- Lời Đầu
- Chương 1: Sự Hình Thành &Cấu Trúc Của A-hàm & Nikaya
- Chương 2: Ý Nghĩa A-hàm
- Chương 3: Những Lời Phật Dạy Trong Trường A-hàm
- Chương 4. Những Lời Phật Dạy Trong Trung A-hàm
- Tập 2
- Chương 1: Những Lời Phật Dạy Trong Tạp A-hàm
- Chương 2: Những Lời Phật Dạy Trong Tăng Nhất A-hàm
- Chương 3: Những Chủ Đề Chung Trong A-hàm
- Chương 4: Kết Luận
MƯA PHÁP CHUYỂN HÓA PHIỀN NÃO
Thích Nữ Giới Hương
(Trọn Bộ Hai Tập)
Nhà xuất bản Hồng Đức 2012
Chương 3
Những Lời Phật Dạy trong Trường A-hàm
Thầy thứ nhất, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, để rồi ngay trong đời này mà có thể trừ các phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhân; nhưng vị ấy ở trong đời này mà không thể trừ các phiền não, không chứng đắc pháp thượng nhân; đạo nghiệp của mình chưa thành mà lại thuyết pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, nhưng lại chỉ nương tựa, cùng sống chung với nhau. Cũng như có người đã phá bỏ ngục tù cũ, rồi lại xây ngục tù mới. Như thế gọi là pháp tham, ô trược, xấu xa.
Bậc thầy thứ hai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, để rồi ngay trong đời này mà có thể trừ các thứ phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhân. Nhưng vị ấy ở trong đời này mà không thể trừ các phiền não; tuy có chứng đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng đạo nghiệp của mình chưa thành tựu mà lại thuyết pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, nhưng lại chỉ nương tựa, cùng sống chung với nhau mà thôi. Giống như có người đi theo sau người khác, đưa tay xoa lưng kẻ ấy, đây gọi là pháp tham, ô trược, xấu xa.
Thầy thứ ba là cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong đời này, đáng lẽ có thể trừ phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhơn; nhưng ở trong đời này lại không thể trừ các thứ phiền não; tuy có chứng đắc một ít pháp thượng nhơn, nhưng việc lợi mình chưa thành tựu, mà lại nói pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, mà chỉ là nương tựa, cùng sống chung vậy thôi. Cũng như có người bỏ lúa má của mình, đi cày ruộng người khác.
(Trường A Hàm, Kinh Lộ Già, số 29)
- 2. BA MƯƠI HAI TƯỚNG ĐẠI NHÂN
1) Bàn chân bằng phẳng đầy đặn, đi đứng vững vàng.
2) Dưới bàn chân có dấu chỉ như bánh xe có ngàn căm, ánh sáng xen nhau.
3) Có màng lưới mỏng giữa kẽ ngón tay, chân như chân ngỗng chúa.
4) Tay chân mềm mại như áo trời.
5) Ngón tay chân thon dài không ai bằng.
6) Gót chân đầy đặn trông không chán.
7) Ống chân thon dài như của nai.
8) Các khớp xương móc lấy nhau như xích chuyền.
9) Mã âm tàng.
10) Đứng thẳng tay duỗi dài quá gối.
11) Mỗi chân lông đều có một sợi lông. Sợi lông ấy xoáy hữu, màu lưu ly xanh biếc.
12) Lông mọc xoay phía hữu, màu xanh biếc thẳng lên.
13) Thân sắc huỳnh kim.
14) Da thịt mịn màng không dính bụi nhơ.
15) Hai vai ngang bằng đầy đặn tròn đẹp.
16) Giữa ngực có chữ vạn.
17) Thân cao gấp đôi người thường.
18) Bảy chỗ trong người đầy đặn.
19) Mình cao to lớn như cây ni-câu-lô.
20) Hai má như sư tử.
21) Ngực vuông đầy như ngực sư tử.
22) Có bốn mươi cái răng.
23) Răng ngang bằng đầy đặn.
24) Răng khít nhau không hở.
25) Răng trắng, trong sáng.
26) Yết hầu thanh sạch, ăn thức gì cũng thích hợp.
27) Lưỡi rộng dài có thể liếm tới mép tai.
28) Tiếng nói trong rõ như tiếng Phạm thiên.
29) Con mắt màu xanh biếc.
30) Mắt như mắt trâu chúa, trên dưới có hai mí.
31) Có lông trắng giữa hai chân mày, mềm mại kéo ra dài một tầm.
32) Trên đỉnh có chỗ thịt nổi. Ấy là 32 tướng đại nhân.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 3. BA PHÁP
1) Ba thiện căn: không tham, không nhuế và không si.
2) Ba thiện hành: thiện hành của thân, khẩu và ý.
3) Ba tưởng thiện: vô dục tưởng, vô sân tưởng và vô hại tưởng.
4) Ba tư thiện: vô dục tư, vô nhuế tư và vô hại tư.
5) Ba loại phước nghiệp: nghiệp bố thí, bình đẳng và tư duy.
6) Ba ái: dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
7) Ba hữu lậu: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.
8) Ba thứ lửa: lửa dục, lửa sân và lửa si.
9) Ba cầu: dục cầu, hữu cầu và phạm hạnh cầu.
10) Ba tăng thịnh: ngã tăng thịnh, thế tăng thịnh và pháp tăng thịnh.
11) Ba giới: dục giới, sân giới và hại giới.
12) Ba giới: sắc giới, vô sắc giới, tận giới.
13) Ba căn bổn dục sinh: Do hiện dục hiện tiền sinh trời người, do hóa dục sinh trời Hóa tự tại, do tha hóa dục sinh trời Tha hóa tự tại.
14) Ba khổ: dục khổ, hành khổ, và biến dịch khổ.
15) Ba sự phát hiện: phát hiện do thấy, phát hiện do nghe và phát hiện do nghi.
16) Ba mắt: mắt thịt, mắt trời và mắt tuệ.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 4. BA PHÁP TĂNG NHẤT
1) Ba thành pháp: thân cận thiện hữu, tai nghe pháp âm, thành tựu pháp và tùy pháp.
2) Ba tu pháp: không, vô tướng, vô tác tam-muội.
3) Ba giác pháp: khổ, lạc, phi khổ phi lạc thọ.
4) Ba diệt pháp: dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
5) Ba thoái pháp: tham, nhuế, si bất thiện căn.
6) Ba nan giải pháp: khó hiểu về các bậc Hiền Thánh, nghe Pháp, Như Lai.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 5. BA THỌ
Do duyên là cảm xúc không lạc không khổ mà phát sanh thọ không lạc không khổ. Nếu cảm xúc không lạc không khổ diệt mất thì cảm thọ không lạc không khổ cũng diệt mất. Ví như hai khúc cây cọ lại với nhau thì lửa bật ra, hai khúc cây rời nhau thì lửa không có.
Ở đây cũng vậy, nhân bởi duyên là cảm xúc lạc mà cảm thọ lạc phát sanh;
Nếu cảm xúc lạc diệt thì cảm thọ cũng đồng thời diệt.
Nhân bởi duyên là cảm xúc khổ mà cảm thọ khổ phát sanh;
Nếu cảm xúc khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt.
Ba thọ đó là hữu vi, vô thường, do nhân duyên sanh, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải sở hữu của ngã; ngã không phải là sở hữu của nó. Hãy chánh quán điều đó một cách như thật với chánh trí. Ai thấy có ngã, cho rằng ‘thọ là ngã’, người ấy sai lầm.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, số 13)
- 6. BA TRUNG KIẾP
Có ba trung kiếp. Một là kiếp đao binh. Hai là kiếp đói kém. Ba là kiếp tật dịch.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 11.Ba Trung Kiếp, số 30)
- 7. BẬC CHUYỂN LUÂN VƯƠNG CÓ BỐN ĐIỀU ĐƯỢC ÂN SỦNG
1) Khi Thánh vương đi, người dân khắp cả nước đều đến nghinh đón;
2) Thấy vua rồi thì hoan hỷ, nghe lời dạy cũng hoan hỷ, chiêm ngưỡng uy nhan không hề biết chán.
3) Khi Thánh vương đứng, ngồi
4) Khi Thánh vương nằm, quốc dân đều đến bái yết, được thấy vua họ vui mừng, được nghe vua họ vui mừng, họ trông ngắm dung nhan vua không biết chán.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 8. BẬC ĐẠI OAI ĐỨC PHẢI TRÁNH CHỖ CHO THIÊN THẦN VÀO LỄ
Lúc đó ông Phạm-ma-na cầm quạt đứng hầu quạt trước Phật, Phật bảo:
Ngươi hãy tránh ra, chớ đứng ở trước Ta.
A-nan nghe vậy thầm lặng suy nghĩ: Phạm-ma-na thường hầu hạ Phật, cung cấp mọi sự cần thiết, tôn kính Như Lai không hề chán nản. Nay vào ngày cuối cùng, lẽ để cho ông chăm sóc, chứ sao Phật lại đuổi đi, là có ý gì? Rồi A-nan sửa lại y phục, đến trước Phật, bạch rằng:
Phạm-ma-na thường hầu hạ Phật, cung cấp mọi sự cần thiết, tôn kính Như Lai không hề chán nản. Nay vào ngày cuối cùng, lẽ để cho ông xem sóc, chứ sao Phật lại đuổi đi, là có ý gì?
Phật nói: Phía ngoài thành Câu-thi này mười hai do-tuần, thảy đều là chỗ các vị đại thiên thần, chật ních không có khoảng trống. Họ đều than phiền: ‘Vị Tỳ-kheo này sao đứng choán trước Phật. Nay giờ phút cuối cùng Phật sắp vào Niết-bàn, chúng ta các thần muốn đến chiêm bái một lần, mà vị Tỳ-kheo đó với oai đức lớn lao, ánh sáng chói che không cho chúng ta được gần Phật để lễ bái cúng dường.’ Này A-nan, vì thế mà ta bảo tránh ra.
A-nan bạch Phật: Chẳng hay vị Tỳ-kheo đó xưa kia chứa phúc đức gì, tu hạnh nghiệp gì mà nay có oai đức như thế?
Phật dạy: Vào kiếp thứ chín mươi mốt trong đời quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Vị Tỳ-kheo đó, lúc ấy đem tâm hoan hỷ cầm cây đuốc cỏ soi sáng vào ngôi tháp của Phật, nhờ đó nay ông được có oai quang chiếu suốt cả hai mươi tám từng trời, ánh sáng của chư thiên thần không thể sánh kịp.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 9. BÁO NHẬP NIẾT BÀN
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Như Lai không bao lâu, sau ba tháng nữa, sẽ vào Niết-bàn, rất đỗi kinh ngạc, sửng sốt hoang mang, vật mình xuống đất, cất tiếng kêu than:
Nhanh chóng làm sao, Thế Tôn diệt độ! Đau đớn làm sao, con mắt của thế gian sắp tắt! Chúng ta từ nay mãi mãi mất mát! Hoặc có Tỳ-kheo vật vã buồn khóc, lăn lộn kêu ca, không tự kềm chế được, khác nào như rắn bị đứt làm hai khúc, lăn lộn ngắc ngoải, không biết đi về đâu.
Phật bảo:
Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ ôm lòng ưu bi như vậy. Từ trời đất đến người vật, không có cái gì sanh ra mà không kết thúc. Muốn các pháp hữu vi không bị biến dịch, thì không thể nào được. Trước đây Ta đã từng dạy ân ái là vô thường, có hội hiệp tất có chia ly. Thân này không phải của mình, mạng này không ở lâu được.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 10. BA PHÁP BA TỤ
1) Ba pháp hướng đến ác thú: tham, nhuế, si bất thiện căn.
2) Ba pháp dẫn đến thiện thú: vô tham, vô nhuế, vô si thiện căn.
3) Ba pháp dẫn đến Niết-bàn: không, vô tướng, vô tác tam-muội.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 11. BẢY PHÁP
1) Bảy phi pháp: không có tín, không có tàm, không có quí, ít học hỏi, biếng nhác, hay quên, vô trí.
2) Bảy chánh pháp: có tín, có tàm, có quí, đa văn, tinh tấn, tổng trì, đa trí.
3) Bảy tinh cần: 1. Tỳ-kheo tinh cần nơi sự thực hành giới. 2. diệt tham dục. 3. phá tà kiến. 4. đa văn. 5. tinh tấn. 6. chánh niệm. 7. thiền định.
4) Bảy tưởng: tưởng về thân bất tịnh, thức ăn bất tịnh, hết thảy thế gian không đáng ưa thích, sự chết, vô thường, vô thường là khổ, khổ là vô ngã.
5) Bảy tam-muội thành tựu: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm.
6) Bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ giác, khinh an, định, huệ xả giác chi.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 12. BẢY PHÁP BẤT THOÁI
1) Thường hội họp luận bàn nghĩa lý chân chính, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
2) Trên dưới hòa đồng, kính thuận không trái, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
3) Trọng pháp, hiểu điều cấm kỵ, không trái qui chế, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
4) Nếu có Tỳ-kheo nào có năng lực hộ chúng, có nhiều tri thức, nên được kính thờ, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
5) Niệm hộ tâm ý, lấy sự hiếu kính làm đầu, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
6) Tịnh tu phạm hạnh, không chạy theo trạng thái dục, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
7) Trước người rồi sau mình, không tham lam danh lợi, thời già trẻ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 13. BẢY PHÁP LÀM CHÁNH PHÁP KHÔNG BỊ SUY THOÁI
- Kính Phật. 2. Kính Pháp. 3. Kính Tăng. 4. Kính giới luật. 5. Kính thiền định. 6. Kính thuận cha mẹ. 7. Kính pháp không buông lung.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 14. BẢY PHÁP LÀM CHÁNH PHÁP KHÔNG BỊ TỔN GIẢM
1) Có tín tâm; tin đức Như Lai, Chí chân, Chánh giác, đủ mười đức hiệu.
2) Có tàm, biết hổ với điều thiếu sót của mình.
3) Có quý, biết thẹn với việc ác mình đã làm.
4) Đa văn, những điều đã được thọ trì đều tốt ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, nghĩa và vị thâm áo, thanh tịnh không bẩn, phạm hạnh đầy đủ.
5) Siêng năng cần khổ, bỏ ác tu lành, chuyên tâm tập luyện mãi không ngừng.
6) Điều đã học tập được, ghi nhớ mãi không quên.
7) Tu tập trí tuệ, biết pháp sanh diệt, hướng đến Hiền Thánh, dứt hết gốc khổ.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 15. BẢY PHÁP LÀM CHÁNH PHÁP TĂNG TRƯỞNG
1) Ưa ít việc, không ưa nhiều việc
2) Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều.
3) Bớt sự ngủ nghỉ, tâm không hôn muội.
4) Không tụ họp nói việc vô ích.
5) Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức.
6) Không kết bè bạn với người xấu ác.
7) Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 16. BẢY PHÁP TĂNG NHẤT
1) Bảy tài sản: tín là tài sản, giới là tài sản, tàm là tài sản, quí là tài sản, đa văn là tài sản, huệ thí là tài sản.
2) Bảy diệt pháp: sai sử bởi dục ái, hữu ái, kiến, mạn, sân nhuế, vô minh, nghi.
3) Bảy tăng pháp: có tín, tàm, quí, đa văn, không biếng nhác, nhớ dai, có trí.
4) Bảy nan giải pháp: ưa nghĩa, ưa pháp, ưa biết thời, ưa biết đủ, ưa tự nhiếp, ưa tập chúng, ưa phân biệt người.
5) Bảy chứng pháp: dứt tận lậu đối với hết thảy sự tập khởi của khổ, sự diệt trừ, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất ly mà biết như thật, thấy như thật. Quán sát dục như hầm lửa, và cũng như đao kiếm, biết dục, thấy dục, không tham nơi dục, tâm không trụ nơi dục. Tỳ-kheo lậu tận, quán sát thuận và nghịch, sau khi đã như thật giác tri, như thật thấy; tham, tật, ác bất thiện pháp của thế gian, không rò rỉ, không sinh khởi. Tu tứ niệm xứ, tu tập nhiều lần, thực hành nhiều lần. Tu năm căn, năm lực, bảy giác tri, tám Hiền Thánh đạo, tu tập nhiều lần.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 17. BẢY TRỤ XỨ CỦA THỨC
1) Có hạng chúng sanh, với nhiều thân khác nhau và nhiều tưởng khác nhau, tức chư Thiên và loài Người.
2) Có hạng chúng sanh với thân đồng nhất nhưng với nhiều tưởng khác nhau, như trời Quang âm.
3) Có hạng chúng sanh với thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, tức trời Biến tịnh.
4) Có hạng chúng sanh trú nơi không xứ.
5) Có hạng chúng sanh trú nơi thức xứ.
6) Có hạng chúng sanh trú nơi vô sở hữu xứ.
7) Có hạng chúng sanh trú nơi phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Đó là bảy trú xứ của thức mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói:
‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’
Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết bảy trú xứ của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật;
A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, số 13)
- 18. BẢY QUẢ DỊ THỤC CỦA NHƯ LAI
Trong bảy năm Như lai tu tập từ tâm, sau khi tu tập từ tâm bảy năm, trong bảy thành kiếp hoại kiếp, Ta không trở lui lại thế giới này. Khi thế giới ở trong thành kiếp, này các Tỷ-kheo, Ta đi đến thế giới Quang âm thiên. Khi thế giới ở trong kiếp đấy, này các Tỷ-kheo, Ta là Phạm thiên, là Đại phạm thiên, vị Chiến thắng, vị Vô năng thắng, vị Biến tri, vị Tự tại. Ba mươi sáu lần, này các Tỷ-kheo, Ta là Thiên chủ Sakka. Nhiều lần bảy lần, Ta là vị Chuyển luân vương theo Chánh pháp, là vị Pháp vương, bậc Chiến thắng bốn phương, đạt được sự thanh bình cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Này các Tỷ-kheo, Ta có bảy loại châu báu này, như là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu và cư sĩ báu là thứ bảy. Ta có hơn một ngàn người con trai, này các Tỷ-kheo, là những bậc anh hùng, dõng mãnh, đánh tan địch quân. Và khi Ta chiến thắng quả đất này, xa cho đến bờ biển, Ta trị vì quả đất này không dùng trượng, không dùng đao, đúng với Chánh pháp.
- 19. BỐN LOẠI BẠN ĐÁNG THÂN
Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn? Một, ngăn làm việc quấy; hai, thương yêu; ba, giúp đỡ; bốn, đồng sự. Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận.
Bạn ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.
Bạn thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.
Bạn giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.
Bạn đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 20. BỐN ĐẠI GIÁO PHÁP
1) Nếu có vị Tỳ-kheo nào nói như vầy: ‘Này chư hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân theo Phật được nghe, được lãnh thọ giáo pháp này.’
Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác.
Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật.
Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.
Nếu thấy lời nói ấy không trúng kinh, không trúng luật, không trúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, ngươi đã nhớ lầm chăng? Bởi vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với chánh pháp. Vậy này hiền sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.’
Trái lại, nếu xét thấy lời kia trúng kinh, trúng luật, trúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp mà lời ngươi vừa nói phù hợp với chánh pháp.
Vậy hiền sĩ! Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ.’ Đó là đại pháp thứ nhất.
2) ‘Này chư hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân nghe từ chúng Tăng hoà hợp với các vị kỳ cựu đa văn, được lãnh thọ pháp, luật này, giáo này.’
Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác.
Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.
Nếu thấy lời nói ấy không trúng kinh, không trúng luật, không trúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, ngươi đã nghe, nhớ lầm chăng? Bởi vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với Chánh pháp. Vậy này hiền sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.’
Trái lại nếu xét thấy lời kia trúng kinh, trúng luật, trúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói.
Vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp mà lời ngươi vừa nói phù hợp với Chánh pháp.
Vậy hiền sĩ! Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ.’ Đó là đại pháp thứ hai.
3) ‘Này chư hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân nghe từ nhiều vị Tỳ-kheo, là những người trì pháp, trì luật, trì luật nghi, được lãnh thọ pháp này, luật này, giáo này.’
Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật.
Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không trúng kinh, không trúng luật, không trúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, ngươi đã nghe, nhớ lầm chăng?
Bởi vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với Chánh pháp.
Vậy này hiền sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.’ Trái lại nếu xét thấy lời kia trúng kinh, trúng luật, trúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với Chánh pháp.
Vậy hiền sĩ! Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ.’ Đó là đại pháp thứ ba.
4) ‘Này chư hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân từ một vị Tỳ-kheo kia, là người trì pháp, trì luật, trì luật nghi, được lãnh thọ giáo pháp này.’
Nghe như vậy thì các ngươi cũng không tin, cũng không nên bài bác.
Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.
Nếu thấy lời nói ấy không trúng kinh, không trúng luật, không trúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, ngươi đã nhớ lầm chăng? Bởi vì chúng tôi nương kính, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với Chánh pháp. Vậy này hiền sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.’
Trái lại nếu xét thấy lời kia trúng kinh, trúng luật, trúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với chánh pháp.
Vậy hiền sĩ! Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ.’ Đó là đại pháp thứ tư.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 21. BỐN ĐẠI SẼ VỀ ĐÂU?
Do đâu không bốn đại:
Đất, nước, lửa và gió?
Do đâu không thô, tế,
Và dài, ngắn, đẹp, xấu?
Do đâu không danh-sắc,
Vĩnh diệt, không dư tàn?
Nên đáp: thức vô hình,
Vô lượng, tự tỏa sáng;
Nó diệt, bốn đại diệt;
Thô, tế, đẹp, xấu diệt.
Nơi này danh sắc diệt,
Thức diệt, hết thảy diệt.
(Trường A Hàm, Kinh Kiên Cố, số 24)
- 22. BỐN ĐIỀU ĐẶC BIỆT CỦA TÔN GIẢ A-NAN
1) Khi A-nan lặng lẽ đi vào chúng Tỳ-kheo,
2) Khi A-nan vào chúng Tỳ-kheo-ni,
3) Khi A-nan vào chúng ưu bà tắc,
4) Khi A-nan vào chúng ưu-ba-di, nơi nào được trông thấy A-nan cũng vui mừng, được nghe A-nan thuyết pháp cũng vui mừng; họ trông nhìn nghi dung và lời A-nan thuyết pháp không biết chán.
Đó là bốn pháp đặc biệt hy hữu của A-nan.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 23. BỐN GIAI CẤP BÌNH ĐẲNG
Có bốn chủng tánh gồm cả người lành người dữ; được người trí khen, cũng bị người trí chê. Bốn chủng tánh ấy là: Sát-lỵ, Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la.
Hẳn các ngươi từng nghe trong dòng Sát-lỵ có kẻ sát sinh, có kẻ trộm cắp, có kẻ dâm loạn, kẻ dối trá, kẻ nói hai lưỡi, kẻ nói ác độc, có kẻ ỷ ngữ, có kẻ xan tham, có kẻ tật đố, có kẻ tà kiến, thì trong dòng Bà-la-môn, Cư-sĩ, Thủ-đà-la cũng có lẫn lộn đủ hạng người làm mười ác hạnh đó?
Phàm làm điều bất thiện thì có quả báo bất thiện, làm điều hắc ám thì có quả báo hắc ám. Nếu rằng quả báo đó chỉ có với dòng Sát-lỵ, Cư-sĩ, Thủ-đà-la chứ không có với dòng Bà-la-môn, khi ấy người Bà-la-môn mới nên tự cho dòng Bà-la-môn ta là tối cao bậc nhất, còn các dòng khác thấp hèn, dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu; dòng Bà-la-môn ta xuất hiện từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sinh ra, hiện tại thanh tịnh, về sau cũng thanh tịnh. Trái lại nếu rằng làm điều bất thiện thì có quả báo bất thiện, làm điều hắc ám thì có quả báo hắc ám, quả báo đó bất cứ Bà-la-môn, Sát-lỵ, hay Thủ-đà-la đều có như nhau, thời người Bà-la-môn không thể tự xưng chỉ dòng ta là thanh tịnh tối cao bậc nhất.
Nếu trong dòng Sát-lỵ, có kẻ không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không xan tham, không tật đố, không tà kiến, thời trong dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng đều có hạng người tu mười điều thiện như thế.
Phàm làm điều lành, tất có quả báo lành, làm điều thanh bạch tất có quả báo thanh bạch. Nếu rằng quả báo đó chỉ có với dòng Bà-la-môn mà không có với dòng Sát-lỵ, Cư sĩ, Thủ-đà-la khi ấy người dòng Bà-la-môn mới nên tự xưng dòng mình thanh tịnh tối cao bậc nhất. Trái lại, nếu cả bốn chủng tánh đều có quả báo đó, thời người Bà-la-môn không thể tự xưng chỉ dòng ta là thanh tịnh tối cao bậc nhất…
Người dòng Sát-lỵ mà thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện, khi thân hoại mạng chung phải thọ ác báo. Dòng người Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ-đà-la mà thân làm bất thiện. Miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện, khi thân hoại mệnh chung họ cũng phải thọ ác báo như thế.
(Trường A Hàm, Kinh Tiểu Duyên, số 5)
- 24. BỐN KẺ THÙ MÀ NHƯ NGƯỜI THÂN
Có bốn hạng kẻ thù mà như người thân: hạng úy phục, hạng mỹ ngôn, hạng kính thuận, hạng ác hữu.
1) Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: cho trước đoạt lại sau; cho ít mong trả nhiều; vì sợ gượng làm thân tình; vì lợi gượng làm thân tình.
2) Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: lành dữ đều chiều theo; gặp hoạn nạn thì xa lánh; ngăn cản những điều hay; thấy gặp nguy tìm cách đun đẩy.
3) Hạng kính thuận thì thường làm bốn việc: việc trước dối trá; việc sau dối trá; việc hiện dối trá; thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt.
4) Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: bạn lúc uống rượu; bạn lúc đánh bạc; bạn lúc dâm dật; bạn lúc ca vũ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 25. BỐN LOẠI ĐẠI THIÊN THẦN
Có bốn loại đại thiên thần: 1. Địa thần, 2. Thủy thần, 3. Phong thần, 4. Hỏa thần.
Xưa kia Địa thần nảy sinh ra nhận thức sai lầm rằng: ‘Trong đất không có nước, lửa, và gió’. Lúc ấy Ta bảo rằng: ‘Ngươi chớ nảy sanh ý niệm này là trong đất không có nước, lửa và gió. Vì sao? Vì trong đất có nước, lửa và gió, chỉ vì yếu tố đất nhiều nên lấy đất mà gọi tên’.
Ta vì Địa thần mà lần lượt nói pháp, để dứt trừ nhận thức sai lầm này, và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết, và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh.
Lúc ấy, Ta biết rõ tâm niệm Địa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, Ta chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Địa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.
Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Địa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Ta rằng: ‘Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, cho phép con được làm Ưu-bà-di ở trong chánh pháp’.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 26. BỐN LOẠI KIM-SÍ ĐIỂU
Có bốn loại Kim-sí điểu: sinh ra từ trứng; sinh ra từ bào thai; sinh ra từ nơi ẩm thấp; sinh ra từ hóa sinh.
Ta nói những người tà kiến chắc chắn sẽ đi vào hai nơi: Hoặc sinh vào địa ngục, hay sinh vào hàng súc sanh.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 5. Long điểu, số 30)
- 27. BỐN LOÀI RỒNG
Có bốn loại rồng: sanh ra từ trứng; sanh ra từ bào thai; sanh ra từ nơi ẩm thấp; sanh ra từ hóa sinh.
Ta nói những người tà kiến chắc chắn sẽ đi vào hai nơi: sinh vào địa ngục hay sinh vào hàng súc sanh.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 5. Long điểu, số 30)
- 28. BỐN LOẠI THỨC ĂN
Tất cả chúng sanh do bốn loại thức ăn mà tồn tại. Một là đoàn tế hoạt thực. Hai là xúc thực. Ba là niệm thực. Bốn là thức thực. Những loại thức ăn này chúng sanh ăn không giống nhau.
Như người cõi Diêm-phù-đề dùng các loại cơm, bún mì, cá thịt, gọi là loại đoàn thực. Y phục, tắm giặt, được gọi là tế hoạt thực.
Người Câu-da-ni, Phất-vu-đãi cũng ăn các loại cơm, bún mì, cá thịt được gọi là đoàn thực; y phục, tắm giặt là tế hoạt thực.
Người Uất-đan-viết thì chỉ ăn lúa gạo chín tự nhiên, đầy đủ vị trời lấy là đoàn thực; cũng lấy y phục, tắm giặt làm tế hoạt thực.
Loài rồng, kim-sí điểu, thì ăn các con giải, con đà, con cá, con ba-ba lấy làm đoàn thực, và tắm gội, y phục làm tế hoạt thực.
A-tu-luân thì ăn đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực, và lấy tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực.
Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên ăn loại đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực và tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực.
Chư thiên từ đây trở lên dùng hỷ lạc thiền định làm thức ăn.
Những chúng sanh nào dùng xúc thực? Những chúng sanh, sinh ra từ trứng dùng xúc thực.
Những chúng sanh nào dùng niệm thực? Có chúng sanh nhờ vào niệm thực mà được tồn tại, tăng trưởng các căn, tuổi thọ không dứt, đó là niệm thực.
Những chúng sanh nào dùng thức thực? Những chúng sanh ở địa ngục và cõi Vô sắc thiên, những loại chúng sanh này dùng thức thực.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 29. BỐN MÀU CỦA MÂY
Mây có bốn thứ: màu trắng; màu đen; màu đỏ; màu hồng.
Mây có màu trắng vì yếu tố đất đặc biệt nhiều; mây có màu đen vì yếu tố nước đặc biệt nhiều hơn; mây có màu đỏ vì yếu tố lửa đặc biệt nhiều hơn; mây có màu hồng vì yếu tố gió đặc biệt nhiều hơn. Mây cách mặt đất từ hai mươi dặm, ba mươi dặm, bốn mươi dặm,…cho đến bốn nghìn dặm.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 30. BỐN PHÁP
1) Bốn thiện hành của miệng: 1. Nói sự thật, 2. Nói dịu dàng, 3. Không ỷ ngữ, 4. Không hai lưỡi.
2) Bốn thánh ngôn: 1. Thấy nói thấy 2. Nghe nói nghe 3. Hay nói hay 4. Biết nói biết.
3) Bốn thức ăn: 1. Thức ăn vo nắm 2. Thức ăn bởi xúc 3. Thức ăn bởi niệm 4. Thức ăn bởi thức.
4) Bốn thọ: 1. Khổ hành trong hiện tại thọ khổ báo về sau, 2. Khổ hành hiện tại thọ lạc báo về sau, 3. Lạc hành hiện tại thọ khổ báo về sau, 4. Lạc hành hiện tại thọ lạc báo về sau.
5) Bốn thọ: 1. Dục thọ, 2. Ngã thọ, 3. Giới thọ, 4. Kiến thọ.
6) Bốn phược: 1. Thân phược bởi dục tham, 2. Thân phược bởi sân nhuế, 3. Thân phược bởi giới đạo, 4. Thân phược bởi ngã kiến.
7) Bốn gai nhọn: 1. Gai nhọn dục; 2. Gai nhọn nhuế; 3. Gai nhọn kiến; 4. Gai nhọn mạn.
8) Bốn sanh: 1. Sanh từ trứng, 2. Sanh từ bào thai, 3. Sanh do ẩm thấp, 4. Sanh do biến hóa.
9) Bốn ý đoạn: 1. Ở đây Tỳ-kheo ác pháp chưa khởi, phương tiện khiến không khởi, 2. Ác pháp đã khởi phương tiện khiến diệt, 3. Thiện pháp chưa khởi pháp, phương tiện khiến khởi, 4. Thiện pháp đã khởi phương tiện khiến tăng trưởng.
10) Bốn phạm đường: Từ, bi, hỷ và xả.
11) Bốn pháp túc: Pháp túc không tham, pháp túc không sân, pháp túc chánh niệm và pháp túc chánh định.
12) Bốn dòng dõi Hiền Thánh: 1. Ở đây, Tỳ-kheo tri túc về y thực, được thứ tốt không mừng, được cái xấu không buồn; không nhiễm không trước, biết điều cấm kỵ, biết con đường xuất yếu; ở trong pháp này tinh cần không biếng nhác; thành tựu sự ấy không khuyết không giảm và cũng dạy người thành tựu sự ấy. Đó là thứ nhất; tri túc, an trú trong sự truyền thừa của hiền thánh, từ xưa đến nay chưa thường não loạn. Chư thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời và Người không ai có thể chê trách. 2. Thức ăn. 3. Vật dụng nằm ngồi, 4. Thuốc thang trị bệnh, tất cả đều cũng tri túc như thế.
13) Bốn nhiếp pháp: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
14) Bốn chi của Tu-đà-hoàn: Tỳ-kheo thành tựu tín tâm bất hoại đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng và đối với giới.
15) Bốn thọ chứng: 1. Thọ chứng do thấy sắc, 2. Thọ chứng do thân hoại diệt. 3. Thọ chứng do nhớ về túc mạng. 4. Thọ chứng do biết hữu lậu đã bị diệt tận.
16) Bốn đạo: khổ đắc chậm, khổ đắc nhanh, lạc đắc chậm và lạc đắc nhanh.
17) Bốn biện tài: pháp biện tài, nghĩa biện tài, từ biện tài, ứng thuyết biện tài.
18) Bốn trú xứ của thức: sắc là trú xứ của thức, duyên sắc mà trú, sắc và ái cùng tăng trưởng. Thọ, tưởng, hành, cũng đều như vậy.
19) Bốn ách: dục là ách, hữu là ách, kiến là ách, vô minh là ách.
20) Bốn vô ách: vô dục ách, vô hữu ách, vô kiến ách, vô vô minh ách.
21) Bốn tịnh: giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh và độ nghi tịnh.
22) Bốn sự biết: đáng thọ biết thọ, đáng hành biết hành, đáng lạc biết lạc, đáng xả biết xả.
23) Bốn oai nghi: đáng đi biết đi, đáng đứng biết đứng, đáng ngồi biết ngồi, đáng nằm biết nằm.
24) Bốn tư duy: tư duy ít, tư duy rộng, tư duy vô lượng, không tư duy gì cả.
25) Bốn ký luận: quyết định ký luận, phân biệt ký luận, cật vấn ký luận, chỉ trú ký luận.
26) Bốn pháp không cần phòng hộ của Phật: 1. Như Lai thân hành thanh tịnh, không khiếm khuyết, không rò rỉ; có thể tự phòng hộ; 2. Khẩu hành thanh tịnh; 3. Ý hành thanh tịnh; 4. Mạng hành thanh tịnh cũng đều như vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 31. BỐN PHÁP BA TỤ
1) Bốn pháp thú hướng ác thú: Lời nói thiên vị, lời nói thù hận, lời nói sợ hãi, lời nói ngu si.
2) Bốn pháp dẫn đến thiện thú: Lời nói không thiên vị, lời nói không thù hận, lời nói không sợ hãi, lời nói không ngu si.
3) Bốn pháp dẫn đến Niết-bàn: thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 32. BỐN PHÁP TĂNG NHẤT
1) Bốn thành pháp: 1. Sống ở giữa nước. 2. Gần thiện hữu. 3. Tự cẩn thận. 4. Có gốc rễ thiện đã được trồng từ đời trước.
2) Bốn thức ăn: thức ăn bằng vo nắm, thức ăn bằng cảm xúc, thức ăn bằng tư niệm, thức ăn do thức.
3) Bốn thủ pháp: dục thủ, ngã ngữ thủ, giới cấm thủ, và kiến thủ.
4) Bốn ách: dục là ách, hữu là ách, kiến là ách, vô minh là ách.
5) Bốn nan giải pháp: khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế.
6) Bốn trí: pháp trí, vị tri trí, đẳng trí, tha tâm trí.
7) Bốn biện tài: pháp biện, nghĩa biện, từ biện, vô ngại biện.
8) Bốn Sa-môn quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 33. BỐN SỰ KIỆN VỀ THẾ GIỚI SANH DIỆT
Có bốn sự kiện trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được. Bốn sự kiện là:
1) Ở thế gian có những thứ tai nạn khởi lên từ từ; khi thế giới này tan hoại, trung gian là một khoảng thời gian trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được.
