Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Ngữ lục thiền sư Tào Sơn Bản Tịch

31 Tháng Mười Hai 201414:33(Xem: 19072)
Ngữ lục thiền sư Tào Sơn Bản Tịch

Ngữ lục thiền sư Tào Sơn Bản Tịch

Quách Ngưng Chi biên tập, Thích Nguyên Chơn dịch  

Ngữ lục thiền sư Tào Sơn Bản Tịch
TỰA

I

Viên ngọc ở Kinh sơn, nếu không gặp thời vận tốt và Biện Hòa[1] thì sẽ luống ẩn tàng nơi đất đá. Vẻ đẹp rực rỡ liên thành của nó đâu thể hiển lộ! Ngọc qúy thật ra chẳng thiếu, chỉ khó gặp được thời vận tốt và Biện Hòa mà thôi. Ngữ lục của Tân Phong Hà Ngọc, từ xưa vốn thạnh hành ở đời. Nhưng lại giống như hạt châu lẫn trong đống mắt cá, như vàng ròng vùi nơi đất cát vậy. Nay có thượng tọa Nghi Mặc cảm thương cho bộ Ngữ lục nầy nhiều sai lạc, nên tham cứu Ngũ Tông lục của Quách Chánh Trung và những bộ Ngữ lục khác, rồi chọn lấy phần tinh yếu, lược bỏ chỗ rườm ràbiên tập lại thành bộ sách này.

Tôi và Thượng tọa có giao tình “Phương ngoại hữu”[2] rất sâu, nên khi vừa biên tập xong, liền nhờ tôi xem đọc. Tôi nói: “Thượng tọa là Biện Hòa của viên ngọc Tân Phong đấy ư?” Tuy đã gặp họ Hòa, nhưng chẳng gặp thời vận tốt thì làm sao có thể đạt đến như vậy? Ô hô! Đức lớn thay! Nhật Bản ta là một quốc gia văn minh ở phương Đông, cho đến có được cái đẹp như ngày hôm nay, thì hàng môn đồ Khổng Phu Tử đâu dám không tán dương vẻ đẹp ấy, đâu dám không thích cái giá trị ấy!

Ngữ Lục Tân Phong đã khắc bản xong, sách Hà Ngọc nay cũng đã thành. Kẻ bất tài này ghi lại cái sở dĩ đẹp và giá trị của Hà Ngọc, giúp cho người học khắp nơi biết được Chánh pháp nhãn của thượng toạ Huyền Khế.

Ngày Rằm tháng Tám năm Canh Thân, niên hiệu Nguyên Văn, tại cửa sổ phía Nam, thư phòng Lục Trúc, làng Liễu Trạch, Quận Sơn, Cung Công Mĩ kính ghi.


II

Người xưa có câu: “Ý chẳng tại lời”, lại nói: “Được ý quên lời”. Trong đó, Ý chính là chỉ thú, lời tức là tiêu kí. Nhưng chỉ thú thì khó nhận mà tiêu kí lại dễ biết. Cho nên, mượn tiêu kí dễ biết để đạt được chỉ thú khó nhận. Nếu đã đạt được chỉ thú thì nên quên tiêu kí mới hợp. Nếu đã mất chỉ thú, thì cần tiêu kí làm gì? Cho nên người xưa, vì những kẻ cố chấp vào tiêu kí, nên mới gọi ngôn từcát đằng, là miếng ngói dùng gõ cửa.

Thiền sư Nghi Mặc Huyền Khế tìm được những lời của đại sư Hà Ngọc nơi bộ Ngũ Tông lục của Quách Chánh Trung và những trứ tác của các vị Huệ Hà, Quảng Huy, Hối Nhiên... Sau đó đối chiếu, so sánh những chỗ dị đồng, phân biệt chân nguỵ, rồi biên tập lại và đặt tên là Tào Sơn Ngữ lục. Trong đó có phụ thêm bộ Động Sơn Ngữ Lục đã được san hành từ trước để lưu truyền rộng rãi. Chí lớn thay! Đáng tán dương như thế! Nhưng tôi chưa biết, thật sự Sư đã “được ý” chưa, hay vẫn còn chấp lời? Lấy đây làm miếng ngói để gõ cửa ư? Xin hỏi các Thiền giả!

Mùa Xuân năm Tân Dậu, niên hiệu Khoan Bảo, chủ nhân Nguyên Quang Nhạn Phong là Thỉnh Tuần hoà-nam đảnh lễ kính ghi!

III

Rỗng lặng sâu xa không dính mắc, vô cùng khéo léo chuyển máy linh[3]. Đêm khuya mặt trời lên cao, ngựa gỗ hí vang trước gió. Tứ cấm Tam đoạ[4] như đốt sừng tê ngưu[5] trong tay, năm tướng trùng li[6] như gọt bùn nơi chóp mũi[7]. Rượu nhà họ Bạch ở Thanh Nguyên, khiến người say không phân phương hướng; mắt mi chẳng biết nhau, làm cho Thiền khách vẫn còn mê. Làng trùng độc từng đi qua, một giọt nước cũng khó dính.

Cái này vẽ ra, kia liền mất

Cháu con cùng khắp rõ mối manh.

Lâm Tuyền, Sa-môn Nguyên Chỉ hoà-nam kính ghi!



TRÙNG BIÊN

NGÔN HẠNH CỦA THIỀN SƯ TÀO SƠN NGUYÊN CHỨNG

TỰ TỰA

Ngữ Lục này là gì? Đó là ngôn cú của đại sư Hà Ngọc. Những lời Đại sư nói ra có lưu truyền bản xưa, bản nay. Từ bản xưa mà đối chiếu, so sánh với bản nay, thì bản xưa là đúng, bản nay chưa đúng ư? Nếu chọn lấy, thì chọn bản xưa hay chọn bản nay, hay chọn lấy cả hai? Ô hô! Chọn bản nào, bỏ bản nào đây? Chẳng bằng đối chiếu, so sánh xưa và nay rồi tuyển chọn mới được. Phần lớn những bản gọi là Ngữ Lục của Đại sư lưu hànhthế gian đều là nguỵ soạn. Như phần Thượng đường dạy chúng, hoặc kệ tụng Tứ cấm lại thêm trợ từ để làm phần Thăng đường. Từ đó, có thể biết được đều là nguỵ soạn.

Trung Quốc, ngữ lục của Động Tào do Quách Lê Mi biên tập, là bản nay chứ không phải bản xưa. Nhưng chưa toàn bích, cũng chưa sáng tỏ, chỉ thuộc loại đá núi Yên[8] mà thôi. Thế là kẻ kém hèn này trích những lời dạy của đại sư Hà Ngọc trong Ngũ Tông lục, chọn những điều đáng lấy, bỏ những việc đáng bỏ, tham cứu thêm những bản xưa để bổ khuyết, thế là thành bộ Ngữ lục .

Ô hô! Người xưa giáo huấn thì đời sau, những người mang chí ấy, nhờ đó mà tiến tu. Nếu chẳng có lời giáo huấn thì đời sau, những người mang chí ấy, đâu thể tiến tu! Vì thế, kẻ hèn này trích chọn những cơ ngữ của cổ nhân, hiệu chỉnh lại những chân nguỵ của các bản xưa và nay rồi biên tập lại để giáo nầy mãi mãi lưu truyền rộng khắp.

Kính xin người đời sau mang chí ấy nên lấy đó tiến tu, lấy đó thâm nhập, lấy đó thể hội. Nếu được như thế, thì có thể nói rằng tôi và Tổ sư cùng ngồi trên một chiếc thuyền con, bồng bềnh dạo chơi nơi đầm lắng. Há chẳng vui thú lắm sao?

Mùa Đông năm Canh Thân, niên hiệu Nguyên Văn, sa-môn Nghi Mặc Huyền Khế, Nhật Bản hoà-nam kính ghi.


***

Thiền sư Tào Sơn người Bồ Điền, Tuyền Châu, Trung Quốc, họ Hoàng, húy Bản Tịch. Lúc nhỏ Sư theo Nho học, nhưng lên 19 tuổi lại quy hướng Phật pháp nên đến Linh Thạch, Phước Châu thế phát xuất gia, 25 tuổi thì đăng đàn thọ giới Cụ túc. Sau đó, Sư du phương tham học, đến tham lễ ngài Động Sơn. Ngài Động Sơn vừa thấy Sư liền hỏi: Xà-lê tên gì?

Sư đáp: Bản Tịch!

Động Sơn nói: Hãy nói việc hướng thượng!

Sư đáp: Chẳng nói!

- Vì sao chẳng nói? _ Động Sơn hỏi.

Sư đáp: Chẳng phải tên là Bản Tịch.

Động Sơn nghe Sư đáp, rất xem trọng. Từ đó Sư được chấp nhận là một đệ tử ưu tú. Trải qua mấy năm, một hôm Sư từ giã, thiền sư Động Sơn thầm trao yếu chỉ Động Thượng[9] và hỏi:

- Ngươi đi về đâu?

Sư đáp: Đi đến chỗ không biến dị!

Động Sơn: Chỗ không biến dị, có thể đi đến sao?

Sư đáp: Đi cũng không biến dị!

Sư bèn từ giã, đến Tào Khê lễ bái tháp Lục Tổ rồi trở về Cát Thủy. Người học nghe danh đến thỉnh Sư khai đàn thuyết pháp. Sư kính ngưỡng Lục Tổ nên đổi tên là Tào Sơn. Gặp lúc nơi đây loạn lạc, nên Sư đến Nghi Hoàng, được Vương Nhược Nhất thỉnh trụ trì Hà Vương quán. Sư nhận lời và đổi tên là Hà Ngọc. Từ đó pháp tịch ngày càng hưng thịnh, người học ngày càng đông đảo. Tông phong Tào Động đến đời Sư thì vang tiếng.

***

Sư dạy chúng: Có kiến giải phàm thánh đều là bị khóa vàng phong tỏa huyền lộ, cần phải dung thông. Phàm người muốn giữ Chánh mạng thực[10], phải biết ba loại đọa:

- Mang lông đội sừng.

- Chẳng đọa thanh sắc.

- Chẳng thọ thực.

Lúc bấy giờ có Trù Bố Nạp hỏi:

- Mang lông đội sừng là đọa gì?

Sư đáp: Là Loại đọa.

- Chẳng đoạn thanh sắc là đọa gì? _ Bố Nạp hỏi.

Sư đáp: Là Tùy đọa.

Bố Nạp hỏi: Chẳng thọ thực là đọa gì?

Sư đáp: Là Tôn quí đọa.

***

Có vị tăng hỏi Sư về yếu chỉ của Ngũ vị quân thần, Sư trả lời:

- Chánh vị tức Không giới, xưa nay không một vật; Thiên vị tức Sắc giới, vạn tượng vạn vật hữu hình. Thiên trong chánh là bỏ lý theo sự. Chánh trong thiên là bỏ sự về lý. Kiêm đới là thầm hợp các duyên, chẳng rơi vào các hữu, chẳng nhiễm chẳng tịnh, chẳng chánh chẳng thiên; cho nên nói rằng đại đạo hư huyền, không dính mắc vào chơn tông. Các bậc Tiên đức cho rằng một vị này tối diệu tối huyền, cần phải biện biệt thật rõ ràng chính xác!

Vua là chánh vị; thần là thiên vị; thần hướng về vua là chánh trong thiên; vua nhìn thần là thiên trong chánh; đạo vua tôi hợp là lời kiêm đới.

Có vị tăng hỏi: Thế nào là vua?

Sư đáp:      Diệu đức trùm vũ trụ,

Rực sáng khắp hư không!

Tăng hỏi: Thế nào là thần?

Sư đáp:      Máy linh truyền đạo Thánh

Chơn trí lợi quần sanh.

Tăng hỏi: Thế nào là thần hướng về vua?

Sư đáp:      Chẳng đọa vào đường khác

Lắng lòng nhìn Thánh quân

Tăng hỏi: Thế nào là vua nhìn thần?

Sư đáp:      Dung nhan tuy chẳng động

Soi chiếu chẳng lệch nghiêng.

Tăng hỏi: Thế nào là đạo quân thần hợp?

Sư đáp:      Rõ ràng không nội ngoại

Hòa hợp trên dưới đồng.

Sư lại dạy: Theo Quân thần, Thiên chánh để luận bàn, thì vì chẳng muốn phạm tội bất trung cho nên thần chỉ khen vua chứ không dám có lời chê bai. Đó là ý chỉ của Tông ta. Hãy nghe kệ của ta:

Người học trước tiên biết Tự tông

Chớ xen chơn tế với ngoan không.

Chơn thể diệu minh tri xúc chạm

Sức tại gặp duyên chẳng mượn Trung.

Xuất ngôn cần phải thiêu chẳng cháy

Hạnh ẩn nên với cổ nhơn đồng

Không thân, có việc qua đường hiểm

Không việc, không thân lạc thủy chung.

Sư lại làm bài tụng Ngũ tướng:

1.◓   Thường dân được phong Tể tướng.

Việc ấy chẳng lạ gì

Bao đời đã tôn quí

Chẳng nói lúc hàn vi

2.◒     Nửa đêm ngay chánh vị

Sáng tỏ tại quân thần

Chưa rời cung Đâu-suất

Trên tuyết lộ gà đen

3.ž   Băng kết trong lò lửa

Hoa thông tháng chín bay

Trên nước trâu đất rống

Theo gió ngựa gỗ kêu

4.○   Ngày mới giáng Vương cung

Thỏ ngọc chẳng thể rời

Chưa đạt vô công dụng

Trời người sao quá chậm

5.●     Mịt mờ ẩn sự lí

Tín hiệu cũng chẳng bày

Oai Âm Vương không biết

Di-lặc há rõ rành.

***

Khi hành cước, Sư hỏi thiền sư Ô Thạch Quán:

- Thế nào là Pháp môn chủ của Tỳ-lô sư?

Sư: Nếu ta nói cho ông, tức là có một cái riêng biệt!

Sư thưa lại với ngài Động Sơn, ngài Động Sơn nói:

- Thật là câu thoại rất hay, nhưng thiếu lời hỏi tiếp theo! Sao ông không hỏi “vì sao chẳng nói?”

Sư đến Ô Thạch, lặp lại lời ngài Động Sơn. Ô Thạch nói:

- Nếu cho rằng ta không nói, thì miệng ta câm mất; nếu cho rằng ta nói, thì lưỡi ta cứng mất. Sư trở về thuật lại cho ngài Động Sơn, ngài Động Sơn thầm chấp nhận Ô Thạch.

***

Thiền sư Vân Môn hỏi Sư:

- Thế nào là hạnh Sa-môn?

