- Phẩm 1 Tựa
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8, 9 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký, Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỷ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Khinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Đà La Ni
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Phổ Môn
- Phẩm 26 Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- Phẩm 27 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Phẩm 28 Chúc Lụy
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh 2011
Phẩm 13
TRÌ
I. LƯỢC VĂN KINH
Bồ tát Dược Vương và Đại Nhạo Thuyết cùng 20.000 Bồ tát quyến thuộc ở trước Phật phát lời thệ nguyện sau khi Phật diệt độ, các Ngài sẽ thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh Pháp Hoa không tiếc thân mạng.
500 A la hán và 8.000 vị đang tu học và đã hoàn tất việc tu học, đã được thọ ký, cũng phát nguyện truyền bá kinh này ở nước khác.
Tỳ kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng 6.000 Tỳ kheo Ni đứng dậy, chiêm ngưỡng Phật. Ngài biết tâm niệm các vị này, liền thọ ký cho Kiều Đàm Di sau khi đầy đủ đạo Bồ tát sẽ thành Phật, hiệu Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Như Lai và 6.000 Tỳ kheo Ni cũng tuần tự được thọ ký. Tiếp theo, đức Phật thọ ký cho Gia Du Đà La thành Phật hiệu Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai. Sau khi được thọ ký, các Tỳ kheo Ni cũng phát nguyện nói kinh Pháp Hoa ở nước khác.
Và sau cùng, 80 muôn ức na do tha Bồ tát bất thối chuyển thấy Phật yên lặng, cũng phát nguyện sau khi Như Lai diệt độ, các Ngài sẽ đi mười phương thế giới khiến cho chúng sanh thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa, đúng như pháp tu hành. Và các Ngài xin đức Thế Tôn ở phương xa phóng quang gia hộ.
II. GIẢI THÍCH
Phẩm 13 mang tên là phẩm Trì nói đủ là khuyến trì, nghĩa là khuyến khích giữ gìn mạng mạch của đạo pháp sau khi Như Lai nhập diệt. Tinh thần Pháp Hoa trong phẩm Hiện Bảo tháp và phẩm Đề Bà Đạt Đa thể hiện yếu nghĩa là tinh thần bình đẳng tuyệt đối, một tư tưởng mà Như Lai tại thế còn không được chấp nhập, huống chi sau khi Như Lai diệt độ.
Phật thành Vô thượng chánh đẳng giác ở Bồ đề đạo tràng, muốn truyền đạt chân lý này. Nhưng vì khả năng của chúng sanh quá thấp kém, Ngài phải từng bước dẫn dắt. Trải qua 40 năm, Ngài nói kinh Tiểu thừa, Quyền thừa và bước vào Đại thừa. Sau cùng, Ngài mới nói Viên thừa bình đẳng tuyệt đối.
Mở đầu pháp Tiểu thừa, Phật tự hạ thấp mình cho bằng với đối tượng mà Ngài giảng nói. Đại chúng hiểu và suy nghĩ thế nào thì Phật nói theo hiểu biết và suy nghĩ của họ. Phật thấy cả thế giới bao la chính xác như thấy trái cam ở trên bàn tay, nhưng Ngài chỉ dạy những điều đơn giản, bình dị để họ nghe và chấp nhập được. Lần hồi chúng hội trưởng thành.
Đến giai đoạn Quyền thừa thông giáo, Phật nói pháp cho Bồ tát, không nói với Thanh văn. Ngài lần lượt giới thiệu Bồ tát mười phương như Quan Âm ở Tây phương Cực Lạc có thật nhiều quyền năng, trong một niệm hiện được vô số thân hình. Hoặc Bồ tát Đại Thế Chí phóng ánh sáng từ đỉnh đầu đến cứu người, hoặc chỉ nhìn thấy Bồ tát Dược Vương, chúng sanh liền hết bệnh.
Phật đã phân ngôi thứ Bồ tát, Thanh văn và phàm phu, Ngài chỉ rõ những thần thông bất tư nghì của Bồ tát. Mọi người đều chấp nhận được sự phân biệt này. Đến thời Bát Nhã, Phật quy về pháp KHÔNG. Dưới mắt huệ, tất cả đều do nhân duyên giả hợp mà có, từ điên đảo vọng tưởng mà sanh. Bồ tát Quan Âm sử dụng được pháp này một cách trọn vẹn. Ngài biến thân khắp pháp giới, cần thì hiện, không cần thì mất.
Qua pháp KHÔNG của Bát Nhã là chơn không để chúng ta không còn cố chấp, Phật mới nói Pháp Hoa là diệu hữu, có mà không, không mà thực có. Ngài nâng khả năng của con người đến mức hoàn toàn sống theo phước đức trí tuệ. Tất cả vật hiện hữu trên cuộc đời cho đến thời gian đều là KHÔNG, nhưng trong pháp KHÔNG đó có đầy đủ tất cả. Khi cần thì tùy phước đức và trí tuệ, vật tự hiện theo ý ta.