2) Sau khi thế giới này tan hoại rồi thì trung gian là một khoảng trống vắng mênh mông, không có thế giới; thời gian này là mịt mù trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được.
3) Khi trời đất mới bắt đầu khởi hướng nhắm đến sự hình thành tựu thì khoảng thời gian này là trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được.
4) Sau khi trời đất đã hoàn thành rồi, tồn tại lâu dài không hoại, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Đó là bốn sự kiện trường cửu, không lường, không có giới hạn, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để tính toán được.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 9.Tam Tai, số 30)
- 34. CẢM HÓA NGOẠI ĐẠO A-MA-TRÚ
Nếu cư sĩ, con trai cư sĩ và các chủng tánh khác, nghe chánh pháp mà sanh lòng tín ngưỡng, do tâm tín ngưỡng mà nghĩ như vầy: ‘Ta nay tại gia, vợ con ràng buộc, không thể thanh tịnh thuần tu phạm hạnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.’ Người ấy, sau đó từ bỏ gia đình tài sản, từ giã thân tộc, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo. Cũng đồng với những người xuất gia, xả bỏ các thứ trang sức, đầy đủ các giới hạnh, không làm hại chúng sanh.
Xả bỏ dao gậy, tâm hằng tàm quý, từ niệm đối với hết thảy. Đó là không giết.
Xả bỏ tâm trộm cắp, không lấy vật không cho, tâm hằng thanh tịnh, không có ý lén lút lấy cắp. Đó là không trộm cắp.
Xả ly dâm dục, tịnh tu phạm hạnh, ân cần tinh tấn, không bị nhiễm dục, sống trong sạch. Đó là không dâm.
Xả ly vọng ngữ, chí thành không lừa dối, không gạt người. Đó là không nói dối.
Xả ly nói hai lưỡi; nếu nghe lời người này, không truyền lại người kia; nếu nghe lời người kia, không truyền lại người này. Những người chia rẽ thì làm cho hòa hiệp, khiến cho thân kính lẫn nhau. Những lời nói ra, hoà thuận, đúng thời. Đó là không nói hai lưỡi.
Xả ly ác khẩu. Những lời thô lỗ, thích gây não người khác, khiến sanh phẫn kết; xả những lời như vậy. Lời nói dịu dàng, không gây oán hại, đem nhiều lợi ích, được mọi người yêu kính, thích nghe những lời như vậy. Đó là không ác khẩu.
Xả ly ỷ ngữ; lời nói hợp thời, thành thật như pháp, y luật diệt trừ tranh chấp; có duyên cớ mới nói; lời nói không phát suông. Đó là xả ly ỷ ngữ.
Xả ly uống rượu, xa lìa chỗ buông lung.
Không đeo hương hoa, anh lạc.
Không đi xem và nghe các thứ ca múa xướng hát.
Không ngồi giường cao
Không ăn phi thời.
Không cất chứa, sử dụng vàng bạc, bảy báu.
Không cưới thê thiếp; không nuôi nô tỳ, voi ngựa, trâu bò, gà, chó, heo, dê; không tích chứa ruộng nhà, vườn tược. Không gạt người bằng cân đấu dối trá. Không lôi kéo nhau bằng bàn tay, nắm tay. Cũng không cầm đồ. Không vu dối người, không làm điều ngụy trá. Xả bỏ những thứ xấu ác như vậy; diệt trừ các tranh tụng, các điều bất thiện. Đi thì biết thời. Không phải thời thì không đi. Lường dạ mà ăn, không tích chứa dư thừa. Che thân bằng y phục, vừa đủ thì thôi. Pháp phục, ứng khí, thường mang theo mình. Như chim bay mang theo mình hai cánh. Cũng vậy, Tỳ-kheo không chứa dư thừa.
(Trường A Hàm, KinhA-ma-trú, số 20)
- 35. CẢM HÓA VUA A XÀ THẾ MUỐN CHINH PHỤC NƯỚC KHÁC
Vua A-xà-thế muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, mới sai Đại thần Vũ-xá đến thỉnh ý Phật.
Phật hỏi A-nan: Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường nhóm họp bàn những sự việc chân chánh không?
A-nan đáp: Con có nghe.
Phật nói với A-nan: Nếu được như thế, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó lại càng thịnh vượng; nước ấy sẽ an ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Này A-nan, ngươi có nghe người nước Bạt-kỳ vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau không?
Đáp: Con có nghe.
Hỏi: Nếu được như vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng, và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ không?
Đáp: Con có nghe.
Hỏi: Này A-nan, nếu được như vậy, lớn nhỏ hoà thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng không?
Đáp: Con có nghe.
Hỏi: Này A-nan, nếu vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỉ thần không?
Đáp: Con có nghe.
Hỏi: Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy không?
Đáp: Con có nghe.
Hỏi: Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác không?
Đáp: Con có nghe.
Hỏi: Này A-nan, nếu được như vậy thì nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Bấy giờ, Đại thần Vũ-xá liền bạch Phật:
Nhân dân nước kia nếu thi hành có một điều còn không mong gì thắng họ, huống nay họ đủ cả bảy điều. Vì việc nước quá bận, con xin từ tạ trở về.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 36. CĂN CƠ CHÚNG SANH ĐA DẠNG
Phạm vương ân cần khẩn thiết thưa thỉnh một lần nữa, rồi một lần nữa, ân cần khẩn thiết thỉnh cầu đến ba lần rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không thuyết pháp, thì nay cõi thế gian này phải bị sụp đổ, rất đáng thương xót. Ngưỡng mong Thế Tôn, kịp thời giảng dạy, chớ để chúng sanh sa đọa đường mê.’
Đức Thế Tôn nghe Phạm vương ba lần ân cần thưa thỉnh, liền dùng Phật nhãn soi khắp thế giới chúng sanh, thấy sự ô nhiễm của chúng sanh có dày có mỏng, căn tánh có lanh lợi, có chậm lụt; có kẻ dễ khai hóa, có người khó khai hóa.
Hạng người dễ khai hóa, biết sợ tội lỗi đời sau, nên gắng lo dứt trừ điều ác, làm phát sanh đường lành. Chúng như hoa ưu bát la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lỵ, có cái vừa ra khỏi bùn nhưng chưa tới mặt nước, có cái đã ra khỏi bùn lại lên ngang mặt nước, có cái tuy lên khỏi mặt nước mà chưa nở, nhưng cái nào cũng không bị dính bẩn mà dễ dàng nở ra.
Chúng sanh trong thế gian này cũng như thế.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 37. CHÂN LÝ THẬM THÂM
Ta nay đã chứng được pháp vô thượng thậm thâm vi diệu là pháp khó thấy khó hiểu, tịch tĩnh, thanh tịnh, chỉ có người trí mới thấu biết chứ kẻ phàm phu không thể nào hiểu thấu được.
Bởi vì chúng sanh có những nhẫn dị biệt, kiến dị biệt, chấp thủ dị biệt, sở kiến dị biệt. Dựa theo kiến thức dị biệt đó mỗi người chỉ thích điều mình mong cầu, làm theo tập quán của mình, cho nên đối với lý nhân duyên thâm diệu này chúng còn không thể thấu hiểu, huống chi cảnh Niết-bàn dứt hết mọi tham ái, lại càng khó hiểu gấp bội phần. Ta dầu vì chúng mà nói ra thì chắc chúng không hiểu nổi còn trở lại gây phiền nhiễu.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 38. CHÂU NA CÚNG ĐỨC PHẬT BỮA ĂN CUỐI CÙNG
Hiện nay Châu-na được nhiều lợi lớn, được sống lâu, được sắc đẹp, được sức lực, được tiếng tốt, được nhiều tài lợi, chết được lên trời, cầu điều gì đều được. Tại sao vậy? Vì công đức người cúng dường cho Phật lúc mới thành đạo với người cúng dường cho Phật lúc sắp Niết-bàn, công đức hai bên ngang nhau không khác.
Ngươi hãy đến nói với Châu-na rằng:
‘Tôi trực tiếp nghe từ Phật, trực tiếp lãnh thọ từ Phật, rằng Châu-na nhờ công đức cúng dường Phật mà được lợi lớn, quả báo lớn’.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 39. CHÂU-NA NHẬP NIẾT BÀN TRƯỚC
Thế Tôn đi đến sông Câu-tôn, lấy nước uống và rửa xong rồi, cùng đại chúng lần đi nữa. Giữa đường, Phật dừng lại tại dưới một gốc cây và bảo Châu-na:
Ngươi lấy y tăng-già-lê gấp làm tư rồi trải cho ta nằm. Ta đau lưng. Muốn tạm nghỉ tại đây.
Châu-na vâng lời, trải chỗ xong, Phật ngồi lên chỗ đó. Châu-na lễ Phật rồi ngồi lại một bên mà thưa rằng:
Con muốn nhập Niết-bàn. Con muốn nhập Niết-bàn.
Phật dạy: Nên biết phải thời.
Châu-na liền nhập Niết-bàn ở ngay trước Phật.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 40. CHỈ TÁN THÁN OAI NGHI GIỚI HẠNH CỦA NHƯ LAI
Này các Tỳ-kheo, nếu có ai khen ngợi Phật, Pháp và Chúng Tăng, các ngươi cũng vội chớ lấy điều đó làm vui mừng, hãnh diện. Vì sao vậy? Vì nếu các ngươi sinh tâm vui mừng là đã bị hãm nịch rồi. Do đó các ngươi không nên vui mừng. Tại sao thế? Vì đó chỉ là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh, mà hàng phàm phu ít học, không thấu rõ thâm nghĩa, chỉ bằng vào sở kiến để tán thán một cách chân thật.
Thế nào là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh, mà hàng phàm phu ít học, không thấu rõ thâm nghĩa, chỉ bằng vào sở kiến để tán thán một cách chân thật?
Người ấy tán thán rằng Sa-môn Cù-đàm đã bỏ nghiệp sát, dứt nghiệp sát, xả bỏ dao gậy, có tàm quí, có tâm thương xót hết thảy, bỏ sự lấy của không cho, bỏ sự dâm dục, dứt bỏ nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt, không uống rượu
Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ uống rượu; không trang sức hương hoa; không xem ca múa; không ngồi giường cao; không ăn phi thời; không cầm vàng bạc; không chứa vợ con, tớ trai, tớ gái; không nuôi heo ngựa, voi, dê, gà, chó và các thứ chim muông; không chứa binh voi, binh ngựa, binh xe, binh bộ; không chứa ruộng nhà, gieo trồng ngũ cốc; không nắm quyền đánh đấm với người; không dùng cân đấu lường gạt; không mua bán, khoán ước, giao kèo; không cho vay cầm đồ lấy lãi bất chánh. Cũng không âm mưu, trước mặt khác sau lưng khác; phi thời không đi; để nuôi sống thân, lường bụng mà ăn; đi đến chỗ nào thì y bát mang theo như chim không lìa hai cánh. Nhưng đó cũng chỉ là nhân duyên nhỏ nhặt về sự trì giới mà hàng phàm phu ít học nương lấy để tán thán Như Lai.
Thật ra Như Lai còn có những chứng đắc sâu xa hơn đáng để tán thán.
(Trường A Hàm, Kinh Phạm Động, số 21)
- 41. CHIA NHAU ĐI AN CƯ VÌ DÂN CHÚNG THẤT MÙA
Lúc ấy, ở Trúc Lâm đang đói kém, mất mùa, thóc quý, nên khất thực khó được. Phật bảo các tỳ kheo:
Đất này đói kém, khất thực khó khăn, các ngươi nên chia thành từng nhóm, tùy theo chỗ quen biết, hãy đến Tỳ-xá-ly và nước Việt-kỳ mà an cư ở đó để có thể không bị thiếu thốn. Ta một mình cùng với A-nan an cư ở đây.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy, ra đi. Riêng Phật với A-nan ở lại.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 42. CHÍN NƠI CƯ TRÚ CỦA CHÚNG SANH
Các Tỳ-kheo, Như Lai nói chín chánh pháp, tức là chín chúng sanh cư:
1. Hoặc có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, với nhiều tưởng khác nhau, tức là chư thiên và loài người.
2. Lại có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, nhưng với một tưởng giống nhau, tức là trời Phạm Quang âm lúc mới sanh.
3. Lại có chúng sanh với một thân giống nhau, nhưng với nhiều tưởng khác nhau, tức là trời Quang âm.
4. Lại có chúng sanh với một thân một tưởng giống nhau, tức là trời Biến tịnh.
5. Lại có chúng sanh không có tưởng và không có giác tri, tức là trời Vô tưởng.
6. Lại có chúng sanh an trú hư không xứ.
7. Lại có chúng sanh an trú thức xứ.
8. Lại có chúng sanh an trú vô sở hữu xứ.
9. Lại có chúng sanh an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Các Tỳ-kheo, đó là chín nơi cư trú của chúng sanh đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kiết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài, làm lợi ích cho số đông, cho chư thiên và nhân loại được an lạc.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 43. CHÍN PHÁP
Chín pháp dẫn đến thiện thú: ‘Có người xâm não ta’, ích gì mà ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. ‘Có người xâm não cái ta yêu’, ích gì ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. ‘Có người yêu kính cái ta ghét’, ích gì ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não.
Thế nào là chín pháp dẫn đến Niết-bàn? Chín thiện pháp: 1. hỷ, 2. ái, 3. duyệt, 4. lạc, 5. định, 6. thật tri, 7. trừ xả, 8. vô dục, 9. giải thoát.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 44. CHÍN PHÁP TĂNG NHẤT
Chín tịnh diệt chi: giới, tâm, kiến, độ nghi, phân biệt, đạo, trừ, vô dục, giải thoát tịnh diệt chi.
Chín gốc rễ của hỷ: 1. Hỷ, 2. Ái, 3. Duyệt, 4. Lạc, 5. Định, 6. Như thật tri, 7. Trừ xả, 8. Vô dục, 9. Giải thoát.
Chín diệt pháp hay chín gốc rễ của ái: Nhân ái có tìm cầu. Nhân tìm cầu có lợi. Nhân lợi có dụng. Nhân dụng có dục. Nhân dục có dính trước. Nhân dính trước có tật đố. Nhân tật đố có bảo thủ. Nhân bảo thủ có hộ.
Chín vô não: Người kia đã xâm hại ta; nghĩ vậy chẳng có ích gì: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Nó xâm não cái ta yêu thương; nghĩ như vậy chẳng có ích gì: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Nó yêu thương cái ta ghét; nghĩ như vậy chẳng có ích gì: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não.
Chín nan giải pháp:
1) Có tín nhưng không trì giới;
2) Có tín, có giới, nhưng không có đa văn;
3) Có tín, có giới, có đa văn nhưng không thể thuyết pháp;
4) Có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, nhưng không thể nuôi chúng;
5) Có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, nhưng giữa đại chúng không thể quảng diễn pháp ngôn;
6) Có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng nhưng không chứng đắc tứ thiền;
7) Có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng, đắc tứ thiền, nhưng đối với tám giải thoát không thể thuận nghịch du hành;
8) Có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng, đắc tứ thiền, đối với tám giải thoát có thể thuận nghịch du hành, nhưng không thể diệt tận các lậu;
9) Có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng, đắc tứ thiền, đối với tám giải thoát có thể thuận nghịch du hành, có thể diệt tận các lậu, thành vô lậu tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại mà tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa, thì phạm hạnh đầy đủ.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 45. CHỚP VÀ MÂY
Chớp có bốn loại, đó là: Chớp ở phương Đông gọi là thân quang; chớp ở phương Nam gọi là nan hủy; chớp ở phương Tây gọi là lưu diễm; chớp ở phương Bắc gọi là định minh.
Vì sao mây ở trong hư không có hiện tượng ánh chớp này?
Có lúc thân quang cùng nan hủy chạm nhau, có khi thân quang cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi thân quang cùng với định minh chạm nhau, có khi nan hủy cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi nan hủy cùng với định minh chạm nhau, có khi lưu diễm cùng với định minh chạm nhau; vì những nhân duyên này nên mây giữa hư không sinh ra ánh chớp.
Và vì sao mây ở giữa hư không lại sinh ra sấm chớp? Vì ở giữa hư không có khi địa đại cùng với thủy đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với phong đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với phong đại chạm nhau; vì những nhân duyên này mà mây giữa hư không sinh ra sấm chớp.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 46. CHƯ TĂNG VÀ ĐÀN VIỆT
Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn với năm điều: 1. Thân hành từ. 2. Khẩu hành từ. 3. Ý hành từ. 4. Đúng thời cúng thí. 5) Không đóng cửa khước từ.
Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều: 1. Ngăn ngừa chớ để làm ác. 2. Chỉ dạy điều lành. 3. Khuyên dạy với thiện tâm. 4. Cho nghe những điều chưa nghe. 5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ. 6. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.
Nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 47. CHÚNG SANH ĐAU BUỒN VÀ CHƯ THIÊN QUỞ
Sau khi Phật diệt độ, các Tỳ-kheo buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng:
Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt.
Như thân cây lớn, trốc rễ, gãy cành. Lại như con rắn bị đứt khúc, bò trườn, uốn lượn, không biết trườn đi lối nào. Các Tỳ-kheo cũng vậy, buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng: ‘Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt.’
Bấy giờ, trưởng lão A-na-luật khuyên: Thôi các Tỳ-kheo, các ngài chớ buồn khóc, kẻo có hàng chư thiên nhìn xuống ngó thấy họ chê trách kìa.
Các Tỳ-kheo hỏi A-na-luật: Trên ấy có bao nhiêu thiên thần?
A-na-luật nói: Đầy kín hư không. Kể sao hết. Thảy đều ở trong hư không, bồi hồi, bứt rứt, bước đi khập khiễng, gạt nước mắt mà than rằng: ‘Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt.’ Như thân cây lớn, trốc rễ, gãy cành. Lại như con rắn bị đứt khúc, bò trườn, uốn lượn, không biết trườn đi lối nào. Các chư thiên cũng vậy, thảy đều ở trong hư không, bồi hồi, bứt rứt, bước đi khập khiễng, gạt nước mắt mà than rằng: ‘Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt.’
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 48. CỜ BẠC CÓ SÁU LỖI
Cờ bạc có sáu điều tai hại: tài sản ngày một hao hụt; thắng thì gây thù oán; bị kẻ trí chê; mọi người không kính nễ tin cậy; bị xa lánh; sanh tâm trộm cắp.
Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả mê đánh bạc mãi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 49. CÓ BỐN BẬC CAO QUÝ NÊN XÂY THÁP THỜ
Trong thiên hạ có bốn hạng người nên dựng tháp và cúng dường hương hoa, phướng lụa, âm nhạc: Như Lai, Bích-chi Phật, Thanh-văn và Chuyển luân vương.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 50. CÕI DỤC CÓ 12 LOẠI CHÚNG SANH
1. Địa ngục 2. Súc sanh
3. Ngạ quỷ 4. Người
5. A-tu-luân 6. Tứ thiên vương
7. Đao-lợi thiên 8. Diệm-ma thiên
9. Đâu-suất thiên 10. Hóa tự tại thiên
11. Tha-hóa-tự-tại thiên 12. Ma thiên.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 51. CÕI TRỜI SẮC GIỚI CÓ 22 LOẠI
1. Phạm-thân thiên, 2. Phạm-phụ thiên,
3. Phạm-chúng thiên, 4. Đại Phạm thiên,
5. Quang thiên, 6. Thiểu-quang thiên,
7. Vô-lượng-quang thiên, 8. Quang-âm thiên,
9. Tịnh thiên, 10. Thiểu-tịnh thiên,
11. Vô-lượng-tịnh thiên, 12. Biến tịnh thiên,
13. Nghiêm-sức thiên, 14. Tiểu-nghiêm-sức thiên,
15. Vô-lượng-nghiêm-sức thiên,
16. Nghiêm-thắng quả-thật thiên,
17. Vô-tưởng thiên, 18. Vô-phiền thiên,
19. Vô-nhiệt thiên, 20. Thiện-kiến thiên,
21. Đại-thiện-kiến thiên, 22. A-ca-nị-trá thiên.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 52. CÕI TRỜI UẤT-ĐAN-VIẾT
Cõi Uất-đan-viết có nhiều núi. Bên cạnh các núi ấy, có các vườn cảnh, ao tắm, mọc nhiều loài hoa, cây cối mát mẻ, hoa quả dồi dào, vô số các loài chim cùng nhau hót.
Cõi Uất-đan-viết kia bốn phía có bốn ao A-nậu-đạt; mỗi ao ngang dọc một trăm do-tuần. Nước ao lắng trong, không có cáu bẩn.
Cõi ấy thường có lúa thơm tự nhiên, chẳng gieo trồng mà tự mọc, không có vỏ trấu, như đóa hoa trắng, giống như thức ăn trời Đao-lợi, đầy đủ các vị.
Cõi ấy có ao tên là Thiện kiến, ngang dọc một trăm do-tuần, nước ao trong vắt, không có cáu bẩn. Các bên ao được xây lát bằng hào bảy báu. Bốn mặt quanh ao có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng giống như trước.
Phía Bắc ao Thiện kiến có cây tên là am-bà-la, vòng thân bảy dặm, cao một trăm dặm, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi dặm. Phía Đông của ao Thiện kiến phát xuất sông Thiện đạo, rộng một do-tuần, nước sông chảy chậm, không có dòng xoáy, có nhiều loại hoa phủ trên mặt nước.
Lại nữa, trong sông ấy, có các thuyền báu. Phía Đông ao Thiện kiến có khu vườn tên là Thiện kiến, ngang dọc một trăm do-tuần; vòng quanh bốn bên khu vườn có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, nhiều màu đan xen bảy báu tạo thành. Bốn phía vườn ấy có bốn cửa lớn, lan can bao quanh, đều do bảy báu tạo thành; …bốn mùa thuận hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, không có các hoạn nạn.
Vườn ấy thường mọc lúa thơm tự nhiên, không có vỏ trấu, trắng như đóa hoa, đầy đủ các vị, như cơm trời Đao-lợi… Ở cõi ấy, vào nửa đêm, cuối đêm, Long vương A-nậu-đạt thường thường vào lúc thích hợp khởi mây lành cùng khắp thế giới rồi mưa nước ngọt xuống, giống như khi vắt sữa bò; nước đủ tám vị, thấm nhuận khắp nơi.
Cõi ấy trù mật, nhân dân sung túc. Nếu khi cần ăn thì dùng gạo thơm tự nhiên bỏ vào trong chõ, dùng ngọc diệm quang để ở dưới chõ; cơm tự nhiên chín, ánh sáng ngọc tự tắt. Các người đi đến, tự do ăn cơm. Người ăn không đứng dậy thì cơm không hết; người ăn đứng dậy thì cơm cũng hết. Cơm ấy tinh khiết như đóa hoa trắng, đầy đủ mùi vị như cơm cõi trời Đao-lợi. Người ăn cơm đó không có các bệnh, khí lực dồi dào, nhan sắc tươi vui, không có gầy còm.
Lại ở cõi ấy, thân thể con người như nhau, hình mạo giống nhau, không thể phân biệt. Dáng người trẻ trung, như người khoảng hai mươi tuổi ở Diêm-phù-đề. Người cõi ấy, răng họ bằng đều, trắng sạch, kín sát không hở; tóc màu xanh biếc, không có cáu bẩn; Người ở cõi đó nếu khi khởi tâm dục thì nhìn chăm chăm nữ nhơn rồi bỏ đi; người nữ ấy theo sau vào trong vườn.. thì cây cong xuống che phủ thân họ, tùy ý hưởng lạc, một ngày, hai ngày... hoặc đến bảy ngày, khi ấy mới thôi. Người nữ ấy mang thai; bảy hoặc tám ngày thì sanh.
Người cõi ấy khi mạng chung, không ai khóc lóc, trang nghiêm tử thi, đặt ở ngã tư đường, bỏ đó rồi đi. Có loài chim tên là ưu-úy thiền-già gắp tử thi ấy để ở phương khác…Lại nữa, người ở cõi ấy khi đại tiểu tiện, đất liền nẻ ra; đại tiểu tiện rồi, đất khép trở lại. Nhân dân cõi ấy không lệ thuộc sự tham luyến, cũng không cất chứa, thọ mạng có hạn định; chết rồi sanh lên trời. Vì sao người cõi ấy thọ mạng luôn có hạn định? Đời trước người cõi ấy tu mười hạnh thiện, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn tuổi, chẳng hơn chẳng kém. Vì thế, người cõi ấy thọ mạng như nhau.
Vì sao gọi người Uất-đan-viết là hơn hết? Vì nhân dân cõi ấy chẳng thọ thập thiện nhưng toàn bộ hành động của họ tự nhiên hợp với thập thiện, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi lành. Vì vậy, người ở đó được khen là Uất-đan-viết hơn hết. Uất-đan-viết, ý nghĩa như thế nào? Đối với ba cõi kia, cõi nầy là tối thắng, tối thượng cho nên gọi là Uất-đan-viết.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký. Phẩm 2 Uất-đan-viết, 30)
- 53. CÕI TRỜI VÔ SẮC CÓ BỐN LOẠI CHÚNG SANH
1. Không-trí thiên, 2. Thức-trí thiên,
3. Vô-sở-hữu trí thiên, 4. Hữu-tưởng vô-tưởng trí thiên.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 54. CÔNG ĐỨC HÀNH HƯƠNG CÁC THÁNH TÍCH
Bấy giờ, A-nan trịch áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, bạch Phật:
Thế Tôn, hiện nay các Sa-môn khắp bốn phương, gồm những vị kỳ cựu đa văn, thấu hiểu kinh luật, đức hạnh thanh cao, thường đến bái yết Phật, nhân đó con được lễ kính và gần gũi hỏi han. Nhưng sau khi Phật diệt độ rồi, họ không đến nữa, con không còn biết hỏi ai nữa, làm sao?
Phật bảo A-nan:
Ngươi chớ lo. Các con nhà dòng dõi thường có bốn chỗ tưởng nhớ:
1. Tưởng tới chỗ Phật đản sanh, hoan hỉ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
2. Tưởng tới chỗ Phật thành đạo, hoan hỉ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
3. Tưởng tới chỗ Phật chuyển pháp luân đầu tiên, hoan hỉ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
4. Tưởng tới chỗ Phật vào Niết-bàn, hoan hỷ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ.
Này A-nan, sau khi ta diệt độ, trai hay gái con nhà dòng dõi nhớ nghĩ khi Phật giáng sinh có những công đức như thế, khi Phật đắc đạo có những thần thông như thế, khi Phật chuyển pháp luân có những sự hóa độ như thế, khi Phật diệt độ có những lời di huấn như thế. Rồi mỗi người đi đến bốn chỗ đó kính lễ, dựng chùa tháp cúng dường. Khi chết đều được sanh lên cõi trời, chỉ trừ người đắc đạo.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 55. CÔNG ĐỨC CỦA SA MÔN CÙ-ĐÀM
Bà la môn Chủng Đức giới thiệu 500 Bà-la-môn nên đến thăm Sa môn Cù-đàm vì ngài có các công đức như:
Sa-môn Cù-đàm bảy đời cha mẹ đều chơn chánh không bị dèm pha.
Có dung mạo đoan chánh, xuất thân từ giai cấp Sát-lợi.
Sanh chỗ tôn quý, nhưng đã xuất gia hành đạo.
Sắc sáng đầy đủ, chủng tánh chơn chánh.
Sanh vào gia đình giàu có, có uy lực lớn, nhưng đã xuất gia hành đạo.
Có đủ giới Hiền Thánh, thành tựu trí tuệ.
Khéo léo nơi ngôn ngữ, dịu dàng hòa nhã.
Bậc Đạo sư của đại chúng, có đông đệ tử.
Vĩnh viễn diệt trừ dục ái, không có sơ suất thô tháo, ưu tư và sợï hãi đã trừ, lông tóc không dựng đứng, hoan hỷ, hòa vui; được mọi người thì khen ngợi, khéo nói quả báo của hành vi.
Thường được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa lễ kính cúng dường.
Được Bà-la-môn Phất-già- la-sa-la lễ kính cúng dường; cũng được Bà-la-môn Phạm, Bà-la-môn Đa-lợi-già, Bà-la-môn Cứ Xỉ, Thủ-ca Ma-nạp Đô-da Tử thăm gặp cúng dường.
Được Thanh-văn đệ tử sùng phụng, lễ kính cúng dường; cũng được chư thiên và các chúng quỷ thần khác cung kính. Các dòng họ Thích-ca, Câu-lị, Minh-ninh, Bạt-kỳ, Mạt-la, Tô-ma, thảy đều phụng trì.
Truyền trao cho vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa ba quy và năm giới.
Truyền trao ba quy năm giới cho Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la vân vân.
Thọ ba quy năm giới; chư thiên, dòng họ Thích, Câu-lị, vân vân, thảy đều thọ ba quy năm giới.
Khi du hành được hết thảy mọi người cung kính cúng dường.
Những thành quách, tụ lạc mà Sa-môn Cù-đàm đã đến, đều được mọi người cúng dường.
Những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, các loài phi nhân, quỷ thần không dám xúc nhiễu.
Những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, nhân dân ở đó đều thấy ánh sáng, nghe âm nhạc trời.
Khi muốn rời khỏi chỗ đã đến. Mọi người đều luyến mộ, khóc lóc mà tiễn đưa.
Khi mới xuất gia, cha mẹ khóc lóc, thương nhớ tiếc nuối.
Khi còn trai trẻ, dẹp bỏ các thứ trang sức, voi, ngựa, xe báu, ngũ dục, anh lạc.
Khước từ ngôi vị Chuyển luân vương, xuất gia hành đạo. Nếu Ngài tại gia, sẽ trị vì bốn thiên hạ, thống lãnh dân vật, thì chúng ta đều là thần thuộc.
Sa-môn Cù-đàm hiểu rõ Phạm pháp, có thể nói cho người khác, và cũng nói chuyện trao đổi với Phạm thiên.
Sa-môn Cù-đàm đầy đủ cả ba hai tướng.
Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ thông suốt, không có khiếp nhược.
Sa-môn Cù-đàm kia nay đến thành Chiêm-bà này, ở bên bờ hồ Già-già, đối với ta là tôn quý, vả lại là khách. Ta nên thân hành đến thăm viếng.
Kỳ diệu thay, hy hữu thay, công đức của ngài đến như vậy chăng? Trong các đức, ngài chỉ cần có một đức là nên đến viếng thăm rồi, huống hồ nay gồm đủ cả. Vậy chúng ta hãy kéo hết đi thăm hỏi.
(Trường A Hàm, Kinh Chủng Đức, số 22)
- 56. CỐT LÕI CỦA KHỔ HẠNH
Người tu khổ hạnh mà tự mình không giết, không dạy người giết, tự mình không trộm cắp, không dạy người trộm cắp, tự mình không tà dâm, không dạy người tà dâm, tự mình không nói dối, không dạy người nói dối. Người ấy đem tâm từ rải khắp một phương, rồi các phương khác cũng vậy, từ tâm quảng đại, bình đẳng vô lượng, khắp cả thế gian, không chút oán kết. Bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế.
Chính đó mới là pháp khổ hạnh thuộc cốt lõi.
- 57. ĐẠI KHỔ ẤM
Danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu bi khổ não, tập thành một đại khổ ấm.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, số 13)
- 58. ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI
Này các Tỳ-kheo! Các thầy muốn nghe Như Lai nói về việc trời đất thành, hoại và quốc độ mà chúng sanh ở chăng?
Như trong chỗ mà một mặt trời, mặt trăng vận hành khắp bốn thiên hạ, tỏa ánh sáng chiếu; có một ngàn thế giới như vậy.
Trong ngàn thế giới có một ngàn mặt trời, mặt trăng; có một ngàn núi chúa Tu-di; có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn đại thiên hạ, bốn ngàn biển, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn rồng, bốn ngàn rồng lớn, bốn ngàn chim cánh vàng, bốn ngàn chim cánh vàng lớn, bốn ngàn đường ác bốn ngàn đường ác lớn, bốn ngàn vị vua, bốn ngàn vị vua lớn, bảy ngàn cây lớn, tám ngàn địa ngục lớn, mười ngàn núi lớn, ngàn Diêm-la vương, ngàn Tứ thiên vương, ngàn trời Đao-lợi, ngàn trời Diệm-ma, ngàn trời Đâu-suất, ngàn trời Hóa tự tại, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Phạm; đó là tiểu thiên thế giới.
Như một tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới như thế là một trung thiên thế giới.
Như một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới như vậy là một tam thiên đại thiên thế giới. Phạm vi thế giới thành hoại như thế là nơi chúng sanh cư trú, gọi là một cõi Phật.
(Trường A Hàm, Kinh Châu Diêm Phù Đề, số 30)
- 59. ĐỊA NGỤC
Bên ngoài của bốn châu thiên hạ này, có tám nghìn thiên hạ bao quanh. Lại có biển lớn bao quanh tám nghìn thiên hạ. Kế đó có núi Đại Kim cang bao bọc biển lớn. Bên ngoài núi Đại Kim cang này lại có núi Đại Kim cang thứ hai. Giữa hai núi này là một cảnh giới mờ mịt, tối tăm; mặt trời, mặt trăng, các vị thần, trời dù có uy lực cũng không thể dùng ánh sáng soi chiếu đến đó được.
Ở nơi này có tám địa ngục lớn, mỗi địa ngục lớn có mười sáu địa ngục nhỏ. Địa ngục lớn thứ nhất gọi là Tưởng. Thứ hai là địa ngục Hắc thằng. Thứ ba là địa ngục Đôi áp. Thứ tư là địa ngục Khiếu hoán. Thứ năm là địa ngục Đại khiếu hoán. Thứ sáu là địa ngục Thiêu chích. Thứ bảy là địa ngục Đại thiêu chích. Thứ tám là địa ngục Vô gián.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 4. Địa Ngục, số 30)
- 60. DIÊM PHÙ ĐỀ CÓ BA ĐIỀU
Người cõi Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Câu-da-ni, Phất-vu-đãi , Uất-đan-viết, loài rồng, kim sí điểu, A-tu-luân, đó là:
1) Dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo nghiệp hành;
2) Dõng mãnh, nhớ dai, siêng tu phạm hạnh;
3) Vì dõng mãnh, nhớ dai, nên Phật ra đời ở cõi này.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8. Đao Lợi Thiên, số 30)
- 61. ĐỢI TÔN GIẢ CA DIẾP VỀ DÙNG LỬA TAM MUỘI TẨN TÁNG NHƯ LAI
Những người Mạt-la vào thành sắm sửa các thứ xong, trở lại chùa Thiên quan, dùng nước hương tắm rửa thân Phật, rồi lấy vải bông mới bọc quanh, tiếp quấn năm trăm lớp vải trắng, rồi đặt vào trong kim quan đã tẩm dầu thơm, lại đặt kim quan vào một cái quách lớn bằng sắt, rồi một cái quách gỗ chiên-đàn bọc ngoài. Xong rồi, lấy củi thơm chất đầy lên trên.
Tiếp đó, vị đại thần dòng Mạt-la tên Lộ-di, cầm cây đuốc lớn châm lửa vào giàn hỏa, song lửa không cháy. Các người Mạt-la trưởng lão cũng cầm lửa châm theo, song lửa vẫn không cháy. Trưởng lão A-na-luật bảo chúng Mạt-la:
Thôi các Ngài, chẳng phải sức các ngài đốt được đâu. Lửa không cháy là vì ý chư thiên vậy.
Chúng Mạt-la hỏi: Tại sao chư thiên lại khiến cho lửa không cháy?
A-na-luật đáp: Chư thiên nhân thấy Đại Ca-diếp đang dẫn năm trăm đệ tử từ nước Ba-bà đi về cho kịp được thấy Phật khi chưa trà tỳ. Hiện tôn giả đang ở nửa đường. Chư thiên biết ý nên làm cho lửa không cháy…
Lúc bấy giờ, Đại Ca-diếp dắt năm trăm đệ tử, từ nước Ba-bà đến thành Câu-thi, qua sông Ni-liên-thuyền đến chùa Thiên quan, rồi đến chỗ A-nan. Hỏi han xong, đứng sang một bên, nói với A-nan:
Chúng tôi muốn được thấy Phật một lần chót khi chưa trà-tỳ, có thể được không?
