Theravàda
(Thượng-tọa bộ)
Chú Giải Luật Thiện Kiến
Samantapàsàdikà Nàma Vinayatthakathà
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la (Sanghabhadra)
Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh (Caràna-citto Bhikkhu)
Phật Lịch 2543 (1999)
Mục Lục
Lời Người Dịch
Lời Tri Ân
Quyển thứ nhất
Phẩm Tựa
Phẩm Bạt-Xà-Tử: Kết tập Pháp tạng
Phẩm A-Dục Vương: Kết tập Pháp-tạng
Quyển thứ hai
Quyển thứ ba
Quyển thứ tư
Quyển thứ năm
Phẩm Đại Mục-Kiền-Liên
Quyển thứ sáu
Phẩm Ca-lan-đà (Kalandaka-vagga)
Quyển thứ bảy
Quyển thứ tám
Quyển thứ chín
Quyển thứ mười
Quyển thứ mười một
Quyển thứ mười hai
Pháp tăng-tàn thứ hai (Sanghàdisesa.2)
Quyển thứ mười ba
Pháp tăng-tàn thứ ba (Sanghàdisesa-3).
Pháp tăng-tàn thứ tư (Sanghàdisesa.4)
Pháp tăng-tàn thứ năm (Sanghàdisesa, 5)
Pháp tăng già bà thi sa 6 (Sanghadisesa 6)
Giới tăng tàn 7 (Sanghàdisesa 7)
Giới tăng- tàn thứ 8 (Sanghàdisesa, 8)
Giới Tăng Tàn 9 (Sanghàdisesa 9)
Pháp Tăng tàn thứ 10 (Sanghàdisesa 10)
Pháp Tăng tàn 11 (Sanghàdisesa 11)
Pháp Tăng tàn thứ 12 (Sanghàdisesa 12)
Quyển thứ mười bốn
Pháp Tăng tàn 13 (Sanghàdisesa 13)
Hai Pháp Bất Định (Aniyata)
Pháp Bất Định Thứ Hai (Aniyata)
1. Giới thứ nhất (Nissaggiyapàcittiya 1)
2. Giới thứ hai (Nissaggiyapàcittiya 2)
3. Giới thứ ba (N.P 3)
4. Giới thứ tư ( N.P 4)
5. Giới thứ năm (N.P 5)
6. Giới thứ sáu (P.N 6)
Quyển thứ mười lăm
7.Giới thứ 7 ( N.P 7)
8.Giới thứ 8 (N.P 8)
9.Giới thứ 9 (P.N 9)
10.Giới thứ 10 ( P.N 9 - 10?)
11.Giới thứ 11 (P.N 11)
12.Giới thứ 12 (P.N 12)
13.Giới thứ 13 (P.N 13)
14.Giới thứ 14 (P.N 14)
15.Giới thứ 15 (P.N 15)
16.Giới thứ 16 (N.P 16)
17.Giới thứ 17 (P.N 17)
18.Giới thứ 18 (P.N 18)
19.Giới thứ 19 (P.N 19)
20.Giới thứ 20 - 23 (N.P 20 - 23)
24.Giới thứ 24 (P.N 24)
(Thiếu 4 giới: từ giới 25 đến giới 28)
29.Giới 29 (P.N 29)
30.Giới thứ 30 (P.N 30)
Quyển thứ mười sáu
GIỚI TỲ KHEO NI
Quyển thứ mười bảy
Giới tướng (nimitta) và Cương giới (sima)
Quyển thứ mười tám
Kiền độ về y Ca Thi Na (Kathina).
Kiền độ về tỳ kheo ny
Phẩm Đại đức Xá Lợi Phất hỏi Ô Ba Ly về luật hành
-ooOoo-
"Vinayo Sàsana Mùlam"
Giới Luật Là Nền Tảng Của Phật Pháp
-oOo-
Lời Người Dịch
Chú giải luật Thiện-kiến, nguyên bản Thiện kiến tỳ bà sa (Paly: Samantapàsàdikà) 18 cuốn, do Tăng-già-bạt-đà-la (Sanghabhadra - Chúng-Hiền, Đệ tử Ngài Buddhaghosa) dịch từ thời Nam-Tề, vào khoảng Vĩnh minh năm thứ 06 Dương lịch năm 488 tại chùa Trúc lâm, Quảng châu, Trung quốc, giải thích Luật Theravàda theo truyền thừa của Thượng tọa bộ Tích-lan. Bộ chú giải này là một trong năm bộ luận giải thích về luật trong Luật bộ thuộc Hán dịch Bắc truyền Đại tạng kinh lưu hành tại Trung quốc và được đưa vào Đại chính tân tu Đại tạng kinh N.1462, tập 24 do Nhật bản biên tập.
Từ Quyển 1 đến Quyển 5 ghi lại một phần sinh hoạt của Tăng đoàn sau khi Phật Niết bàn, các cuộc kiết tập kinh điển và sự truyền trì luật tạng, chư tổ truyền thừa, sinh hoạt tăng đoàn... đến sự việc Trưởng lão Mahinda con trai vua A-dục truyền Phật giáo sang Tích lan. Từ Quyển 5 trở về sau giải thích giới bản tỳ kheo và các kiền độ. Đối chiếu bộ luật này với Nam truyền Đại tạng kinh thì phần Tựa nằm ở phần Thiện-kiến luật chú tự tập 70, phần sử vua A-dục và chư tổ truyền thừa ở phần Đại vương thống sử tập 65, từ Quyển 5 trở về sau nằm phân tán trong Luật tạng từ tập 1 đến 5.
Bộ luận này là một bản sao dịch từ bản chú giải Luật tạng Nam truyền của Luận sư Phật-Minh Buddhaghosa soạn thuật vào đầu thế kỷ thứ V. Trong Bộ luận này có nói đến sự việc không chấp nhận các học giới liên quan đến tháp Phật trong phần chúng học pháp của luật Tứ phần. Thứ tự và nội dung giải thích từng học giới trong bộ này theo thứ tự luật tạng Nam truyền và quan điểm của Thượng tọa bộ Tích lan mà tài liệu trích dẫn là Luật tạng Theravàda, Thanh tịnh đạo luận Visuddhimagga của Ngài Phật Minh và những mẫu chuyện về trì luật tại Tích-lan.
Nguyên bản, các giới không ghi rõ thứ tự, chúng tôi cho thêm thứ tự theo chú thích của tạng Đại chính và giới bản của Luật tạng Theravàda.
Trong phần giải thích, có những câu không nêu rõ chánh văn Luật mà chỉ giải thích, chúng tôi dịch theo ý những đoạn tương đương trong Luật tạng Nam truyền.
Với những câu mà nguyên bản trích dẫn Thanh tịnh đạo luận nhưng tối nghĩa, tôi dịch theo những câu tương đương trong bản Việt dịch Thanh tịnh đạo của Ny sư Trí Hải.
Phần giải thích từng học giới và các Kiền độ, gặp những chổ khó hiểu, chúng tôi dựa theo phần giải thích trong Luật xuất gia của Ngài Hộ tông, Tứ thanh tịnh giới của Ngài Bửu chơn và Tứ phần hợp chú, Yết ma yết chỉ của Hòa thượng Trí thủ để dịch.
Ngoài ra, gặp những chổ ngoài khả năng, không tìm được tài liệu, chúng tôi có tham khảo ý kiến nơi Thầy Viên-Minh và Đại đức Hộ-Pháp ở Bửu long.
Bản Hán dịch này không đầy đủ như nguyên bản chú giải bằng Pàly của Ngài Buddhaghosa, có một số học giới bị lược đi, phần giải thích cũng chỉ nêu ra những vấn đề cần thiết. Ngay cả trong phần giải thích này, nếu không đối chiếu với Luật tạng Nam truyền và tham khảo các bản chú thích khác về luật thì cũng khó nhận định được các vấn đề mà tác giả muốn nói.
Dịch bộ luật này, chúng tôi hy vọng giới thiệu đến độc giả một tác phẩm của Phật giáo Nam truyền nằm trong hệ Hán dịch Bắc truyền Đại tạng kinh mà trước đây đã được các vị luật sư theo hệ Bắc truyền ở Đông Nam Á thường trích dẫn trong các bản chú thích về luật trong Luật bộ Hán dịch. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn đóng góp một phần tài liệu về luật Theravàda cho quý vị Tăng ny trong các hệ phái ở Việt nam có lưu tâm nguyên cứu về Luật. Ngoài ra, bản dịch này cũng để đáp ứng một phần tâm nguyện dịch Tạng luật ra Việt ngữ của Thầy Tịnh Hạnh, Đài loan.
Những thuật ngữ, danh từ, những vấn đề mà bản Hán văn phiên âm hay giải thích theo cách Hán dịch, chúng tôi ghi Pàly vào để người đọc dễ nhận định. Tuy nhiên, có những đoạn, chúng tôi ghi cả nguyên văn Pàly vào để các vị đọc giả chỉ giúp chúng tôi rõ ý nghĩa vấn đề nếu phát hiện những chổ sai nhầm hay không đúng với truyền thống Luật của Theravàda do người dịch hay từ bản Hán dịch thì chúng tôi sẽ sửa lại và chú thích rõ.
Sau khi dịch xong, tôi được Luật sư Thích Đỗng Minh chứng nghĩa cho từng cuốn.
Bản dịch này, chúng tôi sử dụng những thuật ngữ đang dùng trong các bộ luật của Nam tông và Bắc tông bằng Việt ngữ đang lưu hành. Tuy nhiên, vẫn có những câu, những đoạn sẽ khó hiểu đối với những vị chưa quen tiếp cận với văn luật và đó là điều chúng tôi không thể làm khác đi được.
Đây là bản dịch chưa hoàn chỉnh, tôi thành kính mong các vị thiện tri thức chỉ dạy cho những chổ sai, sót để bản dịch này được sửa chửa hoàn chỉnh hơn.
Long sơn Vihàra, Nha-trang
Mùa hạ PL 2543
Tỷ kheo Tâm-Hạnh (Caràna Citto Bhikkhu)
--ooOoo--
Con thành kính dâng bản dịch này đến:
- Hòa thượng Siêu Việt, chùa Kỳ viên, Sài gòn
- Hòa thượng Hộ Nhẫn, chùa Thiền Lâm, Huế
- Thầy Viên-Minh, chùa Bửu Long, Sài gòn
Đã truyền giới và hướng dẫn con sống phạm hạnh trong pháp luật của đức Phật.
Caràna Citto Bhikkhu (Tỷ kheo Tâm-Hạnh)
--ooOoo—
Tài Liệu Tham Khảo
Trong quá trình dịch, chúng tôi đã tham khảo các bộ:
Hán dịch Nam truyền Luật tạng, Đài loan
Hán dịch Nam truyền đại tạng kinh, Đài loan
Luật xuất gia của Ngài Hộ Tông
Tứ phần Hợp chú và Yết-ma yết chỉ của HT Trí Thủ
Tứ thanh tịnh giới của Ngài Bửu Chơn
Việt dịch Thanh tịnh đạo của Ny sư Trí Hải,
Việt dịch Đại Vương thống sử của Đại Đức Minh Huệ
Tự điển và từ điển:
Pàly Việt của Ngài Bửu Chơn
Thái Pàly Hán của Ngài Nhân-Nguyện, Thái lan
Pàli English Dictionary của Pali Text Society London
Phật quang đại tự điển, Đài loan
Phật học từ điển, Hà nội
Khang hy tự điển, Từ hải
Đại từ điển Hán ngữ, Tam dân thư cục
Tự Điển Hán Việt, Thiều Chửu
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Lý Văn Hùng
Việt nam tự điển, Khai trí tiến đức
Từ điển Việt nam, Viện ngôn ngữ học Đà nẵng xuất bản
Chúng tôi chân thành tri ân tác giả các tác phẩm trên, nhất là Phật tử Lý Huệ Chiêu cùng các Phật tử khác ở Đài Loan đã gửi cho Bộ Nam truyền Luật tạng và trọn bộ Hán dịch Nam truyền Đại tạng kinh làm tài liệu chính để dịch.
--ooOoo--
Lời Tri Ân
Con xin thành kính cúng dường Pháp bảo này đến:
- Tam bảo, Cha mẹ và chư Thiên mật thùy gia hộ.
- Các vị Ân sư, Giáo thọ sư, các Thiện tri thức ở các Phật học viện Hải-Đức, Nha trang; Bửu-tịnh, Tuy-hòa; Liễu-quán, Phan-rang; Phổ đà, Đà-nẵng; Huyền không và Thiền lâm, Huế; Kỳ viên và Phật bảo, Sài-gòn, đã nuôi dưỡng và dạy bảo cho con được biết đến Chánh pháp của Đức Phật với lòng thành kính và tri ân vô biên.
- Luật sư Thích Đỗng Minh đã hoan hỷ tận tình chỉ dạy và chứng nghĩa từng quyển.
Thân tặng các bạn pháp Bồ đề trong các trú xứ trên cùng những nơi mà tôi đã có thời gian được may mắn chung sống và cùng nhau tu học chánh pháp.
Hồi hướng công đức này đến các Phật tử hỗ trợ tài liệu, tịnh tài photocopy và tất cả hữu tình.
Nguyện nhờ uy lực của Pháp bảo này, Tạng Luật Việt ngữ sớm hoàn thành, con luôn được sinh đến những nơi Phật pháp đang thịnh hành để tu học theo Chánh pháp.
Tỳ kheo Tâm-Hạnh,
Nha Trang, 1999
--- o0o ---
Quyển thứ nhất
Phẩm Tựa
-ooOoo-
Thành kính đảnh lễ chư Phật .
Đấng trong trăm ức kiếp, Thời gian không thể lường,
Vì tất cả chúng sinh, Đến tận nơi cực nhọc,
Để độ khắp thế gian, Quy y Đại-từ-bi.
Do không biết giáo pháp, Sinh tử mãi thế gian,
Cúi đầu xin đảnh lễ, Pháp vi diệu thậm thâm.
Phá trừ tan nát hết, Lưới vô minh phiền não.
Bậc đủ Giới-định-tuệ, Giải thoát, hạnh viên mãn,
Tu tập nhiều công đức, Tăng bảo ruộng phước tốt,
Con nhất tâm quy ngưỡng, Đem đầu mặt kính lạy.
Quy kính Tam-Bảo rồi, Xin thuyết nghĩa Tỳ-ny,
Để chánh pháp trường tồn, Lợi ích khắp chúng sinh,
Nguyện đem công đức này, Tiêu trừ các nạn ác,
Ai ưa thích trì giới, Giải thoát các khổ đau.
-oOo-
Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri
Xin thuyết minh rằng: - Giới luật được nói lần đầu tiên khi đức Thế Tôn ở tại Tỳ-Lan-Nhã (Tena samayena buddho bhagavà veranjàyam viharati). Điều này được Ưu Ba Ly (Upàli) là vị đứng đầu nói ra trong đại hội kết tập giữa đại chúng 500 vị Tỳ kheo. Vì sao? Khi mới thành đạo, Như Lai đến vườn Lộc-dã chuyển pháp luân Tứ-đế, cuối cùng thuyết pháp độ Tu Bạt Đà La (Subhadda). Khi làm xong những điều cần làm, giữa rừng cây Sa-la thuộc quốc vương họ Mạt-la (Màla) nước Câu-thi-na (Kusinarà) vào lúc rạng sáng ngày 15 tháng 2 (Visakhà punnamadivasa paccùsasamaya), Ngài nhập Vô-dư Niết-bàn.
Sau đó bảy ngày, từ nước Diệp-Ba (Pàvà) Ca Diếp cùng 500 Tỳ kheo tăng trở về nước Câu-thi-na thăm viếng Thế Tôn. Trên đường gặp một đạo sĩ, Ca Diếp hỏi:
- Ông gặp đại sư của tôi không?
Đạo sĩ đáp:
- Sa môn Cù-Đàm thầy của ông qua đời đã bảy ngày rồi. Sau khi vị ấy Niết-bàn, trời người đến cúng dường, tôi lấy được hoa trời Mạn-đà-la này ở đó.
Nghe Phật đã Niết-bàn, Ca Diếp cùng các đại Tỳ kheo quay quắt khóc lóc ngã lăn ra đất. Khi ấy, có Tỳ kheo tên Tu-Bạt-Đà-La Ma-Ha-La (Subhadra mahallaka) nói rằng thôi ngừng lại đi, có gì đáng khóc, khi Đại sa-môn ấy còn sống thì việc này tịnh, việc này bất tịnh, việc này nên làm, việc này không nên làm; từ nay tùy theo ý thích của ta, muốn làm thì làm, không làm thì thôi.
Im lặng ghi nhớ lời nói ấy, Ca-Diếp suy nghĩ: ác pháp chưa phát sinh, hãy kết tập pháp-tạng. Nếu chánh pháp có mặt ở đời thì lợi ích cho chúng sinh.
Ca-Diếp lại suy nghĩ: khi còn tại thế, Phật bảo A-Nan rằng sau khi Ta Niết-bàn, những pháp và giới đã được nói ra là vị Thầy cao cả của ông (Dhammo ca vinayo ca desito pannatto so vo mam' accayena satthà), vì vậy Ta sẽ thuyết pháp ấy.
Ca-Diếp thầm nghĩ: khi còn tại thế Như Lai đã đem y ca-sa (Kàsàyani vatthàni) cho ta. Và đức Phật đã từng bảo các Tỳ kheo rằng khi Ta vào thiền định thứ nhất, Ca-Diếp cũng vào định ấy; như vậy là Như Lai khen ngợi ta. Ta được thánh lợi mỹ mãn không khác gì Phật. Đó là nhờ công đức của Như Lai ban cho ta. Cũng như người tráng sĩ cổi áo giáp đang mặc trao cho con mình bảo nó bảo hộ giòng dõi. Như Lai biết và nói trước rằng sau khi Ngài diệt độ, Ca-Diếp sẽ hộ trì chánh pháp. Thế nên Như Lai ban y ấy cho ta.
Tập họp các Tỳ kheo tăng, Ca-Diếp nói:
- Trước đây, tôi nghe Tu-bạt-đà-la ma-ha-la nói rằng khi Đại sa-môn còn sống, việc này tịnh việc này bất tịnh, việc này nên làm việc này không nên làm, từ nay theo ý thích của ta, muốn làm thì làm, không làm thì thôi. Thưa các trưởng lão, chúng ta nên kết tập pháp-tạng và luật-tạng.
Các Tỳ kheo thưa với đại đức Ca-Diếp:
- Đại đức nên lựa chọn các Tỳ kheo. Này Đại đức Ca-Diếp , vị ái-tận Tỳ kheo thông suốt tất cả chín bộ phận của Phật pháp (Sakalanavangassatthusàsana pariyattidhare), tất cả học nhân Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, không chỉ số trăm hay ngàn vị (aneka sate anekasahassa). Bậc ái-tận Tỳ kheo thông hiểu ba tạng, đạt đến bốn (vô ngại) biện, có năng lực thần thông lớn, chứng ba đạt trí, được Phật khen ngợi, chỉ có 499 vị. Đại đức Đại Ca-Diếp lý do chỉ chọn lựa được 499 vị, vì trưởng lão A-Nan (Ananda) đang ở địa vị hữu học (Sekha sakaraniya) nên không được tính vào. Nhưng nếu không có trưởng lão A-Nan thì không có người kết tập pháp.
Vì ngăn chận những sự phỉ báng, đại đức Ca-Diếp (Mahàkassapa) không chọn lấy A-Nan. Do đó, các Tỳ kheo thưa:
- A-Nan tuy ở địa vị hữu học nhưng trước đây đã thân cận Phật nên thọ trì kinh và kệ (Sutta geyya), mến chuộng pháp, là bậc kỳ lão, là em con chú trong thân tộc Thích-Ca của Như Lai, lại không còn thân cận với ba độc. Đại đức Ca-Diếp, nên nhận lấy A-Nan để đủ số 500 vị; đây là ý kiến của thánh-chúng.
Các vị đại đức Tỳ kheo suy nghĩ: nên kết tập pháp tạng ở đâu? Thành Vương- xá (Ràjagaha) có đầy đủ các việc cho sinh hoạt, chúng ta nên đến đó an cư ba tháng để kết Tỳ-ny tạng, không nên để các Tỳ kheo khác an cư ở đó. Vì sao? Sợ các Tỳ kheo khác không tùy thuận, nên bảo họ đi nơi khác.
Bấy giờ, đại đức Ca-Diếp bạch nhị kiết-ma (nattidutiyakamma) được nói rõ trong phẩm Tăng-kỳ (Samgitikkhandhaka).
Sau khi Như Lai Niết-bàn, lễ hội (sàdhukilana) được tổ chức suốt bảy ngày và cúng dường (Dhàtupùja) xá-lỵ trong bảy ngày, kéo dài đến nửa tháng, và chỉ còn một tháng rưỡi nữa là mùa hạ.
Biết gần đến an cư, Ca-Diếp bảo các trưởng lão: Đã đúng lúc chúng ta lên đường đến thành Vương Xá.
Đại đức Ca-Diếp đưa 250 Tỳ kheo đi bằng một đường. Đại đức A-Nâu-Lâu-Đà (Anuruddhatthera) đưa 250 Tỳ kheo đi bằng đường khác. Hiền giả A-Nan giữ ca-sa (pattacìvara) của Như Lai với chúng Tỳ kheo vây quanh đi đến trú xứ cũ của Như Lai tại nước Xá-vệ (Sàvattì). Gặp lại A-Nan, nhân dân thành Xá-vệ, buồn khổ khóc lóc hỏi:
- Hiện nay Như Lai ở đâu mà ngài đến một mình vậy?
Mọi người gào khóc như là Như Lai mới vừa vào Niết-bàn. Hiền giả A-Nan giáo hóa mọi người bằng pháp vô thường. Sau khi giáo hóa, A-Nan vào vườn Kỳ-thọ (Jetavana), mở cửa phòng của Phật (Dasabalena vasitagandhakuti), đem giường tòa của Ngài (mancapitha) ra ngoài lau chùi và vào trong dọn rửa phòng, sau khi lau quét, vứt bỏ hoa cúng dường đã héo, rồi xếp đặt giường tòa lại như cũ. Hiền giả A-Nan làm các việc cúng dường như khi Phật còn tại thế.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn, A-Nan ngồi quá nhiều, thân thể mệt nhọc, muốn điều trị nên phải dùng sữa lấy trong lợi dưỡng tại chùa trong ba ngày. Khi ấy có Bà-la-môn Tu-bà-na (Subha-màvana) đến thỉnh A-Nan. A-Nan đáp:
- Hôm nay tôi dùng thuốc nên không nhận lời được, ngày mai sẽ đến.
Hôm sau, A-Nan đem theo một trưởng lão Tỳ kheo đến nhà Tu-bà-na. Vì Tu-bà-na hỏi về ý nghĩa của kinh, thế nên trong phẩm thứ mười của A-hàm gọi là kinh Tu-bà-na (Dìghanikàye Subha-suttam nàma dasamam suttam).
Sau khi sửa chữa phòng xá tại vườn Kỳ-thụ xong, muốn nhập hạ an cư nên A-Nan đi đến thành Vương-xá.
Đại đức Ca-Diếp, A Nậu Lâu Đà và chúng Tỳ kheo cùng đến thành Vương-xá. Trông thấy cả 18 chùa lớn đều bị hao vì sau khi Như Lai diệt độ, các Tỳ kheo vứt bỏ giá mắc y và các vật khác ngổn ngang để ra đi, nên bừa bãi như vậy, cả 500 đại đức bí sô theo lời Phật dạy, sửa chữa phòng nhà (vihàra parivena). Nếu không sửa chữa thì ngoại đạo sẽ nói rằng khi còn sống, sa-môn Cù-đàm sửa chữa phòng xá, sau khi Niết-bàn đệ tử vứt bỏ đi. Vì ngăn ngừa sự chê bai này, cần phải sửa chữa. Ca-Diếp nói: - Khi còn tại thế, đức Phật khen ngợi việc trước tiên của an cư là sửa chữa phòng xá.
Sau khi tính toán dự trù, Ca-Diếp đến gặp vua A-Xà-Thế để xin chi phí. Thấy Tỳ kheo đến, vua lạy sát đất làm lễ và thưa: đại đức cần việc gì?
Ca-Diếp đáp: - Cả mười tám chùa lớn đều bị hư, muốn sửa chữa lại, nhà vua biết cho.
Vua đáp: - Lành thay.
Vua cung cấp người đến sửa chữa. Trong tháng trước mùa hạ, Ca-Diếp sửa chữa xong chùa. Sau đó, tôn giả đến gặp nhà vua thưa:
- Việc sửa chữa chùa đã xong, hiện nay chúng tôi muốn kết tập pháp-tạng và tỳ-ny-tạng.
Vua đáp:
- Rất tốt, cầu chúc ý nguyện thành tựu.
Nhà vua lại nói:
- Con sẽ chuyển pháp-luân uy lực của vua chúa (Ànàcakka), các đại đức sẽ diễn thuyết pháp luân vô thượng (Dhammacakka). Con xin tuân hành sự sai khiến của các đại đức.
Chúng tăng đáp:- Trước tiên, xây dựng giảng đường.
Vua hỏi: - Xây dựng chỗ nào?
Đáp: - Có thể xây bên cạnh cửa thiền thất ở sườn trước của núi Để-bàn-na-ba-la (Vebhàrapabbatapassa Sattapanniguhàdvàra), vì nơi ấy yên tịnh.
Vua thưa: - Rất tốt.
Nhờ vào uy lực của vua A-xà-thế cũng như bằng kỹ xảo của Tỳ-xá-thiên ở cõi trời Đao-lỵ thứ hai (vissakamma), không bao lâu giảng đường đã hoàn thành với đầy đủ kèo cột, vách ngăn, hành lang, chạm khắc nhiều kiểu kỳ lạ. Trên giảng đường, được trang trí với những vật báu xinh đẹp, treo các loại hoa rực rỡ khắp nơi. Dưới đất cũng vậy, trang trí bằng các loại xinh đẹp kỳ lạ không khác cung điện của Phạm-thiên (Brahmavimàna). Năm trăm tòa ngồi hướng về phương Bắc được trải bằng nệm len dày. Lại nữa, trong số những tòa cao được trang trí bằng các loại báu, chiếc tòa cao tinh xảo xinh đẹp nhất được chọn đặt hướng về phương Đông để chuẩn bị làm tòa thuyết pháp.
Chúng tăng bảo A-Nan: - Ngày mai, tập họp chúng tăng, kết tập tạng luật nhưng thầy còn ở địa vị Tu-đà-hoàn đạo thì làm sao gia nhập được. Thầy chớ thối chí.
Khi ấy, A-Nan suy nghĩ: - Ngày mai thánh chúng kết tập pháp, ta với địa vị sơ học làm sao vào được?
Vào đầu đêm, A-Nan quán niệm về thân (Kàyagatàya satiyà vìtinàmetvà) mãi đến nữa đêm cũng chưa chứng đắc. A-Nan suy nghĩ: Trước đây, Thế Tôn có dạy rằng ta đã tu tập các công đức, nếu nhập thiền định thì mau chứng la-hán, lời Phật dạy là chắc thật, chỉ vì tâm ta tinh cần thái quá, từ nay phải tu tập thuận theo trung đạo.
Từ chỗ kinh hành (camkama), sau khi đi rửa sạch chân rồi vào phòng, A-Nan ngồi trên giường. Muốn nghỉ ngơi một chút nên nghiêng người định nằm xuống, trong lúc chân vừa hỏng đất, đầu chưa đụng gối thì tôn giả chứng quả La-hán. Nếu có người hỏi rằng trong Phật pháp, vị nào đắc đạo không ở trong bốn tư thế đi đứng nằm ngồi thì chính là A-Nan.
Bấy giờ vào ngày thứ hai giữa tháng tức là ngày 17 tháng sáu, sau khi ngọ trai, thu xếp y bát xong, đại đức Ca-Diếp tập tăng vào pháp-đường (Dhammasabhà). Muốn biểu hiện sự chứng đắc cho đại chúng biết, hiền giả A-Nan không cùng đi vào với chúng tăng. Đã vào bên trong, tăng thứ thứ tự an tọa xong, chừa lại chỗ ngồi của A-Nan. Tuần tự các vị hạ tọa kính lễ thượng tọa, đến chỗ trống, họ hỏi: - Chỗ này dành cho ai?
Đáp: - Để cho A-Nan.
Hỏi: - A-Nan đang ở đâu?
Biết tâm niệm của chúng tăng, A-Nan hiện thần túc, biến mất khỏi chỗ cũ và hiện thân ra chỗ ngồi.
Sau khi chúng tăng đã an tọa, Đại Ca-Diếp thưa: -Các trưởng lão, thuyết Pháp-tạng hay Luật-tạng trước?
Các Tỳ kheo đáp: - Đại đức, tạng Luật là mạng sống của Phật-pháp (Buddhasàsanassa àyu). Tạng luật tồn tại thì Phật-pháp tồn tại. Thế nên, chúng ta kết tập tạng luật trước.
Hỏi: - Ai làm pháp-sư?
- Xin cử trưởng lão Ưu-ba-ly (Upali).
Trong chúng có người hỏi: - Vì sao A-Nan không làm pháp-sư được?
Đáp: - A-Nan không làm pháp-sư được. Vì sao? Khi còn tại thế, Phật thường khen ngợi rằng trong đệ tử Thanh văn của Ta, Ưu-Ba-Ly là người trì luật đệ nhất.
Trong chúng có người nói: - Đã đúng lúc hỏi Ưu-Ba-Ly để kết tập Luật-tạng.
Tôn giả Ma-ha Ca-Diếp tác bạch yết-ma hỏi Ưu-Ba-Ly: - Trưởng lão tăng già lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp với tăng, tăng đồng ý, tôi xin hỏi Ưu-Ba-Ly về những điều trong pháp tỳ-ny. Đây là lời tác bạch.
Ưu-Ba-Ly tác bạch yết-ma: - Đại đức tăng già lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp với tăng, tăng đồng ý. Tôi xin trả lời về pháp Tỳ-ny với đại đức Ca-Diếp . Đây là lời tác bạch.
Sau khi bạch yết-ma xong, Ưu-Ba-Ly chỉnh đốn y phục, hướng về đại chúng Tỳ kheo, làm lễ sát đất, sau đó lên tòa an tọa, cầm quạt ngà che trước mặt. Sau khi an tọa, Ca-Diếp hỏi Ưu-Ba-Ly: - Trưởng lão, giới Ba-la-dy thứ nhất (Pathama paràjika) được nói ra ở đâu và cho ai?
Đáp: - Được chế ở Tỳ-xá-ly (Vesàly), phát sinh do Tu-Đề-Na con của Ca-Lan-Đà (Sudinna Kalandakaputta).
Hỏi: - Phạm tội gì?
Đáp: - Phạm tội bất tịnh hạnh (Methunadhamma).
Ca-Diếp hỏi Ưu-Ba-Ly về tội, nhân duyên, người phạm, sự chế giới, chế thêm (Vatthu, Nidàna, puggala, Pannatti, anupannatti), có tội (Àpatti) cũng hỏi, không có tội (anàpatti) cũng hỏi. Như vậy, Đại Ca-Diếp hỏi và đư?c Ưu-Ba-Ly trả lời tường tận về nguyên nhân gốc ngọn của pháp Ba-la-dy thứ nhất cho đến thứ hai, thứ ba, thứ tư. Do đó, gọi là phẩm bốn Ba-la-dy.
Tuần tự hỏi về (13) Tăng-già-bà-thi-sa (sanghàdisesa), hai pháp bất-định (Aniyata), ba mươi pháp Ny-tát-kỳ-ba-dạ-đề (nissaggiyapàcittiya), chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề (pàcittiya), bốn pháp Ba-la-đề-đề-xá-ny (pàtidesaniya), bảy mươi lăm pháp Chúng-học (sekhiya), bảy pháp Diệt-tránh (adhikaranasamatha). Như vậy là kết tập xong phần đại Ba-la-đề-mộc-xoa (mahà-pàtimokkha = mahà-vibhanga). Tiếp theo là hỏi về tám pháp Ba-la-dy của ny gọi là phẩm Ba-la-dy, mười bảy pháp Tăng-già-bà-thi-sa, ba mươi pháp Ny-tát-kỳ-ba-dạ-đề, (một trăm) sáu mươi sáu pháp Ba-dạ-đề, tám pháp Ba-la-đề-đề-xá-ny, bảy mươi lăm pháp Chúng học, bảy pháp Diệt-tránh. Như vậy là kết tập xong phần Ba-la-đề-mộc-xoa của Tỳ kheo ny. Thứ đến, kết tập về Kiền-đà (khandhaka), đến Ba-lỵ-bà-la (Hán dịch: Tam tẫn tứ yết ma) (parivàna)... như vậy là tạng luật được kết tập hoàn tất. Đại đức Ca-Diếp đem hết từng vấn đề ra hỏi và được Ưu-Ba-Ly trả lời đầy đủ, nên gọi là Năm-trăm-la-hán kết tập tạng-luật. Sau đó, trưởng lão Ưu-Ba-Ly hạ quạt xuống và rời khỏi tòa cao, hướng về các đại đức Tỳ kheo làm lễ. Sau khi làm lễ, tôn giả trở về chỗ ngồi cũ.
Đại Ca-Diếp nói: - Đã kết tập luật-tạng xong, đến lượt kết tập pháp-tạng thì vị nào làm pháp sư?
Khi ấy, các Tỳ kheo đề cử trưởng lão A-Nan. Đại đức Ca-Diếp tác bạch yết-ma: Trưởng lão tăng già lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp với tăng, tăng chấp nhận, tôi xin hỏi trưởng lão A-Nan về pháp-tạng. Đây là lời tác bạch.
Tôn giả A-Nan lại tác bạch: - Đại đức tăng lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp với tăng, tăng chấp thuận, tôi xin trả lời với đại đức Ca-Diếp về pháp-tạng. Đây là lời tác bạch.
Bấy giờ, A-Nan rời khỏi chỗ ngồi, bày vai áo bên phải, đảnh lễ đại đức tăng rồi lên tòa, cầm lấy quạt bằng ngà.
Đại đức Ca-Diếp hỏi A-Nan: - Kinh Phạm-võng trong pháp-tạng được thuyết ra ở đâu?
A-Nan đáp: - Kinh ấy được thuyết tại căn nhà ở vườn xoài của Vua (Ràjàgàraka Ambalatthikà) trên đoạn đường giữa thành Vương-xá và Na-lan-đà (Nàlanda).
Hỏi: - Phát sinh do ai?
Đáp: - Phát sinh do hai người là Tu-bi-dạ Ba-lỵ-bà-xà-ca và bà-la-môn Kiền-đa (Suppyya paribbàjaka, Brahmadattamànavaka).
Đại đức Ca-Diếp hỏi A-Nan về nhân duyên đầu đuôi của Kinh Phạm-võng xong, thứ đến hỏi về Kinh Sa-môn quả (Sàmannaphala) được thuyết ở đâu?
A-Nan đáp: - Được thuyết tại vườn Kỳ-bà (Jìvakambavana) thành Vương-xá.
Hỏi: - Thuyết cho ai?
Đáp: - Được thuyết cho vua A-xà-thế con của Phạm-khí... (Ajàtasattu Vedehiputta).
Như vậy, như các nhân duyên đầu đuôi của kinh Sa-môn quả, theo phương pháp như vậy, Ca-Diếp hỏi về năm Bộ-kinh (panca-nikàya). Thế nào là năm Bộ-kinh?
Đáp: - Kinh Trường A-hàm (Àgama, Dìgha-Nikàya), Trung A-hàm (Majjhima-Nikàya), Tăng-thuật-đa (Samyutta-Nikàya), Ương-quật-đa-la (Anguttara-Nikàya), Khuất-đà-ca (Khuddaka-Nikàya).
Hỏi: - Kinh Khuất-đà-ca là gì?
Đáp: - Trừ bốn bộ A-hàm ra, tất cả những pháp khác do Phật dạy đều gọi là Khuất-đà-ca kinh.
Tất cả tạp-kinh đều do A-Nan nói lại, trừ tạng Luật. Lời Phật dạy chỉ có một vị những phân biệt thành hai công năng. Theo ý vị của lời nói pháp mà chia thành ba là đầu, giữa, cuối; tam tạng cũng như vậy bao gồm Giới, Định, Tuệ nhưng phân theo hình thức giống nhau thì có năm Bộ kinh, nếu phân biệt riêng từng loại thì có chín bộ kinh. Như vậy, tính theo từng nhóm (tụ) thì có tám vạn pháp tạng (pháp-uẩn).
Hỏi: - Sao gọi là một vị?
Đáp: - Từ khi chứng quả Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác cho đến khi vào Niết-bàn, trong bốn mươi lăm năm này, Thế Tôn thuyết giảng giáo pháp cho trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và phi nhân... chỉ là một vị; chỉ có một tính chất giải thoát đó là một vị.
Hỏi: - Thế nào là hai?
Đáp: - Đó là pháp-tạng và luật-tạng.
Hỏi: - Nói đầu, giữa, cuối là gì?
Đáp: - Phật dạy có đầu, giữa, cuối; Đó là ba.
Nói kệ:
Lưu chuyển vô số kiếp,
Đi mãi không ngừng nghỉ,
Chỉ tìm kẻ làm nhà,
Tái sinh nhiều kiếp khổ.
Nhà ơi! Thấy ngươi rồi,
Không còn làm nhà nữa,
Tất cả xương, gân, cốt,
Nát hết không tái sinh.
Tâm đã thoát phiền não,
Ái tận, đạt Niết-bàn. -- (Dhammapada 153,154)
Bấy giờ, có vị pháp-sư (Buddhaghosa) (Keciyadà have pàtubhavanti dhammà ti khandhake udànagàtham àhuesà panapàtipadadivase sabbannubhàvappattassa somanassamàyanànena paccayàkàram paccavekkhantassa uppannà udànagàthà ti veditabhà) giải thích kệ Ưu-đà-na này là: - Khi vừa chứng nhất-thiết-trí vào ngày thứ ba trong tháng, Như Lai vui mừng quán sát các nhân duyên nói nói lên là bài kệ, đây là lời nói đầu tiên.
Đã chứng pháp duyên sinh, Kiền-đà-ca có nói.
Khi sắp nhập Niết-bàn, Như Lai dạy bảo các Tỳ kheo:
- Sống trong pháp của Ta, các thầy không nên lười biếng; đây là lời dạy tối hậu. Những lời nói giữa hai thời gian trên, gọi là nói ở giữa.
Hỏi: - Ba tạng là gì?
Đáp: - Tạng Tỳ-ny (Luật), tạng Tu-đa-la (Kinh), tạng A-tỳ-đàm (Luận). (Vinayapitaka, suttantapitaka, abhidhammapitaka); gọi là tam tạng.
Hỏi: - Tạng Tỳ-ny (Luật) là gì?
Đáp: - Hai bộ Ba-la-đề-mộc-xoa, hai mươi ba kiền-đà, ba-lỵ-bà-la; gọi là tạng Tỳ-ny. {Dve vibhangànni (2 tỳ-băng-già), Dvàvísati Kha dhakàni (22 Kiền-đà), sotasa parivàrà (16 phẩm ba-lỵ-bà-la)} gọi là tạng Tỳ-ny.
Hỏi: - Tạng Tu-đa-la (kinh) là gì?
Đáp: - Đứng đầu là kinh Phạm-võng, tất cả 34 kinh (catuttimsa-sutta) đều xếp vào Trường A-hàm; đứng đầu là Căn-mâu-la-ba-lị-da (Mùlapariyàya-sutta - Kinh Pháp môn căn bản), tất cả 152 (252?) kinh đều xếp vào Trung A-hàm; đứng đầu là Ô-già-đa-la-a-bà-đà-na (Oghatara-apadàna samp. Oghaturana-sutta), tất cả 7762 kinh đều xếp vào Tăng-thuật-đa, đứng đầu là triết-đa-ba-lỵ-da-đà-na tu-đa-la (cittapariyàdàna-sutta), tất cả có 9557 kinh đều xếp vào Ương-khuất-đa-la; pháp cú-dụ, khu đa na, y đế Phật, đa già ny ba đa, tỳ ma na, tỷ đa, thế lỵ già đà, bổn sinh, ny thế bà, ba trí tham tỳ đà, Phật chủng tánh kinh, nhã dụng tạng (Khuddakapàtha - Pháp ngắn, Dhammapada - Pháp cú, Udàna - Tự thuyết, Itivuttaka - Bản sự, Suttanipàta - Tập kinh, Vimànavatthu - Sự tích cung trời, Petavatthu - Sự tích ngạ quỉ, Therà - Trưởng lão tăng kệ, Therigàthà - Trưởng lão ny kệ, Jàtaka - Bản sinh, Niddesa - Mục lục, Patisambhidà - Con đường đưa đến trí tuệ, Apadàna (dụ) - Chiến thắng của đức Phật, Buddhavamsa - Pháp hệ của Phật, Cariyàpitaka - Tạng thánh-hạnh) chia thành mười lăm phần đều xếp vào Khuất-đà-ca. Đây gọi là kinh tạng.
Hỏi: - A-tỳ-đàm (luận) tạng là gì?
Đáp: - Là pháp tăng già tỳ băng già đà suất ca tha da ma ca bát xoa bức già la bộn na kỳ ca tha bạt du (dhammasangani - pháp-tập-luận, vibhanga - phân-biệt-luận, dhàtukathà - phạm-trù-pháp, puggalapannatti - nhân-thi-thiết-luận, kathàvatthu - thuyết-sự, yamaka - song-luận, patthàna - nhân-duyên-luận).
Đây là tạng A-tỳ-đàm.
Hỏi: - Tỳ-ny (luật) nghĩa là gì?
Đáp:
Đem đến nhiều sự tốt,
Điều phục nghiệp thân, miệng
Bậc biết ý nghĩa luật,
Giảng nghĩa luật như vậy.
Hỏi: - Năm thiên của Ba-la-đề-mộc-xoa là gì?
Đáp: - Đứng đầu là Ba-la-di, gồm năm thiên thành bảy nhóm tội (bảy tụ) là mẫu số các loại giới (màtika) đưa đến thành tựu phạm hạnh vững chắc, bằng những phương tiện rộng rãi để kết giới, tùy theo những hành động bất thiện của thân và miệng, đây là giữ lấy thân khẩu nghiệp nên gọi là Tỳ-ni-da.
Hỏi: - Tu-đa-la (Kinh) nghĩa là gì?
Đáp:
Mở bày nhiều giáo nghĩa,
Lời thiện như hoa lúa
Kinh vĩ và dũng tuyền,
Thằng-mặc, chỉ quán xuyến
Gọi là Tu-đa-la,
Nghĩa thậm thâm vi diệu.
Hỏi: - Mở bày nghĩa là gì?
Đáp: - Nghĩa là tự mở bày ra ý nghĩa và làm người khác hiểu nghĩa.
Hỏi: - Lời thiện là gì?
Đáp: - Trước quán sát tâm họ, sau đó mới nói ra lời toàn thiện.
Hỏi: - Trổ ra như hoa lúa là gì?
Đáp: - Như gié lúa trổ tươi tốt thì kết hạt lúa chắc.
Hỏi: - Kinh vĩ là gì?
Đáp: - Nhờ sợi chỉ (ngang dọc) nên dệt được.
Hỏi: - Dũng tuyền là gì?
Đáp: - Như suối, lấy được nhiều nước và chảy ra mãi.
Hỏi: - Thằng mặc là gì?
Đáp: - Như dây mực thẳng có thể loại bỏ phần cong của khúc gỗ.
Hỏi: - Đình (sợi chỉ) là gì?
Đáp: - Như hoa được sợi chỉ xâu lại thì bị gió thổi cũng không phân tán, tu-đa-la cũng như vậy, xâu kết các pháp tướng lại làm cho không phân tán.
Hỏi: - A-tỳ-đàm (luận) là gì?
Đáp:
Có người ý, thức pháp,
Khen ngợi và phán đoán,
Pháp tăng trưởng được thuyết,
Gọi là A-tỳ-đàm.
Trong bài kệ nói về A-tỳ-đàm này thì ý, thức, khen ngợi, phán đoán, tăng trưởng là nghĩa A-tỳ-đàm.
Hỏi: - Ý (nghĩ) là gì?
Đáp: - Trong kinh có câu: Có người nói ý nghĩ rất mau lẹ như thế nào, đó là nghĩa chữ ý của A-tỳ-đàm.
Hỏi: - (Tri) thức là gì?
Đáp: - Luận thật rõ về chỗ tối của câu kinh; gọi là ý nghĩa tri thức của tỳ-đàm.
Hỏi: - Khen ngợi là gì?
Đáp: - Vua trong các luận vua (Ràjàbhìràan); đây là ý nghĩa khen ngợi của a-tỳ.
Hỏi: - Phán đoán là gì?
Đáp: - A-tỳ có đầy đủ các năng lực; đây là ý nghĩa phán đoán của a-tỳ.
Hỏi: - Tăng trưởng là gì?
Đáp: - A-tỳ có rất nhiều (abhikkanta) (Hán gọi là trưởng); đây là ý nghĩa tăng trưởng (adhika) của a-tỳ.
Lại nói rằng sinh lên Sắc-giới, tâm từ quán khắp một phương, đó là ý nghĩa của thức, biết rõ sắc, thanh cho đến xúc là ý nghĩa của thức. Tán thán nghĩa là pháp vô thượng trong pháp hữu học, pháp vô học ở thế gian; đây là ý nghĩa tán thán. Phán đoán nghĩa là tiếp xúc với pháp thì (nhờ nó mà) được hiểu biết, đó là ý nghĩa phán đoán. Trưởng nghĩa là pháp vĩ đại không thể lường được là pháp vô thượng; đó là ý nghĩa trưởng. Nên hiểu nghĩa a-tỳ với nghĩa như vậy. Đàm nghĩa là pháp.
Hỏi: - Tạng (pitaka) nghĩa là gì?
Kệ đáp:
Kho trí, chứa nghĩa vị,
Theo nghĩa khí cụ học
Ta gom lại nói chung,
Ngươi hiểu nghĩa kho chứa,
Là ý nghĩa của tạng. (pitakam pitakatthavidù pariyattibhàjanatthato àhu tena samodhànetvà tayo pivinàyadayo neyya)
Hỏi: - Tạng là gì?
Đáp: - Tàng nghĩa là học; đây là kho chứa pháp. Như trong kinh có câu: Như người cầm dao, búa bén đi đến (atha puriso àgaccheyya kuddàlapitakam àdàya'ti); đây là nghĩa khí cụ (bhàjana). Đã nói chung về ý nghĩa của ba tạng, phải biết có hai nghĩa. Đã nói lược về Tỳ-ny-tạng, chứa trí cũng gọi là chứa nghĩa, Tu-đa-la cũng như vậy. Lại nói rằng A-tỳ-đàm cũng là chứa đựng, vậy là đã biết rõ. Lại nữa, các sự việc chỉ dạy Phật pháp trong tạng là dùng các ngôn ngữ phân biệt tùy theo sự trói buộc mà học để loại trừ tướng sâu xa, phá tan tướng hợp ly, tuần tự theo ý nghĩa mà phô diễn ra bằng văn tự. Nay, tuần tự trình bày ý nghĩa ba tạng này.
Ngay trong A-tỳ nói a-tỳ có những nghĩa là ý, thức, tán thán, đoạn tiệt, vượt qua, rộng, lớn, vô thượng. Ý nghĩa là ghi nhớ. Thức là phân biệt. Tán thán là thường được bậc thánh khen ngợi. Đoạn tiệt là phân biệt từng kệ. Vượt qua là vượt qua các pháp khác. Rộng là pháp rộng rãi nhất trong các pháp. Lớn là pháp vĩ đại nhất trong các pháp. Vô thượng là không pháp nào sánh bằng. Chữ đàm có nghĩa là cử, thừa, hộ. Cử nghĩa là đặt để chúng sinh vào đường thiện. Thừa nghĩa là nhận lấy chúng sinh không cho đi vào ba đường ác. Chữ hộ nghĩa là ủng hộ chúng sinh làm cho được các sự khoái lạc. Tạng là vật chứa. Vật chứa là gì? Vật chứa nghĩa là có khả năng tụ tập số nhiều.
Hỏi: - Tạng (a-tỳ-đàm) và a-tỳ-đàm là đồng hay khác nghĩa?
Đáp: - Đồng nghĩa.
Hỏi: - Nếu đồng nghĩa thì chỉ nói a-tỳ-đàm là đủ, cần gì phải nói tạng?
Đáp: - Thánh nhân thuyết pháp muốn cho câu văn phải đầy đủ nên đặt thêm chữ tạng. Ý nghĩa ba tạng cũng như vậy. Lại nữa, vì chỉ bảo, vì giáo dục, vì phân biệt, vì giữ gìn, vì xả bỏ, vì tướng sâu xa, vì ly hợp. Tỳ kheo đến nơi nào cũng nên phô diễn rõ tất cả ý nghĩa như vậy. Ba tạng như vậy theo uy đức tuần tự như vậy hiển rõ nghĩa đúng, tùy tội lỗi, tùy so sánh, tùy giáo pháp, tùy theo kiến chấp trói vào sự sai khác của danh sắc. Người nào y theo tỳ-ny mà thực hành thì được nhập định; đắc định thì đầy đủ ba đạt-trí. Thế nên giới là gốc của việc tu tập. Nhờ chánh định nên đạt được cả sáu thần thông. Người nào tu học A-tỳ-đàm thì phát sinh trí tuệ chân thật. Trí tuệ chân thật đã phát sinh thì đủ bốn biện tài. Người nào tùy thuận theo giới luật thì đạt được thế gian lạc.
Thế gian lạc là gì? Người có tịnh giới thì được trời người khen ngợi, thường nhận bốn sự cúng dường của thế gian. Trong thế gian lạc này loại trừ dục lạc. Như trong kinh nói rằng: Đã hiểu biết lời Phật dạy nên con không sống tại gia mà xuất gia học đạo và chứng đắc đạo quả. Người đắc đạo nhờ vào năng lực giới, định, tuệ.
Người theo điều ác là do không có trí tuệ. Do không có trí tuệ nên hiểu sai lời Phật dạy. Do hiểu sai nên phỉ báng Như Lai, tạo các nghiệp ác, tự hại thân mình. Theo nhân duyên này, tà kiến phát sinh tràn lan. Do kém học về a-tỳ-đàm mà bắt ép tâm làm gấp thì tâm sinh phóng dật suy nghĩ lung tung. Như trong kinh có bảo các Tỳ kheo: - Có bốn pháp không nên suy nghĩ mà suy nghĩ, thì làm cho tâm phát cuồng. Pháp-sư (Buddhaghosa) nói: Như vậy, tuần tự đã nói qua việc phá giới, tà kiến, loạn tâm, thiện, bất thiện.
Kệ nói:
Đầy đủ không đầy đủ,
Đạt được do hành động,
Tỳ kheo ưa thích học,
Phải mến trọng pháp này.
Biết ý nghĩa tạng như vậy, cần phải biết tất cả lời Phật dạy. A-hàm nghĩa là gì?
Pháp-sư nói: - Có năm A-hàm. Một: Trường A-hàm. Hai: Trung A-hàm. Ba: Tăng-dục-đa a-hàm. Bốn: Ương-khuất-đa-la a-hàm. Năm: Quật-đà-ca a-hàm.
Hỏi: - Trường A-hàm là những gì?
Đáp:- Gồm ba phẩm, đứng đầu là kinh Phạm-Võng, tổng cộng có 34 kinh đều xếp vào ba phẩm nên gọi là Trường A-hàm.
Pháp-sư hỏi: - Vì sao gọi là trường (dài)?
Đáp: - Tập hợp các bài pháp thật dài nên gọi là trường.
Hỏi: - Sao gọi là A-hàm?
Đáp: - A-hàm nghĩa là tụ tập dung chứa. Như trong kinh nói: Phật dạy các Tỳ kheo rằng trong ba cõi này, Ta không thấy một A-hàm nào như súc-sinh a-hàm, chỉ là nơi tụ tập của chúng sinh ; là nghĩa này vậy. Trung A-hàm cũng nên biết là không dài, không ngắn nên gọi là trung. Có mười lăm phẩm, đứng đầu là kinh Căn-Học, tất cả là 152 kinh gọi là Trung A-hàm.
Vào tháng bảy, Đại Ca-Diếp đã kết tập thành tựu pháp của Đấng Thập-lực xong. Thuận theo mọi người, mặt đất hoan hỷ khen ngợi: Lành thay, lành thay.
Cho đến tận biên giới nước, khắp nơi đều chấn động sáu cách và xuất hiện nhiều tướng tốt đẹp kỳ diệu. Đây gọi là kết tập lần đầu của đại chúng 500 vị La-hán. Như có kệ nói:
Năm trăm vị trong đời,
La-hán kết pháp này,
Gọi kết-tập Năm-trăm,
Xin Chư-hiền cùng biết.
(yà loke, satehi pancahi katà tena pancasatà ti ca, tereh'eva katattà ca therikà ti pavuccatìti)
Hỏi: - Khi ấy, đại chúng nói: Đại Ca-Diếp hỏi Ưu-Ba-Ly nơi kết giới, phạm xứ, nhân duyên, người phạm về giới Ba-la-dy, như thế nào xin đại đức cho biết.
Đáp: - Thời gian, nhân duyên, vì người nào mà kết giới, đây là thứ lớp kết giới, tôi sẽ nói ra: Khi ấy, đức Phật ở Tỳ-lan-nhã... (tena samayana Buddho Bhagavà Veranjàyam viharati).
Hỏi: - Việc này được nói lại lúc nào?
Đáp: - Nói trong lần kết tập đầu tiên với 500 vị.
Như vậy, lần lượt các ý nghĩa được trình bày ra.
Hỏi: - Vì sao Ưu-Ba-Ly nói ra?
Đáp: - Vì Đại Ca-Diếp .
Hỏi: - Như vậy giới bổn đã ban hành, vậy ai đang giữ gìn, người giữ đang ở đâu?
Đáp: - Tôi sẽ nói nguồn gốc, nay xin nói ý nghĩa từng câu. Khi ấy, đức Phật ở Tỳ-lan-nhã. Đây là nguồn gốc của luật-tạng được nói ra như vậy. Trưởng lão Ưu-Ba-Ly thọ trì với đức Phật khi Ngài chưa nhập Niết-bàn. Ngàn vạn vị La-hán chứng sáu thần thông thọ trì với Ưu-Ba-Ly. Sau khi Thế Tôn Niết-bàn, đứng đầu là Đại Ca-Diếp với đại chúng từ bi tập họp ở khắp đất Diêm-phù-lỵ (Jambusirivhaya).
