Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
TỲ-KHEO VÀ TỲ-KHEO NI
LỄ THỌ GIỚI TỲ-KHEO
Bài này của phái Đàm-vô-đức-bộ, ngài Đàm-đế soạn năm 254 theo Dương lịch.
Trước hết, người xin thọ cụ túc giới đứng trước chư tăng mà thưa thỉnh hòa thượng rằng:
Kính bạch đại đức, xin một lòng thương tưởng đến tôi. Tôi tên là ... ... xin thỉnh đại đức làm hòa thượng. Xin đại đức vì tôi làm hòa thượng, tôi nhờ nương theo đại đức mà có thể thọ giới cụ túc. Xin đại đức lấy lòng từ bi thương xót tôi.
Thưa thỉnh như vậy ba lần. Như vị thầy nhận lời, sẽ nói là: “Tốt lắm, tôi nhận lời.”
Khi ấy, chúng tăng cho người muốn thọ giới lui ra, đến một chỗ chỉ có thể nhìn thấy nhưng không nghe được nơi giới đàn. Vị giới sư sẽ thưa hỏi trước đại chúng rằng:
Bạch chư đại đức, trong các vị đây, xin hỏi ai có thể vì đệ tử này mà nhận làm giáo thọ sư hay chăng?
Vị tỳ-kheo nào trong đại chúng nhận làm giáo thọ sẽ bước ra trả lời: “Tôi có thể nhận làm.”
Khi ấy, vị giới sư liền thưa trước chúng rằng :
Kính bạch chư đại đức tăng! Đệ tử đây tên là ...(tên người xin thọ giới) ... theo hòa thượng ...(tên vị hòa thượng đã nhận thỉnh) ... cầu thọ cụ túc giới. nếu chư tăng thấy đây là lúc thích hợp và ưng thuận, thì đại đức ... (tên vị đã nhận làm giáo thọ) sẽ làm giáo thọ.
Nếu đại chúng yên lặng tức là đã ưng thuận. Vị giáo thọ liền đến chỗ người xin thọ giới mà hỏi rằng:
Đây là ba tấm y an-đà-hội, uất-đa-la-tăng, tăng-già-lê, đây là bình bát. Những thứ này có phải là của ông hay chăng?
Người thọ giới đáp: “Thưa, đúng là của tôi.”
Vị giáo thọ dạy tiếp:
Ông nên nghe cho rõ đây. Giờ là lúc phải chí thành, lúc phải nói lên sự thật. Nay ta hỏi con, điều nào đúng thật, phải thưa là đúng thật, như có gì không thật, phải thưa là không thật.
Sau đó, vị giáo thọ lần lượt hỏi người xin thọ giới về các già nạn.
Ông có phạm vào biên tội không?
Ông có quan hệ không đúng đắn với tỳ-kheo ni không?
Ông có vì dụng ý xấu mà muốn xuất gia không?
Trước đây ông có theo ngoại đạo, xin thọ giới rồi trở lại theo ngoại đạo, nay đến xin thọ giới nữa hay không?
Ông có phải người đã thiến dương vật không?
Ông có phạm các tội giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp tăng... hay không?
Ông có phải hạng bán nam bán nữ không?
Ông tên là gì?
Hòa thượng của ông tên là gì?
Ông đã đủ hai mươi tuổi hay chưa?
Cha mẹ có đồng ý cho ông xuất gia hay không?
Ông có phải là người còn đang làm việc công, hoặc đang thiếu nợ hay không?
Ông có mắc các chứng bệnh nan y, bệnh tâm thần hay không?...
Người thọ giới phải lần lượt trả lời thông suốt từng câu hỏi trên. Nếu vướng phải một trong các vấn đề ấy thì không thể cho thọ giới. Thầy giáo thọ lại nói tiếp:
Những điều ta đã hỏi ông đây, chúng tăng rồi cũng sẽ hỏi lại như vậy. Ông lại phải như thật mà đáp không được sai khác.