Điểm này khó hiểu, khó chấp nhận. Theo pháp Tiểu thừa phải tu và làm mới có. Nhưng pháp Đại thừa dạy bỏ tất cả để được tất cả. Những người tăng thượng mạn chưa an trú pháp KHÔNG, nói đến CÓ mầu nhiệm này, họ không chấp nhận được và 5.000 Tỳ kheo tăng thượng mạn phải rời bỏ pháp hội. Hành giả Pháp Hoa bỏ hết để thành tựu công đức, thành tựu Pháp Hoa, thành tựu huệ mạng.
Thực tu và thực chứng pháp diệu hữu, các vị Tổ sư thường tuyên dương pháp mầu với hai bàn tay không. Đó là hình ảnh Mâu Bác, Chi Cương Lương, Ma Ha Kỳ Vực v.v… theo các đoàn thương thuyền đến Việt Nam. Thương buôn mời các Ngài đi chung để an tâm vững lòng trước hiểm nguy ngoài biển cả. Ta không thấy một vị Tổ sư nào trên bước đường hành đạo, mang của cải từ nước này sang nước khác. Đối với các Ngài, tất cả pháp biến hóa không lường, vật tự hiện ra theo nhu cầu làm đạo. Trước khi Sư tới ở, trong vùng thường hay gây gổ, đánh nhau, cướp bóc… Các Ngài đã cảm hóa mọi người, trẻ con trở thành hiền lành, thông minh, đời sống trong vùng được an vui sung túc hơn. Dù ở nơi đồng trống, hang đá, rừng sâu, chỗ các Ngài bước chân đến đều được chúng sanh xây tháp thờ.
Muốn truyền bá kinh Pháp Hoa, nên ý thức rằng sự hiện hữu của chúng ta phải cần thiết và mang an lành cho người. Hiểu và sống được như vậy mới là người trì kinh Pháp Hoa, giữ gìn bản chất của Phật, giữ gìn Phật huệ. Vì thực tế, Phật đến nơi nào thì tình thương, phúc lạc và thịnh vượng chan hòa đến đó.
Hiểu pháp này khó, nói pháp này khó hơn và làm cho người khác tin theo, thực hành theo càng khó hơn nữa. Trong phẩm Hiện Bảo tháp, Phật dạy ai muốn trì kinh Pháp Hoa thì ngay trong hội Linh Sơn phải nên phát nguyện. Nhờ Phật quá khứ và Phật hiện tại gia bị để đủ nghị lực tu hành trong vị lai.
Chúng hội còn do dự chưa phát nguyện thì kế tiếp xuất hiện hai hiện tượng Đề Bà Đạt Đa và Long Nữ thành Phật để minh chứng chân lý mà Phật vừa nêu lên. Cảm nhận được pháp chân thật qua hai hiện tượng nói trên, Ngài Dược Vương và Đại Nhạo Thuyết Bồ tát cùng với 20 vạn Bồ tát đồng đứng trước Thế Tôn phát nguyện. Dù sau Phật Thích Ca nhập diệt, chúng sanh căn lành ít, lòng tham ác nhiều, trên bước đường tu hành gặp bao nhiêu chống trái, các Ngài vẫn mặc áo giáp nhẫn nhục, thọ trì, đọc tụng, diễn nói, duy trì kinh này tồn tại mãi trên thế gian, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
Sau khi các Bồ tát phát nguyện, 500 vị A la hán vừa được thọ ký thành Phật và 8.000 vị từ sơ quả đến tam quả được thọ ký thành Phật cũng phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa, nhưng xin hoằng truyền ở nơi khác.
Ta nhận thấy lúc mới giảng Pháp Hoa, chỉ có 2.000 vị Thanh văn từ sơ quả đến tam quả. Đến pháp hội hai, con số Thanh văn lên đến 8.000 vị. Điểm này chứng minh Pháp Hoa rất đặc biệt, lúc mới giảng có người không theo nổi, phải rời bỏ pháp hội. Nhưng đến chung cuộc, số lượng người phát nguyện tham dự lại đông hơn gấp 4 lần.
500 A la hán và 8.000 Thanh văn đang tu học và đã hoàn tất việc tu học đều phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở thế giới khác. Vì ở Ta bà, chúng sanh tham lam ghét ganh, căn tánh không lành, rất nhiều người có tánh ngã mạn luôn thấy mình hơn người khác. Họ nhìn sự vật không chính xác. Hành giả hoằng truyền Pháp Hoa, nghĩa là nói việc đúng, chắc chắn họ không thể chấp nhận. Vì thế, A la hán, Bích chi Phật tự cảm thấy không đủ khả năng truyền bá kinh Pháp Hoa cho hàng tăng thượng mạn ở Ta bà.
Ngoài ra, chúng sanh Ta bà thường ngoan cố. Nếu hành giả tranh cãi với chúng, thì sẽ mất tư cách một Tỳ kheo. Làm thế nào hành giả không đánh họ, không gây với họ mà hàng phục được họ, trong khi đạo hạnh của hành giả không đủ sức cảm hóa họ. Sống trong thế giới Ta bà có nhiều người hung ác, các vị Thanh văn quen trụ Niết bàn, nhìn thấy chúng sanh và chúng sanh nghiệp mà ngán sợ. Tuy các Ngài phát tâm, nhưng phải có Phật ở bên cạnh để nương tựa, mới dám chung sống với chúng sanh và dạy dỗ họ.