A-nan đáp: Tuy chưa trà-tỳ nhưng khó mà thấy được, vì thân Phật đã được tắm nước hương, quấn một lớp kiếp-ba ngoài bọc năm trăm lớp vải trắng, đặt trong một kim quan. Kim quan lại đặt trong một cái quách bằng sắt, ngoài hết có bọc một cái quách bằng gỗ chiên-đàn, nên khó thấy được.
Ca-diếp năn nỉ xin tới ba lần, A-nan vẫn trả lời như cũ, là khó mà thấy Phật được nữa! Ngài Đại Ca-diếp mới hướng mặt về hỏa đàn để chiêm bái, thì ngay khi ấy bỗng nhiên từ trong ba lớp quan quách, Phật đưa hai bàn chân ra ngoài. Chân có màu sắc khác lạ. Ca-diếp thấy vậy, ngạc nhiên hỏi A-nan:
Thân Phật kim sắc, sao chân ngài lại có sắc khác?
A-nan đáp: Trước đây có một bà già, tiếc thương đức Như Lai, tiến tới lấy tay vỗ vào chân Phật, để rơi nước mắt trên chân Ngài cho nên có màu sắc khác như thế. Nghe xong, Ca-diếp lại không vui, liền hướng tới hỏa đàn đảnh lễ kim thân Phật. Bốn bộ chúng và chư thiên trên không trung cũng đồng thời tác lễ. Chân Phật bỗng không hiện nữa…
Đại Ca-diếp oai đức lớn lao và đủ bốn biện tài, vừa đọc xong bài kệ trên, thì hỏa đàn không đốt mà tự nhiên bừng cháy. Chúng Mạt-la bảo nhau:
Ngọn lửa cháy mạnh quá khó ngăn, e cháy tiêu hết xá-lợi! Hãy tìm đâu lấy nước dập tắt.
Lúc đó có vị thần cây song thọ đang đứng bên giàn hỏa, vốn dốc lòng tin Phật, dùng thần lực làm tắt ngọn lửa. Chúng Mạt-la lại bảo nhau: Mười hai do-tuần chung quanh thành Câu-thi này có bao nhiêu hoa thơm hái hết, đem về dâng cúng xá-lợi.
Rồi họ đi ra hai bên thành tìm các thứ hoa thơm đem về cúng dường xá-lợi của Thế Tôn.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 62. ĐỐI XỬ VỚI ÁC TỲ KHEO
Bấy giờ A-nan quỳ xuống, chắp tay bạch Phật:
Tỳ-kheo Xiển-nộ thô lỗ, tự chuyên, sau khi Phật diệt độ, phải đối xử thế nào?
Phật dạy: Sau khi Ta diệt độ, nếu Tỳ-kheo Xiển-nộ không tuân oai nghi, không chịu nghe giáo huấn, các ông hãy cùng xử trị theo phép phạm-đàn là truyền hết các Tỳ-kheo không ai được cùng nói chuyện, cùng tới lui, chỉ bảo, giúp đỡ.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 63. ĐỐI XỨ VỚI NỮ NHÂN
A-nan bạch Phật: Sau khi Phật diệt độ, các hạng nữ nhân đến thọ giáo huấn cần được đối xử như thế nào?
Phật dạy: Đừng gặp họ.
Hỏi: Giả sử phải gặp thì làm sao?
Đáp: Chớ cùng nói chuyện.
Hỏi: Giả sử phải cùng nói chuyện thì làm sao?
Đáp: Hãy tự thu nhiếp tâm ý.
Này A-nan, ngươi chớ nghĩ sau khi Ta diệt độ, các ngươi mất chỗ nương tựa, không ai che chở. Chớ có quan niệm như vậy. Nên biết những kinh và giới mà Ta đã dạy từ khi thành đạo đến nay là chỗ nương tựa, che chở các ngươi đó!
Này A-nan, từ nay trở đi, cho phép các Tỳ-kheo tùy nghi bỏ các giới cấm nhỏ nhặt. Kẻ trên, người dưới xưng hô nhau phải thuận lễ độ.
Đó là pháp kính thuận của người xuất gia.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 64. ĐỐI XỬ VỚI TÔI TỚ
Chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo: 1. Tùy khả năng mà sai sử. 2. Phải thời cho ăn uống. 3. Phải thời thưởng công lao. 4. Thuốc thang khi bệnh. 5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.
Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ: 1. Dậy sớm. 2. Làm việc chu đáo. 3. Không gian cắp. 4. Làm việc có lớp lang. 5. Bảo tồn danh giá chủ.
Nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 65. ĐỨC PHẬT AN ỦI VÀ TÁN THÁN CÔNG ĐỨC A-NAN
Bấy giờ, A-nan đứng hầu sau Phật, không tự ngăn nổi bi cảm nên vỗ giường than khóc, rằng:
Như Lai diệt độ sao mà vội thế! Thế Tôn diệt độ sao mà vội thế! Đại pháp chìm lặng làm sao nhanh quá! Con mắt thế gian diệt mất thì chúng sanh suy đọa lâu dài! Ta nhờ ơn Phật xuất gia nay chỉ mới được lên bậc học địa, tu nghiệp chưa thành mà Như Lai đã diệt độ!
Khi ấy đức Thế Tôn dù biết mà cố hỏi: Tỳ-kheo A-nan đâu rồi?
Các Tỳ-kheo bạch Phật: Tỳ-kheo A-nan đang ở sau Phật, không tự ngăn nổi bi cảm nên vỗ giường than khóc, rằng: ‘Như Lai diệt độ sao mà vội thế! Đại pháp chìm lặng làm sao mau quá! Con mắt thế gian diệt mất thì chúng sanh suy đọa lâu dài! Ta nhờ ơn Phật xuất gia nay chỉ mới được lên bậc học địa, tu nghiệp chưa thành mà Như Lai đã diệt độ!’
Phật bảo A-nan: Thôi thôi, chớ có buồn phiền than khóc. Từ trước đến nay ngươi hầu hạ Ta với cử chỉ từ hòa, ngôn ngữ kính ái và tâm niệm hoan hỷ thủy chung như một, không sao xiết kể. Ấy là ngươi đã cúng dường Ta, công đức rất lớn. Nếu có sự cúng dường nào của chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn và Bà-la-môn cũng không sao sánh bằng được. Ngươi hãy siêng năng lên, ngày thành đạo của ngươi không lâu nữa!
Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Này các Tỳ-kheo! Đệ tử hầu hạ chư Phật quá khứ cũng chỉ như A-nan. Đệ tử hầu hạ chư Phật vị lai cũng chỉ như A-nan. Nhưng đệ tử hầu hạ của chư Phật quá khứ, Phật có dạy mới biết. Còn A-nan nay, Ta vừa đưa mắt là đã biết Như Lai cần muốn gì. Đó là điều hy hữu của A-nan, các ông nhớ lấy.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 66. ĐỨC PHẬT KHÔNG TRẢ LỜI VỀ NHỮNG CÂU HỎI TRỪU TƯỢNG
Phật nói với Phạm chí: Thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải có tận cùng không phải không có tận cùng: là những câu hỏi Ta không trả lời.
Phạm chí bạch Phật: Cù Đàm, vì sao không trả lời, Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải có tận cùng không phải không có tận cùng?
Phật nói: Vì chúng không phù hợp ý nghĩa, không phù hợp pháp, không phải phạm hạnh, không phải vô dục, không phải vô vi, không phải tịch diệt, không phải chỉ tức, không phải chánh giác, không phải Sa-môn, không phải Nê-hoàn. Vì vậy Ta không trả lời.
Ta trả lời về khổ đế, về khổ tập, khổ diệt, khổ xuất yếu đế. Vì sao vậy? Vì phù hợp nghĩa, phù hợp pháp, là phạm hạnh sơ thủ, là vô dục, vô vi, tịch diệt, chỉ tức, chánh giác, Sa-môn, Nê-hoàn. Vì vậy Ta trả lời.
(Trường A Hàm, Kinh Bố Tra Bà Lâu, số 28)
- 67. DƯỚI CÁC GỐC CÂY CHỨNG NGỘ
Đức Phật Tỳ-bà-thi ngồi dưới cây ba-ba-la chứng thành bậc Tối chánh giác. Phật Thi-khí ngồi dưới cây phân-đà-lỵ, thành bậc Tối chánh giác. Phật Tỳ-xá-bà ngồi dưới cây sa-la thành bậc Tối chánh giác. Phật Câu-lâu-tôn ngồi dưới cây thi-lị-sa thành bậc chánh giác. Phật Câu-na-hàm ngồi dưới cây ô-tạm-bà-la thành bậc chánh giác. Phật Ca-diếp ngồi dưới cây ni-câu-luật thành bậc chánh giác.
Ta nay, Như Lai, Chí chân, ngồi dưới cây bát-đa thành bậc Chánh giác.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 68. GIÁO GIỚI THẦN TÚC
Thế nào là giáo giới thần túc?
Này con trai trưởng giả, nếu Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên, Người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng thuyết cho người khác, với lời khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, nghĩa vị thanh tịnh, phạm hạnh đầy đủ. Nếu có trưởng giả hoặc cư sĩ, sau khi nghe, ở trong đó phát sanh tín tâm. Khi đã có tín tâm, vị ấy ở trong đó quán sát, suy nghĩ rằng: ‘Ta không nên sống tại gia. Nếu sống tại gia, trói buộc liên miên, không thể thanh tịnh tu hành phạm hạnh.
Nay ta hãy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, đủ các công đức, cho đến thành tựu ba minh, diệt trừ những sự tối tăm, phát sanh ánh sáng đại trí. Vì sao vậy? Ấy là do tinh cần, ưa sống một mình chỗ thanh vắng, chuyên niệm không quên, mà được vậy. Này con trai trưởng giả, đó là giáo giới thần túc mà Tỳ-kheo của Ta thị hiện vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Kiên Cố, số 24)
- 69. GIỮ GIỚI CÓ NĂM CÔNG ĐỨC
1. Cầu gì đều được như nguyện.
2. Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút.
3. Ở đâu cũng được mọi người kính mến.
4. Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ.
5. Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 70. GIỮA HAI CÂY SA LA SONG THỌ
Bấy giờ, Thế Tôn vào thành Câu-thi, đi về phía Bản sanh xứ, giữa khu rừng song thọ của dòng họ Mạt-la, và bảo A-nan:
Ngươi hãy sửa chỗ ở giữa cây song thọ cho Ta nằm, đầu xây hướng Bắc, mặt xây hướng Tây. Sở dĩ như thế, vì giáo pháp của Ta sẽ lưu truyền lâu dài ở phương Bắc.
A-nan đáp: Vâng. Rồi dọn chỗ, cho đầu xây về phương Bắc. Rồi Thế Tôn tự mình lấy y tăng-già-lê gấp làm tư, đắp lên mình, nằm nghiêng hông tay mặt như sư tử chúa, hai chân chồng lên nhau. Lúc đó giữa đám cây song thọ có các quỉ thần vốn dốc lòng tin Phật, lấy các thứ hoa sái mùa rải khắp mặt đất. Phật bảo A-nan rằng:
Vị thần cây song thọ ấy lấy hoa sái mùa cúng dường cho Ta như thế, chưa phải cúng dường Như Lai.
A-nan thưa: Sao mới là cúng dường Như Lai?
Phật dạy: Người nào biết lãnh thọ và thật hành đúng Chánh pháp, mới là người cúng dường Như Lai.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 71. HAI DUYÊN CỚ KHIẾN SẮC DIỆN ĐỨC PHẬT KHÁC THƯỜNG
Lúc đó Phúc-quý đang khoác hai tấm vải màu vàng, trị giá cả trăm ngàn, rời chỗ ngồi đứng dậy, rồi quỳ xuống, chắp tay bạch Phật:
Nay con đem tấm vải này dâng Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nạp thọ.
Phật bảo Phúc-quý: Ngươi để một tấm cho Ta và một tấm cho A-nan.
Phúc-quý đi chưa bao lâu, A-nan liền đem tấm vải vàng của mình dâng Phật. Phật do tâm từ mẫn nhận lãnh và khoác lên trên mình. Bấy giờ, đức Thế Tôn hiện ra một dung mạo thung dung, oai quang hớn hở, các căn thanh tịnh, sắc diện tươi vui.
A-nan trông thấy, âm thầm suy nghĩ: Ta được hầu gần Phật hai mươi lăm năm nay chưa khi nào thấy Phật có một sắc diện tươi sáng như ngày nay. Bèn đứng dậy, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hỏi Phật:
Từ khi con được hầu Phật, đã hai mươi lăm năm nay, chưa từng thấy sắc diện Phật như hôm nay. Chẳng hiểu do duyên gì? Con mong nghe được ý Phật.
Phật bảo A-nan: Có hai duyên cớ mà sắc diện Như Lai tươi sáng khác lúc bình thường: một là lúc Phật mới thành ngôi chánh giác, hai là lúc Phật xả bỏ thọ mệnh sắp vào Niết-bàn. A-nan, do hai duyên ấy mà sắc diện khác thường.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 72. HAI NHẬP XỨ
Thế nào là hai nhập xứ? Vô tưởng nhập và phi tưởng phi vô tưởng nhập.
A-nan, đó là hai nhập xứ mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’
Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết hai nhập xứ, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, số 13)
- 73. HAI PHÁP
1) Hai pháp: danh và sắc; si và ái; hữu kiến và vô kiến; không biết tàm và không biết quí.
2) Hai pháp tàm và quí; tận trí và vô sanh trí.
3) Hai nhân duyên sanh ra ái dục: sắc tịnh diệu và không tư duy.
4) Hai nhân duyên sanh nơi sân nhuế: thù ghét và không tư duy.
5) Hai nhân duyên sanh nơi tà kiến: nghe từ người khác và tà tư duy.
6) Hai nhân duyên sanh nơi chánh kiến: nghe từ người khác và chánh tư duy.
7) Hai nhân duyên giải thoát: giải thoát hữu học và giải thoát vô học.
8) Hai nhân duyên về giới: hữu vi giới và vô vi giới.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 74. HAI PHÁP BA TỤ
1) Thế nào là hai pháp dẫn đến ác thú? Hủy giới và phá kiến.
2) Thế nào là hai pháp dẫn đến thiện thú? Có đủ giới và có đủ kiến.
3) Thế nào là hai pháp dẫn đến Niết-bàn? chỉ và quán.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 75. HAI PHÁP HIỀN THÁNH
Phàm người xuất gia nên hành hai pháp: sự im lặng của Hiền Thánh và giảng luận pháp ngữ.
Các thầy tập trung tại giảng đường cũng nên hành sự im lặng của hiền thánh hoặc giảng luận chánh pháp.
(Trường A Hàm, Kinh Châu Diêm Phù Đề, số 30)
- 76. HAI PHÁP TĂNG NHẤT
1) Thế nào là hai thành pháp? Biết tàm và biết quí.
2) Thế nào là hai tu pháp? Chỉ và quán.
3) Thế nào là hai giác pháp? Danh và sắc.
4) Thế nào là hai diệt pháp? Vô minh và ái.
5) Thế nào là hai thối pháp? Hủy giới và phá kiến.
6) Thế nào là hai tăng pháp? Có giới và có kiến.
7) Thế nào là hai nan giải pháp? Có nhân duyên khiến chúng sanh sanh cáu bẩn và có nhân duyên khiến chúng sanh đắc tịnh.
8) Thế nào là hai sanh pháp? Tận trí và vô sanh trí.
9) Thế nào là hai tri pháp? Thị xứ và phi xứ.
10) Thế nào là hai chứng pháp? Minh và giải thoát.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 77. HÃY NÊU NGHI VẤN TRƯỚC KHI PHẬT NHẬP DIỆT
Này các Tỳ-kheo, đối với Phật, Pháp và chúng Tăng, đối với Chánh đạo, các ông có điều gì hoài nghi nữa không, nên kịp thời hỏi han để sau khỏi hối hận ăn năn. Kịp lúc Ta còn, Ta sẽ giảng thuyết cho các ngươi.
Các Tỳ-kheo cũng vẫn lặng thinh. A-nan bạch Phật:
Con tin rằng đại chúng ở đây ai nấy đều đã có lòng tin thanh tịnh, không một ai còn hoài nghi về Phật, Pháp, Tăng và Chánh đạo nữa.
Phật dạy: A-nan, Ta cũng biết trong chúng này dù một vị Tỳ-kheo nhỏ nhất cũng thấy được dấu đạo, không còn đọa vào đường ác, chỉ trải qua bảy lần sanh lại cõi Dục này để tu hành là dứt hết thống khổ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền thọ ký cho một ngàn hai trăm đệ tử đã được đạo quả.
Rồi Thế Tôn khoác lên uất-đa-la-tăng để lộ cánh tay sắc màu vàng ròng, bảo với các Tỳ-kheo:
Các ngươi hãy quán sát rằng, Như Lai mỗi khi xuất thế, như hoa ưu-đàm-bát lâu lắm mới hiện một lần.
Tay phải màu tử kim
Phật hiện như linh thụy
Hành sinh diệt vô thường
Hiện diệt, chớ buông lung.
Thế nên các Tỳ-kheo chớ có buông lung. Ta chính nhờ không buông lung mà được thành Chánh giác. Vô lượng điều lành toàn nhờ không buông lung mà có được. Hết thảy vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của Như Lai.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 78. HÓA ĐỘ LÕA THỂ PHẠM CHÍ
Phật lại nói với Lõa thể Ca-diệp:
Ta ở tại Duyệt-kỳ, trong hang Thất diệp trên Cao sơn, đã từng giảng về khổ hạnh thanh tịnh cho Phạm chí Ni-câu-đà. Khi ấy Phạm chí sanh tâm hoan hỷ, được tín tâm thanh tịnh; cúng dường Ta, xưng tán Ta, cúng dường, tán thán Ta một cách tối thượng.
Ca-diệp bạch: Thưa Cù-đàm, ai đối với Cù-đàm mà không phát sanh hoan hỷ, tịnh tín, cúng dường, xưng tán một cách tối thượng? Tôi nay đối Cù-đàm cũng phát sanh hoan hỷ, tịnh tín, cúng dường, xưng tán một cách tối thượng. Tôi quy y Cù-đàm.
Phật nói: Những gì là giới trong thế gian, không có giới nào sánh bằng tăng thượng giới này, huống hồ muốn nói hơn. Những gì là tam-muội, trí tuệ, giải thoát kiến, giải thoát tuệ , không có cái gì sánh ngang với tăng thượng tam-muội, trí tuệ, giải thoát kiến, giải thoát tuệ; huống hồ muốn nói là hơn.
Này Ca-diệp, được nói là sư tử, là chỉ cho Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác. Như Lai, khi ở giữa đại chúng tuyên bố chánh pháp một cách rộng rãi, tự tại, vô úy. Do đó được gọi là sư tử.
Thế nào, Như Lai khi rống tiếng sư tử, lúc ấy không dũng mãnh sao? Chớ nghĩ như vậy. Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh.
Ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh, nhưng không thể thuyết pháp chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh và thuyết pháp một cách thiện xảo.
Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, rồi cứu cánh phạm hạnh, đến chỗ an nổn, vô dư Niết-bàn.
Bấy giờ, Ca-diệp bạch: Thế nào, thưa Cù-đàm, tôi có thể xuất gia thọ cụ giới trong pháp này được chăng?
Phật bảo: Nếu dị học muốn đến xuất gia tu đạo trong giáo pháp của Ta, phải lưu bốn tháng quán sát, làm hài lòng chúng tăng, sau đó mới có thể xuất gia thọ giới. Ca-diệp, tuy có pháp như vậy, nhưng cũng xét theo người.
Rồi thì, Ca-diệp xuất gia thọ giới chưa bao lâu, bằng tín tâm, tu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong đời này mà tự thân chứng ngộ: sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã đứng vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa; tức thời thành A-la-hán.
(Trường A Hàm, Kinh Lõa Thể Phạm Chí, số 25)
- 79. HƯỞNG PHƯỚC BÁU
Vua Đại Thiện Kiến thầm nghĩ: ‘Ta sẵn chứa công đức gì, tu được điều lành gì mà nay được quả báo đẹp đẽ như thế?’ Vua lại nhớ rằng nhờ ba nhân duyên mà gây được phúc báo đó. Ba nhân duyên ấy là gì? Một là bố thí, hai là trì giới, ba là thiền tứ.
Vua lại suy nghĩ: ‘Nay ta đã được thọ hưởng phúc báo nhân gian, ta hãy tiến tu thêm về phúc nghiệp cõi trời. Ta hãy tự hạn chế và bớt đi; lánh chỗ ồn ào; ẩn ở chỗ yên tĩnh để tu luyện đạo thuật.’
Rồi sắc lịnh cho cả trong ngoài từ nay miễn sự chầu hầu. Vua liền lên pháp điện, vào tòa lầu bằng vàng, ngồi trên giường ngự bằng bạc, tư duy tham dục là ác bất thiện. Với giác và quán, có hỷ và lạc phát sanh từ sự viễn ly, chứng đắc thiền thứ nhất.
Trừ giảm giác và quán, nội tín, hoan duyệt, nhiếp tâm chuyên nhất, không giác không quán, có hỷ và lạc do định sanh, chứng thiền thứ hai. Xả hỷ thủ hộ chuyên niệm không loạn, tự cảm biết thân lạc, điều mà Hiền Thánh mong cầu, cùng hành với hộ, niệm và lạc, chứng đắc thiền thứ ba. Xả bỏ khổ và lạc, trừ diệt ưu và hỷ từ trước, không khổ, không lạc, hộ và niệm thanh tịnh, chứng đắc thiền thứ tư.
Rồi Vua Thiện Kiến rời khỏi giường ngự bằng bạc, ra khỏi lầu vàng, đi đến lầu Đại chánh, ngồi trên giường lưu ly tu tập về từ tâm, rải lòng từ đầy khắp một phương này rồi đến một phương khác cũng vậy, trùm khắp, rộng lớn, không hai, không hạn lượng, trừ mọi sân hận, tâm không còn chút ganh ghét mà an vui tĩnh mặc, rồi tiếp tu về bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 80. KỆ 32 TƯỚNG ĐẠI NHÂN
Đứng vững chân mềm mại
Không dẫm đất, có dấu
Tướng nghìn căm trang nghiêm
Màu sắc rất tươi sáng.
Thân cao rộng ngay thẳng
Như cây ni câu loại
Như Lai, chưa từng có
Mã âm tàng ẩn kín.
Vàng báu trang nghiêm thân
Các tướng chói lẫn nhau
Tuy mồ hôi như thường
Song bụi đất không dính.
Như sắc trời mịn màng
Lọng trời tự nhiên che
Phạm âm, thân vàng tía
Như hoa vươn khỏi ao.
Vua bèn hỏi tướng sư
Tướng sư kính tâu vua
Ngợi khen tướng Bồ-tát
Sáng chói khắp toàn thân.
Các gân khớp tay chân
Trong ngoài đều hiện rõ
Thực vị thảy vi diệu
Thân ngay ngắn không vẹo.
Bánh xe hiện dưới chân
Tiếng nói như chim oanh
Tướng bắp đùi đầy đặn
Ấy do túc nghiệp thành.
Cùi chỏ tròn đầy đẹp
Mày mắt rất đoan nghiêm
Đấng sư tử giữa người
Có oai lực hơn hết.
Hai má đều đầy đặn
Nằm nghiêng như sư tử
Bốn mươi răng đều đặn
Dày khít không kẽ hở.
Tiếng Phạm âm ít có
Xa gần tùy duyên nghe
Đứng thẳng thân không nghiêng
Hai tay sờ đến gối.
Ngón tay đều, mềm mại
Đủ các tướng tôn quí
Mỗi chân lông một sợi
Màng lưới kẽ tay chân.
Nhục kế, mắt xanh biếc
Mắt trên dưới hai mí
Hai vai ngang, tròn, đầy
Đủ ba mươi hai tướng.
Gót chân không cao thấp
Đùi thon như đùi nai
Đấng Chí Tôn xuất hiện
Như voi bứt dây trói.
Độ chúng sanh thoát khổ
Khỏi sanh già bệnh chết
Ngài đem tâm đại bi
Truyền dạy bốn chân đế.
Diễn bày các pháp nghĩa
Được mọi người tôn quý.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 81. KHỔ HẠNH KHÔNG PHẢI LÀ PHÁP THANH TỊNH
Những điều sở hành của ông toàn là thấp hèn. Như việc:
Cởi bỏ y phục để trần truồng, hoặc lấy tay che,
Không nhận đồ ăn đựng trong cái ghè,
Không nhận đồ ăn đựng trong chậu,
Không nhận đồ ăn giữa hai bức vách,
Không nhận đồ ăn giữa hai người,
Không nhận đồ ăn giữa hai con dao,
Không nhận đồ ăn giữa hai cái chậu,
Không nhận đồ ăn từ gia đình đang ăn chung,
Không nhận đồ ăn từ nhà có thai,
Không nhận đồ ăn từ nhà được thấy có chó đứng trước cửa,
Không nhận đồ ăn từ nhà có nhiều ruồi,
Không nhận lời mời ăn,
Không nhận đồ ăn từ người nói đã có biết từ trước
Không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu,
Không ăn với hai chén bát, một bữa ăn, một lần nuốt cho đến bảy lần nuốt thì thôi, nhận thức ăn được thêm,
Không quá bảy lần thêm, hoặc mỗi ngày ăn một bữa, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày ăn một bữa, hoặc chỉ ăn rau, hoặc chỉ ăn cỏ lúa, hoặc chỉ uống nước cơm,
Chỉ ăn mè, hoặc ăn gạo lứt, hoặc ăn phân bò, hoặc ăn phân nai, hoặc ăn rễ, nhánh lá, trái, hột cây,
Ăn trái cây tự rụng, hoặc choàng áo, hoặc mặc áo cỏ cú, hoặc mặc vỏ cây, hoặc lấy cỏ quấn mình, hoặc mặc da nai, hoặc để đầu tóc,
Mang tấm lông bện, hoặc mặc áo vất ở gò mả, hoặc thường đưa tay lên, hoặc không ngồi giường chiếu, hoặc thường ngồi chồm hổm,
Hoặc cạo tóc chừa râu, hoặc nằm trên chông gai, hoặc nằm trên dưa quả,
Hoặc lõa hình nằm trên phân bò, hoặc một ngày tắm ba lần, hoặc một đêm tắm ba lần.
Tóm lại là lấy vô số chuyện khổ cực hành hạ xác thân. Tu những hạnh như thế, không thể gọi là thanh tịnh pháp.
(Trường A Hàm, Kinh Tán-đà-na, số 8)
- 82. KHỔ HẠNH KIÊN CỐ KHÔNG HOẠI
Người tu khổ hạnh mà tự mình không giết còn dạy người không giết, tự mình không trộm cắp còn dạy người không trộm cắp, tự mình không tà dâm còn dạy người không tà dâm, tự mình không nói dối còn dạy người không nói dối. Người ấy đem từ tâm rải khắp một phương, rồi các phương khác cũng vậy, từ tâm quảng đại, bình đẳng vô lượng, khắp cả thế gian, không chút oán kiết. Bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế.
Người khổ hạnh kia lại có thể biết được việc xảy ra vô số kiếp trước, hoặc một đời, hai đời cho đến vô số đời, quốc độ thành hoại hay kiếp số trước sau, đều thấy đều biết cả. Lại còn thấy biết mình từng sanh vào chủng tộc đó, tên tuổi như thế, ăn uống như thế, sống lâu như thế, chịu khổ chịu vui như thế, từ kia sanh đây, từ đây sanh kia như thế. Những việc từ vô số kiếp như thế đều nhớ cả.
Ấy gọi là khổ hạnh kiên cố không hoại của Phạm chí.
(Trường A Hàm, Kinh Tán-đà-na, số 8)
- 83. KHỔ HẠNH THÙ THẮNG BẬC NHẤT
Những người tu khổ hạnh mà tự mình không giết còn dạy người không giết, tự mình không trộm cắp còn dạy người không trộm cắp, tự mình không tà dâm còn dạy người không tà dâm, tự mình không nói dối còn dạy người không nói dối. Người ấy đem từ tâm rải khắp một phương, các phương khác cũng vậy, từ tâm rộng lớn, trùm khắp, vô nhị vô lượng, không có kết hận, cùng khắp thế gian. Bi, hỷ và xả tâm cũng như vậy.
Người khổ hạnh ấy tự biết sự việc vô số kiếp quá khứ về trước, một đời, hai đời, cho đến vô số đời, quốc độ, thành hoại, kiếp số chung thủy, thảy đều thấy hết biết hết. Lại tự mình thấy biết: Ta đã từng sanh vào chủng tánh kia, tên họ như vậy, ăn uống, thọ mạng như vậy, cảm nghiệm khổ lạc như vậy, từ đây sanh kia, từ kia sanh đây. Như thế, nhớ hết sự việc vô số kiếp. Vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh xem xét các loài chúng sanh chết đây sanh kia, nhan sắc đẹp xấu, chỗ hướng đến tốt hay xấu, tùy theo hành vi mà bị đọa lạc; thảy đều thấy hết biết hết.
Lại biết chúng sanh với thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện, phỉ báng Hiền Thánh, tà tín điên đảo, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào ba đường dữ. Hoặc có chúng sanh với thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, tu hạnh chánh tín, khi thân hoại mệnh chung được sinh vào cõi trời cõi người. Bằng thiên nhãn thanh tịnh xem thấy các chúng sanh có hành vi nào sinh tới chỗ nào, đều thấy biết hết.
Đó gọi là khổ hạnh thù thắng bậc nhất.
(Trường A Hàm, Kinh Tán-đà-na, số 8)
- 84. KHÔNG GIAN KHÔNG CÁCH TRỞ
Ban-giá-dực vâng lời chỉ giáo của Đế Thích, đi đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:
Thích Đề-hoàn Nhân và chư thiên Đao-lợi sai con đến thăm Thế Tôn, hỏi Ngài đi đứng có nhẹ nhàng không? Lui tới có khỏe mạnh không?
Thế Tôn trả lời: Mong Đế Thích của ngươi và chư thiên Đao-lợi thọ mạng lâu dài, khoái lạc, không bịnh. Sở dĩ như vậy là vì chư Thiên, Người đời, A-tu-luân, và các chúng sanh khác đều ham sống lâu, an lạc, không bịnh hoạn.
Bấy giờ Đế Thích lại suy nghĩ: Chúng ta nên đến lễ viếng Thế Tôn. Tức thì cùng với chư thiên Đao-lợi đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên. Khi ấy, Đế Thích bạch Phật rằng:
Không biết nay con có thể ngồi cách Thế Tôn bao xa?
Phật bảo Đế Thích: Thiên chúng các ngươi nhiều. Nhưng ai gần Ta thì ngồi.
Khi ấy, hang động Nhân-đà-la mà Thế Tôn đang ở tự nhiên trở nên rộng rãi, không bị ngăn ngại.
(Trường A Hàm, Kinh Thích Đề Hoàn Nhân Vấn, số 14)
- 85. KHÔNG LÀM CHÍN VIỆC
Có Tỳ-kheo là lậu tận A-la-hán, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích của mình, đã dứt sạch các kết sử của hữu, với chánh trí đã giải thoát; vị ấy không làm chín việc. Những gì là chín?
1) Không giết. 2) Không lấy trộm.
3) Không dâm. 4) Không nói dối.
5) Không xả đạo. 6) Không bị dục chi phối.
6) Không bị sân chi phối. 8) Không bị sợ hãi chi phối.
9) Không bị nghi chi phối.
Ấy là vị lậu tận A-la-hán đã làm xong điều cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích của mình, đã dứt sạch kết sử của hữu, chánh trí giải thoát, xa lìa chín sự.
(Trường A Hàm, Kinh Thanh Tịnh, số 17)
- 86. KIẾP CUỐI CÙNG
Pháp hữu vi này là vô thường, biến dịch, chung qui hao mòn, hoại diệt. Tham dục không chán. Mạng người tiêu tán. Mê say ân ái không hề biết đủ. Chỉ người nào chứng đắc Thánh trí, thấy rõ đạo lý, mới biết đủ mà thôi.
Ta nhớ đã từng ở nơi này, Ta sáu lần tái sanh làm Chuyển luân Thánh vương và cuối cùng bỏ xác tại chỗ này. Nay Ta thành Vô thượng Chánh giác, lại cũng muốn xả bỏ tánh mạng, gởi thân tại đây. Từ nay về sau, Ta đã dứt tuyệt sanh tử, không còn có chỗ nào là nơi bỏ xác Ta nữa. Đây là kiếp cuối cùng. Ta không còn thọ sinh trở lại nữa.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 87. KIẾP ĐAO BINH
Người thế gian này vốn thọ bốn vạn tuổi. Sau đó giảm xuống, thọ hai vạn tuổi. Sau đó lại giảm nữa, thọ một vạn tuổi. Lần lượt giảm, thọ một ngàn năm, năm trăm năm, ba trăm năm, hai trăm năm. Như nay con người thọ một trăm tuổi, với số ít vượt quá, mà phần nhiều là dưới. Sau đó, tuổi thọ con người giảm dần xuống còn mười tuổi.
Khi đó, người nữ sinh ra chừng năm tháng là đi lấy chồng. Bấy giờ, các loại mỹ vị có được trong thế gian như bơ sữa, mật, đường thẻ, đường đen, những gì có vị ngon, tự nhiên biến mất; ngũ cốc không sinh sản, chỉ còn có loại lúa hoang mà thôi. Lúc này, các loại y phục cao cấp như gấm vóc, lụa là, kiếp bối, sô-ma, tất cả đều không còn nữa, mà chỉ còn có loại vải dệt thô sơ bằng cỏ. Bấy giờ, mặt đất này hoàn toàn chỉ sinh gai gốc, muỗi mòng, ong, bọ cạp, rắn, rết, trùng độc; còn vàng bạc, lưu ly, bảy báu, châu ngọc, tự nhiên chúng bị vùi vào đất hết, và chỉ có đá, cát, các thứ xấu xí là dẫy đầy. Lúc này chúng sanh chỉ làm mười điều ác càng ngày càng tăng, không còn nghe đến danh từ mười điều thiện, cho đến không có cả danh từ thiện, huống chi là có người làm việc thiện? Bấy giờ, trong loài người ai không có hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, hay làm việc ác thì được cúng dường, được mọi người cung kính hầu hạ. Cũng vậy ai hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, thường làm việc lành thì được cúng dường, được mọi người cung kính hầu hạ, thì người làm việc ác kia lại cũng được cúng dường như vậy.
Bây giờ, con người thân hoại mạng chung bị đọa vào trong súc sanh, cũng như con người hiện tại được sinh lên cõi trời. Lúc đó con người gặp nhau thường ôm lòng độc hại, chỉ muốn giết nhau; cũng giống như thợ săn gặp được đàn nai, chỉ muốn giết chúng, không có bất cứ một ý nghĩ thiện nào; con người lúc đó cũng như vậy, chỉ muốn giết nhau, không có một chút ý nghĩ thiện nào. Bấy giờ, mặt đất này chỉ là sông ngòi, khe suối, núi đồi, đất đống, không có chỗ đất nào bằng phẳng cả. Khi có người đi đến, tức thì kinh sợ, run rẩy, lông tóc dựng đứng.
Bấy giờ, trong vòng bảy ngày có sự nổi lên của kiếp đao kiếm. Lúc ấy, những thứ cỏ, cây, ngói, đá mà con người cầm trong tay đều biến thành đao kiếm; những thứ đao kiếm này rất bén nhọn, đụng đến vật gì thì vật đó đều sẽ bị cắt đứt. Chúng sát hại lẫn nhau. Trong lúc này có người có trí tuệ thấy đao binh sát hại nhau nên hoảng sợ tránh vào núi rừng, hang động, khe suối, những chỗ không người. Trốn tránh trong vòng bảy ngày, tâm nghĩ miệng tự nói: ‘Ta không hại người, người chớ hại ta.’