Sư đáp: Là ăn lúa mạ của thường trụ.

Vân Môn hỏi: Khi đến như thế thì thế nào?

Sư hỏi: Ông có nuôi được chăng?

- Nuôi được! _ Vân Môn nói

Sư hỏi: Làm sao nuôi?

- Cho mặc áo, ăn cơm, có khó gì? _ Vân Môn đáp

Sư nói: Sao chẳng nói mang lông đội sừng?

Vân Môn liền lễ bái.

***

Sư dạy chúng: Các bậc Tôn túc trong thiên hạ nắm giữ tất cả phép tắc, vì sao không nói cho y một chuyển ngữ, làm cho y hết nghi đi?

Vân Môn nghe xong bước ra thưa:

- Chỗ bí mật vì sao không thấu?

Sư đáp: Chỉ vì bí mật, cho nên không thấu được!

(Tuyết Đậu hạ biệt ngữ: Đạt-ma đến rồi!)

Vân Môn nói: Người này làm sao gần gũi?

Sư nói: Chớ nên gần gũi chỗ bí mật!

Vân Môn hỏi: Khi không gần gũi chỗ bí mật thì thế nào?

Sư đáp: Mới biết gần gũi!

Vân Môn: Dạ! Dạ!

(Diệu Hỷ hạ biệt ngữ: Dầu dơ làm đen tim đèn!)

Thiền sư Vân Môn hỏi Sư:

- “Người không biến đổi” đến, Hòa thượng có tiếp chăng?

Sư đáp: Tào Sơn không có công việc nhàn rỗi như thế!

***

Hòa thượng Mễ đến, chưa gặp nhau đã ngồi trên giường thiền của Sư, Sư không ra tiếp, hòa thượng Mễ liền bỏ đi. Vị tăng Chủ sự thấy thế liền hỏi:

- Giường thiền của Hòa thượng vì sao bị người khác ngồi?

Sư đáp: Y sẽ trở lại!

Thật vậy, sau hòa thượng Mễ trở lại cùng Sư tương kiến.

***

Thiền sư Trí Cự đến tham kiến, Sư hỏi rằng:

- Người xưa nắm chặt người bên kia, học nhơn làm sao thể hội?

Trí Cự đáp: Lui bước liền thôi, vạn người chẳng mất một!

Trí Cự ngay đó quên hết những kiến giải Phật pháp.

***

Sư hỏi Kim Phong Chí: Đến làm gì?

Phong Chí đáp: Lợp nhà!

Sư hỏi: Xong chưa?

- Bên này thì xong. _ Phong Chí đáp.

Sư hỏi: Còn việc bên kia thì sao?

Phong Chí: Đợi xong ngày công mới trình Hòa thượng.

Sư nói: Như thế! Như thế!

***

Thiền sư Thanh Thuế thưa: Con nghèo khổ, cầu xin Hòa thượng từ bi cứu giúp!

Sư bèn gọi: Xà-lê Thuế, đến đây!

Thuế dạ và bước đến gần Sư, Sư liền nói:

- Uống cạn ba chén rượu của nhà họ Bạch ở Tuyền Châu (Thanh Nguyên) mà nói chưa dính môi.

(Huyền Giác hạ biệt ngữ: Cùng với ông ta uống rượu chỗ nào?)

***

Thiền sư Cảnh Thanh hỏi: Lý thanh tịnh rỗng rang, rốt cuộc khi không có thân thì như thế nào?

Sư hỏi lại: Lý tức như thế, còn Sự thì sao?

Cảnh Thanh đáp: Như Lý như Sự.

Sư nói: Dối gạt một mình Tào Sơn thì được, nhưng đâu có thể qua được con mắt của chư Thánh!

Cảnh Thanh nói: Nếu không có con mắt của chư Thánh, thì đâu thể soi xét được cái chẳng như thế.

Sư nói: Pháp luật tuy nghiêm minh, nhưng cũng phải tùy cơ phương tiện.

(Thiền sư Đại Qui Mộ Triết hạ biệt ngữ: Tào Sơn tuy khéo mài giũa ngọc, nhưng đâu thể làm gì với viên ngọc Cảnh Thanh vốn không tỳ vết! Nếu không qua đôi tay khéo léo, thì rốt cuộc cũng thành vật phế bỏ).

***

Sư hỏi thượng tọa Đức: Câu “Bồ-tát trụ trong định, nghe Hương tượng qua sông” trích từ kinh nào?

- Từ kinh Niết-bàn. _ Thượng tọa Đức đáp.

Sư hỏi: Nghe trước khi định hay sau khi định?

Thượng tọa Đức nói: Hòa thượng trôi mất rồi!

Sư nói: Nói quá nhiều, cũng chỉ mới nói được một nửa!

Thượng tọa Đức hỏi: Hòa thượng thì thế nào?

Sư đáp: Dưới thác tiếp lấy!

***

Đạo giả Chỉ Y đến tham vấn. Sư hỏi:

- Chỉ Y đó chăng?

- Dạ, không dám! _ Chỉ Y đáp.

Sư hỏi: Thế nào là việc của Chỉ Y?

Chỉ Y đáp: Áo lông cừu vừa mặc, vạn pháp thảy đều như!

Sư hỏi: Thế nào là dụng của Chỉ Y?

Chỉ Y đến gần cất tiếng dạ rồi thoát hóa.

Sư liền nói: Ngươi chỉ biết đi như thế, sao chẳng biết đến như thế?

Chỉ Y bỗng nhiên mở mắt hỏi: Chơn tánh minh linh, khi chẳng gá bào thai, thì thế nào?

Sư đáp: Chưa phải là diệu!

Chỉ Y hỏi: Thế nào mới là diệu?

Sư đáp: Chẳng gá mà gá!

Chỉ Y tạm biệt rồi thị tịch.

Sư làm bài tụng:

Giác tánh viên minh không tướng thân

Chớ đem tri kiến luận xa gần

Niệm khác, khiến cho Huyền thể ngại

Tâm sai, chẳng hợp đạo tương lân

Tình phân, vạn pháp chìm tiền cảnh

Thức chia, trăm mối mất bản chân

Trong câu, như thế toàn liễu ngộ

Rõ ràng vô sự, Tích thời nhân! (Người bản lai)

***

Có vị tăng nêu lại nhân duyên vấn đáp giữa Lục Hoàn đại phuthiền sư Nam Tuyền rằng:

“- Hòa thượng họ gì?

- Họ Vương!_ Lục Hoàn đáp.

Nam Tuyền hỏi: Vương có quyến thuộc không?

- Có bốn cận thần sáng suốt! _ Lục Hoàn đáp.

Nam Tuyền hỏi: Vương ở vị nào?

- Rêu xanh trong điện ngọc. _ Lục Hoàn đáp”.

Nêu xong tăng hỏi Sư: Rêu xanh trong điện ngọc, ý chỉ thế nào?

Sư đáp: Chẳng ở chánh vị.

Tăng hỏi: Bốn phương đều đến thì thế nào?

Sư đáp: Y không nhận lễ.

Tăng hỏi: Như thế đâu cần vào chầu?

Sư đáp: Trái lệnh thì chém!

Tăng hỏi: Trái nghịch là việc của bề tôi, chưa biết ý Vương như thế nào?

Sư đáp: Cơ yếu bí mật chẳng được chỉ dụ.

Tăng nói: Như thế thì công lo liệu thuộc về thần vậy!

Sư hỏi: Ông biết ý của Vương chăng?

Tăng đáp: Bên ngoài không dám bàn luận!

Sư nói: Như thế! Như thế!

***

Tăng nói: Đệ tử toàn thân là bệnh, xin Hòa thượng chữa trị!

Sư đáp: Không chữa!

Tăng hỏi: Vì sao không chữa?

Sư đáp: Ta bảo ông không được cầu sống, cũng không được cầu chết!

***

Tăng hỏi Sư:

- Người xưa nói con người có bệnh nặng, thế gian không thể chữa trị được, chẳng biết đó là bệnh gì?

Sư đáp: Bệnh “tu tập không được”.

Tăng hỏi: Tất cả chúng sanh có bệnh này chăng?

Sư đáp: Ai cũng có!

Tăng hỏi: Hòa thượng có chăng?

Sư đáp: Tìm chỗ sinh khởi chẳng được!

Tăng hỏi: Tất cả chúng sanh vì sao không bệnh?

Sư đáp: Nếu chúng sanh bệnh tức chẳng phải chúng sanh.

Tăng hỏi: Không biết chư Phật có bệnh này chăng?

Sư đáp: Có!

Tăng hỏi: Đã có vì sao không thấy bệnh?

Sư đáp: Vì Y tỉnh thức!

***

Tăng hỏi: Sa-môn há chẳng phải là người có lòng đại từ bi sao?

- Đúng! _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Bỗng nhiên gặp sáu tên giặc đến thì thế nào?

Sư: Cũng cần phải đủ lòng đại từ bi.

Tăng hỏi: Thế nào mới đủ đại từ bi?

- Một kiếm chém sạch! _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Sau đó thì thế nào?

- Mới được hòa đồng. _ Sư đáp.

***

Vị tăng hỏi Sư: Mi và mắt có biết nhau chăng?

- Không biết nhau. _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Vì sao?

- Vì ở cùng một chỗ. _ Sư đáp.

Tăng nói: Thế thì không phân biệt được!

Sư nói: Mi chẳng phải là mắt, mắt chẳng phải là mi!

Tăng hỏi: Thế nào là mắt?

Sư đáp: Lãnh hội đi!

Tăng hỏi: Thế nào là mi?

- Tào Sơn lại còn nghi. _ Sư nói.

Tăng hỏi: Hòa thượng vì sao lại nghi?

- Nếu chẳng nghi tức đã lãnh hội. _ Sư đáp.

***

Tăng hỏi Sư: Khi Ngũ vị[11] đối với khách, thì thế nào?

- Nay ông hỏi vị nào? _ Sư hỏi.

Tăng nói: Con từ Thiên vị đến, thỉnh Hòa thượng từ Chánh vị tiếp!

- Không tiếp. _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Vì sao?

- Sợ lạc vào Thiên vị. _ Sư đáp.

Sư lại hỏi vị tăng: Như chẳng tiếp, là đối khách hay chẳng đối khách?

- Sớm đã đối khách rồi! _ Tăng đáp.

Sư nói: Như thế! Như thế!

***

Vị tăng hỏi: Vạn pháp từ đâu sanh?

- Từ điên đảo sanh. _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Khi không điên đảo, vạn pháp đâu có?

- Có! _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Tại nơi nào?

Sư đáp: Điên đảo làm gì?

***

Tăng hỏi Sư: Loại cỏ không nảy mầm, vì sao che giấu được Hương tượng[12]?

Sư đáp: Xà-lê chính là Tác gia, hỏi Tào Sơn làm gì?

***

Tăng hỏi Sư: Ba cõi loạn động, sáu đường mờ mịt, làm thế nào để phân biệt được sắc?

- Không phân biệt. _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Vì sao không phân biệt sắc?

Sư đáp: Nếu phân biệt sắc, tức mờ mịt vậy!

***

Một hôm Sư nghe tiếng chuông bỗng la:

- Ôi chao! Ôi chao!

Vị tăng bèn hỏi: Hòa thượng làm gì thế?

Sư nói: Nó đánh trúng tim ta!

Vị tăng không nói được.

(Ngũ Tổ Giới đáp thay: Có tật giật mình!)

***

Sư hỏi vị Duy-na: Từ đâu về?

- Khiêng bả hèm về! _ Duy-na thưa.

Sư hỏi: Đến chỗ hiểm làm sao khiêng?

Duy-na không đáp được.

(Vân Cư đáp thay: Chính lúc ấy nên tận lực!

Sơ Sơn đáp thay: Cần phải ném quách đi mới được!)

***

Một hôm, Sư vào tăng đường sưởi ấm, có một vị tăng hỏi rằng: Hôm nay trời lạnh quá?

Sư nói: Nên biết có người không lạnh!

Tăng hỏi: Ai không lạnh?

Sư bèn gắp cục than đỏ đưa ra.

Vị tăng bèn nói: Chớ nói không có người!

Sư bèn ném hòn than đỏ.

Vị tăng nói: Chỗ này con chẳng thể hội?

Sư nói: Mặt trời chiếu đầm sâu,

Sáng lại càng thêm sáng!

***

Tăng hỏi:

- Người không cùng môn pháp làm bạn, là ai?

Sư nói: Ông hãy nói, trong thành Hồng Châu, nhiều người như thế, đã đi đâu rồi?

***

Vị tăng hỏi: Thế nào là kiếm không mũi?

- Chẳng phải do tôi luyện mà thành! _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Xử dụng như thế nào?

- Người gặp đều chết! _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Người không gặp thì sao?

- Cũng phải rơi đầu! _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Người gặp đều chết, hẳn như thế, còn người không gặp vì sao lại rơi đầu?

Sư đáp: Ông không nghe nói trừ sạch tất cả sao?

Tăng hỏi: Sau khi trừ sạch thì như thế nào?

Sư nói: Mới biết có kiếm này!

***

Có một vị tăng hỏi Sư:

- Đã là tướng trạng vì sao lại chân?

- Tức tướng tức chân! _ Sư đáp.

Tăng hỏi: Nên hiển thị thế nào?

Sư đưa phất tử.

***

Hỏi: Gốc huyễn vì sao chân?

Sư nói: Gốc huyễn vốn chân!

(Pháp Nhãn hạ biệt ngữ: Gốc huyễn chẳng chân!)

Tăng hỏi: Ngay lúc huyễn hiển thị thế nào?

Sư đáp: Tức huyễn tức hiển.

(Pháp Nhãn hạ biệt ngữ: Huyễn tức chẳng có đương thể!)

Tăng hỏi: Thế thì trước sau chẳng lìa huyễn rồi!

Sư nói: Tìm tướng huyễn bất khả đắc!

***

Có vị tăng nói: Tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, thế nào là phi tâm phi Phật?

Sư đáp: Sừng thỏ chẳng phải không, sừng trâu chẳng phải có!

***

Hỏi: Thế nào là người thường tại?

Sư đáp: Vừa gặp Tào Sơn liền xuất hiện.

Tăng hỏi: Thế nào là người chẳng thường tại?

Sư đáp: Khó gặp!

***

Hỏi: Suy nghĩ há chẳng phải là “loại” sao?

Sư đáp: Cho dù chẳng suy nghĩ đi nữa cũng là “loại”!

Tăng hỏi: Thế nào là “dị”?

Sư đáp: Chẳng phải không biết đau ốm!