Chính vì vậy, kinh Pháp Hoa không thích hợp với người tu hạnh viễn ly hoặc sống đóng khuôn theo công thức. Kinh Pháp Hoa chỉ thuận cho người biết tùy duyên giáo hóa, không cố chấp trong mô hình cố định.
Thật vậy, kinh Pháp Hoa tiêu biểu cho Đức Phật. Duy trì hoằng truyền được kinh này tồn tại là việc ngoài khả năng của Thanh văn. Vì các Ngài bị giới luật ràng buộc, không thể thay đổi thích nghi theo từng hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ trong thời đại mà người ta thường quan niệm rằng người tốt phải làm ra nhiều của cải cống hiến cho đời. Trong khi Tỳ kheo bị giới luật trói cứng, chẳng những không được giết hại chúng sanh, mà cây cỏ cũng không được giết. Nếu giữ đúng giới luật, thì sống trong xã hội văn minh, ta không làm được gì nữa. Vì sự khó khăn của việc vừa giữ đúng giới luật vừa lợi lạc cho đời, tu sĩ Phật giáo Nhật Bản không thọ giới Tỳ kheo, chỉ thọ giới Bồ tát.
Tỳ kheo phải giữ đúng mô hình, không thể nào sinh hoạt thích ứng với xã hội, tất nhiên đưa đến kết quả không thể nào tồn tại trên thế gian. Chính vì vậy, các Ngài không dám phát nguyện hoằng truyền Pháp Hoa ở Ta bà.
Bát vạn ức na do tha Bồ tát bất thoái chuyển từ đệ bát địa trở lên, sống bất cứ nơi nào cũng giữ được tư chất Bồ tát. Các Ngài phát nguyện hoằng truyền Pháp Hoa trong khắp mười phương. Chúng ta thấy rõ nhiệm vụ giữ gìn kinh này là công việc của Bồ tát. Trong đời ngũ trược, chúng sanh hung ác, các Ngài có sức nhẫn nhục lớn, không phải là người mới phát tâm như 8.000 vị tân học hay A la hán. Các Ngài có khả năng chinh phục tất cả cái khó để trở thành bậc Điều Ngự. Chúng sanh càng cang cường, tâm Bồ đề các Ngài càng lớn. Bồ tát bất thoái chuyển là Bồ tát ở Viên thừa của kinh Pháp Hoa. Các Ngài không cần phải đóng vai Tỳ kheo cố định nhưng trục loại tùy hình, nghĩa là loài hữu tình nào cần gì các Ngài làm việc đó, đáp ứng yêu cầu cho họ. Ví dụ họ cần học thức, Bồ tát đóng vai giáo sư xuất sắc, họ đặt vấn đề lao động thì Bồ tát sản xuất không kém ai. Chúng sanh đưa ra vấn đề nào, Bồ tát cũng thành tựu, ứng theo nhu cầu của họ, mới giáo hóa hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở Ta bà được.
Ý niệm Thanh văn chỉ phát tâm hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở thế giới an lành trùng hợp với sự kiện lịch sử xảy ra ở Ấn Độ. Khoảng thế kỷ thứ 7, thứ 8, các nhà sư Ấn không thể chịu nổi sự tàn sát của Bà la môn giáo, các Ngài phải trốn ra nước ngoài. Đến thế kỷ 12, không còn hình bóng Tăng già trên đất Ấn. Giữa thế kỷ 20, Thủ tướng Nerhu kỷ niệm 2.500 năm Phật Niết bàn, mới có các nhà sư Ấn Độ từ nước ngoài trở về. Ta cảm nhận được Phật giáo Ấn Độ ở giai đoạn nói trên, mất về hình thức, nhưng hiện hữu trong tâm hồn của người có trí tuệ. Hiện hữu dưới nhiều hình thức khác nhau, ngay cả ảnh hưởng vào tâm nhà lãnh đạo hay chính khách.
Ta bà là nơi Thánh phàm đồng sống chung. Trong thế giới hỗn độn này, các Bồ tát xuất hiện bằng cách tùy loại ứng hiện thân, xuất hiện đúng theo yêu cầu chúng sanh, không câu nệ vào hình thức, mới tồn tại được. Tâm Như Lai không đổi, miễn là đạt được mục đích dẫn mọi người tới bờ giải thoát. Với hạnh nguyện vì chúng sanh, Bồ tát thường dạo chơi trong biển sanh tử. Nhờ vậy, tuy không có Phật, trên bước đường hành đạo nhiều sóng gió hiểm nguy, hành giả vẫn an lành quảng tuyên lưu bố kinh Pháp Hoa. Với sự che chở của Bồ tát, hành giả quyết bảo trì Phật pháp không tiếc thân mạng. Có tâm niệm như vậy là biết hành giả đã phát tâm từ thời Phật còn tại thế.