Trong vòng bảy ngày người này chỉ ăn rễ cây cỏ để tự nuôi sống mình. Qua bảy ngày, sau đó mới lại ra khỏi rừng núi. Lúc này, gặp được một người, vui mừng nói rằng: ‘Nay gặp được người còn sống! Nay gặp được người còn sống!’ Cũng giống như cha mẹ vì gặp lại một người con bị thất lạc lâu ngày không thấy nhau, nên vui mừng nhảy nhót mà không thể tự kiềm chế chính mình được, thì sự kiện người này cũng như vậy, vì sự vui mừng nên nhảy nhót mà không thể tự kiềm chế được cảm xúc vui nơi chính mình. Khi ấy thì người dân trong vòng bảy ngày chỉ có khóc lóc mà thôi; cũng trong vòng bảy ngày này họ lại cùng gặp vui nên vui vẻ chúc mừng nhau. Người lúc bấy giờ khi thân hoại mạng chung đều đọa vào địa ngục.
Vì sao? Vì con người ấy luôn luôn ôm lòng sân hận và phẫn nộ, họ chỉ có một tâm hại nhau mà thôi, vì không có tâm nhân từ nên gọi là kiếp đao binh.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 11.Ba Trung Kiếp, số 30)
- 88. KIẾP ĐÓI KÉM
Thế nào gọi là kiếp đói kém? Con người bấy giờ phần nhiều làm những việc phi pháp, tà kiến điên đảo, làm mười nghiệp ác. Vì làm mười nghiệp ác nên trời không mưa xuống, làm cho trăm thứ cỏ cây chết khô, ngũ cốc không thành, mà chỉ có gốc rạ mà thôi.
Thế nào gọi là đói kém? Vì lúc bấy giờ, người dân phải thu quét những hạt thóc còn rơi rớt lại các nơi như ruộng vườn, đường sá, đầu ngõ, và trong phân đất để tự sống còn, nên mới gọi là đói kém.
Lại nữa, lúc đói kém, người bấy giờ lượm nhặt xương cốt từ những nơi như lò sát sanh, chợ búa, các đường sá và các bãi tha ma, rồi nấu nước trấp mà uống, nhờ vậy mà họ sống, nên gọi là ‘đói xương trắng’.
‘Lại nữa, vào kiếp đói kém, ngũ cốc được gieo trồng đều biến thành cỏ cây. Con người lúc này lấy bông nấu nước trấp để uống. Lại nữa, vào thời đói kém, bông của các loài cây cỏ rụng phủ kín cả mặt đất, lúc ấy mọi người phải đào đất lấy bông để nấu ăn, nhờ vậy mà tự tồn tại, nên gọi là ‘đói cây cỏ’. Bấy giờ, chúng sanh thân hoại mạng chung đọa vào trong ngạ quỷ. Sao vậy? Vì những người sống trong kiếp đói kém này, thường ôm lòng tham lam keo bẩn, không có lòng bố thí nhân ái, không chịu chia xẻ cùng người, và không nhớ nghĩ đến những tai ách của người khác.
Đấy là kiếp đói kém.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 11.Ba Trung Kiếp, số 30)
- 89. KIẾP HỎA TAI
Sau khi bốn châu thiên hạ này,… cho đến Phạm thiên đều bị lửa đốt sạch, sau đó đại địa cùng Tu-di sơn không còn chút tro tàn nào hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
Sau khi đại địa bị lửa đốt cháy sạch rồi, thì nước ở bên dưới đất cũng hết; gió ở bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
Phật bảo Tỳ-kheo: Khi tai kiếp lửa khởi lên, thì trời không mưa xuống, trăm thứ lúa, cỏ, cây tự nhiên bị khô chết. Ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi! Cũng vậy, cho đến, nước ở bên dưới đất hết, gió ở bên dưới nước cũng hết; ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi!
Đó là tai kiếp lửa.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 9.Tam Tai, số 30)
- 90. KIẾP PHONG TAI
Thế nào là tai kiếp gió?
Khi tai kiếp gió bắt đầu khởi, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Khi tu tập hành vi thiện, thì có người đạt được đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh, họ ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo, và lớn tiếng xướng lên rằng: ‘Các hiền giả! Nên biết, sung sướng thay, đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Sung sướng thay, đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh!’ Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: ‘Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói về đạo của Tứ Thiền với xả và niệm thanh tịnh!’ Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tứ Thiền. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tứ Thiền, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quả thật thiên.
Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp đã mãn, thân hoại mạng chung, tái sinh vào nhơn gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tứ thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, tái sinh về Quả thật thiên. Còn những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương,… cho đến Biến tịnh thiên, sau khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh vào cõi nhơn gian; nếu cũng tu tập đạo của đệ Tứ thiền, khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh về Quả thật thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục được diệt tận, và súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương,… cho đến cõi Biến tịnh thiên cũng đều diệt tận.
Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt tận, sau đó súc sanh diệt tận; súc sanh diệt tận rồi, thì ngạ quỷ diệt tận; khi ngạ quỷ diệt tận rồi, thì A-tu-luân diệt tận; khi A-tu-luân diệt tận rồi, thì Tứ thiên vương diệt tận; khi Tứ thiên vương diệt tận rồi… như vậy lần lượt cho đến Biến tịnh thiên diệt tận; khi Biến tịnh thiên diệt tận rồi, thì sau đó, con người bị diệt tận không còn sót. Khi con người đã bị diệt tận không còn sót, thì thế gian này bị tan hoại, thế là hoàn thành tai kiếp.
Rất lâu, rất lâu sau đó, có gió lớn nổi lên, tên là đại tăng già,… cho đến Quả thật thiên. Gió lan khắp mọi nơi, thổi cung điện Biến tịnh thiên, Quang âm thiên, khiến cho các cung điện va chạm nhau tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.’
Sau đó, gió này thổi cung điện Phạm-ca-di thiên, Tha hóa tự tại thiên, các cung điện va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt thế gian.
Sau đó, gió này thổi cung điện Hóa tự tại thiên, Đâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, các cung điện này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn lại gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì những cung điện này va chạm nhau không còn gì hết cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.’
Sau đó, gió này thổi bốn thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương đem đặt giữa hư không, cao trăm nghìn do-tuần, những ngọn núi này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ tay cầm vỏ trấu nhẹ rải vào không trung, thì tứ châu thiên hạ, Tu-di, các núi này vỡ vụn, phân tán ra, cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
Sau đó, gió thổi đại địa; nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết. Cho nên phải biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
Phật bảo Tỳ-kheo: Khi hai cung điện Biến tịnh thiên và Quang âm thiên va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, ai là người có thể tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi. Như vậy cho đến nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết, ai là người sẽ tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi.
Đó là tai kiếp gió.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 9.Tam Tai, số 30)
- 91. KIẾP SƠ
Khi kiếp sơ, chúng sanh sau khi nếm vị đất, rồi tồn tại một thời gian lâu dài… Sau đó, chúng sanh cùng nhau lấy lúa tẻ tự nhiên này ăn, và thân thể chúng, trở nên thô xấu, có hình dáng nam nữ, nhìn ngắm nhau, sinh ra dục tưởng; họ cùng nhau tìm nơi vắng làm hành vi bất tịnh, các chúng sanh khác thấy than rằng: ‘Ôi, việc làm này quấy! Tại sao chúng sanh cùng nhau sinh ra chuyện này?’ Người nam làm việc bất tịnh kia, khi bị người khác quở trách, tự hối hận mà nói rằng: ‘Tôi đã làm quấy.’Rồi nó gieo mình xuống đất. Người nữ kia thấy người nam này vì hối lỗi mà gieo mình xuống đất, không đứng lên, liền đưa thức ăn đến. Chúng sanh khác thấy vậy, hỏi người nữ rằng: ‘Ngươi đem thức ăn này để cho ai?’ Đáp: ‘Chúng sanh hối lỗi kia đọa lạc thành kẻ làm điều bất thiện, tôi đưa thức ăn cho nó.’ Nhân lời nói này, nên thế gian liền có danh từ ‘người chồng bất thiện’, và vì việc đưa cơm cho chồng nên được gọi là vợ.
Sau đó, chúng sanh bèn làm chuyện dâm dật, pháp bất thiện tăng. Để tự che dấu, chúng tạo ra nhà cửa. Do vì nhân duyên này, bắt đầu có danh từ ‘nhà.’
Sau đó, sự dâm dật của chúng sanh càng ngày càng tăng, nhân đây đã trở thành chồng vợ. Có các chúng sanh khác, khi tuổi thọ hết, hành hết, phước hết, từ cõi trời Quang âm sau khi mạng chung lại sinh vào thế gian này, ở trong thai mẹ, nhân đây thế gian có danh từ ‘mang thai.’
Bấy giờ, trước tiên tạo thành Chiêm-bà, kế đến tạo thành Già-thi, Ba-la-nại, và tiếp theo là thành Vương xá Lúc mặt trời mọc thì bắt đầu kiến tạo, tức thì lúc mặt trời mọc hoàn thành. Do nhân duyên này nên thế gian liền có tên thành, quách, quận, ấp, là chỗ nhà vua cai trị.
Trong chúng sanh kia, chúng học tập các thứ nghề để tự mưu sống, nhân đây nên có chủng tánh cư sĩ và thủ-đà-la ở thế gian.
Trước đó trong thế gian đã có giòng họ Thích này xuất hiện rồi, sau đó mới có giòng Sa-môn. Trong giòng Sát-lợi có người tự tư duy: ‘Thế gian ân ái là ô uế, bất tịnh, đáng gì mà tham đắm?’ Rồi người ấy lìa bỏ gia đình, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục mà cầu đạo và nói: ‘Ta là Sa-môn! Ta là Sa-môn!’
Ở trong chúng Bà-la-môn, cư sĩ, thủ-đà-la, có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia cầu đạo. Vị ấy tu tập bảy giác ý. Vị ấy do lòng tin kiên cố mà xuất gia hành đạo, tu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong đời này mà tự thân tác chứng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững , những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
Trong bốn chủng tánh này, đều có thể thành tựu minh và hành, chứng đắc A-la-hán, là đệ nhất tối thượng.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 92. KIẾP TẬT DỊCH
Thế nào là kiếp tật dịch?
Người đời bấy giờ, tu hành chánh pháp, chánh kiến không điên đảo, đầy đủ thập thiện hành. Có quỷ thần thế giới phương khác đến, mà quỷ thần ở đây thì buông lung dâm loạn, không thể hộ vệ con người được. Quỷ thần thế giới khác xâm lấn, nhiễu loạn con người thế gian này, họ dùng tay đánh đập, dùng gậy quật ngã, rồi hút lấy tinh khí, khiến cho tâm người loạn lên, rồi cưỡng bức mang đi. Giống như quốc vương ra lệnh cho các tướng soái những thứ phải bảo vệ, nhưng giặc cướp ở phương khác đến xâm phạm quấy nhiễu, mà các tướng soái ở đây lại buông lung, nên nước nhà bị chúng cướp mất. Ở đây cũng vậy, những quỷ thần ở thế giới khác đến bắt giữ mọi người ở thế gian này, chúng đánh đập, quật ngã, rồi hút lấy tinh khí mọi người và cưỡng bức mang đi.
Phật bảo Tỳ-kheo: Giả sử quỷ thần ở thế gian này dù không buông lung dâm loạn, nhưng khi quỷ thần có sức mạnh lớn ở thế giới khác đến, thì quỷ thần ở thế gian này cũng phải sợ hãi mà đi trốn. Các đại quỷ thần kia bèn xâm lấn, quấy nhiễu người ở đây, đánh đập, quật ngã, hút lấy tinh khí, giết chết rồi bỏ đi. Giống như quốc vương, hay đại thần của quốc vương sai khiến các tướng soái bảo vệ nhơn dân; tuy tất cả các tướng lãnh này đều trong sạch thận trọng, không buông lung, nhưng khi các tướng soái mạnh bạo, có binh lính đông đảo kia lại đến khuấy phá thành ấp, làng xóm, mà cướp đoạt người vật. Thì ở đây lại cũng như vậy, nếu quỷ thần ở thế gian này dù không dám buông lung đi nữa, nhưng khi các quỷ thần có sức mạnh lớn ở thế giới khác đến, thì các quỷ thần thế gian này cũng sẽ sợ hãi tránh đi, và những hàng quỷ thần lớn mạnh kia sẽ xâm đoạt, nhiễu hại người thế gian này; đánh đập, quật ngã, hút lấy tinh khí và giết hại mọi người rồi bỏ đi.
Khi ấy, người dân trong kiếp tật dịch, sau khi thân hoại mạng chung đều sinh lên cõi trời. Vì sao? Vì con người lúc ấy đều hướng tâm từ bi đến nhau, thăm hỏi nhau: ‘Bệnh tật của bạn có giảm không? Thân thể có được an ổn không?’ Vì những nhân duyên này, nên họ được sinh lên cõi trời. Cho nên gọi là kiếp tật dịch.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 11.Ba Trung Kiếp, số 30)
- 93. KIẾP THỦY TAI
Khi tai kiếp nước bắt đầu, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Sau khi tu tập thiện hành, có người đạt được đệ tam thiền không có hỷ, thân họ có thể cất lên ở giữa hư không, an trụ Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo, và lớn tiếng xướng lên rằng: ‘Các hiền giả! Sung sướng thay, đệ tam thiền không có hỷ!’ Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: ‘Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của Tam thiền không có hỷ.’ Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tam thiền không có hỷ. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tam thiền không có hỷ, nên khi thân hoại mạng chung họ được sinh về Biến tịnh thiên.
Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp của họ đã mãn, thân hoại mạng chung tái sinh vào nhơn gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tam thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, được sinh về Biến tịnh thiên. Những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm thiên, Quang âm thiên sau khi thân hoại mạng chung cũng tái sinh vào cõi nhơn gian; nếu họ cũng tu tập đạo của đệ tam Thiền, khi thân hoại mạng chung họ cũng sẽ được sinh về Biến tịnh thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục bị diệt tận, và súc sanh, ngạ quỷ, A tu luân, Tứ thiên vương,… cho đến cõi Quang âm thiên cũng đều diệt tận. Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục biến mất, sau đó súc sanh biến mất; súc sanh biến mất rồi, thì ngạ quỷ biến mất; ngạ quỷ biến mất rồi, thì A-tu-luân biến mất; khi A-tu-luân biến mất rồi, thì Tứ thiên vương biến mất; khi Tứ thiên vương biến mất rồi, thì Đao-lợi thiên biến mất, khi Đao-lợi thiên biến mất rồi, thì Diệm-ma thiên biến mất; Diệm-ma thiên biến mất rồi, thì Đâu-suất thiên biến mất; khi Đâu-suất thiên biến mất rồi, thì Hóa tự tại thiên biến mất; khi Hóa tự tại thiên biến mất rồi, thì Tha hóa tự tại thiên biến mất; khi Tha hóa tự tại thiên biến mất rồi, thì Phạm thiên biến mất; khi Phạm thiên biến mất rồi, thì Quang âm thiên biến mất; khi Quang âm thiên biến mất, sau đó thì loài người hoàn toàn biến mất. Sau khi loài người hoàn toàn biến mất, thế gian này hủy diệt. Như thế là hoàn thành tai kiếp.
Rất lâu sau đó, rất lâu, có đám mây đen lớn bạo khởi, trên cho đến Biến tịnh thiên, mưa khắp mọi nơi, mưa xuống hoàn toàn là nước nóng. Thứ nước này sôi sục, đun nấu thiên hạ, làm cho các cung điện cõi trời thảy đều bị tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như đặt chất béo váng sữa vào trong lửa, đều bị chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì cung điện Quang âm thiên cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
Sau đó, mưa này lại xâm phạm đến cung điện cõi trời Phạm-ca-di, cũng đun chảy tiêu hết, không sót thứ gì, giống như béo sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì cung điện Phạm-ca-di lại cũng như vậy.
Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến các cung điện Tha hóa tự tại thiên, Hóa tự tại thiên, Đâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, cũng bị đun chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như béo sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì các cung điện chư thiên lại cũng như vậy.
Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương cũng đều bị đun nấu tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như béo sữa đem đặt vào trong lửa, đều bị nung chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì những thứ này lại cũng như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
Sau đó, nước này đã đun nấu đại địa không còn sót gì nữa rồi, thì nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.
Phật bảo Tỳ-kheo: Sự nung chảy, tiên tận ngang đến cung điện Biến tịnh thiên này, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy mới có thể biết mà thôi!
Từ cung điện Phạm-ca-di bị nung chảy tiêu hết… cho đến, nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy, mới có thể biết mà thôi!
Đó là tai họa do nước.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 9.Tam Tai, số 30)
- 94. KINH SA MÔN QUẢ
Vua A-xà-thế sai triệu Thọ Mạng đồng tử đến hỏi: Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?
Thọ Mạng đồng tử tâu: Có Phật, Thế Tôn, nay đang ở trong vườn xoài của tôi. Đại vương nên đến đó thăm hỏi. Nếu Đại vương gặp Phật, tâm tất khai ngộ.
Vua bèn sắc lệnh: Hãy thắng kiệu con voi báu mà ta thường cỡi, cùng với năm trăm thớt voi trắng.
Kỳ Cựu vâng lệnh, cho trang nghiêm con voi của vua cùng với năm trăm thớt voi xong, tâu vua rằng:
Xa giá đã trang nghiêm. Xin Đại vương biết thời.
A-xà-thế tự mình cỡi voi báu; cho năm trăm phu nhân cỡi năm trăm voi cái, tay mỗi người đều cầm một bó đuốc, thể hiện uy nghi của vua, ra khỏi La-duyệt-kỳ, chậm rãi tiến đi trên con đường hướng đến chỗ Phật. Vua bảo:
Ngươi nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.
Thọ Mạng tâu: Đại vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh.
Rồi thì, tiến tới một quãng ngắn, vua lại bảo Thọ Mạng:
Ngươi nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.
Vua nói ba lần như vậy.
Vì sao? Kia có một ngàn hai trăm năm mươi người, nhưng lại vắng lặng không tiếng động. Hẳn là có âm mưu rồi.
Thọ Mạng ba lần tâu:
Đại vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh. Vì sao? Sa-môn kia theo pháp thường ưa sự thanh vắng, do đó không có tiếng động. Đại vương cứ tiến tới. Khu vườn đã xuất hiện.
Vua A-xà-thế đi đến cổng vườn, xuống voi, giải kiếm, cất lọng, dẹp bỏ năm thứ uy nghi, bước vào cổng vườn, nói với Thọ Mạng: Phật, Thế Tôn đang ở đâu?
Thọ Mạng trả lời: Đại vương, Phật đang ở trên cao đường kia, phía trước Ngài có ngọn đèn. Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, mặt hướng về phía Nam. Đại vương đi tới một chút, tự mình gặp Thế Tôn.
Bấy giờ, A-xà-thế đi đến chỗ giảng đường, rửa chân ở bên ngoài, sau đó mới bước lên giảng đường, im lặng nhìn bốn phía, sanh tâm hoan hỷ, miệng tự phát lên lời:
Nay các Sa-môn yên tĩnh lặng thinh, đầy đủ chỉ quán. Mong sao Thái tử Ưu-đà-di của tôi cũng chỉ quán thành tựu, như thế này không khác.
Khi ấy, Phật nói với vua A-xà-thế:
Đại vương nghĩ đến con, nên từ miệng mình phát ra lời: ‘Mong sao Thái tử Ưu-đà-di cũng chỉ quán thành tựu như vậy không khác.’ Đại vương hãy ngồi phía trước đó.
A-xà-thế bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Phật rằng:
Nay có điều muốn hỏi, nếu Ngài có rảnh, tôi mới dám hỏi.
Phật nói: Đại vương, có điều gì muốn hỏi, xin cứ hỏi.
A-xà-thế bạch Phật: Thế Tôn, như nay người cỡi voi, xe ngựa, tập luyện đao, mâu, kiếm, cung tên, binh khí, phép chiến đấu; vương tử, lực sĩ, đại lực sĩ, tôi tớ, thợ da, thợ hớt tóc, thợ bện tóc, thợ đóng xe, thợ gốm, thợ đan, thợ dệt cói; mỗi người đều sinh sống bằng các kỹ thuật khác nhau, tự mình hưởng thụ dục lạc; và cùng với cha, mẹ, vợ con, nô bộc vui hưởng lạc thú. Các nghề nghiệp như vậy đều có quả báo hiện tại. Nay các Sa-môn hiện tại tu hành, được những quả báo hiện tại là gì?
Phật nói với vua A-xà-thế:
Đại vương đã từng đến các Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi ý nghĩa như vậy chưa?
Vua bạch Phật: Tôi đã từng đi đến các Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi ý nghĩa như vậy.
Nhớ lại, một thời tôi đến Bất-lan Ca-diệp, hỏi rằng: ‘như người cỡi voi, xe ngựa, tập luyện binh pháp … cho đến, bằng các sự mưu sinh khác nhau, hiện tại có quả báo. Nay chúng đây hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?’ Bất-lan Ca-diệp kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương nếu tự mình làm. Hay sai bảo người khác làm. Chặt, bửa, tàn hại, nấu, nướng, cắt, xẻ, não loạn chúng sanh, khiến cho sầu ưu, than khóc; sát sanh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ, trèo tường cướp bóc, phóng lửa thiêu đốt, chận đường làm chuyện ác. Đại vương, hành động như vậy không phải là ác. Đại vương, nếu lấy kiếm bén mà lóc thịt chúng sanh, làm thành một đống thịt, ngập tràn cả thế gian; đó không phải là sự ác, cũng không tội báo. Ở bờ Nam sông Hằng, lóc thịt chúng sanh, cũng không có ác báo. Ở phía Bắc sông Hằng, thiết hội bố thí lớn, bố thí tất cả chúng sanh, lợi cho tất cả mọi người, cũng không có quả báo của tội phước’.
Rồi vua bạch Phật:
Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời tôi là không có tội phước. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lợi, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi. ’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.…
Thế Tôn, hôm nay tôi đến đây để hỏi ý nghĩa như vầy: như người cỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây Sa-môn hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?
Phật nói với vua A-xà-thế:
Nay Ta trở lại hỏi Đại vương, xin tùy ý trả lời. Thế nào, Đại vương, có đồng bộc của Đại vương, người làm các công việc trong và ngoài, đều thấy Đại vương vào ngày rằm, lúc trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng thụ dục lạc với các thể nữ, bèn suy nghĩ như vầy: ‘Lạ thay, quả báo của hành vi đến như thế sao? Vua A-xà-thế này vào ngày rằm, lúc trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng thụ dục lạc với các thể nữ. Ai có thể biết được đấy lại là quả báo của hành vi?’ Người kia, một thời gian sau, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, thực hành pháp bình đẳng. Thế nào, Đại vương, Đại vương từ xa thấy người ấy đi đến, há có khởi lên ý nghĩ rằng: Đấy là nô bộc của ta?
Vua bạch Phật: Không, bạch Thế Tôn. Nếu thấy người ấy đến, phải đứng dậy nghinh đón, mời ngồi.
Phật nói: Đó không phải là Sa-môn được quả báo hiện tại sao?
Vua đáp: Đúng như vậy, Thế Tôn, đó là hiện tại được quả báo Sa-môn vậy…
Lại nữa, Đại vương, Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, vào trong pháp Ta, cho đến tam minh, diệt trừ các tối tăm, phát sanh ánh sáng đại trí, gọi là lậu tận trí chứng. Vì sao? Ấy là do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Thế nào, Đại vương, đó không phải là quả báo hiện tại của Sa-môn sao?
Vua đáp: Thật vậy, Thế Tôn, đó thật là quả báo hiện tại của Sa-môn.
Bấy giờ, vua A-xà-thế rời chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ chân Phật, bạch Phật rằng:
Cúi mong Thế Tôn nhận sự hối hận của con. Con vì cuồng, ngu si, tối tăm, không nhận thức. Cha con là Bình-sa vương, vua nước Ma-kiệt-đà, cai trị bằng chánh pháp, không có thiên vạy. Nhưng con bị ngũ dục mê hoặc, thật sự đã hại phụ vương. Cúi mong Thế Tôn rũ lòng thương xót, nhận sự sám hối của con.
Phật bảo vua: Ngươi ngu si, không nhận thức. Nhưng đã tự mình hối cải. Ngươi vì mê say ngũ dục mà hại phụ vương. Nay trong pháp Hiền Thánh mà biết hối cải, tức là tự làm ích lợi cho mình. Ta vì thương tưởng ngươi, nhận sự sám hối của ngươi.
Bấy giờ, vua A-xà-thế sau khi lễ Phật, được Phật giảng pháp cho nghe, được chỉ bày, khuyến khích, làm cho ích lợi, hoan hỷ. Sau khi nghe những điều Phật dạy, vua liền bạch Phật:
Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin chấp nhận con là ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, suốt đời không giết, không trộm, không dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng đại chúng sáng ngày mai nhận lời thỉnh của con.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi thì, vua thấy Phật im lặng nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, đi quanh ba vòng sau đó cáo lui.
Vua đi chưa bao lâu, Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:
Vua A-xà-thế này, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội. Nếu A-xà-thế không giết cha, thì ngay tại chỗ này đã được con mắt thanh tịnh thấy pháp. Nhưng vua A-xà-thế nay đã hối lỗi, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội.
Bấy giờ, A-xà-thế, đang trên đường đi, gọi Thọ Mạng Đồng tử bảo rằng:
Lành thay, lành thay! Ngươi nay làm được nhiều điều lợi ích cho ta. Ngươi trước đã tán thán Như Lai, chỉ dẫn, khơi mở, sau đó đưa ta đến gặp Thế Tôn, nhờ thế ta được khai ngộ. Ta rất cám ơn ngươi, trọn không bao giờ quên.
(Trường A Hàm, Kinh Sa Môn Quả, số 27)
- 95. KINH TAM MINH
Phật nói: Bà-tất-tra, năm dục khiết tịnh, rất đáng yêu thích. Những gì là năm? Mắt thấy sắc, rất đáng yêu thích. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, rất đáng yêu thích, ở trong pháp Hiền Thánh của Ta, được gọi là dính mắc, là trói buộc, là xiềng xích. Bà-la-môn thông tam minh kia bị nhiễm bởi năm dục, ái dục dính chặt, nhưng không thấy lỗi lầm, không biết lối xuất yếu. Kia đã bị năm dục trói buộc, giả sử có phụng sự nhật, nguyệt, thủy, hỏa, và xướng lên rằng: ‘Xin tiếp đỡ tôi sanh lên Phạm thiên.’ Không có trường hợp ấy. Ví như con sông A-di-la, có mức nước ngang bờ. Có người ở bờ bên này, mình bị quấn chặt, kêu suông bờ bên kia rằng: ‘Lại đây, đưa tôi sang.’ Bờ kia có đến đưa người ấy sang không?
Đáp: Không.
Bà-tất-tra, ví như con sông A-di-la, nước tràn ngang bờ, con quạ có thể uống được. Có người muốn sang, không bằng vào sức của tay chân, thân mình, không nhân thuyền bè, mà có thể sang được không?
Đáp: Không.
Bà-tất-tra, Bà-la-môn thông tam minh cũng vậy, không tu hạnh thanh tịnh của Sa-môn, lại tu theo hạnh không thanh tịnh của đạo khác, mà muốn cầu sanh Phạm thiên, không có trường hợp đó.
Bà-tất-tra, cũng như nước trong núi vọt mạnh ra, cuốn trôi khá nhiều nhân dân, vả lại không có thuyền, bè, cũng không có cầu bến. Người kia nghĩ thầm: ‘Ta nên thâu lượm thật nhiều cỏ và cây, buộc thành chiếc bè thật chắc chắn, rồi bằng sức của thân mình mà sang bờ một cách an ổn. Bà-tất-tra, cũng vậy, nếu Tỳ-kheo xả hạnh bất tịnh phi Sa-môn, tu hành phạm hạnh thanh tịnh của Sa-môn, muốn sanh Phạm thiên; trường hợp ấy có xảy ra.
Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có nhuế tâm hay không có nhuế tâm?
Đáp: Không có nhuế tâm.
Lại hỏi: Bà-la-môn thông tam minh có nhuế tâm hay không có nhuế tâm?
Đáp: Có nhuế tâm.
Bà-tất-tra, Phạm thiên không có nhuế tâm. Bà-la-môn thông tam minh có nhuế tâm. Nhuế tâm và không nhuế tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.
Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có sân tâm, hay không có sân tâm.
Đáp: Không có sân tâm.
Lại hỏi: Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm, hay không có sân tâm?
Đáp: Có sân tâm.
Bà-tất-tra, Phạm thiên không có sân tâm. Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm. Sân tâm và không sân tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.
Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có hận tâm, hay không có hận tâm?.
Đáp: Không có hận tâm.
Lại hỏi: Bà-la-môn thông tam minh có hận tâm, hay không có hận tâm?
Đáp: Có hận tâm.
Phật nói: Phạm thiên không có sân tâm. Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm. Sân tâm và không sân tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung…
Phật nói:
Nếu Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, đầy đủ mười hiệu, cho đến, tứ thiền, ở ngay trong đời này mà hưởng thọ an lạc. Vì sao? Ấy do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Vị ấy với từ tâm tràn khắp một phương ; các phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không hận, vô hại, du hí với tâm ấy và hưởng thọ an lạc. Bi, hỷ, xả tâm biến mãn một phương, phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không kết hận, không có ý não hại, du hí với tâm ấy và hưởng thọ an lạc.
Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có nhuế tâm không?
Đáp: Không.
Lại hỏi: Tỳ-kheo hành từ tâm có nhuế tâm, hay không có nhuế tâm?
Đáp: Không có nhuế tâm.
Phật nói: Phạm thiên không có nhuế tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có nhuế tâm. Không nhuế tâm và không nhuế tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.
Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có sân tâm, hay không có sân tâm?
Đáp: Không.
Lại hỏi: Tỳ-kheo hành từ tâm có sân tâm, hay không có sân tâm?
Đáp: Không có sân tâm.
Phật nói: Phạm thiên không có sân tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có sân tâm. Không sân tâm và không sân tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.
Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có hận tâm, hay không có hận tâm?
Đáp: Không.
Lại hỏi: Tỳ-kheo hành từ tâm có hận tâm, hay không có hận tâm?
Đáp: Không có hận tâm.
Phật nói: Phạm thiên không có hận tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có hận tâm. Không hận tâm và không hận tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung…
Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có được tự tại không?
Đáp: Được tự tại.
Lại hỏi: Tỳ-khe hành từ tâm có được tự tại không?
Đáp: Được tự tại.
Phật nói: Phạm thiên được tự tại. Tỳ-kheo hành từ tâm được tự tại. Được tự tại và được tự tại cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.
Phật lại nói với Bà-tất-tra:
Nên biết, Tỳ-kheo hành từ tâm, khi thân hoại mạng chung, trong khoảnh khắc như mũi tên được bắn đi, sanh lên Phạm thiên.
Khi Phật nói kinh này, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, ở trong các pháp phát sanh con mắt thấy pháp.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Minh, số 26)
- 96. LO HẬU SỰ CHO ĐỨC PHẬT NHƯ BẬC CHUYỂN LUÂN VƯƠNG
Bấy giờ A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật:
Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?
Phật bảo A-nan: Ông hãy im lặng. Hãy lo nghĩ đến công việc của mình. Việc ấy đã có các thanh tín sĩ vui vẻ lo liệu.
A-nan hỏi đến ba lần: Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?
Phật dạy: Muốn biết phép tẩn táng thế nào thì nên làm theo cách tẩn táng Chuyển luân Thánh vương.
A-nan lại hỏi: Phép tẩn táng Chuyển luân Thánh vương như thế nào?
Phật nói: Về phép tẩn táng Chuyển luân Thánh vương, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể.
Lấy vải bông mới quấn thân thể; dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, rồi đặt thân vào kim quan.
Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn, bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn.
Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà tỳ.
Trà tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Pháp vương mà tưởng nhớ lại chánh hóa của vua, đã làm lợi ích cho nhiều người.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 97. LỜI DI GIÁO CỦA ĐỨC PHẬT
Ta nay đã già rồi, tuổi đã đến tám mươi rồi.
Cũng như cỗ xe cũ kỹ, nhờ phương tiện tu sửa mà có thể đi đến nơi.
Thân ta cũng vậy, nhờ sức phương tiện còn hơi duy trì được tuổi thọ.
Tự lực tinh tấn mà nhẫn chịu sự đau nhức này.
Không suy niệm tất cả tưởng, khi nhập vô tưởng định, thân an ổn, không có não hoạn.
Vì vậy, các ngươi hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác.
Hãy tự nương tựa mình, nuơng tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác.
Sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 98. LỰC ĐỊNH MẠNH NÊN DẪU CÓ SẤM SÉT CŨNG KHÔNG HAY BIẾT
Lúc đó, có người đệ tử A-la-hán tên là Phúc-quý, đi từ thành Câu-thi-na-kiệt nhắm đến thành Ba-bà, khi vừa đến giữa đường, trông thấy Phật tại bên gốc cây, dung mạo đoan chính, các căn tịch tịnh, tâm ý nhu thuận trong cảnh tịch diệt tuyệt đối, ví như con rồng lớn, như hồ nước đứng trong không chút cáu bợn. Sau khi thấy, ông phát sinh thiện tâm hoan hỷ, đi đến gần Phật, đảnh lễ rồi ngồi lại một bên và bạch Phật rằng:
Bạch đức Thế Tôn, người xuất gia, ở tại chỗ thanh tịnh, ưa thích sự nhàn cư, thật hy hữu thay, dẫu cả một đoàn xe có những năm trăm cỗ đi ngang qua một bên mà vẫn không hay biết! Thầy tôi có lần ngồi tĩnh tọa dưới một gốc cây bên đường thuộc địa phận giữa hai thành Câu-thi và Ba-ba. Lúc đó có đoàn xe năm trăm cỗ đi ngang qua một bên. Tiếng xe cộ rần rần. Tuy thức tỉnh nhưng không nghe thấy. Sau đó có người đến hỏi: ‘Có thấy đoàn xe vừa đi qua đây không?’ Đáp: ‘Không thấy.’Lại hỏi: ‘Có nghe không?’ Đáp: ‘Không nghe.’ Lại hỏi: ‘Nãy giờ ông ở đây hay ở chỗ khác?’ Trả lời: ‘Ở đây.’ Lại hỏi: ‘Nãy giờ ông tỉnh hay mê?’ Trả lời: ‘Tỉnh.’ Lại hỏi: ‘Nãy giờ ông thức hay ngủ?’ Trả lời: ‘Không ngủ.’ Người kia thầm nghĩ: ‘Đây thật là hy hữu. Người xuất gia chuyên tinh mới như thế. Cho dẫu tiếng xe rần rộ, thức mà vẫn không hay.’Rồi nói với thầy tôi rằng: - Vừa có năm trăm cỗ xe rần rộ đi qua con đường này, tiếng xe chấn động mà còn không nghe thấy, có đâu lại nghe thấy chuyện khác! Rồi người kia làm lễ, hoan hỷ từ tạ.
Phật nói: Này Phúc-quý! Nay Ta hỏi ngươi. Hãy tùy ý trả lời. Đoàn xe rần rộ đi qua, tuy thức nhưng không nghe, và sấm sét vang động đất trời, tuy thức nhưng không nghe. Trong hai điều đó, điều nào khó hơn?
Phúc-quý thưa:
Tiếng động của ngàn chiếc xe đâu sánh bằng tiếng sấm sét. Không nghe tiếng xe còn dễ chứ không nghe sấm sét ấy mới thật là rất khó.
Phật nói:
Này Phúc-quý, Ta có một lần ở tại một thảo lư trong thôn A-việt, lúc đó có đám mây lạ vụt nổi lên, rồi tiếng sấm sét vang rầm dữ dội làm chết hết bốn con trâu và hai anh em người đi cày, thiên hạ xúm tới chật ních. Lúc ấy Ta đang ra khỏi thảo lư, đi kinh hành thong thả. Một người từ đám đông kia đi lại chỗ Ta, đầu mặt lễ sát chân, rồi theo sau Ta kinh hành. Dẫu biết nhưng Ta vẫn hỏi: ‘Đám đông kia đang tụ tập để làm gì vậy?’ Người kia liền hỏi lại Ta rằng: ‘Nãy giờ Ngài ở đâu, thức hay ngủ?’ Ta trả lời: ‘Ở đây, không ngủ.’ Người kia tán thán cho là hy hữu, chưa thấy ai đắc định như Phật; sấm chớp vang rền cả trời đất thế mà riêng mình tịch tịnh, thức mà không hay. Rồi người ấy bạch Phật: ‘Vừa rồi có đám mây lạ vụt nổi lên, rồi tiếng sấm sét vang rầm dữ dội làm chết hết bốn con trâu và hai người đi cày. Đám đông tụ tập chính là vì chuyện ấy.’ Người ấy trong lòng vui vẻ, liền được pháp hỷ, lễ Phật rồi lui.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 99. LƯỜI BIẾNG CÓ SÁU LỖI
Lười biếng có sáu lỗi; một, khi giàu sang không chịu làm việc; hai, khi nghèo không chịu siêng năng; ba, lúc lạnh không chịu siêng năng; bốn, lúc nóng không chịu siêng năng; năm, lúc sáng trời không chịu siêng năng; sáu, lúc tối trời không chịu siêng năng. Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng.
Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 100. LÝ DUYÊN KHỞI
Ánh sáng của mười hai nhân duyên rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai nhân duyên này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy duyên, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi.
Như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, lo, rầu, khổ não, tập thành một khối đại hoạn.
Đó là duyên của cái đại khổ ấm vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, số 13)
- 101. MA BA-TUẦN THỈNH PHẬT NHẬP NIẾT BÀN
Ma Ba-tuần đến bạch Phật:
Ý Phật không muốn vào Niết-bàn sớm. Nay chính là lúc, Phật nên mau chóng diệt độ.
Phật bảo ma Ba-tuần:
Hãy thôi! Hãy thôi! Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn, vì còn đợi chúng Tỳ-kheo của Ta hội đủ. Có người có thể tự điều phục, dũng mãnh, không khiếp sợ, đã đến chỗ an ổn, đã đạt được mục đích của mình, là hướng đạo của loài người, rao giảng kinh giáo, hiển bày cú nghĩa, nếu có dị luận thì có thể hàng phục bằng Chánh pháp, lại có thể bằng thần biến mà tự mình tác chứng. Các đệ tử như thế chưa hội đủ. Lại còn có các Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tất cả cũng như thế, đều chưa tụ hội đủ. Nay điều cần thiết là triển khai phạm hạnh, phổ biến giác ý, khiến cho chư thiên và loài người thảy đều thấy được sự thần diệu.
Bấy giờ Ma Ba-tuần lại bạch Phật:
Thuở xưa, ở Uất-bệ-la bên dòng sông Ni-liên-thuyền, dưới gốc cây a-du-ba ni-câu-luật, Phật khi mới thành chánh giác, tôi đã đến chỗ Như Lai mà khuyên mời Ngài hãy nhập Niết-bàn rằng: ‘Nay thật là đúng lúc, Ngài hãy nhanh chóng nhập Niết-bàn.’ Khi ấy Như Lai trả lời tôi rằng: ‘Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn, vì còn đợi đệ tử Ta hội đủ đã, v.v... cho đến, chư thiên và loài người thấy được sự thần thông biến hóa, khi ấy Ta mới nhập Niết-bàn.’Nay chính là lúc ấy, sao Ngài không nhập Niết-bàn?
Phật nói: Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Phật tự biết thời. Ta không trụ thế bao lâu nữa. Sau ba tháng nữa, tại bản sanh địa Câu-thi-na-kiệt, vườn sa-la, giữa đôi cây, Ta sẽ diệt độ.
Lúc ấy, Ma Ba-tuần nghĩ rằng Phật tất không nói dối, nhất định sẽ diệt độ, bèn vui mừng phấn khởi, hốt nhiên biến mất. Ma đi chưa bao lâu, Phật ở nơi tháp Giá-bà-la, bằng định ý tam-muội, xả thọ hành. Ngay lúc đó, đại địa chấn động. Nhân dân cả nước thảy đều kinh sợ, lông tóc dựng ngược. Phật phóng ánh sáng rọi suốt vô cùng, nơi chỗ tối tăm cũng được soi sáng, thảy đều trông thấy nhau.
Trong hai hành hữu vô
Ta nay xả hữu vi
Nội chuyên tam-muội định
Như chim ra khỏi trứng.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 102. MẶT TRĂNG
Cung điện mặt Trăng, chất tròn khi đầy khi vơi, ánh sáng sút giảm, cho nên nguyệt cung được gọi là tổn. Mặt trăng có hai nghĩa: một là trụ thường độ, hai gọi là cung điện.
Do từ bốn phương xa mà nhìn, thấy là tròn. Lạnh ấm điều hòa, được tạo thành bởi bạc trời và lưu ly. Hai phần là thuần bạc trời ròng không pha tạp, trong suốt trong ngoài, ánh sánh chiếu xa; một phần bằng lưu ly ròng không pha tạp, trong suốt trong ngoài, ánh sáng chiếu xa. Cung điện mặt trăng, rộng bốn mươi chín do-tuần, tường cung điện cùng đất mỏng như tử bách. Tường cung điện có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp linh báu, bảy lớp hàng cây, trang sức chung quanh bằng bảy báu,… cho đến, vô số các loài chim ríu rít hòa vang.
Cung điện mặt trăng này được năm thứ gió giữ gìn: một là trì phong, hai là dưỡng phong, ba là thụ phong, bốn là chuyển phong, năm là điều phong. Chánh điện, nơi ngự của Nguyệt thiên tử, làm bằng lưu ly, cao mười sáu do-tuần. Điện có bốn cửa, chung quanh là lan can. Tòa của Nguyệt thiên tử, rộng nửa do-tuần, được làm thành bởi bảy báu, trong sạch và mềm mại, giống như thiên y. Thiên tử mặt trăng trên thân phóng ra ánh sáng, chiếu soi điện lưu ly; ánh sáng của điện lưu ly chiếu soi cung điện mặt trăng, và ánh sáng cung điện mặt trăng chiếu soi bốn cõi thiên hạ. Tuổi thọ của thiên tử mặt trăng là năm trăm năm, con cháu thừa kế nhau không hề khác. Cung điện này không bị hủy hoại trong vòng một kiếp.
Lúc cung điện mặt trăng di chuyển, thiên tử của mặt trăng này không có ý niệm di chuyển, rằng: ‘Ta đi. Ta dừng.’ Mà chỉ luôn luôn hưởng thụ ngũ dục. Khi cung điện mặt trăng di chuyển, thì có vô số trăm nghìn các Đại thiên thần, thường ở trước dẫn đường, hoan hỷ không mệt mỏi, ưa thích nhanh nhẹn, vì vậy nên Nguyệt thiên tử được gọi là ‘nhanh nhẹn.’
Thân Nguyệt thiên tử phát ra nghìn tia sáng, năm trăm tia sáng chiếu xuống, và năm trăm tia sáng chiếu hai bên. Đó là do công đức của nghiệp đời trước nên có ánh sáng này, thế nên Nguyệt thiên tử còn gọi là Thiên quang. Thế nào là công đức nghiệp đời trước?
Thế gian có một người phát tâm cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, cùng bố thí cho những người đói khát cùng cực, cho họ đồ ăn thức uống, y phục, thuốc thang, voi ngựa, xe cộ, phòng xá, đèn đuốc, tùy thời ban phát, tùy theo nhu cầu, mà không trái ý người, và cúng dường cho các vị Hiền Thánh trì giới. Do vô số pháp hỷ khác nhau ấy, thiện tâm quang minh. Như vị vua Quán đảnh dòng Sát lợi, khi mới đang vương vị, thiện tâm hoan hỷ, cũng lại như vậy. Vì nhân duyên này, nên thân hoại mạng chung làm Nguyệt thiên tử, cung điện mắt trăng có nghìn tia sáng, cho nên nói là nghiệp lành được nghìn tia sáng.
Lại nữa, do nghiệp gì được nghìn ánh sáng? Thế gian có người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không hai lưỡi, không ác khẩu, không nói dối, không thêu dệt, không tham giữ, không sân nhuế, không tà kiến; do những nhân duyên này mà thiện tâm hoan hỷ. Giống như đầu ngã tư đường có hồ tắm lớn trong mát không nhơ, có người đi xa, mệt mỏi nóng khát, vào trong hồ nước này, tắm rửa mát mẻ, hoan hỷ khoái lạc; người thực hành mười điều lành, thiện tâm hoan hỷ, lại cũng như vậy. Người này sau khi thân hoại mạng chung, sẽ làm Nguyệt thiên tử, sống ở cung điện mặt trăng, có nghìn tia sáng.
Lại nữa, do duyên gì được nghìn tia sáng? Thế gian có người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không lừa dối, không uống rượu, vì những nhân duyên này, thiện tâm hoan hỷ; thân hoại mạng chung, làm Nguyệt thiên tử, sống ở cung điện mặt trăng, có nghìn tia sáng. Do những nhân duyên như vậy nên gọi là nghìn tia sáng nghiệp lành.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 103. MỒNG 8, 14 & 25 LÀ CÁC NGÀY TRAI
Mỗi nửa tháng có ba ngày trai, đó là: ngày mồng tám, ngày mười bốn, và ngày mười lăm. Đó là ba ngày trai. Vì sao trong mỗi nửa tháng lấy ngày mùng tám làm ngày trai? Vì vào ngày mồng tám của mỗi nửa tháng là ngày Tứ thiên vương thường bảo sứ giả rằng:
‘Các ngươi nên đi khảo sát thế gian, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận với cha mẹ, có kính thuận với Sa-môn, Bà-la-môn, có tôn kính các bậc trưởng lão, có trai giới, bố thí, có cứu giúp người cùng thiếu hay không?’
Sau khi sứ giả nghe những lời dạy này rồi, liền đi khảo sát khắp trong thiên hạ, để biết có người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính Sa-môn, Bà-la-môn, kính trọng các bậc trưởng lão, trì giới giữ trai, bố thí cho người cùng thiếu. Sau khi xem xét đầy đủ rồi, thấy có những người bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, không tu trai giới, không cứu giúp người cùng thiếu, về thưa với nhà vua rằng: ‘Tâu Thiên vương, ở thế gian những người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng sư trưởng, tịnh tu trai giới, giúp đỡ những người cùng thiếu thì rất ít! rất ít!’ Sau khi Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, đáp rằng: ‘Than ôi! nếu người thế gian, có nhiều kẻ ác, bất hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ người cùng thiếu! thì chúng chư Thiên sẽ tổn giảm, và chúng A-tu luân sẽ tăng thêm.’
Trường hợp nếu sứ giả thấy ở thế gian mà có người hiếu kính mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo, thì trở về bạch với Thiên vương rằng: ‘Ở thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người cùng thiếu.’ Thì Tứ thiên vương sau khi nghe xong rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: ‘Lành thay! Ta đã nghe những lời tốt lành, thế gian nếu có những người có thể hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm, và chúng A-tu-luân sẽ giảm bớt.’
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 104. MỘT PHÁP
Như Lai nói một chánh pháp: Hết thảy chúng sanh đều do thức ăn mà tồn tại.
Như Lai lại nói một chánh pháp: tất cả chúng sanh đều do các hành mà tồn tại.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 105. MỘT PHÁP BA TỤ
1) Thế nào là một pháp dẫn đến ác thú? Không có nhân từ, ôm lòng độc hại
2) Thế nào là một pháp dẫn đến thiện thú? Không đem ác tâm gia hại chúng sanh.
3) Thế nào là một pháp dẫn đến Niết-bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 106. MỘT PHÁP TĂNG NHẤT
1) Một thành pháp: đối với các pháp thiện mà không buông lung.
2) Một tu pháp: thường tự niệm thân.
3) Một giác pháp: xúc hữu lậu
4) Một diệt pháp: ngã mạn.
5) Một thối pháp: bất ác lộ quán.
6) Một tăng pháp: ác lộ quán.
7) Một nan giải pháp: vô gián định.
8) Một sanh pháp: hữu lậu giải thoát
9) Một tri pháp: hết thảy chúng sanh đều do thức ăn mà tồn tại.
10) Một chứng pháp: vô ngại tâm giải thoát.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 107. MƯỜI PHÁP
Các Tỳ-kheo, Như Lai nói mười chánh pháp, tức là mười pháp vô học: vô học chánh kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh niệm, vô học chánh phương tiện, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát.
Các Tỳ-kheo, đó là mười pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kiết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài, làm lợi ích cho số đông, cho chư thiên và nhân loại được an lạc.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 108. MƯỜI PHÁP DẪN ĐẾN BA CÕI
1) Mười pháp dẫn đến ác thú: thân với giết, trộm, tà dâm; khẩu với nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt; ý với tham lam, tật đố, tà kiến.
2) Mười pháp dẫn đến thiện thú: thân với không giết, không trộm, không tà dâm; khẩu với không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không thêu dệt; ý với không tham lam, không tật đố, không tà kiến.
3) Mười pháp dẫn đến Niết-bàn: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.
Này các Tỳ-kheo, mười pháp như vậy đưa đến Niết-bàn. Đó là chánh pháp vi diệu gồn ba tụ. Ta, là Như Lai, đã làm đầy đủ những điều cần làm cho đệ tử, vì nghĩ đến các ngươi nên chỉ bày lối đi. Các ngươi cũng phải tự lo cho thân mình, hãy ở nơi thanh vắng, dưới gốc cây mà tư duy, chớ lười biếng. Nay không gắng sức, sau hối không ích gì.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 109. MƯỜI PHÁP TĂNG NHẤT
1) Mười cứu pháp: 1. Tỳ-kheo đầy đủ hai trăm năm mươi giới, đầy đủ oai nghi, thấy lỗi nhỏ nhặt sanh tâm lo sợ lớn, chân chánh học giới, tâm không nghiêng lệch. 2. Có được thiện tri thức. 3. Ngôn ngữ trung chánh, nhẫn nhịn được nhiều điều. 4. Ưa cầu thiện pháp, phân bố không tiếc lẫn. 5. Các đồng phạm hạnh có việc phải làm liền đến giúp đỡ không lấy làm mệt nhọc, làm được những việc khó làm và cũng dạy người khác làm. 6. Nghe nhiều; nghe xong thì ghi nhớ không hề quên 7. Tinh tấn, diệt trừ bất thiện pháp, tăng trưởng thiện pháp. 8. Thường tự chuyên niệm, không có tưởng khác, nhớ những hành vi thiện từ trước như thấy trước mắt. 9. Trí tuệ thành tựu, quán sự sanh diệt của các pháp, bằng pháp luật Hiền Thánh mà đoạn trừ gốc khổ. 10. Vui với sự nhàn cư, chuyên niệm tư duy, ở trung gian thiền, không có đùa giỡn.
2) Mười chánh hành: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh tri.
3) Mười giác pháp: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân nhập, sắc, thanh, hương, vị, xúc nhập.
4) Mười tà hạnh: Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định, tà giải thoát, tà trí.
5) Mười thoái pháp: Thân có sát, đạo, dâm, khẩu có hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt, ý có tham lam, tật đố, tà kiến.
6) Mười tăng pháp: Thân không sát, đạo, dâm; khẩu không hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt; ý không tham lam, tật đố, tà kiến.
7) Mười nan giải pháp: 1. Tỳ-kheo trừ diệt năm chi. 2. thành tựu sáu chi. 3. xả một chi. 4. y trên bốn. 5. diệt dị đế. 6. thắng diệu cầu. 7. không trược tưởng. 8. thân hành đã lập. 9. tâm giải thoát. 10. tuệ giải thoát.
8) Mười sanh pháp:
- Nếu Tỳ-kheo tự mình đã có được tín tâm rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người có được tín tâm.
- Tự mình đã trì giới rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người trì giới.
iii. Tự mình thiểu dục rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người thiểu dục.
iv. Tự mình tri túc rồi lại nói cho người khác và cũng khen ngợi những người tri túc.
- Tự mình ưa nhàn tĩnh rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người ưa nhàn tĩnh.
vi. Tự mình đa văn rồi lại nói cho người khác và cũng khen ngợi những người đa văn.
- Tự mình tinh tấn rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người tinh tấn.
viii. Tự mình chuyên niệm rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người chuyên niệm.
ix. Tự mình đắc thiền định rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người đắc thiền định.
- Tự mình đắc trí tuệ rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người đắc trí tuệ.
9) Mười tri pháp: Người chánh kiến có thể diệt trừ tà kiến. Và cũng diệt trừ sạch những gì là vô số ác duyên tà kiến mà khởi lên. Và cũng thành tựu những gì là vô số thiện nhân chánh kiến mà sanh khởi. Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí. Người có chánh trí có thể diệt trừ tà trí, và vô số ác nhân tà trí sanh khởi cũng hoàn toàn bị diệt tận. Và vô số thiện pháp, nhân chánh trí sanh khởi, thảy đều được thành tựu.
10) Mười vô học pháp: Vô học chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.
Các Tỳ-kheo, đó là trăm pháp như thật không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 110. NĂM ĐIỀU VỢ ĐỐI VỚI CHỒNG
Chồng đối đãi vợ có năm điều, vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng. Những gì là năm? 1. Dậy trước. 2. Ngồi sau. 3. Nói lời hòa nhã. 4. Kính nhường tùy thuận. 5. Đón trước ý chồng.
Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 111. NĂM ĐIỀU CHỒNG ĐỐI VỚI VỢ
Chồng cũng phải có năm điều đối với vợ: 1. Lấy lễ đối đãi nhau. 2. Oai nghiêm không nghiệt. 3. Cho ăn mặc phải thời. 4. Cho trang sức phải thời. 5. Phó thác việc nhà.
Ấy là chồng đối với vợ cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 112. NĂM ĐIỀU CUNG PHỤNG SƯ TRƯỞNG
Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm việc: 1. Hầu hạ cung cấp điều cần. 2. Kính lễ cúng dường. 3. Tôn trọng qúi mến. 4. Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch. 5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.
Nếu đệ tử kính thuận, cung kính sư trưởng thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 113. NĂM ĐIỀU ĐỂ CHĂM SÓC CON CÁI
Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái: 1. ngăn con đừng để làm ác. 2. chỉ bày những điều ngay lành. 3. Thương yêu đến tận xương tủy. 4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp. 5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 114. NĂM ĐIỀU HIẾU THUẬN
Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm? 1. Cung phụng không để thiếu thốn. 2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết. 3. Không trái điều cha mẹ làm. 4. Không trái điều cha mẹ dạy. 5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 115. NĂM ĐIỀU SĂN SÓC ĐỆ TỬ
Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử: 1. Dạy dỗ có phương pháp. 2. Dạy những điều chưa biết. 3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi. 4. Chỉ cho những bạn lành. 5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 116. NĂM DỤC LẠC NÊN TRÁNH
Nếu Phạm chí ngoại đạo hỏi: ‘Thứ lạc nào mà nếu hưởng thụ thì bị Cù-đàm chê trách?’ Nếu có hỏi như vậy, nên trả lời rằng:
‘Năm phẩm tính của dục, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê. Thế nào là năm?
Mắt nhận thức sắc, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê.
Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc cảm, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê.
Này chư hiền, do duyên là năm dục mà sanh hỷ lạc; đó là điều mà Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác chê trách.
Cũng như có người cố tình sát hại chúng sanh, tự cho thế là hoan lạc; đó là điều mà Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác chê trách.
Cũng như có người lén lút trộm cắp của người, cho thế là khoái lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách.
Cũng như có người xâm phạm tịnh hạnh của người khác, tự cho thế là khoái lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách.
Cũng như có người cố ý nói dối, tự cho thế là khoái lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách.
Cũng có người sống phóng đãng buông thả; đó là diều Như Lai chê trách.
Cũng có người hành khổ hạnh bề ngoài, không phải là hành chân chánh mà Như Lai dạy, tự cho thế là khoái lạc; đó là điều Như Lai chê trách.
Cũng như có người hành khổ hạnh bề ngoài, cho thế là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không đồng khoái lạc như vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Thanh Tịnh, số 17)
- 117. NĂM PHÁP
1) Như Lai nói năm chánh pháp, tức là năm nhập: mắt, sắc; tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, xúc.
2) Năm thọ ấm: sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.
3) Năm cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo cử cái, nghi cái.
4) Năm hạ phần kết: thân kiến, giới đạo, nghi, tham dục và sân nhuế.
5) Năm thuận thượng phần kết: sắc ái, vô sắc ái, vô minh, mạn, trạo hối.
6) Năm căn: tín, tấn, niệm, định, huệ.
7) Năm lực: tín, tấn, niệm, định, huệ.
8) Năm diệt tận chi: 1. Tỳ-kheo tin Phật, Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, mười hiệu thành tựu. 2. Tỳ-kheo không bịnh, thân thường an ổn. 3. Chất trực, không dua xiểm. Được như thế thì Như Lai chỉ bày con đường đi đến Niết-bàn. 4. Tự chuyên tâm không để thác loạn. Những điều đã tụng đọc từ trước ghi nhớ không quên. 5. Khéo quán sát sự sinh và diệt của các pháp bằng sự thực hiện của Hiền Thánh mà diệt tận gốc rễ của khổ.
9) Năm sự phát ngôn: phát phi thời, phát hư dối, phát phi nghĩa, phát hư ngôn, phát không từ tâm.
10) Năm thiện phát: phát đúng thời, phát sự thật, phát có nghĩa, phát lời nói hòa, phát khởi từ tâm.
11) Năm sự tật đố: tật đố về trú xứ, tật đố về thí chủ, tật đố về lợi dưỡng, tật đố về sắc, tật đố về pháp.
12) Năm thú hướng giải thoát: tưởng về thân bất tịnh, tưởng về thức ăn bất tịnh, tưởng hết thảy các hành vô thường, tưởng hết thảy thế gian không đáng vui, tưởng về sự chết.
13) Năm xuất ly giới: 1. Tỳ-kheo đối với dục không hoan hỷ, bất động, cũng không thân cận, mà chỉ niệm sự thoát ly, hoan hỷ nơi sự viễn ly, thân cận không giải đãi, tâm mềm mại, xuất ly, ly dục. Vị ấy đối với các lậu triền do nhân dục mà khởi, cũng dứt sạch, xả ly diệt trừ mà được giải thoát. Đó gọi là dục thoát ly. 2. Sân nhuế xuất ly, 3. Tật đố xuất ly, 4. Sắc xuất ly, 5. Thân kiến xuất ly cũng vậy.
14) Năm hỷ giải thoát nhập. Nếu Tỳ-kheo tinh cần không biếng nhác, ưa ở nơi nhàn tĩnh, chuyên niệm nhất tâm, chưa giải thoát thì được giải thoát, chưa an thì được an. Những gì là năm? 1. Ở đây Tỳ-kheo nghe Như Lai thuyết pháp, hoặc nghe đồng phạm hạnh thuyết pháp, hoặc nghe sư trưởng thuyết pháp, tư duy, quán sát, phân biệt pháp nghĩa, tâm đắc hoan hỷ. Sau khi được hoan hỷ thì được pháp ái, sau khi được pháp ái thân tâm an ổn, sau khi thân tâm an ổn thì chứng đắc thiền định. Đắc thiền định rồi, đắc như thật kiến. 2. Ở đây, Tỳ-kheo sau khi nghe pháp hoan hỷ. 3. Thọ trì đọc tụng cũng lại hoan hỷ. 4. Thuyết cho người khác cũng lại hoan hỷ. 5. Tư duy phân biệt cũng lại hoan hỷ, ở nơi pháp mà đắc định cũng như vậy.
15) Năm hạng người: trung bát-niết-bàn, sanh bát-niết-bàn, vô hành bát-niết-bàn, hữu hành bát-niết-bàn, thượng lưu sắc cứu cánh.
Các Tỳ-kheo, đó là năm chánh pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kiết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông cho chư thiên và nhân loại được an lạc.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 118. NĂM PHÁP BA TỤ
1) Thế nào là năm pháp dẫn đến ác thú? Phá năm giới: giết, trộm, dâm dật, nói dối, uống rượu.
2) Thế nào là năm pháp dẫn đến thiện thú? Thọ trì năm giới: không giết, không trộm, không dâm dật, không dối, không uống rượu.
3) Thế nào là năm pháp dẫn đến Niết-bàn? Năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 119. NĂM PHÁP TĂNG NHẤT
1) Thế nào là năm thành pháp? Đó là năm diệt tận chi: 1. Tin Phật Như Lai, Chí chân, mười hiệu thành tựu 2. Không bệnh, thân thường an ổn 3. Chất trực, không dua xiểm, hướng thẳng đến con đường dẫn đến Niết-bàn của Như Lai. 4. Chuyên tâm không tán loạn, đọc tụng cũng không quên lãng 5. Khéo léo quán sát sự sinh diệt của pháp, bằng thực hành của Hiền Thánh mà diệt tận gốc rễ khổ.
2) Thế nào là năm tu pháp? Đó là năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn.
3) Thế nào là năm giác pháp? Đó là năm thọ ấm: sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
4) Thế nào là năm diệt pháp? Đó là năm cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thụy miên cái, trạo hối cái, và nghi cái.
5) Thế nào là năm thối pháp? Đó là năm tâm ngại kết: 1. Tỳ-kheo nghi Phật. Nghi Phật rồi thì không thân cận. Không thân cận rồi thì không cung kính. Đó là tâm ngại kết thứ nhất. 2-4. Lại nữa, Tỳ-kheo, đối với Pháp, đối với Chúng, đối với giới, có lọt, có rỉ, có hành vi không chân chánh, có hành vi ô nhiễm, không thân cận giới, cũng không cung kính. Đó là bốn tâm ngại kết. 5. Lại nữa, Tỳ-kheo đối với người đồng phạm hạnh sanh tâm ác hại, tâm không hỷ lạc, mắng chửi bằng những lời thô lỗ. Đó là tâm ngại kết thứ năm.
6) Thế nào là năm tăng pháp? Đó là năm gốc rễ của hỷ: 1. Vui vẻ, 2. Niệm, 3. Khinh an, 4. Lạc, 5. Định.
7) Thế nào là năm nan giải pháp? Đó là năm giải thoát xứ, nếu Tỳ-kheo tinh cần không biếng nhác, ưa chỗ nhàn tĩnh, chuyên niệm nhất tâm, chưa giải thì được giải, chưa diệt tận thì được diệt tận, chưa an thì được an. Những gì là năm? Nếu Tỳ-kheo nghe Phật thuyết pháp hoặc nghe đồng phạm hạnh thuyết, hoặc nghe sư trưởng thuyết, tư duy, quán sát, phân biệt pháp nghĩa, tâm được hoan hỷ. Tâm được hoan hỷ rồi thì được pháp ái, được pháp ái rồi thì thân tâm an ổn. Thân tâm an ổn rồi thì đắc thiền định. Đắc thiền định rồi thì đắc như thật trí. Đó là giải thoát xứ thứ nhất. Ở đây, Tỳ-kheo nghe pháp hoan hỷ, thọ trì đọc tụng cũng hoan hỷ, thuyết giảng cho người khác cũng hoan hỷ, tư duy phân biệt cũng lại hoan hỷ, đối với pháp mà đắc định cũng giống như vậy.
8) Thế nào là năm sanh pháp? Đó là năm trí định của Hiền Thánh: 1. Tu tam-muội là, nay an lạc về sau cũng an lạc, sanh nội ngoại trí. 2. Là Hiền Thánh vô ái, sanh nội ngoại trí. 3. Là định mà chư Phật và các Hiền Thánh tu hành, sanh nội ngoại trí. 4. Là êm dịu, tịch diệt tướng, độc nhất không gì sánh ngang, sanh nội ngoại trí. 5. Đối với tam-muội nhứt tâm nhập, nhứt tâm khởi, sanh nội ngoại trí.
9) Thế nào là năm tri pháp? Đó là năm xuất yếu giới: 1. Tỳ-kheo đối với dục không lạc, không niệm tưởng, cũng không thân cận, mà chỉ niệm tưởng sự xuất yếu, hoan lạc nơi sự viễn ly, thân cận không biếng nhác, tâm vị ấy nhu nhuyến, xuất yếu, ly dục. Lậu khởi do bởi dục cũng bị diệt tận mà đắc giải thoát. Đó là dục xuất yếu. 2. Sân nhuế xuất yếu. 3. Tật đố xuất yếu. 4. Sắc xuất yếu. 5. Thân kiến xuất yếu cũng giống như vậy.
10) Thế nào là năm chứng pháp? Đó là năm tụ vô học: tụ vô học giới, tụ vô học định, tụ vô học tuệ, tụ vô học giải thoát, tụ vô học giải thoát tri kiến.
Các Tỳ-kheo, đó là năm mươi pháp, như thật, không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 120. NĂM PHƯỚC BÁO CỦA CÕI TRỜI
1) Tuổi thọ trời
2) Nhan sắc trời
3) Danh tiếng trời
4) Âm nhạc trời
5) Oai đức trời.
(Trường A Hàm, Kinh XÀ-NI-SA, số 4)
Các ngươi xem các người đó khác nào kẻ ngu si vô thức như cầm thú, dối trá tự xưng rằng: ‘Dòng Bà-la-môn là tối cao bậc nhất, còn ngoài ra là hèn hạ.
Dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu.
Dòng Bà-la-môn ta xuất xứ từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sanh, ở ngay trong hiện tại mà được thanh tịnh giải, về sau cũng thanh tịnh.’
Nay trong Chánh đạo vô thượng của Ta không cần kể dòng dõi, không ỷ vào tâm kiêu mạn ngô ngã.
Pháp thế tục cần thứ đó. Pháp của ta không phải vậy.
Nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn nào tự thị chủng tộc, ôm lòng kiêu mạn thì ở trong giáo pháp Ta trọn không chứng đắc vô thượng.
Nếu hay khước từ chủng tánh, trừ bỏ tâm kiêu mạn, thì mới có thể chứng được đạo quả vô thượng trong giáo pháp Ta, mới kham lãnh thọ được chánh pháp.
Người đời gớm ghét kẻ hạ lưu, còn giáo pháp ta không thế.
(Trường A Hàm, Kinh Tiểu Duyên, số 5)
- 121. NĂM TRIỀN CÁI
Tham dục triền cái, sân nhuế triền cái, thụy miên triền cái, trạo hý triền cái, nghi triền cái. Tỳ-kheo hữu học kia muốn cầu hướng thượng, tìm chỗ an ổn, nhưng chưa diệt trừ năm triền cái, đối với bốn niệm xứ không hay tinh cần, đối với bảy giác ý không hay tinh cần, lại muốn chứng được pháp thượng nhân, trí tuệ tăng thượng của hiền thánh, mong cầu muốn biết, muốn thấy, không có trường hợp ấy.
(Trường A Hàm, Kinh Thanh Tịnh, số 17)
- 122. NĂM TRIỀN CÁI VÀ TỨ THIỀN
Lại như có người mượn tiền đi buôn bán, được lợi lớn mà trở về, trả vốn cho chủ, còn dư tiền đủ dùng, bèn nghĩ rằng: ‘Ta trước mượn tiền đi buôn, e không như ý. Nay được lợi mà trở về, trả vốn cho chủ, tiền còn dư đủ dùng, không lo, sợ.’ Người ấy rất đỗi vui mừng.’
Như người bịnh lâu, nay bịnh đã khỏi; ăn uống được tiêu hóa, sức lực dồi dào, bèn nghĩ rằng: ‘Ta trước có bịnh, mà nay đã khỏi; ăn uống được tiêu hóa, sức lực dồi dào, không còn lo và sợ.’ Người ấy rất đỗi vui mừng.
Cũng như người bị nhốt trong ngục đã lâu, nay bình yên ra tù, bèn nghĩ thầm rằng: ‘Ta trước đây bị giam giữ, nay được giải thoát, không còn lo và sợ.’ Người ấy rất đỗi vui mừng.
Lại như có người cầm nhiều tài bảo, đi qua chỗ hoang mạc, không gặp cướp, bình an qua khỏi, bèn tự nghĩ rằng: ‘Ta cầm tài bảo qua khỏi chỗ hiểm nạn này, không còn lo và sợ.’ Người ấy rất đỗi vui mừng, tâm tư an lạc.
Tỳ-kheo bị năm triền cái bao phủ cũng giống như vậy. Như người mang nợ, bịnh lâu, bị giam giữ, đi qua hoang mạc, tự thấy mình chưa thoát ly các ấm che trùm tâm, bị trùm kín trong tối tăm, mắt tuệ không sáng; vị ấy bèn tinh cần, xả dục, xả pháp ác, bất thiện, có giác có quán, có hỷ do viễn ly sanh, chứng nhập sơ thiền. Vị ấy có hỷ lạc nhuần thấm nơi thân, tràn đầy cùng khắp, không đâu là không sung mãn. Như người khéo biết cách tắm, cho thuốc đầy bồn tắm, rồi chế nước vào, trong ngoài đều nhuần thấm, không đâu là không cùng khắp. Tỳ-kheo cũng vậy, chứng nhập sơ thiền, hỷ lạc nhuần thấm khắp thân, không đâu không sung mãn. Như vậy, này Ma-nạp, đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ nhất. Vì sao? Ấy là do tinh tấn, niệm không thác loạn, ưa chỗ nhàn tĩnh mà được vậy.
Vị ấy xả giác, quán, bèn phát sanh tín, chuyên niệm nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng nhập đệ nhị thiền. Vị ấy có hỷ lạc và nhất tâm thấm nhuần châu thân, cùng khắp, tràn đầy, không đâu không sung mãn. Cũng như nước suối trong mát từ đỉnh núi chảy ra, không phải từ ngoài đến, mà nước trong mát chảy ra ngay từ trong con suối ấy, trở lại thấm nhuần chính nó, không đâu không cùng khắp. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập nhị thiền, có hỷ lạc do định sanh không đâu không sung mãn. Đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ hai.
Vị ấy lìa hỷ, an trú xả và niệm, không tán loạn, thân cảm thọ lạc, như điều mà Thánh nói, khởi hộ niệm lạc, chứng nhập tam thiền. Vị ấy thân không hỷ, có lạc thấm nhuần, cùng khắp, tràn đầy, không đâu không sung mãn. Cũng như hoa ưu-bát, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị, mới nhô khỏi bùn mà chưa ra khỏi nước, với cọng, rễ, cành, lá còn chìm ngập trong nước, không đâu không cùng khắp. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, chứng nhập tam thiền, lìa hỷ, an trú lạc, nhuần thấm khắp thân, không đâu không cùng khắp. Đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ ba.
Vị ấy xả hỷ và lạc; ưu và hỷ đã diệt từ trước, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập tứ thiền. Thân tâm thanh tịnh, tràn đầy cùng khắp, không chỗ nào không thấm nhuần. Cũng như một người đã tắm gội sạch sẽ, khoác lên mình tấm lụa trắng mới tinh, toàn thân thanh tịnh. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập tứ thiền, tâm thanh tịnh, tràn khắp thân, không chỗ nào không thấm.
Lại nhập tứ thiền , tâm không tăng giảm, cũng không dao động, an trú trên mảnh đất không ái, không nhuế, không động. Cũng như mật thất, trong ngoài được sơn quét, đóng chặt các cửa nẻo, không gió không bụi lọt vào, bên trong đốt đèn, không bị khuấy động, ngọn lửa bốc thẳng mà không lay động. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập đệ tứ thiền, tâm không tăng giảm, cũng không khuynh động, an trú trên đất không ái, không nhuế, không dao động. Đó là hiện thân chứng lạc thứ tư.
(Trường A Hàm, Kinh A-ma-trú, số 20)
- 123. NGƯỜI MÙ SỜ VOI
Lâu xa về thời quá khứ có vị vua tên là Kính Diện. Một hôm nhà vua tập họp những người mù lại một chỗ và hỏi: ‘Này những người mù từ khi mới sinh, các ngươi có biết con voi không?’ Họ đáp: ‘Tâu đại vương, chúng tôi không biết!’ Nhà vua lại hỏi: ‘Các ngươi có muốn biết hình loại con voi ra sao không?’ Họ đáp: ‘Muốn biết.’ Bấy giờ nhà vua ra lệnh cho người hầu dắt con voi đến, và bảo những người mù này dùng tay của mình sờ thử.
Trong đó có người sờ trúng vòi voi, thì vua nói rằng đấy là con voi; có người sờ trúng ngà voi, có người sờ trúng tai voi, có người sờ trúng đầu voi, có người sờ trúng lưng voi, có người sờ trúng bụng voi, có người sờ trúng bắp đùi voi, có người sờ trúng cái chân voi, có người sờ trúng bàn chân voi, có người sờ trúng đuôi voi, thì vua cứ theo chỗ sờ được của họ mà bảo: ‘Đó là con voi.’