Sau khi hỏi xong, thầy giáo thọ trở lại chỗ giới đàn, đứng thẳng người thưa với đại chúng rằng:
Kính bạch chư đại đức tăng! Đệ tử tên ... ... theo hòa thượng ... ... cầu thọ cụ túc giới. Nếu như đã phải lúc thích hợp, chư tăng đều ưng thuận, tôi vừa đến hỏi xong về các già nạn, xin cho phép đệ tử ấy vào đây để đại chúng xem xét.
Như đại chúng không có ai lên tiếng, tức là đã ưng thuận, thầy giáo thọ liền lớn tiếng gọi người xin thọ giới: “Hãy vào đây.”
Khi người xin thọ giới đã vào đến, liền dạy đưa y bát cho vị giới sư, rồi làm lễ hết thảy chúng tăng. Sau đó, đến trước vị giới sư mà cầu thọ giới như thế này:
Kính bạch chư đại đức tăng! Tôi theo hòa thượng ... ... cầu thọ cụ túc giới. Nay xin chúng tăng thuận cho tôi được thọ cụ túc giới, hòa thượng là ... ... Xin chúng tăng từ bi thương xót cho tôi được thọ giới.
Cầu xin như vậy đủ ba lần. Vị giới sư liền đứng ra thưa với đại chúng rằng:
Kính bạch chư đại đức tăng. Đệ tử tên ... ... đây theo hòa thượng ... ... cầu thọ cụ túc giới. Nay đối trước chúng tăng xin được thuận cho thọ cụ túc giới, hòa thượng là ... ... Nếu như đã phải lúc thích hợp, chư tăng đều ưng thuận, tôi xin hỏi đệ tử ... ... về các sự ngăn trở việc xuất gia.
Sau khi thưa trước đại chúng như vậy rồi, liền nói với người xin thọ giới rằng:
Ông nên nghe cho rõ đây. Giờ là lúc phải chí thành, lúc phải nói lên sự thật. Nay ta hỏi ông, điều nào đúng thật, phải nói là đúng thật, như có gì không thật, phải nói là không thật.
Sau đó, vị giới sư lập lại các câu hỏi mà thầy giáo thọ đã hỏi lúc nãy. Người xin thọ giới phải như thật trả lời thông suốt.
Nếu trả lời không có gì trở ngại, vị giới sư liền thưa trước đại chúng rằng:
Kính bạch chư đại đức tăng. Đệ tử tên ... ... đây theo hòa thượng ... ... cầu thọ cụ túc giới, nay xin với chúng tăng cho được thọ cụ túc giới, hòa thượng là ... ... Đệ tử tên ... ... tự nói là trong sạch, không có các sự ngăn trở việc xuất gia, đã đủ hai mươi tuổi, y bát đầy đủ. Nay xin chúng tăng cho đệ tử này thọ cụ túc giới. Trong chư đại đức tăng, vị nào ưng thuận xin lặng yên chấp nhận, vị nào không ưng thuận xin tùy tiện nói ra.
Vị giới sư lập lại như vậy đến ba lần. Nếu trong chúng tăng không có ai phản đối, tức là đã chuẩn thuận cho việc thọ cụ túc giới. Mọi việc cứ y theo như vậy tiến hành.
Vị giới sư nói tiếp với người xin thọ giới:
Ông hãy lắng nghe đây. Đức Như Lai Vô sở trước Chánh đẳng giác đã dạy bốn pháp ba-la-di. Nếu tỳ-kheo nào phạm vào thì không được nhận là tỳ-kheo nữa, không phải hàng đệ tử Phật. Ông hãy nghe cho rõ các pháp ấy.