***

Có người hỏi: Cổ nhân nói rằng, người người đều có đủ, đệ tử ở trong trần lao, lại có chăng?

Sư bảo: Đưa bàn tay đây xem!

Người kia đưa ra, Sư bèn đếm ngón tay:

- 1, 2, 3, 4, 5, 6 đủ!

***

Có vị tăng hỏi: Thiền sư Lỗ Tổ quay mặt vào vách biểu thị việc gì?

Sư đưa tay bịt tai.

***

Người xưa có nói: Chưa có ai té trên đất mà không nương nơi đất để đứng lên.

Hỏi: Thế nào là té?

Sư đáp: Chấp nhận tức được!

Hỏi: Thế nào là đứng lên?

Sư đáp: Đứng lên!

***

Có vị tăng hỏi:

- Con trở về với bố, vì sao bố không đoái hoài?

Sư đáp: Theo lẽ phải như thế!

Tăng hỏi: Tình cha con còn đâu?

Sư đáp: Mới thành tình cha con!

Tăng hỏi: Thế nào là tình cha con?

Sư đáp: Đao chém chẳng lìa!

***

Hỏi: Khi không mặc áo tang thì thế nào?

Sư đáp: Tào Sơn đã mãn tang!

Hỏi: Sau khi mãn tang thì thế nào?

Sư đáp: Tào Sơn thích say rượu!

***

Kinh giáo có câu: Biển lớn không chứa tử thi, thế nào là biển lớn?

Đáp: Bao hàm vạn hữu.

Hỏi: Vì sao không chứa tử thi?

Đáp: Không dung chứa người tắt thở.

Hỏi: Đã bao hàm vạn hữu, vì sao không dung chứa người tắt thở?

Đáp: Vạn hữu chẳng có công ấy, người tắt thở có đức ấy!

Hỏi: Hướng thượng có việc hay không?

Đáp: Nói có nói không tức được, chứ Long vương vỗ kiếm biết làm sao?

***

Tăng: Có tri giải gì mà có thể ở trước chúng gạn hỏi?

Sư đáp: Không trình câu!

Tăng hỏi: Vấn nạn điều gì?

Sư đáp: Đao búa chém chẳng vào.

Tăng hỏi: Vấn nạn như thế, có người nào không chấp nhận chăng?

Sư đáp: Có!

Tăng hỏi: Ai?

Sư đáp: Tào Sơn!

***

Tăng hỏi: Thế gian, vật gì quí nhất?

Sư đáp: Đầu mèo chết quí nhất.

Tăng hỏi: Vì sao?

Sư đáp: Không ai trả giá nổi!

***

Vị tăng hỏi: Không lời nói, làm sao hiển bày?

Sư đáp: Chớ hướng vào trong đó mà hiển bày!

Tăng hỏi: Hướng vào đâu?

Sư đáp: Đêm qua, mất ba đồng trên giường.

***

Tăng hỏi: Mặt trời chưa mọc thì thế nào?

Sư đáp: Tào Sơn cũng từng đến như thế!

Tăng hỏi: Sau khi mọc thì như thế nào?

Sư đáp: Còn cách Tào Sơn nửa tháng lộ trình.

***

Sư hỏi một vị tăng: Làm gì?

Tăng đáp: Quét đất!

Sư hỏi: Quét trước Phật hay quét sau Phật?

Tăng đáp: Trước sau đều quét.

Sư nói: Đưa đôi giày đây cho Tào Sơn!

(Ngũ Tổ Giới đáp thay: Hòa thượngtâm hành gì?)

***

Tăng hỏi Sư:

- Ôm ngọc đến dâng cho Sư, xin Sư mài giũa!

Sư đáp: Không mài giũa!

Tăng hỏi: Vì sao?

Sư đáp: Nên biết Tào Sơn khéo tay!

***

Hỏi: Thế nào là quyến thuộc của Tào Sơn?

Sư đáp: Trên đầu mang tóc trắng, trên đảnh một cành hoa!

***

Hỏi Sư: Cổ đức nói rằng: Cả đại địa chỉ có người này, chưa biết đó là ai?

Sư đáp: Chẳng thể có mặt trăng thứ hai!

Hỏi: Thế nào là mặt trăng thứ hai?

Sư đáp: Cũng mong lão huynh định mới được!

Hỏi: Thế nào là đệ nhất nguyệt?

Sư đáp: Hiểm!

***

Có vị tăng hỏi:

- Trong 12 thời, đệ tử phải bảo nhậm thế nào?

Sư đáp: Như đi qua làng có trùng độc, không nên để dính một giọt nước.

***

Tăng hỏi Sư: Thế nào là Pháp thân chủ?

Sư đáp: Cho rằng nhà Tần không người!

Tăng hỏi: Chẳng phải chính là cái ấy sao?

Sư đáp: Chém!

***

Tăng hỏi Sư: Gần gũi Đạo bạn nào mới được thường nghe điều chưa nghe?

Sư đáp: Cùng chung một cái đãy.

Tăng hỏi: Đó vẫn là Hòa thượng được nghe, thế nào là thường nghe điều chưa nghe?

Sư đáp: Chẳng đồng gỗ đá!

Tăng hỏi: Cái nào trước, cái nào sau?

Sư đáp: Ông chẳng từng nghe nói: Thường nghe điều chưa nghe sao?

***

Tăng hỏi Sư: Người trong nước, ai vỗ kiếm?

Sư đáp: Tào Sơn!

(Pháp Đăng hạ biệt ngữ: Ông chẳng phải là người như thế!).

Tăng hỏi: Định giết người nào?

Sư đáp: Tất cả đều giết!

Tăng hỏi: Bỗng gặp cha mẹ sanh ra thì làm sao?

Sư đáp: Chọn lựa làm gì?

Tăng hỏi: Còn mình thì sao?

Sư đáp: Ai làm gì được ta?

Tăng hỏi: Sao chẳng tự sát?

Sư đáp: Không có chỗ ra tay!

***

Tăng hỏi Sư: Nhà nghèo gặp cướp thì sao?

Sư đáp: Chẳng thể trừ sạch được.

Tăng hỏi: Vì sao?

Sư đáp: Vì giặc là người thân trong nhà.

***

Vị tăng hỏi: Một con trâu uống nước, năm ngựa chẳng hí là thế nào?

Sư đáp: Tào Sơn biết lời cấm kỵ!

Sư lại nói: Tào Sơn mãn tang!

***

Hỏi: Người thường chìm đắm trong biển sanh tử là ai?

Sư đáp: Mặt trăng thứ hai.

Tăng hỏi: Có cầu ra khỏi hay không?

Sư: Cũng có cầu ra khỏi, nhưng không có đường.

Tăng hỏi: Ra khỏi rồi, chưa biết ai tiếp được Y?

Sư đáp: Người mang gông sắt.

***

Tăng hỏi:

Tuyết phủ Thiên Sơn, vì sao đỉnh núi không trắng?

Sư đáp: Nên biết có dị trong dị.

Tăng hỏi: Thế nào là dị trong dị?

Sư đáp: Chẳng rơi vào sắc núi.

***

Có một vị tăng nêu nhân duyên thiền sư Dược Sơn hỏi người học: “- Bao nhiêu tuổi?

Đáp: 72 tuổi.

- Là 72 ư? _ Dược Sơn hỏi.

- Dạ! _ Người học đáp.

Dược Sơn liền đánh”.

Hỏi Sư rằng:

- Ý chỉ ấy như thế nào?

Sư đáp: Mũi tên trước còn có thể tránh, mũi tên sau bắn trúng người.

- Làm sao tránh bị ăn gậy?

Sư đáp: Sắc vua đã ban, chư hầu không được bàn luận.

***

Có vị tăng hỏi thiền sư Hương Nghiêm: Thế nào là Đạo?

Thiền sư Hương Nghiêm đáp:

- Rồng ca ngâm trong cây khô.

Tăng hỏi: Thế nào là người trong đạo?

- Cặp mắt trong đầu lâu. _ Hương Nghiêm đáp.

Vị tăng không lãnh ngộ được, bèn đến hỏi Thạch Sương: Thế nào là rồng ca ngâm trong cây khô?

Thạch Sương đáp: Vẫn còn vui.

Tăng hỏi: Thế nào là cặp mắt trong đầu lâu?

Thiền sư Thạch Sương đáp: Vẫn còn biết.

Vị tăng cũng không lãnh hội được, mới đến tham vấn Sư, Sư nói:

Lão Thanh văn Thạch Sương lại có kiến giải này. Nhân đó Sư làm bài tụng dạy chúng:

Cây khô rồng ngâm, chân kiến tính

Đầu lâu vô thức, nhãn mới minh

Vui – biết, diệt rồi tin tức bặt

Đương nhân đâu biện trọc với thanh.

Vị tăng lại hỏi:

- Thế nào là rồng ca ngâm trong cây khô?

Sư đáp: Huyết mạch không đoạn dứt.

Tăng hỏi: Thế nào là cặp mắt trong đầu lâu?

Sư đáp: Chẳng khô kiệt.

Tăng hỏi: Chưa biết có người nghe chăng?

Sư đáp: Khắp nơi chẳng được có một ai mà không nghe.

Tăng hỏi: Chưa biết rồng ca ngâm trong cây khô là chương cú gì?

Sư đáp: Không biết là chương cú gì mà người nghe đều chết.

***

Hỏi: Đại ý Phật pháp là gì?

Sư đáp: Lấp hồ lấp ao.

Hỏi: Thế nào là sư tử?

Sư đáp: Các loài thú khác chẳng đến gần được.

Hỏi: Thế nào là sư tử con?

Sư đáp: Nuốt cả cha mẹ.

Hỏi: Đã nói các loài thú khác đến gần chẳng được, vì sao bị con nuốt?

Sư đáp: Ông há chẳng nghe, nếu con gầm rống thì Tổ phụ đều chết.

Hỏi: Sau khi chết thì thế nào?

Sư đáp: Toàn thân trở về với cha.

Hỏi: Chưa biết khi Tổ phụ chết, cha trở về đâu?

Sư đáp: Cũng không còn chỗ.

- Vì sao lúc trước nói là toàn thân trở về với cha?

Sư đáp: Thí như Vương tử có thể thành vua của một nước _ Sư nói tiếp:

- Xà-lê! Việc này không được chấp trước, cần phải

rải ít hoa trên cây khô.

***

Hỏi: Vừa có thị phi liền mất tâm là thế nào?

Sư đáp: Chém! Chém!

***

Sư đọc bài kệ Pháp thân của Phó Đại sĩ trong truyện Đỗ Thuận, bèn nói:

- Ý ta không muốn nói như thế, nhưng đệ tử thỉnh cầu làm kệ tụng. Ta đã làm kệ và chú thích:

Y vốn chẳng phải là ta- (chẳng phải ta)

Ta vốn chẳng phải là y- (chẳng phải y)

Không có ta, Y ắt chết- (xin ông giữ lấy mạng sống)

Không có y, Ta ắt thừa- (không có ai khác)

Y như ta, tức là Phậ.- (nhưng chẳng phải là Phật)

Ta như y, tức là lừa. (cả hai đều chẳng lập)

Chẳng ăn gậy của Không vương- (nếu gặp thức ăn của vua cũng nên mửa ra)

Đâu nhờ chim nhạn chuyển  thư- (chẳng gửi thư)

Ta nói đem thân ca xướng- (tín xướng)

Anh xem lông mọc trên lưng- (không giống hắn)

Thoạt như đồng dao tuyết trắng- (lẽ nào là tuyết trắng)

Còn ngại là tiếng Ba ca- (câu này không chú thích)

***

Có một vị tăng hỏi Sư: Khi trăng sáng trên không trung bao la thì thế nào?

Sư đáp: Còn là kẻ dưới thềm.

Tăng nói: Thỉnh Hòa thượng dắt lên thềm!

Sư nói: Sau khi trăng lặn đến gặp mặt!

***

Sư dạy: Có một người từ vách cao ngàn trượng nhảy xuống vực, đó là ai?

Đại chúng không đáp được, Đạo Diên bước ra thưa: Không còn!

Sư hỏi: Không còn cái gì?

Tăng đáp: Mới đập không vỡ!

chấp nhận.

***

Một vị tăng nêu nhân duyên: “Một hôm Tây Viên tự nấu nước tắm. Có một vị tăng đến hỏi: Vì sao không bảo Sa-di làm? Tây Viên vỗ tay ba cái”, để hỏi Sư.

Sư bèn đáp: Cũng đồng là vỗ tay cả, nhưng tựu trung thì Tây Viên kỳ quái, Câu Chi thì Chỉ đầu thiền, đó là vì chỗ thừa đương không thích đáng.

Tăng hỏi: Tây Viên vỗ tay, há chẳng phải là việc của tớ trai tớ gái sao?

Sư đáp: Đúng!

Tăng hỏi: Hướng thượng có việc không?

Sư đáp: Có.

Tăng hỏi: Thế nào là việc hướng thượng?

Sư bèn quát: Loại tớ trai tớ gái này!

***

Nam Châu Soái là Nam Bình Chung vương nghe tin Sư đạo đức danh vang nên hết lòng dùng lễ kính thỉnh, nhưng Sư từ chối, làm bài thơ Đại Mai Sơn Cư gởi cho sứ đem về dâng cho Vương:

Cây khô xơ xác gởi hàn lâm

Bao độ xuân sang chẳng đổi tâm

Tiều lão thấy qua còn chẳng đoái

Việc chi người Dĩnh khổ công tầm.

***

Sư làm bài kệ Tứ Cấm:

Chớ đi đường tâm xứ

Chẳng mặc áo bản lai

Không nên xem chân thật

Rất kỵ lúc chưa sanh.

***

Sư làm kệ dạy bảo đệ tử:

Từ duyên ngộ được chóng tương ưng

Theo thể tiêu trừ chậm tận tường

Chớp mắt xưa nay không xứ sở

Thầy ta tạm nói chẳng nghĩ lường.

***

thị chúng:

Hàng tăng sĩ mặc pháp phục này, theo lý thì nên biết rõ việc hướng thượng, chớ cho là việc tầm thường. Nếu chỗ thừa đương rõ ràng, tức có thể chuyển được chư Thánh về phía sau lưng của tự kỷ, như thế mới được tự do. Nếu không chuyển được thì dầu có học được 10 phần đi nữa cũng chắp tay đứng sau lưng các vị ấy mà thôi, còn nói được gì?