Ai đã thọ trì? - Đầu tiên là Ưu-Ba-Ly, rồi tuần tự các vị luật sư truyền trì, cho đến các đại đức trong đại chúng thứ ba thọ trì. Tuần tự nêu ra danh hiệu các vị thầy ấy là Ưu-Ba-Ly, Đại-tượng-câu, Tô-na-câu, Tất-già-phù, Mục-kiền-liên-tử-tế-tu (Dàsaka, Sonaka, Siggava, Tissa Maggaliputta) năm vị này chiến thắng phiền não, tuần tự truyền trì luật không gián đoạn ở cõi Diêm-phù-lỵ, cho đến tất cả các vị luật sư thứ ba đều xuất phát từ Ưu-Ba-Ly, đó là kế thừa theo Ưu-Ba-Ly.
Vì sao? Chính Ưu-Ba-Ly được nghe giới luật từ kim-khẩu của Phật, ghi nhớ trong tâm rồi ban phát cho người khác. Trong những người được biết, có vô số không thể tính hết là bậc học-nhân, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm; có đến một ngàn ái-tận Tỳ kheo (Khìnàsava - lậu tận). Đại-tượng-câu là đệ tử của Ưu-Ba-Ly, trực tiếp nghe thầy dạy, tự hiểu rõ hết lý sâu xa. Có vô số bậc học nhân mới được lĩnh thọ, có một ngàn ái tận Tỳ kheo. Tô-câu-na là đệ tử của Đại-tượng-câu; sau khi học luật trực tiếp với thầy, đọc tụng tự hiểu thấu rõ luật. Có vô số bậc học-nhân mới được lĩnh thọ, có một ngàn ái tận Tỳ kheo. Tất-già-phù là đệ tử của Tô-na-câu. Sau khi trực tiếp học luật với thầy, trong số 1000 vị A-la-hán, với căn tính tối thắng Tất-Già-Phù đã hiểu biết về luật. Với vô số bậc học nhân mới được lĩnh thọ, có trăm ngàn vô số ái tận Tỳ-kheo.
Khi ấy, tại Diêm-phù-lỵ có vô số chúng Tỳ-kheo. Theo thần lực của Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu, đại chúng thứ ba muốn tạng Tỳ-ny như vậy hiện diện trong Diêm-phù-lỵ (Evam idam vinayapitakam jampudipe tàva imàya àcariyaparamparàya yàva tatiyasamgiti tàva àbhatan ti veditabbam). Các pháp sư đã tuần tự thọ trì cho đến đại chúng thứ ba; nên biết như vậy.
Hỏi: - Đại chúng thứ ba là gì?
Đáp:- Đây là (các đại đức) kết tập xong diệu pháp rực rỡ bằng trí tuệ vào lần thứ (ba).
Có bài kệ khen ngợi:
Năm trăm vị trú thế,
Với trí tuệ sáng suốt,
Đại đức Ca-Diếp-Ba
Đứng đầu năm trăm vị.
Cũng như đèn hết dầu,
Vào Vô-dư Niết-bàn.
---o0o---
Phẩm Bạt-Xà-Tử: Kết tập Pháp tạng
Bấy giờ, theo thời gian ngày đêm, thánh chúng tuần tự ra đi. Sau khi Thế Tôn Niết-bàn 100 năm (Vassasataparinibbute Bhagavati), trong nhóm Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử ở thành Tỳ-Xá-Ly (Vesàlikà Vajjiputtakàbhikkhù) phát sinh mười điều phi pháp ở Tỳ-Xá-Ly. Mười điều ấy là:
1. Một, diêm tịnh - muối tịnh. (kappati singilonakappo)
2. Hai, nhị chỉ tịnh - hai ngón tay (kappati dvangulakappo)
3. Ba, tụ lạc gian tịnh - giữa hai làng xóm tịnh (kappati gàmantarakappo)
4. Bốn, trú xứ tịnh (kappati àvàsakappo)
5. Năm, tùy ý tịnh (kappati anumatikappo)
6. Sáu, cửu trú tịnh (kappati àcinnakappo)
7. Bảy, sinh hòa hợp tịnh (kappati amathitakappo)
8. Tám, thủy tịnh (kappati jalogi pàtum)
9. Chín, bất ích lũ ni-sư đàn tịnh - tọa cụ không biên tịnh (kappati adasakam nisidànam)
10. Mười, kim ngân tịnh (kappati jàtarùparajatam).
Mười điều phi pháp này xuất hiện tại Tỳ-Xá-Ly. Có người con của Tu-Na-Ca thuộc giòng Bạt-Xà-Tử tên là A-Tu ( Tesam Susunàgaputto Kàlàsoko nàma ràjà pakkho ahosi) làm vua và ủng hộ phe Bạt-Xà-Tử. Khi ấy, trưởng lão Da-Tu-Câu-Ca (Yasa Kàkandakaputta) là con của Ca-Càn-Đà, đang đi dần vào vùng Bạt-Xà, nghe xuất hiện mười điều phi pháp tại thành Tỳ-Xá-Ly do nhóm Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử. Vì nghĩ rằng ta không nên ở mãi đây mà để cho pháp đức Thập-lực bị phá hoại, hãy tìm phương tiện diệt ác pháp ấy nên trưởng lão đi đến Tỳ-Xá-Ly. Khi ấy, trưởng lão Da-Tu-Câu Ca-Kiền-Đà-Tử trú ở giảng đường Cưu-tá-già-la thuộc rừng Đại-Lâm.
Trong lúc thuyết giới, các Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử đem bát đựng đầy nước đặt giữa Tỳ-kheo tăng. Khi các Ưu-bà-tắc (upàsaka) ở Tỳ-Xá-Ly đến, những Tỳ-kheo ấy bảo họ tùy ý cúng dường tiền cho chúng tăng, nửa tiền (màsaka), hay một tiền để tăng sắm y phục... tất cả nhu cầu được nói ra. Sự việc kết tập Tỳ-ny tạng này với đúng số 700 Tỳ-kheo nên gọi là Bảy trăm Tỳ-kheo kết tập Tỳ-ny tạng. Có hai vạn Tỳ-kheo tập họp trong hội này. Trưởng lão Tỳ-kheo Da-Tư-Na đứng ra vận động tổ chức việc này. Giữa chúng Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử, trưởng lão Ly-Bà-Đa (Revata) hỏi và Tát-Bà-Ca (Sabbakàmin) đáp, cùng nhau đem luật tạng ra để quyết đoán mười việc phi pháp và dập tắt sự tranh chấp.
Sau đó, Tát-Bà-Ca thưa: - Đại đức, giờ đây chúng ta nên kết tập pháp và luật.
Họ chọn lựa những vị Tỳ-kheo thông suốt ba tạng cho đến những vị chứng ba đạt trí. Sau khi chọn xong, tại vườn Bà-Lỵ-Ca (Vàtukàràma) ở Tỳ-Xá-Ly, khi đại chúng đã tập họp, tiến hành theo đúng như lúc Ca-Diếp kết tập pháp tạng lần đầu. Tất cả sự cấu bẩn trong Phật pháp đều bị loại trừ, y cứ vào tạng để hỏi, y cứ A-hàm để hỏi, y cứ chi tiết để hỏi, y cứ các pháp-tụ để hỏi (Pitakavasena, Nikàyavasena, Angavasena Dhammakkhandhavasena); tất cả pháp-tạng và Tỳ-ny tạng đều được kết tập hết. Như vậy, vào tháng tám, đại chúng này đã kết tập xong.
Có kệ khen ngợi:
Bảy trăm vị trong đời,
Gọi Bảy-trăm kết tập,
Như đã nói ở trước,
Các vị nên biết vậy.
Khi ấy, Tát-Bà-Ca-My (Sabbakàmin), Tô-Mị (Sàlha), Ly-Bà-Đa, Quật-Xà-Tu-Tỳ-Đa, Da-Tu (Revata, Khujjasobhita, Yasa), Bà-Na-Tham-Phục-Đa (Sànasambhùta) đều là đệ tử của đại đức A-Nan-Đà. Hai vị Tu-Ma-Nậu-Bà (Sumana), Ta-Già-Mi (Vàsabhagàmin) đều là đệ tử của A-Nậu-Lưu-Đà (Anurudha), đã từng gặp đức Phật; nói kệ:
Đại chúng họp lần hai,
Nói lại hết đại pháp,
Pháp được kết tập lại,
Làm xong việc cần làm,
Các Tỳ-kheo lậu tận,
Gọi kết tập lần hai.
---o0o---
Phẩm A-Dục Vương: Kết tập Pháp-tạng
Các vị đại đức suy nghĩ rằng: Vào đời đương lai, trong pháp của Đại-sư chúng ta có nhơ bẩn như vậy xảy ra nữa hay không và các vị ấy thấy trong đời tương lai sẽ có phi pháp nhơ bẩn nổi lên.
Sau thời điểm này chừng 100 năm, vào năm thứ 18, có vua A-Dục (Àsoka) nước Ba-Tá-Lỵ-Phất (Pàtaliputta) ra đời. Vua chinh phục tất cả đất đai cõi Diêm-phù-lỵ (sakala-jambudìpa), rất tin tưởng Phật-pháp (Buddhasàsana) nên cúng dường vô số. Bấy giờ, thấy vua A-Dục tin tưởng Phật-pháp như vậy, các ngoại đạo, Phạm chí (titthiya) tham lam sự cúng dường nên chen vào Phật pháp làm sa-môn nhưng vẫn phụng sự ngoại đạo như cũ, dùng pháp ngoại đạo giáo hóa mọi người. Nhơ bẩn lớn này trong Phật pháp, do tham dục nhơn bẩn tạo thành. Khi ấy, các đại đức suy nghĩ rằng trong đời tương lai chúng ta gặp nhơ bẩn ấy không. Sau khi quán sát, biết không sống đến lúc ấy nên họ suy nghĩ: -Ai sẽ truyền bá được Phật-pháp trong tương lai?
Quán sát khắp trong Dục-giới, không tìm được người nào, lại quán sát thế giới Phạm-thiên (Brahmaloka), các đại đức thấy có một vị trời ngắn tuổi thọ đã từng thiền quán pháp-tướng. Các đại đức nghĩ rằng chúng ta nên đến thỉnh vị trời này giáng hạ vào thế gian, thọ thai vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên, sau đó chúng ta sẽ giáo hóa làm cho người ấy xuất gia; sau khi xuất gia, vị ấy sẽ thông đạt tất cả Phật-pháp, chứng ba đạt trí, phá tan ngoại đạo, phán quyết các pháp tranh cãi, chỉnh đốn và hộ trì Phật-pháp.
Sau khi suy nghĩ như vậy, các vị đại đức này đến gặp vị Phạm-thiên. Phạm-thiên này tên là Đế-Tu (Tissa). Đến gặp Đế-Tu, các vị đại đức nói rằng đến 100 năm sau vào năm thứ 18 có cấu bẩn lớn phát sinh trong giáo pháp của Như Lai. Chúng tôi xem xét khắp thế gian trong Dục-giới không thấy có một người nào hộ trì Phật-pháp được; xem đến Phạm-thiên thấy chỉ có ông. Lành thay, người thiện, nếu ông xuống thế gian thì pháp của đức Thập-lực (Dasabalassa sàsana) sẽ được ông hộ trì.
Phạm-thiên Đế-Tu nghe các đại đức nói rằng mình sẽ trừ diệt được cấu bẩn phát sinh trong Phật-pháp nên rất vui mừng nói: - Lành thay! Xin vâng.
Đã được Phạm thiên ấy cam kết đồng ý xong, các đại đức rời khỏi cõi Phạm thiên.
Khi ấy, có đại đức Hòa-Ca-Bà (Siggava), Chiên-Đà-Bạt-Xà (Candavajji). Hai vị này bậc trì ba tạng, thông ba đạt-trí (Tipitakadhara pattapatisambhida khìnàsava), chứng ái-tận A-la-hán trong chúng thiếu niên. Nhưng hai vị này không tham dự ngăn tránh-sự (kết-tập lần hai). Các vị đại đức nói với hai trưởng lão: Hai vị không tham dự việc ngăn được tránh-sự đúng lúc nên chúng tăng y vào việc này trị phạt hai vị. Tương lai, có vị Phạm-thiên tên Đế-Tu sẽ sinh vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên. Hai vị hãy chia nhau, một người đến đó tiếp nhận và độ cho xuất gia; một người dạy học Phật-pháp.
Sau đó, các vị đại đức A-la-hán tùy theo tuổi thọ dài ngắn mà tuần tự vào Niết-bàn.
Có bài kệ:
Chúng thứ hai Bảy-trăm,
Hòa hợp diệt phi pháp,
Vì tương lai giáo pháp,
Đã làm cho trường tồn,
Bậc ái-tận tự tại,
Chứng đắc ba đạt trí,
Có năng lực thần thông,
Vẫn không thoát vô thường,
Tôi xin kể danh hiệu,
Để truyền đến sau này,
Vậy đời sống vô thường,
Biết rõ khó sống còn,
Nếu muốn được bất tử,
Nên chuyên cần tinh tấn.
Nói về chúng tăng thứ hai này, Ma-ha Phạm-thiên Đế-Tu (Tissa Mahàbrahman) từ Phạm thiên giới giáng hạ sinh vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên (Moggalibrahmana). Khi ấy, thấy Đế-Tu đã thác thai vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên, hằng ngày Hòa-Ca-Bà đến nhà ấy khất thực cho đến bảy năm. Vì sao? Vì tạo điều kiện để hóa độ. Suốt cả bảy năm, tại nhà này, tôn giả không khất thực được thức ăn, xin nước cũng không được. Qua bảy năm, tôn giả vẫn đến khất thực, được người trong nhà nói: Đã ăn xong rồi, xin đại đức hãy đi sang nhà khác.
Hòa-Gia-Bà suy nghĩ: Đã được họ nói đến, vậy nên trở về.
Trên đường từ chỗ khác trở về nhà, gặp Hòa-Bà-Ca, Bà-la-môn kia nói: - Ối cha! Này người xuất gia, có phải vừa ra khỏi nhà tôi, có được gì không?
Đáp: - Được.
Về đến nhà, Bà-la-môn này hỏi gia nhân: - Có cho Tỳ-kheo khất thực món gì không?
Đáp: - Không cho gì cả.
Nói: - Tỳ-kheo nói dối, nếu ngày mai ông ấy đến đây, ta sẽ hỏi cho rõ.
Sáng hôm sau, Bà-la-môn ngồi chờ trước cửa. Khi đại đức Hòa-Ca-Bà đến, Bà-la-môn hỏi: - Này đại đức! Hôm qua ông nói có nhận được nhưng chắc chắn không có gì; vì sao nói dối, pháp Tỳ-kheo có được nói dối không?
Đại đức Hòa-Ca-Bà đáp: - Tôi đến nhà ông đã bảy năm nhưng không được gì cả, hôm qua được nghe gia nhân nói bảo tôi đi sang nhà khác; thế nên nói có được.
Bà-la-môn thầm nghĩ: - Tỳ-kheo này chỉ được lời nói mà nói có được. Lành thay! Chính là người biết đủ. Nếu được ăn uống, tất người ấy rất hoan hỷ.
Bà-la-môn liền vào trong, lấy phần thức ăn của mình dâng cúng cho Hòa-Ca-Bà và thưa rằng từ nay về sau, xin ngài đến đây nhận thức ăn.
Do đó, hằng ngày Hòa-Ca-Bà đến nhận thức ăn. Thấy Hòa-Ca-Bà đầy đủ uy nghi nên Bà-la-môn sinh tâm ý hoan hỷ. Khi đã có tâm hoan hỷ, ông ta lại thỉnh: - Đại đức! Từ nay về sau đừng đến khất thực nhà khác nữa, mà đến thọ thực ở đây luôn.
Hòa-Ca-Bà im lặng nhận lời.
Hằng ngày, sau khi thọ thực, tôn giả giảng dạy Phật pháp rồi ra về. Bấy giờ, con trai người Bà-la-môn vừa được 16 tuổi, đã học xong ba sách Vi-đà theo pháp Bà-la-môn (Tinnam vedànam pàragu ahosi). Thiếu niên Bà-la-môn này vừa từ Phạm-thiên giáng hạ nên còn ưa thích sự tịnh khiết, chọn trước ghế dài riêng cho mình không cho người khác dùng chung. Khi sắp đến gặp thầy học, chọn ghế dài riêng cho mình, lau chùi sạch sẽ, treo lên giữa nhà rồi mới ra đi. Sau đó, đại đức Hòa-Ca-Bà đến nhà, suy nghĩ: Đã đến lúc rồi, ta tới lui ở đây nhiều năm nhưng chưa nói chuyện với thiếu niên Bà-la-môn này, nên dùng cách gì để hóa độ nó đây.
Tôn giả dùng thần lực che mất không thấy được ghế dài trong nhà, chỉ thấy ghế dài (pallanka) của thiếu niên Bà-la-môn. Thấy tôn giả Hòa-Ca-Bà đến, Bà-la-môn tìm ghế ngồi khắp nơi nhưng không có, chỉ thấy ghế của con mình nên lấy đưa cho tôn giả ngồi.
Trở về nhà, thấy Hòa-Ca-Bà ngồi trên ghế dài của mình đã chọn nên thiếu niên Bà-la-môn rất tức giận. Anh ta hỏi gia nhân: Ai đem ghế dài ta đã chọn cho sa-môn ngồi vậy.
Khi Hòa-Ca-Bà thọ thực xong, thiếu niên Bà-la-môn đã bớt tức giận. Đại đức nói với thiếu niên này: - Này con! Con biết được gì?
Đáp: - Thưa Sa-môn, con chẳng biết được gì?
Hỏi: - Vậy ai biết?
Thiếu niên Bà-la-môn hỏi Hòa-Ca-Bà:
- Sa-môn biết pháp Vi-đà không?
Hỏi như vậy vì cho là Sa-môn này đều biết hết.
Đại đức Hòa-Ca-Bà thông suốt cả ba sách Vi-đà, Càn-thư (Nighandu) (Hán dịch là sách vạn vật), Khai-thư (ketubha), Y- để-ha-tả (Itihàsa, Akkharappabheda), phân biệt được tất cả văn tự. Thiếu niên Bà-la-môn này có những pháp còn nghi ngờ chưa thông hiểu được. Vì sao? Do thầy cậu ta không hiểu rõ. Thiếu niên Bà-la-môn này hỏi Hòa-Ca-Bà từng vấn đề nan giải và được giải đáp tận cùng.
Hòa-Ca-Bà nói với thiếu niên Bà-la-môn: - Con đã hỏi nhiều rồi, đến lượt ta hỏi một việc; con hãy trả lời.
Thiếu niên Bà-la-môn nói: - Lành thay! Thưa Sa-môn, con sẽ phân biệt mà trả lời.
Hòa-Ca-Bà đem trong hai tâm (cittayamaka) ra hỏi: - Tâm của người nào đã phát sinh thì không diệt, tâm của người nào bị diệt thì không sinh, tâm của người nào khi diệt thì diệt, tâm người nào khi sinh thì sinh (Yassa cittam uppajjati na nirujjati, tassa cittam nirujjhissati n'uppajjissati, yassa và pana cittam nirujjhissati n'uppajjissati, tassa cittam uppajjati na nirujjhati).
Khi ấy, hết ngó lên trời rồi lại cúi nhìn xuống đất, không biết tại sao cả nên thiếu niên Bà-la-môn hỏi lại Sa-môn: - Thưa Sa-môn, đây là nghĩa gì?
Đáp: - Đây là Vi-đà của Phật. (Buddhamanta)
Thiếu niên Bà-la-môn thưa: - Đại đức dạy cho con được không?
Đáp: - Được.
Hỏi: - Làm sao được học?
Đáp: - Nếu con xuất gia thì sau đó được học.
Bấy giờ, rất vui mừng, đến gặp cha, thiếu niên Bà-la-môn ấy thưa rằng: - Sa-môn này biết Vi-đà của Phật, con muốn đến học; nhưng với hình thức áo trắng thế tục thì Sa-môn không dạy, bảo con xuất gia sau đó mới được học.
Sau khi suy nghĩ, cha nói: - Lành thay! Nếu con xuất gia, học Vi-đà xong hãy mau về nhà.
Thanh niên Bà-la-môn suy nghĩ: - Ta đến học Vi-đà với Sa-môn này, sau khi học xong sẽ trở về.
Khi sắp lên đường, cha mẹ răn dạy: - Con phải cố gắng học tập, cho phép con lên đường.
Đáp: - Con không dám phiền cha mẹ răn dạy.
Khi ấy, con người Bà-la-môn đến gặp Hòa-Ca-Bà và được tôn giả độ cho làm sa di, rồi đem 32 pháp thiền định (về thân thể) dạy cho vị này tư duy. Trong thời gian ngắn, vị này đắc Tu-đà-hoàn đạo.
Hòa-Ca-Bà suy nghĩ: Thanh niên này đã đắc đạo tích, không còn thích về nhà. Như hạt giống đã rang cháy không còn mọc nữa, sa di này cũng như vậy.
Tôn giả lại nói: - Nếu ta cho học pháp thiền định sâu xa thì người này sẽ chứng quả A-la-hán và thích sống an tịnh, không còn chịu học Phật-pháp nữa. Từ nay, ta nên đưa vị này đến gặp Chiên-Đà-Bạt-Xà (Candavajjitthe rassasantika) để học Phật-pháp và thực hiện được ý định của ta.
Hòa-Ca-Bà nói: - Lành thay! Sa di đến đây (ehi tvam sàmanera), con có thể đến gặp đại đức Chiên-Đà-Bạt-Xà để học Phật-pháp không? Đến nơi, con thưa với vị ấy rằng: Đại đức, thầy con sai đến đây để học tập Phật pháp.
Được Sa di này thưa, Chiên-Đà-Bạt-Xà đáp:
- Lành thay sa di, ngày mai sẽ học.
Sau đó, Đế-Tu được học tất cả Phật-pháp chỉ trừ luật tạng. Sau khi học tập, Đế-Tu được thọ giới cụ túc và chưa đầy một năm đã thông suốt Luật tạng. Khi đã hiểu biết hết ba tạng, Đế-Tu được hòa thượng và A-xà-lê (Àcariyupajjhàya) đem hết Phật pháp giao phó cho rồi tùy theo tuổi thọ mà họ vào Niết-bàn.
Khi ấy, Đế-tu chuyên tu thiền định, chứng quả La-hán, đem Phật pháp giáo hóa mọi người.
Bấy giờ, vua Tân-Đầu-Sa-La (Bindusara) có cả trăm (101) người con. Sau khi vua Tân-Đầu-Sa-La qua đời, trong bốn năm vua A-Dục giết hết các anh em khác, chỉ còn để lại một người em cùng mẹ (ekamàtikam tissakumaram thapsantika). Qua bốn năm, vua A-Dục mới tự xưng vương. Từ khi Phật vào Niết-bàn đến nay là 218 năm (Tathàgatassa parinibbànato dvinnam vassasatànam upari atthàrasame 218 vasse sakala-jambudipe-ekarajjabhisekam pàpuni). Sau đó, vua A-Dục thống lĩnh hết cả cõi Diêm-phù-lỵ. Tất cả vua khác đều phục tùng. Uy thần của vua bao trùm cả hư không đến mặt đất trong một do-tuần.
Hằng ngày, các quỉ thần ở ao A-nậu-đạt (anotattadaha) đem đến tám gánh có 16 chum nước để dâng cho vua. Khi ấy đã tin tưởng Phật pháp nên vua A-Dục đem tám chum nước dâng Tỳ-kheo tăng; hai chum dâng đến vị thông ba tạng; hai chum tặng cho phu nhân của vua, và xử dụng bốn chum. Hằng ngày, quỉ thần ở núi Tuyết dâng cây đánh răng mềm mại thơm đẹp (dantakattha) tên la-đa (nàgalatà) dâng cho vua. Vua đem cây chà răng này ban phu nhân và thể nữ trong cung một vạn sáu ngàn người, sáu vạn Tỳ-kheo trong chùa, dùng hằng ngày đầy đủ. Lại có quỷ thần ở núi Tuyết dâng trái thuốc tên A-ma-lặc, Ha-la-lặc (agadàmalaka, agadaharitaka). Loại trái này màu vàng kim, hương vị hiếm có. Lại có quỷ thần dâng trái Am-la chín (ambapakka). Hằng ngày, lại có quỷ thần dâng năm loại y phục màu hoàng kim và khăn tay (hatthapunchanapattaka), dâng nước mật hiền thánh, dâng hương thoa, hoa xà-đề. Vua rồng dưới biển dâng thuốc trị mắt danh tiếng (anjana). Tại bờ ao A-nậu-đạt có lúa thơm tự nhiên được chuột bóc sạch vỏ, lấy ra hạt gạo sạch. Hằng ngày, chim anh vũ mang 90 gánh gạo này đến dâng vua. Ong mật làm tổ trong cung của vua, dâng mật cung cấp cho vua. Bay đến chỗ vua ở, chim Ca-lăng-tần-già (karavikasakuna) ca hót những âm thanh hòa nhã làm vui lòng vua. Nhà vua có những uy thần như vậy.
Một hôm, vua làm xích khóa bằng vàng, sai người đưa vua rồng biển về. Vua rồng biển này sống lâu một kiếp nên đã từng thấy bốn đức Phật thời quá khứ. Khi vua rồng đến nơi, vua mời ngồi vào tòa sư tử và che lọng trắng ở trên, đem các loại hương hoa cúng dường. Vua A-Dục cổi chuỗi ngọc đang mang, đeo cho vua rồng biển, đem một vạn sáu ngàn kỹ nữ vây quanh cúng dường và nói với vua rồng: - Nghe đức Như Lai có tướng tốt đặc biệt, ta muốn nhìn thấy, long vương hãy hiện ra cho.
Nghe lệnh vua, bằng thần lực của mình, vua rồng biển biến thân mình ra hình tướng Như Lai (Sammàsambuddhassa rùpa) trang nghiêm bằng các công đức vi diệu với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như hoa sen, hoa Uất-ba-la nở xinh đẹp trên mặt nước, trang hoàng với những ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng chiếu xa một tầm như các ngôi sao trên không trung, như cầu vồng, như điện quang xoay tròn tỏa ra, như núi vàng rực rỡ bằng ánh sáng các loại châu báu chung quanh; tất cả mọi người nhìn không chán; các phạm, thiên, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà... chăm chú chiêm ngưỡng trong suốt bảy ngày đêm. Nhìn thấy thân tướng Như Lai, vua A-Dục rất hoan hỷ.
Trong suốt ba năm từ khi lên ngôi, chỉ biết phụng sự ngoại đạo (bàhirakapàsanda), đến năm thứ tư nhà vua mới có tín tâm với Phật pháp. Nhà vua phụng sự ngoại đạo vì khi tại vị phụ vương của vua là Tân-Đầu-Sa-La tin tưởng ngoại đạo, cúng dường cho sáu vạn Bà-la-môn hằng ngày. Vua và phu nhân, trong cung đều phụng thờ ngoại đạo vì thừa hành theo tín ngưỡng của cha. Một hôm, vua A-Dục tổ chức cúng dường các Bà-la-môn. Ngồi trên điện, vua nhìn thấy các Bà-la-môn nhìn ngó hai bên không có phép tắc gì cả. Thấy như vậy, vua suy nghĩ: Ta sẽ tuyển chọn, chắc chắn có những vị đủ phép tắc và sẽ cúng dường các vị ấy.
Sau khi suy nghĩ, vua bảo các đại thần: - Này các khanh, ai có phụng sự các Sa-môn, Bà-la-môn thì mời họ vào cung ta sẽ cúng dường.
Các quan đáp: - Lành thay.
Sau khi trở về, các quan mời những vì Ny-kiền-đà (nighantha), ngoại đạo... mà họ phụng sự vào cung vua. Đến nơi, các quan tâu: - Đây là các vị la-hán của chúng tôi.
Khi ấy, vua A-Dục bố trí những chỗ ngồi cao thấp đẹp xấu không giống nhau và bảo các ngoại đạo tùy theo khả năng của mình mà ngồi vào chỗ. Nghe vua nói như vậy, các ngoại đạo ngồi theo sở thích mình. Có người ngồi trên ghế dài, hoặc ngồi trên tấm ván. Thấy như vậy, vua suy nghĩ: Những ngoại đạo này nhất định không có pháp tắc.
Nghĩ như vậy, vua nói: - Ngoại đạo như vầy thật không đáng cúng dường.
Do đó, sau bữa ăn, vua ra lệnh họ ra về ngay.
Một hôm, ở bên cửa sổ (sìhapanjara) trên cung điện, thấy một sa-di tên là Nê-Cù- Đà (Nigrodha) đang đi ngang trước điện với dáng đi uy nghi vững vàng (Iriyàpathàsampanna). Vua hỏi: - Đấy là Sa-di nào vậy?
Cận thần đáp: - Sa-di Nê-Cù-Đà, là con của Tu-Ma-Na con trưởng của tiên vương (Bindusàraranno jetthaputtassa Sumanaràjakumàrassa putto).
Pháp-sư (Buddhaghosa) nói: Sau đây, tuần tự ta sẽ kể lại nhân duyên ấy. Sau khi vua Tần-Đâu-Sa-La bị bệnh qua đời, từ nước Uất-chi (ujjenirajja) là nơi được phong, vua A-Dục trở về nước của cha và giết ngay thái tử Tu-Ma-Na và tự giữ lấy việc nước. Sau khi giết thái tử Tu-Ma-Na, vua A-Dục kiểm soát hết trong cung. Vợ của Tu-Ma-Na đã có thai được mười tháng, thay đổi y phục đi trốn, đến thôn Chiên-đà-la (candàlagàma) gần thành. Gần thôn, có cây đại thụ tên Nê-Cù-Đà. Có một vị trời làm thọ thần ở đây. Thấy vợ của Tu-Ma-Na, thọ thần nói: - Hãy đến đây.
Nghe thần cây gọi, bà này liền đến nơi. Dùng thần lực của mình, thọ thần hóa ra một cái nhà và bảo bà ấy:
- Bà hãy ở trong nhà này.
Nghe bảo như vậy, bà ấy vào nhà và ngay đêm ấy sinh được một bé trai nên người mẹ đặt tên là Nê-Cù-Đà. Vì vậy, chủ thôn Chiên-đà-la cung kính cung cấp không khác gì nô tỳ thấy người chủ. Khi ấy, vương phi này đã sống trong ngôi nhà của thọ thần đến bảy năm và Nê-Cù-Đà lên bảy tuổi.
Khi ấy, có vị Tỳ-khưu A-la-hán tên là Bà-Lưu-Na (Mahàvaruna) dùng thần thông quán sát Nê-Cù-Đà, thấy có nhân duyên được hóa độ, nên suy nghĩ: Đã đến lúc rồi, sẽ độ cho cậu bé ấy làm sa-di.
Tôn giả đến gặp Vương phi xin độ Nê-Cù-Đà làm sa-di. Sau khi được vương phi chấp nhận, tôn giả thế độ cho Nê-Cù-Đà làm sa-di. Khi tóc chưa rơi hết xuống đất, sa-di này đã chứng A-la-hán (khuragge yeva arahattam pàpuni). Một hôm, sau khi dọn dẹp, sa-di này mặc y phục đàng hoàng đến gặp thầy mình để cúng dường rồi cầm y bát (Pattacìvaram àdàya) đi đến chỗ người mẹ, vào thành bằng cửa Nam, đi ngang trước cung điện và định ra cửa phía Đông. Khi ấy, đang kinh hành qua lại về hướng Đông trên điện, thấy sa-di Nê-Cù-Đà với uy nghi đỉnh đạc đang đi nhìn dưới đất cách bảy tấc nên tâm nhà vua trở nên thanh tịnh...sự việc này như nói ở trước; sẽ nói tiếp theo.
Bấy giờ, vua A-Dục suy nghĩ: Vị sa-di này uy nghi cử chỉ đàng hoàng từ tốn, tất có pháp lợi của bậc thánh (lokuttaradhamma).
Sau khi gặp sa-di này, nhà vua rất hoan hỷ tin tưởng, phát sinh tâm từ bi. Vì sao? Trong đời quá khứ, sa-di này là anh vua A-Dục, đã cùng nhau làm các công đức. Có bài kệ:
Do nhân duyên đời trước, Nên đời này hoan hỷ,
Như hoa Uất-la-bát (uppala) Nở tươi tốt trong nước.
Khi tâm từ bi đã phát sinh, vua A-Dục không kềm lòng được, vội vàng sai ba đại thần đi gọi sa-di ấy. Các đại thần đi đã lâu nhưng không thấy trở về. Vua lại sai ba đại thần khác đến bảo sa-di: - Sa-di ơi! Hãy đến mau.
Khi ấy, với uy nghi nghiêm trang, sa-di này từ tốn đi đến. Thấy sa di đến, vua bảo hãy tự xem xét mà chọn chỗ ngồi tùy ý. Quan sát khắp mọi người, biết rõ không có Tỳ-kheo, sa di định ngồi vào tòa cao có che lọng trắng nên ra dấu để vua nhận bát. Thấy sa di ra dấu, vua thầm nghĩ: sa di này chắc là gia chủ.
Sau khi đưa bát cho vua, sa di ngồi vào tòa của vua. Nhà vua lấy thức ăn của mình dâng cho sa di. Sa di chỉ nhận thức ăn vừa đủ no. Sau khi sa di thọ trai xong, vua hỏi: - Này sa di! Thầy có biết hết lời dạy của thầy không?
Đáp: - Tôi biết một phần nhỏ.
Vua nói: - Lành thay, xin nói cho tôi nghe.
Đáp: - Lành thay, đại vương, tôi sẽ nói.
Sau khi suy nghĩ: theo khả năng tiếp thu của vua mà ta nói pháp cú để chú nguyện (Dhammapada); sa di nói nữa bài kệ:
Sống không biếng nhác là Niết-bàn
Ai sống biếng nhác là sinh tử.
(Appamàdo amatapadam, pamàdo maccuno padam - Dh.21 -
Giới vi cam lộ đạo,
phóng dật vi tử kính - Pháp cú kinh, Phóng dật phẩm).
Nghe xong, vua nói với sa di: - Tôi đã nghe rồi, xin nói tiếp cho hết.
Sau khi sa di chú nguyện, vua thưa: - Hằng ngày xin cúng dường tám phần ăn.
Sa di đáp: - Lành thay, tôi xin dâng lại cho thầy (upajjàya)
Vua hỏi: - Thầy của sa di là ai?
Đáp: - Vị không gây tội, thấy tội thì quở trách đó là thầy tôi.
Vua nói: - Xin dâng thêm tám phần nữa.
Sa di đáp: - Lành thay! Xin dâng lại cho A-xà-lê (Acariya).
Vua hỏi: - A-xà-lê là ai?
Đáp: - Vị giáo dục cho biết chánh pháp là A-xà-lê của tôi.
Vua nói: - Lành thay! Tôi dâng thêm tám phần nữa.
Sa di nói: - Tám phần này xin dâng đến Tỳ-kheo tăng.
Vua hỏi: - Tỳ-kheo tăng là ai?
Sa di đáp: - Là nơi mà thầy tôi, A-xà-lê của tôi, và tôi y chỉ vào đó để đắc giới cụ túc.
Nghe nói, vua càng hoan hỷ, nói với sa di: - Nếu như vậy, tôi xin dâng thêm tám phần nữa.
Sa di đáp: - Lành thay! Xin nhận.
Sau khi nhận lời, hôm sau sa di đưa 32 vị đến cung vua. Thọ thực xong, vua hỏi sa di: Còn có Tỳ-kheo khác không?
Đáp: - Còn có.
Vua nói: - Nếu có, xin đưa thêm 32 vị đến nữa.
Cứ như vậy, lần tuần tự tăng dần đến sáu vạn vị. Bấy giờ, sáu vạn đồ chúng ngoại đạo bị mất phần cúng dường. Đại đức Nê-Hòa-Đà dạy bảo vua và phu nhân trong cung cùng các quan đều thọ ba qui y và năm giới cấm. Tín tâm của vua và mọi người tăng gấp bội không có thối lui. Vì chúng tăng, vua xây dựng chùa lớn để làm trú xứ cho tăng, hằng ngày cúng dường sáu vạn vị. Vua ra lệnh tám vạn bốn ngàn quốc vương do vua thống lĩnh xây dựng tám vạn bốn ngàn chùa lớn, tám vạn bốn ngàn tháp tại các nước. Được vua ra lệnh như vậy, các nước đều hoan hỷ thực hiện.
Một hôm, vua tổ chức hội đại bố thí (mahàdàna) ở Tăng-già-lam A-Dục (Asokàràma). Sau khi bố thí, ngồi giữa sáu vạn Tỳ-kheo tăng, vua thưa: Bốn vật cúng dường (catùhi paccayehi pavàretvà) là thuốc men, thức ăn, y phục, ngọa cụ, trẫm xin dâng cho tăng theo yêu cầu.
Sau khi thưa như vậy, vua hỏi:
- Các đại đức! Pháp của Phật gồm bao nhiêu loại?
Tỳ-kheo đáp: - Có chín phần pháp, chia thành tám vạn bốn ngàn pháp-tụ.
Nghe như vậy, với tâm chí thành về pháp, vua thầm nghĩ: Ta nên xây tám vạn bốn ngàn ngôi chùa để cúng dường tám vạn bốn ngàn pháp-tụ.
Ngay hôm ấy, vua bỏ ra chín mươi sáu ức ngân tiền, và gọi đại thần đến, bảo rằng:
- Hãy sai sứ giả đến bảo tám vạn bốn ngàn nước của ta thống lĩnh, cứ một nước xây dựng một ngôi chùa.
Chính nhà vua tự xây dựng chùa A-Dục. Biết vua muốn xây dựng thành chùa lớn, chúng tăng liền sai một Tỳ-kheo tên Nhân-Đà-Quật-Đa (Indagutta) là bậc lậu tận A-la-hán có đại thần lực làm tổng tri sự việc trong chùa. Thấy trong chùa có chỗ nào khiếm khuyết, Nhân-Đà-Quật-Đa dùng thần lực của mình để sửa chữa cho hoàn hảo. Bằng tiền của vua dâng và thần lực của La-hán, sau ba năm ngôi chùa hoàn thành. Sau khi chùa ở các nước hoàn thành, họ đến tâu vua. Cùng đến trong một ngày, họ gặp tể tướng, thưa:
- Chùa đã xây xong.
Tể tướng vào tâu vua:
- Tám vạn bốn ngàn ngôi chùa của tám vạn bốn ngàn nước đã xây xong.
Sau khi khen ngợi lành thay, vua sai một đại thần đánh trống tuyên bố chùa tháp đã hoàn tất, bảy ngày sau sẽ có hội bố thí cúng dường to lớn, tất cả nhân dân trong ngoài trong nước đều thọ tám giới (attha sìlangàni) để thân tâm thanh tịnh, sau bảy ngày mọi người trang sức đàng hoàng đến nhận lệnh vua. Như chư thiên vây quanh Thiên-đế-thích, quốc độ của vua A-Dục cũng được trang nghiêm như vậy. Nhân dân đi dự hội không chán, cùng nhau vào chùa chiêm ngưỡng.
Khi ấy, chúng tăng tậïp họp có tám ức Tỳ-kheo tăng, chín mươi sáu vạn Tỳ-kheo ny. Trong chúng này, có một vạn La-hán. Các vị Tỳ-kheo tăng suy nghĩ: Ta nên dùng thần lực làm cho vua thấy được công đức mà mình đã tạo, được thấy như vậy rồi thì sau đó làm cho Phật pháp cực kỳ thịnh hành. Dùng năng lực thần thông, các Tỳ-kheo làm cho trong một lúc vua thấy được tất cả các chùa tháp, tất cả những công đức do sự bố thí sự cúng dường của vua trong tất cả vùng đất ngang dọc bốn phương đến tận bờ biển của vua thống lĩnh ở cõi Diêm-phù-lỵ. Được thấy như vậy rồi, vua rất hoan hỷ, bạch với chúng tăng:
- Hiện nay, con làm việc đại bố thí cúng dường Như Lai, trong lòng hoan hỷ như vậy, có ai làm bằng con không?
Khi ấy, trong tăng cử Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu đáp lời cho vua. Đế-Tu trả lời:
- Khi Phật còn tại thế, mọi người cúng dường không bằng vua, không ai có thể hơn vua được.
Nghe Đế-Tu nói, vua hoan hỷ vô cùng, suy nghĩ: Làm việc bố thí lớn trong Phật pháp không ai bằng ta, ta nên thọ trì Phật pháp như con yêu mến cha, thì không còn gì nghi ngờ nữa.
Khi ấy, vua hỏi Tỳ-kheo tăng:
- Đối với Phật pháp, trẫm đã vào được chưa?
Nghe vua hỏi, thấy bên cạnh vua có vương tử tên Ma-Hê-Đà (Mahinda) đã đầy đủ nhân duyên, nên Đế-Tu suy nghĩ: Nếu vương tử này được xuất gia thì Phật pháp hưng thịnh vô cùng.
Sau khi suy nghĩ, Đế-Tu thưa với vua: - Đại vương, công đức như thế này vẫn chưa vào Phật pháp được. Như có người đem bảy loại quý báu chồng chất từ mặt đất lên tận cõi Phạm-thiên ra bố thí, nhưng vẫn chưa được vào trong Phật pháp, huống chi sự bố thí như vua mà mong được vào.
Vua hỏi: - Làm sao được vào pháp phần?
Đáp: - Người nghèo hay giàu cho con ruột của mình xuất gia thì được vào Phật pháp.
Nghe nói như vậy, vua suy nghĩ: Ta bố thí như vậy mà cũng chưa được vào Phật pháp vậy ta nên tìm cách để được vào.
Nhìn sang hai bên, thấy Ma-Hê-Đà, vua suy nghĩ: Em ta là Đế-Tu đã tự xuất gia nên phải lập Ma-Hê-Đà làm thái tử, nhưng đưa lên làm thái tử là tốt hay cho xuất gia là tốt.
Vua bảo Ma-Hê-Đà: - Con có thích xuất gia không?
Thấy chú mình là Đế-Tu đã xuất gia, Ma-Hê-Đà đã có ý muốn xuất gia, nghe vua hỏi như vậy, rất vui mừng thưa:
- Thật con muốn xuất gia. Nếu con xuất gia, đại vương được pháp phần trong Phật pháp.
Khi ấy, có vương nữ tên Tăng-Già-Mật-Đa (Sanghamittà) mà trước đây chồng đã xuất gia theo Đế-Tu, đang đứng cạnh anh mình. Vua hỏi Tăng-Già-Mật-Đa: - Con thích xuất gia không?
Đáp: - Thật muốn.
Vua nói: - Nếu con xuất gia thì tốt lắm.
Biết tâm ý của họ, vua rất hoan hỷ hướng về Tỳ-kheo thưa:
- Đại đức, xin chúng tăng độ hai con của tôi để tôi được vào Phật pháp.
Luật Thiện kiến Tỳ-bà-sa
- Quyển thứ nhất -
--- o0o ---
Quyển thứ hai
-ooOoo-
Sau khi nhận lời, chúng tăng cử Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu làm hòa thượng, Ma-Ha-Đề-Bà (Mahàdeva) làm A-xà-lê, truyền mười giới; đại đức Mạt-Xiển-Đề (Majjhantika) làm A-xà-lê để truyền giới cụ-túc. Khi ấy, đủ 20 tuổi nên Ma-Hê-Đà thọ giới cụ-túc. Ngay tại giới đàn (upasampadàsìmàmandala), vị này chứng lậu tận la-hán với ba đạt trí, đủ sáu thần thông.
A-xà-lê của Tăng-Già-Mật-Đa là A-Do-Ba-La (Àyupàli), hòa tượng tên là Đàm-Ma-Ba-La (Dhammapàli). Khi ấy vừa 18 tuổi nên Tăng-Già-Mật-Đa được xuất gia và thọ sáu pháp tại giới đàn. Vua lên ngôi được sáu năm thì hai người con xuất gia.
Khi học kinh và luật tạng với thầy mình, Ma-Hê-Đà thọ trì thông thuộc tất cả Phật pháp trong ba tạng, đứng đầu trong 1000 bạn đồng học.
Vua A-Dục lên ngôi được chín năm, có Tỳ-kheo tên Đế-Tu con ông Câu-Đa (Kontiputta Tissa) bị bệnh nặng, bưng bát đi xin thuốc và chỉ được một miếng bơ (sappi) nên bệnh càng nặng thêm và sắp chết. Khi sắp viên tịch, vị này nhắn nhủ với các Tỳ-kheo:
- Sống trong ba cõi, cẩn thận chớ lười biếng.
Nói xong, vị này bay lên ngồi trên hư không, tự hóa ra lửa hỏa thiêu thân mình mà vào Niết-bàn. Nghe mọi người truyền nhau việc cúng dường vị ấy, vua suy nghĩ: - Trong nước của ta mà Tỳ-kheo lại không xin thuốc được.
Do đó, vua lập những kho cấp thuốc và chứa đầy dược liệu (pokkharani) ở bốn cửa thành. Khi ấy, ở bốn hướng các cửa thành thuộc nước Ba-Thát-Lỵ-Phất có 4000 nhà khách (Sabhà). Hằng ngày, các nhà ấy nhận được 5000 tiền để nộp cho vua. Vua đem 1000 dâng đại đức Ny-Cù-Đà, 1000 chi dụng cúng dường hoa hương cho tháp tượng, 1000 cung cấp pháp đường, 1000 cúng các vị luật sư, một vạn cúng chúng tăng, một vạn dùng chi phí kho cấp thuốc ở bốn cửa thành. Bấy giờ, Phật pháp hưng thịnh, các ngoại đạo suy vi. Bị mất lợi dưỡng, họ đi khất thực khắp nơi nhưng không xin được. Vì đói khát hành hạ, họ tạm nhờ vào Phật pháp làm sa-môn nhưng vẫn giữ theo pháp cũ của mình để giáo hóa mọi người; cho đó là pháp là luật nên không hành trì theo uy nghi cử chỉ pháp luật của Phật và không đến sống ở trong chùa, nhưng đến ngày bố tát (uposatha) lại vào giữa tăng. Do đó, các Tỳ-kheo thanh tịnh không chịu sinh hoạt chung với họ.
Thấy vậy, Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu suy nghĩ: - Tránh-sự đã phát sinh, không bao lâu nữa sẽ lớn mạnh, nếu ta ở trong tăng chúng thì không diệt được tránh-sự.
Sau khi đem đệ tử giao cho Ma-Hê-Đà, tôn giả Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu vào ẩn cư một mình nơi yên tịnh trong núi A-hô-hà (Ahogangàpabbata).
Các Tỳ-kheo ngoại đạo muốn Phật-pháp thành nhơ bẩn nên đem sách vở của mình xen vào giáo pháp. Họ vẫn hành trì theo pháp của mình như thờ lửa, đốt nóng cả năm chi phần thân thể (keci pancàtape tappanti), hay vào nước khi trời rất lạnh, hoặc phá hoại Phật pháp. Thế nên, các Tỳ-kheo chân chính không chịu bố tát, tự-tứ và làm tăng-sự với họ. Như vậy, kéo dài đến bảy năm không thuyết giới được.
Biết sự việc này, vua A-Dục sai một đại thần đến tăng-già-lam A-Dục, thưa với chúng tăng nên giáo dục nhau diệt trừ sự đấu tranh mà cùng hòa hợp thuyết giới.
Nhận lệnh vua, đại thần đến chùa, đem lệnh vua thưa với chúng tăng nhưng không ai chịu hưởng ứng cả. Đại thần đành trở về bàn với quan cận thần: Vua có sắc lệnh bảo chúng tăng phải chấm dứt sự bất hòa nhưng không ai thuận theo cả, ý bạn ra sao?
Vị cận thần đáp:
- Tôi thấy, khi đại vương đi chinh phục các nước, ai không thuận theo đều bị giết chết. Việc này cũng nên làm như thế.
Nghe cận thần nói như vậy, sứ thần đến chùa thưa với thượng tọa:
- Vua ra sắc lệnh chúng tăng phải hòa hợp thuyết giới nhưng họ không tuân theo.
Thượng tọa đáp:
- Các Tỳ-kheo chân chính không chịu bố tát chung với các Tỳ-kheo ngoại đạo chứ chẳng phải không tuân lệnh vua.
Khi ấy, từ thượng tọa trở xuống, tuần tự bị giết chết cho đến lượt vương đệ Đế-Tu thì ngừng lại. Thấy các Tỳ-kheo bị giết, Đế-Tu suy nghĩ: Vị quan này vâng sắc lệnh, vì hiểu sai lời vua nên giết chúng tăng.
Vị quan hỏi: - Đế-Tu này là ai?
Đáp: - Là em ruột của vua.
Khi vua A-Dục lên ngôi, lập em làm thái tử. Một hôm vào rừng du ngoạn, thấy các con nai giao hợp nhau, thái tử suy nghĩ: Các con nai này ăn cỏ uống nước lã mà còn như vậy. Huống chi các Tỳ-kheo ở trong phòng chùa, giường nệm mềm mại, ăn uống vừa miệng, sao lại không có việc ấy.
Du ngoạn về, đến gặp vua, thái tử tâu:
- Vừa rồi thần du ngoạn, thấy các con nai đực cái giao hợp nhau. Loài súc sinh ăn cỏ uống nước lã mà còn có việc ấy, các Tỳ-kheo tăng ở trong chùa được cúng dường đầy đủ, lẽ nào không có việc ấy.
Nghe tâu như vậy, vua suy nghĩ: - Chẳng phải chỗ nghi ngờ mà lại nghi ngờ.
Một hôm, thái tử Đế-Tu vô ý xúc phạm vua, bị vua tức giận bảo:
- Từ nay trẫm cho khanh lên ngôi vua trong bảy ngày, sau đó trẫm sẽ giết.
Bấy giờ, bảy ngày ấy tuy đươc làm vua, ngày đêm hưởng thụ ca nhạc, ăn uống, được phục vụ đủ các cách nhưng tâm trạng thái tử Đế-Tu không thích thú gì cả, thân thể gầy yếu, buồn khổ vô cùng. Vì sao? Vì sợ chết. Sau bảy ngày, vua hỏi Đế-Tu:
- Vì sao khanh gầy yếu như vậy, ăn uống, ca nhạc không vừa ý hay sao?
Đáp: - Bị sự chết hành hạ, tâm không thích thú gì cả.
Nghe tâu như vậy, vua bảo Đế-Tu: - Đã biết bảy ngày nửa mới chết mà khanh còn lo sợ như vậy, huống chi các Tỳ-kheo luôn luôn lo sợ vô thường trong từng hơi thở, tâm ý nào có nhiễm trước gì.
Nghe vua nói xong, Đế-Tu phát sinh tín tâm với Phật pháp.
Một hôm, thái tử Đế-Tu du ngoạn đi săn, dần dần đến nơi vắng vẻ (aranna) thấy một Tỳ-kheo đang ngồi tên là Đàm-Vô-Đức (yonakamahàdhammarakkhita). Có một con voi bẻ nhánh cây, quạt cho Tỳ-kheo này. Thấy như vậy, rất hoan hỷ, thái tử mong ước: Đến bao giờ ta mới được như Tỳ-kheo kia.
Biết tâm nguyện của Đế-Tu, Tỳ-kheo Đàm-Vô-Đức dùng thần lực bay lên hư không và ngồi trên không trung. Làm cho Đế-Tu trông thấy, Tỳ-kheo hạ xuống hồ nước lớn ở chùa A-Dục (Asokàràme pokkharani) và ngồi đứng trên nước, thoát tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng (sanghàti, uttaràsanga) ném lên không trung rồi xuống nước tắm rửa.
Trông thấy đại đức này có thần thông lớn như vậy, thái tử Đế-Tu rất hoan hỷ nói:
- Hôm nay, ta sẽ xuất gia.
Khi trở về cung, thái tử tâu vua:
- Thần muốn xuất gia, xin đại vương thương tình cho được xuất gia.
Nghe Đế-Tu xin xuất gia, nhà vua rất kinh ngạc bảo rằng: - Trong cung với gái đẹp, món ăn trăm vị thơm ngon, khoái lạc thích ý, vì sao khanh lại xuất gia?
Bằng mọi cách, vua khuyên vị này từ bỏ ý định trên.
Với ý chí kiên cố không thay đổi, Đế-Tu đáp:
- Gái đẹp hoan lạc trong cung chỉ là tạm thời, hội họp sẽ chia ly.
Nhà vua cảm thán khen: - Lành thay!
Vua sai các quan sửa sang đường sá, quét dọn sạch sẽ, dựng cờ treo phướn trang trí rực rỡ. Sau khi trang trí xong, các quan tâu vua: - Đã trang trí hoàn tất.
Sau khi thu lấy triều phục, mão thiên quan, chuỗi ngọc anh lạc của thái tử, vua bố trí hàng ngàn xe ngựa vây quanh hộ tống thái tử đến chùa. Thấy thái tử Đế-Tu xuất gia, chúng tăng rất hoan hỷ. Có người chuẩn bị sẵn tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội (antaravàsaka), bình bát (patta) đón chờ để cho thái tử được xuất gia ngay. Khi ấy, thái tử đi đến thiền phòng (padhànaghara) gặp Tỳ-kheo Đàm-Vô-Đức cầu xin xuất gia. Có một ngàn đồng tử con nhà hào quí cũng xuất gia theo thái tử, Thấy thái tử xuất gia, nhân dân trong nước suy nghĩ: Thái tử tôn quí như vậy mà còn bỏ vương vị để xuất gia tu đạo, chúng ta bần cùng thì có gì mà lưu luyến. Nghĩ như vậy nên có vô số người xuất gia theo. Vua A-Dục lên ngôi được bốn năm thì thái tử xuất gia. Chồng của Tăng-Già-Mật-Đa là cháu của vua tên A-Kỳ Bà-La-Môn (Aggibrahman) đã có một con trai, nghe thái tử xuất gia, rất kinh ngạc vui mừng, đến gặp nhà vua, tâu rằng: Con cũng muốn theo thái tử xuất gia, xin đại vương cho phép.
Vua khen ngợi và cho phép vị này cùng xuất gia trong một ngày với thái tử. Khi ấy, có nhiều người thuộc đẳng cấp sát-lị xuất gia theo chánh pháp nên Phật pháp hưng thịnh.
Trở lại việc trước... Đế-Tu nói:
- Nên biết vị quan này hiểu sai ý vua nên giết các Tỳ-kheo.