Phật bảo các Tỳ-kheo:
Các dị học ngoại đạo lại cũng như vậy; không biết Khổ đế, không biết Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, sinh ra những kiến giải khác nhau, tranh chấp thị phi với nhau, họ tự cho mình là đúng, nên đưa đến mọi việc tranh tụng. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể biết như thật về Khổ Thánh đế, khổ Tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, và Khổ xuất yếu Thánh đế, những vị ấy sẽ tự tư duy, và khéo cùng nhau hòa hợp, cùng một lãnh thọ, cùng một Thầy học, như nước với sữa, thì pháp Phật mới rực rỡ, sống an lạc lâu dài.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 5. Long điểu, số 30)
- 124. NHẪN NHỤC LÀ BẬC NHẤT
Nhẫn nhục là bậc nhất
Niết-bàn là tối thượng
Cạo tóc, não hại người
Không phải là Sa-môn.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 125. NHÂN THỌ MÀ CÓ ÁI
Nhân tham ái mà có tìm cầu, nhân tìm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà đắm trước, nhân đắm trước mà tật đố, nhân tật đố mà quản thủ, nhân quản thủ mà bảo hộ.
Do bảo hộ nên mới có dao gậy, tranh cãi, gây vô số điều ác. Nghĩa của ta nói là ở đó.
Nghĩa đó thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không bảo hộ thế thì có dao gậy, tranh cãi, gây ra vô số ác không?
(Trường A Hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, số 13)
- 126. NHẤT TÂM
Tỳ-kheo như vậy hoặc tản bộ, hoặc ra vào, hoặc quay nhìn hai bên, co duỗi, cúi ngước, cầm y bát, tiếp nhận ẩm thực, hoặc tả hữu tiện lợi, hoặc ngủ hoặc thức, hoặc ngồi hoặc đứng, nói năng hay im lặng, vào bất cứ lúc nào, thường niệm nhất tâm, không mất oai nghi. Đó là nhất tâm. Cũng như một người đi giữa đám đông, hoặc đi ở trước, ở giữa hay ở cuối, thường an ổn, không có điều sợ hãi. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy,... cho đến, nói năng im lặng, thường niệm nhất tâm, không buồn không sợ.
(Trường A Hàm, KinhA-ma-trú, số 20)
- 127. NHƯ LAI VƯỢT KHỎI 62 TÀ KIẾN
Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, duy chỉ đệ tử Hiền Thánh mới có thể tán thán Như Lai bằng pháp này.
Thế nào là pháp đại quang minh mà đệ tử Hiền Thánh tán thán Như Lai?
Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y vào bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, mà tùy ý lập thuyết với vô số trường hợp khác nhau. Tất cả được tóm thâu vào trong 62 kiến như:
1) ‘Bản ngã và thế giới thường tồn’ vì nhớ được 20 thành và hoại kiếp
2) ‘Bản ngã và thế giới thường tồn’ vì nhớ được 40 thành và hoại kiếp
3) ‘Bản ngã và thế giới thường tồn’ vì nhớ được 60 thành và hoại kiếp
4) ‘Bản ngã và thế giới thường tồn’ vì nhớ được 80 thành và hoại kiếp
5) ‘Bản ngã và thế gian, một nửa thường và một nửa vô thường’; Đại Phạm thường còn, chúng sanh do Đại Phạm sáng tạo ra thì không thường còn.
6) ‘Bản ngã và thế gian, một nửa thường và một nửa vô thường’. Nhập định biết đời trước chúng sanh kia không vui đùa nên thường trú, còn chúng ta do vui đùa nên bị biến dịch
7) ‘Bản ngã và thế gian, một nửa thường và một nửa vô thường’. Nhập định biết đời trước chúng sanh kia không nhìn ngó nhau nên thường trú, chúng ta vì thất ý ngó nhau nên bị biến dịch
8) ‘Bản ngã và thế gian, một nửa thường và một nửa vô thường’
9) ‘Bản ngã và thế gian là hữu biên’
10) ‘Bản ngã và thế gian là vô biên’
11) ‘Bản ngã và thế gian là hữu biên và vô biên’
12) ‘Bản ngã và thế gian không phải hữu biên, không phải vô biên’
13) ‘Tôi không thấy, không biết, thiện ác có quả báo chăng? Hay không có quả báo chăng?’
14) ‘Tôi không thấy, không biết có thế giới khác chăng? không có thế giới khác chăng?’
15) ‘Tôi không thấy, không biết thiện là gì, bất thiện là gì. Nếu tôi không thấy, không biết mà nói như vầy: đây là thiện, đây là bất thiện, thì do đây tôi sanh ái, từ ái sanh sân nhuế. Có ái, có nhuế, thì có thọ sanh. Tôi vì muốn diệt trừ thọ nên xuất gia tu hành.’
16) ‘Không có nguyên nhân mà xuất hiện có thế gian này’
17) ‘Tôi vốn không có. Nay bỗng nhiên có. Thế gian này vốn không, nay có. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
18) ‘Thế gian này hiện hữu không do nhân. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
19) ‘Thế gian có tưởng.’
20) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có tưởng có sắc. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
21) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vô sắc có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
22) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
23) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có sắc không phải vô sắc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
24) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
25) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
26) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có biên vừa không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
27) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có biên cũng không phải không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
28) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh mà thuần lạc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
29) ‘Bản ngã, sau kết thúc này, sanh mà thuần khổ, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
30) ‘Bản ngã, sau kết thúc này, sanh vừa có khổ vừa có lạc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
31) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải khổ, không phải lạc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
32) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có một tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
33) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có đa biệt tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
34) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có ít tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
35) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có vô lượng tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
36) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không sắc, không tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
37) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
38) ‘Ta, sau kết thúc này, không phải có sắc cũng không phải không có sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
39) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
40) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
41) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có biên vừa không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
42) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có biên không phải không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
43) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
44) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
45) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
46) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có sắc không phải không sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
47) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
48) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
49) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có biên vừa không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
50) ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có biên không phải không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
51) ‘Ta, với thân bốn đại, sáu nhập, do cha mẹ sanh, được nuôi nấng bằng sữa; trưởng thành nhờ áo cơm, nhờ vuốt ve, bồng ẳm; nhưng là vô thường, chắc chắn đi đến chỗ huỷ diệt.’
52) ‘Cái ta đây không thể gọi là đoạn diệt. Cái ta dục giới thiên mới đoạn diệt hoàn toàn; cho đến mức ấy mới là đoạn diệt.’
53) ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta sắc giới hoá thân, các căn đầy đủ, đoạn diệt hoàn toàn; chừng mức ấy mới gọi là đoạn diệt.’
54) ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc giới không xứ mới đoạn diệt.’
55) ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc thức xứ mới đoạn diệt.’
56) ‘Đấy không phải đoạn diệt. Ta vô sắc bất dụng xứ đoạn diệt.’
57) ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc hữu tưởng vô tưởng xứ đoạn diệt.’
58) ‘Ta trong hiện tại phóng túng theo năm dục, ấy là ta đạt Niết-bàn trong hiện tại.’
59) ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng còn có Niết-bàn vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ ta biết mà thôi. Như ta ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, hỷ lạc do định sanh, nhập sơ thiền.’ Đây mới là hiện tại Niết-bàn.’
60) ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng có Niết-bàn hiện tại vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ mình ta biết mà thôi. Như ta diệt giác quán, nội tâm tịch tĩnh, nhất tâm, không giác quán, hỷ lạc do định sanh, nhập đệ nhị thiền. Chừng ấy mới gọi là hiện tại Niết-bàn.’
61) ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng có Niết-bàn hiện tại vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ mình ta biết mà thôi. Như ta lìa hỷ, an trú xả và niệm, nhất tâm, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói, an trú lạc và xả, nhập đệ tam thiền. Chừng ấy mới là hiện tại Niết-bàn.’
62) ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, không phải là không đúng. Nhưng còn hiện tại Niết-bàn vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết. Chỉ mình ta biết thôi. Như ta lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ đã trừ trước, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Ấy mới gọi là hiện tại Niết-bàn.’
Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không bị dính mắc. Do không bị dính mắc nên được tịch diệt; biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất yếu của thọ, do bình đẳng quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.
Đó gọi là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng.
(Trường A Hàm, Kinh Phạm Động, số 21)
- 128. NHỮNG CON SỐ BẢY
Có bảy hạng vợ là vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ.
Người có đức tin có bảy đặc tính là có tâm xả ly bố thí tài vật, mong mỏi được gặp thánh nhân, mong mỏi được nghe Phật pháp, thường có tâm hoan hỷ với việc thiện, ít khoe khoang về mình, có sự chân thật không giả dối, và tịnh tín nơi đáng tịnh tín.
Bảy chi pháp của bạn hữu là cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không có khinh rẻ khi tài sản khánh tận.
Có bảy sự thù diệu vị Tỷ-kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán Pháp và trong tương lai khát vọng quán Pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục, và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục; tha thiết Thiền tịnh, và trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.
Bảy pháp thành tựu là Tỷ-kheo có lòng tin, có giữ giới, có nghe nhiều, sống Thiền tịnh, tinh cần tinh tấn, có chánh niệm, và có trí tuệ.
Bảy pháp đưa một nam cư sĩ đến thối đọa là quên, không đến thăm Tỷ-kheo; phóng túng nghe diệu pháp; không tu tập tăng trưởng giới; ít tin tưởng các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi các khuyết điểm; tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng; tại đấy phục vụ trước.
Chúng sanh sinh ra từ bụng mẹ, giai đoạn đầu tiên là kalala, được mô tả là chất nhờn giống như giọt dầu mè dính trên lông con thú, rảy đi bảy lần chỉ còn một chút dính lại ở đầu lông.
Bảy ngày kế tiếp, chất kalala phát triển thành abbuda, giống như nước máu dợt dợt.
Bảy ngày kế tiếp, chất abudda phát triển thành pesi, giống như thịt rất mềm mại.
Bảy sức mạnh là tín lực, tấn lực, tàm lực, quý lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
Bảy thánh sản là tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
Bảy thứ lửa là lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa những vị đáng cung kính, lửa gia chủ, lửa các vị đáng cúng dường, lửa củi.
Bảy thứ tưởng là tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán đối với các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ.
- 129. NIỆM KHÔNG THÁC LOẠN
Thế nào là Tỳ-kheo niệm không thác loạn?
Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, nhớ nghĩ không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân; quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, nhớ nghĩ không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy.
(Trường A Hàm, KinhA-ma-trú, số 20)
- 130. OÁN KẾT TỪ ĐÂU SANH
Đế Thích liền bạch Phật:
Oán kết sanh do bởi tham lam, tật đố; khiến cho chư Thiên, người đời, A-tu-la và các chúng sanh khác, sử dụng dao gậy đối với nhau. Con nay nghe lời Phật dạy, lưới nghi đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu sự phát sanh của tham lam tật đố do đâu mà khởi lên; do bởi nhân duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, từ cái gì mà có, do cái gì mà không?
Phật bảo Đế Thích: Sự phát sanh của tham lam, tật đố, tất cả đều do bởi yêu và ghét; yêu ghét là nhân; yêu ghét là nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không.
(Trường A Hàm, Kinh Thích Đề Hoàn Nhân Vấn, số 14)
- 131. PHẠM GIỚI CÓ NĂM ĐIỀU SUY HAO
Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao. Những gì là năm?
1) Cầu tài lợi không được toại nguyện.
2) Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn.
3) Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nễ.
4) Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ.
5) Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 132. PHÁP KÍNH ĐỂ BIẾT CHỖ THỌ SANH
Nay ta sẽ nói cho các ngươi về Pháp kính để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh; dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe.
Pháp kính là Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín.
Hoan hỷ tin Phật là đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, mười đức hiệu đầy đủ.
Hoan hỷ tin Pháp là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra, không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết-bàn; được thực hành bởi kẻ trí.
Hoan hỷ tin Tăng là chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá, và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp thân, hoặc có người đang hướng tới Tu-đà-hoàn và được quả Tu-đà-hoàn, có người đang hướng tới Tư-đà-hàm và được quả Tư đà hàm, có người đang hướng tới A na hàm và được quả A na hàm, có người đang hướng tới A-la-hán và được quả A-la-hán. Ấy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền Thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời.
Tin giới của Hiền Thánh là thanh tịnh, không nhơ, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam-muội định vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 133. KIỀU NỮ KHÔNG NHƯỜNG CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG
Bấy giờ có một dâm nữ tên Am-bà-bà-lê vừa nghe Phật cùng các đệ tử đến Tỳ-xá-ly, đang ngồi dưới một gốc cây, liền sửa soạn xe báu, muốn đi đến chỗ Phật để lễ bái cúng dường. Khi chưa đến nơi, từ xa nàng đã thấy đức Thế Tôn diện mạo đoan chánh, các căn đặc biệt khác thường, tướng tốt đầy đủ, như mặt trăng ở giữa những vì sao. Nàng rất hoan hỷ, xuống xe đi bộ lần tới chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.
Rồi Thế Tôn, theo thứ lớp thuyết pháp, khai giải, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Nghe Phật nói xong nàng phát tâm vui mừng quỳ bạch Phật rằng:
Bắt đầu từ hôm nay con quy y ngôi Tam bảo. Mong Phật nhận lời cho con được làm ưu bà di ở trong chánh pháp, trọn đời con không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Lại bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn cùng các đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của con. Còn tối nay thì xin nghỉ tại vườn của con.
Khi ấy Phật im lặng nhận lời.
Nàng thấy Phật đã im lặng nhận lời, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi đảnh lễ mà trở về. Nàng đi chưa bao lâu, Phật bảo A-nan:
Ta cùng các ngươi đi đến khu vườn kia.
Đáp: Thưa vâng.
Phật bèn rời chỗ ngồi, ôm y cầm bát cùng chúng đệ tử một nghìn hai trăm năm mươi người đi đến khu vườn ấy.
Lúc bấy giờ, nhóm người Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly, nghe Phật đến nghỉ tại vườn của Am-bà-bà-lê thì liền thắng những cỗ xe báu năm sắc lộng lẫy; có người cỡi xe xanh, ngựa xanh, phan dù áo mão đều xanh; ngựa xe năm sắc đều như vậy. Rồi thì, những người Lệ-xa với y phục đồng sắc, cả năm trăm người kéo đến Phật. Nàng Am-bà-bà-lê sau khi từ giã Phật trở về, giữa đường gặp xe họ. Lúc đó, xe nàng chạy rất nhanh, cùng với xe báu của họ móc kéo nhau, khiến phướn lọng gãy đổ cả, mà vẫn không chịu tránh đường. Các người Lệ xa trách:
Nàng ỷ thế gì mà không tránh đường cho chúng tôi đi, để tông xe cộ chúng tôi khiến phướn lọng gãy cả?
Am-bà đáp: Thưa quý ngài, tôi đã thỉnh Phật ngày mai đến nhà tôi thọ trai. Tôi phải về gấp sửa soạn đồ cúng dường, thành phải đi mau, không tránh kịp.
Nhóm Lệ xa liền bảo nàng: Nàng khoan hãy thỉnh. Để chúng tôi thỉnh trước, chúng tôi sẽ cho nàng một trăm ngàn lượng vàng.
Nàng đáp: Tôi đã thỉnh trước rồi, không thể nhường được.
Nhóm Lệ xa tiếp: Chúng tôi sẽ tặng nàng gấp mười sáu lần trăm ngàn lượng vàng. Hãy để chúng tôi thỉnh trước.
Nàng vẫn không chịu: Tôi đã thỉnh rồi. Nhất định không thể làm như thế được.
Các Lệ xa lại nói: Chúng tôi sẽ tặng bằng số tài bảo nửa nước, nàng hãy để chúng tôi thỉnh trước.
Nàng trả lời: Giả sử đem tài bảo của cả nước cấp tôi, tôi cũng không nhận. Vì sao? Vì Phật hiện ở tại vườn tôi, Ngài đã nhận lời tôi thỉnh trước. Việc ấy đã xong, không thể nhường được.
Các Lệ xa khoa tay than tiếc, rằng: Nàng con gái này đã làm chúng ta thiếu mất cái phúc quả đầu tiên.”
Ở đời có năm thứ báu rất khó có được. Những gì là năm?
1) Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời rất khó có được.
2) Người có thể giảng thuyết Chánh pháp của Như Lai rất khó có được.
3) Người có thể tín giải pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được.
4) Người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được.
5) Hiểm nguy được cưu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó có.
Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe Phật khai thị, giáo huấn khiến cho lợi ích, hoan hỷ, liền bạch Phật;
Cúi mong Thế Tôn và chúng đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Phật nói với các người Lệ-xa:
Các khanh đã thỉnh Ta. Ta nay như thế là đã được cúng dường rồi. Kỹ nữ Am-bà-bà-lê đã thỉnh trước.
Năm trăm người Lệ-xa nghe Am-bà-bà-lê nữ đã thỉnh Phật trước, ai nấy đều vung tay mà nói rằng:
Chúng ta muốn cúng dường Như Lai, mà nay người đàn bà kia đã phổng tay trên ta rồi.
Rồi họ rời chỗ ngồi, đầu mặt lễ Phật, đi quanh Phật ba vòng, sau đó ai về nhà nấy.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 134. PHÁP KỲ DIỆU
1) Như Lai có thể biết rõ sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của thọ;
2) Biết rõ sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của tưởng;
3) Biết rõ sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của quán.
Đó mới thật là pháp kỳ diệu chưa từng có của Như Lai, ngươi nên ghi nhớ.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 135. PHÁP SỐ BẢY
Tôn giả Rahula xuất gia và thọ sadi giới lúc lên bảy tuổi.
Ngài Ratthapala đã tuyệt thực bảy ngày để xin cha mẹ cho xuất gia.
Tăng làm phước suốt bảy ngày. Đến ngày thứ bảy ngài hầu chuyện với tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) và xin xuất gia.
Ngài Tissa do ác nghiệp đã tạo trong kiếp làm trụ trì một ngôi chùa đã bị tái sanh vào một làng chài và làng chài này đã vị hỏa hoạn bảy lần, bị vua phạt vạ bảy lần. Khi lên bảy tuổi ngài xuất gia sa di với ngài Sariputta.
Tôn giả Mahakassapa bị bệnh tu định luôn 7 ngày để trị bệnh.
Đại Đức Sadi Nirodha mới lên bảy tuổi đã tạo được đức tin đặc biệt nơi đức vua Asoka. Do đức tin này hàng ngày đức vua dâng cúng vật thực đến 600.000 tỳ khưu Tăng.
Lạm dụng lòng tịnh tín của đức vua Asoka, nhiều tỳ khưu giả đã chung sống lẫn lộn với tỳ khưu thật trong chùa Asokarama đến bảy năm mới bị đức vua thanh lọc.
Vua Asoka bị sanh làm ác thú trong bảy ngày.
Trước khi vấn đạo ngài Na Tiên, vua Milanda đã giữ gìn cẩn trọng tám giới trong bảy ngày và giới đầu tiên là không hành vương sự trong bảy ngày.
Vua Đại Thiện Kiến, có đủ bảy món báu : xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu, tướng quân báu.
Đức Phật thấy vua Suppabuddha sẽ bị đất rút trong bảy ngày.
Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ tái sanh cõi người hoặc cõi trời dục giới nhiều nhất là bảy kiếp.
Một triệu phú gia ở Sàvatthi trong tiền kiếp có bố thí đồ ăn khất thực cho vị Độc Giác Phật tên là Tagarasikkhi. Do kết quả hành động ấy, vị ấy được sanh bảy lần lên thiện thú, Thiên giới. Do kết quả dư hưởng còn lại, vị ấy được làm nhà triệu phú bảy lần ở Sàvatthi.
- 136. PHÁP TẨN TÁN NHƯ LAI
Các Mạt-la cùng vào thành, đi đến các ngõ đường, dọn bằng phẳng các con đường, quét tước, đốt hương, xong rồi ra khỏi thành, trở lại rừng Song thọ, dùng hương hoa, kỹ nhạc để cúng dường kim thân.
Sau bảy ngày, vào lúc trời chiều, họ thỉnh kim thân Phật đặt lên một cái giường, khiến các thanh niên Mạt-la nâng bốn góc khiêng đi thong thả giữa đám đông người hộ tống, có tràng phan, hương hoa, âm nhạc cúng dường. Từ không trung các vị trời Đao-lợi dùng hoa văn-đà-la, hoa ưu-đàm-bát-la, hoa ba-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị, và bột hương chiên-đàn nhà trời rải trên kim thân và tràn ngập các ngã đường, chư thiên tấu nhạc, quỷ thần ca ngâm.
Khi ấy các người Mạt-la nói với nhau:
Hãy gác qua nhạc loài người. Xin tấu nhạc trời để cúng dường xá-lợi.
Rồi các người Mạt-la khiêng giường tiến tới dần, vào cửa thành phía Đông, đến mỗi ngã đường thì dừng lại để cho dân chúng đốt hương, tán hoa, trỗi nhạc cúng dường. Lúc ấy có nàng Lộ-di dòng Mạt-la vốn dốc lòng tin Phật, cầm một đóa hoa vàng lớn như bánh xe cúng dường kim thân, và một bà lão cất tiếng tán thán rằng: Các Mạt-la này may được phúc lợi lớn. Như Lai cuối cùng diệt độ tại đây. Khắp nước nhân dân hớn hở cúng dường.
Họ cúng dường xong, đưa kim thân ra thành cửa bắc, qua sông Ni-liên-thuyền đến chùa Thiên quan, đặt giường xuống đất rồi thưa với A-nan:
Chúng tôi bây giờ nên cúng dường cách nào nữa?
A-nan bảo: Tôi trực tiếp nghe từ Phật, lãnh thọ lời Phật dạy rằng: muốn tẩn táng xá-lợi hãy làm như pháp tẩn táng Chuyển luân Thánh vương.
Hỏi: Phép táng Chuyển luân Thánh vương là thế nào?
Đáp: Về phép táng Chuyển luân Thánh vương, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể, rồi lấy vải bông mới quấn thân thể, rồi lấy năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của pháp vương mà tưởng nhớ lại chánh hóa của vua đã làm lợi ích cho nhiều người. A-nan, ngươi muốn táng Ta, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể, rồi lấy vải bông mới quấn thân thể, rồi lấy năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh thiên. Trừ người đã đắc đạo.
Chúng Mạt-la bảo nhau:
Chúng ta về thành sắm sửa các đồ tẩn táng, các thứ hương hoa, bông gòn, quan quách, dầu thơm và vải lụa trắng.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 137. PHẬT CHỌN CÂU-THI-LA ĐỂ NHẬP NIẾT BÀN
A-nan bạch Phật: Xin ngài chớ diệt độ tại chỗ đất hoang vu trong thành chật hẹp thô lậu này. Vì sao? Hiện có các nước lớn như Chiêm-bà, nước Tỳ-xá-ly, thành Vương xá, nước Bạt-kỳ, nước Xá-vệ, nước Ca-tỳ-la-vệ, nước Ba-la-nại. Ở đó nhân dân đông đúc, nhiều người tín mộ Phật pháp. Phật diệt độ tại các chỗ đó, ắt nhiều người cung kính, cúng dường xá-lợi.
Phật dạy: Thôi, đủ rồi, chớ có nhận xét như thế. Chớ cho nơi này là bỉ lậu. Vì sao thế?
Khi xưa tại nước này, có vị vua tên Đại Thiện Kiến và thành này lúc đó tên là Câu-xá-bà-đề. Đô thành của vua dài 480 dặm, rộng 280 dặm. Bấy giờ được mùa lúa rẻ, nhân dân phồn thịnh. Thành này có bảy lớp, bao quanh cũng có bảy lớp lan can, chạm trổ văn vẻ, linh báu treo xen. Móng thành bề sâu ba nhẫn, lên cao mười hai nhẫn. Lâu đài trên thành cao mười nhẫn. Vòng cột ba nhẫn. Thành vàng thì cửa bạc, thành bạc thì cửa vàng, thành lưu ly thì cửa thủy tinh, thành thủy tinh thì cửa lưu ly. Quanh thành trang nghiêm bằng tứ bảo, xen kẽ lan can bằng tứ bảo. Lầu vàng thì treo linh bạc, lầu bạc thì treo linh vàng. Có hào bảy lớp, mọc đầy hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Đáy hào toàn lát bằng cát vàng. Hai bên bờ hào có nhiều cây đa-lân. Cây vàng thì lá hoa trái bạc. Cây bạc thì lá hoa trái vàng. Cây thủy tinh thì hoa trái lưu ly. Cây lưu ly thì hoa trái thủy tinh. Giữa đám cây đa-lân có ao tắm. Dòng nước sâu, trong, thanh khiết không dơ. Hai bên bờ ao lát bằng gạch tứ bảo. Thang bằng vàng thì bậc thang bằng bạc. Thang lưu ly thì bậc bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì bậc thềm bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì lưu ly làm bậc. Chung quanh, lan can vây bọc liên tiếp nhau. Trong thành ấy nơi nào cũng sanh cây đa-lân. Cây vàng thì lá hoa trái bạc. Cây bạc thì lá hoa trái vàng. Cây thủy tinh thì hoa trái lưu ly. Cây lưu ly thì hoa trái thủy tinh. Khoảng giữa các cây có các ao bằng tứ bảo, sanh bốn loại hoa. Đường xá ngay ngắn, hàng ngũ tương đương. Gió thổi, hoa rơi lá bay hai bên đường. Gió nhẹ thổi qua các cây báu, phát ra âm thanh dịu dàng như thiên nhạc. Người trong nước, trai gái lớn nhỏ, dạo chơi vui vẻ giữa các cây. Nước ấy thường có mười loại âm thanh: Tiếng vỏ sò, tiếng trống, tiếng ba la, tiếng ca, tiếng múa, tiếng thổi, tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe cộ, tiếng ẩm thực, tiếng cười đùa.
Vua Đại Thiện Kiến có đủ bảy báu và bốn thần đức.
Bảy báu là: bánh xe vàng báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và quân binh báu.
Bốn thần đức: sống lâu, không yểu, không ai sánh bằng; thân thể cường tráng, không bịnh hoạn, không ai sánh bằng; nhan mạo đoan chánh, không ai sánh bằng; kho báu tràn đầy, không ai sánh bằng.
Đó là Chuyển luân Thánh vương thành tựu bảy báu và bốn thần đức.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 138. PHẬT DI LẶC XUẤT HIỆN
Tương lai con người sống tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới gả chồng, và có chín thứ bịnh là lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, tham dục, ham ăn và già nua. Cõi đất lúc ấy bằng phẳng không có rạch hầm, gò nổng gai gốc, cũng không mòng muỗi, rắn rết, trùng độc. Ngói, đá, cát, gạch thì biến thành lưu ly. Nhân dân sung túc, ngũ cốc rẻ thường, giàu vui không xiết tả. Có tám vạn thành lớn được dựng lên, thôn thành san sát gần nhau, gà gáy cùng nghe được.
Vào thời kỳ ấy thì có đức Phật ra đời hiệu là Di-lặc Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, mười hiệu đầy đủ, như đức Thích-ca Như Lai ngày nay không khác. Đức Di-lặc kia tự mình tu chứng ngay ở giữa hàng chư thiên, Đế Thích, Ma, Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, và nhân gian, mà tự thân tác chứng, cũng như ta ngày nay ở ngay giữa hàng chư thiên, Đế Thích, Ma hoặc Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn và nhân gian mà tự mình tác chứng vậy.
Đức Di-lặc sẽ thuyết pháp, khoảng đầu, giữa và cuối đều trọn lành, đầy đủ nghĩa vị, tịnh tu phạm hạnh như ngày nay Ta thuyết pháp, khoảng đầu, giữa, cuối đều chân chánh, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh vậy.
Đức Di-lặc có chúng đệ tử vô số ngàn vạn, như Ta ngày nay có đệ tử vài trăm. Nhân dân lúc ấy gọi đệ tử ngài là Từ tử như gọi đệ tử ta nay là Thích tử.
Lúc ấy, có vua tên là Tương-già, là vua Sát-lỵ Chuyển luân Thánh vương quán đảnh, cai trị bốn châu thiên hạ. Vua lấy chánh pháp trị dân, ai nấy đều mến phục. Vua có đủ bảy thứ báu là bánh xe vàng, voi trắng, ngựa xanh, thần châu, ngọc nữ, cư sĩ, chủ binh và ngàn người con dõng mãnh hùng nghị, đủ sức dẹp ngoại địch, được bốn phương kính thuận, không cần binh đao mà thiên hạ thái bình.
(Trường A Hàm, Kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành, số 6)
- 139. PHƯỚC BÁU CÚNG DƯỜNG
Thế Tôn thuyết pháp cho Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu theo thứ tự, chỉ bày, khuyến khích, khiến được lợi ích, hoan hỷ. Ngài nói về thí, về giới, về sanh thiên; nói dục là tai họa, phiền não là chướng ngại, xuất ly là tối thượng, phân bố, hiển thị các hạnh thanh tịnh.
Rồi Thế Tôn quán sát Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu, ý chí đã mềm dịu, ấm cái đã vơi nhẹ, dễ được điều phục. Như thường pháp của chư Phật, Ngài giảng thuyết cho ông về khổ thánh đế, phân biệt hiển thị, thuyết tập thánh đế, tập diệt thánh đế. Cứu-la-đàn-đầu ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Cũng như tấm lụa trắng rất dễ nhuộm màu. Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu cũng vậy, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu đạo quả, quyết định an trú, tự tín không do ai, đắc vô sở úy, bèn bạch Phật rằng:
Nay con ba lần xin quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Nguyện Phật chấp thuận con là một ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Từ nay về sau, cho đến trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.
Rồi lại bạch Phật tiếp rằng:
Cúi mong Thế Tôn nhận lời mời của con trong
bảy ngày.
Thế Tôn khi ấy im lặng nhận lời.
Trong bảy ngày ấy, Bà-la-môn tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Qua bảy ngày, Thế Tôn du hành trong nhân gian.
Phật đi chưa bao lâu, Cứu-la-đàn-đầu mắc bịnh mà mạng chung. Khi ấy, số đông Tỳ-kheo nghe tin Cứu-la-đàn-đầu sau khi cúng dường Phật bảy ngày, và khi Phật đi chưa lâu, ông lâm bịnh mà mạng chung. Các Tỳ-kheo này bèn nghĩ thầm rằng: Người kia nay mạng chung, sẽ sanh về đâu? Rồi các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật xong, ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:
Cứu-la-đàn-đầu nay mạng chung, sẽ sanh về đâu?
Phật nói với các Tỳ-kheo:
Người ấy tịnh tu phạm hạnh, thành tựu pháp và tùy pháp, và cũng không bị xúc nhiễu bởi pháp, do đã đoạn trừ năm hạ phần kết, hiện bát Niết-bàn ở nơi kia, không trở lại cõi này nữa.
(Trường A Hàm, Kinh Cứu-la-đàn-đầu, số 23)
- 140. PHƯỚC LÀ NỀN TẢNG
Nếu đem ẩm thực
Y phục, ngọa cụ
Cho người trì giới
Tất được quả lớn.
Đó là bạn thật
Chung thủy theo nhau
Đến bất cứ đâu
Như bóng theo hình.
Vậy nên gieo thiện
Làm lương đời sau
Phước là nền tảng
Chúng sanh an trụ.
Phước là thiên hộ
Đường đi không nguy
Sống không gặp nạn
Chết được sanh thiên.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 141. QUÁN TOÀN BỘ KHỔ ẤM DIỆT
Bồ-tát lại suy nghĩ: ‘Do cái gì không có thì già chết không có? Do cái gì diệt thì già chết diệt?’ Rồi bằng trí tuệ, Ngài quán sát nguyên do, biết rằng, do sanh không có nên già chết không có; do sanh diệt nên già chết diệt; do hữu không có nên sanh không có, hữu diệt nên sanh diệt; do thủ không có nên hữu không có, thủ diệt nên hữu diệt; do ái không có nên thủ không có, ái diệt nên thủ diệt; do thọ không có nên ái không có, thọ diệt nên ái diệt; do xúc không có nên thọ không có, xúc diệt nên thọ diệt; do lục nhập không có nên xúc không có, lục nhập diệt nên xúc diệt; do danh sắc không có nên lục nhập không có, danh sắc diệt nên lục nhập diệt; do thức không có nên danh sắc không có, thức diệt nên danh sắc diệt; do hành không có nên thức không có, hành diệt nên thức diệt; do si không có nên hành không có, si diệt nên hành diệt. Thế tức là vì si diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết ưu bi khổ não diệt.
Khi Bồ-tát suy nghĩ về khổ ấm diệt như thế liền phát sinh trí, phát sinh nhãn, phát sinh giác, phát sanh minh, phát sanh thông, phát sanh trí, sanh chứng.
Sau khi Bồ-tát quán mười hai nhân duyên theo hai chiều thuận nghịch, biết như thật, thấy như thật, ngay tại chỗ, Ngài chứng được đạo quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 142. QUÁN TOÀN BỘ KHỔ ẤM SANH
Ngài liền theo ý nguyện đi đến chỗ nhàn tịnh, chuyên tinh tu đạo. Ngài lại suy nghĩ: ‘Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong hôn ám, thọ thân nguy khốn, mong manh, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết, đủ mọi thứ khổ não. Họ chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo cái khổ ấm đó mà trôi nổi không biết bao giờ cùng. Ta lúc nào mới có thể thấu triệt khổ ấm, diệt hết sanh già chết?’
Ngài lại suy nghĩ rằng: ‘Sanh tử từ đâu, duyên đâu mà có ra? Liền dùng trí tuệ quán sát sở do, thấy rằng do sanh mà có già và chết; sanh là duyên của già chết. Sanh lại do hữu mà có; hữu là duyên của sanh. Hữu do thủ mà có; thủ là duyên của hữu. Thủ do ái mà có; ái là duyên của thủ. Ái do thọ mà có; thọ là duyên của ái. Thọ do xúc mà có; xúc là duyên của thọ. Xúc do lục nhập mà có; lục nhập là duyên của xúc. Lục nhập do danh sắc mà có; danh sắc là duyên của lục nhập. Danh sắc do thức mà có; thức là duyên của danh sắc. Thức do hành mà có, hành là duyên của Thức. Hành do si mà có, si là duyên của hành. Thế tức là do duyên là si có hành, do duyên là hành có thức, do duyên là thức có danh sắc, do duyên là danh sắc có lục nhập, do duyên là lục nhập có xúc, do duyên là xúc có thọ, do duyên là thọ có ái, do duyên là ái có thủ, do duyên là thủ có hữu, do duyên là hữu có sanh, do duyên là sanh có già, bệnh, chết, sầu, buồn, khổ, não. Cái ấm thân đầy dẫy khổ não này do duyên là sanh mà có. Chính đó là sự tập khởi của khổ.’
Khi Bồ-tát suy nghĩ tới cái khổ tập ấm ấy, liền phát sinh trí, phát sinh nhãn, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh tuệ, phát sinh chứng ngộ.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 143. QUỶ THẦN Ở KHẮP NƠI
Tất cả chỗ ở như nhà cửa của mọi người đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Tất cả mọi đường sá, mọi ngã tư, hàng thịt, chợ búa, cùng bãi tha ma đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Phàm các loài quỷ thần đều tùy thuộc vào chỗ nương náu mà có tên. Như nếu nương vào người thì gọi là người; nương vào thôn thì gọi là thôn; nương vào thành thì gọi là thành; nương vào nước thì gọi là nước; nương vào đất thì gọi là đất; nương vào núi thì gọi là núi, nương vào sông thì gọi là sông.