1. Không được phạm vào sự dâm dục, làm chuyện không trong sạch. Nếu tỳ-kheo không giữ hạnh trong sạch, làm chuyện dâm dục, thậm chí với loài súc sanh, không còn là sa-môn, không phải là đệ tử Phật nữa. Như gạch đá đã bể nát ra, không thể nào hợp lại được nữa. Ông thọ giới này trọn đời không được phạm vào, có thể giữ được hay không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
2. Không được trộm cắp, cho dù là những món cỏ lá nhỏ nhặt. Nếu tỳ-kheo trộm lấy của người khác, hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác trộm lấy, tự mình chặt phá, hoặc sai bảo người khác chặt phá, hoặc chôn giấu, hoặc làm thay đổi màu sắc để cho đồ vật ấy trở thành của mình, không còn là sa-môn, không phải đệ tử Phật nữa. Như người đã bị cắt đứt đầu, không thể sống lại được. Ông thọ giới này trọn đời không được phạm vào, có thể giữ được hay không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
3. Không được cố ý đoạn dứt sanh mạng của bất cứ chúng sanh nào, cho đến loài nhỏ nhoi như sâu kiến cũng vậy. Nếu tỳ-kheo tự tay đoạn dứt sanh mạng của người, hoặc cầm dao bén đưa cho người khác, bảo người khác là nên chết, khen ngợi, khuyến khích sự chết, dùng thuốc độc, hoặc phá thai, hoặc thư ếm, nguyền rủa người ta cho chết, dù tự mình làm hoặc chỉ bảo sai khiến người khác làm đều không còn được xem là sa-môn, là đệ tử Phật nữa. Như cây đa-la, trong ruột cây đã bị cắt đứt thì không thể sống được nữa. Ông thọ giới này trọn đời không được phạm vào, có thể giữ được hay không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
4. Không được nói lời gian dối, sai sự thật, cho đến dù là lời nói chơi để đùa vui cũng không được. Nếu tỳ-kheo không chân thật, tự mình không có mà xưng là đã chứng đắc pháp cao thượng, được định, được Bốn không định, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán, lại nói có trời, rồng... đến cúng dường cho mình, như vậy không phải là sa-môn, không phải là đệ tử Phật nữa. Như cây kim may bị sứt mất đít kim, chẳng thể dùng lại được nữa. Ông thọ giới này trọn đời không được phạm vào, có thể giữ được hay không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Sau đó, sư Yết-ma dạy cho bốn điều để tỳ-kheo suốt đời nương theo, gọi là Tứ y pháp:
1. Người xuất gia trọn đời chỉ mặc y phục may từ những vải vụn đã bỏ đi mà chắp lại. Ông có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Tuy nhiên, nếu có ai cúng dường y phục mang nhuộm cho xấu đi thì có thể dùng được.
2. Người xuất gia trọn đời chỉ đi khất thực mà ăn. Ông có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Tuy nhiên, nếu có những dịp đặc biệt như chúng tăng cử đi thọ thực, thí chủ mang đến cúng dường, các ngày mùng 8, rằm, mùng một, hoặc thức ăn thường dùng của chúng tăng, hoặc thí chủ thỉnh đến cúng dường, có thể thọ nhận.
3. Người xuất gia trọn đời chỉ ngủ dưới gốc cây. Ông có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Tuy nhiên, nếu có ai cúng dường phòng riêng, phòng nhỏ, nhà đá, nhà hai phòng... thì có thể thọ nhận.
4. Người xuất gia trọn đời chỉ dùng những món đắng, hôi mà làm thuốc khi có bệnh. Ông có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Tuy nhiên, nếu có ai cúng dường sữa, dầu, sữa tươi, mật... thì có thể thọ nhận.
Cuối cùng, vị Yết-ma tuyên bố trước đại chúng rằng:
“Như vậy, ông đã được thọ cụ túc giới rồi, pháp yết-ma thọ giới như vậy đã thành tựu, được tốt đẹp, có hòa thượng, a-xà-lê đúng theo phép tắc, có chúng tăng chứng minh đầy đủ. Ông nên khéo thọ nhận giáo pháp, nên khuyến hóa việc làm phước, tu sửa tháp Phật, cúng dường chúng tăng. Hòa thượng và thầy giáo thọ dạy ông những gì đều đúng theo giáo pháp, phải một lòng vâng theo, không được trái lời... Hãy siêng năng học hỏi, tham thiền, tụng kinh, chuyên cần cầu phương tiện, ở trong pháp Phật được chứng đắc các quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Việc phát tâm xuất gia ban đầu của ông có như thế mới không uổng phí, được quả báo không cùng tận. Như có điều chi chưa hiểu, hãy thưa hỏi hòa thượng và thầy giáo thọ.”
(Nghi thức thọ Đại giới của tỳ-kheo đến đây là hoàn tất. Nên cho người thọ giới lui ra.)