Những khó khăn đáng ghê sợ khi hoằng truyền kinh Pháp Hoa, chúng ta cần ý thức nó đương nhiên sẽ xảy đến. Khi Phật tại thế, nhân cách siêu việt và thần lực không nghĩ bàn được của Ngài đã khiến tâm người nghe thành hiền hòa. Nhưng Phật Niết bàn, trên cuộc đời này không có biểu tượng đáng tôn thờ, chỉ có nhiều người mang nghiệp ác làm cho chúng sanh bực bội, nên tâm ác của họ cũng tự nhiên tăng. Người này nhìn người kia thấy khó chịu và tánh ác hỗ tương tăng lên.
Hàng Bồ Tát sơ phát tâm không đủ khả năng ngăn chặn các tánh ác sẵn có, nên chẳng dám phát nguyện truyền bá kinh Pháp Hoa ở Ta bà. Các vị đại Bồ Tát thì ngược lại, nguyện khó khăn mấy cũng xiển dương giáo lý tối thượng. Ngài Nhật Liên Thánh nhân gọi Bồ tát hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở Ta bà là đại Bồ tát hay hậu tâm Bồ tát và Bồ tát vừa được thọ ký là sơ tâm Bồ tát.
Đối với Bồ tát đã đầy đủ đức hạnh, đang tu tập 10 pháp ba la mật, chướng duyên là điều kiện tốt để mau thành đạt quả Vô thượng bồ đề. Nhưng Bồ tát sơ tâm liệu sức không giáo hóa chúng sanh cang cường nổi, xin phát nguyện hoằng truyền ở thế giới an lành hơn.
Đức Phật xác định ở phẩm Pháp sư, ngay khi Như Lai tại thế, pháp này còn có người oán ghét, huống là sau khi Phật diệt độ. Vì vậy, chư Bồ tát phát nguyện dù có hạng chúng sanh cực ác, các Ngài vẫn vững lòng hoằng truyền kinh này và xin Phật phóng quang hộ niệm. Các Ngài đặt trọn niềm tin mãnh liệt nơi Phật, nên không thấy sợ.
Hàng Bồ tát mới phát tâm đối trước ba hạng thù nghịch cũng phải run sợ, đó là tục chúng tăng thượng mạn, đạo môn tăng thượng mạn và tiếm Thánh tăng thượng mạn.
1. Tục chúng tăng thượng mạn
Là người ở ngoài Phật pháp, theo định kiến tà giáo. Họ không ưa Phật pháp. Tuy ta không chống họ, nhưng họ luôn gay gắt và sẵn sàng ám hại ta. Cần nhớ rằng tục chúng tăng thượng mạn là thế lực xấu, luôn luôn đối nghịch với cái tốt. Ta làm việc tốt, tất nhiên có hại cho người xấu. Thế lực xấu lúc nào cũng nhiều tham vọng. Tục chúng tăng thượng mạn dở, nhưng muốn được người coi trọng.
Hành giả đóng vai tốt phải biết đối thủ xấu luôn ở bên cạnh để phá hại. Nếu hành giả không tránh được, phải chết thôi. Như Ngài Mục Kiền Liên khi về với Phật, việc đầu tiên là Ngài bị hàng ngoại đạo phỉ báng. Phật tại thế, nương vào uy tín của Phật, các Tỳ kheo truyền giáo một cách bình ổn, chỉ gặp đôi chút khó khăn do ngoại đạo gây nên. Đến khi Phật Niết bàn, Ngài Mục Kiền Liên quảng tuyên lưu bố tư tưởng nhất thừa, bị ngoại đạo giết chết, vùi xác xuống bùn.
Đối với hạng người cực ác này, Bồ tát hàng phục chúng bằng trí tuệ. Các Ngài tận dụng khả năng thiên biến vạn hóa, đáp ứng yêu cầu chúng sanh. Ví dụ gặp trụ xứ mà người ác ném đá sư khất thực, chắc chắn Bồ tát có trí tuệ không mặc áo sư, mang hình dáng sư. Dưới kiến giải Đại thừa, Bồ tát hiện thân dưới mọi hình thức, như Bồ tát Quan Âm tùy trường hợp xuất hiện theo yêu cầu chúng sanh, làm thế nào họ chống cự được. Cần hiểu rằng Bồ tát hàng phục chúng ma là thích nghi theo yêu cầu, thể hiện nhẫn lực của Bồ tát. Nhẫn ở đây là nhẫn với chính mình, không phải nhẫn với người khác. Để người khác đánh, mình nhịn chỉ là việc vô ích. Bồ tát kham nhẫn, nghĩa là tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh mà làm những việc mình không ưa thích, nhưng lợi cho người để giáo hóa họ.