Nếu chuyển được tự kỷ, một khi các cảnh giới dù thô hiển hiện đến cũng có thể làm chủ được. Ví như té ngã trong bùn cũng làm chủ được. Như một vị tăng hỏi ngài Dược Sơn: “ Trong Tam thừa giáo, có ý Tổ chăng? Ngài Dược Sơn đáp: Có. Tăng hỏi: Đã có thì Đạt-ma đến làm gì? Dược Sơn đáp: Chỉ vì có nên mới đến”. Như thế, há chẳng phải đã làm chủ được, chuyển được trở về tự kỷ sao? Kinh dạy: “Phật Đại Thông Trí Thắng, 10 kiếp ngồi đạo tràng, Phật Pháp chẳng hiện tiền, chẳng thành Phật đạo”. Kiếp tức là dính mắc, gọi là 10 phần, cũng gọi là đoạn sấm lậu, là tuyệt ngã tư đường vậy, chẳng quên Đại quả. Cho nên nói: Giữ chặt, đắm trước là cẩu thả thừa đương, chẳng biết tốt xấu.

Ta thường thấy trong tòng lâm, có một loại người thích luận bàn, như vậy có thể lập được việc hướng thượng chăng? Bọn người này chỉ nói những việc đã rõ từ trước. Ông không nghe thiền sư Nam Tuyền nói: “Dẫu cho ông học được 10 phần, cũng còn cách Vương lão sư một quãng đường”. Việc rất khó, đến đây cần phải kỹ càng, mới được rõ ràng tự tại. Chẳng luận là thiên đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chỉ cần tất cả nơi không dời đổi. Vốn là người xưa, nhưng không đi con đường xưa mà thôi!

Nếu có tâm ham thích, lại thành ra chấp trước, nếu thoát được thì chọn lựa làm gì? Cổ đức nói: “Chỉ sợ không được luân hồi”. Ông nói thế nào? Như người hôm nay thích nói chỗ thanh tịnh, thích nói đến việc quá khứ, bệnh này rất khó trị. Như việc thô trọng của thế gian lại là nhẹ, còn bệnh thanh tịnh này là nặng, vì đắm trước tất cả mùi vị Tổ, Phật. Thầy ta nói: “Tâm sinh là phạm giới, biết vị là phá trai, hãy gọi cái gì là vị? Chỉ là mùi vị Phật, Tổ. Vừa khởi tâm ham thích liền phạm giới. Như nay nói phá trai phá giới thì vừa lập tam yết-ma là đã phá rồi, như ba hoặc tham, sân, si tuy khó đoạn nhưng lại nhẹ, còn thanh thanh tịnh tịnh, vô vi vô sự thì lại nặng không gì sánh nổi.

Tổ sư xuất thế cũng chỉ vì cái này, cũng chẳng vì một mình ông. Ngày hôm nay chớ xem thường. Mèo nhà, trâu trắng tu hành lại càng sung sướng, chẳng còn có thiền có đạo. Còn như ông tìm cầu đủ loại, nào Phật Tổ cho đến Bồ-đề Niết-bàn, đến bao giờ mới xong việc đây? Tất cả đều là tâm sanh diệt, vì thế không bằng mèo nhà, trâu trắng ngờ nghệch vô tri, không biết Phật, Tổ, Bồ-đề, Niết-bàn, cho đến thiện ác, nhân quả, chỉ biết đói ăn khát uống mà thôi. Nếu có thể như thế thì lo gì không thành tựu! Ông không nghe nói: “Tính toán suy lường thì không thành”. Vì thế biết rõ sẽ mang lông đội sừng, kéo dắt nhau đi. Được tiện nghi này mới có chút ít phần tương ưng.

Ông không nghe nói các thế giới A-súc, Di-lặc, Diệu Hỷ v.v..bị người Hướng thượng gọi là nơi của hàng Bồ-tát giải đãi vô tàm quí, cũng gọi là Biến dịch sanh tử. Như vậy đối với việc chính phải thế nào? Nên cẩn thận mới được!

Người người đều có một chỗ ngồi vững chắc, Phật ra đời chiếm chẳng được. Thể hội như thế mà tu hành, chẳng nên chạy theo danh lợi. Nay ông thành Phật, thành Tổ cũng chỉ cái ấy, đọa tam đồ, địa ngục, lục đạo, cũng chỉ cái ấy! Tuy không có chỗ dùng, nhưng lìa nó chẳng được, cần phải làm chủ, nếu làm chủ được, tức không biến dịch. Thiền sư Vĩnh Gia nói: “Mờ mờ mịt mịt chiêu ương họa”.

Hỏi: Thế nào là mờ mờ mịt mịt chiêu ương họa?

Đáp: Tất cả cũng chỉ cái ấy.

Hỏi: Làm sao tránh được?

Đáp: Biết rõ tức được, cần tránh làm gì? Không chỉ không tránh Bồ-đề, Niết-bàn, phiền não, vô minh mà các việc thô trọng thế gian cũng chẳng cần phải tránh. Tránh tức đồng với biến dịch, cho đến thành Phật, thành Tổ, Bồ-đề, Niết-bàn, các tai họa này không nhỏ. Vì sao như thế? Chỉ vì biến dịch. Nếu không biến dịch, ngay đó tự do tự tại nơi cảnh mới được.

Đêm mùa Hạ, năm Canh Dậu, niên hiệu Thiên Phục thứ I (901), Sư hỏi Tri sự:

- Hôm nay là ngày mấy?

Tri sự đáp: Ngày 15 tháng 6

Sư nói: Tào Sơn một đời hành cước khắp nơi, chỉ lo 90 ngày hạ. Sáng mai giờ Thìn ta hành cước!

Đến giờ Sư đốt hương, ngồi yên thị tịch, thế thọ 62, hạ lạp 37. Thụy hiệu Nguyên Chứng Thiền sư, tháp hiệu Phước Viên.



NGÔN HẠNH CỦA THIỀN SƯ TÀO SƠN BẢN TỊCH

 

Quyển hạ

Sa-môn Huyền Khế người Nhật hiệu đính.


S

ư thượng đường, có một vị tăng hỏi:

- Thế nào là người đại xiển-đề?

Sư đáp: Người không sợ nghiệp.

Tăng hỏi: Thế nào là người vô minh?

Sư đáp: Hoàn toàn không giác ngộ.

Tăng hỏi: Hai loại người này ai trước?

Sư đáp: Người vô minh.

Tăng hỏi: Người xiển-đề vì sao lại sau?

Sư đáp: Vì là người mai sau.

Tăng hỏi: Thế thì người vô minh không đi từ hôm nay?

Sư đáp: Đúng!

Tăng hỏi: Đã không từ hôm nay đi thì vô minh từ đâu đến?

Sư đáp: Chỗ sáng không dám vào!

Tăng hỏi: Đâu chẳng phải là chỗ không sáng không tối?

Sư đáp: Đúng.

Tăng hỏi: Ngay lúc ấy thì thế nào?

Sư đáp: Chẳng bị xúc chạm _ Sư lại tiếp: Hàng xiển-đề có nhiều loại:

- Một là giết cha giết mẹ, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, phá hoại chùa chiền. Loại này chắc chắn chịu các loại qủa báo đau khổ.

- Hai là cũng như trên, nhưng mà giết cha vô minh, mẹ tham ái, không tin có Phật, Pháp, Tăng để phá, có già-lam để có thể hủy hoại. Nhưng vì chấp là sở đắc của tâm, cho nên cũng đọa, chịu các qủa báo hư vọng, lên xuống không đồng.

- Ba là biết rõ việc bản lai của tự kỷ, gọi là cha mẹ. Chẳng từ bên ngoài cầu, vô tu vô chứng, chẳng nhân chẳng quả, chẳng do thầy mà được, chẳng từ chứng mà thành. Không khởi kiến giải về cha gọi là giết, không khởi kiến giải về mẹ gọi là hại. Nghĩa là tất cả việc chính chẳng giữ chẳng còn, nên gọi là sát hại. Vừa sanh mảy may tôn phụng, được mùi vị, tức chẳng thành tựu việc biết tự kỷ, cho nên gọi là đại Xiển-đề. Lấy đây phát khởi diệu lực, tức là từ nơi Tông thừa mà biết gánh vác việc nhà. Cần phải đoạn dứt huyền đạo, phá con đường quanh co xa xôi. Như Tân Phong lão nhân[13] đã chỉ bày.

(Quốc sư Huệ Trung gọi thị giả, thị giả đến, Quốc sư cúi đầu im lặng, thị giả đứng lâu, bèn đi ra. Quốc sư lại gọi, ba lần như thế, Quốc sư nói:

- Tưởng rằng ta phụ ông, nào ngờ ông phụ ta!

Thiền sư Bá Trượng hỏi Triệu Châu:

- Quốc sư ba lần gọi thị giả, ý chỉ thế nào?

Triệu Châu đáp: Như người ở trong tối viết chữ, tuy không thành, nhưng nét chữ đã hiện).

Về sau có người đem việc trên hỏi Sư, Sư đáp:

- Lần thứ hai thị giả quay đầu nói: “Con không tin Hòa thượng gọi”.

***

(Ngài Nam Tuyền nói rằng:

- Khi bào thai chưa đủ, có nói chăng?

Có người hỏi Tuyết Phong, Tuyết Phong đáp:

- Nói có, nói không thì bị ăn 30 gậy.

Lại hỏi Chiêu Khánh, Khánh đáp: Tùy nó nói!)

Có người hỏi Sư, Sư đáp: Có.

Tăng nói: Thỉnh Hòa thượng liếc nhìn xem!

Sư nói: Dùng gì để nghe?

Tăng hỏi: Người điếc nghe chăng?

Sư đáp: Nếu người điếc nghe được thì đủ tai mắt.

Tăng hỏi: Người nào nghe được?

Sư đáp: Người bào thai chưa đủ nghe được!

***

Vị tăng hỏi Sư: Một câu có thể bao hàm trăm ngàn vạn nghĩa. Thế nào là một câu?

Sư đáp: Kim đâm chẳng vào.

***

(Có một vị Tọa chủ từ biệt ngài Nam Tuyền, ngài Nam Tuyền bèn hỏi: Ông đi về đâu?

Tọa chủ đáp: Xuống núi!

Nam Tuyền nói: Thứ nhất là chẳng được phỉ báng Vương lão sư!

Tọa chủ đáp: Đâu dám phỉ báng Hòa thượng!

Ngài Nam Tuyền phun nước miếng và hỏi:

- Bao nhiêu?

Tọa chủ liền bước đi).

Sư nghe liền nói: Nhờ cậy!

***

(Một hôm thiền sư Qui Sơn gọi Viện chủ, Viện chủ đến, ngài Qui Sơn nói: Ta gọi Viện chủ, ông đến làm gì?

Viện chủ không đáp được).

Sư đáp thay:

- Cũng biết Hòa thượng không gọi con.

(Lại bảo thị giả gọi Đệ nhất tọa, Đệ nhất tọa đến, ngài Qui Sơn bèn nói:

- Ta gọi Đệ nhất tọa, ông đến làm gì?)

Sư đáp thay: Nếu bảo thị giả gọi, sợ không đến!

***

Một vị tăng từ biệt ngài Dược Sơn về thăm quê hương, ngài Dược Sơn nói: Có một người toàn thân thối rữa, nằm trong đám gai gốc.

-   Thế thì đệ tử không về. _ Tăng đáp.

Dược Sơn nói: Nhưng hãy cứ về đi, ta cho ông tiền lộ phí!

Tăng hỏi: Thế nào là lộ phí?

Sư nói: Mỗi ngày đến trai đường cắn không bể một hạt gạo. _ Sư bèn nói tiếp: Như Cổ đức nói có người toàn thân thối rữa, đó chỉ là người xấu xí thô lậu, mọi người gần chẳng được, không có chỗ để điểm xuyết. Lại nói nằm trong đám gai gốc, chỉ là nói trong sinh hoạt hàng ngày, cũng không tạo ra chỗ để điểm xuyết hay việc bảo nhậm hộ trì).

Bấy giờ có một vị tăng hỏi Sư:

- Khi toàn thân thối rữa thì thế nào?

Sư đáp: Mang nặng.

Tăng hỏi: Người nào mang nặng?

Sư đáp: Không thối rữa đến Xà-lê đâu!

Tăng hỏi: Người xấu xí thô lậu và người toàn thân thối rữa, ai nặng?

Sư đáp: Người xấu xí thô lậu nặng. _ Sư lại hỏi vị tăng: Người Đại bảo nhậm, bảo nhậm cái gì?

Sư đáp thay vị tăng:

- Suốt ngày chỉ ở sau lưng, không biết nhìn xem.

***

(Phàm có người đến tham vấn, hòa thượng Câu Chi đều đưa một ngón tay. Sau có một Đồng tử bị người ngoài hỏi rằng: Hòa thượngpháp yếu gì?

Vị Đồng tử này cũng đưa một ngón tay. Thiền sư Câu

Chi nghe được, bèn chặt ngón tay, Đồng tử đau đớn la khóc bỏ đi. Thiền sư Câu Chi bỗng gọi, Đồng tử quay đầu, thiền sư Câu Chi liền đưa một ngón tay, Đồng tử này hoát nhiên đại ngộ. Khi thiền sư Câu Chi sắp thị tịch, bảo đại chúng rằng:

- Ta hội được Thiền một ngón tay của hòa thượng Thiên Long, cả đời dùng không hết. Nói xong Sư ngồi yên thị tịch).

Sư nói: Chỗ thừa đương của Câu Chi quá đơn giản, chỉ nhận được một cơ một cảnh.

***

Thiền sư Động Sơn thượng đường dạy:

Đạo vô tâm hợp với người,

Người vô tâm hợp với đạo,

Muốn biết được ý trong đó,

Một già một chẳng già.

Sau có người hỏi Sư: Thế nào là một già?

Sư đáp: Chẳng cầu giúp đỡ.

Hỏi: Thế nào là một chẳng già?

Sư đáp: Cây khô.

***

Có một vị tăng hỏi Sư:

- Duy-ma im lặng, Văn-thù khen ngợi, chưa biết có hợp với ý của Duy-ma chăng?

Sư đáp: Ông có trói buộc được hư không chăng?

Tăng nói: Như thế không hợp với ý của Duy-ma rồi!

Sư nói: Y đâu có chịu.

- Rốt cuộc có chỗ quay về chăng? _ Tăng hỏi.

Sư: Nếu có chỗ quay về, tức đồng với hai vị ấy.

- Hòa thượng như thế nào? _ Tăng hỏi.

Sư đáp: Đợi ông mắc bệnh Duy-ma mới được!

***

Thiền sư Động Sơn đến hòa thượng Ty Thọ, hòa thượng Thọ hỏi: Đến làm gì?

Ngài Động Sơn đáp: Đến gần gủi Hòa thượng.

Hòa thượng nói: Nếu là gần gủi thì cần gì dùng môi mép?