Giết chưa xong, bị Tỳ-kheo Đế-Tu đứng ra ngăn cản nên vị quan này không thể giết được nữa. Bỏ đao qua một bên, vị quan này về tâu vua:
- Thần phụng mệnh đại vương bảo các Tỳ-kheo hòa hợp thuyết giới nhưng họ không tuân theo. Căn cứ vào tội ấy, thần đã tuần tự xử trảm họ nhưng giết chưa hết thì bị Tỳ-kheo Đế-Tu ngăn cản nên không thể giết nữa, vậy có giết Tỳ-kheo Đế-Tu không?
Nghe vị quan này tâu đã giết các Tỳ-kheo, vua rất kinh hãi đau khổ ngất ngã lăn ra đất. Sau khi được rưới nước, một lúc sau tỉnh dậy, vua bảo vị quan này:
- Than ôi! Ta sai ngươi đến chùa vì muốn cho chúng tăng hòa hợp thuyết giới, sao lại tự tiện giết chết chúng tăng?
Đích thân đến chùa, vua bạch với chư tăng:
- Trước đây, con có sai một vị quan đến khuyên chư tăng hòa hợp thuyết giới chứ không bảo họ giết các Tỳ-kheo. Vị quan này tự tiện giết oan chúng tăng, không biết tội lỗi của việc này thuộc về ai?
Có Tỳ-kheo đáp:
- Do vua nên giết vậy tội thuộc vua.
Có vị nói: - Cả hai đều bị tội.
Có một Tỳ-kheo hỏi vua:
- Tâm vua như thế nào, có tâm giết không?
Vua đáp:
- Con sai họ đi với ý tạo công đức chứ không có tâm giết hại.
Vị kia nói:
- Nếu tâm vua như vậy thì vua không có tội mà người giết bị tội.
Nghe khác nhau như vậy, vua sinh ra hồ nghi, hỏi các Tỳ-kheo:
- Ai có thể trừ được sự nghi ngờ của con. Nếu người nào trừ được tâm hồ nghi này thì con sẽ xây dựng lại Phật pháp.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Ngài Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu có thể diệt trừ sự nghi ngờ này để kiến lập Phật pháp.
Lập tức, vua phái bốn vị pháp sư (Dhammakathika), mỗi vị có ngàn Tỳ-kheo tùy tùng cùng lên đường. Vua lại sai bốn đại thần, mỗi người đều có ngàn tùy tùng, cùng nhau đi đón rước đại đức Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu trở về.
Hai phái bộ cùng nhau vào núi A-hô-hà nghênh đón Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu. Đến nơi, họ thưa với Đế-Tu: - Nhà vua cho gọi Đế-Tu.
Nhưng Đế-Tu không đi. Vua lại phái tám pháp sư, mỗi vị với ngàn Tỳ-kheo tùy tùng và tám đại thần, mỗi người cũng có ngàn người tùy tùng đến gặp Đế-Tu. Đến nơi họ cũng nói: - Vua cho gọi Đế-Tu.
Nhưng Đế-Tu vẫn không đi. Trông đợi lâu ngày mà hai phái đoàn trên cũng chưa về, vua sinh nghi ngờ hỏi các vị đại đức:
- Thưa đại đức! Con đã sai hai phái đoàn đi nghênh đón Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu đã lâu mà sao vẫn chưa thấy về.
Chúng tăng đáp:
- Sợ người đi đón truyền sai ý vua, nói là vua cho gọi Đế-Tu nên ngài không đến.
Vua lại hỏi:
- Nói lời thỉnh như thế nào để ngài chịu đến?
Đáp:
- Nếu thưa rằng Phật pháp đã bị mai một, xin đại đức đến hạ cố đến cùng nhau dựng lại Phật pháp thì ngài sẽ đến.
Nghe như vậy, vua lại sai mười sáu vị pháp sư, mỗi vị với ngàn Tỳ-kheo tùy tùng; mười sáu đại thần, mỗi vị với ngàn tùy tùng đi mời. Vua lại hỏi:
- Vị pháp sư ấy già (mahallanka) hay trẻ (dahara)?
Chúng tăng đáp: - Vị ấy đã già.
Vua nói:
- Nếu vị ấy già, nên dùng xe (sivìka) để rước.
Đáp: - Đi xe không được.
Vua lại hỏi: - Vị đại đức ấy trú ở nơi nào?
Đáp: - Trong núi A-hô-hà.
Vua nói: - Như vậy nên đem thuyền bè (nàvàsanghàta) đi rước.
Vua ra lệnh cho sứ giả:
- Đến nơi, ngươi phải thỉnh đại đức lên ở thuyền lớn và sai người mang binh khí bảo vệ chung quanh.
Khi đến núi A-hô-hà, đoàn sứ giả đem lệnh vua thưa với đại đức:
- Bạch ngài! Phật pháp đã bị mai một, xin ngài hạ cố đi đến cùng nhau dựng lại Phật pháp.
Nghe sứ giả thưa như vậy, đại đức ấy nói:
- Tôi xuất gia chỉ vì Phật pháp, nay đã đúng lúc.
Đứng dậy thu xếp tọa cụ, Đế-Tu suy nghĩ: Ngày mai, ta sẽ đến nước Ba-thát-ly-phất.
Đêm ấy, vua A-Dục mộng thấy sự việc như sau: Có một voi trắng đến, dùng vòi thoa lên đầu vua, kéo lấy tay vua. Sáng mai, vua gọi tướng sư (supinajjhàyaka) đến, bảo:
- Ta nằm mộng thấy sự việc như vậy, là lành hay dữ?
Có một tướng sư đáp: - Nắm lấy tay vua là bậc Sa-môn tôn quí (Samànanàga).
Nghe tướng sư nói xong, nhà vua được báo tin phải ra ngoài nghênh đón. Vua đích thân lội xuống nước ngập đến gối. Đại đức Đế-Tu muốn lên bờ, vua đưa tay phải đỡ lấy. Trong lúc đại đức Đế-Tu nắm lấy tay vua, cận thần rút kiếm muốn chém tôn giả. Vì sao? Theo vương pháp (càritta) của vua A-Dục, nếu ai nắm đầu hoặc tay của vua thì bị chặt đầu; thế nên họ rút kiếm muốn giết.
Thấy có bóng kiếm trong nước, vua quay đầu lại nói: - Than ơi! Trước đây ta ra lệnh cho đại thần đến chùa khuyên chúng tăng hòa hợp thuyết giới, lại hiểu sai ý ta nên giết các Tỳ-kheo, bây giờ ngươi lại muốn giết nữa hay sao, thôi thôi! đừng gây tội cho ta nữa.
Pháp sư hỏi: - Tỳ-kheo không được nắm tay kẻ bạch y, vì sao ở đây được nắm?
Đáp: - Vua đi thỉnh đến vì muốn nghe pháp, vậy vua là đệ tử của đại đức nên được nắm tay. Khi ấy, đưa đại đức đến trú xứ ở khu-vườn (Ùyyàna) có phòng vệ ba lớp, vua đích thân rửa chân và thoa dầu cho đại đức, sau đó ngồi qua một bên. Vua suy nghĩ: Vị đại đức này có thể trừ diệt nghi ngờ cho ta không, nếu trừ được nghi ngờ của ta thì trừ diệt được sự tranh chấp và sau đó xây dựng lại Phật pháp. Ta hãy thử vị đại đức này.
Vua thưa: - Con muốn thấy năng lực thần thông (Pàtihàriya), xin ngài thị hiện.
Đế-Tu nói: - Vua muốn thấy những loại thần thông nào?
Vua đáp: - Con muốn thấy mặt đất chấn động.
Đế-Tu hỏi: - Muốn chấn động một bên hay chấn động tất cả?
Vua hỏi: - Hai hiện tượng này, cái nào khó hơn?
Đế-Tu đáp:- Ví dụ cái mâm đồng đựng đầy nước, có người lay động mâm, toàn thể nước bị lay động là khó hay chỉ lay động nữa phần nước là khó?
Vua đáp: - Chỉ lay động nửa phần nước thì rất khó.
Đế-Tu đáp: - Đúng vậy, này đại vương.
Vua nói: - Con muốn thấy nước nửa động nửa không động.
Đế-Tu bảo vua: - Trong chu vi bốn do tuần giáp bốn phương, giăng dây làm ranh giới (Sìma). Phương Đông đặt xe, phương Nam đặt ngựa, phương Tây đặt người, phương Bắc đặt mâm nước. Đặt người, ngựa, xe tại ranh giới, một chân trong giới và một chân ngoại giới; mâm nước đặt một nửa trong giới và một nửa ở ngoài giới.
Sau khi vua làm như vậy xong, Đế-Tu nhập vào thiền thứ tư rồi xuất khỏi thiền, hướng về vua nói: - Này đại vương Thiện-Kiến hãy xem.
Đại đức Đế-Tu dùng thần lực làm cho phần ngoài ranh giới trong bốn do tuần ở bốn phương đều chấn động mạnh nhưng bên trong ranh giới vẫn đứng yên. Phần xe, ngựa, người ở ngoài ranh giới bị chấn động, phần bên trong vẫn đứng yên; nửa phần nước bị chấn động nửa phần nước kia vẫn đứng yên. Thấy thần lực của đại đức như vậy, nhà vua rất hoan hỷ, suy nghĩ: Sự nghi ngờ trước đây của ta, từ nay được chấm dứt và ác pháp trong Phật pháp bị tiêu diệt.
Nhà vua hỏi đại đức Đế-Tu:
- Trước đây con có sai một đại thần đến chùa ra lệnh cho chư tăng hòa hợp thuyết giới, nhưng đại thần này tự ý giết các Tỳ-kheo, tội này ai chịu?
Đế-Tu hỏi: Đại vương có ý giết không?
Đáp: - Con không có ý giết.
Đế-Tu nói: Nếu không có ý giết thì vua vô tội.
Nhân đó, Đế-Tu thuyết cho vua nghe kinh Bổn-Sanh (Jàtaka Tittirajataka, Giá-cô bản-sinh kinh): Phật dạy - Này các Tỳ-kheo, phải có tâm tính toán trước rồi sau mới tạo thành nghiệp, tất cả nghiệp của hành động đều do tâm.
Đế-Tu kể lại chuyện trong kinh Bổn-Sinh: Này đại vương! Ngày xưa có mọt con chim Giá-cô bị người nhốt dưới đất, lo buồn kêu cứu. Do đó đồng loại tụ tập đến và bị người giết chết. Giá-cô hỏi đạo sĩ (tàpasa): - Con có tội không?
Đạo sĩ đáp: - Khi con kêu cứu có tâm giết hại đồng loại không?
Giá-cô đáp: - Con gọi bạn bè đến nhưng không có tâm giết hại.
Đạo sĩ nói: - Nếu không có tâm giết hại thì con không có tội. Và nói bài kệ:
Hành động không gây nghiệp,
Nếu không do tâm sai,
Người thiện giữ vững tâm,
Nên không bị tội lỗi.
(Na paticcakammam phusati mano ce na ppadussati, appossukkassa bhadrassa na pàpam upalimpati)
Sau khi tuần tự dùng các phương tiện làm cho vua hiểu, đại đức Đế-Tu ở lại trong vườn bảy ngày chỉ dạy cho vua rõ đây là Luật, đây là phi luật; đây là Pháp, đây là phi pháp; đây là lời Phật dạy, đây là trái lời Phật dạy.
Sau bảy ngày, vua ra lệnh dùng vách ngăn ra từng nơi, những người đồng quan điểm tập trung vào một nơi, những người khác quan điểm tập trung vào nơi khác, và cứ mỗi nơi như vậy đưa ra một Tỳ-kheo. Đích thân vua hỏi vị ấy: - Đại đức! Phật pháp là gì? (kimvàdi sammàsambuddho)
Có Tỳ-kheo đáp là thường (Sassatavàda), có người đáp là đoạn (ucchedavàda), có người nói là phi tưởng (asànnivàda), có người nói phi tưởng phi phi tưởng (nevasanninànivàda), có người nói thế Niết-bàn (ditthadhammannibbànavàda).
Nghe những Tỳ-kheo nào nói như vậy, vua biết đây không phải là Tỳ-kheo mà là ngoại đạo (annatitthiya). Sau khi biết rõ như vậy, vua cho những ngoại đạo này mặc y phục trắng của thế tục rồi đuổi ra, bắt hoàn tục. Còn lại những nơi ngăn khác có sáu vạn Tỳ-kheo. Vua lại hỏi: - Đại đức! Phật pháp là gì?
Đáp: - Phật phân biệt thuyết giảng (Vibhajjavàda).
Sau khi các Tỳ-kheo nói như vậy, vua lại hỏi đại đức Đế-Tu:
- Phật có phân biệt thuyết không?
Đáp: - Đúng như vậy, đại vương.
Biết Phật pháp đã thanh tịnh, vua bạch với các đại đức: - Xin các đại đức bố tát thuyết giới.
Vua sai người bảo vệ chúng tăng rồi trở về thành. Sau khi vua ra về, chúng tăng tập hợp có sáu vạn Tỳ-kheo. Trong chúng này Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu là thượng tọa phá tan đồ chúng ngoại đạo tà kiến. Chúng tăng chọn ra một ngàn Tỳ-kheo thông ba tạng, chứng ba đạt-trí. Theo như đại đức Ca-Diếp tập hợp chúng tăng ở đại hội thứ nhất và Tu-Na-Câu (Sonaka, Samp.Yasatthera) tập hợp chúng lần thứ hai để kết tập tạng luật, tất cả Phật-pháp đều được thanh tịnh không còn cấu bẩn, kết tập pháp tạng trong lần thứ ba này được hoàn tất trong chín tháng. Khi ấy, mặt đất chấn động sáu cách. Do có một ngàn Tỳ-kheo cùng nói ra nên gọi là kết tập lần thứ ba.
Pháp sư hỏi: - Trong ba lần kết tập này, ai làm luật sư trong cõi Diêm-phù-lỵ này? Tôi xin tuần tự kể tên các vị ấy: thứ nhất là Ưu-Ba-Ly, thứ hai là Đà-Tả-Câu (Dàsakà), thứ ba là Tu-Na-Câu (Sonaka), thứ tư là Tất-Già-Bà (Siggava), thứ năm là Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu. Năm vị luật sư này tuần tự đem tạng luật truyền lại cho nhau ở cõi Diêm-phù-lỵ này cho đến khi kết tập luật tạng lần thứ ba.
Sau khi kết tập lần thứ ba này, khi Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu sắp Niết-bàn đem luật tạng truyền lại cho đệ tử là Ma-Hê-Đà con trai vua A-Dục. Ngài Ma-Hê-Đà đem tạng luật đến nước Sư-Tử (Tích lan). Khi Ma-Hê-Đà sắp vào Niết-bàn, trao lại cho đệ tử là A-Lật-Thát (Arittha). Từ đó về sau, cùng nhau truyền thọ đến ngày nay, nên biết như vậy.
Ta sẽ kể lại danh hiệu năm vị luật sư đem luật tạng từ đất Diêm-phù-lỵ đến nước Sư-Tử. Vị thứ nhất tên Ma-Hê-Đà, vị thứ hai tên Địa-Du (Itthiya), vị thứ ba tên Uất-Đế-Du (Uttiya), vị thứ tư tên Tham-Bà-Lầu (Sambala), vị thứ năm tên Bạt-Đà-Sa (Bhaddanàma). Năm vị pháp sư này có trí tuệ vô cùng, thần thông vô ngại, đắc ba đạt trí, cùng nhau dạy bảo đệ tử ở nước Sư-Tử.
Khi Ma-Hê-Đà sắp Niết-bàn giao phó lại cho đệ tử là A-Lật-Thát. Vị này trao lại cho đệ tử là Đế-Tu-Đạt-Đa (Tissadatta). Vị này truyền lại cho đệ tử là Già-La-Tu-Mạt-Na (Kàlasumana). Vị này truyền lại cho đệ tử là Địa-Già-Na (Dìghanàmaka). Vị này truyền lại cho Tu-Mạt-Na (Dìghasumana). Vị này truyền lại cho Già-La-Tu-Mạt-Na (Kàlasumana). Vị này truyền lại cho Đàm-Vô-Đức (Dhammarakkita). Vị này truyền lại cho Đế-Tu (Tissa). Vị này truyền lại cho Đề-Bà (Deva). Vị này truyền lại cho Tu-Mạt-Na (Sumana). Vị này truyền lại cho Chuyên-Na-Già (Cùlanàga). Vị này truyền lại cho Đàm-Vô-Bà-Ly (Dhamma - pàlinàma). Vị này truyền lại cho Xí-Ma (Khemanàma). Vị này truyền lại cho Ưu-Ba-Đế-Tu (Upatissa). Vị này truyền lại cho Pháp-Phả. Vị này truyền lại cho A-Bà-Da (Abhaya). Vị này truyền lại cho Đề-Bà (Cùla-Deva). Vị này truyền lại cho Tư-Bà (Sìva). Các vị luật sư như trên với trí tuệ đệ nhất, thần thông vô ngại, đắc ba đạt-trí, chứng ái-tận La-hán. Các vị sư trưởng như vậy truyền thừa không dứt cho đến ngày nay.
Pháp sư nói: - Tôi xin kể lại nhân duyên từ đầu: Khi ấy tại nước Ba-Thát-Lỵ-Phất, sau khi kết tập lần thứ ba xong, tôn giả Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu suy nghĩ: Trong tương lai, Phật pháp sẽ trường tồn ở đâu?
Tôn giả dùng thần thông quán sát cõi Diêm-phù-lỵ, thấy Phật pháp sẽ hưng thịnh ở biên địa. Biết như vậy, tôn giả tập họp chúng tăng bảo các trưởng lão: - Quí vị hãy đem Phật pháp đến thiết lập ở các nơi biên địa.
Các Tỳ-kheo đáp: - Lành thay!
Khi ấy, đại đức Mạt-Xiển-Đề (Majjhantika) được phái đến trong nước Kế-Tân Kiền-Đà-La-Thát (Kasmìra - gandhàra). Đại đức Ma-Ha Đề-Bà (Mahà-deva) đến nước Ma-Ê-Bà-Mạt-Đà-La (Mahisakamandala).Lặc-Khí-Đa (Rakkhita) đến nước Bà-Na-Bà-Tu (Vanavàsi). Đàm-Vô-Đức (Yonaka-Dhammarakkhita) đến nước A-Ba-Lan-Đa-Ca (Aparataka). Ma-Ha Đàm-Vô-Đức (Mahà-dhammarakkhita) đến nước Ma-Ha-Lặc-Thát (Maharattha). Ma-Ha-Lặc-Khí-Đa đến thế giới Du-Na (Yonakaloka - là đất Hán). Mạt-Thị-Ma (Majjhima) đến các nước ở cạnh Tuyết Sơn (Himavantapadesa). Tu-Na-Ca, Uất-Đa-Ca (Sonaka, Uttara) đến nước Kim-địa (Suvannabhùmi - Miến Điện). Ma-Hê-Đà, Uất-Đế-Dạ, Tham-Lầu-Bà, Bạt-Đà (Uttiya, Sambala, Bhaddasàla) đến nước Sư-Tử (Sìhaladìpa = Tambapannidìpa - Tích lan) đều cùng nhau thiết lập Phật pháp. Các đại đức ấy đều có năm vị kết hợp nhau cùng đi đến các nước để kiến lập Phật pháp.
Tại nước Kế Tân có long vương tên A-La-Bà-Lầu (Aravàla). Vào lúc lúa trong cả nước đang kết hạt, long vương này làm mưa lớn làm cho cây lúa bị ngập nước trôi ra biển. Khi ấy, phái đoàn năm vị Tỳ-kheo của đại đức Mạt-Xiển-Đề từ nước Ba-thát-lỵ-phất bay lên không trung, hạ xuống ao A-la-bà-lầu bên sườn Tuyết Sơn và đi đứng nằm ngồi trên mặt nước. Đồng tử quyến thuộc của Long vương vào thưa: - Long vương! Không biết người nào mặc y phục màu đỏ [(bhandu) (kàsàvavasana)] đang ở trên mặt nước, xâm phạm đến địa phận chúng ta.
Nghe báo, rất giận dữ, bước ra khỏi cung, thấy đại đức Mạt-Xiển-Đề, long vương càng tức giận dữ dội thêm nên thi triển nhiều pháp thần thông trên hư không để gây kinh hãi cho Mạt-Xiển-Đề và các Tỳ-kheo. Long vương lại gây gió bão, mưa lớn, sấm sét chớp sáng, núi đá sụp đổ, cây cối ngã nghiêng, cả hư không như sụp xuống. Đồng tử của long vương lại tập trung tất cả các rồng nhỏ khác cùng phun ra khói lửa dữ dội, mưa đá gạch lớn muốn gây khủng bố cho đại đức Mạt-Xiển-Đề. Thấy các vị này không sợ hãi gì cả, bọn rồng la mắng: - Những kẻ trọc đầu, các ông là ai mà mặc y phục màu đỏ như vậy?
Bị mắng chửi như vậy nhưng nhan sắc của đại đức không bị thay đổi. Long vương lại mắng chửi: - Hãy bắt chúng lại đánh cho chết đi.
Sau khi la mắng như vậy, long vương kêu binh chúng hiện ra các thần thông nhưng vẫn không hàng phục được đại đức.
Dùng năng lực thần thông của mình, đại đức Mạt-Xiển-Đề trấn áp thần thông của bọn rồng và bảo: - Này long vương! Giả như ngươi có thể ra lệnh cho tất cả chư thiên, loài người cùng đến gây khủng bố cũng không làm lay động một sợi lông của ta. Nếu ngươi có lấy núi Tu di và các núi nhỏ ném trên ta đi nữa thì cũng không thể xâm phạm đến ta được.
Nghe đại đức nói như vậy, long vương suy nghĩ: Ta đã thi thố thần thông quá mệt mỏi rồi mà cũng không xâm phạm được vị ấy.
Rất phẫn nộ nhưng long vương đành phải đứng yên. Biết rõ tâm của long vương, đại đức đem pháp vị cam lộ ra giáo hóa làm cho chúng hoan hỷ quy phục. Sau khi tiếp nhận được pháp cam lộ, long vương liền thọ ba qui y và năm giới cấm. Tám vạn bốn ngàn quyến thuộc đều thọ trì năm giới. Nghe đại đức Mạt-Xiển-Đề thuyết pháp rồi, các quỉ dạ-xoa, kiền-bạt-bà (gandhabba), cưu-bàn-trà (kumbhanda) ở Tuyết sơn liền thọ trì tam quy và năm giới. Lại có dạ-xoa năm người (pancaka) cùng quyến thuộc là dạ-xoa nữ Ha-Lê-Đế-Da (Harìtakin) với 500 người con đắc đạo quả Tu-đà-hoàn.
Khi ấy, đại đức Mạt-Xiển-Đề bảo với tất cả dạ-xoa và long vương rằng từ nay về sau chớ nên giận dữ, chớ tàn phá mùa màng của dân chúng, nên có tâm từ bi với tất cả chúng sinh làm cho họ được an lạc.
Tất cả các rồng, quỉ đáp: - Lành thay! Xin tuân theo lời đại đức chỉ dạy.
Ngay hôm ấy, long vương tổ chức cúng dường to lớn, sai người hầu đem long tọa bằng bảy báu của mình cho đại đức Mạt-Xiển-Đề dùng. Sau khi đại đức an tọa, long vương đứng bên cạnh long tọa, cầm quạt quạt cho tôn giả Mạt-Xiển-Đề. Bấy giờ, vào những ngày lễ, nhân dân nước Kế tân Kiền-đà-lặc-xoa thường tập họp đến gặp long vương. Đến cung điện này, thấy đại đức Mạt-Xiển-Đề, họ nói với nhau: - Tỳ-kheo này có thần lực này thắng cả long vương.
Do đó, mọi người đảnh lễ đại đức Mạt-Xiển-Đề, rồi ngồi xuống. Tôn giả thuyết giảng kinh Tục-Thí-Dụ (Asivisopamasuttanta - kinh Xà Dụ) cho mọi người nghe. Có tám vạn chúng sinh đắc đạo quả, ngàn người xuất gia.
Pháp-sư nói: - Từ đó về sau, khắp nước Kế-tân được sáng rực bởi màu y cà-sa.
Có bài kệ:
Nước Kế-tân Kiền đà,
Khi ấy Mạt-Xiển-Đề,
Giáo hóa Long vương dữ,
Làm cho thọ qui giới,
Lại có rất nhiều người,
Giải thoát khỏi trói buộc,
Tám vạn được thiên nhãn,
Cả ngàn người xuất gia.
Sau khi đến nước Ma-ê-ta-mạn-đà-la, đại đức Ma-Ha Đề-Bà thuyết giảng kinh Thiên-Sứ (Devadùtasutta). Có bốn vạn người đắc đạo quả và cùng nhau xuất gia. Có bài kệ:
Ma-Ha Đề-Bà, Có đại thần lực,
Chứng ba đạt-trí, Đến Ma-ê-ta.
Thuyết giảng kinh Thiên-Sứ
Độ thoát các chúng sinh
Bốn vạn đắc thiên nhãn,
Đều cùng nhau xuất gia.
Đến nước Bà-Na-Ba-Tư, đại đức Lặc-Khí-Đa ngồi trên không trung thuyết kinh Vô-Thỉ (Anamataggapariyàyakatha). Có sáu vạn người đắc thiên nhãn (Dhammacakkhu - pháp nhãn). Bảy vạn người xuất gia. Năm trăm ngôi chùa (Vihàra) được dựng lên. Có bài kệ:
Đại đức Lặc-Khí-Đa,
Có sức thần thông lớn,
Đến Ba-na-ba-tư,
An tọa trên hư không,
Thuyết giảng kinh Vô-thỉ,
Nhiều người được thiên nhãn,
Bảy ngàn người xuất gia,
Năm trăm chùa được cất.
Đến nước A-Ba-Lan-Đa, đại đức Đàm-Vô-Đức thuyết kinh Hỏa-Tụ-Dụ (Aggik khandhùpamasuttantakathà) làm cho nhân dân hoan hỷ. Có sáu vạn người đắc thiên nhãn, được uống nước pháp cam lộ (Dhammàmata). Thanh niên và thiếu nữ thuộc chủng tộc Sát-lỵ (Khattiya), đều xuất gia 1000 người. Vậy là Phật pháp được truyền khắp, Có bài kệ:
Đại đức Đàm-Vô-Đức,
Có sức thần thông lớn,
Đến A-Bà-Lan-Đa,
Giảng kinh dụ Đống-lửa,
Mọi người được thiên nhãn,
Uống nước pháp cam lộ,
Có một ngàn Tỳ-khưu,
Và một ngàn Tỳ-khưu-ny.
Đến nước Ma-Ha-Lặc-Thát, đại đức Ma-Ha Đàm-Vô-Đức thuyết giảng kinh Ma-Ha-Na-La-Đà-Ca-Diếp bản sinh (mahànàradakassapajàtaka) làm cho tám vạn bốn ngàn người được đắc đạo, ba ngàn người xuất gia, Phật pháp được truyền khắp như vậy. Có bài kệ:
Đại đức Ma-Ha-Đàm,
Có sức thần thông lớn,
Đến Ma-Ha-Lặc-Thát,
Thuyết kinh Ca-Diếp bản,
Vô số đắc đạo quả,
Ba ngàn người xuất gia.
Đến xứ sở Du-Na, đại đức Ma-Ha Lặc-Khí-Đa thuyết giảng kinh Ca-La-La-Ma (Kàlakàràmasuttanta). Có bảy vạn ba ngàn người đắc đạo quả, bảy ngàn người xuất gia làm cho Phật pháp được truyền rộng ở đây. Có bài kệ:
Ma-Ha Lặc-Khí-Đa,
Có sức thần thông lớn,
Đến đất nước Du-Na,
Thuyết kinh Ma-Ca-La,
Nhiều người đắc đạo quả,
Cả ngàn người xuất gia.
Đến vùng cạnh Tuyết Sơn, đại đức Mạt-Thị-Ma, Ca-Diếp, Đề-Bà, Thuần-Tỳ-Đế-Tu, Sa-Ha-Đề-Bà (Kassapagotta, Alakadeva, Dumdubhissara, Sahadeva) thuyết giảng kinh Sơ-Chuyển-Pháp-Luân (Dhammacakkappavattanasuttanta). Có tám ức người chứng đắc đạo quả. Năm vị đại đức này giáo hóa cho năm vương quốc, độ cho năm ngàn người xuất gia. Như vậy là Phật pháp được truyền bá ở vùng Tuyết Sơn. Có bài kệ:
Đại đức Mạt-Thị-Ca,
Có sức thần thông lớn,
Đến bên vùng Tuyết Sơn,
Thuyết kinh Chuyển-pháp-luân.
Chúng sinh được đạo quả,
Năm ngàn người xuất gia.
Đại đức Tu-Na-Ca-Na-Uất-Đa-La đến nước Kim-Địa. Tại đây, khi nào Vương phi sinh con thì có một nữ dạ-xoa từ biển cả đi vào vương cung bắt ăn trẻ ấy. Trong lúc vừa sinh được một bé trai, phu nhân của vua trông thấy đại đức Tu-Na-Ca đến, thì rất sợ hãi vì cho rằng đây là bạn của nữ dạ-xoa nên sai đem binh khí đến định giết tôn giả. Tu-Na-Ca hỏi: - Vì sao đem binh khí đến?
Mọi người đáp: - Trong cung có sinh trẻ con, mà bạn của nữ dạ-xoa định bắt để ăn thịt, ông không phải là bạn của chúng hay sao?
Đáp: - Ta không phải là bạn của nữ dạ-xoa, chúng ta là Sa-môn, đã từ bỏ việc giết hại, giữ gìn mười điều thiện, rất tinh tấn. Ta có thiện pháp.
Nghe trong cung có sinh trẻ con, nữ dạ-xoa cùng tùy tùng ra khỏi biển, bảo nhau: - Vua sinh con, ta hãy đến bắt để ăn thịt.
Thấy bọn dạ-xoa đến, những người trong nước, ở cung vua rất kinh sợ, chạy đi báo với đại đức. Khi ấy, đại đức Tu-Na-Ca hóa ra một đám đông dạ-xoa nhiều gấp bội bọn kia và bao vây chúng lại. Thấy đám đông dạ-xoa này, bọn nữ dạ-xoa suy nghĩ: Bọn dạ-xoa kia đã chiếm nước này rồi, đang tiến đến muốn bắt chúng ta để ăn.
Với suy nghĩ như vậy, bọn nữ dạ-xoa vội bỏ chạy không kịp nhìn lại, bị đám đông dạ-xoa rượt theo đến mất dạng. Đại đức Tu-Na-Ca lại tụng kinh chú nguyện phòng vệ khắp đất nước không cho các dạ-xoa xâm phạm được và thuyết giảng kinh Phạm-võng (Brahmajàlasuttanta) cho mọi người. Có sáu vạn người được đạo quả. Có nhiều người thọ trì ba quy y và năm giới. Ba ngàn năm trăm người xuất gia làm Tỳ-kheo tăng và một ngàn năm trăm Tỳ-kheo ny. Như vậy là Phật pháp được truyền bá rộng.
Pháp sư nói: Từ đó đến nay, nếu sinh con, vua nơi này đều đặt tên là Tu-Uất-Đa-La (Sonuttara). Có bài kệ:
Đại đức Tu-Na-Ca,
Tỳ-kheo Uất-Đa-Ca,
Có sức thần thông lớn,
Đi đến nước Kim-Địa,
Thuyết giảng kinh Phạm-võng,
Chúng sinh được đạo quả,
Ba ngàn năm trăm tăng,
Một ngàn năm trăm ny.
Được đại đức Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu sai đi với chúng tăng đi đến đảo Sư-Tử, ngài Ma-Hê-Đà suy nghĩ: - Nên đi lúc này hay không?
Sau khi nhập định quán sát, tôn giả biết rằng vua nước A-nậu-la-đà (Anuràdhapura) ở đảo Sư-tử là Văn-Trà-Tư-Ba (Mutasìva) đã già yếu, không thể tiếp nhận sự giáo hóa. Nếu đến đó giáo hóa, Phật pháp cũng không trường tồn vậy nên ở lại, chưa đến lúc đi. Khi vua qua đời, thái tử lên ngôi, ta sẽ cùng nhau đến đó truyền bá Phật pháp. Lúc này, ta nên về quê ngoại, thăm viếng mẫu hậu. Sau khi đến nước của mẹ, ta sẽ không trở về đây mà đi luôn đến đảo Sư-tử.
Sau khi đến gặp bổn-sư đảnh lễ từ giã, Ma-Hê-Đà cùng chư tăng rời khỏi tăng-già-lam A-dục. Đoàn này có sáu vị, Ma-Hê-Đà là thượng tọa, sa di là Tu-Mạt-Na (Sumana) con của Tăng-Già-Mật-Đa và thêm một ưu-bà-tắc tên là Bàn-Đầu-Ca (Bhanduka) cùng nhau lên đường. Qua khỏi thành Vương xá, đến thôn Nam Sơn (dakkhinagirijanapada), đoàn người tiếp tục đi đến nước của mẹ Ma-Hê-Đà.
Pháp sư nói: - Vì sao? Trước đây, khi được phong cho nước Uất-chi (Ujjenì), trên đường đến nước ấy, ngang qua thôn Tỳ-Đề-Tả (Vedisanagara) dưới chân núi Nam-Sơn, vua A-Dục được vị trưởng giả rất giàu sang gả con gái cho làm vợ. Đến nước kia, hoàng nam Ma-Hê-Đà được sinh ra ở đó. Khi Ma-Hê-Đà lên mười bốn tuổi, A-Dục lên ngôi vua và để vợ ở lại thôn Tỳ-Đề-Tả, nước Uất-Chi. Thế nên, trong kinh văn có ghi chú: Vào tháng sáu, Ma-Hê-Đà đến gặp mẹ.
Khi Ma-Hê-Đà đến nước của mẹ, người mẹ ra nghênh đón, lạy sát duới chân, mời thọ trai và dâng cúng chùa lớn hiệu Tỳ-Địa-Tả.
Sau khi trú tại chùa này một thời gian ngắn, Ma-Hê-Đà suy nghĩ: Nơi này, việc làm đã xong, đến lúc lên đường chưa?
Tôn giả lại suy nghĩ: Hãy chờ vua A-Dục sai sứ đến đảo Sư-tử (Sìhaladìpa, Samp.Lankàdipa) phong cho thái tử Thiên-Ái Đế-Tu (Devànampiyatissa) lên ngôi vua rồi ta sẽ sang đó. Nếu thái tử ấy được lên ngôi, lại được vua A-Dục phong vương và nghe được công đức của Như Lai thì rất vui mừng. Chờ vua ấy đi đến núi Mi-sa-già (Missakapabbata), ta sẽ đến gặp, một tháng sau sẽ đến đó.
Vào ngày mười lăm tháng tư, khi chúng tăng tập hợp bố tát, cùng nhau tính toán, mọi người đều nói: - Đến lúc nên đi.
Pháp sư nói: - Khi ấy có nói kệ khen ngợi:
Thượng tọa Ma-Hê-Đà,
Đại đức Uất-Địa-Du,
Đại đức Uất-Đế-Du,
Đại đức Bạt-Đà-Đa,
Đại đức Tham-Bà-Lầu,
Sa di Tu-Ma-Na,
Đều chứng ba đạt trí,
Thiện nam Bàn-Đầu-Ca,
Đã chứng đắc đạo-tích,
Đây là các đạo sĩ.
Khi ấy, biết vua Trà-Tư-Bà đã qua đời, Thiên-Đế-Thích giáng hạ, thưa với Ma-Hê-Đà: - Vua A-Nậu-La-Đà nước Sư-Tử đã qua đời, thái tử Thiên-Ái Đế-Tu đã nối ngôi. Con nhớ ngày xưa khi còn tại thế, Phật có báo trước Tỳ-kheo Ma-Hê-Đà sẽ làm hưng thịnh Phật pháp ở nước Sư-Tử. Vì vậy đại đức nên đi ngay, con cũng đi theo đến nơi ấy. Khi ấy, dưới cội Bồ đề, dùng thiên nhãn quán sát khắp thế gian, thấy Phật pháp sẽ hưng thịnh ở nước Sư-Tử nên Phật ra lệnh cho con rằng hãy đi cùng đại đức Ma-Hê-Đà sang đảo Sư-tử để xây dựng Phật pháp. Thế nên, con mới thưa như vậy.
Nghe Thiên-Đế-Thích nói như vậy xong, từ núi Voi ở Tỳ-Địa-Tả (vedisakapabbata), đại đức Ma-Hê-Đà cùng đại chúng bay lên hư không bay sang đảo Sư-Tử nước A-Nậu-La-Đà, đến núi My-Sa-Ca ở hướng Đông, hạ xuống. Thế nên, từ đó đến nay nơi này được gọi là núi Voi (cetiyapabbata). Pháp sư nói: - Có bài kệ nói rằng:
Ở lại thôn Tỳ-Địa,
Trải qua ba mươi ngày,
Đã đến lúc lên đường,
Đi sang đảo Sư-Tử,
Từ lục-địa Diêm-phù,
Tuần tự bay sang đảo,
Như nhạn bay trên không,
Thẳng hàng đúng thứ tự,
Các vị đại đức này,
Tạo nhân duyên đầu tiên,
Như đám mây lớn đến
Núi hướng Đông nước này,
Trên đỉnh núi Mi-sa,
Họ nhẹ nhàng hạ xuống.
Khi các vị đại đức này với Ma-Hê-Đà là thượng tọa đến đảo Sư tử, vào năm thứ 236 sau đức Phật nhập Niết-bàn, nên biết đây là thời điểm bắt đầu Phật pháp được truyền bá sang đảo Sư-tử.
Phật nhập Niết-bàn khi vua A-Xà-Thế lên ngôi được tám năm. Vào năm này, đồng tử Sư-Tử (Sìhakumara) vừa lên ngôi vua ở đảo Sư-tử.
Lại có đồng tử tên Tỳ-Xà-Na (Vijaya) đến đảo Sư-tử, kiến thiết chỗ ở an ổn cho nhân dân. Khi ấy vua ở đất Diêm-phù tên là Uất-Đà-Da-Bạt-Đà-La (Udayabhadra) lên ngôi vua được 14 năm.
Khi Tỳ-Xà-Na qua đời ở đảo Sư-tử thì Uất-Đà-Da-Bạt-Đà-La đã làm vua được 15 năm.
Tại nước Sư-tử, Bán-Đầu-Đề-Tu-Đề-Bà (Panduvàsadeva) lên ngôi vua thì tại Diêm-phù-lỵ, vào lúc Na-Ca-Trục-Tả-Ca (Nàgadassaka) lên ngôi vua đã 20 năm.
Khi vua Bán-Đầu-Đề-Tu-Đề-Bà qua đời, A-Bà-Na (Abhaya) lên làm vua thì tại Diêm-phù-lỵ, vua tên Tu-Tu-Phật-Na-Ca (Susunàga) làm vua 17 năm.
Tại đảo Sư-tử, khi A-Bà-Da làm vua được 20 năm, có Bà-Quân-Trà-Ca-Bà-Da (pakundakàbhaya) nổi binh đánh chiếm ngôi và lên làm vua.
Tại cõi Diêm-phù, vua tên Ca-A-Dục (Kàlàsoka) trị vì được 16 năm thì vua Ba-Quân-Trà-Ca-Ba-Da đã trị vì 18 năm.
Vua ở Diêm-phù-lỵ tên Chiên-Đà-Quật-Đa (Candagutta) trị vì được 14 năm thì vua Ba-Quân-Trà-Ca-Ba-Da ở đảo Sư-tử qua đời và Văn-Trà-Tư-Ba lên làm vua.
Tại Diêm-phù-lỵ, khi A-Dục ở ngôi vua được 17 năm (thì tại đảo Sư-tử ) Văn-Trà-Tư-Ba qua đời và vua Thiên-Ái Đế-Tu lên thay thế.
Khi Phật đã nhập Niết-bàn, vua A-Nậu-Lậu-Đà (Anurudha) và vua Mẫn-Trù (Munda) đều tại vị đã 8 năm. Vua Na-Ca-Đãi-Bà-Ca (Nàgadassaka) làm vua được 14 năm, Tu-Tu-Phật-Na-Ca làm vua 18 năm thì con lên nối ngôi hiệu là A-Dục (Asoka, Kàlàsoka) làm vua được 18 năm. Vua A-Dục có 10 người con đều lên ngôi vua trong thời gian 22 năm.
Sau đó, Mân-Nan-Đà (Nava Nanda) thay lên làm vua trong 22 năm. Lại có Chiên-Đà-Quật-Đa làm vua trong 24 năm. Vua Tân-Đầu-Sa-La (Bindusàra) lên thay ngôi trong 28 năm.
Vua A-Dục lên nối ngôi được 18 năm thì Ma-Hê-Đà là con vua đi đến đảo Sư-tử; nên biết thứ tự các triều đại vua như vậy.
Khi ấy, vì đi tránh sao hạn xấu nên vua Thiên-Ái Đế-Tu ra lệnh các quan đánh trống truyền lệnh vua sẽ ra khỏi thành để tránh hạn xấu. Sau khi truyền lệnh, cùng bốn vạn người vây quanh ra khỏi thành đến núi My-sa-ca, vua muốn săn bắn. Khi ấy, trong núi có một thần cây muốn làm cho vua gặp đại đức Ma-Hê-Đà nên hóa ra một con nai đang từ từ đi ăn cỏ ở gần vua. Thấy con nai, vua liền giương cung lắp tên muốn bắn với ý nghĩ: Ta phải bắn trúng con nai này.
Nai chạy về hướng đường Xà-bà-đà-la (Ambatthalamagga) và vua rượt theo đến Xà-bà-đà-la (Ambatthala). Biết gần đến chỗ Ma-Hê-Đà, con nai biến mất.
Thấy vua đã đến gần, Ma-Hê-Đà suy nghĩ: ta hãy dùng thần lực làm cho vua chỉ thấy ta chứ không thấy người khác. Đại đức Ma-Hê-Đà gọi Đế-Tu: - Này Đế-Tu hãy đến đây.
Nghe gọi đến, vua suy nghĩ: Trong đất nước này, ai lại dám gọi tên ta, đây là ai vậy mà mặc y phục đỏ được may thành bằng cách cắt rọc ra (Chinnabhinnapatadhara Bhandukàsàvavasana) lại gọi tên ta.
Với sự nghi ngờ, vua hỏi: - Người nào vậy, là thần hay quỉ?
Đại đức Ma-Hê-Đà đáp: - Chúng tôi là Sa-môn Thích-tử của đức Pháp-Vương, vì thương tưởng đến đại vương nên từ Diêm-phù-lỵ đến đây.
Trước đây, vua Thiên-Ái Đế-Tu và vua A Dục đã có giao tiếp quen biết nhau qua thứ tín. Vua Thiên-Ái Đế-Tu với tướng mạo uy nghiêm đức độ, có ngọn núi tên Xa-đa-ca (Chàtakapabbata). Rừng tre bên cạnh núi này có ba loại tre lớn như trục xe. Một tên Đằng-trượng, hai tên Hoa -trượng, ba tên Điểu-trượng. Đằng-trượng có màu trắng như bạc, dây vàng quấn quanh. Hoa-trượng có các loại hoa anh lạc màu vàng biếc đỏ đen trắng. Điểu-trượng giống như sinh vật, có các loại chim như chim ưng, chim diêu (hamsa-hukkuta-jìvajivaka) chim kỳ bà, chim thị-tỳ-ca và các loại chúng sinh bốn chân.
Pháp sư nói: - Xưa có bài kệ (Dìpava):
Bên núi Xa-đa-ca,
Có một rừng tre rậm,
Trong có ba loại tre,
Màu sắc trắng như bạc,
Vàng, trắng, đỏ, xanh, đen,
Dây vàng quấn um tùm,
Các chim, thú bốn chân,
Nhiều loại hoa chiếu sáng.
Trong biển sản xuất ra nhiều báu vật như san hô, ngọc ma ni, vàng bạc... Lại có tám loại châu ngọc quí là Mã-châu, Tượng-châu, xa-châu, Bà-la-ca châu, Bà-la-da châu, Triền chỉ châu, Ca-cưu-đà-bà-la châu, Thế gian châu (attha muttà: - Hàyamuttà, gajamuttà, rathamutta, Amalakamutta, Vralayamutta, angulivetthakamutta, kakudhaphalamutta, pàtakikamutta). Vua Thiên-Ái Đế-Tu sai sứ đem ba loại tre trên và các báu vật cùng tám loại ngọc quí ở trên dâng cho vua A-Dục. Nhận những vật này, vua A-Dục rất vui mừng và đáp lễ với năm loại vương phục là lọng, phất, kiếm, mão và giày bảy báu cùng vô số bảo vật (panjarajakakudhabhandàni: chatta, càmara, khagga, moli, ratana-pàduka). Những tặng vật quí giá như cái tù-và quí (Dakkhinàvatta-sankha), bát luôn đầy nước sông Hằng (Gangodaka), hoa trang sức ở tai (vatamsaka), bình quí bằng vàng (bhinkàra), một cặp y phục màu đen mượt như tóc, khăn tay (hatthapunchana), chiên-đàn xanh (haricandana), bột đất màu bình minh (arunavannamattika), quả duốt màu vàng (harìtaka), quả xoài (àmalaka), các cô gái đẹp.
Pháp sư nói lại bài kệ xưa (dìpava):
Mão vua phất, lọng, kiếm,
Giày trang trí bảy báu,
Bình vàng với tù-và,
Cặp y phục đen mượt,
Bát vàng trang bị đủ,
Đựng nước ao A-nậu,
Khăn tay quí trắng sạch,
Chiên đàn xanh vô giá,
Đất trắng màu bình minh,
Thuốc trị mắt của rồng,
Trái xoài, A-lê-lặc,
Thuốc cam lộ quí báu,
Gạo do anh-vũ dâng,
Số lượng năm trăm gánh,
Những báu vật đẹp này,
Nhờ công đức A-Dục.
Những báu vật trên là tặng vật thế gian (Amisapannàkàra), lại có những tặng vật Tam bảo (Dhammapannàkàrà). Vua A-Dục nói: - Ta đã quy y Phật, Pháp và Tăng bảo, làm người Ưu-bà-tắc; đây là pháp của người Thích tử đối với Tam-bảo. Ngươi hãy chí tâm tín thọ Phật pháp này.
Vua A-Dục đưa lễ vật thư tín đáp lại tặng vật của vua Thiên-Ái Đế-Tu và phong vương vị cho vua này. Vào ngày rằm tháng ba, vua Thiên-Ái Đế-Tu nhận lĩnh vương vị. Sau đó một tháng, tăng đoàn Ma-Hê-Đà đến đảo này.
Nghe Ma-Hê-Đà tự xưng là Thích tử, tại chỗ săn bắn, vua Thiên-Ái Đế-Tu nhớ lại trong thư của vua A-Dục có nói đến Thích-tử, nên nhà vua vứt bỏ cung tên rồi xuống một bên chào hỏi nhau. Pháp sư nói lại bài kệ khen ngợi:
Vứt bỏ cung tên,
Ngồi xuống một bên,
Đại vương ngồi yên,
Thăm hỏi đại đức,
Hỏi đáp giáo pháp,
Có bốn vạn người,
Đến chỗ nhà vua,
Cùng nhau vây quanh.
Khi đoàn quân đã đến, đại đức Ma-Hê-Đà liền hiện ra đủ sáu vị. Thấy như vậy, vua hỏi:
- Đại đức! Sáu người này đến từ lúc nào vậy?
Đáp: - Cùng đến với tôi.
Vua lại hỏi: - Ở Diêm-phù-lỵ có các vị Sa-môn như thế này không?
Đáp: - Tại xứ ấy, chúng Sa-môn rất đông, màu y ca-sa chói sáng khắp nước. Họ đều chứng ba đạt trí, thần thông vô ngại, chứng quả lậu tận La-hán, thấu rõ tâm người khác; chúng Thanh văn đệ tử của Phật rất nhiều.
Vua lại hỏi: - Các đại đức đến đây bằng phương tiện gì?
Đáp: - Chúng tôi không đến bằng đường thủy hay bộ.
Vua suy nghĩ: - Như vậy, họ vượt qua hư không đến.
Ma-Hê-Đà lại suy nghĩ: - Nhà vua có trí tuệ hay không, ta sẽ thử xem.
Khi ấy, vua đang ngồi gần một cây xoài (ambarukkha). Nhắm vào cây xoài, Ma-Hê-Đà hỏi: - Đại vương! Đây là cây xoài phải không?
Đáp: - Đúng là cây xoài.
Hỏi: - Bỏ cây xoài này qua, có còn cây khác không?
Đáp: - Có cây khác.
Hỏi: - Bỏ cây này qua, có cây khác không?
Đáp: - Có!
Hỏi: - Lại bỏ cây ấy qua, có cây khác không?
Đáp: - Có.
Hỏi: - Bỏ hết những cây khác ấy đi, còn có cây nào không?
Đáp: - Đó là cây xoài phải không?
Ma-Hê-Đà khen: - Lành thay! Đại vương có trí tuệ lớn.
Ma-Hê-Đà lại hỏi: - Đại vương có thân tộc không? (nataka)
Đáp: - Rất nhiều.
Hỏi: - Hãy để thân tộc của vua qua, người khác có thân tộc không?
Đáp: - Rất nhiều.
Hỏi: - Hãy để thân tộc của vua và của người khác qua, vậy còn có ai không?
Đáp: - Còn chính con.
Ma-Hê-Đà đáp: - Lành thay! Lành thay! Đại vương thông minh, tự biết thân mình chẳng phải là thân tộc của mình và của người khác.
Nhân đó, đại đức Ma-Hê-Đà nói rằng vị vua trí tuệ này có thể kiến thiết Phật pháp, nên thuyết giảng kinh Chú-la-ha tượng-thí-dụ (Cùhalatthipadopamasuttta). Vua và bốn vạn người cùng thọ ba quy y một lượt. Sau khi nghe pháp xong, sai người trở lại kinh đô để lấy thức ăn, vua suy nghĩ: Giờ này là phi thời, không phải lúc sa-môn ăn.
Khi thức ăn đã được đem đến, vua muốn ăn một mình nhưng vẫn do dự nên hỏi: - Thưa các đại đức! Quí vị có thọ trai không?
Đáp: - Giờ này không phải lúc Sa-môn chúng tôi thọ thực.
Hỏi: - Dùng giờ nào là thanh tịnh?
Đáp: - Thời gian từ sáng sớm đến giữa trưa là tịnh pháp.
Vua nói: - Thỉnh quí đại đức, cùng trẫm trở lại kinh đô.
Đáp: - Không được, chúng tôi ở lại đây.
Vua thưa: - Nếu quí đại đức ở lại, xin thỉnh đồng tử cùng đi.
Đáp: - Đồng tử này đã đắc đạo quả, thông hiểu Phật pháp, đang sắp xuất gia.
Vua đáp: - Như vậy, sáng mai con sẽ đưa xe đến nghênh đón.
Nói xong, vua đảnh lễ sát chân chư Tăng rồi từ giã. Vua đi chưa bao lâu, Ma-Hê-Đà gọi sa di Tu-Ma-Na:
- Lúc này nên thuyết pháp, con hãy thông báo sắp chuyển pháp luân.
Tu-Ma-Na thưa: - Con sẽ truyền âm thanh đến đâu?
Đáp: - Khắp nước Sư-tử.
Tu-Ma-Na thưa: - Lành thay, đại đức.
Sau khi nhập vào thiền thứ tư, rồi xuất định, với nhất tâm làm sao nhân dân khắp cả nước Sư-tử nghe tiếng nói của ta, vị này thông báo giờ thuyết pháp ba lần.
Nghe tiếng thông báo ba lần vang dội, vua sai người đến chỗ các vị đại đức hỏi có ai xúc phạm các vị làm cho phát ra tiếng vang lớn như vậy?
Các đại đức đáp: - Không ai xúc phạm cả, tiếng loan báo này là sắp thuyết giảng Phật pháp.
Nghe tiếng loan báo của sa di, địa thần rất hoan hỷ kêu lớn lên vang tận hư không. Trên hư không, chư thần tuần tự truyền cho nhau lên tận cõi Phạm-thiên. Nghe tiếng thông báo, chư thiên cõi Phạm tập họp lại hết.
Khi ấy, Ma-Hê-Đà thuyết kinh Bình-Đẳng-tâm (Samacittasuttanta). Sau khi thuyết giảng, có vô số chư thiên đắc đạo tích (dhammàbhisamaya); Ma-hầu-la-già, Ca-lâu-la... đều thọ ba quy y. Như ngày xưa, khi đại đức Xá-Lỵ-Phất giảng kinh Bình-Đẳng-Tâm có vô số người được đạo quả, bấy giờ đại đức Ma-Hê-Đà thuyết pháp này cũng được kết quả như vậy.
Qua đêm ấy, vào sáng hôm sau, vua đưa xe đến nghênh đón. Đến nơi, sứ giả thưa: - Bạch chư đại đức! Xe đã đến, xin quí ngài hạ cố lên xe.
Chư tăng đáp: - Chúng tôi không đi xe, các vị về trước, chúng tôi theo sau.
Sau khi nói như vậy, các vị ấy vượt qua hư không đến phía Đông kinh đô của nước A-nậu-la là trú xứ ngày xưa của chư Phật, hạ xuống. Tại nơi mà tăng đoàn Ma-Hê-Đà bước xuống được gọi là Trú-xứ đầu tiên (Pathamacetiyatthàna). Vua sai sứ giả nghênh đón các đại đức và ra lệnh các quan xếp đặt phòng xá. Nghe vua ra lệnh như vậy, các quan rất vui mừng, vua lại suy nghĩ: - Theo pháp đã thuyết hôm qua thì pháp của sa-môn là không được sự dụng chỗ nằm ngồi rộng lớn.
Vua tính toán chưa xong thì sứ giả đã trở về đến cửa thành. Trông thấy các đại đức đã có mặt tại phía Đông thành với y phục nghiêm trang, sứ giả rất vui mừng vào tâu vua: - Các đại đức đã đến.
Vua hỏi: - Các đại đức dùng xe phải không?
Đáp: - Quí ngài không chịu dùng xe. Chúng tôi về trước, các đại đức theo sau nhưng đã có mặt trước ở phía Đông thành.
Nghe sứ giả tâu, vua ra lệnh: - Không cần phải bố trí chỗ ngồi cao lớn, hãy trải chỗ ngồi bằng nệm êm trên đất.
