- Phẩm Thứ Nhất: Bồ-Tát Được Thọ Ký
- Phẩm Thứ Hai: Cúng Dường Được Thọ Báo
- Phẩm Thứ Ba: Thọ Ký Bích-chi Phật
- Phẩm Thứ Tư: Bồ-Tát Ra Đời
- Phẩm Thứ Năm: Làm Ác Đọa Ngạ Quỷ
- Phẩm Thứ Sáu: Chư Thiên Cúng Dường
- Phẩm Thứ Bảy: Chư Phật Ra Đời
- Phẩm Thứ Tám: Các Vị Tỳ-Kheo Ni
- Phẩm Thứ Chín: Các Vị Thanh Văn
- Phẩm Thứ Mười: Các Nhân Duyên Khác
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
THỈNH PHẬT TỪ PHƯƠNG XA
Lúc ấy, Phật ở gần thành Vương-xá, trong khu rừng Trúc Lâm.
Bấy giờ về phía Nam, có người bà-la-môn tên là Mãn Hiền, giàu có, của cải tài vật nhiều vô kể. Người này tánh tình nhu thuận, hiền hậu, giàu
lòng thương người và rất chuộng việc bố thí. Ông tin và thờ phụng đức Tỳ-sa-môn, đã từng chu cấp, cúng dường cho cả trăm ngàn thầy ngoại đạo, hy vọng nhờ phước ấy mà được sinh lên cõi trời.
Lúc ấy, có một người họ hàng của Mãn Hiền từ thành Vương-xá đến. Ông này đã từng đến lễ Phật, nên ca tụng với Mãn Hiền về công đức của ngôi Tam
Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Ông nói rằng chính vua Tần-bà-sa-la ở thành Vương-xá cũng qui y theo Phật, và đến cả trăm ngàn người, gồm cả các vị đại thần, trưởng giả, quan thuộc... đều theo gương vua mà theo đạo Phật. Oai đức của Phật khiến cho tất cả mọi người không ai nghe đến mà không
hết lòng kính ngưỡng, tán thán.
Ông Mãn Hiền nghe người ấy xưng tụng công đức của Phật thì tự nhiên sinh lòng tin phục, kính ngưỡng. Ông liền lên trên lầu cao, quay mặt về phía thành Vương-xá, quỳ gối tung các thứ hương hoa, nước sạch lên và cầu thỉnh đức Phật rằng: “Như Lai công đức vô lượng, ngưỡng mong ngài thọ nhận những lễ cúng này, và khiến cho hương thơm bay tỏa khắp thành Vương-xá, hoa thơm hóa thành lọng hoa mà che trên đầu Phật.”
Phát nguyện như vậy rồi, liền thấy những hương hoa cúng Phật tự bay đến thành Vương-xá, khói hương bay tỏa khắp thành Vương-xá, còn hoa thơm thì tụ lại thành một lọng hoa bay đến che trên đầu Phật.
Khi ấy, tôn giả A-nan nhìn thấy sự thần biến như vậy liền thưa hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, chẳng hay những hương hoa này là từ đâu mà đến?”
Đức Thế Tôn đáp rằng: “A-nan! Về phía Nam, ở nước Kim Địa, có người trưởng giả tên là Mãn Hiền. Người ấy từ phương xa mà phát nguyện thỉnh
ta với chư tăng đến để cúng dường. Ta nhận lời thọ nhận lễ cúng, vậy chư tỳ-kheo hãy cùng nương thần lực của ta mà đi đến đó!”
Bấy giờ đức Phật và một ngàn vị tỳ-kheo cùng hiện về phương Nam. Nhờ thần lực của Phật, các vị đều thấy như chỉ gần trong gang tấc. Phật lại hiện thần lực khiến cho một ngàn vị tỳ-kheo đều ẩn hình đi không ai nhìn thấy, duy chỉ thấy một mình ngài ôm bát đến chỗ ông trưởng giả Mãn Hiền.
Bấy giờ ông Mãn Hiền biết Phật đã đến liền cùng với năm trăm người thuộc hạ ra nghênh tiếp, mang theo đủ các thứ thức ăn ngon quý để cúng dường. Ông nhìn thấy đức Thế Tôn với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang rạng ngời, sáng hơn cả trăm ngàn mặt trời, dáng đi uy nghi, thanh thoát, đủ vẻ trang nghiêm tốt đẹp, liền đến quỳ lạy dưới chân Phật, thưa rằng: “Lành thay! Nay đức Thế Tôn đã từ bi thương xót mà đến đây thọ nhận phẩm vật cúng dường của con.”
Phật bảo Mãn Hiền rằng: “Ngươi muốn cúng dường ta món chi, cùng với năm trăm thuộc hạ của ngươi nữa, hãy đặt hết thảy vào bình bát của ta đây!”
Mãn Hiền với năm trăm người thuộc hạ vâng lời dạy liền đặt các món thức ăn mang đến vào bình bát của Phật. Rất nhiều các thứ đồ ăn thức uống ngon quý, số dùng cho cả ngàn người, nhưng đặt mãi vào mà bình bát vẫn
không đầy.
Do thần lực của đức Thế Tôn, bình bát của một ngàn vị tỳ-kheo khi ấy đều được đầy đủ các món vật thực, rồi các ngài bỗng nhiên hiện hình ra đứng vây quanh đức Phật.
Chứng kiến phép mầu nhiệm ấy, ông trưởng giả Mãn Hiền khen là việc chưa từng có, liền lấy hết tâm thành mà lễ bái Phật, phát lời nguyện lớn rằng: “Với phước lành cúng dường vật thực cho Phật và chư tăng hôm nay, nguyện trong đời vị lai tôi sẽ vì những chúng sanh mù lòa mà hóa hiện làm cho mắt sáng, vì những chúng sanh chưa thọ pháp quy y mà giáo hóa cho quy y, vì những chúng sanh không người cứu hộ mà hóa thân cứu hộ cho, vì những chúng sanh chưa được an ổn mà làm cho an ổn, vì những chúng sanh chưa nhập Niết-bàn mà làm cho đều được nhập Niết-bàn.”
Khi ông phát nguyện như vậy rồi thì đức Thế Tôn liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc chiếu khắp thế giới, hóa hiện đủ các màu sắc, bay quanh Phật ba vòng rồi lại theo
chỗ trên trán Phật mà bay trở vào.
Khi ấy, A-nan bạch Phật rằng: “Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà
cười bao giờ. Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin giảng giải cho được biết.”
Phật bảo A-nan: “Ngươi có nhìn thấy trưởng giả Mãn Hiền đây cúng dường
ta chăng?” A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, con đã thấy.”
Phật nói: “Trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa, người này sẽ tu tập đủ các hạnh Bồ-tát, đầy đủ tâm đại bi, sáu phép ba-la-mật, sau cùng sẽ thành Phật, hiệu là Mãn Hiền, hóa độ chúng sanh số lượng nhiều không thể tính đếm. Vì nhân duyên ấy mà ta mỉm cười.”
Khi nghe Phật thuyết nhân duyên thành Phật về sau của ông trưởng giả Mãn Hiền, trong đại chúng có người được đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-La-hán. Lại có người phát tâm tu tập thành Bích-chi Phật, lại có người phát tâm vô thượng Bồ-đề.
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.