Động Sơn không đáp được.

Về sau, Sư đáp: Con một gần gủi được.

Vị tăng hỏi thiền sư Động Sơn: Trong ba thân, thân nào không rơi vào số lượng?

Động Sơn đáp: Ta thường gần gũi chỗ này.

Vị tăng về sau hỏi Sư: Tiên sư nói: “Ta thường gần gũi chỗ này” là ý chỉ thế nào?

Sư đáp: Cần đầu liền chặt!

***

Khi thiền sư Vô Trước uống trà, bồ-tát Văn-thù cầm một cái ly thủy tinh hỏi:

- Phương Nam có cái này chăng?

Vô Trước đáp: Không!

Văn-thù hỏi: Bình thường lấy gì uống trà?

Vô Trước không đáp được.

Sư đáp thay: Từ lâu đã được Đại sĩ chỉ dạy, vì sao còn ở tại một trần?

Sư nói: Trước Phật Nhiên Đăng có hai loại: Một là chưa biết, đồng với sữa lẫn lộn trong máu; Hai là biết, giống như khi ý chưa manh nha mà nhận được bản vật.

Một loại biết rõ đến đi, ngôn ngữ, thanh sắc, thị phi, cũng không thuộc Chánh chiếu dụng, cũng không được thọ ký, đồng với sữa lẫn lộn máu, là việc sai lạc, đây là loại sau Phật Nhiên Đăng.

Việc ba thời đã hết, tình thức trong ngoài đều bặt, không gián đoạn, đây mới được gọi là Chánh Nhiên Đăng, gọi là được thọ ký.

***


GIẢI THÍCH ĐỘNG SƠN NGŨ VỊ HIỂN QUYẾT

Sư nói: Tiên sư ta trình bày Chánh thiên và Kiêm đới, tất cả đều dùng ý của Ngài, chớ không vì nói rõ giai vị công huân tiến tu mà dính vào ngôn giáo, cho dù đó là lời luận đàm siêu xuất hay diệu chỉ cốt yếu. Ngài chỉ nói rõ sự việc từ những vật thể hiện tiền mà thầm hợp với đạo của bậc Thánh xưa. Ngày nay thấy các học sĩ giải thích ý độ của Tiên sư, tựa hồ có chỗ lầm lẫn, không khỏi bị người nêu ra những sai sót của họ.

Cho nên, quí trọng ở chỗ là không làm hỗn tạp công huân; trong đó, hoặc là mượn Vị để nói về Công, mượn Công để nói về Vị, nhiều mối đa manh; khi Công đến thì xem thế lực của lời nói để không phụ người đến tham vấn, thật là diệu ở chỗ ý thú siêu tuyệt vậy!

Chánh văn: “Chánh vị khước Thiên, tựu Thiên biện đắc, thị viên lưỡng ý”.

Dịch nghĩa: Chánh vị lại là Thiên vị, theo Thiên vịbiện biệt được Chánh vị, như thế là đầy đủ hai ý.

Giải thích: Chánh vị lại là Thiên vị, nghĩa là không đối vật, tuy không đối vật, nhưng lại đầy đủ (Dụng).

Không có Dụng trong Chánh vị là Thiên vị, toàn Dụng là Viên, tức đã đủ hai ý.

Thế nào là toàn Dụng? Người không thể hội thì được. Chánh vị này không nói về việc đến (lai), cho dù Phật xuất thế cũng vậy, Phật không xuất thế cũng vậy. Nên ngàn Thánh muôn Thánh đều gom về Chánh vị để gánh vác.

Thiên trong Chánh lại đầy đủ một vị này, hoàn toàn không nên động dụng chấp trước.

Như các người học cho rằng chỉ thoát ngoài vật là siêu việt chư thánh, là Chánh vị nhưng Viên, kỳ thật đã khuất lấp mất Chánh vị vậy. Những lời này Cổ đức đã nói qua, nay vẫn còn dấu tích, còn chưa được không lời trong có lời, nên gọi là Phi chánh vị. Vì có lời trong lời nên gọi là có bệnh Kiêm đới. Không được gọi là từ Tương kiêm đới mà đến.

Chánh văn: “Thiên vị tuy Thiên, diệc viên lưỡng ý, duyên trung biện đắc, thị hữu ngữ trung vô ngữ”.

Dịch nghĩa: Thiên vị tuy là Thiên, cũng tròn đủ hai ý; từ duyên mà biện biệt được là không lời trong có lời.

Giải thích: Vì chỗ Dụng không lập đích, không lập đích thì thật không thể thường dùng. Thiên vị tuy Thiên cũng là Viên, nghĩa là trong Dụng không có vật nào không xúc chạm. Hai ý này, tuy căn cứ theo Dụng để hiển bày, nhưng lời nói chẳng làm thương tổn. Đây chính là suốt ngày nói mà chưa từng nói. Cho nên nói Thiên vị tuy là Viên, nhưng cũng từ duyên chẳng xúc chạm.

Chánh văn: “Hoặc hữu Chánh vị trung lai giả, thị vô ngữ trung hữu ngữ”.

Dịch nghĩa: Hoặc có người từ Chánh vị mà đến, tức là có lời trong không lời.

Giải thích: Từ Chánh mà đến, tức không gồm duyên. Như thiền sư Dược Sơn nói: “Ta có một câu chưa từng nói với người”. Thiền sư Đạo Ngộ nói: “Cùng theo nhau đến”. Đó là do Y diệu ngộ được. Cũng như lời của Quan sát sứ Hồ Nam, loại ví dụ này rất nhiều. Cần phải theo thứ tự, không được lẫn lộn tôn ti. Đó gọi là có lời trong không lời.

“Ta có một câu, chưa từng nói với người”, các nhà đáp câu này, cần phải nêu ra không được chống trái, chống trái thì không liễu ngộ. Câu câu đều không lời, chẳng lập tôn quí, không lạc vào trái phải, cho nên gọi là Chánh trung lai.

Từ Chánh vị mà đến, nói về Chánh vị không dính dáng đến duyên. Ví dụ: Như khi đậu đen chưa nẩy mầm là cái gì? Lại như có một người không còn hơi thở, khi bào thai chưa đủ, có ngôn cú chăng? Chỗ mười phương chư Phật xuất thân. Tất cả ví dụ này gọi là có lời trong không lời, lại có chỗ nương cậy. Người từ Chánh vị hỏi, người đáp nên hướng vào Thiên vị để luận về thể, vật, không được vào Chánh vị để biện minh, điều này cần phải biết. Như Tiên sư hỏi một vị tăng người Tân La: “Khi chưa qua biển thì ở đâu?”. Vị tăng không đáp được. Thiền sư đáp thay: “Chỉ như nay đã qua biển cũng ở tại đâu?” cũng Tiên sư thay Thận Vi trưởng lão đưa trụ trượng ra và nói: Như nay đưa ra có người biện biệt được chăng? Những thí dụ này tuy từ duyên nhận được, không giống với hướng hạ biện biệt không được, sợ người sau lầm lạc Công huân cho là việc hướng thượng. Như người học hỏi về ý của Tổ sư, thì trả lời là: “Đợi trâu nghé sanh con thì nói cho ông nghe, rồi cho đây là Chánh vị trung lai”. Lời này không được gọi là Chánh vị trung lai, mà có thể gọi là “vấn đáp trong con đường huyền học”. Như thế rõ ràng là cũng có một con đường riêng, cũng chẳng được gọi là Tương kiêm đới. Nhưng vì để hiển bày, nên dù cho khách chủ hồi hỗ, cũng chỉ gọi là có bệnh Kiêm đới.

Chánh văn: “Hoặc hữu Thiên vị trung lai giả, thị hữu ngữ trung vô ngữ.

Dịch nghĩa: Hoặc có người từ thiên vị đến, là không lời trong có lời.

Giải thích: Từ Thiên vị mà đến thì gồm cả duyên. Như hỏi: Nay gọi cái ấy là gì? Không ai đáp được. Tiên sư tự đáp thay: “Không được, không được!”. Loại ví dụ này cũng rất nhiều, gọi là không lời trong có lời. Lời nói từ thanh sắc thuộc bốn đại phát ra, không lập nơi chốn, thị phi. Cho nên nói trong duyên phân biệt được là từ Thiên vị mà đến. Ví dụ như: Vật gì đến như thế? Quang cảnh đều quên lại là vật gì? Tam học giới, định, huệ nói về kiến Phật tánh. Loại thí dụ này cũng nhiều, gọi là không lời trong có lời.

Từ Thiên vị mà đến là theo Vật để nói về Thể. Như nói: Vật gì đến như thế? Quang cảnh đều quên là vật gì? Những ví dụ nầy là nhờ vào Công để nói Vị. Cũng là ví dụ ta đã nêu khi xưa. Vật gì đến như thế? Câu này tuy từ duyên mà biết được, nhưng chẳng đồng với việc hướng hạ[14]. Tam học giới, định, huệ nói về kiến Phật tánh, lý này thế nào? Ví dụ này cũng chính là câu  ta nêu khi trước. Quang cảnh đều quên là phép tắc trong Giáo, không giống Huyền học. Chỉ cần vượt ra ngoài Giáo thì đó là việc trong Tông môn, ngoài Huyền học. Chỉ như thở ra chẳng nương vào các duyên, hít vào chẳng trụ nơi ấm giới, lời này toàn là Công, chẳng giống với từ duyên nhận được. Đây cũng là lời  ta nêu khi xưa.

Chủ nhà nhập vào Chánh vị, nghĩa là: Có một người không hít thở, khiến y biết được Chánh vị, lại có vị giáp công rất trong lặng, cũng được gọi là từ Thiên vị mà đến, điều này thật khó phân biện, cần phải giải thích. Như các học sĩ luận về việc một vị tăng hỏi Tiên sư rằng: Thế nào là Huyền chỉ? Tiên sư đáp: Như lưỡi người chết. Lại hỏi: Trong 12 thời lấy gì hiến cúng? Đáp: Không vật phụng hiến rồi cho đây là từ Thiên vị mà đến, ví dụ này không được gọi từ Thiên vị đến. Nếu là ví dụ về huyền chỉ thì có thể đồng với Công huân. Còn 2 ví dụ nầy chẳng được gọi là Thiên vị và Kiêm đới.

Trước đã nói phá rồi, là nhờ Công mà nói rõ Vị, nhờ Vị để nói Công, giống với đoạn này vậy!

Chánh văn: “Họăc hữu Tương kiêm đới lai giả, giá lý bất thuyết hữu ngữ vo ngữ, giá lý trực tu chánh diện nhi khứ, giá lý bất đắc bất viên chuyển, sự tu viên chuyển.

Dịch nghĩa: Hoặc có người từ Tương kiêm đới mà đến, thì trong đó không nói có lời hay không lời, cứ ngay chánh diện mà đi, không thể không xoay chuyển, cần phải xoay chuyển- (giữ Chánh vị).

Giải thích: Từ Tương kiêm đới mà đến, tức là ngữ thế không Chánh không Thiên, chẳng còn chẳng mất, như toàn mà chẳng toàn, như thiếu mà chẳng thiếu, chỉ được hướng về chánh diện mà đi. Đi thì không lập đích, không lập đích thì lời vi diệu. Cảnh không viên là việc thường tình. Như Tiên sư đáp thay câu thoại “Văn-thù uống trà”: Như mượn cái ấy xem được chăng? Như Thúy Vi nói: Thường ngày ăn cái gì?

Chánh văn: “Nhiên tại đồ chi ngữ, tổng thị bệnh, phù đương nhân tiên tu biện đắc ngữ cú, chánh diện nhi khứ, hữu ngữ thị nhẫm ma lai; vô ngữ thị nhẫm ma khứ. Tác gia trung bất vô ngôn ngữ. Bất thiệp hữu ngữ vô ngữ, giá cá hoán tác kiêm đới ngữ, kiêm đới ngữ toàn vô đích đích dã.

Dịch nghĩa: Như lời nói giữa đường đều là bịnh. Phàm người học, trước nên phân biệt được ngữ cú, ngay chánh diện mà đi. Có lời là đến như thế, không lời là đi như thế. Bậc tác gia chẳng phải không có lời, nhưng chẳng dính mắc vào có lời hay không lời. Cái ấy gọi là lời Kiêm đới. Lời Kiêm đới hoàn toàn không có mục đích.

Giải thích: Từ Tương kiêm đới mà đến, tức là không rơi vào có lời không lời. Như “Lời Đới đao của Dược Sơn”, là lời Kiêm đới, đến lúc xem thế lực của lời nói, thì hoặc là theo chánh diện mà đi, hoặc là hư trong dị. Việc này nếu không diệu ngộ thì cách xa ngàn dặm vạn dặm. Dẫn ví dụ về lời Tương kiêm đới lai:

Văn-thù uống trà – Người này hôm nay đi đâu? Vân Nham nói: Làm gì, làm gì? Tức như nay là cái gì? Loại thí dụ ấy rất nhiều, cũng có Kiêm đới trong Công huân, giống như việc hướng thượng, đến lúc biện biệt được như lạc vào chỗ tịnh diệu, thì nên biết còn có sự. Cần đi thì đi, cần dừng thì dừng, muôn ngàn uyển chuyển, không được qua loa đơn giản. Tất cả ngữ thế vấn đáp của hai người đều không ra khỏi Ngũ vị. Nhưng lời thí dụ có thô tế, đáp thì có cạn sâu. Cho nên Tiên sư trong chỗ không có ngôn cú, gượng dùng ngôn cú, đó đều là tùy theo duyên mà trình bày chỗ cơ yếu. Ví dụ như người đại vô minh, hoàn toàn chẳng giống Đại xiển-đề. Xiển-đề thì biết sự, nhưng lại mờ mịt, tuy mờ mịt lại trở thành hiếu dưỡng. Mờ mịt tức là không giữ Phật Tổ và việc chính của cha mẹ tự kỷ.

Người thối rữa là người mang nặng chẳng trở về, không lập chỗ chí tôn; người Đại bảo nhậm là người bước chân vào bùn giữ gìn kĩ lưỡng, chẳng thể qua loa.

Người từ Tương kiêm đới mà đến cũng như việc Văn-thù uống trà, Tiên sư đáp lời Vân Nham về xới đất trồng gừng; việc hòa thượng An về pháp đường, việc Thuần Bố Nạp tắm Phật của Dược Sơn. Trong đó những lời Kiêm đới tối diệu vẫn không hơn được lời Đới đao mà Dược Sơn đáp Đạo Ngô và câu “tại chỗ này” để đáp câu “là cái gì?” của Bá Trượng.