Sau khi truyền lệnh, vua ra ngoài nghênh đón các vị đại đức. Các quan đại thần dùng các tấm len mịn trải trên nệm. Các thầy tướng trong nước thấy vua trải nệm trên đất nên suy nghĩ: Các sa-môn này đã chiếm cứ vùng đất này, vĩnh viễn không di chuyển được.
Đến nơi đón các đại đức, nhà vua làm lễ sát dưới chân, đem các vật ra cúng dường rồi thỉnh vào trong nước. Thấy các tấm nệm trải trên đất, nhóm đại đức Ma-Hê-Đà đều suy nghĩ: - Giáo pháp của chúng ta vĩnh viễn không di chuyển khỏi vùng đất này.
Sau khi các vị đại đức tuần tự an tọa theo thứ bậc, nhà vua đem các món ăn uống thơm ngon quí giá đích thân dâng lên cúng dường đầy đủ, được tin của vua báo, đại phu nhân tên A-Dật-La (Anulàdevì) cùng trong cung 500 phu nhân đều mang hương hoa đến dâng cho vua rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, vì đại chúng, đại đức Ma-Hê-Đà mưa trận mưa pháp bằng cách thuyết kinh Ngạ-quỉ Bổn-sinh (petavatthu), Cung-điện bản-sinh (Vimànavatthu) giảng pháp Tứ-đế (Saccasamyutta). Nghe thuyết xong, 500 phu nhân đều đắc đạo quả. Nhân dân trong nước mà trước đây có theo vua đi đến núi My-sa-ca (Missakapabbata) đều cùng truyền nhau khen ngợi công đức cao tột của các đại đức. Gần xa đều kéo đến chen lấn nhau với số lượng quá đông che kín không được thấy các đại đức nên mọi người kêu la vang dậy.
Vua hỏi: - Cái gì kêu lớn như vậy?
Đáp: - Nhân dân trong nước không được thấy các đại đức Tỳ-kheo nên kêu la vang dậy.
- Trong này quá chật hẹp, không thể vào được - Vua suy nghĩ như vậy rồi bảo các quan: - Hãy thu dọn trong nhà để voi lớn (hatthisàla), phủ cát trắng trên đất, rải hoa ngũ sắc, che các tấm màn và đưa quí đại đức vào an tọa ở đó. Sau khi bố trí xong, các quan vào tâu vua và sau đó các đại đức vào an tọa trong ngôi nhà voi rồi thuyết giảng kinh Thiên-Sứ, có ngàn người đắc đạo quả. Khi ấy, số người trong nhà voi lại tăng thêm nữa, nên pháp hội được di chuyển đến khu vườn Nan-đà (Nandanavana) ở ngoài cửa thành phía Nam. Các tấm nệm được trải ra trong vườn. Đến đó, các đại đức Tỳ-kheo thuyết giảng kinh Độc-Dụ, có ngàn người đắc đạo. Thuyết pháp từ ngày thứ nhất đến ngày thứ ba, có 2500 người đắc đạo-tích. Khi các đại đức ở trong vườn Nan-đà, có các phụ nữ trưởng giả trong nước đến làm lễ thăm hỏi từ sáng đến chiều.
Thấy các Tỳ-kheo đứng dậy, các quan ngạc nhiên hỏi: - Quí đại đức, định đi đâu?
Đáp: - Chúng tôi muốn trở về chỗ ở.
Các quan tâu vua: - Đại vương, các pháp sư định ra đi, ngài đồng ý không?
Vua liền thưa: - Quí đại đức! Trời đã tối, làm sao đi được, xin ở lại đây.
Các Tỳ-kheo đáp: - Không ở được.
Vua lại thỉnh: - Cha con có khu vườn tên My-già (Meghavana) không quá gần, quá xa nơi đây, quí ngài có thể ở lại đó để đi lại dễ dàng.
Theo lời mời của vua, các đại đức ở lại đó. Sáng sớm hôm sau, lại đến thăm hỏi các đại đức, sau khi làm lễ, nhà vua thưa:
- Đêm qua, quí ngài ngủ ngon không, sức khỏe như thế nào, có thể ở lại trong vườn này không?
Sau khi trả lời có thể ở được, các đại đức lại thuyết kệ pháp: Phật có dạy rằng ta cho phép các Tỳ-kheo sống trong vườn.
Nghe như vậy, vua rất vui mừng, cầm bình vàng đựng nước (Suvannabhinkàra) tự tay rót nước lên tay của tôn giả Ma-Hê-Đà. Khi ấy, khắp đất nước chấn động. Vua rất kinh sợ, hỏi:
- Thưa các đại đức! Vì sao mặt đất chấn động mạnh như vậy?
Ma-Hê-Đà đáp: - Đại vương, đừng kinh sợ, giáo pháp của đức Mười lực hưng thịnh ở đất nước này, chùa lớn sắp được xây dựng ở đây, nên mặt đất báo trước điềm lành bằng hiện tượng này.
Nghe như vậy, vua vui mừng vô cùng.
Vào sáng sớm, Ma-Hê-Đà và chúng tăng vào cung thọ thực. Sau đó, các vị cùng trở về vườn Nan-đà.
Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa
- Quyển thứ hai -
--- o0o ---
Quyển thứ ba
Vì dân chúng, quý đại đức thuyết giảng kinh Vô-thỉ-giới. Vào một ngày khác, quí đại đức thuyết giảng kinh Hỏa-tụ. Tuần tự như vậy cho đến bảy ngày, có tám ngàn năm trăm người đắc đạo quả. Từ khu vườn này, Phật pháp được lưu truyền quang minh rực rỡ nên có tên là vườn Quang-Minh (Jotivana).
Sau bảy ngày ấy, đến vương cung, thuyết kinh Không-lười-biếng (Mahàappamàdasutta) xong, các đại đức đến núi Chi-đế-da (Cetiyagiri).
Bấy giờ, vua bàn luận cùng các đại thần: - Các vị Tỳ-kheo này giáo hóa chúng ta làm cho được an trú vững chắc trong Phật pháp. Những vị đại đức ấy đã đi chưa?
Các quan tâu, chư tăng tự đến và ra đi, nên không thưa với đại vương?
Vua và hai phu nhân đi xe quí cùng ngàn vạn xe ngựa rầm rộ theo sau chúng tăng đến núi Chi-đế-da. Đến nơi, để đoàn xe ngựa lại, vua đích thân đến nơi các đại đức. Thấy vua mệt nhọc, hơi thở hào hển, Ma-Hê-Đà hỏi: - Đại vương, vì sao hơi thở mệt nhọc như vậy?
Vua thưa: - Các vị đại đức đã giáo hóa chúng con làm cho được an trú vững chắc vào giáo pháp, con vội muốn biết thời gian quí vị lên đường.
Đáp: - Chúng tôi không đi, vì muốn tiền an cư ba tháng.
Vua hỏi: - An cư ba tháng là thế nào?
Đáp: - Theo pháp của sa-môn là an cư ba tháng. Đại vương biết cho, chúng tôi không có trú xứ, mà ngày an cư đã sắp đến.
Khi ấy, cùng 55 người anh em đang đứng cạnh vua, một đại thần tên A-Lật-Trừu (Arittha) tâu: - Đại vương, chúng tôi muốn gia theo các đại đức.
Vua đáp: - Lành thay! Cho phép các vị xuất gia.
Sau khi được phép, những người này đến gặp đại đức Ma-Hê-Đà và được độ làm sa-môn, tóc chưa rơi hết xuống đất đã chứng quả La-hán.
Sau khi ra lệnh xây dựng 68 cái cốc đá (lena) ngay trước hang động chính (kantakacetiyangana), nhà vua trở về kinh đô.
Ngài Ma-Hê-Đà lại giáo hóa mười người anh em của vua làm cho họ tin tưởng vững chắc với Phật pháp. Các Tỳ-khưu an cư ba tháng hạ trong các cốc đá ở núi Chi-đế-da. Khi ấy, lại có 60 vị đắc quả La-hán (Sampadvàsatthi-62).
Sau ba tháng an cư, đến ngày mười lăm tháng chín (7, 8?) , tự tứ xong, các Tỳ-kheo thưa vua: - Mùa hạ đã qua, chúng tôi ở đây xa cách thầy mình đã lâu (Ciradittho no mahàràja sama-sambuddho), đang muốn trở lại đất Diêm-phù-lỵ để thăm viếng sư trưởng.
Vua đáp: - Con xin dâng bốn loại cúng dường đến pháp sư. Lại còn có những người khác nhờ pháp sư mà được thọ trì ba qui y, năm học giới, hiện nay vì sao quí ngài buồn ý?
Đáp: - Trước đây, chúng tôi sống dưới sự chăm nom của sư trưởng, ngày đêm cúng dường lễ bái, hiện nay ở đây không có thầy nên buồn rầu.
Nhà vua thưa: - Trước đây các đại đức nói đức Phật đã nhập Niết-bàn, bây giờ lại nói có thầy.
Các đại đức đáp: - Đức Phật tuy đã vào Niết-bàn nhưng xá-lị (sarìradhàtuyo) vẫn còn.
Vua thưa: - Con đã hiểu ý quí đại đức muốn con xây dựng tháp. Nếu như vậy, xin quí đại đức ch?n cho nơi hoàn hảo.
Nhà vua lại suy nghĩ: Địa điểm có thể chọn được nhưng làm sao có xá-lị?
Ma-Hê-Đà nói: - Nhà vua hãy tính toán cùng với sa di Tu-Ma-Na.
Vâng lời các đại đức, đến gặp sa di Tu-Ma-Na, nhà vua hỏi: - Thưa đại đức! Lúc này, làm sao con thỉnh được xá-lị của đức Như Lai?
Tu-Ma-Na đáp:- Lành thay đại vương! Chỉ cần sửa sang đường sá, quét dọn sạch sẽ, treo cờ và tràng phan, rãi hoa, đốt hương, trang hoàng thật đẹp, vua cùng thân quyến đều thọ trì tám giới, đem tất cả âm nhạc, voi của vua được trang sức với chuỗi ngọc, trên che lọng trắng, đi đến viên lâm Ma-ha-na-già (Màhànàgavanùyyàna) thì được xá-lị của Như Lai.
Vua khen ngợi: - Lành thay! Và làm theo lời dạy.
Các đại đức cùng đi đến núi Chi-đế-da. Đến nơi, Ma-Hê-Đà bảo sa di: - Lành thay! Này Tu-Ma-Na, con hãy đi vào đất Diêm-phù-lỵ, gặp vua A-Dục, tổ phụ của con-đem ý của ta, trình bày rằng bạn thân của đại vương là vua Thiên-Ái Đế-Tu nước Sư-tử đã tin Phật pháp, đang muốn xây tháp. Đại vương có xá lị, xin ban tặng vào lúc này. Khi được xá-lị rồi, con hãy lên cõi trời Đao-lỵ, nói với Đế thích (Sakka devarajànam) rằng ngài có hai xá-lị (Dve dhàtuyo) một là răng bên phải (dakkhinadàtha) để lại cho Đế-thích cúng dường, hai là xương vai phải (dakkhinakkhaka) thì đưa con đem về. Con lại hỏi Đế-thích là trước đây Ngài có nói cùng hộ vệ đi đến nước Sư-tử, sao nay lại an nhiên không đi?
Tu-Ma-Na thưa: Lành thay!
Sau khi vâng lệnh, Tu-Ma-Na mặc y mang bát, bay lên hư không, trong chốc lát hạ xuống trước cửa thành nước Ba-thát-lỵ-phất ở Diêm-phù-lỵ, vào gặp nhà vua tâu: - Đại vương Ma-Hê-Đà sai con đến...
Nghe nói lại sự việc xong, vua rất vui mừng và nhận lấy bát của sa di, dùng dầu thơm lau sạch bát rồi mở rương bằng bảy báu, lấy xá-lị màu trắng sáng như ngọc quí đặt vào đầy bát, trao cho sa di.
Nhận bát xá-lị, sa di đến cung trời Đế-thích.
Thấy sa di, Đế-thích thưa: - Đại đức Tu-Ma-Na! Có việc gì mà ngài đến đây?
Đáp: - Trước đây, thiên vương đã khuyến khích các đại đức đến nước Sư-tử mà đến nay thiên vương vẫn chưa đến.
Đế-thích đáp: - Con đến đó để làm việc gì?
Sa di hỏi: - Này Đế-thích! Ngài có hai xá-lị, một là răng bên phải thì để lại đây, hai là xương vai phải thì đưa cho tôi để cúng dường.
Sau khi khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Đế-thích lấy chìa khóa mở tháp bảy báu (manithùpa) cao rộng một do-tuần, lấy xá-lị trao cho Tu-Ma-Na...
Nhận xá lị xong, Tu-Ma-Na hạ xuống núi Chi-đế-da. Các đại đức tên Ma-Hê-Đà, Uất-Địa-Du, Uất-Đế-Du, Bạt-Đà-Sa, Tham-Bà-Lầu... đem xá lị của vua A-Dục ban cho tôn trí vào núi Chi-đế-da, xương vai thì được đưa đến viên lâm Ma-ha-na vào buổi chiều.
Trước đây lệnh sửa sang đường sá... của sa di, lúc này các việc đã hoàn tất. Nhà vua cỡi voi, tay cầm lọng trắng che trên xá-lị đi đến núi Chi-đế-da. Vua suy nghĩ: - Nếu đây là xá lị của đức Như Lai thì voi tự quì xuống, lọng trắng tự hạ, khiến cho xá-lị ngự trên đầu ta.
Vua nghĩ chưa xong voi quì sát đất lọng trắng tự hạ, hộp đựng xá-lị (dhàtucangotaka) ngự ngay trên đầu vua. Ngay khi ấy, thân thể khoan khoái như được uống cam lộ nên vua hỏi: - Thưa đại đức! Xá-lị ngự ngay trên đầu của con, phải làm sao đây?
Đáp: - Đặt trên đầu voi.
Bấy giờ, vua bưng hộp xá-lị đặt trên đầu voi. Được đội xá-lị, voi rất sung sướng, cất tiếng rống lên để cúng dường xá-lị. Trên không trung, nổi mây tuôn mưa, thích ứng tùy loại chúng sinh, mặt đất chấn động cho đến tận thủy biên. Thấy xá-lị của Phật đã đến vùng biên địa, trời, rồng, quỉ thần rất hoan hỷ, nói kệ:
Xá-lị của Như Lai,
Từ Đao-lỵ giáng hạ,
Như mặt trăng tròn sáng,
Đến giáo hóa biên địa.
Ngự yên trên đầu voi,
Voi rống lên cúng dường.
Khi ấy, vây quanh voi, âm nhạc tuyệt diệu được tấu lên để cúng dường xá-lị. Quay lưng về hướng Đông, voi quay mặt đi về phía Tây, đến cửa thành thì vào ngay trong thành. Trong thành, nhân dân cung kính cúng dường, ra khỏi thành phía Nam, đi vòng theo hướng Tây về vườn tháp (Thùpàràma), đến chỗ đất được chọn (Pahecivatthu) ở vườn tháp, nó đứng xoay lại (về hướng Đông). Ngay trong vườn tháp này, thời quá khứ có tôn trí xá-lị của ba đức Phật. Thời xưa, nước Sư-tử tên là đảo Âu-xà (ojadìpa), nước tên Vô-úy (Abhayapura), vua hiệu Vô-Úy (Abhaya), núi Chi-đế-da tên là Đề-bà-cưu-thát (Devakùtapabbata). Khi ấy, vườn tháp này tên là vườn Ba-lỵ-da (patiyàràma). Bấy giờ, đức Phật Cưu-Lưu-Tôn (Kakusandha) xuất hiện ở thế gian. Vị Thanh-văn của đức Phật này tên là Ma-Ha-Đề-Bà (Mahàdeva) cùng với 1000 Tỳ-kheo đến cư trú ở Đề-bà-cưu-thát, cũng như Ma-Hê-Đà trú ở núi Chi-đế-da. Bấy giờ, chúng sinh ở đảo Âu-xà bị khổ não vì nhiễm bệnh. Dùng thiên nhãn quán sát, thấy chúng sinh có khổ não như vậy, Phật Cưu-Lưu-Tôn cùng với bảy vạn Tỳ-kheo đi đến đảo Âu-xà, diệt trừ các tật bệnh. Sau khi diệt các bệnh, Như Lai thuyết pháp cho nhân dân trong nước, có tám vạn bốn ngàn người được đạo quả. Sau đó, Như Lai để lại bình lọc nước (dhamamakaraka) trong nước này rồi trở về nước cũ. Nhân dân xây tháp và tôn trí bình lọc nước ấy trong tháp, gọi là Ba-lỵ-da. Ma-Ha-Đề-Bà rải hoa cúng dường và cùng nhân dân ở lại nước này.
Vào thời Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ny (konàgamana), đảo Sư-tử này tên là đảo Bà-La (varadìpa), nước tên Bạt-xà-ma (Vaddhamàna), vua hiệu Sa-diệt-địa (Samiddha); núi Chi-đế-da tên Kim-đỉnh (Suvannakùta). Khi ấy, nước Ba-la bị hạn hán mất mùa nặng nề, tất cả chúng sinh bị đói kém rất khổ não. Quán sát thế gian với thiên nhãn, thấy sự đói khổ ở đảo Bà-la, đức Phật Như Lai Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni cùng 1000 Tỳ-kheo đi đến đảo này. Nhờ thần lực của Phật nên trời đổ mưa, ngũ cốc sung túc. Sau đó, vì nhân dân trong nước, Phật thuyết pháp làm cho tám vạn bốn ngàn người đắc đạo quả. Phật để lại Tỳ-kheo Tu-Ma-Na (Mahasumana) cùng tăng chúng 1000 vị và dây thắt lưng (kàyabandhana) của Ngài. Sau khi Như Lai cùng đại chúng trở về nước cũ, mọi người xây tháp, tôn trí dây thắt lưng của Ngài vào tháp để thờ phụng cúng dường.
Vào thời Phật Ca-Diếp (Kassapa), đảo Sư-tử tên là Mạn-đà (Mandapipà); nước tên Tỳ-Sa-La (Visàla); vua tên Chi-Diễn-Na (Jayanta); núi Chi-đế-da tên Tu-bà-cưu-thát (Subhakùta). Bấy giờ, tại đảo Mạn-đà có chiến tranh lớn làm cho nhiều chúng sinh bị khổ não. Quán sát thế gian bằng thiên nhãn, thấy đảo Mạn-đà đang bị khổ não lớn, Như Lai cùng hai vạn Tỳ-kheo đến đảo này. Nhờ năng lực của Phật, chiến tranh được chấm dứt. Vì nhân dân, đức Phật thuyết pháp vi diệu, có tám vạn bốn ngàn người đắc đạo-tích... Phật để lại một Tỳ-kheo tên Tát-Bà-Nan-Đà ( Sabbananda) cùng 1000 Tỳ-kheo và chiếc y tắm (Udakasàtika). Nhân dân trong nước xây tháp lớn, tôn trí chiếc y tắm của Phật vào tháp để thờ phụng cúng dường. Đó là những tên gọi của vườn tháp. Vào thời ba đức Phật quá khứ, nơi này đều được chọn để xây tháp. Nhưng ba cõi vô thường, nay chỉ còn vùng đất trống. Ngay tại nền tháp cũ, chư thiên đã trồng nhiều loại cây gai. Vì sao? Để ngăn ngừa sự ô uế.
Khi ấy, voi lớn đội xá-lị, tự nhiên đi đến ngay nền tháp cũ. Vua và dân chúng chặt phá gai góc làm cho chỗ này phẳng như bàn tay. Đến phía Bắc nền tháp cũ, tại chỗ cây Bồ đề (Bodhirukkhatthàna) voi đứng lại hướng về phía tháp. Muốn đưa xá-lị xuống nhưng voi không chịu. Vua hỏi Ma-Hê-Đà: - Thưa đại đức! Làm sao thỉnh xuống?
Đáp: - Không thể đưa xuống ngay, trước tiên vua phải xây nền cao đến đỉnh đầu voi, mới đưa xuống được.
Khi ấy, mọi người cùng nhau đắp nền móng đất. Trong suốt ba bốn ngày voi vẫn đội xá-lị đứng yên. Sau khi làm nền, vua lại bạch: - Đại đức, tháp có hình gì?
Ma-Hê-Đà đáp: - Như hình đống lúa.
Vua khen ngợi và xây một tháp nhỏ ngay trên nền tháp rồi cúng dường bằng nhiều cách để chuẩn bị đưa xá-lị xuống. Nhân dân cả nước đem theo hương hoa âm nhạc đến để chiêm bái xá-lị.
Khi mọi người đã tập họp đến, từ đỉnh đầu voi, xá-lị bay lên hư không cao bảy cây Đa-la, hiện ra nhiều sự biến hóa với năm màu ròng, khi tuôn nước, khi phun lửa, hoặc biến hiện đồng thời không khác gì thần lực của Thế Tôn thị hiện ở cây Kiền-thát-am-bà (Gandambamùla) khi Ngài còn tại thế. Đây không phải là thần lực của Ma-Hê-Đà và chư thiên. Vì sao? Lúc còn tại thế, Như Lai có lệnh cho xá-lị rằng sau khi Ta diệt độ, hãy đến nước Sư-tử, khi vào vườn tháp thì hiện ra các thần lực.
Do lệnh của Như Lai nên lúc này xá-lị hiện ra như vậy.
Pháp sư nói rằng có bài kệ:
Phật vượt trên nghĩ bàn.
Giáo pháp cũng như vậy.
Nếu ai có tín tâm,
Công đức không nghĩ, bàn.
(Evam acintiyà Buddhà, buddhadhammà acintiyà, acintiyesu pasannànam vipàko hoti acintiyo).
Đức Thích-Ca Như Lai đã đến đảo Sư-tử này ba lần. Lần thứ nhất, sau khi giáo hóa dạ xoa, Ngài ra sắc lệnh: Sau khi Ta niết-bàn, xá-lị của Ta an trụ ở nơi này. Lần thứ hai, giáo hóa Long vương và cháu trai. Hai lần này, Như Lai đến một mình. Lần thứ ba có một trăm Tỳ-kheo tùy tùng, đến Ma-ha Chi-đế-da, vườn tháp, nơi cây Bồ đề, chỗ Già-bà -tỳ-căn-na-la-ny thuộc phía Đông vùng đất Già-na (Mutiyangana, Dìghavàpi, kalyàni-cetiyatthàna) Như Lai nhập định. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, lần thứ tư, xá-lị đến là lần cuối. Nhân dân cả nước nhờ vào lượng nước do thần lực xá-lị tuôn ra mà không còn bị đói khát. Khi ấy, mọi người đều thấy xá-lị từ không trung hạ xuống, rồi ngự trên đầu vua. Được xá-lị ngự trên đầu, với suy nghĩ: Ta được làm thân người có lòng tin vững chắc, vua cúng dường trọng thể rồi tôn trí xá-lị vào tháp. Khi ấy, mặt đất chấn động sáu cách. Bấy giờ, có vương đệ tên Vô-Úy cùng 1000 người đều xuất gia, 500 đồng tử ở trung tâm đất nước cũng xuất gia, lại có 500 đồng tử khắp nước cũng xuất gia. Như vậy tăng dần lên có đến ba vạn người xuất gia.
Sau khi đại tháp được xây dựng xong, đại phu nhân cùng em gái vua, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà cùng nhau cúng dường.
Sau lễ cúng dường, Ma-Hê-Đà trở về vườn Ma-già ( Meghavanùyyana). Nghe A-Nậu-La (Anulà) tâu rằng muốn xuất gia, vua buồn bã thưa với Ma-Hê-Đà: - Đại đức! Phu nhân A-Nậu-La muốn xuất gia, xin ngài tế độ cho.
Ma-Hê-Đà đáp: - Sa-môn chúng tôi không được độ người nữ. Tôi có em gái tên Tăng-Già-Mật-Đa đang ở nước Ba-thát-lỵ-phất, hãy đến đó thỉnh sang. Cây Bồ đề của ba vị Phật thời quá khứ đều được đem đến trồng ở nước này. Hiện nay, cũng nên trồng cây Bồ đề của Bổn-sư chúng tôi ở đây. Thế nên, đại vương nên sai sứ giả đến gặp vua A-Dục cầu Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Đa và thỉnh cây Bồ đề đến trồng ở đây.
Khen ngợi chấp thuận lời dạy này, vua gọi các đại thần cùng nhau bàn luận. Vua bảo người cháu trai:
- Cháu có thể đến nước Ba-thát-lỵ-phất ở Diêm-phù-lỵ, thỉnh Tăng-Già-Mật-Đa và nhận lấy cây Bồ đề không?
Người cháu đáp: - Xin vâng, con sẽ đi nhưng nhà vua phải cam kết trước là cho phép con được xuất gia, bằng không con xin ở lại.
Vua đáp:- Lành thay! Nếu được Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Đa và cây Bồ đề đến đây thì ta sẽ cho phép cháu xuất gia.
Người cháu vua trước tiên nhận lời dạy bảo của Ma-Hê-Đà, rồi vâng lệnh vua. Ma-Hê-Đà dùng thần thông làm cho A-Phiêu-Xoa cháu nhà vua đến cảng Câu-la ở Diêm-phù-lỵ (Jambukolapattana) rồi từ đó đi thuyền vượt biển đến nước Ba-thát-lỵ-phất chỉ trong một ngày.
Khi ấy, phu nhân A-Nậu-La cùng 500 đồng nữ và 500 người cung nữ của vua đều thọ mười giới (dasa-sìlàni), mặc y ca-sa, ra khỏi thành, xây dựng khu nhà cư trú riêng ở bên thành.
Đến nơi, A-Phiêu-Xoa tâu vua: - Con trai của đại vương là Ma-Hê-Đà ra lệnh cho thần đến đây, thưa như thế này bạn thân của đại vương là Thiên-Ái Đế-Tu có phu nhân tên A-Nậu-La muốn xuất gia nhưng không có thầy tế độ. Xin đại vương ban cho Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Đa và cây Bồ đề (Mahàbodhi).
Sau khi truyền lại lệnh của Ma-Hê-Đà, sứ giả đến gặp Tỳ-kheo ny thưa: - Đại đức! Anh của ngài là Ma-Hê-Đà sai con đến đây nói rằng phu nhân của vua Thiên-Ái Đế-Tu là A-Nậu-La cùng 500 đồng nữ và 500 cungnữ thân quyến cùng muốn xuất gia, nay thỉnh đại đức làm thầy tế độ, xin ngài đến ngay.
Nghe tin của anh mình, Tỳ-kheo ny vội vàng đến gặp nhà vua tâu rằng: - Đại vương! Anh con báo tin phu nhân vua Thiên-Ái và các người nữ khác muốn xuất gia hành đạo, thỉnh con làm thầy tế độ. Họ đang đợi chờ nên con muốn đi, xin thưa cho đại vương biết.
Vua đáp: Sau khi Ma-Hê-Đà anh con và cháu Tu-Ma-Na ra đi, ta như người bị chặt mất tay chân. Đã lâu, ta không còn gặp hai người ấy nên ngày đêm tâm tư buồn bã. Gặp mặt con, ta cũng tạm vui, giờ đây con lại ra đi, chắc ta phải chết, thôi con đừng đi.
Tăng-Già-Mật-Đa đáp: - Đại vương! Tin tức của anh con rất quan trọng không thể không làm. Sát-lỵ phu nhân A-Nậu-La rất muốn xuất gia, đang đợi con; thế nên con phải đi đến đó.
Vua nói: - Nếu tin tức của anh con quan trọng như vậy thì con nên đi cùng với cây Bồ đề (Mahàbodhim gahetvà gacchàmi).
Tăng-Già-Mật-Đa thưa: - Cây Bồ đề đang ở đâu?
Đáp: - Đang ở chỗ A-lan-nhã.
Trước tiên vua có ý chiết cây Bồ đề, nhưng không được dùng dao chặt thì làm sao lấy được, phân vân không biết tính sao, nên hỏi đại thần Đề-Bà.
Đề-Bà đáp: - Các đại đức Tỳ-kheo tất biết rõ.
Sau khi khen ngợi, vua thỉnh chư tăng thọ trai. Sau bữa ăn, vua thưa các Tỳ-kheo: - Có thể truyền cây Bồ đề của Như Lai sang nước Sư-tử (Lankàdì) không?
Chúng tăng đề cử Mục-Kiền-Liên Đế-Tu trả lời vì tôn giả biết rõ việc này.
Tôn giả đáp: - Cây Bồ đề có thể sang nước Sư-tử. Vì sao? Khi còn tại thế, Như Lai đã đưa ra năm sắc lệnh. Khi sắp vào Niết-bàn, nằm trên bảo sàng, Phật ra lệnh rằng:
1- Trong tương lai, có vua A-Dục chiết cây Bồ đề đưa sang nước Sư-tử, lấy cành cây Bồ đề ở hướng Nam đem đi, không cần dùng dao chặt mà tự nhiên đứt ra, rồi vào bồn bằng vàng.
2- Nếu đúng là cây Bồ đề của Ta thì sau đó rời khỏi bồn bay lên hư không và đi vào trong mây.
3- Sau khi vào trong mây và ở đó bảy ngày, cây tự nhiên hạ xuống, ở yên trong bồn bằng vàng (suvannakatàha), phát triển tươi tốt phủ lá, kết trái. Lá cây màu vàng ròng với nhiều hiện tượng xẩy ra không thể nói hết.
4- Cây Bồ đề sang nước Sư-tử thì có thể trồng được. Khi bắt đầu trồng thì có nhiều hiện tượng thần thông hiện ra.
5- Khi một đấu xá-lị của Ta (donamatta-dhàtuyo) đến nước Sư-tử thì hiện ra tướng hảo của Ta như còn tại thế với 32 tướng bậc đại nhân, 80 vẻ đẹp, ánh sáng rực rỡ hơn cả nhật nguyệt.
Nghe năm sắc lệnh này, vua rất vui mừng, đi bộ từ nước Ba-thát-lỵ-phất đến chỗ cây Bồ đề, đem theo nhiều vàng ròng.
Vị trời thợ giỏi của Thiên Đế-thích tên là Tỳ-xá (Vissakammadevaputta) biết được ý vua nên hóa thành thợ rèn đứng cạnh vua. Vua bảo: - Này thợ rèn! Hãy đem vàng này làm thành cái bồn.
Người thợ hỏi: - Đại vương! Bồn lớn cỡ nào?
Vua đáp: - Đây là nghề của ngươi, hãy tự biết lấy.
Thợ thưa: - Lành thay! Thần sẽ làm ngay.
Nhận vàng, với thần thông, thợ dùng tay nặn ra cái bồn vàng chu vi chín khuỷu tay (hattha), cao chừng năm khuỷu tay, dày tám tấc. Miệng bồn được viền tròn như vòi voi chúa.
Khi ấy, vua A-Dục thống lĩnh đại chúng với ngàn xe vạn ngựa, dài bảy do tuần, rộng ba do tuần, trang bị cờ xí (dhajapatàka) rợp trời, các loại trân bảo, hoa hương chuỗi ngọc, vang lừng âm nhạc, cùng các vị Tỳ-kheo đưa nhau ra khỏi nước đi đến vây quanh cây Bồ đề. Với ngàn vị tiểu quốc vương chung quanh, vua A-Dục ở giữa đứng nghênh đón cây Bồ đề. Nhà vua và mọi người cùng chiêm ngưỡng đại thọ Bồ đề và cành phía Nam. Khi ấy, cây hiện thần lực làm cho cả cây biến mất chỉ còn hiện ra một cành dài bốn khuỷu tay. Thấy thần lực của cây như vậy, nhà vua rất hoan hỷ nên đem tất cả đất đai ở cõi Diêm-phù và vương phục anh lạc, hương hoa, các vật để cúng dường và đảnh lễ khắp tám hướng cây Bồ đề. Nhà vua lại lễ bái, dâng vương vị khắp cả cõi Diêm-phù-lỵ cho cây Bồ đề.
Sau khi lễ bái, vua bạch với chư tăng với lời thệ nguyện: - Nếu con được phép lấy nhánh cây Bồ đề đưa sang nước Sư-tử thì cây Bồ đề hiện ra như cũ cùng với cành phía Nam.
Sau khi làm tòa sư tử bằng bảy báu và tôn trí bồn vàng trên tòa, vua A-Dục lên tòa cao, tự cầm bút vẽ với bột đá hùng hoàng (Suvannatulikam gahetvà manosilàya lekhamkatvà), phát lời thệ nguyện: Nếu cây Bồ đề chấp thuận việc đi sang nước Sư-tử với tín tâm của con thì cành đại thọ Bồ đề tự nhiên rơi vào trong bồn vàng.
Khi vua phát nguyện này, cây hiện lại như xưa. Dùng bột thơm làm đất đặt đầy trong bồn vàng, vua cầm bút vẽ mười nét lên chỗ cong của cành cây. Chín nét để mọc rễ ra, nét thứ mười để cành cây rời ra. Rễ cây dài bốn tấc và có nhiều rễ con đan vào nhau như mạng lưới. Cành lớn dài mười khuỷu tay và có năm nhán đều dài bốnkhuỷu tay và có năm trái cùng hàng ngàn nhánh nhỏ. Thấy thần thông của cây Bồ đề như vậy, vua rất hoan hỷ cùng nhau hướng về cây, lớn tiếng khen ngợi. Chư tăng tụng kệ, các tiểu vương tùy tùng và mọi người đều reo hò khen ngợi. Địa thần kinh ngạc kêu vang lớn tiếng. Âm thanh vang tận hư không, truyền dần như vậy cho đến cõi Phạm thiên.
Khi ấy, tự nhiên cành cây rời khỏi thân cây chính rồi rơi vào bồn bằng vàng và mọc ra trăm rễ, ăn tận đáy bồn. Lại có mười rễ xuyên qua đáy bồn, 90 rễ nhỏ mọc ra chung quanh, phát triển suốt ngày đêm. Đồng thời, mặt đất chấn động sáu cách; trên hư không chư thiên tấu các loại âm nhạc; núi rừng cây cỏ đều rung động mạnh như người đang múa; chư thiên vỗ tay; dạ xoa quỉ thần đều cười vui vẻ; vua A-tu-la thổi ốc ca ngợi (Thutịappa); Phạm vương hoan hỷ; sấm chớp vang lừng cả hư không; các thú bốn chân kêu rống chạy loạn xạ; chim chóc kêu vang bay rộn rã, vua A-Dục cùng các tiểu vương cùng nhau tấu âm nhạc. Những âm thanh này vang lên tận cõi Phạm thiên. Bấy giờ, trái Bồ đề phát ra hào quang sáu màu chiếu sáng cả thế giới Ta-Bà (Cakkavàla), tận cõi Phạm thiên. Cây Bồ đề bay lên hư không, đứng yên trong bảy ngày. Sau bảy ngày, đại chúng chỉ thấy hào quang chứ không thấy bồn vàng và cây.
Bước xuống khỏi tòa Sư-tử bảy báu, vua cúng dường cây Bồ đề trong bảy ngày. Sau bảy ngày, cây lại phóng ánh sáng khắp thế giới Ta-bà, chiếu lên tận cõi Phạm thiên rồi xoay trở lại. Trên hư không, các đám mây đều sáng rực trong suốt. Từ trên hư không, thân cây Bồ đề như ngọc anh lạc với hoa trái sum suê hạ xuống bồn vàng. Thấy cây đã vào trong bồn, vua rất hoan hỷ, lại đem cả cõi Diêm-phù-lỵ cúng dường đến cây Bồ đề nhỏ suốt bảy ngày.
Ngày tự tứ mười lăm tháng tám, vào buổi chiều cây Bồ đề hạ xuống bồn vàng. Bảy ngày sau, cây vọt lên hư không và ở đó bảy ngày rồi hạ xuống bồn vàng. Nhà vua đem cả cõi Diêm-phù-lỵ dâng cho cây Bồ đề làm vua suốt bảy ngày, vào ngày chúng tăng bố tát mười lăm tháng chín, trong một ngày, từ nơi phát sinh, cây Bồ đề nhỏ được đưa đến phía Đông thành Ba-thát-lỵ-phất, ngự yên dưới cây Sa-la và phát triển rậm rạp. Thấy như vậy, vua rất hoan hỷ, lại đem cả cõi Diêm-phù-lỵ dâng lên, lễ bái phong cây Bồ đề làm vua.
Sau khi cúng dường, vua thưa với Tăng-Già-Mật-Đa: - Đã đến lúc lên đường.
Đáp: - Lành thay! Thưa đại vương.
Vị này cùng tám bộ quỉ thần hộ tống cây Bồ đề, tám hạng đại thần, tám hạng Bà-la-môn, tám hạng cư sĩ, tám hạng người cụ-ba-già, tám người lộc-la-xa, tám người ca-lăng-già (attha bràhmanakulàni, attha kutumbikakulàni, attha gopakakulàni, attha taracchakulàni, attha kàlingakulàni). Nhà vua ra lệnh đưa theo tám bình đựng vàng, tám bình đựng bạc, chở theo nước để tưới cây Bồ đề. Sau khi mọi việc đã được thực hiện đúng theo lệnh, vua cùng đại chúng tuần tự hộ tống cây Bồ đề ra đại lộ với sự cúng dường ngày đêm của trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la đi đến cảng Đa-Ma-Tiêu (Tàmalitthi). Đến nơi, vua đích thân bưng cây Bồ đề bước xuống, lúc nước ngập đến cổ thì đưa lên cho Tăng-Già-Mật-Đa trên thuyền.
Vua bảo với A-Phiêu-Xoa (Arittha): -Này A-Phiêu-Xoa! Tại nước này, ta đã ba lần đem đất Diêm-phù-lỵ dâng lên và phong vương cho cây Bồ đề. Đích thân ta đội cây Bồ đề đi xuống nước đến tận cổ để đưa lên thuyền. Ta ra lệnh cho khanh, nếu cây Bồ đề đến quý quốc, khanh hãy tâu với vua khanh phải đích thân lội xuống nước đến tận cổ để đón nhận cây Bồ đề và đội trên đầu, tổ chức các nghi thức cúng dường như ta đã làm.
Sau khi nhà vua ra sắc lệnh, thuyền rời bến. Khi ấy, vùng biển chung quanh thuyền một do tuần không có sóng, vua suy nghĩ: Cây Bồ đề của Phật đang rời khỏi nước ta.
Khi suy nghĩ như vậy, vua rơi nước mắt ướt cả cổ. Thuyền đã đi rồi, vua trông theo, thấy từ nước biển có nhiều loại hoa hiện ra theo sau thuyền để cúng dường xá-lị. Trên hư không, các loại hoa rơi xuống và vang lừng tiếng nhạc cúng dường. Thần biển lại dâng các loại hoa hương để cúng dường cây Bồ đề. Sự cúng dường kế tiếp như vậy truyền tận đến cung long vương (nàgabhavana). Long vương muốn ra ngoài để chiếm lấy cây Bồ đề. Để bảo vệ, Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Đa hóa ra vua Kim-sí-điểu.
Thấy thần lực của Tỳ-kheo ny như vậy, Long vương đảnh lễ sát chân, thưa: - Lúc này, con muốn thỉnh cây Bồ đề và đại đức đến cung điện của con để được cúng dường bảy ngày.
Nhân đó, cây Bồ đề và đại chúng đều vào Long cung. Long vương đem vương vị của mình dâng lên cho cây Bồ đề và cúng dường suốt bảy ngày. Vào ngày mồng một tháng mười, long vương đích thân đưa cây Bồ đề đến bến cảng Diêm-phù-câu-na-vệ (Jambukolap ttana), chỉ trong một ngày.
Vua A-Dục trông theo, khi không còn thấy cây Bồ đề thì khóc lóc trở về.
Khi ấy, theo lời dặn trước đây của sa di Tu-Ma-Na, vua Thiên-Ái ra lệnh sửa sang đường sá, quét sọn sạch, dựng cờ phướn và các vật cúng dường. Từ cổng thành phía Bắc đến cảng Câu-na-vệ, đất thẳng như bàn tay đang chờ đợi cây Bồ đề đến. Dùng thần lực, Tăng-Già-Mật-Đa làm cho trong thành vua trông thấy cây Bồ đề đang đi đến. Nhà vua ra khỏi thành, tung rãi năm màu hoa khắp nơi, tấu các loại âm nhạc và chỉ trong một ngày đi đến tận cảng Câu-na-vệ.
Lội xuống nước đến tận cổ, nhà vua suy nghĩ: - Cây Bồ đề của Phật đã đến nước ta rồi.
Vua đang suy nghĩ thì cây Bồ đề phóng ra hào quang sáu màu. Thấy như vậy, rất hoan hỷ, nhà vua liền đội cây Bồ đề trên đầu. Cùng với vua, có mười sáu người quí tộc kỳ cựu (Solasa jàtisampannakulàni) cung nghinh cây Bồ đề đem lên bờ. Suốt ba ngày, vua đem cả đảo Sư-tử cúng dường cây Bồ đề. Hết ba ngày, đến ngày thứ tư, mười sáu người quí tộc biết rõ quốc sự đội cây Bồ đề tuần tự đi đến nước A-dật-la-đà. Đến nơi, nhân dân cả nước vui mừng cùng nhau lễ bái cúng dường.
Đến ngày 14 tháng 10, từ cửa phía Bắc, cây Bồ đề đi vào trung tâm thành phố, rồi đi ra bằng cửa phía Nam. Cách cửa thành phía Nam 500 cung (dhanu) là nơi đức Như Lai từng nhập định. Chẳng những chỉ có đức Phật Thích-Ca Mâu-Ny mà chư Phật quá khứ cũng từng nhập định ở đây. Cây Bồ đề của Phật Câu-Na-Vệ tên là Ma-ha-sa-lỵ-bà (mahàsirìsabodhi). Cây Bồ đề của Phật Câu -Na-Hàm tên Ưu-đàm-bát (Udumbabocdhi). Cây Bồ đề của Phật Ca-Diếp tên Ny-câu-đà (Nigrodhabodhi). Tại vườn Di-già, sa di Tu-Ma-Na ra lệnh xây dựng nền khu vườn và bố trí phòng ốc, xếp đặt nơi trồng cây Bồ đề, sửa sang đàng hoàng cung thất để vua trú ngụ.
Khi ấy, mặc tước phục của vua ban, mười sáu người quí tộc cùng hộ tống cây Bồ đề đến trồng ngay trước cửa cung vua. Vừa đặt xuống, cây bay lên hư không cao tám mươi khuỷu tay chiếu ra hào quang sáu màu, sáng rực cả nước Sư-tử, lên tận cõi Phạm-thiên. Thấy các hiện tượng biến hóa của cây Bồ đề như vậy, mọi người rất vui mừng, cả vạn người cùng phát tâm niệm Phật, tuần tự chứng quả A-la-hán, cùng nhau xuất gia.
Ánh sáng mặt trời chưa tắt thì cây vẫn còn trên hư không. Sau khi mặt trời lặn, cây Bồ đề như chòm sao chổi (Rohininakkatta), từ hư không hạ xuống đất. Và mặt đất chấn độnh mạnh.
Ma-Hê-Đà cùng Tăng-Già-Mật-Đa với nhà vua và nhân dân đều tập trung đến cây Bồ đề. Trông thấy nhánh phía Bắc có một trái chín đang rời khỏi thân cây, mọi người lấy dâng cho Ma-Hê-Đà. Ma-Hê-Đà lấy hạt đưa cho vua để trồng. Nhận lấy hạt, vua đặt vào trong bồn vàng giữa đất tốt và phủ bột thơm lên. Trong khoảnh khắc, hạt mọc ra tám cây con cao bốn khuỷu tay. Thấy như vậy, vua kinh ngạc khen ngợi, lấy lọng trắng che ở trên, lễ bái tôn cây Bồ đề nhỏ làm vua.
Vua trồng một cây con ở cảng Diêm-phù-câu-na-vệ, một cây ở trong thôn Bà-la-môn, Bạc-câu-la (tavakkabràhmana), một cây ở cửa Thu-tiêu, một cây trồng trong vườn tháp, một cây trồng ở chùa Ma-ê-thủ-la (Íssaranimmà avihàra), một cây trồng ở trung tâm núi Chi-đế-da (cetiyapabbata), một cây trồng ở thôn Lâu-ê-na (Rohanajanapada), một cây trồng ở thôn Giai-la (Kàtaragàma). Bốn trái còn lại trên cây, tuần tự chín rụng xuống và mọc ra 32 cây con đều được trồng khắp một do tuần chung quanh khu vườn tháp. Như vậy cây Bồ đề được trồng khắp cả nước Sư-tử. Nhờ vào cây Bồ đề nên khắp đất nước này được an ổn không có tai họa.
Bấy giờ, phu nhân A-Nậu-La cùng 1000 người nữ đến gặp Tăng-Già-Mật-Đa và được vị này độ cho thành Tỳ-kheo ny. Sau khi được độ, các vị này tuần tự chứng quả A-la-hán. A-Phiêu-Xoa cháu của vua cùng 500 người cùng xuất gia và sau đó tuần tự chứng quả A-la-hán.
Một hôm, vua cùng Ma-Hê-Đà đi lễ cây Bồ đề, đến thiết-điện (lohapàsàdatthàna). Nhân dân dâng hoa lên vua, vua cúng dường hoa cho Ma-Hê-Đà pháp sư. Sau khi nhận hoa, pháp sư cúng dường thiết-điện. Khi hoa rơi xuống đất, mặt đất chấn động. Thấy đất chấn động, vua hỏi: - Thưa đại đức! Vì sao đất này bỗng nhiên chấn động?
Đáp: - Đại vương! Tương lai, chư tăng sẽ thuyết giới ở điện này, thế nên đất hiện ra điềm lành ấy.
Tiếp tục đi đến vườn xoài, có người dân lên vua trái xoài thơm ngon. Nhà vua đem cúng dường cho Ma-Hê-Đà. Sau khi dùng, Ma-Hê-Đà đưa hạt cho vua và bảo đem trồng. Vua trồng ngay và tưới nước lên đất. Mặt đất lại chấn động. Vua hỏi: - Vì sao mặt đất chấn động?
Đại đức đáp: - Tương lai, tăng chúng sẽ tập trung ở đây nên đất hiện ra điềm lành ấy (pubbanimitta).
Sau khi rãi hoa khắp tám phương làm lễ, vua tiếp tục đi đến Chi-đế-da (mahàcetiyatthàna). Có người dâng hoa Chiêm-bặc (Campakapuppha) lên vua. Vua dâng hoa và làm lễ tại chỗ Ma-Hê-Đà. Vừa lễ xong, mặt đất lại chấn động. Vua hỏi: - Vì sao mặt đất chấn động?
Đáp: - Tương lai, tại nơi này sẽ xây dựng tháp thờ Như Lai nên đất hiện ra điềm lành ấy.
Vua thưa: - Con sẽ xây tháp.
Ma-Hê-Đà đáp: - Vua không phải xây vì ngài có nhiều việc phải làm. Trong tương lai, có cháu ngài là Mộc-Xoa-Già-Ma-Ni A-Bà-Da (Dutthagàmini Abhaya) sẽ xây đại tháp.
Vua hỏi: - Thưa đại đức! Công đức xây tháp của con cháu của con, con có được hưởng không?
Đáp: - Không được!
Vua lại tạo điều kiện để góp phần công đức bằng cách dựng một trụ đá cao 12 trượng và khắc trên trụ: Trong tương lai, cháu của ta tên Mộc-Xoa-Già-Ma-Ni A-Bà-Da sẽ xây đại tháp tại đây.
Vua lại thưa hỏi: - Hiện nay, Phật pháp đã đâm rễ vững chắc vào nước Sư-tử chưa?
Ma-Hê-Đà đáp: - Chưa!
Hỏi: - Đến bao giờ?
Đáp: - Nếu người dân nước Sư-tử xuất gia cha mẹ họ là người nước Sư-tử, nên không lẫn với người nước khác. Sau khi xuất gia, họ sẽ giữ gìn pháp tạng và luật tạng. từ đó về sau, Phật pháp mới đâm rễ vững chắc vào nước Sư-tử.
Được vua hỏi cho rõ thêm, đại đức đáp: - A-Nổ-Xoa cháu vua xuất gia làm Tỳ-kheo. Vị này đối với Phật pháp rất tinh tấn dũng mãnh.
Vua lại hỏi: - Lúc này, con phải làm gì?
Đáp: - Nên làm nhà tập họp (Mandapa) của chúng tăng.
Vua đáp: - Lành thay!
Bấy giờ, nhà vua có đại thần tên Di-Già-Bàn-Trà (Meghavannàbhaya). Tại chỗ ở của vị này, ngôi nhà tập họp được dựng lên giống như cung điện của vua A-Xà-Thế. Nhờ vào uy đức của vua, ngôi nhà đã hoàn tất với các loại âm nhạc và được tự nhiên phân bố đến khắp nơi (sakasakasippe ppayojetvà).
Vua suy nghĩ: Ta hãy đi xem Phật pháp mọc rễ (vững chắc vào xứ này).
Có trăm ngàn người tùy tùng theo vua cùng đi đến vườn tháp.
Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa
- Quyển Thứ Ba -
--- o0o ---
Quyển thứ tư
Khi ấy, tại vườn tháp, cùng với một ngàn vị Tỳ-kheo, đại đức Ma-Hê-Đà ngồi trên tọa cụ hướng về phía Nam, đại đức A-Phiêu-Xoa ngồi trên tọa cụ hướng về phía Bắc. Ma-Hê-Đà thỉnh A-Phiêu-Xoa làm pháp sư. A-Phiêu-Xoa làm theo đúng nghi thức mà đại đức Ưu-Ba-Ly ngày xưa đã làm.
Ma-Hê-Đà cùng đại tăng sáu mươi tám vị vây quanh pháp-tọa. Tỳ-kheo Mạt-Đa-Bà-Da (Mattàbhaya) em vua cùng năm trăm Tỳ-kheo muốn học luật tạng đều ngôi quanh pháp tọa của A-Phiêu-Xoa. Các Tỳ-kheo khác cùng vua đều ngồi theo thứ tự.
Đại đức A-Phiêu-Xoa thuyết giảng. Khi ấy, ở dưới gốc cây Mạn-đà-là, bãi Na-lân-la-tân, thôn Tỳ-lan-nhã (tena samayena Buddho Bhagavà veranjàyam viharati nalerupucimandamùle), đức Phật thuyết giảng tổng quát về luật. Sau khi Ngài giảng dạy, từ hư không chư thiên cất tiếng ca ngợi: Lành thay, lành thay! Tự nhiên sấm chớp nổi lên; mặt đất chấn động hiện ra các hiện tượng kỳ lạ.
Trong chùa vườn tháp, với sáu vạn Tỳ-kheo vây quanh Ma-Hê-Đà và sáu mươi tám vị ái-tận, đại đức A-Phiêu-Xoa thuyết giảng về công đức của Như Lai: Vì thương xót chúng sinh có ba nghiệp bất thiện nên Như Lai thuyết giảng tạng luật để chế ngự ba nghiệp thân, miệng, ý. Lúc còn ở đời, vì chúng đệ tử Thanh-văn, Như Lai thuyết giảng xong tạng luật rồi Ngài mới nhập Vô dư Niết-bàn. Khi ấy, đại chúng nói kệ:
Vượt lên trên đại chúng,
Có sáu tám đại đức,
Cùng biết rõ luật tạng,
Thần thông, ba đạt trí,
Đem trí tuệ vô thượng,
Giáo hóa vua Sư-tử,
Chiếu sáng nước Sư-tử,
Khắp nơi đều được thấy.
Cũng như đống lửa lớn,
Hết củi vào Niết-bàn.
Sau khi các đại đức này vào Niết-bàn, các đệ tử thân thuộc tên là Đế-Tu-Đạt-Đa, Ca-La-Tu-Mạt-Na, Tỳ-Già-Tu-Ma-Na (Tissadatta, Kàlàsumana, Dìghasumana). Các vị đại đức này đệ tử của đại đức A-Phiêu-Xoa. Các vị sư trưởng này kế tục truyền thừa nhau cho đến nay. Thế nên, trong lần họp chúng thứ ba, có vị hỏi: Ai đưa luật tạng đến nước Sư-tử?
Đáp: - Là Ma-Hê-Đà, sau Ma-Hê-Đà là A-Phiêu-Xoa, đệ tử của A-Phiêu-Xoa kế tục nhau truyền trì. Như bình lưu ly thủy tinh đựng đầy nước (manighata) trong ngoài trong suốt, nhưng nước không bị rỉ chảy ra. Các vị đại đức trì luật cũng như vậy cho đến ngày nay. Nếu có người với tín tâm, thường biết tàm quí, ưa thích học giới luật thì Phật pháp được trư?ng tồn. Thế nên, người nào muốn Phật pháp được trường tồn, trước hết phải học tạng luật. Vì sao? Vì đem đến sự lợi ích cho người thực hành. Thế nào là lợi ích? Người thiện nam nào xuất gia với tâm niệm tốt dẹp thì tạng luật là cha mẹ. Vì sao? Tạng luật làm cho người xuất gia được giáo dục uy nghi đầy đủ. Nếu y chỉ vào tạng luật, tự thân trì giới thì đoạn trừ được sự nghi sợ của người khác. Khi vào giữ tăng chúng, không sợ hãi gì cả. Ai bị phạm tội thì y luật phán xét, làm cho chánh pháp được trường tồn. Các vị pháp sư nói: - Phật dạy các Tỳ-kheo rằng: Ai thọ trì luật này, có năm điều lợi ích. Đó là:
1- Tự mình giữ được giới.
2- Diệt trừ sự nghi sợ của người khác.
3- Vào giữa tăng không sợ hãi.
4- Xây dựng được Phật pháp.
5- Làm cho chánh pháp được trường tồn.
Phật dạy người trì luật là nguồn gốc của công đức. Nhờ vào gốc này giữ gìn trọn vẹn giáo pháp.
Pháp sư hỏi: - Đức Phật thuyết giảng giới luật là muốn ngăn ngừa nguyên nhân ác. Ác được ngăn thì tâm không bị hối hận. Nhờ tâm không hối hận nên hoan hỷ. Nhờ hoan hỷ nên được an lạc. Nhờ an lạc nên chánh định phát sinh. Nhờ chánh định nên phát sinh tuệ nhãn. Nhờ có tuệ nhãn nên có nhàm chán. Nhờ nhàm chán nên được ly dục. Nhờ ly dục nên được giải thoát. Nhờ giải thoát nên được giải thoát trí. Nhờ trí giải thoát nên tuần tự vào Niết-bàn. Vì muốn được nói, vì muốn được giảng thuyết, vì được y chỉ, vì muốn nghe theo thứ tự như vậy, tâm được giải thoát trí (Etadatthàkathà etadatthà mantanà etadatthà upanisà etàdattham sotàvadhànam). Thế nên, phải siêng năng học tập luật. Đây là sự thuyết minh căn bản về luật. Pháp sư nói:
Người phải luôn thọ trì giới luật,
Dù đến nơi nào hoặc ở đâu.
