văn hay. Việc chuyển dịch rõ ràng là có những giới hạn nhất định rất khó lòng vượt qua. Vì thế, để thật sự có thể cảm nhận được cái hay của nguyên tác, quả thật không gì bằng đọc hiểu được trực tiếp từ chữ Hán. Theo lời cha tôi kể lại, những người xuất gia ngày trước buộc phải đọc hiểu được và học thuộc lòng bản văn này bằng chữ Hán. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho ít người nghĩ đến việc dịch sang tiếng Việt.
Ngày nay có khác. Lớp trẻ bây giờ không mấy người đọc được chữ Hán. Vì thế, việc chuyển dịch sang tiếng Việt có lẽ là cách tốt nhất để giới thiệu bản văn hay này đến với nhiều người. Cho dù có những hạn chế nhất định như đã nói, nhưng tâm huyết của người xưa cũng có thể nhờ đó mà không đến nỗi phải mai một.
Tuy nhiên, để bù đắp phần nào cho những thiếu sót khi chuyển dịch, việc diễn giải thêm một vài ý chính có lẽ cũng là một việc nên làm.
Send comment