- Phẩm Thứ Nhất: Bồ-Tát Được Thọ Ký
- Phẩm Thứ Hai: Cúng Dường Được Thọ Báo
- Phẩm Thứ Ba: Thọ Ký Bích-chi Phật
- Phẩm Thứ Tư: Bồ-Tát Ra Đời
- Phẩm Thứ Năm: Làm Ác Đọa Ngạ Quỷ
- Phẩm Thứ Sáu: Chư Thiên Cúng Dường
- Phẩm Thứ Bảy: Chư Phật Ra Đời
- Phẩm Thứ Tám: Các Vị Tỳ-Kheo Ni
- Phẩm Thứ Chín: Các Vị Thanh Văn
- Phẩm Thứ Mười: Các Nhân Duyên Khác
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
PHẨM THỨ TƯ: BỒ-TÁT RA ĐỜI
VUA LIÊN HOA NGUYỆN HÓA LÀM CÁ
Lúc ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Bấy giờ vào mùa thu, có nhiều loại quả chín, Phật cùng với chư tỳ-kheo đi giáo
hóa trong các xóm làng, chỉ ăn toàn các thứ quả. Chư vị tỳ-kheo thảy đều tiêu hóa khó khăn, sinh ra lắm chứng bệnh khổ, chẳng thể ngồi thiền, niệm kinh hay tu học gì được cả.
Bấy giờ, ngài A-nan mới lễ Phật mà hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên phước báo gì mà Phật ăn uống hết thảy các món đều tiêu hóa tốt, chẳng sanh bệnh khổ trong thân bao giờ, nên dung mạo lúc nào cũng tươi
nhuận, đẹp đẽ?”
Phật liền bảo A-nan rằng: “A-nan! Ta nhớ lại những kiếp quá khứ, tu hạnh từ bi, thường dùng các loại thuốc men, thang dược mà bố thí cho chúng sanh. Nhờ nhân duyên ấy mà được quả báo không có bệnh, lại khi ăn uống
bất cứ món chi đều tiêu hóa tốt, chẳng sinh bệnh khổ.”
Khi ấy, ngài A-nan lại thưa hỏi tiếp: “Bạch Thế Tôn! Chẳng biết hạnh tu của Phật ngày trước đó là như thế nào? Xin đức Thế Tôn từ bi vì chúng con mà thuyết giảng cho nghe.”
Phật liền bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi nên chú ý lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói.
“Này chư tỳ-kheo! Về thuở quá khứ, nước Ba-la-nại có vị vua tên là Liên Hoa, trị nước theo chánh pháp, nhân dân an ổn, thịnh vượng, không có nạn đao binh, chinh chiến. Trong cõi nước của ngài, các loại trâu bò, voi ngựa, gia súc, thảy đều đông đúc. Xứ ấy lại có lắm thứ cây quả ngon ngọt, tươi tốt quanh năm. Khi ấy, nhân dân trong xứ do tham ăn quả cây
quá nhiều, không thể tiêu hóa được, sanh ra đủ chứng bệnh khổ, da dẻ vàng vọt, mới kéo nhau đến chỗ vua mà xin thuốc trị. Khi ấy, đức vua Liên Hoa thấy dân bệnh khổ thì sinh lòng đại bi, thương xót, mới triệu
tập các vị thầy thuốc lại để chế thuốc mà phân phát cho dân. Nhưng bệnh mỗi ngày một nhiều, việc trị liệu chẳng thể dứt được.
Vua Liên Hoa khi ấy mới gọi các vị thầy thuốc lại, khiển trách rằng: “Nay các ngươi lo lắng những việc chi khác mà không trị bệnh cho nhân dân, để mọi người phải đến chỗ ta mà cầu khẩn?” Các vị thầy thuốc mới tâu lên rằng: “Tâu đại vương! Thuốc men hiện nay không có, nên chẳng thể trị bệnh cho dân. Ngay như trong bọn chúng tôi đây, còn phải chịu bệnh
khổ, không có thuốc mà tự trị, huống gì trị bệnh cho người khác?”