(Vuttam yena yadà yasmà dhàritam yena càbhatamyattha ppatitthitam c’etam etam vatvà vidhim tato).
Đã thứ tự thuyết minh về ý nghĩa của kệ, đến đây xin trình bày về phần luật chính. (?)
Chữ khi ấy có nghĩa là bắt đầu không phải một trường hợp (Pàràjika). Sau đây, tôi xin trình bày ý nghĩa của luật. Như trong luật có nói: Khi ấy, đức Phật ở Tỳ-lan-nhã, có nghĩa là bắt đầu. Khi ấy, sau khi xuất định, tôn giả Xá-Lỵ-Phất thỉnh Phật chế giới luật. Bấy giờ, đức Phật đang trú ở Tỳ-lan-nhã. Chữ khi ấy có nghĩa bắt đầu, chữ bấy giờ là thuyết minh về việc ấy. Vì sao? Như trong luật có thuyết minh: Khi ấy, Tu-Đề-Na (Sudinna) cùng vợ cũ làm việc bất tịnh (methuna). Bấy giờ, nhân sự việc của Tu-Đề-Na, Phật chế giới cho Thanh-văn. Đây là nghĩa bắt đầu. Khi ấy, Tỳ-kheo Đàn-Ny-Tra (Dhaniya Kumbhakàraputta) trộm gỗ của vua. Bấy giờ, tại thành Vườn xá, Phật chế giới... cũng như vậy. Chữ khi ấy có nghĩa là bắt đầu cũng có nghĩa là ngyên nhân. Ý nghĩa hiệu Phật Bà-già-bà ( Thế Tôn ) sẽ được giải thoát sau. Chữ trú (ở) có nghĩa là đi đứng nằm ngồi. Tỳ lan nhã là tên của một xứ. Na-lân-la (Naleru) là tên của dạ xoa. Nhân vì cây này có quỉ dạ-xoa sống nhờ vào nên gọi tên như vậy. Tân-châu-mạn-đà-la (pucimanda) là rừng cây luyện. Dưới cây nghĩa là vùng bóng râm dưới cây lúc ban ngày; lại có chỗ nói vùng đất dưới cây hứng lá rụng khi không có gió.
Hỏi: - Vì sao đức Phật ở dưới cây này?
Đáp: - Cây này rậm rạp nhất trong rừng, không xa thành phố, đi lại thuận tiện.
Hỏi: - Vì sao nói Như Lai ở Tỳ-lan-nhã, lại còn nói Như Lai ở dưới cây; Như Lai không thể ở hai trú xứ?
Đáp: - Đừng thắc mắc như vậy, Tỳ-lan-nhã là vùng để đi lại. Dưới cây là chỗ ở.
Hỏi: - Vì sao Ưu-Ba-Ly nói là Tỳ-lan-nhã?
Đáp: - Vì thương tưởng đến người thế tục bạch y.
Hỏi: - Vì sao ở dưới gốc cây?
Đáp: - Vì để các đệ tử sống theo pháp xuất gia, trừ diệt tham dục.
Hỏi: - Vì sao phải sống gần với vùng đất có người?
Đáp: - Vì bốn đại (sức khỏe).
Hỏi: - Câu trước là vì thuyết pháp, câu sau là vì Như Lai muốn vào nơi yên tịnh. Câu trước là do từ bi hướng dẫn, câu sau là từ khổ đi vào vui. Câu trước là vì an lạc cho chúng sinh, câu sau vì an lạc cho chính mình. Câu trước là bố thí pháp cho chúng sinh, câu sau là tự ngăn sự sung túc về lợi dưỡng. Câu trước là làm cầu-đò cho chúng sinh, câu sau vì chư thiên. Câu trước là đồng với chúng sinh, câu sau là không đồng như chúng sinh. Câu trước là chỉ có đức Phật là vị tối tôn trong ba cõi. Nhờ vào Phật, chúng sinh được đại an lạc nên gọi là chỉ có; câu sau nghĩa là nhân vì đức Phật giáng sinh trong vườn nên ưa thích dưới cây.
Pháp sư nói: Ý nghĩa này rất sâu rộng, tôi sẽ nói tóm lược. Câu "cùng với đại tăng Tỳ-kheo tập họp"; đại là vì tiểu (nhỏ) nên có đại. Bởi vì công đức của Tỳ-kheo tăng rất lớn nên gọi là đại. Đại lại có nghĩa khác, vị nhỏ nhất cũng đã chứng đạo Tu-đà-hoàn. Lại có nghĩa đại khác, vì có đại chúng 500 vị tập họp. Tăng nghĩa là bình đẳng về giới, tri kiến, trí tuệ, chúng, nên gọi là tăng. Tập họp nghĩa là cùng tụ tập một nơi. Năm trăm Tỳ-kheo, năm trăm là số lượng. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã là sinh ở vùng Tỳ-lan-nhã, lấy vùng mà gọi tên. Bà-la-môn nghĩa là tịnh hạnh. Lại nữa, Bà-la-môn là hiểu biết sách Vi-đà của ngoại đạo; môn là lắng nghe.
Kinh Phật nói: - Bà-la-môn là trừ diệt phiền não, môn là lắng nghe (Assosìti suni) âm thanh đi vào tai; nhờ người khác nói nên biết được pháp. Sa-môn Cù-đàm, sa-môn là diệt pháp ác (Samitapàpattà samano ti veditobbo); Cù-đàm (Gotama) nghĩa là Bà-la-môn gọi (Phật) bằng họ. Giòng họ Thích-Ca: Giòng Thích-Ca là chỉ cho họ lớn. Từ bỏ giòng họ Thích xuất gia ... đây là trình bày do phát sinh tín tâm mà ưa thích xuất gia. Có người vì mắc nợ mà xuất gia; có người mất nước mà xuất gia; có người vì bần cùng mà xuất gia; có người trốn tránh lệnh vua mà xuất gia, đức Như Lai xuất gia không phải như vậy nên gọi là có tiếng khen tốt. Câu đầy đủ như vậy nghĩa là hoàn hảo. Hội đủ với các thiện là nói lên sự tối thượng. Tiếng khen nghĩa là tên được khen ngợi, lại có ý nói làm cho ngưòi khác biết. Bà-già nghĩa là hiệu đứng đầu trong mười hiệu của Như Lai.
Để cho chúng sinh có tín tâm với Phật, thế nên pháp sư giảng thuyết về công đức của Như Lai.
A-la (ara) nghĩa là căm xe của ba cõi. Hán (hata) nghĩa là phá tan căm xe ba cõi. Bởi vì Như Lai đập phá tan nát căm xe ba cõi nên gọi là bậc A-la-hán. Lại nữa, A-la có nghĩa là giết giặc. Bởi vì Như Lai giết giặc phiền não, nên gọi là A-la-hán. Lại nữa, A-la có nghĩa là tất cả nghiệp ác; hán là cách xa chiếc xe ba cõi mà vô minh và ái duyên hành là căm, già và chết là vành xe, thọ sinh là ổ trục xe, các phiền não là trục xe, chạy mãi không ngừng khắp các thế giới từ vô thủy. Dưới cây Bồ đề , đức Phật đứng vững trên mặt đất giới bằng chân tinh tấn, bằng tay chí thành với búa rìu trí tuệ, chặt gãy nát căm xe ba cõi. Lại nói: Thế giới từ vô thủy là xe, vô minh là ổ trục xe, già chết là vành xe, mười chi xấu ác còn lại (trong 12 nhân duyên) là căm xe.
Vì sao? Vì (vô minh nên) không biết pháp khổ. Nếu sinh vào dục giới, do vô minh làm nhân nên tạo ra cả ba nghiệp. Nếu sinh vào sắc-giới, thì vô minh tạo ra nghiệp sắc-giới. Nếu sinh vào vô sắc giới thì vô minh tạo ra nghiệp vô-sắc giới. Trong dục giới, do vô minh làm duyên nên có thọ thức. Trong sắc-giới và vô sắc giới duyên với vô minh cũng (có thức) vậy. Lại nữa, đối với danh sắc trong dục giới, thì duyên vô minh nên sinh ra sáu nhập. Danh sắc ở dục giới duyên với ba nhập ở sắc giới. Vô minh trong vô sắc giới duyên với một nhập trong sắc giới. Trong dục giới, sáu nhập duyên sáu xúc. Trong sắc giới, ba nhập duyên ba xúc. Trong vô sắc giới chỉ có một nhập duyên một xúc (thọ). Trong dục giới, sáu xúc duyên sáu thọ (vedanà - thọ sáu căn). Trong sắc giới, ba xúc duyên ba thọ. Trong vô sắc giới, một xúc duyên một thọ. Trong dục giới, sáu thọ sinh ra sáu ái. Trong sắc giới, ba thọ sinh ra ba ái. Trong vô sắc giới, một thọ sinh ra một ái (tanhà). Ái duyên đến cõi nào thì sinh đến đời sống ấy (Tattha tattha sà sà tanhà).
Với năm dục, ai có ý nghĩ: Với dục của ta, ta sẽ hành dục để hưởng thụ dục; và do hoàn tất những hành động bất thiện của thân, miệng, ý thì đọa vào địa ngục (apàya). Trong địa ngục, do nghiệp làm nhân nên thọ sinh rồi thọ sinh; đấy là sinh do nghiệp. Nhân vào nghiệp nên sinh ra năm ấm... rồi năm ấm già. Già tức là chín mùi các uẩn. Năm ấm tan rã nghĩa là chết. Trong ba cõi, ta muốn hưởng thụ dục ở cõi trời mà xây dựng những việc thiện, hay chịu khó làm việc thiện nên có sự sinh lên trời. Đây là nhân thiện nghiệp nên tái sinh. Có người muốn ta hưởng thụ thú vui ở phạm thiên, nhân vào lạc thọ nên chánh niệm đến bốn pháp. Đó là: tâm từ bi hỷ xả. Chánh niệm đầy đủ thì vị ấy được sinh vào cõi Phạm thiên. Được sinh vào cõi Phạm thiên lấy nghiệp làm nhân; đây gọi là sinh do nghiệp.
Lại có người với ham muốn sinh vào cõi Vô-sắc, sau đó ta sẽ sinh lên trời phi-tưởng -phi-phi-tưởng, nên thường thiền định tư duy nên sinh vào cõi này. Đây là nhờ nghiệp nên được sinh đến. Ngoài ra, theo thứ tự... như trên, hãy tự biết lấy. Từ quá khứ đưa đến tương lai, cả ba đời (yathàbhùtam natvà) đều do vô minh làm duyên cho hành. Tôi sẽ nói lược, ngoài ra ông tự khai triển rộng. Vô minh duyên hành đây là một nhóm. Sáu thức, danh sắc, sáu nhập, sáu xúc, sáu thọ là một nhóm. Ái, thủ, sinh (hữu?) là một nhóm. Hữu (sinh?), lão tử là một nhóm. Nhóm đầu tiên thuộc đời quá khứ. Hai nhóm giữa là đời hiện tại. Nhóm cuối lão tử là đời tương lai. Vô minh duyên với hành thì bao trùm cả ái thọ và thủ, chúng không thể rời nhau; nên năm pháp này thuộc đời quá khứ. Trong phẩm giữa, có sáu nhập (từ thức đến thọ) năm pháp này là quả báo. Thức (bắt đầu) với thủ, ái, thọ liên kết với vô minh, năm pháp này tạo ra nghiệp trong đời hiện tại này. Già, chết được biểu hiện với năm pháp mà bắt đầu là thức (danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) cũng là đời sống tương lai (như vậy bốn phần đoạn trên, thức đều có mặt). Nếu phân tích ra thì có 20 (24?) loại.
Ở đây hai chi hành nối với sáu thức là một nhóm; hai chi ái nối với thọ là một nhóm; hai chi sinh nối với hữu là một nhóm, hợp thành ba nhóm. Bốn phân đoạn, với nhóm làm nhân nên sinh ra hai mươi (bốn đoạn x 5 chi) loại làm cơ sở phát sinh (luân hồi). Như Lai đã thấy, quán sát, vượt qua. Biết như thật (yathàbhutamnatva) nghĩa là biết bằng trí tuệ chân thật nên gọi là biết như thật. Thấy có nghĩa là thấu suốt nên gọi là thấy. Quán sát nghĩa là biết khắp tất cả. Vì biết rõ, quán sát, thấy, vượt qua nên Như Lai biết rõ như thật, sinh ý tưởng nhàm chán, sinh tâm xa lìa dục, được giải thoát, trước tiên phá tan trục xe ba cõi nên gọi là A-la-hán. Lại nữa, A-la-hán còn có nghĩa là Ứng-cúng.
Hỏi: - Ứng-cúng nghĩa là gì?
Hưởng thụ sự cúng dường của trời người nên được gọi là Ứng-cúng. Xưa kia, có vị Phạm vương (Brahman Sahampati) cúng dường vật báu nhiều như núi Tu-di (sineru) đến Thế Tôn, nên Ngài được gọi là Ứng-cúng. Khi Phật còn tại thế, các vị đại vương Bình-sa (Bimbisàrakosalaràjan), vua nước Câu-sa-la... cúng dường các loại, nên gọi Ngài là Ứng cúng. Sau khi Phật niết-bàn, vua A-Dục đại vương (Asokamahàrajan) cõi Diêm-phù-lỵ đem chín mươi sáu ức tiền vàng xây dựng tám vạn bốn ngàn bảo tháp, tổ chức các đại hội cúng dường, nên gọi Ngài là Ứng cúng. Ngoài ra, có vô số đại chúng cúng dường Ngài không thể kể hết. Lại nữa, A-la-hán, la-hán có nghĩa là che dấu, A có nghĩa là không, nên gọi là không che dấu. Không che giấu nghĩa là như người đời gây tội thì thường che giấu, Như Lai không có sự việc ấy.
Chánh-đẳng-giác (Sammàsambuddha) nghĩa là biết trọn vẹn tất cả các pháp. Phật đà nghĩa là ngài biết rõ pháp cần phải biết rõ, đoạn trừ pháp cần phải đoạn trừ, xuất ly pháp cần phải xuất ly. Phật - đà còn có những ý nghĩa như tự mình thấy rõ (các pháp) theo trình tự, bằng mắt trí tuệ thấy rõ khổ, tập, diệt, đạo-đế. Đối với các pháp như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc; nhãn thọ (ký), nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ, ý thọ; nhãn (tư) niệm, nhĩ niệm, tỷ niệm, thiệt niệm, thân niệm, ý niệm; nhãn ái, nhĩ ái, tỷ ái, thiệt ái, thân ái, ý ái; nhãn tư, nhĩ tư, tỷ tư, thiệt tư, thân tư, ý tư ; năm uẩn, mười pháp quán, mười tư, mười niệm, bắt đầu là sình trương với mười giai đoạn của ba mươi hai chi phần của thân thể, mười hai nhập, mười tám giới, dục hữu đứng đầu chín hữu, sơ thiền đứng đầu bốn thiền, từ vô lượng đứng đầu bốn vô lượng tâm, lại có bốn thiền vô sắc, bốn định vô sắc (Pancakkhandhà, dasakasinàni, Dasaannussatiyo, Uddhumàtakasannàdivasena dasasannà, kesàdayo dvattimsàkàrà - 32 loại - dvàdasàyatanàni, atthàrasadhàtuyo, kàmabhavàdayo navabhavà - dục-hữu đứng đầu chín hữu - pathamàdìni cattàri jhànàni - bốn thiền với sơ thiền là đứng đầu - mettàbhàvanadayo catasso appamannà - quán từ là bắt đầu bốn vô lượng tâm - catasso arùpasamàpattiyo), 12 nhân duyên, nghịch quán (vãng quan) từ già, chết- ưu- bi cho đến vô minh, thuận quán (hoàn quan) tuần tự từ vô minh đến già bệnh chết khổ não.
Già bệnh là khổ-đế. Có sinh (Jàti) là Tập-đế. Thoát khỏi khổ tập là Diệt-đế. Biết rõ phương pháp diệt khổ là Đạo-đế. Đức Như Lai đã biết rõ hoàn toàn tất cả các pháp trên nên gọi là Chánh-đẳng-giác.
Biết rõ (minh) nghĩa là có ba cái biết, cũng có tám cái biết (vijjà ti tisso vijjà attha pi vijjà) như trong kinh Tam-giới (Bhayabherava-sutta - M.i, 22) nói có ba cái biết, các vị hãy tự tra cứu và trong kinh Am-la-thọ (Ambattha-sutta - D.i, 100) nói có tám cái biết, gồm biết rõ tam muội, biết rõ thần thông và biết về sáu thông là tám (cha abhinnà). Hạnh túc (carana) là giữ giới, phòng hộ sáu thức, biết đủ về ăn uống (pannarasadhammà), tỉnh giác với thùy miên, đủ bảy chánh pháp (bảy thánh tài) và bốn thiền sắc giới. Ngài biết rõ mười lăm pháp này (Bhojane mattannutà). Với những pháp hành này, Như Lai được gọi là Minh-hạnh-túc (Vijjàcaranasampanna). Bằng pháp hành này, Như Lai đạt đến Niết-bàn nên gọi là Minh-hạnh-túc. Không chỉ có Như Lai, Thanh-văn cũng vậy. Như Lai viên mãn cả biết và hành động nên gọi là Minh-hạnh-túc.
Vì biết rõ tướng nên Như Lai đắc nhất-thiết-trí. Vì có hành động nên Như Lai được gọi là Đại từ-bi. Tất cả chúng sinh vì tập nên đưa đến khổ não, Như Lai đều biết rõ. Với đại từ-bi, Ngài biết rõ khổ não của chúng sinh nên khéo thuyết giảng làm cho chúng thoát khổ đạt đến an lạc. Ngài cũng được gọi là Thiện Thệ (khéo đi qua một cách tốt đẹp - Sugata) vì thiện thệ về lời nói nên đưa đến thiện thệ về hành động chứ không phải là ác thiện thệ. Lại nữa, đi đến chỗ toàn thiện nên gọi là Thiện Thệ. Lại nữa, Ngài đi đứng đàng hoàng, đầy đủ uy nghi không lỗi lầm nên gọi là Thiện Thệ. Lại nữa, Ngài đi qua luôn, không còn trở lại nên gọi là Thiện Thệ. Bằng A-la-hán đạo, Ngài vượt lên nên gọi là Thiện Thệ. Từ khi được Phật Đĩnh-Quang (Dìpankara - Nhiên Đăng) thọ ký, Ngài thương yêu chúng sinh làm cho chúng được an lạc, cho đến khi giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề (bodhimanda), với hành động toàn thiện như vậy nên gọi là Thiện Thệ. Ngài không theo đoạn kiến (uccheda), không theo thường kiến (sassata), không khổ hạnh ép xác, không chấp vào đoạn thường, nên gọi là Thiện Thệ. Ngài thuyết pháp cho tất cả chúng sinh luôn luôn hợp thời, nên gọi là Thiện Thệ. Ngài chỉ thuyết pháp cho những chúng sinh nào muốn nghe, bằng không thì thôi nên gọi là Thiện Thệ. Lời Ngài thuyết giảng có ý nghĩa chân thật, không có nghĩa hư vọng, làm cho chúng sinh nào được nghe đều rất hoan hỷ, nên gọi là Thiện Thệ. Ngài không nói lời vô nghĩa, lời nói có ý nghĩa lợi ích (atthasamhita) nên gọi là Thiện Thệ.
Thế gian giải (Lokavidù) nghĩa là Ngài biết rõ tất cả các pháp thế gian. Ngài biết rõ về tập đế, về diệt-đế, về phương pháp đưa đến diệt-đế, hiểu rõ về thế gian như vậy nên gọi là thế gian giải. Như trong kinh dạy: Có nơi không sinh, không già, không chết, không rơi xuống, không đứng lại, nhưng Ta không cho rằng bằng cách đi lại mà có thể đến thế giới giải thoát ấy; nên gọi là thế gian giải. Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu Ta không đi đến chỗ tận cùng thế giới thì Ta không tuyên bố về chấm dứt khổ. Này các Tỳ-kheo! Ngay trong cái thân chừng một tầm (vyàmamatta) được gọi là sa-môn này, có cả sự tập khởi của thế gian, sự diệt tận thế gian, phương pháp đưa đến diệt tận thế gian, nhưng Ta không cho rằng không có sự việc không cần đi (đến chỗ tận cùng thế giới) mà đến được chỗ chưa đến để thoát khỏi khổ. Lại nữa, thế giới có ba; đó là: thế giới các hành (Sankhàraloka), thế giới của chúng sinh (sattaloka); thế giới của xứ sở (okàsaloka).
Hỏi: - Thế giới các hành là gì?
Đáp: - Tất cả chúng sinh nhờ ăn uống mà sống còn, đó là thế giới của các hành.
Hỏi: - Thế giới của chúng sinh là gì?
Đáp: - Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường, là chỉ cho thế giới của chúng sinh.
Hỏi: - Thế giới của xứ sở là gì?
Đáp: - Kệ như sau:
Nhật nguyệt vận hành,
Ánh sáng vô cùng,
Chiếu khắp thế gian,
Không bị chướng ngại.
Đó là thế giới của xứ sở. Lại nói về một thế giới, hai thế giới, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười... cho đến mười tám thế giới.
Hỏi: - Một thế giới là gì?
Đáp: - Tất cả chúng sinh nhờ ăn uống mà sống còn, nên gọi là một thế giới.
Hỏi: - Hai thế giới là gì?
Đáp: - Danh sắc là hai thế giới.
Hỏi: - Ba thế giới là gì?
Đáp: - Khổ, vui và trung tính là ba thế giới.
Hỏi: - Bốn thế giới là gì?
Đáp: - Bốn cách ăn là bốn thế giới.
Hỏi: - Năm thế giới là gì?
Đáp: - Năm ấm.
Hỏi: - Sáu thế giới là gì?
Đáp: - Sáu nhập.
Hỏi: - Bảy thế giới là gì?
Đáp: - Bảy thức.
Hỏi: - Tám thế giới là gì?
Đáp: - Tám pháp thế giới.
Hỏi: - Chín thế giới là gì?
Đáp: - Chín chỗ ở của chúng sinh.
Hỏi: - Mười thế giới là gì?
Đáp: - Mười nhập.
Hỏi: - Mười hai thế giới là gì?
Đáp: - Mười hai nhập.
Hỏi: - Mười tám thế giới là gì?
Đáp: - Mười tám giới.
Như Lai biết rõ tất cả thế giới với các hành này, nên gọi là Thế gian giải.
Ngài biết rõ phiền não của chúng sinh, các hành của chúng sinh, ý tưởng của chúng sinh, phiền não nhỏ và lớn của chúng sinh, biết kẻ thông minh, biết kẻ chậm hiểu, biết kẻ có thiện duyên, biết kẻ có ác duyên, biết kẻ dễ dạy bảo, biết kẻ khó dạy bảo, biết rõ kẻ có sinh (hiểu biết hay không), Ngài biết rõ tất cả vềâ các chúng sinh của thế giới nên gọi là Thế gian giải.
Hỏi: - Thế giới của xứ sở là gì?
Đáp: - Núi Thiết-vi (cakkàvàla) ngang dọc hai vạn ba ngàn bốn trăm năm mươi do-tuần, chu vi ba mươi bảy vạn ba trăm năm mươi do tuần, nền đất dày bốn na-do-tha hai vạn do tuần ở trên nước. Nước sâu tám na-do-tha bốn vạn do tuần ở trên gió. Gió dày sáu mươi chín vạn do tuần; đó là thế giới của xứ sở. Lại nữa, chân núi Tu di chìm sâu vào biển đến tám vạn bốn ngàn do tuần. Núi Tu di (Sineru) cũng cao như thế, có bảy vòng núi bằng bảy báu vây chung quanh, với bài kệ:
Do-kiền-đà-la, (yugandhara)
Y-sa-đà-la, (Isadhara)
Ca-la-tỳ-câu, (karavìka)
Tu-đà-tô-na, (sudassana)
Ny-thị-đà-na, (Nemindhara)
Tỳ-na-đa-ca, (Vinataka)
A-sa-thiên-na, (asskanna)
Là bảy núi lớn.
Bao quanh Tu di,
Cõi bốn Thiên vương,
Cõi trời Dạ-ma,
Cao trăm do-tuần,
NúiĐại-Tuyết-Sơn(Himavant)
Lớn ngàn do-tuần,
Cao, rộng bằng nhau,
Đỉnh có tám vạn,
Bốn ngàn ngọn đẹp,
Trang trí cho nhau.
Có cây Diêm-phù,
Cao hai ngàn dặm,
Chu vi hai trăm,
Đường kính tàng cây,
Che trăm do-tuần
Vì có cây này,
Gọi cõi Diêm-phù (jambudipa)
Núi Đại Thiết vi,
Chân chìm trong biển,
Sâu đến tám vạn,
Hai ngàn do-tuần,
Cao cũng như vậy,
Thường trú bền vững.
Đi khắp thế giới,
Trăng chúa các sao,
Đường kính bốn mươi,
Và chín do-tuần,
Mặt trời tròn chiếu,
Năm mươi do-tuần.
Lại nữa, cung điện Thiên Đế-Thích ngang dọc đến vạn do-tuần. Cung điện của A-tu-la (asurabhavana), địa ngục A-tỳ (avìcimahànitaya), mặt đất ở Diêm-phù-đề cũng như vậy. Tây Cu-da-ny (aparagoyàna) ngang dọc bảy ngàn do-tuần. Đông Phất-vu-đãi (pubbavideha) cũng vậy. Bắc Uất-đan-việt (uttarakuru) ngang dọc tám ngàn do-tuần. Mỗi châu đều có 500 châu nhỏ vây quanh; khoảng cách giữa các núi Thiết vi ở trung tâm và các núi sắt bao vây bên ngoài, có vô số địa ngục bằng sắt vây quanh, nên có rất nhiều thế giới. Với mắt tuệ vô hạn, đức Phật thấy rõ tất cả nên gọi Ngài là thế gian giải.
Vô-thượng-sĩ (Anuttara): Ngài có công đức hơn cả trời người nên gọi là Vô-thượng-sĩ. Ngài viên mãn cả giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến nên gọi là Vô-thượng-sĩ. Về sự vô thượng và ngang bằng với vô thượng, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: - Ta không thấy có một phạm, ma, sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian mà có giới, định, tuệ ngang bằng với bậc Giác ngộ. Lại nữa, không có ai làm thầy ta nữa; nên gọi là Vô thượng.
Điều-ngự-trượng-phu (purisadammasàrathin): Ngài điều phục những người đáng được điều phục. Vì sao? Ví như voi ngựa ngang bướng thì dùng roi đánh rồi sau đó huấn luyện; Như Lai cũng vậy, có khả năng điều phục tất cả chúng sinh nên gọi là Điều-ngự. Ngày xưa, đức Phật hàng phục súc sinh là Long vương giống đực tên A-Ba-La-Lưu (Apalàla), voi đực tên Thuần-Chữ, Ma-hủ-đà-bỉ, A-kỳ-tử, Khu-thu-ma-tử-khu-tử, Khu-đà-na (Cùludara, Mahodara, Aggisikha, Dhùmasikha, Dhanapàla, các con đực ấy đều được Thế Tôn điều phục bằng thiện pháp, làm cho đi vào chánh pháp, thọ trì tam qui ngũ giới. Người đàn ông tên Xà-bạt con trai của Ny-Kiền-Đà (Saccakaniganthaputta), Bà-la-môn Bốc-Kha-La-Bà, Ương-Quật-Ma-La... (Pokkharasàti, Angulimàlà), có vô số người như vậy. Lại có dạ-xoa nam tên A-La-Bà-Ca (Àlavaka), các dạ-xoa nam khác như Tu-chí-lệ, Ma-kha-la (Suciloma, Kharaloma). Lại có Thích-Đề-Hoàn-Nhân (Sakkadevaràjan)... với vô số chư thiên. Chúng đều được Ngài điều phục bằng chánh pháp. Trong kinh có nói: Phật bảo Kỳ-Tu (Kesi) (Hán dịch là người điều voi) rằng Ta là bậc điều ngự kẻ trượng phu (nam), dùng pháp nhu hòa giáo hóa tất cả chúng sinh. Nếu chúng không tùy thuận, Ta sẽ dùng pháp cứng rắn để giáo hóa. Nếu chúng không tùy thuận, Ta sẽ dùng pháp vừa nhu hòa vừa cứng rắn để giáo hóa. Nếu chúng cũng không tùy thuận thì Ta tránh xa. Pháp sư nói: Theo kinh này nói đúng pháp đầy đủ là Vô-thượng Điều-ngự-trượng-phu Thiên-nhân-sư. Sư (satthà) cũng như đoàn người đi buôn (satthavàha) có một người lãnh đạo biết rõ những hiểm nạn (kantàra).
Hỏi: - Hiểm nạn là gì?
Đáp: - Một là nạn giặc (corakantàra), hai là nạn cọp, sói, sư tử (vàlakantàra), ba là nạn đói (dubbhikkhankantara), bốn là nạn thiếu nước (nirùdakakantàra). Đối với những nạn này, người lãnh đạo làm cho vượt qua hết để đến nơi an vui, nên gọi là sư (thầy). Như Lai cũng vậy, vì sao? Như Lai đưa chúng sinh vượt qua các hiểm nạn. Những hiểm nạn gì? Đó là nạn sinh, nạn bệnh, nạn già, nạn chết; Như Lai làm cho vượt qua hết những nạn như vậy, đạt đến chỗ an vui nên gọi là sư.
Hỏi: Tại sao Phật chỉ là thầy của trời người mà không gọi là thầy của súc sinh? Khi còn tại thế, Như Lai cũng có thuyết pháp cho súc sinh, vì sao chỉ gọi Ngài là thầy của trời người? Kinh có nói: Bấy giờ, tại nước Chiêm bà (Campànagara), bên bờ hồ Ca-la (gaggarà), đức Phật thuyết pháp cho người Chiêm-bà. Trong hồ nước có một con cóc (manduka). Nghe tiếng Phật thuyết pháp, nó vui mừng đi lên khỏi ao, đi vào dưới bụi cỏ.
Thấy mọi người vây quanh nghe Phật thuyết pháp, mục đồng nọ (vacchapàlaka) liền đi đến chỗ Phật. Vì muốn nghe pháp nên người này chống gậy xuống đất và trúng nhằm đầu con cóc kia. Cóc bị chết và sinh lên cõi trời Đao-lỵ (Tàvatimsabhavana) làm vị thiên ở đó. Nhờ quả của phước báo ấy nên vị này ở trong cung điện cao rộng 12 do tuần. Như vừa tỉnh giấc, thấy các thiên nữ vui vẻ với âm nhạc nên vị thiên cóc ấy suy nghĩ: Trước đây ta là súc sinh, nhờ đâu mà sinh vào thiên cung này? Vị này dùng thiên nhãn xem xét, thấy trước đây ở bên hồ nước mình nghe tiếng Phật thuyết pháp, nhờ công đức ấy nên được quả báo này. Vị thiên cóc này liền cỡi cung điện đi đến gặp Phật , lạy sát chân Ngài.
Biết rõ, nhưng Phật vẫn hỏi: - Ngươi là ai mà có tướng mạo xinh đẹp vô cùng với thần thông chiếu sáng rực rỡ khắp nơi này, lại bỗng nhiên lễ sát chân Ta?
Vị thiên cóc nói kệ:
Xưa con là thân cóc,
Kiếm ăn trong ao nước
Nghe tiếng Phật thuyết pháp,
Con vào dưới bụi cỏ,
Có một người chăn bò,
Chống gậy đến nghe pháp
Chống nhằm vào đầu con,
Bị chết sinh lên trời.
Đem bài kệ của vị thiên cóc nói, Phật thuyết pháp cho bốn chúng. Khi ấy, trong chúng có tám vạn bốn ngàn người đắc đạo tích (dhammàbhisamaya), vị thiên cóc chứng quả Tu-đà-hoàn (sotàpattiphala). Sau khi đắc đạo quả, vị thiên cóc hoan hỉ mỉm cười từ giã. Vì sự việc này nên tôn xưng Ngài là thầy trời người.
Phật, Thế Tôn (Bhagavant): Phật nghĩa là tự giác và giác ngộ cho kẻ khác nên gọi là Phật. Lại nữa, còn gọi Ngài là Bậc biết (tri); biết nghĩa là biết rõ sự thật nên gọi là Phật. Lại nữa, Ngài giác ngộ thế gian với chính sự hiểu biết của mình bằng ba đạt trí nên gọi là Phật. Bà-già-bà (Thế Tôn ) có những nghĩa:
1- Lợi ích.
2- Vô thượng.
3- Cung kính.
4- Tôn trọng.
Vì sao gọi là cung kính tôn trọng? - Vì xứng đáng được thế gian cung kính tôn trọng. Thế gian có bốn cách gọi tên là tùy, chí, nhân, hiệu (Avatthika, linggika, nemittika, adhiccasamuppanna).
Hỏi: - Tùy nghĩa là gì?
Đáp: - Như người đời gọi bò nhỏ là con nghé, lớn hơn gọi là bò tơ, lớn hơn gọi bò già; tên gọi này không nhất định, được gọi tùy theo thời gian.
Hỏi: - Chí (ghi nhận) nghĩa là gì?
Đáp: - Như người cầm lọng, cầm gậy thì được gọi là người có lọng, người có gậy; nên gọi là chí.
Hỏi: - Nhân nghĩa là gì?
Đáp: - Như người nghèo nhờ làm nô tỳ mà được vật báu, tên người nô tỳ này được gọi là nhiều báu.
Bà-già-bà là danh hiệu. Vì sao? Hiệu này không do vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đặt, chẳng phải do tám vạn thân quyến đặt, chẳng phải do Thiên đế, Đâu-suất-thiên (Tusita), phạm, ma đặt cho... Vì sao? Phật bảo Xá-Lỵ-Phất rằng: Danh hiệu của Ta, không phải do cha mẹ hay tám vạn thân quyến, Thiên đế-thích, Đâu-suất-thiên, phạm, ma, thiên... đặt cho... (tuần tự giải thích đến)... do chứng Nhất-thiết-trí bằng sự quán sát chân thật dưới gốc cây Bồ đề nên được gọi là Thế Tôn. Thế nên, danh hiệu này do chính Phật gọi, chứ không có ai dám đặt cho Ngài. Vì sao? - Phật tự quán sát thân Phật có uy đức, trí tuệ muốn làm cho chúng sinh biết rõ nên gọi bằng hiệu này. Bà-già-bà (Bhagava, Thế Tôn): Bà-già nghĩa là vượt hơn, Bà nghĩa là có. Có hơn hết nên gọi là Bà-già-bà.
Lại nữa, tham, sân nhuế, si, tâm điên đảo, không xấu hổ (tàm), không e sợ (quí), phẫn nộ, không hoan hỷ, tham của người, đố kỵ, lừa dối, gian lận, che dấu, kiêu ngạo, ngã mạn, say mê, lười biếng, khát ái, vô minh, bất thiện căn, hành động bất thiện, cấu uế, bất tịnh, ghi nhận và tư duy không đúng, bốn điên đảo, bộc lưu, kiết sử, say đắm, năm chi tranh đấu, năm cái, ghi nhớ, gốc của sáu đấu tranh (căn), nhóm khát ái, phiền não của chúng sinh, tám tà kiến, chín gốc ái, mười bất thiện đạo, sáu mươi hai tà kiến, 108 phiền não, vạn phiền não do rất khát ái, lược nói về năm nhóm phiền não này (Lobha, dosa, moha, viparitamanasikàra, ahirikànottappakodhùpanahà, makkhapa, làsa, issàmacchariya, màya, sàtheyya, thambhasarambha, mànàtimàna, madappamàda, tanhàvijjàtividhàkusalamùla, duccaritasankilesamala, visamasannà, vitakkapapanca, catubbidhavipariyesa, àsavagantha, oghàyogagati, tanhuppàdupàdàca, pancacetokhila, vinibandhani, varanàbhinandàna, chavivàdamùla, tanhàkàya, sattànusaya, atthamicchata, navatanhàmùlaka, dasàkusalakammapatha, dvàsatthiditthigata, atthasatatanhàvicaritappabheda, sabbadarathaparilàhakilesasatasahassàni, sankhepato và panca ki’esakhandha) của những chúng sinh như trời, người, ma, phạm... không thể phá hoại được Như Lai, nên gọi Ngài là Bà-già-bà.
Lại nữa, Như Lai phá hoại được dòng nước dục, sân, nhuế, các ngu si, phiền não và ác pháp... nên gọi là Bà-già-bà. Lại nữa, Như Lai có 32 tướng bậc đại nhân, 80 vẻ đẹp, hùng vĩ vô cùng, xa lìa các phiền não, trời người luôn luôn muốn đến gặp. Khi họ đến, đức Phật quán sát tâm họ rồi tùy theo sở thích mà thuyết pháp nên gọi là Bà-già-bà. Lại nữa, theo thế gian Bà-già-bà có sáu loại là lãnh đạo, pháp, danh tiếng, xinh đẹp, mong muốn, nghĩ đến.
Hỏi: - Lãnh đạo là gì?
Đáp: - Ngài đã lãnh đạo chính tâmmình.
Hỏi: - Pháp là gì?
Đáp: - Pháp thân (dhammakàyasampatti) của Như Lai có đầy đủ tất cả.
Hỏi: - Danh tiếng là gì?
Đáp: - Danh tiếng thanh tịnh của Phật truyền khắp nơi.
Hỏi: - Xinh đẹp là gì?
Đáp: - Thân Phật có đầy đủ các vẻ đẹp, nhìn không chán.
Hỏi: - Mong muốn là gì?
Đáp: - Phật muốn gì thì tùy tâm mà đạt được, như muốn tự lợi và muốn lợi tha.
Hỏi: - Nghĩ đến là gì?
Đáp: - Tất cả chúng sinh đều nghĩ đến sự cúng dường Ngài, nên gọi là Bà-già-bà. Lại nữa, Bà-già-bà có nghĩa là phân biệt.
Hỏi: - Phân biệt là gì?
Đáp: - Ngài đứng đầu về công đức (năng lực) phân biệt các pháp, năm ấm, 12 nhập, 18 giới, 4 đế, 6 thức, 12 nhân duyên, Ngài biết rõ phân biệt về từng pháp như khổ-đế là bức bách, thay đổi...đó là khổ-đế; chấp trước không xả bỏ, tích tụ là tập-đế; diệt sự đau khổ là diệt-đế; những phương pháp để thoát khổ gọi là đạo-đế; Ngài phân biệt như vậy nên gọi là Bà-già-bà (bhagava). Lại nữa, Bà-già-bà, "bà-già" có nghĩa là ba cõi, "già" (V: và) nghĩa là nhả bỏ. Ngài nhả bỏ phiền não ba cõi nên gọi là Bà-già-bà. Thế gian, vì có trời, người, phạm, ma, Sa-môn, Bà-la-môn nên gọi là thế gian. Trời, người là trời trong sáu cõi dục, ma là sáu cõi trời, phạm là phú-lầu-thiên; Sa-môn, Bà-la-môn là kẻ đối nghịch lại Phật pháp. Lại nữa, trời, người, các vua chúa thế gian cũng thuộc về người trời.
Lại nữa, trời người bao gồm cả trời người trong dục-giới. Ma, bao gồm cả thiên ma giới. Phạm, phạm thiên giới thuộc vô sắc. Sa-môn, Bà-la-môn bao gồm cả bốn bộ chúng trong thế gian. Vì sao? Với năng lực công đức của mình, Như Lai nắm rõ từ trên xuống dưới và thông đạt tất cả các cảnh giới ấy để tự biết cách thuyết pháp, biết xử dụng các phương tiện, nên gọi là tự biết (Sayam abhinnà), từ dùng mắt tuệ mà thấy nên gọi là biết. Lại nói: biết nghĩa là biết rõ không bị chướng ngại nên gọi là biết. Thuyết (nói) nghĩa là hiểu rõ nên (nói) cho biết, gọi đó là thuyết. Lại nữa, trình bày về tất cả các pháp nên gọi là thuyết.
Hỏi: - Vì sao Phật thuyết cho tất cả chúng sinh?
Đáp: - Vì có đại từ bi đối với tất cả chúng sinh nên Ngài đạt đến Vô thượng an lạc để thuyết pháp cho chúng bằng một câu, hoặc một bài kệ, hoặc nhiều hay ít hơn. Thế nên gọi là thuyết với đầu, giữa, cuối đều toàn thiện, ý nghĩa hay đẹp, thuần nhất, không tạp với đầy đủ tất cả, chỉ có một vị. Lại nói, phần đầu là thiện ở đầu, phần giữa là thiện giữa, phần cuối là thiện cuối. Lại nói: Giới là thiện ở đầu, định đắc đạo là thiện giữa, Niết-bàn là thiện cuối. Lại nói: giới và định là thiện đầu, thiền định và đạo là thiện giữa, quả và Niết-bàn là thiện cuối. Phật là giác ngộ hoàn toàn, gọi là thiện đầu; Pháp là thiện pháp, gọi là thiện giữa; Tăng là tùy thuận thiện, gọi là thiện cuối.
Hỏi: - Vì sao gọi chúng Tăng là thiện cuối?
Đáp: - Vị nào được nghe (pháp) rồi mà không bị lay động thì được lợi ích của bậc thánh nên gọi là thiện sau. Sự giác ngộ cao thượng của Phật (Abhisambodhi) là thiện đầu. Sự giác ngộ cao thượng của Bích-Chi (Paccekabodhi) là thiện giữa. Sự giác ngộ cao thượng của Thanh-văn (Sàvakabodhi) là thiện cuối. Hạng vừa nghe nói các thiện pháp xong, liền thoát ly ngay năm triền cái là bậc thiện đầu; nghe rồi làm theo là bậc thiện giữa; làm rồi tuần tự đắc đạo là bậc thiện sau. Theo như vậy, đức Như Lai thuyết pháp nhiều hay ít thì trong pháp nhiều ít này cũng có thiện đầu, giữa và cuối, toàn thiện về ý nghĩa, về văn tự.
Vì sao? Như Lai thuyết giảng về pháp phạm hạnh về đạo phạm hạnh, bằng nhiều phương pháp làm cho chúng sinh hiểu rõ. Lời thuyết giảng này có ý nghĩa nên gọi là nghĩa toàn thiện. Lại nữa, lời nói thiện có nghĩa là có câu cú, cũng gọi là chỉ dẫn, cũng gọi là phân tích, cũng gọi là không che dấu, các câu kế tục nhau không rời nên gọi là nghĩa thiện. Thiện về chữ, là có nghĩa sâu xa và chỉ bày ý nghĩa sâu xa nên gọi toàn thiện về văn tự. Lại nữa, lời nói đầy đủ về giáo pháp, về ý nghĩa, về từ ngữ, về lời nói, chỉ có người có trí mới hiểu được nghĩa lý này, kẻ ngu phu không thể hiểu được; ý nghĩa ấy sâu xa, chỉ có người trí mới có thể phân biệt được, nên gọi là thiện về chữ. Đầy đủ mỹ mãn (kevalaparipunna), mỹ mãn là ý nghĩa mỹ mãn; đầy đủ là nghĩa đã mỹ mãn mà không vay mượn thiếu sót nên gọi là đầy đủ.
Hỏi: - Trong mệnh đề chỉ dẫn về phạm hạnh (Brahmacariya) thì phạm hạnh là gì?
Đáp: - Phạm thiên hành trì pháp này nên gọi là phạm hạnh. Vì sao? Chỉ dẫn phạm hạnh (Brahmacariyam pakàseti) là thiện đầu, có nhân duyên là thiện giữa, ý nghĩa không điên đảo là thiện cuối. Người nghe hoan hỷ làm theo, gọi là chĩ dẫn phạm hạnh.
Hỏi: - Mỹ mãn là gì?
Đáp: - Giới đứng đầu năm pháp-tụ (uẩn) nên gọi là mỹ mãn. Ý nghĩa của nó thuần nhất nên gọi là tịnh (Parisuddha). Thuyết pháp cho chúng sinh, Như Lai không vì tham sự cúng dường nên gọi là tịnh phạm hạnh. Hành động của Phật, Bích-chi và Thanh-văn (Buddha, Paccekabuddha, Buddhasàvaka) gọi là phạm hạnh. Lành thay (sàdhu), biểu hiện hành tướng như vậy là nên đi đến thăm hỏi.
Hỏi: - Lành thay là gì?
Đáp: - Đưa đến các điều lành nên gọi là lành thay. Cũng nói là đưa đến sự an lạc nên gọi là lành thay. Như vậy là câu tóm gọn. Hành tướng, hành nghĩa là hành động vượt hơn người, tướng là đầy đủ tướng mạo. Nên đi đến thăm hỏi nghĩa là nên đến gặp Phật.
Hỏi: - Thế nào là gặp (quán - dassanamhoti)?
Đáp: - Xem kỹ bằng hai mắt nên gọi là quán.
-ooOoo-
Khi Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã suy nghĩ như vậy xong, đi đến gặp Phật cung kính thăm hỏi rằng thân thể Ngài có khỏe không, các Thanh-văn đệ tử ít bệnh hoạn, thân thể thoải mái không, sống an lạc không... nên gọi là thăm hỏi sức khỏe. Đích thân Phật cùng Bà-la-môn thăm hỏi nhau theo thứ tự và có ý nghĩa, trong tâm hoan hỷ ghi nhớ không quên. Sau khi thăm hỏi, lui qua ngồi một bên, lui qua nghĩa là như mặt trời di chuyển. Ngồi là thân ổn định trên đất. Một bên nghĩa là ở một phía. Người có trí tuệ đến gặp bậc tôn đức, khi muốn ngồi không phạm vào sáu lỗi thì mới ngồi. Sáu lỗi là: Quá xa, quá gần, trên gió (uparivàta), chỗ cao, ngay trước mắt, sau lưng.
Hỏi: - Ngồi quá xa có lỗi gì?
Đáp: - Nếu muốn nói chuyện thì không nghe tiếng.
Hỏi: - Gần quá có lỗi gì?
Đáp: - Tiếp xúc vô lễ với bậc cao đức.
Hỏi: - Trên gió có lỗi gì?
Đáp: - Do mùi hôi của thân thể.
Hỏi: - Cao hơn có lỗi gì?
Đáp: - Không cung kính.
Hỏi: - Ở trước có lỗi gì?
Đáp: - Bị nạn nhìn chăm chú mãi.
Hỏi: - Ngồi sau có lỗi gì?
Đáp: - Nói chuyện với mình, vị cao đức phải quay đầu lại.
Khi ngồi, vị Bà-la-môn tránh sáu lỗi trên nên trong luật có nói ngồi lui qua một bên. Sa-môn (samana) là vị hàng phục phiền não, còn gọi là dẹp bỏ phiền não, còn gọi là ngăn tâm. Theo thế gian, Bà-la-môn hoàn hảo là người mà cả cha và mẹ đều cùng một đẳng cấp Bà-la-môn. Trưởng giả (mahallaka) nghĩa là người thân thể to lớn và lớn tuổi. Người có uy đức hay giàu có cũng gọi trưởng giả. Già cả nghĩa là đầu tóc bạc rụng, có khi gọi người là đã có con cháu nội ngoại. Suy tàn nghĩa là da dẻ khô nhăn, lời nói nhầm lẫn. Tuổi cao nghĩa là đã trải qua hai, ba đời vua mà vẫn còn sống. Sống lâu nghĩa là đã sống hơn trăm tuổi. Đến năm (vayo anuppatta) nghĩa là vào năm cuối đời. Này Cù-đàm (Bho Gotama), sa-môn sao có hành động như vậy? Đây là lời của Bà-la-môn.
Đến gặp Phật, thấy Ngài không đứng dậy làm lễ và không trải chỗ ngồi mời nên ông ta nói rằng đúng như tôi được nghe, nay mới thấy Như Lai chỉ muốn đề cao mình và xem thường người khác. Với tâm từ bi, đức Phật trả lời cho Bà-la-môn: Ta không thấy rằng ngay từ khi Phật đản sinh trong vườn cây, xuống đất đi bảy bước về hướng Bắc và quán sát cả trăm ức vạn thiên, nhân, phạm, ma, sa-môn, Bà-la-môn, có ai đáng để cho Ta làm lễ cả. Sau khi quán sát như vậy rồi, Ta tuyên bố to lên: "Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tối tôn (Aggo’ham asmi lokassa, jettho’ham asmi lokasa, settho’ham asmi lokassa - Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn)". Nghe Bồ-tát tuyên bố như vậy rồi, thượng đế, phạm thiên liền chắp tay nói: Trong ba cõi, Bồ tát là tối tôn, không ai bằng được. Nghe như vậy, với tiếng rống Sư-tử, Bồ tát tuyên bố: Chỉ có ta tối tôn.
Phật bảo Bà-la-môn: - Trong khi Ta chưa đắc đạo thì đã tối tôn trong ba cõi, huống chi hiện nay với các công đức toàn thiện, đạt đến giác ngộ, tại sao Ta lại làm lễ ông? Ai nhận sự lễ bái của Ta thì đầu họ bị rơi xuống đất. Thế nên, ông đừng hy vọng được Phật lễ bái mình.
Do mê mờ, không biết nên Bà-la-môn mới nói với Phật như vậy. Bà-la-môn lại nói: - Nếu thế, có khi chỉ là sắc-không-vị, không thật chất (arasarùpa - vật chất không có mùi vị). Vì sao? Vì chỉ có sắc mà không có thật vị.
Muốn giáo hóa Bà-la-môn, đức Phật đáp: - Ông nói không có vị, đúng là không có vị. Vì sao? Như người đời lấy sắc, thanh, hương, vị, xúc làm vị. Như Lai đã đoạn trừ những thứ ấy như chặt đầu cây Đa-la thì không còn mọc lại (vị) nữa.
Bà-la-môn đáp: - Người như vậy thì thật cao ngạo.
Phật nói: - Chính ông cho việc ấy là cao ngạo, sao lại bảo Ta là cao ngạo! Ba đời chư Phật không làm lễ người đời, Ta cũng như vậy nên cao ngạo à!
Bà-la-môn nói: - Nếu như vậy, thì không có làm gì cả (Akiriya).
Phật nói: - Đúng như lời ông nói, Ta thật không làm? Ta không làm những việc trộm cắp, nói dối, lừa đảo, dâm dục... các nghiệp ác của thân, miệng, và ý. Ta hoàn toàn không làm những việc ấy nên gọi là không làm.
Bà-la-môn nói: - Người này tự mình tiêu diệt (uccheda) chủng tộc của họ phải không?
Phật đáp: - Đúng vậy! Vì sao? Ta đã tiêu diệt tất cả các loại phiền não trong ba cõi nên được gọi là diệt chủng tộc.
Nghe nói, Bà-la-môn ngơ ngác rầu rĩ, không biết đáp thế nào nên cãi bướng: - Vậy người này đáng khinh, bất tịnh.
Phật đáp: - Theo ý Ta, thật có kẻ bất tịnh. Người nào phóng túng thân miệng làm ác, kẻ ấy thật đáng khinh, bất tịnh.
Bà-la-môn giận nói: - Người này nghe lời ta, rồi tùy theo từng việc mà phá diệt.
Phật đáp: - Ta đã diệt sạch các phiền não trong ba cõi rồi.
Bà-la-môn: - Nên nhớ người này để không nên nói chuyện với họ.
Phật đáp: - Nếu có người như vậy, Ta cũng ghi nhớ, với những kẻ ngu si, thật đáng thương xót vì thường làm việc ác không nghĩ đến việc tu thiện.
Nỗi giận, Bà-la-môn mắng nhiếc: - Người này sẽ bị thức suốt ngày đêm, để suy nghĩ tìm cầu sự tốt đẹp cho người khắp thế gian.
Phật đáp: - Đúng vậy! Vì sao? Ta không vào ngủ trong thai cũng không vào ngủ ở cõi trời, nên gọi là không ngủ.
Sau khi Bà-la-môn đem tám việc chê Phật, Đức Pháp-Vương Như Lai với tâm thương xót muốn trị mắt bệnh cho ông ta bằng pháp vị cam lộ nên Ngài thuyết pháp.
Được nghe pháp, tâm Bà-la-môn được thanh tịnh như hư không bị mây che, như ánh sáng nhật nguyệt phá tan bóng tối. Bằng các phương pháp, Như Lai giáo hóa làm cho ông hiểu rõ. Ngài tự tuyên bố Ta đã đắc trí tuệ vô thượng thường an trú ở Niết-bàn và nói với Bà-la-môn: - Ông đã già cả gần chết, nếu gặp Ta và đã thu hoạch được kết quả. Vì sao? Ví như có tám hoặc mười hoặc mười hai trứng.
Hỏi: - Vì sao số lượng được phân làm ba?
Đáp: - Đây là câu nói đầy đủ, cũng làm cho văn tự được hoa mỹ.
Gà mẹ ấp, tùy lúc di chuyển vị trí số trứng này.
Ấp nghĩa là dùng hai cánh phủ lên trứng cho đến khi sắp nở. Khi thấy ánh sáng thì gà con dùng mỏ mổ vỏ trứng, khi ra khỏi lại vẫy cánh và kêu vang. Gà con ra khỏi vỏ trước là lớn mạnh hay nhỏ?
Bà-la-môn đáp: - Con ra trước là lớn mạnh.
Phật đáp: - Ta cũng như vậy. Vì sao? Vỏ vô minh che kín cả ba cõi, Ta dùng mỏ trí tuệ mổ vỡ vỏ vô minh, thoát ra ba cõi trước, vậy ai lớn mạnh, ai nhỏ yếu?
Đáp: - Cù-đàm là lớn mạnh.
Những câu sau không có nghĩa khác, hãy tự biết lấy. Đệ nhất trong thế gian, nghĩa là không có thứ nhì, chỉ cho bậc Chánh-đẳng-giác, Vô-thượng-giác.
Hỏi: - Vô-thượng-giác là gì?
Đáp: - Người nào đang ở địa vị Tu-đà-hoàn đạo mà hỏi Tu-đà-hoàn quả thì được Ngài đáp ngay... cho đến vị A-la-hán đạo hỏi về A-la-hán quả cũng được Ngài đáp ngay, đối với Thanh-văn đạo, Bích-chi đạo, Phật đạo cũng được đáp ngay theo câu hỏi, nên gọi là giác ngộ Vô thượng. Thế nên Ngài rất vĩ đại.