Tất cả mọi loại cây cối dù là cực nhỏ như trục xe cũng đều có quỷ thần nương tựa, không có chỗ nào là không có. Tất cả mọi người nam, người nữ khi mới bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên ủng hộ; nếu khi nào họ chết thì quỷ thần giữ gìn họ, thu nhiếp tinh khí của họ, nên người này sẽ chết ngay.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 144. QUỶ THẦN QUẤY NHIỄU VÀ KHÔNG QUẤY NHIỄU
Giả như có Phạm-chí ngoại đạo hỏi rằng: ‘Chư hiền! Nếu như tất cả nam nữ khi bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên giữ gìn, ủng hộ; khi người kia sắp chết, quỷ thần giữ gìn ủng hộ kia sẽ thu nhiếp tinh khí họ, thì người này chết. Nhưng tại sao người hiện nay lại có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu?’ Nếu có người hỏi câu này, thì các Thầy nên trả lời cho họ rằng:
‘Người thế gian hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, những người như vậy, thì trong trăm hay nghìn mới có một thần theo bảo hộ thôi. Giống như đàn bò, đàn dê, trong trăm hay nghìn con cũng chỉ có một người chăn giữ; thì việc này cũng như vậy, vì hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, nên những người như vậy, trong trăm hay nghìn người mới có một thần bảo hộ thôi. Nếu có người nào tu hành pháp thiện, chánh kiến, chánh tín, chánh hạnh, đầy đủ mười nghiệp thiện, chỉ một người như vậy, thì cũng có trăm nghìn thần bảo hộ rồi. Giống như quốc vương, đại thần của quốc vương có trăm nghìn người hộ vệ một người; thì việc này cũng như vậy, người tu hành pháp thiện, đầy đủ mười nghiệp thiện, như một người có trăm nghìn thần hộ vệ. Vì nhân duyên này cho nên, người thế gian có nguời bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 145. SANH VÀO CÁC CÕI TRỜI
Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đao-lợi thiên; sau đó thức đời trước diệt; thức kia bắt đầu sinh ra; nhân thức này nên có danh sắc, nhân danh sắc nên có sáu nhập. Kẻ mới bắt đầu sinh của cõi Trời kia, giống như đứa trẻ hai hay ba tuổi ở cõi Diêm-phù-đề, tự nhiên biến hiện ra ở trên đầu gối của Trời, và vị Trời ấy nói: ‘Đây là con trai của ta. Đây là con gái của ta.’ Cũng lại như đã kể trên.
Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Diệm-ma thiên; kẻ mới bắt đầu sinh của cõi trời kia, giống như đứa trẻ ba, bốn tuổi ở cõi Diêm-phù-đề này.
Hoặc có chúng sanh với thân, miệng ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đâu-suất thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ bốn, năm tuổi ở thế gian này.
Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Hóa-tự-tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ năm, sáu tuổi ở thế gian này.
Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Tha-hóa-tự-tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ sáu, bảy tuổi ở thế gian này, cũng lại như vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8.Đao Lợi Thiên, số 30)
- 146. SÁU NGHIỆP TỔN TÀI
Sáu nghiệp tổn tài là đam mê rượu chè, cờ bạc, phóng đãng, đam mê kỹ nhạc, kết bạn người ác và biếng lười.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 147. SÁU PHÁP
1) Như Lai nói sáu chánh pháp tức là sáu nội nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
2) Sáu ngoại nhập: sắc, tiếng, hương, vị, xúc, pháp.
3) Sáu thức thân: nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.
4) Sáu xúc thân: nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân.
5) Sáu thọ thân: nhãn thọ thân, nhĩ thọ thân, tỷ thọ thân, thiệt thọ thân, thân thọ thân, ý thọ thân.
6) Sáu tưởng thân : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng thân.
7) Sáu tư thân: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tư thân.
8) Sáu ái thân: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ái thân.
9) Sáu gốc rễ tranh cãi: 1. Nếu Tỳ-kheo ưa sân không bỏ, không kính Như Lai, cũng không kính Pháp, cũng không kính Chúng tăng, ở nơi giới có lọt có rĩ, nhiễm ô bất tịnh, ở trong chúng ưa gây tranh cãi mà ai cũng ghét, tranh chấp nhiễu loạn, trời và người bất an. Các Tỳ-kheo, các ngươi hãy tự mình quán sát bên trong, giả sử có sự sân hận như kẻ nhiễu loạn kia, hãy tập hợp hòa hợp chúng, rộng đặt phương tiện, nhỗ sạch gốc rễ tranh cãi ấy. Các ngươi lại hãy chuyên niệm, tự quán sát. Nếu kết hận đã diệt lại hãy thêm phương tiện ngăn cản tâm ấy không để sinh khởi trở lại. 2. Các Tỳ-kheo ngoan cố không chịu nghe. 3. Xan tham tật đố. 4. Xảo ngụy hư vọng. 5. Cố chấp kiến giải của mình không chịu bỏ. 6. Nghe lầm nơi tà kiến cùng với biên kiến cũng như vậy.
10) Sáu giới: địa giới, hỏa giới, thủy giới, phong giới, không giới, thức giới.
11) Sáu sát hành: con mắt sát hành sắc, tai đối với tiếng, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp.
12) Sáu xuất ly giới: 1. Nếu Tỳ-kheo nói như vầy: ‘Tôi tu từ tâm nhưng lại tâm sanh sân nhuế.’ Các Tỳ-kheo khác bảo: ‘Ngươi chớ nói như vậy. Chớ báng bổ Như Lai. Như Lai không nói như vậy: muốn khiến tu từ giải thoát mà sanh sân nhuế tưởng, không có trường hợp ấy. Phật nói: trừ sân nhuế rồi sau mới đắc từ.’ Nếu Tỳ-kheo nói: ‘Tôi thực hành bi giải thoát nhưng tâm sanh tật đố.’ 2. ‘Thực hành bi giải thoát nhưng sanh tâm ưu não.’ 4. ‘Thực hành xả giải thoát nhưng sanh tâm yêu ghét.’ 5 ‘Thực hành vô ngã nhưng sanh tâm hồ nghi.’ 6. ‘Thực hành vô tưởng nhưng sanh tâm loạn tưởng;’ cũng giống như vậy.
13) Sáu vô thượng: kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi dưỡng vô thượng, giới vô thượng, cung kính vô thượng, ức niệm vô thượng.
14) Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.
- 148. SÁU PHÁP BA TỤ
1) Sáu bất kính: không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính giới, không kính thiền định, không kính cha mẹ.
2) Sáu phép kính: Kính Phật, kính Pháp, kính Tăng, kính giới, kính thiền định, kính cha mẹ.
3) Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 149. SÁU PHÁP BẤT THOÁI
1) Thân thường hành xử từ ái, không hại chúng sanh.
2) Miệng nói nhân từ, không diễn lời dữ.
3) Ý niệm từ tâm, không ôm lòng thêm bớt.
4) Được vật lợi dưỡng hợp lẽ, chia cùng chúng hưởng, bình đẳng như nhau.
5) Giữ giới Thánh Hiền không để khuyết lậu, cũng không cấu uế, nhất định không dao động.
6) Thấy đạo Thánh Hiền để dứt hết thống khổ.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 150. SÁU PHÁP LÀM CHÁNH PHÁP ĐƯỢC TĂNG TRƯỞNG
- Niệm Phật; 2. Niệm Pháp; 3. Niệm Tăng; 4. Niệm giới; 5. Niệm thí; 6. Niệm thiên.
Sáu niệm ấy làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 151. SÁU PHÁP TĂNG NHẤT
1) Sáu trọng pháp: nếu có Tỳ-kheo tu sáu pháp tôn trọng, đáng kính đáng trọng, hòa hợp với chúng không có tranh tụng, độc hành không hỗn tạp.
i.Tỳ-kheo thân thường hành từ, kính đồng phạm hạnh, sống với tâm nhân ái. Đó gọi là trọng pháp, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng, không có tranh tụng, độc hành không hỗn tạp.
ii-iv. Khẩu hành từ, ý hành từ; được vật lợi dưỡng đúng pháp và những thức ăn ở trong bát cũng đều đem chia cho người khác dùng chung, không phân biệt đây kia.
v.Đối với giới mà bậc Thánh hành trì, không phạm, không hủy, không nhiễm ô, được bậc trí khen ngợi, khéo thọ trì đầy đủ, thành tựu định ý.
vi. Tỳ-kheo chánh kiến về các phạm hạnh để thành tựu sự xuất yếu của Hiền Thánh, để chân chánh diệt tận khổ.
2) Sáu tu niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.
3) Sáu nội nhập: nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập.
4) Sáu ái: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.
5) Sáu pháp bất kính: không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính giới, không kính định, không kính cha mẹ.
6) Sáu pháp kính: kính Phật, kính Pháp, kính Tăng, kính giới, kính định, kính cha mẹ.
7) Sáu vô thượng: kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi dưỡng vô thượng, giới vô thượng, cung kính vô thượng, niệm vô thượng.
8) Sáu đẳng pháp: mắt thấy sắc, không ưu, không hỷ, an trú xả, chuyên niệm. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tưởng pháp, không ưu, không hỷ, an trú xả, chuyên niệm.
9) Sáu tri pháp: Nếu có Tỳ-kheo nói như vầy: ‘Tôi tu từ tâm, lại còn sanh sân nhuế’, thì các Tỳ-kheo khác nói: ‘Ngươi đừng nói như thế. Chớ hủy báng Như Lai. Như Lai không nói như thế, rằng muốn khiến tu từ giải thoát mà lại sanh sân nhuế, không có trường hợp đó. Phật nói, trừ sân nhuế rồi sau đó mới đắc từ’. Nếu có Tỳ-kheo nói: ‘Tôi thực hành bi giải thoát lại sanh tâm tật đố. Hành hỷ giải thoát, sanh tâm ưu não. Hành xả giải thoát, sanh tâm yêu ghét. Hành vô ngã hành sanh tâm hồ nghi. Hành vô tưởng hành, sanh các loạn tưởng’, thì cũng giống như vậy.
10) Sáu thần thông: 1. Thần túc thông, 2. Thiên nhĩ thông, 3. Tri tha tâm thông, 4. Túc mạng thông, 5. Thiên nhãn thông. 6. Lậu tận thông.
Đó là sáu mươi pháp, như thật không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 152. SÁU VỊ PHẬT QUÁ KHỨ
Quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá-bà. Như Lai, Chí chân, xuất hiện ở thế gian.
Trong hiền kiếp này có Phật hiệu là Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm, Ca-diếp. Ta nay cũng ở trong hiền kiếp này mà thành Tối Chánh giác
Các ngươi nên biết, thời đức Phật Tỳ-bà-thi, nhân loại sống đến tám vạn tuổi; thời đức Phật Thi-khí, nhân loại sống đến bảy vạn tuổi; thời đức Phật Tỳ-xá-bà, nhân loại sống đến sáu vạn tuổi; thời đức Phật Câu-lưu-tôn, nhân loại sống đến bốn vạn tuổi; thời đức Phật Câu-na-hàm, nhân loại sống đến ba vạn tuổi; thời đức Phật Ca-diếp, nhân loại sống đến hai vạn tuổi, và nay Ta ra đời, nhân loại sống đến một trăm tuổi, tăng thì ít mà giảm thì nhiều. (Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 153. TÁM CHÚNG & ĐỨC PHẬT TỪNG ĐẾN THĂM CHÚNG SÁT LỢI VÀ PHẠM THIÊN
Trong đời có tám chúng:
1) Sát-lỵ 2) Bà-la-môn
2) Cư sĩ 4) Sa-môn
5) Tứ thiên vương 6) Đao-lỵ thiên
7) Ma 8) Phạm thiên.
Ta nhớ xưa kia, Ta từng qua lại trong chúng Sát-lỵ, cùng họ nói năng, ngồi đứng, chẳng biết đã bao nhiêu lần.
Nhờ sức thiền định tinh tấn mà nơi nào Ta hiện đến, hễ họ có sắc đẹp thì sắc Ta đẹp hơn. Họ có tiếng hay thì tiếng Ta hay hơn.
Họ từ giã Ta mà đi, nhưng Ta không từ giã họ.
Điều họ nói được, Ta cũng nói được.
Điều họ không thể nói được, Ta cũng nói được.
Ta thường thuyết pháp cho họ, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ, rồi biến mất khỏi nơi đó, mà họ không biết Ta là trời hay là người.
Như thế cho đến, Ta từng qua lại trong chúng Phạm thiên không biết là bao nhiêu lần để thuyết pháp cho họ, mà họ cũng đều chẳng biết Ta là ai.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 154. TÁM GIẢI THOÁT
1) Có sắc, quán sắc;
2) Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc;
3) Tịnh giải thoát;
4) Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không niệm tạp tưởng, an trú không xứ;
5) Vượt không xứ, an trú thức xứ;
6) Vượt thức xứ, an trú vô sở hữu xứ;
7) Vượt vô sở hữu xứ, an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ;
8) Diệt tận định.
Các Tỳ-kheo đối với tám giải thoát này du hành theo chiều thuận và nghịch, xuất nhập tự tại, Tỳ-kheo như vậy chứng đắc câu giải thoát.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, số 13)
- 155. TÁM NGUYÊN NHÂN KHIẾN ĐẤT RUNG ĐỘNG
Khi thấy trái đất chấn động, A-nan tâm kinh sợ, lông tóc dựng ngược, vội quỳ bạch Phật:
Lạ thay, Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà trái đất rung động?
Phật bảo A-nan: Ở đời, có tám nguyên nhân khiến đất rung động. Những gì là tám?
1) Đất y trên nước. Nước y trên gió. Gió y trên hư không. Trong hư không có ngọn gió lớn có khi tự nổi lên, khi ấy khối lớn nước bị khuấy động. Khối nước lớn bị khấy động thì khắp cả đất rung động. Đó là một nguyên nhân.
2) Có khi có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đắc đạo, hoặc tôn thiên đại thần quán thể tánh nước nhiều, quán thể tánh đất ít, muốn tự thử năng lực của mình, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ hai.
3) Khi Bồ-tát từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm không tán loạn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ ba.
4) Khi Bồ-tát ra khỏi thai mẹ, sanh từ hông phải, chuyên niệm không tán loạn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ tư.
5) Khi Bồ-tát vừa thành Vô thượng Chánh giác, ngay lúc ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ năm.
6) Khi Phật vừa thành đạo chuyển Vô thượng pháp luân mà Ma hoặc Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn thảy đều không thể chuyển, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ sáu.
7) Khi sự giáo giới của Phật gần hoàn tất, chuyên tâm không tán loạn, Phật xả bỏ thọ hành, khi đó khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ bảy.
8) Khi Như Lai ở nơi vô dư Niết-bàn mà nhập Niết-bàn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ tám.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 156. TÁM PHÁP
Các Tỳ-kheo, Như Lai nói tám chánh pháp tức là tám pháp ở đời: đắc, thất, vinh, nhục, khen, chê, lạc và khổ.
Tám giải thoát: 1. Sắc quán sắc giải thoát. 2. Nội không sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát. 3. Tịnh giải thoát, 4. Vượt quá sắc tưởng, diệt sân nhuế tưởng, an trú hư không xứ giải thoát. 5. Vượt hư không xứ an trú hư không xứ giải thoát. 6. Vượt thức xứ an trú vô hữu xứ giải thoát, vượt vô sở hữu xứ an trú phi phi tưởng xứ giải thoát. 8. Vượt phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trú diệt tận định giải thoát.
Tám thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.
Tám nhân cách: Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả; A-la-hán hướng, A-la-hán quả.
(Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập, số 9)
- 157. TÁM PHÁP BATỤ
1) Tám tà hạnh: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
2) Tám pháp dẫn đến thiện thú: Thế gian chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
3) Tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
(Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ, số 12)
- 158. TÁM PHÁP TĂNG NHẤT
1) Thế nào là tám thành pháp? Đó lá tám nhân duyên khiến cho chưa sở đắc phạm hạnh nhưng có thể sở đắc trí , và nếu đã sở đắc phạm hạnh thì trí tăng trưởng.
- Tỳ-kheo sống nương tựa Thế Tôn, hoặc nương tựa sư trưởng, hoặc nương tựa người phạm hạnh có trí tuệ, sanh tâm tàm quý, có ái, có kính. Đó là nhân duyên thứ nhất, chưa chứng đắc phạm hạnh nhưng chứng đắc trí; đã chứng đắc phạm hạnh thì trí tăng gia.
- Lại nữa, sống nương tựa Thế Tôn, tùy thời mà thưa hỏi: ‘Pháp này có ý nghĩa gì? Dẫn đến đâu?’ Khi ấy các tôn trưởng liền mở bày cho nghĩa lý thậm thâm
iii. Sau khi nghe pháp thân tâm an lạc, an tĩnh.
iv. Sau khi đã được an lạc, an tĩnh, sẽ không luận bàn những tạp luận làm chướng ngại đạo. Vị ấy đến giữa đại chúng hoặc tự mình thuyết pháp, hoặc thỉnh người khác thuyết, mà vẫn không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh.
- Đa văn, quảng bác, ghi nhớ không quên các pháp thâm áo, hay khéo ở khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, có nghĩa có vị, chân thật, đầy đủ phạm hạnh. Sau khi nghe thì ghi nhớ trong lòng, kiến giải không lay động.
vi. Tu tập tinh cần, diệt ác tăng thiện, gắng sức thực hành không bỏ pháp ấy.
- Bằng trí tuệ mà nhận thức pháp sanh diệt, chỗ thú hướng của Hiền Thánh, tận cùng biên tế của khổ.
viii. Quán tướng sanh và tướng diệt của năm thọ ấm: Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ tưởng, hành, thức. Đây là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Đó là nhân duyên thứ tám, khiến cho chưa sở đắc phạm hạnh mà sở đắc trí, nếu đã sở đắc phạm hạnh thì trí tuệ tăng trưởng.
2) Tám pháp ở đời: lợi, suy, vinh, nhục, khen, chê, khổ, lạc.
3) Tám diệt pháp: tà kiến, tà tư, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định.
4) Tám pháp giải đãi:
- Tỳ-kheo lười biếng, khất thực nhưng không được thực, bèn suy nghĩ: ‘Hôm nay ta khất thực dưới xóm nhưng không được thực, thân thể mệt mỏi không đủ sức tọa thiền kinh hành. Ta nên nghỉ ngơi.’ Tỳ-kheo lười biếng suy nghĩ như vậy và nằm nghỉ, không chịu siêng năng để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.
- Tỳ-kheo lười biếng nhận được thức ăn đầy đủ, lại suy nghĩ: ‘Sáng nay ta vào xóm khất thực, nhận được thức ăn và ăn quá no, thân thể nặng nề không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu siêng năng để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.
iii. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử có làm chút công việc, bèn suy nghĩ: ‘Ngày nay ta làm việc, thân thể mệt mỏi không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu siêng năng để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.
iv. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử có chút việc sẽ phải làm, bèn suy nghĩ: ‘Ngày mai ta sẽ làm việc, thân thể sẽ mệt mỏi, vậy hôm nay không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên nghỉ ngơi trước.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ.
- Tỳ-kheo lười biếng, giả sử có đi lại chút ít bèn suy nghĩ: ‘Sáng nay ta đi lại, thân thể mệt mỏi, không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ.
vi. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử sẽ phải đi lại chút ít, bèn suy nghĩ: ‘Ngày mai ta sẽ phải đi lại, thân thể sẽ mệt mỏi, vậy hôm nay không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên nghỉ ngơi trước.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu siêng năng để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.
- Tỳ-kheo lười biếng, giả sử gặp chút bịnh hoạn, bèn suy nghĩ: ‘Nay ta bịnh nặng, mệt nhọc gầy yếu, không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu siêng năng để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.
viii. Tỳ-kheo lười biếng, khi bịnh đã bớt, bèn suy nghĩ: ‘Ta khỏi bịnh chưa lâu, thân thể gầy yếu, không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu siêng năng để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.
5) Tám nạn:
- Như Lai, Chí chân xuất hiện ở đời, nói pháp vi diệu, tịch diệt, vô vi, hướng về đạo giác ngộ, mà có người sanh vào địa ngục.
- Có người sanh vào súc sanh ngạ quỷ,
iii. Cõi trời trường thọ,
iv. Biên địa vô thức,
- Chỗ không có Phật pháp.
vi. Có người sanh ở trung ương, nhưng có tà kiến, mang tâm điên đảo, thành tựu ác hành chắc chắn vào địa ngục.
- Có chúng sanh sanh ở trung ương nhưng mù, điếc, câm, ngọng, không thể nghe pháp, tu hành phạm hạnh.
viii. Có chúng sanh sanh ở trung ương, các căn đầy đủ để lãnh thọ Thánh giáo nhưng không gặp Phật, không được tu hành phạm hạnh. Đó là tám pháp không thuận lợi.
6) Tám sự tỉnh giác của bậc đại nhân:
- i. Đạo phải là ít dục; nhiều dục không phải là đạo.
- ii. Đạo phải là tri túc; không biết nhàm đủ không phải là đạo.
- iii. Đạo cần phải nhàn tĩnh; ưa đám đông không phải là đạo.
- iv. Đạo cần phải tự giữ; cười giỡn không phải là đạo.
- v. Đạo cần phải tinh tấn; biếng nhác không phải là đạo.
- vi. Đạo cần phải chuyên niệm; hay quên lãng không phải là đạo.
- vii. Đạo cần phải định ý; loạn ý không phải là đạo.
- Đạo cần phải có trí tuệ; ngu si không phải là đạo.
(Trường A Hàm, Kinh Tăng Nhất, số 11)
- 159. TÁM PHÁP VÔ ĐẲNG VỀ THẾ TÔN
1) Đức Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, đầy đủ mười hiệu. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có đủ mười đức hiệu, Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, như Phật.
2) Pháp Phật vi diệu, được khéo giảng thuyết, được người trí thật hành. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có giáo pháp vi diệu như Phật.
3) Phật do pháp ấy mà tự giác ngộ, thông đạt vô ngại, trú trong an lạc. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có thể ở nơi pháp ấy mà tự giác ngộ, thông đạt vô ngại, tự tại an vui như Phật.
4) Phật do pháp ấy mà tự giác ngộ rồi còn có thể khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn, thân cận, dần dần đến chỗ nhập vào nơi tịch diệt. Ví như nước sông Hằng , và nước sông Diệm-ma, cả hai dòng sông đều chảy vào biển cả. Phật cũng vậy. Có thể khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn, thân cận, dần dần đến chỗ nhập vào nơi tịch diệt. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có thể khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn được như Phật.
5) Như Lai thành tựu quyến thuộc, gồm những người có trí tuệ, Sát-lỵ, Bà-la-môn, cư sĩ, Sa-môn. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có được quyến thuộc như Phật.
6) Như Lai thành tựu đại chúng. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại thành tựu đại chúng như Phật.
7) Ngôn và hành của Như Lai tương ưng. Nói đúng như làm, làm đúng như nói, thành tựu pháp và tùy pháp. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại mà ngôn hành tương ưng, pháp pháp thành tựu như Phật.
8) Như Lai vì lợi ích mọi người, vì an lạc mọi người; với lòng từ mẫn, Ngài làm lợi ích cho chư thiên và nhân loại. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại vì lợi ích mọi người, vì an lạc mọi người như Phật.
(Trường A Hàm, Kinh Điển Tôn, số 3)
- 160. TAM TAI
Ở thế gian có ba thứ tai kiếp: tai kiếp lửa, tai kiếp nước, tai kiếp gió.
Có giới hạn phía trên của ba tai kiếp. Thế nào là ba?
1. Quang âm thiên
2. Biến tịnh thiên
3. Quả thật thiên.
Khi tai kiếp lửa khởi lên, cháy lên cho đến Quang âm thiên, thì Quang âm thiên là giới hạn.
Khi tai kiếp nước khởi lên, ngập cho đến Biến tịnh thiên, thì Biến tịnh thiên là giới hạn.
Khi tai kiếp gió khởi lên, thổi cho đến Quả thật thiên, thì Quả thật thiên là giới hạn.
Thế nào là tai kiếp lửa? Khi tai kiếp lửa bắt đầu sắp sửa khởi, thì con người thế gian này lúc đó đều thực hành chánh pháp, đều chánh kiến không điên đảo, đều tu thập thiện hành. Khi thực hành pháp này, có người đạt được nhị thiền, liền có thể cất mình bay lên ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo, và lớn tiếng xướng lên rằng: ‘Các hiền giả! Sung sướng thay, đệ nhị thiền không giác không quán! Sung sướng thay, đệ nhị thiền!’
Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: ‘Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của đệ nhị thiền không giác, không quán.’
Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của nhị thiền không giác, không quán. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của nhị thiền không giác, không quán, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang âm thiên.
Lúc ấy, những chúng sanh có tội trong địa ngục, sau khi mạng chung lại được sinh vào cõi Người, và tu tập pháp của đệ nhị Thiền không giác, không quán, nên sau khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang âm thiên.
Những chúng sanh ở trong các loài Súc sanh, Ngạ quỷ, A-tu-la, Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm thiên, sau khi thân hoại mạng chung sanh lại cõi nhơn gian; sau đó tu tập nhị Thiền không giác, không quán, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về Quang âm thiên.
Vì những nhân duyên này nên đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, cho đến Phạm thiên tất cả đều diệt. Ngay lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt, sau đó súc sanh diệt; súc sanh diệt rồi thì ngạ quỷ diệt; ngạ quỷ diệt rồi thì A-tu-la diệt; A-tu-la diệt rồi thì Tứ thiên vương diệt; Tứ thiên vương diệt rồi thì Đao-lợi thiên diệt; Đao-lợi thiên diệt rồi thì Diệm-ma thiên diệt; Diệm-ma thiên diệt rồi thì Đâu-suất thiên diệt; Đâu-suất thiên diệt rồi thì Hóa tự tại thiên diệt; Hóa tự tại thiên diệt rồi thì Tha hóa tự tại thiên diệt; Tha hóa tự tại thiên diệt rồi thì Phạm thiên diệt; Phạm thiên diệt rồi thì sau đó con người diệt, không còn sót gì lại sau này. Khi con người đã diệt, không còn gì nữa, thì thế gian này sẽ hủy hoại cho đến thành là tai nạn. Sau đó trời không mưa, trăm thứ lúa thóc, cỏ cây tự nhiên chết khô.
Phật bảo Tỳ-kheo: Vì vậy nên biết tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát, vượt qua thế gian.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 9.Tam Tai, số 30)
- 161. TĂNG SỐ LƯỢNG CHƯ THIÊN VÀ GIẢM BỚT ATULA
Khi ấy có vị Đao-lợi nói:
Giả sử thế gian được tám đức Phật ra đời một lượt, thời sẽ làm tăng nhiều Chư thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la.
Vị trời khác nói: Đừng nói chi tám đức Phật, dẫu cho có bảy Phật, sáu Phật đến hai đức Phật ra đời, cũng làm cho thêm nhiều chúng chư Thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la.
Thích Đề-hoàn Nhân liền nói với trời Đao-lợi:
Ta được nghe từ Phật, trực tiếp lãnh giáo từ Phật, thì không bao giờ có thể có hai đức Phật ra đời một lần. Nhưng nếu một đức Như Lai mà Ngài ở đời lâu dài, vì thương mọi người, vì ích lợi cho nhiều người, vì an lạc cho chư thiên và nhân loại, thời cũng có thể tăng nhiều chúng chư thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Điển Tôn, số 3)
- 162. THÁI TỬ SĨ-ĐẠT-ĐA ĐẢN SANH
Trong thời kỳ đầu tạo 30 pháp hạnh Ba La Mật, Đức Bồ Tát phát nguyện trong tâm muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác đã trải qua suốt bảy a-tăng-kỳ. Tổng cộng trong bảy a-tăng-kỳ có 125.000 Đức Phật Chánh Đẳng Giác tuần tự xuất hiện trên thế gian.
Khi ra khỏi thai bào, Đức Bồ Tát đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước.
Hoàng hậu Maya chỉ làm mẹ được bảy ngày rồi qua đời.
Khi hoàng tử Siddhattha được năm ngày, có tám vị đạo sĩ Bà La Môn lỗi lạc đến dự lễ Quáng Đính, bảy vị đưa hai ngón tay lên nói rằng hoàng tử hoặc sẽ thành vị hoàng đế lỗi lạc nhất thế gian hoặc sẽ thành Phật, chỉ có một vị nói hoàng tử sẽ thành Phật.
Khi hoàng tử Siddhattha theo dự lể Hạ điền với vua cha, ngài ngồi tham thiền dưới gốc cây trâm và đắc được sơ thiền lúc mới vừa bảy tuổi.
Sau khi thọ dụng bát cháo do nàng Sujata dâng cúng, đức Bồ Tát đã nhịn đói suốt bảy tuần để trải qua bốn mươi chín ngày yên lặng suy niệm dưới cội Bồ Đề.
Vào tuần lễ thứ sáu sau ngày thành đạo, Đức Phật di chuyển từ cây Ajapala qua cây Mucalinda để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát thì bổng nhiên có một trận mưa giông kéo tới. Mãng xà vương Mucalinda từ ổ chui ra quấn bảy vòng quanh mình đức Phật để che mưa gió cho ngài.
Một trong ba mươi hai tướng tốt của đức Phật là bảy chỗ tay, chân, vai, và mình được đầy đặn.
(Trường Bộ Kinh, Đại Bản Nhân Duyên, số 1)
- 163. THÂN CÕI DỤC GIỚI
Khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, thân Sắc giới thiên, thân Không xứ thiên, thân Thức xứ thiên, thân Vô sở hữu xứ thiên, thân Hữu tưởng vô tưởng thiên. Cũng vậy, cho đến, nếu khi đang hiện hữu thân Hữu tưởng vô tưởng thiên, thì ngay khi ấy là thân Hữu tưởng vô tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, không phải là thân Dục giới thiên, thân Sắc giới thiên, thân Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ thiên.
Ví như sữa bò. Sữa biến thành tô. Tô biến thành lạc. Lạc biến thành sanh tô. Sanh tô biến thành thục tô. Thục tô biến thành đề hồ. Đề hồ là bậc nhất. Khi là sữa, thì chỉ được gọi là sữa mà không gọi là lạc, tô, đề hồ. Cũng vậy, lần lượt cho đến khi là đề hồ, thì khi ấy chỉ được gọi là đề hồ mà không gọi là lạc, tô.
(Trường A Hàm, Kinh Bố Tra Bà Lâu, số 28)
- 164. THÂN KÍNH VỚI BÀ CON
Người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con: 1. Chu cấp. 2. Nói lời hiền hòa. 3. Giúp đạt mục đích. 4. Đồng lợi. 5. Không khi dối.
Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại: 1. Che chở cho mình khỏi buông lung. 2. Che chờ cho mình khòi hao tài vì buông lung. 3. Che chở khỏi sự sợ hải. 4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người. 5. Thường ngợi khen nhau. Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 165. THẦN NÚI TUYẾT CÚNG DƯỜNG NƯỚC CHO PHẬT
Phật bảo: A-nan, ta đang khát. Ta muốn uống nước. Ngươi hãy đi lấy nước đem đến đây.
A-nan thưa: Vừa rồi có năm trăm cỗ xe lội qua khúc trên sông làm nước đục cả. Chỉ có thể dùng rửa chân, không thể dùng uống được.
Phật nói đến ba lần như thế. A-nan thưa:
Hiện chỉ có sông Câu-tôn cách đây không xa, là có nước trong mát. Uống hay tắm rửa đều được.
Lúc đó có một vị thần ở tại núi Tuyết, vốn dốc lòng tin Phật đạo, lấy bát đựng nước quí tịnh đủ tám công đức đem đến dâng Phật.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2).
- 166. THẦN TÚC CỦA ĐỆ TỬ PHẬT
Ta vì vậy không giáo sắc các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, mà chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên bày tỏ.
Như vậy, này con trai trưởng giả, đó chính là loại thần túc mà các đệ tử Ta thị hiện.
(Trường A Hàm, Kinh Kiên Cố, số 24)
- 167. THẾ NÀO LÀ GIỚI?
Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, là vị Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn, ở giữa chư thiên, người đời, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng thuyết cho người; lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chân chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh.
Nếu có trưởng giả, hay con trai trưởng giả, sau khi nghe pháp này, tín tâm thanh tịnh. Do tín tâm thanh tịnh, người ấy suy xét như vầy: ‘Tại gia thật khó, ví như gông cùm; muốn tu hành phạm hạnh mà không thể tự tại. Ta nay hãy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo.’ Người ấy, sau đó, từ bỏ gia đình, bỏ sản nghiệp, từ giã thân tộc, bận ba pháp y, dẹp các trang sức, đọc tụng tỳ-ny, đầy đủ giới luật, từ bỏ không sát sanh,... cho đến, tâm pháp tứ thiền, đạt được an lạc ngay trong hiện tại. Vì sao? Ấy là do tinh tấn, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình chỗ thanh vắng mà được vậy. Bà-la-môn, đó gọi là giới.
(Trường A Hàm, Kinh Chủng Đức, số 22)
- 168. THIỀN LẠC ĐƯỢC PHẬT KHEN NGỢI
Nếu Phạm chí ngoại đạo hỏi: ‘Thứ lạc nào mà nếu hưởng thụ thì được Cù-đàm khen ngợi?’ Nếu có hỏi như vậy, Phật khuyên nên trả lời rằng:
Có người ly dục, lìa bỏ pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do ly dục, nhập sơ thiền. Lạc như thế là điều Phật khen ngợi.
Có người diệt giác quán, nội tâm hoan hỷ, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, nhập nhị thiền. Lạc như thế được Phật khen ngợi.
Cũng như có người trừ hỷ, nhập xả, tự biết thân lạc, là điều mà Hiền Thánh mong cầu, có xả niệm, nhất tâm, nhập đệ tam thiền. Lạc như thế được Phật khen ngợi.
Lạc hết, khổ hết, ưu và hỷ trước đã diệt, không khổ không lạc, hộ niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Lạc như vậy được Phật khen ngợi.
(Trường A Hàm, Kinh Thanh Tịnh, số 17)
- 169. THỨ TỰ CỦA DIỆT TƯỞNG ĐỊNH
Nếu Như Lai xuất hiện ở đời; là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, mười hiệu đầy đủ. Có người ở trong Phật pháp mà xuất gia tu đạo, cho đến, diệt năm triền cái che lấp tâm, trừ khử dục, ác bất thiện pháp, có giác có quán, hỷ lạc do định sanh, nhập sơ thiền. Trước diệt tưởng về dục, rồi phát sanh tưởng về hỷ và lạc. Phạm chí, vì vậy biết có nhân duyên cho tưởng sanh, có nhân duyên cho tưởng diệt.
Diệt giác, quán, nội tâm hoan hỷ, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ và lạc do định sanh, nhập đệ nhị thiền. Phạm chí, kia tưởng của sơ thiền diệt, tưởng của nhị thiền sanh, vì vậy nên biết có nhân duyên để tưởng diệt; có nhân duyên để tưởng sanh.
Dứt hỷ, an trú xả, chuyên niệm nhất tâm, tự biết thân lạc, điều mà Hiền Thánh mong cầu, hộ niệm thanh tịnh, nhập đệ tam thiền. Phạm chí, kia tưởng của nhị thiền diệt, tưởng của tam thiền sanh. Vì vậy nên biết có nhân duyên để tưởng diệt, có nhân duyên để tưởng sanh.
Dứt khổ, dứt lạc, ưu và hỷ từ trước đã diệt, xả niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Phạm chí, kia tưởng tam thiền diệt, tưởng tứ thiền sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng diệt; có nhân duyên để tưởng sanh.
Xả hết thảy tưởng về sắc, diệt nhuế, không niệm dị tưởng, nhập không xứ . Này Phạm chí, tưởng về hết thảy sắc diệt, tưởng về không xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.
Vượt hết thảy không xứ, nhập thức xứ. Này Phạm chí, tưởng về không xứ diệt, tưởng về thức xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.
Vượt hết thảy thức xứ, nhập bất dụng xứ. Này Phạm chí, tưởng về thức xứ diệt, tưởng về bất dụng xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt .
Xả bất dụng xứ, nhập hữu tưởng vô tưởng xứ. Này Phạm chí, tưởng về bất dụng xứ diệt, tưởng về hữu tưởng vô tưởng xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.
Kia xả hữu tưởng vô tưởng xứ, nhập tưởng tri diệt định. Này Phạm chí, tưởng về hữu tưởng vô tưởng xứ diệt; nhập tưởng tri diệt định. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.
Vị ấy khi đạt đến tưởng này rồi, suy nghĩ như vầy: có niệm là ác, không niệm là thiện. Vị ấy khi suy nghĩ như vậy, tưởng vi diệu của vị ấy không diệt, mà tưởng thô lại sanh. Vị ấy lại suy nghĩ: Nay ta không nên niệm hành, không khởi tư duy. Vị ấy khi không niệm hành, không khởi tư duy, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh. Khi vị ấy không niệm hành, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh, liền nhập định tưởng tri diệt.