Kiêm đới trong tối, mượn Công để nói về Vật, mượn Vật để nói Công, mượn Lỗi để nói Công, mượn Công để nói Lỗi, tất cả đều như thế.

Dược Sơn, Tân Phong và những lời của chư tôn đức trước kia siêu nhập chánh vị, là câu huyền đàm kỳ đặc, kế đến là những câu có chút đắc lực thì tạm nhập

vào Chánh vị, những loại thí dụ này tôi thường dùng.

Ta trụ trì có nhiều việc, không tiện nói kỹ càng, chỉ lược trình bày ít phần, các ông đừng có dễ dui xem thường, nếu có nghi ngại, phải giải quyết gấp. Cần phải ra sức tu hành, cho đến đời vị lai không đoạn dứt việc này. Chẳng được tiết lộ cẩu thả, nhưng nếu gặp người thuần phác, bậc kỳ khí thì không nên giấu giếm.

Chánh văn: “Tha Trí thượng tọa lâm thiên hóa thời, hướng nhơn đạo: Vân Nham bất tri hữu, ngã hối đương thời bất hướng y thuyết. Tuy nhiên như thử, thả bất vi Dược Sơn thái tử. Khán Tha Trí thượng tọa hợp tác ma sanh lão bà tâm dã. Nam Tuyền viết: Dị loại trung hành, thả Mật Xà-lê bất tri hữu?”.

Dịch nghĩa: Lúc thượng tọa Tha Trí sắp thị tịch, nói với đại chúng rằng: “Vân Nham chẳng hiểu biết, ta hối hận lúc ấy không nói với Y. Tuy nhiên như thế, cũng chẳng trái với con rùa Dược Sơn. Xem thượng tọa Tha Trí vì sao có tâm từ bi như thế? Ngài Nam Tuyền nói: Đi trong Dị loại, vả lại Mật Xà-lê không biết rõ.


CHÚ THÍCH ĐỘNG SƠN NGŨ VỊ TỤNG

Chánh trung thiên (Thiên trong chánh):

Chú thích: Trong đêm tối gật đầu.

Tam canh sơ dạ nguyệt minh tiền

(Đầu hôm sáng tỏ dưới ánh trăng)

Chú thích:  Khi sáng tối chưa giao nhau thì phân biệt được lúc mầm mống chưa sanh. Chỉ như nay là lúc nào? Trong đó không có ngày đêm, không nói trước sau.

Mạc quái tương phùng bất tương thúc.

(Chớ trách gặp nhau chẳng biết nhau)

Chú thích: Quên mất cũng đến! Kiếp nào thì trái nghịch! Thế thì đều bó tay mất!

Ẩn ẩn du hoài cựu nhật nghiên.

(Ưu thương vẫn nhớ cảnh ngày xưa)

Chú thích: Hai câu này một ý, nhưng hoàn toàn không giống nhau. Lại nói Tròn đủ – Ngày nay xem trọng cái gì? Như thế thì chẳng được dối mình.

***

Thiên trung chánh (Chánh trong thiên):

Chú thích: Trong duyên hiểu được.

Thất hiểu lão bà phùng cổ cảnh.

(Lão bà mù mắt soi gương)

Chú thích: Lộ rõ. Vừa rồi lại nhớ được! Lại có dáng vẻ gì? Như thế thì chẳng lộ màu sắc.

Phân minh địch diện cánh vô chân.

(Rõ ràng nhìn mặt lại chẳng chân).

Chú thích: Tức hôm nay hiểu được, cũng chính là cái ấy. Mất! Thế thì lúc chưa chân thật, có được chút ít.

Tranh nại mê đầu hoàn nhận ảnh

(Sao lại mê đầu lầm nhận ảnh?)

Chú thích: Chẳng phải là đầu xưa nay, chớ nhận ảnh tức được, rốt cuộc không nhớ. Như thế thì không thể thay đổi.

***

Chánh trung lai (Đến từ chánh vị):

Chú thích: Lỗi rồi!

trung hữu lộ cách trần ai

(Trong “không” có lối cách bụi hồng)

Chú thích: Trong không câu lại có câu; cùng theo nhau đến. Việc xưa nay là gì? Như thế thì không thể nương nhau.

Đản năng bất xúc đương kim húy.

(Chỉ cần chẳng phạm Hoàng đế húy)

Chú thích: Nương tựa cái ấy, sớm đã nương tựa rồi. Chỉ là người tầm thường. Như thế thì khắp nơi không có người thứ hai.

Dã thắng tiền triều đoạn thiệt tài

(Cắt lưỡi tài hơn cả tiền triều)

Chú thích: Chẳng phải im lặng, lại gần gũi với cái này, nhưng rốt cuộc lại chẳng gần gũi. Như thế thì không dặn dò được.

***

Thiên (kiêm) trung chí (Đến từ trong thiên):

Chú thích: Đến từ Hữu cú.

Lưỡng nhận giao phong bất tu tị

(Hai mũi giao phong chớ tránh nhau)

Chú thích: Chủ khách chưa xúc chạm thì người người chẳng thương tổn. Mũi mũi tên chạm nhau, liên tục chẳng dứt. Nếu chẳng đối địch thì chẳng lo cho nhau.

Hảo thủ du như hỏa lý liên

(Anh hùng nào khác sen trong lửa)

Chú thích: Hủy hoại chẳng được, ai được tiện lợi, kém hơn ai? Như thế thì rốt cuộc không làm người thứ hai.

Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí

(Rõ ràng tự có chí xung thiên)

Chú thích: Chẳng từ người khác được, thì không vay mượn. Chẳng phải vốn có, thì tự kỷ cũng chẳng còn, cũng chẳng phải tự kỷ có.

***

Kiêm trung đáo

(Trở về với Chánh, Thiên, Lai, Chí):

Chú thích: Khéo léo nương tựa.

Bất lạc hữu vô thùy cảm hòa

(Chẳng lọt không có, ai dám hòa)

Chú thích: Chẳng đương đầu. Y là bậc tác gia, tốt nhất là nên thương lượng. Thế nào là thương lượng? Nói ra đi! Lại hỏi:

Nhân nhân tận dục xuất thường lưu.

(Người người đều muốn vượt tầm thường)

Chú thích: Chỉ muốn vượt ra khỏi các loài, có chỗ nào xuất đầu? Lại động thì chết. Như thế thì nơi nơi đều vui thú.

Tích hợp hoàn qui thán lý tọa.

(Hợp tan trở về nơi tro lạnh)

Chú thích: Một, tức có thể biết, biết hợp làm gì? Dối Y chẳng được. Như thế kẻ thì nhờ cậy được là ta. Sự trong vị này đều lấy Chánh vị làm chủ. Trong chánh vị thì không có ngôn thuyết, cũng không có đạo lý đối tân (khách). Nếu đối khách thì chỗ cực tắc của Thiên vị gọi là Đối tân (khách). Nếu là Kiêm đới, thì lúc đến gọi tìm không đồng, hoặc có lúc thì đối, có lúc không đối. Đó cũng gọi là không lời trong có lời. Có lời trong không lời, như đã nói rõ trong Thiên vị và Chánh vị. Lại có những lời không nhập vào Thiên, Chánh vị, mới khó vì người. Phải là người mắt sáng mới được, chẳng bị người dối gạt chỉ Đông vẽ Tây.

***

BA LOẠI ĐỌA

Phàm Sa-môn thọ thực có ba loại đọa:

- Làm trâu là Sa-môn đọa.

- Không thọ thực là Tôn qúy đọa.

- Không đoạn thanh sắc là Tùy loại đọa.

Như đọa là việc của ai?

(Muốn biết thì vào trong Dị loại, không nhận rõ việc của Sa-môn. Cho nên Cổ nhân tạm mượn trâu làm “Dị loại”, chỉ là “Dị loại” trên sự, chẳng phải Dị loại trên ngôn ngữ).

Nếu là “Dị loại” trong ngôn ngữ, thì nói năng qua lại đều là loại. Vì thế ngài Nam Tuyền nói: “Nếu trí không cùng khắp thì rất kỵ nói năng, nói năng thì sừng mọc trên đầu. Vừa gọi là như như thì đã sớm thay đổi rồi!”. Cần phải đi trong “Dị loại”. Như nay nên hướng vào “Dị” mà nói việc trong “Dị”.

Phàm không lời trong lời mới được. Như khi thiền sư Nam Tuyền bệnh, có người hỏi: Sau khi tịch, Hòa thượng sẽ đi đến đâu?

Ngài Nam Tuyền đáp: Ta sẽ làm một con trâu trong nhà đàn việt ở dưới núi.

Người ấy hỏi: Con đi theo được chăng?

Nam Tuyền đáp: Nếu theo ta, ông hãy ngậm một cọng cỏ!

(Đây là lời chuyển thân của Sa-môn, vì thế mới nói: Ông định gần gủi thì ngậm một cọng cỏ đến gần gủi Y; đó gọi là vô lậu, mới có thể dùng cúng dường cho Y).

Tùy loại đọa: Như nay đối với tất cả thanh sắc sự vật, đều chuyển thân được, không theo giai cấp, gọi là Tùy loại đọa.

Tôn qúy đọa: Pháp thân, pháp tánh là các việc tôn qúy cũng nên xoay chuyển đi, đó là Tôn qúy đọa.

Như trâu trắng lộ bày là lời cùng tột về Pháp thân cũng nên xoay chuyển để ngày kia không bị ngồi trong chỗ lặng lặng lẽ lẽ. Đó gọi là đoạn dứt việc cúng dường. Muốn cúng dường, cần phải được thức ăn như thế. Vì thế, vị mà không vị cũng gọi là Vô lậu, có thể dùng để cúng dường. Còn thức ăn ô uế khác, thì chẳng phải là thức ăn vô lậu giải thoát.

Có một vị tăng hỏi thiền sư Bá Trượng: Lấy gì làm thức ăn?

Bá Trượng đáp: Lấy vô lậu làm thức ăn!

Vân Nham nói: Chớ lấy vị để cúng dường!

Đạo Ngô nói:

- Biết chỗ bảo nhậm, đều là cúng dường!

Sư nói: Phàm người muốn giữ chánh mạng thực, cần phải có ba loại đọa. Bấy giờ có một vị tăng hỏi:

- Mang lông đội sừng là loại đọa gì? Chẳng đoạn thanh sắc là loại đọa gì? Chẳng thọ thực là đọa gì?

Ta trả lời rằng: Mang lông đội sừng là Sa-môn đọa; chẳng đoạn thanh sắc là Tùy loại đọa, chẳng thọ thực là Tôn qúy đọa.

- Chẳng thọ thực Tôn qúy đọa: Tức là biết có việc chính mà không chấp giữ.

- Mang lông đội sừng Sa-môn đọa: Không chấp giữ việc của Sa-môn và qủa vị của chư Thánh.

- Chẳng đoạn thanh sắc Tùy loại đọa: Khi sơ tâm biết có việc chính của tự kỷ, lúc hồi quang phản chiếu, dẹp bỏ tất cả sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Được vắng lặng thì sau khi thành tựu, không chấp trước lục trần. Đọa mà chẳng mê mờ, mặc tình vô ngại.

Cho nên kinh Duy-ma nói: “Bọn Lục sư ngoại đạo là thầy của ông, những người thầy kia đọa, ông cũng đọa theo, như thế mới có thể lấy mà ăn”. Thức ăn này là Chánh mạng thực, cũng gọi là việc chính. Kiến văn giác tri của sáu căn không bị nhiễm ô tức là đọa, không giống như sự sợ hãi nói ở trước.

- Việc chính còn không giữ, huống là việc khác!

Hỏi: Thế nào là những thầy kia bị đọa?

Sư đáp: Điền Xá Ông vào làng xóm, quên hết mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Tăng hỏi: Thế nào là Tùy loại đọa?

Sư đáp: Chẳng đoạn thanh sắc, chẳng mất hương vị.

Hỏi: Thế nào là “những ông thầy kia”?

Đáp: Lục xứ.

Hỏi: Thế nào là “ông thầy đọa theo”?

Đáp: Giữ!

Hỏi: Giữ cái gì?

Đáp: Không được động dụng, không lìa thanh sắc.

***

Hỏi: Chẳng thọ thực là đọa gì?

Đáp: Liễu đạt được chánh nhân, không còn chấp giữ những sự hiểu biết rốt ráo, cho nên gọi là Tôn quí đọa.

***

Ngài Qui Sơn nói:

Sau khi thị tịch, ta sẽ làm con trâu, bên hông có viết một hàng chữ “Ta là tăng núi Qui”. Ông hãy nói khi thấy thế, gọi là gì?

Không ai đáp được.

Về sau Sư đáp thay: Gọi là con trâu.

Hỏi: Chưa biết con trâu này có biết cày ruộng không?

Sư đáp: Rõ ràng là biết!

Hỏi: Là loại gì?

Sư đáp: Loại mang lông đội sừng.

Hỏi: Bốn mùa ăn cỏ gì?

Sư đáp: Chẳng ăn.

Hỏi: Thế nào là trâu?

Đáp: Chẳng chứng Thánh.

Hỏi: Thế nào là ngậm một cọng cỏ?

Sư đáp: Giống chim.

Hỏi: Siêu Thánh hay siêu loại?

Đáp: Siêu Thánh.

Hỏi: Thế nào là trâu?

Đáp: Mờ mờ mịt mịt.

Hỏi: Thế nào là ngậm một cọng cỏ đến?

Sư đáp: Cổ nhân nói rồi, cũng giống chim. Một cọng cỏ, cũng chỉ là nói không biến dị.

***

Ta nói: Phật Tổ chẳng biết, mèo nhà trâu trắng lại biết.

Hỏi: Vì sao mèo nhà trâu trắng lại biết?

Đáp: Chỉ vì hoàn toàn chẳng biết.

Hỏi: Phật Tổ vì sao không biết?

Đáp: Vì Tổ chấp vào ấn, vì Phật giống nhau.

Hỏi: Như mèo nhà trâu trắng biết cái gì?

Đáp: Chỉ biết mèo nhà trâu trắng.

Hỏi: Thế nào là việc mèo nhà trâu trắng biết?

Đáp: Chẳng từ Đông Tây đến, chẳng từ 32 tướng đến.

Hỏi: Thế nào là Tổ?

Đáp: Trên đã có!

Hỏi: Thế nào là Phật?

Đáp: Giống nhau.

***

BỐN DỊ LOẠI

1. Vãng lai dị loại:

Như nay tất cả thanh sắc, ngôn ngữ, giai cấp, địa vị, hoặc là tổ phụ thọ thế, đều vứt bỏ để hướng đến chư Tổ. Đã “dị loại” thì thiên đường, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, A-tu-la đều là “dị loại”.