Khi ấp, gà mẹ tùy lúc di chuyển trứng, ví như khi dưới gốc cây Bồ đề, đức Phật quán sát pháp bốn Thánh đế, khổ, không, vô thường. Phật bảo Bà-la-môn: - Với chánh cần, tinh tấn, mà Ta chứng đắc quả vị tối thượng, không phải do tâm biếng nhác, phóng dật. Bằng sự dũng mãnh, chánh cần, tinh tấn, dưới gốc cây Bồ đề, Ta dùng bốn pháp tinh tấn là ngay thẳng, không gấp, không hoãn, không ngừng lại mà đắc đạo quả Vô thượng.
Không nhu nhược là không ngừng lại. Tâm hoạt động là tu tập theo đối tượng quán sát. Không lui là không mệt mỏi. Tâm định (samàhitam cittam) là nhất tâm. Lại nói rằng khéo đặt tâm vào định thì thành tựu nhất tâm thì không lỗi lầm, phóng dật. Đây là thiện pháp đầu tiên. Nhờ vào pháp này chứng đắc sơ thiền. Từ sơ thiền tuần tự chứng đắc ba đạt trí là cùng cực. Thoát dục mà Phật chứng pháp Vô-thượng, nên trong luật có nói: Phật nói rằng này Bà-la-môn, đối với dục, Ta đã thanh tịnh nên đối với ác Ta cũng thanh tịnh.
Hỏi: - Dục (kàma) là gì?
Đáp: - Dục tham theo trần, dục theo tình dục, dục tư duy về dục (channa kàma, ràga kàma, chandaràga kàma); đây gọi là dục.
Hỏi: - Ác pháp là gì?
Đáp: - Dục, nghi ngờ là ác pháp. Đối với hai pháp này, Như Lai đã hoàn toàn tịch tịnh.
Hỏi: - Thế nào là thanh tịnh trong dục?
Đáp: - Cách ly dục cũng gọi là từ bỏ dục. Vì sao? Khi người mới vào sơ thiền, vô minh là bạn với dục, dục là kẻ thù (patipakkhabhùta?) của thiền định, vứt bỏ d?c thì đắc thiền định nên gọi nói là kẻ thù. Khi cách ly dục và ác thì thiền định có mặt. Diệt dục, ác thì thiền định phát sinh ngay. Hai câu này nên hiểu ý nghĩa như vậy. Lại có ba tịch tịnh là thân tịnh, tâm tịnh, xả ly tịnh (kàyaviveka, cittaviveka, vikkhambhanaviveka). Ba loại tịnh này cũng thuộc vào hai loại tịnh nói ở trước.
Hỏi: - Thế nào là dục?
Đáp: - Dục có là hai dục xứ (vatthukàma), dục phiền não (kiselakàma).
Hỏi: - Dục xứ, dục phiền não là gì?
Đáp: - Dục xứ là tâm đắm theo sắc trần; dục phiền não khiến cho người tìm đến dục.
Giải về hai câu sau, câu đầu là vứt bỏ lạc dục, câu sau là thoát khỏi phiền não dục; thế nên tâm hoàn toàn thanh tịnh đối với hai loại dục trên. Lại nữa, câu đầu là trừ dục xứ, câu sau là trừ bỏ phiền não dục. Câu đầu là trừ bỏ nhân duyên dao động; câu sau là trừ bỏ tướng si mê. Câu đầu là nhờ vào thanh tịnh; câu sau là chấm dứt dục, nên biết thứ tự như vậy.
Hỏi: - Với tham dục thì tham là dục hay khác dục?
Đáp: - Cùng qui về một chỗ, vì sao? Theo lý thì tất cả ác pháp đều huớng về một chỗ nhưng phân biệt có khác nhau. Lại trong luật có nói rằng tham là phiền não, dục là dục xứ. Như tham dục là kẻ thù của thiền định. Hoan hỷ là kẻ thù của sân hận. Tư duy là kẻ thù của hôn trầm. An lạc là kẻ thù của động nghi ( trạo hối). Tư luờng (vicàra - tứ) là kẻ thù của hoài nghi. Như tham dục là kẻ thù của sơ thiền. Tham dục thuộc về năm triền cái (panca nivàranàni), các ác pháp cũng thuộc về các triền cái.
Hỏi: - Các triền cái là gì?
Đáp: - Là ba độc căn bản (tham, sân, si), năm dục về năm trần, tà tham. Câu sau nghĩa là tham đắm vào cảnh giới vì phân biệt các trần rồi phát sinh sân, nhuế, si. Câu đầu là dục lưu, dục trước, dục tuyền, dục thủ, tâm sát hại, kết dục. Câu sau là những bộc lưu, dòng nước, chấp thủ, tham trước. Câu đầu là các ái... Câu sau là vô minh... Câu đầu là tham... tám tâm thọ. Câu sau phát sinh bốn tâm bất thiện. Như vậy là thanh tịnh đối với dục và ác pháp.
Hỏi: - Niệm và tư là gì?
Đáp: - Niệm (vitakka-tầm) nghĩa là chuyển động, là hướng tâm thẳng đến đối tượng quán sát. Tư (vicàra-tứ) nghĩa là người hành thiền đặt tâm vào đối tượng quán sát, tập trung và bám vào đối tượng quán sát. Lại nữa, tư nghĩa là tâm gom lại, dính vào, liên tục như là tiếng chuông, ban đầu lớn sau nhỏ dần. Ban đầu tiếng lớn ví như niệm; sau nhỏ dần như tư. Như chim bay, ban đầu cánh chuyển động, sau đó ổn định. Chuyển động như là niệm, ổn định như là tư. Như con ong tìm hoa, mới đến hoa như là niệm, chọn được hoa như là tư. Sơ thiền có năm chi là niệm, tư, hỷ, lạc, định (tầm, từ, hỷ, lạc, nhất tâm). Như từ cây mà có hoa và trái, cũng vậy sơ thiền có niệm, có tư đều được sinh ra từ an tịnh.
Hỏi: - Thế nào là an tịnh?
Đáp: - Xa lìa năm triền cái là an tịnh.
Hỷ (pìti) nghĩa là tràn đầy. Tràn đầy nghĩa là thân tâm tràn đầy sự hoan hỷ, sự vui vẻ tràn ra. Lạc là diệt hết khổ của thân và tâm. Lạc là bám vào vị ngọt của tưởng.
Hỏi: - Hỷ (sukha) là gì?
Đáp: - Tâm chứa đầy ý tưởng tốt đẹp. Lạc do cảm thọ về hỷ mà có. Lại nữa, hai pháp này không rời nhau, có hỷ thì có lạc và ngược lại. Hỷ thuộc về hành ấm; lạc thuộc về thọ ấm. Như người đi đường đang khát nước, nghe có nước liền sinh tâm sung sướng, gọi là hỷ. Đến nơi, được uống nước và tắm rửa, gọi là lạc. Định sơ thiền, sơ là thiền thứ nhất, định là đốt cháy hoàn toàn (paccannikadhammme jhàpètìti jhànam) cũng gọi là đối tượng quán sát của thiền sư.
Hỏi: - Đốt cháy hoàn toàn là gì?
Đáp: - Năng lực đốt cháy hết triền cái; cũng gọi đoạn trừ phiền não. Cũng gọi là thấy. Thấy nghĩa là quán sát thấy pháp tướng, nắm rõ biểu tượng của tám loại định. Vì sao? Tướng của Ca-sư-na-a-lãm-ma-na (Hán dịch là 38 loại định - kasinàrammana - biến xứ). Quán sát về các tướng này gọi là thiền định. Đây là quả kiến đạo. Vì sao? Vì quán sát về tướng. Quán sát về tướng nghĩa là quán vềâ sự vô thường, nhờ quán nên được đạo, dùng kết quả này mà quán sát diệt đế. Thế nên gọi thiền định là quán sát về tướng.
Hỏi: - Sơ thiền là gì?
Đáp: - Nghĩa là sự có mặt của niệm, tư, hỷ, lạc, định. Như gọi là người có tài sản, có thân quyến, nếu bỏ tài sản và thân quyến đi thì còn có tên gọi ấy không? Đáp: - Không còn. Thiền định cũng vậy, nếu bỏ niệm, tư, hỷ, lạc, định đi thì không còn tên gọi ấy. Như gọi quân trận là có người, binh, voi, ngựa, chiến cụ nên gọi là quân. Nếu bỏ hết người, binh, voi, ngựa, chiến cụ, thì không còn gọi là quân. Thiền định cũng vậy, nếu bỏ năm pháp trên thì không có tên thiền định. Nhập là đạt đến, cũng gọi là thành tựu. Trú nghĩa là an trú bằng thiền định dưới gốc cây Bồ đề (bodhimanda).
Hỏi: - Dưới gốc cây Bồ đề, đức Phật quán sát điều gì?
Đáp: - Quán sát hơi thở vào, hơi thở ra.
Hỏi: - Có thiền gì nữa không?
Đáp: - Cũng có.
Pháp-sư nói: - Pháp thiền định theo trong sách Thanh tịnh đạo (visuddhimagga), nếu ta nói rộng thì ý nghĩa của nó rất sâu rộng, rất phiền phức, hãy tự nghiên cứu trong A-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa. Sự trình bày ở trước đây là căn cứ theo Chánh-luận Tỳ-ny Tỳ-bà-sa, các phần khác là nói lược. Đây là thiền thứ nhất.
Diệt hết tư và niệm (vitakkavicàrànam vùpasamà), vượt qua hai pháp này là vào thiền thứ hai. Khi phát sinh thiền thứ hai thì hai pháp trên không còn nữa; Vì sao? Vì vượt qua hai chi lớn ấy nên gọi là thiền định thứ hai. Lại nữa, trong thiền định thứ hai không còn pháp của thiền thứ nhất nhưng lại có pháp khác. Trong thiền định thứ nhất bắt đầu với pháp xúc; nhị thiền đã vượt qua hai pháp trước thì nhập vào pháp của nhị thiền. Thế nên trong luật có nói rằng diệt hết niệm và tư thì vào thiền định thứ hai, pháp bên trong (ajjhatta) xuất hiện ra.
Hỏi: - Thế nào là xuất hiện?
Đáp: - Xuất hiện là từ thân phát sinh. Thanh tịnh (sampasàdana) nghĩa là không cấu uế. Thiền cũng gọi là tịnh. Vì sao? Như cái áo vì có màu xanh nên gọi là áo xanh. Thiền cũng vậy, vì có pháp thanh tịnh nên gọi là thanh tịnh thiền.
Hỏi: - Sao gọi là định thanh tịnh?
Đáp: - Niệm và tư là gốc của dao động, không còn niệm và tư nên gọi là thanh tịnh, phát sinh tướng một pháp (ekodibhàva).
Hỏi: - Một pháp phát sinh ấy là gì?
Đáp: - Hoàn toàn không còn để ý đến niệm và tư nên gọi là tướng một pháp, cũng gọi là vô thượng cũng gọi là một tướng. Đã rời xa niệm và tư, gọi là không hai, là một tướng.
Hỏi: - Sao gọi là tướng một pháp?
Đáp: - Là chánh định.
Hỏi: - Chánh định là gì?
Đáp: - Nhất tâm không hai, cũng gọi là định, là bất động; đó là một tướng của thiền thứ hai.
Hỏi: - Sao gọi là danh?
Đáp: - Chẳng phải ngã cũng chẳng phải sự sống nên gọi là danh.
Hỏi: - Sơ thiền không có thanh tịnh hay sao?
Đáp: - Có chứ.
Hỏi: - Nếu vậy sơ thiền cũng gọi là một tướng, sao chỉ gọi nhị thiền là một tướng?
Đáp: - Niệm và tư giao động nước làm cho nổi sóng nên không thấy được rõ mặt; cũng như sơ thiền có niệm và tư làm tâm không thanh tịnh, nên không gọi là một tướng. Vì sao? Chánh định không được sáng rõ.
Hỏi: - Vì sao chỉ có định của nhị thiền là sáng tỏ?
Đáp: - Vì tâm tịnh. Từ định sinh hỷ lạc nghĩa là từ định của sơ thiền sinh ra hỷ lạc; đó là thiền thứ hai. Hai chỉ cho số thứ tự. Sơ thiền có năm chi, nhị thiền có bốn chi là thanh tịnh, hỷ, lạc, nhất tâm. Nói rộng có bốn, nói lược có ba như trong kinh đã nói.
Hỏi: - Ba chi hỷ, lạc, nhất tâm cùng phát sinh khi nào?
Pháp sư đáp: - Ta xác định là trong một lược, những phần khác hãy tự biết lấy. Đây là hết nhị thiền.
Viễn ly hỷ. Hỏi: - Viễn ly hỷ là gì?
Đáp: - Làm cạn hỷ, cũng gọi vượt qua hỷ, cũng gọi diệt hỷ. Vì hỷ phát sinh sau khi diệt niệm và tư (nên chỉ cần diệt hỷ).
Hỏi: - Theo trong luận thì ở nhị thiền, sau khi diệt niệm và tư thì có hỷ; vì sao niệm được lặp lại?
Đáp: - Vì muốn khen đệ tam thiền nên nói như vậy. Vì sao? Như đường vào tam thiền tà kiến chưa bị diệt, khi đắc Tu-đà-hoàn đạo mới diệt. Nay, được nói lại trong đường thứ ba này. Sao gọi là khen? Là đường thứ ba vậy. Trong này cũng như vậy, xả mà trú (upekkhako ca vihàsin).
Hỏi: - Xả là gì?
Đáp: - Xả là nhìn một cách bình đẳng không thiên lệch, không bè đảng, luôn ổn định là thiền thứ ba. Lại nữa, xả có mười loại: Một, xả thuộc sáu căn; hai, xả thuộc bốn phạm ma (từ, bi, hỷ, xả); ba, xả thuộc Bồ đề phần; bốn, xả thuộc tinh tấn; năm, xả thuộc hành uẩn; sáu, xả thuộc thọ uẩn; bảy, xả thuộc minh sát; tám, xả thuộc trung tính; chín, xả thuộc thiền; mười xả thuộc thanh tịnh (chalangupekkhà,brahmihàrupekkhà, bojjhangupekkhà, viriyupekkhà, sankharupekkhà, vedanupekkhà, vipassanupekkhà, majjhattupekkhà, jhànupekkhà, pàríuddhiupekkhà). Mười xả này, do tâm quán sát một tướng về những vị trí sai biệt nhau nơi người khác. Đây là nói lược, trong Sa-lỵ-da (Atthasàlini), Đàm-ma-tăng-già-ha-ny-da (Dhammassangahatthakathà), thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) nói rõ, hãy tự tìm hiểu. Trong luật này, nếu tôi trình bày quá nhiều thì rắc rối thêm.
Hỏi: - Mười xả này, lấy những xả gì?
Đáp: - Lấy xả thuộc trung tính.
Hỏi: - Xả thuộc trung tính là gì?
Đáp: - Không quan tâm đến sự việc do hỷ phát sinh.
Hỏi: - Sơ thiền và nhị thiền có xả thuộc trung tính không, hay chỉ có ở tam thiền.
Đáp: - Hai thiền trước cũng có nhưng vi tế nên không hiện rõ. Vì sao? Vì bị niệm, tư và hỷ che lấp. Trong tam thiền, đã viễn ly niệm, tư và hỷ nên xả hiện rõ. Nói về chánh tư tri (chánh niệm tỉnh giác).
Hỏi: - Tư là gì?
Đáp: - Tâm có nhiều tư tưởng nên gọi là tư. Tri nghĩa là thông suốt.
Hỏi: - Chánh tư là gì?
Đáp: - Chánh tư là không quên, cũng gọi là thức, còn gọi là biết rõ sự phát sinh tướng.
Hỏi: - Thế nào là tri?
Đáp: - Là chọn lựa, gom lại, rộng lớn. Đây là nói lược, xem lại phần thứ tám xả thuộc trung tính thì biết rõ.
Hỏi: - Thiền định thứ nhất có tư tri không?
Đáp: - Có chứ, tại sao? Nếu không có thì pháp thứ nhất nhờ đâu mà có.
Hỏi: - Vì sao trong sơ thiền không có tư tri xuất hiện?
Đáp: - Có nhưng quá thô. Như mài dao, trước cùn sau bén, tư tri cũng vậy, trong thiền thứ nhất nó còn quá thô nên không xuất hiện, cũng như người lấy sữa đuổi con nghé đi, nhưng không bao lâu nó vẫn trở lại. Cũng vậy, thiền lạc thứ ba, cách ly hỷ nhưng không bao lâu nếu chẳng có tư tri giữ gìn thì nó liền hợp với hỷ ngay, nhờ có tư tri mạnh mẽ giữ lại nên nó rời xa. Lạc này là vô thượng lạc, cực lạc. Vì sao? Do tư tri giữ gìn. Ý nghĩa của văn này như vậy, hãy tự hiểu lấy.
Hỏi: - Thế nào là thân?
Đáp: - Thân là danh sắc. Nhờ thân danh sắc nên biết lạc. Vì sao? Lạc kết hợp với thân danh sắc, hai bên kết hợp tối đa tạo ra mỹ vị, biết và mỹ vị hợp nhau, nên biết cảm giác, thế nên nhờ thân mà biết lạc. Người thiện nói: - Có xả có chánh tư thì an trú vào lạc.
Hỏi: - Người thiện nói là ai?
Đáp: - Là Phật, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn, người đắc thiền thứ ba nói về nhân duyên của thiền này, nên gọi là người thiện nói.
Hỏi: - Thế nào là nói?
Đáp: - Chỉ dẫn là nói, là phân tích cũng gọi là khen ngợi.
Hỏi: - Vì sao gọi là có xả và tư thì trú lạc?
Đáp: - Vì sắp vào thiền thứ ba.
Hỏi: - Vào thế nào?
Đáp: - Là cực lạc, vì cực lạc nên mỹ mãn. Trong thiền thứ ba, vì xả (lạc) nên hỷ không sinh nữa, gọi là có tư. Vì sao? Vì niệm và lạc của bậc thiện nhân là lạc thuần nhất không tạp nên được thiện nhân khen ngợi. Đây là ý nghĩa của câu có xả, tư thì trú lạc và được thiện nhân khen ngợi. Trú vào thiền thứ ba cũng như vào thiền thứ nhất và thứ hai nhưng có điểm khác là thiền thứ nhất có đủ năm chi, thứ hai có bốn chi, thứ ba có hai chi, như trong kinh đã dẫn nói.
Hỏi: - Hai chi nào xuất hiện trong thiền thứ ba?
Đáp: - Lạc và nhất tâm. Đây là chấm dứt thiền thứ ba.
Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa
- Quyển Thứ Tư -
--- o0o ---
Quyển thứ năm
Về câu: Từ bỏ khổ và lạc.
Hỏi: - Từ bỏ khổ và lạc nghĩa là gì?
Đáp: - Trong tứ thiền, không còn tâm khổ và lạc, còn gọi là vứt bỏ cả tên khổ và lạc.
Hỏi: - Trong tứ thiền, khi nào không còn tâm khổ và lạc?
Đáp: - Ngay khi bắt đầu bước vào tứ thiền là không còn.
Hỏi: - Ở đâu không còn khổ về thân?
Đáp: - Như trong kinh nói: Phật bảo các Tỳ-kheo, ly dục được thanh tịnh rồi, thì vào sơ thiền, ở đây khổ bị diệt hết.
Hỏi: - Ở đâu diệt sạch cả tâm khổ và lạc?
Đáp: - Trong sự tu tập viên mãn.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Trong tứ thiền, khổ lạc hoàn toàn bị diệt hết; ngay khi bắt đầu bước vào đệ tứ thiền thì hỷ hoàn toàn bị diệt không còn gì. Trong sơ thiền, niệm và tư chưa hết nên có tâm khổ. Khi diệt hết niệm và tư thì khổ không còn. Cũng vậy, trong nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, tuần tự diệt các chi, bắt đầu là niệm. Hỷ được diệt tận khi bắt đầu vào tứ thiền. Lạc trong thiền thứ tư, vì an trú vào xả (thanh tịnh hoàn toàn nhờ xả) nên lạc không thể phát sinh được nữa. Do đó, trong thiền thứ tư, khổ bị diệt tận không còn, nên gọi là không khổ, không lạc. Pháp xả này rất vi tế, không thể dùng ý mà nắm bắt được. Vì sao? Như có con bò dữ, người chăn bò không thể bắt giữ được, nên phải làm chuồng và lùa cả bầy vào trong, rồi cho từng con đi ra, tuần tự đến con bò dữ này thì bắt giữ được nó. Phật cũng như vậy, trước tiên giữ lấy lạc để có tất cả các pháp, sau đó tuần tự loại trừ đi, (và chỉ ra) đây là không khổ, không lạc, không tâm khổ, không tâm lạc và đây là cảm thọ không khổ không lạc.
Hỏi: - Không khổ không lạc này có giữ được không?
Đáp: - Không thể giữ được.
Hỏi: - Nhưng theo như câu ở trên thì tại sao nói giữ được?
Đáp: - Nhờ tên mà biết được tướng, cũng như bắt giữ được vậy; tướng trên ngôn ngữ như vậy, hãy tự biết lấy. Như trong kinh văn nói có bốn duyên mà vị trưởng lão nhờ đó đạt đến giải thoát do không khổ không lạc. Đó là nhờ định (nên loại bỏ hỷ và ưu ở thiền thứ ba) và hoàn toàn không còn khổ, lạc thì trú thiền thứ tư. Trưởng lão, đây là bốn duyên không khổ không lạc được gọi là giải thoát nhờ vào định. Cũng như, ngay khi ở đạo lộ thứ ba (đưa đến tam thiền), tà kiến... là các pháp đã diệt từ đầu, đó là sự khen ngợi về đạo lộ thứ ba; sự việc ở trên cũng như vậy.
Hỏi: - Các pháp ấy như thế nào?
Đáp: - Đứng đầu là sân nhuế, ngu si... tuần tự biết theo như vậy. Cũng như trong tứ thiền, bắt đầu bằng tâm khổ lạc, từ lạc sinh ra dục; từ khổ sinh ra sân nhuế. Khi sân nhuế sinh ra thì tiêu diệt tâm lạc. Thiền thứ tư đã quá xa chúng nên gọi là không khổ không lạc.
Hỏi: - Tướng trạng của không khổ không lạc như thế nào?
Đáp: - Là trạng thái hoàn toàn không còn lạc và khổ.
Hỏi: - Vị của nó như thế nào?
Đáp: - Không còn vị đắng của khổ và vị ngọt của lạc, còn gọi là không có đáp ứng.
Về câu: Xả niệm (thức) thanh tịnh.
Hỏi: - Xả niệm thanh tịnh là gì?
Đáp: - Xả nghĩa là khiến cho thức được thanh tịnh. Đây là trong thiền thứ tư, niệm hoàn toàn thanh tịnh. Niệm đã thanh tịnh là xả hết ba niệm đã có, hoàn toàn nhờ vào tác dụng của xả chứ không phải nhờ vào pháp nào cả. Thế nên, trong luật này nói về xả niệm thanh tịnh ví như trăng bị mây che nên ánh sáng không tỏ rạng. Sau khi mây tan hết, ánh trăng chiếu trong sáng. Ở đây, tư lạc cũng vậy, xả hết tư và lạc thì niệm liền thanh tịnh.
Hỏi: - Trong ba thiền ở trước đó (xả niệm thanh tịnh) không?
Đáp: - Có.
Hỏi: - Vì sao không thoát khỏi niệm?
Đáp: - Vì ở trước bị tư che lấp nên không thoát được. Lại nữa, xả trong tứ thiền thì niệm như ban đêm, xả như mặt trăng tròn, khi chúng họp nhau thì mặt trăng sáng tỏ.
Như vậy, sơ thiền có năm chi, tứ thiền có ba chi là xả, niệm, nhất tâm. Nói rộng có ba, tóm lại có hai, như trong kinh đã nói.
Hỏi: - Hai chi (xả và nhất tâm ) phát sinh khi nào?
Đáp: - Hai chi này phát sinh trong thiền thứ tư.
Hết phần đệ tứ thiền.
Trong Tứ thiền này, có người muốn thực hiện quán địa, có người muốn nhất tâm, có người muốn thông địa, có người muốn diệt-đế-địa, có người muốn nhập sinh. Nhập vào ái-tận nghĩa là cầu nhất tâm.
Vào thiền định như thế nào để được nhất tâm? (Ai với ý muốn) ta an trú trong an lạc suốt một ngày, nên tu tập bằng ca-tư-na (krtsna-kasina-biến xứ - Hán-nhất thiết nhập) thì sẽ phát sinh tám loại định. Người nào ra khỏi định rồi mà vẫn nhất tâm với tuệ quán như trước (trong đối tượng quán của mình), đây gọi là quán địa. Lại có người thành tựu tám loại định rồi, đi vào sự thông suốt các thiền địa, sau khi xuất định có thể biến hiện các thần thông từ một thân hóa ra ngàn vạn thân... được biết theo thứ tự như vậy; nên gọi là nhờ thiền nên đạt thông địa. Lại có người sau khi có tám loại định, an trú vào diệt tận định. Thời gian bảy ngày trong diệt tận định này, theo thế gian gọi là Niết-bàn. Ta cho rằng giữ sự an lạc trong bảy ngày này chính là diệt-đế-địa. Có người đắc tám loại định nhưng không thích thú về thiền định này, với ý nghĩ rằng ta muốn sinh lên cõi Phạm thiên; đây gọi là vào sinh địa. Dưới cây Bồ đề, đức Phật nhập vào định của thiền thứ tư, xuất khỏi định này, quán địa này của Như Lai cũng được gọi là thông địa, cũng gọi là nhập vào diệt-đế-địa, thể nhập vào tất cả pháp thế gian và pháp thánh lợi.
Pháp sư nói: - Lược nói như vậy, về thứ tự của thiền thứ tư tự biết lấy. Với pháp này, vào định của thiền thứ tư, bằng định nhất tâm hoàn toàn nên gọi là tịnh; như trong luật có nói: Xả niệm thanh tịnh.
Hỏi: - Thế nào là tịnh?
Đáp: - Trắng tinh không còn đen, cũng gọi là quang minh, nhờ vào lạc ly dục, thoát ly hoàn toàn các phiền não, tâm trở nên thanh tịnh trong sáng và tùy thuận sự điều phục. Vì sao? Vì đã được huấn luyện đến mức độ cực kỳ mềm dẻo. Như trong kinh có nói: Nếu tâm đã mềm dẻo thì tùy thuận theo sự điều phục. Ví như vàng nguội được tuần tự luyện cho mềm dẻo thì có thể tùy theo ý muốn mà làm các loại trang sức, đập không bị rạn nứt. Tâm cũng như vậy, tùy thuận sự điều phục. Trong kinh nói rằng Phật bảo các Tỳ-kheo, ta không thấy một pháp nào như tâm, phải huấn luyện nhiều lần mới mềm dẻo, tùy thuận sự sai khiến đạt đến chỗ cực tịnh như vậy gọi là bất động, tinh tấn không còn giải đãi, luôn luôn nhất tâm không còn trạo cử, có trí tuệ kiên cố không bị vô minh che lấp, thường xuyên chánh niệm không bị thất niệm làm nhơ bẩn, quang minh sáng suốt không bị phiền não ngăn che. Được pháp này bảo vệ thì không bị loạn động. Tâm này đi vào tám chi thì theo sự tiếp thu mà phân biệt rõ các pháp. Nhờ bốn định của bốn thiền mà được nhất tâm, đưa đến xa lìa các triền cái, tâm không còn cấu trược. Vượt qua niệm tư, tâm được thanh tịnh, phát sinh trí tuệ. Do đó, các triền cái không thể che lấp được tâm. Do không còn niệm nên đạt đến bất động. Khử sạch phiền não cũng gọi là bất động. Đoạn này được nói trong kinh, hãy tự xem lấy.
Túc-mạng-trí được phát sinh từ thông địa. Túc nghĩa là ấm của đời quá khứ. Trú nghĩa là ở nhà này nhà kia, chết ở nhà này nhà kia, rồi lại sinh vào nhà này nhà kia, rời khỏi nhà này sinh vào nhà kia. Bằng trí tuệ của mình mà biết rõ tất cả từng giai đoạn đời trước; gọi là tự biết túc mạng đời quá khứ. Như trong luật văn có nói: Biết (phân biệt) túc mạng trí nghĩa là nhờ phân biệt mà biết chỗ ở của các thân mạng trong quá khứ, biết sự thọ sinh hoặc một đời, hai đời, luân chuyển như vậy, nhờ tâm biết nên phân biệt. Như Phật đã đến bờ bên kia (pàrami), không còn phải điều phục tâm mà phân biệt rõ hết. Kẻ mới học thì làm rồi mới phân biệt được. Tôi sẽ nói sơ lược, muốn biết rõ xin đọc (Thanh) Tịnh-đạo Tỳ-bà-sa (Visuddhimagga), ở đây nói theo trong luật.
Hỏi: - Thế nào là một đời?
Đáp: - Một quá trình từ khi (hữu tình) vào thai đến khi chết, gọi là một đời. Tuần tự như vậy cho đến vô số đời.Tam-bạt-kiếp (samvattakappa), Hán dịch kiếp-hoại-diệt.
Hỏi: - Thế nào là vô số kiếp-hoại-diệt?
Đáp: - (Kiếp) tuần tự bị diệt dần gọi là kiếp-hoại-diệt.
[Tỳ-bạt-di (vivatta) kiếp, Hán dịch là kiếp thành -- người dịch]
Hỏi: - Thế nào là Tỳ-bạt-sất-di-kiếp (vivattatthàyi-kiếp trụ).
Đáp: - Tuần tự sinh trưởng, gọi là kiếp trụ.
Kiếp hoại được thuộc vào kiếp không (tam-bạt-xoa-di-kiếp-samvattatthàyi), lấy từ kiếp không, thì kiếp thành được thuộc vào kiếp trụ. Với những kiếp này, tâm đều phân biệt rõ. Như trong kinh văn nói: Phật bảo các Tỳ-kheo rằng có bốn a-tăng-kỳ kiếp. Đó là tam-bạt-trá, tam-bạt-xoa-di, tỳ-bạt-trá, tỳ-bạt-xoa-di [samvatta (hoại), samvattathàyi (không), vivatta (thành), vivattathàyi (trụ)]. Kiếp hoại là gì? Có ba kiếp hoại, đó là hỏa hoại, thủy hoại, phong hoại. Có ba cõi bị hoại là A-ba-sa-la-thiên (Quang âm), Tu-bà-khẩn-na-thiên (Thiểu tịnh), Ty-hiếp-phá-la-thiên (Quảng quả) (Abhassarà, Subhakinhà, Vehapphalà).
Khi hỏa kiếp hoại xuất hiện, từ cõi Quang âm trở xuống bị lửa cháy hết. Khi thủy kiếp hoại xuất hiện, từ cõi Tiểu tịnh trở xuống bị chìm mất trong nước lớn. Khi phong kiếp hoại xuất hiện, từ cõi Tỳ-hiếp-phá-la-thiên trở xuống bị tàn phá bay sạch. Rộng cho đến một cảnh giới của Phật.
Pháp sư hỏi: - Cảnh giới của Phật là gì?
Đáp: - Là cảnh giới sinh, cảnh giới uy lực, cảnh giới được biết đến (Jàtikkhetta, Anakkhetta, Visayakheta).
Hỏi: - Cảnh giới sinh... là gì?
Cảnh giới sinh là trong mười ngàn thế giới, nếu khi có đức Phật giáng sinh thì cả mười ngàn thế giới đều chấn động. Cảnh giới uy lực là uy đức của Phật bao trùm đến trăm ức thế giới. Trong này, nếu Phật thuyết các kinh bảo hộ như kinh Tam bảo, Kinh Tụ, kinh Ngọn cờ, kinh Cầu an, kinh Khổng tước (Ratanaparitta, Khandhaparitta, Dhajaggaparitta, Atànàtiyaparitta, Moraparitta), (phi nhân nào) nghe mà không phục tùng thì bị gió dữ thổi bay ra tận ngoài trăm ức thế giới. Cảnh giới được biết đến là Ngài biết rất rộng không thể đo lường được. Do đó khi một ba cảnh giới của Phật là cảnh giới uy lực bị diệt thì cảnh giới sinh cũng bị băng hoại. Và khi thế giới ấy được hình thành thì cảnh giới kia cũng được thành lập. Trong thanh tịnh đạo có nói rõ, hãy tự xem biết.
Như vậy, dưới cây Bồ đề, Phật chứng Nhất thiết trí, biết rõ không phải chỉ một kiếp, hai kiếp, mà biết rõ tận đến kiếp hoại.
Hỏi: - Thuận theo chỗ sinh là gì?
Đáp: - Khi kiếp hoại xảy ra, hữu tình hoặc sinh lên trời hoặc sinh cõi người bằng hóa sinh, thai sinh hoặc thấp sinh. Theo thứ tự như vậy, Ngài đều biết rõ đây là họ của Ta, tên cha mẹ của Ta, tên Ta, thuộc họ Ca-Diếp, họ Bà-la-môn, hoặc Sát-đế-lỵ với khổ vui như vậy, hình sắc trắng đen như vậy, ăn uống với các loại ngũ cốc như vậy, các loại trái cây với vị ngọt hương thơm như vậy, với hành động của thân miệng ý tạo nghiệp như vậy, tuổi thọ dài ngắn như vậy, từ cõi người đến thiên giới thứ nhất, lên tận Phạm thiên. Tuần tự luân chuyển thọ sinh như vậy, cho đến sinh lên cõi trời Đâu-suất (Tusitabhavana) với địa vị nhất sinh bổ xứ, Ta đồng họ với chư Thiên tại cõi Đâu-suất thiên, tên là Tư-Đa-Khai-Đa (setaketu - Hán dịch Bạch-kỳ-thiên - Vị trời tên cờ trắng), thân màu hoàng kim, ăn uống cam lộ, hưởng thụ khoái lạc chư thiên, sống lâu đến 57 ức 6 vạn tuổi thế gian. Từ thiên cung, ta giáng hạ thác sinh vào thai Ma-da trong cung vua Bạch-tịnh-phạn. Ta biết rõ tất cả nơi sinh ở các đời sống trong quá khứ với những tên họ, hình dáng xấu đẹp, sang hèn giàu nghèo.
Pháp sư hỏi: - Chỉ có Phật hay người khác cũng biết?
Đáp: - Cả người khác, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn, ngoại đạo, phạm chí, đều có thể phân biệt được. Ngoại đạo, phạm chí chỉ biết trong phạm vi bốn mươi kiếp, vì trí tuệ của họ cạn hẹp nên không thể biết xa hơn, chỉ biết sự thọ sinh mà thôi, không biết tất cả các việc khác. Vì sao? Vì trí tuệ yếu kém. Có 80 bậc đại A-la-hán biết được 10 ngàn kiếp. Có hai thượng thủ A-la-hán biết được một A-tăng-kỳ kiếp và 10 ngàn kiếp. Bích-Chi-Phật biết một A-tăng-kỳ kiếp và 10 ngàn kiếp. Những vị này chỉ biết tùy theo năng lực của mình. Đức Phật thì biết vô cùng tận. Ngoại đạo phạm chí chỉ biết theo sự tiếp nối các uẩn, nếu muốn biết vượt giai đoạn thì không thể được. Ví như người mù, khi đi phải theo từng bước, không thể có trường hợp đi vượt bước. Thanh-văn biết được cả hai đầu (sinh và kết sinh); Độc giác cũng vậy. Chư Phật biết theo ý muốn, biết hết sự lên xuống qua lại trong vô số kiếp. Này Bà-la-môn! Đây là sự biết của Ta.
Phật bảo Bà-la-môn: - Dưới cây Bồ đề, Ta chứng đắc trí tuệ vô thượng, biết được vô số kiếp trong quá khứ. Nhờ đâu mà Ta diệt sạch vô minh, được trí tuệ sáng suốt như hiện nay? Tất cả đều nhờ vào sự tinh tấn không tiếc thân mạng mà đạt được; như gà con dùng mỏ phá vỏ trứng.
Phật bảo Bà-la-môn: Trí túc mạng của Ta là mỏ, vô minh che phủ nhiều đời là vỏ. Ta dùng mỏ trí này phá tan vỏ vô minh mà thoát ra ngoài nên Ta được gọi là Vô-thượng-trí. Bằng trí túc mạng, Ta cũng biết đời sống của (hữu tình) khác, bằng trí tuệ biết sự đọa sinh của chúng sinh, nên gọi là biết về đọa sinh. Với thiên nhãn, Như Lai vừa quán sát chúng sinh là biết ngay vì đã viên mãn Balamật. Người khác muốn biết như vậy, cần phải tu tập. Đây là nói lược, muốn biết hãy xem ở Thanh tịnh đạo Tỳ-bà-sa.
Hỏi: - Thánh nghĩa là gì?
Đáp: - Vị thấy bằng mắt thịt nhưng không khác mắt thánh, nhờ thực hành các thiện pháp mà thiên nhân thành tựu mắt này, không lệ thuộc mắt thịt, sạch các trần cấu, thấy được rất xa. Thế nên, trong luật có nói rằng quán sát bằng thánh nhãn. Tuệ nhãn đạt được do tinh tấn, cũng nhu thánh nhãn không khác. Vì sao? Vì sau khi chứng thánh mới đạt được nên gọi tuệ nhãn là thánh nhãn. Vì sao? Vì tự thân sống theo thánh, được quang minh của bậc thánh. Tâm được sáng suốt nên quan sát rất xa, xuyên qua đá vách như (nhìn) qua ánh sáng trong suốt. Thế nên, với tuệ nhãn thanh tịnh thấy rõ chúng sinh chết đi, thọ sinh. Ngoại đạo, phạm chí vì thấy chết mà không thấy sinh nên sinh ra đoạn kiến. Lại có ngoại đạo thấy sinh mà không thấy chết nên sinh ra thường kiến (yo hi cutimattam eva passati na upapàtam so ucchdaditthin ganhàti) với chín cõi chứng sinh cư trú, đức Phật thấy rõ cả thường kiến lẫn đoạn kiến nên trong luật có nói rằng dùng tuệ nhãn thấy chúng sinh chết và sinh.
Cực tịnh nghĩa là Như Lai không còn 11 phiền não nên gọi là cực tịnh. Như trong kinh có nói: Phật dạy A-Nậu-Lâu-Đà (Anuruddha) rằng nghi ngờ là tâm phiền não dùng trí tuệ mà khử đi. Tâm không được hộ trì là phiền não. Tâm thùy và tâm miên là phiền não, tâm mừng sợ, tâm kiêu căng, tâm quá tinh tấn, tâm quá mềm yếu, tâm nhiều lời, tâm không biết phân biệt, tâm cực quán sắc... Với các tâm phiền não như vậy, này A-Nậu-Lâu-Đà, đây là 11 phiền não. Với hết sức tinh tấn, Như Lai đã viễn ly các phiền não này. Nếu Ta chỉ thấy sắc thì không thấy sáng, thấy sáng thì không thấy sắc. Với bước đầu như vậy, Như Lai đã vượt qua 11 phiền não, nên vượt qua mắt người. Thế nên, trong luật có nói: Bằng mắt thánh thanh tịnh siêu việt mắt thịt thế gian để quán sát chúng sinh cũng như thấy bằng mắt thịt, thấy rõ sự chết và sinh của chúng sinh.
Pháp sư nói: - Phật thấy rõ từ khi mới sinh đến khi chết của chúng sinh không?
Đáp: - Thấy từ khi sinh đến khi chết, không thấy có trung gian [(giữa hai đời) không có trung ấm -- người dịch]. Trong luật cũng thuyết minh như vậy.
Hỏi: - Hạ tiện là gì?
Đáp: - Vì ngu si hành động theo pháp ác; lại nữa sống bần cùng cũng là tiện và bị người khinh ghét.
Hỏi: - Quý trọng là gì?
Đáp: - Thọ sinh bằng tâm tuệ, nên gọi là quý trọng.
Tướng mạo xinh đẹp do không sân hận, tướng xấu xí do sân hận mà có.
Thiện đạo (sugata) là sinh vào cảnh giới thiện; nơi nhiều vàng bạc châu báu cũng gọi là đường thiện.
Ác đạo (duggata): do tham lam keo kiệt mà sinh vào cảnh giới bần cùng hạ tiện, còn gọi là đường ác.
Hạ tiện (Hina) là hằng ngày sự ăn uống bị thiếu thốn, không được cung cấp.
Như Lai biết rõ các hoạt động của chúng sinh tùy theo nghiệp của chúng. Quán sát chúng sinh chịu các khổ sở trong địa ngục, Như Lai suy nghĩ: Các chúng sinh này trồng cái gốc tội gì mà chịu khổ suốt ngày đêm ở địa ngục như vậy. Ngài biết rằng chúng sinh này vì gây ác nghiệp nên chịu quả khổ ấy.
Quán sát lên cõi trời, thấy chư thiên du ngoạn vui chơi trong vườn Ly-đà (Nandavana), My-sa (Myssakavana), Ba-lưu-sa-ka (Phàrusakavana), Như Lai suy nghĩ: Những chúng sinh này làm những phước nghiệp gì mà sinh đến cõi ấy hưởng thụ phước lạc cõi thiên. Ngài biết chúng do tạo các thiện nghiệp nên được phước báo này.
Đây là sự biết rõ nghiệp trong hiện tại và biết rõ quả báo tương ứng trong tương lai. Đắc đại thần thông, Như Lai biết rõ với thánh nhãn.
Về câu: Gây nghiệp ác về thân (Kàyaduccarita).
Hỏi: - Gây ác nghiệp về thân là gì?
Đáp: - Ác là tạp uế bất tịnh, với thân là nghiệp ác như vậy, Như Lai đều biết rõ.
Miệng, ý gây ác nghiệp cũng như vậy.
Về câu: Hủy báng người thiện.
Hỏi: - Người thiện là gì?
Đáp: - Phật, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn cho đến kẻ thế tục áo trắng (gihi) chứng quả Tu-đà-hoàn đều gọi là người thiện.
Hỏi: - Hủy báng là gì?
Đáp: - Mắng chửi hủy diệt các thiện pháp, gọi là lời hủy báng. Lại nữa, nếu nói rằng Phật, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn đều là pháp ác trái với chánh pháp, không có thiền định, không có pháp Niết-bàn, không có đạo và quả của pháp. Với lời nói hủy báng như vậy, kẻ biết hay không biết mà nói, đều là kẻ hủy báng người thiện. Những kẻ tạo nghiệp nặng này, thì cửa trời đóng lại và cửa địa ngục mở đón họ.
Pháp sư nói: - Tôi sẽ chứng minh việc này. Trú xứ nọ có hai Tỳ-kheo; một lớn tuổi (thera), một nhỏ tuổi (Daharabhikkhu). Cùng đi vào làng, đến nhà kia, vị lớn được một phần cháo nóng lỏng (ulunkamatta unhàyagu) nên suy nghĩ: Bụng ta bị trúng phong, cháo nàycon nóng, nếu ăn vào ngay thì hết bệnh ấy.
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo lớn tuổi ngồi húp cháo nóng trên khúc gỗ làm ngạch cửa (ummàra) của ai đó vứt bên đường. Thấy vị kia ngồi trên khúc gỗ, húp cạn cháo, vị Tỳ-kheo nhỏ tuổi mắng: - Ông già ngu độn (mahallaka) làm tôi xấu hổ quá.
Sau khi dùng cháo, trở về chùa, vị lớn tuổi hỏi vị nhỏ: - Trưỡng lão! Trong Phật pháp này, thầy có đạt được gì không?
Đáp: - Có, con chứng Tu-đà-hoàn đạo.
Lão Tỳ-kheo nói: - Nếu vậy, đừng mong cầu đạo quả gì khác được. Vì sao? Vì thầy phỉ báng vị Tỳ-kheo ái-tận (lậu tận).
Nghe nói như vậy, vị Tỳ-kheo nhỏ sám hối: - Thưa đại đức! Con đã có hành động bất thiện đối với đại đức, xin cho con sám hối.
Được vị kia cho sám hối, nên vị này hoan hỷ từ giã.
Pháp sư nói: - Người nào mắng chửi bậc thánh, nếu là đại Tỳ-kheo thì sám hối như sau: - Trưởng lão, tôi xin sám hối với trưởng lão, xin trưởng lão chấp nhận cho. Nếu là vị nhỏ hơn thì lạy sát đất, chắp tay thưa: - Đại đức! Đây là lỗi của con, xin sám hối với đại đức, mong đại đức chấp thuận cho. Nếu vị kia không chấp nhận, thì vị này phải đi ngay đến gặp các Tỳ-kheo ở chỗ khác hay chùa khác, nếu gặp vị lớn tuổi, thì đảnh lễ sát chân, chắp tay thưa: - Đại đức, con có lỗi như vậy, xin đại đức ghi nhận cho; nếu gặp vị nhỏ tuổi, thì nói: - Trưởng lão, tôi có lỗi như vậy, tôi xin sám hối, xin trưởng lão chấp thuận cho. Nếu vị kia đã nhập Niết-bàn, thì đến sám hối nơi vị ấy nhập Niết-bàn (Parinibbutamanacatthàna). Sau khi sám hối như vậy thì cửa đường trời và cửa niết-bàn vẫn rộng mở như khi chưa phạm lỗi.
Về câu: Tà kiến (Micchàditthika)
Hỏi: - Tà kiến là gì?
Đáp: - Kiến thức điên đảo là tà kiến, sau khi chấp nhận hành động tà kiến, lại còn truyền dạy người khác, bằng lời nói ác phỉ báng bậc thánh và ác nghiệp về ý cũng thuộc về tà kiến. Đã chấp thuận tà kiến thì tất cả hành động ác đều theo hướng tà kiến và hành động đại ác này đưa đến tội cực nặng. Như trong kinh văn có nói: - Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: Tỳ-kheo giữ giới trọn vẹn, có định tuệ đầy đủ, thì tự mình đạt được chánh kiến, và dạy bảo người khác cũng được như vậy. Này Xá-Lỵ-Phất, tà kiến cũng vậy, không rời thân miệng ý thì như người cầm viên đất ném đi cũng không thoát khỏi đất được, gây tà kiến ác nghiệp không thoát khỏi địanguc. Tại sao? Vì tà kiến gây tội rất nặng. Trong kinh văn cũng có nói: Phật bảo các Tỳ-kheo: Ta thấy các nghiệp ác không gì hơn tà kiến vì nó tạo ra tội lỗi đưa đến quả báo cực nặng.
Về câu: Đưa đến thân chết (Kàyassa Bheda).
Hỏi: - Thân chết là gì?
Đáp: - Chết là cùng với tội bị đọa địa ngục không có lúc thoát ra, cũng gọi là bốn đại tan rã, cũng gọi là sẽ tái sinh.
Pháp sư nói: - Nếu chọn lấy địa ngục thì đóng chặt con đường đến cõi trời và cửa giải thoát. Lại nữa, nếu gọi là ác đạo thì bao gồm cả ngạ quỉ, súc sinh, A-tu-la. Nói đến địa ngục (apàya) thì bắt đầu là A-tỳ (avìci), trắng hay đen thế nào hãy tự biết lấy. Nói đến thiện đạo thì loài người cũng là thiện đạo.
Hỏi: - Trời có nghĩa gì?
Đáp: - Sắc, thanh, hương, vị hơn cõi người nên gọi là trời.
Biết rõ (Vijjà-minh) là biết bằng mắt, những phần khác hãy tự biết lấy.
Đã nói lược xong về phẩm Thánh-nhãn.
Biết rõ vô minh che đậy túc mạng ở quá khứ, dùng mỏ túc mạng trí mổ vỡ tan vỏ vô minh che đậy, đồng thời biết rõ sự đọa lạc trong hiện tại.
Lậu tận trí là trí đạt được nhờ diệt sạch các lậu bởi A-la-hán đạo.
Quá-hạ-trí tâm (samàhita citta-tâm đẳng dẫn, thắng định) là tâm quán sát. Tâm quán này biết rõ khổ, ngay tại đây diệt tận và không còn tiếp tục, vì biết rõ hoàn toàn về tướng mạo và bản chất của khổ-đế. Lại nữa, quán khổ-đế từ tập-đế phát sinh, đây là tập-đế. Lại nữa, quán khổ diệt, đây là diệt-đế. Quán sát con đường đưa đến khổ-diệt là quán đạo-đế. Như vậy là biết rõ hoàn toàn về tướng mạo của bốn Thánh đế một cách như thật. Do đó, đức Phật nói: Ta biết bốn đế bằng thấy như thật, biết như thật.
Về dục lậu:
Từ dục lậu thoát ra, đây chỉ cho quả, căn cứ vào kết quả mà tuyên bố ta đã giải thoát rồi. Từ lâu, dục lậu che đậy tâm hiểu biết, này nhờ quán sát nên biết rõ ta không còn tái sinh nữa. Thế nên trong luật có nói: Phật bảo Bà-la-môn rằng: - Ta không còn sinh nữa.
Pháp sư hỏi: - Đó là quá khứ không sinh, hiện tại không sinh hay tương lai không sinh? Nếu nói quá khứ sinh, thì sự sinh trong quá khứ đã diệt; nếu nói hiện tại sinh thì sự sinh trong hiện tại dã sinh; nếu nói tương lai sinh thì sự sinh trong tương lai chưa đến, vậy có gì là sinh?
Đáp: - Đoạn trừ cái nhân nên gọi là không sinh.
Trú (Vusita) là trú trong phạm hạnh. Phạm hạnh (Brahmacariya) là người thiện cùng cộng trú trong bảy chi học giới. Đây là Phật chỉ cho người xuất gia.
Việc đã xong (kata karanìya) nghĩa là đối với Bốn đế, bốn-đạo đã hoàn tất. Thế nên, Phật bảo Bà-la-môn rằng: - Việc làm của Ta đã hoàn tất không còn phải làm trở lại nữa.
Hỏi: - Thế nào là không trở lại nữa?
Đáp: - Các phiền não lậu hoặc không còn phát sinh đến với Ta nữa. Vì không còn phát sinh nữa nên chẳng còn tinh cần (để diệt). Như Lai đã biết rõ như vậy nên gọi là lậu-tận-trí. Vì sao? Vì Như Lai muốn khai thị cho Bà-la-môn. Đức Phật đã đắc ba đạt-trí, trí về quá khứ, hiện tại, vị lai.
Pháp sư nói: - Có phải là chẳng nên tự xưng với lời như vậy, vì như vậy là Như Lai tự khen mình phải không?
Đáp: - Phật vì thương mến thế gian và Bà-la-môn ... nên nói rằng Ta là thánh nhân. Ta là tối-thắng Vô-thượng-tôn, biết hết tất cả; Ta không lạy người khác.
Nghe những lời Phật giảng dạy như vậy, Bà-la-môn hoan hỷ, sám hối ngay trước Phật rằng: - Sa-môn Cù-Đàm có những thánh lợi mỹ mãn như vậy. Con thật không biết đúng về sa-môn Cù-Đàm là bậc đã có đầy đủ công đức.
Sau khi tự khiển trách mình và được nghe giáo pháp, Bà-la-môn khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Con được sa-môn Cù-Đàm chỉ dạy cho pháp vị.
Pháp sư hỏi: - Vì sao khen hai lần lành thay?
Kệ nói:
Diệt được sân, vội khen,
Ân cần mừng và sợ,
Vừa tin, vừa hối hận,
Nên nói lại hai lần.
Tại sao ở đây khen ngợi? - Nghe Phật thuyết pháp, Bà-la-môn hoan hỷ, không biết lấy gì cảm tạ nên khen ngợi.
Pháp sư nói: - Bà-la-môn đang có ý nghĩ: Pháp được Phật thuyết minh có ý nghĩa sâu xa, lời lẽ hay đẹp, khéo vào thẳng lòng người và sinh đại từ bi, rất thích thú.
Do đó, Bà-la-môn thưa với Phật: - Con như bát bị úp, nay nghe được giáo pháp của Phật dạy, cho bát ngữa ra tiếp nhận cam lộ. Như châu báu bị người lấy cỏ cây che phủ, có người chỉ cho nên biết chỗ. Như kẻ lạc đường, được người nắm tay chỉ cho đường đúng. Như trong chỗ tối tăm, có người cho đèn đuốc sáng nên thấy rõ đường đi. Con cũng như vậy.
Pháp sư nói: - Tôi sẽ giải thích vì sao Bà-la-môn nói như vậy. Tâm Bà-la-môn như bát bị úp nên không tiếp nhận được cam lộ, nay được Phật chỉ dạy làm cho nhận được. Vì sao? Như bị cây cỏ che đậy, thời gian sau Phật Ca-Diếp, tà kiến như là cây cỏ che đậy chánh pháp mà không có người chỉ bày. Ngày nay, nhờ đức Phật chỉ rõ nên mới biết được.
Người lạc đường mê. Bị ngoại đạo tà kiến dẫn đường, nên trong diệu đạo mà mê hoặc mà không thấy được thiện đạo. Đức Phật dùng giáo pháp là bàn tay chỉ dẫn làm cho thoát ra. Như kẻ ngu si bị tối tăm không thấy rõ ba cõi. Đức Phật ban bố giáo pháp là đèn đuốc làm cho sáng rõ. Sau khi khen ngợi, với tâm thanh tịnh, Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã thưa với Thế Tôn: - Từ nay, con xin quy y sa-môn Cù-đàm.
Quy y nghĩa là tùy theo, y chỉ; biết được Phật thì diệt phiền não.
Thứ đến quy y Pháp, quy y Tăng.
Qui y Pháp nghĩa là Pháp mà Như Lai đã từng thực hành không bị đọa địa ngục, nên người nào tùy thuận thọ trì pháp này thì không bị đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Pháp nghĩa là tiếp nhận sự thật, có nghĩa là thánh-đạo Niết-bàn. Đạo nghĩa là pháp, như trong kinh nói: Phật bảo các Tỳ-kheo: Pháp vô lậu (Dhammàsankhata) có tám chi đạo lộ ở trên các pháp.
Pháp sư nói: - Tôi xin nói lược; có Bà-la-môn tên Xa-Đa-Ma-Na-Bà (Chattamànavaka-vimàna) ca vịnh khen Phật với bài kệ:
Pháp trừ dục, ly dục,
Bất động không sầu ưu
Thơm ngon, vượt thế gian,
Rất tốt, phân biệt rõ
Tối thượng trên các pháp,
Nên quy y pháp này.