(Trường A Hàm, Kinh Bố Tra Bà Lâu, số 28)
- 170. THƯỜNG NIỆM NHẤT TÂM
Tỳ-kheo như vậy thành tựu Thánh giới, được các căn của Thánh, ăn biết vừa đủ; đầu hôm cuối hôm, tinh tấn tỉnh giác. Lại lúc ban ngày, hoặc đi hoặc dừng, thường niệm nhất tâm, trừ các ấm cái. Vị ấy, vào khoảng đầu hôm, hoặc đi hoặc ngồi, thường niệm nhất tâm, trừ các ấm cái. Cho đến giữa đêm, nằm nghiêng hông phải, tưởng niệm sẽ trỗi dậy, đặt ý tưởng vào ánh sáng, tâm không loạn tưởng. Đến lúc cuối đêm, liền dậy tư duy, hoặc đi hoặc ngồi, trừ các ấm cái.
Tỳ-kheo có Thánh giới như vậy đầy đủ, được các căn bậc Thánh, ăn uống biết đủ, đầu hôm cuối hôm, tinh cần tỉnh giác, thường niệm nhất tâm, không có loạn tưởng.
(Trường A Hàm, KinhA-ma-trú, số 20)
- 171. TINH TẤN
Này các Tỳ-kheo, hãy ở chỗ thanh vắng, dưới gốc cây hay bãi đất trống, tinh cần tọa thiền, chớ tự để mình buông lung. Nay không gắng sức, về sau hối hận nào có ích gì.
Đó là lời Ta răn dạy, hãy tinh tấn thọ trì.
- 172. TỘC NGƯỜI MẠT LA ĐẢNH LỄ PHẬT LẦN CUỐI
Vừa nghe Đức Thế Tôn sắp sữa nhập Niết bàn, những người Mạt-la cất tiếng kêu than, vật vã xuống đất, có người ngất đi tỉnh lại. Ví như cây lớn khi trốc gốc thì các nhánh cành đều đổ gãy. Họ đồng than:
Phật diệt độ sao mà nhanh thế! Phật diệt độ làm sao nhanh thế! Con mắt của thế gian mà diệt mất, thì chúng sanh bị suy hại lâu dài.
A-nan an ủi họ:
Thôi các người chớ buồn! Trời đất muôn vật hễ có sanh đều có chết. Muốn cho pháp hữu vi tồn tại mãi là điều không thể có được. Phật há chẳng dạy: Có hợp tất có ly, có sanh tất có diệt đó sao!
Rồi thì, các người Mạt-la bảo nhau:
Chúng ta hãy về nhà, đem cả gia thuộc và năm trăm khổ vải trắng, cùng đến Song thọ.
Những người Mạt-la ai về nhà nấy, rồi đem cả gia thuộc, và mang cả năm trăm tấm lụa trắng ra khỏi thành Câu-thi, đến giữa rừng Song thọ, và đi đến chỗ A-nan. A-nan vừa trông thấy từ xa, thầm nghĩ: ‘Bọn họ rất đông. Nếu để cho từng người một vào yết kiến Phật, e rằng chưa khắp hết thì Như Lai đã diệt độ rồi! Ta nên bảo họ vào đầu hôm đồng một lượt đến bái yết Phật’.
A-nan liền dắt năm trăm người Mạt-la và gia thuộc đến trước Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng sang một bên và bạch rằng:
Nay có các Mạt-la tên như thế và gia thuộc, xin thăm hỏi đức Thế Tôn sức khoẻ có bình thường không?
Phật nói:
Phiền các ngươi đến thăm. Ta chúc cho các ngươi sống lâu, vô bịnh.
A-nan bằng cách đó đã có thể dẫn hết các người Mạt-la và gia thuộc của họ vào thăm Phật. Khi ấy, các Mạt-la đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên.
Thế Tôn thuyết giảng cho họ về vô thường, chỉ bày, giáo huấn khiến cho được lợi ích, hoan hỷ.
Nghe pháp xong, các Mạt-la ai nấy vui mừng liền đem năm trăm khổ vải trắng dâng Phật. Phật thụ lãnh. Các Mạt-la rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Phật rồi lui ra.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 173. TRÍ TUỆ ĐẦY ĐỦ
Nếu Tỳ-kheo, bằng tam-muội tâm, thanh tịnh không cấu uế, mềm mại, dễ điều phục, an trú trạng thái bất động,… cho đến, chứng đắc ba minh, trừ khử vô minh, phát sanh trí tuệ, diệt trừ tối tăm, sanh ánh sáng đại pháp, xuất trí tuệ lậu tận. Vì sao? Ấy là do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình nơi thanh vắng mà được vậy. Bà-la-môn, đó là đầy đủ trí tuệ.
(Trường A Hàm, Kinh Chủng Đức, số 22)
- 174. TU-BẠT LÀ ĐỆ TỬ XUẤT GIA CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT
Lúc đó, trong thành Câu-thi có một vị Phạm chí tên Tu-bạt là bực kỳ cựu đa trí, đã một trăm hai mươi tuổi, nhân nghe đức Sa-môn Cù-đàm đêm nay sẽ diệt độ tại giữa cây song thọ, ông tự nghĩ: ‘Ta có điều hoài nghi về giáo pháp. Chỉ có đức Cù-đàm mới giải được ý ta. Ta nên kịp thời gắng đi đến Phật.’ Ngay đêm ấy ông gắng ra khỏi thành đi đến Song thọ, đến chỗ A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ông thưa:
Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm sắp vào Niết-bàn đêm nay, nên đến đây mong được bái yết một lần. Tôi có điều hoài nghi về giáo pháp, mong được gặp Cù-đàm để Ngài giải quyết cho. Vậy Ngài có được rỗi rảnh cho tôi vào bái yết không?
A-nan bảo: Thôi đừng Tu-bạt! Phật đang có bịnh. Không nên quấy rầy Ngài.
Tu-bạt cố nài xin đến ba lần rằng:
Tôi nghe đức Như Lai ra đời như hoa ưu-đàm, rất lâu mới xuất hiện, nên đến đây mong bái yết để được giải quyết nghi ngờ. Ngài có rỗi rảnh cho tôi gặp một lát được không?
A-nan cũng vẫn trả lời như trước: Phật đang có bịnh. Không nên quấy rầy Ngài.
Khi ấy Phật bảo A-nan:
A-nan, ngươi chớ ngăn cản. Hãy để cho ông ấy vào. Ông muốn giải quyết sự nghi ngờ, không có gì phiền nhiễu. Nếu nghe được pháp của ta, ắt được tỏ rõ.
A-nan liền bảo Tu-bạt: Nếu ông muốn vào thăm Phật, xin mời vào.
Tu-bạt được vào, chào hỏi Phật xong, ngồi một bên và bạch Phật:
Tôi có điều hoài nghi về giáo pháp. Ngài có rỗi rảnh giải quyết cho chỗ vướng mắc không?
Phật nói: Ông cứ tùy ý hỏi.
Tu-bạt hỏi: Bạch Cù-đàm, có những giáo phái khác, họ tự xưng bậc thầy, như các ông Phất-lan Ca-diếp, Mạt-già-lê Kiều-xá-lợi, A-phù-đà Sí-xá-kim-bạt-la Ba-phù Ca-chiên Tát-nhã Tỳ-da-lê-phất, Ni-kiền Tử. Những thầy đó đều có giáo pháp riêng, đức Sa-môn Cù-đàm có biết hết hay không?
Phật đáp: Thôi thôi khỏi nói, những giáo pháp ấy Ta đều rõ cả. Nay Ta sẽ vì ngươi nói đến pháp thâm diệu, ngươi hãy lắng nghe và khôn khéo suy nghiệm. Này Tu-bạt! Trong giáo pháp nào nếu không có tám Thánh đạo thời ở đó không có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Trong giáo pháp nào có tám Thánh đạo thời ở đó có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nay trong giáo pháp này có tám Thánh đạo nên có qủa vị Sa-môn thứ nhất, quả vị Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư. Trong các chúng ngoại đạo không có.
Phật bảo: Này Tu-bạt! Nếu các Tỳ-kheo thảy đều có thể tự nhiếp tâm thời cõi thế gian này không trống vắng A-la-hán.
Khi ấy Tu-bạt thưa với A-nan:
Những ai theo đức Sa-môn Cù-đàm đã tu hành phạm hạnh, hiện đang tu hành và sẽ tu hành, thảy đều có lợi ích lớn. A-nan, ông theo Như Lai tu hành phạm hạnh cũng được lợi ích lớn. Tôi nay được gặp mặt Như Lai, hỏi những điều nghi ngờ, cũng được lợi ích lớn. Nay Như Lai cũng đã ký biệt cho tôi như là ký biệt cho đệ tử.
Rồi ông bạch Phật: Tôi nay có thể ở trong pháp của Như Lai mà xuất gia thọ giới cụ túc được chăng?
Phật nói:
Này Tu-bạt, nếu có dị học Phạm chí muốn tu hành ở trong giáo pháp của ta, phải được thử qua bốn tháng để xét coi hành vi họ, chí nguyện, tánh nết họ. Nếu thấy đủ các oai nghi không điều gì thiếu sót, mới cho phép thọ cụ túc giới ở trong giáo pháp Ta. Tuy vậy, này Tu-bạt, còn tùy thuộc hành vi của mỗi người.
Tu-bạt lại bạch Phật:
Dị học Phạm chí muốn tu hành ở trong Phật pháp, phải được thử qua bốn tháng để xét coi hành vi, chí nguyện, tánh nết. Nếu thấy đủ các oai nghi không điều gì thiếu sót, mới cho phép thọ cụ túc giới ở trong Phật pháp. Nay tôi có thể phục dịch bốn năm ở trong Phật pháp, khi đủ các oai nghi không còn gì thiếu sót mới xin thọ cụ giới.
Phật dạy:
Này Tu-bạt, Ta đã nói trước rồi. Còn tùy thuộc hành vi của mỗi người.
Ngay trong đêm đó, Tu-bạt được xuất gia thọ giới, thanh tịnh tu hành, ngay trong hiện tại, tự thân tác chứng: Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, chứng đắc như thật trí, không còn tái sinh.Lúc gần nửa đêm, ông đã chứng quả A-la-hán, là đệ tử cuối cùng của Phật và diệt độ trước Phật.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 175. TU BỐN THẦN TÚC CÓ THỂ KÉO DÀI MẠNG SỐNG
Này A-nan, những ai tu bốn thần túc, tu tập nhiều, thường ghi nhớ không quên, người ấy tùy theo ý muốn có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp. A-nan, Phật đã tu tập nhiều bốn thần túc, chuyên niệm không quên, tùy theo ý muốn, Như Lai có thể sống hơn một kiếp, để trừ minh ám cho đời, đem lại nhiều lợi ích, trời và người đều được an ổn.
Lúc bấy giờ A-nan im lặng không trả lời. Phật nói như vậy ba lần, A-nan cũng im lặng không trả lời. Khi ấy A-nan bị ma ám, mê muội không tỏ rõ. Phật đã ba lần hiện tướng, nhưng A-nan không biết mà thỉnh cầu. Phật bảo A-nan: Hãy biết thời. A-nan vâng ý chỉ của Phật, đứng dậy lễ Phật rồi lui.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 176. TỰ LỢI & LỢI THA
Sa-môn Cù-đàm có thể thuyết bồ đề, có thể tự điều phục mình và cũng có thể điều phục người khác; có thể tự tịch tịnh và có thể khiến người khác tịch tịnh; có thể tự mình qua bờ bên kia và đưa người khác sang bờ bên kia; tự mình giải thoát và có thể khiến người khác giải thoát; có thể tự mình diệt độ và có thể khiến người khác được diệt độ.
(Trường A Hàm, Kinh Tán-đà-na, số 8)
- 177. TỨ NIỆM XỨ
Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân, quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy.
Đó là Tỳ-kheo hãy tự thắp sáng; thắp sáng trong Chánh pháp, chớ đừng thắp sáng ở nơi khác; hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa nơi Chánh pháp, chớ đừng nương tựa vào một nơi nào khác.
Thực hành như thế sẽ không bị ma nhiễu hại, công đức ngày một thêm.
(Trường A Hàm, Kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành, số 6)
- 178. TỰ NƯƠNG TỰA MÌNH
Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy tự thắp sáng. Thắp sáng trong Chánh pháp, chớ đừng thắp sáng ở nơi khác. Hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa nơi Chánh pháp, chớ đừng nương tựa vào một nơi nào khác.
(Trường A Hàm, Kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành, số 6)
- 179. TỰ TẠI VỚI LỜI CHÊ BAI
Này các Tỳ-kheo, nếu có ai dùng phương tiện hủy báng Như Lai, hủy báng Chánh pháp và Chúng Tăng, các ngươi không nên ôm lòng phẫn nộ, có ý nghĩ ác hại đối với người ấy.
Vì sao vậy? Vì nếu có ai dùng phương tiện hủy báng Như Lai, hủy báng Chánh pháp và Chúng Tăng mà các ngươi ôm lòng phẫn nộ, có ý nghĩ ác hại đối với người ấythì tự các ngươi đã tự hãm nịch rồi. Vì vậy các ngươi không nên ôm lòng oán giận hay có ý nghĩ ác hại đối với người ấy.
(Trường A Hàm, Kinh Phạm Động, số 21)
- 180. TỰ THÂN TÁC CHỨNG
Các ngươi nên biết, Ta do những pháp sau đây mà tự thân tác chứng, thành Tối chánh giác. Đó là bốn niệm xứ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, bốn thiền định, năm căn, năm lực, bảy giác ý và tám thánh đạo.
Các ngươi hãy nên cùng nhau tu tập ở trong pháp đó, cùng nhau hòa đồng kính thuận, chớ sinh tranh tụng. Cùng đồng một thầy học hãy cùng đồng hòa hợp như nước với sữa. Ở trong pháp Ta, hãy tinh cần tu học, cùng soi sáng cho nhau, cùng nhau hoan hỷ.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 181. TỪ TỨ THIỀN, ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN
Thế rồi, Thế Tôn nhập sơ thiền; rồi từ sơ thiền xuất, nhập nhị thiền; từ nhị thiền xuất, nhập tam thiền; từ tam thiền xuất, nhập tứ thiền, từ tứ thiền xuất, nhập không xứ định; từ không xứ định xuất, nhập thức xứ; từ thức xứ định xuất, nhập vào vô sở hữu xứ; từ vô sở hữu xứ định xuất, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ định; từ phi tưởng phi phi tưởng xứ định xuất, nhập diệt thọ tưởng định.
Lúc ấy A-nan hỏi A-na-luật: Thế Tôn đã vào Niết-bàn rồi chăng?
A-na-luật nói:
Chưa, A-nan. Thế Tôn hiện đang ở trong định diệt thọ tưởng. Tôi lúc trước được thân nghe từ Phật rằng, khi Phật từ tứ thiền xuất mới vào Niết-bàn.
Rồi Thế Tôn từ diệt thọ tưởng định xuất, nhập phi tưởng phi phi tưởng, từ phi tưởng phi phi tưởng xuất, nhập vô sở hữu định; từ vô sở hữu định xuất, nhập thức xứ định; từ thức xứ định xuất, nhập không xứ định; từ không xứ định xuất, nhập tứ thiền; từ tứ thiền xuất, nhập tam thiền; từ tam thiền xuất, nhập nhị thiền; từ nhị thiền xuất, nhập sơ thiền; rồi lại từ sơ thiền xuất lần lượt đến tứ thiền, rồi từ tứ thiền xuất, Phật vào Niết-bàn. Ngay lúc đó, cõi đất rung động, trời người kinh hoàng. Những chỗ tối tăm mà mặt trăng mặt trời không rọi đến được đều được chói sáng. Chúng sanh ở đó trông thấy nhau, và bảo nhau: ‘Người kia sinh ra người này. Người kia sinh ra người này.’ Ánh sáng ấy chiếu khắp, hơn cả ánh sáng của chư thiên.
Bấy giờ, trời Đao-lợi, ở giữa hư không, dùng hoa văn đa-la, hoa ưu-bát-la, hoa ba-đầu-ma, hoa câu-ma-đầu, hoa phân-đà-lỵ, tán rải trên thân Phật và chúng hội. Rồi lại lấy bột hương chiên-đàn tán rải trên thân Phật và chúng hội.
Phật diệt độ rồi, khi ấy Phạm thiên vương ở giữa hư không ngâm bài kệ rằng:
Hết thảy loài sinh linh
Đều phải bỏ thân mạng
Phật là đấng vô thượng
Thế gian không ai bằng.
Như Lai đại Thánh hùng
Có thần lực vô úy
Đáng lẽ ở đời lâu
Nhưng nay diệt độ rồi!
Trời Thích-đề-hoàn Nhơn đọc bài kệ:
Ấm hành đều vô thường
Chỉ là pháp sinh diệt
Có sanh đều có chết
Phật tịch diệt là vui.
Tỳ-sa-môn-Thiên vương đọc bài kệ:
Đại tòng lâm cây phúc
Sa-la phước vô thượng
Đấng ruộng phước ứng cúng
Diệt độ giữa rừng cây.
Tỳ-kheo A-na-luật đọc bài kệ:
Phật an trú vô vi
Không cần thở ra vào
Vốn từ Tịch diệt đến
Sao Thiêng lặn nơi đây.
Tỳ-kheo Phạm-ma-na đọc bài kệ:
Không sanh tâm giải mạn
Tự ước, tu thượng tuệ
Không nhiễm, không bị nhiễm
Đấng Chí Tôn lìa ái.
Tỳ-kheo A-nan đọc bài kệ:
Trời người lòng kinh sợ
Toàn thân lông dựng lên
Việc giáo hóa thành tựu
Thế Tôn vào Niết-bàn.
Thần Kim-tỳ-la dâng lời tán Phật:
Thế gian mất che chở
Chúng sanh trọn mù lòa
Không còn thấy Chánh giác
Đấng sư tử giữa người.
Mật Tích lực sĩ đọc bài kệ:
Các thiên, nhân, ma, phạm
Đời nay và đời sau
Không còn thấy được Phật
Bậc sư tử giữa người.
Phật mẫu Ma-da đọc bài kệ:
Phật sanh vườn Lâm-tỳ
Đạo Ngài lưu bố rộng
Trở lại chỗ bản sinh
Ngài xả thân vô thường.
Thần Song Thọ đọc bài kệ:
Bao giờ tôi lại lấy
Hoa sái mùa cúng dâng
Đấng trọn đủ mười lực
Như Lai vào Niết-bàn.
Thần rừng cây Sa-la đọc bài kệ:
Chỗ này vui thượng diệu
Phật sanh trưởng tại đây
Ở đây chuyển xe pháp
Lại ở đây Niết-bàn.
Tứ Thiên vương đọc bài kệ:
Như Lai vô thượng trí
Thường diễn lẽ vô thường
Cởi trói chúng sanh khổ
Nay trọn vào Niết-bàn.
Đao-lỵ thiên vương đọc bài kệ:
Trải ức nghìn vạn kiếp
Mong thành Đạo vô thượng
Cởi trói chúng sanh khổ
Nay trọn vào Niết-bàn.
Diệm Thiên vương đọc bài kệ:
Đây mảnh y tối hậu
Dùng quấn thân Như Lai
Nay Phật diệt độ rồi
Y này để cúng ai.
Đâu-suất-đà Thiên vương đọc bài kệ:
Đây là thân cuối cùng
Ấm giới diệt ở đây
Không tâm tưởng lo mừng
Không tai hoạn già chết.
Hóa tự tại Thiên vương đọc bài kệ:
Đúng vào giữa đêm nay
Phật nằm nghiêng bên hữu
Ở tại rừng Sa-la
Thích sư tử diệt độ.
Tha hóa tự tại Thiên vương đọc bài kệ:
Thế gian mãi tối tăm
Trăng sao đều rơi rụng
Mây vô thường che kín
Mặt trời đại trí mờ.
Các Tỳ-kheo đọc bài kệ:
Thân này như bèo bọt
Mong manh có gì vui
Phật được kim cang thân
Còn bị vô thường hoại.
Thể kim cang chư Phật
Cũng đều qui vô thường
Tiêu tan như băng tuyết
Huống những người thế gian.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 182. TÚC MẠNG TRÍ
Các hiền giả Tỳ-kheo, duy chỉ đấng Vô thượng tôn, rất kỳ diệu, oai lực lớn lao, thần thông viễn đạt, mới biết rõ quá khứ vô số đức Phật nhập Niết-bàn, dứt sạch các kết sử, tiêu diệt các hý luận, và cũng biết rõ kiếp số các đức Phật ấy dài hay ngắn, cho đến danh hiệu, dòng họ thác sinh, sự ăn uống, thọ mệnh dài ngắn, cảm thọ lạc và cảm thọ khổ như thế nào; lại biết rõ các đức Phật ấy có giới như vậy, có pháp như vậy, có trí tuệ như vậy, có giải thoát như vậy, an trụ như vậy.
(Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, số 1)
- 183. UỐNG RƯỢU CÓ SÁU LỖI
Uống rượu có sáu điều lỗi: hao tài; sanh bệnh; đấu tranh; tiếng xấu đồn khắp; bộc phát nóng giận; tuệ giảm dần.
Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả ấy uống rượu không thôi thì nghiệp gia sản ngày mỗi tiêu tán.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 184. VÌ SAO CÓ NĂM LOẠI HẠT Ở THẾ GIAN?
Vì nhân duyên gì mà thế gian có năm loại hạt giống?
Có cuồng phong dữ từ thế giới chưa bị hủy diệt thổi hạt giống đến sanh ở quốc độ này. Một là hạt từ rễ; hai, hạt từ cọng; ba, hạt từ đốt; bốn, hạt từ ruột rỗng; năm, hạt từ hạt. Đó là năm loại hạt. Vì nhân duyên này mà thế gian có năm loại hạt giống xuất hiện.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 185. VÌ SAO CÓ SÔNG NGÒI?
Lại vì duyên gì mà có các sông ngòi?
Vì mặt trời mặt trăng có độ nóng. Do độ nóng này mà có nung đốt. Do có nung đốt nên có mồ hôi. Do mồ hôi mà thành sông ngòi. Do đó thế gian có sông ngòi.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 186. VÌ SAO GỌI LÀ DIÊM PHÙ ĐỀ?
Diêm-phù-đề, sở dĩ được gọi là Diêm-phù vì ở dưới có núi vàng cao ba mươi do-tuần, do cây Diêm phù sanh ra nên được gọi là vàng Diêm-phù.
Cây Diêm-phù có trái của nó như tai nấm, vị của nó như mật; cây có năm góc lớn, bốn mặt bốn góc, ở trên có một góc. Những trái ở bên góc phía Đông của nó được Càn-thát-bà ăn. Trái ở góc phía Nam của nó được người bảy nước ăn. Bảy nước là: một, nước Câu-lâu; hai, Câu-la-ba; ba, Tỳ-đề; bốn, Thiện-tỳ-đề; năm, Mạn-đà; sáu, Bà-la; bảy, Bà-lị. Trái ở góc phía Tây được hải trùng ăn. Trái ở góc phía Bắc được cầm thú ăn. Trái ở phía góc trên được Tinh tú thiên ăn.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 187. VÌ SAO MẶT TRĂNG CÓ BÓNG ĐEN?
Vì duyên gì mà mặt trăng có bóng đen?
Do bóng cây Diêm phù in vào trong mặt trăng, nên mặt trăng có bóng.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 188. VÌ SAO MẶT TRĂNG KHUYẾT?
Vì duyên gì mà cung điện mặt trăng khuyết giảm mỗi khi một ít? Có ba nhân duyên nên cung điện mặt trăng khuyết giảm mỗi khi một ít:
Mặt trăng phát xuất từ phương góc.
Trong cung điện mặt trăng có các đại thần đều mặc y phục màu xanh, theo thứ tự mà lên, trú xứ cũng trở thành xanh, cho nên mặt trăng bị tổn giảm.
Cung điện mặt trời có sáu mươi tia sáng, tia sáng này chiếu vào cung điện mặt trăng, ánh chiếu khiến cho không hiện, do đó nơi có ánh chiếu, nơi ấy của mặt trăng bị tổn giảm.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 189. VÌ SAO MẶT TRĂNG TRÒN DẦN?
Lại nữa, vì duyên gì mà ánh sáng cung điện mặt trăng đầy dần? Có ba nhân duyên khiến cho ánh sáng mặt trăng đầy dần:
Mặt trăng hướng về phương vị chánh cho nên ánh sáng mặt trăng đầy.
Các thần cung điện mặt trăng hết thảy đều mặt y phục màu xanh, và Thiên tử mặt Trăng vào ngày rằm ngồi vào giữa, cùng nhau hưởng lạc, ánh sáng chiếu khắp, lấn át ánh sáng chư thiên, nên ánh sáng đầy khắp. Giống như bó đuốc lớn được đốt lên trong đám đèn đuốc, sẽ át hẳn ánh sáng các ngọn đèn. Thiên tử mặt trăng cũng lại như vậy. Vào ngày rằm, ở giữa chúng chư thiên, át hẳn tất cả các ánh sáng khác, chỉ có ánh sáng của ông độc chiếu, cũng như vậy.
Thiên tử mặt trời tuy đã có sáu mươi tia sáng chiếu soi cung điện mặt trăng, nhưng trong vào ngày rằm, thiên tử mặt trăng cũng có thể dùng ánh sáng chiếu nghịch lại, khiến cho nó không thể che khuất được.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 190. VÌ SAO MẶT TRỜI NÓNG?
Vì duyên gì nên ánh sáng mặt trời nóng bức? Có mười nhân duyên:
1) Ngoài núi Tu-di có núi Khư-đà-la cao bốn vạn hai nghìn do-tuần, rộng bốn vạn hai nghìn do-tuần, biên núi không ước lượng được; núi được tạo thành bởi bảy báu. Khi ánh sáng mặt trời chiếu đến núi, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt.
2) Bên ngoài núi Khư-đà-la có núi Y-sa-đà cao hai vạn một nghìn do-tuần, rộng cũng hai vạn một nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, tạo thành bởi bảy báu, khi ánh sáng chiếu đến núi này, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt.
3) Bên ngoài núi Y-sa-đà có núi Thọ-đề-đà-la, bên trên cao một vạn hai nghìn do-tuần, rộng một vạn hai nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, tạo thành bởi bảy báu. Khi ánh sáng mặt trời chiếu đến núi này, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt.
4) Ở ngoài cách núi Thọ-đề-đa-la không xa có núi gọi là Thiện kiến, cao sáu nghìn do-tuần, rộng sáu nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt.
5) Ở ngoài núi Thiện kiến có núi Mã tự cao ba nghìn do-tuần, ngang rộng cũng ba nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt.
6) Ở ngoài cách núi Mã tự không xa có núi Ni-di-đà-la, cao một nghìn hai trăm do-tuần, rộng một nghìn hai trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt.
7) Ở ngoài cách núi Ni-di-đà-la không xa có núi Điều phục, cao sáu trăm do-tuần, rộng cũng sáu trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi áng sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt.
8) Ở ngoài núi Điều phục có núi Kim cương luân, cao ba trăm do-tuần, rộng ba trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, tạo thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát ra nhiệt.
9) Bên trên một vạn do-tuần có cung điện Trời gọi là Tinh tú, tạo thành bởi lưu ly. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào nó, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt.
10) Ánh sáng cung điện mặt trời chiếu xuống đại địa, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt.
(Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 12.Thế Bổn Duyên, số 30)
- 191. VÍA ĐỨC PHẬT THÍCH CA
Phật sanh giờ nào? Thành đạo giờ nào? Diệt độ thời nào?
Sanh khi sao Phất mọc. Xuất gia khi sao Phất mọc. Thành đạo khi sao Phất mọc. Diệt độ khi sao Phất mọc.
Lưỡng túc tôn sanh thế nào?
Xuất gia tu khổ thế nào?
Đắc Tối thượng đạo thế nào?
Nhập Niết-bàn thành thế nào?
Mồng tám Như Lai sanh
Mồng tám Phật xuất gia
Mồng tám thành Bồ đề
Mồng tám vào diệt độ.
Sao Phất mọc, Thế Tôn sanh
Sao Phất mọc, Phật xuất gia
Sao Phất mọc, thành Chánh giác
Sao Phất mọc, nhập Niết-bàn.
Mồng tám sanh Lưỡng túc tôn
Mồng tám vào rừng tu khổ
Mồng tám thành Tối thượng đạo
Mồng tám vào thành Niết-bàn.
Tháng hai Như Lai sanh
Tháng hai Phật xuất gia
Tháng hai thành Bồ-đề
Tháng hai vào diệt độ.
Tháng hai sanh Lưỡng túc tôn
Tháng hai vào rừng tu khổ
Tháng hai thành Đạo tối thượng
Tháng hai vào thành Niết-bàn.
Sa-la hoa nở rộ
Đủ màu ánh chói nhau
Tại chỗ bản sanh ấy
Như Lai nhập Niết-bàn.
Đức Đại từ Niết-bàn
Nhiều người xưng tán lễ
Vượt qua các sợ hãi
Quyết định nhập Niết-bàn.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 192. VUA ĐẾ-THÍCH ĐƯỢC THỌ KÝ
Bạch Đức Thế Tôn, con lại thấy các đại thiên thần sau khi tự thỏa mãn với ngũ dục, dần dần từng vị mạng chung. Lúc ấy, bạch Thế Tôn, con rất kinh sợ, lông tóc dựng đứng.
Khi gặp các Sa-môn, Bà-la-môn sống nơi thanh vắng, lìa bỏ gia đình, lìa bỏ dục lạc, con bèn tìm đến hỏi họ rằng: ‘Thế nào là cứu cánh?’ Con hỏi ý nghĩa ấy, nhưng họ không thể trả lời. Đã không thể trả lời, họ hỏi ngược lại con: ‘Ông là ai?’ Con liền đáp: ‘Tôi là Thích Đề-hoàn Nhân.’ Kia lại hỏi: ‘Ông là Thích nào?’Con đáp: ‘Tôi là Thiên đế Thích. Trong lòng có mối nghi nên đến hỏi.’ Rồi con và vị ấy theo chỗ thấy biết của mình cùng giải thích ý nghĩa.
Kia nghe con nói, kia lại nhận làm đệ tử của con. Nay con là đệ tử Phật, chứng đắc Tu-đà-hoàn đạo, không còn đọa cõi dữ; tái sanh tối đa bảy lần tất thành đạo quả. Cúi mong Thế Tôn thọ ký con là Tư-đà-hàm.
(Trường A Hàm, Kinh Thích Đề Hoàn Nhân Vấn, số 14)
- 193. XUẤT GIA HƠN VIỆC TẾ TỰ
Phật nói: Nếu bằng ba tế tự và mười sáu tế cụ, và thường cúng dường chúng tăng không để gián đoạn, và vì chiêu đề tăng mà dựng tăng phòng, nhà cửa, lầu gác; chẳng bằng khởi tâm hoan hỷ, miệng tự phát thành lời rằng: Tôi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Phước này tối thắng.
Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu hỏi: Chừng ấy ba pháp quy y được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn nữa?
Phật nói: Có.
Hỏi: Đó là cái gì?
Phật nói: Nếu với tâm hoan hỷ thọ và hành năm giới, suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu; phước này tối thắng.
Lại hỏi: Chừng ấy ba pháp tế tự (...), cho đến năm giới, được quả báo lớn hay còn có cái gì hơn nữa?
Phật nói: Có.
Lại hỏi: Đó là cái gì?
Phật nói: Nếu có thể bằng từ tâm nhớ nghĩ chúng sanh bằng khoảnh khắc vắt sữa bò; phước ấy tối thắng.
Lại hỏi: Chừng ấy ba pháp tế tự, cho đến từ tâm, được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn nữa?
Phật nói: Có.
Lại hỏi: Đó là cái gì?
Phật nói: Nếu Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, có người theo Phật pháp xuất gia tu đạo, mọi đức đều hoàn bị, cho đến, đầy đủ ba minh, diệt các sự tối tăm, đầy đủ tuệ minh. Vì sao? Vì không buông lung, ưa sống nơi thanh vắng; phước này tối thắng.
Cứu-la-đàn-đầu bạch Phật:
Thưa Cù-đàm! Tôi vì tế tự mà chuẩn bị bò, dê mỗi thứ năm trăm con. Nay sẽ thả hết, mặc chúng tùy ý đi tìm cỏ, nước. Tôi nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, xin nhận tôi làm ưu-bà-tắc trong chánh pháp. Từ nay về sau, cho đến hết đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.
Cúi mong Thế Tôn cùng đại chúng nhận lời mời sáng mai của tôi.
(Trường A Hàm, Kinh Cứu-la-đàn-đầu, số 23)
- 194. Ý NGHĨA ĐẲNG CHÁNH GIÁC
Do nghĩa gì mà gọi là Đẳng chánh giác?
Những gì mà Phật thấy biết, diệt trừ, giác ngộ, Phật thảy đều giác ngộ, biết rõ, nên gọi là Đẳng chánh giác.
(Trường A Hàm, Kinh Thanh Tịnh, số 17)
- 195. Ý NGHĨA NHƯ LAI
Như Lai đối với quá khứ, vị lai, hiện tại, nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, có lợi, nói đúng pháp, đúng luật, không có lời hư dối. Đức Phật từ đêm đầu tiên thành Vô thượng chánh giác cho đến đêm cuối cùng, trong khoảng giữa, có nói điều gì, thảy đều như thật; do đó gọi là Như Lai.
Lại nữa, những điều Như Lai nói đúng như sự, sự đúng như lời. Do đó gọi là Như Lai.
(Trường A Hàm, Kinh Thanh Tịnh, số 17)
- 196. Ý NGHĨA SÁU PHƯƠNG
Thiện Sinh bạch Phật: Khi cha tôi sắp chết có dặn, Nếu con muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên và dưới. Tôi vâng lời cha dạy không dám chống trái, nên sau khi tắm gội xong, chấp tay hướng mặt về phương Đông mà lễ phương Đông trước rồi tiếp lễ khắp các phương Tây, Nam, Bắc, trên, dưới.
Phật bảo Thiện Sinh: Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp của bậc Hiền Thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu.
Thiện Sinh thưa: Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp của Hiền Thánh.
Ngươi nên biết ý nghĩa sáu phương. Sáu phương là gì?
1) Phương Đông là cha mẹ,
2) Phương Nam là sư trưởng,
3) Phương Tây là thê thiếp,
4) Phương Bắc là bạn bè thân thích,
5) Phương trên là các bậc trưởng thượng,
6) Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)
- 197. YÊU GHÉT TỪ ĐÂU CÓ
Tham lam, tật đố phát sanh do bởi yêu ghét; yêu ghét là nhân; yêu ghét làm duyên; yêu ghét làm nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu yêu ghét do dâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ; từ cái gì mà có, do cái gì mà không?
Yêu ghét phát sanh ở nơi dục; do nhân là dục, do duyên là dục; dục là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì không.
(Trường A Hàm, Kinh Thích Đề Hoàn Nhân Vấn, số 14)
- 198. XÁ LỢI CỦA ĐỨC PHẬT ĐƯỢC CHIA LÀM TÁM PHẦN
Xá lợi của Thế Tôn được chia đều cho tám nước của Ấn độ cổ đại:
1) Câu-thi-la 2) Ba-bà
3) Giá-la 4) La-ma-già
5) Tỳ-lưu-đề 6)Ca-duy-la-vệ
7) Tỳ-xá-ly 8) Ma-kiệt-đà
Bà-la-môn Hương Tánh đem cái bình dùng chia xá-lợi về nhà dựng tháp cúng dường. Dân chúng thôn Tất-bát đem phần tro còn lại về dựng tháp cúng dường.
Như vậy, xá-lợi Phật được chia thờ ở tám tháp nơi tám nước, tháp thứ chín là cái bình, tháp thứ mười là tháp tro và tháp thứ mười một là tháp tóc, thờ tóc Phật khi còn tại thế.
(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)
- 199. XIN QUY Y TAM BẢO
Thiện Sinh bạch Phật:
Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là đức Như Lai, bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời.
Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm ưu-bà-tắc ở trong chánh pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)