Cuộc sống đã mong manh ngắn ngủi, sự nghiệp một đời biết dựa vào đâu để gọi là đại sự? Bởi vậy, người có đủ trí tuệ và ý chí không thể không chọn con đường xuất thế. Nếu không được vậy, thật là “bỏ phí cuộc đời trôi qua vô ích” vậy.
Nhưng đại nghiệp xuất thế không phải một sớm một chiều đã có thể làm nên. Huống chi có được xác thân này vốn là nhờ ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha như trời biển, lại thêm sự dạy dỗ, nâng đỡ của thầy cô, bạn hữu... cho đến sự bảo bọc, cậy nhờ nơi xóm giềng, xã hội... Đã vậy, nếu không biết nghĩ đến phần trách nhiệm của mình đối với tất cả, thì dẫu chuyện nhỏ cũng chưa thể gọi là thành tựu, huống hồ là đại sự!
Nhưng đây vốn là tâm niệm rất dễ mắc phải của người xuất gia! Một khi lập chí xuất trần, thường xem nhẹ hết thảy những gì thuộc về thế tục. Vấn đề thật ra không đúng là như vậy. Dù quả thật đã không còn có thể “dâng cho cha mẹ miếng ăn ngon ngọt”, cũng “không lo việc nước”, “chẳng kế tục nghiệp nhà”... nhưng những điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng người xuất gia là rủ bỏ mọi bổn phận, trách nhiệm làm người. Sự khác biệt ở đây là cần phải dốc chí “làm nên đại sự” như một phương tiện để báo đáp công ơn của những ai đã từng thương yêu, bảo bọc cho mình. Bởi vậy, người xuất gia phải canh cánh bên lòng trách nhiệm nặng nề là phải vượt lên trên mọi chuyện tầm thường thế tục mà một lòng cầu đạo giải thoát.
Send comment