Các bậc Thiền sư đều thể hiện trọn vẹn tư cách Bồ tát kham nhẫn. Điển hình như Đỗ Thuận pháp sư thực sự là một Tăng Lục đạo sĩ không thuyết pháp, mà biến dạng thành anh lái đò trên dòng sông trước đền Hoa Lư. Trong lúc nhà Đinh mới dựng nước, sư mỗi ngày đưa khách sang sông để theo dõi, hiểu rõ tin tức, nhân tình từ Trung Quốc sang Hoa Lư, giúp vua giải quyết thật nhiều vấn đề khó khăn. Hoặc hình ảnh Thiền sư Ngô Chân Lưu đã cởi bỏ áo Thiền sư, kham nhẫn mặc vào chiếc áo Thái sư, mang hết tâm lực phục vụ, hoàn thành sứ mạng lịch sử giao phó.
Với hai hình ảnh Thiền sư tiêu biểu nêu trên, chúng ta thấy rõ muốn hàng phục hạng tục chúng tăng thượng mạn, phải đồng hành với họ, nỗ lực tu hành. Rèn luyện sao cho người thế gian phải công nhận rằng ta tốt, thì hạng tục chúng tăng thượng mạn tự biến mất. Trên bước đường tu, thấy xã hội đối xử với ta thế nào, thì tự biết được bộ mặt thực của chính mình thế ấy. Xã hội là tấm gương cho ta soi bóng, hình thế nào, bóng như vậy.
Phật dạy nếu quả thực chúng ta tốt, những xấu ác sẽ không có. Tất cả oan gia nghiệp báo nhiều đời chúng ta tích tụ, để hiện đời mang quả báo có thân tướng khó thương và việc làm sai trái. Tuy nhiên, cố gắng tu hành điều chỉnh lần lần thành cao cả, sẽ không còn gặp hàng tục chúng tăng thượng mạn. Ngược lại, chúng ta ẩn trên sơn lâm cùng cốc, đứng ngoài phê phán chống đối, chỉ đưa đến kết quả chẳng lợi ích gì cho đạo và cho chính bản thân mình.
Tài năng, đức hạnh của Ngài Đỗ Thuận và Ngô Chân Lưu đã giới thiệu một cách trung thực hình ảnh Đức Phật trên cuộc đời. Nếu không có các Ngài, chắc chắn chúng ta không có trang sử vàng son của Phật giáo Đinh Lê.
Trở lại cuộc đời giáo hóa của Phật Thích Ca, lúc mới thành Phật, ai biết Ngài là Phật. Đến khi giáo hóa độ sanh, Ngài phủi sạch mọi thử thách cám dỗ như hoa sen không dính nước, thể hiện tư cách một bậc Điều ngự trượng phu. Vua A Xà Thế là người chống Phật đạo mãnh liệt, từng thả voi say hại Phật. Nhưng ông không hại được Phật, lại trở thành đệ tử trung thành. Phải chăng Phật đã xóa được sự tồn tại của hàng tục chúng tăng thượng mạn.
Ngày nay, sống trong đời ngũ trược ác thế, với đầy rẫy những con người tham lam, ghét ganh hung dữ. Nếu chúng ta hoằng truyền kinh này, họ sẽ nguyền rủa, đánh đập, giết hại. Đó là điều chắc chắn ta phải gánh chịu và sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta đã phát nguyện bước theo các Bồ tát trên đường Phật đạo. Chúng ta cứ vững tâm tu hành với tấm lòng chí thành hộ trì Phật pháp. Tất nhiên Phật lực, Bồ tát lực sẽ che chở chúng ta. Đối phương càng hại ta, khổ càng rớt về họ và ta khởi tâm đại bi đối với họ, không hề oán ghét. Như pháp tu hành, tất cả lời mắng chửi, gậy đá, ám hại sẽ biến thành phương tiện tu hành. Bồ tát làm được như vậy mới là sen trong bùn, là hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu, mọi người phải quy ngưỡng.
Thanh văn cố giữ mình trong sạch, bước chân vào đời, dễ bị chúng sanh cực ác bôi lọ. Trước khó khăn nguy hiểm ở thời mạt pháp, hàng Tỳ kheo mới phát tâm không dám lăn xả vào đời, chỉ dám hành đạo ở nơi nào có Phật.
2. Đạo môn tăng thượng mạn
Ngoài hạng thế tục không hiểu đạo chống đối, ta còn gặp những người cùng xuất gia tu hành, nhưng mang tâm niệm hẹp hòi, ích kỷ. Họ thấy việc làm của ta, sanh tâm ganh tỵ thù hiềm. Vì vậy, ngay trong chùa, chúng ta cũng gặp chống đối. Hạng này đáng sợ hơn người ngoài, vì người sống chung phá hại, khó đề phòng. Họ sẵn sàng dùng thủ đoạn nói xấu, ám hại. Nhưng hành giả như pháp tu hành không được dùng phương chước xấu xa đó để chống trả lại họ.
Hàng đạo môn chuyên sống theo hình thức, không có tài cao học rộng, không làm được việc lại hay chỉ trích, có thể phê phán Ngô Chân Lưu hay Đỗ Thuận hoàn tục, tham chính. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta thấy chính cố chấp của họ trói chặt tay chân họ lại và tự họ chết thôi. Điều này tất yếu khi xã hội văn minh tiến lên, sẽ đẩy lùi những nhà sư không học trở thành người lạc hậu và chết trong quên lãng.