Vua nghe như vậy lấy làm thất vọng, lòng thương dân vô hạn, mới hỏi các vị thầy thuốc rằng: “Nay các ngươi bảo thiếu thuốc, vậy là thiếu món chi?” Các thầy thuốc tâu rằng: “Cần có máu thịt của loài cá đỏ để làm thuốc. Mỗi người chúng tôi lâu nay đều ra công tìm kiếm, mà đến nay vẫn chưa có được. Chính vì vậy mà bệnh mỗi ngày một nhiều thêm, đã lắm người phải mất mạng rồi.”
Khi ấy vua Liên Hoa tự nghĩ rằng: “Loài cá đỏ này, câu lưới đều chẳng bắt được. Nay ta nên phát nguyện sanh ra làm thân cá ấy mà cứu độ bệnh
khổ cho nhân dân.”
Nghĩ như vậy rồi, liền triệu hết các vị đại thần và thái tử đến, nói rằng: “Nay ta đem việc nước mà giao phó lại cho tất cả các ngươi, cùng
nhau lo liệu. Phải khéo biết chăm lo cho dân, đừng làm việc chi sai trái.”
Nghe vua nói lời ấy, thái tử và các vị đại thần thảy đều kinh hãi, buồn thảm sầu khóc nói chẳng nên lời. Hồi lâu, mới có một vị đại thần tâu lên rằng: “Đại thần chúng tôi cùng với thái tử chẳng biết đã làm gì nên tội mà nay đại vương nói ra lời oán hận dường ấy?”
Vua Liên Hoa đáp rằng: “Ta chẳng thấy tất cả các ngươi có lỗi chi cả. Chỉ có điều là ngày nay trong nước nhân dân bệnh khổ, nhiều người đã phải mạng vong, cần có máu thịt của loài cá đỏ để trị liệu. Ý ta muốn bỏ thân mạng này để nguyện hóa sanh làm loài cá đỏ mà trị bệnh khổ cho nhân dân trong nước. Vì thế nên mới cho gọi thái tử với tất cả các ngươi đến đây mà giao phó việc nước.”
Bấy giờ, nghe lời ấy rồi, thái tử với các quan đại thần đều cầm lòng không được, ngửa mặt lên trời mà kêu khóc bi thảm, ôm chân vua khóc lóc nói rằng: “Hết thảy chúng tôi đây đều nương cậy vào lòng từ của đại vương che chở. Nhân dân an lạc, thịnh vượng lâu nay cũng nhờ ân đức đại vương. Cớ sao chỉ trong phút chốc, lại muốn bỏ mặc chúng tôi mà ra đi cho đành?”
Vua đáp rằng: “Việc ta làm ngày nay, cũng là vì tất cả nhân dân đó thôi. Sao các ngươi cố chấp không chịu hiểu cho?” Bấy giờ, thái tử và các vị
đại thần hết lời can ngăn, mà vua vẫn cương quyết không đổi ý.
Khi ấy, vua sắp sửa hương hoa lễ vật, lên lầu cao vọng lễ khắp bốn hướng, phát lời nguyện lớn rằng: “Tôi nay xả bỏ thân mạng này, nguyện được sanh vào dòng sông ở xứ Ba-la-nại, làm loài cá đỏ lớn. Người nào ăn thịt tôi thì đều trừ hết được các chứng bệnh khổ.” Phát nguyện xong rồi, liền tự gieo mình từ lầu cao xuống mà bỏ mạng. Quả nhiên, vua hóa sanh
nơi dòng sông làm loài cá đỏ rất lớn.
Bấy giờ, nhân dân nghe nói nơi sông ấy có loài cá đỏ lớn, liền rủ nhau
mang lưới, mang câu đi tìm đánh bắt. Ăn thịt cá ấy rồi, các thứ bệnh khổ liền được trừ hết. Còn loài cá ấy, cứ chết đi rồi thì lại cũng hóa sanh trở lại nơi sông ấy để cho người ta đánh bắt. Cứ như vậy trong 12 năm,
bố thí thân mạng cho chúng sanh mà không hề có chút mảy may hối hận. Qua 12 năm rồi, khi chết đi mới sinh lên cảnh trời Đao-lỵ.”
Phật lại bảo A-nan rằng: “Vua Liên Hoa thuở ấy, chính là ta ngày nay. Do nhân duyên xả bỏ thân mạng cứu độ chúng sanh, nên ngày nay được phước báo không chịu bệnh khổ, cho đến thành được quả Phật Bồ-đề mà cứu độ cho vô số chúng sanh.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.