Bố thí bậc Bốn hướng,
Nếu phân biệt có tám,
Tối thượng trong hàng Tăng,
Chứng đắc quả báo lớn,
Ai qui y nơi này,
Đáng gọi Ưu-bà-tắc.
(ràgaviràgam anejam asokam dhamman asankhatam appatikùlam madhuram imam pagunam suvibhattam dhammam imam saranattham upehi, yattha ca dinnamahapphalam àhu catusu sucisu purisayugesu, attha ca puggaladhammadasè te, sangham imam saranatham upehi).
Bà-la-môn thưa: - Xin Phật biết cho, con đã thọ trì ba quy y.
Pháp sư nói: - Nếu giải thích ba quy y ở đâu thì càng phiền phức thêm ra, vị nào muốn biết rõ hãy tra cứu ở A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-sa (papancasudani, majjhimatthakathà, Bhayabheravasuttavannanà, sumangalavilàsini, Dìghatthakathà).
Bà-la-môn thưa: - Xin sa-môn Cù-đàm biết con đã làm vị ưu-bà-tắc (upàsaka); xin ngài gọi con là Ưu-bà-tắc.
Hỏi: - Ưu-bà-tắc là gì? Ai là ưu-bà-tắc? Ai không phải là ưu-bà-tắc? Có giới nào là ưu-bà-tắc Có tâm nào là ưu-bà-tắc? Vì sao được gọi là ưu-bà-tắc? Vì sao không được gọi là ưu-bà-tắc?
Pháp sư nói: - Ý nghĩa này rất nhiều, không thể nói hết ở đây, hãy xem ở Tu-đà-ny Tỳ-bà-sa (papancasudani, majjhimatthakathà).
- Từ nay về sau cho đến trọn đời, con không theo vị đạo sư khác, xin Phật biết rõ cho. Nếu có người dùng dao chém đầu con để sai khiến con nói nghịch lại Phật Pháp Tăng thì con cũng không bao giờ nói như vậy dù phải bị rơi đầu xuống đất.
Đem cả thân mạng tùy thuận Như Lai, muốn cúng dường nên Bà-la-môn thưa: - Xin đức Như Lai nhận lời mời của con, tiền an cư ba tháng mùa hạ cùng chúng Tỳ-kheo tại vùng Tỳ-lan-nhã. Con đã là vị ưu-bà-tắc, xin Như Lai thương tưởng con, nhận lời con mời an cư tại Tỳ-lan-nhã.
Như Lai im lặng nhận lời.
Pháp sư hỏi:- Vì sao Phật không đáp lời mời của Bà-la-môn.
Đáp: - Ứng với cách trả lời bằng thân hay miệng của thế gian, Thế Tôn đáp bằng tâm chấp nhận vì lân mẫn Bà-la-môn.
Câu: Biết rõ Phật nhận lời.
Hỏi: - Thế nào là nhận lời?
Đáp: - Nếu không nhận lời thì sẽ đáp lại bằng thân hay lời nói. Thế Tôn im lặng với nhan sắc vui vẻ nên biết rõ Ngài nhận lời.
Bà-la-môn rời chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh ba vòng, làm lễ Phật khắp bốn hướng rồi từ giã. Chắp hai tay để trên đầu, đi lùi đến khi không còn thấy Như Lai, ông ta lại làm lễ lần nữa rồi mới đi hướng về phía trước.
Khi ấy, tại vùng Tỳ-lan-nhã bị đói kém nặng đúng vào thời gian đức Phật nhận lời tiền an cư ba tháng của Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã.
Đói kém nghĩa là thức ăn uống bị khan hiếm. Nếu người không có tín tâm rất thanh tịnh thì dù có thức ăn uống họ cũng không cho, cũng gọi là khan hiếm. Vùng Tỳ-lan-nhã không phải như vậy, vì hoa màu ngũ cốc không kết hạt.
Hỏi: - Hai nghi nghĩa là gì?
Đáp: - Hai nghi là hai loại tâm nghi.
Hỏi: - Hai loại tâm nghi là gì?
Đáp: - Tâm nghi nghĩa là về sự khất thực trong ba tháng hạ này, nghi ngờ chẳng biết được hay không, hoặc nghi có thể sống được hay không. Đây là hai loại tâm nghi ngờ.
Xương trắng (setatthika) nghĩa là người bần cùng hạ tiện không xin ăn được bị chết đói nên bỏ thây ngổn ngang khắp nơi. Có nơi còn nói ngũ cốc không trổ hoa kết hạt thì bạc trắng như xương, nên gọi là xương trắng. Như cây thẻ. Khi lúa vừa trổ đòng đòng bị hạn hán thân gốc thẳng đơ như cây thẻ, nên gọi là thẻ. Có thuyết nói khác, khi đói kém dùng thẻ để mua thức ăn uống nên gọi là thẻ. Vì sao? Khi đến chợ, kẻ mạnh vào được, người yếu không chen được thì kêu la bên ngoài. Thấy những người yếu như vậy nên người bán gạo sinh tâm bình đẳng, mở cửa cho vào và để ngồi theo thứ tự, nhận chi phí (để mua của họ) trước, sau đó đưa gạo. Họ đếm bằng thẻ tùy theo số lượng người nhiều ít. Các Tỳ-kheo suy nghĩ: Trong lúc đói kém này phải tính toán bằng thẻ.
Các Tỳ-kheo đi qua bảy tám tụ lạc nhưng chỉ được cho chút ít hay không được chút lương thực nào cả.
Khi ấy, có đoàn buôn từ phương Bắc, đem theo 500 con ngựa, định đem về Nam bán vì sẽ có lãi đến hai ba lần. Đi qua các nước, tuần tự họ đến vùng Tỳ-lan-nhã và ở lại bốn tháng mùa hạ.
Hỏi: Vì sao đoàn buôn ngựa không đi tiếp mà ở lại bốn tháng?
Đáp: - Vì trời mưa nhiều, đường ngựa đi không thông nên lập trại ngựa và làm nhà với hàng rào vây quanh ở ngoại thành.
Khi các Tỳ-kheo đến chỗ đoàn buôn để khất thực, mỗi người được năm thăng lúc ngựa.
Hỏi: - Họ cho các Tỳ-kheo lúa vì có lòng tin hay không?
Đáp: - Vì lòng tin. Hàng ngày vào tụ lạc, người buôn ngựa thấy các Tỳ-kheo đi khất thực trở về với bát không. Thấy vậy, người buôn trở về kể lại sự việc này cho đồng bạn nghe. Họ suy nghĩ: Các Tỳ-kheo khất thực thật cực khổ nhưng không được gì cả, hãy cùng nhau tính toán xem, nếu đoàn buôn chúng ta cung cấp các vị ấy (bằng khẩu phần) hằng ngày e rằng phần ăn sáng của chúng ta bị thiếu hụt vậy nên giảm phần ăn của ngựa, mỗi con năm thăng để cho các Tỳ-kheo. Được phần lúa ngựa này, họ không còn mệt nhọc nữa mà ngựa của chúng ta cũng không hại gì.
Sau khi tính toán như vậy, đến gặp các Tỳ-kheo, sau khi làm lễ, các thương khách thưa: - Các đại đức! Xin nhận phần lúa ngựa của chúng con. Hàng ngày mỗi người được năm thăng và thực phẩm tạp khác, tùy ý các ngài làm thức ăn.
Do đó, trong luật có nói: - Hàng ngày, vào buổi sáng các Tỳ-kheo mặc y mang bát đi khất thực lúa.
Hỏi: - Buổi sáng là gì?
Đáp: - Từ sáng sớm đến giữa trưa là buổi sáng.
Mặc y phục nghĩa là dùng ca-sa che thân. Đi khất thực (pindapàta) nghĩa là khất thực ở vùng Tỳ-lan-nhã không được, phải đi qua các tụ lạc nhưng không có ai đón tiếp.
Mang lúa trở về chùa (patthapatthapulakam àràmamharitvà) nghĩa là sau khi đi khất thực khắp nơi, được lúa đem về, họ phải tự bỏ vào cối giã ra để dùng. Tỳ-kheo già không có tịnh nhân, lại không có người khác làm hộ, phải đích thân giả nát ra làm cơm. Có khi tám đến mười vị cùng làm, rồi chia nhau dùng. Nhận lấy phần của Như Lai, hiền giả A-Nan chà vỏ bằng tay. Với trí tuệ của mình, A-Nan làm thức ăn rất thơm ngon, có cả chất cam lộ của chư thiên cho vào.
Sau khi dùng thức ăn này, đức Phật nhập chánh định và sau đó không phải khất thực nữa.
Hỏi: - Khi ấy, đại đức A-Nan có hầu Phật không?
Đáp: - Có.
Sau khi rời khỏi gốc cây Bồ đề, trong hai mươi năm, thị giả của Phật không phải một vị. Khi thì đại đức Na-Già (Nàgasamàla), hoặc đại đức Na-Kỳ-Đa (Nàgita), hoặc đại đức Di-Kỳ-Da (Meghiya), hoặc đại đức Ưu-Bà-Già (Upavàna), hoặc đại đức Sa-Già-Đa (Sàgata), hoặc đại đức Tu-Na-Ma-Đa (Sunakkhatta Licchaviputta). Các vị đại đức này tùy ý làm thị giả, vui thì đến, không vui thì đi, có khi đi luôn.
Đại đức A-Nan đến hầu, hỏi: - Trong nước bị đói kém, tại sao không có người nào làm công đức bằng cách chia bớt một phần thức ăn nhỏ để cúng dường chúng tăng; lại có Bà-la-môn thỉnh Thế Tôn tiền an cư ba tháng mùa hạ nhưng lại không cúng dường.
Tại sao? Vì bị thiên ma (mara) Ba-tuần che khuất trong một do-tuần, làm cho nhân dân không có chí tâm cúng dường. Sau khi che khuất, ma bỏ đi.
Hỏi: - Như Lai không biết hay sao?
Đáp: - Lành thay! Vì Phật muốn chế giới thuyết pháp.
Phật bảo A-Nan: - Người lành các ông đã làm việc thù thắng rồi, các Tỳ-kheo trong tương lai sẽ tìm gạo trong lúa.
Pháp sư nói: - Tôi chưa hiểu được ý nghĩa này. Vậy là Như Lai nói như thế này: - Này A-Nan! Người lành các ông trong lúc đói kém, khất thực khó khăn mà biết tri túc để hộ trì chánh pháp; thế nên gọi là thắng. Trong lúc đói kém mà chế ngự được tâm tham nên gọi là thắng. Trong những tụ lạc khác ngũ cốc đầy đủ, hoa quả thơm ngon rất nhiều mà họ không đi đến. Trong chúng cũng không có người nào suy nghĩ sân hận hay nói ra lời thán oán: Tại sao phải ở đây, tại sao Thế Tôn không đi đến những nơi kia để dễ có thức ăn uống? Hoàn toàn họ không có nói lên lời này và cũng không oán hận. Vì sao Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã thỉnh chúng ta an cư ở đây mà không cúng dường? Họ lại không có tâm xấu suy nghĩ mong cầu lợi dưỡng ở nơi khác, cùng không khen ngợi nhau rằng người này đắc đạo để mọi người biết với hy vọng cúng dường bằng những lời như vậy. Họ đều im lặng bớt ăn, nhất tâm sống y chỉ theo Phật, nên gọi là thắng.
Hỏi: - Họ có biết ma ngăn che không?
Đáp: - Biết.
Hỏi: - Vì sao Như Lai không đến an cư ở thành Vương xá hay các nước khác mà đến nơi này?
Đáp: - Nói gì đến thành Vương xá, dù đi đến vùng Uất-đơn-việt (Uttarakuru), hay cõi trời Đao-lỵ (Tidasapura), ma vương cũng sẽ đến ngăn che, không thể tránh né. Vì sao? Trong năm này ma ương rất tức giận, Như Lai đã quán sát khắp, chỉ có thể nhờ vào người buôn ngựa ở Tỳ-lan-nhã để an cư.
Hỏi: - Đã ngăn che người khác được, vì sao ma vương không ngăn che người buôn ngựa để làm cho Phật và chúng tăng không có lương thực?
Đáp: - Cũng có thể ngăn được, nhưng sau khi ma vương đi rồi, đoàn buôn ngựa mới đến, thế nên không bị ngăn.
Hỏi: - Tại sao ma vương lại không ngăn đoàn buôn ngựa?
Đáp: - Không thể ngăn khắp hết được.
Pháp sư nói: - Có bốn trường hợp, ma không thể ngăn chận. Một, cúng dường vào buổi sáng; Hai là thuốc thang không thiếu; Ba là tuổi thọ của Như Lai; Bốn là ánh áng của Như Lai. Ánh sáng của nhật nguyệt và phạm thiên chiếu đến chổ Như Lai thì mất tác dụng. Thế nên, ma vương dùng các phương tiện nhưng không thể ngăn che được.
Lúc nọ, Phật nghe tiếng giả cối vì sau khi được lúa đem về, các Tỳ-kheo giả trong cối nên có tiếng. Biết rõ nhưng Phật cố hỏi.
Biết mà không hỏi hay biết mà cố hỏi nghĩa là khi biết có nhân duyên lợi cho chúng sinh nên Phật cố hỏi; bằng không lợi ích thì biết mà cố ý không hỏi.
Hỏi đúng lúc nghĩa là nếu cần hỏi phải hỏi đúng lúc. Không hỏi nghĩa là Như Lai biết phi thời nên không hỏi. Có nghĩa thì hỏi, không có nghĩa thì không hỏi. Hỏi có hai trường hợp: Một là vì muốn thuyết pháp; Hai là vì việc chế giới khinh hay trọng cho các đệ tử Thanh-văn.
Phật hỏi: - Này A-Nan! Tiếng động gì vậy?
Đáp: - Đấy là tiếng các Tỳ-kheo giả gạo.
Phật dạy: - Lành thay! Lành thay! Này A-Nan ...
Vì sao Phật khen ngợi? Vì trong tương lai các Tỳ-kheo ở trong các chùa, việc ăn uống dễ có, sinh kiêu mạn nói rằng thức ăn thô dỡ hoặc chín quá, cứng quá, nát quá, chua mặn quá. Những lời nói như vậy là muốn tìm sự ngon dỡ trong thức ăn.
Phật bảo A-Nan: - Người thiện các ông nên làm nhân duyên thiện pháp cho Tỳ-kheo trong tương lai. Nhờ vào những pháp của các ông, các Tỳ-kheo trong tương lai khi được thức ăn uống dù ngon hay dỡ cũng không có ý ham hay bỏ. Ngày xưa, khi đức Pháp vương ở đời, các bậc đại A-la-hán còn ăn lúa ngựa, huống chi nay được ăn uống thế này mà chúng ta chê bai khinh bạc.
-ooOoo-
Phẩm Đại Mục-Kiền-Liên
Khi ấy, Đại Mục-Kiền-Liên (Mahàmoggallàna). Đại có nghĩa là thần thông trí tuệ rất lớn trong hàng Thanh-văn. Mục-Kiền-Liên là họ (gotta). Bạch Phật nghĩa là thưa với Thế Tôn.
Hỏi: - Vì sao thưa với Thế Tôn?
Đáp: - Sau khi xuất gia được bảy ngày, Đại Mục-Kiền-Liên liền chứng đắc Ba-la-mật của Thanh-văn (Sàvakapàramì) lại được Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất. Vì có năng lực thần thông nên Mục-Kiền-Liên suy nghĩ: Vùng Tỳ-lan-nhã quá đói kém, các Tỳ-kheo khất thực không được nên rất cực khổ. Ta nên lật ngược đất lên lấy chất bổ trong đất cúng dường Tỳ-kheo tăng.
Tôn giả lại suy nghĩ: Nếu ta làm như vậy mà không thưa với Thế Tôn thì chính là muốn cùng sánh thần lực với Như Lai, thật trái với pháp của ta.
Sau khi suy nghĩ như vậy, tôn giả bạch Phật:
- Thưa Thế Tôn! Khi mặt đất mới hình thành có chất béo bổ như bơ như mật. Lành thay Thế Tôn! Con muốn lật ngược đất lên lấy chất bổ này cúng dường chúng tăng.
Lật lại nghĩa là lấy phần dưới để lên trên. Vì sao? Vì chúng tăng vậy. Không muốn cho phép, để làm cho Mục-Kiền-Liên rống lên tiếng rống sư tử (Sìhanàda) nên Phật hỏi: - Này Mục-Kiền-Liên! Tất cả chúng sinh và thành phố làng xóm đều ở trên đất, mà đất thì không thể treo lơ lửng trên hư không, vậy làm sao ông làm được?
Mục-Kiền-Liên đáp: - Thế Tôn! Con dùng một tay hóa ra mặt đất đỡ lấy thành phố làng xóm cùng tất cả chúng sinh, còn một tay đỡ lấy chúng sinh dựa vào mặt đất.
Phật đáp:- Thôi đi Mục-Kiền-Liên (alam moggallàna).
Hỏi: - Vì sao Thế Tôn không cho Mục-Kiền-Liên lật ngược mặt đất?
Đáp: - Vì thương xót chúng sinh phải bị sống ngược. Vì hoặc có người được, hoặc nói không, như nói rằng trú xứ, thành phố của chúng ta cùng nhau thay đổi kỳ lạ, đây không phải là thành phố, làng xóm, ruộng vườn, ao hồ của chúng ta.
Pháp sư nói: - Chỉ có thần lực mới làm được, chẳng phải người không thần lực, mà sự đói kém không phải chỉ (xảy ra) một lần, nếu gặp đói kém nữa thì có được ai như Mục-Kiền-Liên. Trong tương lai, đệ tử Thanh-văn ít có thần lực. Khi các vị này vào làng xóm khất thực, mọi người trông thấy nói: Khi Phật còn tại thế, đệ tử Thanh-văn trì giới đầy đủ nên có thần lực, gặp khi đói kém thì lật ngược mặt đất lấy chất bổ dưỡng để dâng cho chúng tăng. Ngày nay, chúng tăng trì giới không đầy đủ vì nếu giữ đầy đủ thì (có thần lực như trước) không khác. Do đó, họ không cho chút nào cả. Có kẻ còn sinh tà kiến điên đảo, khinh mạn bậc thánh. Do khinh mạn như vậy nên sau khi chết họ bị đọa địa ngục. Thế nên, Thế Tôn bảo với Mục-Kiền-Liên không nên lật ngược đất.
Sau khi đến xin Phật lật ngược đất nhưng không được, Mục-Kiền-Liên lại xin việc khác: Lành thay ...
Thế Tôn dạy: Thôi đi.
Pháp sư nói: - Tiếp theo lời lành thay như trước đã nói, hãy tự biết lấy. Nhưng có điểm nhỏ khác nhau. Đó là Mục-Kiền-Liên muốn đưa vùng đất Uất-đan-việt vào vùng đất Diêm-phù-lỵ.
Hỏi: - Còn biển thì sao?
Đáp: - Biển như vũng nước chân trâu, chỉ một bước là vượt qua, để các Tỳ-kheo được ăn uống như ở các tụ lạc (phong phú) khác. (Nitthità mahàmoggallànassa sìhanàdakathà).
Phẩm Xá-Lỵ-Phất.
Ưu-Ba-Ly (Upàli) muốn chứng minh căn bản của luật tạng. Khi ấy, trong sự yên tịnh, Xá-Lỵ-Phất suy nghĩ ...
Hỏi: - Thế nào là yên tịnh?
Đáp: - Yên tịnh không tiếng động, cũng gọi là nhất tâm tịch tịnh.
(tiếp trên)... vì sao Phật pháp được tồn tại lâu dài... từ Phật Tỳ-Bà-Thi đến chỗ đáp... ý nghia các phần khác hãy tự tìm hiểu.
Hỏi: - Tại sao Xá-Lỵ-Phất không dùng thần lực của mình quán sát để biết mà lại đi bạch Phật?
Đáp: - Không được, nếu Xá-Lỵ-Phất dùng thần lực của mình để quán sát thì biết rõ sự tồn tại dài hay ngắn của chư Phật nhưng nếu phân biệt các nhân duyên của chư Phật thì không thể thông suốt được. Đại đức Đại Liên Hoa nói có thể được. Vì sao? Vì có 16 loại trí của bậc thương đại A-la-hán. Nhưng theo lý này cũng không khó vì muốn y chỉ đức Như Lai, muốn biểu hiện Thế Tôn là bậc trên nên đến thưa hỏi Phật.
Phật đáp: - Này Xá-Lỵ-Phất ... (các phần sau đọc theo văn luật thì rõ).
Nhân duyên là gì? - Nghĩa này dễ hiểu.
Câu nói: Phật bảo Xá-Lỵ-Phất rằng Phật Tỳ-Bà-Thi... là lời nói đầu. Chư Phật không có biếng nhác, đối với một người, hai, ba người cho đến chúng sinh khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới mà có những tâm niệm khác nhau, như là với chúng sinh này ít nên nói lược, chúng sinh này lớn nhiều nên nói rộng, cũng không thuyết pháp một cách cao thấp mà chỉ thuyết pháp một cách bình đẳng cho tất cả. Như sư tử vương bảy ngày đi kiếm ăn một lần, sắp bắt chúng sinh thì bất kỳ lớn nhỏ, đều rống lên trước khi bắt. Vì sao? Nếu trước khi bắt chúng sinh mà sư tử không rống lớn thì tâm khinh suất có thể sẩy con mồi. Do đó, sư tử phải rống để chúng sinh sợ hãi rồi mới bắt. Đức Phật cũng vậy, đối với tất cả chúng sinh không kể lớn nhỏ đều được ân cần thuyết pháp. Nếu nói lược, có khi chúng sinh không chuyên tâm tu tập. Vì sao? Vì Như Lai tôn trọng pháp vậy. Hiện nay, pháp của đức Thế Tôn của ta giảng thuyết, như nước trong biển lớn chỉ có một vị; (pháp) chư Phật trong quá khứ cũng như vậy. Nhưng tâm chúng sinh khi ấy dễ dạy bảo nên chỉ thuyết một kệ để hiểu bốn đế. Vì vậy, chư Phật quá khứ cũng không thuyết nhiều về kệ pháp tu chứng phải không? [ (tasmà na vitthàrena dhammam desesum) (dhamma=sutta geyya?)].
Pháp sư nói: - Câu trước đã trình bày rồi, không nói lại nữa.
Về câu: - Không chế giới cho Thanh-văn.
Hỏi: - Tại sao chư Phật quá khứ không chế giới cho đệ tử Thanh-văn?
Đáp: - Vì các đệ tử Thanh-văn không phạm lỗi nên (chư Phật) không chế quy định cụ thể về Ba-la-đề-mộc-xoa (ànàpàtimokkha), cũng không thuyết giới mỗi nữa tháng, cho đến sáu năm. Sau sáu năm, mới có thuyết những lời khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa (ovàdapàtimokkha). Những lời này được Như Lai thuyết ra chứ không để cho Thanh-văn thuyết.
Khi ấy tại vườn Kiều-Ma Lộc-Dã, thành Bàn-đầu-ma-đề Vương-xá (Bandhumati ràjadhàni khemo Migadàyo), thuộc đất Diêm-phù-lỵ là trú xứ của đức Phật Tỳ-Bà-Thi (Vipassi), các Tỳ-kheo tập họp lại hết, đức Phật bố tát (Uposatha) với chúng tăng; ba người, hai người, một người cũng bố tát. Ngày xưa, đất Diêm-phù-lỵ có tám vạn bốn ngàn chùa, mỗi chùa có đến mười vạn hai mươi vạn Tỳ-kheo nhưng sống yên tịnh không ồn ào. Khi ấy, muốn nghe Phật thuyết pháp, thiên nhân phải tính toán số năm, cứ sáu năm tập họp tăng chúng một lần và họ đến gặp Phật để nghe Ngài thuyết giới. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nào có thần lực thì tự đến, vị nào không có thần lực thì được chư thiên đến thưa rằng: Đã đến lúc bố tát và họ chuẩn bị y bát. Nương theo thần lực chư thiên, đến giảng đường bố tát, các Tỳ-kheo làm lễ sát chân đức Phật.
Biết chúng tăng đã tập hợp, đức Phật Tỳ-Bà-Thi giảng thuyết kệ khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa.
Nhẫn nhục đạo đệ nhất,
Niết-bàn giác tối thượng,
Xuất gia não hại người,
Không xứng danh sa-môn.
Không làm các điều ác,
Thực hành các pháp lành,
Tự thanh tịnh tâm ý,
Là lời chư Phật dạy.
Không gây phiền, nói lỗi,
Không phá hoại việc người,
Làm đúng giới được dạy,
Ăn uống biết vừa đủ,
Ít muốn với tất cả
Thường ưa nơi yên tịnh.
Là lời chư Phật dạy.
Bằng phương pháp này, tất cả chư Phật quá khứ dùng kệ này để khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa. Tuổi thọ của chư Phật có dài ngắn nên sự giảng dạy này cũng có dài ngắn. Chư Phật từ dưới cây Bồ đề chế giới cho đệ tử Thanh-văn. Về những qui định cụ thể về Ba-la-đề-mộc-xoa này, (thường kỳ) không phải Như Lai thuyết giới mà do các đệ tử Thanh-văn thuyết giới. Thế nên, đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni của chúng ta, từ khi (thành đạo) dưới cây Bồ đề đến 20 năm sau đều chỉ giảng thuyết khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa.
Vào một lúc nọ, tại giảng đường mẹ Mi-Già-La (Migàramàtu) ở Tăng-già-lam Phú-bà (Pubbàràma), sau khi các Tỳ-kheo an tọa, Phật bảo các Tỳ-kheo: - Từ nay về sau Ta không tác pháp bố tát, Ta không thuyết giáo giới Ba-la-đề-mộc-xoa nữa, các ông hãy tự thuyết. Vì sao? Như Lai không bố tát thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa giữa chúng không thanh tịnh.
Từ đó đến nay, Thanh-văn đệ tử thuyết những qui định về Ba-la-đề-mộc-xoa. Do đó trong luật nói: Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: - Chư Phật quá khứ không thuyết những qui định cụ thể về Ba-la-đề-mộc-xoa mà chỉ thuyết giáo giới về Ba-la-đề-mộc-xoa. Ba Phật Tỳ-Bà-Thi... không thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa nên sau khi các vị ấy nhập Niết-bàn, các đệ tử Thanh-văn cũng nhập Niết-bàn, các đệ tử Thanh-văn vào thời gian cuối cùng thì khác nhau về dòng họ, về tên, hoặc họ Cù-đàm (Gotama), hoặc họ Mục-Kiền-Liên, hoặc tên Phật Vô-Đức, hoặc tên Đàm Vô-Đức. Từ đẳng cấp khác nhau (jacca), hoặc Bà-la-môn (Bràhmana), hoặc cư sĩ, hoặc sát lỵ (Khattiya), lại khác nhau về gia đình hoặc giàu, hoặc nghèo, hoặc hạ tiện. Do xuất gia từ những gia đình khác nhau, đẳng cấp khác nhau mà tu phạm hạnh, do vào chánh pháp với tên họ giòng tộc khác nhau nên họ vẫn giữ theo ý riêng của mình, không tùy thuận hoàn toàn theo Phật pháp. Do đó, Phật pháp không tồn tại lâu dài.
Hỏi: - Các Tỳ-kheo không tinh cần tu tập, nên làm cho chánh pháp mau suy tàn phải không?
Đáp: - Các đại đức trước đây làm (như vậy) cũng đã không hay rồi, huống chi chúng ta không chịu giữ gìn pháp tạng, chính là khiến cho chánh pháp của Phật mau hoại diệt.
(Hoa) không được xỏ lại bằng tơ, có gió thổi, bị bay tứ tản. Xỏ nghĩa là kết lại. Cũng như các loại hoa nếu không được kết lại, có gió thổi thì bị bay tứ tản; Phật pháp cũng như vậy.
Về câu: Không chế giới vì trước phải dùng tâm quán sát sau mới giáo giới các Thanh-văn.
Hỏi: - Việc này nghĩa là gì?
Đáp: - Chư Phật quá khứ, quán sát tâm Thanh-văn trước, sau đó mới giáo giới. Đối với các Thanh-văn dễ hiểu được nghĩa lý thì Phật cũng không nói rộng.
Rừng khủng bố (bhimsanaka vanasanda) nghĩa là ai vào rừng này thì phát sinh sợ hãi.
Về câu: - Như vậy các ông hãy tư duy. Có ba tư duy mà thứ nhất là xuất gia. Câu: Các ông phải chuyên tâm tư duy thế này, đừng nên tư duy thế này nghĩa là có ba ác pháp, thứ nhất là tư duy về dục. Các ông cẩn thận chớ tư duy về pháp trên, mà phải luôn ghi nhớ trong tâm, quán sát vô thường, khổ, không, vô ngã. Tâm luôn ghi nhớ không tư duy như thế này: tư duy vô thường là thường, bất tịnh là tịnh. Các ông không nên tư duy như vậy, đây là điều các ông phải từ bỏ. Các ông phải từ bỏ các pháp ác, phải tu tập các thiện pháp, đã có thì làm cho tăng trưởng, từ đó phiền não không phát sinh và tâm được giải thoát. Do tâm không chấp thủ phiền não nên giải thoát, cũng gọi là do diệt nên không sinh (phiền não), nhờ diệt nên không còn (phiền não). Thế nên trong luật có nói: Do không (còn) sinh phiền não nên tâm được giải thoát.
Tất cả đều chứng A-la-hán. Cung như hoa sen, đồng loạt nở rộ khi mặt trời mọc.
Về câu: Này Xá-Lỵ-Phất, ngày xưa tại rừng khủng bố, người nào chưa ly dục mà vào rừng này thì dựng tóc gáy vì hiện tượng dữ tợn trong rừng.
Về câu: Xá-Lỵ-Phất do nhân duyên này.
Pháp sư nói: - Ý nghĩa câu này dễ, hãy tự biết lấy.
Không tồn tại lâu dài, Phật Tỳ-Bà-Thi sống tám vạn tuổi, chúng Thanh-văn cũng như vậy. Từ khi đức Phật ra đời, cho đến vị Thanh-văn cuối cùng, Phật pháp trú ở đời một trăm ngàn sáu vạn năm. Đức Phật Thi-Khí (Sikhi) sống bảy vạn năm, chúng Thanh-văn cũng sống như vậy. Đức Phật Duy-Vệ (Vessabhu) sống sáu vạn năm, chúng Thanh-văn cũng sống như vậy. Tuổi thọ hai vị Phật sau đến vị Thanh-văn cuối cùng, Phật pháp trú ở đời một trăm ngàn bốn mươi hai mười vạn năm. Do tuần tự giảm dần nên Phật pháp không tồn tại lâu dài.
Nghe Phật pháp của ba vị Phật không tồn tại lâu dài, ý muốn hỏi giáo pháp vị Phật nào tồn tại lâu dài nên Xá-Lỵ-Phất thưa: - Bạch Thế Tôn! Vì sao Phật pháp tồn tại lâu dài so với tuổi thọ chư Phật?
Đáp: - Phật Câu-Na-Vệ (Kakusandha) sống bốn vạn năm, Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni (Konàgamana) sống ba vạn năm, Phật Ca-Diếp sống hai vạn năm, Phật Thích-Ca Mâu-Ny sống một trăm năm; tuổi thọ của đệ tử Thanh-văn cũng như vậy. Thế nên Phật pháp tồi tại lâu dài, như Ta bậc Thế Tôn ngày này nếu lấy một nửa tuổi thọ Phật Ca-Diếp (Kassapa) là một vạn năm, thì có thể xuất thế, nhưng khi ấy quán sát chúng sinh các căn chưa thuần thục; cho đến tuổi thọ năm ngàn năm thì xuất thế..., cho đến tuổi thọ 500 năm thì xuất thế nhưng vẫn chưa có chúng sinh mà căn thuần thục, cho đến một trăm năm mới có chúng sinh có thể độ được. Thế nên Phật ra đời vào lúc tuổi thọ ngắn ngủi, chúng Thanh-văn đệ tử cũng như vậy nhưng Phật pháp tồn tại lâu dài. Pháp ba vị Phật trước đều diệt theo tuổi thọ (của Phật), nên gọi là không tồn tại lâu dài. Ba vị Phật sau, Phật tuy diệt độ nhưng Phật pháp vẫn còn ở thế gian, nên gọi là tồn tại lâu dài.
Khi nghe Phật dạy như vậy, muốn cho Phật pháp tồn tại lâu dài nên Xá-Lỵ-Phất bạch Phật: Cầu xin đức Thế Tôn chế giới cho các đệ tử Thanh-văn.
Như trong luật nói: Sau khi xuất định, Xá-Lỵ-Phất ... những câu sau tuần tự hiểu lấy.
Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: - Thôi, thôi, chưa đến lúc.
Xá-Lỵ-Phất lại bạch Phật: - Thế Tôn! Cầu xin Ngài chế giới cho các đệ tử Thanh-văn.
Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: - Thôi, thôi, pháp này không phải cảnh giới mà Thanh-văn, Duyên giác có thể biết được, chỉ có Phật với Phật mới có thể biết được, vì cấu nhiễm chưa phát sinh.
Hỏi: - Cấu nhiễm làm gì?
Đáp: - Chỗ cấu làm cho phát sinh lỗi lầm từ hiện tại đến đời sau nên gọi là cấu nhiễm.
Về câu: Chưa chế giới cho Thanh-văn.
Hỏi: - Vì sao chưa chế giới cho Thanh-văn?
Đáp: - Nếu chưa có hữu lậu mà Như Lai chế giới thì chúng sinh sinh ý tưởng phỉ báng rằng sa-môn Cù-đàm cũng như các đệ tử Thanh-văn đều là giòng họ quí tộc, hoặc là vương vị, mà từ bỏ tài sản, cung điện, vợ con, quyến thuộc của họ, không tiếc thân mạng, đều sống tri túc, không còn mong cầu điều gì ở thế gian, vậy sao Cù-Đàm lại dùng giới luật Ba-la-đề-mộc-xoa để trói buộc họ. Vì ý nghĩ Cù-đàm thật chưa khéo phân biệt người thế gian nên họ nói như vậy. Nếu Ta chế giới, người thế gian cũng không có tâm kính trọng. Như thấy người mới sinh mụt nhọt, tuy có ung nhọt nhưng chưa to lớn làm mủ, thầy thuốc chưa trị bệnh giỏi đã vội phá ra. Sau khi phá, máu chảy ra lênh láng nên bệnh nhân rất đau đớn, phải dùng thuốc đắp vào vết thương mới bình phục. Thầy thuốc nói: - Ta đã trị bệnh cho ông, hãy trả công.
Bệnh nhân đáp: - Này thầy thuốc ngu si, nếu đúng ta có bệnh thì ông trị cho, nhưng ta không có bệnh lại cố phá thịt, làm cho chảy máu, khiến rất đau khổ, lại còn đòi trả công, chẳng phải là điên cuồng hay sao!
Đối với đệ tử Thanh-văn cũng như vậy, nếu bị chế giới trước thì sinh hủy báng: Tôi không có tội sao lại bị chế giới. Thế nên Như Lai không chế giới trước.
Về câu: Nếu hữu lậu phát sinh.
Hỏi: - Thế nào là lậu phát sinh?
Đáp: - Nếu trong chúng, có lậu phát sinh, khi ấy Như Lai sẽ chế giới cho các đệ tử, qui định về Ba-la-đề-mộc-xoa. Cũng như thầy thuốc giỏi, tùy bệnh cho thuốc để mau hết bệnh thì được ban thưởng nhiều và khen ngợi: Đây là bậc y vương giỏi, khéo trị hết bệnh cho tôi. Như Lai cũng như vậy, tùy theo sự vi phạm mà chế giới nên họ hoan hỷ thọ trì, không có oán trách. Do đó, trong luật có nói rằng: Thôi thôi, này Xá-Lỵ-Phất! Nếu có pháp hữu lậu phát sinh, sau đó Như Lai mới chế giới.
Pháp sư nói: - Các câu khác, hãy tự biết lấy.
Trong Phật pháp, ai (vi phạm về) cho người xuất gia đầu tiên, là Ưu-Ba-Tư-Ca (upasena) con trai của Băng-Kiện-Đa (Vangantaputta). Sự chế giới này nhân vì Ưu-Ba-Tư-Ca chưa đủ mười tuổi hạ mà đã độ đệ tử và truyền cho giới cụ túc. Ưu-Ba-Tư-Na hai tuổi hạ và đệ tử một tuổi hạ. Do sự việc diễn tiến như vậy nên Phật chế giới: - Này các Tỳ-kheo, từ nay về sau, ai chưa đủ mười tuổi hạ mà được truyền giới cụ túc cho đệ tử, thì phạm tội Đột-cát-la (dukkata).
Sau khi Phật chế giới này, có Tỳ-kheo đủ mười hạ (Vasa) hay hơn mười hạ, nhưng ngu si không trí tuệ mà lại truyền giới cụ túc cho đệ tử. Nhân đó, Phật lại chế giới, Phật bảo các Tỳ-kheo rằng người nào không có trí tuệ mà truyền giới cụ túc cho người khác, bị tội đột-cát-la.
Phật cho phép người có trí tuệ, đủ hoặc hơn mười tuổi hạ, biết cách dạy bảo thì được phép truyền giới cụ túc cho đệ tử.
Chưa có nhiều nghĩa là trong tăng chúng số lượng các vị già trẻ chưa nhiều, phóng xá cũng chưa lớn. Khi tăng chúng đông sẽ có người phạm pháp hữu lậu. Nhân đó, Như Lai mới chế giới:
- Tỳ-kheo nào cùng người chưa thọ giới cụ túc ngủ chung, quá hai đến ba đêm, Tỳ-kheo ấy phạm tội Ba-dật-đề (Pàcittiya).
- Tỳ-kheo nào mà năm nào cũng độ đệ tử thì phạm tội Ba-dật-đề.
- Tỳ-kheo ny nào mà năm nào cũng độ đệ tử thì phạm tội Ba-dật-đề.
Đã nói rõ như vậy, ông hãy tự biết.
Đại lợi dưỡng, nếu khi tăng chúng được lợi dưỡng nhiều thì phát sinh pháp hữu lậu, bấy giờ Như Lai sẽ chế giới:
- Tỳ kheo nào tự tay cho thức ăn uống... đến nam hay nữ ngoại đạo lõa hình (Acelaka) thì phạm tội Ba-dật-đề.
Chưa đa văn (chú trọng về văn tự) là khi trong tăng chưa có đa văn; nếu trong tăng, có Tỳ-kheo đa văn thì sinh lậu pháp. Ai dọc tụng thông suốt từ một A-hàm đến năm A-hàm (panca àgamà, samp.panca nikàya) nhưng với tâm không chân chính nên nói ra ý nghĩa điên đảo, trái với luật nói là luật, trái với pháp nói là pháp. Do đó Phật chế giới: - Tỳ-kheo nào nói thế này: Tôi đã biết rõ về pháp... (mà trái pháp luật như trên) của Phật dạy. Tỳ-kheo nào nói lời như vậy thì phạm tội Ba-dật-đề. Đối với sa di có lời nói ấy, cũng xử như vậy. Vì sao Ta chế giới cho các đệ tử, đó là Như Lai căn cứ vào pháp hữu lậu.
Hỏi: - Thế nào là lậu?
Đáp: - Là giặc cướp.
Hỏi: - Giặc cướp là gì?
Đáp: - Kẻ phạm giới trong Phật pháp chính là giặc cướp.
Hỏi: - Sao gọi họ là giặc cướp?
Đáp: - Kẻ phi sa-môn tự xưng ta là sa-môn, cướp vật dụng của bốn chúng.
Thế nên trong luật nói: - Chưa có pháp hữu lậu thì chưa có kẻ cướp này, cũng nói chưa có người phạm giới thì không có tội.
Nói không phiền não cũng gọi là không hoạn nạn. Người không phạm giới thì không bị nhiễm pháp đen (Niràdinava, apagatakàlaka). Pháp đen cũng gọi là phá giới. Nói chúng tăng không phá (giới) là cực kỳ thanh tịnh. Sống rất quang minh là sống trên đất chân thật (sàre patitthita). Ai có giới, định, tuệ, giải thoát là sống trên đất chân thật.
Pháp sư nói: - Tôi sẽ tuần tự trình bày, khi tiền an cư ba tháng hạ ở vùng Tỳ-lan-nhã, với năm trăm Tỳ-kheo mà vị chứng quả nhỏ nhất là Tu-đà-hoàn đạo (sotàpanna).
Hỏi: - Tu đà hoàn đạo là gì?
Đáp: - Tu đà hoàn có nghĩa là dòng nước (lưu).
Hỏi: - Dòng nước là nghĩa gì?
Đáp: - Đạo lộ, ai đã đi vào dòng nước đạo lộ này gọi là Tu-đà-hoàn đạo. Như kinh văn nói: Phật hỏi Xá-Lỵ-Phất, Tu đà hoàn, sao gọi là Tu đà hoàn?
Xá-Lỵ-Phất đáp: - Thưa Thế Tôn! Đó là quán thông tám đường: chánh kiến, chánh tư, chánh khẩu, chánh hạnh, chánh sinh, chánh cần, chánh thức, chánh tam muội.
Lại hỏi: - Thế nào là vị Tu đà hoàn?
Đáp: - Người nào nhờ quán thông tám đường này nên đi đến thiện đạo, gọi là vị Tu đà hoàn, như tên như vậy, họ như vậy (nên gọi như vậy), nhân đạo lộ này mà gọi quả như vậy nên gọi là Tu đà hoàn, hãy tự biết lấy.
Pháp không đọa lạc (avinipàtadhamma). Không thể nói rằng vị Tu đà hoàn mà còn đọa lạc địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Vì sao? Vì đã đoạn trừ phiền não.
Nhờ đạo lộ này nên đi đến Bồ đề (Sambodhi paràyana) nghĩa là cả ba đạo lộ trước đều quyết định đạt đến giác ngộ, vì có đạo lộ.
Như vậy, đại trí Xá-Lỵ-Phất trả lời Như Lai xong.
Sau khi an cư ba tháng tại Tỳ-lan-nhã và tự tứ xong, Phật bảo A-Nan rằng...
- Bảo là nói bằng lời.
...nên biết là từ lâu Phật pháp đã có pháp này, tức là chư Như Lai trong quá khứ đã bảo như vậy. Vị nào đã nhận biệt-thỉnh của người khác xong thì được phép ra đi. Các Thanh-văn đệ tử khác được thỉnh hay không đều được ra đi.
Phật vì thương tưởng chúng sinh nên muốn đi đến các nước khác.
Câu: Phật đi đến các nước khác. Phật tùy ý tự tại đi lại trong ba cảnh giới (mandala) là đại, trung và tiểu.
Hỏi: - Thế nào là đại cảnh giới?
Đáp: - Là phạm vi rộng 900 do-tuần.
Hỏi: - Thế nào là trung cảnh giới?
Đáp: - Là phạm vi 600 do-tuần.
Hỏi: - Thế nào là tiểu cảnh giới?
Đáp: - Là phạm vi 100 do-tuần.
Khi Phật muốn đi lại trong đại cảnh giới, thì sau khi an cư xong, vào một ngày thuộc tháng chín, cùng các Tỳ-kheo vây quanh lên đường, tuần tự đi đến từng tụ lạc để giáo hóa thuyết pháp, thọ nhận các thức ăn uống, hóa độ những người đáng được hóa độ, làm cho những người chưa được hóa độ được phúc lợi. Sau chín tháng du hành, đến ba tháng an cư mùa hạ, nếu nhiều Tỳ-kheo chưa hành pháp thiền định xong, Như Lai không đại tự tứ mà đợi tiểu tự tứ, đến ngày 15 tháng 9 Ngài lại ra đi.
Đi lại trong trung cảnh giới là du hành trong tám tháng.
Đi lại trong hạ cảnh giới là trước hết Phật quán sát có chúng sinh căn thuần thục thì ở lại, căn chưa thành thục thì ra đi, đến một ngày trong tháng 11 cùng các Tỳ-kheo vây quanh lên đường và du hành trong bảy tháng. Ngài đi khắp nơi trong ba cảnh giới này vì muốn giáo hóa để chúng sinh thoát ly phiền não, đắc bốn đạo quả. Như người hái hoa đi khắp trong núi, thấy các loại hoa nở tươi tốt thì hái mang đi, Như Lai cũng vậy. Ngài lại có Phật sự khác như sáng sớm nhập định, rồi hoan hỷ xuất thiền, dùng đại từ bi quán sát mười phương thế giới. Ai đáng được độ thì được Như Lai đến độ. Ngài lại có những Phật sự khác như có những người từ nước khác mới đến, được Như Lai thăm hỏi và thuyết pháp.
Với nhân duyên hiện nay là sắp có sự chế giới. Đây là đạo pháp vô thượng của chư Phật.
Hỏi: - Thế nào là pháp của Thanh-văn?
Khi Phật còn tại thế, có hai trường hợp tập chúng trễ; đó là sau ngày đầu tiên nhập hạ (tập chúng) để nhận đề mục thiền định; hai là sau ngày mãn hạ an cư, (tập họp chúng) để trình sự chứng đắc. Đây là pháp của Thanh-văn. Nhu trong luật nói: Phật bảo A-Nan, hãy cùng nhau đi đến. Đến là chỉ cho đến Bà-la-môn biệt thỉnh. Riêng là nói với họ rằng đã an cư xong, chúng tôi đang muốn du hành đến nước khác.
Khi ấy, vào sáng sớm, Phật mặc ca-sa, chỉnh trang y phục lên đường, với A-Nan theo hầu, cùng đi đến cửa thành. Sau khi vào thành, Ngài phóng ánh sáng lớn chiếu khắp đường sá, ngỏ hẻm, nhà cửa trong thành làm cho cảnh vật trở thành như khối vàng. Với hào quang năm màu vàng rực như điện, đức Phật đi đến nhà Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã và đứng ngay trước cửa.
Thấy hào quang rực rỡ của Phật chiếu đến, mọi người vội vào báo với Bà-la-môn: - Sa-môn Cù-đàm đã đến trước cửa.
Nghe tin Phật đến, Bà-la-môn bừng tỉnh ngộ ra, vội vàng bố trí chỗ ngồi bằng nệm và đích thân ra nghênh đón, bạch Thế Tôn: Xin mời Ngài đi vào bằng lối này.
Sau đó, Phật vào nhà và an tọa. Ý muốn ngồi gần Phật nhưng không có cách nào, Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã đành đứng vòng tay hầu bên Phật.
Pháp sư nói: - Những câu sau hãy tự hiểu lấy.
Bà-la-môn bạch Phật: - Thưa Thế Tôn! Con chưa làm những điều đáng phải làm.
Pháp sư nói: - Đây là Bà-la-môn muốn nêu lên sự việc đã hứa cúng dường Như Lai trước đây.
Bà-la-môn thưa: - Trước đây, con có thỉnh Như Lai ba tháng an cư, đúng ra hàng ngày con phải đem cơm cháo, thức ăn, trái ngọt, nước uống đến cúng dường Thế Tôn. Nhưng vì ngu si quên mất nên chưa cúng dường một chút nào chứ chẳng phải con không cúng. Con chưa được dâng cúng vì là kẻ thế tục áo trắng bận bịu nhiều công việc, lại bị sân hận ngu si chèn ép đến mê loạn làm cho con quên mất nên chưa dâng cúng.
Pháp sư nói: - Tại sao Bà-la-môn nói như vậy? Vì không biết bị ma vương làm cho mê hoặc nên ông ta tự trách mình do bận công việc của thế tục nên quên Thế Tôn. Do đó, ông ta lại suy nghĩ rằng ta thỉnh an cư Phật ba tháng để cúng dường, nhung chưa dâng gì cả, vậy ta nên dùng hết phẩm vật dự định trong ba tháng đem cúng dường trong một ngày (và thưa rằng): Cầu mong Thế Tôn thương tưởng mà nhận sự cúng dường vào ngày mai. Bà-la-môn thỉnh Như Lai xin được cúng dường trọn vẹn vào ngày mai.
Quán sát tâm ý rất hoan hỷ của Bà-la-môn, đức Phật thương tưởng suy nghĩ: Nếu Ta không nhận lời thì Bà-la-môn này sẽ sinh tâm xấu với suy nghĩ rằng: Sa-môn Cù-Đàm vì không được cúng dường suốt trong ba tháng được thỉnh nên nay oán hận không nhận lời thỉnh của ta nữa. Do đó ông ta sẽ nói rằng Sa-môn Cù-đàm không phải là bậc Nhất thiết trí, không biết nhẫn nại; hoặc sẽ nói những lời tương tự như vậy để khinh khi Như Lai thì phải chịu quả báo của tội nặng. Do đó, ta nên nhận lời mời của ông ta.
Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa
-Quyển thứ năm-
--- o0o ---
Quyển thứ sáu
Im lặng nghĩa là đã nhận lời.
Phật bảo Bà-la-môn: - Ông chẳng nên bị lệ thuộc gia nghiệp.
Nói xong quán sát khả năng tiếp thu của ông ta, đức Phật thuyết pháp làm cho Bà-la-môn hiểu biết về đời này và đời sau và tạo các công đức bằng cách thọ trì, tinh cần tu tập giáo pháp. Sau khi mưa trận mưa pháp, đức Phật rời chỗ ngồi, trở về chỗ ở.
Bấy giờ, tập họp con cháu lại, Bà-la-môn nói: - Than ơi! Này các người thân, trước đây ta có thỉnh Phật an cư ba tháng nhưng chẳng cúng dường được một ngày. Ngày mai ta sẽ dùng số vật phẩm trong ba tháng ấy đem cúng dường hết trong một ngày.
Nói xong, ông ta chuẩn bị thức ăn uống, sửa soạn suốt ngày và đêm ấy. Vào sáng sớm, sau khi quét dọn trong ngoài sạch sẽ, xông đốt hương thơm, chưng hoa, trang hoàng anh lạc, cờ lọng, bố trí chỗ ngồi tráng lệ với các vật cúng dường sang trọng xong, ông ta đến bạch Phật: - Thưa Thế Tôn! Thức ăn đã dọn xong, đã đến giờ.
Đức Phật cùng các Tỳ kheo lên đường. Thế nên trong luật nói: Đi đến nhà Bà-la-môn, đức Phật cùng các Tỳ kheo an tọa. Khi ấy, Bà-la-môn cúng dường lên Phật và Tỳ kheo tăng mà đức Phật là thượng tọa trong tăng chúng.
Cực mỹ ( panìta) là mùi vị rất ngon.
Dùng tay (Sahattha) là tự tay dâng lên làm cho (Phật và Tăng) no đủ.
No đủ nghĩa là ăn đã đầy đủ cũng gọi là thỏa mãn vừa ý.
Từ chối nghĩa là ngăn lại. Ngăn có ba cách: bằng tay, mắt và miệng.
Ăn sắp xong... nghĩa này dễ hiểu.
Bà-la-môn đem ba y dâng lên Phật. Ba ca-sa này trị giá ba ngàn tiền vàng. Ông ta lại cúng 500 Tỳ kheo mỗi vị hai xấp vải bạch diệp với tổng giá trị là 50 vạn tiền vàng. Tuy cúng dường như vậy xong, nhưng vẫn chưa vừa ý, Bà-la-môn lại cúng thêm một tấm nỉ dày (Kambala) và một xấp lụa (pattunnapattapata). Đức Phật và chúng Tỳ kheo cắt tấm nỉ ra làm dây giới (dây buộc ngang hông, ngoài y - Hán: Thiền-đới) và túi đựng bát, chia tấm lụa ra làm dây lưng (kàyabandhana-parissàvana) và túi lược nước. Ông lại đem một bình đầy dầu thuốc được nấu cất trăm lần có giá trị 1000 tiền vàng để cúng dường tăng chúng thoa thân.
Pháp sư nói: - Cúng dường cho sa-môn, đúng pháp có bốn loại, không giống với người thế gian, như trên đã có đầy đủ. Tôi trình bày như vậy vì trong luật có nói cúng dường ba y không bằng bốn sự.
Sau khi cúng dường như vậy, Bà-la-môn cùng thân thuộc đều đem đầu mặt làm lễ đức Phật và Tỳ kheo tăng rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Thế Tôn suy nghĩ: Bà-la-môn này và quyến thuộc ông ta thỉnh nhập hạ nhưng suốt trong ba tháng vì bị ma quấy nhiễu nên chưa nghe được giáo pháp. Ta đem giáo pháp mà ông ta chưa được nghe trong ba tháng, giảng giải pháp vị cam lộ trong một ngày để họ được hưởng thụ đầy đủ.
Sau khi thuyết pháp cho Bà-la-môn xong, đức Phật ra khỏi nhà và định đi đến nước khác. Bấy giờ, Bà-la-môn và quyến thuộc đều lạy sát đất làm lễ Phật cùng khóc lóc thưa: - Cầu xin Thế Tôn thương xót chúng con mà trở lại lần nữa, cho chúng con được gặp lại để không còn hối tiếc.
Sau khi trú lại Tỳ-lan-nhã ba ngày, Thế Tôn nhập vào cảnh giới của Phật, quán sát thấy các Tỳ kheo vì trong 90 ngày ăn lúa ngựa nên thân thể gầy ốm không thể đi bộ xa được. Do đó, Ngài cùng họ đi thẳng đến nước Tu-ly (Soreyya) rồi đi đến xứ Ba-dạ-già (Pàyagapatitthàna), đến nơi rồi, vượt qua sông Hằng (Gangànadi), qua sông lại đi đến nước Ba-la-na-tư (Bàrànasi) rồi đi sang thành Tỳ-xá-ly. Và Thế Tôn trú ở tinh xá Ma-ha Cú-thát-la (Mahavàna Kùtàgàrasalà).
Pháp sư nói: - Luật Tỳ-bà-sa (chú giải luật) tên là Thiện-cụ-túc, phần nói về nhân duyên ở Tỳ-lan-nhã đến đây là hết. (samantapàsàdikàya vinayasamvannanàya verạnjakandavannanà nitthità).
---o0o---
Phẩm Ca-lan-đà (Kalandaka-vagga)
Bộ chú giải (Tỳ-bà-sa) này phân biệt rõ giới tướng với đầy đủ nghĩa và vị, không xen tạp giáo pháp khác. Trong luật, thuyết minh về nhân duyên căn bản rất khó hiểu rõ. Bộ chú giải này phân biệt giải thích thông suốt ý nghĩa trong tạng luật nên gọi là đầy đủ.