Sống trong phiền toái tranh chấp nội bộ với đầy rẫy đạo môn tăng thượng mạn, hành giả không thể hoằng truyền kinh này. Hành giả phải làm thế nào ? Đối trước hiện tượng xấu ác này, hàng Thanh văn đành chùn bước, phải bỏ tập thể vào núi rừng tu. Nhưng Bồ tát không sợ hạng này. Dù họ ác độc, xảo quyệt thế nào, các Ngài cũng đủ sức nhẫn chịu, xin Phật phóng quang hộ niệm.
Hàng phục đạo môn tăng thượng mạn, Bồ tát vẫn sống mũ cao áo rộng như các quan khác, sống với đủ ngành nghề trong xã hội. Nhưng cốt lõi của Bồ tát không thay đổi. Tư cách và cuộc sống các Ngài thật cao cả, như hoa sen thơm ngát trong bùn nhơ. Tinh thần mang đạo vào đời làm đẹp mà không bị ô nhiễm, được Phù Vân Quốc sư truyền trao cho vua Trần Thái Tôn. Phù Vân khuyên ông về làm vua, nhưng đừng để tâm Thiền bị hoen ố. Đáp ứng yêu cầu của đất nước dân tộc xong, vua trở về núi Yên Tử với tư chất một nhà sư cao quý, khả kính của vị Tổ phái Trúc Lâm.
Riêng tôi, thiết nghĩ thành phần đạo môn hay người tu không hẳn là người tốt. Khi thấy chúng ta đến, họ thường khởi tâm xấu, sợ ta dành quyền lợi. Trên bước đường tu, mình xuất thân nghèo đói thường gặp chống đối là điều tất yếu. Muốn xóa tăng thượng mạn này hay nói cách khác xóa mối nghi ngờ chống đối chúng ta đến để ăn chia quyền lợi, chúng ta không còn cách nào khác hơn là mang thức ăn đến cho người, xây chùa cho rộng lớn thêm, làm cho chùa sung túc hơn. Nghĩa là mình tự xóa nghèo đói trong chính mình, và đem phước lạc cho người.
Phật căn dặn Bồ tát bước chân hành đạo đến nơi nào chỉ mang thêm phước lạc. Không làm được như vậy, Bồ tát không đến. Vì ý niệm ăn nhờ ở đậu là cái gì tồi tệ nhất, không bao giờ để gợn lên trong tâm Bồ tát. Bồ tát trải qua quá trình hành đạo giúp nước, làm việc khó khăn cho đời thật lợi ích để hàng phục được tục chúng tăng thượng mạn. Và khi xong việc, Bồ tát trở về chùa, tâm hồn trong trắng như thuở nào, không có chút tỳ vết tội lỗi, mới xóa tan được chống đối xuyên tạc của hàng đạo môn. Không phải trở về bằng tâm hồn đen tối, khổ đau.
3 - Tiếm Thánh tăng thượng mạn
Là những người tu lâu, lớn tuổi nhưng có nhiều tệ ác. Trong kinh Pháp Hoa, Bồ tát cho biết hạng này được người đời coi họ là lục thông La hán. Do phước báo đời trước, đời này họ đầy đủ thiện duyên, dung mạo dễ coi nhưng tâm hồn hèn mạt. Họ được chút ít công đức, liền liên hệ với nhóm quyền thế để hưởng lợi lộc và phục vụ cho mục tiêu phi đạo đức. Bên ngoài họ là Thánh, nhưng bên trong đầy đủ ba nghiệp ác. Họ có thế lực, được giới quyền quý nể vì và lấn át gây khó khăn cho chúng ta trong công việc hoằng truyền tư tưởng Pháp Hoa.
Muốn đối phó với hàng tiếm Thánh tăng thượng mạn, hành giả phải có quá trình tu học dài lâu, chịu đựng kham nhẫn. Đạt đến trình độ tri thức và đạo đức cao, mới mong thực hiện mục tiêu thay thế Phật hành đạo trên nhân gian. Tất nhiên đây không phải là vấn đề đơn giản.
Trong lịch sử, sự hiện hữu của một Đỗ Thuận pháp sư hay pháp sư Ngô Chân Lưu, Thiền sư Vạn Hạnh, Trúc Lâm tam Tổ v.v… đã kết thành chuỗi dài Phật giáo Việt Nam hưng thịnh đến 300 năm. Các Ngài là Bồ tát hiện thân trên cuộc đời, làm đủ các ngành nghề và trong mọi lãnh vực đều thể hiện rõ nét vai trò thừa kế Như Lai mang lợi ích cho nhân gian. Nếu thu hẹp trong hình tướng Thanh văn chắc chắn không thành tựu được như vậy.
