Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
SA-DI VÀ SA-DI NI
LỄ THỌ GIỚI SA-DI
Nghi thức thọ giới này trích dịch trong quyển Yết-ma do ngài Đàm-đế, người Thiên Trúc dịch năm 254. Phần Hán văn được in kèm theo sau để tiện đối chiếu.
Nếu như người muốn được xuống tóc giữa chúng tăng ở nơi nào, phải thưa xin với hết thảy chúng tăng nơi ấy. Như chúng tăng chẳng hội lại một chỗ, phải đi đến từng người mà thưa rõ việc xin xuống tóc. Như chúng tăng đã hội lại đủ, phải thưa trước chúng tăng rồi sau mới được xuống tóc. Vị thầy đỡ đầu đứng trước đại chúng mà thưa như thế này:
Kính bạch chư đại đức tăng. Đệ tử đây tên là...(tên người xuống tóc) ..., đã xin với tôi là ...(tên vị thầy) ... cho được xuống tóc. Như đại đức tăng thấy đây là lúc thích hợp và ưng thuận, xin nhận cho đệ tử ...(tên người xuống tóc) ... xuống tóc.
Nếu như người muốn được xuất gia giữa chúng tăng ở nơi nào, phải thưa xin với hết thảy chúng tăng nơi ấy. Như chúng tăng chẳng hội lại một chỗ, phải đến từng nơi mà thưa rõ việc xin xuất gia. Như chúng tăng đã hội lại đủ, vị thầy đỡ đầu đứng trước mọi người mà bạch như thế này:
Kính bạch chư đại đức tăng. Đệ tử đây tên là...(tên người xuất gia) ..., đã xin với tôi là ...(tên vị thầy) ... cho được xuất gia. Như đại đức tăng thấy đây là lúc thích hợp và ưng thuận, xin nhận cho đệ tử ...(tên người xuất gia) ... xuất gia.
Bạch như vậy rồi, nếu chúng tăng ưng thuận cho xuất gia, thầy dạy đệ tử mặc áo cà-sa vào, vai bên phải để trần, lộ cánh tay mặt ra, lại cởi bỏ giày dép, quỳ bên gối phải sát đất, hai tay cung kính chắp lại. Rồi thầy dạy cho bạch như thế này:
Đệ tử tên là ... , nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, noi theo gương Phật xuất gia, xin thỉnh thầy ... (tên vị hòa thượng) làm hòa thượng, nhận đức Như Lai chân đẳng chánh giác là bậc Thế Tôn của đệ tử.
Lập lại như thế ba lần rồi, lại bạch tiếp như thế này:
Đệ tử tên là ... , nay đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng, noi theo gương Phật xuất gia, đã thỉnh thầy ... (tên vị hòa thượng) làm hòa thượng, nhận đức Như Lai chân đẳng chánh giác là bậc Thế Tôn của đệ tử.
Lại cũng lập lại như vậy ba lần. Rồi thầy giáo thọ mới tuyên đọc lần lượt mười giới của sa-di, cụ thể như sau:
1. Giới luật của sa-di là trọn đời không được sát sanh. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
2. Giới luật của sa-di là trọn đời không được trộm cắp. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
3. Giới luật của sa-di là trọn đời không được dâm dục. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
4. Giới luật của sa-di là trọn đời không được nói dối. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
5. Giới luật của sa-di là trọn đời không được uống rượu. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
6. Giới luật của sa-di là trọn đời không được dùng các thứ hoa, hương, dầu thơm để tô điểm thân thể. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
7. Giới luật của sa-di là trọn đời không được ca múa, hát nhạc, cũng không đến xem hoặc nghe người khác. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
8. Giới luật của sa-di là trọn đời không được nằm, ngồi trên giường ghế cao rộng. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
9. Giới luật của sa-di là trọn đời không được ăn trái giờ. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
10. Giới luật của sa-di là trọn đời không được cất giữ tiền, vàng bạc, vật quý giá. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
Đó là mười giới của sa-di, phải giữ trọn đời không được hủy phạm. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
Mọi việc đều đã hoàn tất, vị thầy dặn dò sa-di rằng:
Nay con đã thọ giới xong, nên cúng dường Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng. Phải chuyên cần tu tập cả ba nghiệp thân, miệng và ý, phải học ngồi thiền, tụng kinh, siêng làm hết thảy các việc trong chúng tăng.
(Đến đây là hết phần nghi thức thọ giới sa-di.)