Đấng Trung-Tôn trong đời,
Vì thương tưởng chúng sinh,
Giảng thuyết tạng Tỳ-ny,
Để điều phục chúng sinh,
Và đem các thiện hạnh,
Diệt trừ những pháp ác.
Khi ấy, tại thành Tỳ-xá-ly. Theo thứ tự như vậy cũng dễ hiểu, nếu có đoạn nào sâu xa khó hiểu, tôi sẽ giải thích.
Ca-lan-đà (Kalandakà) là tên (vùng nuôi dưỡng) loài sóc (chuột núi). Một hôm, vua nước Tỳ-xá-ly (vesàlì) đưa các cô gái đẹp vào rừng du ngoạn. Bấy giờ, vì mệt mỏi vua nằm ngủ dưới một gốc cây và các cô gái hầu cận bỏ đi chơi khắp nơi.
Có con rắn độc lớn ở trong hang dưới gốc cây. Nghe mùi rượu của vua, rắn bò ra định cắn vua. Con sóc trên cây chạy xuống gọi to để cho vua biết. Do đó, rắn lùi lại. Vừa thức giấc, vua liền ngủ lại và rắn lại bò ra định cắn vua. Sóc lại kêu to chạy xuống báo thức cho vua. Thức dậy, vua thấy rắn độc lớn trong hang dưới gốc cây nên rất kinh sợ, nhìn khắp nơi tìm các cô gái nhưng không có một ai cả. Vua suy nghĩ rằng ta còn sống được là nhờ ân con sóc vậy phải làm sao báo ân ấy.
Khi ấy, bên núi có thôn xóm. Vua ra lệnh: Từ đây trở đi trong thôn đem phần ban thưởng của Ta dùng để nuôi dưỡng các con sóc.
Lại nhân loài sóc này nên vua đặt tên thôn là Ca-lan-đà (nơi nuôi dưỡng các con sóc).
Ông Ca-lan-đà nghĩa là lúc ấy một trưởng giả trong thôn có 40 ức tiền vàng, được vua ban địa vị trưởng giả. Nhân lấy theo tên thôn nên gọi là trưởng giả Ca-lan-đà.
Pháp sư hỏi: - Chỉ riêng trưởng giả đây có tên này hay là người khác cũng có.
Đáp: - Đều gọi là Ca-lan-đà như được nói trong luật.
Tu-Đề-Na (Sudinna) là con trưởng giả có nhiều bạn thân.
Bạn thân (tri thức) là bạn mà khổ vui cùng hưởng.
Khi ấy, vì cần tìm người thiếu nợ, Tu-Đề-Na đi đến Tỳ-xá-ly.
Lại có vị pháp sư nói: Ngày 9 tháng 9, nhân dân trong nước cùng nhau tập trung đi chơi, do đó Tu-Đề-Na cũng đi du ngoạn.
Khi ấy, vào trước ngày 15 tháng 9, Thế Tôn đến Tỳ-xá-ly.
Hỏi: - Trông thấy nghĩa là gì?
Đáp: - Sáng sớm, sau khi điểm tâm Tu-Đề-Na thấy mọi người mặc áo bày vai phải mang các loại hương hoa đi ra khỏi thành, đến gặp đức Phật để cúng dường và nghe pháp.
Thấy vậy, Tu-Đề-Na hỏi: - Các vị thiện nhân ơi! Đi đâu vậy?
Đáp: - Chúng tôi đang đi đến gặp Phật để cúng dường và nghe pháp.
Tu-Đề-Na nói: - Lành thay! Tôi cũng đi theo.
Khi ấy, Thế Tôn đang dùng phạm âm thuyết pháp cho bốn chúng vây quanh. Đến nơi, Tu-Đề-Na thấy Phật đang thuyết pháp cho đại chúng. Do đó, luật văn nói là thấy.
Pháp sư nói: - Nhờ phước đời trước làm nhân cho nên lúc này Tu-Đề-Na phát sinh giác ngộ.
Tu-Đề-Na suy nghĩ: Bằng cách gì để ta được vào nghe pháp.
Vì sao? Vì bốn chúng đang chí tâm nghe pháp không thể di chuyển nên không thể chen vào được.
Khi ấy, Tu-Đề-Na từ từ tiến sát vào bên cạnh đại chúng.
Hỏi: - Vì sao không vào giữa chúng?
Đáp: - Vì đến sau nên phải ngồi kề bên ngoài mọi người.
Trong luật nói: Tu-Đề-Na đến chỗ đại chúng, ngồi xuống một chỗ, sau đó suy nghĩ ...
Hỏi: - Ngồi xuống là suy nghĩ (ngay) hay là nghe pháp rồi suy nghĩ?
Đáp: - Nghe được đức Phật tán thán giới, định, tuệ nên suy nghĩ.
Hỏi: - Nghĩ gì?
Đáp: - Vị này có suy nghĩ: Với những lời của đức Phật phân biệt giảng thuyết, ta đã hiểu rõ và nghĩ rằng nghĩa lý trong giới, định, tuệ đều thuần nhất một vị. Và vị này lại nghĩ rằng ta sống tại gia mà tu tập giới, định, tuệ qua được một ngày cũng khó làm được, vậy không nên sống tại gia vì cũng như mài ngọc.
Hỏi: - Mài ngọc là gì?
Đáp: - Như người mài ngọc thật khó làm cho trong trắng được. ... sống tại gia mà tu tập cũng khó như mài dũa ngọc, thật khó thành công, lúc này ta làm sao cạo bỏ râu tóc, mặc y phục ca-sa, tu tập phạm hạnh là được thoát khỏi nhà hữu vi vào nhà vô vi.
Hỏi: - Nhà hữu vi, nhà vô vi là gì?
Đáp: - Nhà hữu vi là cày ruộng, trồng trọt, mua bán... làm các sự nghiệp thế gian. Nhà vô vi là không làm các sự nghiệp trên, tịch nhiên vô dục. Đây gọi là bỏ nhà hữu vi đi vào nhà vô vi.
Cùng mọi người rời khỏi chỗ ngồi chưa bao lâu, Tu-Đề-Na đi trở lại gặp Phật.
Tại sao khi chúng chưa đứng dậy, Tu-Đề-Na đã gặp Phật mà không cầu xuất gia?
Vì khi ấy (Tu-Đề-Na) nghĩ rằng (nếu ta) cầu xin xuất gia thì anh em thân thuộc đang ngồi nghe pháp sẽ gây trở ngại bằng cách nói rằng cha mẹ chỉ có một mình anh là con, nếu xuất gia rồi lấy ai nuôi dưỡng và nói như vậy xong, họ sẽ đưa ta về nhà, gây khó khăn cho sự xuất gia của ta.
Cùng mọi người ra về, đi một đoạn ngắn, Tu-Đề-Na tìm cách quay trở lại, đến gặp Phật và cầu xin xuất gia. Thế nên, trong luật có nó: Mọi người từ giã chưa bao lâu, Tu-Đề-Na đến gặp Phật và cầu xin Thế Tôn ...
Sau khi La-Hầu-La (Ràhulakumàra) xuất gia, Phật không cho xuất gia những người mà cha mẹ chưa cho phép. Do đó, Phật hỏi Tu-Đề-Na: - Con có được cha mẹ cho phép xuất gia không?
Pháp sư nói: - Câu này dễ hiểu, hãy tự biết.
Việc đáng làm đã làm. Tâm ý Tu-Đề-Na muốn xuất gia nên không còn ưa thích những nơi đi chơi, không quan tâm đến việc có lấy được nợ hay không, chỉ vội vàng trở về. Sự việc này dễ hiểu.
A-ma, đa-đa (Amma, Tàta - Hán dịch là mẹ, cha) hãy tự biết.
Một con nghĩa là chỉ có một đứa con, không có anh em.
Pháp sư nói: - Cha mẹ nói như vậy vì thương mến.
Sống trong sung sướng nghĩa là từ bé đến lớn chưa trải qua sự khổ nhọc. Vừa sinh ra, đã được nhủ mẫu bồng bế cho đến lớn, luôn luôn được cung cấp đầy đủ các món ăn ngon, đi đâu cũng bằng xe ngựa nên chân không đụng đất.
Người cha bảo Tu-Đề-Na: - Đến khổ nhỏ mà con còn không biết...
Không biết khổ nghĩa là nếu chia một cái khổ ra làm mười phần, thì cũng chưa biết và trải qua được một phần nào cả.
Câu: đến chết, ta cũng không rời con được nghĩa là cha mẹ nói rằng nếu ta còn sống mà con có chết, ta cũng không bỏ con, huống chi ta đang còn sống thì làm sao chia lìa con được.
Câu: Tu-Đề-Na nằm trên đất là có ý nói nằm trên đất không có tấm lót.
Hỏi: Cúng dường nghĩa là gì?
Đáp: - Nam nữ với những âm thanh ca nhạc, đàn sáo, không hầu, tỳ bà... vui chơi cùng các bạn bè. bạn bè dùng những thú vui này để khuyên dụ Tu-Đề-Na bỏ ý định (xuất gia) để hưởng thụ (ăn) năm dục.
Hỏi: - Ăn nghĩa là gì?
Đáp: - Ăn nghĩa là thân mình cùng phụ nữ hưởng thụ khoái lạc của năm dục.
Câu làm các công đức là nói đến việc cúng dường Phật Pháp Tăng, làm các việc bố thí, tu tập theo thiện đạo, làm các công đức.
Giữ thái độ im lặng là được cha mẹ khuyến dụ bằng mọi cách đến ba lần để bỏ ý định nhưng Tu-Đề-Na vẫn không đổi ý.
Cha mẹ nói với bạn của Tu-Đề-Na (Sahàyaka): - Đây là bạn thân của các con, đang nằm dưới đất, ta đã ba lần khuyên mời dậy nhưng vẫn nằm yên, vì ta, các con hãy làm cho anh ấy đừng xuất gia.
Khi ấy, các bạn thân đến gặp Tu-Đề-Na, nói đến ba lần với lời lẽ: - Này bạn thân ơi, cha mẹ chỉ có một mình bạn, nếu quyết chí xuất gia thì khi hai bác tuổi già lấy ai giúp đỡ. Nếâu bạn xuất gia thì ba má bạn sẽ buồn rầu gầy yếu đến chết, nào có lợi gì! Là người sang trọng mà bạn xuất gia thì sẽ bưng bát đất xin ăn mà thức ăn lại dỡ, không vừa ý, khi được, khi không được, ngày ăn chỉ một bữa, lại ngủ một mình. Nếu tu tập phạm hạnh thì pháp này thật khó.
Bằng mọi cách khuyên can nhưng thấy Tu-Đề-Na vẫn không đổi ý định, các bạn bàn với nhau: - Hiện tại nên cho anh ấy xuất gia.
Sau đó, các bạn đến gặp và khuyên cha mẹ Tu-Đề-Na và được ba má anh cho phép anh ta xuất gia. Thế nên trong luật có nói: - Bạn bè của Tu-Đề-Na con ông Ca-lan-đà đến gặp cha mẹ anh ta. Sau đó, họ đến gặp Tu-Đề-Na và nói: - Hai bác đã cho bạn xuất gia rồi.
Nghe nói, Tu-Đề-Na rất vui mừng hoan hỷ rời khỏi mặt đất. Do trải qua bảy ngày không ăn nên thân thể Tu-Đề-Na gầy ốm. Cha mẹ tắm rửa cho bằng nước thơm, thoa dầu thơm, chải gội đầu tóc, cho ăn uống các món thơm ngon và sau ba bốn ngày sức khỏe anh ta lại bình phục.
Khi ấy, Tu-Đề-Na rơi lệ làm lễ từ giã cha mẹ và đi đến gặp Phật, thưa rằng: - Cầu xin Thế Tôn độ cho con được xuất gia.
Hỏi: - Vị này được Như Lai độ hay được tăng độ?
Đáp: - Được Tỳ kheo độ. Khi ấy, bên cạnh Thế Tôn có một Tỳ kheo khất thực. Phật bảo vị này: - Thầy hãy độ Tu-Đề-Na xuất gia và cho thọ giới cụ túc.
Tỳ kheo đáp: - Lành thay Thế Tôn!
Vị này độ Tu-Đề-Na làm sa-môn, dự vào hàng tôn quí và được Tỳ kheo truyền giới cụ túc. Do đó trong luật có nói: Khi ấy, Tu-Đề-Na được xuất gia trong Phật pháp, thọ giới cụ túc và thọ trì hạnh đầu đà. [Pháp đầu-đà (dhùtaguna): Hán dịch là quét sạch cấu bẩn phiền não].
Thọ nghĩa là thực hành. A-lan-nhã nghĩa là tránh xa làng xóm, nhà cửa, sống ở nơi thanh vắng (A-lan-nhã) sống bằng khất thực. Khất thực là không nhận lợi dưỡng dư, từ bỏ 14 loại thức ăn. Nhận y phẩn tảo (pamsukùlika) nghĩa là không nhận y của đàn việt. Khất thực theo thứ lớp (Sapadànacàrika) nghĩa là tuần tự đi (từng nhà). Thôn Bạt xà (Vajjigàmà) là thôn ấp của vua Bạt-xà có vô lượng tài sản quí báu. Tài sản là của cải xử dụng hàng ngày. Quí báu là vật cất dấu không cho người thấy. Vô lượng là số lượng không đếm hết. Thức ăn uống phong phú là hằng ngày đều có thêm nhiều thức ăn uống. Sửa soạn phòng xá là bày biện chỗ ngồi và trải các tấm lót phủ. Đem 60 mâm bạc lớn. Một mâm chứa 10 người ăn, cộng lại có chừng 600 vị tăng ăn uống. Ăn là nhận lấy.
Hỏi: - Lấy nghĩa là gì?
Đáp: - Lấy lại sức lực cho bốn đại.
Đem cho nghĩa là dâng cho chúng tăng, tâm không còn luyến tiếc.
Tự đi vào khất thực, nô tỳ trong nhà đem thức ăn thừa cách đêm, không dùng nữa ra ngoài vứt bỏ. Thức ăn để qua một hai đêm thì chua và hôi hám.
Hỏi: - Đó là gạo nếp hay gạo tẻ?
Đáp: - Cơm gạo tẻ.
Gọi là chị (đại tỷ) vì người xuất gia không được gọi họ là nô tỳ nên gọi là chị.
Câu: Hãy đổ vào bát tôi.
Hỏi: - Người xuất gia được nói như vậy không?
Đáp: - Được, bởi vì đối với vật mà người chủ xem thường muốn vứt bỏ thì người xuất gia có thể nói hãy đem cho tôi hay bỏ vào bát tôi.
Pháp sư nói: - Thấy có người mang cơm thừa đi đổ, một Tỳ kheo khất thực nói:
- Nếu cần vứt bỏ thì cho vào bát tôi. Vị này được đức Phật khen ngợi.
Hỏi: - Đây là chỉ riêng cơm hay vật khác cũng được?
Đáp: - Được phép xin và nhận tất cả những vật bị vứt bỏ, không nên nghi ngại.
Tay chân là khi khất thực đưa bát xuống nhận vật thực nên bày cánh tay ra đến cùi chỏ. Chân là phần từ mắt cá trở lên (bày ra) chừng bốn ngón tay. Tiếng nói nghĩa là khi nghe Tu-Đề-Na gọi nên (cô ta) nhận ra tiếng nói. Nhớ biết (nimittam aggahesi) là biết ba tướng của vị này. Tu-Đề-Na xuất gia vào năm thứ 12 sau khi Phật thành đạo. Tu-Đề-Na ở nước khác tám năm. Sau khi học đạo được tám năm, vị này mới trở về thôn Ca-lan-đà. Khi Phật thành đạo được 20 năm thì Tu-Đề-Na rời khỏi nhà được tám năm, nên cô tỳ nữ không nhận ra.... Đi vào thưa với ông chủ.
Hỏi: - Sao (cô ta) không hỏi ngay (với Tu-Đề-Na) mà lại đi vào thưa với chủ?
Đáp: - Cô ta cảm thấy e sợ không dám tự tiện hỏi nên vội vào trong thưa.
... Nếu tìm cậu chủ, hãy nhìn người đang ngồi ăn ở cạnh bức tường. Nghĩa là bấy giờ những nhà trong thôn đều làm nhà nhỏ chứa nước bên cạnh tường và dành cho người khất thực được dùng để nghỉ ngơi tùy ý. Do đó, trong luật có nói rằng:... (vị ấy) đi ra ngoài và ngồi ăn bên tường.
Tại sao người... nghĩa là người cha hỏi Tu-Đề-Na rằng tại sao người ngồi ăn thức ăn thừa ở bên tường, vì người xuất gia không nên ăn thức ăn tàn thực này.
Người cha nói với Tu-Đề-Na: - Khi còn ở nhà, ăn những món cao lương mỹ vị mà con còn chê bai, hoặc nói dỡ, cứng, lạnh, nóng, không vừa miệng. Nay con ăn thức ăn dư cũ này lại như ăn cam lộ, không một lời oán trách.
Pháp sư nói: - Cha Tu-Đề-Na phải nói như vậy vì trong tâm ông ta bị bức xúc không bày tỏ được nên phải nói vậy. Xưa nay, các vị pháp sư đều truyền nhau giải thích như vậy.
Câu: - Nắm tay cùng nhau về nhà.
Hỏi: - Vì sao cùng với người áo trắng (đời) nắm tay đi về nhà?
Đáp: - Tu-Đề-Na là người chí hiếu nên khi cha nắm tay thì không kháng cự.
Sau khi về nhà, được mời thọ thực, Tu-Đề-Na im lặng nhận lời.
Hỏi: - Ở trên Tu-Đề-Na đã thọ pháp khất thực, vì sao còn nhận lời mời (thọ thực tại nhà) của cha?
Đáp: - Tu-Đề-Na nghĩ rằng xa nhà đã lâu, nếu không nhận lời thỉnh của đàn-việt tất họ sinh tâm xấu. Do thương xót họ nên được nhận thỉnh một lần; người nhận thỉnh phải biết rõ.
Câu: - Đống vàng bạc.
Hỏi: - (Vàng bạc) có từng thoi hay vụn?
Đáp: - Đây là tiền (kahàpana).
(Cao bằng) người (purisa) nghĩa là không cao không thấp quá.
Câu: - Giăng tấm màn ở sau là giống như để chỗ khuất vắng nên giăng màn bốn phía.
Sáng sớm mặc y mang bát là đi thọ thỉnh.
Hỏi: - Sao không chờ đàn việt đến rước mà lại tự đi?
Đáp: - Họ đã mời (trước là được), trong luật không nói đến việc trên.
Mẹ có nghĩa là người sinh ra người khác.
Vật thuộc mẹ nghĩa là vật thuộc bên ngoại theo mẹ về nhà cha.
Câu: - Sáng tối tắm rửa... là chỉ cho sự nhàn hạ.
Vật hồi môn của mẹ con khi ta cưới về đến nay vẫn chưa dùng, của ta cũng chưa dùng, vật của tổ phụ con cũng chưa dùng đến.
Chưa dùng đến là ý nói tài sản có nhiều vô cùng.
Con nên hoàn tục là người cha bảo Tu-Đề-Na:
- Con hãy bỏ y phục của người xuất gia, hoàn tục mặc y phục thế tục xinh đẹp và hưởng thụ năm dục lạc. Con xuất gia không phải vì sợ lệnh vua, không phải vì mắc nợ nên hoàn tục rất dễ.
Tu-Đề-Na nói: - Này đàn việt, tôi rất ưa thích đời sống phạm hạnh, không có tâm tham luyến thế tục, xin đàn việt chớ phiền trách. Thưa đàn việt! Tôi muốn xin một việc, chớ tức giận.
Cha đáp: - Lành thay! Lành thay ... nghĩa là người cha nghe Tu-Đề-Na nói như vậy nên vui mừng khen ngợi lành thay.
Tu-Đề-Na nói rằng lấy vải bố may thành bao lớn và bỏ vàng bạc vào và cột chặt miệng lại rồi đặt lên hơn 10 chiếc xe đem vứt xuống chỗ sâu nhất dưới sông lớn.
Câu "Vì những nhân duyên này" nghĩa là Tu-Đề-Na nói lời từ chối vì dùng bảo vật này làm gì. Do những vật báu này nên sinh ra các phiền não, nước, lửa, trộm cướp đều do đây mà sinh ra.
Dựng cả lông (lomahamsa) nghĩa là nếu có quốc vương thấy nhiều bảo vật thì tất đến mong cầu, hoặc trộm cướp thì đến cướp lấy, hoặc bị lửa đốt, nước cuốn trôi. Do suy tư sâu xa như vậy nên lông toàn thân dựng cả lên.
Gìn giữ cả ngày đêm nghĩa là khi trời chưa tối đã chia nhau trước sau, bố trí người có sức canh phòng, đóng chặt cửa rất cẩn mật không cho trộm cướp vào được, không để kẻ thù theo dõi được nên gọi là bảo vệ.
Gọi người vợ trẻ vào nghĩa là cha Tu-Đề-Na tạo các điều kiện để vị này hoàn tục nhưng vẫn không toại ý nên gọi cô vợ trẻ (của Tu-Đề-Na) đến bảo:
- Chỉ có con trước đây thương yêu nhau, hãy làm cho anh ấy đổi ý. Vì sao? Tất cả tài sản cũng không mua chuộc được thì chỉ có phụ nữ có thể làm cho người ta thay đổi.
Câu: ... "Hay là chàng vì các cô ngọc nữ xinh đẹp trên trời (Kidisà nàma tà ayyaputta accharàyo yasam tvam hetu brahmacariyam carasi)". Đây là câu nói của người vợ trẻ hỏi Tu-Đề-Na. Vì cô ta thấy những người dòng Sát-lỵ, những người quí tộc từ bỏ tài sản quí giá, cung điện, vợ con, thân quyến (mà xuất gia) nên cho rằng các vị ấy vì mong cầu ngọc nữ cõi trời nên tu tập phạm hạnh.
Không phải vì thiên nữ nghĩa là không phải vì mong cầu thiên nữ.
Nghe Tu-Đề-Na dùng từ ngữ cô em này để đáp, thì (người vợ) cho rằng trước đây vợ chồng ngủ chung giường, nay gọi là cô em với ý nghĩa em cùng mẹ nên cô ta rất đau khổ và ngã lăn ra đất.
Chớ quấy nhiễu nghĩa là không nên đem tài sản quí giá và gái đẹp để làm mê hoặc tâm tôi.
Hãy để lại dòng giống nghĩa là người mẹ bảo Tu-Đề-Na: - Cầu mong con tu tập phạm hạnh mãi mãi và nhập Niết-bàn trong hư không nhưng xin con để lại một đứa con để kế tục dòng họ, đừng để tài sản bị mất hết vì không người cai quản. Sau khi chúng ta chết, tất chúng bị sung vào kho tàng của vua Lê-Xa-Tỳ (licchavi) vậy xin để lại dòng giống.
Tu-Đề-Na đáp: - Việc này rất dễ, con có thể làm được.
Hỏi: - Vì sao Tu-Đề-Na nói như vậy?
Đáp: - Vì Tu-Đề-Na có ý nghĩ nếu ta không cho dòng giống thì cha mẹ không để yên cho ta và ngày đêm sẽ làm phiền ta. Nếu ta cho đứa con thì họ an lòng, không còn làm phiền ta nữa. Nhờ đây, ta được ở yên trong đạo để tu tập phạm hạnh.
Nguyệt hoa (Puppha - kinh nguyệt) là hoa nước sinh trong tháng. Đây là tên một loại máu. Người phụ nữ trong thời gian sắp có thai trong dạ con sinh ra một cục máu, sau bảy ngày tự phá và thành máu chảy ra. Nếu máu ra không ngừng thì tinh người nam không đứng yên mà theo trôi theo. Khi máu đã chảy hết thì tinh người nam mới đọng lại được và sau đó thành thai. Như đám ruộng đã được cày bừa kỹ, sau khi cho quá nhiều nước vào rồi gieo giống lên. Hạt giống nổi lên trôi khắp bốn phía vì nước lớn mà hạt giống thì không bám vào bùn nên không mọc rễ con được. Người nữ cũng như vậy, sau huyết không còn chảy nữa, thì tinh người nam mới bám lại được và trở thành thai.
Nắm lấy tay vợ nghĩa là dắt nhau đi vào rừng sâu để cùng hành dục.
Sau khi thành đạo dưới cây Bồ đề, trong 20 năm đầu chưa chế giới cho các đệ tử. Các đệ tử mới nhập đạo nên đức Phật chưa chế giới cho họ. Tu-Đề-Na không biết tội-tướng nên cho việc này không có tội. Nếu vị này đã biết tội tướng thì dù mất mạng cũng chẳng dám phạm.
Ba lần làm việc bất tịnh nghĩa là ba lần cùng vợ làm việc bất tịnh nên có thai.
Pháp sư nói: - Có hay không?
Đáp: - Có, bởi vì một là hai thân thể tiếp xúc nhau; hai, lấy y phục; ba, tinh chảy xuống; bốn, tay thoa dưới rốn; năm là thấy; sáu có tiếng; bảy có mùi. Do bảy việc này phụ nữ có thai.
Hỏi: - Vì sao gọi là thân thể tiếp xúc nhau?
Đáp: - Có người nữ khi sinh nguyệt thủy thì ham muốn đàn ông. Nếu được thân thể đàn ông tiếp xúc khắp thân thể thì người nữ này sinh ham muốn và mang thai. Đây là tiếp xúc nhau nên mang thai.
Hỏi: - Thế nào là lấy y phục?
Đáp: - Như Tỳ kheo Ưu-Đà-Dy (Udàyi) và vợ cùng xuất gia. Cách biệt đã lâu, một hôm Ưu-Đà-Dy đến gặp Tỳ kheo ny kia, tình cảm luyến ái hai bên cùng nhau lai láng đến cực độ nên xuất tinh làm dơ bẩn y của Ưu-Đà-Dy. Vị này đưa y ấy cho Tỳ kheo ny (để giặt). Nhận y, Tỳ kheo ny này đưa lưỡi liếm rồi lại đưa tinh ấy vào nữ căn nên có thai. Có người nữ khi có hoa thủy, lại tiếp xúc với y phục (có tinh) của đàn ông thì có thai nên gọi là lấy y phục.
Hỏi: - Thế nào là tinh chảy xuống?
Đáp: - Như mẹ đạo sĩ Lộc-Tử. Ngày xưa có một con nai cái đi đến chỗ ở của đạo sĩ. Đạo sĩ tiểu tiện nên tinh bị chảy xuống chỗ ấy. Nai cái trong thời gian sinh hoa thủy, ngửi nước tiểu ấy, sinh tâm dâm dục nên uống vào và có thai sinh ra đạo sĩ Lộc-Tử (Migasingatàpasa). Đây gọi là tinh chảy xuống.
Xoa dưới rốn như cha mẹ của Bồ Tát Thiểm (Sàmabodhisatta) sắp bị mù. Thiên Đế-thích biết được nên giáng hạ xuống gặp họ và nói rằng hãy mau hợp âm dương (giao hợp) sẽ sinh con. Hai vợ chồng đã xuất gia tu đạo nên nói: - Chúng tôi đã xuất gia, theo pháp thì không được làm vậy.
Đế-thích nói: - Nếu không hòa hợp âm dương thì lấy tay thoa dưới rốn.
Họ làm theo lời dạy và mang thai sinh ra Thiểm, nên gọi là xoa tay dưới rốn. Mẫn-Đà-Bà-Da và Chiên-Đà-Bát-Thù-Đa (Mandavya, Candapajjta) cũng được sinh bằng cách ấy.
Hỏi: - Thế nào là sinh bằng thấy?
Đáp: - Có một cô gái trong thời kỳ hoa nguyệt nhưng không được giao hợp với đàn ông. Do tình dục quá mạnh, chỉ nhìn đàn ông là ghi nhớ, các thể nữ trong cung cũng như vậy, vì vậy có thai. Đây gọi là thấy.
Hỏi: - Thế nào là bằng tiếng?
Đáp: - Như loại chim cò trắng chỉ có con cái không con trống. Đến mùa xuân, khí hậu ấm áp bắt đầu có tiếng sấm. Cò chỉ lắng nghe tiếng sấm là có thai. Đây gọi là bằng tiếng.
Hỏi: - Thế nào là do mùi?
Đáp: - Như con trâu cái chỉ ngửi mùi trâu đực là có thai.
-ooOoo-
Tu-Đề-Na không phải như trên mà làm việc bất tịnh. Dục và sắc của hai bên nam nữ giao hợp nhau thì có sự thác sinh. Ba việc hợp nhau thì sau đó sinh con. Tu-Đề-Na cũng vậy.
Khi địa thần thấy Tu-Đề-Na làm việc bất tịnh liền kêu lớn lên rằng... tất cả các việc làm này là ác pháp, ai cũng biết cả. Khi mới làm việc ấy thì thần hộ thân thấy, tuần tự các vị thiên có tha tâm đều biết, các thiên thần đều thấy người hành động như vậy nên kêu lớn lên. Tuần tự, truyền cho đến cõi phạm thiên, đến cõi Vô sắc, những cõi khác đều biết.
Khi ấy, đứa bé dần dần khôn lớn và cùng mẹ xuất gia . Khi bé Tục-chủng lên tám tuổi, cùng mẹ Tục-chủng xuất gia. Mẹ sống với các Tỳ kheo ny, Tục-chủng sống với các Tỳ kheo, đều được thân cận các bậc thiên tri thức (Kalyànamitta). Do đó, trong luật nói: - Cả hai cùng xuất gia và tuần tự chứng quả A-la-hán.
Liền sinh tâm hối hận nghĩa là vì trước đây đã làm việc bất tịnh nên suốt ngày đêm vị ấy sinh tâm hối hận: Ta đã làm việc bất lợi trong pháp lợi ích, tu tập phạm hạnh trong Phật pháp để đạt ba đạt trí nhưng ta không được lợi ích này. Nên gọi là đối với lợi ích, ta không được lợi ích này.
Ta bị ác lợi nghĩa là người khác xuất gia được thiện lợi còn ta không được thiện lợi mà bị nhận ác lợi.
Người phạm hạnh là giữ trọn cả giới, định và tuệ mà ta không giữ trọn được.
Gầy ốm nghĩa là từ khi hối hận thì ăn uống không ngon nên máu thịt khô héo, thân thể hình sắc thay đổi như lá cây héo úa sắp rụng.
Gân mạch đều nổi lên nghĩa là vì máu huyết khô héo nên gân mạch hiện ra.
Tâm cũng bế tắc nghĩa là tim cũng khó thở vì bế tắc.
Xấu hổ gục đầu nghĩa là tự xét thấy mình bất thiện trong pháp thanh tịnh nên sinh xấu hổ.
Khi các Tỳ kheo đi chơi đến trước phòng, thấy Tu-Đề-Na bị gầy ốm nên hỏi: - Trước đây diện mạo hiền gải rất tươi vui, thân thể xinh đẹp, tay chân mập tròn đều đặn, nay vì sao mà gầy gò như vậy?
Các Tỳ kheo lại nói với Tu-Đề-Na: - Hiền giả có buồn hận gì trong việc tu tập phạm hạnh, hay là không thích đời sống xuất gia nữa?
Tu-Đề-Na đáp: - Thưa các trưởng lão! Chẳng phải tôi không thích đời sống phạm hạnh, lười biếng tu tập trong pháp thanh tịnh này, chỉ vì tôi đã làm việc ác.
Đã làm việc ác nghĩa là đã có tạo pháp ác nên luôn thấy nó hiển hiện trước mắt.
Các Tỳ kheo nói với Tu-Đề-Na: - Hành động của hiền giả chỉ là nghi hối.
Hỏi: - Vì sao gọi là nghi?
Đáp: - Trong pháp luật thanh tịnh, hành động bất tịnh hạnh mà sinh nghi hối thì không thể tu tập phạm hạnh nữa.
Các Tỳ kheo tạo phương tiện để giải tỏa ý nghĩ của Tu-Đề-Na nên nói: - Này trưởng lão! Không phải vậy đâu...
... Đức Phật dùng các phương tiện nói pháp ly dục. Do đó, vì tất cả chúng sinh trong ba cõi mà Phật nói về năm dục để chúng viễn ly không còn thân cận các dục. Lời khác nhưng ý nghĩa như nhau.
Thuyết pháp để diệt hết ái, để đạt đến Niết-bàn, không còn luân hồi ba cõi, nên không cho ái dục. Đức Phật đã nói về dục như vậy là để phân biệt không thân cận.
Nay thầy giao hợp nghĩa là Phật dạy tránh xa việc bất tịnh hạnh mà thầy lại cùng vợ cũ làm việc bất tịnh... nghĩa này dễ hiểu.
Đức Phật thuyết giảng nhiều phương pháp để thoát ly mê hoặc. Nghĩa là đức Phật thuyết pháp cho chúng sinh chỉ vì dạy họ đoạn trừ mê hoặc khát ái. Bởi vì tất cả chúng sinh khao khát năm dục nên Phật thuyết pháp để khiến họ đoạn trừ.
Diệt hết hạt giống nghĩa là đức Phật thuyết pháp làm cho trừ diệt hạt giống ba cõi, ái tận là Niết-bàn.
Ái nghĩa là ái dục trong ba cõi. Chúng sinh do ái dục trói buộc nên không thoát ra khỏi ba cõi.
Tận nghĩa là diệt hết ái.
Đắc Niết-bàn nghĩa là chúng sinh ở chín cảnh giới với bảy thức, năm đạo, bốn cách sinh trong ba cõi này, từ chỗ này qua chỗ kia rồi quay lại... như những sợi chỉ đan dệt với nhau không hở để thành tấm vải, không giải thoát khỏi ái là bị đan chặt, tận là diệt hết. Ái tận là Niết-bàn, niết là không còn, bàn là sinh, nghĩa là không còn sinh nữa.
Phật thuyết pháp trừ dục nghĩa là làm cho trừ sạch dục năm trần và dục phiền não.
Biết rõ dục nghĩa là đã biết rõ tất cả các dục và điều phục được dục nên gọi là biết.
Khát ái nghĩa là rất thèm khát mong cầu các dục.
Tư dục nghĩa là luôn tư duy về dục.
Phiền muộn dục nghĩa là đối với năm dục, luôn tư duy về những điều chưa thỏa mãn nên sinh phiền muộn.
Trên đây là sự trình bày theo đạo-đế. Câu trước nói về pháp thế gian. Câu sau nói về pháp xuất thế gian.
... trưởng lão làm cho người bất tín thì không tin, còn người đã tin thì làm theo pháp ác nghĩa là làm cho người chưa có tín tâm không tin trưởng lão, người đã có tín tâm thì thay đổi lòng tin.
Thay đổi lòng tin nghĩa là đối với giáo pháp sinh tâm hối hận nghi ngờ.
Người nào có tín tâm với đạo thì cũng như núi Tu di bị gió thổi bốn mặt cũng không lay động. Người có tín tâm này cũng như vậy. Thế nên trong luật có nói: Có người như vậy, không có người như vậy. Khi ấy, các Tỳ kheo đem sự việc bạch với đức Thế Tôn.
Các Tỳ kheo bạch cho Thế Tôn biết về ác pháp mà Tu-Đề-Na đã làm nhưng không phải vì có tâm mong Phật khen riêng mình cũng không phải để Phật khinh bạc đuổi Tu-Đề-Na ra khỏi pháp thanh tịnh, cũng không phải dựa vào pháp ác này để tranh cãi nhau, chỉ vì nói ra đúng sự thật mà thôi. Các Tỳ kheo đều nghĩ rằng cấu-pháp đã phát sinh nên họ bạch Thế Tôn: - Hiện nay cấu-pháp đã phát sinh, xin ngài chế giới cho các đệ tử Thanh-văn.
Do sự việc này, đức Phật tập hợp các Tỳ kheo tăng. Do hành động xấu của Tu-Đề-Na vi phạm vào pháp thánh-nhân nên Phật tập họp các Tỳ kheo tăng.
Phật quở trách Tu-Đề-Na... Người nào hành động theo ác pháp thì bị quở trách nên đức Như Lai quở trách.
Có người trì giới tinh tấn nghĩa là ai đáng được khen ngợi thì Như Lai khen ngợi. Như vậy đối với ai có hành động thiện hay ác, Phật đều không che dấu. Như trường hợp Tu-Đề-Na đáng bị chê trách, nên trong luật có nói với trường hợp đáng chê trách thì đức Như Lai chê trách bằng tâm từ bi.
Phật nói: - Ngươi là kẻ ngu si, không được gì cả.
Si nghĩa là không làm việc đáng làm, làm việc không đáng làm, làm việc không phù hợp tức là làm việc bất tịnh, bất tịnh là chẳng phải pháp sa-môn.
Phật hỏi: - Vì sao ngươi làm việc như vậy, Ta đã giảng dạy việc ly dục... như trước đã nói.
Thấy Tu Đề Na đã làm pháp ác, Phật vói tâm từ bi bảo rằng: Này, người si mê. Cũng như cha mẹ từ bi nhưng thấy con làm việc xấu thì cũng la mắng con mình: Vì sao ngươi ngu si làm việc như vậy! Thế nên, trong luật có nói: Này kẻ ngu si, thà rằng ngươi đem nam căn đặt vào miệng rắn độc, chớ nên đặt vào nữ căn.
Miệng rắn độc, ai đụng vào miệng rắn độc thì thịt họ bị hư thối. Bị chết như vậy tốt hơn, vì nếu đặt nam căn vào nữ căn thì sau khi chết bị đọa địa ngục không có ngày ra. Do đó, thà rằng đặt nam căn vào miệng rắn độc là như vậy.
Đặt vào là bị hư thối ngay nghĩa là làm như vậy thì chết ngay nhưng không bị đọa địa ngục, còn đặt vào nữ căn thì bị luân hồi trong địa ngục.
Thà đem nam căn đặt vào lửa cháy rực chứ không đặt vào nữ căn. Vì sao? Người ngu si bị lửa đốt cháy thì có khi chết, khi không chết. Dù bị chết thì chỉ thân này chịu một chút khổ chứ không như vậy mà bị đọa địa ngục bị khổ não dữ dội.
Các pháp bất thiện là pháp của kẻ xấu. Pháp hoang dã là pháp của người sống nơi hoang dã.
Tội lớn là phiền não lớn.
Mạt thủy pháp (Odakantika - mé nước, nước rửa sau cùng) là khi làm việc phi pháp xong, dùng nước (để rửa) nên gọi là mạt thủy.
Tại chỗ vẳng vẻ là chỉ có hai người, có thể làm việc bất tịnh. Đây là bắt đầu các pháp ác.
Hỏi: - Vì sao đức Phật nói như vậy?
Đáp: - Trong pháp thanh tịnh này, do Tu-Đề-Na gây cấu bẩn nên gọi là Tu-Đề-Na là kẻ phạm cấu bẩn đầu tiên trong tịnh pháp này.
Như Lai dùng các phương tiện nghĩa là chê trách bằng nhiều cách.
Người này khó nuôi dưỡng nghĩa là được che chở trong pháp mà không thể tự bảo vệ được thân mình nên gọi là khó nuôi dưỡng.
Người không biết đủ nghĩa là sống tích lũy của cải thì gọi là không biết đủ vì nếu được của quí báu nhiều như núi Tu di cũng không vừa ý nên gọi là không biết đủ.
Thân tụ tập lại một nơi nghĩa là cùng tập họp lại một chỗ mà khen nhau hoặc vì phiền não nên khen nhau.
Lười biếng có tám hành động nói lên hết các trường hợp lười biếng này
Đức Như Lai phương tiện khen ngợi sự ít muốn, biết đủ, dễ nuôi, dễ sống.
Ít muốn là không có tham lam, nhận sự cúng dường tùy theo ý người khác.
Người nào giữ sự dễ nuôi thì có thể chế ngự sáu tình (dục căn) và không chạy theo sáu trần nên gọi là dễ nuôi.
Dễ sống nghĩa là đối với bốn sự cúng dường biết điều độ, biết vừa phải (trong việc nuôi sống) nên gọi là dễ sống.
Khi được vật dù ngon hay dỡ đều nhận lấy vì ít muốn là biết đủ.
Tịnh vì ít muốn biết đủ nên gọi là tịnh. Đã thanh tịnh thì không bị nhiễm trần cấu, chính là giũ sạch. Nhân giũ sạch trần cấu nên gọi là đoan chính. Lại nói ba nghiệp đều tịnh, trừ diệt ba nghiệp bất thiện thì không bị người chê bai nên gọi là đoan chính.
Không tụ lại nghĩa là mở bày làm cho phân tán hết những phiền não che phủ thân nên gọi là không tụ lại. Vì không cho tụ lại tức là dũng mãnh tinh tấn. Giới được đức Phật chế do các Tỳ kheo, người thiện có thể tin nhận vì thích ứng với các Tỳ kheo. Vì sao? Nếu người ít muốn biết đủ thì có thể thọ trì. Do đó, họ được đức Phật thuyết giới-bổn như hoa năm màu được tuần tự kết lại, như tuần tự xâu từng hạt ngọc bảy báu.
Giảng thuyết về đời này đời sau khiến cho sợ hãi. Nếu người nào ưa thích học và sống với giới thì chứng quả A-la-hán hoặc Tư-đà-hàm, A-na-hàm, Tu-đà-hoàn. Người nào không có nhân duyên đạt được như vậy thì cũng được sinh thiên. Nếu đức Phật thuyết giảng A-hàm dài hay A-hàm ngắn thì người thiện cũng có thể tín thọ.
Giới là học địa. Học địa là gì?
Đáp: - Là pháp thiền định, tam muội.
Thế nào là học địa? Nghĩa là nhân vào 10 pháp mà chế giới khiến cho chúng tăng được an ổn. An ổn nghĩa là không nguy ách. Người nào thọ trì cấm giới do Như Lai chế định thì trong đời tương lai được sống rất an lạc nên gọi là an ổn. Phật dạy: Người nào chấp nhận lời Ta dạy thì Ta sẽ chế giới cho họ. Người nào không chấp nhận lời Ta dạy thì Ta sẽ không chế giới mà chỉ nói về nhân duyên căn bản, cũng không cố điều phục họ. Do đó, trong luật có nói nhờ vào mười pháp làm cho chúng tăng được an lạc, như bảo rằng hành động này không có tội, hành động này có tội, lúc này nên làm, lúc này không nên làm, làm cho người ưa thích học giới, không còn nghi ngờ. Thế nên trong luật có nói: Chế cho Tỳ kheo biết tàm quý chứ không chế cho Tỳ kheo không biết tàm quý. Vì pháp này làm cho Tỳ kheo biết tàm quý được an lạc. Vì sao? Bởi vì Tỳ kheo không tàm quý thì không được nhập chúng, tập tăng, bố tát, tự tứ.
Tỳ kheo tàm quý được an lạc bởi vì đượïc nghe về thiền định, tam muội, và không bị Tỳ kheo không tàm quý gây phiền não. Do đó, trong luật nói: - Tỳ kheo tàm quý được an lạc.
Đoạn trừ phiền não hữu lậu trong hiện tại. Bị phiền não hữu-lậu trong hiện tại (Ditthadhammika àsava), không hộ trì năm tình nên ngay thân này có hành động bất tịnh, hoặc bị người bắt, đánh, giết hoặc tự hối hận. Đoạn trừ hết những khổ não như vậy làm cho được giải thoát.
Chế ngự Tỳ kheo không tàm quý. Không tàm quý là kẻ phá giới. Có thuyết nói đức Phật chế giới cho hạng người đã làm pháp bất thiện mà không biết xấu hổ. Khi Như Lai đã chế giới rồi, nếu họ làm ác mà còn hỏi ngược lại người khác rằng thấy tôi làm điều gì, nghe tôi làm điều gì, tôi bị tội gì... bằng mọi cách gây phiền loạn cho chúng tăng như vậy thì do đã chế giới rồi nên chúng tăng đem pháp Tỳ-ny ra trị phạt Tỳ kheo phá giới và họ không chạy tội được. Thế nên trong luật nói chế ngự các Tỳ kheo không tàm quý và người tàm quý được sống an lạc. nếu Tỳ kheo có tàm quý thì ưa thích học giới luật điều này nên làm, điều này không nên làm.
Đoạn trừ hữu lậu trong tương lai. Vì không đoạn trừ năm tình nên làm theo pháp ác, sau đó phải bị đọa địa ngục, chịu các khổ não, không phải chỉ chịu một lần là hết mà còn phải bị luân chuyển trong ấy với vô số kiếp. Vì vậy, Như Lai chế giới để đoạn trừ nhân duyên này.
Người chưa tin được tin. Như Lai chế giới chỉ vì nếu có Tỳ kheo thiện nào tùy thuận giới luật, đầy đủ uy nghi thì người chưa có tín tâm trông thấy (vị ấy) sẽ sinh tín tâm và nói rằng sa-môn Thích-tử này chí tâm tinh tấn, làm được việc khó làm, rất đáng tôn trọng. Nhờ thấy như vậy, họ sinh tín tâm, nếu ngoại đạo thấy tạng Tỳ-ny thì nói rằng các Tỳ kheo của Phật cũng có (sách) Vi-đà nhưng chúng ta không khác nên họ sinh kính trọng. Do đó, trong luật có nói làm cho người chưa tin được tin.
Người đã tin càng thêm tin. Nếu thấy người có tín tâm xuất gia, mà tùy thuận theo giới cấm được giảng dạy, mọi người rất cung kính và nói rằng tại sao vị ấy (làm được việc) trọn đời ăn chỉ một bữa trong ngày, tu tập phạm hạnh, hộ trì giới cấm. Thấy như vậy rồi, tín tâm mọi người tăng trưởng. Thế nên trong luật nói rằng làm cho người đã tin càng tin thêm.
Khiến cho chánh pháp trường tồn. Chánh pháp có ba hạng là: Một, học chánh pháp làm cho trường tồn; hai, tín thọ chánh pháp làm cho trường tồn; ba, đắc đạo làm cho chánh pháp trường tồn.
Hỏi: - Thế nào là học tập làm cho chánh pháp trường tồn?
Đáp: - Học tập ba tạng làm cho trường tồn tất cả những lời Phật dạy, gọi là học tập chánh pháp. Thực hành 12 pháp đầu đà, 14 uy nghi, 82 đại uy nghi, giới, thiền định, tam muội được dạy trong ba tạng (Terasa-dhutagunà - 13 hạnh đầu đà - cuddasa-khandhaka-vattàni, dveasìti mahàvattàni, silàsamàdhivipassanà) gọi là tin thọ làm cho chánh pháp trường tồn. Chứng bốn quả sa-môn và Niết-bàn gọi là đắc đạo làm cho chánh pháp trường tồn. Như Lai chế giới khiến cho các Tỳ kheo tùy thuận. Người nào tùy thuận đầy đủ thì được thánh lợi. Thế nên học tập giới luật là đứng đầu trong việc làm cho chánh pháp trường tồn.
Vì yêu mến tôn trọng giới luật nên có kết giới. Đối với bốn Tỳ-ny là Phú-tàng Tỳ-ny, Khí-xả Tỳ-ny, Điều-trực Tỳ-ny và Kết-giới Tỳ-ny, phải rất yêu mến tôn trọng. Thế nên trong luật nói vì yêu mến tôn trọng tạng Tỳ-ny.
Pháp sư nói: - Với tất cả những câu trên, đầu, giữa và cuối, các vị hãy tự hiểu lấy. Đối với tội phước trong luật, các Tỳ kheo phải học kỹ. Thế nên trong luật, Phật dạy: - Các Tỳ kheo hãy tự thuyết giới.
Hỏi: - Lời này có nghĩa gì?
Nghĩa là Phật bảo các Tỳ kheo rằng: Ta đã chế giới, các ông nên thuyết, nên thọ trì, nên học tập và dạy bảo cho người khác.
Nói thế này: - Tỳ kheo nào hành dâm, bị tội Ba-la-dy, không được sống chung. Làm như vậy là đoạn trừ pháp căn bản.
Khi xác định như vậy rồi là kết giới Ba-la-dy lần đầu.
Sau do hành dục với vượn nên chế thêm. Nay sẽ trình bày sự việc ấy.
Như vậy, vì các Thanh-văn, Phật đã chế giới. Thế nên trong luật nói vì các Tỳ kheo mà chế giới.
- Hết phần chế giới thứ nhất-
---o0o---
Pháp sư nói: - Nếu câu nào khó hiểu, sẽ giải nghĩa. Tôi xin trìnhbày:
Khi ấy, có một Tỳ kheo. Câu này dễ hiểu.
... đem thức ăn uống dụ dỗ con vượn. Bấy giờ, trong rừng này có nhiều Tỳ kheo hành tâm từ bi nên nhiều loài súc sinh không còn e sợ nữa. Các loại chương, nai, vượn khỉ, công, phỉ thúy, nhạn trĩ... các loại cầm thú khác đi lại chơi đùa ở các thiền phòng.
Khi ấy, có một Tỳ kheo thấy trong bầy vượn có một con vượn cái mập mạp dễ coi nên đem thức ăn dụ nó và cùng làm việc bất tịnh.
Trong lúc Tỳ kheo làm việc bất tịnh này đi vắng.
... Xem xét các phòng ở nghĩa là có các Tỳ kheo ở nước khác đến thăm viếng Thế Tôn, nhân đó nên đến nơi này. Sáng sớm ấy, sau khi các Tỳ kheo dùng thức ăn của khách (agantukabhatta) xong, họ suy nghĩ: - Chúng ta nên đi xem phòng ở của các Tỳ kheo. Thế nên trong luật nói là đi xem các phòng ở và họ đến chỗ ở của Tỳ kheo kia.
Thấy các Tỳ kheo kia đến, con vượn mà trước đây đã cùng Tỳ kheo làm việc bất tịnh cho rằng các Tỳ kheo này cũng như Tỳ kheo trước nên chạy đến chỗ các Tỳ kheo và ra điệu bộ khiêu dục như trước đây đã từng hành dâm với các Tỳ kheo kia bằng cách vểnh đuôi lên hướng dục căn về các Tỳ kheo và biểu hiện thái độ dâm dục. Mong đợi các Tỳ kheo đáp ứng nhưng chờ mãi không thấy nên con vượn tự làm những động tác dâm dục khêu gợi các Tỳ kheo.
Các Tỳ kheo muốn con vượn muốn làm việc dâm dục nên bảo nhau: - Chũng ta hãy núp vào chỗ khuất, chờ vị kia đi khất thực về, sẽ thấy hành động của họ. Chắc là trưởng lão (saccam àvuso). Chắc là thật không hư dối, như bắt được kẻ trộm với đủ tang vật thì không dám che dấu.
Thật là trưởng lão không làm như vậy phải không? Dục căn của người nữ không khác của súc sinh cái. Sự chế giới của đức Phật là nhắm vào sự việc này.
Gặp gỡ người nữ nghĩa là tiếp xúc, nắm, ma sát. Hành động bất tịnh nghĩa là cùng với thú cái cũng vậy, tất cả các động tác ấy đều là pháp ác.
Này trưởng lão! Thầy hành động với phương tiện như vậy cho đến cùng loài súc sinh, bị tội Ba-la-dy không được sống chung nghĩa là nếu hành động bất tịnh cùng súc sinh nữ cũng thành tội Ba-la-dy.
Pháp sư nói: - Tùy (phạm mà) chế thêm cho (giới này) vững chắc. Giới có hai pháp. Một, tội đương nhiên trong thế gian (lokavajja pannattivajja); hai, tội vì vi phạm lời dạy bậc thánh. Tâm ai tôn sùng pháp ác là bị tội theo pháp luật đương nhiên ở thế gian. Ngoài ra, những giới tội cho Như Lai đã chế đều tùy theo pháp thế gian (mà chế ra) để đoạn trừ kết sử, khiến cho giới được bền vững.
Trừ trong mộng, nghĩa là trong mộng thì không phạm. Tùy hoàn cảnh mà chế thì không thuộc tánh tội. Như trường hợp giới ăn nhiều lần, ăn chúng riêng, là chế tùy hoàn cảnh không phải tánh tội không phạm theo pháp thế gian. Như vậy là Như Lai đã tùy từng trường hợp mà chế giới cho các Tỳ kheo.
- Hết Phẩm Con Vượn -
---o0o---
Pháp sắp trình bày sau đây là được phát sinh do Bạt-Xà-Tử (Vajjiputta). Bạt-Xà-Tử được Điều-Đạt (Devadatta) kết làm bè đảng để phá hòa hợp tăng. Việc này phát sinh do Bạt-Xà-Tử. Sau Phật Niết-bàn 100 năm, xảy ra sự việc phi pháp, phi Tỳ-ny, phi Phật-giáo đều do nhóm Bạt-Xà-Tử mà có. Như luật có nói: Sau khi Phật chế giới, Bạt-Xà-Tử ăn nhiều, ngủ nhiều nên phát sinh ý dục, lại không xả giới mà làm việc dâm dục nên sau đó thân quyến ông ta bị bại hoại. Bại hoại là bị hình phạt của vua nên họ phải trốn chạy, bị chết, bị chia lìa.
Thân thể bị bệnh hoạn hành hạ đau đớn nghĩa là thân thể suy yếu bệnh hoạn nên rất đau khổ.
Đại đức A-Nan, chúng tôi không có hủy báng Như Lai, không kể tội lỗi Như Lai, không phỉ báng pháp, không hủy nhục chúng tăng. Chúng tôi tự hủy báng mình nên không còn có phước đức, uy nghi. Từ nay, chúng tôi sẽ tu tập theo chánh pháp. Đối với 38 pháp quán (Atthatimsàrammana) chúng tôi sẽ tuần tự tu tập pháp Bồ đề. Nhờ tu tập theo A-la-hán đạo này mà trí tuệ được tăng trưởng, làm cho chúng tôi từ bỏ pháp của bạch y thế tục, an trú chỗ thanh tịnh, đạt đến chỗ không còn việc gì để làm nữa.
A-Nan đáp: - Lành thay!
Đây là A-Nan không biết tâm của họ, chỉ nghe lời phát nguyện to lớn của họ, nếu được như vậy thì rất tốt cho nên khen hay thay.
Không thể có việc ấy là lời nói phủ định. Nếu có kết quả thì nói rằng có như vậy. Vì không có kết quả nên nói không có như vậy. Như Lai đã quán sát nhóm Bạt-Xà-Tử không có nhân duyên, nếu Ngài cho họ thọ giới cụ túc thì bọn họ sẽ bị phạm tội Ba-la-dy không được sống chung. Do đó, trong luật nói không thể được, cho đến không cho thọ giới cụ túc. Nếu chúng tăng cho họ giới cụ túc thì trái với pháp thanh tịnh và họ không thành sa-môn mà chỉ ở địa vị