Đến cuối đời Trần, không có Bồ tát xuất hiện, chỉ toàn ba hạng tăng thượng mạn thống lãnh đạo pháp. Các sư chuyên xem sao, bắt ma, cúng tế, không đóng góp thiết thực gì cho đời, cuối cùng bị đời đẩy vào bóng đêm và kéo theo Phật giáo Việt Nam xuống hố sâu tội lỗi.
Theo Ngài Trí Giả, chúng ta vượt qua được hai hạng cực ác trước. Còn hạng này thế lực quá mạnh, khó vượt nổi. Ngài Nhật Liên Thánh nhân đã phải đương đầu với loại tiếm Thánh tăng thượng mạn này. Khi Ngài hành đạo, Phật giáo Nhật Bản có 21 tông phái và tà giáo ngoại đạo cũng chen lẫn vào để mê hoặc con người. Duy chỉ có Ngài dám xiển dương giáo lý Đại thừa và gặp sức chống đối lớn. Lúc đó, có một Hòa thượng tên Lương Khoan, bề ngoài dáng hiền lành, được vua chúa hết sức kính trọng. Lương Khoan rất ghét Nhật Liên, gặp người nào ông cũng nói : “Ngày nào Nhật Liên còn ở đây, tôi không an tâm”. Ông sai người đệ tử thân tín nhất là ông chấp quyền (Thủ tướng) bắt Nhật Liên đem xử. Khi ra lệnh chém Ngài, lịch sử ghi rằng võ đao bước lên thấy uy nghi Ngài, thanh kiếm liền rớt xuống. Vũ khí sẽ thành vô dụng, nếu lòng người không muốn sử dụng. Vì phải nghe lệnh Hòa thượng Lương Khoan, nhưng người chấp quyền cho đến võ đao đều không có ý giết Ngài, cuối cùng họ đưa Ngài đi đày.
Sau khi Phật Niết bàn, trên bước đường tu hành, chắc chắn hành giả phải gặp hạng người này, hết sức nguy hiểm. Ta hoằng truyền kinh Pháp Hoa sẽ đụng chạm đến quyền lợi của những người tà tâm. Họ khởi phiền não, lấp mất chơn tánh, sẵn sàng giết ta, ta không đủ sức chống đỡ. Ngài Nhật Liên vượt qua những khó khăn và thể hiện công đức, nên người đời tôn Ngài là đại Thánh nhân. Người Nhật xem Ngài là Bồ tát Thượng Hạnh tái sanh mới đủ sức cảm hóa đối thủ lớn như vậy.
Trở về kinh nghiệm tu hành của bản thân, thiết nghĩ thành quả tôi đạt được ngày nay là nhờ các bậc trưởng lão tôn túc nâng đỡ. Thuở nhỏ đi tu tôi cũng khởi những ý niệm kỳ khôi bướng bỉnh, hay khinh chê người dốt nát. Theo tôi, đó là tâm lý của tuổi nhỏ háo thắng, học được chút xíu, thấy người khác sai lầm liền chỉnh ngay. Thậm chí tôi thấy có người dám chỉ trích cả Hòa thượng Yết Ma hay trụ trì nên bị đánh đuổi là điều tất yếu.
Riêng tôi, may mắn biết đổi lại cách nhìn. Nếu thấy điều gì hay nhưng không được người lớn chấp nhận, tôi cố giữ trong lòng. Chờ thời gian kiểm chứng lại xem nó hay thực không. Trên quá trình tu, có những điều lúc nhỏ tôi thấy hay nhưng lớn lên tôi lại thấy dở. Chín chắn trưởng thành, quan sát trên sanh diệt pháp, tôi nhận ra Phật có 84.000 pháp tu, trăm sông cuối cùng cũng đổ về biển. Thực tâm mình như biển cả thì phải dung được nước nguồn. Nói cách khác, ở lập trường Đại thừa phải dung nhiếp tất cả. Có người đến với đạo bằng con đường tri thức, nghiên cứu tìm hiểu để ứng dụng vào cuộc đời là chí đạo. Nhưng cũng có người đến bằng con đường lễ bái cung kính. Nếu chúng ta đi vào bằng tri thức khinh dễ họ mê tín, chắc chắn tai họa sẽ giáng lên đầu ta.
Trước kia tôi vào đạo bằng con đường tri thức nên cảm thấy cô đơn, vì ở Việt Nam nặng phần tín ngưỡng. Trải qua quá trình tu học dài lâu, tầm hiểu biết của tôi đổi khác, thấy rõ phải nhìn thực tế chúng ta đang sống để tùy theo đó đưa người vào đạo. Không thể vẽ ra con đường chúng ta đã đi để áp đặt cho người, vì họ không phải là ta. Ngày xưa nếu Phật bắt người làm theo Ngài, thì mấy ai theo được, làm được.
Bất cứ người nào quyết tâm tu Pháp Hoa hay nhất Phật thừa, nhất định phải gặp ba đối thủ tăng thượng mạn vừa nói. Vì người tu theo lối mòn cũ, chúng ta theo hướng mới, họ khó chấp nhận được. Người ta lớn mình nhỏ, khuyên rất khó. Các Thánh nhân ra đời cũng phải đối đầu với ba hạng tăng thượng mạn. Thuyết pháp vô thượng khó nghe, khó hiểu, khó chấp nhận. Còn thuận theo thế gian, tất nhiên dễ dàng. Hành giả không đủ nghị lực, không đủ đạo đức, trí tuệ, khó lòng chống đỡ nổi ba đối thủ trên.