2. Bồ-tát đồng dị loại:

Trước sáng tỏ việc tự kỷ, sau đó vào trong Dị loại sanh tử để nhiếp thọ. Đã chứng qủa Niết-bàn, nhưng không bỏ sanh tử, tự lợi lợi tha, nguyện cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, cuối cùng ta mới thành Phật. Vì thế, bậc đại nguyện Bồ-tát nếu trước không độ chúng sanh, thì việc của tự kỷ không thể thành tựu. Ngài Nam Tuyền nói: “Trước qua bên kia liễu ngộ, sau trở lại bên này giáo hóa”. Bậc Bồ-tát có lục độ, vạn hạnh. Kinh dạy rằng: “Nếu có một chúng sanh chưa được độ thoát, ta chẳng thành chánh giác. Thệ nguyện vô biên, chúng sanh vô biên, như thế mà hành trì, cho nên gọi là Bồ-tát đồng dị loại.

3. Sa-môn dị loại:

Trước ngộ việc chính rồi, vứt bỏ tất cả những công hạnh, nhân quả, phàm thánh hôm nay đi, mới được trở về Thể, gọi đó là người độc lập, cũng gọi là việc Sa-môn nên đoạn. Từ đó trong ngoài đều quên, việc của ba đời đã dứt, được vô lậu, được gọi là việc Phật, cũng gọi là một tay chỉ thiên địa, cũng gọi là Đại Sa-môn chuyển việc Sa-môn nên đoạn, chẳng vào địa vị Thánh. Như thế mới được gọi là Sa-môn hạnh, là Sa-môn chuyển thân, là mang lông đội sừng, là trâu. Thời tiết như thế mới được vào Dị loại, cũng gọi là việc bên “sắc loại”. Cho nên Cổ nhân nói: “Đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc”, chỉ là đạo lý ấy, không được hiểu khác.

4. Tông môn trung dị loại: (Dị loại trong Tông môn)

Ngài Nam Tuyền nói: Trí chẳng cùng khắp thì rất kỵ nói ra, nếu nói ra thì đầu mang sừng. Vừa nói là như như thì sớm đã biến dị rồi. Cần phải đi trong Dị loại, hãy nói việc trong Dị loại!

Ngài Động Sơn nói: Việc này cần phải diệu ngộ, Sự tại Diệu, Thể tại Diệu.

Ta nói: Việc này cần phải một vị rỗng không, hoàn toàn không mục đích. Thấy được Kiêm đới mới được như thế. Lời của bậc Tác gia không Thiên không Chánh, chẳng có chẳng không, gọi là “Dị loại trung hư”. Việc này bậc Tác gia cần phải an thân, gặp cây bám cây, gặp tre bám tre, phải ngăn chặn bất tịnh!

(Có người hỏi ta thế nào là Dị? Ta đáp: Nếu nói cho các ông nghe thì mãi đến năm lừa có được “Dị” chăng? Vì thế ngài Nam Tuyền nói: “Sau khi thị tịch ta sẽ làm một con trâu trong nhà đàn việt ở dưới núi. Hỏi: Con đi theo được chăng? Đáp: Nếu ông đi theo thì nên ngậm một cọng cỏ đến!”. Đối việc ấy, Ta nói: Trâu này không giống trâu Sa-môn. Cần phải cẩn thận mới được, chẳng lầm thời gian).

Hỏi: Thế nào là qua lại Dị loại?

Đáp: Chưa biết rõ tự kỷ, tất cả thanh sắc, ngôn ngữ, thị phi đều là Dị loại.

Hỏi: Thế nào là dị loại trong đồng?

Đáp: Không chọn lựa thân hình.

Hỏi: Thế nào là mang lông đội sừng?

Đáp: Chẳng lập tịnh, bất tịnh; lại phi thời đáp là bất tịnh, bất tịnh gặp tịnh liền tịnh.

Hỏi: Thế nào là Dị loại trong Tông môn?

Đáp: Cần đầu thì chặt đem đi.

Nhân một vị tăng hỏi về hạnh Sa-môn, Tiên sư Động Sơn đáp: “Đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc”. Vị tăng hỏi ta ý chỉ thế nào? Ta đáp:

- Câu nói thù thắng vi diệu.

Tăng hỏi: Thế nào là câu nói thù thắng vi diệu?

Đáp: Câu nói thù thắng vi diệu có ba nghĩa:

1. Đức Phật xuất thế 49 năm, lập bày phương tiện 12 phần giáo, trăm ngàn tam-muội diệu môn, mỗi mỗi đều xuyên suốt, cùng cực, tất cả đều là câu thù thắng vi diệu, đây là nói việc xuất thế.

2. Từ phàm vào thánh, thấu rõ tự kỷ và Phật không khác, được vô lậu toàn thân mới thông suốt, gọi là một trần chẳng nhiễm. Đến thời tiết như thế, không trụ ở Chánh vị, không chọn Báo thân, lại vào “Dị loại” mang lông đội sừng, không còn niệm nào khác. Cho nên nói: Tất cả các loài không thể so sánh được, Phật Tổ không suy lường được. Cổ nhân có câu: “Lời nói của Sa-môn không nên dùng thước đo lường tính toán để nói cho người”. Nên gọi là câu thù thắng vi diệu. Đây là nói việc bên sắc loại.

3. Tất cả những vật đã có không thể so sánh, mới gọi là câu thù thắng vi diệu. Cho nên Cổ nhân nói: “Ngàn loại sánh chẳng bằng, vạn vật không bì kịp, kẻ trí chẳng thể biết, bậc thượng căn chẳng thể hay”. Cũng gọi là xưa nay không giống nhau, đó là câu thù thắng vi diệu. Câu thù thắng vi diệu này, nhân gian hay trời đều chẳng thể suy lường được, cho nên Cổ nhân nói: “Câu siêu việt thủy chung”. Mượn đây làm ngữ loại để nói về hạnh.

***

Thiền sư Trù Bố Nạp hỏi: Thế nào là sắc loại?

Đáp: Mang lông đội sừng.

Hỏi: Thế nào là ngôn ngữ loại?

Đáp: Tào Sơn chỉ có một cặp mắt.

Hỏi: Thế nào là trâu?

Đáp: Mờ mờ mịt mịt!

Hỏi: Ý này thế nào?

Đáp: Chẳng biết trời đất.

Trù Bố Nạp lại hỏi: Một Thượng tọa hỏi Vân Cư rằng: Tiên sư có câu: “Từ nhỏ có nuôi một đứa bé đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc”. Làm sao từ nhỏ nuôi được đứa bé này?

Vân Cư đáp: Hằng ngày không quên cung cấp.

Hỏi: Vì sao đầu dài ba thước?

Đáp: Chẳng biết làm sao?

Tăng hỏi: Vì sao cổ dài hai tấc?

Vân Cư đáp: Đến nay đã “biết làm sao” chưa?

Hỏi: Thế nào là hàng ngày chẳng quên cung cấp?

Đáp: Thường có.

Hỏi: Thế nào là thường có?

Đáp: Không trái nghịch.

Hỏi: Thế nào là “chẳng biết làm sao”?

Đáp: Đến lúc như thế thì ai làm gì được.

Hỏi: Đến hôm nay đã “biết làm sao”, ý này thế nào?

Vân Cư đáp: Ba đời chư Phật chẳng biết làm sao?

Xong rồi hỏi ta rằng: Thế nào là đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc?

Ta đáp: Chẳng phải là việc xưa nay.

Hỏi: Thế nào là việc xưa nay?

Đáp: Nói cái gì?

Hỏi: Sa-môn hạnh là hạnh gì?

Đáp: Hạnh súc sanh.

Hỏi: Thế nào là hạnh súc sanh?

Đáp: Mang lông đội sừng.

Hỏi: Thế nào là Sa-môn hạnh?

Đáp: Vật vật không gián đoạn.

Hỏi: Việc không gián đoạn là thế nào?

Đáp: Mới được hạnh ấy.

Hỏi: Thế nào là người mang lông đội sừng?

Đáp: Người không sợ nghiệp.

Hỏi: Vì sao đến một nơi như thế?

Đáp: Nếu không sợ nghiệp thì nơi nào chẳng đến!

Hỏi: Từ phàm vào Thánh thì chẳng hỏi, từ Thánh vào phàm thì thế nào?

Đáp: Trâu.

Hỏi: Thế nào là trâu?

Đáp: Mờ mờ mịt mịt.

Hỏi: Ý này thế nào?

Đáp: Chỉ nhớ cỏ và nước, ngoài ra thì không biết gì cả.

Hỏi: Thành tựu được việc gì?

Đáp: Chỉ thành vật gặp cỏ ăn cỏ, gặp nước uống nước.

(Lời nói này rất có lực! Muốn biết có lực, người này không nên chấp trước vào việc của Sa-môn, cũng không vào qủa vị của bậc Thánh mà nên vào trong Dị loại. Dị loại tức là mang lông đội sừng, gọi là hạnh Sa-môn. Cũng là chỗ giáo hóa của Sa-môn, cũng gọi là đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc. Muốn biết ý này thì khi đạt đến hạnh Sa-môn, không cần đem thước tấc để phân biệt thân sơ, không nói Trương Tam, Lý Tứ v.v.. Lại đầu dài ba thước, chỉ là từ nhỏ đến lớn, ngày nay công thành, đạt đến thời tiết như thế, gọi là câu thù thắng vi diệu. Cổ dài hai tấc, nghĩa là không tại địa vị Sa-môn, cũng không ở qủa vị của chư Thánh. Như thế thì không được nói nổi tiếng hay chẳng nổi tiếng. Vì vậy cho nên nói: Không nên dùng thước tấc để suy lường nơi ấy. Tuy nhiên như thế, còn là việc bên “loại”. Cần phải biết việc trong “Dị loại”. Ông không nghe nói: Trí không cùng khắp, thì không nên nói năng, nói năng thì đầu mọc sừng. Gọi như như thì đã sớm biến dịch rồi. Nên đi vào trong “Dị loại”, gọi đó là một vị rỗng không (hư giả), gọi là nhìn mặt Kiêm đới, hoàn toàn không có mục đích)

***

Hỏi: Thế nào là loại?

Đáp: Mang lông đội sừng.

Hỏi: Thế nào là dị?

Đáp: Thế nào? Thế nào?

Hỏi: Thế nào là hành?

Đáp: Cần đầu liền chặt đem đi!

(Như Dị loại thành được việc gì?

Ta đáp: Việc này có hai nghĩa dị loại: Một là dị loại Sa-môn; Hai là dị loại trên sự.

Dị loại trên sự tức là mèo nhà trâu trắng. Dị loại Sa-môn: Gặp cảnh đều tự do, mới chẳng biến dị, chẳng giống loại kia.

Tiên sư hỏi ta: Ông đi đến đâu?

Ta đáp: “Đi đến chỗ không biến dị”, lại việc không biến dị này có hai loại: Một là người người đều có việc chính. Hai là người ngộ, chẳng bỏ thanh sắc thị phi mà đối với tất cả cảnh vật đều không bị trệ ngại. Đó gọi là tất cả chỗ không thay đổi, cũng gọi là mang lông đội sừng, là vào bùn vào nước, là người giáo hóa).

***

Hỏi: Thế nào là vào bùn, vào nước?

Đáp: Chẳng biến dị.

Hỏi: Chuyển thân hay không chuyển thân?

Đáp: Không chuyển thân.

Hỏi: Việc trong nhà người này thế nào?

Đáp: Chư Thánh suy lường chẳng được.

Hỏi: Vì sao không được?

Đáp: Vì Y chẳng giống chư Thánh.

Hỏi: Đây còn là việc bên “loại”, còn có việc hướng thượng chăng?

Đáp: Có!

Hỏi: Thế nào là việc hướng thượng?

Đáp: Nói cho ông nghe, sợ rơi vào “loại” mất.

***

* Bát huyền cơ trọng yếu

Hồi hỗ Chẳng hồi hỗ, Uyển chuyển, Bàng tham, Xu cơ, Mật dụng, Chánh án và Bàng đề.

* Ngũ vị Chỉ quyết

A. Chánh trung lai là Thái quá: Toàn thân độc lộ, gốc nguồn của vạn pháp, chẳng lỗi lầm, chẳng hay giỏi.

B. Thiên trung chí là Trung phù: Tùy thuận theo vật mà không ngại, thuyền gỗ trống không, lưu thông tự tại.

C. Chánh trung thiên là Tốn: Hư không vỡ từng mảnh, chốn chốn viên thông, căn trần vắng lặng.

D. Thiên trung chánh tức Đoài: Trăng trong nước, cảnh trong gương vốn không sanh diệt, há có dấu tích sao?

E. Kiêm trung đáo tức Trùng ly: Chánh bất tất phải hư, Thiên bất tất phải thật, không thuận không nghịch.

Lại nữa:

a’. Tâm cơ bặt, sắc không tiêu, lại không che giấu, toàn thể lộ bày, đó là Chánh trung thiên.

b’. Núi là núi, sông là sông, không do người đặt tên, không có vật sánh được, đó là Thiên trung chánh.

c’. Sạch trơn trơn, bày lồ lộ, mặt mũi rõ ràng, cùng trời tận đất, độc tôn vô nhị, đó là Chánh trung lai.

d’. Giống như Thiên tử trong hoàn vũ, không nhờ vào lệnh của Võ, Thang, Nghiêu, Thuấn; mắt thấy tai nghe, chẳng nhờ vào tha lực. Tai chẳng đến bên âm thanh, âm thanh không bít lấp lỗ tai. Bên trong vừa chuyển thân, nơi trần chưa đặt hiệu, đó là Kiêm trung chí.

e’. Chẳng phải tâm, chẳng phải cảnh, chẳng phải sự, chẳng phải lý, xưa nay lìa danh tướng. Thiên chân bặt tánh tướng, đó là Kiêm trung đáo.

***

Nguyên Chơn dịch



[1] Biện Hoà: Người nước Lỗ, thời Xuân Thu. Tương truyền ông tìm được một viên ngọc quí ở Kinh Sơn, đem dâng cho Sở Lệ vương. Lệ vương sai thợ đến xem, người này nói là đá. Lệ vương buộc Biện Hòa tội khi quân, nên chặt chân trái của ông. Lệ vương băng, Vũ vương tức vị, Hòa lại dâng ngọc. Vũ vương bảo thợ đến xem, người này cũng cho là đá. Vũ vương cũng định Hòa tội dối vua, nên chặt chân phải của ông. Vũ vương băng, Văn vương lên ngôi, Hòa ôm ngọc khóc ở chân Kinh sơn. Văn vương nghe, sai thợ đến gọt giũa thì được viên ngọc quí (Hán Ngữ Đại Từ Điển).