Đức Phật dạy ta nỗ lực tu hành, xóa bỏ ba hạng tăng thượng mạn, mới tồn tại trên cuộc đời. Bằng không, chúng ta sẽ đối lập với tất cả. Đối lập với ba hạng tăng thượng mạn, tức những người có thế lực tôn giáo cho đến thế lực chính trị, làm sao chúng ta sống nổi ở Ta bà này ? Hàng Thanh văn liệu sức không kham nổi những việc cực ác của hạng người này, mới xin hoằng truyền kinh ở chỗ khác. Hoặc ở núi sâu rừng rậm có người cầu học kinh, các Ngài hết lòng dạy họ. Các Ngài không dám vào thế gian hóa độ, hay nói khác không dám truyền bá đạo Phật ở nơi có đạo Phật rồi, vì có nếp sống đóng khuôn, không sửa đổi nổi.
Khi hàng Thanh văn ngại truyền bá kinh này ở Ta bà, bát thập vạn ức na do tha Bồ tát hành đạo ở mười phương phát nguyện sau khi Như Lai diệt độ, các Ngài sẽ đi khắp nơi, nêu cao ngọn cờ chánh pháp. Mặc dù có ba hạng người thù nghịch, các Ngài cũng vượt qua, không tiếc thân mạng. Dù họ sát hại, nhưng sát hại xong, cũng phải phát tâm. Sau khi Phật Niết bàn nguyện lực kiên cố của đại Bồ tát được thể hiện qua hành động cao cả của Thánh Đề Bà là phó vương của đảo Tích Lan. Ngài phát nguyện làm Tỳ kheo hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở Ấn Độ và theo học với Ngài Long Thọ Bồ tát.
Khi một ngoại đạo đến đối chất và không biện bác nổi với Đề Bà, đệ tử của Bà la môn này mới đến rửa nhục cho thầy và hỏi Đề Bà : “Tất cả pháp có thực hay không có thực ?”. Đề Bà đáp : “Tất cả pháp hữu vi đều không có thực”. Tên ngoại đạo hỏi tiếp : “Thân Ngài là hữu vi hay vô vi ?”. Đề Bà đáp : “Thân này là hữu vi”. Tên ngoại đạo lại hỏi : “Thân này là hữu vi, tức không thực thì Ngài có tiếc không ?”. Đề Bà đáp : “Pháp hữu vi ta coi như mộng huyễn bào ảnh, thân này cũng là bọt nước ở trong biển khơi”. Tên ngoại đạo càng nổi giận và nói : “Như vậy thực tình Ngài không tiếc phải không ?”, rồi hắn đâm nhát kiếm vào bụng Đề Bà. Đề Bà vẫn điềm nhiên lấy y ngoài của Ngài đưa cho tên Bà la môn và nói : “Anh nên quàng y này và ra khỏi nơi đây mau kẻo bị bắt”. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của Đề Bà, anh ngoại đạo không chạy đi được, quay lại quỳ dưới chân của Đề Bà và sau trở thành đệ tử trung thành của Ngài. Qua việc làm cao quý của Thánh Đề Bà, chúng ta cảm nhận Ngài là một trong muôn ngàn ức Bồ tát đã phát nguyện, được nói đến trong phẩm này. Ngài bình thản cho người giết để họ phát tâm, thể hiện bài thuyết pháp sống cao đẹp về hạnh nguyện quảng tuyên lưu bố pháp mầu tối thượng.
Đối với các Ngài, Bồ tát giả thân chết nhưng nguyện lực thân không mất. “Bồ tát nguyện thân” không bao giờ mất. Nhờ chết giả thân mà các Ngài có “thực thân”. Thực thân này tồn tại mãi trong lòng mọi người, là gương sáng cho hành giả Pháp Hoa ở đời trược ác.
Chúng ta ngày nay thấy khó khăn mà chùn bước thì chưa phải là hành giả Pháp Hoa. Tâm chúng ta còn sợ sệt trước những khó khăn, tự biết ta là Bồ tát giả. Sống trong đời ngũ trược ác thế, bên ngoài đã gặp những người hung ác, ta vào chùa tìm pháp lữ cũng gặp những người tệ xấu. Và tìm đến những người tu hành, ta lại biết thêm hàng tiếm Thánh tăng thượng mạn. Còn trước mắt ta là chông gai sanh tử phải vượt qua.
Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn bi đát như vậy, Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật sau khi Như Lai diệt độ, hành giả Pháp Hoa ở đời mạt pháp phải làm thế nào cho đúng pháp. Phải tu hành thế nào để hoằng truyền kinh này trong nhân gian, không bị tổn hoại thân mạng. Phật chỉ rõ cho chúng ta pháp an lạc ở phẩm 14 kế tiếp.