[2] Phương ngoại hữu: Người bạn ngoài thế tục; tức Sa-môn kết bạn với người đời.

[3] Máy linh: Linh cơ, tức tâm ý linh thông, xảo diệu.

[4] Tứ cấm, Tam đọa: Bài kệ Tứ cấm và Ba loại đọa trong bộ Ngữ lục này.

[5] Đốt sừng tê ngưu: Tương truyền đốt sừng con Tê ngưu thì sẽ soi thấy tất cả mọi vật dưới biển. Ý nói xét biết rõ được những chỗ sâu kín (Hán Ngữ Đại Từ Điển).

[6] Năm tướng trùng li: (Xem trong Ngữ Lục này).

[7] Gọt bùn nơi chóp mũi: Tức câu chuyện người thợ tên Thạch, nước Sở thời  Xuân Thu, Trung Quốc ghi trong thiên Từ Vô Quỉ trong Trang Tử. Chuyện ghi rằng: “Có một người đất Dĩnh, trét một lớp đất sét trắng mỏng như cánh gián lên chóp mũi của mình, rồi bảo Thạch dùng búa gọt. Thạch vung búa vù vù gọt sạch lớp đất sét mà mũi của Thạch không bị tổn thương, người đất Dĩnh nọ cũng không thất sắc (Hán Ngữ Đại Từ Điển).

[8] Yên thạch: Một loại đá ở núi Yên giống như ngọc quí.

[9] Động thượng: Chỉ cho tông phái do ngài Lương Giới sáng lập, cũng gọi chung là tông Tào Động.

[10] Chánh mạng thực: Phương cách đúng chánh pháp mà tỳ-kheo dùng nuôi sống thân mạng, đó là khất thực.

[11] Ngũ vị: Tức Ngũ vị Chánh Thiên và Ngũ vị Công Huân, do ngài Động Sơn lập. Ngũ Vị Quân Thần do ngài Tào Sơn lập.

[12] Hương tượng: loài voi lớn có sức mạnh phi thường. Vốn chỉ cho loài voi trong thời kì giao phối. Trong thời kì này từ nơi voi phát ra mùi thơm và có sức mạnh vô cùng, không thể chế ngự.

[13] Tân Phong lão nhân: Ngài Động Sơn Lương Giới.

[14] Hướng hạ: Việc tiếp độ người học.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 22058)
Năng Đoạn Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, nguyên văn Sanskrit Devanagari hiện hành là: वज्रच्छेदिका नाम त्रिशतिका प्रज्ञापारमिता। Vajracchedikā nāma triśatikā prajñāpāramitā
(Xem: 15908)
Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán, Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch Từ Hán Sang Việt
(Xem: 14929)
Pháp Hoakinh tối thượng của Phật giáo Đại thừa bởi vì cấu trúc của kinh rất phức tạp, ý nghĩa sâu sắc có lẽ vượt ra ngoài tầm tư duysuy luận của con người bình thường.
(Xem: 18781)
Chắc chắn dù có khen ngợi thì cũng không đủ nêu lên chỗ cao đẹp; dù có bài bác thì cũng chỉ càng mở rộng chỗ ảo diệu luận mà thôi. Luận Vật bất thiên của ngài Tăng Triệu...
(Xem: 14343)
Một thời, Đức Phật và một nghìn hai trăm năm mươi đại chúng tì-kheo cùng trụ ở tinh xá Mỹ Xưng phu nhân của trưởng giả Tu-đạt, rừng cây của thái tử Kì-đà, nước Xá-vệ.
(Xem: 18496)
Luận Đại Trí Độ là một bộ luận lớn, bộ luận căn bản của Phật pháp, giảng giải bao quát nhiều vấn đề liên quan đến học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, các quy định thực tiễn, giới luật Tăng già;
(Xem: 14293)
Luận Đại Trí Độ là một bộ luận lớn, bộ luận căn bản của Phật pháp, giảng giải bao quát nhiều vấn đề liên quan đến học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, các quy định thực tiễn, giới luật Tăng già;
(Xem: 13450)
Luận Đại Trí Độ là một bộ luận lớn, bộ luận căn bản của Phật pháp, giảng giải bao quát nhiều vấn đề liên quan đến học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, các quy định thực tiễn, giới luật Tăng già;
(Xem: 13439)
Luận Đại Trí Độ là một bộ luận lớn, bộ luận căn bản của Phật pháp, giảng giải bao quát nhiều vấn đề liên quan đến học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, các quy định thực tiễn, giới luật Tăng già;
(Xem: 11718)
Luận Đại Trí Độ là một bộ luận lớn, bộ luận căn bản của Phật pháp, giảng giải bao quát nhiều vấn đề liên quan đến học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, các quy định thực tiễn, giới luật Tăng già;
(Xem: 13149)
Không khởi sinh cũng không hoại diệt, không thường hằng cũng không đứt đoạn. Không đồng nhất cũng không dị biệt, không từ đâu đến cũng không đi mất.
(Xem: 13568)
Do tánh Không nên các duyên tập khởi cấu thành vạn pháp, nhờ nhận thức được tánh Không, hành giả sẽ thấy rõ chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, cuộc đời là khổ.
(Xem: 13836)
công đức của Pháp tánh là không cùng tận, cho nên công đức của người ấy cũng giống như vậy, không có giới hạn.
(Xem: 13151)
Phật Thích Ca gọi cái pháp của Ngài truyền dạy là pháp bản trụ. Nói bản trụ nghĩa là xưa nay vốn sẵn có.
(Xem: 14915)
Thanh tịnh đạo có thể xem là bộ sách rất quý trong kho tàng văn học thế giới, không thể thiếu trong nguồn tài liệu Phật học bằng tiếng Việt.
(Xem: 16064)
Không và Hữu là hai giáo nghĩa được Đức Phật nói ra để phá trừ mê chấp của các đệ tử.
(Xem: 10986)
Đây là một bộ Đại Tạng đã được nhiều học giả và các nhà nghiên cứu về Phật Học chọn làm bộ Đại Tạng tiêu biểu so với những bộ khác như...
(Xem: 16313)
Đại Thừa Khởi Tín Luận là bộ luận quan trọng, giới thiệu một cách cô đọng và bao quát về triết học đại thừa.
(Xem: 11773)
Công trình biên soạn này trình bày một cách rõ ràng từ lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống triết học Trung Quán cho đến khởi nguyên, cấu trúc, sự phát triển...
(Xem: 17468)
Hiện nay tôi giảng Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn để cho quý vị biết dù rằng muôn pháp đều không, nhưng lý nhân quả rõ ràng, không sai một mảy, cũng không bao giờ hư hoại.
(Xem: 12792)
Tâm hiếu thuậntâm từ bi giống nhau, vì hiếu thuận của Phật pháp không giống như hiếu thuận của thế gian.
(Xem: 13581)
Đức Phật ra đời suốt bốn mươi năm trời thuyết pháp, có đến hơn tám vạn bốn ngàn pháp môn. Pháp môn chính là phương pháp mở cửa tuệ giác tâm linh.
(Xem: 12786)
Nếu có duyên mà thọ và đắc từ Chư Phật và Bồ Tát thì sự thành tựu giới thể rất là vượt bực.
(Xem: 14775)
Trì Giớithực hành những luật lệđức Phật đặt ra cho Phật tử xuất gia thi hành trong khi tu hành, và cho Phật tử tại gia áp dụng trong cuộc sống để có đời sống đạo đức và hưởng quả báo tốt đẹp;
(Xem: 16243)
Chỉ tự quán thân, thiện lực tự nhiên, chánh niệm tự nhiên, giải thoát tự nhiên, vì sao thế? Ví như có người tinh tấn trực tâm, được giải thoát chân chánh, người như thế chẳng cầu giải thoátgiải thoát tự đến.
(Xem: 13025)
Trong nước mỗi mỗi báu ấy đều có sáu mươi ức hoa sen thất bửu. Mỗi mỗi hoa sen tròn đều mười hai do tuần.
(Xem: 11998)
Đối với Phật giáo, các nguồn gốc của mọi hành vi tác hại, thí dụ như ham muốn, thù hận và cảm nhận sai lầm được coi như là cội rể cho mọi sự xung đột của con người.
(Xem: 12656)
Năm Giới Tân Tu là cái thấy của đạo Bụt về một nền Tâm LinhĐạo Đức Toàn Cầu, mà Phật tử chúng ta trong khi thực tập có thể chia sẻ với những truyền thống khác trên thế giới
(Xem: 12787)
Nếu có nghe kinh này thọ trì đọc tụng giảng thuyết tu hành như lời, Bồ Tát này đã là cúng dường chư Phật ba đời rồi.
(Xem: 12689)
Các học giả Tây phương quan niệm hệ thống giáo lý Phật giáo từ các bản Pali, Sanskrit là kinh “gốc” và kinh sau thời đức Phật là kinh phát triển để...
(Xem: 14026)
Ở đây, chúng tôi chỉ cố gắng ghi lại nghĩa Việt theo khả năng học hiểu về cổ ngữ Sanskrit.
(Xem: 14009)
Chánh pháp quý giá của các ngài soi sáng khắp nơi và tuôn xuống như mưa cam-lộ. Tiếng nói của các ngài vi diệu đệ nhất.
(Xem: 16354)
Đây là một bộ kinh rất có ý nghĩalợi lạc vô cùng nếu được thường xuyên tụng đọc, hoặc giảng giải huyền nghĩa đến mọi người tín tâm.
(Xem: 12289)
Cần ban cho luật diện tiền liền ban cho luật diện tiền, cần ban cho luật ức niệm liền ban cho luật ức niệm,
(Xem: 14287)
Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác ; Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo.
(Xem: 11176)
Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức, một là có, hai là không. Đây là hai quan niệm vướng mắc vào cái tri giác sai lầm.
(Xem: 10928)
Tâm bậc giác ngộ được nói là không còn bám trụ vào bất cứ gì trên đời (bất cứ đối tượng nào của thức)
(Xem: 13119)
Lời Phật dạy được thiết lập nhằm giới thiệu những lời dạy của Thế Tôn trong Kinh tạng Nikàya một cách ngắn gọn, nguyên thủy, dễ nhận thức...
(Xem: 13795)
Lời Phật dạy được thiết lập nhằm giới thiệu những lời dạy của Thế Tôn trong Kinh tạng Nikàya một cách ngắn gọn, nguyên thủy, dễ nhận thức
(Xem: 13062)
Lời Phật dạy được thiết lập nhằm giới thiệu những lời dạy của Thế Tôn trong Kinh tạng Nikàya một cách ngắn gọn, nguyên thủy, dễ nhận thức...
(Xem: 12896)
Thế Tôn đã giảng đời sống phạm hạnh chi tiếtrõ ràng, toàn hảo, hoàn toàn tinh khiết.
(Xem: 13406)
Người không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
(Xem: 12600)
Đức Phật trình bày các điều bất thiện đều bắt nguồn từ tham, sân, si còn điều thiện là do lòng không tham, không sân, không si dẫn tới.
(Xem: 10122)
Đây nói về công đức của Bồ-tát sơ phát tâm, là để phân biệt với những gì đã nói về Nhị thừa...
(Xem: 13811)
Từ ngàn xưa chư Phật ra đời nhằm một mục đíchgiáo hóa chúng sinh với lòng bi nguyện thắm thiết đều muốn cho tất cả thoát ly mọi cảnh giới phiền não khổ đau
(Xem: 10136)
Bát Nhãtrí tuệ, nhưng không giống như trí tuệ thế gian, cho nên thường gọi là Trí Tuệ Bát Nhã.
(Xem: 13594)
Chữ “Viên giác bồ tát” – Viên GiácGiác viên mãn. Từ trước đến đây, Phật đã nhiều lần chỉ dạy phương pháp tu hành để phá trừ Vô minhchứng nhập Viên giác.
(Xem: 16158)
Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thường được gọi đơn giảnphẩm Phổ Môn nghĩa là cánh cửa phổ biến, cánh cửa rộng mở cho mọi loài đi vào.
(Xem: 11868)
Pháp ấn là khuôn dấu của chánh pháp. Khuôn dấu chứng thực tính cách chính thống và đích thực. Giáo lý đích thực của Bụt thì phải mang ba dấu ấn chứng nhận đó.
(Xem: 12871)
Những lời Như Lai thuyết giảng trước các đại đệ tử năm nào cách đây hai mươi lăm thế kỷ hiện nay vẫn hiện tiền cho những ai có cái tâm kính cẩn lắng nghe.
(Xem: 11556)
Xuất sinh pháp Phật không gì hơn Hiển bày pháp giới là bậc nhất Kim cương khó hoại, câu nghĩa hợp Tất cả Thánh nhân không thể nhập.
(Xem: 12579)
Nơi tâm rộng, hơn hết Tột cùng không điên đảo Lợi ích chốn ý lạc Thừa nầy công đức đủ.
(Xem: 10697)
Giáo lý đạo Phật đặt nền tảng trên con người, lấy hạnh phúc con người làm trung tâm điểm để phát huy lý tưởng Bồ-tát đạo.
(Xem: 10886)
Kinh Duy Ma là một tác phẩmgiá trị về mặt văn học. Đó là một văn bản có giá trị giải tỏa mọi ức chế về mặt tư tưởng, giải phóng sự gò bó trói buộc...
(Xem: 10858)
Kinh Duy Ma là cái nôi của Đại thừa Phật giáo, kiến giải giáo lý theo chân tinh thần Đại thừa “Mang đạo vào đời làm sáng đẹp cho đời, mà không bị đời làm ô nhiễm”.
(Xem: 11805)
Duy-ma-cật sở thuyết còn có một tên khác nữa là Bất tư nghị giải thoát. Đó là tên kinh mà cũng là tông chỉ của kinh.
(Xem: 12656)
Bộ Kinh này trình bày cảnh giới chứng nhập của Bồ Tát, có nhiều huyền nghĩa sâu kín nhiệm mầu, cao siêu...
(Xem: 10978)
Đức Phật thuyết Kinh Kim Cang là để dạy cho chúng ta làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc, cảnh giới niết bàn.
(Xem: 12516)
Trong tập sách nầy gồm các bài giảng về giáo lý kinh Pháp Hoa cùng phân tích phẩm Tựa và phẩm Phương Tiện của kinh.
(Xem: 11230)
Tri kiến Phật là cái thấy biết không thuộc về kiến chấp ngã nơi thân, không thuộc về kiến chấp ngã nơi tâm (vọng tâm).
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant